SlideShare ist ein Scribd-Unternehmen logo
1 von 136
Downloaden Sie, um offline zu lesen
Phê Bình Sử Tính của Kinh Thánh
Tác giả: Eta Linnemann
DẪN NHẬP CỦA DỊCH GIẢ: (Bản dịch Anh văn)
Quyển sách nầy đưa ra cho quí độc giả một thách thức - và một đề tài thảo
luận. Vào tháng 11.1988, khi tôi đọc một bài phát biểu về bà Eta Linnemann
nhân một buổi họp chuyên ngành, thảo luận về sự đóng góp của bà và các
công trình nghiên cứu Tân Ước và các quan điểm phổ biến của bà như được
diễn tả trong quyển sách nầy, đã có đến bốn nhà xuất bản tỏ ra quan tâm đến
nó. Theo thiển ý, thì đây là một dấu chỉ cho thấy mức độ cao của sức thu hút
và tính cách hợp thời của công trình nghiên cứu của bà.
Theo một phương diện, đã có một chiều kích cá nhân thật hấp dẫn khiến cho
quyển sách nầy có chiều sâu và sức sắc bén. Bà Linnemann tung ra một lời
phản đối mạnh mẽ chống lại các khuynh hướng và phương pháp của một
chủ-thuyết mà bà vốn biết rõ cả trong lẫn ngoài. Bà đã không đứng từ xa để
bắn cầu may vào, Bà vốn là một môn đệ chuyên cần và sẵn sàng tiếp thu một
số các tư tưởng gia thật sự độc sáng của thế kỷ nầy trong công tác nghiên
cứu, sưu tầm Tân Ước bên Đức, như Bultmann, Fucho, Gogarten, và
Ebeling. Sau nầy, khi dấn thân vào xã hội chuyên nghiệp có uy tín nhất thế
giới nhằm sưu tầm nghiên cứu Tân Ước, bà vốn là bạn cùng trang lứa với
nhiều nhân vật khác nữa, cùng có vóc dáng tầm cỡ tương đương như thế.
Thế điều gì đã xui khiến một người để có thể khước từ một sự nghiệp như
vậy? Tại sao lại có người dám thật sự vứt bỏ tất cả các quyển sách và bài
báo mà mình đã khổ công viết ra, mong có ngày thấy chúng được công bố?
Tại sao lại có người dám từ bỏ một địa vị trong hệ thống đại học bên Tây
Đức, và cuối cùng, chịu đi phục vụ với tư cách một giáo sư giáo sĩ tại
Indonesia? Quyển sách nầy ít ra cũng cung cấp được những nét phác thảo
lớn cho những câu trả lời cho các câu hỏi vừa kể trên và nhiều câu hỏi rắc
rối khác nữa.
Nhưng những gì bà Linnemann nêu ra còn bao hàm nhiều hơn là chỉ một góc
độ quan tâm chú ý nào đó của nhân loại. Cuối cùng thì câu chuyện riêng tư
về bà chỉ chuyển tải được những điều trăn trở chủ yếu về lịch sử, các
phương pháp và hậu quả của điều mà bà đã gọi rất công bằng và hữu lý, là
nền thần học phê bình sử tính (historical - critical theology). Có lẽ đây mới
chính là ý nghĩa chủ yếu của những suy tư trăn trở của bà Linnemann.
Cũng chính tại đây, người ta mới chạm trán với lời thách đố của quyển sách,
một thách thức được mở rộng trên nhiều cấp bậc, trình độ khác nhau. Ở cấp
bậc thứ nhất, quí độc giả không-phải-là-người-Đức sẽ gặp nhiều đoạn đề cập
một tình hình có lẽ có vẻ xa lạ. Điều nầy sẽ đặc biệt được nghiệm đúng với
chương 4 và hai phần phụ lục tiếp theo đó. Ở đây, bà Linnemann đang đánh
vật với sự cần thiết của khả năng và về các bước căn bản hướng đến việc
hình thành các trường cao đẳng Cơ Đốc giáo có trình độ đại học tại Tây
Đức.
Sự thật là không phải đã chẳng hề có các trường cao đẳng dạy Thánh Kinh
bằng tiếng Đức nào tại Tây Âu cả, người ta có thể tìm ra nhựng ngôi trường
như thế tại Tây Đức hoặc tại các địa phương khác bên Thụy Sĩ, như
Adelshofen, Beatenberg, Brake, Seeheim, Wiedenest, Wolmersen, và
Wuppertal, đó là chỉ mới kể một vài nơi mà thôi. Nói cho đúng hơn thì các
trưởng cao đẳng dạy Thánh Kinh ấy không đào tạo người theo trình độ cao
của bậc đại học như phần giáo dục thần học được cung cấp tại các phân khoa
thần học của các đại học đường bên Hoa Kỳ. Các Thánh Kinh học viện ấy
cũng không được thừa nhận là chính thức như các trường học bên Mỹ. Điều
mà các độc giả Hoa Kỳ xem là bình thường - sự tồn tại của hàng chục đại
học đường vẫn được công nhận là các trường cao đẳng Cơ Đốc giáo dạy các
nghệ thuật tự do, và thậm chí một số các đại học đường ít nhất cũng có danh
nghĩa là Cơ Đốc giáo - vốn không thấy có tại quốc gia mà bà Linnemann
vốn quen biết là Tây Đức. Bà Linnemann và cùng với bà là nhiều người
khác nữa, nhận thấy độc quyền của các đại học đường quốc gia trong việc
đào tạo các mục sự, giáo sư tôn giáo, thần học gia và học giả Thánh Kinh
người Đức, vốn có hậu quả tiêu cực, thậm chí còn tai hại nữa, suốt hai trăm
năm vừa qua.
Thế nhưng, trong khi tình hình đã rèn luyện bà Linnemann thoạt nghe có vẻ
như lạ lùng đối với nhiều độc giả, những lời bình luận của bà không phải là
không thích hợp với nước Mỹ, nơi mà các trường cao đẳng Cơ Đốc giáo đều
được công nhận, như một sự kiện của đời sống. Những vấn đề bà đưa ra để
thảo luận - đâu là một nền giáo dục Cơ Đốc giáo cao hơn, và làm thế nào để
các Cơ Đốc nhân có thể dốc sức hầu theo đuổi hữu hiệu hơn và theo đúng
với Thánh Kinh hơn trong một thế giới đang bị các định chế đại học mà căn
bản là vô thần áp đảo? - vẫn thường được các trường cao đẳng Cơ Đốc giáo
Hoa Kỳ đặt ra, vốn không phải là có tính cách quá phản động để mọi người
phải quan tâm bằng cách đồng hóa việc học thức đương đại, hay quá bác
học, tự cao, để mọi người có thể nhận thấy các thế giới quan của chúng đã
được thừa nhận là có tinh thần chống lại Cơ Đốc giáo như thế nào.
Về một cấp bậc thứ hai, vài người sẽ thấy quyển sách có tính cách thách
thức vì họ vốn rất quen với phần lịch sử của các ý niệm mà bà Linnemann
chỉ trích phê bình. Nhất là trong chương 1, và ở nhiều điểm khác nữa, người
ta gặp cả một loạt các tư tưởng gia, có lẽ là cả một loạt nhiều mẫu người tiêu
biểu mà người ta có thể trông mong trong một cuốn sách được một nhân vật
nguyên được đào tạo từ phái phê bình Tân Ước viết ra. Vài người có thể
xem đây là một nhược điểm, và tự hỏi tại sao bà Linnemann lại không tự
cống hiến cho ngành học mà chắc chắn bà vốn là một chuyên gia. Tuy nhiên,
bản tính của các suy tư trăn trở và các đề nghị của bà đòi hỏi bà phải rời tầm
mắt khỏi những gì mình đã nhìn thấy, và đòi hỏi những người đọc sách của
bà phải vượt khỏi các ranh giới hẹp hòi của một ngành đại học riêng biệt.
Cuộc thảo luận của bà Linnemann có tầm hạn rộng lớn để bao quát các mối
quan tâm của bà, và những gì mà bà có thể gọi là gánh nặng của mình.
Những ai thắc mắc, chẳng hạn như về tính cách thích hợp của Goethe đối
với tuyên đạo pháp đương đại (xem chương 1), có thể nghiên cứu Jaroslav
Pelikan, là người thấy “cách bi kịch hóa cổ điển của các mối liên hệ cả tiêu
cực lẫn tích cực giữa giáo lý Cơ Đốc và nền văn hóa hiện đại trong tác phẩm
Faust của Goethe” (Jaroslav Pelikan, The Christian Tradition, Vol 5:
Christian Doctrine and Modern Culture (since 1700) (Chicago/London:
University of Chicago Press, 1989,I). Nếu bà Linnemann có sai lầm trong
việc cố gắng phân tích mối liên hệ giữa một phương pháp khoa học với
phương pháp giải kinh trong bối cảnh lịch sử của các ý niệm, thì bà đã có
một người bạn tốt rồi vậy.
Về một cấp bậc thứ ba mà chúng tôi đã gọi là gánh nặng của bà Linnemann,
sẽ đưa ra một lời thách đố, nếu không phải là một tảng đá vấp chân cho một
ai đó. Bà Linnemann cố tình không viết một sách khảo luận có hình thức bác
học, mà chỉ viết một lời kêu gọi ăn năn mà thôi (Bà đã bắt tay viết một tác
phẩm cho cấp đại học sẽ bao gồm nhiều điều thuộc cùng một lãnh vực,
nhưng có tính cách chuyên sâu hơn và theo một viễn cảnh khác hẳn quyển
sách có tính cách bình dân đã biết nầy).
Thứ nhất, nên nhớ rằng giọng điệu thỉnh thoảng có phần hăng say là điều
hoàn toàn có thể hiểu được, vì cớ bản tính quỉ quái và tầm hạn của sự thất
vọng đã khiến bà Linnemann phải bắt tay để chống lại nó. Thậm chí cả khi
những số lần như thế chỉ nguy hiểm bằng phân nửa điều mà bà Linnemann
nghĩ, chắc bà cũng đã sẵn sàng bỏ qua mà chẳng bận tâm nói gì hoặc nói ra
bằng một giọng êm dịu hơn. Nhiều tác giả trong lịch sử tư tưởng Cơ Đốc
giáo cũng từng nhận thấy giống như thế, rằng sự sai lầm càng lớn thì đòi hỏi
phải có những lời nói mạnh mẽ, nặng nề hơn.
Thứ hai, cần ghi khắc vào tâm trí các hoàn cảnh trong đó bà Linnemann đã
ăn năn qui đạo và những năm trước đó mà giờ đây bà nhận ra là mình đã
giảng dạy điều sai lầm (xin xem phần dẫn nhập của bà). Chắc chắn là trong
những năm đã qua rồi đó, bà từng nhiệt thành và cương quyết răn đe các
sinh viên của bà rằng Thánh Kinh hàm chứa nhiều điều sai lầm, rằng các
phép lạ vốn và sẽ chẳng bao giờ có thể có được, và rằng chỉ có phương pháp
luận phê bình “khoa học” mới là phương pháp độc nhất có thể đưa ra một
bản án có trách nhiệm về ý nghĩa của một văn bản Thánh Kinh. Các độc giả
từng mong bà Linnemann tỏ ra kém hung hăng khi rao truyền chân lý hơn là
lúc bà trình bày để truyền bá ngụy lý, quả thật là không thực tế. Nếu bà có
thái độ như vậy, thì chắc đó chỉ là giả đạo đức mà thôi.
Thứ ba, ít nhất cũng có thể rằng sở dĩ bà Linnemann khẳng định đúng đắn
rằng căn bệnh phổ biến của nền thần học Tây phương - vốn có thể không
hoàn toàn có liên hệ với các nan đề bức bách của xã hội phương Tây nói
chung - đòi hỏi sự ăn năn, thì không phải nó chỉ đơn giản đòi hỏi phải được
thâm cứu, đối thoại hay suy tư trăn trở có tính cách phê bình mà thôi. Khi
kêu gọi ăn năn, điều cần lưu ý là bà chỉ mới truyền giảng điều mà bản thân
bà đã thực thi mà thôi. Nếu bà Linnemann đã đi lạc khi vạch ra sự ăn năn (và
đứng vào vị trí chống lại Lời thành văn của Thượng Đế và Đấng Mết-si-a)
như là việc chính thức, phải lẽ cần làm để tìm lại sự hướng dẫn thuộc linh và
đạo đức trong một thế gian đang gặp rối ren sâu đậm, thì một lần nữa, bà đã
có đầy đủ các nhà tiên tri làm bạn đồng hành trong lịch sử truyền giáo Do
Thái - Cơ Đốc giáo.
Thứ tư, với những độc giả nào nhận thấy việc sử dụng Kinh-điển là dư thừa
đến độ tự khoe khoang là họ vốn biết rõ Thánh Kinh đến nỗi những đoạn
trích dẫn chỉ là rườm rà mà thôi, thì chúng tôi xin nói rằng đọc thêm những
văn bản quen thuộc một lần nữa thì chẳng có hại chi cả, mà còn có thể đem
đến nhiều báu vật mới mẻ cho khung cảnh mới, trong đó bà Linnemann ứng
dụng chúng. Nếu quả đã có lần quần chúng Hoa Kỳ thấu triệt Thánh Kinh
thật thiết thân, thì cái thời ấy cũng đã qua rồi. Hiện nay, đối với đa số độc
giả, các văn bản mà bà Linnemann viện dẫn đã không còn quen thuộc nữa.
Điều nầy chắc chắn được nghiệm đúng đối với đám cử tọa người Âu châu
mà bà Linnemann đã nghĩ đến khi bà đặt bút để viết sách.
Thế thì, trên đây là một vài yếu tố đáng ghi nhận để có thể lãnh hội giọng
văn trong tác phẩm của bà Linnemann. Ngay khi có ai đó nhận thấy có ngoại
lệ chỗ nầy chỗ nọ, thì những nhận xét ấy đều có thể góp phần để đưa ra một
thẩm định có tính cách xây dựng cho các luận cứ đã nêu lên.
Một cấp bậc thứ tư nữa của lời thách đố của bà Linnemann có thể là việc
vạch ra, có phần là đen tối nói chung, tình trạng nghiên cứu học hỏi Thánh
Kinh hiện hành, và đề nghị phải thay đổi triệt để mà bà đã nêu ra. Bà có
nhấn mạnh quá đáng tình trạng của mình không?
Điều quan trọng là phải ghi khắc vào tâm trí rằng môi trường đầu tiên cần
tập trung để tham khảo đối chiếu là Tây Đức và hệ thống đại học đường tại
đấy. Những ai đã quen thuộc với môi trường ấy và bối cảnh tương tự với nó
tại Bắc Mỹ có thể xác nhận tính cách chân thực của đồ án tổng quát của bà
rằng công cuộc sưu tầm nghiên cứu thần học và Thánh Kinh dĩ nhiên là
thường được theo đuổi dưới quyền bảo trợ của những kẻ vô thần. Nghĩa là
tiêu điểm của sự suy tư thần học không phải là Thượng Đế chân thật và hằng
sống, và Lời mặc khải của Ngài là quyển Thánh Kinh. Như bà Linnemann
lưu ý rất đúng rằng trong thế giới hiện đại, Thượng Đế là Đấng bất khả tri,
còn mặc khải theo định nghĩa truyền thống của nó, đã không còn được chấp
nhận hay còn giá trị nữa. Thay vào đó tiêu điểm của thần học là kinh nghiệm
của con người như các lý thuyết của các khoa học xã hội, triết học, sử học,
và nhiều ngành “khoa học” khác đã định nghĩa nó. Theo cách hiểu của tư
tưởng Cơ Đốc giáo chính thống trong lịch sử thì “Thượng Đế” đã bị loại ra
một cách có hệ thống khỏi sự suy tư nhận xét, và được thay thế bằng sự tự ý
thức về mình của con người và của các lực lượng thuần túy nội tại. Như các
sách giáo khoa thần học trong lịch sử đã viết, nhân loại học (anthropology)
đang thay thế cho thần học.
Sau khi đã trình bày môi trường nầy, là điều mà bà Linnemann vốn biết thật
thiết thân vì trong quá khứ bà từng hiến thân cho nó, bà muốn nêu rõ trường
hợp của mình bằng những lời lẽ đen trắng thật phân minh, cho ai nầy đều có
thể hiểu được. Nếu có một số nhận xét có lẽ phần nào vốn có thể áp dụng
nhiều hơn cho sân khấu Âu châu, thì điều cần lưu ý là ngoài cái thế giới
tương đối nhỏ hẹp của công cuộc sưu tầm học hỏi theo khuynh hướng Tin
Lành tại Bắc Mỹ, cùng những qui luật cho các trường đại học vẫn đang được
áp dụng. Rất nhiều, dĩ nhiên là phần lớn, công trình nghiên cứu thần học và
Thánh Kinh đang được tiến hành dưới các giả thiết cho rằng nó không thuộc
quyền quản trị của cách hiểu về Thượng Đế của Cơ Đốc giáo chính thống
của lịch sử về Thượng Đế, con người, và mối liên hệ giữa cả hai như đã
được mô tả trong Thánh Kinh.
Do đó, cách đánh giá có phần nào bi quan của bà Linnemann về tình hình
hiện tại và đề nghị triệt để của bà là phải thay đổi, rốt cuộc, có lẽ sẽ rất hợp
thời với sân khấu Bắc Mỹ. Phần lớn những gì bà nói dĩ nhiên là áp dụng cho
giới học giả và các tổ chức không phải là Tin Lành - vốn đào tạo một phần
lớn các mục sư và nhà giáo dục thần học Bắc Mỹ. Và nó cũng phù hợp trực
tiếp cho cộng đồng Tin Lành ít nhất cũng theo hai phương diện.
Một là, giới học giả Tin Lành chắc chắn phải chịu ảnh hưởng của thế giới
đại học vô thần mà bà Linnemann mô tả. Người ta thường cho rằng hệ quả
của điều nầy là nhỏ mọn, không đáng kể; bao lâu người Tin Lành còn giữ
được lòng tin kính và nếp sống ngay thẳng, thì những gì đi vào trong đầu họ,
hay những gì họ đưa ra như một lý thuyết phê bình, đều chỉ có tầm quan
trọng thứ yếu. Nhưng đây chắc chắn là một quan điểm cận thị về các sự việc.
Các hậu quả của giới học giả vô thần thật ra không phải luôn luôn là nhỏ
mọn không đáng kể như người ta đều nhận thấy căn cứ vào sự hỗn loạn về
giáo lý và luân lý đạo đức hiện đang len lỏi vào các Hội Thánh mà các cấp
lãnh đạo và thành viên từ nhiều thập kỷ nay đã được huấn luyện về giáo lý
bởi giới học giả ấy. Chính những người theo tự do chủ nghĩa hiện nay cũng
tỏ ra thất vọng đối với vị Thượng Đế mà họ đã truyền giảng từ lâu nay, và
một số người còn kêu gào hãy quay trở về với một “khải tượng do Thánh
Kinh cho biết” về Thượng Đế, về Hội Thánh và về thế gian (William
McKinney, “From the Center to the Margin”, Books & Religion 16:1;, 1889,
3, về một tiếng kêu gọi của phái tự do yêu cầu phải chú ý một cách mới mẻ
đến việc giáo dục thần học của Thánh Kinh, xin xem chẳng hạn:
W.Brueggemann “The Case for an Alternative Reading”, “Theological
Education 23, 1987, p 89-107. Phê bình Thượng Đế không thực hữu của tự
do chủ nghĩa, mà cũng là của giáo hội Tin Lành nữa, từ bên trong cộng đồng
tự do là Joanne Swenson “Treating God as real”, Thelogy Today, Oct 1988,
p 446-450), những tiếng nói - người ta có thể nghĩ đến nhiều diễn giả khác
nhau, như Francis Schaeffer đã quá cố, các vị như Carl F.H.Henry, và James
D.Hunter (Francis Schaeffer, The Great Evangelical Desaster, Westchester,
Ill, Crossway, 1984. Carl F.H.Henry Ill, Crossway, 1988, James D.Hunter
Evangelicalism: The coming Generation, Chicago: University of Chicago
Press, 1987) - từng bảy tò niềm tin quyết rằng giáo hội Tin Lành có thể nói
là đang sống trong một thời đại vay mượn và đang bị trôi giạt theo một chiếu
hướng không lành mạnh (Là một nhà xã hội học, Hunter không gọi gương
mặt tương lai của Giáo hội Tin Lành rõ ràng là “không lành mạnh: nhưng
ông nghĩ rằng mình có thể thu thập tài liệu để chứng minh cho một sự trôi
giạt tự do của nó). Dù muốn dù không, nền giáo dục cấp cao hơn của Cơ
Đốc giáo vẫn giữ một vai trò chiến lược ở đây. Hơn nữa, người ta đã chủ
trương khá hợp lý rằng thậm chí nền giáo dục thần học Tin Lành, nếu chưa
gặp khủng hoảng, thì cũng chẳng còn xa mấy với tình trạng ấy (Scott
J.Hafemann, “Seminary, Subjectivity, and the Centrality of Scripture”,
Journal of the Evangelical Theology society 31, 1988, 129-143). Trên cấp
bậc bình dân hơn, có rất ít các lãnh tụ Tin Lành dám mạnh bạo khẳng định
rằng tình trạng đạo đức hiện tại của các giáo hội là bảo thủ về phương diện
thần học, và quyền lãnh đạo của họ là không chỗ chê trách. Trong một tình
hình như thế, việc chẩn đoán và kê đơn thuộc của bà Linnemann quả là có
giá trị phòng xa, kêu gọi người Tin Lành phải xét kỹ các đường lối của mình
trước những căn bệnh thông thường đang leo thang đến mức đã có thể gây
tàn hại - dĩ nhiên là với sự khẳng định rằng tình hình vẫn chưa phải là đã quá
muộn.
Những người xét lại và độc giả có tinh thần phê bình nói chung dường như
đều nhận thấy phần lớn những gì tiếp sau đây là rắc rối, và họ cho rằng có
một số là hoàn toàn ngoại lệ. Nhưng chắc chắn rằng họ cũng sẽ phải chạm
trán với những điều hoàn toàn có thật, nhiều việc sẽ kích thích óc suy tư trăn
trở có ích lợi cho đời sống của các sinh viên, giáo sư, cấp lãnh đạo Hội
Thánh, và những người muốn tìm cầu theo đuổi chân lý nói chung.
Tôi xin tri ân Allan Fisher, Linda Triemstra và Paul Ingram của Nhà xuất
bản Baker Book House về mối quan tâm và sự ủng hộ trong việc xuất bản,
và tri ân Tiến sĩ Linnemann về sự chăm chút, sẵn sàng và rộng lượng của bà
trong việc duyệt xét lại bản dịch nầy. Những điều hàm hồ và cách diễn tả
đáng chê trách còn lại, xin quí độc giả hãy qui trách trên dịch giả, chứ không
phải là cho tác giả.
Robert W.Yarbrough
Wheaton College
Wheaton, Illinois
5.7.1989
DẪN NHẬP CỦA TÁC GIẢ
“Tại sao bà lại nói “không” với ngành thần học phê bình sử tính?” Tôi đã
phải đối đầu với câu hỏi nầy, nên muốn vạch rõ ngay từ đầu: Tiếng “không”
tôi dành cho ngành thần học phê bình sử tính bắt nguồn từ tiếng “vâng” tôi
dành cho Chúa và Cứu Chúa Jesus kỳ diệu của mình, và cho sự cứu chuộc
vinh quang Ngài đã hoàn tất vì tôi tại Gô-gô-tha.
Là một môn đệ của Rudolf Bultmann và Ernst Fuchs, cũng như của Friesrick
Gogarten và Gerhard Ebeling, tôi đã có được những vị giáo sư tài ba nhất
mà ngành thần học về phê bình sử tính có thể cung cấp cho mình. Mà cả về
các phương diện khác, tôi cũng chẳng hề bị thua kém. Quyển sách đầu tiên
của tôi đã là một quyển sách bán chạy nhất, tôi trở thành giáo sư thần học và
giáo dục tôn giáo tại Trường Đại học Kỹ thuật Braunchweig, Tây Đức. Sau
khi đã hoàn tất những đòi hỏi khắt khe của một Giảng nghiệm viên đại học
(Bà Linnemann ám chỉ quyển Habilitationschrift, một tác phẩm bác học mà
tại Hoa Kỳ có thể xem như một luận án tiến sĩ thứ hai. Nó có giá trị khiến
một người được mời diễn giảng tại một Trường Đại học Đức), tôi được truy
tặng tước vị giáo sư danh dự về Tân Ước của phân khoa thần học của Đại
học đường Philipps, Marbourg, Tây Đức. Tôi được bổ nhiệm vào Hiệp hội
nghiên cứu Tân Ước. Tôi đã mãn nguyện vì được các bạn đồng liêu công
nhận và thăng thưởng.
Đã được địa vị vững vàng về phương diện trí thức trong ngành thần học về
phê bình sử tính, tôi tin tưởng sâu sắc rằng mình đang phục vụ Thượng Đế
bằng công tác thần học và đóng góp vào công cuộc truyền bá Phúc Âm. Tuy
nhiên, bấy giờ trên cơ sở của nhiều quan sát nhận xét, nhiều phát giác và kết
quả là một sự tự ý thức, tôi bắt buộc phải công nhận hai điều ngoài ý muốn
của mình: (1) Không hề có “chân lý” nào có thể nảy sinh từ “công tác khoa
học thực hiện trên văn bản Thánh Kinh” ấy và (2) một công tác lao khổ như
thế không hề phục vụ gì cho việc truyền bá Phúc Âm cả. Lúc ấy, điều đó chỉ
mới là một nhận thức thực tế nẩy sinh từ kinh nghiệm mà tôi không còn có
thể phủ nhận được nữa. Từ đó trở đi, nhờ ân phúc Thượng Đế và Lời Ngài,
Thượng Đế đã ban cho tôi một cái nhìn thông tuệ (insight) vào các chiều
kích lý thuyết của ngành thần học nầy. Thay vì căn cứ vào Lời Thượng Đế,
nó vốn có các nền tảng trong triết học, khiến nó táo bạo định nghĩa chân lý,
sao cho Lời Thượng Đế bị loại ra, không còn được xem là nguồn gốc chân lý
nữa. Các nền triết học nầy giả thiết hết sức đơn giản rằng con người có thể
chẳng có một kiến thức đúng nào về Thượng Đế của Thánh Kinh, về Đấng
Tạo Hóa của trời đất, về Đức Chúa Cha của Chúa Cứu Thế Jesus của chúng
ta cả.
Ngày nay, tôi nhận thức được rằng đặc tính độc quyền của ngành thần học
phê bình sử tính mà ảnh hưởng lan tràn khắp thế giới của nó là một dấu hiệu
chỉ rõ sự phán xét của Thượng Đế (RoRm 1:18-32). Thượng Đế đã tiên báo
điều nầy trong Lời Ngài: “Vì sắp đến thời kỳ người ta không muốn nghe dạy
chân lý, nhưng chiều theo dục vọng, tập họp nhiều giáo sư dạy những lời bùi
tai” (IITi 2Tm 4:3). Ngài cũng hứa “để họ bị lừa gạt, tin theo những lời giả
dối” (IITe 2Tx 2:11). Không phải Thượng Đế đã chết hay đã từ nhiệm, Ngài
vẫn trị vì và đã thực thi quyền phán xét trên những kẻ tuyên bố rằng Ngài đã
chết hay khẳng định rằng Ngài là một tà thần chẳng làm gì cả, dù thiện dù
ác”.
Ngày nay, tôi nhận thức được rằng mình mắc nợ những cái nhìn thông tuệ
đầu tiên ấy của những tác động sơ khởi của ân phúc Thượng Đế. Tuy nhiên,
thoạt đầu, những gì tôi nhận thức được đó đã đưa tôi vào tình trạng hoang
mang sâu xa. Tôi đã phản ứng bằng cách buông trôi về hướng những nghiện
ngập có thể làm, chai lì nỗi khổ sở của mình. Tôi đã trở thành nô lệ cho việc
xem vô tuyến truyền hình và cảm thấy càng ngày mình càng tăng thêm tình
trạng bị lệ thuộc vào rượu. Kinh nghiệm bản thân cay đắng của tôi cuối cùng
đã thuyết phục được tôi về chân lý mà Thánh Kinh đã khẳng định, rằng “Ai
tham sống sợ chết sẽ mất mạng” (Mat Mt 10:39). Tới đây, Thượng Đế đã
hướng dẫn tôi đến với nhiều Cơ Đốc nhân tràn đầy sinh lực, đích thân biết rõ
Chúa Jesus là Chúa và Cứu Chúa của mình. Tôi nghe lời chứng của họ khi
họ kể lại những gì Thượng Đế đã làm cho đời sống họ. Cuối cùng, Thượng
Đế đã đích thân phán với lòng tôi qua lời một người anh em là Cơ Đốc nhân.
Nhờ ân phúc và tình yêu thương của Thượng Đế, tôi đã phó thác cuộc đời
mình cho Chúa Jesus.
Ngài đã tức khắc nắm lấy cuộc đời tôi trong bàn tay cứu rỗi của Ngài, và bắt
đầu biến đổi nó tận gốc rễ. Những thói nghiện ngập tàn hại của tôi được thay
thế bằng một sự đói khát Lời Ngài và sự giao hảo với các Cơ Đốc nhân
khác. Tôi đã có thể nhận thức rõ ràng tội là tội, chứ không phải chỉ tìm cách
biện minh cho nó như thói quen trước kia của tôi nữa. Tôi vẫn còn nhớ niềm
vui diệu kỳ mình cảm thấy lần đầu tiên khi đen trắng phân minh, hai cái ấy
không còn hòa lẫn vào nhau như một màu xám chẳng phân biệt được nữa.
Khoảng một tháng sau khi phó dâng cuộc đời mình cho Chúa Jesus, Thượng
Đế đã thuyết phục tôi rằng các lời hứa của Ngài là một thực tại. Tôi được
nghe câu chuyện mà một giáo sĩ Hội Wycliffe (của các nhà Phiên dịch
Thánh Kinh) từng phục vụ tại Nepal kể lại. Ông kể rằng hồi ông ở ngoại
quốc, người giúp dạy tiếng Nepal vừa ăn năn qui đạo của ông bị bỏ tù, vì tại
đấy, trở thành một Cơ Đốc nhân là bất hợp pháp. Ông cũng kể lại những gì
mà người Cơ Đốc mới tin Chúa đó đã nói khi bị đưa ra xét xử. Theo những
gì tôi đã được nghe kể lại trước đó về người giúp dạy tiếng Nepal nầy, thì
điều đã trở thành rõ ràng ngay tức khắc, là người ấy đã chẳng hề có thể trả
lời như thế nếu chỉ nhờ vào khả năng riêng của mình mà thôi. Phân đoạn
Mac Mc 13:9-11 bỗng nhiên xuất hiện trước mắt tôi - một khúc sách mà tôi
đã đánh dấu để chú ý đến trước đó chỉ vì mối bận tâm bác học của mình mà
thôi - và tôi chẳng còn có cách chọn nào khác hơn là phải thừa nhận rằng
đây chính là phần ứng nghiệm của lời hứa ấy.
Bỗng nhiên tôi tin quyết rằng các lời hứa của Thượng Đế là một thực tại,
rằng Thượng Đế là một Thượng Đế hằng sống, và rằng Ngài đang trị vì “Vì
Ngài phán thì việc liền có; Ngài biểu, thì vật liền đứng vững bền” (Thi Tv
33:9). Tất cả những lời làm chứng tôi được nghe suốt mấy tháng gần đây
bỗng được sắp xếp đâu vào đấy ngay trong khoảnh khắc ấy. Tôi bỗng ý thức
được rằng, với những gì Thượng Đế đang làm hiện nay, mà lại chủ trương
rằng các phép lạ đã được kể lại trong Tân Ước là những việc vốn chẳng bao
giờ xảy ra, thì thật là dại dột biết bao! Bỗng nhiên mọi sự việc đều trở thành
rõ ràng cho tôi rằng lời truyền dạy của tôi chỉ là một trường hợp kẻ mù dẫn
đường cho kẻ mù. Tôi rất ăn năn hối hận về cách thức tôi đã hướng dẫn cho
các sinh viên của mình đi sai lạc.
Sau việc nầy độ một tháng, khi chỉ có một mình tôi ở trong phòng và hoàn
toàn cách biệt với mọi ảnh hưởng của người khác trên mình, tôi cảm thấy
chính mình đang trực diện với một quyết định vô cùng cấp bách. Tôi sẽ cứ
tiếp tục dùng trí tuệ của mình để cai quản, kiểm soát Kinh Thánh, hay phải
để cho Đức Thánh Linh biến đổi tư tưởng của mình? GiGa 3:16 đã soi sáng
cho quyết định nầy, vì tôi mới vừa từng trải được chân lý của câu ấy, giờ đây
cuộc đời tôi là những gì Thượng Đế đã làm cho tôi và cho cả thế gian - Ngài
đã ban Con Yêu Dấu của Ngài. Tôi không còn cách gì để gạt câu nầy qua
một bên nữa, để xem nó như chẳng có gì trói buộc, chỉ như một lời phát biểu
thần học vô nghĩa của một nhà văn có ít nhiều đầu óc Trí-huệ phái mà thôi
(như một người có thể đã làm đúng như thế nếu noi theo sự hướng dẫn của
giáo sư của bà Linnemann là Rudolf Bultmann, xin xem quyển The Gospel
of John, Philadelphia: Westminster, 1971 của ông ta). Đức tin có thể nương
tựa trên lời hứa có tính cách trói buộc của Thượng Đế; còn các nguyên tắc
suy lý của thần học chỉ là mối bận tâm suông có tính cách bác học mà thôi.
Nhờ hồng phúc Thượng Đế, tôi đã được từng trải về Chúa Jesus với tư cách
Đấng mà danh Ngài được đề cao trên mọi danh. Tôi được cho phép để nhận
chân được rằng Chúa Jesus là Con Thượng Đế, được một trinh nữ sinh ra.
Ngài là Đấng Mết-si-a và là Con người, những danh hiệu như thế không phải
chỉ được người ta gán cho Ngài do hậu quả của những bàn bạc suy tính của
loài người. Tôi đã nhận chân được trước hết là bằng tâm trí, nhưng sau, đó là
bằng một phương thức sinh động, do kinh nghiệm, rằng Thánh điển vốn
được linh cảm.
Tôi đã nhận biết hết sức rõ ràng rằng điều tôi từng truyền dạy sai lạc trước
kia là tội, không phải vì thiên hạ là loài người bảo như thế, nhưng vì lời làm
chứng của Đức Thánh Linh trong lòng mình. Đồng thời, tôi cảm thấy hạnh
phúc và rất biết ơn Chúa rằng tội ấy của tôi đã được tha thứ, vì Chúa Jesus
đã mang lấy nó trên thập tự giá.
Chính vì lý do ấy mà tôi nói “không” với ngành thần học phê bình sử tính.
Tôi xem tất cả những gì tôi đã truyền dạy và viết ra trước khi phó dâng cuộc
đời mình cho Chúa Jesus là những gì đã bị tôi từ chối. Tôi muốn nhân cơ hội
nầy để nói rằng tôi đã vứt bỏ hai quyển sách của tôi có nhan đề là
Gleichnisse Jesus (tác phẩm nầy được xuất bản trong bản dịch Anh văn với
nhan đề Jesus of the Parables, Introduction and Exposition, New York,
Harper Row, 1966) và Studien zur Passiongeschichte cùng với các đóng góp
của tôi cho các nhật báo, các tuyển tập và quyển Festschriften (thêm vào các
tác phẩm của bà, Tiến sĩ Linnemann đã cho xuất bản trước đó các tài liệu
sau đây: Xin chép theo trong nguyên tác Anh văn, trang 20, với đoạn cần
dịch sau đây: 1-32, trong đó sử tính của Mac Mc 14:54, 66-72 bị phủ nhận;
Der... 255-87, trong đó bà Linnemann đề nghị nguyên văn đoạn kết thúc
sách Mác gồm có 16:8, tiếp theo là hai câu còn giữ lại trong Mat Mt 28:16,
17 và sau cùng là Mac Mc 16:15-20, cho đến hết). Bất luận là tác phẩm nào
thuộc quyền sở hữu của tôi, tôi đều tự tay mình vứt hết vào sọt rác hồi năm
1978. Tôi yêu cầu bạn cũng hãy thành tâm làm y như thế đối với bất kỳ
quyển sách nào thuộc số kể trên mà có thể rằng bạn hãy còn giữ lại trên kệ
sách của mình.
Tiến sĩ Eta Linnemann Giáo sư, hồi hưu 5.7.1985
TỰA
Tôi đã không viết quyển sách nầy một mình, có rất nhiều thân hữu trung tín
đã cùng cộng tác với tôi bằng lời cầu nguyện. Trước hết, tôi muốn kể ra Hội
Thánh của tôi tại Leer, Tây Đức, nhất là Anh Hans Peter Grake, người lãnh
đạo hội chúng. Chẳng những anh đã lao khổ với tư cách một người cầu thay
trước mặt Chúa, mà qua nhiều lần khích lệ, anh đã góp phần cho việc bắt
đầu quyển sách nầy. Cũng xin tri ân như thế các bạn đồng liêu của tôi trong
Hội Truyền Giáo “Chúa Cứu Thế cho bạn” và người chị em trong Chúa của
tôi Gertrud Scholz, đã cầu nguyện cho quyển sách và đã giúp tôi rất nhiều
trong việc đọc lại bản vỗ.
Thêm vào đó, tôi xin kể thêm Hội Thánh của tôi tại Odenwald, Tây Đức, với
vị lãnh tụ là Erling Eichholz, và tổ cầu nguyện do chị Elisabeth Hettinger
đứng đầu. Tôi cũng xin tri ân các chị em trong Chúa là Lilot Scholler và
Ruth Parasie, và các anh Gerhard Ullricho với Martin Schwarz.
Tôi xin tri ân tất cả những người vừa kể trên cũng như tổ cầu nguyện tại
Hanssler Verlog, và toàn thể những ai không được nêu đích danh ra đây. Tôi
xin tri ân Friedrick Hanssler vì đã sẵn sàng nhận xuất bản quyển sách nầy.
Tôi cũng xin tri ân Tiến sĩ R.Yarbrough đã thực hiện một bản dịch thật tốt,
và nhà xuất bản Baker, đã vui lòng cho quyển sách nầy ra mắt quí độc giả
nói tiếng Anh.
Tiến sĩ Eta Linnemann BaTu, Indonesia 1.6.1989
CƠ-ĐỐC GIÁO VÀ ĐẠI HỌC ĐƯỜNG HIỆN ĐẠI
CÁC NGUYÊN NHÂN KHIẾN CẤP ĐẠI HỌC CHỐNG LẠI CƠ-ĐỐC
GIÁO
Hồi khởi thủy, hiện tượng có các trường đại học trong nền văn hóa Tây
phương vốn là một tổ chức ngoại giáo, “đại học đường tại A-then sở dĩ đã bị
đóng cửa là vì đặc tính ngoại giáo của nó, vào năm 529 SC” (1). Việc tái lập
các trường đại học vào giai đoạn đầu của thời Trung cổ cho đến cuối thế kỷ
thứ mười hai đã xảy ra đồng thời với mối bận tâm được hồi sinh đối với
nhiều phương diện của nền văn hóa ngoại đạo làm chủ đề chính yếu cho
công việc nghiên cứu.
Bộ luật dân sự (corpus juris cviles) là đối tượng nghiên cứu khiến hiệp hội
các giáo sư và sinh viên đại học (universitas magistrorum et scholarium) họp
tại Bologna, Ý quốc. Bộ luật nầy có nhiều qui tắc có hiệu lực trong lãnh vực
Cơ Đốc giáo, nhưng nói chung thì nó gồm một bộ sưu tập các luật lệ bắt
nguồn từ các thời kỳ ngoại đạo, tiền Cơ Đốc giáo. Các văn phẩm của
Aristotle - một triết gia ngoại đạo - là các đối tượng nghiên cứu đã làm nẩy
sinh việc thành lập một Trường đại học thứ hai, lần nầy tại Paris.
Lý do cho việc tự quản đạt đến mức cao của hình thức tổ chức mới mẻ nầy
là do một mối quan tâm khoa học tự phát, một ước mong thiết tha muốn biết
và thấu hiểu chân lý, sẵn sàng liễu lĩnh chấp nhận việc xung khắc, đối kháng
nhau nhằm đạt được các mục tiêu. Tại Bologna, đã có quyết định bất chấp sự
cho phép hay phê chuẩn chính thức đối với việc nghiên cứu bộ luật của
hoàng đế La Mã Justinian, dường như đã bị xem thường từ 500 năm rồi,
nhưng vốn có hiệu lực cùng khắp. Tại Paris, người ta đã tập trung chú ý vào
các văn phẩm về triết học tự nhiên và siêu hình học của Aristotle, bấy giờ
được cung cấp lần đầu tiên trong bản dịch La văn. Aristotle vốn bị nghi là
dạy tà giáo (2)
KINH VIỆN CHỦ NGHĨA (Scholasticism)
Kinh viện chủ nghĩa phụ trách “dung hòa kiến thức duy lý mới với các điều
luật của đạo” (3) - một nỗ lực đã bắt nhịp khai mào cho mọi cố gắng về
phương diện thần học của hai giai đoạn Đầu và Cuối của thời Trung cổ.
Nhưng nó đã đưa ra một quyết định quan trọng có tính cách định mệnh!
Thay vì ghi khắc vào tâm trí rằng mọi kho tàng về khôn ngoan và tri thức
đều ẩn tàng trong Chúa Cứu Thế (CoCl 2:3), người ta lại cho rằng con người
bị đòi hỏi phải có sự khôn ngoan theo thế gian của ngoại giáo ngay bên cạnh
Lời Thượng Đế, thì mới có được sự tiến bộ đích thực về mặt trí thức. Lời
Thượng Đế đã bị thu hẹp lại để chỉ còn là một trong hai tiêu điểm để xác
định sự khôn ngoan và tri thức. Thánh Kinh đã bị xem là chỉ có uy quyền khi
nào các lãnh vực ấy đụng chạm đến sự cứu chuộc và đời sống Cơ Đốc nhân.
Trái lại, Aristotle lại trở thành nguồn gốc của mọi kiến thức có giá trị cho
thế gian, nghĩa là cho lãnh vực các khoa học tự nhiên, phân tích xã hội, và
vv... Nói khác đi, từ đó trở về sau, Lời Thượng Đế không còn được xem là
đáng tin trong các lãnh vực tri thức vừa kể trên nữa. Sau nầy, triết học của
Aristotle sẽ bị thay thế bằng các ngành khoa học mới phát triển, đã nhanh
chóng chê bai các sai lầm về vũ trụ luận của Aristotle và Lời Thượng Đế.
Ngay từ thời Trung cổ, việc lần đầu tiên người ta đã nhờ đến truyền khẩu và
các văn phẩm ngoại giáo thượng cổ, đã dẫn đến việc định chế hóa động lực
tự quản như một thành phần của yếu tính hình thành cấp đại học. Thánh điển
vẫn còn uy quyền, người ta vẫn còn cố gắng tiếp cận sự khôn ngoan của con
người của ngoại giáo với ý hướng “dung hòa tri thức duy lý mới với các điều
luật của đạo” (4). Thần học là nữ hoàng, còn triết học thì được tuyên bố là
nô tì của vị nữ hoàng ấy. Nhưng chẳng cần phải lâu la gì để tinh thần ngoại
giáo, vốn được đưa đến để làm nô tì cho Trường đaị học vừa mới được thành
lập, sẽ tiếm đoạt quyền tể trị. Vị nữ hoàng cũ chắc chắn cũng còn để mắt đến
một vài quyền dân sự hiếm hoi trong vài trăm năm nữa.
NHÂN BẢN CHỦ NGHĨA (Humanism)
Hồi bắt đầu của tư tưởng hiện đại, đã có sự quyết định khủng khiếp được
giới lãnh đạo trí thức dùng vũ lực để thực hiện, nhằm vây hãm Lời Thượng
Đế và tìm sự hướng dẫn của ngoại giáo Thượng cổ để thay vào. Nhân bản
chủ nghĩa đã quyết định biến con người thành thước đo của mọi vật. Đây là
một quyết định có tính cách khước từ Thượng Đế, cả khi một nhân bản chủ
nghĩa như thế vẫn thường tỏ thái độ hoàn toàn ngoan đạo và vẫn luôn miệng
nói về Lời Thượng Đế. Những gì người ta nói về Thượng Đế không còn bắt
nguồn từ Lời mặc khải của Thượng Đế nữa, mà trái lại, là từ tâm linh con
người, tự nó cứ ngày càng cách xa Lời Thượng Đế.
Điều nầy đã được thấy rõ trong quan niệm của Pico della Mirandola về giá
trị của con người, một quan niệm đã mở đường cho tất cả các quan niệm của
nhân bản chủ nghĩa: “Thượng Đế đã đặt con người giữa một thế giới không
có một nơi an toàn, không có một lai lịch phân biệt, không có một chức năng
đặc biệt nào cả, trong khi mọi vật ấy, đều được ban cho số tạo vật còn lại của
Ngài. Con người được tạo ra không phải trên mặt đất, cũng không phải trên
thiên đàng, nó có thể thoái hóa để trở thành một con vật, nó có thể lên được
thiên đàng, mọi sự đều hoàn toàn và lệ thuộc duy nhất vào ý chí của nó mà
thôi. Con người được cho phép chiếm đoạt điều nó mong muốn, để trở thành
cái mà nó muốn trở thành (5).
Xin chúng ta đừng để cho những lời lẽ nghe như ngoan đạo nầy lừa dối
mình! Những gì đã được nói ở đây tương phản rõ ràng với Lời Thượng Đế.
Trung tâm của công cuộc sáng tạo vũ trụ không phải là con người, nhưng là
Chúa Cứu Thế Jesus:
Chúa Cứu Thế là hiện thân của Thượng Đế vô hình, Ngài có trước mọi vật
trong vũ trụ. Chính Chúa Cứu Thế sáng tạo vạn vật, dù trên trời hay dưới
đất, hữu hình hay vô hình, ngôi vua hay chủ tịch nhà nước, chính quyền hay
các nhà lãnh đạo, tất cả đều do Chúa Cứu Thế tạo lập và đều đầu phục Ngài.
Chúa Cứu Thế có trước vạn vật, Ngài an bài và chi phối vạn vật. Chúa là
Đầu của thân thể, tức là Đầu Hội Thánh. Chúa sống lại đầu tiên, làm căn
nguyên của sự sống lại, nên Chúa đứng đầu vạn vật. Chúa Cứu Thế có tất cả
bản chất thần linh của Thượng Đế (đây là điều Chúa Cha đẹp lòng, Chúa
Cha nhờ Chúa Cứu Thế đưa mọi loài dưới đất trên trời về giải hòa với Ngài;
huyết Chúa Cứu Thế đổ ra trên cây thập tự đã tái lập hòa bình giữa Thượng
Đế và nhân loại” (1:15-20). Pico rêu rao rằng “mọi sự đều hoàn toàn và lệ
thuộc duy nhất vào ý chí của nó mà thôi” và rằng nhân loại “có thể lên được
thiên đàng” đều chẳng có điểm nào đúng cả. “Như thế, việc lựa chọn của
Thượng Đế không tùy thuộc ý muốn hay sức cố gắng của con người, nhưng
do lòng nhân từ Ngài” (RoRm 9:16). Lời Thượng Đế vạch rõ: “Ngoài Chúa
Cứu Thế Jesus, không ai có quyền năng cứu rỗi loài người, vì dưới bầu trời
nầy, chúng ta không thể kêu cầu danh nào khác để được cứu rỗi” (Cong Cv
4:12). Chúa Jesus của chúng ta phán: “Nếu không nhờ ta, không ai đến được
với Cha” (GiGa 14:6) và “chẳng một người nào đến với tôi nếu không được
Cha tôi thu hút” (6:44).
Cho dù nhân bản chủ nghĩa có thấy văn học cổ điển Thượng cổ là định
chuẩn tuyệt đối mà Cơ Đốc giáo phải rập khuôn, như Laurentius Valls đã
chủ trương, hay nó chọn một lập trường bình chọn giữa cả văn học Thượng
cổ lẫn Cơ Đốc giáo, như lập trường của Erasmus ở Rotterdam, thì trong cả
hai trường hợp, nó đều mâu thuẫn với Lời mặc khải của Thượng Đế. Thậm
chí trong hình thức tích cực nhất, Cơ Đốc giáo chịu ảnh hưởng của nhân bản
chủ nghĩa cũng thoái hóa để trở thành “một tôn giáo được soi sáng nhờ
khoác lấy các giá trị văn minh nhân bản, đạt đến tột đỉnh về nhãn hiệu và
tinh thần đạo đức trong khoa học và văn hóa (6).
Nhân bản chủ nghĩa từ chối không thừa nhận Thượng Đế và cách thức mà
Ngài đã tự bày tỏ mình ra trong Lời Ngài. Trong nhân bản chủ nghĩa, đức tin
sống động (đạo sống) của Cơ Đốc nhân suy thoái để trở thành “Cơ Đốc
giáo” được hiểu là “tôn giáo” - và dĩ nhiên là bị đánh đồng với các tôn giáo
khác. “Tôn giáo trở thành một tỉnh lẻ giữa nhiều lãnh vực khác nhau của văn
hóa. Và mặc dầu có nhiều lãnh vực độc lập, vẫn có rất nhiều chuẩn mực để
người ta căn cứ vào mà đo đạc tôn giáo” (7).
Lời Thượng Đế không còn là chuẩn mực trong nhân bản chủ nghĩa nữa, mà
trái lại, còn bị chuẩn mực của nền văn hóa nhân bản phán xét. Như thế, văn
hóa - sản phẩm của tâm linh của con người thọ tạo - lại thay thế cho Lời mặc
khải của Thượng Đế là Đấng Tạo Hóa. Đức tin đặt vào Thượng Đế, là Đấng
Tạo Hóa và là Đấng Cứu Chuộc, lại bị bẻ lệch để trở thành một chi nhánh
của văn hóa và sức sống của tâm linh con người. Hệ quả là giờ đây, con
người xem Lời Thượng Đế chỉ là một sản phẩm của hoạt động của tâm linh
đó của con người. Người ta gán cho tôn giáo điều mà Schleiermarcher về
sau, đã gọi là “tỉnh lẻ ngoan đạo của linh hồn”, nằm bên trong các ranh giới
mà nó phải tác động vào. Từ nay trở đi, việc xâm phạm các ranh giới sẽ bị
trừng phạt nặng nề. Như việc đã xảy ra trong trường hợp nầy, khi nào xác
thịt đòi hỏi quyền tể trị tuyệt đối, thì nó chống lại tất cả những biểu hiệu của
Thánh Linh.
Đối với nhân bản chủ nghĩa, người ta có thể nói rằng:
“Về cơ bản, chỉ có một điều bó buộc được con người, đó là chân lý (veritas);
nhưng chân lý bao giờ cũng chỉ có một, mặc dầu nó khoác lấy nhiều hình
dạng khác nhau. Pico nhấn mạnh: “Như các hệ thống ngoại giáo và của các
tư tưởng gia Cơ Đốc giáo có vẻ như rất trái ngược nhau, về cơ bản, chúng
đều là các chồi non của cùng một chân lý mà thôi”. Chính Phong trào soi
sáng (Enlightment) cũng khó tương đối hóa mọi tôn giáo bằng cách nào triệt
để hơn thế. Và đạo đức học của Cơ Đốc giáo đã bị kéo vào tiến trình tương
đối hóa ấy (8).
Do đó, nhân bản chủ nghĩa gán qui chế chân lý cho bất kỳ một sản phẩm nào
của tư tưởng và óc sáng tạo của con người. Bởi thế cho nên, định chuẩn duy
nhất mà con người còn có được, đã bị tương đối hóa (9). Chủ quan tính bị
tương đối hóa của con người vốn tự nó không thể cung cấp được một nền
tảng thật sự cho các phán đoán và phương pháp, đã được hoàn toàn thả lỏng.
Giờ đây, đã chẳng còn có phán đoán hay phương pháp gì cả, thì cũng không
thể có được sự giao lưu cảm thông bên trong cộng đồng khoa học. Nhưng
điều cần lưu ý là các hệ thống được khoa học và văn hóa liên kết lại với
nhau theo các tiền đề nhân bản tuy không có nền móng thật sự, nhưng chỉ có
cơ sở chẳng có chi nhiều hơn là những sắp xếp và sự đồng ý với nhau.
Theo cách hiểu nầy, thì mọi sự tự chứng minh được là đúng và có giá trị căn
cứ vào phẩm chất nội tại của mình, đều có thể tự xưng là đúng và có giá trị.
Tuy nhiên, thật ra chẳng có gì có thể được xem là đúng là thật và có giá trị
văn hóa nếu nó không được các lực lượng tạo nên vóc dáng của khoa học và
văn hóa, tức là cái có thể gọi là kỹ nghệ khoa học và văn hóa, thừa nhận
(10). Các phương pháp của khoa học và các hệ thống thẩm định giá trị trong
văn hóa cung cấp một trú sở cho nhân loại bên ngoài chân lý của Lời mặc
khải. Nhưng cái trú sở ấy, mà chúng ta có thể ví sánh với ngọn tháp Ba-bên
hiện đại đã được thiết kế nhằm đoàn kết cả nhân loại lại với nhau, đã không
ngăn chặn được việc tư tưởng và đời sống con người bị phân tán manh mún,
mà trái lại, còn tạo ra chính sự việc ấy nữa. Vì hệ thống ấy đã tạo ra nhiều
bất đồng ý kiến, và là một nét đặc trưng vẫn được tiếp tục trong kỹ nghệ
khoa học và văn hóa.
Điều không ai có thể chối cãi vào đâu được, là sự nhất trí mới khiến cho các
công tác tiếp tục được, nhưng làm sao cho việc ấy xảy ra? Nhiều nhà cầm
quyền và lãnh tụ theo trào lưu dấy lên, không phải chỉ căn cứ vào phẩm chất
của công việc làm của họ mà thôi, nhưng phần lớn đều đặt cơ sở từng li từng
tí trên những điều chẳng ai có thể nghĩ ra được và chẳng hề có chút liên hệ
gì đến công việc làm của họ (11). Tính năng động tập thể đóng vai trò quyết
định ở đây, mà hậu quả là cả một khung vườn của truyền thống trong các
ngành khoa học và trong kỹ nghệ văn hóa. Các khoa học tự xưng là “độc
lập” đều bị chính các truyền thống của mình lèo lái, và cá nhân chỉ được tự
do trong phạm vi công tác của người ấy có thể đưa vào phần khung sườn
theo truyền thống của ngành (khoa học) ấy mà thôi (12).
Tự do tư tưởng đích thực chỉ có được ở nơi nào có chân lý, mà chân lý chỉ
hiện diện trong mối liên hệ với Đấng vốn là đường đi, chân lý và sự sống
(GiGa 14:6) mà thôi. Chỉ có chân lý khi có Chúa Jesus. Trong nhân bản chủ
nghĩa, chân lý đã bị thay thế bằng sự nhìn nhận, một uy tín được bao bọc
bằng việc bàn luận và tiếp nhận vinh dự. Chẳng có gì để nghi ngờ là việc
làm ấy đã phải cam chịu sự điều động, nhào nặn của bàn tay con người (13).
PHONG TRÀO SOI SÁNG
So với sự căng thẳng trí thức chống lại Cơ Đốc giáo của nhân bản chủ nghĩa,
Phong trào soi sáng (Enlightment) thật ra chẳng đưa vào điều gì mới mẻ cả.
Nó chỉ qui định các điều kiện để thực hiện lịch trình hành động của nhân bản
chủ nghĩa mà thôi.
Lúc Francis Bacon ấn định rằng “mọi chân lý đều được tìm thấy nhờ qui
nạp” (14) là ông ta biến việc đặt định con người làm thước đo cho vạn vật
trở thành một việc có thể làm được một cách có phương pháp. Đồng thời,
Thánh điển cũng bị loại bỏ, không còn được xem là nguồn gốc của chân lý
nữa. Phù hợp với cách nhìn đó của mình, ông ta đã phân biệt “hoàn toàn
lãnh vực của lý trí và khoa học, với (lãnh vực) của đức tin và tôn giáo” (15),
và định nghĩa đức tin là sự đầu hàng của nỗ lực muốn hiểu biết (sacrificium
intellectus).
Hobbes cũng thực hiện một sự phân biệt tận gốc rễ như thế giữa đức tin và
tư tưởng, xếp các vấn đề của đức tin vào “lãnh vực không thể chứng nghiệm,
nghịch lý, của những điều phi lý và mâu thuẫn” (16). Ông nhấn mạnh:
“Chẳng hề có ý niệm nào trong trí hiểu của con người mà trước hết không
nẩy sinh, trọn vẹn hoặc một phần, từ các giác quan” (17).
Như thế, chẳng những chỉ có các nền móng để phê bình Thánh Kinh là đã
được thiết đặt - vì Hobbes đã đi bước trước để thiết đặt chúng - mà cả đến
khởi điểm của các khoa học nói chung cũng đã được ấn định như thế.
Spinoza, Descartes, Kant - ấy là chỉ nêu tên một vài người mà thôi - chỉ vạch
rõ chính điều đã được thiết đặt ngay từ các giai đoạn bắt đầu của Phong trào
soi sáng.
DUY TÂM CHỦ NGHĨA Ở ĐỨC (German idealism)
Lúc ấy, các ý niệm (ideas) nẩy sinh từ nhân bản chủ nghĩa mặc lấy phần
hình thức đã trưởng thành trong duy tâm chủ nghĩa Đức quốc. Hệ thống giáo
dục càng đâm rễ sâu hơn nữa vào hình ảnh con người mà nền văn học cổ
điển Thượng cổ đã truyền dạy. Nhân vật theo phái Tam điểm (Freemason) là
Wilheim von Humboldt đã thủ một vai trò đặc biệt có tính cách chiến lược ở
đây (18).
Triết lý của Phong trào soi sáng, mà tột đỉnh được tìm thấy ở Kant, được
hình thành trong văn học. Các nhà văn Đức của giai đoạn đầu của Phong
trào Lãng mạn như Lessing, Schiller và Goethe, có thể nói là đã tái tạo nhân
tính bằng hình ảnh mà họ rút ra được từ bức tranh của nền triết học nầy. Qua
“cảm hứng thi ca” (19), các nhân vật trong văn chương của họ đã khoác vào
những nét đặc trưng sống động và đầy sức thuyết phục, Họ trở thành nguyên
mẫu của cá nhân hiện đại; qua sự phê chuẩn chính thức và phân phối rộng
rãi các văn phẩm ấy trong chương trình giáo dục của các trường học, cả một
“giòng kiểu mẫu” về những con người mới đã được sản xuất hàng loạt và
chắc chắn như những chiếc ô-tô mới vậy, nghĩa là hoàn toàn giống với
nguyên mẫu, ra từ cùng một dây chuyền lắp ráp. Rồi điều đã được tiếp thu
trong trường học bằng phương pháp thụ giáo sinh động, với sự hỗ trợ hết sức
thành công của kịch nghệ, đã được Trường đại học biến thành tư tưởng trừu
tượng.
Triết học của Hegel khoác lấy hình thức của lời truyền dạy của lịch sử và
thâm nhập mọi lớp học - đồng thời với các tư tưởng của Lessing về Cách
Giáo Dục Nhân Loại và của Các Ý Niệm cho một triết lý và Lịch Sử Nhân
Loại của Herder. Điều nầy khiến người ta dễ dàng chấp nhận các hậu duệ
của Hegel là Marx và Angels, đến lượt họ lại dọn đường cho trường phái
Frankfurt. Một sử quan khoa học đã nẩy sinh, trước nhất loại Thượng Đế
trong tư cách một tác nhân tích cực trong tiến trình lịch sữ bằng cách đưa
vào “một vị thần của các triết gia” tự ý thức được mình bên trong sự diễn
tiến của lịch sử. Vị thần giả tạo này chẳng bao lâu lại trở nên thừa thải,
nhưng vốn đã được dùng để loại trừ khả năng về một Thượng Đế chân
chính, thực hữu và cứ tiếp tục hoạt động trong lịch sử loài người. Thế là
“khoa học” về lịch sử đã trở thành hoàn toàn vô thần.
Các nhận định trên đây chắc đã đủ cho một phần phác họa lịch sử các ý
niệm, một phác thảo chỉ có thể chiếu ra vài tia sáng lờ mờ mà thôi. Tôi vốn ý
thức được hết sức rõ ràng rằng cách trình bày các mối liên hệ như thể chỉ có
tính cách tạm thời và đã bỏ qua rất nhiều điều. Chắc chán là hãy còn rất
nhiều tài liệu sẵn sàng bổ sung cho nó trong nền văn học Tin Lành mà tôi
vẫn chưa có thể tra cứu, tham khảo. Quí độc giả nào có khuynh hướng sẽ
được khuyến khích đánh một vòng chung quanh những gì tôi vừa phác thảo
từ số kiến thức cá nhân và phong phú của mình trong các nguồn thông tin
thích hợp. Lẽ dĩ nhiên là tôi sẽ tri ân vị nào vui lòng cung cấp các tài liệu để
tham khảo từ một nguồn thông tin như thế (20).
Tôi đã cố tình bỏ qua vấn đề về mối liên hệ giữa chính thống thuyết của
công cuộc Cải chánh và Giáo hội Kháng Cách với nhân bản chủ nghĩa. Tôi
cũng không xét đến mối liên hệ giữa phái tin kính (pietism) với Phong trào
soi sáng. Đã có nhiều người viết sách về các lãnh vực ấy rồi. Trong phạm vi
liên quan đến cấp đại học, thì dù sao nhân bản chủ nghĩa với Phong trào soi
sáng, chứ không phải là công cuộc Cải chánh với phái tin kính, mới chứng tỏ
là gây được ảnh hưởng dài hạn chỉ từ một phía mà thôi.
Chủ đích của tôi không phải là thực hiện một cuộc “kiểm kê” bác học. Đúng
hơn là tôi chỉ muốn chứng minh thế nào giai đoạn lịch sử nầy và các hậu quả
của nó đã xuất hiện dưới làn ánh sáng của Lời Thượng Đế. Và tôi muốn đưa
ra một tiếng gọi ăn năn đáng lẽ đã phải có từ lâu rồi. Tôi không viết quyển
sách nầy cho một quần chúng bác học, mà cho toàn thể những ai sẵn lòng
chịu lắng nghe lời răn dạy của Lời Thượng Đế.
Nhằm chủ đích đặt ra những câu hỏi thích hợp cho nên không tuyệt đối cần
thiết phải dò tìm sâu hơn vào lịch sử các ý niệm của phương Tây và các mối
liên hệ giao thoa giữa chúng. Xin giới hạn vào các vấn đề sau đây. Chúng tôi
đã rút thăm và chọn...
*Sau khi thời Trung cổ đã trông cậy vào nền triết học ngoại giáo như một
phương tiện để có được sự định hướng trí thức;
*Sau khi nhân bản chủ nghĩa tuyên bố con người là thước đo vạn vật;
*Sau khi Phong trào soi sáng quyết định chỉ thừa nhận là chân lý những gì
đã đến bằng con đường qui nạp;
*Sau khi tiền đề làm khởi điểm của Descartes đã được chấp nhận, theo đó
khả năng duy nhất để kiểm chứng là đánh giá cao sự nghi ngờ;
*Sau khi Lessing, đồng ý với Reimarus đã tuyên bố có “rãnh nước xấu xí”
giữa “các sự kiện ngẫu nhiên của lịch sử” với “chân lý vĩnh hằng của lý trí”
và được Nathan the Wise phổ biến cái ý niệm rằng chẳng hề có ai nói được
đức tin chân thật là gì;
*Sau khi Kant viết tác phẩm phê bình lý trí thuần túy của ông và ý niệm của
ông về “Tôn giáo bên trong các ranh giới của lý trí” bắt đầu được thừa nhận;
*Sau khi tác phẩm Faust của Goethe gieo vào lòng của tất cả những người
có học vấn cái ý niệm rằng “tầm nhìn của chúng ta đã bị ngăn chặn...để
không thể nào nhìn thấy được thực tại thuộc linh” và những gì người ta phải
nghĩ về tôn giáo - theo cuộc trao đổi giữa Faust và Gretchen';
*Sau khi Schleiermarcher đã rút từ những phê bình lý trí của Kant ra các hệ
quả, và nỗ lực đặt đức tin trên cơ sở là kinh nghiệm tôn giáo của con người,
chứ không phải là Lời mặc khải của Thượng Đế.
*Sau khi luận điểm của Semler tạo khởi điểm cho phái phê bình Thánh
Kinh, một hệ quả của nền triết học soi sáng, bắt đầu được chấp nhận trong
việc chú giải Thánh Kinh, và
*Khi một sử quan vô thần đã tự tạo cho mình một địa vị vững chắc.
Các yếu tố được liệt kê trên đây được qui chế của một khởi điểm trí thức
giữa những người có học vấn và trở thành yếu tố quyết định cho cấp đại học.
Thoạt đầu, nó đã được chào mừng như là “sự giải phóng con người khỏi tình
trạng ấu trĩ do chính lầm lỗi của mình” (21) và được tồn tại nhờ một lạc
quan chủ nghĩa ngoan cố. Sau Thế chiến thứ I, khởi điểm trí thức nầy ngày
càng được mọi người hiểu là định mệnh thiết yếu của diễn trình tư duy của
loài người. Dù bằng một cách nầy hay một cách khác, khởi điểm nầy đã và
vẫn tiếp tục được xem là thiết yếu và không thể tránh né vào đâu được, mà
hậu quả là nó đã được hăng say binh vực - với sự trợ giúp của ảnh hưởng các
nguồn lợi tài chánh, và thế lực chính trị.
Trong giới đại học, điều ngay từ đầu vốn là một tổ chức chống lại Cơ Đốc
giáo, chẳng bao lâu đã không còn chỗ cho tư tưởng tự đặt cơ sở trước sau
như một trên sự mặc khải của Thượng Đế trong Lời Ngài nữa (22).
THỜI ĐẠI KỸ THUẬT
Lẽ tất nhiên, nền giáo dục kỹ thuật nhận thấy mình có rất nhiều điều chống
lại phần giáo dục lý tưởng của các trường đại học của Humboldt (23), đến độ
cần phải tìm vài trung tâm giáo dục nào đó khác hơn để thay thế cho nó. Tuy
nhiên, khởi điểm trí thức của ngành kỹ thuật vốn có cơ sở đặt nhiều trên
Phong trào soi sáng, cũng như trên ý niệm nhân bản, duy tâm về giáo dục.
Trong cả hai trường hợp, Thượng Đế đều bị loại ra một cách có phương
pháp ngay từ đầu, thậm chí do chính các nhà sưu tầm nghiên cứu mà bản
thân họ lại là những người tin kính không hề có chút thắc mắc nào. Như thế,
cuối cùng, kỹ thuật và giáo dục đã nhất trí được với nhau, một khi sự thành
công của kỹ thuật không còn có thể bị xem thường và bỏ qua nữa. Sự thành
công của khởi điểm của trí thức vô thần trong kỹ thuật dường như đã giúp nó
được sự xác nhận tối hậu. Và dường như chính việc được xác nhận ấy đã
bóp chẹt mọi phản bác, xem như ngông cuồng.
Người ta có thể nào chống lại cái tư tưởng rằng sản xuất ra những máy móc
mà chúng ta sử dụng hằng ngày, rằng tổ chức các hệ thống vận chuyển, rằng
cung cấp những trung tâm năng lượng và dòng điện cho sinh hoạt hiện đại,
có vẻ như điều không thể nào làm được hay không?
Ngày nay, trẻ con đến trường học thuộc đủ hạng tuổi đều được khẳng định
người ta không thể nào chống lại được tư tưởng hiện đại, rằng “ngày nay
nhờ trời, chúng ta không còn sống như vào thời Trung cổ nữa” và rằng
người ta chỉ có thể sống khác đi trong bóng tối của sự phát triển kỹ thuật mà
thôi.
Tất cả các sinh viên tự phó mình vào đại học phải tiếp nhận chiếc ách của
khởi điểm trí thức vô thần như một điều cần thiết không thể tránh né. Đây là
chiếc ách tàn bạo đè nặng trên kẻ mang nó, và được áp đặt trên người sinh
viên mà không được tự do chọn lựa, bằng việc hoàn tất một tiến trình học
hỏi nghiên cứu trong một khu vực chủ yếu - một khu vực bị cái khởi điểm
vô thần ấy thống trị. Các Cơ Đốc nhân vào đại học, thậm chí cũng phải gánh
chịu chiếc ách đó. Tất nhiên là họ được phép cứ có đức tin (đạo) trong đời
sống riêng tư, bên cạnh những người chung quanh họ vốn có thể có thiện
cảm với đạo ấy, cũng có thể nhạo báng nó, hoặc có lẽ cũng cùng chia xẻ các
niềm tin ấy nữa. Nhưng họ bị cấm duy trì Thượng Đế hằng sống và Con
Ngài là Chúa Cứu Thế Jesus trong tư tưởng bác học của mình, hoặc dành
cho Ngài một chức năng vật chất nào trong đó (24). Cho nên họ chỉ còn giữ
được Chúa Jesus trong cảm thức, nhưng lại chối bỏ Ngài hằng ngày trong tư
tưởng, vì tư tưởng ấy noi theo các nguyên tắc vô thần chống lại Cơ Đốc giáo
(25).
Tính cách độc quyền của các trung tâm giáo dục có cơ sở vô thần gây hậu
quả trên toàn thể các công trình kỹ thuật đã bán mình cho tư tưởng “khoa
học” vô thần. Thiên hạ đã hành động như dân Y-sơ-ra-ên, khi họ tưởng rằng
nhờ Ba-anh mà họ nhận được nhiều lông chiên và vải gai, ngũ cốc và rượu,
thay vì tạ ơn Đấng Tạo Hóa của mọi vật ấy (OsHs 2:1-13). Nhưng thiên hạ
lại chưa thấy rõ chính các hậu quả đích thực của khoa học vốn bám sát theo
các phát kiến tích cực, không tránh né vào đâu được. Họ vẫn chưa trực diện
với các hậu quả của luật về tội lỗi, vẫn còn hiệu lực khi người ta tham dự
cuộc trao đổi khoa học.
Bất cứ nơi nào mà tư tưởng bắt nguồn từ sự vô đạo bất kỉnh nầy tạo ra kết
quả hiện nay, chúng ta đều thấy là trái của nó cứ ngày càng cay đắng hơn.
Trong mọi lãnh vực của đời sống, con người đang nỗ lực nắm quyền lèo lái
chính con tàu của mình. Trong khi đó thì chiếc tàu lại vượt thoát mọi kiểm
soát, nên nhiều người đang phải sống trong tình trạng hoang mang, tuyệt
vọng.
Bất chấp mọi tiến bộ về phương diện thuốc men, bệnh tật vẫn không thể bị
thanh toán. Quả thật là đã có một số ít bệnh tật đã bị chinh phục đấy, nhưng
nhiều chứng bệnh khác lại đang lộng hành và gieo kinh hoàng như chúng
vẫn làm xưa kia. Rồi nhiều chứng bệnh khác nữa lại len lỏi và lan tràn khắp
nơi. Nhìn chung thì nhân loại đã không khỏe mạnh hơn, mà chỉ ngày càng bị
lệ thuộc nhiều hơn vào các bác sĩ và thuốc men mà thôi. Hễ nơi nào mà tử
suất của trẻ con giành được chiến thắng, thì giờ đây nạn phá thai và vô sinh
lại thay vào hàng loạt. Rất ít có một đơn thuốc cai nghiện hữu ích nào lại
không gây ra một số hậu quả tiêu cực bên cạnh nó.
Các tiến bộ kỹ thuật cũng mang theo với nó cảnh tiêu diệt môi sinh đến mức
độ chưa từng được biết trong lịch sữ loài người. Người ta đang tập trung nỗ
lực nhằm phát minh các phương tiện để tiêu diệt (các vũ khí hạch tâm, sinh
học và hóa học) nhằm mục đích triệt tiêu những con người và cả những dân
tộc nữa. Nếu không có sự tiến bộ kỹ thuật nhằm mục đích khoa trương
khoác lác của chúng ta, chắc không ai, có thể tưởng tượng ra được điều đó.
Một số lớn các vũ khí hóa học mới đang nằm sẵn trong các xưởng chế tạo để
cuối cùng sẽ được đem ra sử dụng. Đó là chỉ kể một số ít, để căn cứ vào đó
chúng ta phải biết là còn một số khác nữa.
Bất chấp mọi phát triển trong các khoa học về sinh học và nông học, người
ta vẫn không bảo đảm nổi việc nuôi sống nhân loại. Hiện nay, do sống chen
chúc vào nhau mà nhân loại đã phá hủy thế cân bằng sinh học; chúng ta phải
cố gắng phản ứng lại với các hậu quả, nên thường sử dụng các chất độc để tự
đầu độc chính mình. Khả năng khai sinh ngành cơ khí di truyền (genetic
engineering), một trong những kết quả của sự tiến bộ trong việc sưu tầm
nghiên cứu, đã có được những lợi điểm rõ ràng trong lãnh vực thụ tinh cho
súc vật, nhưng cũng quay sang tạo tiềm năng làm băng hoại cả nhân loại. Xã
hội học, là khoa học non trẻ nhất trong các khoa học, trong khi được cao rao
là một phương tiện để lên tiếng và giải quyết các căn bệnh xã hội, lại đã và
đang bị lạm dụng rộng rãi nhằm tiêu diệt các mối dây liên hệ tự nhiên trong
xã hội.
Thay vào dự kiến khiến cho người biết suy nghĩ “trưởng thành”, chúng ta lại
thấy xã hội hiện đại bị những chuyên gia độc tài làm bá chủ. Thậm chí trong
các lãnh vực cơ bản nhất của đời sống, con người “được giải phóng” hiện
đại cũng bị các chuyên gia độc tài độc đoán cai trị căn cứ vào “chuyên môn”
của họ (những kẻ vẫn thường chứng tỏ là chẳng ra gì ngay trong chính đời tư
của họ). Thay vào bộ sách độc nhất vô nhị là sự khôn ngoan của Thượng Đế
mà con người hiện đại không chịu cho người ta dùng để dạy mình, chúng ta
có nhiều sách tự mâu thuẫn nhau để rêu rao là rất có giá trị cho mình trên cơ
sở đó là những sách “khoa học”.
Chương trình giáo dục giới tính công cộng “có cơ sở khoa học” quản lý và
phá hoại sinh hoạt tình dục bằng cách tiêu diệt ý thức e thẹn tự nhiên.
Các chuyên gia bị đầu độc để giải thích thế nào nhiều đứa trẻ là con một rất
có khả năng ("hai đứa là quá dư thừa!") và các chuyên gia đòi hỏi cái quyền
được quyết định phương pháp để trưởng dưỡng các đứa trẻ đó. Những bậc
làm cha mẹ và xã hội bất hạnh đã phải gặt lấy các kết quả cay đắng của việc
trưởng dưỡng ấy, trong khi đó, các chuyên gia từ lâu lại đưa ra những lý
thuyết mới tiến bộ hơn về phương pháp trưởng dưỡng con cái.
Các bảng thống kê “được bảo đảm về phương diện khoa học” và những cuộc
trưng cầu ý kiến quần chúng mà các chuyên gia đưa ra quá nhiều xác định
nếp sống hiện đại, một nếp sống thường chỉ có những lời lẽ đầu độc cách ăn
ở ứng xử do nguyên tắc khoái lạc lèo lái.
Nhập chung lại, tất cả những điều đó chỉ đưa đến việc đồng nhất hóa tư
tưởng và hành động rộng khắp thế giới chưa từng thấy trước đây. Cách ăn ở
ứng xử khác nhau không được khuyến khích; đã có áp lực để mọi người đều
phải rập khuôn theo các chuẩn mực xã hội nổi bật, Còn dự kiến được rêu rao
khoác lác về sự “trưởng thành” của con người, thì chẳng ai tìm thấy dấu vết
gì cả!
“Sapere aude! Hãy can đảm trông cậy vào chính trí hiểu của bạn!” là câu
khẩu hiệu của Phong trào soi sáng. Đó chính là điều mà Kant đã tuyên bố
trong tác phẩm “Phong trào soi sáng là gì?” xuất bản năm 1784. Sapere
aude! đã được nhân bản chủ nghĩa tuyên truyền một cách mặc nhiên. Sapere
aude! đó là quyết định không thèm chấp nhận Lời mặc khải nữa, nhưng thay
thế nó bằng uy quyền độc đoán của lý trí. Sapere aude! đó là quyết định do
“những người vô đạo, bất công, bất nghĩa, xuyên tạc sự thật” (RoRm 1:18)
đưa ra.
Thượng Đế đã trả lời cho quyết định nầy bằng sự phán xét:
“Những người vô đạo, bất công, bất nghĩa, xuyên tạc sự thật, sẽ bị Thượng
Đế hình phạt. Vì sự thật về Thượng Đế đã được giải bày cho họ, chính
Thượng Đế đã tỏ cho họ biết. Từ khi sáng tạo trời đất, những đặc tính vô
hình của Thượng Đế - tức là quyền năng vô tận và bản tính thần linh - đã
hiển nhiên trước mắt mọi người, ai cũng có thể nhận thấy nhờ những vật hữu
hình, nên họ không còn lý do chữa tội. Dù biết Thượng Đế nhưng họ chẳng
tin hay tri ân Ngài. Họ suy tư trong vòng lẩn quẩn, tâm hồn bị sa lầy trong
bóng tối. Họ tự nhận là khôn ngoan nhưng hóa ra mê muội...” (1:18-22).
Điều được áp dụng cho kẻ ngoại đạo chỉ có thể nhìn thấy sự mặc khải của
Thượng Đế trong công trình sáng tạo mà thôi, có thể đem ứng dụng đến một
mức độ càng cao hơn cho kẻ đã biết rõ sự mặc khải của Thượng Đế trong
Con Ngài! “Họ tự nhận là khôn ngoan nhưng hóa ra mê muội!” Lịch sử của
năm trăm năm vừa qua, trong mọi phương diện của nó - lịch sử chính trị
cũng như trí thức, lịch sử của ngành kỹ thuật cũng như của thần học - đều
đưa ra một lời chứng rõ ràng về cơn thạnh nộ mà Thượng Đế đã ném chúng
ta vào đó.
Do sự gian ác khủng khiếp mà chúng ta đã vi phạm, lịch sử nầy còn là một
chứng nhân cho ân phúc vô cùng sung mãn và lòng kiên trì nhẫn nhục của
Thượng Đế. Sở dĩ như thế là vì “Thượng Đế ban ân, rộng lòng tha thứ”
(3:24).
Tình hình hiện tại thật ra, rất dễ nhận thấy. Chúng ta đã tự để cho mình sa
vào một tình trạng bất kỉnh vô đạo khủng khiếp (nhưng lại có vẻ khả kính).
Từ hơn năm trăm năm nay, chúng ta đã cúi mình trước một nền văn hóa và
khoa học chống lại Cơ Đốc giáo ngay từ đầu. Chúng ta đã tự thuyết phục
mình rằng tư tưởng và sáng tạo chỉ có thể có được bên trong phần khung
sườn nầy (26). Như thế là chúng ta đã giày đạp dưới chân quà tặng của Cha
mình trên thiên đàng, là Con Yêu dấu Ngài, trong đó Ngài đã ban cho chúng
ta kho báu tiềm tàng mọi khôn ngoan và tri thức (Xem CoCl 2:3).
Từ thập kỷ nầy sang thập kỷ khác, thế kỷ nầy tiếp theo thế kỷ khác, Cơ Đốc
giáo đã chấp nhận sự phạm thượng đó và ngày càng dấn thân sâu hơn vào
đấy. Thượng Đế đã tỏ ra nhân từ, nhẫn nhục và kiên trì chịu đựng đối với
chúng ta biết bao nhiêu: Đồng thời với việc ánh sáng rạng rỡ của Phúc âm
bắt đầu chiếu ra một lần nữa, nền văn minh được nhìn thấy những tia sáng
của nó lại quay lưng đi để hướng về sự bất kỉnh vô đạo, thế nhưng Thượng
Đế vẫn bỏ qua cho loài người và vẫn nâng đỡ họ bằng tình yêu thương qua
nhiều thế kỷ tiếp sau đó! Công lao đã hoàn tất của Ngài tại Gô-gô-tha, mà
các dòng suối phước hạnh của nó vẫn tuôn trào cả đến những thế kỷ gần đây
nữa, thật là vĩ đại biết bao!
Tuy nhiên, “ngày nay, nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, chớ cứng lòng...” (Thi
Tv 95:7-8). Cuối cùng, xin chúng ta hãy quay trở về với Đấng đã tạo nên
chúng ta. Ngoài công lao cứu chuộc Thượng Đế đã thực hiện khi ban Con
Ngài nhận lãnh tội lỗi chúng ta trên thập tự giá tại Gô-gô-tha, Ngài sẽ bắt
buộc phải trừng phạt chúng ta bằng sự cách biệt vĩnh viễn với Ngài và cảnh
hấp hối trong biển lửa, chỉ căn cứ vào việc chúng ta đã dự phần vào sự phạm
thượng do bất kỉnh vô đạo như thế mà thôi. Mà đó chính là việc Ngài sẽ làm,
nếu chúng ta không chịu tìm nơi ẩn náu trong Chúa Jesus, với tư cách là Cứu
Chúa chúng ta.
-(1)R.Kottje and B.Moeller, eds, Okumenische Kirchengeschichte, vol 1,157
(2)W.P.Fuchs, “Universitat” trong Neues Padagogisches Lexikon, do Hans-
Hermann Groothoft and Martin Stallmann xb, 1198f (3)Sđd (4)Sđd (5)Kurt
Dietrich Schmidt, Kirchengeschichte (4th ed,1963) 264 (6)Sđd (7)Sđd
(8)Sđd (9)Xem phụ lục 2 (10)Trong vấn đề kỹ nghệ văn hóa, thì các trào lưu
văn hóa nắm quyền kiểm duyệt. Điều nầy đã trở thành rõ ràng trong cuộc
tranh luận liên hệ đến các cuộc triển lãm về “Dokumenta” của Kasseler (một
cuộc triển lãm nghệ thuật được tổ chức vài năm một lần tại thành phố Kassel
bên Đức). Nhiều điều đáp ứng được các yêu cầu về phẩm chất nhưng không
bám sát được các trào lưu, đã bị loại trừ. Mặt khác các nhà tổ chức triển lãm
lại dán lên cái nhãn hiệu “nghệ thuật” cho những điều phi lý vô nghĩa nhất
(bà Linnemann kể ra các thí dụ về “những điều phi lý vô nghĩa” trong đó có
một cái lỗ sâu 1km khoan xuống đất tại trung tâm triển lãm, dưới quyền
giám sát của cố nghệ sĩ Joseph Beuys, người Đức. Các quan chức của cuộc
triển lãm nhìn nhận việc làm ấy được đăng ký để triển lãm, trong khi lại loại
ra nhiều công trình có phẩm chất cao nhưng lại “kém xu hướng theo trào
lưu” khác. Bà Linnemann kể rằng trong một cuộc triển lãm khác, cũng một
nhà nghệ sĩ ấy trưng bày một vật đựng chín cân Anh bơ, mỗi lần ném được
một quả cầu lên góc cao của một căn phòng trong viện nghệ thuật
Dusseldorf, Rõ ràng là công trình ấy đã được một số người cho là một nghệ
thuật, vì một môn đệ của Beuys được ông ta tặng vật ấy cho đã được bồi
thường thiệt hại đến 20.000 Mỹ kim khi đám người giữ trật tự quá hăng say
đã dọn sạch vật ấy đi vì cho rằng đó là một thứ rác). Về vấn đề kỹ nghệ khoa
học, xin xem các chương 6,7. (11)Xem chương 9 (12)Sẽ được thảo luận kỹ
hơn trong chương 7 (13)Dường như đã đến lúc phải xem xét các ân tứ và tài
năng thiên phú; những đóng góp để xây dựng, tiền vốn và nhân sự; các công
trình liên bang để viện trợ và cứu trợ; như là việc củng cố trực tiếp hoặc gián
tiếp các trào lưu văn hóa và khoa học mong muốn. Ai quyết định điều gì là
xứng đáng và cần được ủng hộ thêm, và các quyết định ấy được đưa ra căn
cứ vào định chuẩn nào? (14)N.L.Geisler, “Das philosophische Vorverstandis
der Bibelkritik” trong Bibel und Gemeinde (1984), 390 (15)Sđd 391 (16)Sđd
393 (17)Sđd 392 (18)Xem Gottfried Meskemper, Falsche Propheten unter
Dichtern und Denkern (2d ed, Berneck, 1983 (19)Tất cả các nhân vật vừa kể
đều rêu rao rằng họ được một thần linh (spirit) bên ngoài họ tạo cảm hứng
(inspiration: linh cảm), Goethe công nhiên kết hợp thần linh ấy với các quỉ
(xem Meskemper, Falsche Propheten, 29-33) còn về trường hợp những
người khác, chúng ta có thể phán xét căn cứ vào tác phẩm của họ, và rất khó
tránh được việc nghi ngờ rằng chúng đều vốn có cùng một nguồn gốc. Điều
chắc chắn, đó không phải là Đức Thánh Linh! (20)Gần đây, tôi đã được
khuyên nên tham khảo công trình nghiên cứu của N.C.VanVelzen, vốn có
một phần trình bày chi tiết và hợp thời hơn nhiều về các góc cạnh của lịch sử
về các ý niệm ấy: “Ooroprong ontwikkeling van het humanisme” Bijbel en
Wetenschap, 10:79, 4-14. (21)Immanuel Kant, Was ist Anfklarung? (1784)
(22)Lời tố cáo rằng phái tin kính đã từ bỏ lãnh vực truyền dạy đại học là
không đúng, vì nó làm nẩy sinh cảm tưởng sai lầm rằng phái tin kính có thể
có liên hệ với nền thần học đại học cho dù nó có muốn như thế, và phải chê
trách nó vì kết quả của con đường mà nó đã noi theo. Lập trường nầy đã bỏ
qua sự kiện đã không hề có chỗ nào trong giới đại học cho nền thần học
trung thành với Thưởng Đế khi các viễn tượng vô thần của nhân bản chủ
nghĩa và Phong trào soi sáng đã trở thành khởi điểm qui phạm cho những
con người có học vấn và là phần khung sườn trong đó nền thần học ở cấp đại
học bị bắt buộc phải khai triển. (23)Wilhelm von Humboldt (1767-1835) ghi
nhận rằng các chính khách, nhà nhân bản, và ngữ học, là kiến trúc sư trưởng
về phương diện trí thức của đại học đường Berlin, mà chính ông ta đã hỗ trợ
để sáng lập khoảng 1810. Ông nhấn mạnh rằng sứ mạng của cấp đại học chỉ
là như sau đây mà thôi: “Tìm cách tự học lấy cho bản thân, chẳng quan tâm
đến bất cứ một điều gì khác cả”. Các đại học đường bên Đức đều được sáng
lập rập khuôn với Berlin, đã trở thành một nguyên mẫu, do đó hoàn toàn
không có thiện cảm với ý niệm về nền giáo dục đại học phải là việc sưu tầm
nghiên cứu kỹ thuật, dẫn tới nền giáo dục chuyên nghiệp. Xin xem Wilhelm
Humboldt “Higher Learning in Berlin” trong Great Ideas Today, do
R.M.Hutchins & M.J.Adler xb (Chicago Encyclopedia Britannica, 1969)
350-55 (24)Xem Lutz von Padberg, “Gegen die Aufsspaltung von Glauben
und Denken” Ideas Dokumentation 33 (1985), Ranald Macauley, “Das
Chrisliche Denken”, factum (May 1985) cũng xem phụ lục 2 (25)Vì lý do
ấy, chúng ta cần có những trường học trong đó tư tưởng về mọi ngành học
đều có thể được hòa giải để làm việc trên nền móng là Lời Thượng Đế, tốt
hơn là thay vào đó, lại tự vét cạn vắt kiệt mình bằng cách cố gắng bài bác
các sai lầm rõ rệt. Điều thiết yếu là chúng ta phải dứt khoát với các mối liên
hệ truyền thống về các kỷ luật cá nhân, nhờ đó chúng ta có thể khai thác hết
sức cẩn thận để cứu vãn số tài liệu khả dĩ có thể sử dụng được. Tóm lại là
chúng ta cần những trường cao đẳng sẽ dành cho Thánh Kinh địa vị phải lẽ
của nó! (26)Xem chú thích 25
CÁC CÂU HỎI THÍCH HỢP LIÊN HỆ VỚI CẤP ĐẠI HỌC
Thời gian dài đằng đẵng mà nền văn hóa và khoa học vô thần, chống Cơ
Đốc giáo, đã tràn lan và gây ảnh hưởng trên toàn thế giới của “Cơ Đốc giáo
Tây phương” đã khiến chúng ta trở nên dửng dưng với tình trạng quái đản
ấy. Chúng ta rất khó có được một viễn tượng phê bình đối với điều đã được
thiết lập vững chắc từ nhiều thế kỷ, và có vẻ như đã là hiển nhiên rồi. Thật là
khó thừa nhận rằng lịch sử các ý niệm Tây phương bao trùm hơn năm trăm
năm, lại là một điều tội lỗi. Chúng ta nhìn nó, đồng thời với sức xâm nhập
quốc tế của nó, chỉ như một sự việc đã rồi, phù hợp với phần giáo điều hiện
đại, bảo rằng những gì chúng ta đã nhận diện như những sự kiện vốn tự nó
đã có sẵn phần năng lực qui phạm nội tại cho tư tưởng chúng ta. Điều hiện
có vốn phức tạp nhưng phải được đồng nhất hóa với điều đáng lẽ phải có.
Cái hiện có như một sự kiện vốn có trọng lượng hơn cái qui phạm, cho nên
thật ra, đã trở thành qui phạm.
Thêm vào đó các lực lượng văn hóa và giáo dục đó đã in sâu vết hằn trên
chúng ta, đến nỗi chúng ta chỉ có thể được giải thoát là nhờ hồng ân của Cha
chúng ta trên trời, huyết của Chúa Cứu Thế Jesus, và nước tẩy của Lời
Thượng Đế mà thôi. Chúng ta xem những gì mà nền giáo dục hiện đại đã đạt
được là một lợi điểm, vì nó giúp chúng ta đạt tới điểm mà chúng ta đang
đứng. Chúng ta phải chấp nhận sự khôn ngoan ước lệ rằng tư tưởng và óc
sáng tạo chỉ có thể có được bên trong cái khung sườn, cái cấu trúc nầy.
Cả khi một người sẵn sàng lắng nghe, vẫn còn nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề
thắc mắc được đặt ra về những câu phát biểu trong chương trước. Các câu
hỏi ấy rất khó đánh tan.
BỐ CỤC VỀ LỊCH SỬ NẦY CÓ CHÍNH XÁC KHÔNG?
Phải chăng phần bố cục ngắn gọn về lịch sử các ý niệm hiện đại nầy chỉ là
một phác thảo vạch rõ hai phần đen trắng, chứ không xét lẽ công bằng được
cho thực tại?
Quả thật rằng cả nhân bản chủ nghĩa lẫn Phong trào soi sáng nguyên thủy
đều không cố ý muốn đoạn tuyệt với đức tin Cơ Đốc giáo. Nhiều lắm thì
người ta cũng chỉ biết là có một ý thức muốn chống lại lời truyền dạy của
giáo hội mà thôi. Ngay cả duy tâm chủ nghĩa (idealism) cũng không hoàn
toàn chối bỏ Cơ Đốc giáo. Như thế, chúng ta có thể nói rằng nhiều người
không phải là Cơ Đốc nhân (un-Christian) chứ không cố ý chống lại Cơ Đốc
giáo (anti-Christian)(1). Người ta có thể đọc danh mục các Cơ Đốc nhân làm
triết học, từ Pico della Mirandola, Bacon, Hobbes, Descartes cho đến Kant,
Goethe và Hegel. Bầu không khí bao trùm lên toàn xã hội vẫn còn là bầu
không khí Cơ Đốc giáo. Điều chắc chắn là vô thần chủ nghĩa sống sượng
vẫn chưa được cho phép cất cái đầu xấu xí của nó lên. Thậm chí cả Lessing
cũng từng cúi đầu trước áp lực xã hội, tuy các văn phẩm của ông có nói
bóng gió rằng ông vốn thích hành động khác hẳn. Semler thì trực tiếp nhấn
mạnh rằng các ý niệm của ông không dành cho dân chúng mà chỉ dành riêng
cho giới trí thức, hồi ấy, dĩ nhiên, chỉ là một nhóm người rất ít ỏi mà thôi.
Ở đây, chúng ta đang đề cập một tiến trình rò-rĩ tiệm tiến. Bản tính chống-
Cơ Đốc giáo của quan điểm nầy được phát giác trước hết là trong việc nó
vốn mâu thuẫn với Lời Thượng Đế. Nó chống Cơ Đốc giáo và vô thần ở chỗ
nó bỏ qua, chẳng đếm xỉa gì đến Thượng Đế vốn là Cha của Chúa Cứu Thế
Jesus chúng ta, cả khi miệng nó vẫn thành kính nói ra tiếng Thượng Đế. Vị
thần của nó không phải là Đấng đã tự mặc khải trong Lời Ngài (Thánh Kinh)
mà trái lại, là vị thần của các triết gia, mà nó gán cho điều mà tâm linh con
người mơ tưởng tới. Mãi đến tận thế kỷ thứ 19, cái tư tưởng ấy nói chung
vẫn còn rất ngoan đạo, tin kính, trong sự ngoan đạo tin kính ấy cứ ngày càng
xuất hiện thưa dần. Bản tính phản loạn của con người mà Thánh Phao-lô gọi
là “xác thịt” (Hi văn: sarx, xem RoRm 8:5-8) đã cướp lấy chính quyền, và
thoạt đầu, đã tự giới thiệu mình là “xác thịt”.
NGOAN ĐẠO, TIN KÍNH
Thứ hai, bản tính chống-Cơ Đốc giáo của quan điểm nầy trở thành hiển
nhiên ở chỗ việc nghiên cứu Thánh Kinh và cõi thiên nhiên một cách có
phương pháp lại bỏ qua, chẳng đếm xỉa gì đến Thượng Đế cả. Lời Thượng
Đế với tư cách nguồn gốc mọi tri thức rõ ràng là đã bị gạt qua một bên.
Tư tưởng bên phương Tây đã bị lột bỏ chất Cơ Đốc giáo đi, có phần nào
giống như một con sâu đã bị cấu xé từ bên trong sau khi con ruồi ichnenmon
đẻ trứng của nó vào đấy; các trứng ruồi tiêm vào con sâu nở thành ấu trùng,
đến lượt chúng lại phát triển để tự nuôi mình bằng chính chủ nhà đã cho
chúng ở trọ. Ngoại hình của con sâu vẫn chẳng thấy bị tổn hại gì qua một
thời gian, cho đến khi cuối cùng, nó bị tiêu diệt.
Người ta cũng có thể ví sánh tiến trình ấy với khung sườn của một ngôi nhà
bị lũ mối phá hủy. Những cây cột cây kèo đều bị tấn công âm thầm, kín đáo,
và đến khi chúng đã hoàn toàn suy yếu đi rồi, thì ngôi nhà mới sập xuống.
Chúng ta cũng thấy các hậu quả tương tự trong tư tưởng hiện đại của những
gì vẫn bị che giấu từ rất lâu rồi. Người ta đã tạo ra ấn tượng sai lầm rằng đức
tin Cơ Đốc giáo không còn nữa. Điều đã xảy ra, ấy là một dòng ý thức hệ
(ideology) có tính cách chống lại Cơ Đốc giáo ngay từ đầu, cuối cùng đang
tiếp tục con đường của nó. Thoạt đầu, cái ý thức hệ ấy được pha lẫn với đức
tin Cơ Đốc giáo, nhưng với thời gian tự tinh luyện, nó đã chối bỏ đức tin Cơ
Đốc giáo, xem như bất thích hợp về phương diện yếu tính.
Cái ảo tưởng rằng đức tin Cơ Đốc giáo là lỗi thời chỉ nẩy sinh vì có quá
nhiều Cơ Đốc nhân đồng nhất hóa đức tin của mình với cái ý (thức) hệ đã hạ
thủ nó. Họ đã không nhận thấy đặc tính chống Cơ Đốc giáo của nó ngay từ
đầu. Trong khi đó, thì Cơ Đốc giáo vẫn được hồng ân của Thượng Đế bảo vệ
để duy trì - bao giờ cũng còn có “bảy ngàn người” không chịu quì gối trước
Ba-anh (11:4-5). Tuy nhiên, số đó thường là những người mà Thánh Phao-lô
đã mô tả là ”...không có nhiều người thông thái, chức trọng quyền cao hay
danh gia vọng tộc” (ICo1Cr 1:16). Thêm vào đó, đức tin Cơ Đốc giáo còn bị
ngăn chặn không cho phát triển trong các trung tâm học hỏi ở cấp bậc đại
học, nơi mà khái niệm khoa học được quan niệm theo vô thần chủ nghĩa
đang chiếm độc quyền. Ngõ vào cái thế giới ấy đã bị hạn chế cho số ít người
có thể vào đó mà khỏi hi sinh đức tin (đạo) của mình.
Tình hình đương đại đang rất hỗn tạp do việc pha lẫn Cơ Đốc giáo với các
khái niệm xa lạ đối với nó, nhưng giờ đây, nhờ ân phúc Thượng Đế, chúng
ta đã có thể nhìn thấy điều đó rất rõ ràng. Xin chúng ta hãy lợi dụng thì giờ
của ân phúc nầy để chối bỏ sự tổng hợp tội lỗi đó nhân danh Chúa Jesus để
tạo ra một khởi điểm mới “Hãy cày mở ruộng mới các ngươi, chớ gieo trong
gai gốc” (Gie Gr 4:3).
PHẢI CHĂNG CHÚNG TA CHỚ NÊN Ở LẠI TRONG THẾ GIAN?
Phải chăng kết quả của chương 1 là bất thích hợp, vì rõ ràng là cấp đại học
cũng là “thế gian”? Dù sao, Chúa Jesus đã không hề đòi hỏi chúng ta phải lìa
khỏi thế gian, mà trái lại, chúng ta được giữ lại, được bảo tồn trong đó
(GiGa 17:15).
Thoạt nhìn thì luận cứ nầy có vẻ hữu lý, thế nhưng ta cần phải biết một điều
phân biệt tối quan trọng. Nếu tôi mua hàng tạp hóa trong thế gian, vật mà tôi
mua và ăn đó chỉ được ăn vào và tiêu hóa; nó chẳng có liên hệ tiếp xúc gì
với tư tưởng của tôi cả. Nếu tôi mua giày của một người vô thần hay ngoại
đạo, đôi giày chỉ chạm được vào chân tôi chứ không chạm đến con người
bên trong của tôi. Nếu tôi làm việc trong một dây chuyền lắp ráp của một
xưởng máy, tôi bị bắt buộc phải nghe những câu chuyện thô tục và phạm
thượng của những người chung quanh mình, nhưng tôi không bị bắt buộc
phải thu những lời lẽ xấu xa ấy vào tâm trí mình. Nếu tôi ngồi trên một chiếc
ghế quản trị xí nghiệp, chắc tôi sẽ phải chú ý đến các luật lệ và qui tắc,
nhưng những gò bó ấy không thể làm thay đổi chính con người tôi. Trái lại,
trường đại học là nơi làm đổi thay tư tưởng của tôi và đưa tôi đến chỗ phải
đứng ngang hàng với người thế gian.
Kể từ khi xã hội của Phong trào soi sáng chối bỏ thực tại của sự sa ngã
(Sáng 3) đồng thời với hậu quả của nó là sự băng hoại của con người và nhu
cầu của sự cứu chuộc nhân loại đã cố gắng phác họa tư tưởng là một khả
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh
Phe binh su tinh cua kinh thanh

Weitere ähnliche Inhalte

Andere mochten auch (9)

Green uniforms flyer
Green uniforms flyerGreen uniforms flyer
Green uniforms flyer
 
Derek Hoeft Resume linked in
Derek Hoeft Resume linked inDerek Hoeft Resume linked in
Derek Hoeft Resume linked in
 
ApresentaSão
ApresentaSãoApresentaSão
ApresentaSão
 
Q215D88-110 Imagitarium Reptile Sand_2LB DB[2]
Q215D88-110 Imagitarium Reptile Sand_2LB DB[2]Q215D88-110 Imagitarium Reptile Sand_2LB DB[2]
Q215D88-110 Imagitarium Reptile Sand_2LB DB[2]
 
Cau hoi thuong xuyen
Cau hoi thuong xuyenCau hoi thuong xuyen
Cau hoi thuong xuyen
 
General Counsel Select, healthcare analytical
General Counsel Select,  healthcare analyticalGeneral Counsel Select,  healthcare analytical
General Counsel Select, healthcare analytical
 
Kinh thanh va dao duc hoc
Kinh thanh va dao duc hocKinh thanh va dao duc hoc
Kinh thanh va dao duc hoc
 
Standard of education in government colleges
Standard of education in government colleges Standard of education in government colleges
Standard of education in government colleges
 
Dan nhap kinh thanh 2
Dan nhap kinh thanh 2Dan nhap kinh thanh 2
Dan nhap kinh thanh 2
 

Ähnlich wie Phe binh su tinh cua kinh thanh

Sách sự lãnh đạo trong tinh thần tôi tớ
Sách sự lãnh đạo trong tinh thần tôi tớSách sự lãnh đạo trong tinh thần tôi tớ
Sách sự lãnh đạo trong tinh thần tôi tớ
Nguyen Kim Son
 
Tu luyen phuong phap doc nhanh
Tu luyen phuong phap doc nhanhTu luyen phuong phap doc nhanh
Tu luyen phuong phap doc nhanh
Pleiku Phố Núi
 
Narcisse va goldmund hermann hesse
Narcisse va goldmund   hermann hesseNarcisse va goldmund   hermann hesse
Narcisse va goldmund hermann hesse
Hoa Bien
 
SKC-CNLS
SKC-CNLSSKC-CNLS
SKC-CNLS
cohtran
 
Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới
Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới
Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới
Viet_Cuong
 

Ähnlich wie Phe binh su tinh cua kinh thanh (20)

Biet kinh thanh
Biet kinh thanhBiet kinh thanh
Biet kinh thanh
 
Discovering-a-Genius-Vietnamese (2).pdf
Discovering-a-Genius-Vietnamese (2).pdfDiscovering-a-Genius-Vietnamese (2).pdf
Discovering-a-Genius-Vietnamese (2).pdf
 
Sách sự lãnh đạo trong tinh thần tôi tớ
Sách sự lãnh đạo trong tinh thần tôi tớSách sự lãnh đạo trong tinh thần tôi tớ
Sách sự lãnh đạo trong tinh thần tôi tớ
 
Tro ve mai nha xua
Tro ve mai nha xuaTro ve mai nha xua
Tro ve mai nha xua
 
Nhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songNhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi song
 
Nhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songNhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi song
 
Tu luyen phuong phap doc nhanh
Tu luyen phuong phap doc nhanhTu luyen phuong phap doc nhanh
Tu luyen phuong phap doc nhanh
 
Toi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhanToi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhan
 
Toi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhanToi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhan
 
biet_nguoi_8959.pdf
biet_nguoi_8959.pdfbiet_nguoi_8959.pdf
biet_nguoi_8959.pdf
 
Sống để trao tặng
Sống để trao tặngSống để trao tặng
Sống để trao tặng
 
Thuat lanh dao
Thuat lanh daoThuat lanh dao
Thuat lanh dao
 
Triet ly giao duc (kim dinh)
Triet ly giao duc (kim dinh)Triet ly giao duc (kim dinh)
Triet ly giao duc (kim dinh)
 
Biết người tâm lý học VHN
Biết người tâm lý học VHNBiết người tâm lý học VHN
Biết người tâm lý học VHN
 
Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1
 
Narcisse va goldmund hermann hesse
Narcisse va goldmund   hermann hesseNarcisse va goldmund   hermann hesse
Narcisse va goldmund hermann hesse
 
Lẽ được mất
Lẽ được mất  Lẽ được mất
Lẽ được mất
 
SKC-CNLS
SKC-CNLSSKC-CNLS
SKC-CNLS
 
Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2
 
Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới
Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới
Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới
 

Mehr von co_doc_nhan (20)

Vai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tienVai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tien
 
Truong nhan su
Truong nhan suTruong nhan su
Truong nhan su
 
Truong dang christ
Truong dang christTruong dang christ
Truong dang christ
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Su phuc hung hau den
Su phuc hung hau denSu phuc hung hau den
Su phuc hung hau den
 
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanhSu phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
 
Phuong phap day dao
Phuong phap day daoPhuong phap day dao
Phuong phap day dao
 
Phuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chuaPhuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chua
 
Phuc vu chua
Phuc vu chuaPhuc vu chua
Phuc vu chua
 
Phuc vu chua
Phuc vu chuaPhuc vu chua
Phuc vu chua
 
Nhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh daoNhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh dao
 
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nhoNhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
 
Nhom thanh cong
Nhom thanh congNhom thanh cong
Nhom thanh cong
 
Nhiem vu giao duc
Nhiem vu giao ducNhiem vu giao duc
Nhiem vu giao duc
 
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanhNhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
 
Nguyen tac tho phuong
Nguyen tac tho phuongNguyen tac tho phuong
Nguyen tac tho phuong
 
Nguyen tac giang day
Nguyen tac giang dayNguyen tac giang day
Nguyen tac giang day
 
Nguyen tac day do
Nguyen tac day doNguyen tac day do
Nguyen tac day do
 

Phe binh su tinh cua kinh thanh

  • 1. Phê Bình Sử Tính của Kinh Thánh Tác giả: Eta Linnemann DẪN NHẬP CỦA DỊCH GIẢ: (Bản dịch Anh văn) Quyển sách nầy đưa ra cho quí độc giả một thách thức - và một đề tài thảo luận. Vào tháng 11.1988, khi tôi đọc một bài phát biểu về bà Eta Linnemann nhân một buổi họp chuyên ngành, thảo luận về sự đóng góp của bà và các công trình nghiên cứu Tân Ước và các quan điểm phổ biến của bà như được diễn tả trong quyển sách nầy, đã có đến bốn nhà xuất bản tỏ ra quan tâm đến nó. Theo thiển ý, thì đây là một dấu chỉ cho thấy mức độ cao của sức thu hút và tính cách hợp thời của công trình nghiên cứu của bà. Theo một phương diện, đã có một chiều kích cá nhân thật hấp dẫn khiến cho quyển sách nầy có chiều sâu và sức sắc bén. Bà Linnemann tung ra một lời phản đối mạnh mẽ chống lại các khuynh hướng và phương pháp của một chủ-thuyết mà bà vốn biết rõ cả trong lẫn ngoài. Bà đã không đứng từ xa để bắn cầu may vào, Bà vốn là một môn đệ chuyên cần và sẵn sàng tiếp thu một số các tư tưởng gia thật sự độc sáng của thế kỷ nầy trong công tác nghiên cứu, sưu tầm Tân Ước bên Đức, như Bultmann, Fucho, Gogarten, và Ebeling. Sau nầy, khi dấn thân vào xã hội chuyên nghiệp có uy tín nhất thế giới nhằm sưu tầm nghiên cứu Tân Ước, bà vốn là bạn cùng trang lứa với nhiều nhân vật khác nữa, cùng có vóc dáng tầm cỡ tương đương như thế. Thế điều gì đã xui khiến một người để có thể khước từ một sự nghiệp như vậy? Tại sao lại có người dám thật sự vứt bỏ tất cả các quyển sách và bài báo mà mình đã khổ công viết ra, mong có ngày thấy chúng được công bố? Tại sao lại có người dám từ bỏ một địa vị trong hệ thống đại học bên Tây Đức, và cuối cùng, chịu đi phục vụ với tư cách một giáo sư giáo sĩ tại Indonesia? Quyển sách nầy ít ra cũng cung cấp được những nét phác thảo lớn cho những câu trả lời cho các câu hỏi vừa kể trên và nhiều câu hỏi rắc rối khác nữa. Nhưng những gì bà Linnemann nêu ra còn bao hàm nhiều hơn là chỉ một góc độ quan tâm chú ý nào đó của nhân loại. Cuối cùng thì câu chuyện riêng tư về bà chỉ chuyển tải được những điều trăn trở chủ yếu về lịch sử, các phương pháp và hậu quả của điều mà bà đã gọi rất công bằng và hữu lý, là nền thần học phê bình sử tính (historical - critical theology). Có lẽ đây mới chính là ý nghĩa chủ yếu của những suy tư trăn trở của bà Linnemann. Cũng chính tại đây, người ta mới chạm trán với lời thách đố của quyển sách, một thách thức được mở rộng trên nhiều cấp bậc, trình độ khác nhau. Ở cấp bậc thứ nhất, quí độc giả không-phải-là-người-Đức sẽ gặp nhiều đoạn đề cập
  • 2. một tình hình có lẽ có vẻ xa lạ. Điều nầy sẽ đặc biệt được nghiệm đúng với chương 4 và hai phần phụ lục tiếp theo đó. Ở đây, bà Linnemann đang đánh vật với sự cần thiết của khả năng và về các bước căn bản hướng đến việc hình thành các trường cao đẳng Cơ Đốc giáo có trình độ đại học tại Tây Đức. Sự thật là không phải đã chẳng hề có các trường cao đẳng dạy Thánh Kinh bằng tiếng Đức nào tại Tây Âu cả, người ta có thể tìm ra nhựng ngôi trường như thế tại Tây Đức hoặc tại các địa phương khác bên Thụy Sĩ, như Adelshofen, Beatenberg, Brake, Seeheim, Wiedenest, Wolmersen, và Wuppertal, đó là chỉ mới kể một vài nơi mà thôi. Nói cho đúng hơn thì các trưởng cao đẳng dạy Thánh Kinh ấy không đào tạo người theo trình độ cao của bậc đại học như phần giáo dục thần học được cung cấp tại các phân khoa thần học của các đại học đường bên Hoa Kỳ. Các Thánh Kinh học viện ấy cũng không được thừa nhận là chính thức như các trường học bên Mỹ. Điều mà các độc giả Hoa Kỳ xem là bình thường - sự tồn tại của hàng chục đại học đường vẫn được công nhận là các trường cao đẳng Cơ Đốc giáo dạy các nghệ thuật tự do, và thậm chí một số các đại học đường ít nhất cũng có danh nghĩa là Cơ Đốc giáo - vốn không thấy có tại quốc gia mà bà Linnemann vốn quen biết là Tây Đức. Bà Linnemann và cùng với bà là nhiều người khác nữa, nhận thấy độc quyền của các đại học đường quốc gia trong việc đào tạo các mục sự, giáo sư tôn giáo, thần học gia và học giả Thánh Kinh người Đức, vốn có hậu quả tiêu cực, thậm chí còn tai hại nữa, suốt hai trăm năm vừa qua. Thế nhưng, trong khi tình hình đã rèn luyện bà Linnemann thoạt nghe có vẻ như lạ lùng đối với nhiều độc giả, những lời bình luận của bà không phải là không thích hợp với nước Mỹ, nơi mà các trường cao đẳng Cơ Đốc giáo đều được công nhận, như một sự kiện của đời sống. Những vấn đề bà đưa ra để thảo luận - đâu là một nền giáo dục Cơ Đốc giáo cao hơn, và làm thế nào để các Cơ Đốc nhân có thể dốc sức hầu theo đuổi hữu hiệu hơn và theo đúng với Thánh Kinh hơn trong một thế giới đang bị các định chế đại học mà căn bản là vô thần áp đảo? - vẫn thường được các trường cao đẳng Cơ Đốc giáo Hoa Kỳ đặt ra, vốn không phải là có tính cách quá phản động để mọi người phải quan tâm bằng cách đồng hóa việc học thức đương đại, hay quá bác học, tự cao, để mọi người có thể nhận thấy các thế giới quan của chúng đã được thừa nhận là có tinh thần chống lại Cơ Đốc giáo như thế nào. Về một cấp bậc thứ hai, vài người sẽ thấy quyển sách có tính cách thách thức vì họ vốn rất quen với phần lịch sử của các ý niệm mà bà Linnemann chỉ trích phê bình. Nhất là trong chương 1, và ở nhiều điểm khác nữa, người ta gặp cả một loạt các tư tưởng gia, có lẽ là cả một loạt nhiều mẫu người tiêu biểu mà người ta có thể trông mong trong một cuốn sách được một nhân vật
  • 3. nguyên được đào tạo từ phái phê bình Tân Ước viết ra. Vài người có thể xem đây là một nhược điểm, và tự hỏi tại sao bà Linnemann lại không tự cống hiến cho ngành học mà chắc chắn bà vốn là một chuyên gia. Tuy nhiên, bản tính của các suy tư trăn trở và các đề nghị của bà đòi hỏi bà phải rời tầm mắt khỏi những gì mình đã nhìn thấy, và đòi hỏi những người đọc sách của bà phải vượt khỏi các ranh giới hẹp hòi của một ngành đại học riêng biệt. Cuộc thảo luận của bà Linnemann có tầm hạn rộng lớn để bao quát các mối quan tâm của bà, và những gì mà bà có thể gọi là gánh nặng của mình. Những ai thắc mắc, chẳng hạn như về tính cách thích hợp của Goethe đối với tuyên đạo pháp đương đại (xem chương 1), có thể nghiên cứu Jaroslav Pelikan, là người thấy “cách bi kịch hóa cổ điển của các mối liên hệ cả tiêu cực lẫn tích cực giữa giáo lý Cơ Đốc và nền văn hóa hiện đại trong tác phẩm Faust của Goethe” (Jaroslav Pelikan, The Christian Tradition, Vol 5: Christian Doctrine and Modern Culture (since 1700) (Chicago/London: University of Chicago Press, 1989,I). Nếu bà Linnemann có sai lầm trong việc cố gắng phân tích mối liên hệ giữa một phương pháp khoa học với phương pháp giải kinh trong bối cảnh lịch sử của các ý niệm, thì bà đã có một người bạn tốt rồi vậy. Về một cấp bậc thứ ba mà chúng tôi đã gọi là gánh nặng của bà Linnemann, sẽ đưa ra một lời thách đố, nếu không phải là một tảng đá vấp chân cho một ai đó. Bà Linnemann cố tình không viết một sách khảo luận có hình thức bác học, mà chỉ viết một lời kêu gọi ăn năn mà thôi (Bà đã bắt tay viết một tác phẩm cho cấp đại học sẽ bao gồm nhiều điều thuộc cùng một lãnh vực, nhưng có tính cách chuyên sâu hơn và theo một viễn cảnh khác hẳn quyển sách có tính cách bình dân đã biết nầy). Thứ nhất, nên nhớ rằng giọng điệu thỉnh thoảng có phần hăng say là điều hoàn toàn có thể hiểu được, vì cớ bản tính quỉ quái và tầm hạn của sự thất vọng đã khiến bà Linnemann phải bắt tay để chống lại nó. Thậm chí cả khi những số lần như thế chỉ nguy hiểm bằng phân nửa điều mà bà Linnemann nghĩ, chắc bà cũng đã sẵn sàng bỏ qua mà chẳng bận tâm nói gì hoặc nói ra bằng một giọng êm dịu hơn. Nhiều tác giả trong lịch sử tư tưởng Cơ Đốc giáo cũng từng nhận thấy giống như thế, rằng sự sai lầm càng lớn thì đòi hỏi phải có những lời nói mạnh mẽ, nặng nề hơn. Thứ hai, cần ghi khắc vào tâm trí các hoàn cảnh trong đó bà Linnemann đã ăn năn qui đạo và những năm trước đó mà giờ đây bà nhận ra là mình đã giảng dạy điều sai lầm (xin xem phần dẫn nhập của bà). Chắc chắn là trong những năm đã qua rồi đó, bà từng nhiệt thành và cương quyết răn đe các sinh viên của bà rằng Thánh Kinh hàm chứa nhiều điều sai lầm, rằng các phép lạ vốn và sẽ chẳng bao giờ có thể có được, và rằng chỉ có phương pháp luận phê bình “khoa học” mới là phương pháp độc nhất có thể đưa ra một
  • 4. bản án có trách nhiệm về ý nghĩa của một văn bản Thánh Kinh. Các độc giả từng mong bà Linnemann tỏ ra kém hung hăng khi rao truyền chân lý hơn là lúc bà trình bày để truyền bá ngụy lý, quả thật là không thực tế. Nếu bà có thái độ như vậy, thì chắc đó chỉ là giả đạo đức mà thôi. Thứ ba, ít nhất cũng có thể rằng sở dĩ bà Linnemann khẳng định đúng đắn rằng căn bệnh phổ biến của nền thần học Tây phương - vốn có thể không hoàn toàn có liên hệ với các nan đề bức bách của xã hội phương Tây nói chung - đòi hỏi sự ăn năn, thì không phải nó chỉ đơn giản đòi hỏi phải được thâm cứu, đối thoại hay suy tư trăn trở có tính cách phê bình mà thôi. Khi kêu gọi ăn năn, điều cần lưu ý là bà chỉ mới truyền giảng điều mà bản thân bà đã thực thi mà thôi. Nếu bà Linnemann đã đi lạc khi vạch ra sự ăn năn (và đứng vào vị trí chống lại Lời thành văn của Thượng Đế và Đấng Mết-si-a) như là việc chính thức, phải lẽ cần làm để tìm lại sự hướng dẫn thuộc linh và đạo đức trong một thế gian đang gặp rối ren sâu đậm, thì một lần nữa, bà đã có đầy đủ các nhà tiên tri làm bạn đồng hành trong lịch sử truyền giáo Do Thái - Cơ Đốc giáo. Thứ tư, với những độc giả nào nhận thấy việc sử dụng Kinh-điển là dư thừa đến độ tự khoe khoang là họ vốn biết rõ Thánh Kinh đến nỗi những đoạn trích dẫn chỉ là rườm rà mà thôi, thì chúng tôi xin nói rằng đọc thêm những văn bản quen thuộc một lần nữa thì chẳng có hại chi cả, mà còn có thể đem đến nhiều báu vật mới mẻ cho khung cảnh mới, trong đó bà Linnemann ứng dụng chúng. Nếu quả đã có lần quần chúng Hoa Kỳ thấu triệt Thánh Kinh thật thiết thân, thì cái thời ấy cũng đã qua rồi. Hiện nay, đối với đa số độc giả, các văn bản mà bà Linnemann viện dẫn đã không còn quen thuộc nữa. Điều nầy chắc chắn được nghiệm đúng đối với đám cử tọa người Âu châu mà bà Linnemann đã nghĩ đến khi bà đặt bút để viết sách. Thế thì, trên đây là một vài yếu tố đáng ghi nhận để có thể lãnh hội giọng văn trong tác phẩm của bà Linnemann. Ngay khi có ai đó nhận thấy có ngoại lệ chỗ nầy chỗ nọ, thì những nhận xét ấy đều có thể góp phần để đưa ra một thẩm định có tính cách xây dựng cho các luận cứ đã nêu lên. Một cấp bậc thứ tư nữa của lời thách đố của bà Linnemann có thể là việc vạch ra, có phần là đen tối nói chung, tình trạng nghiên cứu học hỏi Thánh Kinh hiện hành, và đề nghị phải thay đổi triệt để mà bà đã nêu ra. Bà có nhấn mạnh quá đáng tình trạng của mình không? Điều quan trọng là phải ghi khắc vào tâm trí rằng môi trường đầu tiên cần tập trung để tham khảo đối chiếu là Tây Đức và hệ thống đại học đường tại đấy. Những ai đã quen thuộc với môi trường ấy và bối cảnh tương tự với nó tại Bắc Mỹ có thể xác nhận tính cách chân thực của đồ án tổng quát của bà rằng công cuộc sưu tầm nghiên cứu thần học và Thánh Kinh dĩ nhiên là thường được theo đuổi dưới quyền bảo trợ của những kẻ vô thần. Nghĩa là
  • 5. tiêu điểm của sự suy tư thần học không phải là Thượng Đế chân thật và hằng sống, và Lời mặc khải của Ngài là quyển Thánh Kinh. Như bà Linnemann lưu ý rất đúng rằng trong thế giới hiện đại, Thượng Đế là Đấng bất khả tri, còn mặc khải theo định nghĩa truyền thống của nó, đã không còn được chấp nhận hay còn giá trị nữa. Thay vào đó tiêu điểm của thần học là kinh nghiệm của con người như các lý thuyết của các khoa học xã hội, triết học, sử học, và nhiều ngành “khoa học” khác đã định nghĩa nó. Theo cách hiểu của tư tưởng Cơ Đốc giáo chính thống trong lịch sử thì “Thượng Đế” đã bị loại ra một cách có hệ thống khỏi sự suy tư nhận xét, và được thay thế bằng sự tự ý thức về mình của con người và của các lực lượng thuần túy nội tại. Như các sách giáo khoa thần học trong lịch sử đã viết, nhân loại học (anthropology) đang thay thế cho thần học. Sau khi đã trình bày môi trường nầy, là điều mà bà Linnemann vốn biết thật thiết thân vì trong quá khứ bà từng hiến thân cho nó, bà muốn nêu rõ trường hợp của mình bằng những lời lẽ đen trắng thật phân minh, cho ai nầy đều có thể hiểu được. Nếu có một số nhận xét có lẽ phần nào vốn có thể áp dụng nhiều hơn cho sân khấu Âu châu, thì điều cần lưu ý là ngoài cái thế giới tương đối nhỏ hẹp của công cuộc sưu tầm học hỏi theo khuynh hướng Tin Lành tại Bắc Mỹ, cùng những qui luật cho các trường đại học vẫn đang được áp dụng. Rất nhiều, dĩ nhiên là phần lớn, công trình nghiên cứu thần học và Thánh Kinh đang được tiến hành dưới các giả thiết cho rằng nó không thuộc quyền quản trị của cách hiểu về Thượng Đế của Cơ Đốc giáo chính thống của lịch sử về Thượng Đế, con người, và mối liên hệ giữa cả hai như đã được mô tả trong Thánh Kinh. Do đó, cách đánh giá có phần nào bi quan của bà Linnemann về tình hình hiện tại và đề nghị triệt để của bà là phải thay đổi, rốt cuộc, có lẽ sẽ rất hợp thời với sân khấu Bắc Mỹ. Phần lớn những gì bà nói dĩ nhiên là áp dụng cho giới học giả và các tổ chức không phải là Tin Lành - vốn đào tạo một phần lớn các mục sư và nhà giáo dục thần học Bắc Mỹ. Và nó cũng phù hợp trực tiếp cho cộng đồng Tin Lành ít nhất cũng theo hai phương diện. Một là, giới học giả Tin Lành chắc chắn phải chịu ảnh hưởng của thế giới đại học vô thần mà bà Linnemann mô tả. Người ta thường cho rằng hệ quả của điều nầy là nhỏ mọn, không đáng kể; bao lâu người Tin Lành còn giữ được lòng tin kính và nếp sống ngay thẳng, thì những gì đi vào trong đầu họ, hay những gì họ đưa ra như một lý thuyết phê bình, đều chỉ có tầm quan trọng thứ yếu. Nhưng đây chắc chắn là một quan điểm cận thị về các sự việc. Các hậu quả của giới học giả vô thần thật ra không phải luôn luôn là nhỏ mọn không đáng kể như người ta đều nhận thấy căn cứ vào sự hỗn loạn về giáo lý và luân lý đạo đức hiện đang len lỏi vào các Hội Thánh mà các cấp lãnh đạo và thành viên từ nhiều thập kỷ nay đã được huấn luyện về giáo lý
  • 6. bởi giới học giả ấy. Chính những người theo tự do chủ nghĩa hiện nay cũng tỏ ra thất vọng đối với vị Thượng Đế mà họ đã truyền giảng từ lâu nay, và một số người còn kêu gào hãy quay trở về với một “khải tượng do Thánh Kinh cho biết” về Thượng Đế, về Hội Thánh và về thế gian (William McKinney, “From the Center to the Margin”, Books & Religion 16:1;, 1889, 3, về một tiếng kêu gọi của phái tự do yêu cầu phải chú ý một cách mới mẻ đến việc giáo dục thần học của Thánh Kinh, xin xem chẳng hạn: W.Brueggemann “The Case for an Alternative Reading”, “Theological Education 23, 1987, p 89-107. Phê bình Thượng Đế không thực hữu của tự do chủ nghĩa, mà cũng là của giáo hội Tin Lành nữa, từ bên trong cộng đồng tự do là Joanne Swenson “Treating God as real”, Thelogy Today, Oct 1988, p 446-450), những tiếng nói - người ta có thể nghĩ đến nhiều diễn giả khác nhau, như Francis Schaeffer đã quá cố, các vị như Carl F.H.Henry, và James D.Hunter (Francis Schaeffer, The Great Evangelical Desaster, Westchester, Ill, Crossway, 1984. Carl F.H.Henry Ill, Crossway, 1988, James D.Hunter Evangelicalism: The coming Generation, Chicago: University of Chicago Press, 1987) - từng bảy tò niềm tin quyết rằng giáo hội Tin Lành có thể nói là đang sống trong một thời đại vay mượn và đang bị trôi giạt theo một chiếu hướng không lành mạnh (Là một nhà xã hội học, Hunter không gọi gương mặt tương lai của Giáo hội Tin Lành rõ ràng là “không lành mạnh: nhưng ông nghĩ rằng mình có thể thu thập tài liệu để chứng minh cho một sự trôi giạt tự do của nó). Dù muốn dù không, nền giáo dục cấp cao hơn của Cơ Đốc giáo vẫn giữ một vai trò chiến lược ở đây. Hơn nữa, người ta đã chủ trương khá hợp lý rằng thậm chí nền giáo dục thần học Tin Lành, nếu chưa gặp khủng hoảng, thì cũng chẳng còn xa mấy với tình trạng ấy (Scott J.Hafemann, “Seminary, Subjectivity, and the Centrality of Scripture”, Journal of the Evangelical Theology society 31, 1988, 129-143). Trên cấp bậc bình dân hơn, có rất ít các lãnh tụ Tin Lành dám mạnh bạo khẳng định rằng tình trạng đạo đức hiện tại của các giáo hội là bảo thủ về phương diện thần học, và quyền lãnh đạo của họ là không chỗ chê trách. Trong một tình hình như thế, việc chẩn đoán và kê đơn thuộc của bà Linnemann quả là có giá trị phòng xa, kêu gọi người Tin Lành phải xét kỹ các đường lối của mình trước những căn bệnh thông thường đang leo thang đến mức đã có thể gây tàn hại - dĩ nhiên là với sự khẳng định rằng tình hình vẫn chưa phải là đã quá muộn. Những người xét lại và độc giả có tinh thần phê bình nói chung dường như đều nhận thấy phần lớn những gì tiếp sau đây là rắc rối, và họ cho rằng có một số là hoàn toàn ngoại lệ. Nhưng chắc chắn rằng họ cũng sẽ phải chạm trán với những điều hoàn toàn có thật, nhiều việc sẽ kích thích óc suy tư trăn trở có ích lợi cho đời sống của các sinh viên, giáo sư, cấp lãnh đạo Hội
  • 7. Thánh, và những người muốn tìm cầu theo đuổi chân lý nói chung. Tôi xin tri ân Allan Fisher, Linda Triemstra và Paul Ingram của Nhà xuất bản Baker Book House về mối quan tâm và sự ủng hộ trong việc xuất bản, và tri ân Tiến sĩ Linnemann về sự chăm chút, sẵn sàng và rộng lượng của bà trong việc duyệt xét lại bản dịch nầy. Những điều hàm hồ và cách diễn tả đáng chê trách còn lại, xin quí độc giả hãy qui trách trên dịch giả, chứ không phải là cho tác giả. Robert W.Yarbrough Wheaton College Wheaton, Illinois 5.7.1989 DẪN NHẬP CỦA TÁC GIẢ “Tại sao bà lại nói “không” với ngành thần học phê bình sử tính?” Tôi đã phải đối đầu với câu hỏi nầy, nên muốn vạch rõ ngay từ đầu: Tiếng “không” tôi dành cho ngành thần học phê bình sử tính bắt nguồn từ tiếng “vâng” tôi dành cho Chúa và Cứu Chúa Jesus kỳ diệu của mình, và cho sự cứu chuộc vinh quang Ngài đã hoàn tất vì tôi tại Gô-gô-tha. Là một môn đệ của Rudolf Bultmann và Ernst Fuchs, cũng như của Friesrick Gogarten và Gerhard Ebeling, tôi đã có được những vị giáo sư tài ba nhất mà ngành thần học về phê bình sử tính có thể cung cấp cho mình. Mà cả về các phương diện khác, tôi cũng chẳng hề bị thua kém. Quyển sách đầu tiên của tôi đã là một quyển sách bán chạy nhất, tôi trở thành giáo sư thần học và giáo dục tôn giáo tại Trường Đại học Kỹ thuật Braunchweig, Tây Đức. Sau khi đã hoàn tất những đòi hỏi khắt khe của một Giảng nghiệm viên đại học (Bà Linnemann ám chỉ quyển Habilitationschrift, một tác phẩm bác học mà tại Hoa Kỳ có thể xem như một luận án tiến sĩ thứ hai. Nó có giá trị khiến một người được mời diễn giảng tại một Trường Đại học Đức), tôi được truy tặng tước vị giáo sư danh dự về Tân Ước của phân khoa thần học của Đại học đường Philipps, Marbourg, Tây Đức. Tôi được bổ nhiệm vào Hiệp hội nghiên cứu Tân Ước. Tôi đã mãn nguyện vì được các bạn đồng liêu công nhận và thăng thưởng. Đã được địa vị vững vàng về phương diện trí thức trong ngành thần học về phê bình sử tính, tôi tin tưởng sâu sắc rằng mình đang phục vụ Thượng Đế bằng công tác thần học và đóng góp vào công cuộc truyền bá Phúc Âm. Tuy nhiên, bấy giờ trên cơ sở của nhiều quan sát nhận xét, nhiều phát giác và kết quả là một sự tự ý thức, tôi bắt buộc phải công nhận hai điều ngoài ý muốn của mình: (1) Không hề có “chân lý” nào có thể nảy sinh từ “công tác khoa học thực hiện trên văn bản Thánh Kinh” ấy và (2) một công tác lao khổ như
  • 8. thế không hề phục vụ gì cho việc truyền bá Phúc Âm cả. Lúc ấy, điều đó chỉ mới là một nhận thức thực tế nẩy sinh từ kinh nghiệm mà tôi không còn có thể phủ nhận được nữa. Từ đó trở đi, nhờ ân phúc Thượng Đế và Lời Ngài, Thượng Đế đã ban cho tôi một cái nhìn thông tuệ (insight) vào các chiều kích lý thuyết của ngành thần học nầy. Thay vì căn cứ vào Lời Thượng Đế, nó vốn có các nền tảng trong triết học, khiến nó táo bạo định nghĩa chân lý, sao cho Lời Thượng Đế bị loại ra, không còn được xem là nguồn gốc chân lý nữa. Các nền triết học nầy giả thiết hết sức đơn giản rằng con người có thể chẳng có một kiến thức đúng nào về Thượng Đế của Thánh Kinh, về Đấng Tạo Hóa của trời đất, về Đức Chúa Cha của Chúa Cứu Thế Jesus của chúng ta cả. Ngày nay, tôi nhận thức được rằng đặc tính độc quyền của ngành thần học phê bình sử tính mà ảnh hưởng lan tràn khắp thế giới của nó là một dấu hiệu chỉ rõ sự phán xét của Thượng Đế (RoRm 1:18-32). Thượng Đế đã tiên báo điều nầy trong Lời Ngài: “Vì sắp đến thời kỳ người ta không muốn nghe dạy chân lý, nhưng chiều theo dục vọng, tập họp nhiều giáo sư dạy những lời bùi tai” (IITi 2Tm 4:3). Ngài cũng hứa “để họ bị lừa gạt, tin theo những lời giả dối” (IITe 2Tx 2:11). Không phải Thượng Đế đã chết hay đã từ nhiệm, Ngài vẫn trị vì và đã thực thi quyền phán xét trên những kẻ tuyên bố rằng Ngài đã chết hay khẳng định rằng Ngài là một tà thần chẳng làm gì cả, dù thiện dù ác”. Ngày nay, tôi nhận thức được rằng mình mắc nợ những cái nhìn thông tuệ đầu tiên ấy của những tác động sơ khởi của ân phúc Thượng Đế. Tuy nhiên, thoạt đầu, những gì tôi nhận thức được đó đã đưa tôi vào tình trạng hoang mang sâu xa. Tôi đã phản ứng bằng cách buông trôi về hướng những nghiện ngập có thể làm, chai lì nỗi khổ sở của mình. Tôi đã trở thành nô lệ cho việc xem vô tuyến truyền hình và cảm thấy càng ngày mình càng tăng thêm tình trạng bị lệ thuộc vào rượu. Kinh nghiệm bản thân cay đắng của tôi cuối cùng đã thuyết phục được tôi về chân lý mà Thánh Kinh đã khẳng định, rằng “Ai tham sống sợ chết sẽ mất mạng” (Mat Mt 10:39). Tới đây, Thượng Đế đã hướng dẫn tôi đến với nhiều Cơ Đốc nhân tràn đầy sinh lực, đích thân biết rõ Chúa Jesus là Chúa và Cứu Chúa của mình. Tôi nghe lời chứng của họ khi họ kể lại những gì Thượng Đế đã làm cho đời sống họ. Cuối cùng, Thượng Đế đã đích thân phán với lòng tôi qua lời một người anh em là Cơ Đốc nhân. Nhờ ân phúc và tình yêu thương của Thượng Đế, tôi đã phó thác cuộc đời mình cho Chúa Jesus. Ngài đã tức khắc nắm lấy cuộc đời tôi trong bàn tay cứu rỗi của Ngài, và bắt đầu biến đổi nó tận gốc rễ. Những thói nghiện ngập tàn hại của tôi được thay thế bằng một sự đói khát Lời Ngài và sự giao hảo với các Cơ Đốc nhân khác. Tôi đã có thể nhận thức rõ ràng tội là tội, chứ không phải chỉ tìm cách
  • 9. biện minh cho nó như thói quen trước kia của tôi nữa. Tôi vẫn còn nhớ niềm vui diệu kỳ mình cảm thấy lần đầu tiên khi đen trắng phân minh, hai cái ấy không còn hòa lẫn vào nhau như một màu xám chẳng phân biệt được nữa. Khoảng một tháng sau khi phó dâng cuộc đời mình cho Chúa Jesus, Thượng Đế đã thuyết phục tôi rằng các lời hứa của Ngài là một thực tại. Tôi được nghe câu chuyện mà một giáo sĩ Hội Wycliffe (của các nhà Phiên dịch Thánh Kinh) từng phục vụ tại Nepal kể lại. Ông kể rằng hồi ông ở ngoại quốc, người giúp dạy tiếng Nepal vừa ăn năn qui đạo của ông bị bỏ tù, vì tại đấy, trở thành một Cơ Đốc nhân là bất hợp pháp. Ông cũng kể lại những gì mà người Cơ Đốc mới tin Chúa đó đã nói khi bị đưa ra xét xử. Theo những gì tôi đã được nghe kể lại trước đó về người giúp dạy tiếng Nepal nầy, thì điều đã trở thành rõ ràng ngay tức khắc, là người ấy đã chẳng hề có thể trả lời như thế nếu chỉ nhờ vào khả năng riêng của mình mà thôi. Phân đoạn Mac Mc 13:9-11 bỗng nhiên xuất hiện trước mắt tôi - một khúc sách mà tôi đã đánh dấu để chú ý đến trước đó chỉ vì mối bận tâm bác học của mình mà thôi - và tôi chẳng còn có cách chọn nào khác hơn là phải thừa nhận rằng đây chính là phần ứng nghiệm của lời hứa ấy. Bỗng nhiên tôi tin quyết rằng các lời hứa của Thượng Đế là một thực tại, rằng Thượng Đế là một Thượng Đế hằng sống, và rằng Ngài đang trị vì “Vì Ngài phán thì việc liền có; Ngài biểu, thì vật liền đứng vững bền” (Thi Tv 33:9). Tất cả những lời làm chứng tôi được nghe suốt mấy tháng gần đây bỗng được sắp xếp đâu vào đấy ngay trong khoảnh khắc ấy. Tôi bỗng ý thức được rằng, với những gì Thượng Đế đang làm hiện nay, mà lại chủ trương rằng các phép lạ đã được kể lại trong Tân Ước là những việc vốn chẳng bao giờ xảy ra, thì thật là dại dột biết bao! Bỗng nhiên mọi sự việc đều trở thành rõ ràng cho tôi rằng lời truyền dạy của tôi chỉ là một trường hợp kẻ mù dẫn đường cho kẻ mù. Tôi rất ăn năn hối hận về cách thức tôi đã hướng dẫn cho các sinh viên của mình đi sai lạc. Sau việc nầy độ một tháng, khi chỉ có một mình tôi ở trong phòng và hoàn toàn cách biệt với mọi ảnh hưởng của người khác trên mình, tôi cảm thấy chính mình đang trực diện với một quyết định vô cùng cấp bách. Tôi sẽ cứ tiếp tục dùng trí tuệ của mình để cai quản, kiểm soát Kinh Thánh, hay phải để cho Đức Thánh Linh biến đổi tư tưởng của mình? GiGa 3:16 đã soi sáng cho quyết định nầy, vì tôi mới vừa từng trải được chân lý của câu ấy, giờ đây cuộc đời tôi là những gì Thượng Đế đã làm cho tôi và cho cả thế gian - Ngài đã ban Con Yêu Dấu của Ngài. Tôi không còn cách gì để gạt câu nầy qua một bên nữa, để xem nó như chẳng có gì trói buộc, chỉ như một lời phát biểu thần học vô nghĩa của một nhà văn có ít nhiều đầu óc Trí-huệ phái mà thôi (như một người có thể đã làm đúng như thế nếu noi theo sự hướng dẫn của giáo sư của bà Linnemann là Rudolf Bultmann, xin xem quyển The Gospel
  • 10. of John, Philadelphia: Westminster, 1971 của ông ta). Đức tin có thể nương tựa trên lời hứa có tính cách trói buộc của Thượng Đế; còn các nguyên tắc suy lý của thần học chỉ là mối bận tâm suông có tính cách bác học mà thôi. Nhờ hồng phúc Thượng Đế, tôi đã được từng trải về Chúa Jesus với tư cách Đấng mà danh Ngài được đề cao trên mọi danh. Tôi được cho phép để nhận chân được rằng Chúa Jesus là Con Thượng Đế, được một trinh nữ sinh ra. Ngài là Đấng Mết-si-a và là Con người, những danh hiệu như thế không phải chỉ được người ta gán cho Ngài do hậu quả của những bàn bạc suy tính của loài người. Tôi đã nhận chân được trước hết là bằng tâm trí, nhưng sau, đó là bằng một phương thức sinh động, do kinh nghiệm, rằng Thánh điển vốn được linh cảm. Tôi đã nhận biết hết sức rõ ràng rằng điều tôi từng truyền dạy sai lạc trước kia là tội, không phải vì thiên hạ là loài người bảo như thế, nhưng vì lời làm chứng của Đức Thánh Linh trong lòng mình. Đồng thời, tôi cảm thấy hạnh phúc và rất biết ơn Chúa rằng tội ấy của tôi đã được tha thứ, vì Chúa Jesus đã mang lấy nó trên thập tự giá. Chính vì lý do ấy mà tôi nói “không” với ngành thần học phê bình sử tính. Tôi xem tất cả những gì tôi đã truyền dạy và viết ra trước khi phó dâng cuộc đời mình cho Chúa Jesus là những gì đã bị tôi từ chối. Tôi muốn nhân cơ hội nầy để nói rằng tôi đã vứt bỏ hai quyển sách của tôi có nhan đề là Gleichnisse Jesus (tác phẩm nầy được xuất bản trong bản dịch Anh văn với nhan đề Jesus of the Parables, Introduction and Exposition, New York, Harper Row, 1966) và Studien zur Passiongeschichte cùng với các đóng góp của tôi cho các nhật báo, các tuyển tập và quyển Festschriften (thêm vào các tác phẩm của bà, Tiến sĩ Linnemann đã cho xuất bản trước đó các tài liệu sau đây: Xin chép theo trong nguyên tác Anh văn, trang 20, với đoạn cần dịch sau đây: 1-32, trong đó sử tính của Mac Mc 14:54, 66-72 bị phủ nhận; Der... 255-87, trong đó bà Linnemann đề nghị nguyên văn đoạn kết thúc sách Mác gồm có 16:8, tiếp theo là hai câu còn giữ lại trong Mat Mt 28:16, 17 và sau cùng là Mac Mc 16:15-20, cho đến hết). Bất luận là tác phẩm nào thuộc quyền sở hữu của tôi, tôi đều tự tay mình vứt hết vào sọt rác hồi năm 1978. Tôi yêu cầu bạn cũng hãy thành tâm làm y như thế đối với bất kỳ quyển sách nào thuộc số kể trên mà có thể rằng bạn hãy còn giữ lại trên kệ sách của mình. Tiến sĩ Eta Linnemann Giáo sư, hồi hưu 5.7.1985 TỰA
  • 11. Tôi đã không viết quyển sách nầy một mình, có rất nhiều thân hữu trung tín đã cùng cộng tác với tôi bằng lời cầu nguyện. Trước hết, tôi muốn kể ra Hội Thánh của tôi tại Leer, Tây Đức, nhất là Anh Hans Peter Grake, người lãnh đạo hội chúng. Chẳng những anh đã lao khổ với tư cách một người cầu thay trước mặt Chúa, mà qua nhiều lần khích lệ, anh đã góp phần cho việc bắt đầu quyển sách nầy. Cũng xin tri ân như thế các bạn đồng liêu của tôi trong Hội Truyền Giáo “Chúa Cứu Thế cho bạn” và người chị em trong Chúa của tôi Gertrud Scholz, đã cầu nguyện cho quyển sách và đã giúp tôi rất nhiều trong việc đọc lại bản vỗ. Thêm vào đó, tôi xin kể thêm Hội Thánh của tôi tại Odenwald, Tây Đức, với vị lãnh tụ là Erling Eichholz, và tổ cầu nguyện do chị Elisabeth Hettinger đứng đầu. Tôi cũng xin tri ân các chị em trong Chúa là Lilot Scholler và Ruth Parasie, và các anh Gerhard Ullricho với Martin Schwarz. Tôi xin tri ân tất cả những người vừa kể trên cũng như tổ cầu nguyện tại Hanssler Verlog, và toàn thể những ai không được nêu đích danh ra đây. Tôi xin tri ân Friedrick Hanssler vì đã sẵn sàng nhận xuất bản quyển sách nầy. Tôi cũng xin tri ân Tiến sĩ R.Yarbrough đã thực hiện một bản dịch thật tốt, và nhà xuất bản Baker, đã vui lòng cho quyển sách nầy ra mắt quí độc giả nói tiếng Anh. Tiến sĩ Eta Linnemann BaTu, Indonesia 1.6.1989 CƠ-ĐỐC GIÁO VÀ ĐẠI HỌC ĐƯỜNG HIỆN ĐẠI CÁC NGUYÊN NHÂN KHIẾN CẤP ĐẠI HỌC CHỐNG LẠI CƠ-ĐỐC GIÁO Hồi khởi thủy, hiện tượng có các trường đại học trong nền văn hóa Tây phương vốn là một tổ chức ngoại giáo, “đại học đường tại A-then sở dĩ đã bị đóng cửa là vì đặc tính ngoại giáo của nó, vào năm 529 SC” (1). Việc tái lập các trường đại học vào giai đoạn đầu của thời Trung cổ cho đến cuối thế kỷ thứ mười hai đã xảy ra đồng thời với mối bận tâm được hồi sinh đối với nhiều phương diện của nền văn hóa ngoại đạo làm chủ đề chính yếu cho công việc nghiên cứu. Bộ luật dân sự (corpus juris cviles) là đối tượng nghiên cứu khiến hiệp hội các giáo sư và sinh viên đại học (universitas magistrorum et scholarium) họp tại Bologna, Ý quốc. Bộ luật nầy có nhiều qui tắc có hiệu lực trong lãnh vực Cơ Đốc giáo, nhưng nói chung thì nó gồm một bộ sưu tập các luật lệ bắt nguồn từ các thời kỳ ngoại đạo, tiền Cơ Đốc giáo. Các văn phẩm của Aristotle - một triết gia ngoại đạo - là các đối tượng nghiên cứu đã làm nẩy
  • 12. sinh việc thành lập một Trường đại học thứ hai, lần nầy tại Paris. Lý do cho việc tự quản đạt đến mức cao của hình thức tổ chức mới mẻ nầy là do một mối quan tâm khoa học tự phát, một ước mong thiết tha muốn biết và thấu hiểu chân lý, sẵn sàng liễu lĩnh chấp nhận việc xung khắc, đối kháng nhau nhằm đạt được các mục tiêu. Tại Bologna, đã có quyết định bất chấp sự cho phép hay phê chuẩn chính thức đối với việc nghiên cứu bộ luật của hoàng đế La Mã Justinian, dường như đã bị xem thường từ 500 năm rồi, nhưng vốn có hiệu lực cùng khắp. Tại Paris, người ta đã tập trung chú ý vào các văn phẩm về triết học tự nhiên và siêu hình học của Aristotle, bấy giờ được cung cấp lần đầu tiên trong bản dịch La văn. Aristotle vốn bị nghi là dạy tà giáo (2) KINH VIỆN CHỦ NGHĨA (Scholasticism) Kinh viện chủ nghĩa phụ trách “dung hòa kiến thức duy lý mới với các điều luật của đạo” (3) - một nỗ lực đã bắt nhịp khai mào cho mọi cố gắng về phương diện thần học của hai giai đoạn Đầu và Cuối của thời Trung cổ. Nhưng nó đã đưa ra một quyết định quan trọng có tính cách định mệnh! Thay vì ghi khắc vào tâm trí rằng mọi kho tàng về khôn ngoan và tri thức đều ẩn tàng trong Chúa Cứu Thế (CoCl 2:3), người ta lại cho rằng con người bị đòi hỏi phải có sự khôn ngoan theo thế gian của ngoại giáo ngay bên cạnh Lời Thượng Đế, thì mới có được sự tiến bộ đích thực về mặt trí thức. Lời Thượng Đế đã bị thu hẹp lại để chỉ còn là một trong hai tiêu điểm để xác định sự khôn ngoan và tri thức. Thánh Kinh đã bị xem là chỉ có uy quyền khi nào các lãnh vực ấy đụng chạm đến sự cứu chuộc và đời sống Cơ Đốc nhân. Trái lại, Aristotle lại trở thành nguồn gốc của mọi kiến thức có giá trị cho thế gian, nghĩa là cho lãnh vực các khoa học tự nhiên, phân tích xã hội, và vv... Nói khác đi, từ đó trở về sau, Lời Thượng Đế không còn được xem là đáng tin trong các lãnh vực tri thức vừa kể trên nữa. Sau nầy, triết học của Aristotle sẽ bị thay thế bằng các ngành khoa học mới phát triển, đã nhanh chóng chê bai các sai lầm về vũ trụ luận của Aristotle và Lời Thượng Đế. Ngay từ thời Trung cổ, việc lần đầu tiên người ta đã nhờ đến truyền khẩu và các văn phẩm ngoại giáo thượng cổ, đã dẫn đến việc định chế hóa động lực tự quản như một thành phần của yếu tính hình thành cấp đại học. Thánh điển vẫn còn uy quyền, người ta vẫn còn cố gắng tiếp cận sự khôn ngoan của con người của ngoại giáo với ý hướng “dung hòa tri thức duy lý mới với các điều luật của đạo” (4). Thần học là nữ hoàng, còn triết học thì được tuyên bố là nô tì của vị nữ hoàng ấy. Nhưng chẳng cần phải lâu la gì để tinh thần ngoại giáo, vốn được đưa đến để làm nô tì cho Trường đaị học vừa mới được thành lập, sẽ tiếm đoạt quyền tể trị. Vị nữ hoàng cũ chắc chắn cũng còn để mắt đến một vài quyền dân sự hiếm hoi trong vài trăm năm nữa. NHÂN BẢN CHỦ NGHĨA (Humanism)
  • 13. Hồi bắt đầu của tư tưởng hiện đại, đã có sự quyết định khủng khiếp được giới lãnh đạo trí thức dùng vũ lực để thực hiện, nhằm vây hãm Lời Thượng Đế và tìm sự hướng dẫn của ngoại giáo Thượng cổ để thay vào. Nhân bản chủ nghĩa đã quyết định biến con người thành thước đo của mọi vật. Đây là một quyết định có tính cách khước từ Thượng Đế, cả khi một nhân bản chủ nghĩa như thế vẫn thường tỏ thái độ hoàn toàn ngoan đạo và vẫn luôn miệng nói về Lời Thượng Đế. Những gì người ta nói về Thượng Đế không còn bắt nguồn từ Lời mặc khải của Thượng Đế nữa, mà trái lại, là từ tâm linh con người, tự nó cứ ngày càng cách xa Lời Thượng Đế. Điều nầy đã được thấy rõ trong quan niệm của Pico della Mirandola về giá trị của con người, một quan niệm đã mở đường cho tất cả các quan niệm của nhân bản chủ nghĩa: “Thượng Đế đã đặt con người giữa một thế giới không có một nơi an toàn, không có một lai lịch phân biệt, không có một chức năng đặc biệt nào cả, trong khi mọi vật ấy, đều được ban cho số tạo vật còn lại của Ngài. Con người được tạo ra không phải trên mặt đất, cũng không phải trên thiên đàng, nó có thể thoái hóa để trở thành một con vật, nó có thể lên được thiên đàng, mọi sự đều hoàn toàn và lệ thuộc duy nhất vào ý chí của nó mà thôi. Con người được cho phép chiếm đoạt điều nó mong muốn, để trở thành cái mà nó muốn trở thành (5). Xin chúng ta đừng để cho những lời lẽ nghe như ngoan đạo nầy lừa dối mình! Những gì đã được nói ở đây tương phản rõ ràng với Lời Thượng Đế. Trung tâm của công cuộc sáng tạo vũ trụ không phải là con người, nhưng là Chúa Cứu Thế Jesus: Chúa Cứu Thế là hiện thân của Thượng Đế vô hình, Ngài có trước mọi vật trong vũ trụ. Chính Chúa Cứu Thế sáng tạo vạn vật, dù trên trời hay dưới đất, hữu hình hay vô hình, ngôi vua hay chủ tịch nhà nước, chính quyền hay các nhà lãnh đạo, tất cả đều do Chúa Cứu Thế tạo lập và đều đầu phục Ngài. Chúa Cứu Thế có trước vạn vật, Ngài an bài và chi phối vạn vật. Chúa là Đầu của thân thể, tức là Đầu Hội Thánh. Chúa sống lại đầu tiên, làm căn nguyên của sự sống lại, nên Chúa đứng đầu vạn vật. Chúa Cứu Thế có tất cả bản chất thần linh của Thượng Đế (đây là điều Chúa Cha đẹp lòng, Chúa Cha nhờ Chúa Cứu Thế đưa mọi loài dưới đất trên trời về giải hòa với Ngài; huyết Chúa Cứu Thế đổ ra trên cây thập tự đã tái lập hòa bình giữa Thượng Đế và nhân loại” (1:15-20). Pico rêu rao rằng “mọi sự đều hoàn toàn và lệ thuộc duy nhất vào ý chí của nó mà thôi” và rằng nhân loại “có thể lên được thiên đàng” đều chẳng có điểm nào đúng cả. “Như thế, việc lựa chọn của Thượng Đế không tùy thuộc ý muốn hay sức cố gắng của con người, nhưng do lòng nhân từ Ngài” (RoRm 9:16). Lời Thượng Đế vạch rõ: “Ngoài Chúa Cứu Thế Jesus, không ai có quyền năng cứu rỗi loài người, vì dưới bầu trời nầy, chúng ta không thể kêu cầu danh nào khác để được cứu rỗi” (Cong Cv
  • 14. 4:12). Chúa Jesus của chúng ta phán: “Nếu không nhờ ta, không ai đến được với Cha” (GiGa 14:6) và “chẳng một người nào đến với tôi nếu không được Cha tôi thu hút” (6:44). Cho dù nhân bản chủ nghĩa có thấy văn học cổ điển Thượng cổ là định chuẩn tuyệt đối mà Cơ Đốc giáo phải rập khuôn, như Laurentius Valls đã chủ trương, hay nó chọn một lập trường bình chọn giữa cả văn học Thượng cổ lẫn Cơ Đốc giáo, như lập trường của Erasmus ở Rotterdam, thì trong cả hai trường hợp, nó đều mâu thuẫn với Lời mặc khải của Thượng Đế. Thậm chí trong hình thức tích cực nhất, Cơ Đốc giáo chịu ảnh hưởng của nhân bản chủ nghĩa cũng thoái hóa để trở thành “một tôn giáo được soi sáng nhờ khoác lấy các giá trị văn minh nhân bản, đạt đến tột đỉnh về nhãn hiệu và tinh thần đạo đức trong khoa học và văn hóa (6). Nhân bản chủ nghĩa từ chối không thừa nhận Thượng Đế và cách thức mà Ngài đã tự bày tỏ mình ra trong Lời Ngài. Trong nhân bản chủ nghĩa, đức tin sống động (đạo sống) của Cơ Đốc nhân suy thoái để trở thành “Cơ Đốc giáo” được hiểu là “tôn giáo” - và dĩ nhiên là bị đánh đồng với các tôn giáo khác. “Tôn giáo trở thành một tỉnh lẻ giữa nhiều lãnh vực khác nhau của văn hóa. Và mặc dầu có nhiều lãnh vực độc lập, vẫn có rất nhiều chuẩn mực để người ta căn cứ vào mà đo đạc tôn giáo” (7). Lời Thượng Đế không còn là chuẩn mực trong nhân bản chủ nghĩa nữa, mà trái lại, còn bị chuẩn mực của nền văn hóa nhân bản phán xét. Như thế, văn hóa - sản phẩm của tâm linh của con người thọ tạo - lại thay thế cho Lời mặc khải của Thượng Đế là Đấng Tạo Hóa. Đức tin đặt vào Thượng Đế, là Đấng Tạo Hóa và là Đấng Cứu Chuộc, lại bị bẻ lệch để trở thành một chi nhánh của văn hóa và sức sống của tâm linh con người. Hệ quả là giờ đây, con người xem Lời Thượng Đế chỉ là một sản phẩm của hoạt động của tâm linh đó của con người. Người ta gán cho tôn giáo điều mà Schleiermarcher về sau, đã gọi là “tỉnh lẻ ngoan đạo của linh hồn”, nằm bên trong các ranh giới mà nó phải tác động vào. Từ nay trở đi, việc xâm phạm các ranh giới sẽ bị trừng phạt nặng nề. Như việc đã xảy ra trong trường hợp nầy, khi nào xác thịt đòi hỏi quyền tể trị tuyệt đối, thì nó chống lại tất cả những biểu hiệu của Thánh Linh. Đối với nhân bản chủ nghĩa, người ta có thể nói rằng: “Về cơ bản, chỉ có một điều bó buộc được con người, đó là chân lý (veritas); nhưng chân lý bao giờ cũng chỉ có một, mặc dầu nó khoác lấy nhiều hình dạng khác nhau. Pico nhấn mạnh: “Như các hệ thống ngoại giáo và của các tư tưởng gia Cơ Đốc giáo có vẻ như rất trái ngược nhau, về cơ bản, chúng đều là các chồi non của cùng một chân lý mà thôi”. Chính Phong trào soi sáng (Enlightment) cũng khó tương đối hóa mọi tôn giáo bằng cách nào triệt để hơn thế. Và đạo đức học của Cơ Đốc giáo đã bị kéo vào tiến trình tương
  • 15. đối hóa ấy (8). Do đó, nhân bản chủ nghĩa gán qui chế chân lý cho bất kỳ một sản phẩm nào của tư tưởng và óc sáng tạo của con người. Bởi thế cho nên, định chuẩn duy nhất mà con người còn có được, đã bị tương đối hóa (9). Chủ quan tính bị tương đối hóa của con người vốn tự nó không thể cung cấp được một nền tảng thật sự cho các phán đoán và phương pháp, đã được hoàn toàn thả lỏng. Giờ đây, đã chẳng còn có phán đoán hay phương pháp gì cả, thì cũng không thể có được sự giao lưu cảm thông bên trong cộng đồng khoa học. Nhưng điều cần lưu ý là các hệ thống được khoa học và văn hóa liên kết lại với nhau theo các tiền đề nhân bản tuy không có nền móng thật sự, nhưng chỉ có cơ sở chẳng có chi nhiều hơn là những sắp xếp và sự đồng ý với nhau. Theo cách hiểu nầy, thì mọi sự tự chứng minh được là đúng và có giá trị căn cứ vào phẩm chất nội tại của mình, đều có thể tự xưng là đúng và có giá trị. Tuy nhiên, thật ra chẳng có gì có thể được xem là đúng là thật và có giá trị văn hóa nếu nó không được các lực lượng tạo nên vóc dáng của khoa học và văn hóa, tức là cái có thể gọi là kỹ nghệ khoa học và văn hóa, thừa nhận (10). Các phương pháp của khoa học và các hệ thống thẩm định giá trị trong văn hóa cung cấp một trú sở cho nhân loại bên ngoài chân lý của Lời mặc khải. Nhưng cái trú sở ấy, mà chúng ta có thể ví sánh với ngọn tháp Ba-bên hiện đại đã được thiết kế nhằm đoàn kết cả nhân loại lại với nhau, đã không ngăn chặn được việc tư tưởng và đời sống con người bị phân tán manh mún, mà trái lại, còn tạo ra chính sự việc ấy nữa. Vì hệ thống ấy đã tạo ra nhiều bất đồng ý kiến, và là một nét đặc trưng vẫn được tiếp tục trong kỹ nghệ khoa học và văn hóa. Điều không ai có thể chối cãi vào đâu được, là sự nhất trí mới khiến cho các công tác tiếp tục được, nhưng làm sao cho việc ấy xảy ra? Nhiều nhà cầm quyền và lãnh tụ theo trào lưu dấy lên, không phải chỉ căn cứ vào phẩm chất của công việc làm của họ mà thôi, nhưng phần lớn đều đặt cơ sở từng li từng tí trên những điều chẳng ai có thể nghĩ ra được và chẳng hề có chút liên hệ gì đến công việc làm của họ (11). Tính năng động tập thể đóng vai trò quyết định ở đây, mà hậu quả là cả một khung vườn của truyền thống trong các ngành khoa học và trong kỹ nghệ văn hóa. Các khoa học tự xưng là “độc lập” đều bị chính các truyền thống của mình lèo lái, và cá nhân chỉ được tự do trong phạm vi công tác của người ấy có thể đưa vào phần khung sườn theo truyền thống của ngành (khoa học) ấy mà thôi (12). Tự do tư tưởng đích thực chỉ có được ở nơi nào có chân lý, mà chân lý chỉ hiện diện trong mối liên hệ với Đấng vốn là đường đi, chân lý và sự sống (GiGa 14:6) mà thôi. Chỉ có chân lý khi có Chúa Jesus. Trong nhân bản chủ nghĩa, chân lý đã bị thay thế bằng sự nhìn nhận, một uy tín được bao bọc bằng việc bàn luận và tiếp nhận vinh dự. Chẳng có gì để nghi ngờ là việc
  • 16. làm ấy đã phải cam chịu sự điều động, nhào nặn của bàn tay con người (13). PHONG TRÀO SOI SÁNG So với sự căng thẳng trí thức chống lại Cơ Đốc giáo của nhân bản chủ nghĩa, Phong trào soi sáng (Enlightment) thật ra chẳng đưa vào điều gì mới mẻ cả. Nó chỉ qui định các điều kiện để thực hiện lịch trình hành động của nhân bản chủ nghĩa mà thôi. Lúc Francis Bacon ấn định rằng “mọi chân lý đều được tìm thấy nhờ qui nạp” (14) là ông ta biến việc đặt định con người làm thước đo cho vạn vật trở thành một việc có thể làm được một cách có phương pháp. Đồng thời, Thánh điển cũng bị loại bỏ, không còn được xem là nguồn gốc của chân lý nữa. Phù hợp với cách nhìn đó của mình, ông ta đã phân biệt “hoàn toàn lãnh vực của lý trí và khoa học, với (lãnh vực) của đức tin và tôn giáo” (15), và định nghĩa đức tin là sự đầu hàng của nỗ lực muốn hiểu biết (sacrificium intellectus). Hobbes cũng thực hiện một sự phân biệt tận gốc rễ như thế giữa đức tin và tư tưởng, xếp các vấn đề của đức tin vào “lãnh vực không thể chứng nghiệm, nghịch lý, của những điều phi lý và mâu thuẫn” (16). Ông nhấn mạnh: “Chẳng hề có ý niệm nào trong trí hiểu của con người mà trước hết không nẩy sinh, trọn vẹn hoặc một phần, từ các giác quan” (17). Như thế, chẳng những chỉ có các nền móng để phê bình Thánh Kinh là đã được thiết đặt - vì Hobbes đã đi bước trước để thiết đặt chúng - mà cả đến khởi điểm của các khoa học nói chung cũng đã được ấn định như thế. Spinoza, Descartes, Kant - ấy là chỉ nêu tên một vài người mà thôi - chỉ vạch rõ chính điều đã được thiết đặt ngay từ các giai đoạn bắt đầu của Phong trào soi sáng. DUY TÂM CHỦ NGHĨA Ở ĐỨC (German idealism) Lúc ấy, các ý niệm (ideas) nẩy sinh từ nhân bản chủ nghĩa mặc lấy phần hình thức đã trưởng thành trong duy tâm chủ nghĩa Đức quốc. Hệ thống giáo dục càng đâm rễ sâu hơn nữa vào hình ảnh con người mà nền văn học cổ điển Thượng cổ đã truyền dạy. Nhân vật theo phái Tam điểm (Freemason) là Wilheim von Humboldt đã thủ một vai trò đặc biệt có tính cách chiến lược ở đây (18). Triết lý của Phong trào soi sáng, mà tột đỉnh được tìm thấy ở Kant, được hình thành trong văn học. Các nhà văn Đức của giai đoạn đầu của Phong trào Lãng mạn như Lessing, Schiller và Goethe, có thể nói là đã tái tạo nhân tính bằng hình ảnh mà họ rút ra được từ bức tranh của nền triết học nầy. Qua “cảm hứng thi ca” (19), các nhân vật trong văn chương của họ đã khoác vào những nét đặc trưng sống động và đầy sức thuyết phục, Họ trở thành nguyên mẫu của cá nhân hiện đại; qua sự phê chuẩn chính thức và phân phối rộng rãi các văn phẩm ấy trong chương trình giáo dục của các trường học, cả một
  • 17. “giòng kiểu mẫu” về những con người mới đã được sản xuất hàng loạt và chắc chắn như những chiếc ô-tô mới vậy, nghĩa là hoàn toàn giống với nguyên mẫu, ra từ cùng một dây chuyền lắp ráp. Rồi điều đã được tiếp thu trong trường học bằng phương pháp thụ giáo sinh động, với sự hỗ trợ hết sức thành công của kịch nghệ, đã được Trường đại học biến thành tư tưởng trừu tượng. Triết học của Hegel khoác lấy hình thức của lời truyền dạy của lịch sử và thâm nhập mọi lớp học - đồng thời với các tư tưởng của Lessing về Cách Giáo Dục Nhân Loại và của Các Ý Niệm cho một triết lý và Lịch Sử Nhân Loại của Herder. Điều nầy khiến người ta dễ dàng chấp nhận các hậu duệ của Hegel là Marx và Angels, đến lượt họ lại dọn đường cho trường phái Frankfurt. Một sử quan khoa học đã nẩy sinh, trước nhất loại Thượng Đế trong tư cách một tác nhân tích cực trong tiến trình lịch sữ bằng cách đưa vào “một vị thần của các triết gia” tự ý thức được mình bên trong sự diễn tiến của lịch sử. Vị thần giả tạo này chẳng bao lâu lại trở nên thừa thải, nhưng vốn đã được dùng để loại trừ khả năng về một Thượng Đế chân chính, thực hữu và cứ tiếp tục hoạt động trong lịch sử loài người. Thế là “khoa học” về lịch sử đã trở thành hoàn toàn vô thần. Các nhận định trên đây chắc đã đủ cho một phần phác họa lịch sử các ý niệm, một phác thảo chỉ có thể chiếu ra vài tia sáng lờ mờ mà thôi. Tôi vốn ý thức được hết sức rõ ràng rằng cách trình bày các mối liên hệ như thể chỉ có tính cách tạm thời và đã bỏ qua rất nhiều điều. Chắc chán là hãy còn rất nhiều tài liệu sẵn sàng bổ sung cho nó trong nền văn học Tin Lành mà tôi vẫn chưa có thể tra cứu, tham khảo. Quí độc giả nào có khuynh hướng sẽ được khuyến khích đánh một vòng chung quanh những gì tôi vừa phác thảo từ số kiến thức cá nhân và phong phú của mình trong các nguồn thông tin thích hợp. Lẽ dĩ nhiên là tôi sẽ tri ân vị nào vui lòng cung cấp các tài liệu để tham khảo từ một nguồn thông tin như thế (20). Tôi đã cố tình bỏ qua vấn đề về mối liên hệ giữa chính thống thuyết của công cuộc Cải chánh và Giáo hội Kháng Cách với nhân bản chủ nghĩa. Tôi cũng không xét đến mối liên hệ giữa phái tin kính (pietism) với Phong trào soi sáng. Đã có nhiều người viết sách về các lãnh vực ấy rồi. Trong phạm vi liên quan đến cấp đại học, thì dù sao nhân bản chủ nghĩa với Phong trào soi sáng, chứ không phải là công cuộc Cải chánh với phái tin kính, mới chứng tỏ là gây được ảnh hưởng dài hạn chỉ từ một phía mà thôi. Chủ đích của tôi không phải là thực hiện một cuộc “kiểm kê” bác học. Đúng hơn là tôi chỉ muốn chứng minh thế nào giai đoạn lịch sử nầy và các hậu quả của nó đã xuất hiện dưới làn ánh sáng của Lời Thượng Đế. Và tôi muốn đưa ra một tiếng gọi ăn năn đáng lẽ đã phải có từ lâu rồi. Tôi không viết quyển sách nầy cho một quần chúng bác học, mà cho toàn thể những ai sẵn lòng
  • 18. chịu lắng nghe lời răn dạy của Lời Thượng Đế. Nhằm chủ đích đặt ra những câu hỏi thích hợp cho nên không tuyệt đối cần thiết phải dò tìm sâu hơn vào lịch sử các ý niệm của phương Tây và các mối liên hệ giao thoa giữa chúng. Xin giới hạn vào các vấn đề sau đây. Chúng tôi đã rút thăm và chọn... *Sau khi thời Trung cổ đã trông cậy vào nền triết học ngoại giáo như một phương tiện để có được sự định hướng trí thức; *Sau khi nhân bản chủ nghĩa tuyên bố con người là thước đo vạn vật; *Sau khi Phong trào soi sáng quyết định chỉ thừa nhận là chân lý những gì đã đến bằng con đường qui nạp; *Sau khi tiền đề làm khởi điểm của Descartes đã được chấp nhận, theo đó khả năng duy nhất để kiểm chứng là đánh giá cao sự nghi ngờ; *Sau khi Lessing, đồng ý với Reimarus đã tuyên bố có “rãnh nước xấu xí” giữa “các sự kiện ngẫu nhiên của lịch sử” với “chân lý vĩnh hằng của lý trí” và được Nathan the Wise phổ biến cái ý niệm rằng chẳng hề có ai nói được đức tin chân thật là gì; *Sau khi Kant viết tác phẩm phê bình lý trí thuần túy của ông và ý niệm của ông về “Tôn giáo bên trong các ranh giới của lý trí” bắt đầu được thừa nhận; *Sau khi tác phẩm Faust của Goethe gieo vào lòng của tất cả những người có học vấn cái ý niệm rằng “tầm nhìn của chúng ta đã bị ngăn chặn...để không thể nào nhìn thấy được thực tại thuộc linh” và những gì người ta phải nghĩ về tôn giáo - theo cuộc trao đổi giữa Faust và Gretchen'; *Sau khi Schleiermarcher đã rút từ những phê bình lý trí của Kant ra các hệ quả, và nỗ lực đặt đức tin trên cơ sở là kinh nghiệm tôn giáo của con người, chứ không phải là Lời mặc khải của Thượng Đế. *Sau khi luận điểm của Semler tạo khởi điểm cho phái phê bình Thánh Kinh, một hệ quả của nền triết học soi sáng, bắt đầu được chấp nhận trong việc chú giải Thánh Kinh, và *Khi một sử quan vô thần đã tự tạo cho mình một địa vị vững chắc. Các yếu tố được liệt kê trên đây được qui chế của một khởi điểm trí thức giữa những người có học vấn và trở thành yếu tố quyết định cho cấp đại học. Thoạt đầu, nó đã được chào mừng như là “sự giải phóng con người khỏi tình trạng ấu trĩ do chính lầm lỗi của mình” (21) và được tồn tại nhờ một lạc quan chủ nghĩa ngoan cố. Sau Thế chiến thứ I, khởi điểm trí thức nầy ngày càng được mọi người hiểu là định mệnh thiết yếu của diễn trình tư duy của loài người. Dù bằng một cách nầy hay một cách khác, khởi điểm nầy đã và vẫn tiếp tục được xem là thiết yếu và không thể tránh né vào đâu được, mà hậu quả là nó đã được hăng say binh vực - với sự trợ giúp của ảnh hưởng các nguồn lợi tài chánh, và thế lực chính trị. Trong giới đại học, điều ngay từ đầu vốn là một tổ chức chống lại Cơ Đốc
  • 19. giáo, chẳng bao lâu đã không còn chỗ cho tư tưởng tự đặt cơ sở trước sau như một trên sự mặc khải của Thượng Đế trong Lời Ngài nữa (22). THỜI ĐẠI KỸ THUẬT Lẽ tất nhiên, nền giáo dục kỹ thuật nhận thấy mình có rất nhiều điều chống lại phần giáo dục lý tưởng của các trường đại học của Humboldt (23), đến độ cần phải tìm vài trung tâm giáo dục nào đó khác hơn để thay thế cho nó. Tuy nhiên, khởi điểm trí thức của ngành kỹ thuật vốn có cơ sở đặt nhiều trên Phong trào soi sáng, cũng như trên ý niệm nhân bản, duy tâm về giáo dục. Trong cả hai trường hợp, Thượng Đế đều bị loại ra một cách có phương pháp ngay từ đầu, thậm chí do chính các nhà sưu tầm nghiên cứu mà bản thân họ lại là những người tin kính không hề có chút thắc mắc nào. Như thế, cuối cùng, kỹ thuật và giáo dục đã nhất trí được với nhau, một khi sự thành công của kỹ thuật không còn có thể bị xem thường và bỏ qua nữa. Sự thành công của khởi điểm của trí thức vô thần trong kỹ thuật dường như đã giúp nó được sự xác nhận tối hậu. Và dường như chính việc được xác nhận ấy đã bóp chẹt mọi phản bác, xem như ngông cuồng. Người ta có thể nào chống lại cái tư tưởng rằng sản xuất ra những máy móc mà chúng ta sử dụng hằng ngày, rằng tổ chức các hệ thống vận chuyển, rằng cung cấp những trung tâm năng lượng và dòng điện cho sinh hoạt hiện đại, có vẻ như điều không thể nào làm được hay không? Ngày nay, trẻ con đến trường học thuộc đủ hạng tuổi đều được khẳng định người ta không thể nào chống lại được tư tưởng hiện đại, rằng “ngày nay nhờ trời, chúng ta không còn sống như vào thời Trung cổ nữa” và rằng người ta chỉ có thể sống khác đi trong bóng tối của sự phát triển kỹ thuật mà thôi. Tất cả các sinh viên tự phó mình vào đại học phải tiếp nhận chiếc ách của khởi điểm trí thức vô thần như một điều cần thiết không thể tránh né. Đây là chiếc ách tàn bạo đè nặng trên kẻ mang nó, và được áp đặt trên người sinh viên mà không được tự do chọn lựa, bằng việc hoàn tất một tiến trình học hỏi nghiên cứu trong một khu vực chủ yếu - một khu vực bị cái khởi điểm vô thần ấy thống trị. Các Cơ Đốc nhân vào đại học, thậm chí cũng phải gánh chịu chiếc ách đó. Tất nhiên là họ được phép cứ có đức tin (đạo) trong đời sống riêng tư, bên cạnh những người chung quanh họ vốn có thể có thiện cảm với đạo ấy, cũng có thể nhạo báng nó, hoặc có lẽ cũng cùng chia xẻ các niềm tin ấy nữa. Nhưng họ bị cấm duy trì Thượng Đế hằng sống và Con Ngài là Chúa Cứu Thế Jesus trong tư tưởng bác học của mình, hoặc dành cho Ngài một chức năng vật chất nào trong đó (24). Cho nên họ chỉ còn giữ được Chúa Jesus trong cảm thức, nhưng lại chối bỏ Ngài hằng ngày trong tư tưởng, vì tư tưởng ấy noi theo các nguyên tắc vô thần chống lại Cơ Đốc giáo (25).
  • 20. Tính cách độc quyền của các trung tâm giáo dục có cơ sở vô thần gây hậu quả trên toàn thể các công trình kỹ thuật đã bán mình cho tư tưởng “khoa học” vô thần. Thiên hạ đã hành động như dân Y-sơ-ra-ên, khi họ tưởng rằng nhờ Ba-anh mà họ nhận được nhiều lông chiên và vải gai, ngũ cốc và rượu, thay vì tạ ơn Đấng Tạo Hóa của mọi vật ấy (OsHs 2:1-13). Nhưng thiên hạ lại chưa thấy rõ chính các hậu quả đích thực của khoa học vốn bám sát theo các phát kiến tích cực, không tránh né vào đâu được. Họ vẫn chưa trực diện với các hậu quả của luật về tội lỗi, vẫn còn hiệu lực khi người ta tham dự cuộc trao đổi khoa học. Bất cứ nơi nào mà tư tưởng bắt nguồn từ sự vô đạo bất kỉnh nầy tạo ra kết quả hiện nay, chúng ta đều thấy là trái của nó cứ ngày càng cay đắng hơn. Trong mọi lãnh vực của đời sống, con người đang nỗ lực nắm quyền lèo lái chính con tàu của mình. Trong khi đó thì chiếc tàu lại vượt thoát mọi kiểm soát, nên nhiều người đang phải sống trong tình trạng hoang mang, tuyệt vọng. Bất chấp mọi tiến bộ về phương diện thuốc men, bệnh tật vẫn không thể bị thanh toán. Quả thật là đã có một số ít bệnh tật đã bị chinh phục đấy, nhưng nhiều chứng bệnh khác lại đang lộng hành và gieo kinh hoàng như chúng vẫn làm xưa kia. Rồi nhiều chứng bệnh khác nữa lại len lỏi và lan tràn khắp nơi. Nhìn chung thì nhân loại đã không khỏe mạnh hơn, mà chỉ ngày càng bị lệ thuộc nhiều hơn vào các bác sĩ và thuốc men mà thôi. Hễ nơi nào mà tử suất của trẻ con giành được chiến thắng, thì giờ đây nạn phá thai và vô sinh lại thay vào hàng loạt. Rất ít có một đơn thuốc cai nghiện hữu ích nào lại không gây ra một số hậu quả tiêu cực bên cạnh nó. Các tiến bộ kỹ thuật cũng mang theo với nó cảnh tiêu diệt môi sinh đến mức độ chưa từng được biết trong lịch sữ loài người. Người ta đang tập trung nỗ lực nhằm phát minh các phương tiện để tiêu diệt (các vũ khí hạch tâm, sinh học và hóa học) nhằm mục đích triệt tiêu những con người và cả những dân tộc nữa. Nếu không có sự tiến bộ kỹ thuật nhằm mục đích khoa trương khoác lác của chúng ta, chắc không ai, có thể tưởng tượng ra được điều đó. Một số lớn các vũ khí hóa học mới đang nằm sẵn trong các xưởng chế tạo để cuối cùng sẽ được đem ra sử dụng. Đó là chỉ kể một số ít, để căn cứ vào đó chúng ta phải biết là còn một số khác nữa. Bất chấp mọi phát triển trong các khoa học về sinh học và nông học, người ta vẫn không bảo đảm nổi việc nuôi sống nhân loại. Hiện nay, do sống chen chúc vào nhau mà nhân loại đã phá hủy thế cân bằng sinh học; chúng ta phải cố gắng phản ứng lại với các hậu quả, nên thường sử dụng các chất độc để tự đầu độc chính mình. Khả năng khai sinh ngành cơ khí di truyền (genetic engineering), một trong những kết quả của sự tiến bộ trong việc sưu tầm nghiên cứu, đã có được những lợi điểm rõ ràng trong lãnh vực thụ tinh cho
  • 21. súc vật, nhưng cũng quay sang tạo tiềm năng làm băng hoại cả nhân loại. Xã hội học, là khoa học non trẻ nhất trong các khoa học, trong khi được cao rao là một phương tiện để lên tiếng và giải quyết các căn bệnh xã hội, lại đã và đang bị lạm dụng rộng rãi nhằm tiêu diệt các mối dây liên hệ tự nhiên trong xã hội. Thay vào dự kiến khiến cho người biết suy nghĩ “trưởng thành”, chúng ta lại thấy xã hội hiện đại bị những chuyên gia độc tài làm bá chủ. Thậm chí trong các lãnh vực cơ bản nhất của đời sống, con người “được giải phóng” hiện đại cũng bị các chuyên gia độc tài độc đoán cai trị căn cứ vào “chuyên môn” của họ (những kẻ vẫn thường chứng tỏ là chẳng ra gì ngay trong chính đời tư của họ). Thay vào bộ sách độc nhất vô nhị là sự khôn ngoan của Thượng Đế mà con người hiện đại không chịu cho người ta dùng để dạy mình, chúng ta có nhiều sách tự mâu thuẫn nhau để rêu rao là rất có giá trị cho mình trên cơ sở đó là những sách “khoa học”. Chương trình giáo dục giới tính công cộng “có cơ sở khoa học” quản lý và phá hoại sinh hoạt tình dục bằng cách tiêu diệt ý thức e thẹn tự nhiên. Các chuyên gia bị đầu độc để giải thích thế nào nhiều đứa trẻ là con một rất có khả năng ("hai đứa là quá dư thừa!") và các chuyên gia đòi hỏi cái quyền được quyết định phương pháp để trưởng dưỡng các đứa trẻ đó. Những bậc làm cha mẹ và xã hội bất hạnh đã phải gặt lấy các kết quả cay đắng của việc trưởng dưỡng ấy, trong khi đó, các chuyên gia từ lâu lại đưa ra những lý thuyết mới tiến bộ hơn về phương pháp trưởng dưỡng con cái. Các bảng thống kê “được bảo đảm về phương diện khoa học” và những cuộc trưng cầu ý kiến quần chúng mà các chuyên gia đưa ra quá nhiều xác định nếp sống hiện đại, một nếp sống thường chỉ có những lời lẽ đầu độc cách ăn ở ứng xử do nguyên tắc khoái lạc lèo lái. Nhập chung lại, tất cả những điều đó chỉ đưa đến việc đồng nhất hóa tư tưởng và hành động rộng khắp thế giới chưa từng thấy trước đây. Cách ăn ở ứng xử khác nhau không được khuyến khích; đã có áp lực để mọi người đều phải rập khuôn theo các chuẩn mực xã hội nổi bật, Còn dự kiến được rêu rao khoác lác về sự “trưởng thành” của con người, thì chẳng ai tìm thấy dấu vết gì cả! “Sapere aude! Hãy can đảm trông cậy vào chính trí hiểu của bạn!” là câu khẩu hiệu của Phong trào soi sáng. Đó chính là điều mà Kant đã tuyên bố trong tác phẩm “Phong trào soi sáng là gì?” xuất bản năm 1784. Sapere aude! đã được nhân bản chủ nghĩa tuyên truyền một cách mặc nhiên. Sapere aude! đó là quyết định không thèm chấp nhận Lời mặc khải nữa, nhưng thay thế nó bằng uy quyền độc đoán của lý trí. Sapere aude! đó là quyết định do “những người vô đạo, bất công, bất nghĩa, xuyên tạc sự thật” (RoRm 1:18) đưa ra.
  • 22. Thượng Đế đã trả lời cho quyết định nầy bằng sự phán xét: “Những người vô đạo, bất công, bất nghĩa, xuyên tạc sự thật, sẽ bị Thượng Đế hình phạt. Vì sự thật về Thượng Đế đã được giải bày cho họ, chính Thượng Đế đã tỏ cho họ biết. Từ khi sáng tạo trời đất, những đặc tính vô hình của Thượng Đế - tức là quyền năng vô tận và bản tính thần linh - đã hiển nhiên trước mắt mọi người, ai cũng có thể nhận thấy nhờ những vật hữu hình, nên họ không còn lý do chữa tội. Dù biết Thượng Đế nhưng họ chẳng tin hay tri ân Ngài. Họ suy tư trong vòng lẩn quẩn, tâm hồn bị sa lầy trong bóng tối. Họ tự nhận là khôn ngoan nhưng hóa ra mê muội...” (1:18-22). Điều được áp dụng cho kẻ ngoại đạo chỉ có thể nhìn thấy sự mặc khải của Thượng Đế trong công trình sáng tạo mà thôi, có thể đem ứng dụng đến một mức độ càng cao hơn cho kẻ đã biết rõ sự mặc khải của Thượng Đế trong Con Ngài! “Họ tự nhận là khôn ngoan nhưng hóa ra mê muội!” Lịch sử của năm trăm năm vừa qua, trong mọi phương diện của nó - lịch sử chính trị cũng như trí thức, lịch sử của ngành kỹ thuật cũng như của thần học - đều đưa ra một lời chứng rõ ràng về cơn thạnh nộ mà Thượng Đế đã ném chúng ta vào đó. Do sự gian ác khủng khiếp mà chúng ta đã vi phạm, lịch sử nầy còn là một chứng nhân cho ân phúc vô cùng sung mãn và lòng kiên trì nhẫn nhục của Thượng Đế. Sở dĩ như thế là vì “Thượng Đế ban ân, rộng lòng tha thứ” (3:24). Tình hình hiện tại thật ra, rất dễ nhận thấy. Chúng ta đã tự để cho mình sa vào một tình trạng bất kỉnh vô đạo khủng khiếp (nhưng lại có vẻ khả kính). Từ hơn năm trăm năm nay, chúng ta đã cúi mình trước một nền văn hóa và khoa học chống lại Cơ Đốc giáo ngay từ đầu. Chúng ta đã tự thuyết phục mình rằng tư tưởng và sáng tạo chỉ có thể có được bên trong phần khung sườn nầy (26). Như thế là chúng ta đã giày đạp dưới chân quà tặng của Cha mình trên thiên đàng, là Con Yêu dấu Ngài, trong đó Ngài đã ban cho chúng ta kho báu tiềm tàng mọi khôn ngoan và tri thức (Xem CoCl 2:3). Từ thập kỷ nầy sang thập kỷ khác, thế kỷ nầy tiếp theo thế kỷ khác, Cơ Đốc giáo đã chấp nhận sự phạm thượng đó và ngày càng dấn thân sâu hơn vào đấy. Thượng Đế đã tỏ ra nhân từ, nhẫn nhục và kiên trì chịu đựng đối với chúng ta biết bao nhiêu: Đồng thời với việc ánh sáng rạng rỡ của Phúc âm bắt đầu chiếu ra một lần nữa, nền văn minh được nhìn thấy những tia sáng của nó lại quay lưng đi để hướng về sự bất kỉnh vô đạo, thế nhưng Thượng Đế vẫn bỏ qua cho loài người và vẫn nâng đỡ họ bằng tình yêu thương qua nhiều thế kỷ tiếp sau đó! Công lao đã hoàn tất của Ngài tại Gô-gô-tha, mà các dòng suối phước hạnh của nó vẫn tuôn trào cả đến những thế kỷ gần đây nữa, thật là vĩ đại biết bao! Tuy nhiên, “ngày nay, nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, chớ cứng lòng...” (Thi
  • 23. Tv 95:7-8). Cuối cùng, xin chúng ta hãy quay trở về với Đấng đã tạo nên chúng ta. Ngoài công lao cứu chuộc Thượng Đế đã thực hiện khi ban Con Ngài nhận lãnh tội lỗi chúng ta trên thập tự giá tại Gô-gô-tha, Ngài sẽ bắt buộc phải trừng phạt chúng ta bằng sự cách biệt vĩnh viễn với Ngài và cảnh hấp hối trong biển lửa, chỉ căn cứ vào việc chúng ta đã dự phần vào sự phạm thượng do bất kỉnh vô đạo như thế mà thôi. Mà đó chính là việc Ngài sẽ làm, nếu chúng ta không chịu tìm nơi ẩn náu trong Chúa Jesus, với tư cách là Cứu Chúa chúng ta. -(1)R.Kottje and B.Moeller, eds, Okumenische Kirchengeschichte, vol 1,157 (2)W.P.Fuchs, “Universitat” trong Neues Padagogisches Lexikon, do Hans- Hermann Groothoft and Martin Stallmann xb, 1198f (3)Sđd (4)Sđd (5)Kurt Dietrich Schmidt, Kirchengeschichte (4th ed,1963) 264 (6)Sđd (7)Sđd (8)Sđd (9)Xem phụ lục 2 (10)Trong vấn đề kỹ nghệ văn hóa, thì các trào lưu văn hóa nắm quyền kiểm duyệt. Điều nầy đã trở thành rõ ràng trong cuộc tranh luận liên hệ đến các cuộc triển lãm về “Dokumenta” của Kasseler (một cuộc triển lãm nghệ thuật được tổ chức vài năm một lần tại thành phố Kassel bên Đức). Nhiều điều đáp ứng được các yêu cầu về phẩm chất nhưng không bám sát được các trào lưu, đã bị loại trừ. Mặt khác các nhà tổ chức triển lãm lại dán lên cái nhãn hiệu “nghệ thuật” cho những điều phi lý vô nghĩa nhất (bà Linnemann kể ra các thí dụ về “những điều phi lý vô nghĩa” trong đó có một cái lỗ sâu 1km khoan xuống đất tại trung tâm triển lãm, dưới quyền giám sát của cố nghệ sĩ Joseph Beuys, người Đức. Các quan chức của cuộc triển lãm nhìn nhận việc làm ấy được đăng ký để triển lãm, trong khi lại loại ra nhiều công trình có phẩm chất cao nhưng lại “kém xu hướng theo trào lưu” khác. Bà Linnemann kể rằng trong một cuộc triển lãm khác, cũng một nhà nghệ sĩ ấy trưng bày một vật đựng chín cân Anh bơ, mỗi lần ném được một quả cầu lên góc cao của một căn phòng trong viện nghệ thuật Dusseldorf, Rõ ràng là công trình ấy đã được một số người cho là một nghệ thuật, vì một môn đệ của Beuys được ông ta tặng vật ấy cho đã được bồi thường thiệt hại đến 20.000 Mỹ kim khi đám người giữ trật tự quá hăng say đã dọn sạch vật ấy đi vì cho rằng đó là một thứ rác). Về vấn đề kỹ nghệ khoa học, xin xem các chương 6,7. (11)Xem chương 9 (12)Sẽ được thảo luận kỹ hơn trong chương 7 (13)Dường như đã đến lúc phải xem xét các ân tứ và tài năng thiên phú; những đóng góp để xây dựng, tiền vốn và nhân sự; các công trình liên bang để viện trợ và cứu trợ; như là việc củng cố trực tiếp hoặc gián tiếp các trào lưu văn hóa và khoa học mong muốn. Ai quyết định điều gì là xứng đáng và cần được ủng hộ thêm, và các quyết định ấy được đưa ra căn cứ vào định chuẩn nào? (14)N.L.Geisler, “Das philosophische Vorverstandis der Bibelkritik” trong Bibel und Gemeinde (1984), 390 (15)Sđd 391 (16)Sđd 393 (17)Sđd 392 (18)Xem Gottfried Meskemper, Falsche Propheten unter
  • 24. Dichtern und Denkern (2d ed, Berneck, 1983 (19)Tất cả các nhân vật vừa kể đều rêu rao rằng họ được một thần linh (spirit) bên ngoài họ tạo cảm hứng (inspiration: linh cảm), Goethe công nhiên kết hợp thần linh ấy với các quỉ (xem Meskemper, Falsche Propheten, 29-33) còn về trường hợp những người khác, chúng ta có thể phán xét căn cứ vào tác phẩm của họ, và rất khó tránh được việc nghi ngờ rằng chúng đều vốn có cùng một nguồn gốc. Điều chắc chắn, đó không phải là Đức Thánh Linh! (20)Gần đây, tôi đã được khuyên nên tham khảo công trình nghiên cứu của N.C.VanVelzen, vốn có một phần trình bày chi tiết và hợp thời hơn nhiều về các góc cạnh của lịch sử về các ý niệm ấy: “Ooroprong ontwikkeling van het humanisme” Bijbel en Wetenschap, 10:79, 4-14. (21)Immanuel Kant, Was ist Anfklarung? (1784) (22)Lời tố cáo rằng phái tin kính đã từ bỏ lãnh vực truyền dạy đại học là không đúng, vì nó làm nẩy sinh cảm tưởng sai lầm rằng phái tin kính có thể có liên hệ với nền thần học đại học cho dù nó có muốn như thế, và phải chê trách nó vì kết quả của con đường mà nó đã noi theo. Lập trường nầy đã bỏ qua sự kiện đã không hề có chỗ nào trong giới đại học cho nền thần học trung thành với Thưởng Đế khi các viễn tượng vô thần của nhân bản chủ nghĩa và Phong trào soi sáng đã trở thành khởi điểm qui phạm cho những con người có học vấn và là phần khung sườn trong đó nền thần học ở cấp đại học bị bắt buộc phải khai triển. (23)Wilhelm von Humboldt (1767-1835) ghi nhận rằng các chính khách, nhà nhân bản, và ngữ học, là kiến trúc sư trưởng về phương diện trí thức của đại học đường Berlin, mà chính ông ta đã hỗ trợ để sáng lập khoảng 1810. Ông nhấn mạnh rằng sứ mạng của cấp đại học chỉ là như sau đây mà thôi: “Tìm cách tự học lấy cho bản thân, chẳng quan tâm đến bất cứ một điều gì khác cả”. Các đại học đường bên Đức đều được sáng lập rập khuôn với Berlin, đã trở thành một nguyên mẫu, do đó hoàn toàn không có thiện cảm với ý niệm về nền giáo dục đại học phải là việc sưu tầm nghiên cứu kỹ thuật, dẫn tới nền giáo dục chuyên nghiệp. Xin xem Wilhelm Humboldt “Higher Learning in Berlin” trong Great Ideas Today, do R.M.Hutchins & M.J.Adler xb (Chicago Encyclopedia Britannica, 1969) 350-55 (24)Xem Lutz von Padberg, “Gegen die Aufsspaltung von Glauben und Denken” Ideas Dokumentation 33 (1985), Ranald Macauley, “Das Chrisliche Denken”, factum (May 1985) cũng xem phụ lục 2 (25)Vì lý do ấy, chúng ta cần có những trường học trong đó tư tưởng về mọi ngành học đều có thể được hòa giải để làm việc trên nền móng là Lời Thượng Đế, tốt hơn là thay vào đó, lại tự vét cạn vắt kiệt mình bằng cách cố gắng bài bác các sai lầm rõ rệt. Điều thiết yếu là chúng ta phải dứt khoát với các mối liên hệ truyền thống về các kỷ luật cá nhân, nhờ đó chúng ta có thể khai thác hết sức cẩn thận để cứu vãn số tài liệu khả dĩ có thể sử dụng được. Tóm lại là
  • 25. chúng ta cần những trường cao đẳng sẽ dành cho Thánh Kinh địa vị phải lẽ của nó! (26)Xem chú thích 25 CÁC CÂU HỎI THÍCH HỢP LIÊN HỆ VỚI CẤP ĐẠI HỌC Thời gian dài đằng đẵng mà nền văn hóa và khoa học vô thần, chống Cơ Đốc giáo, đã tràn lan và gây ảnh hưởng trên toàn thế giới của “Cơ Đốc giáo Tây phương” đã khiến chúng ta trở nên dửng dưng với tình trạng quái đản ấy. Chúng ta rất khó có được một viễn tượng phê bình đối với điều đã được thiết lập vững chắc từ nhiều thế kỷ, và có vẻ như đã là hiển nhiên rồi. Thật là khó thừa nhận rằng lịch sử các ý niệm Tây phương bao trùm hơn năm trăm năm, lại là một điều tội lỗi. Chúng ta nhìn nó, đồng thời với sức xâm nhập quốc tế của nó, chỉ như một sự việc đã rồi, phù hợp với phần giáo điều hiện đại, bảo rằng những gì chúng ta đã nhận diện như những sự kiện vốn tự nó đã có sẵn phần năng lực qui phạm nội tại cho tư tưởng chúng ta. Điều hiện có vốn phức tạp nhưng phải được đồng nhất hóa với điều đáng lẽ phải có. Cái hiện có như một sự kiện vốn có trọng lượng hơn cái qui phạm, cho nên thật ra, đã trở thành qui phạm. Thêm vào đó các lực lượng văn hóa và giáo dục đó đã in sâu vết hằn trên chúng ta, đến nỗi chúng ta chỉ có thể được giải thoát là nhờ hồng ân của Cha chúng ta trên trời, huyết của Chúa Cứu Thế Jesus, và nước tẩy của Lời Thượng Đế mà thôi. Chúng ta xem những gì mà nền giáo dục hiện đại đã đạt được là một lợi điểm, vì nó giúp chúng ta đạt tới điểm mà chúng ta đang đứng. Chúng ta phải chấp nhận sự khôn ngoan ước lệ rằng tư tưởng và óc sáng tạo chỉ có thể có được bên trong cái khung sườn, cái cấu trúc nầy. Cả khi một người sẵn sàng lắng nghe, vẫn còn nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề thắc mắc được đặt ra về những câu phát biểu trong chương trước. Các câu hỏi ấy rất khó đánh tan. BỐ CỤC VỀ LỊCH SỬ NẦY CÓ CHÍNH XÁC KHÔNG? Phải chăng phần bố cục ngắn gọn về lịch sử các ý niệm hiện đại nầy chỉ là một phác thảo vạch rõ hai phần đen trắng, chứ không xét lẽ công bằng được cho thực tại? Quả thật rằng cả nhân bản chủ nghĩa lẫn Phong trào soi sáng nguyên thủy đều không cố ý muốn đoạn tuyệt với đức tin Cơ Đốc giáo. Nhiều lắm thì người ta cũng chỉ biết là có một ý thức muốn chống lại lời truyền dạy của giáo hội mà thôi. Ngay cả duy tâm chủ nghĩa (idealism) cũng không hoàn toàn chối bỏ Cơ Đốc giáo. Như thế, chúng ta có thể nói rằng nhiều người không phải là Cơ Đốc nhân (un-Christian) chứ không cố ý chống lại Cơ Đốc giáo (anti-Christian)(1). Người ta có thể đọc danh mục các Cơ Đốc nhân làm
  • 26. triết học, từ Pico della Mirandola, Bacon, Hobbes, Descartes cho đến Kant, Goethe và Hegel. Bầu không khí bao trùm lên toàn xã hội vẫn còn là bầu không khí Cơ Đốc giáo. Điều chắc chắn là vô thần chủ nghĩa sống sượng vẫn chưa được cho phép cất cái đầu xấu xí của nó lên. Thậm chí cả Lessing cũng từng cúi đầu trước áp lực xã hội, tuy các văn phẩm của ông có nói bóng gió rằng ông vốn thích hành động khác hẳn. Semler thì trực tiếp nhấn mạnh rằng các ý niệm của ông không dành cho dân chúng mà chỉ dành riêng cho giới trí thức, hồi ấy, dĩ nhiên, chỉ là một nhóm người rất ít ỏi mà thôi. Ở đây, chúng ta đang đề cập một tiến trình rò-rĩ tiệm tiến. Bản tính chống- Cơ Đốc giáo của quan điểm nầy được phát giác trước hết là trong việc nó vốn mâu thuẫn với Lời Thượng Đế. Nó chống Cơ Đốc giáo và vô thần ở chỗ nó bỏ qua, chẳng đếm xỉa gì đến Thượng Đế vốn là Cha của Chúa Cứu Thế Jesus chúng ta, cả khi miệng nó vẫn thành kính nói ra tiếng Thượng Đế. Vị thần của nó không phải là Đấng đã tự mặc khải trong Lời Ngài (Thánh Kinh) mà trái lại, là vị thần của các triết gia, mà nó gán cho điều mà tâm linh con người mơ tưởng tới. Mãi đến tận thế kỷ thứ 19, cái tư tưởng ấy nói chung vẫn còn rất ngoan đạo, tin kính, trong sự ngoan đạo tin kính ấy cứ ngày càng xuất hiện thưa dần. Bản tính phản loạn của con người mà Thánh Phao-lô gọi là “xác thịt” (Hi văn: sarx, xem RoRm 8:5-8) đã cướp lấy chính quyền, và thoạt đầu, đã tự giới thiệu mình là “xác thịt”. NGOAN ĐẠO, TIN KÍNH Thứ hai, bản tính chống-Cơ Đốc giáo của quan điểm nầy trở thành hiển nhiên ở chỗ việc nghiên cứu Thánh Kinh và cõi thiên nhiên một cách có phương pháp lại bỏ qua, chẳng đếm xỉa gì đến Thượng Đế cả. Lời Thượng Đế với tư cách nguồn gốc mọi tri thức rõ ràng là đã bị gạt qua một bên. Tư tưởng bên phương Tây đã bị lột bỏ chất Cơ Đốc giáo đi, có phần nào giống như một con sâu đã bị cấu xé từ bên trong sau khi con ruồi ichnenmon đẻ trứng của nó vào đấy; các trứng ruồi tiêm vào con sâu nở thành ấu trùng, đến lượt chúng lại phát triển để tự nuôi mình bằng chính chủ nhà đã cho chúng ở trọ. Ngoại hình của con sâu vẫn chẳng thấy bị tổn hại gì qua một thời gian, cho đến khi cuối cùng, nó bị tiêu diệt. Người ta cũng có thể ví sánh tiến trình ấy với khung sườn của một ngôi nhà bị lũ mối phá hủy. Những cây cột cây kèo đều bị tấn công âm thầm, kín đáo, và đến khi chúng đã hoàn toàn suy yếu đi rồi, thì ngôi nhà mới sập xuống. Chúng ta cũng thấy các hậu quả tương tự trong tư tưởng hiện đại của những gì vẫn bị che giấu từ rất lâu rồi. Người ta đã tạo ra ấn tượng sai lầm rằng đức tin Cơ Đốc giáo không còn nữa. Điều đã xảy ra, ấy là một dòng ý thức hệ (ideology) có tính cách chống lại Cơ Đốc giáo ngay từ đầu, cuối cùng đang tiếp tục con đường của nó. Thoạt đầu, cái ý thức hệ ấy được pha lẫn với đức tin Cơ Đốc giáo, nhưng với thời gian tự tinh luyện, nó đã chối bỏ đức tin Cơ
  • 27. Đốc giáo, xem như bất thích hợp về phương diện yếu tính. Cái ảo tưởng rằng đức tin Cơ Đốc giáo là lỗi thời chỉ nẩy sinh vì có quá nhiều Cơ Đốc nhân đồng nhất hóa đức tin của mình với cái ý (thức) hệ đã hạ thủ nó. Họ đã không nhận thấy đặc tính chống Cơ Đốc giáo của nó ngay từ đầu. Trong khi đó, thì Cơ Đốc giáo vẫn được hồng ân của Thượng Đế bảo vệ để duy trì - bao giờ cũng còn có “bảy ngàn người” không chịu quì gối trước Ba-anh (11:4-5). Tuy nhiên, số đó thường là những người mà Thánh Phao-lô đã mô tả là ”...không có nhiều người thông thái, chức trọng quyền cao hay danh gia vọng tộc” (ICo1Cr 1:16). Thêm vào đó, đức tin Cơ Đốc giáo còn bị ngăn chặn không cho phát triển trong các trung tâm học hỏi ở cấp bậc đại học, nơi mà khái niệm khoa học được quan niệm theo vô thần chủ nghĩa đang chiếm độc quyền. Ngõ vào cái thế giới ấy đã bị hạn chế cho số ít người có thể vào đó mà khỏi hi sinh đức tin (đạo) của mình. Tình hình đương đại đang rất hỗn tạp do việc pha lẫn Cơ Đốc giáo với các khái niệm xa lạ đối với nó, nhưng giờ đây, nhờ ân phúc Thượng Đế, chúng ta đã có thể nhìn thấy điều đó rất rõ ràng. Xin chúng ta hãy lợi dụng thì giờ của ân phúc nầy để chối bỏ sự tổng hợp tội lỗi đó nhân danh Chúa Jesus để tạo ra một khởi điểm mới “Hãy cày mở ruộng mới các ngươi, chớ gieo trong gai gốc” (Gie Gr 4:3). PHẢI CHĂNG CHÚNG TA CHỚ NÊN Ở LẠI TRONG THẾ GIAN? Phải chăng kết quả của chương 1 là bất thích hợp, vì rõ ràng là cấp đại học cũng là “thế gian”? Dù sao, Chúa Jesus đã không hề đòi hỏi chúng ta phải lìa khỏi thế gian, mà trái lại, chúng ta được giữ lại, được bảo tồn trong đó (GiGa 17:15). Thoạt nhìn thì luận cứ nầy có vẻ hữu lý, thế nhưng ta cần phải biết một điều phân biệt tối quan trọng. Nếu tôi mua hàng tạp hóa trong thế gian, vật mà tôi mua và ăn đó chỉ được ăn vào và tiêu hóa; nó chẳng có liên hệ tiếp xúc gì với tư tưởng của tôi cả. Nếu tôi mua giày của một người vô thần hay ngoại đạo, đôi giày chỉ chạm được vào chân tôi chứ không chạm đến con người bên trong của tôi. Nếu tôi làm việc trong một dây chuyền lắp ráp của một xưởng máy, tôi bị bắt buộc phải nghe những câu chuyện thô tục và phạm thượng của những người chung quanh mình, nhưng tôi không bị bắt buộc phải thu những lời lẽ xấu xa ấy vào tâm trí mình. Nếu tôi ngồi trên một chiếc ghế quản trị xí nghiệp, chắc tôi sẽ phải chú ý đến các luật lệ và qui tắc, nhưng những gò bó ấy không thể làm thay đổi chính con người tôi. Trái lại, trường đại học là nơi làm đổi thay tư tưởng của tôi và đưa tôi đến chỗ phải đứng ngang hàng với người thế gian. Kể từ khi xã hội của Phong trào soi sáng chối bỏ thực tại của sự sa ngã (Sáng 3) đồng thời với hậu quả của nó là sự băng hoại của con người và nhu cầu của sự cứu chuộc nhân loại đã cố gắng phác họa tư tưởng là một khả