SlideShare ist ein Scribd-Unternehmen logo
1 von 119
KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ (PHẦN 1) 
Pháp Sư Tịnh Không 
Mười năm về trước, ở các quốc gia trên toàn thế giới, chúng tôi giảng rất nhiều 
lần bộ kinh Vô Lượng Thọ, tính sơ đến nay cũng khoảng mười lần. Mỗi lần giảng 
giải đều không giống nhau. 
Lần này chúng tôi quyết định giảng lại do gần đây mở quyển kinh này ra, có rất 
nhiều khai thị mới lạ. Đại đức xưa thường nói: “cảnh giới tu tập mỗi năm không 
như nhau”, chúng tôi nghĩ phải đem những chỗ ngộ mới nêu ra để cùng chia sẻ 
với các đồng tu. 
Khởi giảng lần này, chúng tôi đặt trọng tâm ở “hành” và “chứng” dành cho phần 
lớn các đồng tu đã trải qua thời gian tu tập lâu dài, đều là lão tu, đều biết nhiều 
bộ kinh, và đều có “giáo, lý, hành, quả” mà nhà Phật gọi là “Giáo Kinh, Lý Kinh, 
Hành Kinh, Quả Kinh”. Văn tự của bộ kinh thuộc về “Giáo”. Lý luận đạo lý trong 
văn tự đã miêu thuật gọi là “Lý”. Nội dung dạy chúng ta làm thế nào để tu học, 
làm thế nào đem kinh luận thực tiễn áp dụng trong đời sống gọi là “Hành”. Hành 
giả tu hành đạt cảnh giới, đem cảnh giới của chính mình đối chiếu lại với kinh, ấn 
chứng xem những gì kinh điển dạy có giống với cuộc sống thường ngày hay 
không, từ cách nghĩ, cách nhìn đối với vũ trụ nhân sinh cho đến rất nhiều cách 
thức ứng xử với người, với vật, với việc, đó gọi là “Chứng”. 
Trong kinh có “giáo, lý, hành, quả”, chúng ta học tập có “tín, giải, hành, chứng”. 
Năm xưa khi giới thiệu bộ kinh này, mục tiêu của chúng tôi nghiêng nặng về “tín, 
giải”, hy vọng các vị đồng tu sau khi nghe có thể sinh khởi tín tâm, lý giải nghĩa 
thú. Còn lần này chúng tôi đặt trọng tâm vào “hành, chứng”. Làm thế nào để áp 
dụng mỗi chữ mỗi câu trong kinh vào ngay trong đời sống, công việc thường 
ngày, trong qua lại đối nhân xử thế, tiếp xúc mọi vật, học tập, như vậy sẽ rất có ý 
nghĩa, rất có lợi ích. Cho nên lần này giảng nói có vài điểm không giống trước. 
Đối với “giáo, lý”, chúng ta có thể tỉnh lược mà chuyên sâu nghiên cứu “hành 
pháp”. Chúng tôi đã giảng bộ kinh này trên phương diện giáo lý rất nhiều lần, có 
thu âm, ghi hình và phát hành rộng rãi. Lần này, chúng tôi sẽ tỉnh lược phần 
huyền nghĩa mà trực tiếp đi vào kinh văn, khởi giảng từ kinh văn. Tuy nhiên khi 
giảng kinh văn, chúng tôi không thể tỉnh lược đề mục, vẫn phải xem qua đề mục 
trước của quyển kinh. 
Bổn hội tập của lão cư sĩ Hạ là tổng hợp của bổn dịch đời Tống và bổn dịch đời 
Hán, sự hội tập này rất hoàn mỹ, hàm nhiếp đầy đủ viên mãn ý nghĩa của mười 
hai loại bản dịch kinh Vô Lượng Thọ. Không chỉ riêng mười hai loại bản dịch của 
kinh Vô Lượng Thọ, mà tất cả pháp Thế Tôn nói trong bốn mươi chín năm đều 
không rời khỏi đề kinh này. Đề kinh không khác gì cương lĩnh, đều bao hàm 
trong cương lĩnh. Thế Tôn nói pháp cũng vậy, mười phương ba đời tất cả Chư 
Phật Như Lai vì tất cả chúng sanh nói vô lượng vô biên pháp môn cũng không 
rời khỏi đề kinh này. Cho nên đề kinh thực chất là tổng cương lĩnh của Phật 
pháp đại viên mãn. Chúng ta từ đề kinh xây dựng tín tâm mà thể hội “tín, giải, 
hành, chứng” viên mãn.
ĐỀ KINH “PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM 
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH” 
Vì để dễ dàng giới thiệu, chúng tôi phân thành tám đoạn nhỏ. 
Thứ nhất là chữ “Phật” 
Chữ “Phật” là dịch âm từ tiếng Phạn Ấn Độ. Phật giáo truyền đến Trung Quốc 
vào triều nhà Hán. Thông qua đãi ngộ của quốc gia, cuộc phiên dịch với quy mô 
lớn được tiến hành một cách gian nan và tâm huyết. Tuy nhiên văn tự Trung 
Quốc thời đó có thể nói không nhiều, nhiều ý nghĩa trong kinh điển mà văn tự 
Trung Quốc không đủ để diễn đạt. Thế là bất đắc dĩ các vị tiền nhân phải tạo 
chữ. Vì để phiên dịch kinh Phật nên đã tạo ra rất nhiều chữ mới, chữ “Phật” cũng 
vì đó mà ra đời. 
Phật là người, cho nên bên cạnh chữ này thêm vào một nhân đứng, âm là Phật, 
đó là văn tự mới tạo. Chữ Phật thực tế là lược xưng của chữ “Phật Đà Da”. 
Người Trung Quốc thích đơn giản nên tỉnh lược âm đuôi, chỉ gọi riêng một chữ 
“Phật”, ý nghĩa là giác ngộ bao hàm “tự giác”, “giác tha”, và “giác hạnh viên 
mãn”. Hành giả học Phật phải học giác ngộ, giác mà không mê liền thành Phật. 
Bản thân tôi hai mươi sáu tuổi bắt đầu học Phật, tiếp xúc Phật pháp đến nay hơn 
bảy mươi tuổi. Không thể nói hoàn toàn không giác ngộ, mà là chút ít, hay nói 
cách khác, đối với thế gian cùng xuất thế gian pháp không quá mê hoặc. Không 
mê chính là không bị xoay chuyển. Người thông thường, sáu căn tiếp xúc với 
cảnh giới sáu trần sẽ khởi tâm động niệm, sinh tham sân si mạn, xem thấy đẹp, 
dễ nhìn, thích nghe, thích nhìn, đó chính là mê. Người giác ngộ đẹp xấu đều như 
nhau, tâm thanh tịnh là bình đẳng, vì sao đều như nhau? “Phàm hễ có tướng, 
đều là hư vọng”, đẹp mắt là hư vọng, không đẹp mắt vẫn là hư vọng, cho nên 
bình đẳng, tâm sẽ không bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển, đó chính là giác 
ngộ. 
Người học Phật mỗi giờ mỗi phút phải phản tỉnh, kiểm điểm chính mình chân 
thật có giác ngộ hay không? giác ngộ đến mức độ nào? Nếu nghe người khác 
tán thán thì sanh tâm hoan hỉ, nghe người khác hủy báng trong lòng liền khó 
chịu, như vậy vẫn là phàm phu, vẫn phải sinh tử luân hồi trong sáu cõi. Công 
phu chính ở tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, không luận thế pháp hay Phật pháp 
đều rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, như như bất động, vậy mới gọi là 
học Phật. 
Vào cửa Phật, bài khóa đầu tiên chính là tiếp xúc “Tam quy y”, được giảng giải 
rõ ràng tường tận, nhưng rốt cuộc chúng ta có quy hay không? Quy là quay đầu, 
chúng ta có quay đầu hay không? có nương tựa hay không? Nếu quy y trên hình 
thức, làm một nghi thức nhưng thực tế không quay đầu, không nương tựa, quy y 
như vậy là giả, “hữu danh vô thực”. Quy y Phật là giác không mê, quy y pháp là 
chánh không tà, quy y tăng là tịnh không nhiễm, ba điều này chúng ta đã làm 
được hay chưa? “Tam tự quy y” luôn được viết trên đề kinh, thế mới thấy được 
sự viên mãn của đề kinh. Sau khi tự giác mới có thể giác tha.
Giác tha thực tế tương đối không dễ dàng, nhưng vì sao phải “giác tha”? Một số 
vị đồng tu quan niệm mình chăm chỉ tu hành nhưng không đi giác tha, giáo hóa 
chúng sanh, độ người, họ đợi khi thành Phật rồi mới độ. Nếu có ý niệm này chắc 
chắn sẽ không thể thành Phật, vì sao? Tự giác phá phiền não chướng, giác tha 
phá sở tri chướng. Phá phiền não chướng thành được chánh giác, cảnh giới đó 
là địa vị của A La Hán, Bích Chi Phật, trong Viên Giáo gọi là Bồ Tát Thất Tín vị, 
Viên Giáo là Thất Tín trở xuống, trong Biệt Giáo gọi là Bồ Tát Tam Hiền, chưa 
đăng địa. Nếu không phát tâm giúp đỡ người khác sẽ không thể phá được sở tri 
chướng. Cho nên nếu muốn thành Phật nhất định phải phát tâm tự độ độ người, 
toàn tâm toàn lực giúp đỡ người khác học Phật, biết được bao nhiêu thì giúp 
người khác bấy nhiêu, nhất định không bỏn pháp, công đức lợi ích này liền được 
thù thắng, liền phá hai chướng. Sau khi đã phá hai chướng trở thành bồ tát, là 
Pháp Thân Đại Sĩ mà kinh Hoa Nghiêm đã nói, thì hành giả không những siêu 
việt sáu cõi mà siêu việt cả mười pháp giới, chứng được Pháp Giới Nhất Chân. 
Hay nói cách khác là trải qua đời sống của Pháp Thân Đại Sĩ Pháp Giới Nhất 
Chân. 
Tuy nhiên như thế vẫn chưa đạt đến cảnh giới tối thượng, chúng ta vẫn phải 
không ngừng “tự độ độ người”, cần phải phá hết vô minh chính là vọng tưởng. 
Đoạn được trong sạch vắng lặng, chúng ta liền giác mãn, thành tựu Phật quả 
cứu cánh viên mãn, “Phật” đây chính là chỉ đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Thích 
Ca Mâu Ni đích thực đã chứng được quả Phật cứu cánh viên mãn. Kinh này do 
ngài nói, chỉ có quả Phật cứu cánh viên mãn mới có năng lực tuyên dương đại 
pháp cứu cánh viên mãn, chúng ta đọc bộ kinh có thể lý giải sâu sắc điều đó. 
Không những Thích Ca Mâu Ni Phật mà mười phương ba đời tất cả Chư Phật 
Như Lai không vị Phật nào không tán thán Tịnh Độ. Cho nên chữ “Phật thuyết” 
của kinh Vô Lượng Thọ và chữ “Phật thuyết” trong các kinh khác không giống 
nhau. Trong các kinh khác, “Phật thuyết” chính là Thích Ca Mâu Ni Phật nói, còn 
“Phật thuyết” trong kinh này là tất cả mười phương ba đời chư Phật Như Lai thảy 
đều nói, cảnh giới không thể nghĩ bàn. Cho nên ý nghĩa chữ “Phật” ở đây đặc 
biệt vô cùng sâu rộng. 
Thứ hai là chữ “thuyết” 
Thuyết chính là thuyết pháp. Thời xưa “thuyết” và chữ “duyệt” của “hỉ duyệt” là 
một. Trong Luận Ngữ học, khi vừa mở đầu “học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt 
hồ”, chữ “duyệt” này thực tế là “thuyết”, ý nghĩa là duyệt của hỉ duyệt. Nói cách 
khác, người ưa thích thì ngài mới nói, không thích thì không nói. Phật lấy độ 
chúng sanh làm bản nguyện, xem thấy chúng sanh căn cơ chín muồi có thể tiếp 
nhận pháp môn, ngài hoan hỉ không gì bằng. 
Chúng ta bình lặng suy nghĩ thì có thể lý giải, đức Phật muốn giúp đỡ tất cả 
chúng sanh đều có thể cứu cánh viên mãn Phật. Trên thực tế tất cả chúng sanh 
vốn dĩ thành Phật, ý nghĩa trong hai chữ “thành Phật” này, chúng ta phải tường 
tận, phải thông suốt. Cái gì gọi là “thành Phật”? “Thành Phật” có gì tốt? Thành 
Phật hay không thành Phật không như nhau sao? Xin thưa, không thành Phật và 
thành Phật khác biệt nhau rất lớn. Không thành Phật, chúng ta có phiền não,
vọng tưởng, tai nạn, khổ, trên kinh Phật thường nói “sinh, lão, bệnh, tử khổ”, ba 
khổ tám khổ không cách gì rời khỏi. Sau khi học Phật rồi, chính là sau khi thành 
Phật, cái khổ này vĩnh viễn thoát ly, hết thảy khổ thế xuất thế gian đều xả bỏ, đây 
là ưu điểm của việc học Phật. 
Ngoài ra một ưu điểm nữa, khi chưa thành Phật, vũ trụ nhân sinh đối với chúng 
ta là một mảng mù tịt, không biết được gì, đó là khổ. Sau khi thành Phật, tận hư 
không khắp pháp giới, kết quả hiện tại vị lai, quá khứ khôn cùng vị lai vô tận, 
không thứ nào không tường tận, không có thứ nào không thông suốt. Cái thông 
suốt đó không phải do tưởng tượng, suy đoán. Thế gian hiện tại của chúng ta 
mấy năm gần đây rất nhiều tai nạn trong ngoài nước, nhiều sách dự ngôn cũng 
báo trước điều này. Chúng tôi đi dạo nhà sách thấy mười mấy loại sách nước 
ngoài dự đoán tương lai có những tai nạn gì. Những dự đoán này chưa chắc 
đúng bởi vì dự ngôn của họ đều từ số học mà suy đoán ra nên có thể tính sai. 
Trong khi đó Phật nói rất chuẩn xác vì ngài đã mắt thấy tai nghe. 
Phật ra đời vào ba nghìn năm trước, đã biết rõ như lòng bàn tay, giảng rõ ràng 
tường tận. Kinh Lăng Nghiêm nói tình hình xã hội hiện tại của chúng ta rất tỉ mỉ. 
Thời kỳ mạt pháp chính là thời đại này, sau hai ngàn năm trăm năm sau, thời đại 
này “đấu tranh kiên cố”, quốc gia đấu tranh quốc gia, các đoàn thể trong cùng xã 
hội đấu tranh, cá nhân đấu tranh cá nhân, vợ chồng cãi cọ bất hòa, không thể 
tránh khỏi đấu tranh, vậy đấu tranh ngày nay có gì lạ? Nếu không có đấu tranh, 
hóa ra lời Phật nói là sai? Xã hội này đi đâu cũng gặp hiện tượng đấu tranh, 
chẳng phải đức Phật đã thấy rõ ràng tường tận như vậy rồi nói lại với chúng ta. 
Hiện tại xã hội này “tà sư nói pháp như cát sông Hằng”, tà sư là người thế nào? 
Đó là ma tử ma tôn chuyên phá hoại chánh pháp. Loại người này rất nhiều, Phật 
dùng “cát sông Hằng” để thí dụ, ý nói tà sư thuyết pháp đầy rẫy. Chúng ta tiếp 
xúc chánh pháp, chân thật như kinh đã nói, vô lượng kiếp đến nay nhân duyên 
phước đức thiện căn chín muồi mới có thể gặp được chánh pháp, có thể tinh tấn 
không thoái chuyển, ngay trong đời này nhất định thành tựu. Thế nhưng người 
gặp được chánh pháp trong chúng ta thoái tâm khá nhiều, vì sao? Thiện căn, 
phước đức, nhân duyên không đầy đủ. Chỉ cần thiếu một trong ba điều kiện, họ 
liền thoái tâm. Muốn giữ đạo nghiệp không thoái chuyển thì phải đặc biệt đề cao 
cảnh giác, dù thiện căn phước đức hơi kém, vẫn không phải lo vì còn nhân 
duyên thù thắng. 
Đại sư Thiện Đạo trong Tứ Thiệp Sớ, tức chú giải của kinh Quán Vô Lượng Thọ, 
được lưu thông rộng rãi, chương Thượng phẩm thượng sanh ngài giảng rất hay, 
rằng người niệm Phật vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, bốn cõi ba bậc 
chín phẩm đều gặp duyên không như nhau. Câu nói này chúng ta quyết không 
nên khinh xuất xem lướt qua. Duyên vô cùng quan trọng, không ai giống ai, nếu 
duyên của chúng ta thù thắng, người có thiện căn phước đức đều có thể đạt đến 
thượng phẩm thượng sanh. Các đại đức xưa, phần lớn cho rằng thượng thượng 
phẩm vãng sanh đại khái đều là Bồ tát Thượng tam phẩm. Trung phẩm vãng 
sanh phải là A La Hán, Bích Chi Phật. Phàm phu vãng sanh chỉ ở hạ phẩm. Tuy
nhiên ngài Thiện Đạo lại không nói như vậy. Thiện Đạo nói, cùng với đại tiểu 
thánh, đại thánh chính là Bồ Tát, tiểu thánh chính là Thanh Văn, Duyên Giác, 
đều do duyên không như nhau, phàm phu chúng ta cũng có thể vãng sanh 
thượng thượng phẩm, vậy cái gì gọi là duyên? Đó là đọc kinh, niệm Phật mỗi 
ngày không gián đoạn. 
Vào đầu năm dân quốc, Trung quốc có một đạo tràng niệm Phật Linh Nham Sơn 
ở Tô Châu của Ấn tổ. Đạo tràng này là Phật thất suốt năm, mỗi ngày đều trì Phật 
thất, một năm ba trăm sáu mươi ngày không gián đoạn. Đây gọi là duyên. Một 
người bước vào niệm Phật đường niệm Phật một năm ba trăm sáu mươi ngày 
không gián đoạn, lòng chỉ nghĩ đến Phật, miệng niệm danh hiệu Phật, thử hỏi 
sao không thành Phật được? Tuy nhiên, giả sử có người nào đó niệm năm bảy 
danh hiệu Phật, lại rời khỏi niệm Phật đường, đến nơi khác, chuyển đổi, thoái 
tâm, nghe người này, người nọ liền thay đổi chủ ý, đấy chẳng phải là duyên 
không đồng nhau hay sao? 
Tham thiền học giáo cũng không ngoại lệ, pháp sư nghiên giáo, duyên đó cũng 
rất thù thắng. Chúng tôi đã nghĩ trong nhiều năm, đến hiện tại vẫn chưa thể 
thành sự thật. Vì vậy chúng tôi luôn mong có chí đồng đạo họp cùng hướng đến 
toàn thế giới tuyên dương Phật pháp Đại thừa, thành lập đoàn hoằng pháp. 
Pháp sư giảng kinh đều tham gia tổ chức này. Mỗi ngày nghiên cứu thảo luận, 
mỗi tối giảng kinh ở giảng tự, miệt mài một bộ kinh không xả bỏ, từng thiên từng 
thiên lặp lại giảng giải, không ngừng thâm nhập thì có lý nào lại không thành 
công? Từ trong giải môn được định, định khai trí tuệ. Thời xưa đại sư Thanh 
Lương ở Ngũ Đài Sơn chuyên giảng kinh Hoa Nghiêm, cả đời ngài đã giảng qua 
năm mươi bộ, người sau xem truyện ký vô cùng tâm đắc. Thử nghĩ xem, nếu 
chúng ta muốn học kinh Hoa Nghiêm, đến dưới tòa của ngài Thanh Lương để 
nghe đủ năm mươi bộ thì làm sao không thành tựu. 
Thế Tôn năm xưa đã nói “nhị thời giảng kinh”, Phật giảng kinh hai thời, hai thời 
là hai thời của Ấn Độ xưa. Ngày đêm của Ấn Độ là sáu thời: ngày ba thời, đêm 
ba thời. Ban ngày gồm Sơ nhật phân, Trung nhật phân, Hậu nhật phân. Ban 
đêm gồm Sơ dạ phân, Trung dạ phân, Hậu dạ phân. Vậy một thời là bốn giờ 
đồng hồ hiện tại của chúng ta, hai thời là tám giờ đồng hồ. Thích Ca Mâu Ni 
Phật giảng tám giờ đồng hồ mỗi ngày, trong lòng không hề vọng tưởng. Không 
còn vọng tưởng là duyên thù thắng. Cư Sĩ Lâm mỗi buổi tối giảng hai giờ đồng 
hồ, hai giờ đồng hồ tâm địa thanh tịnh nghe kinh nghe pháp, vẫn còn đến hai 
mươi hai giờ khởi vọng tưởng. Duyên như vậy vẫn chưa thù thắng. 
Vì sao ngày nay chúng ta tu hành mà không thể thành tựu? Vì sao tâm chúng ta 
dễ dàng bị dao động? Đạo lý chính ở chỗ này. Khoảng ba mươi năm trước, 
chúng tôi ở Đài Trung thân cận với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Lúc đó thư viện Từ 
Quang thành lập một giảng tòa Phật học Đại Chuyên, cư sĩ Thái Dinh Hoa của 
Malaysia là học sinh tốp đầu tiên. Giảng tòa Phật học Đại Chuyên khóa thứ nhất 
chỉ có bốn học sinh, cho nên chúng tôi rất quen thuộc với họ. Thế gian vô 
thường, cư sĩ Thái Dinh Hoa vừa qua đời cách đây một hai năm. Chúng tôi từng
thấy ông học ở trường, học Phật, tốt nghiệp, đến lúc ông về hưu, và lúc ông qua 
đời, vô thường đây đều đáng để chúng ta cảnh tỉnh. Phật giáo dạy chúng ta phải 
thành tựu quả Phật cứu cánh viên mãn, không dạy chúng ta làm A La Hán cũng 
không dạy chúng ta làm Bồ Tát. Căn tánh như vậy đi đâu mà tìm được. Thực tế 
căn tánh như vậy không phải không có, mà duyên không có. Rất nhiều năm, 
chúng tôi luôn hy vọng có được một thôn Di Đà, là cái duyên để chúng ta cùng 
tu, mỗi ngày niệm Phật, niệm không gián đoạn. Lão pháp sư Đế Nhàn cũng dạy 
cho người thợ vá nồi phương pháp đó, niệm mệt có thể nghỉ ngơi, rồi niệm tiếp. 
Chúng tôi ở Úc Châu có một đạo tràng nhỏ, gần đây đang mở Phật thất, có 
mười mấy đồng tu tham gia, bên cạnh niệm Phật đường hiện tại là nơi đi lại. 
Tương lai sẽ dời lối đi lại này, để khoảng đất trống làm nơi nghỉ ngơi. Niệm mệt 
thì nằm nghỉ, nghỉ khỏe rồi trở lại niệm Phật đường niệm tiếp. Nơi này đại khái 
có thể dung nạp được bốn mươi tám người. Chúng ta cung cấp nhân duyên, 
bốn mươi tám người này chọn phương pháp của Viễn Công ở Lô Sơn, ghi danh 
trọn đời vào niệm Phật đường. Viễn Công ở Lô Sơn ngày trước cũng vậy, ngài 
không xuống núi. 
Chúng ta cũng vậy, ở niệm Phật đường một lòng một dạ cầu vãng sanh thượng 
thượng phẩm. Chúng tôi dự định sẽ đặt là “Niệm Phật Đường Thượng Thượng 
Phẩm”, không cầu thượng trung phẩm, mà nhất định phải là Niệm Phật Thượng 
Thượng Phẩm, chỉ có bốn mươi tám người, chí đồng đạo họp. Vì để kiên định 
Tín-Nguyện, Niệm Phật Đường buổi tối giảng kinh, có thể liên tục giảng ba đến 
năm năm, sau đó không cần giảng nữa, mọi người thảy đều lý giải, đều tường 
tận, tất cả gốc nghi đều được nhổ hết, bốn mươi tám người đều thành Phật. 
Duyên thù thắng không gì sánh được. 
Hiện tại tôi đã nhiều tuổi, đã đến lúc phải vào niệm Phật đường. Tương lai đoàn 
hoằng pháp dành cho pháp sư trẻ phát tâm tận lực hoằng pháp lợi sinh. Khi sáu 
mươi hoặc bảy mươi tuổi về hưu theo chế độ “thất thập nhi chí sự” của Trung 
quốc xưa, chúng ta có thể thoái hưu, bước vào Niệm Phật Đường niệm Phật, tu 
tập cho chính mình. Có hai đạo tràng như vậy, giải - hành đều trọng mới có thể 
hưng vượng Phật pháp. Phật độ chúng sanh xem thấy chúng sanh duyên đã 
chín muồi, sanh khởi vô lượng tâm hoan hỉ, Phật làm tăng thượng duyên cho 
chúng ta, chúng ta phải phát ra tâm này. 
Công đức như thế nào là to lớn nhất, có ý nghĩa thù thắng nhất? Không gì hơn 
tổ chức đoàn hoằng pháp, xây Niệm Phật đường vãng sanh thượng thượng 
phẩm. Đại sư Ngẫu Ích trong “Di Đà Yếu Giải” khi giảng hai chữ “Phật Thuyết” có 
nói “Phật dĩ độ sanh vi hoài”, tức là cơ duyên chúng sanh thành Phật đã chín 
muồi. Cách nói của ngài người xưa không khẳng định như vậy. 
Cơ duyên chúng sanh thành Phật đã chín muồi, “vi thuyết nan tín chi pháp”, 
pháp môn Tịnh Độ là pháp khó tin. Giúp đỡ chúng sanh thành tựu Phật quả cứu 
cánh viên mãn, niềm hoan hỉ không thể hình dung được. Đại sư Ngẫu Ích nói rất 
chuẩn xác. Mười phương ba đời tất cả chư Phật Bồ Tát xem thấy người căn
tánh chín muồi, không ai không tuyên nói pháp môn này. Do đây mà biết, căn 
tánh không chín muồi, chưa chín muồi, hay chưa đủ tư cách làm Phật, có thể 
làm Bồ Tát, đức Phật liền tuyên nói các pháp môn đại thừa khác. Nếu xem thấy 
chúng sanh có tư cách làm A La Hán chứng quả Bích Chi Phật, Phật liền nói 
pháp môn Thanh Văn Duyên giác. Nếu thấp hơn nữa, xem thấy chúng sanh tình 
chấp còn quá nặng, tà kiến sâu, không thể thoát khỏi sáu cõi luân hồi, Phật liền 
giảng tiểu pháp Nhân Thiên, khuyên họ đời sau còn có thể được thân người, 
không đến nỗi đọa vào ba đường ác. Đức Phật đối với tất cả chúng sanh hết lời 
khuyên bảo, ứng cơ nói pháp, đó là “Phật thuyết”. 
Thứ ba là hai chữ “Đại Thừa” 
Tỷ dụ xe lớn. Thời xưa khoa học chưa phát triển, xe lớn nhất là xe ngựa, do bốn 
ngựa kéo, có thể chở mười người; xe nhỏ là xe dê, xe nai, chỉ chở được một 
người. Phật thí dụ Đại Thừa, Tiểu Thừa, tỷ dụ giáo học giúp đỡ chúng ta thành 
tựu đạt đến một giai đọan nào đó. Mục tiêu gần nhất là Tiểu thừa. Giúp thoát 
khỏi sáu cõi luân hồi là Tiểu Thừa. Hành trình xa hơn là Đại Thừa. Giúp chúng ta 
siêu việt mười pháp giới gọi là pháp Đại Thừa. Phương tiện giao thông hiện tại 
không như trước, phi cơ có thể chứa mấy trăm người, còn tàu thuyền càng 
không cần phải nói, dụng ý của nó là sự vận chuyển chúng sanh từ nơi phiền 
não sanh tử của cảnh giới này siêu việt đến bờ bên kia Bồ Đề Niết Bàn. 
Vậy quyển kinh này là pháp Đại thừa, không chỉ là Đại thừa như trong chú giải 
của đại đức xưa mà bộ kinh này là đại thừa ngay trong Đại thừa; không chỉ là 
Đại thừa ngay trong pháp Đại thừa mà còn là Nhất Thừa ngay trong pháp Nhất 
Thừa. Vậy pháp Nhất Thừa là gì? là pháp thành Phật. Thế Tôn vào những năm 
cuối giảng kinh Pháp Hoa trong hội Pháp Hoa, Ngài tuyên bố “chỉ có pháp nhất 
thừa, không hai cũng không ba”. Ngoài ra Phật phương tiện nói đó chân thật là 
bổn hoài của ngài. Ngài giáo hóa chúng sanh với tấm lòng chân thật bình đẳng 
rằng chỉ có pháp nhất thừa dạy chúng ta làm Phật, không làm Bồ Tát, A La Hán, 
mà nhất định phải làm Phật cứu cánh viên mãn ngay trong đời này. 
Vậy nói ba thừa là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, còn nói hai thừa là Tiểu thừa 
và Đại thừa đều do Phật phương tiện nói. Nghe cách nói này của Phật, đại sư 
Thanh Lương cảm ngộ, trong “Hoa Nghiêm Sớ Sao”, ngài nói “người học ba 
thừa, có nhân không quả”, cùng ý nghĩa như kinh Pháp Hoa, vì sao? Thành Phật 
mới là quả, không thành Phật thì không có quả, quả đó là giả, không phải thật. 
Cho nên người học ba thừa Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, có nhân không có 
quả. Do đó phải biết, quyển kinh này có nhân có quả, không gì bằng. Có mấy 
loại kinh có nhân có quả? Ngoài bộ kinh này còn có kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp 
Hoa, các kinh khác đều không có. Cho nên từ xưa đến nay các tổ sư đại đức 
dường như đều công nhận Hoa Nghiêm, Pháp Hoa là nhất thừa giáo, trên cả Đại 
thừa. Bên cạnh đó, kinh Phạm Võng cũng thuộc kinh Nhất thừa. Nhưng kinh Vô 
Lượng Thọ là Nhất thừa ngay trong Nhất thừa, vì sao? Kinh Hoa Nghiêm đến 
sau cùng, “mười đại nguyện vương cầu về Cực Lạc” mới viên mãn thành Phật. 
Trong khi đó quyển kinh Vô Lượng Thọ mỗi câu mỗi chữ đều nói Phật quả cứu 
cánh, Hoa Nghiêm quy về là quy về Vô Lượng Thọ. Thế mới nói, bộ kinh này
“nhất thừa ngay trong nhất thừa”, vô thượng thừa. Chúng ta may mắn gặp được 
kinh điển, không thể phủ định phước báu từ nhiều đời nhiều kiếp, cũng có thể 
khẳng định thiện căn phước đức nhân duyên trong vô lượng kiếp đã chín muồi. 
Một số người gặp kinh này vẫn không tin tưởng, vì sao? “Vì pháp khó tín”. Tuy 
nhiên nhiều người vừa tiếp xúc liền tin tưởng. 
Thích Ca Mâu Ni Phật luôn nói pháp khó tin, đích thực là như vậy. Khởi tín niệm 
Phật là nhân, mỗi niệm làm Phật là quả, “nhân như biển quả, quả tận nguồn 
nhân”, chân thật không thể nghĩ bàn, đó là ý nghĩa của đại thừa. Phật trong kinh 
thường nhắc nhở như trong Hoa Nghiêm, tất cả các pháp thế xuất thế gian “do 
tâm biến hiện, do thức hiện ra”, thức chính là tâm tưởng, lại nói “tất cả pháp từ 
tâm tưởng sanh”, mỗi ngày chúng ta tưởng Phật, quả báo của Phật liền hiện 
tiền. 
Lịch sử Trung Quốc có ghi chép, cuối đời Tống đầu nhà Nguyên, Triệu Mạnh 
Phủ là người nổi tiếng chữ viết đẹp, hiện tại thiệp chữ của ông vẫn rất phổ biến. 
Ông giỏi vẽ ngựa, ưa thích vẽ ngựa, ông thường đi quan sát hình thái động tác 
của ngựa, trong lòng mỗi ngày đều nghĩ đến chúng. Một hôm ngủ trưa, ông nằm 
mộng nghĩ đến ngựa, đó là lúc tập trung toàn bộ tinh thần. Thời gian ngủ tương 
đối dài nên vợ ông đến gọi ông dậy. Vừa kéo mùng ra, bà vợ thất kinh hồn vía la 
lên khi nhìn thấy một con ngựa nằm trên gường. Nghe tiếng hét, ông bừng tỉnh 
dậy ngơ ngác không hiểu chuyện gì. 
Trong lòng nghĩ đến ngựa nên biến thành ngựa, chẳng lẽ nghĩ đến Phật thì 
không biến thành Phật được sao? Rõ ràng có đạo lý. Cho nên các vị đồng tu nên 
ghi nhớ, nghĩ đến Bồ tát thì liền biến thành Bồ tát, nghĩ đến quỷ thì biến thành 
quỷ, nghĩ đến địa ngục thì biến thành địa ngục, nghĩ thứ gì sẽ biến thành thứ đó. 
Phật quá rõ ràng đối với chân tướng sự thật và đạo lý này, dạy chúng ta tưởng 
Phật “nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền tương lai, quyết định thấy Phật”. Chúng ta 
thường mỗi ngày từ sớm đến tối khởi vọng tưởng, không nghĩ đến Phật, vậy từ 
đây, hãy chân thật cảm nhận rằng hình thành một Niệm Phật Đường đúng pháp 
là điều rất cần thiết. Một Niệm Phật Đường chân chính đúng pháp quan trọng 
hơn bất cứ thứ gì. Niệm Phật Đường chính là trường tuyển Phật, đến nơi đó để 
làm Phật. Đó là nội dung “Đại thừa”, ý nghĩa của Nhất Phật Thừa. 
Thứ tư là chữ “Vô Lượng Thọ” 
“Vô Lượng Thọ”, tiếng Phạn gọi là A Di Đà, ý nghĩa này Phật cũng đã nói trên 
kinh Di Đà. “A Di Đà” dịch thành Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ. Bổn ý của 
tiếng Phạn, “A” dịch thành ý của Trung Quốc chính là Vô, “Di Đà” dịch là Lượng, 
bổn ý chính là Vô Lượng. Cái gì là vô lượng? Tất cả đều vô lượng, không có thứ 
nào không vô lượng, trí tuệ vô lượng, đức năng vô lượng, tài nghệ vô lượng, 
phước báu cũng vô lượng. Ngày nay mọi người đều muốn phát tài, tài bảo vô 
lượng, không có thứ nào không vô lượng. Nói một cách hơi thô thiển, một lỗ 
chân lông vô lượng, một bụi trần cũng vô lượng. Tất cả chư Phật Như Lai ở trên 
đầu sợi tóc giảng kinh nói pháp, đoạn tóc không phình to, chư Phật Bồ tát cũng 
không thu nhỏ. Đây hoàn toàn là cảnh giới “sự lý vô ngại, sự sự vô ngại” của
kinh Hoa Nghiêm, không một pháp nào là không vô lượng, tất cả pháp đều là 
toàn thể tận hư không khắp pháp giới. Quyển kinh Vô Lượng Thọ là thu nhỏ, là 
tinh hoa của Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm đã nói “Lục tướng Thập Huyền”, quyển 
kinh Vô Lượng Thọ này cũng là “Lục tướng Thập Huyền”. Hơn nữa, mỗi câu mỗi 
chữ trong kinh đều viên mãn đầy đủ “Lục tướng Thập Huyền”, người xưa gọi là 
“Hoa Nghiêm quyển trung” không phải không có đạo lý. 
Để dễ hiểu, Thế Tôn nêu ra hai loại: Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang biểu đạt 
tất cả đều vô lượng. “Quang” là ánh sáng chiếu khắp hư không pháp giới, ánh 
sáng của Phật chiếu khắp nơi nơi. Thế nên hiện tại chúng ta gọi là không gian. 
Quang Minh biểu đạt không gian. Thọ Mạng biểu đạt thời gian, gồm quá khứ, 
hiện tại, vị lai. Nếu họp Thời - Không lại, chính là toàn thể vũ trụ chứa vạn sự 
vạn vật trong nó, không có thứ nào trót lọt. Phật dùng hai ý này để giải thích Vô 
Lượng, lược nói cũng rất viên mãn. Vậy chúng ta tỉ mỉ nghĩ thử, người hiện tại 
nói Thời Không, Phật nói Quang Thọ, ý nghĩa Quang Thọ tốt hơn Thời Không 
không? Trong Quang Thọ có linh khí; Thời Không hoàn toàn biến thành vật chất, 
không có linh tánh. Quang Thọ có linh tánh còn viên mãn hơn rất nhiều so với 
hai chữ Thời Không. 
Ngay trong đức năng vô lượng mà người xưa nhắc nhở chúng ta, thực tế là 
trong tất cả vô lượng, Thọ chiếm vị trí thứ nhất. Việc này chúng ta có thể lý giải, 
nếu tất cả vô lượng chúng ta đều có được nhưng thọ mạng không có, chẳng 
phải là một mảng không hay sao? Thọ dụng gì chúng ta cũng không có, cho nên 
ngay trong tất cả vô lượng, thọ mạng là thứ nhất. Do đó, mới dùng “Vô Lượng 
Thọ” để giải thích A Di Đà. 
Thế giới Tây Phương Cực Lạc có vị đạo sư vĩ đại, đức hiệu là A Di Đà Phật, 
nguyện hạnh từ nhân địa mãi đến thành tựu được quả vị, sau khi thành tựu sự 
nghiệp, ngài đã triển khai mở rộng, giúp đỡ tất cả chúng sanh tận hư không khắp 
pháp giới ngay trong một đời viên mãn thành Phật. Việc này không thể nghĩ bàn, 
đó là vô lượng của vô lượng, hành giả phải tỉ mỉ thể hội mới có thể được một, 
được hai, hay được vài phần. Thọ dụng của chúng ta là vô cùng vô tận. Thọ 
dụng biểu hiện ở chỗ nào? Biểu hiện ở ngay “Tín, Nguyện, Hạnh” của chúng ta, 
tin sâu không nghi, tuyệt đối không bị dao động, thiết nguyện nguyện lực kiên 
cường, cũng không có bất cứ thứ gì có thể mê hoặc, được như vậy là “Tín, 
Nguyện, Hạnh” của chúng ta đã thành tựu. 
Thứ năm là chữ “Trang Nghiêm” 
“Trang Nghiêm” nếu dùng ngôn ngữ hiện tại mà nói là tốt đẹp, tốt đẹp đến tột 
cùng. Bổn kinh đọc đến “Nhất Hướng Chuyên Chí, Trang Nghiêm Diệu Độ”. Diệu 
Độ là gì? Người thông thường nghe có thể hiểu đó là thế giới Tây Phương Cực 
Lạc, hiểu như thế chỉ đúng một nửa, còn một nửa ở đâu? Hoàn cảnh cư trú hiện 
tại của chúng ta chính là Diệu Độ. Khi chúng ta vừa chuyển đổi cảnh giới, thì nơi 
này chính là Diệu Độ, tuy không phải là Diệu Độ chân thật nhưng cũng gần 
giống.
Đại sư Thiên Thai nói Lục tức, Tương tợ tức, Phần chứng tức, đến thế giới Tây 
Phương Cực Lạc là Diệu Độ cứu cánh. “Nhất hướng chuyên chí”, chỉ cần chúng 
ta làm đến được “nhất hướng chuyên chí”, cõi hiện tại này liền biến thành Tịnh 
Độ hay Diệu Độ. “Cảnh tùy tâm chuyển”, nếu thể hội được ý này sẽ liền có thể 
tưởng tượng ra. 
Vào thời đại Đông Tấn, đại sư Viễn Công ở Lô sơn Giang Tây xây dựng Niệm 
Phật đường Đông Lâm. Ngay lúc đó, nhiều người niệm Phật tu hành, nơi đó của 
họ chính là Diệu độ, vì sao? Vì mỗi người bước vào đều “nhất hướng chuyên 
chí”. 
Quyển kinh Vô Lượng Thọ giảng phương pháp tu hành, cương lĩnh tu hành “một 
lòng chuyên niệm A Di Đà Phật, phát tâm Bồ Đề”. Hoàn cảnh của hành giả chính 
là Diệu độ, chính là Tịnh Độ. Các đại đức xưa đã nói “tâm tịnh thời cõi nước 
tịnh”. Ở đạo tràng này, người người tâm thanh tịnh, người người đều nhớ Phật 
niệm Phật. Đạo tràng như vậy làm sao không thành Tịnh Độ được? Trang 
nghiêm thù thắng trùng trùng, nghìn trùng tướng lạ tự nhiên hiện tiền, cảm ứng 
không thể nghĩ bàn. 
Lại nói đến “cõi Cực Lạc kia, công đức vô lượng, đầy đủ trang nghiêm”. Câu nói 
này hiển nhiên là tán thán thế giới Tây Phương Cực Lạc, vì sao? Mười phương 
bao gồm tất cả cõi nước những chúng sanh trong đó. Người niệm Phật vãng 
sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, mỗi người đều tâm thanh tịnh, đều nhớ 
Phật niệm Phật. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là một đạo tràng lớn, chúng ta 
cũng có thể tưởng tượng. 
Trong kinh này, Thích Ca Mâu Ni Phật tán thán A Di Đà Phật “Quang trung cực 
tôn, Phật trung chi vương”. Thích Ca Mâu Ni Phật đại biểu cho hết thảy chư Phật 
tán thán như vậy, không vị Phật nào không tán thán A Di Đà Phật là “Quang 
trung cực tôn, Phật trung chi vương”, dựa vào cái gì? Dựa vào thế giới của ngài. 
Tất cả những người vãng sanh đến Tây Phương Cực Lạc không có người nào 
tâm địa ô nhiễm, mỗi mỗi đều thanh tịnh. Việc này trong mười phương cõi nước 
chư Phật không tìm ra được. Mười phương cõi Phật đương nhiên rất trang 
nghiêm thanh tịnh, nhưng trong đó ít nhiều vẫn còn mấy người khởi vọng tưởng, 
tuy chiếm số ít. Thế giới Ta Bà của chúng ta, chúng sanh phiền não chiếm đa số. 
Một vạn người thì có đến chín ngàn chín trăm chín mươi chín người đang khởi 
vọng tưởng. Sai biệt lớn đó là uế độ. Có những thế giới, chúng sanh ở đó một 
nửa tâm địa thanh tịnh, và một nửa tâm không thanh tịnh. 
Tịnh Độ, tâm địa thanh tịnh chiếm đa số, khoảng 80%, 90%, vẫn còn 10 đến 
20%, tâm không thanh tịnh, làm sao giống được thế giới Tây Phương Cực Lạc 
thanh tịnh 100%. Các vị đồng tu phải ghi nhớ, tâm không thanh tịnh không thể 
sanh Tịnh Độ. Không phải cứ niệm Phật thì nhất định sẽ sanh Tịnh Độ. Niệm 
mười vạn danh Phật hiệu nhưng trong lòng vọng tưởng không ngừng, người 
xưa nói “đau mồm rát họng chỉ uổng công”. Tâm địa thanh tịnh, một ngày chỉ 
niệm mười danh hiệu, hai mươi danh hiệu cũng thành tựu.
Người xưa đề xướng “Pháp mười niệm”. Chúng tôi khuyên các vị đồng tu pháp 
mười niệm còn đơn giản hơn. Một lần là mười câu “A Di Đà Phật” liên tục niệm 
mười danh hiệu. Trong thời gian ngắn ngủi này, một vọng niệm cũng không thể 
xen lọt vào. Niệm này gọi là “tịnh niệm”, không xen tạp. Niệm nhiều sẽ khởi vọng 
tưởng. Mười câu niệm không khởi vọng tưởng, đó chính là tịnh niệm. Mỗi ngày 
niệm chín lần, không bỏ ngày nào, đó gọi là “liên tục”, phù hợp với kinh đã nói 
“tịnh niệm tương tục”. Rất nhiều đồng tu dùng phương pháp chúng tôi khuyên 
công nhận đã có hiệu quả. Hy vọng một ngày ít nhất chín lần, càng nhiều đương 
nhiên sẽ càng tốt. Đây là phương pháp dễ dàng nhiếp tâm. Thù thắng của Tây 
Phương Cực Lạc chính là được A Di Đà Phật tiếp dẫn. Thế giới A Di Đà Phật 
hoan nghênh mọi người di dân đến định cư. Thế nhưng điều kiện để di dân là 
tâm thanh tịnh. Dùng bất cứ phương pháp gì đạt đến tâm thanh tịnh đều được, 
niệm Phật cũng được, tham thiền cũng được, học giáo cũng được, trì chú cũng 
được. 
Ba bậc vãng sanh của người niệm Phật là Thượng Trung Hạ. Người tu học các 
pháp môn Đại thừa khác tu đến tâm địa thanh tịnh, phát nguyện vãng sanh, đều 
có thể đi. Cửa A Di Đà Phật mở rộng, tuyệt nhiên không nói người không niệm A 
Di Đà Phật thì không được rước, không hề có đạo lý này. Chỉ cần tâm địa thanh 
tịnh, tùy tiện tu bất cứ pháp môn nào, thảy đều được cả, đều có thể vãng sanh. 
Tôi từng dự luận đàn ở Úc Châu, đại chúng trong luận đàn tổng cộng mười bốn 
đoàn thể tôn giáo, gồm Phật giáo, Đạo giáo, Ki Tô giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi 
giáo, Do Thái giáo,… Tôi nói với họ: “không luận các vị tu học tôn giáo nào, chỉ 
cần tu đến tâm thanh tịnh phát nguyện vãng sanh, A Di Đà Phật thảy đều tiếp 
dẫn”. Phật pháp bình đẳng, không kỳ thị chủng tộc, tôn giáo. A Di Đà Phật rất 
hoan nghênh, không luận chúng ta tu pháp môn nào, không luận chúng ta tín 
ngưỡng tôn giáo nào, chỉ cần tu tâm địa thanh tịnh phát nguyện cầu vãng sanh, 
A Di Đà Phật đều sẽ đến tiếp dẫn. Pháp môn này rất tuyệt vời, không có bài xích 
tu học tông phái khác nhau, vậy mới gọi là thật trang nghiêm. Cho nên thế giới 
Tây Phương Cực Lạc trang nghiêm thù thắng không gì bằng. 
“Đại Thừa” “Vô Lượng Thọ” “Trang Nghiêm” đều là tánh đức của chúng ta, đức 
năng tự tánh vốn đủ, là quả báo chúng ta mong cầu. Mục đích học Phật ở đâu? 
chính là phải đạt được “Đại Thừa, Vô Lượng Thọ, Trang Nghiêm”. Vậy phải làm 
thế nào có thể đạt được? Đề kinh phía sau đưa ra phương pháp. 
Phần trước đã nói, muốn ngay đời này đạt được “Vô Lượng Thọ” được hay 
không? Được, ngay đời này của chúng ta là Vô Lượng Thọ, đời này nhất định 
không chết. Chết rồi sao còn có thể gọi là trường thọ. Tịnh Tông thù thắng nhất 
là không chết. Nếu tu tốt, ngay cuộc sống thường ngày phải chân thật sám hối 
tiêu nghiệp chướng. Bằng không đó chính là chướng ngại. Phiền não là chướng 
ngại, lo lắng là chướng ngại, vướng bận là chướng ngại, bệnh khổ là chướng 
ngại. Tiêu trừ chướng ngại chính là tiêu nghiệp chướng, buông bỏ hết thảy, mỗi 
giờ mỗi phút phải giữ gìn tâm thanh tịnh của chính mình.
Thứ sáu là chữ “Thanh tịnh” 
Thanh tịnh là không ô nhiễm, trong khi đó “bình đẳng” là không phân biệt. Còn 
phân biệt thì không còn bình đẳng, còn tốt xấu là không còn thanh tịnh. Cái này 
ưa thích, cái kia chán ghét, như vậy chúng ta đã bị ô nhiễm, nhất định có 
chướng ngại. Vì sao một số người niệm Phật vãng sanh không bị bệnh, biết 
được lúc nào đi, dường như đã có hẹn với Phật, hẹn xong cứ thế đứng mà đi, 
ngồi mà đi, an nhiên tự tại? Ngày trước chúng tôi ở Đài Loan, lão hòa thượng 
Đạo Nguyên kể cho chúng tôi một câu chuyện vãng sanh có thật. Chúng tôi 
không còn nhớ tên người đó, nhưng họ niệm Phật trước khi vãng sanh còn nói 
với mọi người rằng: “Các vị đã bao giờ thấy hoặc nghe nói việc ngồi vãng sanh 
chưa?” Mọi người trả lời có. Ông hỏi tiếp: “Các vị đã bao giờ thấy hoặc nghe nói 
việc đứng vãng sanh chưa?”. Mọi người cũng trả lời có. Ngay lúc đó, ông liền 
búng người một cái, đầu chúc xuống, chân hướng lên trên, rồi vãng sanh. Xem, 
việc vãng sanh đó mới đẹp làm sao, rất tự tại. Vì sao ông có thể làm được? Vì 
tâm ông thanh tịnh, không chút ô nhiễm. Ông tự tại ngay trong cuộc sống thường 
ngày, vãng sanh cũng tự tại, tự tại trong tất cả. Ông ấy sống mà ra đi, đi đến nơi 
không chết, hoàn toàn không chết. Thân này không cần nữa thì đổi lấy thân của 
Phật, làm gì có chuyện chết. 
Không chút đau khổ, hoàn toàn an vui tự tại, đổi một thân thể thù thắng hơn rất 
nhiều so với thân thể hiện tại này. Kinh nói rõ, người thế giới Tây Phương Cực 
Lạc “thân thanh khiết, thể không hoại”, thân thể đó là tùy tâm sở cầu, biến hóa 
khôn cùng tận như Thế Tôn đã nói trên kinh “ngàn trăm ức hóa thân”. Thích Ca 
Mâu Ni Phật ngàn trăm ức hóa thân, người vãng sanh đến thế giới Tây Phương 
Cực Lạc, cho dù phàm thánh đồng cư độ hạ hạ phẩm vãng sanh đều có năng 
lực như Thích Ca Mâu Ni Phật, “ngàn trăm ức hóa thân”. Có như thế, chúng ta 
mới có thể đồng thời cúng dường vô lượng vô biên chư Phật, đồng thời nghe vô 
lượng vô biên chư Phật giảng kinh thuyết pháp. Ngày nay chúng ta tu học khổ 
cực, cả đời một vài bộ kinh cũng không cách gì thông, nhưng khi đến thế giới 
Tây Phương Cực Lạc, một giờ ở đó chúng ta học được hơn rất nhiều. Cõi này, 
chúng ta học mười vạn năm cũng chưa được, nhưng ở thế giời Tây Phương 
Cực Lạc, một giờ đồng hồ, chúng ta được nghe mười phương ba đời tất cả chư 
Phật Như Lai giảng kinh thuyết pháp, thù thắng không gì bằng. 
Cho nên muốn khai đại trí tuệ cứu cánh viên mãn thì phải vãng sanh. Không cầu 
vãng sanh không thể được. Không vãng sanh mà chỉ muốn dựa vào tu hành của 
chính mình, dù tu đến đoạn kiến tư phiền não, thoát khỏi ba cõi, phá tiếp trần sa 
vô minh, vượt mười pháp giới, cũng rất gian nan, khổ sở, không dễ dàng gì. Tính 
theo thời gian mà nói, vô lượng kiếp còn chưa chắc có thể thành tựu dù siêu việt 
mười pháp giới, chứng được Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, từ Viên Sơ Trụ lại chứng 
được Phật quả viên mãn. Việc này trên kinh Phật nói, còn phải trải qua ba đại A 
Tăng Kỳ kiếp, làm gì bằng đến thế giới Tây Phương Cực Lạc. 
Một số đồng tu nghe đến lời nói này của chúng tôi hoài nghi rằng: “Quán Vô 
Lượng Thọ Phật Kinh không có cách nói này, hạ hạ phẩm vãng sanh phải mười 
hai kiếp mới hoa khai kiến Phật”. Không sai, thế nhưng chúng ta nên biết vì sao
Phật phải nói lời nói này. Chúng ta học Phật phải nương vào một bộ kinh. Chỗ 
nương vào nhất định là kinh Vô Lượng Thọ. Hơn nữa, trong kinh Vô Lượng Thọ, 
phẩm thứ sáu, bốn mươi tám nguyện do chính Phật A Di Đà nói, Thích Ca Mâu 
Ni Phật giới thiệu Tịnh Độ cho chúng ta. Tịnh Độ ba kinh, nếu có một câu trái với 
bốn mươi tám nguyện thì chúng ta không thể tin tưởng. Mở quyển kinh ra, mỗi 
câu mỗi chữ đều tương ứng với bốn mươi tám nguyện. Thế nên Thế Tôn vì sao 
nói pháp này? Chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa. Vãng sanh đến thế giới Tây 
Phương Cực Lạc nếu không luận gia trì bổn nguyện Di Đà, chúng ta hạ hạ phẩm 
vãng sanh phải tu mười hai kiếp mới hoa khai kiến Phật. “Không luận gia trì” ý 
nghĩa như vậy. Trong ý này có mật nghĩa. 
Mật nghĩa nói rõ thế giới Tây Phương thù thắng không gì bằng. Chúng ta lấy 
cảnh giới này mà nói, hạ hạ phẩm vãng sanh đó là phàm phu, một phẩm phiền 
não cũng chưa đoạn. Đới nghiệp vãng sanh, phiền não còn chưa đọan, huống 
hồ mười hai kiếp hoa khai kiến Phật. Theo thiền tông, đại triệt đại ngộ, minh tâm 
kiến tánh, địa vị Viên giáo sơ trụ. Chúng ta hiểu rõ, nếu không phải ở thế giới 
Tây Phương, một phàm phu muốn thoát khỏi sáu cõi, muốn siêu việt mười pháp 
giới chứng được Viên Sơ trụ, kinh Hoa Nghiêm nói phải trải qua vô lượng kiếp. 
Vì sao phải trải qua thời gian dài đến vậy? Vì thời gian thoái chuyển qua nhiều, 
tiến ít lùi xa, chưa kể những thoái duyên. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không 
có thoái duyên mà chỉ có tiến bộ, cho nên mười hai kiếp liền thành công. Mười 
hai so với vô lượng kiếp, thời gian đã rút ngắn quá nhiều. Thù thắng của thế giới 
Tây Phương theo lời Phật nói là như vậy. 
Tuy nhiên tình hình thực tế lại khác, xem Bốn mươi tám nguyện, thế giới Tây 
Phương là căn cứ bậc nhất của Tịnh tông. A Di Đà Phật nói, người sanh đến thế 
giới Tây Phương Cực Lạc đều là A Duy Việt Chí Bồ Tát. Bồ Tát A Duy Việt Chí 
là ai? Trong chú giải của cổ đức, địa vị thấp nhất là Thất Địa Viên giáo, địa vị cao 
nhất là đẳng giác Bồ Tát. Hay nói cách khác, vừa sanh đến thế giới Tây Phương 
Cực Lạc, ngôi vị của chúng ta từ thấp nhất là Thất Địa lên đến Đẳng giác. Thật 
khó tin. Mười phương Thanh Văn, Duyên giác, Bồ Tát nghe rồi đều không tin 
tưởng. Họ tu hành khổ cực, quả báo đạt được rất ít, còn chúng ta không làm gì 
đáng kể nhưng một bước là lên trời, lập tức trở thành Thất Địa, đương nhiên họ 
sẽ không thể tin phục, dù không tin phục nhưng đó vẫn là sự thật. Vì sao chúng 
ta có thể lên đến quả vị cao như vậy? Gia trì bổn nguyện của A Di Đà Phật. 
Pháp môn này gọi là “pháp môn nhị lực”. Chính mình chỉ cần đầy đủ “Tín, 
Nguyện, Hạnh”, thâm tín thiết nguyện, lão thật niệm Phật, bốn mươi tám nguyện 
A Di Đà Phật sẽ gia trì chúng ta, đó là tha lực giúp chúng ta sanh đến thế giới 
Tây Phương Cực Lạc với phẩm vị cao, thành tựu thù thắng. 
Dù có tra khắp Đại Tạng kinh cũng không có cách nói này ngoài kinh Vô Lượng 
Thọ, kinh A Di Đà, cho nên phải tin tưởng. Thời xưa tu học pháp môn này, 
nhưng chúng ta chưa hề thấy hoặc nghe hiện tượng người vãng sanh nên 
không cần bàn luận, nhưng từ lúc chúng ta học Phật tiếp xúc với pháp môn này, 
chúng ta mới thực tế kiểm chứng những người y theo pháp môn mà tu hành, 
thực sự đã có người đứng mà ra đi, ngồi mà đi, mắt thấy tai nghe, không thể giả
được. 
Vào năm Dân quốc thứ 58, chúng tôi giảng kinh ở miền nam Đài Loan, có một vị 
cư sĩ nói với chúng tôi, người vợ của tướng quân Lương Đài Nam niệm Phật ba 
năm được vãng sanh trong tư thế đứng, không hề có bệnh. Bà cụ này tâm địa 
hiền lương, trong cuộc sống thường ngày không bao giờ tranh với người, không 
bon chen với đời, cuộc sống tạm qua ngày, con cháu hiếu thuận. Cho nên bà 
buông bỏ vạn duyên để học Phật, lúc đầu cũng không hiểu Phật là gì, khi nhìn 
thấy tượng thần thì xem như Phật để bái lạy, Bồ Tát Thổ Địa, Thành Hoàng cũng 
đều là Bồ Tát, không phân biệt thần và Phật, bái lạy khắp nơi. Ba năm trước đó, 
con trai bà cưới vợ, cô dâu hiểu được chút ít Phật pháp khuyên mẹ chồng không 
nên đi bái lạy nhiều nơi, mà chuyên ở nhà lạy A Di Đà Phật, niệm A Di Đà Phật. 
Bà mẹ chồng vốn có thiện căn, liền tiếp nhận lời khuuyên bảo của con dâu, 
chuyên niệm A Di Đà Phật suốt ba năm. Hôm vãng sanh là buổi tối, khi chuẩn bị 
ăn cơm, bà nói với người trong nhà rằng: “Các con cứ ăn cơm trước, không nên 
đợi mẹ, mẹ phải đi tắm rửa”. Con trai và con dâu hiếu thuận vẫn đợi để cùng ăn. 
Bà đi tắm rất lâu mà không thấy xuống, người nhà sốt ruột lên xem thử. Quả thật 
bà có đi tắm nhưng sau đó không xuống ăn cơm mà vào niệm Phật đường nho 
nhỏ của gia đình, mặc áo tràng chỉnh tề, tay cầm xâu chuỗi. Các con gọi bà 
nhưng không thấy bà trả lời, bước lại gần xem thì bà đã vãng sanh tự bao giờ, 
đứng vãng sanh. Đây là việc đã xảy ra không lâu, hiện nay miền nam Đài Loan 
mỗi khi nhắc đến chuyện này, có rất nhiều người biết, nên không thể cho đó là 
tin đồn thất thiệt. 
Một trường hợp khác, khi đó chúng tôi ở Cựu Kim Sơn nước Mỹ, một cụ bà ngồi 
vãng sanh. Đời sống ở Mỹ rất vất vả, cả hai vợ chồng đều phải đi làm, nếu chỉ 
dựa vào một người kiếm tiền thì không nuôi được cả nhà. Khi có con, phần lớn 
các cặp vợ chồng mời mẹ mình đến để trông trẻ, nấu cơm. Cho nên người già ở 
Mỹ cũng tương đối vất vả. Bà lão này là một hành giả niệm Phật, khi con trai con 
dâu đi làm, cháu nội đi học, một mình bà ở nhà niệm Phật, rất thanh tịnh, không 
ai quấy nhiễu. Không biết đã niệm được bao nhiêu năm mà ngày bà ra đi, không 
ai biết bà ra đi lúc nào. Một buổi sáng sớm, người trong nhà thấy lạ vì bà chưa 
thức dậy nấu cơm sáng như mọi ngày. Không rõ tại sao hôm nay bà ngủ trưa 
đến vậy, mọi người mới đến mở cửa phòng, bà cụ xếp chân ngồi kiết già trên 
gường. Tiến đến gần xem kĩ thì thấy bà đã ra đi. Hiện tượng này hiếm thấy. Bà 
để di chúc ngay trước mặt, ngoài di chúc còn có hiếu phục của con trai, con dâu, 
cháu nội. Cũng không biết bà may nó từ lúc nào, tự tay làm, từng phần từng 
phần để ngay trước gường. Như vậy bà đã biết trước giờ đi nên chuẩn bị từ 
sớm di chúc và các hiếu phục cho con cháu, sau đó niệm Phật ngồi mà đi. 
Do đó chỉ cần tâm thanh tịnh, chúng ta có thể làm được. Tại sao cứ phải đem 
những việc thế gian không liên quan, những việc vụn vặt xen tạp chất chứa trong 
lòng. Nhất định phải học thanh tịnh, chân thật biết quá khứ, hiện tại, vị lai. Tiền 
đồ là một mảng sáng lạng, cho nên thế gian cho dù việc gì mắt thấy tai nghe đều 
không nên để trong lòng, thấy như không thấy, nghe như không nghe, mỗi giờ 
mỗi phút gìn giữ tâm thanh tịnh. Người khác thành công, chúng ta cũng có thể
thành công, dù không được, tâm vẫn phải thanh tịnh, tất cả buông bỏ, buông bỏ 
ngay bây giờ, không dính mắc. Có như vậy mới có thể vãng sanh Cực Lạc. 
Thứ bảy là chữ “Bình Đẳng Giác” 
Bình Đẳng Giác là tâm bình đẳng, tâm giác ngộ. Bình đẳng chính là chân tâm, 
chân tánh, chân như. Bình đẳng là pháp môn “không hai”, còn có cái thứ hai tức 
vẫn chưa bình đẳng. Chúng ta phải nỗ lực học tập bằng cách chuyển đổi quan 
niệm chính mình, nhận thức vạn pháp quy về một. Một chính là bình đẳng, “vạn 
pháp nhất như”, trong kinh văn nói “Như thị ngã văn”. Vì sao kinh Phật chữ đầu 
tiên được dùng là “như”? Vạn pháp như một, đó là cách nói chân thật, khi đến 
phần kinh văn, chúng tôi sẽ chia sẻ kỹ hơn. Chúng ta phải tu tâm bình đẳng, 
luyện tập không phân biệt. Trong cuộc sống này, có nên phân biệt hay không? 
Dĩ nhiên vẫn phải phân biệt, phân biệt vì người ta phân biệt, họ chấp trước, 
chúng ta phải đối phó với họ. Ví dụ, họ bảo đây là Phật đường, chúng ta cũng 
gọi là Phật đường, vì họ phân biệt không phải ta phân biệt. Thực sự trong lòng 
chúng ta không có Phật đường. Họ nói tướng này gọi là người, ta liền cũng gọi 
là người, tùy chúng sanh phân biệt mà chúng ta phân biệt, tùy chúng sanh chấp 
trước mà ta chấp trước, nhưng trong tâm chính mình đích thực không phân biệt, 
không chấp trước. Đây là phương pháp tu Thanh tịnh Bình đẳng Giác. 
Còn phân biệt còn chấp trước là phàm phu, một đời này không cách nào có thể 
giải quyết vấn đề. Sáu cõi từ đâu mà ra? Từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước 
biến hiện ra. Nếu không có chấp trước thì không có sáu đường dù chúng ta còn 
vọng tưởng, phân biệt. Diệt được cả vọng tưởng, phân biệt, chúng ta sẽ siêu việt 
mười pháp giới, vì mười pháp giới là do vọng tưởng phân biệt biến hiện. Siêu 
việt mười pháp giới, liền bước vào pháp giới Nhất Chân. Trong pháp giới Nhất 
Chân mặc dù vẫn còn vọng tưởng nhưng cái vọng tưởng đó rất mỏng, không 
còn chướng ngại. Tuy nhiên vẫn phải đoạn dứt, vì vọng tưởng chính là vô minh. 
Kinh Hoa Nghiêm nói “Bốn mươi mốt phẩm vô minh” đã đoạn tận thì viên mãn 
thành Phật. Phật nói rõ, sáu cõi mười pháp giới là do đâu mà ra, là giả. Năng 
biến vọng tưởng, phân biệt, chấp trước cũng là giả, cảnh giới sở biến thì sao là 
thật được. Sáu cõi mười pháp giới đều không thật, 
“Phàm sở hữu tướng, 
Giai thị hư vọng, 
Nhất thiết hữu vi pháp, 
Như mộng huyễn bào ảnh” 
Nếu để tâm là sai. Muốn khi vãng sanh tự tại, đẹp mắt thì phải buông bỏ những 
thứ này, chân thật làm đến được thanh tịnh bình đẳng giác. 
Quyển kinh này thù thắng nhất ở bình đẳng phổ biến giác ngộ tất cả chúng sanh. 
Nói cách khác, kinh này dạy chúng sanh bình đẳng thành Phật, pháp môn này 
không thể nghĩ bàn. Tất cả pháp môn khác đều không có cách nói này. Bồ Tát, 
Thanh Văn, Duyên Giác, trời, người làm sao có thể bình đẳng thành Phật? Kinh
Vô Lượng Thọ dạy chúng ta bình đẳng thành Phật, nên gọi là kinh Bình Đẳng, 
pháp này gọi là pháp Bình đẳng, cái học này cũng gọi là học Bình đẳng. Bình 
đẳng giác là biệt hiệu của Phật A Di Đà, cũng là chánh giác của tất cả chư Phật. 
Chỉ cần thành Phật đều gọi là Bình Đẳng Giác, Phật Phật bình đẳng, Bồ Tát 
cùng Bồ Tát vẫn không bình đẳng. Chỉ Phật cùng Phật mới bình đẳng, Phật Phật 
đạo đồng, vì thảy đều đoạn hết vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đều hiện ra 
tướng bình đẳng. 
Thứ tám là chữ “Kinh” 
Chữ này quá phổ biến, hành giả hầu như đã thông, chúng tôi xin tỉnh lược nội 
dung ý nghĩa chữ này. 
KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ (PHẦN 2) 
Pháp Sư Tịnh Không 
PHẨM I: “PHÁP HỘI THÁNH CHÚNG” 
“Như thị ngã văn” 
Bốn chữ “Như thị ngã văn” hàm nghĩa rất sâu rộng, thậm chí có thể nói “khôn 
cùng tận”. “Như thị” là gì? 
Các đại đức xưa thuyết minh cho chúng ta bằng cách nói đơn giản nhất “như thị 
chi kinh”, tức là “tôi đích thân nghe Phật nói”. Đây là cách giảng nói đơn giản. 
Vậy “tôi” là ai? Đó là tôn giả A Nan. Năm xưa khi Thế Tôn còn tại thế, giảng kinh 
nói pháp tuyệt nhiên không có ghi chép. Khổng Lão Phu Tử năm xưa ở đời dạy 
học cũng vậy. Sau khi Phật diệt độ, các đệ tử của ngài cảm thấy lão sư cả đời 
nói pháp, không thể để cho những gì đã nói ngay đời này bị chìm mất mà phải 
lưu truyền cho những đời sau. Các học trò của đức Phật bèn mở hội thảo luận 
làm thế nào đem tất cả kinh Phật lưu truyền lâu dài. Từ đó mới có cuộc kết tập 
này. 
Trong lúc kết tập kinh tạng, hoàn toàn phải nhờ vào sức nhớ của người ngay lúc 
đó. Phật nói pháp bốn mươi chín năm, không một cá nhân nào có thể ghi nhớ 
kinh giảng trong suốt bốn mươi chín năm. Ở thế gian này, chúng ta cũng không 
thể tìm ra được một người. Chưa kể bốn mươi chín năm, những thứ đã giảng từ 
chín năm về trước, e rằng chúng ta còn quên sạch. Rất may trong hàng đệ tử 
Phật, năng lực ghi nhớ của tôn giả A Nan đặc biệt mạnh. Năng lực này của ngài 
A Nan rất thù thắng, sau khi nghe qua một lần, vĩnh viễn không hề quên. Cho 
nên khi kết tập kinh tạng, ngài A Nan được tuyển cử để giảng lại, đem kinh Thế 
Tôn cả đời đã giảng trùng tuyên giảng lại lần nữa. Lần giảng lại, thính chúng đều 
là những bậc đại A La Hán, đệ tử lớn của Phật. Những vị này đến nghe ngài A 
Nan thuyết và làm chứng cho A Nan. 
Cuộc kết tập lần thứ nhất, có năm trăm A La Hán nghe A Nan giảng lại. Trong 
năm trăm người, nếu chỉ một người nêu ra ý kiến: “A Nan! Câu nói này dường 
như không phải Phật nói”, thì nội dung lời nói đó phải xóa bỏ lập tức. Lời giảng 
lại của A Nan phải được toàn thể năm trăm người thảy đều thông qua, như vậy
mới có thể ghi chép, trở thành kinh điển truyền cho đời sau. Đó là lấy chữ tín đối 
với đời sau, người đời sau có được kinh điển, mới khởi lòng tôn kính. A Nan 
giảng lại như Phật đã nói, không hề khác nhau. Cho nên mở đầu kinh “Như thị 
ngã văn” còn có rất nhiều ý nghĩa. Chúng ta có thể tham khảo chú giải của đại 
đức xưa. Ngày nay chúng ta phải học tập, lấy bổn tông mà nói mật nghĩa của 
“Như thị”. 
“Như” là chân như bổn tánh. Cả đời Thế Tôn thuyết pháp đều nói rõ thể - tướng. 
Tác dụng của “tự tánh” là “thật tướng các pháp” mà kinh Bát Nhã đã nói. Phật 
dùng chữ “như” để đại biểu “tánh như tướng, tướng như tánh, tánh tướng không 
hai”. Tánh từ trên lý, tướng từ trên sự, “lý như sự, sự như lý, lý sự không hai”. 
Phật nói rõ đại đạo lý cũng như chân tướng sự thật này, cho nên khi vừa mở 
kinh ra liền gặp hai chữ “như thị”, chính là chân thật tuyên nói tổng cương lĩnh. 
Nếu có người đặt câu hỏi “Kinh điển Phật giáo nhiều như vậy, rốt cuộc thì Thích 
Ca Mâu Ni Phật đã nói những gì?” Chúng ta chỉ có thể nói “như thị”. Muốn giải 
thích một cách tỉ mỉ một bộ đại tạng kinh thì quan trọng phải giảng hai chữ “như 
thị”. Không có bất cứ câu chữ nào siêu việt hơn hai chữ “như thị”, cho nên ý 
nghĩa của hai chữ này sâu rộng vô tận. Theo bổn tông và cổ đức xưa: “như” là 
“thị tâm thị Phật”; “thị” là “thị tâm tác Phật”. Cách nói này hoàn toàn theo kinh 
Quán Vô Lượng Thọ. 
Nguyên lý cơ bản của Tịnh tông chính là hai câu “thị tâm thị Phật, thị tâm tác 
Phật”. Hay nói cách khác, tâm chính là Phật, Phật chính là tâm. Ai mà chẳng có 
tâm? Cho nên Phật nói “tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật”. Vì sao nói vốn dĩ 
thành Phật? Thị tâm thị Phật. Tông môn nói “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành 
Phật”, minh tâm là chân tâm, chân tâm là bổn tánh. Minh tâm chính là kiến tánh. 
Kiến tánh, tâm tánh chính là Phật, vì sao tâm và tánh đều là Phật? Và hà tất phải 
phân biệt hai chữ “tâm”, “tánh”? Hai chữ này đương nhiên có hai cách nói. 
Thông thường nói: “tánh là bản thể của tâm, tâm là tác dụng của tánh”. Hay nói 
cách khác, tâm chúng ta có thể có dụng, từ trên thể gọi là tánh, từ trên dụng thì 
gọi là tâm. Cho nên có lúc chỉ cần dùng một chữ “thể dụng” để nói tâm cũng 
được, nói tánh cũng được. Hai chữ này hợp lại, một gọi là “thể”, một gọi là 
“dụng”. 
Chúng ta vốn dĩ đã là Phật, nhưng vì sao hiện tại không phải là Phật? Vì chúng 
ta làm cho tâm tánh mê mất, kinh nói mê mất không phải đã mất thật sự cho dù 
chúng ta có biến thành ngạ quỷ, súc sanh, đọa A Tỳ Địa ngục, tâm tánh không 
hề bị mất mà vẫn tồn tại, chỉ là chúng ta mê mất thôi. Bản thân có chân tâm, có 
bổn tánh mà không thể giác ngộ, đó là vì sau khi mê rồi, chúng ta không gọi là 
tâm cũng không gọi là tánh nữa, vậy gọi là gì? Phật pháp gọi là thức, “tình thức”. 
Tình thức chính là tâm tánh đã mê, khi giác ngộ mới gọi là tâm tánh. 
Tâm tánh rốt cuộc là như thế nào? Làm thế nào mới có thể nhận biết nó? Phật 
nói, thể của tâm tánh là không tịch, nó không phải là một vật chất, thế nhưng nó 
đích thực đang tồn tại, tất cả hiện tượng vật chất đều từ nó biến hiện ra. Nó là 
cội gốc của vũ trụ nhân sinh. Như vậy vũ trụ nhân sinh từ tâm tánh biến hiện ra. 
Cho nên kinh Hoa Nghiêm, Phật nói “mười pháp giới y chánh trang nghiêm, do 
tâm hiện ra”, đó là do chân tâm chúng ta biến hiện. Sự biến hóa đó do thức, mê 
rồi mới có biến hóa nhiều như vậy. Trong mười pháp giới, từ trên “Phật, Bồ Tát, 
Thanh văn, Duyên giác”, xuống sáu đường, càng hướng xuống, mê càng sâu;
càng hướng lên, mê càng ít, đều là mê mất đi tâm tánh. Nếu không mê chính là 
Phật, người đó không phải phàm phu. Mười pháp giới cũng gọi là phàm phu, 
kinh Phật gọi là ngoại phàm; sáu cõi là nội phàm, hoặc phàm phu. 
Ngoài sáu cõi, pháp giới bốn thánh của mười pháp giới mà chúng ta gọi là ngoại 
phàm cũng vẫn là phàm phu, chưa kiến tánh, chưa hồi phục bổn tâm. Cho nên 
“thị tâm thị Phật” là sự thật ngàn vạn lần chính xác. Chúng ta tu hành Tịnh tông 
thành Phật, ngay trong một đời này thành Phật là căn cứ chính. Bởi vì chúng ta 
vốn dĩ là Phật, nhưng hiện tại đã mê, phải phá mê khai ngộ, hồi phục lại bản lai 
diện mục. Cho nên phương pháp tu học của Tịnh tông tuyệt diệu. Tám vạn bốn 
ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, thì pháp môn này là cứu cánh nhất, viên 
mãn nhất, rất đặc thù, trực tiếp, ổn định, cũng rất mau chóng. Cụ thể phương 
pháp này là gì? Thị tâm tác Phật thế nào? 
Niệm Phật chính là làm Phật, Bồ tát Đại Thế Chí đã dạy “nhớ Phật niệm Phật”. 
Trong miệng niệm Phật, trong tâm tưởng Phật, chính là đang làm Phật. Tưởng 
Phật như thế nào? Tưởng tướng hảo của Phật, tưởng trang nghiêm của Phật, 
tưởng công đức của Phật, tưởng Phật tu hành ngay lúc còn phàm phu, tưởng 
Phật thành tựu ngay trên quả địa, tưởng Phật độ hóa tất cả chúng sanh, vô 
lượng vô biên công đức thù thắng, chúng ta thường nghĩ đến những cái tốt này, 
tâm của chúng ta chính là làm Phật. Do đó nhất định phải thuộc kinh Vô Lượng 
Thọ. 
Theo chúng tôi, khi vừa bắt đầu, chúng ta hãy đem kinh này tụng một năm ba 
ngàn biến. Nếu thời gian một năm không đủ, thì hai năm, ba năm. Tụng thuộc 
lòng ba ngàn biến, sau khi tụng thuộc, người đó liền có thể làm đến ức Phật, mới 
chân thật có thể làm Phật. Một ngày từ sớm đến tối, hai mươi bốn giờ đồng hồ 
không nên nghĩ thứ khác, chỉ hoàn toàn nghĩ đến y chánh trang nghiêm của thế 
giới Tây Phương Cực Lạc. Trong kinh điển đã nói, thường hay ghi nhớ trong 
tâm, thường nghĩ đến cảnh giới trong kinh điển, chính là chúng ta đang chân thật 
tu hành. Nếu đem “lý, sự, tánh, tướng, nhân, quả, y, chánh” của bộ kinh này, 
toàn bộ thực tiễn vào cuộc sống thường ngày, thực hành rốt ráo thì làm sao 
không thể thành Phật. Đó là “thị”, hoàn toàn tương ứng với “như”, cũng hoàn 
toàn tương ứng với “thị tâm tác Phật”. 
Pháp môn này thù thắng biết bao, niệm Phật thành Phật là có căn cứ lý luận, 
không phải tùy duyên nói. Tôn giả A Nan đích thân nghe được Thích Ca Mâu Ni 
Phật. Hai chữ “như thị” này, chúng ta phải học tập như vậy, phải đem đạo lý, 
phương pháp, cảnh giới của toàn kinh đều thực tiễn ngay trong tâm tưởng. Đây 
chính là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc của Tín Giải Hành Chứng trong thiên 
kinh vạn luận. Cho nên khi vừa mở kinh văn là gặp ngay hai chữ này. 
“Nhất thời” 
“Nhất thời” chỉ thời gian, không hề viết ngày tháng năm mà chỉ viết “nhất thời”. 
“Nhất thời” rất có đạo vị. Nếu có thể bước vào nhất thời, người khác nói quá 
khứ, hiện tại, vị lai, chúng ta thảy đều tường tận, người đời thường gọi “thần 
thông quảng đại”. Vì sao biết được quá khứ, vị lai? Vì họ sống ngay trong nhất 
thời. Chúng ta không biết quá khứ, vị lai vì chúng ta sống ở ba thời. Ba thời này 
là gì? Việc quá khứ thì quên mất, việc vị lai thì không biết tí gì, hiện tại cũng mơ 
mơ hồ hồ, không rõ ràng. Học Phật phải qua nhất thời, chúng ta phải hiểu thông 
suốt. Tuy chưa làm được, nhưng chân tướng của sự và lý không thể không biết.
Nên biết “nhất” chính là như như bất động. Phật pháp đã nói “pháp môn bất nhị”, 
bất nhị chính là nhất, có nhị thì không nhất. Nhất là thật, nhị là giả. “Nhất chân 
pháp giới” trong kinh Hoa Nghiêm đó là thật, nếu nhị thì đã biến thành mười 
pháp giới mất rồi. “Nhất” là giác, “nhất” chính là như, nhị thì không như, nhị là đã 
mê, nhà Phật gọi “ba tâm hai ý”. 
“Ba tâm hai ý” là đem một biến thành ba, một tâm biến thành ba tâm. Một tâm là 
chân tâm, chân như, biến thành ba tâm: tâm ý thức, A Lại Da thức là tâm, Mạt 
Na là ý. Các thức vốn dĩ là một tâm, hiện tại biến thành tám thức. Tám thức cũng 
gọi là ba tâm. Vì sao có hai ý? Tác dụng của hai ý rất lớn. Trong tám thức, tám 
cái tâm thì hai ý tác dụng rất lớn, hai ý ý căn chính là Mạt Na. Mạt Na là chấp 
trước kiên cố. Căn thứ sáu là ý thức, ý thức là phân biệt. Hiện tại chúng ta khởi 
tâm động niệm, phân biệt, chấp trước chính do thứ này làm chủ đạo. Đó là mê. 
Vậy làm thế nào mới có thể hồi phục lại “nhất”? 
Thiền tông minh tâm kiến tánh, đề cao “nhất”. Trong tông môn thường nói “thức 
đắc nhất, vạn sự tất”. Vào được cảnh giới “nhất” rồi, bất cứ việc gì cũng xong. 
Những việc trong sáu cõi không còn, việc trong mười pháp giới cũng không còn. 
Chỉ cần chứng được “nhất” liền đến được pháp giới nhất chân. Khi vào được 
pháp giới nhất chân, xin thưa rằng thời gian chính là “nhất thời”. 
Thời gian hiện tại của chúng ta cũng là “nhất thời”, nhà khoa học gia thời cận đại 
Iten đã nói qua trong trước tác của ông rằng “quá khứ, hiện tại, vị lai đồng thời 
tồn tại”. Cách nói này của ông thật hơn người. Làm sao ông có thể biết quá khứ, 
hiện tại, vị lai đồng thời tồn tại?. Chúng ta không biết ông căn cứ từ đâu mà phát 
hiện ra, đương nhiên ông cũng chưa hề thấy được. Có thể ông từ nơi lý luận mà 
suy đoán. Lý luận cơ bản nhất của khoa học là căn cứ vào số học, cho nên gọi 
“số học là mẹ của khoa học”. Trên lý số cao thâm mà suy đoán có thể biết được 
quá khứ, hiện tại, vị lai đồng thời tồn tại. Do đó Đông phương, Tây phương, bất 
cứ quốc gia, khu vực nào cũng đều có con số dự ngôn suy đoán tương lai. Dự 
ngôn là suy lý, phần nhiều từ số học mà suy đoán, do đó chưa chắc chính xác. 
Thế nhưng nếu chúng ta có thể nhập định, chân thật được định, thì ở trong cảnh 
giới thiền định đột phá thời không, cũng chính là vượt qua quá khứ, hiện tại, vị 
lai; quá khứ, hiện tại, vị lai thảy đều xem thấy. Iten nói: “Quá khứ, hiện tại, vị lai 
đồng thời tồn tại”, những việc vị lai chúng ta có thể xem thấy rõ ràng tường tận, 
thông suốt thấu đáo, không chút sai lầm. Đó là dự ngôn chính xác. “Nhất thời” ý 
nghĩa rất sâu rộng. Nhất thời mới là thật, còn nói cho chúng ta nghe ngày tháng 
năm là giả. Đó là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của tất cả chúng sanh. Phật 
pháp nói lời thật cho chúng ta nghe. Kinh điển tuy là Phật y theo Nhị đế mà nói 
nhưng Phật hoàn toàn giảng lời chân thật. 
Pháp Nhị đế chính là Chân đế, cảnh giới Phật đã thân chứng. Tùy theo tri kiến 
của chúng sanh mà giảng giải gọi là Tục đế. Trong một bộ kinh, hai loại ý nghĩa 
này thảy đều có. Kinh Tiểu thừa giảng nói rất nhiều Tục đế, ít giảng Chân đế. 
Trong kinh Đại thừa thì giảng nhiều Chân đế, ít giảng Tục đế. Cho nên chữ “Nhất 
thời” là lời chân thật, là “chân đế”, lấy cảnh giới của Phật mà nói. Chúng ta nhất 
định không được hoài nghi. 
“Phật tại Vương Xá thành, Kỳ Xà Quật sơn trung, dữ đại tỳ kheo chúng, vạn nhị 
thiên nhân câu” 
“Phật” là Thích Ca Mâu Ni Phật, người chủ giảng giảng kinh nói pháp lần đó. “Tại
Vương Xá Thành, Kỳ Xà Quật sơn trung”, là nơi chốn giảng kinh năm xưa. Trên 
kinh điển đều có ghi chép, chứng minh sự thù thắng của pháp hội này: có thời 
gian, có địa điểm, có thính chúng “cùng một vạn hai ngàn vị Tỳ Kheo có mặt”. 
Pháp hội này vô cùng trang nghiêm. 
Chúng ta đọc kinh, xem trong kinh điển, số lượng thính chúng trong pháp hội của 
Phật thông thường là “một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ Kheo”. Như vậy, hội 
này tăng gấp mười lần so với chúng hội thông thường, một vạn hai ngàn người. 
Lại thêm vào phía sau cho chúng ta biết có tỳ kheo, tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư 
sĩ tại gia, tổng cộng thêm hai ngàn người. Pháp hội trang nghiêm thù thắng 
không thể nghĩ bàn. 
Chúng ta xem trong hội Pháp Hoa của kinh Pháp Hoa, khi vừa mở đầu cũng cho 
biết có một vạn hai ngàn thính chúng. Việc này âm thầm nói lên “mật nghĩa hàm 
chứa trong kinh” rằng quyển kinh Vô Lượng Thọ này đồng với Pháp Hoa xác 
quyết nhất thừa giáo không thể nghĩ bàn. Chúng ta từ đó phải nhận biết giá trị bộ 
kinh điển này không phải kinh điển phổ thông mà là kinh điển thù thắng. 
“Nhứt thiết đại thánh, thần thông dĩ đạt” 
Kinh văn tiếp theo tán thán đức, tán thán đại chúng hội không phải người bình 
thường. Một vạn hai ngàn vị đại tỳ kheo trong chúng hội đều là đại thánh, không 
phải tiểu thánh. Tiểu thánh là tiểu thừa A La Hán. Bốn quả A La Hán là thánh 
nhân của tiểu thừa, trong khi đó thánh nhân của đại thừa địa vị cao hơn, thường 
được gọi là “thập hiền, thập thánh”. Lúc nào mới có thể xưng thánh? Quả vị của 
Bồ tát “Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng” gọi là tam hiền vị. Từ sơ địa trở 
lên mới gọi là thánh nhân. Thập thánh chính là thập địa Bồ tát. Từ sơ địa đến 
thập địa, quả vị này gọi là thánh nhân. Ngay trong hàng thánh nhân thì đại thánh 
không phải là thánh nhân thông thường. Đại thánh chỉ Bồ tát Pháp Vân địa cùng 
Bồ tát Đẳng giác. Hai vị thứ này có thể gọi là đại thánh. Do đây mà biết, một vạn 
hai trăm người đến dự hội không phải là người thường, chí ít cũng đều là Bồ tát 
Pháp Vân Địa, Bồ tát Đẳng giác thừa nguyện trở lại ủng hộ Thích Ca Mâu Ni 
Phật, nên gọi là “một Phật xuất thế, vạn Phật ủng hộ”. 
Giống như diễn kịch, Thích Ca Mâu Ni Phật là nhân vật chính, các vị khác đến 
phối hợp phụ diễn. Dĩ nhiên những người diễn phụ này không phải là người 
thông thường, họ có những tư cách còn lão luyện hơn so với người diễn chính, 
thậm chí còn là thầy của người diễn chính. Họ đóng vai phụ cho ngài, phối hợp 
diễn xướng với ngài. Thế gian là một sân khấu lớn, Thích Ca Mâu Ni Phật đóng 
vai chủ diễn của kịch trường, có rất nhiều cổ Phật Bồ tát Đẳng giác tái lai hiệp 
trợ, diễn tốt xướng hay trên kịch trường. Các ngài chỉ có một mục đích giống 
nhau, giúp cho tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, ngay một đời viên mãn thành 
Phật. Đó là bản nguyện của chư Phật. 
Đề kinh phía trước đã nói, hiện tại Phật cùng với những đại thánh xem thấy thế 
giới Ta Bà có một loại chúng sanh cơ duyên thành Phật đã chín muồi. Thế Tôn 
vui mừng không kể xiết, những vị đại thánh này cùng đến phối hợp cũng hoan hỉ 
không gì bằng, tiếp dẫn chúng sanh căn tánh chín muồi ngay trong một đời bình 
đẳng thành Phật. Cho nên những người này không phải là người thường. Xem 
kinh, đoạn này không hề liệt kê thính chúng là những tỳ kheo, tỳ kheo ni, thanh 
tín sĩ, thanh tín nữ, vì những người đó là phàm phu, không phải là đại thánh. Một 
vạn hai ngàn vị đại tỳ kheo đều là đại thánh. Thế nên Thế Tôn ở hội này tự nhiên
vô cùng trang nghiêm thù thắng. 
Theo thường lệ, mở đầu kinh văn luôn liệt kê các nhân vật đại biểu. Cổ đức gọi 
các vị đó là “Thượng thủ”. Quyển kinh này từ triều nhà Hán mãi đến triều nhà 
Tống, tổng cộng mười hai lần phiên dịch, nêu tên nhiều ít không giống nhau. Có 
quyển nêu hơn ba mươi vị, có quyển nêu ra mười, hai mươi vị. Vì sao phải nêu 
tên? Vì các vị đó là biểu pháp. Thế Tôn giảng kinh nói pháp bất cứ hội nào, họ 
cũng đều đến tham gia. Nhưng tại sao ở trong hội này, kết tập bộ kinh này nêu 
tên những vị này, kết tập bộ kinh khác lại nêu lên tên những vị khác? Chúng ta 
phải hiểu ý nghĩa của nó. Những người này, từ danh hiệu đức hạnh của họ đủ 
có thể đại biểu ý nghĩa của bộ kinh. Chúng ta chỉ cần xem danh hiệu thì liền biết 
được nội dung kinh, biết được trọng điểm của pháp hội nằm ở đâu. Cho nên việc 
nêu tên rất có ý nghĩa, không phải tùy tiện. 
Cũng như hiện tại trong xã hội chúng ta mở hội nghị, chỉ cần nghe tên đại biểu 
đến tham dự hội nghị là những nhân vật nào, chúng ta liền biết được tính chất và 
nội dung của hội nghị. Phật pháp pháp hội này cũng vậy, nêu ra tên bậc thượng 
thủ cũng có ý tương tự. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập bộ kinh Vô Lượng Thọ, 
ông đã tỉnh lược bớt rất nhiều người trong số bậc thượng thủ, chỉ nêu ra những 
bậc quan trọng nhất đủ để biểu đạt nghĩa thú toàn kinh. Đó là thủ pháp cao minh 
của người hội tập, làm cho hậu học chúng ta tiết kiệm thời gian và giảm căng 
thẳng tinh thần. 
Chúng ta nhận được tinh hoa của kinh Vô Lượng Thọ. Tuy nhiên từ mười hai 
loại bản dịch sau nhiều năm lưu truyền đến nay, đã thất truyền bảy loại. Hiện tại 
trong đại tạng kinh chỉ còn năm. Hội tập này của Hạ lão có thể nói là bổn tổng 
hợp của năm loại nguyên bản dịch. Chúng ta chỉ cần đọc quyển này cũng như 
đã đọc qua hết năm loại nguyên bản dịch kia, văn tự nghĩa lý hoàn chỉnh đầy đủ, 
không hề kém khuyết chút nào. Năm xưa khi Hạ lão còn ở đời được pháp sư 
Huệ Minh, pháp sư Từ Chu tán thán, lão cư sĩ Mai Quang Hi thì càng không cần 
phải nói. Trong lời tựa, bạt văn, chúng ta đều xem thấy, hội tập được quá viên 
mãn, thù thắng hơn rất nhiều so với ba loại hội giảo bổn ngày trước. 
“Kỳ danh viết: Tôn giả Kiều Trần Như, tôn giả Xá Lợi Phất, tôn giả Đại Mục Kiền 
Liên, tôn giả Ca Diếp, tôn giả A Nan đẳng, nhi vi thượng thủ” 
Đây đều là đại A La Hán, kinh chỉ nêu ra năm vị, thật là giản lược thấu đáo. 
Vị thứ nhất, tôn giả Kiều Trần Như. Chúng ta xem nhiều kinh điển, thượng thủ 
đại biểu rất hiếm khi có ngài, mà thường là Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên xuất hiện 
quen thuộc hơn. Thực tế trong bất cứ pháp hội nào đều không thiếu vắng Kiều 
Trần Như nhưng chúng ta rất ít nghe đến tên của ngài, vì sao không nêu ngài 
lên? 
Trong số đệ tử Phật, Kiều Trần Như đại biểu “chứng quả đệ nhất, khai ngộ đệ 
nhất”. Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa ở dưới cội bồ đề thị hiện thành đạo, sau 
khi thành Phật, đến vườn nai để độ năm vị Tỳ kheo. Đó là lần đầu tiên giảng kinh 
nói pháp, thính chúng chỉ có năm người. Trong năm vị Tỳ kheo này, khai ngộ và 
chứng quả thứ nhất là Kiều Trần Như. Kiều Trần Như có rất nhiều tích truyện, ở 
đây chúng tôi sẽ không giảng về tích truyện. Trọng tâm là chúng ta cần phải tin 
tưởng ngài đại biểu cho cái gì. Ngài đại biểu bộ kinh này là “kinh khai ngộ bậc 
nhất”, pháp môn này là “pháp môn chứng quả đệ nhất”. Đó mới là điểm then 
chốt.
Với bổn kinh, phần “Phi thị Tiểu Thừa – Đệ tứ thập tam” gần cuối kinh, đoạn đầu 
khuyên tín lưu thông, có câu “tâm vô hạ liệt, diệc bất cống cao, thành tựu thiện 
căn, tất giai tăng thượng. Đương tri thử nhân, phi thị Tiểu thừa, ư ngã pháp 
trung, đắc danh đệ nhất đệ tử”, chứng tỏ kinh văn trước sau tương ứng. Kiều 
Trần Như là khai ngộ đệ nhất, chứng quả đệ nhất, nên xếp ngài ở thứ nhất, 
chính là nói rõ bộ kinh này là pháp môn khiến cho tất cả chúng sanh bình đẳng 
thành Phật đệ nhất. Tất cả kinh Thích Ca Mâu Ni Phật nói trong suốt bốn mươi 
chín năm, đây chẳng phải đã nói rõ ràng Vô Lượng Thọ là đệ nhất kinh, thiên 
kinh vạn luận. Ngày nay chúng ta chọn được đệ nhất kinh trong tất cả kinh, nếu 
không phải là đại thiện căn, đại phước đức, đại nhân duyên thì làm sao có thể 
gặp được. 
Kiều Trần Như đại biểu đệ nhất, nên xếp ngài ở thứ nhất. Phía sau cũng đều là 
thứ nhất, mỗi câu mỗi chữ trong kinh đều là đệ nhất, không có đệ nhị. Xá Lợi 
Phất đại biểu cho trí tuệ đệ nhất, Mục Kiền Liên đại biểu thần thông đệ nhất. 
Kiều Trần Như được xếp ở phía trước, vậy ý nghĩa biểu thị của ngài được nâng 
cao hơn. 
Mục Kiền Liên đại biểu thần thông đệ nhất, thần thông chính là năng lực mà 
ngày nay chúng ta thường gọi. Thông là ý nghĩa thông đạt, thông đạt tất cả, 
không hề chướng ngại. Thần là thần kỳ, siêu việt thường thức, tưởng tượng của 
chúng ta. Họ có năng lực thù thắng, đệ nhất, cho nên trong tất cả kinh đều có hai 
vị tôn giả Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất, ý nói: tất cả các kinh Phật nói đều là trí 
tuệ đức năng, từ trong trí tuệ chân thật, đức năng chân thật mà lưu xuất ra, trí 
tuệ đệ nhất; thần thông năng lực cũng đệ nhất. Tuy nhiên tuyệt đối các kinh khác 
không thể so sánh với kinh Vô Lượng Thọ, vì sao? Không phải kinh nào cũng 
đều có thể giúp cho tất cả chúng sanh bình đẳng thành Phật. Chỉ có bộ kinh này, 
một pháp môn này mới có thể giúp cho tất cả chúng sanh bình đẳng thành Phật. 
Phải ghi nhớ, chúng ta hãy xây dựng tín tâm, học đoạn kinh văn này chính là 
kiến lập tín tâm kiên định không gì bằng, tin tưởng chính mình “thị tâm thị Phật”, 
tin tưởng chính mình “thị tâm tác Phật”, nhất quyết sẽ thành Phật. 
Tôn giả Ca Diếp đại biểu Thiền tông, sơ tổ của Thiền tông. Tôn giả A Nan đại 
biểu giáo hạ. Tông môn cùng giáo hạ họp lại là tổng thể Phật pháp, không hề sót 
lọt thứ nào. Ngoài Thiền tông ra thảy đều gọi là giáo hạ. Hai vị này đại biểu ý 
nghĩa rằng Tông môn và Giáo hạ cuối cùng sẽ quy về Tịnh độ, thế chẳng phải 
Tịnh độ thù thắng dường nào. Tuy nhiên Tông môn có thật quy về Tịnh độ hay 
không? Chân thật quy về. 
Ví dụ rõ ràng nhất, Mã Tổ, Bá Trượng là hai vị đại sư đã xây dựng tòng lâm, lập 
thanh qui, đề xướng cùng tu, “Thiền môn nhật tụng”. Thanh qui mà đại sư Bá 
Trượng lập ra là bổn khóa tụng của Thiền tông. Khóa tối đều niệm A Di Đà Phật, 
buổi tụng kinh tối thì tụng kinh Di Đà, há chẳng phải quy Tịnh Độ đó sao? Không 
hề xem nhẹ Tịnh độ, rõ ràng là ngàn kinh vạn luận và mọi tông phái đều quy về 
Vô Lượng Thọ, quy về bộ kinh này, quy về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Hiểu 
rõ, chúng ta cũng nên lựa chọn pháp môn Tịnh độ, chuyên tu chuyên hoằng, 
nhất quyết không bị các pháp môn khác làm lay động ý nguyện. 
“Hựu hữu Phổ Hiền Bồ tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Di Lặc Bồ tát” 
Trong pháp hội còn có chúng Bồ tát, ở trong chúng Bồ tát đề cử cho chúng ta ba 
vị. Thứ nhất là Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát Di Lặc và tất cả
Bồ tát trong hiền kiếp đều đến hội họp. Ý nghĩa này rất tuyệt diệu. 
Bồ tát Phổ Hiền đại biểu điều gì? Đại biểu Tịnh Mật không hai. Mười tông phái 
của Phật pháp trong đó có Mật tông. Vào thời cận đại, Mật tông hoằng truyền rất 
rộng. Tổ sư của Mật tông là Bồ tát Phổ Hiền. Vị truyền thừa của Mật tông là Bồ 
tát Long Thọ. Sau khi Phật diệt độ sáu trăm năm, Bồ tát Long Thọ xuất hiện trên 
thế gian. Ngài là Bồ tát sơ địa ở Nam Thiên mở Tháp Sắt. Sau khi tháp sắt mở 
thì Kim Cang Tát Đỏa gọi là Kim Cang Thủ Bồ tát truyền cho ngài mật pháp này. 
Kim Cang Thủ Bồ tát là hóa thân của Bồ tát Phổ Hiền. Cho nên Bồ tát Phổ Hiền 
ở Mật tông xưng là Kim Cang Tát Đỏa. Ngài đại biểu cho Mật tông, đến cuối 
cùng cũng quy về Tịnh độ. Ý nghĩa này hiển thị đặc biệt rõ ràng trong phẩm thứ 
hai “Đức Tôn Phổ Hiền”. Trong kinh Hoa Nghiêm, “thập đại nguyện vương, đạo 
quy Cực Lạc”, như vậy Mật tông đâu có lý nào không quy về Tịnh độ. 
Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đại biểu Thiền tông. Thiền tông do tổ sư Đạt ma truyền 
xuống, không phải là thiền định trong Lục độ, mà là Bát Nhã Ba La Mật trong Lục 
độ, gọi là “Lục Tổ Đàn Kinh”. Lục Tổ khi mở lời, luôn dạy mọi người niệm Ma Ha 
Bát Nhã Ba La Mật Đa, cho nên chúng ta phải hiểu Thiền tông là tu Bát Nhã Ba 
La Mật Đa. Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đại biểu, đây là bổn tôn trong tông môn. Phổ 
Hiền là bổn tôn trong Mật tông, tất cả đều hướng về Tịnh độ. 
Chúng ta tu Tịnh độ, tâm đã định thì nhìn thấy Thiền, nhìn thấy Mật rất hay. “Mật 
trong Mât, Thiền trong thiền”, tín tâm, nguyện tâm kiên định, không hề bị làm lay 
động. Chư vị Bồ tát được liệt kê ở đây đều mang nghĩa thú sâu rộng, chân thật 
giúp đỡ chúng ta xây dựng tín tâm, nguyện tâm không gì bằng. 
Bồ tát Di Lặc đại biểu truyền thừa tương lai. Thích Ca Mâu Ni Phật là một thời 
đại lớn. Trong thời đại lớn này, một vạn hai ngàn năm, pháp vận của Thích Ca 
Mâu Ni Phật có chánh pháp, tượng pháp, mạt pháp. Như vậy, sau một vạn hai 
ngàn năm, các chư Phật khác đến hoằng dương pháp môn gì, có giống như 
Thích Ca Mâu Ni Phật không? Không gì khác, Bồ tát Di Lặc chính là kế thừa 
Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật là vị Phật thứ tư trong Hiền kiếp, 
Di Lặc là vị thứ năm, tiếp nối tương lai, cũng tiếp nối pháp môn này, vì đây là 
pháp môn đệ nhất. Mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai độ chúng sanh 
thành Phật đạo, pháp môn đệ nhất là kinh Vô Lượng Thọ. Đối tượng kinh Vô 
Lượng Thọ tiếp dẫn chính là chúng sanh căn tánh chín muồi ở thế gian. Như thế 
nào mới gọi là chín muồi? Ngay trong một đời quyết tâm thành Phật. 
Cho nên chúng ta tiếp xúc được pháp môn này, nếu không thể vãng sanh, không 
phải vì kinh kém khuyết mà vì chính chúng ta chưa y giáo phụng hành. Còn nếu 
y giáo phụng hành, nhất định đời này làm Phật, không hề khác biệt với Phật A Di 
Đà. Đó là sự thật, tuyệt nhiên không giả. Tất cả chư Phật Như Lai gặp được 
chúng sanh căn tánh chín muồi đều phải nói pháp môn này, đều khuyên bảo 
niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Do đó, pháp môn và pháp hội này thù thắng, xác 
thực không tiền tuyệt hậu. 
“Cập Hiền kiếp trung, nhất thiết Bồ Tát, giai lai tập hội” 
Tất cả Bồ tát chuyên chỉ Hiền Kiếp Thiên Phật, thời đại đó càng to lớn hơn, ngay 
trong một đại kiếp. Nhà Phật gọi một đại kiếp, ý nói đơn vị thời gian rất lớn. 
Trong đại kiếp này có một ngàn vị Phật xuất hiện ở thế giới Ta Bà. Cho nên thế 
giới Ta Bà chúng ta hiện tại ở trong đại thiên thế giới. Quả địa cầu này chỉ là một 
tinh cầu nhỏ của đại thiên thế giới. Trước kia đa phần người ta cho rằng: đại
thiên thế giới mà nhà Phật nói chẳng qua là hệ ngân hà mà các nhà thiên văn 
học hiện tại phát hiện. Thế nhưng lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có cách nhìn không 
như vậy. Phía sau chú giải kinh Vô Lượng Thọ có một đoạn văn chương của 
ông. Lần sau cùng ông gởi cho tôi, khi đó tôi ở Đài Loan. Ông gửi từ Bắc Kinh 
đến nói rằng ông hy vọng chúng tôi đem thiên văn chương này bổ sung để vào 
phía sau phần chú giải, bởi vì lúc giảng kinh ông đã để sót đoạn này. Ông là nhà 
khoa học đồng thời là giáo thọ khoa học, dạy vô tuyến điện ở trường đại học 
Thiên Tân. 
Hiện tại chúng ta gọi là hệ ngân hà, nhưng theo cách nhìn của ông, trên thực tế 
chỉ là một đơn vị thế giới mà trong Phật pháp thường gọi. Kinh Phật nói đơn vị 
thế giới lấy núi Tu Di làm trung tâm, thái dương xoay vòng theo núi Tu Di. Rốt 
cuộc núi Tu Di là gì? Từ xưa đến giờ chưa có người nào có thể giải thích rõ 
ràng. Hoàng lão cư sĩ nói: “Núi Tu Di có thể là lỗ đen mà thiên văn đã phát hiện”. 
Lỗ đen đó ngày nay chúng ta gọi là trung tâm của vũ trụ, trung tâm của hệ ngân 
hà. Thái dương đích thực đang xoay quanh điểm này. 
Giả như lời nói của ông có thể chứng thực, vậy một đại thiên thế giới có bao 
nhiêu hệ ngân hà? Mười vạn ức hệ ngân hà. Một đại thiên thế giới là khu vực 
giáo hóa của một vị Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật hoàn toàn không diệt độ. Ngài ở 
thế giới này thị hiện cho chúng ta thấy ngài đã diệt độ, nhưng có thể ngài lại thị 
hiện ở một tinh cầu khác. Phật xem nơi nào duyên đã chín muồi thì liền hiện 
thân ở nơi đó. Phẩm Phổ Môn nói “Thiên xứ sở cầu thiên xứ ứng”, kinh Lăng 
Nghiêm cũng nói tùy loại hóa thân, “tùy chúng sanh tâm ứng sở tri lượng”. Phật 
không có thân tướng nhất định, nơi nào có duyên thì hiện thân đến nơi đó, nơi 
nào không còn duyên nữa, thân cũng sẽ không còn. Cho nên không có sanh tử, 
tùy loại hóa thân, đó là sự thật. 
Thế nên Hiền kiếp, trong thời đại lớn này, có một ngàn vị Phật ở thế giới Ta Bà, 
chính là một đại thiên thế giới. Chúng ta lấy lời của Hoàng lão cư sĩ thì mười vạn 
ức hệ ngân hà, phạm vi lớn đến vậy, thị hiện một ngàn vị Phật. Thích Ca Mâu Ni 
Phật là vị thứ tư, Phật Di Lặc là vị thứ năm, sau đó còn 995 vị Phật. Hiện tại 
trong Hiền kiếp, địa vị các ngài là Bồ tát, nhưng tương lai liên tục thảy đều thay 
nhau thành Phật. Ý này rõ ràng cho chúng ta biết, vạn Phật không vị Phật nào 
không nói kinh này, không vị Phật nào không tuyên dương pháp môn này, không 
vị Phật nào không khuyên tất cả chúng sanh niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. 
Chúng ta phải chân thật nắm được, hiện tại nhất định sanh đến thế giới Tây 
Phương Cực Lạc. Tương lai ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, chúng ta sẽ trở 
thành nguyên lão, tư cách tiền bối. Kinh nói rõ “A Di Đà Phật thành Phật đến nay 
mới có mười kiếp”, mười kiếp ở trong thời không rất ngắn ngủi. Chúng ta sớm 
đến thế giới Cực Lạc, sau này vạn Phật ra đời đều là hậu bối của chúng ta. Cho 
nên hiện tại nếu vãng sanh, tương lai đều là huynh trưởng của họ. Do đó hãy 
nhanh chân hơn, không nên tiếp tục luân hồi, vừa luân hồi vừa đọa lạc, trong khi 
người sau thành Phật, thành đại Bồ Tát, thì chúng ta lại trở nên lạc hậu quá xa. 
Đó là việc không ai muốn. Muốn vậy, thì phải chăm chỉ nỗ lực học tập tinh tấn. 
Tóm lại, quả thực mười phương tất cả chư Phật Như Lai, không chỉ là Hiền kiếp 
thiên Phật, không vị nào không lấy kinh này, lấy pháp môn niệm Phật làm đệ 
nhất. Đó là nội dung nên học tập trong phẩm thứ nhất.
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1
Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1

Weitere ähnliche Inhalte

Was ist angesagt?

La tho-tinh-do
La tho-tinh-doLa tho-tinh-do
La tho-tinh-dochau dinh
 
Hoa Vô Ưu Tập 1 (Thích Thanh Từ)
Hoa Vô Ưu Tập 1 (Thích Thanh Từ)Hoa Vô Ưu Tập 1 (Thích Thanh Từ)
Hoa Vô Ưu Tập 1 (Thích Thanh Từ)Phật Ngôn
 
Tuvoluongtam tdh
Tuvoluongtam tdhTuvoluongtam tdh
Tuvoluongtam tdhXuan Le
 
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 6 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 6 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản WordGiảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 6 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 6 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản WordNhân Quả Luân Hồi
 
Bát Đại Nhân Giác Giảng Giải - Thích Thanh Từ
Bát Đại Nhân Giác Giảng Giải - Thích Thanh TừBát Đại Nhân Giác Giảng Giải - Thích Thanh Từ
Bát Đại Nhân Giác Giảng Giải - Thích Thanh TừPhật Ngôn
 
Hoạt ngục hiện hình ký
Hoạt ngục hiện hình kýHoạt ngục hiện hình ký
Hoạt ngục hiện hình kýHoàng Lý Quốc
 
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 8 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 8 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản WordGiảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 8 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 8 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản WordNhân Quả Luân Hồi
 
Phật học vấn đáp
Phật học vấn đápPhật học vấn đáp
Phật học vấn đápKien Thuc
 
Chính niệm thực tập thiền quán
Chính niệm   thực tập thiền quánChính niệm   thực tập thiền quán
Chính niệm thực tập thiền quánHung Duong
 
Lợi ích của việc thường trở về phật đường
Lợi ích của việc thường trở về phật đườngLợi ích của việc thường trở về phật đường
Lợi ích của việc thường trở về phật đườngHoàng Lý Quốc
 
Bộ mật tông
Bộ mật tôngBộ mật tông
Bộ mật tôngchuongtp
 
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 10 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 10 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản WordGiảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 10 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 10 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản WordNhân Quả Luân Hồi
 
Nguồn suối trong tâm tánh tập 1
Nguồn suối trong tâm tánh   tập 1Nguồn suối trong tâm tánh   tập 1
Nguồn suối trong tâm tánh tập 1Hoàng Lý Quốc
 
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 7 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 7 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản WordGiảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 7 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 7 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản WordNhân Quả Luân Hồi
 
Quần tiên gia ngôn lục
Quần tiên gia ngôn lụcQuần tiên gia ngôn lục
Quần tiên gia ngôn lụcHoàng Lý Quốc
 
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 5 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 5 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản WordGiảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 5 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 5 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản WordNhân Quả Luân Hồi
 
Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên
Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên
Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên Phật Ngôn
 

Was ist angesagt? (19)

La tho-tinh-do
La tho-tinh-doLa tho-tinh-do
La tho-tinh-do
 
đạI thừa kim cang
đạI thừa kim cangđạI thừa kim cang
đạI thừa kim cang
 
Hoa Vô Ưu Tập 1 (Thích Thanh Từ)
Hoa Vô Ưu Tập 1 (Thích Thanh Từ)Hoa Vô Ưu Tập 1 (Thích Thanh Từ)
Hoa Vô Ưu Tập 1 (Thích Thanh Từ)
 
Tuvoluongtam tdh
Tuvoluongtam tdhTuvoluongtam tdh
Tuvoluongtam tdh
 
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 6 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 6 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản WordGiảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 6 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 6 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
 
Bát Đại Nhân Giác Giảng Giải - Thích Thanh Từ
Bát Đại Nhân Giác Giảng Giải - Thích Thanh TừBát Đại Nhân Giác Giảng Giải - Thích Thanh Từ
Bát Đại Nhân Giác Giảng Giải - Thích Thanh Từ
 
Hoạt ngục hiện hình ký
Hoạt ngục hiện hình kýHoạt ngục hiện hình ký
Hoạt ngục hiện hình ký
 
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 8 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 8 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản WordGiảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 8 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 8 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
 
Phật học vấn đáp
Phật học vấn đápPhật học vấn đáp
Phật học vấn đáp
 
Chính niệm thực tập thiền quán
Chính niệm   thực tập thiền quánChính niệm   thực tập thiền quán
Chính niệm thực tập thiền quán
 
CHÁNH NIỆM TRONG TỪNG CỬ CHỈ
CHÁNH NIỆM TRONG TỪNG CỬ CHỈCHÁNH NIỆM TRONG TỪNG CỬ CHỈ
CHÁNH NIỆM TRONG TỪNG CỬ CHỈ
 
Lợi ích của việc thường trở về phật đường
Lợi ích của việc thường trở về phật đườngLợi ích của việc thường trở về phật đường
Lợi ích của việc thường trở về phật đường
 
Bộ mật tông
Bộ mật tôngBộ mật tông
Bộ mật tông
 
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 10 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 10 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản WordGiảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 10 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 10 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
 
Nguồn suối trong tâm tánh tập 1
Nguồn suối trong tâm tánh   tập 1Nguồn suối trong tâm tánh   tập 1
Nguồn suối trong tâm tánh tập 1
 
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 7 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 7 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản WordGiảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 7 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 7 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
 
Quần tiên gia ngôn lục
Quần tiên gia ngôn lụcQuần tiên gia ngôn lục
Quần tiên gia ngôn lục
 
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 5 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 5 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản WordGiảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 5 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
Giảng Kinh Lăng Nghiêm Quyển 5 | Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng | Bản Word
 
Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên
Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên
Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên
 

Ähnlich wie Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1

Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 2
Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 2Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 2
Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 2Ngọa Long
 
48 pháp niệm phật
48 pháp niệm phật48 pháp niệm phật
48 pháp niệm phậtTuan Le
 
Vãng Sanh Tịnh Độ Luận Giảng Yếu
Vãng Sanh Tịnh Độ Luận Giảng YếuVãng Sanh Tịnh Độ Luận Giảng Yếu
Vãng Sanh Tịnh Độ Luận Giảng YếuNguyen Truong Giang
 
Duy Thức Học Yếu Luận (Thích Từ Thông)
Duy Thức Học Yếu Luận (Thích Từ Thông)Duy Thức Học Yếu Luận (Thích Từ Thông)
Duy Thức Học Yếu Luận (Thích Từ Thông)Phật Ngôn
 
Hoa Vô Ưu Tập 7 (Thích Thanh Từ)
Hoa Vô Ưu Tập 7 (Thích Thanh Từ)Hoa Vô Ưu Tập 7 (Thích Thanh Từ)
Hoa Vô Ưu Tập 7 (Thích Thanh Từ)Phật Ngôn
 
Hoa Vô Ưu Tập 9 (Thích Thanh Từ)
Hoa Vô Ưu Tập 9 (Thích Thanh Từ)Hoa Vô Ưu Tập 9 (Thích Thanh Từ)
Hoa Vô Ưu Tập 9 (Thích Thanh Từ)Phật Ngôn
 
DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH
DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINHDIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH
DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINHĐỗ Bình
 
17 7-22-kinh chiêm sát
17 7-22-kinh chiêm sát17 7-22-kinh chiêm sát
17 7-22-kinh chiêm sátLong NguyenThe
 
Hoa Vô Ưu Tập 8 (Thích Thanh Từ)
Hoa Vô Ưu Tập 8 (Thích Thanh Từ)Hoa Vô Ưu Tập 8 (Thích Thanh Từ)
Hoa Vô Ưu Tập 8 (Thích Thanh Từ)Phật Ngôn
 
Cảnh Giới Đức Mạn Thù (Đức Đa Lai Lạt Ma 14)
Cảnh Giới Đức Mạn Thù (Đức Đa Lai Lạt Ma 14)Cảnh Giới Đức Mạn Thù (Đức Đa Lai Lạt Ma 14)
Cảnh Giới Đức Mạn Thù (Đức Đa Lai Lạt Ma 14)Phật Ngôn
 
Lá Thư Tịnh Độ (đã hiệu đính).docx
Lá Thư Tịnh Độ (đã hiệu đính).docxLá Thư Tịnh Độ (đã hiệu đính).docx
Lá Thư Tịnh Độ (đã hiệu đính).docxNight Lotuses
 

Ähnlich wie Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1 (20)

Thoi khoatutap 1-2
Thoi khoatutap 1-2Thoi khoatutap 1-2
Thoi khoatutap 1-2
 
Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 2
Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 2Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 2
Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 2
 
Tâm không phóng dật)
Tâm không phóng dật)Tâm không phóng dật)
Tâm không phóng dật)
 
Tâm không phóng dật
Tâm không phóng dậtTâm không phóng dật
Tâm không phóng dật
 
Ynghiahoangphaphophap
YnghiahoangphaphophapYnghiahoangphaphophap
Ynghiahoangphaphophap
 
Duyên Khởi
Duyên KhởiDuyên Khởi
Duyên Khởi
 
Bac thang giac_ngo
Bac thang giac_ngoBac thang giac_ngo
Bac thang giac_ngo
 
48 pháp niệm phật
48 pháp niệm phật48 pháp niệm phật
48 pháp niệm phật
 
Vãng Sanh Tịnh Độ Luận Giảng Yếu
Vãng Sanh Tịnh Độ Luận Giảng YếuVãng Sanh Tịnh Độ Luận Giảng Yếu
Vãng Sanh Tịnh Độ Luận Giảng Yếu
 
Phap tucuaphat tuvoluongtam - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Phap tucuaphat tuvoluongtam - THẦY THÍCH THÔNG LẠCPhap tucuaphat tuvoluongtam - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Phap tucuaphat tuvoluongtam - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
 
Duy Thức Học Yếu Luận (Thích Từ Thông)
Duy Thức Học Yếu Luận (Thích Từ Thông)Duy Thức Học Yếu Luận (Thích Từ Thông)
Duy Thức Học Yếu Luận (Thích Từ Thông)
 
Hoa Vô Ưu Tập 7 (Thích Thanh Từ)
Hoa Vô Ưu Tập 7 (Thích Thanh Từ)Hoa Vô Ưu Tập 7 (Thích Thanh Từ)
Hoa Vô Ưu Tập 7 (Thích Thanh Từ)
 
Hoa Vô Ưu Tập 9 (Thích Thanh Từ)
Hoa Vô Ưu Tập 9 (Thích Thanh Từ)Hoa Vô Ưu Tập 9 (Thích Thanh Từ)
Hoa Vô Ưu Tập 9 (Thích Thanh Từ)
 
Thoi khoatutaptrongthoiducphat edit_2
Thoi khoatutaptrongthoiducphat edit_2Thoi khoatutaptrongthoiducphat edit_2
Thoi khoatutaptrongthoiducphat edit_2
 
Thoi khoatutaptrongthoiducphat edit
Thoi khoatutaptrongthoiducphat editThoi khoatutaptrongthoiducphat edit
Thoi khoatutaptrongthoiducphat edit
 
DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH
DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINHDIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH
DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH
 
17 7-22-kinh chiêm sát
17 7-22-kinh chiêm sát17 7-22-kinh chiêm sát
17 7-22-kinh chiêm sát
 
Hoa Vô Ưu Tập 8 (Thích Thanh Từ)
Hoa Vô Ưu Tập 8 (Thích Thanh Từ)Hoa Vô Ưu Tập 8 (Thích Thanh Từ)
Hoa Vô Ưu Tập 8 (Thích Thanh Từ)
 
Cảnh Giới Đức Mạn Thù (Đức Đa Lai Lạt Ma 14)
Cảnh Giới Đức Mạn Thù (Đức Đa Lai Lạt Ma 14)Cảnh Giới Đức Mạn Thù (Đức Đa Lai Lạt Ma 14)
Cảnh Giới Đức Mạn Thù (Đức Đa Lai Lạt Ma 14)
 
Lá Thư Tịnh Độ (đã hiệu đính).docx
Lá Thư Tịnh Độ (đã hiệu đính).docxLá Thư Tịnh Độ (đã hiệu đính).docx
Lá Thư Tịnh Độ (đã hiệu đính).docx
 

Kinh đại thừa vô lượng thọ tap 1

  • 1. KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ (PHẦN 1) Pháp Sư Tịnh Không Mười năm về trước, ở các quốc gia trên toàn thế giới, chúng tôi giảng rất nhiều lần bộ kinh Vô Lượng Thọ, tính sơ đến nay cũng khoảng mười lần. Mỗi lần giảng giải đều không giống nhau. Lần này chúng tôi quyết định giảng lại do gần đây mở quyển kinh này ra, có rất nhiều khai thị mới lạ. Đại đức xưa thường nói: “cảnh giới tu tập mỗi năm không như nhau”, chúng tôi nghĩ phải đem những chỗ ngộ mới nêu ra để cùng chia sẻ với các đồng tu. Khởi giảng lần này, chúng tôi đặt trọng tâm ở “hành” và “chứng” dành cho phần lớn các đồng tu đã trải qua thời gian tu tập lâu dài, đều là lão tu, đều biết nhiều bộ kinh, và đều có “giáo, lý, hành, quả” mà nhà Phật gọi là “Giáo Kinh, Lý Kinh, Hành Kinh, Quả Kinh”. Văn tự của bộ kinh thuộc về “Giáo”. Lý luận đạo lý trong văn tự đã miêu thuật gọi là “Lý”. Nội dung dạy chúng ta làm thế nào để tu học, làm thế nào đem kinh luận thực tiễn áp dụng trong đời sống gọi là “Hành”. Hành giả tu hành đạt cảnh giới, đem cảnh giới của chính mình đối chiếu lại với kinh, ấn chứng xem những gì kinh điển dạy có giống với cuộc sống thường ngày hay không, từ cách nghĩ, cách nhìn đối với vũ trụ nhân sinh cho đến rất nhiều cách thức ứng xử với người, với vật, với việc, đó gọi là “Chứng”. Trong kinh có “giáo, lý, hành, quả”, chúng ta học tập có “tín, giải, hành, chứng”. Năm xưa khi giới thiệu bộ kinh này, mục tiêu của chúng tôi nghiêng nặng về “tín, giải”, hy vọng các vị đồng tu sau khi nghe có thể sinh khởi tín tâm, lý giải nghĩa thú. Còn lần này chúng tôi đặt trọng tâm vào “hành, chứng”. Làm thế nào để áp dụng mỗi chữ mỗi câu trong kinh vào ngay trong đời sống, công việc thường ngày, trong qua lại đối nhân xử thế, tiếp xúc mọi vật, học tập, như vậy sẽ rất có ý nghĩa, rất có lợi ích. Cho nên lần này giảng nói có vài điểm không giống trước. Đối với “giáo, lý”, chúng ta có thể tỉnh lược mà chuyên sâu nghiên cứu “hành pháp”. Chúng tôi đã giảng bộ kinh này trên phương diện giáo lý rất nhiều lần, có thu âm, ghi hình và phát hành rộng rãi. Lần này, chúng tôi sẽ tỉnh lược phần huyền nghĩa mà trực tiếp đi vào kinh văn, khởi giảng từ kinh văn. Tuy nhiên khi giảng kinh văn, chúng tôi không thể tỉnh lược đề mục, vẫn phải xem qua đề mục trước của quyển kinh. Bổn hội tập của lão cư sĩ Hạ là tổng hợp của bổn dịch đời Tống và bổn dịch đời Hán, sự hội tập này rất hoàn mỹ, hàm nhiếp đầy đủ viên mãn ý nghĩa của mười hai loại bản dịch kinh Vô Lượng Thọ. Không chỉ riêng mười hai loại bản dịch của kinh Vô Lượng Thọ, mà tất cả pháp Thế Tôn nói trong bốn mươi chín năm đều không rời khỏi đề kinh này. Đề kinh không khác gì cương lĩnh, đều bao hàm trong cương lĩnh. Thế Tôn nói pháp cũng vậy, mười phương ba đời tất cả Chư Phật Như Lai vì tất cả chúng sanh nói vô lượng vô biên pháp môn cũng không rời khỏi đề kinh này. Cho nên đề kinh thực chất là tổng cương lĩnh của Phật pháp đại viên mãn. Chúng ta từ đề kinh xây dựng tín tâm mà thể hội “tín, giải, hành, chứng” viên mãn.
  • 2. ĐỀ KINH “PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH” Vì để dễ dàng giới thiệu, chúng tôi phân thành tám đoạn nhỏ. Thứ nhất là chữ “Phật” Chữ “Phật” là dịch âm từ tiếng Phạn Ấn Độ. Phật giáo truyền đến Trung Quốc vào triều nhà Hán. Thông qua đãi ngộ của quốc gia, cuộc phiên dịch với quy mô lớn được tiến hành một cách gian nan và tâm huyết. Tuy nhiên văn tự Trung Quốc thời đó có thể nói không nhiều, nhiều ý nghĩa trong kinh điển mà văn tự Trung Quốc không đủ để diễn đạt. Thế là bất đắc dĩ các vị tiền nhân phải tạo chữ. Vì để phiên dịch kinh Phật nên đã tạo ra rất nhiều chữ mới, chữ “Phật” cũng vì đó mà ra đời. Phật là người, cho nên bên cạnh chữ này thêm vào một nhân đứng, âm là Phật, đó là văn tự mới tạo. Chữ Phật thực tế là lược xưng của chữ “Phật Đà Da”. Người Trung Quốc thích đơn giản nên tỉnh lược âm đuôi, chỉ gọi riêng một chữ “Phật”, ý nghĩa là giác ngộ bao hàm “tự giác”, “giác tha”, và “giác hạnh viên mãn”. Hành giả học Phật phải học giác ngộ, giác mà không mê liền thành Phật. Bản thân tôi hai mươi sáu tuổi bắt đầu học Phật, tiếp xúc Phật pháp đến nay hơn bảy mươi tuổi. Không thể nói hoàn toàn không giác ngộ, mà là chút ít, hay nói cách khác, đối với thế gian cùng xuất thế gian pháp không quá mê hoặc. Không mê chính là không bị xoay chuyển. Người thông thường, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần sẽ khởi tâm động niệm, sinh tham sân si mạn, xem thấy đẹp, dễ nhìn, thích nghe, thích nhìn, đó chính là mê. Người giác ngộ đẹp xấu đều như nhau, tâm thanh tịnh là bình đẳng, vì sao đều như nhau? “Phàm hễ có tướng, đều là hư vọng”, đẹp mắt là hư vọng, không đẹp mắt vẫn là hư vọng, cho nên bình đẳng, tâm sẽ không bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển, đó chính là giác ngộ. Người học Phật mỗi giờ mỗi phút phải phản tỉnh, kiểm điểm chính mình chân thật có giác ngộ hay không? giác ngộ đến mức độ nào? Nếu nghe người khác tán thán thì sanh tâm hoan hỉ, nghe người khác hủy báng trong lòng liền khó chịu, như vậy vẫn là phàm phu, vẫn phải sinh tử luân hồi trong sáu cõi. Công phu chính ở tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, không luận thế pháp hay Phật pháp đều rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, như như bất động, vậy mới gọi là học Phật. Vào cửa Phật, bài khóa đầu tiên chính là tiếp xúc “Tam quy y”, được giảng giải rõ ràng tường tận, nhưng rốt cuộc chúng ta có quy hay không? Quy là quay đầu, chúng ta có quay đầu hay không? có nương tựa hay không? Nếu quy y trên hình thức, làm một nghi thức nhưng thực tế không quay đầu, không nương tựa, quy y như vậy là giả, “hữu danh vô thực”. Quy y Phật là giác không mê, quy y pháp là chánh không tà, quy y tăng là tịnh không nhiễm, ba điều này chúng ta đã làm được hay chưa? “Tam tự quy y” luôn được viết trên đề kinh, thế mới thấy được sự viên mãn của đề kinh. Sau khi tự giác mới có thể giác tha.
  • 3. Giác tha thực tế tương đối không dễ dàng, nhưng vì sao phải “giác tha”? Một số vị đồng tu quan niệm mình chăm chỉ tu hành nhưng không đi giác tha, giáo hóa chúng sanh, độ người, họ đợi khi thành Phật rồi mới độ. Nếu có ý niệm này chắc chắn sẽ không thể thành Phật, vì sao? Tự giác phá phiền não chướng, giác tha phá sở tri chướng. Phá phiền não chướng thành được chánh giác, cảnh giới đó là địa vị của A La Hán, Bích Chi Phật, trong Viên Giáo gọi là Bồ Tát Thất Tín vị, Viên Giáo là Thất Tín trở xuống, trong Biệt Giáo gọi là Bồ Tát Tam Hiền, chưa đăng địa. Nếu không phát tâm giúp đỡ người khác sẽ không thể phá được sở tri chướng. Cho nên nếu muốn thành Phật nhất định phải phát tâm tự độ độ người, toàn tâm toàn lực giúp đỡ người khác học Phật, biết được bao nhiêu thì giúp người khác bấy nhiêu, nhất định không bỏn pháp, công đức lợi ích này liền được thù thắng, liền phá hai chướng. Sau khi đã phá hai chướng trở thành bồ tát, là Pháp Thân Đại Sĩ mà kinh Hoa Nghiêm đã nói, thì hành giả không những siêu việt sáu cõi mà siêu việt cả mười pháp giới, chứng được Pháp Giới Nhất Chân. Hay nói cách khác là trải qua đời sống của Pháp Thân Đại Sĩ Pháp Giới Nhất Chân. Tuy nhiên như thế vẫn chưa đạt đến cảnh giới tối thượng, chúng ta vẫn phải không ngừng “tự độ độ người”, cần phải phá hết vô minh chính là vọng tưởng. Đoạn được trong sạch vắng lặng, chúng ta liền giác mãn, thành tựu Phật quả cứu cánh viên mãn, “Phật” đây chính là chỉ đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Thích Ca Mâu Ni đích thực đã chứng được quả Phật cứu cánh viên mãn. Kinh này do ngài nói, chỉ có quả Phật cứu cánh viên mãn mới có năng lực tuyên dương đại pháp cứu cánh viên mãn, chúng ta đọc bộ kinh có thể lý giải sâu sắc điều đó. Không những Thích Ca Mâu Ni Phật mà mười phương ba đời tất cả Chư Phật Như Lai không vị Phật nào không tán thán Tịnh Độ. Cho nên chữ “Phật thuyết” của kinh Vô Lượng Thọ và chữ “Phật thuyết” trong các kinh khác không giống nhau. Trong các kinh khác, “Phật thuyết” chính là Thích Ca Mâu Ni Phật nói, còn “Phật thuyết” trong kinh này là tất cả mười phương ba đời chư Phật Như Lai thảy đều nói, cảnh giới không thể nghĩ bàn. Cho nên ý nghĩa chữ “Phật” ở đây đặc biệt vô cùng sâu rộng. Thứ hai là chữ “thuyết” Thuyết chính là thuyết pháp. Thời xưa “thuyết” và chữ “duyệt” của “hỉ duyệt” là một. Trong Luận Ngữ học, khi vừa mở đầu “học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ”, chữ “duyệt” này thực tế là “thuyết”, ý nghĩa là duyệt của hỉ duyệt. Nói cách khác, người ưa thích thì ngài mới nói, không thích thì không nói. Phật lấy độ chúng sanh làm bản nguyện, xem thấy chúng sanh căn cơ chín muồi có thể tiếp nhận pháp môn, ngài hoan hỉ không gì bằng. Chúng ta bình lặng suy nghĩ thì có thể lý giải, đức Phật muốn giúp đỡ tất cả chúng sanh đều có thể cứu cánh viên mãn Phật. Trên thực tế tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật, ý nghĩa trong hai chữ “thành Phật” này, chúng ta phải tường tận, phải thông suốt. Cái gì gọi là “thành Phật”? “Thành Phật” có gì tốt? Thành Phật hay không thành Phật không như nhau sao? Xin thưa, không thành Phật và thành Phật khác biệt nhau rất lớn. Không thành Phật, chúng ta có phiền não,
  • 4. vọng tưởng, tai nạn, khổ, trên kinh Phật thường nói “sinh, lão, bệnh, tử khổ”, ba khổ tám khổ không cách gì rời khỏi. Sau khi học Phật rồi, chính là sau khi thành Phật, cái khổ này vĩnh viễn thoát ly, hết thảy khổ thế xuất thế gian đều xả bỏ, đây là ưu điểm của việc học Phật. Ngoài ra một ưu điểm nữa, khi chưa thành Phật, vũ trụ nhân sinh đối với chúng ta là một mảng mù tịt, không biết được gì, đó là khổ. Sau khi thành Phật, tận hư không khắp pháp giới, kết quả hiện tại vị lai, quá khứ khôn cùng vị lai vô tận, không thứ nào không tường tận, không có thứ nào không thông suốt. Cái thông suốt đó không phải do tưởng tượng, suy đoán. Thế gian hiện tại của chúng ta mấy năm gần đây rất nhiều tai nạn trong ngoài nước, nhiều sách dự ngôn cũng báo trước điều này. Chúng tôi đi dạo nhà sách thấy mười mấy loại sách nước ngoài dự đoán tương lai có những tai nạn gì. Những dự đoán này chưa chắc đúng bởi vì dự ngôn của họ đều từ số học mà suy đoán ra nên có thể tính sai. Trong khi đó Phật nói rất chuẩn xác vì ngài đã mắt thấy tai nghe. Phật ra đời vào ba nghìn năm trước, đã biết rõ như lòng bàn tay, giảng rõ ràng tường tận. Kinh Lăng Nghiêm nói tình hình xã hội hiện tại của chúng ta rất tỉ mỉ. Thời kỳ mạt pháp chính là thời đại này, sau hai ngàn năm trăm năm sau, thời đại này “đấu tranh kiên cố”, quốc gia đấu tranh quốc gia, các đoàn thể trong cùng xã hội đấu tranh, cá nhân đấu tranh cá nhân, vợ chồng cãi cọ bất hòa, không thể tránh khỏi đấu tranh, vậy đấu tranh ngày nay có gì lạ? Nếu không có đấu tranh, hóa ra lời Phật nói là sai? Xã hội này đi đâu cũng gặp hiện tượng đấu tranh, chẳng phải đức Phật đã thấy rõ ràng tường tận như vậy rồi nói lại với chúng ta. Hiện tại xã hội này “tà sư nói pháp như cát sông Hằng”, tà sư là người thế nào? Đó là ma tử ma tôn chuyên phá hoại chánh pháp. Loại người này rất nhiều, Phật dùng “cát sông Hằng” để thí dụ, ý nói tà sư thuyết pháp đầy rẫy. Chúng ta tiếp xúc chánh pháp, chân thật như kinh đã nói, vô lượng kiếp đến nay nhân duyên phước đức thiện căn chín muồi mới có thể gặp được chánh pháp, có thể tinh tấn không thoái chuyển, ngay trong đời này nhất định thành tựu. Thế nhưng người gặp được chánh pháp trong chúng ta thoái tâm khá nhiều, vì sao? Thiện căn, phước đức, nhân duyên không đầy đủ. Chỉ cần thiếu một trong ba điều kiện, họ liền thoái tâm. Muốn giữ đạo nghiệp không thoái chuyển thì phải đặc biệt đề cao cảnh giác, dù thiện căn phước đức hơi kém, vẫn không phải lo vì còn nhân duyên thù thắng. Đại sư Thiện Đạo trong Tứ Thiệp Sớ, tức chú giải của kinh Quán Vô Lượng Thọ, được lưu thông rộng rãi, chương Thượng phẩm thượng sanh ngài giảng rất hay, rằng người niệm Phật vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, bốn cõi ba bậc chín phẩm đều gặp duyên không như nhau. Câu nói này chúng ta quyết không nên khinh xuất xem lướt qua. Duyên vô cùng quan trọng, không ai giống ai, nếu duyên của chúng ta thù thắng, người có thiện căn phước đức đều có thể đạt đến thượng phẩm thượng sanh. Các đại đức xưa, phần lớn cho rằng thượng thượng phẩm vãng sanh đại khái đều là Bồ tát Thượng tam phẩm. Trung phẩm vãng sanh phải là A La Hán, Bích Chi Phật. Phàm phu vãng sanh chỉ ở hạ phẩm. Tuy
  • 5. nhiên ngài Thiện Đạo lại không nói như vậy. Thiện Đạo nói, cùng với đại tiểu thánh, đại thánh chính là Bồ Tát, tiểu thánh chính là Thanh Văn, Duyên Giác, đều do duyên không như nhau, phàm phu chúng ta cũng có thể vãng sanh thượng thượng phẩm, vậy cái gì gọi là duyên? Đó là đọc kinh, niệm Phật mỗi ngày không gián đoạn. Vào đầu năm dân quốc, Trung quốc có một đạo tràng niệm Phật Linh Nham Sơn ở Tô Châu của Ấn tổ. Đạo tràng này là Phật thất suốt năm, mỗi ngày đều trì Phật thất, một năm ba trăm sáu mươi ngày không gián đoạn. Đây gọi là duyên. Một người bước vào niệm Phật đường niệm Phật một năm ba trăm sáu mươi ngày không gián đoạn, lòng chỉ nghĩ đến Phật, miệng niệm danh hiệu Phật, thử hỏi sao không thành Phật được? Tuy nhiên, giả sử có người nào đó niệm năm bảy danh hiệu Phật, lại rời khỏi niệm Phật đường, đến nơi khác, chuyển đổi, thoái tâm, nghe người này, người nọ liền thay đổi chủ ý, đấy chẳng phải là duyên không đồng nhau hay sao? Tham thiền học giáo cũng không ngoại lệ, pháp sư nghiên giáo, duyên đó cũng rất thù thắng. Chúng tôi đã nghĩ trong nhiều năm, đến hiện tại vẫn chưa thể thành sự thật. Vì vậy chúng tôi luôn mong có chí đồng đạo họp cùng hướng đến toàn thế giới tuyên dương Phật pháp Đại thừa, thành lập đoàn hoằng pháp. Pháp sư giảng kinh đều tham gia tổ chức này. Mỗi ngày nghiên cứu thảo luận, mỗi tối giảng kinh ở giảng tự, miệt mài một bộ kinh không xả bỏ, từng thiên từng thiên lặp lại giảng giải, không ngừng thâm nhập thì có lý nào lại không thành công? Từ trong giải môn được định, định khai trí tuệ. Thời xưa đại sư Thanh Lương ở Ngũ Đài Sơn chuyên giảng kinh Hoa Nghiêm, cả đời ngài đã giảng qua năm mươi bộ, người sau xem truyện ký vô cùng tâm đắc. Thử nghĩ xem, nếu chúng ta muốn học kinh Hoa Nghiêm, đến dưới tòa của ngài Thanh Lương để nghe đủ năm mươi bộ thì làm sao không thành tựu. Thế Tôn năm xưa đã nói “nhị thời giảng kinh”, Phật giảng kinh hai thời, hai thời là hai thời của Ấn Độ xưa. Ngày đêm của Ấn Độ là sáu thời: ngày ba thời, đêm ba thời. Ban ngày gồm Sơ nhật phân, Trung nhật phân, Hậu nhật phân. Ban đêm gồm Sơ dạ phân, Trung dạ phân, Hậu dạ phân. Vậy một thời là bốn giờ đồng hồ hiện tại của chúng ta, hai thời là tám giờ đồng hồ. Thích Ca Mâu Ni Phật giảng tám giờ đồng hồ mỗi ngày, trong lòng không hề vọng tưởng. Không còn vọng tưởng là duyên thù thắng. Cư Sĩ Lâm mỗi buổi tối giảng hai giờ đồng hồ, hai giờ đồng hồ tâm địa thanh tịnh nghe kinh nghe pháp, vẫn còn đến hai mươi hai giờ khởi vọng tưởng. Duyên như vậy vẫn chưa thù thắng. Vì sao ngày nay chúng ta tu hành mà không thể thành tựu? Vì sao tâm chúng ta dễ dàng bị dao động? Đạo lý chính ở chỗ này. Khoảng ba mươi năm trước, chúng tôi ở Đài Trung thân cận với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Lúc đó thư viện Từ Quang thành lập một giảng tòa Phật học Đại Chuyên, cư sĩ Thái Dinh Hoa của Malaysia là học sinh tốp đầu tiên. Giảng tòa Phật học Đại Chuyên khóa thứ nhất chỉ có bốn học sinh, cho nên chúng tôi rất quen thuộc với họ. Thế gian vô thường, cư sĩ Thái Dinh Hoa vừa qua đời cách đây một hai năm. Chúng tôi từng
  • 6. thấy ông học ở trường, học Phật, tốt nghiệp, đến lúc ông về hưu, và lúc ông qua đời, vô thường đây đều đáng để chúng ta cảnh tỉnh. Phật giáo dạy chúng ta phải thành tựu quả Phật cứu cánh viên mãn, không dạy chúng ta làm A La Hán cũng không dạy chúng ta làm Bồ Tát. Căn tánh như vậy đi đâu mà tìm được. Thực tế căn tánh như vậy không phải không có, mà duyên không có. Rất nhiều năm, chúng tôi luôn hy vọng có được một thôn Di Đà, là cái duyên để chúng ta cùng tu, mỗi ngày niệm Phật, niệm không gián đoạn. Lão pháp sư Đế Nhàn cũng dạy cho người thợ vá nồi phương pháp đó, niệm mệt có thể nghỉ ngơi, rồi niệm tiếp. Chúng tôi ở Úc Châu có một đạo tràng nhỏ, gần đây đang mở Phật thất, có mười mấy đồng tu tham gia, bên cạnh niệm Phật đường hiện tại là nơi đi lại. Tương lai sẽ dời lối đi lại này, để khoảng đất trống làm nơi nghỉ ngơi. Niệm mệt thì nằm nghỉ, nghỉ khỏe rồi trở lại niệm Phật đường niệm tiếp. Nơi này đại khái có thể dung nạp được bốn mươi tám người. Chúng ta cung cấp nhân duyên, bốn mươi tám người này chọn phương pháp của Viễn Công ở Lô Sơn, ghi danh trọn đời vào niệm Phật đường. Viễn Công ở Lô Sơn ngày trước cũng vậy, ngài không xuống núi. Chúng ta cũng vậy, ở niệm Phật đường một lòng một dạ cầu vãng sanh thượng thượng phẩm. Chúng tôi dự định sẽ đặt là “Niệm Phật Đường Thượng Thượng Phẩm”, không cầu thượng trung phẩm, mà nhất định phải là Niệm Phật Thượng Thượng Phẩm, chỉ có bốn mươi tám người, chí đồng đạo họp. Vì để kiên định Tín-Nguyện, Niệm Phật Đường buổi tối giảng kinh, có thể liên tục giảng ba đến năm năm, sau đó không cần giảng nữa, mọi người thảy đều lý giải, đều tường tận, tất cả gốc nghi đều được nhổ hết, bốn mươi tám người đều thành Phật. Duyên thù thắng không gì sánh được. Hiện tại tôi đã nhiều tuổi, đã đến lúc phải vào niệm Phật đường. Tương lai đoàn hoằng pháp dành cho pháp sư trẻ phát tâm tận lực hoằng pháp lợi sinh. Khi sáu mươi hoặc bảy mươi tuổi về hưu theo chế độ “thất thập nhi chí sự” của Trung quốc xưa, chúng ta có thể thoái hưu, bước vào Niệm Phật Đường niệm Phật, tu tập cho chính mình. Có hai đạo tràng như vậy, giải - hành đều trọng mới có thể hưng vượng Phật pháp. Phật độ chúng sanh xem thấy chúng sanh duyên đã chín muồi, sanh khởi vô lượng tâm hoan hỉ, Phật làm tăng thượng duyên cho chúng ta, chúng ta phải phát ra tâm này. Công đức như thế nào là to lớn nhất, có ý nghĩa thù thắng nhất? Không gì hơn tổ chức đoàn hoằng pháp, xây Niệm Phật đường vãng sanh thượng thượng phẩm. Đại sư Ngẫu Ích trong “Di Đà Yếu Giải” khi giảng hai chữ “Phật Thuyết” có nói “Phật dĩ độ sanh vi hoài”, tức là cơ duyên chúng sanh thành Phật đã chín muồi. Cách nói của ngài người xưa không khẳng định như vậy. Cơ duyên chúng sanh thành Phật đã chín muồi, “vi thuyết nan tín chi pháp”, pháp môn Tịnh Độ là pháp khó tin. Giúp đỡ chúng sanh thành tựu Phật quả cứu cánh viên mãn, niềm hoan hỉ không thể hình dung được. Đại sư Ngẫu Ích nói rất chuẩn xác. Mười phương ba đời tất cả chư Phật Bồ Tát xem thấy người căn
  • 7. tánh chín muồi, không ai không tuyên nói pháp môn này. Do đây mà biết, căn tánh không chín muồi, chưa chín muồi, hay chưa đủ tư cách làm Phật, có thể làm Bồ Tát, đức Phật liền tuyên nói các pháp môn đại thừa khác. Nếu xem thấy chúng sanh có tư cách làm A La Hán chứng quả Bích Chi Phật, Phật liền nói pháp môn Thanh Văn Duyên giác. Nếu thấp hơn nữa, xem thấy chúng sanh tình chấp còn quá nặng, tà kiến sâu, không thể thoát khỏi sáu cõi luân hồi, Phật liền giảng tiểu pháp Nhân Thiên, khuyên họ đời sau còn có thể được thân người, không đến nỗi đọa vào ba đường ác. Đức Phật đối với tất cả chúng sanh hết lời khuyên bảo, ứng cơ nói pháp, đó là “Phật thuyết”. Thứ ba là hai chữ “Đại Thừa” Tỷ dụ xe lớn. Thời xưa khoa học chưa phát triển, xe lớn nhất là xe ngựa, do bốn ngựa kéo, có thể chở mười người; xe nhỏ là xe dê, xe nai, chỉ chở được một người. Phật thí dụ Đại Thừa, Tiểu Thừa, tỷ dụ giáo học giúp đỡ chúng ta thành tựu đạt đến một giai đọan nào đó. Mục tiêu gần nhất là Tiểu thừa. Giúp thoát khỏi sáu cõi luân hồi là Tiểu Thừa. Hành trình xa hơn là Đại Thừa. Giúp chúng ta siêu việt mười pháp giới gọi là pháp Đại Thừa. Phương tiện giao thông hiện tại không như trước, phi cơ có thể chứa mấy trăm người, còn tàu thuyền càng không cần phải nói, dụng ý của nó là sự vận chuyển chúng sanh từ nơi phiền não sanh tử của cảnh giới này siêu việt đến bờ bên kia Bồ Đề Niết Bàn. Vậy quyển kinh này là pháp Đại thừa, không chỉ là Đại thừa như trong chú giải của đại đức xưa mà bộ kinh này là đại thừa ngay trong Đại thừa; không chỉ là Đại thừa ngay trong pháp Đại thừa mà còn là Nhất Thừa ngay trong pháp Nhất Thừa. Vậy pháp Nhất Thừa là gì? là pháp thành Phật. Thế Tôn vào những năm cuối giảng kinh Pháp Hoa trong hội Pháp Hoa, Ngài tuyên bố “chỉ có pháp nhất thừa, không hai cũng không ba”. Ngoài ra Phật phương tiện nói đó chân thật là bổn hoài của ngài. Ngài giáo hóa chúng sanh với tấm lòng chân thật bình đẳng rằng chỉ có pháp nhất thừa dạy chúng ta làm Phật, không làm Bồ Tát, A La Hán, mà nhất định phải làm Phật cứu cánh viên mãn ngay trong đời này. Vậy nói ba thừa là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, còn nói hai thừa là Tiểu thừa và Đại thừa đều do Phật phương tiện nói. Nghe cách nói này của Phật, đại sư Thanh Lương cảm ngộ, trong “Hoa Nghiêm Sớ Sao”, ngài nói “người học ba thừa, có nhân không quả”, cùng ý nghĩa như kinh Pháp Hoa, vì sao? Thành Phật mới là quả, không thành Phật thì không có quả, quả đó là giả, không phải thật. Cho nên người học ba thừa Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, có nhân không có quả. Do đó phải biết, quyển kinh này có nhân có quả, không gì bằng. Có mấy loại kinh có nhân có quả? Ngoài bộ kinh này còn có kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, các kinh khác đều không có. Cho nên từ xưa đến nay các tổ sư đại đức dường như đều công nhận Hoa Nghiêm, Pháp Hoa là nhất thừa giáo, trên cả Đại thừa. Bên cạnh đó, kinh Phạm Võng cũng thuộc kinh Nhất thừa. Nhưng kinh Vô Lượng Thọ là Nhất thừa ngay trong Nhất thừa, vì sao? Kinh Hoa Nghiêm đến sau cùng, “mười đại nguyện vương cầu về Cực Lạc” mới viên mãn thành Phật. Trong khi đó quyển kinh Vô Lượng Thọ mỗi câu mỗi chữ đều nói Phật quả cứu cánh, Hoa Nghiêm quy về là quy về Vô Lượng Thọ. Thế mới nói, bộ kinh này
  • 8. “nhất thừa ngay trong nhất thừa”, vô thượng thừa. Chúng ta may mắn gặp được kinh điển, không thể phủ định phước báu từ nhiều đời nhiều kiếp, cũng có thể khẳng định thiện căn phước đức nhân duyên trong vô lượng kiếp đã chín muồi. Một số người gặp kinh này vẫn không tin tưởng, vì sao? “Vì pháp khó tín”. Tuy nhiên nhiều người vừa tiếp xúc liền tin tưởng. Thích Ca Mâu Ni Phật luôn nói pháp khó tin, đích thực là như vậy. Khởi tín niệm Phật là nhân, mỗi niệm làm Phật là quả, “nhân như biển quả, quả tận nguồn nhân”, chân thật không thể nghĩ bàn, đó là ý nghĩa của đại thừa. Phật trong kinh thường nhắc nhở như trong Hoa Nghiêm, tất cả các pháp thế xuất thế gian “do tâm biến hiện, do thức hiện ra”, thức chính là tâm tưởng, lại nói “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, mỗi ngày chúng ta tưởng Phật, quả báo của Phật liền hiện tiền. Lịch sử Trung Quốc có ghi chép, cuối đời Tống đầu nhà Nguyên, Triệu Mạnh Phủ là người nổi tiếng chữ viết đẹp, hiện tại thiệp chữ của ông vẫn rất phổ biến. Ông giỏi vẽ ngựa, ưa thích vẽ ngựa, ông thường đi quan sát hình thái động tác của ngựa, trong lòng mỗi ngày đều nghĩ đến chúng. Một hôm ngủ trưa, ông nằm mộng nghĩ đến ngựa, đó là lúc tập trung toàn bộ tinh thần. Thời gian ngủ tương đối dài nên vợ ông đến gọi ông dậy. Vừa kéo mùng ra, bà vợ thất kinh hồn vía la lên khi nhìn thấy một con ngựa nằm trên gường. Nghe tiếng hét, ông bừng tỉnh dậy ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Trong lòng nghĩ đến ngựa nên biến thành ngựa, chẳng lẽ nghĩ đến Phật thì không biến thành Phật được sao? Rõ ràng có đạo lý. Cho nên các vị đồng tu nên ghi nhớ, nghĩ đến Bồ tát thì liền biến thành Bồ tát, nghĩ đến quỷ thì biến thành quỷ, nghĩ đến địa ngục thì biến thành địa ngục, nghĩ thứ gì sẽ biến thành thứ đó. Phật quá rõ ràng đối với chân tướng sự thật và đạo lý này, dạy chúng ta tưởng Phật “nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền tương lai, quyết định thấy Phật”. Chúng ta thường mỗi ngày từ sớm đến tối khởi vọng tưởng, không nghĩ đến Phật, vậy từ đây, hãy chân thật cảm nhận rằng hình thành một Niệm Phật Đường đúng pháp là điều rất cần thiết. Một Niệm Phật Đường chân chính đúng pháp quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Niệm Phật Đường chính là trường tuyển Phật, đến nơi đó để làm Phật. Đó là nội dung “Đại thừa”, ý nghĩa của Nhất Phật Thừa. Thứ tư là chữ “Vô Lượng Thọ” “Vô Lượng Thọ”, tiếng Phạn gọi là A Di Đà, ý nghĩa này Phật cũng đã nói trên kinh Di Đà. “A Di Đà” dịch thành Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ. Bổn ý của tiếng Phạn, “A” dịch thành ý của Trung Quốc chính là Vô, “Di Đà” dịch là Lượng, bổn ý chính là Vô Lượng. Cái gì là vô lượng? Tất cả đều vô lượng, không có thứ nào không vô lượng, trí tuệ vô lượng, đức năng vô lượng, tài nghệ vô lượng, phước báu cũng vô lượng. Ngày nay mọi người đều muốn phát tài, tài bảo vô lượng, không có thứ nào không vô lượng. Nói một cách hơi thô thiển, một lỗ chân lông vô lượng, một bụi trần cũng vô lượng. Tất cả chư Phật Như Lai ở trên đầu sợi tóc giảng kinh nói pháp, đoạn tóc không phình to, chư Phật Bồ tát cũng không thu nhỏ. Đây hoàn toàn là cảnh giới “sự lý vô ngại, sự sự vô ngại” của
  • 9. kinh Hoa Nghiêm, không một pháp nào là không vô lượng, tất cả pháp đều là toàn thể tận hư không khắp pháp giới. Quyển kinh Vô Lượng Thọ là thu nhỏ, là tinh hoa của Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm đã nói “Lục tướng Thập Huyền”, quyển kinh Vô Lượng Thọ này cũng là “Lục tướng Thập Huyền”. Hơn nữa, mỗi câu mỗi chữ trong kinh đều viên mãn đầy đủ “Lục tướng Thập Huyền”, người xưa gọi là “Hoa Nghiêm quyển trung” không phải không có đạo lý. Để dễ hiểu, Thế Tôn nêu ra hai loại: Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang biểu đạt tất cả đều vô lượng. “Quang” là ánh sáng chiếu khắp hư không pháp giới, ánh sáng của Phật chiếu khắp nơi nơi. Thế nên hiện tại chúng ta gọi là không gian. Quang Minh biểu đạt không gian. Thọ Mạng biểu đạt thời gian, gồm quá khứ, hiện tại, vị lai. Nếu họp Thời - Không lại, chính là toàn thể vũ trụ chứa vạn sự vạn vật trong nó, không có thứ nào trót lọt. Phật dùng hai ý này để giải thích Vô Lượng, lược nói cũng rất viên mãn. Vậy chúng ta tỉ mỉ nghĩ thử, người hiện tại nói Thời Không, Phật nói Quang Thọ, ý nghĩa Quang Thọ tốt hơn Thời Không không? Trong Quang Thọ có linh khí; Thời Không hoàn toàn biến thành vật chất, không có linh tánh. Quang Thọ có linh tánh còn viên mãn hơn rất nhiều so với hai chữ Thời Không. Ngay trong đức năng vô lượng mà người xưa nhắc nhở chúng ta, thực tế là trong tất cả vô lượng, Thọ chiếm vị trí thứ nhất. Việc này chúng ta có thể lý giải, nếu tất cả vô lượng chúng ta đều có được nhưng thọ mạng không có, chẳng phải là một mảng không hay sao? Thọ dụng gì chúng ta cũng không có, cho nên ngay trong tất cả vô lượng, thọ mạng là thứ nhất. Do đó, mới dùng “Vô Lượng Thọ” để giải thích A Di Đà. Thế giới Tây Phương Cực Lạc có vị đạo sư vĩ đại, đức hiệu là A Di Đà Phật, nguyện hạnh từ nhân địa mãi đến thành tựu được quả vị, sau khi thành tựu sự nghiệp, ngài đã triển khai mở rộng, giúp đỡ tất cả chúng sanh tận hư không khắp pháp giới ngay trong một đời viên mãn thành Phật. Việc này không thể nghĩ bàn, đó là vô lượng của vô lượng, hành giả phải tỉ mỉ thể hội mới có thể được một, được hai, hay được vài phần. Thọ dụng của chúng ta là vô cùng vô tận. Thọ dụng biểu hiện ở chỗ nào? Biểu hiện ở ngay “Tín, Nguyện, Hạnh” của chúng ta, tin sâu không nghi, tuyệt đối không bị dao động, thiết nguyện nguyện lực kiên cường, cũng không có bất cứ thứ gì có thể mê hoặc, được như vậy là “Tín, Nguyện, Hạnh” của chúng ta đã thành tựu. Thứ năm là chữ “Trang Nghiêm” “Trang Nghiêm” nếu dùng ngôn ngữ hiện tại mà nói là tốt đẹp, tốt đẹp đến tột cùng. Bổn kinh đọc đến “Nhất Hướng Chuyên Chí, Trang Nghiêm Diệu Độ”. Diệu Độ là gì? Người thông thường nghe có thể hiểu đó là thế giới Tây Phương Cực Lạc, hiểu như thế chỉ đúng một nửa, còn một nửa ở đâu? Hoàn cảnh cư trú hiện tại của chúng ta chính là Diệu Độ. Khi chúng ta vừa chuyển đổi cảnh giới, thì nơi này chính là Diệu Độ, tuy không phải là Diệu Độ chân thật nhưng cũng gần giống.
  • 10. Đại sư Thiên Thai nói Lục tức, Tương tợ tức, Phần chứng tức, đến thế giới Tây Phương Cực Lạc là Diệu Độ cứu cánh. “Nhất hướng chuyên chí”, chỉ cần chúng ta làm đến được “nhất hướng chuyên chí”, cõi hiện tại này liền biến thành Tịnh Độ hay Diệu Độ. “Cảnh tùy tâm chuyển”, nếu thể hội được ý này sẽ liền có thể tưởng tượng ra. Vào thời đại Đông Tấn, đại sư Viễn Công ở Lô sơn Giang Tây xây dựng Niệm Phật đường Đông Lâm. Ngay lúc đó, nhiều người niệm Phật tu hành, nơi đó của họ chính là Diệu độ, vì sao? Vì mỗi người bước vào đều “nhất hướng chuyên chí”. Quyển kinh Vô Lượng Thọ giảng phương pháp tu hành, cương lĩnh tu hành “một lòng chuyên niệm A Di Đà Phật, phát tâm Bồ Đề”. Hoàn cảnh của hành giả chính là Diệu độ, chính là Tịnh Độ. Các đại đức xưa đã nói “tâm tịnh thời cõi nước tịnh”. Ở đạo tràng này, người người tâm thanh tịnh, người người đều nhớ Phật niệm Phật. Đạo tràng như vậy làm sao không thành Tịnh Độ được? Trang nghiêm thù thắng trùng trùng, nghìn trùng tướng lạ tự nhiên hiện tiền, cảm ứng không thể nghĩ bàn. Lại nói đến “cõi Cực Lạc kia, công đức vô lượng, đầy đủ trang nghiêm”. Câu nói này hiển nhiên là tán thán thế giới Tây Phương Cực Lạc, vì sao? Mười phương bao gồm tất cả cõi nước những chúng sanh trong đó. Người niệm Phật vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, mỗi người đều tâm thanh tịnh, đều nhớ Phật niệm Phật. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là một đạo tràng lớn, chúng ta cũng có thể tưởng tượng. Trong kinh này, Thích Ca Mâu Ni Phật tán thán A Di Đà Phật “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”. Thích Ca Mâu Ni Phật đại biểu cho hết thảy chư Phật tán thán như vậy, không vị Phật nào không tán thán A Di Đà Phật là “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”, dựa vào cái gì? Dựa vào thế giới của ngài. Tất cả những người vãng sanh đến Tây Phương Cực Lạc không có người nào tâm địa ô nhiễm, mỗi mỗi đều thanh tịnh. Việc này trong mười phương cõi nước chư Phật không tìm ra được. Mười phương cõi Phật đương nhiên rất trang nghiêm thanh tịnh, nhưng trong đó ít nhiều vẫn còn mấy người khởi vọng tưởng, tuy chiếm số ít. Thế giới Ta Bà của chúng ta, chúng sanh phiền não chiếm đa số. Một vạn người thì có đến chín ngàn chín trăm chín mươi chín người đang khởi vọng tưởng. Sai biệt lớn đó là uế độ. Có những thế giới, chúng sanh ở đó một nửa tâm địa thanh tịnh, và một nửa tâm không thanh tịnh. Tịnh Độ, tâm địa thanh tịnh chiếm đa số, khoảng 80%, 90%, vẫn còn 10 đến 20%, tâm không thanh tịnh, làm sao giống được thế giới Tây Phương Cực Lạc thanh tịnh 100%. Các vị đồng tu phải ghi nhớ, tâm không thanh tịnh không thể sanh Tịnh Độ. Không phải cứ niệm Phật thì nhất định sẽ sanh Tịnh Độ. Niệm mười vạn danh Phật hiệu nhưng trong lòng vọng tưởng không ngừng, người xưa nói “đau mồm rát họng chỉ uổng công”. Tâm địa thanh tịnh, một ngày chỉ niệm mười danh hiệu, hai mươi danh hiệu cũng thành tựu.
  • 11. Người xưa đề xướng “Pháp mười niệm”. Chúng tôi khuyên các vị đồng tu pháp mười niệm còn đơn giản hơn. Một lần là mười câu “A Di Đà Phật” liên tục niệm mười danh hiệu. Trong thời gian ngắn ngủi này, một vọng niệm cũng không thể xen lọt vào. Niệm này gọi là “tịnh niệm”, không xen tạp. Niệm nhiều sẽ khởi vọng tưởng. Mười câu niệm không khởi vọng tưởng, đó chính là tịnh niệm. Mỗi ngày niệm chín lần, không bỏ ngày nào, đó gọi là “liên tục”, phù hợp với kinh đã nói “tịnh niệm tương tục”. Rất nhiều đồng tu dùng phương pháp chúng tôi khuyên công nhận đã có hiệu quả. Hy vọng một ngày ít nhất chín lần, càng nhiều đương nhiên sẽ càng tốt. Đây là phương pháp dễ dàng nhiếp tâm. Thù thắng của Tây Phương Cực Lạc chính là được A Di Đà Phật tiếp dẫn. Thế giới A Di Đà Phật hoan nghênh mọi người di dân đến định cư. Thế nhưng điều kiện để di dân là tâm thanh tịnh. Dùng bất cứ phương pháp gì đạt đến tâm thanh tịnh đều được, niệm Phật cũng được, tham thiền cũng được, học giáo cũng được, trì chú cũng được. Ba bậc vãng sanh của người niệm Phật là Thượng Trung Hạ. Người tu học các pháp môn Đại thừa khác tu đến tâm địa thanh tịnh, phát nguyện vãng sanh, đều có thể đi. Cửa A Di Đà Phật mở rộng, tuyệt nhiên không nói người không niệm A Di Đà Phật thì không được rước, không hề có đạo lý này. Chỉ cần tâm địa thanh tịnh, tùy tiện tu bất cứ pháp môn nào, thảy đều được cả, đều có thể vãng sanh. Tôi từng dự luận đàn ở Úc Châu, đại chúng trong luận đàn tổng cộng mười bốn đoàn thể tôn giáo, gồm Phật giáo, Đạo giáo, Ki Tô giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo,… Tôi nói với họ: “không luận các vị tu học tôn giáo nào, chỉ cần tu đến tâm thanh tịnh phát nguyện vãng sanh, A Di Đà Phật thảy đều tiếp dẫn”. Phật pháp bình đẳng, không kỳ thị chủng tộc, tôn giáo. A Di Đà Phật rất hoan nghênh, không luận chúng ta tu pháp môn nào, không luận chúng ta tín ngưỡng tôn giáo nào, chỉ cần tu tâm địa thanh tịnh phát nguyện cầu vãng sanh, A Di Đà Phật đều sẽ đến tiếp dẫn. Pháp môn này rất tuyệt vời, không có bài xích tu học tông phái khác nhau, vậy mới gọi là thật trang nghiêm. Cho nên thế giới Tây Phương Cực Lạc trang nghiêm thù thắng không gì bằng. “Đại Thừa” “Vô Lượng Thọ” “Trang Nghiêm” đều là tánh đức của chúng ta, đức năng tự tánh vốn đủ, là quả báo chúng ta mong cầu. Mục đích học Phật ở đâu? chính là phải đạt được “Đại Thừa, Vô Lượng Thọ, Trang Nghiêm”. Vậy phải làm thế nào có thể đạt được? Đề kinh phía sau đưa ra phương pháp. Phần trước đã nói, muốn ngay đời này đạt được “Vô Lượng Thọ” được hay không? Được, ngay đời này của chúng ta là Vô Lượng Thọ, đời này nhất định không chết. Chết rồi sao còn có thể gọi là trường thọ. Tịnh Tông thù thắng nhất là không chết. Nếu tu tốt, ngay cuộc sống thường ngày phải chân thật sám hối tiêu nghiệp chướng. Bằng không đó chính là chướng ngại. Phiền não là chướng ngại, lo lắng là chướng ngại, vướng bận là chướng ngại, bệnh khổ là chướng ngại. Tiêu trừ chướng ngại chính là tiêu nghiệp chướng, buông bỏ hết thảy, mỗi giờ mỗi phút phải giữ gìn tâm thanh tịnh của chính mình.
  • 12. Thứ sáu là chữ “Thanh tịnh” Thanh tịnh là không ô nhiễm, trong khi đó “bình đẳng” là không phân biệt. Còn phân biệt thì không còn bình đẳng, còn tốt xấu là không còn thanh tịnh. Cái này ưa thích, cái kia chán ghét, như vậy chúng ta đã bị ô nhiễm, nhất định có chướng ngại. Vì sao một số người niệm Phật vãng sanh không bị bệnh, biết được lúc nào đi, dường như đã có hẹn với Phật, hẹn xong cứ thế đứng mà đi, ngồi mà đi, an nhiên tự tại? Ngày trước chúng tôi ở Đài Loan, lão hòa thượng Đạo Nguyên kể cho chúng tôi một câu chuyện vãng sanh có thật. Chúng tôi không còn nhớ tên người đó, nhưng họ niệm Phật trước khi vãng sanh còn nói với mọi người rằng: “Các vị đã bao giờ thấy hoặc nghe nói việc ngồi vãng sanh chưa?” Mọi người trả lời có. Ông hỏi tiếp: “Các vị đã bao giờ thấy hoặc nghe nói việc đứng vãng sanh chưa?”. Mọi người cũng trả lời có. Ngay lúc đó, ông liền búng người một cái, đầu chúc xuống, chân hướng lên trên, rồi vãng sanh. Xem, việc vãng sanh đó mới đẹp làm sao, rất tự tại. Vì sao ông có thể làm được? Vì tâm ông thanh tịnh, không chút ô nhiễm. Ông tự tại ngay trong cuộc sống thường ngày, vãng sanh cũng tự tại, tự tại trong tất cả. Ông ấy sống mà ra đi, đi đến nơi không chết, hoàn toàn không chết. Thân này không cần nữa thì đổi lấy thân của Phật, làm gì có chuyện chết. Không chút đau khổ, hoàn toàn an vui tự tại, đổi một thân thể thù thắng hơn rất nhiều so với thân thể hiện tại này. Kinh nói rõ, người thế giới Tây Phương Cực Lạc “thân thanh khiết, thể không hoại”, thân thể đó là tùy tâm sở cầu, biến hóa khôn cùng tận như Thế Tôn đã nói trên kinh “ngàn trăm ức hóa thân”. Thích Ca Mâu Ni Phật ngàn trăm ức hóa thân, người vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, cho dù phàm thánh đồng cư độ hạ hạ phẩm vãng sanh đều có năng lực như Thích Ca Mâu Ni Phật, “ngàn trăm ức hóa thân”. Có như thế, chúng ta mới có thể đồng thời cúng dường vô lượng vô biên chư Phật, đồng thời nghe vô lượng vô biên chư Phật giảng kinh thuyết pháp. Ngày nay chúng ta tu học khổ cực, cả đời một vài bộ kinh cũng không cách gì thông, nhưng khi đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, một giờ ở đó chúng ta học được hơn rất nhiều. Cõi này, chúng ta học mười vạn năm cũng chưa được, nhưng ở thế giời Tây Phương Cực Lạc, một giờ đồng hồ, chúng ta được nghe mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai giảng kinh thuyết pháp, thù thắng không gì bằng. Cho nên muốn khai đại trí tuệ cứu cánh viên mãn thì phải vãng sanh. Không cầu vãng sanh không thể được. Không vãng sanh mà chỉ muốn dựa vào tu hành của chính mình, dù tu đến đoạn kiến tư phiền não, thoát khỏi ba cõi, phá tiếp trần sa vô minh, vượt mười pháp giới, cũng rất gian nan, khổ sở, không dễ dàng gì. Tính theo thời gian mà nói, vô lượng kiếp còn chưa chắc có thể thành tựu dù siêu việt mười pháp giới, chứng được Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, từ Viên Sơ Trụ lại chứng được Phật quả viên mãn. Việc này trên kinh Phật nói, còn phải trải qua ba đại A Tăng Kỳ kiếp, làm gì bằng đến thế giới Tây Phương Cực Lạc. Một số đồng tu nghe đến lời nói này của chúng tôi hoài nghi rằng: “Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh không có cách nói này, hạ hạ phẩm vãng sanh phải mười hai kiếp mới hoa khai kiến Phật”. Không sai, thế nhưng chúng ta nên biết vì sao
  • 13. Phật phải nói lời nói này. Chúng ta học Phật phải nương vào một bộ kinh. Chỗ nương vào nhất định là kinh Vô Lượng Thọ. Hơn nữa, trong kinh Vô Lượng Thọ, phẩm thứ sáu, bốn mươi tám nguyện do chính Phật A Di Đà nói, Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu Tịnh Độ cho chúng ta. Tịnh Độ ba kinh, nếu có một câu trái với bốn mươi tám nguyện thì chúng ta không thể tin tưởng. Mở quyển kinh ra, mỗi câu mỗi chữ đều tương ứng với bốn mươi tám nguyện. Thế nên Thế Tôn vì sao nói pháp này? Chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa. Vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc nếu không luận gia trì bổn nguyện Di Đà, chúng ta hạ hạ phẩm vãng sanh phải tu mười hai kiếp mới hoa khai kiến Phật. “Không luận gia trì” ý nghĩa như vậy. Trong ý này có mật nghĩa. Mật nghĩa nói rõ thế giới Tây Phương thù thắng không gì bằng. Chúng ta lấy cảnh giới này mà nói, hạ hạ phẩm vãng sanh đó là phàm phu, một phẩm phiền não cũng chưa đoạn. Đới nghiệp vãng sanh, phiền não còn chưa đọan, huống hồ mười hai kiếp hoa khai kiến Phật. Theo thiền tông, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, địa vị Viên giáo sơ trụ. Chúng ta hiểu rõ, nếu không phải ở thế giới Tây Phương, một phàm phu muốn thoát khỏi sáu cõi, muốn siêu việt mười pháp giới chứng được Viên Sơ trụ, kinh Hoa Nghiêm nói phải trải qua vô lượng kiếp. Vì sao phải trải qua thời gian dài đến vậy? Vì thời gian thoái chuyển qua nhiều, tiến ít lùi xa, chưa kể những thoái duyên. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có thoái duyên mà chỉ có tiến bộ, cho nên mười hai kiếp liền thành công. Mười hai so với vô lượng kiếp, thời gian đã rút ngắn quá nhiều. Thù thắng của thế giới Tây Phương theo lời Phật nói là như vậy. Tuy nhiên tình hình thực tế lại khác, xem Bốn mươi tám nguyện, thế giới Tây Phương là căn cứ bậc nhất của Tịnh tông. A Di Đà Phật nói, người sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là A Duy Việt Chí Bồ Tát. Bồ Tát A Duy Việt Chí là ai? Trong chú giải của cổ đức, địa vị thấp nhất là Thất Địa Viên giáo, địa vị cao nhất là đẳng giác Bồ Tát. Hay nói cách khác, vừa sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, ngôi vị của chúng ta từ thấp nhất là Thất Địa lên đến Đẳng giác. Thật khó tin. Mười phương Thanh Văn, Duyên giác, Bồ Tát nghe rồi đều không tin tưởng. Họ tu hành khổ cực, quả báo đạt được rất ít, còn chúng ta không làm gì đáng kể nhưng một bước là lên trời, lập tức trở thành Thất Địa, đương nhiên họ sẽ không thể tin phục, dù không tin phục nhưng đó vẫn là sự thật. Vì sao chúng ta có thể lên đến quả vị cao như vậy? Gia trì bổn nguyện của A Di Đà Phật. Pháp môn này gọi là “pháp môn nhị lực”. Chính mình chỉ cần đầy đủ “Tín, Nguyện, Hạnh”, thâm tín thiết nguyện, lão thật niệm Phật, bốn mươi tám nguyện A Di Đà Phật sẽ gia trì chúng ta, đó là tha lực giúp chúng ta sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc với phẩm vị cao, thành tựu thù thắng. Dù có tra khắp Đại Tạng kinh cũng không có cách nói này ngoài kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà, cho nên phải tin tưởng. Thời xưa tu học pháp môn này, nhưng chúng ta chưa hề thấy hoặc nghe hiện tượng người vãng sanh nên không cần bàn luận, nhưng từ lúc chúng ta học Phật tiếp xúc với pháp môn này, chúng ta mới thực tế kiểm chứng những người y theo pháp môn mà tu hành, thực sự đã có người đứng mà ra đi, ngồi mà đi, mắt thấy tai nghe, không thể giả
  • 14. được. Vào năm Dân quốc thứ 58, chúng tôi giảng kinh ở miền nam Đài Loan, có một vị cư sĩ nói với chúng tôi, người vợ của tướng quân Lương Đài Nam niệm Phật ba năm được vãng sanh trong tư thế đứng, không hề có bệnh. Bà cụ này tâm địa hiền lương, trong cuộc sống thường ngày không bao giờ tranh với người, không bon chen với đời, cuộc sống tạm qua ngày, con cháu hiếu thuận. Cho nên bà buông bỏ vạn duyên để học Phật, lúc đầu cũng không hiểu Phật là gì, khi nhìn thấy tượng thần thì xem như Phật để bái lạy, Bồ Tát Thổ Địa, Thành Hoàng cũng đều là Bồ Tát, không phân biệt thần và Phật, bái lạy khắp nơi. Ba năm trước đó, con trai bà cưới vợ, cô dâu hiểu được chút ít Phật pháp khuyên mẹ chồng không nên đi bái lạy nhiều nơi, mà chuyên ở nhà lạy A Di Đà Phật, niệm A Di Đà Phật. Bà mẹ chồng vốn có thiện căn, liền tiếp nhận lời khuuyên bảo của con dâu, chuyên niệm A Di Đà Phật suốt ba năm. Hôm vãng sanh là buổi tối, khi chuẩn bị ăn cơm, bà nói với người trong nhà rằng: “Các con cứ ăn cơm trước, không nên đợi mẹ, mẹ phải đi tắm rửa”. Con trai và con dâu hiếu thuận vẫn đợi để cùng ăn. Bà đi tắm rất lâu mà không thấy xuống, người nhà sốt ruột lên xem thử. Quả thật bà có đi tắm nhưng sau đó không xuống ăn cơm mà vào niệm Phật đường nho nhỏ của gia đình, mặc áo tràng chỉnh tề, tay cầm xâu chuỗi. Các con gọi bà nhưng không thấy bà trả lời, bước lại gần xem thì bà đã vãng sanh tự bao giờ, đứng vãng sanh. Đây là việc đã xảy ra không lâu, hiện nay miền nam Đài Loan mỗi khi nhắc đến chuyện này, có rất nhiều người biết, nên không thể cho đó là tin đồn thất thiệt. Một trường hợp khác, khi đó chúng tôi ở Cựu Kim Sơn nước Mỹ, một cụ bà ngồi vãng sanh. Đời sống ở Mỹ rất vất vả, cả hai vợ chồng đều phải đi làm, nếu chỉ dựa vào một người kiếm tiền thì không nuôi được cả nhà. Khi có con, phần lớn các cặp vợ chồng mời mẹ mình đến để trông trẻ, nấu cơm. Cho nên người già ở Mỹ cũng tương đối vất vả. Bà lão này là một hành giả niệm Phật, khi con trai con dâu đi làm, cháu nội đi học, một mình bà ở nhà niệm Phật, rất thanh tịnh, không ai quấy nhiễu. Không biết đã niệm được bao nhiêu năm mà ngày bà ra đi, không ai biết bà ra đi lúc nào. Một buổi sáng sớm, người trong nhà thấy lạ vì bà chưa thức dậy nấu cơm sáng như mọi ngày. Không rõ tại sao hôm nay bà ngủ trưa đến vậy, mọi người mới đến mở cửa phòng, bà cụ xếp chân ngồi kiết già trên gường. Tiến đến gần xem kĩ thì thấy bà đã ra đi. Hiện tượng này hiếm thấy. Bà để di chúc ngay trước mặt, ngoài di chúc còn có hiếu phục của con trai, con dâu, cháu nội. Cũng không biết bà may nó từ lúc nào, tự tay làm, từng phần từng phần để ngay trước gường. Như vậy bà đã biết trước giờ đi nên chuẩn bị từ sớm di chúc và các hiếu phục cho con cháu, sau đó niệm Phật ngồi mà đi. Do đó chỉ cần tâm thanh tịnh, chúng ta có thể làm được. Tại sao cứ phải đem những việc thế gian không liên quan, những việc vụn vặt xen tạp chất chứa trong lòng. Nhất định phải học thanh tịnh, chân thật biết quá khứ, hiện tại, vị lai. Tiền đồ là một mảng sáng lạng, cho nên thế gian cho dù việc gì mắt thấy tai nghe đều không nên để trong lòng, thấy như không thấy, nghe như không nghe, mỗi giờ mỗi phút gìn giữ tâm thanh tịnh. Người khác thành công, chúng ta cũng có thể
  • 15. thành công, dù không được, tâm vẫn phải thanh tịnh, tất cả buông bỏ, buông bỏ ngay bây giờ, không dính mắc. Có như vậy mới có thể vãng sanh Cực Lạc. Thứ bảy là chữ “Bình Đẳng Giác” Bình Đẳng Giác là tâm bình đẳng, tâm giác ngộ. Bình đẳng chính là chân tâm, chân tánh, chân như. Bình đẳng là pháp môn “không hai”, còn có cái thứ hai tức vẫn chưa bình đẳng. Chúng ta phải nỗ lực học tập bằng cách chuyển đổi quan niệm chính mình, nhận thức vạn pháp quy về một. Một chính là bình đẳng, “vạn pháp nhất như”, trong kinh văn nói “Như thị ngã văn”. Vì sao kinh Phật chữ đầu tiên được dùng là “như”? Vạn pháp như một, đó là cách nói chân thật, khi đến phần kinh văn, chúng tôi sẽ chia sẻ kỹ hơn. Chúng ta phải tu tâm bình đẳng, luyện tập không phân biệt. Trong cuộc sống này, có nên phân biệt hay không? Dĩ nhiên vẫn phải phân biệt, phân biệt vì người ta phân biệt, họ chấp trước, chúng ta phải đối phó với họ. Ví dụ, họ bảo đây là Phật đường, chúng ta cũng gọi là Phật đường, vì họ phân biệt không phải ta phân biệt. Thực sự trong lòng chúng ta không có Phật đường. Họ nói tướng này gọi là người, ta liền cũng gọi là người, tùy chúng sanh phân biệt mà chúng ta phân biệt, tùy chúng sanh chấp trước mà ta chấp trước, nhưng trong tâm chính mình đích thực không phân biệt, không chấp trước. Đây là phương pháp tu Thanh tịnh Bình đẳng Giác. Còn phân biệt còn chấp trước là phàm phu, một đời này không cách nào có thể giải quyết vấn đề. Sáu cõi từ đâu mà ra? Từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước biến hiện ra. Nếu không có chấp trước thì không có sáu đường dù chúng ta còn vọng tưởng, phân biệt. Diệt được cả vọng tưởng, phân biệt, chúng ta sẽ siêu việt mười pháp giới, vì mười pháp giới là do vọng tưởng phân biệt biến hiện. Siêu việt mười pháp giới, liền bước vào pháp giới Nhất Chân. Trong pháp giới Nhất Chân mặc dù vẫn còn vọng tưởng nhưng cái vọng tưởng đó rất mỏng, không còn chướng ngại. Tuy nhiên vẫn phải đoạn dứt, vì vọng tưởng chính là vô minh. Kinh Hoa Nghiêm nói “Bốn mươi mốt phẩm vô minh” đã đoạn tận thì viên mãn thành Phật. Phật nói rõ, sáu cõi mười pháp giới là do đâu mà ra, là giả. Năng biến vọng tưởng, phân biệt, chấp trước cũng là giả, cảnh giới sở biến thì sao là thật được. Sáu cõi mười pháp giới đều không thật, “Phàm sở hữu tướng, Giai thị hư vọng, Nhất thiết hữu vi pháp, Như mộng huyễn bào ảnh” Nếu để tâm là sai. Muốn khi vãng sanh tự tại, đẹp mắt thì phải buông bỏ những thứ này, chân thật làm đến được thanh tịnh bình đẳng giác. Quyển kinh này thù thắng nhất ở bình đẳng phổ biến giác ngộ tất cả chúng sanh. Nói cách khác, kinh này dạy chúng sanh bình đẳng thành Phật, pháp môn này không thể nghĩ bàn. Tất cả pháp môn khác đều không có cách nói này. Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, trời, người làm sao có thể bình đẳng thành Phật? Kinh
  • 16. Vô Lượng Thọ dạy chúng ta bình đẳng thành Phật, nên gọi là kinh Bình Đẳng, pháp này gọi là pháp Bình đẳng, cái học này cũng gọi là học Bình đẳng. Bình đẳng giác là biệt hiệu của Phật A Di Đà, cũng là chánh giác của tất cả chư Phật. Chỉ cần thành Phật đều gọi là Bình Đẳng Giác, Phật Phật bình đẳng, Bồ Tát cùng Bồ Tát vẫn không bình đẳng. Chỉ Phật cùng Phật mới bình đẳng, Phật Phật đạo đồng, vì thảy đều đoạn hết vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đều hiện ra tướng bình đẳng. Thứ tám là chữ “Kinh” Chữ này quá phổ biến, hành giả hầu như đã thông, chúng tôi xin tỉnh lược nội dung ý nghĩa chữ này. KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ (PHẦN 2) Pháp Sư Tịnh Không PHẨM I: “PHÁP HỘI THÁNH CHÚNG” “Như thị ngã văn” Bốn chữ “Như thị ngã văn” hàm nghĩa rất sâu rộng, thậm chí có thể nói “khôn cùng tận”. “Như thị” là gì? Các đại đức xưa thuyết minh cho chúng ta bằng cách nói đơn giản nhất “như thị chi kinh”, tức là “tôi đích thân nghe Phật nói”. Đây là cách giảng nói đơn giản. Vậy “tôi” là ai? Đó là tôn giả A Nan. Năm xưa khi Thế Tôn còn tại thế, giảng kinh nói pháp tuyệt nhiên không có ghi chép. Khổng Lão Phu Tử năm xưa ở đời dạy học cũng vậy. Sau khi Phật diệt độ, các đệ tử của ngài cảm thấy lão sư cả đời nói pháp, không thể để cho những gì đã nói ngay đời này bị chìm mất mà phải lưu truyền cho những đời sau. Các học trò của đức Phật bèn mở hội thảo luận làm thế nào đem tất cả kinh Phật lưu truyền lâu dài. Từ đó mới có cuộc kết tập này. Trong lúc kết tập kinh tạng, hoàn toàn phải nhờ vào sức nhớ của người ngay lúc đó. Phật nói pháp bốn mươi chín năm, không một cá nhân nào có thể ghi nhớ kinh giảng trong suốt bốn mươi chín năm. Ở thế gian này, chúng ta cũng không thể tìm ra được một người. Chưa kể bốn mươi chín năm, những thứ đã giảng từ chín năm về trước, e rằng chúng ta còn quên sạch. Rất may trong hàng đệ tử Phật, năng lực ghi nhớ của tôn giả A Nan đặc biệt mạnh. Năng lực này của ngài A Nan rất thù thắng, sau khi nghe qua một lần, vĩnh viễn không hề quên. Cho nên khi kết tập kinh tạng, ngài A Nan được tuyển cử để giảng lại, đem kinh Thế Tôn cả đời đã giảng trùng tuyên giảng lại lần nữa. Lần giảng lại, thính chúng đều là những bậc đại A La Hán, đệ tử lớn của Phật. Những vị này đến nghe ngài A Nan thuyết và làm chứng cho A Nan. Cuộc kết tập lần thứ nhất, có năm trăm A La Hán nghe A Nan giảng lại. Trong năm trăm người, nếu chỉ một người nêu ra ý kiến: “A Nan! Câu nói này dường như không phải Phật nói”, thì nội dung lời nói đó phải xóa bỏ lập tức. Lời giảng lại của A Nan phải được toàn thể năm trăm người thảy đều thông qua, như vậy
  • 17. mới có thể ghi chép, trở thành kinh điển truyền cho đời sau. Đó là lấy chữ tín đối với đời sau, người đời sau có được kinh điển, mới khởi lòng tôn kính. A Nan giảng lại như Phật đã nói, không hề khác nhau. Cho nên mở đầu kinh “Như thị ngã văn” còn có rất nhiều ý nghĩa. Chúng ta có thể tham khảo chú giải của đại đức xưa. Ngày nay chúng ta phải học tập, lấy bổn tông mà nói mật nghĩa của “Như thị”. “Như” là chân như bổn tánh. Cả đời Thế Tôn thuyết pháp đều nói rõ thể - tướng. Tác dụng của “tự tánh” là “thật tướng các pháp” mà kinh Bát Nhã đã nói. Phật dùng chữ “như” để đại biểu “tánh như tướng, tướng như tánh, tánh tướng không hai”. Tánh từ trên lý, tướng từ trên sự, “lý như sự, sự như lý, lý sự không hai”. Phật nói rõ đại đạo lý cũng như chân tướng sự thật này, cho nên khi vừa mở kinh ra liền gặp hai chữ “như thị”, chính là chân thật tuyên nói tổng cương lĩnh. Nếu có người đặt câu hỏi “Kinh điển Phật giáo nhiều như vậy, rốt cuộc thì Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói những gì?” Chúng ta chỉ có thể nói “như thị”. Muốn giải thích một cách tỉ mỉ một bộ đại tạng kinh thì quan trọng phải giảng hai chữ “như thị”. Không có bất cứ câu chữ nào siêu việt hơn hai chữ “như thị”, cho nên ý nghĩa của hai chữ này sâu rộng vô tận. Theo bổn tông và cổ đức xưa: “như” là “thị tâm thị Phật”; “thị” là “thị tâm tác Phật”. Cách nói này hoàn toàn theo kinh Quán Vô Lượng Thọ. Nguyên lý cơ bản của Tịnh tông chính là hai câu “thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật”. Hay nói cách khác, tâm chính là Phật, Phật chính là tâm. Ai mà chẳng có tâm? Cho nên Phật nói “tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật”. Vì sao nói vốn dĩ thành Phật? Thị tâm thị Phật. Tông môn nói “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, minh tâm là chân tâm, chân tâm là bổn tánh. Minh tâm chính là kiến tánh. Kiến tánh, tâm tánh chính là Phật, vì sao tâm và tánh đều là Phật? Và hà tất phải phân biệt hai chữ “tâm”, “tánh”? Hai chữ này đương nhiên có hai cách nói. Thông thường nói: “tánh là bản thể của tâm, tâm là tác dụng của tánh”. Hay nói cách khác, tâm chúng ta có thể có dụng, từ trên thể gọi là tánh, từ trên dụng thì gọi là tâm. Cho nên có lúc chỉ cần dùng một chữ “thể dụng” để nói tâm cũng được, nói tánh cũng được. Hai chữ này hợp lại, một gọi là “thể”, một gọi là “dụng”. Chúng ta vốn dĩ đã là Phật, nhưng vì sao hiện tại không phải là Phật? Vì chúng ta làm cho tâm tánh mê mất, kinh nói mê mất không phải đã mất thật sự cho dù chúng ta có biến thành ngạ quỷ, súc sanh, đọa A Tỳ Địa ngục, tâm tánh không hề bị mất mà vẫn tồn tại, chỉ là chúng ta mê mất thôi. Bản thân có chân tâm, có bổn tánh mà không thể giác ngộ, đó là vì sau khi mê rồi, chúng ta không gọi là tâm cũng không gọi là tánh nữa, vậy gọi là gì? Phật pháp gọi là thức, “tình thức”. Tình thức chính là tâm tánh đã mê, khi giác ngộ mới gọi là tâm tánh. Tâm tánh rốt cuộc là như thế nào? Làm thế nào mới có thể nhận biết nó? Phật nói, thể của tâm tánh là không tịch, nó không phải là một vật chất, thế nhưng nó đích thực đang tồn tại, tất cả hiện tượng vật chất đều từ nó biến hiện ra. Nó là cội gốc của vũ trụ nhân sinh. Như vậy vũ trụ nhân sinh từ tâm tánh biến hiện ra. Cho nên kinh Hoa Nghiêm, Phật nói “mười pháp giới y chánh trang nghiêm, do tâm hiện ra”, đó là do chân tâm chúng ta biến hiện. Sự biến hóa đó do thức, mê rồi mới có biến hóa nhiều như vậy. Trong mười pháp giới, từ trên “Phật, Bồ Tát, Thanh văn, Duyên giác”, xuống sáu đường, càng hướng xuống, mê càng sâu;
  • 18. càng hướng lên, mê càng ít, đều là mê mất đi tâm tánh. Nếu không mê chính là Phật, người đó không phải phàm phu. Mười pháp giới cũng gọi là phàm phu, kinh Phật gọi là ngoại phàm; sáu cõi là nội phàm, hoặc phàm phu. Ngoài sáu cõi, pháp giới bốn thánh của mười pháp giới mà chúng ta gọi là ngoại phàm cũng vẫn là phàm phu, chưa kiến tánh, chưa hồi phục bổn tâm. Cho nên “thị tâm thị Phật” là sự thật ngàn vạn lần chính xác. Chúng ta tu hành Tịnh tông thành Phật, ngay trong một đời này thành Phật là căn cứ chính. Bởi vì chúng ta vốn dĩ là Phật, nhưng hiện tại đã mê, phải phá mê khai ngộ, hồi phục lại bản lai diện mục. Cho nên phương pháp tu học của Tịnh tông tuyệt diệu. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, thì pháp môn này là cứu cánh nhất, viên mãn nhất, rất đặc thù, trực tiếp, ổn định, cũng rất mau chóng. Cụ thể phương pháp này là gì? Thị tâm tác Phật thế nào? Niệm Phật chính là làm Phật, Bồ tát Đại Thế Chí đã dạy “nhớ Phật niệm Phật”. Trong miệng niệm Phật, trong tâm tưởng Phật, chính là đang làm Phật. Tưởng Phật như thế nào? Tưởng tướng hảo của Phật, tưởng trang nghiêm của Phật, tưởng công đức của Phật, tưởng Phật tu hành ngay lúc còn phàm phu, tưởng Phật thành tựu ngay trên quả địa, tưởng Phật độ hóa tất cả chúng sanh, vô lượng vô biên công đức thù thắng, chúng ta thường nghĩ đến những cái tốt này, tâm của chúng ta chính là làm Phật. Do đó nhất định phải thuộc kinh Vô Lượng Thọ. Theo chúng tôi, khi vừa bắt đầu, chúng ta hãy đem kinh này tụng một năm ba ngàn biến. Nếu thời gian một năm không đủ, thì hai năm, ba năm. Tụng thuộc lòng ba ngàn biến, sau khi tụng thuộc, người đó liền có thể làm đến ức Phật, mới chân thật có thể làm Phật. Một ngày từ sớm đến tối, hai mươi bốn giờ đồng hồ không nên nghĩ thứ khác, chỉ hoàn toàn nghĩ đến y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Trong kinh điển đã nói, thường hay ghi nhớ trong tâm, thường nghĩ đến cảnh giới trong kinh điển, chính là chúng ta đang chân thật tu hành. Nếu đem “lý, sự, tánh, tướng, nhân, quả, y, chánh” của bộ kinh này, toàn bộ thực tiễn vào cuộc sống thường ngày, thực hành rốt ráo thì làm sao không thể thành Phật. Đó là “thị”, hoàn toàn tương ứng với “như”, cũng hoàn toàn tương ứng với “thị tâm tác Phật”. Pháp môn này thù thắng biết bao, niệm Phật thành Phật là có căn cứ lý luận, không phải tùy duyên nói. Tôn giả A Nan đích thân nghe được Thích Ca Mâu Ni Phật. Hai chữ “như thị” này, chúng ta phải học tập như vậy, phải đem đạo lý, phương pháp, cảnh giới của toàn kinh đều thực tiễn ngay trong tâm tưởng. Đây chính là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc của Tín Giải Hành Chứng trong thiên kinh vạn luận. Cho nên khi vừa mở kinh văn là gặp ngay hai chữ này. “Nhất thời” “Nhất thời” chỉ thời gian, không hề viết ngày tháng năm mà chỉ viết “nhất thời”. “Nhất thời” rất có đạo vị. Nếu có thể bước vào nhất thời, người khác nói quá khứ, hiện tại, vị lai, chúng ta thảy đều tường tận, người đời thường gọi “thần thông quảng đại”. Vì sao biết được quá khứ, vị lai? Vì họ sống ngay trong nhất thời. Chúng ta không biết quá khứ, vị lai vì chúng ta sống ở ba thời. Ba thời này là gì? Việc quá khứ thì quên mất, việc vị lai thì không biết tí gì, hiện tại cũng mơ mơ hồ hồ, không rõ ràng. Học Phật phải qua nhất thời, chúng ta phải hiểu thông suốt. Tuy chưa làm được, nhưng chân tướng của sự và lý không thể không biết.
  • 19. Nên biết “nhất” chính là như như bất động. Phật pháp đã nói “pháp môn bất nhị”, bất nhị chính là nhất, có nhị thì không nhất. Nhất là thật, nhị là giả. “Nhất chân pháp giới” trong kinh Hoa Nghiêm đó là thật, nếu nhị thì đã biến thành mười pháp giới mất rồi. “Nhất” là giác, “nhất” chính là như, nhị thì không như, nhị là đã mê, nhà Phật gọi “ba tâm hai ý”. “Ba tâm hai ý” là đem một biến thành ba, một tâm biến thành ba tâm. Một tâm là chân tâm, chân như, biến thành ba tâm: tâm ý thức, A Lại Da thức là tâm, Mạt Na là ý. Các thức vốn dĩ là một tâm, hiện tại biến thành tám thức. Tám thức cũng gọi là ba tâm. Vì sao có hai ý? Tác dụng của hai ý rất lớn. Trong tám thức, tám cái tâm thì hai ý tác dụng rất lớn, hai ý ý căn chính là Mạt Na. Mạt Na là chấp trước kiên cố. Căn thứ sáu là ý thức, ý thức là phân biệt. Hiện tại chúng ta khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước chính do thứ này làm chủ đạo. Đó là mê. Vậy làm thế nào mới có thể hồi phục lại “nhất”? Thiền tông minh tâm kiến tánh, đề cao “nhất”. Trong tông môn thường nói “thức đắc nhất, vạn sự tất”. Vào được cảnh giới “nhất” rồi, bất cứ việc gì cũng xong. Những việc trong sáu cõi không còn, việc trong mười pháp giới cũng không còn. Chỉ cần chứng được “nhất” liền đến được pháp giới nhất chân. Khi vào được pháp giới nhất chân, xin thưa rằng thời gian chính là “nhất thời”. Thời gian hiện tại của chúng ta cũng là “nhất thời”, nhà khoa học gia thời cận đại Iten đã nói qua trong trước tác của ông rằng “quá khứ, hiện tại, vị lai đồng thời tồn tại”. Cách nói này của ông thật hơn người. Làm sao ông có thể biết quá khứ, hiện tại, vị lai đồng thời tồn tại?. Chúng ta không biết ông căn cứ từ đâu mà phát hiện ra, đương nhiên ông cũng chưa hề thấy được. Có thể ông từ nơi lý luận mà suy đoán. Lý luận cơ bản nhất của khoa học là căn cứ vào số học, cho nên gọi “số học là mẹ của khoa học”. Trên lý số cao thâm mà suy đoán có thể biết được quá khứ, hiện tại, vị lai đồng thời tồn tại. Do đó Đông phương, Tây phương, bất cứ quốc gia, khu vực nào cũng đều có con số dự ngôn suy đoán tương lai. Dự ngôn là suy lý, phần nhiều từ số học mà suy đoán, do đó chưa chắc chính xác. Thế nhưng nếu chúng ta có thể nhập định, chân thật được định, thì ở trong cảnh giới thiền định đột phá thời không, cũng chính là vượt qua quá khứ, hiện tại, vị lai; quá khứ, hiện tại, vị lai thảy đều xem thấy. Iten nói: “Quá khứ, hiện tại, vị lai đồng thời tồn tại”, những việc vị lai chúng ta có thể xem thấy rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, không chút sai lầm. Đó là dự ngôn chính xác. “Nhất thời” ý nghĩa rất sâu rộng. Nhất thời mới là thật, còn nói cho chúng ta nghe ngày tháng năm là giả. Đó là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của tất cả chúng sanh. Phật pháp nói lời thật cho chúng ta nghe. Kinh điển tuy là Phật y theo Nhị đế mà nói nhưng Phật hoàn toàn giảng lời chân thật. Pháp Nhị đế chính là Chân đế, cảnh giới Phật đã thân chứng. Tùy theo tri kiến của chúng sanh mà giảng giải gọi là Tục đế. Trong một bộ kinh, hai loại ý nghĩa này thảy đều có. Kinh Tiểu thừa giảng nói rất nhiều Tục đế, ít giảng Chân đế. Trong kinh Đại thừa thì giảng nhiều Chân đế, ít giảng Tục đế. Cho nên chữ “Nhất thời” là lời chân thật, là “chân đế”, lấy cảnh giới của Phật mà nói. Chúng ta nhất định không được hoài nghi. “Phật tại Vương Xá thành, Kỳ Xà Quật sơn trung, dữ đại tỳ kheo chúng, vạn nhị thiên nhân câu” “Phật” là Thích Ca Mâu Ni Phật, người chủ giảng giảng kinh nói pháp lần đó. “Tại
  • 20. Vương Xá Thành, Kỳ Xà Quật sơn trung”, là nơi chốn giảng kinh năm xưa. Trên kinh điển đều có ghi chép, chứng minh sự thù thắng của pháp hội này: có thời gian, có địa điểm, có thính chúng “cùng một vạn hai ngàn vị Tỳ Kheo có mặt”. Pháp hội này vô cùng trang nghiêm. Chúng ta đọc kinh, xem trong kinh điển, số lượng thính chúng trong pháp hội của Phật thông thường là “một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ Kheo”. Như vậy, hội này tăng gấp mười lần so với chúng hội thông thường, một vạn hai ngàn người. Lại thêm vào phía sau cho chúng ta biết có tỳ kheo, tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ tại gia, tổng cộng thêm hai ngàn người. Pháp hội trang nghiêm thù thắng không thể nghĩ bàn. Chúng ta xem trong hội Pháp Hoa của kinh Pháp Hoa, khi vừa mở đầu cũng cho biết có một vạn hai ngàn thính chúng. Việc này âm thầm nói lên “mật nghĩa hàm chứa trong kinh” rằng quyển kinh Vô Lượng Thọ này đồng với Pháp Hoa xác quyết nhất thừa giáo không thể nghĩ bàn. Chúng ta từ đó phải nhận biết giá trị bộ kinh điển này không phải kinh điển phổ thông mà là kinh điển thù thắng. “Nhứt thiết đại thánh, thần thông dĩ đạt” Kinh văn tiếp theo tán thán đức, tán thán đại chúng hội không phải người bình thường. Một vạn hai ngàn vị đại tỳ kheo trong chúng hội đều là đại thánh, không phải tiểu thánh. Tiểu thánh là tiểu thừa A La Hán. Bốn quả A La Hán là thánh nhân của tiểu thừa, trong khi đó thánh nhân của đại thừa địa vị cao hơn, thường được gọi là “thập hiền, thập thánh”. Lúc nào mới có thể xưng thánh? Quả vị của Bồ tát “Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng” gọi là tam hiền vị. Từ sơ địa trở lên mới gọi là thánh nhân. Thập thánh chính là thập địa Bồ tát. Từ sơ địa đến thập địa, quả vị này gọi là thánh nhân. Ngay trong hàng thánh nhân thì đại thánh không phải là thánh nhân thông thường. Đại thánh chỉ Bồ tát Pháp Vân địa cùng Bồ tát Đẳng giác. Hai vị thứ này có thể gọi là đại thánh. Do đây mà biết, một vạn hai trăm người đến dự hội không phải là người thường, chí ít cũng đều là Bồ tát Pháp Vân Địa, Bồ tát Đẳng giác thừa nguyện trở lại ủng hộ Thích Ca Mâu Ni Phật, nên gọi là “một Phật xuất thế, vạn Phật ủng hộ”. Giống như diễn kịch, Thích Ca Mâu Ni Phật là nhân vật chính, các vị khác đến phối hợp phụ diễn. Dĩ nhiên những người diễn phụ này không phải là người thông thường, họ có những tư cách còn lão luyện hơn so với người diễn chính, thậm chí còn là thầy của người diễn chính. Họ đóng vai phụ cho ngài, phối hợp diễn xướng với ngài. Thế gian là một sân khấu lớn, Thích Ca Mâu Ni Phật đóng vai chủ diễn của kịch trường, có rất nhiều cổ Phật Bồ tát Đẳng giác tái lai hiệp trợ, diễn tốt xướng hay trên kịch trường. Các ngài chỉ có một mục đích giống nhau, giúp cho tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, ngay một đời viên mãn thành Phật. Đó là bản nguyện của chư Phật. Đề kinh phía trước đã nói, hiện tại Phật cùng với những đại thánh xem thấy thế giới Ta Bà có một loại chúng sanh cơ duyên thành Phật đã chín muồi. Thế Tôn vui mừng không kể xiết, những vị đại thánh này cùng đến phối hợp cũng hoan hỉ không gì bằng, tiếp dẫn chúng sanh căn tánh chín muồi ngay trong một đời bình đẳng thành Phật. Cho nên những người này không phải là người thường. Xem kinh, đoạn này không hề liệt kê thính chúng là những tỳ kheo, tỳ kheo ni, thanh tín sĩ, thanh tín nữ, vì những người đó là phàm phu, không phải là đại thánh. Một vạn hai ngàn vị đại tỳ kheo đều là đại thánh. Thế nên Thế Tôn ở hội này tự nhiên
  • 21. vô cùng trang nghiêm thù thắng. Theo thường lệ, mở đầu kinh văn luôn liệt kê các nhân vật đại biểu. Cổ đức gọi các vị đó là “Thượng thủ”. Quyển kinh này từ triều nhà Hán mãi đến triều nhà Tống, tổng cộng mười hai lần phiên dịch, nêu tên nhiều ít không giống nhau. Có quyển nêu hơn ba mươi vị, có quyển nêu ra mười, hai mươi vị. Vì sao phải nêu tên? Vì các vị đó là biểu pháp. Thế Tôn giảng kinh nói pháp bất cứ hội nào, họ cũng đều đến tham gia. Nhưng tại sao ở trong hội này, kết tập bộ kinh này nêu tên những vị này, kết tập bộ kinh khác lại nêu lên tên những vị khác? Chúng ta phải hiểu ý nghĩa của nó. Những người này, từ danh hiệu đức hạnh của họ đủ có thể đại biểu ý nghĩa của bộ kinh. Chúng ta chỉ cần xem danh hiệu thì liền biết được nội dung kinh, biết được trọng điểm của pháp hội nằm ở đâu. Cho nên việc nêu tên rất có ý nghĩa, không phải tùy tiện. Cũng như hiện tại trong xã hội chúng ta mở hội nghị, chỉ cần nghe tên đại biểu đến tham dự hội nghị là những nhân vật nào, chúng ta liền biết được tính chất và nội dung của hội nghị. Phật pháp pháp hội này cũng vậy, nêu ra tên bậc thượng thủ cũng có ý tương tự. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập bộ kinh Vô Lượng Thọ, ông đã tỉnh lược bớt rất nhiều người trong số bậc thượng thủ, chỉ nêu ra những bậc quan trọng nhất đủ để biểu đạt nghĩa thú toàn kinh. Đó là thủ pháp cao minh của người hội tập, làm cho hậu học chúng ta tiết kiệm thời gian và giảm căng thẳng tinh thần. Chúng ta nhận được tinh hoa của kinh Vô Lượng Thọ. Tuy nhiên từ mười hai loại bản dịch sau nhiều năm lưu truyền đến nay, đã thất truyền bảy loại. Hiện tại trong đại tạng kinh chỉ còn năm. Hội tập này của Hạ lão có thể nói là bổn tổng hợp của năm loại nguyên bản dịch. Chúng ta chỉ cần đọc quyển này cũng như đã đọc qua hết năm loại nguyên bản dịch kia, văn tự nghĩa lý hoàn chỉnh đầy đủ, không hề kém khuyết chút nào. Năm xưa khi Hạ lão còn ở đời được pháp sư Huệ Minh, pháp sư Từ Chu tán thán, lão cư sĩ Mai Quang Hi thì càng không cần phải nói. Trong lời tựa, bạt văn, chúng ta đều xem thấy, hội tập được quá viên mãn, thù thắng hơn rất nhiều so với ba loại hội giảo bổn ngày trước. “Kỳ danh viết: Tôn giả Kiều Trần Như, tôn giả Xá Lợi Phất, tôn giả Đại Mục Kiền Liên, tôn giả Ca Diếp, tôn giả A Nan đẳng, nhi vi thượng thủ” Đây đều là đại A La Hán, kinh chỉ nêu ra năm vị, thật là giản lược thấu đáo. Vị thứ nhất, tôn giả Kiều Trần Như. Chúng ta xem nhiều kinh điển, thượng thủ đại biểu rất hiếm khi có ngài, mà thường là Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên xuất hiện quen thuộc hơn. Thực tế trong bất cứ pháp hội nào đều không thiếu vắng Kiều Trần Như nhưng chúng ta rất ít nghe đến tên của ngài, vì sao không nêu ngài lên? Trong số đệ tử Phật, Kiều Trần Như đại biểu “chứng quả đệ nhất, khai ngộ đệ nhất”. Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa ở dưới cội bồ đề thị hiện thành đạo, sau khi thành Phật, đến vườn nai để độ năm vị Tỳ kheo. Đó là lần đầu tiên giảng kinh nói pháp, thính chúng chỉ có năm người. Trong năm vị Tỳ kheo này, khai ngộ và chứng quả thứ nhất là Kiều Trần Như. Kiều Trần Như có rất nhiều tích truyện, ở đây chúng tôi sẽ không giảng về tích truyện. Trọng tâm là chúng ta cần phải tin tưởng ngài đại biểu cho cái gì. Ngài đại biểu bộ kinh này là “kinh khai ngộ bậc nhất”, pháp môn này là “pháp môn chứng quả đệ nhất”. Đó mới là điểm then chốt.
  • 22. Với bổn kinh, phần “Phi thị Tiểu Thừa – Đệ tứ thập tam” gần cuối kinh, đoạn đầu khuyên tín lưu thông, có câu “tâm vô hạ liệt, diệc bất cống cao, thành tựu thiện căn, tất giai tăng thượng. Đương tri thử nhân, phi thị Tiểu thừa, ư ngã pháp trung, đắc danh đệ nhất đệ tử”, chứng tỏ kinh văn trước sau tương ứng. Kiều Trần Như là khai ngộ đệ nhất, chứng quả đệ nhất, nên xếp ngài ở thứ nhất, chính là nói rõ bộ kinh này là pháp môn khiến cho tất cả chúng sanh bình đẳng thành Phật đệ nhất. Tất cả kinh Thích Ca Mâu Ni Phật nói trong suốt bốn mươi chín năm, đây chẳng phải đã nói rõ ràng Vô Lượng Thọ là đệ nhất kinh, thiên kinh vạn luận. Ngày nay chúng ta chọn được đệ nhất kinh trong tất cả kinh, nếu không phải là đại thiện căn, đại phước đức, đại nhân duyên thì làm sao có thể gặp được. Kiều Trần Như đại biểu đệ nhất, nên xếp ngài ở thứ nhất. Phía sau cũng đều là thứ nhất, mỗi câu mỗi chữ trong kinh đều là đệ nhất, không có đệ nhị. Xá Lợi Phất đại biểu cho trí tuệ đệ nhất, Mục Kiền Liên đại biểu thần thông đệ nhất. Kiều Trần Như được xếp ở phía trước, vậy ý nghĩa biểu thị của ngài được nâng cao hơn. Mục Kiền Liên đại biểu thần thông đệ nhất, thần thông chính là năng lực mà ngày nay chúng ta thường gọi. Thông là ý nghĩa thông đạt, thông đạt tất cả, không hề chướng ngại. Thần là thần kỳ, siêu việt thường thức, tưởng tượng của chúng ta. Họ có năng lực thù thắng, đệ nhất, cho nên trong tất cả kinh đều có hai vị tôn giả Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất, ý nói: tất cả các kinh Phật nói đều là trí tuệ đức năng, từ trong trí tuệ chân thật, đức năng chân thật mà lưu xuất ra, trí tuệ đệ nhất; thần thông năng lực cũng đệ nhất. Tuy nhiên tuyệt đối các kinh khác không thể so sánh với kinh Vô Lượng Thọ, vì sao? Không phải kinh nào cũng đều có thể giúp cho tất cả chúng sanh bình đẳng thành Phật. Chỉ có bộ kinh này, một pháp môn này mới có thể giúp cho tất cả chúng sanh bình đẳng thành Phật. Phải ghi nhớ, chúng ta hãy xây dựng tín tâm, học đoạn kinh văn này chính là kiến lập tín tâm kiên định không gì bằng, tin tưởng chính mình “thị tâm thị Phật”, tin tưởng chính mình “thị tâm tác Phật”, nhất quyết sẽ thành Phật. Tôn giả Ca Diếp đại biểu Thiền tông, sơ tổ của Thiền tông. Tôn giả A Nan đại biểu giáo hạ. Tông môn cùng giáo hạ họp lại là tổng thể Phật pháp, không hề sót lọt thứ nào. Ngoài Thiền tông ra thảy đều gọi là giáo hạ. Hai vị này đại biểu ý nghĩa rằng Tông môn và Giáo hạ cuối cùng sẽ quy về Tịnh độ, thế chẳng phải Tịnh độ thù thắng dường nào. Tuy nhiên Tông môn có thật quy về Tịnh độ hay không? Chân thật quy về. Ví dụ rõ ràng nhất, Mã Tổ, Bá Trượng là hai vị đại sư đã xây dựng tòng lâm, lập thanh qui, đề xướng cùng tu, “Thiền môn nhật tụng”. Thanh qui mà đại sư Bá Trượng lập ra là bổn khóa tụng của Thiền tông. Khóa tối đều niệm A Di Đà Phật, buổi tụng kinh tối thì tụng kinh Di Đà, há chẳng phải quy Tịnh Độ đó sao? Không hề xem nhẹ Tịnh độ, rõ ràng là ngàn kinh vạn luận và mọi tông phái đều quy về Vô Lượng Thọ, quy về bộ kinh này, quy về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Hiểu rõ, chúng ta cũng nên lựa chọn pháp môn Tịnh độ, chuyên tu chuyên hoằng, nhất quyết không bị các pháp môn khác làm lay động ý nguyện. “Hựu hữu Phổ Hiền Bồ tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Di Lặc Bồ tát” Trong pháp hội còn có chúng Bồ tát, ở trong chúng Bồ tát đề cử cho chúng ta ba vị. Thứ nhất là Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát Di Lặc và tất cả
  • 23. Bồ tát trong hiền kiếp đều đến hội họp. Ý nghĩa này rất tuyệt diệu. Bồ tát Phổ Hiền đại biểu điều gì? Đại biểu Tịnh Mật không hai. Mười tông phái của Phật pháp trong đó có Mật tông. Vào thời cận đại, Mật tông hoằng truyền rất rộng. Tổ sư của Mật tông là Bồ tát Phổ Hiền. Vị truyền thừa của Mật tông là Bồ tát Long Thọ. Sau khi Phật diệt độ sáu trăm năm, Bồ tát Long Thọ xuất hiện trên thế gian. Ngài là Bồ tát sơ địa ở Nam Thiên mở Tháp Sắt. Sau khi tháp sắt mở thì Kim Cang Tát Đỏa gọi là Kim Cang Thủ Bồ tát truyền cho ngài mật pháp này. Kim Cang Thủ Bồ tát là hóa thân của Bồ tát Phổ Hiền. Cho nên Bồ tát Phổ Hiền ở Mật tông xưng là Kim Cang Tát Đỏa. Ngài đại biểu cho Mật tông, đến cuối cùng cũng quy về Tịnh độ. Ý nghĩa này hiển thị đặc biệt rõ ràng trong phẩm thứ hai “Đức Tôn Phổ Hiền”. Trong kinh Hoa Nghiêm, “thập đại nguyện vương, đạo quy Cực Lạc”, như vậy Mật tông đâu có lý nào không quy về Tịnh độ. Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đại biểu Thiền tông. Thiền tông do tổ sư Đạt ma truyền xuống, không phải là thiền định trong Lục độ, mà là Bát Nhã Ba La Mật trong Lục độ, gọi là “Lục Tổ Đàn Kinh”. Lục Tổ khi mở lời, luôn dạy mọi người niệm Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, cho nên chúng ta phải hiểu Thiền tông là tu Bát Nhã Ba La Mật Đa. Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đại biểu, đây là bổn tôn trong tông môn. Phổ Hiền là bổn tôn trong Mật tông, tất cả đều hướng về Tịnh độ. Chúng ta tu Tịnh độ, tâm đã định thì nhìn thấy Thiền, nhìn thấy Mật rất hay. “Mật trong Mât, Thiền trong thiền”, tín tâm, nguyện tâm kiên định, không hề bị làm lay động. Chư vị Bồ tát được liệt kê ở đây đều mang nghĩa thú sâu rộng, chân thật giúp đỡ chúng ta xây dựng tín tâm, nguyện tâm không gì bằng. Bồ tát Di Lặc đại biểu truyền thừa tương lai. Thích Ca Mâu Ni Phật là một thời đại lớn. Trong thời đại lớn này, một vạn hai ngàn năm, pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật có chánh pháp, tượng pháp, mạt pháp. Như vậy, sau một vạn hai ngàn năm, các chư Phật khác đến hoằng dương pháp môn gì, có giống như Thích Ca Mâu Ni Phật không? Không gì khác, Bồ tát Di Lặc chính là kế thừa Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật là vị Phật thứ tư trong Hiền kiếp, Di Lặc là vị thứ năm, tiếp nối tương lai, cũng tiếp nối pháp môn này, vì đây là pháp môn đệ nhất. Mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai độ chúng sanh thành Phật đạo, pháp môn đệ nhất là kinh Vô Lượng Thọ. Đối tượng kinh Vô Lượng Thọ tiếp dẫn chính là chúng sanh căn tánh chín muồi ở thế gian. Như thế nào mới gọi là chín muồi? Ngay trong một đời quyết tâm thành Phật. Cho nên chúng ta tiếp xúc được pháp môn này, nếu không thể vãng sanh, không phải vì kinh kém khuyết mà vì chính chúng ta chưa y giáo phụng hành. Còn nếu y giáo phụng hành, nhất định đời này làm Phật, không hề khác biệt với Phật A Di Đà. Đó là sự thật, tuyệt nhiên không giả. Tất cả chư Phật Như Lai gặp được chúng sanh căn tánh chín muồi đều phải nói pháp môn này, đều khuyên bảo niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Do đó, pháp môn và pháp hội này thù thắng, xác thực không tiền tuyệt hậu. “Cập Hiền kiếp trung, nhất thiết Bồ Tát, giai lai tập hội” Tất cả Bồ tát chuyên chỉ Hiền Kiếp Thiên Phật, thời đại đó càng to lớn hơn, ngay trong một đại kiếp. Nhà Phật gọi một đại kiếp, ý nói đơn vị thời gian rất lớn. Trong đại kiếp này có một ngàn vị Phật xuất hiện ở thế giới Ta Bà. Cho nên thế giới Ta Bà chúng ta hiện tại ở trong đại thiên thế giới. Quả địa cầu này chỉ là một tinh cầu nhỏ của đại thiên thế giới. Trước kia đa phần người ta cho rằng: đại
  • 24. thiên thế giới mà nhà Phật nói chẳng qua là hệ ngân hà mà các nhà thiên văn học hiện tại phát hiện. Thế nhưng lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có cách nhìn không như vậy. Phía sau chú giải kinh Vô Lượng Thọ có một đoạn văn chương của ông. Lần sau cùng ông gởi cho tôi, khi đó tôi ở Đài Loan. Ông gửi từ Bắc Kinh đến nói rằng ông hy vọng chúng tôi đem thiên văn chương này bổ sung để vào phía sau phần chú giải, bởi vì lúc giảng kinh ông đã để sót đoạn này. Ông là nhà khoa học đồng thời là giáo thọ khoa học, dạy vô tuyến điện ở trường đại học Thiên Tân. Hiện tại chúng ta gọi là hệ ngân hà, nhưng theo cách nhìn của ông, trên thực tế chỉ là một đơn vị thế giới mà trong Phật pháp thường gọi. Kinh Phật nói đơn vị thế giới lấy núi Tu Di làm trung tâm, thái dương xoay vòng theo núi Tu Di. Rốt cuộc núi Tu Di là gì? Từ xưa đến giờ chưa có người nào có thể giải thích rõ ràng. Hoàng lão cư sĩ nói: “Núi Tu Di có thể là lỗ đen mà thiên văn đã phát hiện”. Lỗ đen đó ngày nay chúng ta gọi là trung tâm của vũ trụ, trung tâm của hệ ngân hà. Thái dương đích thực đang xoay quanh điểm này. Giả như lời nói của ông có thể chứng thực, vậy một đại thiên thế giới có bao nhiêu hệ ngân hà? Mười vạn ức hệ ngân hà. Một đại thiên thế giới là khu vực giáo hóa của một vị Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật hoàn toàn không diệt độ. Ngài ở thế giới này thị hiện cho chúng ta thấy ngài đã diệt độ, nhưng có thể ngài lại thị hiện ở một tinh cầu khác. Phật xem nơi nào duyên đã chín muồi thì liền hiện thân ở nơi đó. Phẩm Phổ Môn nói “Thiên xứ sở cầu thiên xứ ứng”, kinh Lăng Nghiêm cũng nói tùy loại hóa thân, “tùy chúng sanh tâm ứng sở tri lượng”. Phật không có thân tướng nhất định, nơi nào có duyên thì hiện thân đến nơi đó, nơi nào không còn duyên nữa, thân cũng sẽ không còn. Cho nên không có sanh tử, tùy loại hóa thân, đó là sự thật. Thế nên Hiền kiếp, trong thời đại lớn này, có một ngàn vị Phật ở thế giới Ta Bà, chính là một đại thiên thế giới. Chúng ta lấy lời của Hoàng lão cư sĩ thì mười vạn ức hệ ngân hà, phạm vi lớn đến vậy, thị hiện một ngàn vị Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật là vị thứ tư, Phật Di Lặc là vị thứ năm, sau đó còn 995 vị Phật. Hiện tại trong Hiền kiếp, địa vị các ngài là Bồ tát, nhưng tương lai liên tục thảy đều thay nhau thành Phật. Ý này rõ ràng cho chúng ta biết, vạn Phật không vị Phật nào không nói kinh này, không vị Phật nào không tuyên dương pháp môn này, không vị Phật nào không khuyên tất cả chúng sanh niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Chúng ta phải chân thật nắm được, hiện tại nhất định sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc. Tương lai ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, chúng ta sẽ trở thành nguyên lão, tư cách tiền bối. Kinh nói rõ “A Di Đà Phật thành Phật đến nay mới có mười kiếp”, mười kiếp ở trong thời không rất ngắn ngủi. Chúng ta sớm đến thế giới Cực Lạc, sau này vạn Phật ra đời đều là hậu bối của chúng ta. Cho nên hiện tại nếu vãng sanh, tương lai đều là huynh trưởng của họ. Do đó hãy nhanh chân hơn, không nên tiếp tục luân hồi, vừa luân hồi vừa đọa lạc, trong khi người sau thành Phật, thành đại Bồ Tát, thì chúng ta lại trở nên lạc hậu quá xa. Đó là việc không ai muốn. Muốn vậy, thì phải chăm chỉ nỗ lực học tập tinh tấn. Tóm lại, quả thực mười phương tất cả chư Phật Như Lai, không chỉ là Hiền kiếp thiên Phật, không vị nào không lấy kinh này, lấy pháp môn niệm Phật làm đệ nhất. Đó là nội dung nên học tập trong phẩm thứ nhất.