SlideShare ist ein Scribd-Unternehmen logo
1 von 240
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
---------------
Đào Duy Tùng
TỪ NGỮ HÁN VIỆT TRONG
CA DAO NAM BỘ
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC
TP. HỒ CHÍ MINH – 2012
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
---------------
ĐÀO DUY TÙNG
TỪ NGỮ HÁN VIỆT TRONG
CA DAO NAM BỘ
Chuyên ngành: NGÔN NGỮ HỌC
Mã số: 60 22 01
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS. TS. DƯ NGỌC NGÂN
Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành chương trình cao học và viết luận văn này, tôi đã nhận được
sự hướng dẫn, giúp đỡ và góp ý nhiệt tình của quý thầy cô trong tổ bộ môn Ngôn
ngữ khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn đến quý thầy cô trong tổ bộ môn Ngôn
ngữ khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là những
thầy cô đã tận tình dạy bảo cho tôi suốt thời gian học tập tại trường.
Tôi xin gửi lời biết ơn sâu sắc đến PGS. TS. Dư Ngọc Ngân đã dành rất
nhiều thời gian và tâm huyết hướng dẫn nghiên cứu và giúp tôi hoàn thành luận
văn.
Nhân đây, tôi xin chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu trường Đại học Sư
phạm TP. Hồ Chí Minh, Phòng sau đại học đã tạo rất nhiều điều kiện để tôi học tập
và hoàn thành tốt khóa học.
Đồng thời, tôi cũng xin cảm ơn quý anh, chị học viên cùng lớp, các đồng
nghiệp đã động viên, ủng hộ, tạo điều kiện cho tôi trong suốt thời gian học và làm
luận văn.
Mặc dù tôi đã có nhiều cố gắng hoàn thiện luận văn bằng tất cả sự nhiệt tình
và năng lực của mình, tuy nhiên không thể tránh khỏi những thiếu sót, rất mong
nhận được những đóng góp quý báu của quý thầy cô và các bạn.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 9 năm 2012
Tác giả
LỜI CAM ĐOAN
Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, thu thập số liệu và viết luận văn,
người viết đã tham khảo nhiều tài liệu và có ghi chú rõ ràng nguồn trích dẫn. Do
vậy, ngoài những trích dẫn được ghi xuất xứ, tôi xin cam đoan rằng toàn bộ những
nội dung và số liệu trong luận văn này do tôi tự khảo sát, nghiên cứu và thực hiện.
Tác giả
MỤC LỤC
Trang phụ bìa
Lời cảm ơn
Lời cam đoan
Mục lục
DẪN NHẬP............................................................................................................................... 1
Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ LIÊN QUAN............................. 8
1.1. Từ gốc Hán và từ Hán Việt ............................................................................................ 8
1.2. Phân biệt cách đọc Hán Việt, yếu tố gốc Hán, tiếng Hán Việt, từ Hán Việt................ 11
1.3. Khái niệm và nhận diện từ ngữ Hán Việt..................................................................... 13
1.4. Phân loại từ ngữ Hán Việt trong tiếng Việt.................................................................. 20
1.4.1. Từ Hán Việt............................................................................................................... 20
1.4.2. Ngữ cố định Hán Việt ............................................................................................... 22
1.5. Sự khác biệt giữa từ ngữ Hán Việt và từ ngữ thuần Việt đẳng nghĩa........................... 23
1.5.1. Về sắc thái ý nghĩa .................................................................................................... 23
1.5.2. Về sắc thái biểu cảm.................................................................................................. 24
1.5.3. Về màu sắc phong cách............................................................................................. 24
1.6. Khái quát về ca dao Nam Bộ........................................................................................ 24
1.6.1. Ca dao Nam Bộ ......................................................................................................... 25
1.6.2. Ngôn ngữ ca dao Nam Bộ ......................................................................................... 25
1.7. Tiểu kết......................................................................................................................... 28
Chương 2. TỪ NGỮ HÁN VIỆT TRONG CA DAO NAM BỘ TRÊN BÌNH DIỆN
NGÔN NGỮ............................................................................................................................ 29
2.1. Đặc điểm về ngữ âm của từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ ................................ 29
2.1.1. Từ ngữ Hán Việt có vỏ ngữ âm toàn dân .................................................................. 29
2.1.2. Từ ngữ Hán Việt có vỏ ngữ âm phương ngữ hóa...................................................... 29
2.1.3. Từ ngữ Hán Việt có hai âm đọc Hán Việt................................................................. 31
2.2. Đặc điểm về cấu tạo – ngữ pháp của từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ.............. 32
2.2.1. Từ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ............................................................................ 32
2.2.1.1. Từ đơn Hán Việt..................................................................................................... 32
2.2.1.2. Từ ghép Hán Việt................................................................................................... 33
2.2.2. Ngữ cố định Hán Việt trong ca dao Nam Bộ ............................................................ 40
2.2.2.1. Ngữ định danh Hán Việt ........................................................................................ 40
2.2.2.2. Thành ngữ Hán Việt............................................................................................... 40
2.3. Ngữ nghĩa của từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ ................................................ 43
2.3.1. Từ ngữ Hán Việt chỉ tình yêu quê hương đất nước................................................... 43
2.3.2. Từ ngữ Hán Việt chỉ tình yêu nam nữ....................................................................... 44
2.3.3. Từ ngữ Hán Việt chỉ tình cảm gia đình..................................................................... 44
2.3.4. Từ ngữ Hán Việt chỉ quan niệm về thế giới, về đạo đức, về cuộc sống, về con người
của người Nam Bộ ............................................................................................................... 46
2.4. Tiểu kết......................................................................................................................... 48
Chương 3. TỪ NGỮ HÁN VIỆT TRONG CA DAO NAM BỘ TRÊN BÌNH DIỆN SỬ
DỤNG...................................................................................................................................... 50
3.1. Tần số xuất hiện của từ ngữ Hán Việt trong quyển Ca dao dân ca Nam Bộ (có so sánh
với Ca dao Nam Trung Bộ và Ca dao Việt Nam) ................................................................ 50
3.2. Vị trí của từ ngữ Hán Việt trong bài ca dao Nam Bộ................................................... 54
3.3. Chức năng tạo văn bản của từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ............................. 56
3.3.1. Chức năng làm dẫn ngữ trong bài ca dao.................................................................. 56
3.3.2. Chức năng tạo nội dung chính cho bài ca dao........................................................... 63
3.4. Giá trị sử dụng của từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ ......................................... 65
3.4.1. Từ ngữ Hán Việt tạo sắc thái trang trọng cho ca dao Nam Bộ.................................. 66
3.4.2. Từ ngữ Hán Việt tạo sắc thái trang nhã cho ca dao Nam Bộ .................................... 68
3.4.3. Từ ngữ Hán Việt làm tăng tính khái quát và trừu tượng cho ca dao Nam Bộ........... 69
3.4.4. Từ ngữ Hán Việt làm tăng tính hàm súc cho ca dao Nam Bộ................................... 71
3.4.5. Từ ngữ Hán Việt làm tăng tính thuyết phục cho ca dao Nam Bộ ............................. 82
3.4.6. Từ ngữ Hán Việt có tác dụng gieo vần, tạo nhịp cho ca dao Nam Bộ ...................... 84
3.5. Dùng từ Hán Việt đơn tiết trong ca dao Nam Bộ......................................................... 86
3.6. Tiểu kết......................................................................................................................... 87
KẾT LUẬN............................................................................................................................. 89
TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................................................................................... 92
TÀI LIỆU KHẢO SÁT.......................................................................................................... 98
PHỤ LỤC
1
DẪN NHẬP
1. Lý do chọn đề tài
Ca dao là một thể loại của văn học dân gian Việt Nam, là những sáng tác trữ
tình nói lên cảm xúc của con người trong cuộc sống. Mỗi bài ca dao là một tác
phẩm nghệ thuật bằng ngôn từ, do đó ngôn ngữ ca dao cũng được nghiên cứu ở
nhiều góc độ khác nhau. Ở Việt Nam, miền nào cũng có ca dao, ca dao của mỗi
miền lại có đặc điểm riêng mà rõ nhất là về ngôn ngữ, điều này làm nên tính đặc
trưng của ca dao được sưu tầm ở các vùng miền khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam.
Ca dao Nam Bộ là ca dao của người Việt được sưu tầm ở Nam Bộ nên nó
mang đặc điểm của vùng đất Nam Bộ, trong đó có việc sử dụng từ ngữ của người
dân nơi đây. Ngôn ngữ của ca dao Nam Bộ thường được nói đến là tính chất mộc
mạc, giản dị trong cách sử dụng từ ngữ. Tuy nhiên khảo sát ca dao Nam Bộ, chúng
tôi nhận thấy có một hiện tượng là việc sử dụng nhiều từ ngữ Hán Việt trong không
ít bài ca dao. Điều này cũng đã được đề cập đến trong một vài công trình nghiên
cứu về Việt ngữ học, tuy nhiên mới chỉ ở mức độ khảo sát ban đầu.
Tìm hiểu từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, chúng tôi không khỏi thắc
mắc tại sao Nam Bộ là vùng đất mới nhưng ca dao Nam Bộ lại sử dụng nhiều từ
ngữ Hán Việt đến như vậy. Việc sử dụng nhiều từ ngữ Hán Việt như vậy có đem lại
hiệu quả nghệ thuật gì không, hay đó chỉ là một sự ngẫu hứng, tùy tiện về cách dùng
từ ngữ trong ca dao Nam Bộ? Những từ ngữ Hán Việt được sử dụng trong ca dao
Nam Bộ có những đặc trưng gì về ngữ âm, cấu tạo, ngữ pháp, ngữ nghĩa so với từ
ngữ Hán Việt trong vốn từ vựng toàn dân, trong ca dao Việt Nam nói chung và ca
dao các vùng miền khác nói riêng? Đó là những vấn đề thú vị, cần được đi sâu
nghiên cứu. Vì lẽ đó chúng tôi đã chọn vấn đề Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam
Bộ làm đề tài nghiên cứu của luận văn cao học.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Ca dao Nam Bộ xuất hiện cùng với lịch sử khẩn hoang Nam Bộ vào khoảng
thế kỷ XVII. Tuy nhiên, cái mốc khởi đầu của công việc sưu tầm về ca dao Nam Bộ
lại bắt đầu vào khoảng cuối thế kỷ XIX – năm 1888. Theo Huỳnh Ngọc Trảng: “Sáu
2
“câu hát” được Trương Vĩnh Ký công bố ngay trên số đầu tiên của bộ Micellanées
(Imprimerie Commerciale Rey Curiol, 1888) có thể được coi là cái mốc khởi đầu
của công việc sưu tầm ca dao Nam Bộ” [75; tr.5]. Cũng theo tác giả: “Ngoài các
“câu hát” trong Miscellanée (1888) và những câu “tục diêu” dẫn chứng trong bộ
“Đại Nam Quốc âm tự vị” (1895) thì cuốn “Câu hát An Nam” của Trương Minh
(Ký?) xuất bản ở Sài Gòn, năm 1886 có thể coi là sưu tập ca dao – dân ca Nam Bộ
đầu tiên. Kế đó, sưu tập câu hát góp – Recueill de Chanson populaires (xuất bản lần
đầu năm 1897, tái bản lần thứ tư, 1910) của Huỳnh Tịnh Của là sưu tập đáng chú ý
khác” [75; tr.5].
“Đầu thế kỷ XX, cùng với các ấn phẩm thơ, tuồng, truyện, tích (mà đa phần
là “bổn cũ soạn lại” và dịch ra quốc ngữ, các tài liệu Hán Nôm) các sưu tập ca dao
cũng được xuất bản ngày càng nhiều hơn” [75; tr.5].
Cuối thế kỷ XX cuốn Ca dao dân ca Nam Bộ được tập thể tác giả: Bảo Định
Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị sưu tầm và được xuất bản
năm 1984. Có thể nói đây là một công trình có giá trị, đặc biệt đối với những người
quan tâm đến ca dao – dân ca Nam Bộ.
Đến nay, việc sưu tầm và nghiên cứu ca dao Nam Bộ đạt những thành tựu
đáng khích lệ, mặc dù chúng ta biết rằng rõ ràng là những gì mà chúng ta sưu tầm
được là một phần quá ít ỏi so với những gì đã bị thời gian xóa mờ.
Trong suốt thời gian qua, ca dao Nam Bộ là đối tượng nghiên cứu của nhiều
nhà nghiên cứu ở những góc độ khác nhau. Từ đó, ca dao Nam Bộ đã từng bước
được khám phá và khẳng định vị trí của mình trong kho tàng văn học dân gian Việt
Nam.
Nghiên cứu ca dao từ phương diện ngôn ngữ đã có các công trình, bài báo
của các tác giả như: “Phương ngữ và ca dao dân ca địa phương” (Trên cứ liệu của
phương ngữ và ca dao dân ca các tỉnh phía Nam) của Trịnh Sâm (Tạp chí Văn học
số 5 – 1986). Trong bài viết, tác giả “coi phương ngữ như điều kiện sống còn của ca
dao dân ca” và nêu một số dấu hiệu mà tác giả gọi là “đặc trưng của phương ngữ
trong ca dao dân ca địa phương” [54; tr.422-423]. Cái đặc trưng của ca dao dân ca ở
3
các tỉnh phía Nam chính là ở phương ngữ, thế nhưng nhiều công trình sưu tầm, biên
soạn lại muốn vươn tới một ngôn ngữ thống nhất, nên có phần chủ quan trong việc
chỉnh sửa ngôn từ. Đứng trước thực trạng này, tác giả bài nghiên cứu viết: “Nếu
như các công trình biên soạn trên bình diện cả nước (…), về mặt ngôn ngữ, phần
lớn được biên soạn theo phương ngữ Bắc thì trong các tập sách xuất bản ở các tỉnh
phía Nam sau 1975, các yếu tố phương ngữ tuy chưa bị gạt hết, nhưng thái độ đối
xử với nó hết sức dè dặt, ở đôi chỗ do công tác sưu tầm biên soạn chưa chu đáo, các
nhà làm sách lại gán ghép theo cách nghĩ, cách nói của các phương ngữ khác, và
đặc biệt thu nạp khá lớn số lượng ca dao dân ca vốn không phải của địa phương
mình” [54; tr.423]. Tác giả cũng chỉ ra một số biến thể ngữ âm trong phương ngữ
miền Nam nếu đặt vào vị trí tương ứng thì cách gieo vần sẽ khá hoàn chỉnh, làm
tăng thêm giá trị nghệ thuật của câu ca dao dân ca lên rất nhiều. Không dừng lại ở
đó, tác giả bài viết còn chỉ ra sắc thái riêng của ngữ khí từ trong ca dao dân ca các
miền khác nhau và nêu ra biến thể ngữ âm trong cách phát âm của từng miền trong
ca dao dân ca; các tên gọi, sự vật, hiện tượng mới có ở vùng này không có ở vùng
khác; các tên gọi khác nhau của các phương ngữ đối với cùng một sự vật hiện
tượng; yếu tố chỉ địa danh trong các phương ngữ.
Trong bài viết “Ý nghĩa biểu trưng của từ chỉ địa danh trong ca dao Nam
Bộ” (Tạp chí Văn hóa dân gian số 4 – 1999), tác giả Trần Văn Nam đã khảo sát
1000 lời ca dao trong Ca dao dân ca Nam Bộ và kết quả thu được là “111 lần từ
riêng chỉ địa danh xuất hiện” [44; tr.49]. Những tên riêng gồm các loại: “Những địa
danh thuộc địa lý Nam Bộ (…); những địa danh cách xa vùng địa lý Nam Bộ (…)
và những địa danh gắn với điển tích và lịch sử Trung Quốc cổ đại” [44; tr.49]. Theo
tác giả, các từ chỉ địa danh trong ca dao Nam Bộ là có ý nghĩa biểu trưng: “Nam
Vang trong ca dao Nam Bộ là một nơi xa xôi, là biểu trưng cho sự ngăn cách dài
lâu. Một khi người tình đi Nam Vang có nghĩa là chia phôi, là sầu ly biệt” [44;
tr.49]. Tác giả còn cho rằng: “Trong ca dao Nam Bộ, những tên riêng gắn với địa
danh thuộc Trung Hoa cổ đại hoàn toàn có ý nghĩa biểu trưng. Những tên riêng này
luôn xuất hiện với cấu trúc sóng đôi (cấu trúc song song)” [44; tr.53]. Cũng trên Tạp
4
chí Văn hóa dân gian số 6 – 2003, tác giả Trần Văn Nam còn có bài“Điển tích trong
ca dao Nam Bộ: tiếp nhận và cách tân”. Tác giả viết: “Điển tích trong ca dao Nam
Bộ là bằng chứng của việc văn học viết tác động, ảnh hưởng trở lại đối với văn học
dân gian. Về mặt thi pháp, ca dao Nam Bộ đã tiếp thu một đặc điểm thi pháp của
thơ Việt Nam trung đại. Về mặt sử dụng, ca dao Nam Bộ dùng câu chữ, những điển
tích đã từng xuất hiện trong thơ bác học, những hình tượng nhân vật trong các
truyện thơ của dân tộc” [45; tr.22]. Tác giả nêu lên vai trò của các nhà Nho trong
việc sáng tác, đưa điển tích lấy từ sách kinh điển của Nho giáo, sách chữ Hán nói
chung. Giới bình dân đã tiếp thu lại những điển tích đó ở những nhà Nho. Tác giả
bài viết nhấn mạnh: “Ở Nam Bộ, không hiếm những ông lão không đọc được Hán
Việt, không đọc được ngay cả quốc ngữ nhưng vẫn thuộc lòng những câu nói trong
Luận ngữ, Mạnh Tử, Đạo đức kinh… Điều này còn được chứng minh qua thực tế
khảo sát ca dao Nam Bộ. Trong ca dao Nam Bộ có một lượng khá lớn thành ngữ
Hán hoặc là một dòng thơ Hán Việt” [45; tr.22]. Đặc trưng của việc sử dụng điển
tích trong ca dao Nam Bộ chính là ở sự tiếp nhận và cách tân, một số điển tích
Trung Hoa đi vào ca dao Nam Bộ đã được bình dân hóa và biểu trưng hóa rất hay,
rất Nam Bộ.
Nguyễn Phương Châm với bài “Từ gốc Hán, Điển tích Hán trong ca dao
người Việt ở Nam Bộ” (Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 6 – 2001) đã mang đến cho
người đọc một cái nhìn sơ lược về lớp từ gốc Hán và điển tích Hán được sử dụng
trong ca dao Nam Bộ. Từ việc khảo sát từ gốc Hán, điển tích Hán trong ca dao
người Việt ở Nam Bộ, tác giả cho rằng: “Từ gốc Hán xuất hiện nhiều đã làm cho ca
dao Nam Bộ có cái vẻ trang trọng ở hình thức”; “từ gốc Hán đã làm phong phú
thêm ngôn ngữ của tình yêu đôi lứa, làm đẹp thêm, thiêng liêng hơn thứ tình cảm
vốn đã rất được trân trọng này” [9; tr.54]. Về điển tích, tác giả viết: “Tuy tần số
xuất hiện không cao nhưng những điển cố điển tích Hán đã thêm một lần minh
chứng cho nhận định người Nam Bộ ưa sử dụng Hán ngữ và còn lưu giữ được nhiều
vốn từ đó trong ca dao. Điển cố điển tích Hán thường được lấy từ các câu chuyện
cổ, các tích cổ của Hán” [9; tr.56]. Từ đó tác giả đi đến nhận định: “Nhìn chung, sự
5
xuất hiện tương đối nhiều của từ gốc Hán, điển cố điển tích Hán đã khiến cho ca
dao người Việt Nam Bộ mang màu sắc Nho học” [9; tr.56]. Ngoài ra thì tác giả bài
viết cũng lý giải việc ca dao Nam Bộ sử dụng nhiều từ gốc Hán và điển tích Hán là
do thành phần sáng tác đa dạng, trong đó có những người am tường Hán học; do sự
cộng cư giữa người Việt và người Hoa trên đất Nam Bộ; do người Nam Bộ tiến
hành vào buổi ban đầu sử dụng chữ quốc ngữ dịch các tác phẩm văn học lịch sử
Hán ra tiếng Việt; do lịch sử và do tâm lý, ý thức của người Nam Bộ.
Nghiên cứu “Các từ đa tiết phương ngữ Nam Bộ trong ca dao, dân ca”
(Ngôn ngữ & đời sống, số 8, 2011), tác giả Trần Đức Hùng đã thống kê từ địa
phương trong ca dao dân ca Nam Bộ. Qua đó tác giả đưa ra bảy mô hình cấu tạo từ
đa tiết địa phương Nam Bộ, trong đó có ba mô hình cấu tạo từ láy và hai mô hình
cấu tạo từ ghép. Tác giả kết luận: “Từ những mô hình trên, chúng tôi thấy các từ đa
tiết phương ngữ Nam Bộ cũng được tạo ra từ các kiểu quan hệ tạo từ láy và từ ghép
trong tiếng Việt nhưng khác các từ đa tiết trong ngôn ngữ toàn dân là thành phần
các yếu tố và kiểu quan hệ liên kết tạo từ giữa các yếu tố đó…” [27; tr.37].
Trên đây là một số bài viết về ca dao Nam Bộ về mặt ngôn ngữ, do thời gian
và điều kiện sách vở có hạn nên chúng tôi có thể không điểm hết được lịch sử
nghiên cứu ca dao Nam Bộ. Nhưng qua những gì mà chúng tôi đã đọc được, có thể
nói rằng việc nghiên cứu từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ là một vấn đề chưa
được nghiên cứu sâu và có hệ thống. Tiếp thu có chọn lọc kết quả nghiên cứu của
các tác giả đi trước, người viết luận văn cố gắng nghiên cứu từ ngữ Hán Việt trong
ca dao Nam Bộ một cách có hệ thống về mặt ngôn ngữ.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng luận văn nghiên cứu là từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ.
Phạm vi nghiên cứu là cấu tạo, đặc điểm ngữ âm, ngữ nghĩa và hiệu quả sử dụng
của lớp từ ngữ này trong ca dao Nam Bộ.
4. Mục đích nghiên cứu
Thực hiện đề tài từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, luận văn hướng vào
những mục đích cụ thể sau:
6
Bằng việc thống kê từ ngữ Hán Việt được sử dụng trong ca dao Nam Bộ,
người viết khái quát bức tranh về từ ngữ Hán Việt được sử dụng trong ca dao Nam
Bộ về cấu tạo, các đặc điểm ngữ âm, ngữ nghĩa và cách sử dụng. Trên cơ sở đó,
luận văn phân tích, nhận xét về hiệu quả của việc sử dụng từ ngữ Hán Việt trong ca
dao Nam Bộ.
Qua đó luận văn cũng chỉ ra rằng từ ngữ Hán Việt không chỉ xuất hiện trong
văn học viết mà còn xuất hiện cả trong văn học truyền khẩu (văn học dân gian).
5. Phương pháp nghiên cứu và nguồn ngữ liệu
5.1. Phương pháp nghiên cứu
Để hoàn thành được đề tài này, người viết đã sử dụng các phương pháp sau:
(i) Phương pháp thống kê ngôn ngữ học: Dựa vào tác phẩm Ca dao dân ca
Nam Bộ, luận văn thống kê các từ ngữ Hán Việt được sử dụng theo một số tiêu chí
đã được định hướng.
(ii) Phương pháp so sánh: Để thấy được đặc điểm của việc dùng từ ngữ Hán
Việt trong ca dao Nam Bộ, chúng tôi đã so sánh ngôn ngữ ca dao Nam Bộ với ngôn
ngữ ca dao các vùng miền khác như Bắc Bộ, Trung Bộ. Ngoài ra, luận văn còn đối
chiếu từ ngữ Hán Việt với từ ngữ thuần Việt đẳng nghĩa về giá trị sử dụng.
(iii) Phương pháp miêu tả: Luận văn miêu tả những ý nghĩa của số liệu thu
thập được thông qua kết quả thống kê, khảo sát.
Ngoài ra, người viết còn sử dụng một số phương pháp, thủ pháp bổ trợ khác
nữa khi cần thiết như thủ pháp phân tích; phương pháp khái quát, tổng hợp…
5.2. Nguồn ngữ liệu
Nguồn ngữ liệu nghiên cứu được khảo sát, thống kê trong sách Ca dao dân
ca Nam Bộ của tập thể tác giả: Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh,
Bùi Mạnh Nhị do Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1984.
6. Ý nghĩa của đề tài
Ý nghĩa lý luận: Luận văn đề cập đến một lớp từ ngữ vay mượn đặc sắc
trong tiếng Việt được sử dụng không chỉ trong văn học viết mà còn trong cả văn học
7
dân gian, qua đó góp phần tìm hiểu ngôn ngữ ca dao nói chung và ngôn ngữ ca dao
Nam Bộ nói riêng.
Ý nghĩa thực tiễn: Đề tài làm sáng rõ về ngôn ngữ ca dao Nam Bộ và góp
phần khẳng định việc sử dụng ngôn ngữ bác học vào trong thể loại văn học dân gian
một cách khéo léo, vừa phải, hợp lí sẽ mang lại hiệu quả nghệ thuật cao.
Đề tài nghiên cứu này sẽ có đóng góp nhất định trong việc tìm hiểu từ ngữ
Hán Việt và việc giảng dạy văn học dân gian (phần ca dao dân ca) trong nhà trường.
7. Bố cục luận văn
Luận văn gồm dẫn nhập, nội dung chính và kết luận.
Phần nội dung chính của luận văn được cấu trúc thành 3 chuơng:
Trong chương 1, luận văn trình bày những cơ sở lý luận về từ ngữ Hán Việt
như: phân biệt từ gốc Hán và từ Hán Việt; phân biệt cách đọc Hán Việt, yếu tố gốc
Hán, tiếng Hán Việt, từ Hán Việt; trình bày khái niệm, cách nhận diện và phân loại
từ ngữ Hán Việt; nêu ra một vài khác biệt giữa từ ngữ Hán Việt với từ ngữ thuần
Việt đẳng nghĩa; ngoài ra, trong chương này luận văn cũng trình bày khái quát về ca
dao Nam Bộ và ngôn ngữ ca dao Nam Bộ.
Trong chương 2, luận văn miêu tả, phân tích đặc điểm của từ ngữ Hán Việt
trong ca dao Nam Bộ ở các khía cạnh: đặc điểm về ngữ âm, đặc điểm về cấu tạo –
ngữ pháp và các phạm trù nghĩa biểu hiện chủ yếu của từ ngữ Hán Việt.
Trong chương 3, luận văn khảo sát, phân tích đặc điểm sử dụng của từ ngữ
Hán Việt trong ca dao Nam Bộ: về tần số sử dụng, vị trí và chức năng sử dụng của
từ ngữ Hán Việt và giá trị sử dụng của từ ngữ Hán Việt.
8
Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ
CÓ LIÊN QUAN
Để thực hiện đề tài này, trước hết cần xác định rõ một số khái niệm liên quan
sẽ được sử dụng trong luận văn. Trên cơ sở trình bày kết quả nghiên cứu của những
công trình đi trước, người viết đi đến lựa chọn những quan niệm làm cơ sở cho việc
thực hiện đề tài này.
1.1. Từ gốc Hán và từ Hán Việt
Trong một công trình nghiên cứu về Từ vựng gốc Hán trong tiếng Việt, Lê
Đình Khẩn viết: “Có thể nói, trong lãnh vực nghiên cứu lớp từ vựng gốc Hán trong
tiếng Việt, Maspéro và Vương Lực là những người xứng đáng được ghi công đầu.
Kết quả nghiên cứu của hai ông đã tạo cơ sở cho các nhà Việt ngữ học Việt Nam
sau này” [36; tr.5-6]. Theo Lê Đình Khẩn: “…Có lẽ ông (Maspéro) là người đầu
tiên tiến hành thống kê và công bố số lượng từ Hán trong tiếng Việt. Với tỉ lệ 60%
từ Hán trong tiếng Việt, ông đã tưởng tiếng Việt là một nhánh của cái gốc Hán Tạng
[36; tr.5]. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của Vương Lực, nhà Hán ngữ học người
Trung Quốc góp phần đặt nền móng cho việc nghiên cứu lớp từ vựng gốc Hán trong
tiếng Việt. Kết hợp các cứ liệu lịch sử với các ngữ liệu về tiếng Hán, tiếng Việt,
Vương Lực đã chia từ Hán (từ đơn) trong tiếng Việt ra thành ba loại gọi là Hán Việt
cổ, Hán Việt và Hán Việt Việt hóa.
Ở Việt Nam, Nguyễn Tài Cẩn với công trình Nguồn gốc và quá trình hình
thành cách đọc Hán – Việt (1979) đã chia cách đọc Hán – Việt thành: cách đọc Hán
– Việt cổ (tiền Hán – Việt), cách đọc Hán – Việt đời Đường (cách này còn lưu lại
cho đến nay và gọi là cách đọc Hán Việt), cách đọc Hán – Việt Việt hóa và cách
đọc Hán – Việt thông qua một phương ngữ Hán.
Hiện nay, các nhà Việt ngữ học có nhiều cách lý giải khác nhau về từ gốc
Hán và từ Hán Việt. Trước hết, với tư cách là thuật ngữ ngôn ngữ học, từ Hán Việt
được giải thích là: “Từ tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Hán, đã nhập hệ vào hệ
thống từ vựng tiếng Việt, chịu sự chi phối của các quy luật ngữ âm, ngữ pháp và
ngữ nghĩa của tiếng Việt; còn gọi là từ Việt gốc Hán. Ví dụ: chính phủ, quốc gia,
9
giang sơn, nhân dân, tổ quốc, xã tắc” [76; tr.369]. Như vậy, theo lời giải thích của
các tác giả Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học thì từ Hán Việt và từ gốc
Hán là một. Nguyễn Ngọc San cũng nhận định: “Lúc đầu nhiều người còn cho rằng
từ Việt gốc Hán chỉ bao gồm từ Hán Việt” [53; tr.141]. Nhưng, theo một số nhà
nghiên cứu khác thì từ Hán Việt và từ gốc Hán có sự phân biệt nhau.
Nguyễn Ngọc San [53] không đồng nhất từ gốc Hán và từ Hán Việt, các từ
gốc Hán được tác giả chia thành ba loại: từ tiền Hán Việt, từ Hán Việt và từ Hán
Việt hóa. Như vậy, theo tác giả thì từ Hán Việt chỉ là một bộ phận của từ gốc Hán.
Nguyễn Văn Tu căn cứ vào ngữ âm và thời gian du nhập đã phân biệt 3 loại
từ gốc Hán: từ Hán cổ, từ gốc Hán mượn của đời Đường và từ gốc Hán đã Việt hóa.
Trong đó, từ gốc Hán mượn của đời Đường chính là từ Hán Việt: “Những từ gốc
Hán mà người ta thường gọi là từ Hán Việt gồm một hệ thống những từ Hán cần
thiết cho việc giao tế lúc đó nhất là trong ngôn ngữ viết” [71; tr.282].
Cũng căn cứ vào thời gian du nhập, Đỗ Hữu Châu chia quá trình thâm nhập
của tiếng Hán thành hai thời kỳ: thời kỳ trước và thời kỳ sau cuộc đô hộ của triều
đại nhà Đường. Tác giả cho rằng: “Các từ Hán thâm nhập vào tiếng Việt vào thời kỳ
trước được phát âm theo hệ thống ngữ âm Hán cổ, khác với hệ thống ngữ âm Hán
Việt thâm nhập vào thời kỳ sau… Những từ Hán thâm nhập vào tiếng Việt từ cuộc
đô hộ của nhà Đường thì được phát âm căn bản như âm Hán Việt hiện nay [8;
tr.225].
Nguyễn Thiện Giáp phân từ ngữ gốc Hán thành 2 loại: các từ ngữ gốc Hán
đọc theo âm Hán – Việt (gọi tắt là từ Hán Việt) và các từ ngữ gốc Hán không đọc
theo âm Hán – Việt. Tác giả lập luận: “Vì người ta có thể đọc tất cả các chữ Hán (cổ
đại cũng như hiện đại) theo cách đọc Hán – Việt cho nên cần phân biệt từ gốc Hán
trong tiếng Việt và các từ Hán đọc theo âm Hán Việt” [19; tr.242]. Từ Hán Việt hay
từ gốc Hán đều là cách đọc chữ Hán của người Việt, tuy nhiên cách đọc đó được
hình thành ở các giai đoạn khác nhau trong lịch sử.
Các tác giả Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt “chia quá trình tiếp xúc Hán –
Việt thành hai giai đoạn lớn: một là giai đoạn từ đầu Công nguyên đến đầu đời
10
Đường (đầu thế kỷ VIII); hai là giai đoạn từ đời Đường (thế kỷ VIII – thế kỷ X) trở
về sau. Hai lần tiếp xúc lớn này cung cấp cho từ vựng tiếng Việt hai nguồn từ gốc
Hán mà như trước nay vẫn quen gọi là từ Hán cổ và từ Hán – Việt” [11; tr.213-214].
Ngoài ra, có một nhóm được du nhập vào tiếng Việt thông qua con đường khẩu ngữ
của những người nói phương ngữ tiếng Hán như: xì dầu, mì chính, vằn thắn, xá xíu,
sủi cảo, lẩu lục tào xá, tào phớ, chí ma phù, bát bảo lường xà… cũng được các tác
giả gọi là những từ gốc Hán.
Trong công trình Từ ngoại lai trong tiếng Việt, Nguyễn Văn Khang chia từ
ngoại lai thành: từ mượn Hán, từ mượn tiếng Pháp và từ tiếng Anh sử dụng trong
tiếng Việt. Từ mượn Hán được phân chia theo các góc nhìn khác nhau: (i) từ góc độ
cội nguồn, (ii) theo dòng thời gian của sự vay mượn, (iii) từ góc độ con đường vay
mượn, (iv) từ góc độ đồng hóa, (v) từ góc độ sử dụng và (vi) từ góc độ chức năng.
Cách phân chia phổ biến là theo dòng thời gian của sự vay mượn, Nguyễn Văn
Khang viết: “Theo dòng thời gian của sự vay mượn có thể tách từ mượn Hán thành
ba loại: từ tiền Hán Việt, từ Hán Việt và từ hậu Hán Việt [32; tr.92].
Tác giả Lê Đình Khẩn [36] trong công trình Từ vựng gốc Hán trong tiếng
Việt, từ góc độ lịch sử cũng đã chia từ gốc Hán trong tiếng Việt thành: từ tiền Hán
Việt, từ Hán Việt và từ hậu Hán Việt.
Diệp Quang Ban thì lại cho rằng: “Không phải mọi từ mượn từ tiếng Hán
đều là từ Hán Việt. Từ Hán Việt nói ở đây là từ mượn gốc Hán và đọc theo âm Hán
Việt. Như vậy là, những từ mượn từ tiếng Hán trước đời Đường như: buồng, buồm,
ngà, đìa, chém. v.v… và những từ mượn theo con đường khẩu ngữ (nói theo âm
Trung Quốc bây giờ) như: tài xế, mì chính, vằn thắn… không được coi là từ Hán
Việt” [Diệp Quang Ban (chủ biên) (1999), TiếngViệt 6 nâng cao, Nxb GD, HN, tr.
36 (dẫn theo Đặng Đức Siêu [56; tr. 9-10]).
Trần Trí Dõi [15] trong Giáo trình Lịch sử tiếng Việt cũng phân chia từ gốc
Hán trong tiếng Viêt thành: từ cổ Hán – Việt hay Hán – Việt cổ, từ Hán – Việt, từ
Hán – Việt Việt hóa.
11
Như vậy, hầu hết các tác giả đều phân biệt từ gốc Hán và từ Hán Việt, từ
Hán Việt chỉ là một bộ phận của từ gốc Hán là quan điểm được đông đảo các nhà
nghiên cứu đồng tình.
Các từ gốc Hán nói chung và từ Hán Việt nói riêng có vị trí rất quan trọng
trong từ vựng tiếng Việt. Về mặt số lượng, chúng chiếm hơn phân nửa tổng số từ
trong tiếng Việt (khoảng 60%); về mặt chất lượng, chúng tham gia vào mọi lĩnh vực
giao tiếp của đời sống người Việt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, khoa học,
pháp luật, y học, ngoại giao…Vì thế lớp từ này luôn được sự quan tâm thích đáng
đối với các nhà nghiên cứu, tìm hiểu về tiếng Việt.
Ngoài hai cách hiểu nêu trên về từ gốc Hán và từ Hán Việt, trong Việt ngữ học
hiện nay còn có một số khái niệm như cách đọc Hán – Việt, từ Hán Việt, tiếng Hán
Việt, yếu tố gốc Hán… cũng chưa có sự thống nhất, gây không ít khó khăn cho
người học.
1.2. Phân biệt cách đọc Hán Việt, yếu tố gốc Hán, tiếng Hán Việt, từ Hán Việt
Cách đọc Hán Việt thường được giải thích là cách đọc chữ Hán ở Việt Nam,
theo lối đọc riêng của người Việt. Theo Nguyễn Tài Cẩn: “Cách đọc Hán – Việt là
một cách đọc vốn bắt nguồn từ hệ thống ngữ âm tiếng Hán đời Đường, mà cụ thể là
Đường âm dạy ở Giao Châu vào giai đoạn bao gồm khoảng hai thế kỷ VIII, IX;
nhưng cách đọc theo Đường Âm đó, sau khi Việt Nam giành được độc lập, đã dần
dần biến dạng đi, dưới tác động của quy luật ngữ âm và ngữ âm lịch sử tiếng Việt,
tách xa hẳn cách đọc của người Hán để trở thành một cách đọc riêng biệt của người
Việt và những người thuộc khu vực văn hóa Việt. Đây là một cách đọc tạo thành hệ
thống, nghĩa là trên lý thuyết có thể dùng để đọc toàn bộ kho tàng các ký hiệu văn
tự Hán, với khả năng gần như cách đọc của bản thân người Hán; nhưng đây lại là
một cách đọc độc lập, có đặc trưng riêng, chức năng riêng và có cả một lịch sử diễn
biến của riêng mình” [5; tr.14-15].
Yếu tố gốc Hán là những yếu tố đã được du nhập vào trong tiếng Việt, những
yếu tố này có thể liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với văn tự Hán. Chẳng hạn, “những
yếu tố người Việt có thể liên hệ trực tiếp ngay với một chữ Hán như 國quốc, 家 gia,
12
山 sơn, 水 thủy, hay những yếu tố không gây ra sự liên hệ như thế, ví dụ mùa (vốn
do vụ mà ra), gần (vốn do cận mà ra), hoặc mỳ chính (vốn do vị tinh mà ra) v.v.” [5;
tr.15].
Như vậy, nếu khái niệm cách đọc Hán Việt nặng về ngữ âm thì khái niệm
yếu tố gốc Hán nặng về từ vựng; yếu tố gốc Hán là yếu tố mà người Việt mượn từ
tiếng Hán, nhưng những yếu tố đó lại không trực tiếp liên quan gì đến cách đọc Hán
Việt. Nguyễn Tài Cẩn chia yếu tố gốc Hán làm ba trường hợp: (i) Trường hợp
mượn trước cách đọc Hán Việt như mùa, mùi, buồng, buồm… (ii) Trường hợp
mượn đời Đường, cùng một lần với cách đọc Hán – Việt, nhưng sau diễn biến theo
một con đường khác với cách đọc Hán – Việt. Ví dụ gan, gần, vốn, ván… (iii)
Trường hợp mượn thông qua một phương ngữ tiếng Hán, ví dụ, mỳ chính, cắc, lú
bú... [5; tr.16].
Yếu tố Hán Việt là những yếu tố mượn từ tiếng Hán, nhưng đó là những yếu
tố được mượn thông qua cách đọc Hán Việt, chẳng hạn, 山 sơn, 水 thủy, 國 quốc,
前 tiền, 後 hậu v.v.
Xét về mặt ngữ pháp, có thể chia các yếu tố Hán Việt thành trường hợp chỉ
là tiếng, nhưng không phải là từ (chẳng hạn: quốc, gia, sơn, thủy) và trường hợp
vừa là tiếng, vừa là từ (chẳng hạn: tuyết, cao, học).
Tiếng Hán Việt là đơn vị dùng để cấu tạo từ Hán Việt, nó không đứng một
mình, cũng không độc lập tham gia cấu tạo câu, chẳng hạn: quốc, gia, sơn, thủy v.v.
Từ Hán Việt là đơn vị có thể dùng độc lập và trực tiếp dùng để cấu tạo câu. Nhưng
do đặc điểm loại hình, tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập, âm tiết tính nên đa phần tiếng
thường trùng với từ, chẳng hạn, xuân, hạ, thu, đông, tuyết, cao, học v.v. Đây là vấn
đề còn đang gây tranh cãi trong tiếng Việt.
Như vậy, cách đọc Hán Việt là khái niệm nặng về ngữ âm, là cách đọc chữ
Hán của người Việt, do đó nó liên quan trực tiếp đến văn tự Hán. Yếu tố gốc Hán là
khái niệm nặng về từ vựng, nó có thể liên quan trực tiếp đến cách đọc chữ Hán của
người Việt, cũng có thể không liên quan gì đến văn tự Hán (như trên đã nói). Khác
với yếu tố gốc Hán, yếu tố Hán Việt là những yếu tố mượn thông qua cách đọc Hán
13
Việt. Điểm giống nhau giữa yếu tố Hán Việt và cách đọc Hán Việt là đều liên quan
đến văn tự Hán. Tiếng Hán Việt và từ Hán Việt nằm trong yếu tố Hán Việt, xét về
mặt ngữ pháp.
1.3. Khái niệm và nhận diện từ ngữ Hán Việt
1.3.1. Khái niệm từ ngữ Hán Việt
Bàn về từ Hán Việt, Nguyễn Văn Khang đã nhận định thật xác đáng rằng:
“Cho đến nay, khái niệm “từ Hán Việt” dường như mới chỉ được xác định về mặt lí
thuyết mà vẫn còn nhiều điều bỏ ngỏ trong thực tế và đó cũng là lí do giải thích vì
sao việc xác định một danh sách từ Hán Việt cụ thể vẫn chưa thể thực hiện được”
[32; tr.99]. Thật vậy, từ ngữ Hán Việt thường được hiểu chung chung là từ ngữ vay
mượn của tiếng Hán, nhưng lại phát âm theo cách phát âm Hán Việt, lối phát âm
riêng của người Việt. Nhưng trên thực tế, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh
được hệ thống ngữ âm lịch sử của tiếng Việt và tiếng Hán, cho nên khái niệm từ
Hán Việt vẫn mang tính ước đoán.
Có một điều cần khẳng định là từ ngữ Hán Việt nói riêng và từ ngữ gốc Hán
nói chung đã được chú ý nghiên cứu từ mấy chục năm trở lại đây và đã đạt được
nhiều thành tựu quan trọng. Ở đây cần phân biệt một số khái niệm: từ tiền Hán Việt
(từ Hán cổ), từ Hán Việt, từ Hán Việt Việt hóa, từ truyền khẩu gốc Hán.
Từ tiền Hán Việt hay còn gọi là từ Hán cổ là những từ gốc Hán du nhập vào
Việt Nam từ trước đời Đường chủ yếu thông qua con đường khẩu ngữ và được du
nhập một cách lẻ tẻ, chưa có hệ thống. Về mặt âm đọc, từ tiền Hán Việt được mô
phỏng theo âm Hán Thượng cổ. Ở giai đoạn này, hệ thống tiếng Việt còn thiếu từ
ngữ biểu đạt nên từ tiền Hán Việt được Việt hóa cao độ để bù đắp vào chỗ thiếu hụt
trong hệ thống từ vựng tiếng Việt. Và cũng chính vì chúng được Việt hóa cao độ
nên dần dần người Việt hiện đại không còn nhận ra được nguồn gốc vay mượn của
chúng, xem chúng là những từ thuần Việt. Chúng cũng giữ vai trò quan trọng trong
hệ thống từ vựng tiếng Việt, được người Việt sử dụng rộng rãi, phổ biến. Chẳng
hạn, những từ như buồng, buồm, bùa, bụt, mùa, mây v.v.
14
Còn về từ Hán Việt, Nguyễn Ngọc San cho rằng: “Khác với từ tiền Hán
Việt được du nhập một cách lẻ tẻ và đọc mô phỏng theo âm Hán Thượng cổ, lớp từ
Hán Việt được du nhập một cách ồ ạt và tạo thành một hệ thống ngữ âm riêng. Âm
Hán Việt là âm đọc của tất cả các từ Hán được Việt hóa theo một con đường như
nhau, xuất phát điểm của nó là âm Hán Trung cổ ở các thế kỉ VIII, IX, trước thời tự
chủ ít lâu. Âm này được Việt hóa từ đầu thời tự chủ (thế kỉ X) khi tiếng Hán đã mất
tính cách là một sinh ngữ nên tuân theo những quy luật ngữ âm tiếng Việt và phụ
thuộc vào bộ máy cấu âm của người Việt” [53; tr.155].
Trong công trình Văn phạm Việt Nam (Giản dị và thực dụng), Bùi Đức Tịnh
[62] đã nêu một cách hiểu đơn giản hơn về từ Hán Việt như sau: “Có thể định nghĩa
một cách giản dị rằng tiếng Hán Việt là những tiếng Hán phát âm theo lối Việt. Ban
đầu nó là những chữ Hán mà khi học trong sách Trung Hoa, các nhà tri thức nước ta
đọc trại đi theo giọng Việt...”.
Hầu hết các tác giả đều thống nhất từ Hán Việt là lớp từ tiếng Việt mượn
tiếng Hán, đọc theo âm Hán Việt. Cách đọc này có từ đời Đường, là kết quả trực
tiếp của sự giao thoa ngôn ngữ giữa tiếng Trung Quốc đời Đường, với tiếng Việt
cùng thời điểm. Sau đời Đường, hầu hết các từ mượn Hán qua con đường sách vở
được người Việt đọc theo cách này và đi vào kho từ vựng tiếng Việt được coi là từ
Hán Việt.
Từ Hán Việt Việt hóa, xét về mặt thời điểm hình thành thì chúng xuất hiện
sau từ Hán Việt, sau khi âm Hán Việt hình thành và trở nên một hệ thống ngữ âm
tương đối ổn định thì trong tiếng Việt vẫn tiếp tục xảy ra những sự biến đổi ngữ âm.
Những biến đổi này không tác động đồng loạt vào tất cả những bộ phận của âm Hán
Việt, vì hệ thống ngữ âm Hán Việt lúc này đã ổn định, nên chỉ tác động vào những
đơn vị lẻ tẻ. Các từ Hán Việt khi nhập vào hệ thống từ vựng tiếng Việt đã chịu sự
tác động của quy luật biến đổi ngữ âm của tiếng Việt. Vì vậy, khiến một số từ đã
thay đổi diện mạo của mình, không giống với dạng ngữ âm Hán Việt ban đầu nữa.
Dạng ngữ âm Hán Việt của từ có khi vẫn tồn tại trong tiếng Việt, tạo nên những cặp
15
từ song song tồn tại. Chẳng hạn, những cặp từ như các – gác, can – gan, đao – dao,
đình – dừng, lực – sức v.v.
Từ gốc Hán mô phỏng theo phương ngữ Trung Quốc (còn gọi là từ truyền
khẩu gốc Hán), lớp từ này được du nhập vào tiếng Việt chủ yếu bằng con đường
khẩu ngữ của những người nói phương ngữ tiếng Hán. Loại này có số lượng ít,
không thành hệ thống, không mang tính phổ thông, chẳng hạn, bò bía, xí quách, xì
dầu, cháo quẩy, thèo lèo, lạp xưởng, xương xáo, số dách, mỳ chính, tàu hủ, há cảo.
Như vậy, có thể nói rằng từ ngữ Hán Việt là từ ngữ được đọc theo âm Hán
Việt, xuất phát điểm là âm Hán Trung cổ ở các thế kỉ VIII, IX đọc theo âm chuẩn ở
Trường An lúc bấy giờ. Không nên nói rằng từ ngữ Hán Việt là từ Việt gốc Hán,
điều này đúng nhưng chưa đủ, vì từ ngữ Hán Việt còn bao gồm cả những từ vốn
không phải là gốc Hán, mà do người Hán mượn một ngôn ngữ khác, rồi người Việt
vay mượn lại và đọc theo âm Hán Việt như các từ Hán Việt khác. Chẳng hạn,
những từ như trường hợp, kinh tế, cộng hòa có nguồn gốc từ tiếng Nhật Bản; phật,
nát bàn, Di Lặc có nguồn gốc từ tiếng Phạn. Ngoài ra, từ ngữ Hán Việt còn bao
gồm những từ do người Việt tạo ra nhưng sử dụng yếu tố cấu tạo có nguồn gốc
Hán, chẳng hạn, y sĩ, đại đội, tiểu đoàn, thiếu tá.
1.3.2. Nhận diện từ ngữ Hán Việt
Từ ngữ Hán Việt chiếm số lượng rất lớn trong hệ thống từ vựng tiếng Việt,
song việc nhận diện chúng lại là một việc làm không đơn giản. Sau khi du nhập vào
tiếng Việt, từ ngữ Hán hầu hết đều có sự biến đổi ở những mức độ khác nhau: “Với
nhiều dáng vẻ, chúng đã xen lẫn vào trong hệ thống từ vựng tiếng Việt, rất nhiều
trường hợp khó có thể phân định ranh giới giữa từ ngoại lai và từ vốn có” [36;
tr.59]. Tiếng Việt và tiếng Hán đều là những ngôn ngữ đơn lập, âm tiết tính. Nét
tương đồng về mặt loại hình cộng thêm sự Việt hóa cao độ đã làm cho những đơn vị
vay mượn Hán nhanh chóng nhập hệ vào hệ thống tiếng Việt, gây không ít trở ngại
cho việc xác định ranh giới rạch ròi.
Nhận diện từ ngữ Hán Việt là thao tác đầu tiên nhưng lại rất quan trọng trước
khi muốn đưa ra bất cứ nhận định nào về các đơn vị này. Các nhà nghiên cứu
16
thường dựa vào chữ Hán và âm đọc Hán Việt làm xuất phát điểm để nhận diện từ
ngữ Hán Việt. Đây là cách làm mang tính phương pháp luận để xem xét các từ ngữ
Hán Việt trong các văn bản tiếng Việt, bao gồm cả văn bản Hán – Nôm lẫn văn bản
Latinh hóa. Theo Lê Đình Khẩn: “Đối với văn bản viết bằng chữ Nôm thì thao tác
này, nói chung, tương đối thuận lợi. Còn đối với loại văn bản đã Latinh hóa, tức là
văn bản chữ quốc ngữ, thì còn phải thêm một bước khác, bước “phục nguyên”,
bước “quy đổi” các âm tiết, các “tiếng” ra dạng viết ban đầu của nó, dạng viết mà
chủ yếu qua đó tiếng Việt đã vay mượn được từ Hán: chữ Hán. Nói cách khác, âm
đọc Hán Việt và chữ Hán có thể xem là dấu hiệu ban đầu để nhận biết phần lớn từ
gốc Hán” [36; tr.62-63]. Tuy nhiên, khi du nhập vào tiếng Việt, cái cấu trúc một thể
ba ngôi vốn có trong tiếng Hán: âm, hình, nghĩa không còn nữa. Tiếng Việt chỉ
mượn âm, nhưng âm cũng rất đa dạng, nghĩa cũng được mở rộng, thu hẹp, biến đổi
rất phong phú; đặc biệt, những từ mượn của tiếng Hán trong tiếng Việt hiện nay đều
không mượn hình. Từ một thể ba ngôi trong ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích
không còn nguyên dạng, do đó trên thực tế, nhận diện từ ngữ Hán Việt là rất khó
khăn. Càng khó khăn hơn đối với đại đa số những người không am tường chữ Hán.
Vì vậy, ngoài sự hiểu biết ít ỏi về vốn từ Hán Việt được học trong nhà trường,
người học phải xuất phát từ cảm thức ngôn ngữ để nhận diện từ ngữ Hán Việt như
đề xuất của tác giả Phan Ngọc (1992). Tác giả “đi tìm cái ấn tượng Hán Việt trong
tâm hồn tôi” (tr.9) và cho rằng: “Người bình thường nói năng và viết lách không hề
quan tâm đến lịch sử. Anh ta nói và viết dựa vào cái cảm thức ngôn ngữ của mình.
Anh ta cảm thấy từ này thuần Việt, từ kia Hán Việt, từ này dễ hiểu, từ kia khó hiểu,
từ này nghe sang trọng, từ kia nghe quá mộc mạc, từ này nghe kêu, từ kia ít âm
hưởng nghe không kêu, từ này nghe buồn, từ kia nghe vui v.v… Những ấn tượng ấy
rất mơ hồ, nhưng có thực” [48; tr.9-10]. Cách đề xuất của Phan Ngọc mang tính
cảm tính nhiều hơn là khoa học, bởi đây là mẹo.
Tác giả Lê Anh Hiền cho rằng: “Cho đến nay, gần như chưa có một tiêu chí
nào để có thể giúp phân biệt được từ Hán Việt với từ thuần Việt, trừ khi chỉ nói
chung chung “từ Hán Việt là một từ mượn của tiếng Hán”. Tác giả còn khẳng định:
17
Nói chung, đối với những người không có chút hiểu biết gì về chữ Hán mà yêu cầu
họ chỉ ra từ nào là từ Hán Việt là một việc rất khó” (dẫn theo Nguyễn Đức Tồn [69;
tr.45]. Tác giả cũng đã nêu một số mặt biểu hiện của từ Hán Việt giúp nhận biết từ
Hán Việt trong dòng ngữ lưu như sau:
1. Về ý nghĩa: từ Hán Việt là những từ tiếng Việt thường phải được giải
nghĩa thì mới hiểu chúng một cách thấu đáo. Ví dụ, đồng bào: người cùng ruột thịt
với nhau (cùng một bọc sinh ra) v.v…
2. Về mặt cấu tạo: theo đặc điểm cấu tạo danh từ của tiếng Hán thì yếu tố
phụ đặt trước yếu tố chính, ngược với trật tự cấu tạo từ tiếng Việt. Thí dụ: mĩ nhân
(mĩ: đẹp, nhân: người).
3. Về phương diện ngữ cảm: các từ Hán Việt thường có sắc thái trang trọng,
tao nhã (xem Nguyễn Đức Tồn [69; tr.45-46]).
Theo tác giả Nguyễn Đức Tồn: “2 trong số 3 tiêu chí nêu trên để nhận diện
từ Hán Việt thuộc về nội dung ngữ nghĩa của từ. Còn tiêu chí cấu tạo từ thì chỉ áp
dụng được cho danh từ mà không áp dụng được cho động từ (có cấu trúc động + bổ
kiểu như: ái quốc, thất tình v.v.) [69; tr.46].
Trong bài viết của mình, với mục đích giúp cho học sinh nhận diện và phân
biệt được các tiếng Hán Việt nói chung, từ đơn Hán Việt nói riêng với các tiếng và
từ đơn thuần Việt, Nguyễn Đức Tồn đã chủ trương dựa vào đặc điểm cấu tạo âm
thanh (tức là các kết hợp âm có trong chúng). Từ đó, tác giả phân thành ba loại như
sau:
“Loại thứ 1: Các cấu tạo âm thanh chỉ có ở các tiếng (hoặc từ đơn) Hán
Việt:
Bất cứ tiếng nào trong tiếng Việt có chứa các kết hợp âm sau đây thì đều là
tiếng Hán Việt (hoặc từ đơn Hán Việt).
- uyên (trừ ngoại lệ nguyền, chuyền, chuyện), thí dụ: duyên, tuyên, quyến v.v.
- uyết, thí dụ tuyệt, quyết, tuyết, tuyệt, thuyết v.v.
- ưu, thí dụ: cửu, cừu, cứu, bưu, bửu, ngưu v.v.
- uy, thí dụ: tuy, tùy, tủy, túy, quý, quỷ, quy v.v.
18
Câu văn để ghi nhớ giúp nhận diện tiếng (hoặc từ đơn) Hán Việt:
nguyện quyết cứu nguy
Bất cứ tiếng (hoặc từ đơn) nào có chứa vần của 4 từ trong câu trên dù có âm
đầu hoặc mang thanh điệu nào cũng đều là Hán Việt, trừ một vài ngoại lệ.
Loại thứ 2: Các cấu tạo âm thanh chỉ có ở tiếng (hoặc từ đơn thuần Việt):
- Mọi tiếng có kết hợp âm ết đều là thuần Việt (trừ ngoại lệ: kết là Hán Việt).
- Mọi tiếng có kết hợp âm ưng đều là thuần Việt (ngoại trừ ưng, ứng, ngưng
là Hán Việt).
Những tiếng nào có âm đầu là [r] thì đều là thuần Việt
Thí dụ ro, rò, rỉ, rả, rẻ v.v.
Loại thứ 3: Các cấu tạo âm thanh có ở cả tiếng Hán Việt lẫn tiếng thuần
Việt:
Thí dụ: Đối với kết hợp “âm”:
- tâm, tẩm cẩm, lâm: Hán Việt
- lầm, bầm, gấm, lấm v.v.: thuần Việt” [69; tr.48-49].
Ngoài ra, đối với trường hợp các tiếng (hoặc từ đơn) có chứa những kết hợp
âm có thể là Hán Việt hoặc thuần Việt thì dùng 3 ba tiêu chí mà Lê Anh Hiền nêu ở
trên để nhận diện. Tác giả Nguyễn Đức Tồn còn đưa ra một thủ pháp khác nữa là:
“Một tiếng nếu đứng riêng một mình thì rất khó xác định là thuần Việt hay Hán
Việt. Để xác định ta thử tìm xem có từ ghép Hán Việt nào trong thành phần có chứa
tiếng đó hay không. Nếu tìm được thì tiếng được chứa trong từ ghép Hán Việt ấy
cũng chính là Hán Việt” [69; tr.48-49].
Đối với các từ song tiết là từ ghép Hán Việt, Nguyễn Đức Tồn đưa ra hai tiêu
chí:
- trật tự yếu tố: yếu tố chính đứng sau yếu tố phụ: hải quân, không phận,
chiến thuyền v.v.
- ý nghĩa của từ khái quát, trang trọng (so với từ thuần Việt nếu có). Thí dụ:
Để xác định tiếng phận là Hán Việt hay thuần Việt, chúng ta thấy kết hợp âm ân có
cả trong tiếng Hán Việt lẫn tiếng thuần Việt cho nên buộc ta phải dùng quy tắc cấu
19
tạo từ. Do ta tìm được trong từ vựng tiếng Việt có từ hải phận (hoặc không phận),
trật tự các yếu tố phụ + chính, cho nên hải phận, không phận là những từ Hán Việt.
Từ đây có thể rút ra kết luận rằng phận là tiếng Hán Việt [69; tr.49].
Nhận diện từ Hán Việt nói chung, từ ngoại lai nói riêng, Phan Ngọc chỉ thừa
nhận từ từ song tiết trở lên. Tác giả Viết: “Bất kỳ âm tiết nào có thể hoạt động làm
thành từ đơn tiết đều được xem là từ thuần Việt. Nói khác đi, theo cảm thức ngôn
ngữ của người Việt, nghe một từ đơn tiết thì ngay lập tức người Việt cấp cho nó
danh hiệu từ thuần Việt, sự phân biệt giữa thuần Việt với Hán Việt hay ngoại lai chỉ
bắt đầu từ từ song tiết trở lên mà thôi” [48; tr.10-11]. Tác giả còn khẳng định rằng:
“Khi chúng tôi nói hễ là từ đơn tiết thì đó là từ thuần Việt tức là chúng tôi công thức
hóa: Từ đơn tiết (hình thức) = thuần Việt (nội dung) [48; tr.11].
Đối với các từ đa tiết Hán Việt, tác giả lấy căn cứ “dễ hiểu hay khó hiểu” để
nhận diện chúng còn là từ Hán Việt hay đã thành từ Việt nhờ hai tiêu chí là: 1) vị trí
của âm tiết Hán Việt đứng trước tổ hợp là âm tiết A hay âm tiết B1
và 2) trật tự -
cấu trúc tổ hợp ngược hay xuôi (tức là, nói về các tổ hợp chính phụ có kết hợp theo
kiểu AB – xuôi hay BA – ngược). Cụ thể:
Những từ Hán Việt có công thức AA và AB theo trật tự của tiếng Việt (trật
tự xuôi) sẽ được coi là từ thuần Việt, chẳng hạn: chúc thọ, hung bạo, độc ác; đối
ngoại, thông minh, tài năng.
Những từ Hán Việt có công thức AA và BA theo trật tự ngược sẽ được coi là
từ Hán Việt, chẳng hạn: dân tình, tà thuật, chủ quyền; tổ quốc, tự nhiên, học giả,
động lực, hiền thê.
Phan Ngọc nhận diện từ Hán Việt chỉ căn cứ vào hai tiêu chí trật tự cú pháp
và dễ hiểu hay khó hiểu là chưa thật thỏa đáng. Tiêu chí dễ hiểu hay khó hiểu khá
1
Phan ngọc cho rằng trong tiếng Việt có 4 loại âm tiết, tác giả ký hiệu là A, B, C, D:
- A là những âm tiết tự do, những âm tiết này làm từ độc lập như: gà, cỏ, sắc, già, cũ, mỏng…
- B là những âm tiết không tự do và không đơn nhất, đây là những âm tiết tự mình không phải là từ độc
lập nhưng có thể được dùng để cấu tạo một loạt từ như: thiên tạo ra các từ thiên mệnh, thiên định…
- C là các âm tiết không tự do, đơn nhất và không láy âm như: a trong: a-xít, a-men, a-di-đà; qué, dả,
tom, pheo trong gà qué, cỏ dả, già tom, tre pheo…
- D là âm tiết không tự do, đơn nhất, láy âm như: xỏ, chóc, đai, nhẽo trong xin xỏ, chim chóc, đất đai,
nhạt nhẽo…
20
mơ hồ. Thêm vào đó, nhận diện từ ngữ Hán Việt không chỉ căn cứ vào tiêu chí ngữ
pháp, ngữ nghĩa mà còn phải có sự kết hợp về mặt ngữ âm và phong cách.
1.4. Phân loại từ ngữ Hán Việt trong tiếng Việt
Dựa vào cấu trúc, từ ngữ Hán Việt được phân thành hai loại lớn: từ và ngữ cố
định Hán Việt.
1.4.1. Từ Hán Việt
Căn cứ vào phương thức cấu tạo, từ Hán Việt chia thành hai loại: từ Hán
Việt đơn tiết và từ Hán Việt đa tiết. Từ Hán Việt đơn tiết hay còn gọi là từ đơn Hán
Việt, từ Hán Việt đa tiết bao gồm từ ghép và từ láy Hán Việt.
1.4.1.1. Từ đơn Hán Việt
Từ đơn Hán Việt là những từ có một từ tố do một âm tiết có nghĩa, độc lập
tạo nên, chúng có khả năng hoạt động độc lập trong câu. Do đặc điểm loại hình mà
trong tiếng Việt nhiều từ đơn Hán Việt thường có ranh giới trùng với âm tiết (tiếng),
do đó chúng vừa là từ vừa là đơn vị cấu tạo từ và cấu tạo câu. Chẳng hạn, những từ
như: nhân, nghĩa, đạo, tình, hiếu, hòa, trung, khuyết, sinh, sầu v.v.
1.4.1.2. Từ ghép Hán Việt
Từ ghép là khái niệm được hầu hết các nhà Việt ngữ học công nhận, nhưng
bên cạnh đó vẫn có một số tác giả nghi ngờ hoặc không chấp nhận khái niệm này.
Bởi theo các tác giả này, tiếng là từ, các đơn vị lớn hơn tiếng (từ ghép, từ láy) được
gọi là ngữ.
Cách phân loại từ ghép tiếng Việt tuy có khác nhau giữa các nhà Việt ngữ
học nhưng họ đều có điểm chung là tính đến mối quan hệ giữa các thành tố. Căn cứ
vào quan hệ giữa các thành tố, từ ghép được chia thành từ ghép đẳng lập (từ ghép
song song, từ ghép liên hợp) và từ ghép chính phụ.
a. Từ ghép Hán Việt đẳng lập
“Từ ghép đẳng lập còn được gọi là từ ghép láy nghĩa, từ ghép nghĩa, từ ghép
song song, từ ghép hợp nghĩa, từ ghép kết hợp, từ ghép nghĩa liên hợp, v.v. Đó là
loại từ ghép được tạo thành bởi các thành tố đồng loại, theo quan hệ bình đẳng, để
biểu thị ý nghĩa khái quát, tổng hợp và trừu tượng; trật tự của các thành tố không
21
chặt chẽ lắm. Cũng có thể nói, chúng là những từ tổ (ngữ) đã được từ vựng hóa”
[36; tr.146]. Trong từ ghép đẳng lập, về quan hệ ngữ pháp, các yếu tố có vai trò ngữ
pháp ngang nhau; xét về ý nghĩa, các yếu tố hoặc là đồng nghĩa, gần nghĩa, trái
nghĩa hoặc là cùng có liên quan với nhau trong một trường nghĩa nhất định.
Cơ chế chung của từ ghép đẳng lập thường là nghĩa của cả từ ghép rộng hơn,
khái quát hơn so với nghĩa của các thành tố cộng lại. Chẳng hạn, giang sơn có nghĩa
chỉ miền đất đai, trong quan hệ với dân tộc làm chủ và sống trên đó; nhân nghĩa có
nghĩa là lòng thương người và tôn trọng lẽ phải, điều phải v.v. Nhìn chung, các yếu
tố cấu thành từ ghép Hán Việt đẳng lập thường thấy là: (i) Từ ghép Hán Việt đẳng
lập có nghĩa tương đồng như: thổ địa, ẩn tàng; (ii) Từ ghép Hán Việt đẳng lập có
nghĩa tương quan như: giang sơn, sơn thủy, sơn hà, huynh đệ, phụ mẫu; (iii) Từ
ghép Hán Việt đẳng lập có nghĩa tương phản như: sinh tử, thủy chung, thị phi.
b. Từ ghép Hán Việt chính phụ
Nếu từ ghép Hán Việt đẳng lập là loại từ ghép được tạo ra bằng hai thành tố
Hán Việt theo quan hệ ngang nhau về kết cấu cũng như ý nghĩa thì từ ghép Hán
Việt chính phụ ngược lại. Đây là kiểu từ ghép được cấu tạo bởi một thành tố chính
và một thành tố phụ. Thành tố chính đóng vai trò là nòng cốt, trung tâm, thành tố
phụ đóng vai trò hạn định, bổ sung, trần thuật hoặc chi phối. Chính nhờ nghĩa hạn
định, bổ sung, trần thuật hoặc chi phối mà nghĩa của cả từ ghép trở nên cụ thể hơn.
Chẳng hạn, từ ghép quốc ngữ gồm có hai thành tố: thành tố ngữ chỉ ngôn ngữ nói
chung, không hạn định; thành tố quốc mang nghĩa hạn định, chỉ về quốc gia. Nhờ
vậy, nó tạo cho cả từ ghép có nghĩa chuyên biệt hóa: chỉ tiếng nói chung của một
quốc gia.
Dựa vào quan hệ giữa các thành tố, từ ghép Hán Việt chính phụ được chia
thành: (i) từ ghép Hán Việt chính phụ có quan hệ hạn định: quốc ngữ, quý nhân, quý
vật, hiền thê; (ii) từ ghép Hán Việt chính phụ có quan hệ bổ sung: thuyết phục,
thuyết hàng, thuyết khách; (iii) từ ghép Hán Việt chính phụ có quan hệ trần thuật:
địa chấn, dân chúng; (iv) từ ghép Hán Việt chính phụ có quan hệ chi phối: quản
nhiệm, quản sự, trực tính.
22
1.4.2. Ngữ cố định Hán Việt
Ngữ thường được hiểu là “hai hay nhiều từ kết hợp lại thành một nhóm theo
một số phương thức nhất định, song chưa diễn đạt được một ý trọn vẹn, gọi là ngữ
(còn gọi là cụm từ, đoản ngữ, phiến ngữ hay từ tổ) [7; tr.228]. Ngữ thường được
chia ra thành hai loại: ngữ tự do và ngữ không tự do (ngữ cố định). “Ngữ tự do bao
gồm những ý nghĩa từ vựng độc lập của tất cả các thực từ tạo thành ngữ; mối liên hệ
cú pháp của các yếu tố trong ngữ tự do là mối liên hệ linh hoạt và có sức sản sinh
(kiểu như đọc sách). Còn trong ngữ không tự do thì tính độc lập về mặt từ vựng của
một hoặc cả hai thành tố bị yếu đi hoặc bị mất và ý nghĩa từ vựng của ngữ trở nên
giống như ý nghĩa của một từ riêng biêt (…)” [76; tr.176-177].
Trong luận văn này, ngữ được giới hạn trong ngữ cố định Hán Việt bao gồm:
ngữ định danh và thành ngữ Hán Việt.
Theo Nguyễn Thiện Giáp: “Ngữ định danh là những cụm từ biểu thị các sự
vật, hiện tượng hay khái niệm nào đó của thực tế. Nó bao gồm những cụm từ
thường được gọi là từ ghép như: xe đạp, máy tiện, cá vàng, cà chua, áo dài v.v… và
những cụm từ thường được gọi là ngữ cố định như đường đồng mức, phương nằm
ngang, máy hơi nước v.v…” [19; tr.70].
Các tác giả Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt đã chia cụm từ cố định trong
tiếng Việt thành hai loại: ngữ cố định và thành ngữ. Trong đó, ngữ cố định tiếp tục
được phân thành: ngữ cố định định danh và quán ngữ. Theo các tác giả này, tên gọi
ngữ cố định định danh chưa thật sự chặt chẽ: “Tên gọi này chúng ta tạm dùng (vì nó
chưa thật chặt về nội dung) để chỉ những đơn vị vốn ổn định về cấu trúc và ý nghĩa
hơn các quán ngữ rất nhiều, nhưng lại chưa có được ý nghĩa mang tính hình tượng
như thành ngữ” [11; tr.162]. Chẳng hạn: quân sư quạt mo, mắt ốc nhồi, mắt bồ câu,
má bánh đúc, tóc rễ tre, kỷ luật sắt v.v…, thực chất đó là những cụm từ cố định,
định danh, gọi tên sự vật.
Chúng tôi tiếp thu nội hàm khái niệm ngữ cố định định danh của các tác giả
Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt và khái niệm ngữ định danh của Nguyễn Thiện
23
Giáp nhưng chỉ ở vế sau, nghĩa là những cụm từ cố định nhưng chưa phải là thành
ngữ.
Do đó, trong luận văn này, những trường hợp mà lâu nay ngữ pháp truyền
thống gọi là từ ghép như: ái ân, nhân hậu, nhân đạo, phu thê v.v…, chúng tôi vẫn
giữ nguyên tên gọi; còn những trường hợp như đạo cang thường, nghĩa cang
thường, thủy chung như nhứt v.v..., chúng tôi gọi là ngữ định danh.
Thành ngữ là “cụm từ hay ngữ cố định có tính nguyên khối về ngữ nghĩa, tạo
thành một chỉnh thể định danh có ý nghĩa chung khác tổng số ý nghĩa của các thành
tố cấu thành nó, tức là không có nghĩa đen và hoạt động như một từ riêng biệt ở
trong câu” [76; tr.271]. Cũng như thành ngữ thuần Việt, thành ngữ Hán Việt có kết
cấu chặt chẽ và ổn định, có chức năng định danh và được tái hiện trong lời nói.
Nghĩa của thành ngữ Hán Việt là nghĩa khái quát của các thành tố, mang tính biểu
trưng và gợi tả. Đó là các thành ngữ như: quân tử nhất ngôn, họa phúc vô môn, họa
hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm v.v…
1.5. Sự khác biệt giữa từ ngữ Hán Việt và từ ngữ thuần Việt đẳng nghĩa
Từ đẳng nghĩa là hiện tượng hai yếu tố ngôn ngữ ngang nghĩa nhau nhưng lại
khác nhau về nguồn gốc. Từ Hán Việt và từ thuần Việt được gọi là đẳng nghĩa khi
chúng cùng biểu thị những sự vật, hiện tượng, hành động, tính chất tương đương
nhau. Chẳng hạn, huynh đệ (Hán Việt) = anh em (thuần Việt), phụ mẫu (Hán Việt)
= cha mẹ (thuần Việt) v.v…
Nếu trong ngôn ngữ có hiện tượng hai từ đồng nghĩa hoàn toàn sẽ xảy ra
hiện tượng “tranh chấp”, chúng sẽ loại trừ, triệt tiêu nhau, nếu sử dụng từ này thì
không sử dụng từ kia. Tuy nhiên, để cùng song tồn, chúng phải cạnh tranh nhau về
nhiều mặt: sắc thái ý nghĩa, sắc thái biểu cảm và màu sắc phong cách.
1.5.1. Về sắc thái ý nghĩa
Từ ngữ Hán Việt thường có sắc thái ý nghĩa trừu tượng. Chẳng hạn, thảo
mộc, sơn hà, giang sơn, thiên địa v.v…
Từ ngữ thuần Việt thường có sắc thái ý nghĩa cụ thể hơn. Chẳng hạn, cỏ cây,
núi sông, sông núi, trời đất v.v…
24
Sự khác nhau này khiến cho từ ngữ Hán Việt mang tính chất tĩnh tại, không
sinh động, gợi hình. Trong khi đó, do có sắc thái ý nghĩa cụ thể nên từ ngữ thuần
Việt mang tính chất sinh động, gợi hình.
1.5.2. Về sắc thái biểu cảm
Đại bộ phận từ ngữ Hán Việt có sắc thái biểu cảm dương tính. Chẳng hạn,
hảo tâm, nhân ái, hy sinh, phát biểu, phu thê, hiền thê v.v…
Đại bộ phận từ ngữ thuần Việt có sắc thái biểu cảm trung tính hoặc âm tính.
Chẳng hạn, lòng tốt, thương người, bỏ mạng, nói, vợ chồng, vợ hiền v.v…
1.5.3. Về màu sắc phong cách
Từ ngữ Hán Việt thường được dùng trong giao tiếp mang tính nghi thức. Một
số từ ngữ Hán Việt do chỉ xuất hiện ở giao tiếp mang tính nghi thức hoặc ít xuất
hiện trong giao tiếp không mang tính nghi thức nên có tính chất cổ kính, không
thông dụng. Chẳng hạn, phụ mẫu, phu nhân, phu quân, mẫu thân, mẫu từ v.v…
Từ ngữ thuần Việt nhìn chung được dùng nhiều trong các phong cách ngôn
ngữ và đặc biệt là trong phong cách khẩu ngữ nên có màu sắc đa phong cách và
mang tính thông dụng. Chẳng hạn, cha mẹ, vợ, chồng, mẹ v.v…
Giữa từ ngữ Hán Việt và từ ngữ thuần Việt đẳng nghĩa có sự đối lập về đặc
điểm tu từ rất rõ. Bên cạnh đó, từ ngữ Hán Việt do có sắc thái ý nghĩa trừu tượng,
khái quát, sắc thái biểu cảm dương tính nên thường đem đến cho ta những khái
niệm tĩnh tại, không sắc màu cụ thể, thiếu sự vận động, mang hình ảnh của thế giới
ý niệm. Do đó, lớp từ này rất thích hợp khi miêu tả những gì ngưng đọng, cổ xưa.
Trái lại, từ ngữ thuần Việt được dùng để tả những cái cụ thể, chân thực, sinh động
như bản thân của sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan. Chính vì vậy mà
trong sáng tác thơ văn, các nghệ sĩ ngôn từ phải biết lựa chọn từ ngữ thích hợp,
đúng chỗ để đem lại hiệu quả nghệ thuật cao nhất, phát huy hết giá trị của ngôn từ.
1.6. Khái quát về ca dao Nam Bộ
Ca dao Nam Bộ là một hình thức thể hiện của văn hóa tinh thần, là tư tưởng,
tình cảm, ý nghĩ trung thực của người dân Nam Bộ, thậm chí ngay cả những người
dân không biết chữ. Đặc sắc của ca dao Nam Bộ vì thế là phản ánh được đời sống
25
vật chất, tinh thần của con người, là nơi ẩn chứa đầy đủ nhất về tâm tư tình cảm và
khát vọng của những con người đi mở đất và những lớp người kế tiếp nhau trên
mảnh đất Nam Bộ mà không có quyền lực nào có thể ngăn cản được. Nằm trong hệ
thống ca dao Việt Nam, ca dao Nam Bộ cũng có những điểm chung và khu biệt so
với ca dao cả nước.
1.6.1. Ca dao Nam Bộ
Nằm trong hệ thống văn học dân gian Việt Nam và là một bộ phận quan
trọng của ca dao Việt Nam, ca dao Nam Bộ là một bộ phận của văn học dân gian
được sưu tầm ở vùng đất Nam Bộ. Đây là những sáng tác nghệ thuật được truyền
miệng, được lưu truyền ở vùng đất Nam Bộ. Nghĩa là nó có thể được nhân dân sáng
tác trong suốt mấy thế kỷ qua trên vùng đất mới. Song, nó còn là vốn văn hóa cổ
truyền được cất giữ trong trí nhớ của những người đi mở cõi từ các địa phương khác
nhau tụ họp về đây. Nói đơn giản hơn, nó là tác phẩm nghệ thuật truyền miệng được
sưu tầm, ghi chép từ chính những người hiện đang sinh sống trong vùng truyền lại.
Trong đó, bộ phận cốt lõi nhất là những lời ca dao được sáng tác trên mảnh đất Nam
Bộ. Nó thể hiện được lời ăn tiếng nói, tâm tư tình cảm của người Nam Bộ cùng với
những nét đặc thù của vùng đất mới được hình thành và phát triển song song với
lịch sử khai phá và sự phát triển về văn hóa xã hội trên chính mảnh đất này.
1.6.2. Ngôn ngữ ca dao Nam Bộ
Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên và rất quan trọng để tạo nên một tác phẩm nghệ
thuật ngôn từ. Nói đến ca dao Nam Bộ không thể không nói đến ngôn ngữ ca dao
Nam Bộ. Ngôn ngữ cũng là lĩnh vực rất quan trọng để xem xét sắc thái địa phương.
Phương ngữ Nam Bộ hình thành và phát triển cùng với tiến trình lịch sử khai hoang
vùng đất Nam Bộ. Phương ngữ Nam Bộ là phương ngữ của vùng đất Nam Bộ. Nó
thể hiện cách nói, cách sử dụng từ ngữ, kiểu phát âm riêng của người Nam Bộ.
Phương ngữ Nam Bộ còn là nơi chứa đựng các yếu tố văn hóa, phong tục tập quán,
sinh hoạt xã hội của con người và vùng đất Nam Bộ.
26
Tìm hiểu phương ngữ Nam Bộ được thể hiện qua ca dao Nam Bộ là một
cách nhằm khẳng định thêm tính độc đáo, sắc sảo, phong phú và đa dạng của người
Nam Bộ xưa trong việc sử dụng lời ăn tiếng nói của mình.
Phương ngữ Nam Bộ thể hiện trong ca dao Nam Bộ là sự biến âm của ngôn
ngữ toàn dân và một số từ chuyên dụng ở Nam Bộ mới hiểu. Người Nam Bộ nói ở
bển, ở trển, dìa, đờn, hổ ngươi,.... chứ không nói ở bên đó, ở trên đó, về, xấu hổ
(mắc cỡ).
Chẳng hạn:
Ở trển xuống đây cách năm bảy đám ruộng đồng
Muốn ghé thăm anh một chút, sợ cô bác nói gái tầm chồng em hổ ngươi.
Ca dao Nam Bộ còn sử dụng nhiều từ ngữ mang tính phương ngữ khác như:
mốc thích, chơm bơm, tùm lum, lui cui lúc cúc,...
- Con cò nó mổ con lươn
Bớ chị ghe lườn muốn tía tui hông
Tía tui lịch sự quá chừng
Cái lưng mốc thích, cái đầu chơm bơm.
- Gió đưa bụi chuối tùm lum
Má dữ như hùm ai dám làm dâu.
- Lui cui lúc cúc (lút cút) xúc con cá sặt mồi
Lên doi xuống vịnh lần hồi nuôi nhau.
Người Nam Bộ tất phải nói theo cách Nam Bộ. Có lẽ một trong những giọng
của họ là theo cách bộc trực, ngang tàng, phóng túng:
Con ếch ngồi dựa gốc bưng,
Nó kêu cái “quệt” biểu ưng cho rồi.
Trong hoàn cảnh tự tình với nhau, đôi khi họ không dùng những từ hoa mỹ,
không nói những từ chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa, mà chỉ nói một cách mộc mạc,
bình dân, cốt sao bày tỏ được lòng mình:
Anh về em nắm vạt áo em la làng
Phải bỏ chữ thương chữ nhớ giữa đàng cho em.
27
Tuy nhiên cần khẳng định rằng, không phải ca dao Nam Bộ không có những
bài có lối nói trau chuốt như ca dao Bắc hay Trung Bộ. Ca dao Nam Bộ không thiếu
những câu óng ả, chải chuốt, nhưng mức độ và liều lượng của những trường hợp
này không nhiều. Trong cách biểu đạt như vậy, ngôn ngữ của ca dao Nam Bộ
thường biểu hiện ở sự nhỏ nhẹ, hiền lành, ngộ nghĩnh, dễ thương:
Trông lên chữ ứ
Ngó xuống chữ ư
Anh thương em, thủng thẳng em ừ
Anh đừng thương vội, phụ mẫu từ nghĩa em.
Phương ngữ Nam Bộ ra đời tuy có muộn hơn so với phương ngữ của các
vùng khác, nhưng không vì thế mà nó nghèo nàn, hời hợt, mà trái lại nó rất đa dạng,
phong phú và sâu lắng. Nó chứa đựng các yếu tố văn hóa, phong tục tập quán cùng
tính cách của con người Nam Bộ. Phương ngữ Nam Bộ không chỉ đơn thuần là
khẩu ngữ của người Nam Bộ mà nó đã bước vào văn học nghệ thuật với một tư thế
rất đường hoàng. Những câu ca dao Nam Bộ vừa dẫn trên là một minh chứng cho
điều này.
Ngoài việc sử dụng phương ngữ, ca dao Nam Bộ còn dùng khá nhiều từ ngữ
Hán Việt.
Chẳng hạn:
Trai tứ chiếng, gái giang hồ,
Gặp nhau ta nổi cơ đồ cũng nên.
Hay:
Thủy để ngư thiên biên nhạn,
Cao khả xạ hề, để khả điếu,
Chỉ xích nhơn tâm bất khả phòng,
E sao lòng lại đổi lòng
Nhiều người tham bưởi chê bòng lắm anh.
28
Không chỉ sử dụng nhiều từ ngữ Hán Việt, ca dao Nam Bộ còn sử dụng
nhiều biến thể từ ngữ Hán Việt, đây là nét độc đáo trong cách dùng từ ngữ của ca
dao Nam Bộ.
1.7. Tiểu kết
Từ ngữ Hán Việt là các từ ngữ gốc Hán được đọc theo âm Hán Việt. Âm
Hán Việt là âm đọc của tất cả các từ ngữ Hán của người Việt, lấy xuất phát điểm là
âm Hán Trung cổ ở các thế kỷ VIII, IX (ứng với thời kỳ triều đại nhà Đường, Trung
Quốc). Quá trình Việt hóa này trải qua hàng mấy thế kỷ mới hình thành ra âm Hán
Việt ngày nay.
Từ ngữ Hán Việt có những đặc điểm riêng về ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp
và phong cách. Dựa vào đó ta có thể nhận diện được từ ngữ Hán Việt và phân biệt
được với từ ngữ thuần Việt đẳng nghĩa.
Trong giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp mang tính nghi thức, từ ngữ Hán Việt
được sử dụng rất nhiều. Sở dĩ từ ngữ Hán Việt được dùng nhiều là bởi cũng giống
như Nhật Bản và Hàn Quốc, tiếng Việt có khoảng trên 60% (có tài liệu còn cho
rằng khoảng 70%) từ ngữ Hán Việt.
Ca dao Nam Bộ nói riêng, ca dao cả nước nói chung sử dụng từ ngữ Hán
Việt là điều dễ hiểu. Từ ngữ Hán Việt cũng là lớp từ ngữ nằm trong hệ thống từ
vựng tiếng Việt, chiếm số lượng nhiều hơn từ ngữ thuần Việt, nên dù ít hay nhiều
nó cũng được sử dụng là tất yếu. Thêm vào đó, người Nam Bộ nói riêng, người Việt
Nam nói chung, họ nói theo thói quen, theo kinh nghiệm: tri kỳ sở nhiên bất tri kỳ
sở dĩ nhiên (biết nó là thế nhưng không biết tại sao nó lại là thế). Thế nên, từ ngữ
Hán Việt được sử dụng ít nhiều khác nhau cũng là do thói quen, kinh nghiệm, vốn
sống v.v…, của mỗi người, mỗi vùng khác nhau.
29
Chương 2. TỪ NGỮ HÁN VIỆT TRONG CA DAO NAM BỘ
TRÊN BÌNH DIỆN NGÔN NGỮ
Trong chương này, luận văn trình bày đặc điểm của từ ngữ Hán Việt trong ca
dao Nam Bộ ở ba góc độ: ngữ âm, cấu tạo - ngữ pháp và ngữ nghĩa.
2.1. Đặc điểm về ngữ âm của từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ
Xét về mặt ngữ âm, từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ tồn tại ở 3 dạng:
từ ngữ Hán Việt có vỏ ngữ âm toàn dân, từ ngữ Hán Việt có vỏ ngữ âm phương ngữ
hóa và từ ngữ Hán Việt có hai vỏ ngữ âm (hai cách đọc Hán Việt).
2.1.1. Từ ngữ Hán Việt có vỏ ngữ âm toàn dân
Đây là loại từ ngữ có âm đọc Hán Việt dựa trên cách đọc Hán Việt theo ngữ
âm chuẩn của toàn dân; về cách viết, chúng được viết theo các quy tắc ghi hệ thống
các âm vị của tiếng Việt hiện đại (chúng tôi dựa vào cách chú âm trong các từ điển
tường giải từ ngữ Hán Việt). Đó là các từ như: đạo, nghĩa, nhân, đạo nghĩa, nhân
nghĩa, nhân đạo, nhân hậu, nhật nguyệt, quân tử nhất ngôn v.v…
2.1.2. Từ ngữ Hán Việt có vỏ ngữ âm phương ngữ hóa
Từ ngữ Hán Việt phương ngữ hóa là từ ngữ Hán Việt được phát âm theo
phương ngữ Nam Bộ. Theo thống kê của chúng tôi, trong ca dao Nam Bộ có tất cả
12 yếu tố Hán Việt có biến thể ngữ âm địa phương (phương ngữ hóa), những yếu tố
này vừa là từ (từ đơn) vừa là yếu tố cấu tạo từ và ngữ. Đó là các yếu tố như:
chính / chánh - chánh tà
sinh / sanh - sanh tử, sanh thành, sanh dưỡng, thập tử nhất sanh
thịnh / thạnh - thạnh suy, thạnh thời
nhân / nhơn - nhơn hậu, nhơn đạo, nhơn tình, nhơn nghĩa, nhơn ngãi, nhơn
ngỡi, tri nhơn tri diện bất tri tâm
nhất / nhứt - quân tử nhứt ngôn, thủy chung như nhứt
nhật / nhựt - nhựt nguyệt, nhứt nhựt vãng lai
nho / nhu
hồng / hường - hường nhan
phong / phuông - tiên phuông
30
trọng / trượng - tình thâm ngỡi trượng
nghĩa / ngãi, ngỡi - ngãi nhơn, ngỡi nhơn, tình thâm ngỡi trượng
quý / quới - quyền quới
Yếu tố Hán Việt phương ngữ hóa xuất hiện ở cả từ đơn tiết, từ song tiết và
thành ngữ Hán Việt; số lượng và tần số sử dụng cụ thể như sau:
Đối tượng thống kê Số lượng Tần số sử dụng Tỉ lệ %
Từ đơn tiết 8 61 12, 1%
Từ song tiết 32 87 48, 5%
Thành ngữ 26 34 39, 4%
Tổng số 66 182 100%
Hiện tượng phương ngữ hóa từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ có thể do
ba nguyên nhân chính. Nguyên nhân thường thấy nhất là do thói quen nói sao viết
vậy của người Nam Bộ. Nguyên nhân thứ hai là do kỵ húy mà một số từ ngữ Hán
Việt được nói và viết trại đi, chẳng hạn, tên tước và miếu hiệu của Nguyễn Phúc
Thái (1648-1691) là Anh Tôn Hiếu Nghĩa nên nghĩa phải gọi là ngãi; tên tước của
Nhân quận công Nguyễn Phúc Lan nên nhân phải đọc trại thành nhơn; hồng phải
nói trại thành hường vì kỵ húy Hồng Nhậm, tức vua Tự Đức v.v. Cuối cùng là do
cách gieo vần, tạo nhịp mà một số từ ngữ biến đổi cho phù hợp với yêu cầu vần
nhịp, chẳng hạn như:
Chiều chiều vịt lội ao sen,
Tình cờ gặp lại người quen tôi chào,
Chào cô trước mũi tiên phuông,
Chào cô sau lái mặt vuông chữ điền,
Người nào là vợ Vân Tiên?
Cho tôi biết để chào liền chị dâu.
Người nào người ngỡi tôi đâu?
Nói cho tôi biết để gởi câu ân tình.
Từ tiên phong trong câu lục của bài ca dao trên biến âm thành tiên phuông để
đáp ứng yêu cầu gieo vần (uông) trong câu bát ở dưới.
31
Như vậy, dù là lý do nào đi chăng nữa thì những từ ngữ Hán Việt vừa nêu
cũng đã trở thành đặc sản ngôn ngữ của người Nam Bộ. Những từ ngữ này xuất
hiện nhiều trong ca dao Nam Bộ mà ít hoặc không xuất hiện ở ca dao các miền
khác, vì vậy mà chúng tôi gọi đây là từ ngữ Hán Việt có vỏ ngữ âm phương ngữ
hóa.
2.1.3. Từ ngữ Hán Việt có hai âm đọc Hán Việt
Ngoài việc sử dụng từ ngữ Hán Việt có vỏ ngữ âm phương ngữ hóa, ca dao
Nam Bộ còn sử dụng một số từ ngữ Hán Việt có hai âm đọc Hán Việt cùng tồn tại,
chẳng hạn như các yếu tố: hoàng/ huỳnh, khang/ khương, phúc/ phước, vũ/ võ, hoa/
huê, tùng/ tòng v.v… Cũng như trong từ ngữ Hán Việt có vỏ ngữ âm phương ngữ
hóa, yếu tố Hán Việt có hai âm đọc Hán Việt xuất hiện ở cả từ đơn tiết, từ song tiết
và thành ngữ Hán Việt. Cụ thể như sau:
TỪ NGỮ HÁN VIỆT Số lượng Tần số sử dụng Tỉ lệ %
Từ đơn tiết 6 19 9, 7%
Từ song tiết 37 81 59, 7%
Thành ngữ 19 31 30, 6%
Tổng số 62 131 100%
Sở dĩ từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ có hai cách đọc Hán Việt khác
nhau song song cùng tồn tại là do tập tục kỵ húy. Chẳng hạn, Đoan quốc công
Nguyễn Hoàng, thủy tổ của triều Nguyễn sau này, âm húy là Hoàng, nên các âm
hoàng đọc và nói chệch thành huỳnh, chữ hoàng và huỳnh cùng có chung chữ viết,
chỉ khác âm đọc; khang phải nói chệch thành khương vì kiêng húy Lê Khang (đời
thứ hai dòng Lê Trừ) và Hiếu Khang hoàng đế (cha vua Gia Long); phúc phải nói
trại thành phước là vì tên đệm của các vua nhà Nguyễn là Phúc (Nguyễn Phúc Ánh
– Gia Long; Nguyễn Phúc Thì – Tự Đức); âm vũ nói trại là võ vì kiêng húy vua Lê
Huyền Tông (Duy Vũ ), có lẽ cũng vì vậy mà có âm vũ môn bên cạnh võ môn; hoa
phải nói trại thành huê vì tên húy của quý phi Hồ Thị Hoa v.v…
Ca dao Nam Bộ có nhiều hiện tượng nói trại, tạo nên lớp từ biến âm đa dạng
trong lời nói của người Nam Bộ. Họ không nói nghĩa mà nói ngãi/ ngỡi; nhơn ngãi,
32
nhơn ngỡi thay cho nhân nghĩa; nhơn đạo, nhơn hậu thay cho nhân đạo, nhân hậu.
Nguyên nhân thì có nhiều: vì kiêng huý, thói quen nói sao viết vậy, hoặc đơn thuần
chỉ để hiệp vần cho thơ v.v...
2.2. Đặc điểm về cấu tạo – ngữ pháp của từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ
Xét về đặc điểm cấu tạo, từ ngữ Hán Việt được chia thành hai loại: từ và
ngữ. Về đặc điểm ngữ pháp, tức là dựa vào ý nghĩa khái quát, khả năng kết hợp và
khả năng đảm nhiệm chức vụ cú pháp trong hoạt động kết hợp của từ trong ngữ lưu,
từ ngữ Hán Việt được chia thành các từ loại khác nhau.
2.2.1. Từ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ
Từ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ tồn tại ở ba dạng: từ đơn, từ ghép và từ
láy. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, từ láy Hán Việt xuất hiện rất ít, bên
cạnh đó vấn đề từ láy nói chung và từ láy Hán Việt nói riêng là một vấn đề đang còn
bỏ ngỏ nên luận văn không bàn đến vấn đề này.
2.2.1.1. Từ đơn Hán Việt
Trong 727 từ ngữ thống kê được trong ca dao Nam Bộ có 88 từ đơn Hán Việt,
chiếm tỉ lệ 12, 1%. Đây là tỉ lệ không cao, nhưng tần số xuất hiện của một số từ lại
khá cao, chẳng hạn, từ thiếp xuất hiện 44 lần, từ nghĩa xuất hiện 55 lần (chưa kể các
biến thể của nó), từ sầu xuất hiện 71 lần v.v…
Xét về ý nghĩa khái quát, về khả năng kết hợp và khả năng đảm nhiệm chức vụ
cú pháp trong hoạt động kết hợp của từ trong ngữ lưu, có thể chia từ đơn Hán Việt
trong ca dao Nam Bộ thành năm loại: từ đơn Hán Việt là danh từ, từ đơn Hán Việt
là động từ, từ đơn Hán Việt là tính từ, từ đơn Hán Việt là số từ và từ đơn Hán Việt
là kết từ.
a. Từ đơn Hán Việt là danh từ: ân, bể, châu, chiếu, dương, điền, đạo, họa,
hổ, kiều (cầu), lệ/ lụy, long, môn, nghĩa/ ngãi/ ngỡi, nguyệt, nhân/ nhơn, nhu,
phụng, quy, sơn, hữu, tả, tâm, thi, thiếp, thủy, tình, vi (vây).
Các từ đơn Hán Việt danh từ trong ca dao Nam Bộ đều có nghĩa chỉ sự vật và
khái niệm trừu tượng.
b. Từ đơn Hán Việt là động từ: ái, đáo, hiệp, hồi, luỵ, mãi, mãn, ngộ, ngự,
33
nhẫn, phụ, sinh/ sanh, tầm, tế, thác, thệ, thọ, trầm, triệu, trượng (trọng), tử,
vãn, vong, tòng/ tùng.
Các từ đơn Hán Việt động từ trong ca dao Nam Bộ đều có nghĩa chỉ hoạt
động và trạng thái.
c. Từ đơn Hán Việt là tính từ: an, bạch, bần, cận, côi, đồng, đơn, góa,
hiếu, hòa, kép, phú, quý, sầu, thanh, trung, trường, viễn.
Các từ đơn Hán Việt tính từ trong ca dao Nam Bộ đều có nghĩa chỉ tính chất.
d. Từ đơn Hán Việt là số từ: nhứt, nhì, tam, thiên.
e. Từ đơn Hán Việt là phụ từ: dĩ.
Trong các từ loại kể trên, từ đơn Hán Việt là danh từ chiếm tỉ lệ nhiều nhất,
từ đơn Hán Việt là kết từ chiếm tỉ lệ thấp nhất, chỉ có 1 từ, kế đến là từ đơn Hán
Việt số từ chỉ có 4 từ.
2.2.1.2. Từ ghép Hán Việt
Từ ghép chiếm số lượng nhiều nhất trong tổng số từ ngữ Hán Việt trong ca
dao Nam Bộ: 507 từ, tần số xuất hiện là 1029 lượt, chiếm tỉ lệ 69, 7%.
a. Từ ghép Hán Việt nhìn từ tiêu chí ngữ nghĩa
Xét từ tiêu chí ngữ nghĩa, từ ghép Hán Việt trong ca dao Nam Bộ được chia
thành hai loại: từ ghép hợp nghĩa và từ ghép phân nghĩa.
a1. Từ ghép Hán Việt hợp nghĩa
Từ ghép hợp nghĩa hay còn gọi là từ ghép hội nghĩa, từ ghép phối nghĩa. Từ
ghép Hán Việt hợp nghĩa, xét về quan hệ ngữ pháp chính là từ ghép đẳng lập. Trong
từ ghép hợp nghĩa, các yếu tố kết hợp với nhau phải là những yếu tố có nghĩa biểu
thị khái niệm thuộc cùng một phạm trù (có quan hệ gần nghĩa, đồng nghĩa hoặc trái
nghĩa). Từ ghép hợp nghĩa có quá trình tổ chức lại các yếu tố ngữ nghĩa theo quy
tắc nhất định để tạo thành nghĩa hoàn chỉnh cao hơn. Sự hợp nghĩa có quy tắc nhất
định, vì thế đối với những từ có cùng cơ cấu ta có thể áp dụng chung quy tắc giải
thích nghĩa.
Từ ghép hợp nghĩa có đặc điểm quan trọng là nghĩa của từng thành tố phối
hợp với nhau, hợp lại với nhau tạo ra ý nghĩa chung của cả từ ghép. Nghĩa chung
34
của cả từ ghép bằng hoặc khái quát hơn nghĩa riêng của các thành tố cộng lại. Đó là
các từ như: dưỡng nuôi, nuôi dưỡng, đàm tiếu, đệ huynh, giang hà, giang hồ, giang
san/ giang sơn, nghĩa nhân/ ngãi nhân/ ngãi nhơn/ nghĩa nhơn/ ngỡi nhân, nhân
nghĩa/ nhân ngãi/ nhân ngỡi/ nhơn ngãi/ nhơn nghĩa, nghĩa tình, nhật nguyệt, phu
phụ, phu thê, phụ mẫu, phụ tử, sơn cước, sơn hà, sơn khê, sơn lâm, thủy hỏa, tiền
tài, tình nghĩa, ái ân, hiệp tan, hợp tan, nhớ thương, sanh tử, tử sanh, thạnh suy,
chính tà, hiếu trung, phú quý, quyền quý/ quyền quới, thị phi, thủy chung, xung khắc
v.v…
Chẳng hạn, từ giang sơn có nghĩa rộng hơn, khái quát hơn nghĩa của các
thành tố cộng lại. Giang là sông, sơn là núi. Sông và núi tượng trưng cho lãnh thổ
của dân tộc sống và làm chủ trên đó, nên giang sơn có nghĩa là đất nước. Giang sơn
còn có nghĩa chỉ tất cả những gì mình có. Như vậy, nghĩa của giang sơn khái quát
hơn nghĩa của giang + sơn.
Từ phu phụ có nghĩa là chồng vợ, trường hợp này nghĩa của phu phụ bằng
nghĩa của phu + phụ.
a2. Từ ghép Hán Việt phân nghĩa
Từ ghép phân nghĩa, xét về quan hệ ngữ pháp còn gọi là từ ghép chính phụ.
Từ ghép Hán Việt phân nghĩa có một yếu tố chỉ loại sự vật, hiện tượng lớn, yếu tố
còn lại có tác dụng phân chia loại sự vật, hoạt động, đặc trưng lớn thành những loại
sự vật, hoạt động, đặc trưng cụ thể. Đó là các từ như: gia cang, gia đàng/ gia
đường, gia tài, hành khách, hiền thê, học trò, hữu duyên, khách du, lê viên, loan
phòng, ngư phủ, nho sĩ, nữ nhân, nữ phòng, song thân, trượng phu, tư tình, an bài,
an giấc, an tình, hồi hương, hồi quân, phụ nghĩa, phụ tình, bạc nghĩa, bạc phận,
bạc tình, đa tình, vô phúc, vô phước, vô tình, vô tội, vô ý v.v...
Căn cứ vào yếu tố mang nghĩa chỉ loại và yếu tố có tác dụng phân nghĩa, có
thể chia từ ghép Hán Việt phân nghĩa thành hai loại: từ ghép Hán Việt phân nghĩa
có yếu tố chỉ loại đứng trước và từ ghép Hán Việt phân nghĩa có yêu tố chỉ loại
đứng sau:
35
Từ ghép Hán Việt phân nghĩa có yếu tố chỉ loại đứng trước: phụ nghĩa, phụ
tình, bạc nghĩa, bạc phận, bạc tình, sầu ái, sầu tư, vô phúc, vô phước, vô tình, vô
tội, vô ý v.v...
Từ ghép Hán Việt phân nghĩa có yếu tố chỉ loại đứng sau: hành khách, hiền
thê, học trò, lê viên, loan phòng, ngư phủ, nho sĩ, nữ nhân, nữ phòng v.v...
Như vậy, xét về quan hệ nghĩa giữa các thành tố trong từ ghép, nếu các thành
tố kết hợp lại tạo ra nghĩa khái quát ta có từ ghép hợp nghĩa; nếu các thành tố kết
hợp với nhau mà một thành tố mang nghĩa khái quát, thành tố còn lại phân chia hạn
định thành tố mang nghĩa khái quát ta có từ ghép phân nghĩa. Từ ghép hợp nghĩa và
từ ghép phân nghĩa chính là từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ theo cách phân
loại dựa trên tiêu chí cấu tạo.
b. Từ ghép Hán Việt nhìn từ tiêu chí cấu tạo
Dựa vào đặc điểm cấu tạo của các thành tố về mặt cú pháp, từ ghép Hán Việt
được chia thành hai loại: từ ghép Hán Việt đẳng lập và từ ghép Hán Việt chính phụ.
b1. Từ ghép Hán Việt đẳng lập
Từ ghép Hán Việt đẳng lập là loại từ ghép được tạo thành bởi các yếu tố
đồng loại, theo quan hệ bình đẳng, ngang nhau về mặt ngữ pháp. Đó là các từ như:
cang thường, cốt nhục, danh vọng, dung nhan, duyên nợ, duyên tình, đệ huynh,
giang hà, giang hồ, giang sơn/ giang san, kim thạch, loan phụng, nghĩa nhơn/ ngãi
nhân/ ngãi nhơn/ ngỡi nhân, nhân nghĩa/ nhân ngãi/ nhân ngỡi/ nhơn ngãi/ nhơn
nghĩa, nghĩa lý, nghĩa tình, nguyệt hoa, nhân tình/ nhơn tình, nhật nguyệt/ nhựt
nguyệt, nhơn đạo, phu phụ, phu thê, phụ mẫu, phụ tử, phụng loan, sơn cước, sơn
hà, sơn khê, sơn lâm, thủy hỏa, tiền tài, tình nghĩa, trí tài, ái ân, ân ái, biệt ly,
dưỡng nuôi, nuôi dưỡng, đàm tiếu, hiệp hòa, hiệp tan/ hợp tan, ly biệt, nhớ thương,
oán hận, oán thù, sanh tử, tử sanh, thác vong, thạnh suy, bần cùng, bình an, bình
yên, chính tà, cơ cực, cơ hàn, hiếu hạnh, hiếu trung, phú quý, quyền quý/ quyền
quới, thị phi, thịnh trị, thủy chung, xung khắc v.v…
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ

Weitere ähnliche Inhalte

Was ist angesagt?

GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐGIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐlongvanhien
 
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX nataliej4
 
Luận án: Phát triển năng lực đọc hiểu văn bản cho học sinh trung học phổ thôn...
Luận án: Phát triển năng lực đọc hiểu văn bản cho học sinh trung học phổ thôn...Luận án: Phát triển năng lực đọc hiểu văn bản cho học sinh trung học phổ thôn...
Luận án: Phát triển năng lực đọc hiểu văn bản cho học sinh trung học phổ thôn...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868 VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868 nataliej4
 
Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn trong truyện cười dân gian Việt Nam
Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn trong truyện cười dân gian Việt NamNghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn trong truyện cười dân gian Việt Nam
Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn trong truyện cười dân gian Việt NamDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...PinkHandmade
 

Was ist angesagt? (20)

GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐGIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
 
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAYLuận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
 
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAYLuận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
 
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAYLuận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
 
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIXLuận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
 
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
 
Luận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đ
Luận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đLuận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đ
Luận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đ
 
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đLuận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
 
Luận án: Phát triển năng lực đọc hiểu văn bản cho học sinh trung học phổ thôn...
Luận án: Phát triển năng lực đọc hiểu văn bản cho học sinh trung học phổ thôn...Luận án: Phát triển năng lực đọc hiểu văn bản cho học sinh trung học phổ thôn...
Luận án: Phát triển năng lực đọc hiểu văn bản cho học sinh trung học phổ thôn...
 
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868 VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
 
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAYLuận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
 
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXI
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXILuận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXI
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXI
 
Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn trong truyện cười dân gian Việt Nam
Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn trong truyện cười dân gian Việt NamNghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn trong truyện cười dân gian Việt Nam
Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn trong truyện cười dân gian Việt Nam
 
Luận văn: Đặc điểm từ ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn của Sơn Nam, 9 ĐIỂM
Luận văn: Đặc điểm từ ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn của Sơn Nam, 9 ĐIỂMLuận văn: Đặc điểm từ ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn của Sơn Nam, 9 ĐIỂM
Luận văn: Đặc điểm từ ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn của Sơn Nam, 9 ĐIỂM
 
Luận văn: Truyện Nôm trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, 9đ
Luận văn: Truyện Nôm trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, 9đLuận văn: Truyện Nôm trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, 9đ
Luận văn: Truyện Nôm trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, 9đ
 
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyếtLuận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
 
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAYLuận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
 
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...
 
Luận văn: Dạy học đọc hiểu văn bản thơ trữ tình trong THPT, HAY
Luận văn: Dạy học đọc hiểu văn bản thơ trữ tình trong THPT, HAYLuận văn: Dạy học đọc hiểu văn bản thơ trữ tình trong THPT, HAY
Luận văn: Dạy học đọc hiểu văn bản thơ trữ tình trong THPT, HAY
 
Luận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAY
Luận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAYLuận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAY
Luận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAY
 

Ähnlich wie Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ

TRẠNG THÁI ĐA NGỮ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ.pdf
TRẠNG THÁI ĐA NGỮ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ.pdfTRẠNG THÁI ĐA NGỮ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ.pdf
TRẠNG THÁI ĐA NGỮ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ.pdfNuioKila
 
NGHIÊN CỨU BIỂU TƢỢNG KHÈN TRONG DÂN CA MÔNG TỪ VĂN HÓA ĐẾN VĂN HỌC DÂN GIAN.pdf
NGHIÊN CỨU BIỂU TƢỢNG KHÈN TRONG DÂN CA MÔNG TỪ VĂN HÓA ĐẾN VĂN HỌC DÂN GIAN.pdfNGHIÊN CỨU BIỂU TƢỢNG KHÈN TRONG DÂN CA MÔNG TỪ VĂN HÓA ĐẾN VĂN HỌC DÂN GIAN.pdf
NGHIÊN CỨU BIỂU TƢỢNG KHÈN TRONG DÂN CA MÔNG TỪ VĂN HÓA ĐẾN VĂN HỌC DÂN GIAN.pdfNuioKila
 
Khóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn Khuyến
Khóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn KhuyếnKhóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn Khuyến
Khóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn KhuyếnDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 

Ähnlich wie Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ (20)

Khoá Luận Tốt Nghiệp Một Số Yếu Tố Văn Hoá Trung Hoa Trong Ca Dao Việt Nam
Khoá Luận Tốt Nghiệp Một Số Yếu Tố Văn Hoá Trung Hoa Trong Ca Dao Việt NamKhoá Luận Tốt Nghiệp Một Số Yếu Tố Văn Hoá Trung Hoa Trong Ca Dao Việt Nam
Khoá Luận Tốt Nghiệp Một Số Yếu Tố Văn Hoá Trung Hoa Trong Ca Dao Việt Nam
 
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đLuận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
 
Luận án: Từ ngữ Công giáo trong các bản kinh nguyện của các Giáo phận Dòng tạ...
Luận án: Từ ngữ Công giáo trong các bản kinh nguyện của các Giáo phận Dòng tạ...Luận án: Từ ngữ Công giáo trong các bản kinh nguyện của các Giáo phận Dòng tạ...
Luận án: Từ ngữ Công giáo trong các bản kinh nguyện của các Giáo phận Dòng tạ...
 
Luận án: Từ ngữ nghề nghiệp nghề biển ở Thanh Hóa (Từ bình diện ngôn ngữ - vă...
Luận án: Từ ngữ nghề nghiệp nghề biển ở Thanh Hóa (Từ bình diện ngôn ngữ - vă...Luận án: Từ ngữ nghề nghiệp nghề biển ở Thanh Hóa (Từ bình diện ngôn ngữ - vă...
Luận án: Từ ngữ nghề nghiệp nghề biển ở Thanh Hóa (Từ bình diện ngôn ngữ - vă...
 
TRẠNG THÁI ĐA NGỮ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ.pdf
TRẠNG THÁI ĐA NGỮ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ.pdfTRẠNG THÁI ĐA NGỮ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ.pdf
TRẠNG THÁI ĐA NGỮ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ.pdf
 
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ thời trang Anh Việt, HAY
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ thời trang Anh Việt, HAYLuận án: Đối chiếu thuật ngữ thời trang Anh Việt, HAY
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ thời trang Anh Việt, HAY
 
Đề tài: Dàn dựng làn điệu hát Then dân ca Tày tại trường sư phạm
Đề tài: Dàn dựng làn điệu hát Then dân ca Tày tại trường sư phạmĐề tài: Dàn dựng làn điệu hát Then dân ca Tày tại trường sư phạm
Đề tài: Dàn dựng làn điệu hát Then dân ca Tày tại trường sư phạm
 
NGHIÊN CỨU BIỂU TƢỢNG KHÈN TRONG DÂN CA MÔNG TỪ VĂN HÓA ĐẾN VĂN HỌC DÂN GIAN.pdf
NGHIÊN CỨU BIỂU TƢỢNG KHÈN TRONG DÂN CA MÔNG TỪ VĂN HÓA ĐẾN VĂN HỌC DÂN GIAN.pdfNGHIÊN CỨU BIỂU TƢỢNG KHÈN TRONG DÂN CA MÔNG TỪ VĂN HÓA ĐẾN VĂN HỌC DÂN GIAN.pdf
NGHIÊN CỨU BIỂU TƢỢNG KHÈN TRONG DÂN CA MÔNG TỪ VĂN HÓA ĐẾN VĂN HỌC DÂN GIAN.pdf
 
Khóa luận tốt nghiệp cái say trong thơ nguyễn khuyến
Khóa luận tốt nghiệp cái say trong thơ nguyễn khuyếnKhóa luận tốt nghiệp cái say trong thơ nguyễn khuyến
Khóa luận tốt nghiệp cái say trong thơ nguyễn khuyến
 
Luận án: Đặc điểm trường từ vựng - ngữ nghĩa chỉ trang phục, HAY
Luận án: Đặc điểm trường từ vựng - ngữ nghĩa chỉ trang phục, HAYLuận án: Đặc điểm trường từ vựng - ngữ nghĩa chỉ trang phục, HAY
Luận án: Đặc điểm trường từ vựng - ngữ nghĩa chỉ trang phục, HAY
 
Luận án: Nghiên cứu văn bản Then cấp sắc Nôm Tày, HAY
Luận án: Nghiên cứu văn bản Then cấp sắc Nôm Tày, HAYLuận án: Nghiên cứu văn bản Then cấp sắc Nôm Tày, HAY
Luận án: Nghiên cứu văn bản Then cấp sắc Nôm Tày, HAY
 
Khóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn Khuyến
Khóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn KhuyếnKhóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn Khuyến
Khóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn Khuyến
 
Luận án: Đặc điểm ngữ nghĩa của từ ngữ trong ca dao tình yêu người Việt
Luận án: Đặc điểm ngữ nghĩa của từ ngữ trong ca dao tình yêu người ViệtLuận án: Đặc điểm ngữ nghĩa của từ ngữ trong ca dao tình yêu người Việt
Luận án: Đặc điểm ngữ nghĩa của từ ngữ trong ca dao tình yêu người Việt
 
Luận văn: Đặc điểm ngữ nghĩa của từ ngữ trong ca dao tình yêu, HOT
Luận văn: Đặc điểm ngữ nghĩa của từ ngữ trong ca dao tình yêu, HOTLuận văn: Đặc điểm ngữ nghĩa của từ ngữ trong ca dao tình yêu, HOT
Luận văn: Đặc điểm ngữ nghĩa của từ ngữ trong ca dao tình yêu, HOT
 
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾ...
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾ...TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾ...
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾ...
 
Phân tích câu về cú pháp dựa vào thuộc tính kết trị của từ, HAY
Phân tích câu về cú pháp dựa vào thuộc tính kết trị của từ, HAYPhân tích câu về cú pháp dựa vào thuộc tính kết trị của từ, HAY
Phân tích câu về cú pháp dựa vào thuộc tính kết trị của từ, HAY
 
Đề tài: Dạy hát ca khúc nghệ thuật tại Nhà văn hóa tại Hà Nội, 9đ
Đề tài: Dạy hát ca khúc nghệ thuật tại Nhà văn hóa tại Hà Nội, 9đĐề tài: Dạy hát ca khúc nghệ thuật tại Nhà văn hóa tại Hà Nội, 9đ
Đề tài: Dạy hát ca khúc nghệ thuật tại Nhà văn hóa tại Hà Nội, 9đ
 
Đề tài: Dạy hòa tấu ban nhạc đệm cho ca khúc nhạc nhẹ, HAY, 9đ
Đề tài: Dạy hòa tấu ban nhạc đệm cho ca khúc nhạc nhẹ, HAY, 9đĐề tài: Dạy hòa tấu ban nhạc đệm cho ca khúc nhạc nhẹ, HAY, 9đ
Đề tài: Dạy hòa tấu ban nhạc đệm cho ca khúc nhạc nhẹ, HAY, 9đ
 
Đề tài: Đưa hát chầu văn vào hoạt động ngoại khóa âm nhạc, 9đ
Đề tài: Đưa hát chầu văn vào hoạt động ngoại khóa âm nhạc, 9đĐề tài: Đưa hát chầu văn vào hoạt động ngoại khóa âm nhạc, 9đ
Đề tài: Đưa hát chầu văn vào hoạt động ngoại khóa âm nhạc, 9đ
 
Luận án: Đặc trưng thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại, HAY
Luận án: Đặc trưng thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại, HAYLuận án: Đặc trưng thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại, HAY
Luận án: Đặc trưng thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại, HAY
 

Mehr von Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

Mehr von Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620 (20)

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 

Kürzlich hochgeladen

Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận HạnTử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận HạnKabala
 
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ emcác nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ emTrangNhung96
 
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnBài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnpmtiendhti14a5hn
 
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docxasdnguyendinhdang
 
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng TạoĐề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạowindcances
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...ChuThNgnFEFPLHN
 
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhàBài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhàNguyen Thi Trang Nhung
 
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhbài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhdangdinhkien2k4
 
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfxemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfXem Số Mệnh
 
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net VietKiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net VietNguyễn Quang Huy
 
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfxemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfXem Số Mệnh
 
Giới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vn
Giới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vnGiới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vn
Giới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vnKabala
 
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdfGiáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf4pdx29gsr9
 
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình PhươngGiáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phươnghazzthuan
 
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docxbài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docxTrnHiYn5
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Kürzlich hochgeladen (20)

Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận HạnTử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
 
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ emcác nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
 
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnBài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
 
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
 
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng TạoĐề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
 
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
 
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhàBài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
 
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhbài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
 
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfxemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
 
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
 
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net VietKiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
 
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfxemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
 
Giới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vn
Giới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vnGiới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vn
Giới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vn
 
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdfGiáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
 
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình PhươngGiáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
 
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docxbài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 

Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ

  • 1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH --------------- Đào Duy Tùng TỪ NGỮ HÁN VIỆT TRONG CA DAO NAM BỘ LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC TP. HỒ CHÍ MINH – 2012 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
  • 2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH --------------- ĐÀO DUY TÙNG TỪ NGỮ HÁN VIỆT TRONG CA DAO NAM BỘ Chuyên ngành: NGÔN NGỮ HỌC Mã số: 60 22 01 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS. TS. DƯ NGỌC NGÂN Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
  • 3. LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành chương trình cao học và viết luận văn này, tôi đã nhận được sự hướng dẫn, giúp đỡ và góp ý nhiệt tình của quý thầy cô trong tổ bộ môn Ngôn ngữ khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn đến quý thầy cô trong tổ bộ môn Ngôn ngữ khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là những thầy cô đã tận tình dạy bảo cho tôi suốt thời gian học tập tại trường. Tôi xin gửi lời biết ơn sâu sắc đến PGS. TS. Dư Ngọc Ngân đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết hướng dẫn nghiên cứu và giúp tôi hoàn thành luận văn. Nhân đây, tôi xin chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Phòng sau đại học đã tạo rất nhiều điều kiện để tôi học tập và hoàn thành tốt khóa học. Đồng thời, tôi cũng xin cảm ơn quý anh, chị học viên cùng lớp, các đồng nghiệp đã động viên, ủng hộ, tạo điều kiện cho tôi trong suốt thời gian học và làm luận văn. Mặc dù tôi đã có nhiều cố gắng hoàn thiện luận văn bằng tất cả sự nhiệt tình và năng lực của mình, tuy nhiên không thể tránh khỏi những thiếu sót, rất mong nhận được những đóng góp quý báu của quý thầy cô và các bạn. TP. Hồ Chí Minh, tháng 9 năm 2012 Tác giả
  • 4. LỜI CAM ĐOAN Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, thu thập số liệu và viết luận văn, người viết đã tham khảo nhiều tài liệu và có ghi chú rõ ràng nguồn trích dẫn. Do vậy, ngoài những trích dẫn được ghi xuất xứ, tôi xin cam đoan rằng toàn bộ những nội dung và số liệu trong luận văn này do tôi tự khảo sát, nghiên cứu và thực hiện. Tác giả
  • 5. MỤC LỤC Trang phụ bìa Lời cảm ơn Lời cam đoan Mục lục DẪN NHẬP............................................................................................................................... 1 Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ LIÊN QUAN............................. 8 1.1. Từ gốc Hán và từ Hán Việt ............................................................................................ 8 1.2. Phân biệt cách đọc Hán Việt, yếu tố gốc Hán, tiếng Hán Việt, từ Hán Việt................ 11 1.3. Khái niệm và nhận diện từ ngữ Hán Việt..................................................................... 13 1.4. Phân loại từ ngữ Hán Việt trong tiếng Việt.................................................................. 20 1.4.1. Từ Hán Việt............................................................................................................... 20 1.4.2. Ngữ cố định Hán Việt ............................................................................................... 22 1.5. Sự khác biệt giữa từ ngữ Hán Việt và từ ngữ thuần Việt đẳng nghĩa........................... 23 1.5.1. Về sắc thái ý nghĩa .................................................................................................... 23 1.5.2. Về sắc thái biểu cảm.................................................................................................. 24 1.5.3. Về màu sắc phong cách............................................................................................. 24 1.6. Khái quát về ca dao Nam Bộ........................................................................................ 24 1.6.1. Ca dao Nam Bộ ......................................................................................................... 25 1.6.2. Ngôn ngữ ca dao Nam Bộ ......................................................................................... 25 1.7. Tiểu kết......................................................................................................................... 28 Chương 2. TỪ NGỮ HÁN VIỆT TRONG CA DAO NAM BỘ TRÊN BÌNH DIỆN NGÔN NGỮ............................................................................................................................ 29 2.1. Đặc điểm về ngữ âm của từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ ................................ 29 2.1.1. Từ ngữ Hán Việt có vỏ ngữ âm toàn dân .................................................................. 29 2.1.2. Từ ngữ Hán Việt có vỏ ngữ âm phương ngữ hóa...................................................... 29 2.1.3. Từ ngữ Hán Việt có hai âm đọc Hán Việt................................................................. 31
  • 6. 2.2. Đặc điểm về cấu tạo – ngữ pháp của từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ.............. 32 2.2.1. Từ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ............................................................................ 32 2.2.1.1. Từ đơn Hán Việt..................................................................................................... 32 2.2.1.2. Từ ghép Hán Việt................................................................................................... 33 2.2.2. Ngữ cố định Hán Việt trong ca dao Nam Bộ ............................................................ 40 2.2.2.1. Ngữ định danh Hán Việt ........................................................................................ 40 2.2.2.2. Thành ngữ Hán Việt............................................................................................... 40 2.3. Ngữ nghĩa của từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ ................................................ 43 2.3.1. Từ ngữ Hán Việt chỉ tình yêu quê hương đất nước................................................... 43 2.3.2. Từ ngữ Hán Việt chỉ tình yêu nam nữ....................................................................... 44 2.3.3. Từ ngữ Hán Việt chỉ tình cảm gia đình..................................................................... 44 2.3.4. Từ ngữ Hán Việt chỉ quan niệm về thế giới, về đạo đức, về cuộc sống, về con người của người Nam Bộ ............................................................................................................... 46 2.4. Tiểu kết......................................................................................................................... 48 Chương 3. TỪ NGỮ HÁN VIỆT TRONG CA DAO NAM BỘ TRÊN BÌNH DIỆN SỬ DỤNG...................................................................................................................................... 50 3.1. Tần số xuất hiện của từ ngữ Hán Việt trong quyển Ca dao dân ca Nam Bộ (có so sánh với Ca dao Nam Trung Bộ và Ca dao Việt Nam) ................................................................ 50 3.2. Vị trí của từ ngữ Hán Việt trong bài ca dao Nam Bộ................................................... 54 3.3. Chức năng tạo văn bản của từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ............................. 56 3.3.1. Chức năng làm dẫn ngữ trong bài ca dao.................................................................. 56 3.3.2. Chức năng tạo nội dung chính cho bài ca dao........................................................... 63 3.4. Giá trị sử dụng của từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ ......................................... 65 3.4.1. Từ ngữ Hán Việt tạo sắc thái trang trọng cho ca dao Nam Bộ.................................. 66 3.4.2. Từ ngữ Hán Việt tạo sắc thái trang nhã cho ca dao Nam Bộ .................................... 68 3.4.3. Từ ngữ Hán Việt làm tăng tính khái quát và trừu tượng cho ca dao Nam Bộ........... 69 3.4.4. Từ ngữ Hán Việt làm tăng tính hàm súc cho ca dao Nam Bộ................................... 71
  • 7. 3.4.5. Từ ngữ Hán Việt làm tăng tính thuyết phục cho ca dao Nam Bộ ............................. 82 3.4.6. Từ ngữ Hán Việt có tác dụng gieo vần, tạo nhịp cho ca dao Nam Bộ ...................... 84 3.5. Dùng từ Hán Việt đơn tiết trong ca dao Nam Bộ......................................................... 86 3.6. Tiểu kết......................................................................................................................... 87 KẾT LUẬN............................................................................................................................. 89 TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................................................................................... 92 TÀI LIỆU KHẢO SÁT.......................................................................................................... 98 PHỤ LỤC
  • 8. 1 DẪN NHẬP 1. Lý do chọn đề tài Ca dao là một thể loại của văn học dân gian Việt Nam, là những sáng tác trữ tình nói lên cảm xúc của con người trong cuộc sống. Mỗi bài ca dao là một tác phẩm nghệ thuật bằng ngôn từ, do đó ngôn ngữ ca dao cũng được nghiên cứu ở nhiều góc độ khác nhau. Ở Việt Nam, miền nào cũng có ca dao, ca dao của mỗi miền lại có đặc điểm riêng mà rõ nhất là về ngôn ngữ, điều này làm nên tính đặc trưng của ca dao được sưu tầm ở các vùng miền khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam. Ca dao Nam Bộ là ca dao của người Việt được sưu tầm ở Nam Bộ nên nó mang đặc điểm của vùng đất Nam Bộ, trong đó có việc sử dụng từ ngữ của người dân nơi đây. Ngôn ngữ của ca dao Nam Bộ thường được nói đến là tính chất mộc mạc, giản dị trong cách sử dụng từ ngữ. Tuy nhiên khảo sát ca dao Nam Bộ, chúng tôi nhận thấy có một hiện tượng là việc sử dụng nhiều từ ngữ Hán Việt trong không ít bài ca dao. Điều này cũng đã được đề cập đến trong một vài công trình nghiên cứu về Việt ngữ học, tuy nhiên mới chỉ ở mức độ khảo sát ban đầu. Tìm hiểu từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, chúng tôi không khỏi thắc mắc tại sao Nam Bộ là vùng đất mới nhưng ca dao Nam Bộ lại sử dụng nhiều từ ngữ Hán Việt đến như vậy. Việc sử dụng nhiều từ ngữ Hán Việt như vậy có đem lại hiệu quả nghệ thuật gì không, hay đó chỉ là một sự ngẫu hứng, tùy tiện về cách dùng từ ngữ trong ca dao Nam Bộ? Những từ ngữ Hán Việt được sử dụng trong ca dao Nam Bộ có những đặc trưng gì về ngữ âm, cấu tạo, ngữ pháp, ngữ nghĩa so với từ ngữ Hán Việt trong vốn từ vựng toàn dân, trong ca dao Việt Nam nói chung và ca dao các vùng miền khác nói riêng? Đó là những vấn đề thú vị, cần được đi sâu nghiên cứu. Vì lẽ đó chúng tôi đã chọn vấn đề Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ làm đề tài nghiên cứu của luận văn cao học. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Ca dao Nam Bộ xuất hiện cùng với lịch sử khẩn hoang Nam Bộ vào khoảng thế kỷ XVII. Tuy nhiên, cái mốc khởi đầu của công việc sưu tầm về ca dao Nam Bộ lại bắt đầu vào khoảng cuối thế kỷ XIX – năm 1888. Theo Huỳnh Ngọc Trảng: “Sáu
  • 9. 2 “câu hát” được Trương Vĩnh Ký công bố ngay trên số đầu tiên của bộ Micellanées (Imprimerie Commerciale Rey Curiol, 1888) có thể được coi là cái mốc khởi đầu của công việc sưu tầm ca dao Nam Bộ” [75; tr.5]. Cũng theo tác giả: “Ngoài các “câu hát” trong Miscellanée (1888) và những câu “tục diêu” dẫn chứng trong bộ “Đại Nam Quốc âm tự vị” (1895) thì cuốn “Câu hát An Nam” của Trương Minh (Ký?) xuất bản ở Sài Gòn, năm 1886 có thể coi là sưu tập ca dao – dân ca Nam Bộ đầu tiên. Kế đó, sưu tập câu hát góp – Recueill de Chanson populaires (xuất bản lần đầu năm 1897, tái bản lần thứ tư, 1910) của Huỳnh Tịnh Của là sưu tập đáng chú ý khác” [75; tr.5]. “Đầu thế kỷ XX, cùng với các ấn phẩm thơ, tuồng, truyện, tích (mà đa phần là “bổn cũ soạn lại” và dịch ra quốc ngữ, các tài liệu Hán Nôm) các sưu tập ca dao cũng được xuất bản ngày càng nhiều hơn” [75; tr.5]. Cuối thế kỷ XX cuốn Ca dao dân ca Nam Bộ được tập thể tác giả: Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị sưu tầm và được xuất bản năm 1984. Có thể nói đây là một công trình có giá trị, đặc biệt đối với những người quan tâm đến ca dao – dân ca Nam Bộ. Đến nay, việc sưu tầm và nghiên cứu ca dao Nam Bộ đạt những thành tựu đáng khích lệ, mặc dù chúng ta biết rằng rõ ràng là những gì mà chúng ta sưu tầm được là một phần quá ít ỏi so với những gì đã bị thời gian xóa mờ. Trong suốt thời gian qua, ca dao Nam Bộ là đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu ở những góc độ khác nhau. Từ đó, ca dao Nam Bộ đã từng bước được khám phá và khẳng định vị trí của mình trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Nghiên cứu ca dao từ phương diện ngôn ngữ đã có các công trình, bài báo của các tác giả như: “Phương ngữ và ca dao dân ca địa phương” (Trên cứ liệu của phương ngữ và ca dao dân ca các tỉnh phía Nam) của Trịnh Sâm (Tạp chí Văn học số 5 – 1986). Trong bài viết, tác giả “coi phương ngữ như điều kiện sống còn của ca dao dân ca” và nêu một số dấu hiệu mà tác giả gọi là “đặc trưng của phương ngữ trong ca dao dân ca địa phương” [54; tr.422-423]. Cái đặc trưng của ca dao dân ca ở
  • 10. 3 các tỉnh phía Nam chính là ở phương ngữ, thế nhưng nhiều công trình sưu tầm, biên soạn lại muốn vươn tới một ngôn ngữ thống nhất, nên có phần chủ quan trong việc chỉnh sửa ngôn từ. Đứng trước thực trạng này, tác giả bài nghiên cứu viết: “Nếu như các công trình biên soạn trên bình diện cả nước (…), về mặt ngôn ngữ, phần lớn được biên soạn theo phương ngữ Bắc thì trong các tập sách xuất bản ở các tỉnh phía Nam sau 1975, các yếu tố phương ngữ tuy chưa bị gạt hết, nhưng thái độ đối xử với nó hết sức dè dặt, ở đôi chỗ do công tác sưu tầm biên soạn chưa chu đáo, các nhà làm sách lại gán ghép theo cách nghĩ, cách nói của các phương ngữ khác, và đặc biệt thu nạp khá lớn số lượng ca dao dân ca vốn không phải của địa phương mình” [54; tr.423]. Tác giả cũng chỉ ra một số biến thể ngữ âm trong phương ngữ miền Nam nếu đặt vào vị trí tương ứng thì cách gieo vần sẽ khá hoàn chỉnh, làm tăng thêm giá trị nghệ thuật của câu ca dao dân ca lên rất nhiều. Không dừng lại ở đó, tác giả bài viết còn chỉ ra sắc thái riêng của ngữ khí từ trong ca dao dân ca các miền khác nhau và nêu ra biến thể ngữ âm trong cách phát âm của từng miền trong ca dao dân ca; các tên gọi, sự vật, hiện tượng mới có ở vùng này không có ở vùng khác; các tên gọi khác nhau của các phương ngữ đối với cùng một sự vật hiện tượng; yếu tố chỉ địa danh trong các phương ngữ. Trong bài viết “Ý nghĩa biểu trưng của từ chỉ địa danh trong ca dao Nam Bộ” (Tạp chí Văn hóa dân gian số 4 – 1999), tác giả Trần Văn Nam đã khảo sát 1000 lời ca dao trong Ca dao dân ca Nam Bộ và kết quả thu được là “111 lần từ riêng chỉ địa danh xuất hiện” [44; tr.49]. Những tên riêng gồm các loại: “Những địa danh thuộc địa lý Nam Bộ (…); những địa danh cách xa vùng địa lý Nam Bộ (…) và những địa danh gắn với điển tích và lịch sử Trung Quốc cổ đại” [44; tr.49]. Theo tác giả, các từ chỉ địa danh trong ca dao Nam Bộ là có ý nghĩa biểu trưng: “Nam Vang trong ca dao Nam Bộ là một nơi xa xôi, là biểu trưng cho sự ngăn cách dài lâu. Một khi người tình đi Nam Vang có nghĩa là chia phôi, là sầu ly biệt” [44; tr.49]. Tác giả còn cho rằng: “Trong ca dao Nam Bộ, những tên riêng gắn với địa danh thuộc Trung Hoa cổ đại hoàn toàn có ý nghĩa biểu trưng. Những tên riêng này luôn xuất hiện với cấu trúc sóng đôi (cấu trúc song song)” [44; tr.53]. Cũng trên Tạp
  • 11. 4 chí Văn hóa dân gian số 6 – 2003, tác giả Trần Văn Nam còn có bài“Điển tích trong ca dao Nam Bộ: tiếp nhận và cách tân”. Tác giả viết: “Điển tích trong ca dao Nam Bộ là bằng chứng của việc văn học viết tác động, ảnh hưởng trở lại đối với văn học dân gian. Về mặt thi pháp, ca dao Nam Bộ đã tiếp thu một đặc điểm thi pháp của thơ Việt Nam trung đại. Về mặt sử dụng, ca dao Nam Bộ dùng câu chữ, những điển tích đã từng xuất hiện trong thơ bác học, những hình tượng nhân vật trong các truyện thơ của dân tộc” [45; tr.22]. Tác giả nêu lên vai trò của các nhà Nho trong việc sáng tác, đưa điển tích lấy từ sách kinh điển của Nho giáo, sách chữ Hán nói chung. Giới bình dân đã tiếp thu lại những điển tích đó ở những nhà Nho. Tác giả bài viết nhấn mạnh: “Ở Nam Bộ, không hiếm những ông lão không đọc được Hán Việt, không đọc được ngay cả quốc ngữ nhưng vẫn thuộc lòng những câu nói trong Luận ngữ, Mạnh Tử, Đạo đức kinh… Điều này còn được chứng minh qua thực tế khảo sát ca dao Nam Bộ. Trong ca dao Nam Bộ có một lượng khá lớn thành ngữ Hán hoặc là một dòng thơ Hán Việt” [45; tr.22]. Đặc trưng của việc sử dụng điển tích trong ca dao Nam Bộ chính là ở sự tiếp nhận và cách tân, một số điển tích Trung Hoa đi vào ca dao Nam Bộ đã được bình dân hóa và biểu trưng hóa rất hay, rất Nam Bộ. Nguyễn Phương Châm với bài “Từ gốc Hán, Điển tích Hán trong ca dao người Việt ở Nam Bộ” (Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 6 – 2001) đã mang đến cho người đọc một cái nhìn sơ lược về lớp từ gốc Hán và điển tích Hán được sử dụng trong ca dao Nam Bộ. Từ việc khảo sát từ gốc Hán, điển tích Hán trong ca dao người Việt ở Nam Bộ, tác giả cho rằng: “Từ gốc Hán xuất hiện nhiều đã làm cho ca dao Nam Bộ có cái vẻ trang trọng ở hình thức”; “từ gốc Hán đã làm phong phú thêm ngôn ngữ của tình yêu đôi lứa, làm đẹp thêm, thiêng liêng hơn thứ tình cảm vốn đã rất được trân trọng này” [9; tr.54]. Về điển tích, tác giả viết: “Tuy tần số xuất hiện không cao nhưng những điển cố điển tích Hán đã thêm một lần minh chứng cho nhận định người Nam Bộ ưa sử dụng Hán ngữ và còn lưu giữ được nhiều vốn từ đó trong ca dao. Điển cố điển tích Hán thường được lấy từ các câu chuyện cổ, các tích cổ của Hán” [9; tr.56]. Từ đó tác giả đi đến nhận định: “Nhìn chung, sự
  • 12. 5 xuất hiện tương đối nhiều của từ gốc Hán, điển cố điển tích Hán đã khiến cho ca dao người Việt Nam Bộ mang màu sắc Nho học” [9; tr.56]. Ngoài ra thì tác giả bài viết cũng lý giải việc ca dao Nam Bộ sử dụng nhiều từ gốc Hán và điển tích Hán là do thành phần sáng tác đa dạng, trong đó có những người am tường Hán học; do sự cộng cư giữa người Việt và người Hoa trên đất Nam Bộ; do người Nam Bộ tiến hành vào buổi ban đầu sử dụng chữ quốc ngữ dịch các tác phẩm văn học lịch sử Hán ra tiếng Việt; do lịch sử và do tâm lý, ý thức của người Nam Bộ. Nghiên cứu “Các từ đa tiết phương ngữ Nam Bộ trong ca dao, dân ca” (Ngôn ngữ & đời sống, số 8, 2011), tác giả Trần Đức Hùng đã thống kê từ địa phương trong ca dao dân ca Nam Bộ. Qua đó tác giả đưa ra bảy mô hình cấu tạo từ đa tiết địa phương Nam Bộ, trong đó có ba mô hình cấu tạo từ láy và hai mô hình cấu tạo từ ghép. Tác giả kết luận: “Từ những mô hình trên, chúng tôi thấy các từ đa tiết phương ngữ Nam Bộ cũng được tạo ra từ các kiểu quan hệ tạo từ láy và từ ghép trong tiếng Việt nhưng khác các từ đa tiết trong ngôn ngữ toàn dân là thành phần các yếu tố và kiểu quan hệ liên kết tạo từ giữa các yếu tố đó…” [27; tr.37]. Trên đây là một số bài viết về ca dao Nam Bộ về mặt ngôn ngữ, do thời gian và điều kiện sách vở có hạn nên chúng tôi có thể không điểm hết được lịch sử nghiên cứu ca dao Nam Bộ. Nhưng qua những gì mà chúng tôi đã đọc được, có thể nói rằng việc nghiên cứu từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ là một vấn đề chưa được nghiên cứu sâu và có hệ thống. Tiếp thu có chọn lọc kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước, người viết luận văn cố gắng nghiên cứu từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ một cách có hệ thống về mặt ngôn ngữ. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng luận văn nghiên cứu là từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ. Phạm vi nghiên cứu là cấu tạo, đặc điểm ngữ âm, ngữ nghĩa và hiệu quả sử dụng của lớp từ ngữ này trong ca dao Nam Bộ. 4. Mục đích nghiên cứu Thực hiện đề tài từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, luận văn hướng vào những mục đích cụ thể sau:
  • 13. 6 Bằng việc thống kê từ ngữ Hán Việt được sử dụng trong ca dao Nam Bộ, người viết khái quát bức tranh về từ ngữ Hán Việt được sử dụng trong ca dao Nam Bộ về cấu tạo, các đặc điểm ngữ âm, ngữ nghĩa và cách sử dụng. Trên cơ sở đó, luận văn phân tích, nhận xét về hiệu quả của việc sử dụng từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ. Qua đó luận văn cũng chỉ ra rằng từ ngữ Hán Việt không chỉ xuất hiện trong văn học viết mà còn xuất hiện cả trong văn học truyền khẩu (văn học dân gian). 5. Phương pháp nghiên cứu và nguồn ngữ liệu 5.1. Phương pháp nghiên cứu Để hoàn thành được đề tài này, người viết đã sử dụng các phương pháp sau: (i) Phương pháp thống kê ngôn ngữ học: Dựa vào tác phẩm Ca dao dân ca Nam Bộ, luận văn thống kê các từ ngữ Hán Việt được sử dụng theo một số tiêu chí đã được định hướng. (ii) Phương pháp so sánh: Để thấy được đặc điểm của việc dùng từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, chúng tôi đã so sánh ngôn ngữ ca dao Nam Bộ với ngôn ngữ ca dao các vùng miền khác như Bắc Bộ, Trung Bộ. Ngoài ra, luận văn còn đối chiếu từ ngữ Hán Việt với từ ngữ thuần Việt đẳng nghĩa về giá trị sử dụng. (iii) Phương pháp miêu tả: Luận văn miêu tả những ý nghĩa của số liệu thu thập được thông qua kết quả thống kê, khảo sát. Ngoài ra, người viết còn sử dụng một số phương pháp, thủ pháp bổ trợ khác nữa khi cần thiết như thủ pháp phân tích; phương pháp khái quát, tổng hợp… 5.2. Nguồn ngữ liệu Nguồn ngữ liệu nghiên cứu được khảo sát, thống kê trong sách Ca dao dân ca Nam Bộ của tập thể tác giả: Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị do Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1984. 6. Ý nghĩa của đề tài Ý nghĩa lý luận: Luận văn đề cập đến một lớp từ ngữ vay mượn đặc sắc trong tiếng Việt được sử dụng không chỉ trong văn học viết mà còn trong cả văn học
  • 14. 7 dân gian, qua đó góp phần tìm hiểu ngôn ngữ ca dao nói chung và ngôn ngữ ca dao Nam Bộ nói riêng. Ý nghĩa thực tiễn: Đề tài làm sáng rõ về ngôn ngữ ca dao Nam Bộ và góp phần khẳng định việc sử dụng ngôn ngữ bác học vào trong thể loại văn học dân gian một cách khéo léo, vừa phải, hợp lí sẽ mang lại hiệu quả nghệ thuật cao. Đề tài nghiên cứu này sẽ có đóng góp nhất định trong việc tìm hiểu từ ngữ Hán Việt và việc giảng dạy văn học dân gian (phần ca dao dân ca) trong nhà trường. 7. Bố cục luận văn Luận văn gồm dẫn nhập, nội dung chính và kết luận. Phần nội dung chính của luận văn được cấu trúc thành 3 chuơng: Trong chương 1, luận văn trình bày những cơ sở lý luận về từ ngữ Hán Việt như: phân biệt từ gốc Hán và từ Hán Việt; phân biệt cách đọc Hán Việt, yếu tố gốc Hán, tiếng Hán Việt, từ Hán Việt; trình bày khái niệm, cách nhận diện và phân loại từ ngữ Hán Việt; nêu ra một vài khác biệt giữa từ ngữ Hán Việt với từ ngữ thuần Việt đẳng nghĩa; ngoài ra, trong chương này luận văn cũng trình bày khái quát về ca dao Nam Bộ và ngôn ngữ ca dao Nam Bộ. Trong chương 2, luận văn miêu tả, phân tích đặc điểm của từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ ở các khía cạnh: đặc điểm về ngữ âm, đặc điểm về cấu tạo – ngữ pháp và các phạm trù nghĩa biểu hiện chủ yếu của từ ngữ Hán Việt. Trong chương 3, luận văn khảo sát, phân tích đặc điểm sử dụng của từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ: về tần số sử dụng, vị trí và chức năng sử dụng của từ ngữ Hán Việt và giá trị sử dụng của từ ngữ Hán Việt.
  • 15. 8 Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ LIÊN QUAN Để thực hiện đề tài này, trước hết cần xác định rõ một số khái niệm liên quan sẽ được sử dụng trong luận văn. Trên cơ sở trình bày kết quả nghiên cứu của những công trình đi trước, người viết đi đến lựa chọn những quan niệm làm cơ sở cho việc thực hiện đề tài này. 1.1. Từ gốc Hán và từ Hán Việt Trong một công trình nghiên cứu về Từ vựng gốc Hán trong tiếng Việt, Lê Đình Khẩn viết: “Có thể nói, trong lãnh vực nghiên cứu lớp từ vựng gốc Hán trong tiếng Việt, Maspéro và Vương Lực là những người xứng đáng được ghi công đầu. Kết quả nghiên cứu của hai ông đã tạo cơ sở cho các nhà Việt ngữ học Việt Nam sau này” [36; tr.5-6]. Theo Lê Đình Khẩn: “…Có lẽ ông (Maspéro) là người đầu tiên tiến hành thống kê và công bố số lượng từ Hán trong tiếng Việt. Với tỉ lệ 60% từ Hán trong tiếng Việt, ông đã tưởng tiếng Việt là một nhánh của cái gốc Hán Tạng [36; tr.5]. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của Vương Lực, nhà Hán ngữ học người Trung Quốc góp phần đặt nền móng cho việc nghiên cứu lớp từ vựng gốc Hán trong tiếng Việt. Kết hợp các cứ liệu lịch sử với các ngữ liệu về tiếng Hán, tiếng Việt, Vương Lực đã chia từ Hán (từ đơn) trong tiếng Việt ra thành ba loại gọi là Hán Việt cổ, Hán Việt và Hán Việt Việt hóa. Ở Việt Nam, Nguyễn Tài Cẩn với công trình Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán – Việt (1979) đã chia cách đọc Hán – Việt thành: cách đọc Hán – Việt cổ (tiền Hán – Việt), cách đọc Hán – Việt đời Đường (cách này còn lưu lại cho đến nay và gọi là cách đọc Hán Việt), cách đọc Hán – Việt Việt hóa và cách đọc Hán – Việt thông qua một phương ngữ Hán. Hiện nay, các nhà Việt ngữ học có nhiều cách lý giải khác nhau về từ gốc Hán và từ Hán Việt. Trước hết, với tư cách là thuật ngữ ngôn ngữ học, từ Hán Việt được giải thích là: “Từ tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Hán, đã nhập hệ vào hệ thống từ vựng tiếng Việt, chịu sự chi phối của các quy luật ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa của tiếng Việt; còn gọi là từ Việt gốc Hán. Ví dụ: chính phủ, quốc gia,
  • 16. 9 giang sơn, nhân dân, tổ quốc, xã tắc” [76; tr.369]. Như vậy, theo lời giải thích của các tác giả Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học thì từ Hán Việt và từ gốc Hán là một. Nguyễn Ngọc San cũng nhận định: “Lúc đầu nhiều người còn cho rằng từ Việt gốc Hán chỉ bao gồm từ Hán Việt” [53; tr.141]. Nhưng, theo một số nhà nghiên cứu khác thì từ Hán Việt và từ gốc Hán có sự phân biệt nhau. Nguyễn Ngọc San [53] không đồng nhất từ gốc Hán và từ Hán Việt, các từ gốc Hán được tác giả chia thành ba loại: từ tiền Hán Việt, từ Hán Việt và từ Hán Việt hóa. Như vậy, theo tác giả thì từ Hán Việt chỉ là một bộ phận của từ gốc Hán. Nguyễn Văn Tu căn cứ vào ngữ âm và thời gian du nhập đã phân biệt 3 loại từ gốc Hán: từ Hán cổ, từ gốc Hán mượn của đời Đường và từ gốc Hán đã Việt hóa. Trong đó, từ gốc Hán mượn của đời Đường chính là từ Hán Việt: “Những từ gốc Hán mà người ta thường gọi là từ Hán Việt gồm một hệ thống những từ Hán cần thiết cho việc giao tế lúc đó nhất là trong ngôn ngữ viết” [71; tr.282]. Cũng căn cứ vào thời gian du nhập, Đỗ Hữu Châu chia quá trình thâm nhập của tiếng Hán thành hai thời kỳ: thời kỳ trước và thời kỳ sau cuộc đô hộ của triều đại nhà Đường. Tác giả cho rằng: “Các từ Hán thâm nhập vào tiếng Việt vào thời kỳ trước được phát âm theo hệ thống ngữ âm Hán cổ, khác với hệ thống ngữ âm Hán Việt thâm nhập vào thời kỳ sau… Những từ Hán thâm nhập vào tiếng Việt từ cuộc đô hộ của nhà Đường thì được phát âm căn bản như âm Hán Việt hiện nay [8; tr.225]. Nguyễn Thiện Giáp phân từ ngữ gốc Hán thành 2 loại: các từ ngữ gốc Hán đọc theo âm Hán – Việt (gọi tắt là từ Hán Việt) và các từ ngữ gốc Hán không đọc theo âm Hán – Việt. Tác giả lập luận: “Vì người ta có thể đọc tất cả các chữ Hán (cổ đại cũng như hiện đại) theo cách đọc Hán – Việt cho nên cần phân biệt từ gốc Hán trong tiếng Việt và các từ Hán đọc theo âm Hán Việt” [19; tr.242]. Từ Hán Việt hay từ gốc Hán đều là cách đọc chữ Hán của người Việt, tuy nhiên cách đọc đó được hình thành ở các giai đoạn khác nhau trong lịch sử. Các tác giả Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt “chia quá trình tiếp xúc Hán – Việt thành hai giai đoạn lớn: một là giai đoạn từ đầu Công nguyên đến đầu đời
  • 17. 10 Đường (đầu thế kỷ VIII); hai là giai đoạn từ đời Đường (thế kỷ VIII – thế kỷ X) trở về sau. Hai lần tiếp xúc lớn này cung cấp cho từ vựng tiếng Việt hai nguồn từ gốc Hán mà như trước nay vẫn quen gọi là từ Hán cổ và từ Hán – Việt” [11; tr.213-214]. Ngoài ra, có một nhóm được du nhập vào tiếng Việt thông qua con đường khẩu ngữ của những người nói phương ngữ tiếng Hán như: xì dầu, mì chính, vằn thắn, xá xíu, sủi cảo, lẩu lục tào xá, tào phớ, chí ma phù, bát bảo lường xà… cũng được các tác giả gọi là những từ gốc Hán. Trong công trình Từ ngoại lai trong tiếng Việt, Nguyễn Văn Khang chia từ ngoại lai thành: từ mượn Hán, từ mượn tiếng Pháp và từ tiếng Anh sử dụng trong tiếng Việt. Từ mượn Hán được phân chia theo các góc nhìn khác nhau: (i) từ góc độ cội nguồn, (ii) theo dòng thời gian của sự vay mượn, (iii) từ góc độ con đường vay mượn, (iv) từ góc độ đồng hóa, (v) từ góc độ sử dụng và (vi) từ góc độ chức năng. Cách phân chia phổ biến là theo dòng thời gian của sự vay mượn, Nguyễn Văn Khang viết: “Theo dòng thời gian của sự vay mượn có thể tách từ mượn Hán thành ba loại: từ tiền Hán Việt, từ Hán Việt và từ hậu Hán Việt [32; tr.92]. Tác giả Lê Đình Khẩn [36] trong công trình Từ vựng gốc Hán trong tiếng Việt, từ góc độ lịch sử cũng đã chia từ gốc Hán trong tiếng Việt thành: từ tiền Hán Việt, từ Hán Việt và từ hậu Hán Việt. Diệp Quang Ban thì lại cho rằng: “Không phải mọi từ mượn từ tiếng Hán đều là từ Hán Việt. Từ Hán Việt nói ở đây là từ mượn gốc Hán và đọc theo âm Hán Việt. Như vậy là, những từ mượn từ tiếng Hán trước đời Đường như: buồng, buồm, ngà, đìa, chém. v.v… và những từ mượn theo con đường khẩu ngữ (nói theo âm Trung Quốc bây giờ) như: tài xế, mì chính, vằn thắn… không được coi là từ Hán Việt” [Diệp Quang Ban (chủ biên) (1999), TiếngViệt 6 nâng cao, Nxb GD, HN, tr. 36 (dẫn theo Đặng Đức Siêu [56; tr. 9-10]). Trần Trí Dõi [15] trong Giáo trình Lịch sử tiếng Việt cũng phân chia từ gốc Hán trong tiếng Viêt thành: từ cổ Hán – Việt hay Hán – Việt cổ, từ Hán – Việt, từ Hán – Việt Việt hóa.
  • 18. 11 Như vậy, hầu hết các tác giả đều phân biệt từ gốc Hán và từ Hán Việt, từ Hán Việt chỉ là một bộ phận của từ gốc Hán là quan điểm được đông đảo các nhà nghiên cứu đồng tình. Các từ gốc Hán nói chung và từ Hán Việt nói riêng có vị trí rất quan trọng trong từ vựng tiếng Việt. Về mặt số lượng, chúng chiếm hơn phân nửa tổng số từ trong tiếng Việt (khoảng 60%); về mặt chất lượng, chúng tham gia vào mọi lĩnh vực giao tiếp của đời sống người Việt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, khoa học, pháp luật, y học, ngoại giao…Vì thế lớp từ này luôn được sự quan tâm thích đáng đối với các nhà nghiên cứu, tìm hiểu về tiếng Việt. Ngoài hai cách hiểu nêu trên về từ gốc Hán và từ Hán Việt, trong Việt ngữ học hiện nay còn có một số khái niệm như cách đọc Hán – Việt, từ Hán Việt, tiếng Hán Việt, yếu tố gốc Hán… cũng chưa có sự thống nhất, gây không ít khó khăn cho người học. 1.2. Phân biệt cách đọc Hán Việt, yếu tố gốc Hán, tiếng Hán Việt, từ Hán Việt Cách đọc Hán Việt thường được giải thích là cách đọc chữ Hán ở Việt Nam, theo lối đọc riêng của người Việt. Theo Nguyễn Tài Cẩn: “Cách đọc Hán – Việt là một cách đọc vốn bắt nguồn từ hệ thống ngữ âm tiếng Hán đời Đường, mà cụ thể là Đường âm dạy ở Giao Châu vào giai đoạn bao gồm khoảng hai thế kỷ VIII, IX; nhưng cách đọc theo Đường Âm đó, sau khi Việt Nam giành được độc lập, đã dần dần biến dạng đi, dưới tác động của quy luật ngữ âm và ngữ âm lịch sử tiếng Việt, tách xa hẳn cách đọc của người Hán để trở thành một cách đọc riêng biệt của người Việt và những người thuộc khu vực văn hóa Việt. Đây là một cách đọc tạo thành hệ thống, nghĩa là trên lý thuyết có thể dùng để đọc toàn bộ kho tàng các ký hiệu văn tự Hán, với khả năng gần như cách đọc của bản thân người Hán; nhưng đây lại là một cách đọc độc lập, có đặc trưng riêng, chức năng riêng và có cả một lịch sử diễn biến của riêng mình” [5; tr.14-15]. Yếu tố gốc Hán là những yếu tố đã được du nhập vào trong tiếng Việt, những yếu tố này có thể liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với văn tự Hán. Chẳng hạn, “những yếu tố người Việt có thể liên hệ trực tiếp ngay với một chữ Hán như 國quốc, 家 gia,
  • 19. 12 山 sơn, 水 thủy, hay những yếu tố không gây ra sự liên hệ như thế, ví dụ mùa (vốn do vụ mà ra), gần (vốn do cận mà ra), hoặc mỳ chính (vốn do vị tinh mà ra) v.v.” [5; tr.15]. Như vậy, nếu khái niệm cách đọc Hán Việt nặng về ngữ âm thì khái niệm yếu tố gốc Hán nặng về từ vựng; yếu tố gốc Hán là yếu tố mà người Việt mượn từ tiếng Hán, nhưng những yếu tố đó lại không trực tiếp liên quan gì đến cách đọc Hán Việt. Nguyễn Tài Cẩn chia yếu tố gốc Hán làm ba trường hợp: (i) Trường hợp mượn trước cách đọc Hán Việt như mùa, mùi, buồng, buồm… (ii) Trường hợp mượn đời Đường, cùng một lần với cách đọc Hán – Việt, nhưng sau diễn biến theo một con đường khác với cách đọc Hán – Việt. Ví dụ gan, gần, vốn, ván… (iii) Trường hợp mượn thông qua một phương ngữ tiếng Hán, ví dụ, mỳ chính, cắc, lú bú... [5; tr.16]. Yếu tố Hán Việt là những yếu tố mượn từ tiếng Hán, nhưng đó là những yếu tố được mượn thông qua cách đọc Hán Việt, chẳng hạn, 山 sơn, 水 thủy, 國 quốc, 前 tiền, 後 hậu v.v. Xét về mặt ngữ pháp, có thể chia các yếu tố Hán Việt thành trường hợp chỉ là tiếng, nhưng không phải là từ (chẳng hạn: quốc, gia, sơn, thủy) và trường hợp vừa là tiếng, vừa là từ (chẳng hạn: tuyết, cao, học). Tiếng Hán Việt là đơn vị dùng để cấu tạo từ Hán Việt, nó không đứng một mình, cũng không độc lập tham gia cấu tạo câu, chẳng hạn: quốc, gia, sơn, thủy v.v. Từ Hán Việt là đơn vị có thể dùng độc lập và trực tiếp dùng để cấu tạo câu. Nhưng do đặc điểm loại hình, tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập, âm tiết tính nên đa phần tiếng thường trùng với từ, chẳng hạn, xuân, hạ, thu, đông, tuyết, cao, học v.v. Đây là vấn đề còn đang gây tranh cãi trong tiếng Việt. Như vậy, cách đọc Hán Việt là khái niệm nặng về ngữ âm, là cách đọc chữ Hán của người Việt, do đó nó liên quan trực tiếp đến văn tự Hán. Yếu tố gốc Hán là khái niệm nặng về từ vựng, nó có thể liên quan trực tiếp đến cách đọc chữ Hán của người Việt, cũng có thể không liên quan gì đến văn tự Hán (như trên đã nói). Khác với yếu tố gốc Hán, yếu tố Hán Việt là những yếu tố mượn thông qua cách đọc Hán
  • 20. 13 Việt. Điểm giống nhau giữa yếu tố Hán Việt và cách đọc Hán Việt là đều liên quan đến văn tự Hán. Tiếng Hán Việt và từ Hán Việt nằm trong yếu tố Hán Việt, xét về mặt ngữ pháp. 1.3. Khái niệm và nhận diện từ ngữ Hán Việt 1.3.1. Khái niệm từ ngữ Hán Việt Bàn về từ Hán Việt, Nguyễn Văn Khang đã nhận định thật xác đáng rằng: “Cho đến nay, khái niệm “từ Hán Việt” dường như mới chỉ được xác định về mặt lí thuyết mà vẫn còn nhiều điều bỏ ngỏ trong thực tế và đó cũng là lí do giải thích vì sao việc xác định một danh sách từ Hán Việt cụ thể vẫn chưa thể thực hiện được” [32; tr.99]. Thật vậy, từ ngữ Hán Việt thường được hiểu chung chung là từ ngữ vay mượn của tiếng Hán, nhưng lại phát âm theo cách phát âm Hán Việt, lối phát âm riêng của người Việt. Nhưng trên thực tế, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh được hệ thống ngữ âm lịch sử của tiếng Việt và tiếng Hán, cho nên khái niệm từ Hán Việt vẫn mang tính ước đoán. Có một điều cần khẳng định là từ ngữ Hán Việt nói riêng và từ ngữ gốc Hán nói chung đã được chú ý nghiên cứu từ mấy chục năm trở lại đây và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ở đây cần phân biệt một số khái niệm: từ tiền Hán Việt (từ Hán cổ), từ Hán Việt, từ Hán Việt Việt hóa, từ truyền khẩu gốc Hán. Từ tiền Hán Việt hay còn gọi là từ Hán cổ là những từ gốc Hán du nhập vào Việt Nam từ trước đời Đường chủ yếu thông qua con đường khẩu ngữ và được du nhập một cách lẻ tẻ, chưa có hệ thống. Về mặt âm đọc, từ tiền Hán Việt được mô phỏng theo âm Hán Thượng cổ. Ở giai đoạn này, hệ thống tiếng Việt còn thiếu từ ngữ biểu đạt nên từ tiền Hán Việt được Việt hóa cao độ để bù đắp vào chỗ thiếu hụt trong hệ thống từ vựng tiếng Việt. Và cũng chính vì chúng được Việt hóa cao độ nên dần dần người Việt hiện đại không còn nhận ra được nguồn gốc vay mượn của chúng, xem chúng là những từ thuần Việt. Chúng cũng giữ vai trò quan trọng trong hệ thống từ vựng tiếng Việt, được người Việt sử dụng rộng rãi, phổ biến. Chẳng hạn, những từ như buồng, buồm, bùa, bụt, mùa, mây v.v.
  • 21. 14 Còn về từ Hán Việt, Nguyễn Ngọc San cho rằng: “Khác với từ tiền Hán Việt được du nhập một cách lẻ tẻ và đọc mô phỏng theo âm Hán Thượng cổ, lớp từ Hán Việt được du nhập một cách ồ ạt và tạo thành một hệ thống ngữ âm riêng. Âm Hán Việt là âm đọc của tất cả các từ Hán được Việt hóa theo một con đường như nhau, xuất phát điểm của nó là âm Hán Trung cổ ở các thế kỉ VIII, IX, trước thời tự chủ ít lâu. Âm này được Việt hóa từ đầu thời tự chủ (thế kỉ X) khi tiếng Hán đã mất tính cách là một sinh ngữ nên tuân theo những quy luật ngữ âm tiếng Việt và phụ thuộc vào bộ máy cấu âm của người Việt” [53; tr.155]. Trong công trình Văn phạm Việt Nam (Giản dị và thực dụng), Bùi Đức Tịnh [62] đã nêu một cách hiểu đơn giản hơn về từ Hán Việt như sau: “Có thể định nghĩa một cách giản dị rằng tiếng Hán Việt là những tiếng Hán phát âm theo lối Việt. Ban đầu nó là những chữ Hán mà khi học trong sách Trung Hoa, các nhà tri thức nước ta đọc trại đi theo giọng Việt...”. Hầu hết các tác giả đều thống nhất từ Hán Việt là lớp từ tiếng Việt mượn tiếng Hán, đọc theo âm Hán Việt. Cách đọc này có từ đời Đường, là kết quả trực tiếp của sự giao thoa ngôn ngữ giữa tiếng Trung Quốc đời Đường, với tiếng Việt cùng thời điểm. Sau đời Đường, hầu hết các từ mượn Hán qua con đường sách vở được người Việt đọc theo cách này và đi vào kho từ vựng tiếng Việt được coi là từ Hán Việt. Từ Hán Việt Việt hóa, xét về mặt thời điểm hình thành thì chúng xuất hiện sau từ Hán Việt, sau khi âm Hán Việt hình thành và trở nên một hệ thống ngữ âm tương đối ổn định thì trong tiếng Việt vẫn tiếp tục xảy ra những sự biến đổi ngữ âm. Những biến đổi này không tác động đồng loạt vào tất cả những bộ phận của âm Hán Việt, vì hệ thống ngữ âm Hán Việt lúc này đã ổn định, nên chỉ tác động vào những đơn vị lẻ tẻ. Các từ Hán Việt khi nhập vào hệ thống từ vựng tiếng Việt đã chịu sự tác động của quy luật biến đổi ngữ âm của tiếng Việt. Vì vậy, khiến một số từ đã thay đổi diện mạo của mình, không giống với dạng ngữ âm Hán Việt ban đầu nữa. Dạng ngữ âm Hán Việt của từ có khi vẫn tồn tại trong tiếng Việt, tạo nên những cặp
  • 22. 15 từ song song tồn tại. Chẳng hạn, những cặp từ như các – gác, can – gan, đao – dao, đình – dừng, lực – sức v.v. Từ gốc Hán mô phỏng theo phương ngữ Trung Quốc (còn gọi là từ truyền khẩu gốc Hán), lớp từ này được du nhập vào tiếng Việt chủ yếu bằng con đường khẩu ngữ của những người nói phương ngữ tiếng Hán. Loại này có số lượng ít, không thành hệ thống, không mang tính phổ thông, chẳng hạn, bò bía, xí quách, xì dầu, cháo quẩy, thèo lèo, lạp xưởng, xương xáo, số dách, mỳ chính, tàu hủ, há cảo. Như vậy, có thể nói rằng từ ngữ Hán Việt là từ ngữ được đọc theo âm Hán Việt, xuất phát điểm là âm Hán Trung cổ ở các thế kỉ VIII, IX đọc theo âm chuẩn ở Trường An lúc bấy giờ. Không nên nói rằng từ ngữ Hán Việt là từ Việt gốc Hán, điều này đúng nhưng chưa đủ, vì từ ngữ Hán Việt còn bao gồm cả những từ vốn không phải là gốc Hán, mà do người Hán mượn một ngôn ngữ khác, rồi người Việt vay mượn lại và đọc theo âm Hán Việt như các từ Hán Việt khác. Chẳng hạn, những từ như trường hợp, kinh tế, cộng hòa có nguồn gốc từ tiếng Nhật Bản; phật, nát bàn, Di Lặc có nguồn gốc từ tiếng Phạn. Ngoài ra, từ ngữ Hán Việt còn bao gồm những từ do người Việt tạo ra nhưng sử dụng yếu tố cấu tạo có nguồn gốc Hán, chẳng hạn, y sĩ, đại đội, tiểu đoàn, thiếu tá. 1.3.2. Nhận diện từ ngữ Hán Việt Từ ngữ Hán Việt chiếm số lượng rất lớn trong hệ thống từ vựng tiếng Việt, song việc nhận diện chúng lại là một việc làm không đơn giản. Sau khi du nhập vào tiếng Việt, từ ngữ Hán hầu hết đều có sự biến đổi ở những mức độ khác nhau: “Với nhiều dáng vẻ, chúng đã xen lẫn vào trong hệ thống từ vựng tiếng Việt, rất nhiều trường hợp khó có thể phân định ranh giới giữa từ ngoại lai và từ vốn có” [36; tr.59]. Tiếng Việt và tiếng Hán đều là những ngôn ngữ đơn lập, âm tiết tính. Nét tương đồng về mặt loại hình cộng thêm sự Việt hóa cao độ đã làm cho những đơn vị vay mượn Hán nhanh chóng nhập hệ vào hệ thống tiếng Việt, gây không ít trở ngại cho việc xác định ranh giới rạch ròi. Nhận diện từ ngữ Hán Việt là thao tác đầu tiên nhưng lại rất quan trọng trước khi muốn đưa ra bất cứ nhận định nào về các đơn vị này. Các nhà nghiên cứu
  • 23. 16 thường dựa vào chữ Hán và âm đọc Hán Việt làm xuất phát điểm để nhận diện từ ngữ Hán Việt. Đây là cách làm mang tính phương pháp luận để xem xét các từ ngữ Hán Việt trong các văn bản tiếng Việt, bao gồm cả văn bản Hán – Nôm lẫn văn bản Latinh hóa. Theo Lê Đình Khẩn: “Đối với văn bản viết bằng chữ Nôm thì thao tác này, nói chung, tương đối thuận lợi. Còn đối với loại văn bản đã Latinh hóa, tức là văn bản chữ quốc ngữ, thì còn phải thêm một bước khác, bước “phục nguyên”, bước “quy đổi” các âm tiết, các “tiếng” ra dạng viết ban đầu của nó, dạng viết mà chủ yếu qua đó tiếng Việt đã vay mượn được từ Hán: chữ Hán. Nói cách khác, âm đọc Hán Việt và chữ Hán có thể xem là dấu hiệu ban đầu để nhận biết phần lớn từ gốc Hán” [36; tr.62-63]. Tuy nhiên, khi du nhập vào tiếng Việt, cái cấu trúc một thể ba ngôi vốn có trong tiếng Hán: âm, hình, nghĩa không còn nữa. Tiếng Việt chỉ mượn âm, nhưng âm cũng rất đa dạng, nghĩa cũng được mở rộng, thu hẹp, biến đổi rất phong phú; đặc biệt, những từ mượn của tiếng Hán trong tiếng Việt hiện nay đều không mượn hình. Từ một thể ba ngôi trong ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích không còn nguyên dạng, do đó trên thực tế, nhận diện từ ngữ Hán Việt là rất khó khăn. Càng khó khăn hơn đối với đại đa số những người không am tường chữ Hán. Vì vậy, ngoài sự hiểu biết ít ỏi về vốn từ Hán Việt được học trong nhà trường, người học phải xuất phát từ cảm thức ngôn ngữ để nhận diện từ ngữ Hán Việt như đề xuất của tác giả Phan Ngọc (1992). Tác giả “đi tìm cái ấn tượng Hán Việt trong tâm hồn tôi” (tr.9) và cho rằng: “Người bình thường nói năng và viết lách không hề quan tâm đến lịch sử. Anh ta nói và viết dựa vào cái cảm thức ngôn ngữ của mình. Anh ta cảm thấy từ này thuần Việt, từ kia Hán Việt, từ này dễ hiểu, từ kia khó hiểu, từ này nghe sang trọng, từ kia nghe quá mộc mạc, từ này nghe kêu, từ kia ít âm hưởng nghe không kêu, từ này nghe buồn, từ kia nghe vui v.v… Những ấn tượng ấy rất mơ hồ, nhưng có thực” [48; tr.9-10]. Cách đề xuất của Phan Ngọc mang tính cảm tính nhiều hơn là khoa học, bởi đây là mẹo. Tác giả Lê Anh Hiền cho rằng: “Cho đến nay, gần như chưa có một tiêu chí nào để có thể giúp phân biệt được từ Hán Việt với từ thuần Việt, trừ khi chỉ nói chung chung “từ Hán Việt là một từ mượn của tiếng Hán”. Tác giả còn khẳng định:
  • 24. 17 Nói chung, đối với những người không có chút hiểu biết gì về chữ Hán mà yêu cầu họ chỉ ra từ nào là từ Hán Việt là một việc rất khó” (dẫn theo Nguyễn Đức Tồn [69; tr.45]. Tác giả cũng đã nêu một số mặt biểu hiện của từ Hán Việt giúp nhận biết từ Hán Việt trong dòng ngữ lưu như sau: 1. Về ý nghĩa: từ Hán Việt là những từ tiếng Việt thường phải được giải nghĩa thì mới hiểu chúng một cách thấu đáo. Ví dụ, đồng bào: người cùng ruột thịt với nhau (cùng một bọc sinh ra) v.v… 2. Về mặt cấu tạo: theo đặc điểm cấu tạo danh từ của tiếng Hán thì yếu tố phụ đặt trước yếu tố chính, ngược với trật tự cấu tạo từ tiếng Việt. Thí dụ: mĩ nhân (mĩ: đẹp, nhân: người). 3. Về phương diện ngữ cảm: các từ Hán Việt thường có sắc thái trang trọng, tao nhã (xem Nguyễn Đức Tồn [69; tr.45-46]). Theo tác giả Nguyễn Đức Tồn: “2 trong số 3 tiêu chí nêu trên để nhận diện từ Hán Việt thuộc về nội dung ngữ nghĩa của từ. Còn tiêu chí cấu tạo từ thì chỉ áp dụng được cho danh từ mà không áp dụng được cho động từ (có cấu trúc động + bổ kiểu như: ái quốc, thất tình v.v.) [69; tr.46]. Trong bài viết của mình, với mục đích giúp cho học sinh nhận diện và phân biệt được các tiếng Hán Việt nói chung, từ đơn Hán Việt nói riêng với các tiếng và từ đơn thuần Việt, Nguyễn Đức Tồn đã chủ trương dựa vào đặc điểm cấu tạo âm thanh (tức là các kết hợp âm có trong chúng). Từ đó, tác giả phân thành ba loại như sau: “Loại thứ 1: Các cấu tạo âm thanh chỉ có ở các tiếng (hoặc từ đơn) Hán Việt: Bất cứ tiếng nào trong tiếng Việt có chứa các kết hợp âm sau đây thì đều là tiếng Hán Việt (hoặc từ đơn Hán Việt). - uyên (trừ ngoại lệ nguyền, chuyền, chuyện), thí dụ: duyên, tuyên, quyến v.v. - uyết, thí dụ tuyệt, quyết, tuyết, tuyệt, thuyết v.v. - ưu, thí dụ: cửu, cừu, cứu, bưu, bửu, ngưu v.v. - uy, thí dụ: tuy, tùy, tủy, túy, quý, quỷ, quy v.v.
  • 25. 18 Câu văn để ghi nhớ giúp nhận diện tiếng (hoặc từ đơn) Hán Việt: nguyện quyết cứu nguy Bất cứ tiếng (hoặc từ đơn) nào có chứa vần của 4 từ trong câu trên dù có âm đầu hoặc mang thanh điệu nào cũng đều là Hán Việt, trừ một vài ngoại lệ. Loại thứ 2: Các cấu tạo âm thanh chỉ có ở tiếng (hoặc từ đơn thuần Việt): - Mọi tiếng có kết hợp âm ết đều là thuần Việt (trừ ngoại lệ: kết là Hán Việt). - Mọi tiếng có kết hợp âm ưng đều là thuần Việt (ngoại trừ ưng, ứng, ngưng là Hán Việt). Những tiếng nào có âm đầu là [r] thì đều là thuần Việt Thí dụ ro, rò, rỉ, rả, rẻ v.v. Loại thứ 3: Các cấu tạo âm thanh có ở cả tiếng Hán Việt lẫn tiếng thuần Việt: Thí dụ: Đối với kết hợp “âm”: - tâm, tẩm cẩm, lâm: Hán Việt - lầm, bầm, gấm, lấm v.v.: thuần Việt” [69; tr.48-49]. Ngoài ra, đối với trường hợp các tiếng (hoặc từ đơn) có chứa những kết hợp âm có thể là Hán Việt hoặc thuần Việt thì dùng 3 ba tiêu chí mà Lê Anh Hiền nêu ở trên để nhận diện. Tác giả Nguyễn Đức Tồn còn đưa ra một thủ pháp khác nữa là: “Một tiếng nếu đứng riêng một mình thì rất khó xác định là thuần Việt hay Hán Việt. Để xác định ta thử tìm xem có từ ghép Hán Việt nào trong thành phần có chứa tiếng đó hay không. Nếu tìm được thì tiếng được chứa trong từ ghép Hán Việt ấy cũng chính là Hán Việt” [69; tr.48-49]. Đối với các từ song tiết là từ ghép Hán Việt, Nguyễn Đức Tồn đưa ra hai tiêu chí: - trật tự yếu tố: yếu tố chính đứng sau yếu tố phụ: hải quân, không phận, chiến thuyền v.v. - ý nghĩa của từ khái quát, trang trọng (so với từ thuần Việt nếu có). Thí dụ: Để xác định tiếng phận là Hán Việt hay thuần Việt, chúng ta thấy kết hợp âm ân có cả trong tiếng Hán Việt lẫn tiếng thuần Việt cho nên buộc ta phải dùng quy tắc cấu
  • 26. 19 tạo từ. Do ta tìm được trong từ vựng tiếng Việt có từ hải phận (hoặc không phận), trật tự các yếu tố phụ + chính, cho nên hải phận, không phận là những từ Hán Việt. Từ đây có thể rút ra kết luận rằng phận là tiếng Hán Việt [69; tr.49]. Nhận diện từ Hán Việt nói chung, từ ngoại lai nói riêng, Phan Ngọc chỉ thừa nhận từ từ song tiết trở lên. Tác giả Viết: “Bất kỳ âm tiết nào có thể hoạt động làm thành từ đơn tiết đều được xem là từ thuần Việt. Nói khác đi, theo cảm thức ngôn ngữ của người Việt, nghe một từ đơn tiết thì ngay lập tức người Việt cấp cho nó danh hiệu từ thuần Việt, sự phân biệt giữa thuần Việt với Hán Việt hay ngoại lai chỉ bắt đầu từ từ song tiết trở lên mà thôi” [48; tr.10-11]. Tác giả còn khẳng định rằng: “Khi chúng tôi nói hễ là từ đơn tiết thì đó là từ thuần Việt tức là chúng tôi công thức hóa: Từ đơn tiết (hình thức) = thuần Việt (nội dung) [48; tr.11]. Đối với các từ đa tiết Hán Việt, tác giả lấy căn cứ “dễ hiểu hay khó hiểu” để nhận diện chúng còn là từ Hán Việt hay đã thành từ Việt nhờ hai tiêu chí là: 1) vị trí của âm tiết Hán Việt đứng trước tổ hợp là âm tiết A hay âm tiết B1 và 2) trật tự - cấu trúc tổ hợp ngược hay xuôi (tức là, nói về các tổ hợp chính phụ có kết hợp theo kiểu AB – xuôi hay BA – ngược). Cụ thể: Những từ Hán Việt có công thức AA và AB theo trật tự của tiếng Việt (trật tự xuôi) sẽ được coi là từ thuần Việt, chẳng hạn: chúc thọ, hung bạo, độc ác; đối ngoại, thông minh, tài năng. Những từ Hán Việt có công thức AA và BA theo trật tự ngược sẽ được coi là từ Hán Việt, chẳng hạn: dân tình, tà thuật, chủ quyền; tổ quốc, tự nhiên, học giả, động lực, hiền thê. Phan Ngọc nhận diện từ Hán Việt chỉ căn cứ vào hai tiêu chí trật tự cú pháp và dễ hiểu hay khó hiểu là chưa thật thỏa đáng. Tiêu chí dễ hiểu hay khó hiểu khá 1 Phan ngọc cho rằng trong tiếng Việt có 4 loại âm tiết, tác giả ký hiệu là A, B, C, D: - A là những âm tiết tự do, những âm tiết này làm từ độc lập như: gà, cỏ, sắc, già, cũ, mỏng… - B là những âm tiết không tự do và không đơn nhất, đây là những âm tiết tự mình không phải là từ độc lập nhưng có thể được dùng để cấu tạo một loạt từ như: thiên tạo ra các từ thiên mệnh, thiên định… - C là các âm tiết không tự do, đơn nhất và không láy âm như: a trong: a-xít, a-men, a-di-đà; qué, dả, tom, pheo trong gà qué, cỏ dả, già tom, tre pheo… - D là âm tiết không tự do, đơn nhất, láy âm như: xỏ, chóc, đai, nhẽo trong xin xỏ, chim chóc, đất đai, nhạt nhẽo…
  • 27. 20 mơ hồ. Thêm vào đó, nhận diện từ ngữ Hán Việt không chỉ căn cứ vào tiêu chí ngữ pháp, ngữ nghĩa mà còn phải có sự kết hợp về mặt ngữ âm và phong cách. 1.4. Phân loại từ ngữ Hán Việt trong tiếng Việt Dựa vào cấu trúc, từ ngữ Hán Việt được phân thành hai loại lớn: từ và ngữ cố định Hán Việt. 1.4.1. Từ Hán Việt Căn cứ vào phương thức cấu tạo, từ Hán Việt chia thành hai loại: từ Hán Việt đơn tiết và từ Hán Việt đa tiết. Từ Hán Việt đơn tiết hay còn gọi là từ đơn Hán Việt, từ Hán Việt đa tiết bao gồm từ ghép và từ láy Hán Việt. 1.4.1.1. Từ đơn Hán Việt Từ đơn Hán Việt là những từ có một từ tố do một âm tiết có nghĩa, độc lập tạo nên, chúng có khả năng hoạt động độc lập trong câu. Do đặc điểm loại hình mà trong tiếng Việt nhiều từ đơn Hán Việt thường có ranh giới trùng với âm tiết (tiếng), do đó chúng vừa là từ vừa là đơn vị cấu tạo từ và cấu tạo câu. Chẳng hạn, những từ như: nhân, nghĩa, đạo, tình, hiếu, hòa, trung, khuyết, sinh, sầu v.v. 1.4.1.2. Từ ghép Hán Việt Từ ghép là khái niệm được hầu hết các nhà Việt ngữ học công nhận, nhưng bên cạnh đó vẫn có một số tác giả nghi ngờ hoặc không chấp nhận khái niệm này. Bởi theo các tác giả này, tiếng là từ, các đơn vị lớn hơn tiếng (từ ghép, từ láy) được gọi là ngữ. Cách phân loại từ ghép tiếng Việt tuy có khác nhau giữa các nhà Việt ngữ học nhưng họ đều có điểm chung là tính đến mối quan hệ giữa các thành tố. Căn cứ vào quan hệ giữa các thành tố, từ ghép được chia thành từ ghép đẳng lập (từ ghép song song, từ ghép liên hợp) và từ ghép chính phụ. a. Từ ghép Hán Việt đẳng lập “Từ ghép đẳng lập còn được gọi là từ ghép láy nghĩa, từ ghép nghĩa, từ ghép song song, từ ghép hợp nghĩa, từ ghép kết hợp, từ ghép nghĩa liên hợp, v.v. Đó là loại từ ghép được tạo thành bởi các thành tố đồng loại, theo quan hệ bình đẳng, để biểu thị ý nghĩa khái quát, tổng hợp và trừu tượng; trật tự của các thành tố không
  • 28. 21 chặt chẽ lắm. Cũng có thể nói, chúng là những từ tổ (ngữ) đã được từ vựng hóa” [36; tr.146]. Trong từ ghép đẳng lập, về quan hệ ngữ pháp, các yếu tố có vai trò ngữ pháp ngang nhau; xét về ý nghĩa, các yếu tố hoặc là đồng nghĩa, gần nghĩa, trái nghĩa hoặc là cùng có liên quan với nhau trong một trường nghĩa nhất định. Cơ chế chung của từ ghép đẳng lập thường là nghĩa của cả từ ghép rộng hơn, khái quát hơn so với nghĩa của các thành tố cộng lại. Chẳng hạn, giang sơn có nghĩa chỉ miền đất đai, trong quan hệ với dân tộc làm chủ và sống trên đó; nhân nghĩa có nghĩa là lòng thương người và tôn trọng lẽ phải, điều phải v.v. Nhìn chung, các yếu tố cấu thành từ ghép Hán Việt đẳng lập thường thấy là: (i) Từ ghép Hán Việt đẳng lập có nghĩa tương đồng như: thổ địa, ẩn tàng; (ii) Từ ghép Hán Việt đẳng lập có nghĩa tương quan như: giang sơn, sơn thủy, sơn hà, huynh đệ, phụ mẫu; (iii) Từ ghép Hán Việt đẳng lập có nghĩa tương phản như: sinh tử, thủy chung, thị phi. b. Từ ghép Hán Việt chính phụ Nếu từ ghép Hán Việt đẳng lập là loại từ ghép được tạo ra bằng hai thành tố Hán Việt theo quan hệ ngang nhau về kết cấu cũng như ý nghĩa thì từ ghép Hán Việt chính phụ ngược lại. Đây là kiểu từ ghép được cấu tạo bởi một thành tố chính và một thành tố phụ. Thành tố chính đóng vai trò là nòng cốt, trung tâm, thành tố phụ đóng vai trò hạn định, bổ sung, trần thuật hoặc chi phối. Chính nhờ nghĩa hạn định, bổ sung, trần thuật hoặc chi phối mà nghĩa của cả từ ghép trở nên cụ thể hơn. Chẳng hạn, từ ghép quốc ngữ gồm có hai thành tố: thành tố ngữ chỉ ngôn ngữ nói chung, không hạn định; thành tố quốc mang nghĩa hạn định, chỉ về quốc gia. Nhờ vậy, nó tạo cho cả từ ghép có nghĩa chuyên biệt hóa: chỉ tiếng nói chung của một quốc gia. Dựa vào quan hệ giữa các thành tố, từ ghép Hán Việt chính phụ được chia thành: (i) từ ghép Hán Việt chính phụ có quan hệ hạn định: quốc ngữ, quý nhân, quý vật, hiền thê; (ii) từ ghép Hán Việt chính phụ có quan hệ bổ sung: thuyết phục, thuyết hàng, thuyết khách; (iii) từ ghép Hán Việt chính phụ có quan hệ trần thuật: địa chấn, dân chúng; (iv) từ ghép Hán Việt chính phụ có quan hệ chi phối: quản nhiệm, quản sự, trực tính.
  • 29. 22 1.4.2. Ngữ cố định Hán Việt Ngữ thường được hiểu là “hai hay nhiều từ kết hợp lại thành một nhóm theo một số phương thức nhất định, song chưa diễn đạt được một ý trọn vẹn, gọi là ngữ (còn gọi là cụm từ, đoản ngữ, phiến ngữ hay từ tổ) [7; tr.228]. Ngữ thường được chia ra thành hai loại: ngữ tự do và ngữ không tự do (ngữ cố định). “Ngữ tự do bao gồm những ý nghĩa từ vựng độc lập của tất cả các thực từ tạo thành ngữ; mối liên hệ cú pháp của các yếu tố trong ngữ tự do là mối liên hệ linh hoạt và có sức sản sinh (kiểu như đọc sách). Còn trong ngữ không tự do thì tính độc lập về mặt từ vựng của một hoặc cả hai thành tố bị yếu đi hoặc bị mất và ý nghĩa từ vựng của ngữ trở nên giống như ý nghĩa của một từ riêng biêt (…)” [76; tr.176-177]. Trong luận văn này, ngữ được giới hạn trong ngữ cố định Hán Việt bao gồm: ngữ định danh và thành ngữ Hán Việt. Theo Nguyễn Thiện Giáp: “Ngữ định danh là những cụm từ biểu thị các sự vật, hiện tượng hay khái niệm nào đó của thực tế. Nó bao gồm những cụm từ thường được gọi là từ ghép như: xe đạp, máy tiện, cá vàng, cà chua, áo dài v.v… và những cụm từ thường được gọi là ngữ cố định như đường đồng mức, phương nằm ngang, máy hơi nước v.v…” [19; tr.70]. Các tác giả Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt đã chia cụm từ cố định trong tiếng Việt thành hai loại: ngữ cố định và thành ngữ. Trong đó, ngữ cố định tiếp tục được phân thành: ngữ cố định định danh và quán ngữ. Theo các tác giả này, tên gọi ngữ cố định định danh chưa thật sự chặt chẽ: “Tên gọi này chúng ta tạm dùng (vì nó chưa thật chặt về nội dung) để chỉ những đơn vị vốn ổn định về cấu trúc và ý nghĩa hơn các quán ngữ rất nhiều, nhưng lại chưa có được ý nghĩa mang tính hình tượng như thành ngữ” [11; tr.162]. Chẳng hạn: quân sư quạt mo, mắt ốc nhồi, mắt bồ câu, má bánh đúc, tóc rễ tre, kỷ luật sắt v.v…, thực chất đó là những cụm từ cố định, định danh, gọi tên sự vật. Chúng tôi tiếp thu nội hàm khái niệm ngữ cố định định danh của các tác giả Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt và khái niệm ngữ định danh của Nguyễn Thiện
  • 30. 23 Giáp nhưng chỉ ở vế sau, nghĩa là những cụm từ cố định nhưng chưa phải là thành ngữ. Do đó, trong luận văn này, những trường hợp mà lâu nay ngữ pháp truyền thống gọi là từ ghép như: ái ân, nhân hậu, nhân đạo, phu thê v.v…, chúng tôi vẫn giữ nguyên tên gọi; còn những trường hợp như đạo cang thường, nghĩa cang thường, thủy chung như nhứt v.v..., chúng tôi gọi là ngữ định danh. Thành ngữ là “cụm từ hay ngữ cố định có tính nguyên khối về ngữ nghĩa, tạo thành một chỉnh thể định danh có ý nghĩa chung khác tổng số ý nghĩa của các thành tố cấu thành nó, tức là không có nghĩa đen và hoạt động như một từ riêng biệt ở trong câu” [76; tr.271]. Cũng như thành ngữ thuần Việt, thành ngữ Hán Việt có kết cấu chặt chẽ và ổn định, có chức năng định danh và được tái hiện trong lời nói. Nghĩa của thành ngữ Hán Việt là nghĩa khái quát của các thành tố, mang tính biểu trưng và gợi tả. Đó là các thành ngữ như: quân tử nhất ngôn, họa phúc vô môn, họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm v.v… 1.5. Sự khác biệt giữa từ ngữ Hán Việt và từ ngữ thuần Việt đẳng nghĩa Từ đẳng nghĩa là hiện tượng hai yếu tố ngôn ngữ ngang nghĩa nhau nhưng lại khác nhau về nguồn gốc. Từ Hán Việt và từ thuần Việt được gọi là đẳng nghĩa khi chúng cùng biểu thị những sự vật, hiện tượng, hành động, tính chất tương đương nhau. Chẳng hạn, huynh đệ (Hán Việt) = anh em (thuần Việt), phụ mẫu (Hán Việt) = cha mẹ (thuần Việt) v.v… Nếu trong ngôn ngữ có hiện tượng hai từ đồng nghĩa hoàn toàn sẽ xảy ra hiện tượng “tranh chấp”, chúng sẽ loại trừ, triệt tiêu nhau, nếu sử dụng từ này thì không sử dụng từ kia. Tuy nhiên, để cùng song tồn, chúng phải cạnh tranh nhau về nhiều mặt: sắc thái ý nghĩa, sắc thái biểu cảm và màu sắc phong cách. 1.5.1. Về sắc thái ý nghĩa Từ ngữ Hán Việt thường có sắc thái ý nghĩa trừu tượng. Chẳng hạn, thảo mộc, sơn hà, giang sơn, thiên địa v.v… Từ ngữ thuần Việt thường có sắc thái ý nghĩa cụ thể hơn. Chẳng hạn, cỏ cây, núi sông, sông núi, trời đất v.v…
  • 31. 24 Sự khác nhau này khiến cho từ ngữ Hán Việt mang tính chất tĩnh tại, không sinh động, gợi hình. Trong khi đó, do có sắc thái ý nghĩa cụ thể nên từ ngữ thuần Việt mang tính chất sinh động, gợi hình. 1.5.2. Về sắc thái biểu cảm Đại bộ phận từ ngữ Hán Việt có sắc thái biểu cảm dương tính. Chẳng hạn, hảo tâm, nhân ái, hy sinh, phát biểu, phu thê, hiền thê v.v… Đại bộ phận từ ngữ thuần Việt có sắc thái biểu cảm trung tính hoặc âm tính. Chẳng hạn, lòng tốt, thương người, bỏ mạng, nói, vợ chồng, vợ hiền v.v… 1.5.3. Về màu sắc phong cách Từ ngữ Hán Việt thường được dùng trong giao tiếp mang tính nghi thức. Một số từ ngữ Hán Việt do chỉ xuất hiện ở giao tiếp mang tính nghi thức hoặc ít xuất hiện trong giao tiếp không mang tính nghi thức nên có tính chất cổ kính, không thông dụng. Chẳng hạn, phụ mẫu, phu nhân, phu quân, mẫu thân, mẫu từ v.v… Từ ngữ thuần Việt nhìn chung được dùng nhiều trong các phong cách ngôn ngữ và đặc biệt là trong phong cách khẩu ngữ nên có màu sắc đa phong cách và mang tính thông dụng. Chẳng hạn, cha mẹ, vợ, chồng, mẹ v.v… Giữa từ ngữ Hán Việt và từ ngữ thuần Việt đẳng nghĩa có sự đối lập về đặc điểm tu từ rất rõ. Bên cạnh đó, từ ngữ Hán Việt do có sắc thái ý nghĩa trừu tượng, khái quát, sắc thái biểu cảm dương tính nên thường đem đến cho ta những khái niệm tĩnh tại, không sắc màu cụ thể, thiếu sự vận động, mang hình ảnh của thế giới ý niệm. Do đó, lớp từ này rất thích hợp khi miêu tả những gì ngưng đọng, cổ xưa. Trái lại, từ ngữ thuần Việt được dùng để tả những cái cụ thể, chân thực, sinh động như bản thân của sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan. Chính vì vậy mà trong sáng tác thơ văn, các nghệ sĩ ngôn từ phải biết lựa chọn từ ngữ thích hợp, đúng chỗ để đem lại hiệu quả nghệ thuật cao nhất, phát huy hết giá trị của ngôn từ. 1.6. Khái quát về ca dao Nam Bộ Ca dao Nam Bộ là một hình thức thể hiện của văn hóa tinh thần, là tư tưởng, tình cảm, ý nghĩ trung thực của người dân Nam Bộ, thậm chí ngay cả những người dân không biết chữ. Đặc sắc của ca dao Nam Bộ vì thế là phản ánh được đời sống
  • 32. 25 vật chất, tinh thần của con người, là nơi ẩn chứa đầy đủ nhất về tâm tư tình cảm và khát vọng của những con người đi mở đất và những lớp người kế tiếp nhau trên mảnh đất Nam Bộ mà không có quyền lực nào có thể ngăn cản được. Nằm trong hệ thống ca dao Việt Nam, ca dao Nam Bộ cũng có những điểm chung và khu biệt so với ca dao cả nước. 1.6.1. Ca dao Nam Bộ Nằm trong hệ thống văn học dân gian Việt Nam và là một bộ phận quan trọng của ca dao Việt Nam, ca dao Nam Bộ là một bộ phận của văn học dân gian được sưu tầm ở vùng đất Nam Bộ. Đây là những sáng tác nghệ thuật được truyền miệng, được lưu truyền ở vùng đất Nam Bộ. Nghĩa là nó có thể được nhân dân sáng tác trong suốt mấy thế kỷ qua trên vùng đất mới. Song, nó còn là vốn văn hóa cổ truyền được cất giữ trong trí nhớ của những người đi mở cõi từ các địa phương khác nhau tụ họp về đây. Nói đơn giản hơn, nó là tác phẩm nghệ thuật truyền miệng được sưu tầm, ghi chép từ chính những người hiện đang sinh sống trong vùng truyền lại. Trong đó, bộ phận cốt lõi nhất là những lời ca dao được sáng tác trên mảnh đất Nam Bộ. Nó thể hiện được lời ăn tiếng nói, tâm tư tình cảm của người Nam Bộ cùng với những nét đặc thù của vùng đất mới được hình thành và phát triển song song với lịch sử khai phá và sự phát triển về văn hóa xã hội trên chính mảnh đất này. 1.6.2. Ngôn ngữ ca dao Nam Bộ Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên và rất quan trọng để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Nói đến ca dao Nam Bộ không thể không nói đến ngôn ngữ ca dao Nam Bộ. Ngôn ngữ cũng là lĩnh vực rất quan trọng để xem xét sắc thái địa phương. Phương ngữ Nam Bộ hình thành và phát triển cùng với tiến trình lịch sử khai hoang vùng đất Nam Bộ. Phương ngữ Nam Bộ là phương ngữ của vùng đất Nam Bộ. Nó thể hiện cách nói, cách sử dụng từ ngữ, kiểu phát âm riêng của người Nam Bộ. Phương ngữ Nam Bộ còn là nơi chứa đựng các yếu tố văn hóa, phong tục tập quán, sinh hoạt xã hội của con người và vùng đất Nam Bộ.
  • 33. 26 Tìm hiểu phương ngữ Nam Bộ được thể hiện qua ca dao Nam Bộ là một cách nhằm khẳng định thêm tính độc đáo, sắc sảo, phong phú và đa dạng của người Nam Bộ xưa trong việc sử dụng lời ăn tiếng nói của mình. Phương ngữ Nam Bộ thể hiện trong ca dao Nam Bộ là sự biến âm của ngôn ngữ toàn dân và một số từ chuyên dụng ở Nam Bộ mới hiểu. Người Nam Bộ nói ở bển, ở trển, dìa, đờn, hổ ngươi,.... chứ không nói ở bên đó, ở trên đó, về, xấu hổ (mắc cỡ). Chẳng hạn: Ở trển xuống đây cách năm bảy đám ruộng đồng Muốn ghé thăm anh một chút, sợ cô bác nói gái tầm chồng em hổ ngươi. Ca dao Nam Bộ còn sử dụng nhiều từ ngữ mang tính phương ngữ khác như: mốc thích, chơm bơm, tùm lum, lui cui lúc cúc,... - Con cò nó mổ con lươn Bớ chị ghe lườn muốn tía tui hông Tía tui lịch sự quá chừng Cái lưng mốc thích, cái đầu chơm bơm. - Gió đưa bụi chuối tùm lum Má dữ như hùm ai dám làm dâu. - Lui cui lúc cúc (lút cút) xúc con cá sặt mồi Lên doi xuống vịnh lần hồi nuôi nhau. Người Nam Bộ tất phải nói theo cách Nam Bộ. Có lẽ một trong những giọng của họ là theo cách bộc trực, ngang tàng, phóng túng: Con ếch ngồi dựa gốc bưng, Nó kêu cái “quệt” biểu ưng cho rồi. Trong hoàn cảnh tự tình với nhau, đôi khi họ không dùng những từ hoa mỹ, không nói những từ chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa, mà chỉ nói một cách mộc mạc, bình dân, cốt sao bày tỏ được lòng mình: Anh về em nắm vạt áo em la làng Phải bỏ chữ thương chữ nhớ giữa đàng cho em.
  • 34. 27 Tuy nhiên cần khẳng định rằng, không phải ca dao Nam Bộ không có những bài có lối nói trau chuốt như ca dao Bắc hay Trung Bộ. Ca dao Nam Bộ không thiếu những câu óng ả, chải chuốt, nhưng mức độ và liều lượng của những trường hợp này không nhiều. Trong cách biểu đạt như vậy, ngôn ngữ của ca dao Nam Bộ thường biểu hiện ở sự nhỏ nhẹ, hiền lành, ngộ nghĩnh, dễ thương: Trông lên chữ ứ Ngó xuống chữ ư Anh thương em, thủng thẳng em ừ Anh đừng thương vội, phụ mẫu từ nghĩa em. Phương ngữ Nam Bộ ra đời tuy có muộn hơn so với phương ngữ của các vùng khác, nhưng không vì thế mà nó nghèo nàn, hời hợt, mà trái lại nó rất đa dạng, phong phú và sâu lắng. Nó chứa đựng các yếu tố văn hóa, phong tục tập quán cùng tính cách của con người Nam Bộ. Phương ngữ Nam Bộ không chỉ đơn thuần là khẩu ngữ của người Nam Bộ mà nó đã bước vào văn học nghệ thuật với một tư thế rất đường hoàng. Những câu ca dao Nam Bộ vừa dẫn trên là một minh chứng cho điều này. Ngoài việc sử dụng phương ngữ, ca dao Nam Bộ còn dùng khá nhiều từ ngữ Hán Việt. Chẳng hạn: Trai tứ chiếng, gái giang hồ, Gặp nhau ta nổi cơ đồ cũng nên. Hay: Thủy để ngư thiên biên nhạn, Cao khả xạ hề, để khả điếu, Chỉ xích nhơn tâm bất khả phòng, E sao lòng lại đổi lòng Nhiều người tham bưởi chê bòng lắm anh.
  • 35. 28 Không chỉ sử dụng nhiều từ ngữ Hán Việt, ca dao Nam Bộ còn sử dụng nhiều biến thể từ ngữ Hán Việt, đây là nét độc đáo trong cách dùng từ ngữ của ca dao Nam Bộ. 1.7. Tiểu kết Từ ngữ Hán Việt là các từ ngữ gốc Hán được đọc theo âm Hán Việt. Âm Hán Việt là âm đọc của tất cả các từ ngữ Hán của người Việt, lấy xuất phát điểm là âm Hán Trung cổ ở các thế kỷ VIII, IX (ứng với thời kỳ triều đại nhà Đường, Trung Quốc). Quá trình Việt hóa này trải qua hàng mấy thế kỷ mới hình thành ra âm Hán Việt ngày nay. Từ ngữ Hán Việt có những đặc điểm riêng về ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp và phong cách. Dựa vào đó ta có thể nhận diện được từ ngữ Hán Việt và phân biệt được với từ ngữ thuần Việt đẳng nghĩa. Trong giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp mang tính nghi thức, từ ngữ Hán Việt được sử dụng rất nhiều. Sở dĩ từ ngữ Hán Việt được dùng nhiều là bởi cũng giống như Nhật Bản và Hàn Quốc, tiếng Việt có khoảng trên 60% (có tài liệu còn cho rằng khoảng 70%) từ ngữ Hán Việt. Ca dao Nam Bộ nói riêng, ca dao cả nước nói chung sử dụng từ ngữ Hán Việt là điều dễ hiểu. Từ ngữ Hán Việt cũng là lớp từ ngữ nằm trong hệ thống từ vựng tiếng Việt, chiếm số lượng nhiều hơn từ ngữ thuần Việt, nên dù ít hay nhiều nó cũng được sử dụng là tất yếu. Thêm vào đó, người Nam Bộ nói riêng, người Việt Nam nói chung, họ nói theo thói quen, theo kinh nghiệm: tri kỳ sở nhiên bất tri kỳ sở dĩ nhiên (biết nó là thế nhưng không biết tại sao nó lại là thế). Thế nên, từ ngữ Hán Việt được sử dụng ít nhiều khác nhau cũng là do thói quen, kinh nghiệm, vốn sống v.v…, của mỗi người, mỗi vùng khác nhau.
  • 36. 29 Chương 2. TỪ NGỮ HÁN VIỆT TRONG CA DAO NAM BỘ TRÊN BÌNH DIỆN NGÔN NGỮ Trong chương này, luận văn trình bày đặc điểm của từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ ở ba góc độ: ngữ âm, cấu tạo - ngữ pháp và ngữ nghĩa. 2.1. Đặc điểm về ngữ âm của từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ Xét về mặt ngữ âm, từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ tồn tại ở 3 dạng: từ ngữ Hán Việt có vỏ ngữ âm toàn dân, từ ngữ Hán Việt có vỏ ngữ âm phương ngữ hóa và từ ngữ Hán Việt có hai vỏ ngữ âm (hai cách đọc Hán Việt). 2.1.1. Từ ngữ Hán Việt có vỏ ngữ âm toàn dân Đây là loại từ ngữ có âm đọc Hán Việt dựa trên cách đọc Hán Việt theo ngữ âm chuẩn của toàn dân; về cách viết, chúng được viết theo các quy tắc ghi hệ thống các âm vị của tiếng Việt hiện đại (chúng tôi dựa vào cách chú âm trong các từ điển tường giải từ ngữ Hán Việt). Đó là các từ như: đạo, nghĩa, nhân, đạo nghĩa, nhân nghĩa, nhân đạo, nhân hậu, nhật nguyệt, quân tử nhất ngôn v.v… 2.1.2. Từ ngữ Hán Việt có vỏ ngữ âm phương ngữ hóa Từ ngữ Hán Việt phương ngữ hóa là từ ngữ Hán Việt được phát âm theo phương ngữ Nam Bộ. Theo thống kê của chúng tôi, trong ca dao Nam Bộ có tất cả 12 yếu tố Hán Việt có biến thể ngữ âm địa phương (phương ngữ hóa), những yếu tố này vừa là từ (từ đơn) vừa là yếu tố cấu tạo từ và ngữ. Đó là các yếu tố như: chính / chánh - chánh tà sinh / sanh - sanh tử, sanh thành, sanh dưỡng, thập tử nhất sanh thịnh / thạnh - thạnh suy, thạnh thời nhân / nhơn - nhơn hậu, nhơn đạo, nhơn tình, nhơn nghĩa, nhơn ngãi, nhơn ngỡi, tri nhơn tri diện bất tri tâm nhất / nhứt - quân tử nhứt ngôn, thủy chung như nhứt nhật / nhựt - nhựt nguyệt, nhứt nhựt vãng lai nho / nhu hồng / hường - hường nhan phong / phuông - tiên phuông
  • 37. 30 trọng / trượng - tình thâm ngỡi trượng nghĩa / ngãi, ngỡi - ngãi nhơn, ngỡi nhơn, tình thâm ngỡi trượng quý / quới - quyền quới Yếu tố Hán Việt phương ngữ hóa xuất hiện ở cả từ đơn tiết, từ song tiết và thành ngữ Hán Việt; số lượng và tần số sử dụng cụ thể như sau: Đối tượng thống kê Số lượng Tần số sử dụng Tỉ lệ % Từ đơn tiết 8 61 12, 1% Từ song tiết 32 87 48, 5% Thành ngữ 26 34 39, 4% Tổng số 66 182 100% Hiện tượng phương ngữ hóa từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ có thể do ba nguyên nhân chính. Nguyên nhân thường thấy nhất là do thói quen nói sao viết vậy của người Nam Bộ. Nguyên nhân thứ hai là do kỵ húy mà một số từ ngữ Hán Việt được nói và viết trại đi, chẳng hạn, tên tước và miếu hiệu của Nguyễn Phúc Thái (1648-1691) là Anh Tôn Hiếu Nghĩa nên nghĩa phải gọi là ngãi; tên tước của Nhân quận công Nguyễn Phúc Lan nên nhân phải đọc trại thành nhơn; hồng phải nói trại thành hường vì kỵ húy Hồng Nhậm, tức vua Tự Đức v.v. Cuối cùng là do cách gieo vần, tạo nhịp mà một số từ ngữ biến đổi cho phù hợp với yêu cầu vần nhịp, chẳng hạn như: Chiều chiều vịt lội ao sen, Tình cờ gặp lại người quen tôi chào, Chào cô trước mũi tiên phuông, Chào cô sau lái mặt vuông chữ điền, Người nào là vợ Vân Tiên? Cho tôi biết để chào liền chị dâu. Người nào người ngỡi tôi đâu? Nói cho tôi biết để gởi câu ân tình. Từ tiên phong trong câu lục của bài ca dao trên biến âm thành tiên phuông để đáp ứng yêu cầu gieo vần (uông) trong câu bát ở dưới.
  • 38. 31 Như vậy, dù là lý do nào đi chăng nữa thì những từ ngữ Hán Việt vừa nêu cũng đã trở thành đặc sản ngôn ngữ của người Nam Bộ. Những từ ngữ này xuất hiện nhiều trong ca dao Nam Bộ mà ít hoặc không xuất hiện ở ca dao các miền khác, vì vậy mà chúng tôi gọi đây là từ ngữ Hán Việt có vỏ ngữ âm phương ngữ hóa. 2.1.3. Từ ngữ Hán Việt có hai âm đọc Hán Việt Ngoài việc sử dụng từ ngữ Hán Việt có vỏ ngữ âm phương ngữ hóa, ca dao Nam Bộ còn sử dụng một số từ ngữ Hán Việt có hai âm đọc Hán Việt cùng tồn tại, chẳng hạn như các yếu tố: hoàng/ huỳnh, khang/ khương, phúc/ phước, vũ/ võ, hoa/ huê, tùng/ tòng v.v… Cũng như trong từ ngữ Hán Việt có vỏ ngữ âm phương ngữ hóa, yếu tố Hán Việt có hai âm đọc Hán Việt xuất hiện ở cả từ đơn tiết, từ song tiết và thành ngữ Hán Việt. Cụ thể như sau: TỪ NGỮ HÁN VIỆT Số lượng Tần số sử dụng Tỉ lệ % Từ đơn tiết 6 19 9, 7% Từ song tiết 37 81 59, 7% Thành ngữ 19 31 30, 6% Tổng số 62 131 100% Sở dĩ từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ có hai cách đọc Hán Việt khác nhau song song cùng tồn tại là do tập tục kỵ húy. Chẳng hạn, Đoan quốc công Nguyễn Hoàng, thủy tổ của triều Nguyễn sau này, âm húy là Hoàng, nên các âm hoàng đọc và nói chệch thành huỳnh, chữ hoàng và huỳnh cùng có chung chữ viết, chỉ khác âm đọc; khang phải nói chệch thành khương vì kiêng húy Lê Khang (đời thứ hai dòng Lê Trừ) và Hiếu Khang hoàng đế (cha vua Gia Long); phúc phải nói trại thành phước là vì tên đệm của các vua nhà Nguyễn là Phúc (Nguyễn Phúc Ánh – Gia Long; Nguyễn Phúc Thì – Tự Đức); âm vũ nói trại là võ vì kiêng húy vua Lê Huyền Tông (Duy Vũ ), có lẽ cũng vì vậy mà có âm vũ môn bên cạnh võ môn; hoa phải nói trại thành huê vì tên húy của quý phi Hồ Thị Hoa v.v… Ca dao Nam Bộ có nhiều hiện tượng nói trại, tạo nên lớp từ biến âm đa dạng trong lời nói của người Nam Bộ. Họ không nói nghĩa mà nói ngãi/ ngỡi; nhơn ngãi,
  • 39. 32 nhơn ngỡi thay cho nhân nghĩa; nhơn đạo, nhơn hậu thay cho nhân đạo, nhân hậu. Nguyên nhân thì có nhiều: vì kiêng huý, thói quen nói sao viết vậy, hoặc đơn thuần chỉ để hiệp vần cho thơ v.v... 2.2. Đặc điểm về cấu tạo – ngữ pháp của từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ Xét về đặc điểm cấu tạo, từ ngữ Hán Việt được chia thành hai loại: từ và ngữ. Về đặc điểm ngữ pháp, tức là dựa vào ý nghĩa khái quát, khả năng kết hợp và khả năng đảm nhiệm chức vụ cú pháp trong hoạt động kết hợp của từ trong ngữ lưu, từ ngữ Hán Việt được chia thành các từ loại khác nhau. 2.2.1. Từ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ Từ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ tồn tại ở ba dạng: từ đơn, từ ghép và từ láy. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, từ láy Hán Việt xuất hiện rất ít, bên cạnh đó vấn đề từ láy nói chung và từ láy Hán Việt nói riêng là một vấn đề đang còn bỏ ngỏ nên luận văn không bàn đến vấn đề này. 2.2.1.1. Từ đơn Hán Việt Trong 727 từ ngữ thống kê được trong ca dao Nam Bộ có 88 từ đơn Hán Việt, chiếm tỉ lệ 12, 1%. Đây là tỉ lệ không cao, nhưng tần số xuất hiện của một số từ lại khá cao, chẳng hạn, từ thiếp xuất hiện 44 lần, từ nghĩa xuất hiện 55 lần (chưa kể các biến thể của nó), từ sầu xuất hiện 71 lần v.v… Xét về ý nghĩa khái quát, về khả năng kết hợp và khả năng đảm nhiệm chức vụ cú pháp trong hoạt động kết hợp của từ trong ngữ lưu, có thể chia từ đơn Hán Việt trong ca dao Nam Bộ thành năm loại: từ đơn Hán Việt là danh từ, từ đơn Hán Việt là động từ, từ đơn Hán Việt là tính từ, từ đơn Hán Việt là số từ và từ đơn Hán Việt là kết từ. a. Từ đơn Hán Việt là danh từ: ân, bể, châu, chiếu, dương, điền, đạo, họa, hổ, kiều (cầu), lệ/ lụy, long, môn, nghĩa/ ngãi/ ngỡi, nguyệt, nhân/ nhơn, nhu, phụng, quy, sơn, hữu, tả, tâm, thi, thiếp, thủy, tình, vi (vây). Các từ đơn Hán Việt danh từ trong ca dao Nam Bộ đều có nghĩa chỉ sự vật và khái niệm trừu tượng. b. Từ đơn Hán Việt là động từ: ái, đáo, hiệp, hồi, luỵ, mãi, mãn, ngộ, ngự,
  • 40. 33 nhẫn, phụ, sinh/ sanh, tầm, tế, thác, thệ, thọ, trầm, triệu, trượng (trọng), tử, vãn, vong, tòng/ tùng. Các từ đơn Hán Việt động từ trong ca dao Nam Bộ đều có nghĩa chỉ hoạt động và trạng thái. c. Từ đơn Hán Việt là tính từ: an, bạch, bần, cận, côi, đồng, đơn, góa, hiếu, hòa, kép, phú, quý, sầu, thanh, trung, trường, viễn. Các từ đơn Hán Việt tính từ trong ca dao Nam Bộ đều có nghĩa chỉ tính chất. d. Từ đơn Hán Việt là số từ: nhứt, nhì, tam, thiên. e. Từ đơn Hán Việt là phụ từ: dĩ. Trong các từ loại kể trên, từ đơn Hán Việt là danh từ chiếm tỉ lệ nhiều nhất, từ đơn Hán Việt là kết từ chiếm tỉ lệ thấp nhất, chỉ có 1 từ, kế đến là từ đơn Hán Việt số từ chỉ có 4 từ. 2.2.1.2. Từ ghép Hán Việt Từ ghép chiếm số lượng nhiều nhất trong tổng số từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ: 507 từ, tần số xuất hiện là 1029 lượt, chiếm tỉ lệ 69, 7%. a. Từ ghép Hán Việt nhìn từ tiêu chí ngữ nghĩa Xét từ tiêu chí ngữ nghĩa, từ ghép Hán Việt trong ca dao Nam Bộ được chia thành hai loại: từ ghép hợp nghĩa và từ ghép phân nghĩa. a1. Từ ghép Hán Việt hợp nghĩa Từ ghép hợp nghĩa hay còn gọi là từ ghép hội nghĩa, từ ghép phối nghĩa. Từ ghép Hán Việt hợp nghĩa, xét về quan hệ ngữ pháp chính là từ ghép đẳng lập. Trong từ ghép hợp nghĩa, các yếu tố kết hợp với nhau phải là những yếu tố có nghĩa biểu thị khái niệm thuộc cùng một phạm trù (có quan hệ gần nghĩa, đồng nghĩa hoặc trái nghĩa). Từ ghép hợp nghĩa có quá trình tổ chức lại các yếu tố ngữ nghĩa theo quy tắc nhất định để tạo thành nghĩa hoàn chỉnh cao hơn. Sự hợp nghĩa có quy tắc nhất định, vì thế đối với những từ có cùng cơ cấu ta có thể áp dụng chung quy tắc giải thích nghĩa. Từ ghép hợp nghĩa có đặc điểm quan trọng là nghĩa của từng thành tố phối hợp với nhau, hợp lại với nhau tạo ra ý nghĩa chung của cả từ ghép. Nghĩa chung
  • 41. 34 của cả từ ghép bằng hoặc khái quát hơn nghĩa riêng của các thành tố cộng lại. Đó là các từ như: dưỡng nuôi, nuôi dưỡng, đàm tiếu, đệ huynh, giang hà, giang hồ, giang san/ giang sơn, nghĩa nhân/ ngãi nhân/ ngãi nhơn/ nghĩa nhơn/ ngỡi nhân, nhân nghĩa/ nhân ngãi/ nhân ngỡi/ nhơn ngãi/ nhơn nghĩa, nghĩa tình, nhật nguyệt, phu phụ, phu thê, phụ mẫu, phụ tử, sơn cước, sơn hà, sơn khê, sơn lâm, thủy hỏa, tiền tài, tình nghĩa, ái ân, hiệp tan, hợp tan, nhớ thương, sanh tử, tử sanh, thạnh suy, chính tà, hiếu trung, phú quý, quyền quý/ quyền quới, thị phi, thủy chung, xung khắc v.v… Chẳng hạn, từ giang sơn có nghĩa rộng hơn, khái quát hơn nghĩa của các thành tố cộng lại. Giang là sông, sơn là núi. Sông và núi tượng trưng cho lãnh thổ của dân tộc sống và làm chủ trên đó, nên giang sơn có nghĩa là đất nước. Giang sơn còn có nghĩa chỉ tất cả những gì mình có. Như vậy, nghĩa của giang sơn khái quát hơn nghĩa của giang + sơn. Từ phu phụ có nghĩa là chồng vợ, trường hợp này nghĩa của phu phụ bằng nghĩa của phu + phụ. a2. Từ ghép Hán Việt phân nghĩa Từ ghép phân nghĩa, xét về quan hệ ngữ pháp còn gọi là từ ghép chính phụ. Từ ghép Hán Việt phân nghĩa có một yếu tố chỉ loại sự vật, hiện tượng lớn, yếu tố còn lại có tác dụng phân chia loại sự vật, hoạt động, đặc trưng lớn thành những loại sự vật, hoạt động, đặc trưng cụ thể. Đó là các từ như: gia cang, gia đàng/ gia đường, gia tài, hành khách, hiền thê, học trò, hữu duyên, khách du, lê viên, loan phòng, ngư phủ, nho sĩ, nữ nhân, nữ phòng, song thân, trượng phu, tư tình, an bài, an giấc, an tình, hồi hương, hồi quân, phụ nghĩa, phụ tình, bạc nghĩa, bạc phận, bạc tình, đa tình, vô phúc, vô phước, vô tình, vô tội, vô ý v.v... Căn cứ vào yếu tố mang nghĩa chỉ loại và yếu tố có tác dụng phân nghĩa, có thể chia từ ghép Hán Việt phân nghĩa thành hai loại: từ ghép Hán Việt phân nghĩa có yếu tố chỉ loại đứng trước và từ ghép Hán Việt phân nghĩa có yêu tố chỉ loại đứng sau:
  • 42. 35 Từ ghép Hán Việt phân nghĩa có yếu tố chỉ loại đứng trước: phụ nghĩa, phụ tình, bạc nghĩa, bạc phận, bạc tình, sầu ái, sầu tư, vô phúc, vô phước, vô tình, vô tội, vô ý v.v... Từ ghép Hán Việt phân nghĩa có yếu tố chỉ loại đứng sau: hành khách, hiền thê, học trò, lê viên, loan phòng, ngư phủ, nho sĩ, nữ nhân, nữ phòng v.v... Như vậy, xét về quan hệ nghĩa giữa các thành tố trong từ ghép, nếu các thành tố kết hợp lại tạo ra nghĩa khái quát ta có từ ghép hợp nghĩa; nếu các thành tố kết hợp với nhau mà một thành tố mang nghĩa khái quát, thành tố còn lại phân chia hạn định thành tố mang nghĩa khái quát ta có từ ghép phân nghĩa. Từ ghép hợp nghĩa và từ ghép phân nghĩa chính là từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ theo cách phân loại dựa trên tiêu chí cấu tạo. b. Từ ghép Hán Việt nhìn từ tiêu chí cấu tạo Dựa vào đặc điểm cấu tạo của các thành tố về mặt cú pháp, từ ghép Hán Việt được chia thành hai loại: từ ghép Hán Việt đẳng lập và từ ghép Hán Việt chính phụ. b1. Từ ghép Hán Việt đẳng lập Từ ghép Hán Việt đẳng lập là loại từ ghép được tạo thành bởi các yếu tố đồng loại, theo quan hệ bình đẳng, ngang nhau về mặt ngữ pháp. Đó là các từ như: cang thường, cốt nhục, danh vọng, dung nhan, duyên nợ, duyên tình, đệ huynh, giang hà, giang hồ, giang sơn/ giang san, kim thạch, loan phụng, nghĩa nhơn/ ngãi nhân/ ngãi nhơn/ ngỡi nhân, nhân nghĩa/ nhân ngãi/ nhân ngỡi/ nhơn ngãi/ nhơn nghĩa, nghĩa lý, nghĩa tình, nguyệt hoa, nhân tình/ nhơn tình, nhật nguyệt/ nhựt nguyệt, nhơn đạo, phu phụ, phu thê, phụ mẫu, phụ tử, phụng loan, sơn cước, sơn hà, sơn khê, sơn lâm, thủy hỏa, tiền tài, tình nghĩa, trí tài, ái ân, ân ái, biệt ly, dưỡng nuôi, nuôi dưỡng, đàm tiếu, hiệp hòa, hiệp tan/ hợp tan, ly biệt, nhớ thương, oán hận, oán thù, sanh tử, tử sanh, thác vong, thạnh suy, bần cùng, bình an, bình yên, chính tà, cơ cực, cơ hàn, hiếu hạnh, hiếu trung, phú quý, quyền quý/ quyền quới, thị phi, thịnh trị, thủy chung, xung khắc v.v…