SlideShare ist ein Scribd-Unternehmen logo
1 von 23
Downloaden Sie, um offline zu lesen
Người Việt chinh phục đại dương
Kỳ 1: Khát vọng tàu hơi nước
TT - Từ xa xưa, người Việt đã giỏi thủy chiến với nhiều chiến thắng hiển hách. Đến
triều Nguyễn, hải quân được nâng tầm chiến lược. Nhiều hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải
được thành lập, các dự án đóng tàu hơi nước, tàu bọc đồng, đặc biệt đưa người ra
nước ngoài học hỏi kỹ thuật hàng hải và kỹ nghệ đóng tàu.
Loại thuyền quan trọng nhất thời Nguyễn thế kỷ 19 được khắc trong châu bản
“Tàu này mua bên Tây cũng được, nhưng muốn khiến cho công tượng nước ta tập
quen máy móc cho khéo, vậy nên chẳng kể lao phí gì”. Từ năm 1839, lời phán của
vua Minh Mạng đã lưu truyền chính sử, khi ông thân chinh đến dự lễ hạ thủy tàu hơi
nước đầu tiên do chính người Việt đóng.
Ai đóng tàu hơi nước đầu tiên?
Từ nội thành Huế, tôi tìm về quê hương Hoàng Văn Lịch đã lưu danh trong công trình
đóng tàu hơi nước đầu tiên ở làng Hiền Lương, huyện Phong Điền. Đây là làng Việt
cổ có tên là Hoa Lang, huyện Quảng Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Triều
Minh Mạng đổi Thuận Hóa làm phủ Thừa Thiên và đặt lại tên làng Hoa Lang thành
Hiền Lương. Trải bao biến động thời cuộc, làng luôn nổi tiếng với nghề rèn. Đặc biệt
không chỉ rèn nông cụ, danh tiếng Hiền Lương còn gắn liền việc chế tạo vũ khí.
Người làng đỗ đạt cao, làm quan triều đình. Khi vua Minh Mạng thực hiện cách mạng
hàng hải, khởi đóng những chiếc tàu hơi nước của nước Việt thì chính Hoàng Văn
Lịch, người Hiền Lương, được giao làm giám đốc công trình đặc biệt này.
Bao vương triều hưng thịnh rồi suy vong, nhưng Hoàng Văn Lịch vẫn mãi lưu danh
trong ký ức nhiều đời người Hiền Lương. Nhà nghiên cứu Huế Dương Phước Thu là
người làng này hồi tưởng: “Dân làng tôi truyền đời kính trọng cụ Hoàng Văn Lịch.
Đến giờ vẫn còn phần mộ, nhà thờ ghi công đức cụ cho hậu thế không quên...”.
Theo nghiên cứu của ông Thu, Hoàng Văn Lịch sinh năm giáp ngọ 1771 ở làng Hiền
Lương, hưởng thọ 77 tuổi. Công đức ông rõ nhất có lẽ chính là nội dung bản sắc
phong của vua Thiệu Trị được khắc trên bia mộ: “Năm Thiệu Trị thứ sáu. Cáo thọ
Minh Nghĩa đô úy Võ khố đốc công sở chánh giám đốc thủy tráng dực Lương Sơn
Hầu Hoàng Văn Lịch... Nay ban tờ chiếu này trước là để cho tận lực của người được
phấn chấn mà tỏ lòng cường lĩnh, trung kiên, sau là để thưởng cho người nhiều công
lao đốc thúc, đảm đang phòng ngự, bảo vệ vương triều...”. Đặc biệt, mặt sau bia mộ
còn được con cháu đời sau ông ghi cụ thể: “Hiển cao tổ khảo Hoàng Văn Lịch... trí
tuệ thông minh, kỹ nghệ tinh xảo, học thông chữ tốt, võ vẫn kiêm văn. Triều Gia
Long bổ vào Thạch Cơ Tượng. Triều Minh Mạng thăng thọ chánh giám đốc ở sở Võ
khố kiêm quảng bá công cuộc... đốc suất chế tạo ra mấy chiếc hỏa thuyền...”.
Đầu đông 2011, nắng hanh hao đường làng Hiền Lương. Tôi lần lại dấu vết người
xưa. Phó giáo sư Hoàng Dũng, hậu duệ họ Hoàng làng Hiền Lương, kể rằng ông đã
được nghe các bậc cao niên truyền kể cụ Hoàng Văn Lịch là người đặc biệt, mang lại
tiếng thơm cho làng. Học hành đỗ đạt làm quan thì nhiều làng đều có, nhưng từ người
làng rèn trở thành “công trình sư trưởng” đóng tàu hơi nước đầu tiên ở Việt Nam như
cụ Hoàng Văn Lịch làng Hiền Lương này là rất hiếm để đời sau tôn vinh.
Hỏa thuyền Đại Nam
Những ngày ở Huế, tôi cố gắng tìm dấu vết còn lại của những chiếc tàu hơi nước đầu
tiên. Quốc triều sử toát yếu của Cao Xuân Dục kể rằng triều Minh Mạng năm thứ 19
(1838) đã cho Võ khố đóng tàu hơi nước theo nghiên cứu kiểu cách tàu máy mua của
Tây Dương.
Năm sau, công trình đặc biệt này hoàn thành. “Tháng 4, ngài (vua Minh Mạng) ngự
chơi Bến Ngự, xem thí nghiệm tàu chạy máy hơi. Khi trước khiến sở Võ khố chế tạo
tàu ấy, đem xe chở ra sông, giữa đàng vỡ nồi nước, máy không chạy, người đốc công
bị xiềng, quan bộ công là Nguyễn Trung Mậu, Ngô Kim Lân vì cớ tâu không thiệt đều
bị bỏ ngục. Bấy giờ chế tạo lại, các máy vận động lanh, thả xuống nước chạy mau.
Ngài ban thưởng giám đốc là Hoàng Văn Lịch, Võ Huy Trinh mỗi người một cái nhẫn
pha lê độ vàng, một đồng tiền vàng Phi Long hạng lớn, đốc công và binh tượng được
thưởng chung 1.000 quan tiền. Ngài truyền rằng: Tàu này mua bên Tây cũng được,
nhưng muốn khiến cho công tượng nước ta tập quen máy móc cho khéo, vậy nên
chẳng kể lao phí gì”...
Tác giả Huỳnh Hữu Hiến viết cuốn Hiền Lương chí lược, kể thêm sau cuộc thử
nghiệm thất bại, giám đốc Hoàng Văn Lịch cùng cộng sự tại Võ khố nghiên cứu, sửa
chữa được hỏng hóc và chạy thử thành công ở sông An Cựu. Sự kiện này đánh dấu
mốc lịch sử trong nỗ lực của ngành đóng tàu nước Việt. Sử nhà Nguyễn ghi chép rõ ý
chí nắm bắt kỹ thuật đóng tàu máy của nước Việt từ cách đây gần hai thế kỷ: “... Kiểu
thuyền ấy nhờ hơi mà chuyển động, không cần gió nước thuận hay nghịch, không bắt
sức người chèo chống mà thuyền tự phóng nhanh, máy móc thực là tinh xảo. Phải thu
mua bằng giá đắt để phỏng theo cách thức đóng thuyền lớn khác để dùng mãi mãi”.
Sau đó, ít nhất hai tàu hơi nước khác được tiếp tục đóng mới. Đặc biệt, Hoàng Văn
Lịch còn chỉ huy thợ thuyền chế tạo thành công bộ máy tàu lớn. Ngoài thợ kinh thành
và làng Hiền Lương, 90 thợ rèn, đúc ở Hà Tĩnh, Bắc Ninh cũng được trưng dụng. Kỹ
thuật đóng tàu được nghiên cứu, cải tiến, kể cả cỡ tàu, mớm nước lẫn động cơ. Để
nâng vận tốc và độ linh hoạt, những bộ phận quan trọng như thùng hơi nước, bánh xe
quay đều được tăng kích cỡ trong khi ván thuyền sử dụng nhiều loại gỗ nhẹ hơn. Từ
đây, ngành đóng tàu hơi nước triều Minh Mạng tiến dần đến quy thức công nghiệp.
“Lần này, đóng thuyền cơ khí, vật kiện máy móc làm ra kích thước to nhỏ đã có đồ
thức làm bằng cứ, không ví như một lần đầu làm thử... Hạn trong tháng 12 nay hiện
đã hoàn chỉnh, quả có linh hoạt, tinh xảo nên công hiệu rõ ràng”.
Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, ít nhất triều Minh Mạng đã đóng thành công
mấy chiếc tàu hơi nước. Chiếc Yên Phi lớn nhất, dài 8 trượng 5 thước 2 tấc, rộng 2
trượng 6 tấc và sâu 8 thước 6 tấc 1 phân (1 trượng = 10 thước mộc, một thước mộc =
0,425m). Hai chiếc khác là Vân Phi và Vụ Phi. Đặc biệt, tàu hơi nước người Việt
đóng đã có cải tiến so với tàu mua. “Chiếc thuyền cơ khí mua của Tây Dương cũ,
trước đã có chỉ giao Vệ long thuyền nhận giữ để chạy thử. Hiện nay thuyền cơ khí đã
có những chiếc mới đóng, còn chiếc cũ ấy ngắn nhỏ, xét ra không dùng vào việc gì”.
Thời vua Thiệu Trị tiếp tục cho đóng mới tàu hơi nước tên Hương Nhi và cải tiến các
tàu đã đóng. Ngoài đóng mới, triều đình cũng mua thêm tàu hơi nước và tiếp tục học
hỏi kỹ thuật đóng tàu hiện đại bấy giờ.
Kỳ 2: Hải thuyền Hoàng Sa
TT - Nhiều chiến thuyền, tàu buôn nước ngoài đã bị nạn khi qua vùng biển Paracel
(Hoàng Sa) trong khi các hải đội triều Nguyễn vẫn thường xuyên ra vào vùng biển
này. Thậm chí họ từng cứu hộ tàu nước ngoài bị đắm. Điều đó không chỉ được sử
sách nước Việt ghi nhận mà các nhà hàng hải quốc tế, kể cả người Trung Quốc cũng
ghi chép rất kỹ. Người Việt đã chinh phục vùng biển nguy hiểm này bằng loại thuyền
gì?
Bản vẽ kỹ thuật thuyền buồm và một số vật dụng dùng để đi Hoàng Sa - Ảnh: Kỷ yếu Hoàng Sa
Sự thật thuyền Hoàng Sa
“Tổ tiên đã truyền đời kể cho chúng tôi nghe về những con thuyền từng vượt biển
Đông ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Thời thơ ấu của tôi ở Lý Sơn, loại thuyền
ngược xuôi trên biển cũng không khác xưa. Chúng nhỏ gọn nhưng chắc chắn và rất
tiện dụng trên vùng biển có nhiều bãi cát, rạn san hô như Hoàng Sa, Trường Sa...”.
Ông đồ già Võ Hiển Đạt ở đảo Lý Sơn tự hào hồi tưởng thuở bao lớp tổ tiên can
trường tiến ra biển. Mùa ra khơi năm 2011, ông Đạt bước sang tuổi 81, là trưởng
nhóm nghiên cứu, đóng lại chiếc thuyền của những đội hùng binh nước Việt năm xưa
sử dụng để chinh phục đại dương. Là bậc cao niên hiếm hoi còn thông thạo chữ nho ở
Lý Sơn, ông Đạt cũng từng tiếp cận nhiều tài liệu, thư tịch, sắc phong cổ ở Lý Sơn để
hiểu rõ về những con thuyền của tổ tiên mình.
Những buổi chiều ngồi ngắm biển ở cảng Lý Sơn, ông Võ Hiển Đạt đã kể cho tôi
nghe nửa đầu thế kỷ 20 dân đảo vẫn còn nghèo lắm. Người đi biển đều sử dụng những
chiếc thuyền buồm như tổ tiên mình đã bao đời cưỡi trên đầu sóng ngọn gió. Người đi
buôn dùng ghe bầu. Ngư dân có ghe câu nhỏ hơn. Hai loại thuyền đôi nét khác nhau
về kích cỡ, nhưng đều vượt biển giống nhau nhờ sức gió thổi buồm và khả năng xoay
xở rất tốt ở những vùng biển nông dễ mắc cạn.
Khi phục dựng lại thuyền đi Hoàng Sa thuở xưa, ông Đạt đã cẩn thận gặp thêm nhiều
bậc cao niên ở Lý Sơn để cùng bàn bạc chính xác loại thuyền. Thật ra ông và các bạn
vẫn nhớ rõ đến nửa đầu thế kỷ 20, ngư dân ở Lý Sơn và dọc bờ biển Quảng Ngãi vẫn
truyền đời đi biển bằng loại thuyền này. Họ gọi dân dã là ghe câu. Đây cũng là tên
thuyền thông dụng mà tổ tiên họ ngày xưa đã sử dụng để vượt biển ra Hoàng Sa.
Ngoài ra, một cơ sở khác để họ có thể phục dựng chính xác loại thuyền này chính là
hình mẫu chiếc thuyền cúng trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Ngay thời hải đội
Hoàng Sa còn hoạt động, lễ cúng này đã được thực hiện để yên lòng người ra đi vì Tổ
quốc và hình mẫu chiếc thuyền buồm trong lễ cúng vẫn được truyền đời thực hiện đến
ngày nay.
Đặc biệt, các sử gia uy tín xưa cũng khẳng định rõ loại thuyền mà người Việt từng can
trường cưỡi trên đầu sóng ngọn gió, xác lập chủ quyền cho Tổ quốc. Với ghi chép tỉ
mỉ của Lê Quý Đôn thì không chỉ đội Hoàng Sa mà ngay cả đội Bắc Hải do đội
Hoàng Sa kiêm quản cũng chinh phục đại dương bằng loại thuyền nhỏ này. Khu vực
mà hải đội Bắc Hải hoạt động chính là quần đảo Trường Sa và trải dài vào các đảo
phía Nam.
Thuyền buồm của đội Hoàng Sa vào thế kỷ 17-18 - Ảnh: Kỷ yếu Hoàng Sa
Trong một chỉ thị cho đội Hoàng Sa tiếp tục hoạt động, triều đình Tây Sơn năm 1786
ghi rõ: “Sai Hội Đức Hầu, cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm
biển hiệu thủy quân, cưỡi bốn thuyền câu vượt biển, thẳng đến Hoàng Sa...”. Còn Phủ
biên tạp lục của Lê Quý Đôn cũng ghi chép chính xác loại thuyền này khi nhắc đến
đội Hoàng Sa: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh
sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương thực đủ ăn sáu
tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy... Họ
Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận hoặc người xã
Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền
tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo Hà
Tiên...”. Và loại thuyền câu đó chính là thuyền mà ngư dân Lý Sơn đã truyền đời cưỡi
trên đầu sóng ngọn gió.
Đặc biệt, nhiều nhà du hành, thương nhân nước ngoài khi đến Đàng Trong cũng nhắc
đến loại thuyền độc đáo của ngư dân Việt mặc dù họ có một vài cách định danh khác
nhau. Nhà sư Thích Đại Sán, người Trung Hoa khi đi thuyền đến xứ Đàng Trong năm
1696 đã có nhiều ghi chép trong tập Hải ngoại ký sự về loại thuyền “điếu xá” rất
nhanh của người vương quốc này. Trong khi chiếc thuyền lớn xuất phát từ Quảng
Đông của nhà sư Thích Đại Sán bị mắc cạn thì ông ta lại rất ngưỡng mộ loại thuyền
“điếu xá” có cánh buồm như hình chiếc rìu lướt gió rất nhanh đã nhìn thấy ở vùng
biển Hoàng Sa. Đây chính là loại thuyền mà chúa Nguyễn Phúc Chu đã cử ra đón nhà
sư Trung Hoa này ở Cù Lao Chàm (thuở đó còn gọi Tiên Bích Sa). Và chính sử nước
Việt lẫn tư liệu hàng hải quốc tế cũng ghi nhận nhà Nguyễn còn nhiều lần cử thuyền
đi cứu hộ tàu nước ngoài bị đắm, trong đó có cả tàu của Hà Lan, Anh, Pháp...
Bí quyết tốc độ
Nhà sư Thích Đại Sán đã ngưỡng mộ loại thuyền nhỏ của người Việt này được cơn
gió thuận thì lướt nhanh gấp 10 lần những chiếc thuyền gỗ lớn nặng nề. Đó cũng
chính là bí quyết độc đáo của chiếc thuyền câu thuở nào. Thời đại máy móc ngày nay
đã “chuyển giao” những chiếc ghe câu một thuở kiêu hãnh ngang dọc biển Đông vào
lịch sử, nhưng ở miền Trung mà đặc biệt là Quảng Ngãi vẫn còn nhiều người từng
đóng hoặc am hiểu loại thuyền vượt biển độc đáo của người Việt này.
Ông Võ Hiển Đạt kể năm 1945, Pháp giải thể các xưởng đóng thuyền ở đảo Lý Sơn.
Khi đó ông đã 15 tuổi, hay mày mò vào các xưởng đóng tàu trên đảo để tìm hiểu, học
nghề. Ngoài ra, dòng họ ông cũng có nhiều người đi biển, làm nghề cá bằng ghe câu
mà mãi đến những năm 1970 mới nâng cấp dần lên được máy móc. Chiếc ghe câu
một thời không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn là bạn của nhiều gia đình ở Lý
Sơn.
Vừa rồi, ông Đạt đóng chiếc ghe câu đi Hoàng Sa là mô hình thu nhỏ cho Bảo tàng
Quảng Ngãi. Còn kích cỡ thật của nó dài 12-18m, rộng 2,5-3m và sâu khoảng 1,8 đến
hơn 2m. Điểm nhận diện đặc biệt của chiếc ghe câu này là thường đóng bằng cả gỗ và
tre. Trong đó, gỗ dùng làm khung sườn và phần trên ghe, còn tre được đan thành mê
bao bọc phần dưới ghe để chống nước xâm nhập bên trong. Và tre chính là bí quyết
làm chiếc thuyền câu của người Việt trở nên nhẹ nhàng để đạt được tốc độ cao.
Theo ông Đạt và các bậc cao niên ở Lý Sơn, nhờ thuyền nhẹ mà các hải đội Hoàng Sa
dễ dàng đổ bộ lên các rạn san hô, đảo cát trải dài thoai thoải ở Hoàng Sa mà tàu lớn
không vào được. Đặc biệt, khi cần thủy chiến, những ghe câu này cũng nhanh chóng
phát huy tốc độ để áp sát tấn công đối phương.
Kỳ 3: Câu chuyện của người thợ cả
TT - Khi đi tìm lại kỹ thuật đóng những chiếc thuyền buồm một thuở lừng danh của
hải đội Hoàng Sa, tôi may mắn gặp được nhiều bậc cao niên vẫn nắm vững kỹ thuật
đóng loại thuyền này. Thậm chí có những bác thợ cả còn tự hào kể đời mình đã từng
đóng được ít nhất vài chục chiếc mãi đến những năm 1950 của thế kỷ 20...
Hải thuyền Hoàng Sa được phục dựng - Ảnh: Q.V.
Mê tre, sự sáng tạo Việt độc đáo
Lý Sơn, mùa biển này hay nổi dông gió, nhưng các ngư dân quả cảm vẫn đang ra
khơi. Họ là thế hệ trẻ trên hòn đảo quê hương hải đội Hoàng Sa đã chuyển sang sử
dụng tàu máy, còn trước đó cha ông họ vẫn cưỡi trên đầu sóng ngọn gió bằng loại ghe
câu chạy buồm mà tổ tiên họ từ hàng trăm năm trước đã sử dụng. Ông Võ Hiển Đạt
kể khi được tỉnh Quảng Ngãi giao phục dựng chiếc ghe câu một thời, ông hào hứng
nhận ngay mà không chút băn khoăn. Những người ở tuổi 80 như ông trên đảo đều
biết rõ, thậm chí nhiều người từng tự tay đóng hoặc đi biển trên những chiếc ghe đó.
“Không sử dụng nhiều gỗ như bây giờ vì phần thân dưới ghe là mê tre, nhưng người
thợ đóng loại ghe đó phải biết dựng nên khung sườn gỗ chắc chắn để kết hợp với độ
dẻo dai của tre mà chống chịu bão gió trên biển ...” - ông Đạt kể phải mất khoảng 150
ngày công mới hoàn thành chiếc ghe lịch sử này dù chỉ là mô hình thu nhỏ. Tất cả chi
tiết đều làm bằng tay, chi tiết càng nhỏ càng đòi hỏi khéo tay hơn.
Nhờ chỉ dẫn của các ngư dân lớn tuổi, tôi đi tìm người thợ cả Nguyễn Tấn Trà, 76
tuổi, ở xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi đã từng đóng cả trăm chiếc ghe.
60 năm tuổi nghề, ông là hậu duệ của dòng họ có ít nhất sáu đời đã đóng ghe câu.
Tiếp nối nghề này mãi đến năm 1968 ông mới chuyển qua đóng tàu máy. Những ngày
ở bến sông Nghĩa Phú, tôi đã mải mê nghe ông Trà ôn lại ký ức gắn liền với loại ghe
câu từng ngang dọc Hoàng Sa: “Đời nay có thể nói chiếc ghe câu xưa lạc hậu. Nhưng
với những thợ cả đời đóng tàu như chúng tôi thì chiếc ghe đó là cả công trình nghệ
thuật, một sự hun đúc kinh nghiệm đi biển bao đời mới có được. Nó như chính con
người Việt nhỏ nhắn nhưng không dễ khuất phục, mềm mại nhưng dẻo dai, bền bỉ...”.
Ông Trà tâm sự chỉ riêng tấm mê tre chịu nước dưới ghe cũng thể hiện kinh nghiệm
độc đáo của người Việt. Thợ làm mê phải có kinh nghiệm lựa tre già, lóng tốt, không
thối gốc, cụt ngọn, sau đó mới chọn đoạn dài đẹp nhất giữa thân. Việc chẻ tre thành
từng thanh nan cũng đòi hỏi rất khéo tay. Nan tre phải đạt độ dày và lớn đều nhau để
mắt đan liên kết chặt chẽ. Nan tre đan mê ghe không cần ngâm nước trước, nhưng
phải phơi đủ vài nắng tươi. Thợ đan phải có kinh nghiệm mới được đan mê ghe để
đều tay, xít chặt. Mắt mê cũng không không đan song song hay thẳng đứng với mặt
nước mà theo chiều xéo góc để có độ dẻo dai, chống chịu được sóng gió. Mê tre sau
khi đan xong được quét phân trâu bò để trét kẽ nan, rồi lại tiếp tục phủ lớp dầu rái
(cây rái trên rừng). Theo ông Trà, tấm mê tre có vẻ mỏng manh so với gỗ nhưng dẻo
dai, khó gãy. Khi gặp sóng gió có thể lún vào rồi lại căng ra bình thường. Mê tre cũng
rẻ tiền, dễ thay sau mỗi hải trình xa xôi, nếu được quét dầu rái cẩn thận có thể bền hơn
ba năm.
Ưu điểm lớn nhất của mê tre chính là sự nhẹ nhàng giúp giảm tải ghe. Thường mê tre
chỉ nặng bằng 1/5 so với gỗ. Nhờ đó mà chiếc ghe câu hay ghe bầu vận tải của người
Việt xưa đã đạt tốc độ rất cao.
Người thợ cả Nguyễn Tấn Trà - Ảnh: Q.V.
Vững chãi trong bão tố
Tự hào về những ghe câu mình từng đóng, ông Trà kể ngoài nghệ thuật dùng mê tre
làm bụng ghe, phần khung sườn và các bộ phận khác cũng được hun đúc từ kinh
nghiệm bao đời người Việt đi biển. Gỗ quý xưa không thiếu, nhưng việc chọn đúng
loại gỗ phù hợp để đóng ghe đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc kỹ thuật hàng hải. Chiếc ghe
tốt phải cứng cáp chịu đựng được bão tố, nhưng cũng không được quá nặng nề, chậm
chạp. Là một trong những người thợ từng đóng những chiếc ghe câu cuối cùng ở
Quảng Ngãi, ông Trà kể: “Tổ tiên đã truyền cho tôi kinh nghiệm chọn loại gỗ cứng
nhưng dẻo dai như sao, chò, kiền kiền để đóng phần ghe dưới nước, đặc biệt là xỏ lái
trước mũi và “con lươn” chịu lực chính dọc theo đáy ghe”. Chỉ cách đây già nửa thế
kỷ, gần như toàn bộ công việc đóng tàu vẫn được làm bằng tay. Tùy cỡ ghe họ có thể
đóng mất 200-300 ngày công, đòi hỏi sự khéo tay và kinh nghiệm của thợ.
Thời ông Trà, thợ cả giàu kinh nghiệm chỉ nhìn lượng gỗ có thể tính chính xác mực
nước ghe mình đóng. Ghe câu thường gồm khoang đốc phía sau, khoang lòng và
khoang mũi. Loại ghe câu nhỏ của đội Hoàng Sa mà về sau vẫn được con cháu họ là
ngư dân Lý Sơn sử dụng thì dùng hai hoặc ba cột buồm. Trong đó cột chính (dân đi
biển quen gọi là cột lòng) bằng các loại gỗ kiền, lim cao khoảng 9m, cột buồm mũi
cao khoảng 7m và cột buồm lái phía sau. Ghe câu thường chỉ dài 11-16m, rộng 2,5-
3m và sâu 1,8-2,5m. Thủy thủ đoàn 8-10 người, phù hợp với các tài liệu cổ ghi chép
suất đội đi Hoàng Sa được tìm thấy ở Lý Sơn. Từ đảo này họ đi ba ngày ba đêm thì
đến Hoàng Sa. Tốc độ chính nhờ sức gió thổi buồm, nhưng ghe vẫn thường được
trang bị thêm bốn chèo ngang và một chèo lái.
Để sinh tồn sáu tháng lênh đênh trên biển Hoàng Sa, ghe được trang bị các khạp gỗ
đựng gạo, nước, củi để tránh bị vỡ khi gặp sóng gió. Thủy thủ đoàn cũng không thể
thiếu khạp dầu rái dự phòng cho trường hợp phải trét sửa ghe dọc đường. Đặc biệt, họ
mang theo cả giáo mác cán gỗ để phòng thân. Ngoài gạo, thức ăn thêm của đội Hoàng
Sa là cá mú bắt được trên biển và các loại trứng chim, rùa có rất nhiều trên các đảo.
Không rõ hải quân triều đình xưa có dùng nhiều thuyền hải vận lớn để theo đội Hoàng
Sa là dân binh
Lý Sơn hay không. Nhưng chắc chắn chiếc ghe câu nhỏ là phương tiện chủ yếu của
hải đội Hoàng Sa đã được ghi chép trong sử sách và ký ức con cháu nhiều đời truyền
lưu.
Kỳ 4: Trong mắt một thuyền trưởng Mỹ
TT - Những ngày ở Huế, tôi tìm lại dấu vết các nhà hàng hải quốc tế đã từng là chứng
nhân trên vùng biển thuộc chủ quyền người Việt từ cách đây hàng thế kỷ. Trong khi
hiện vật còn lưu lại về họ quá hiếm hoi thì các bộ sử sách lại ghi chép khá tỉ mỉ.
Trong đó, đặc biệt là các hồi ký, du ký, bài báo do chính họ viết về những hải trình
thám hiểm, giao thương đầy thú vị với người Việt. Và một trong số đó là hồi ức của
viên trung úy thuyền trưởng người Mỹ John White trên chiếc tàu Franklin.
Một loại thương thuyền linh hoạt do John White vẽ lại - Ảnh tư liệu
Đến vùng biển người Việt
Trong thư phòng bạc màu thời gian, các nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan, Nguyễn
Hữu Châu Phan đã không tiếc thời gian lục tìm cho tôi xem tài liệu ghi chép của
những nhà hàng hải quốc tế về con đường và kỹ thuật chinh phục biển của người Việt
xưa. Điều rất thú vị là không chỉ người Pháp đến từ các chiến thuyền nặng ân oán cả
trăm năm với đất nước này, mà nhiều cường quốc hàng hải như Bồ Đào Nha, Hà Lan,
Anh, Mỹ đều đã ngược xuôi trên vùng biển Đông của người Việt từ rất sớm.
Quê hương ở tận Massachussetts, trung úy thuyền trưởng John White đã khởi hành từ
đầu tháng giêng năm 1819 trên chiếc tàu Franklin qua nhiều vùng biển, hải cảng, kể
cả những cuộc chiến đấu với hải tặc Malacca và mãi đến ngày 7-6 mới tới Cap Saint
Jacques (Vũng Tàu). Trong hồi ký “Chuyến đi đến Nam Hà” được phát hành năm
1824 ở London, vị thuyền trưởng có cả máu thám hiểm lẫn thương buôn kể rằng: “11
giờ ngày 7 (tháng 6 năm 1819 - PV), chúng tôi đã thấy được Cap Saint Jacques ở phía
bắc đông bắc. Mũi này là nơi khởi đầu của một dãy núi chạy dọc theo bờ biển về
hướng bắc... Đây chính là vùng đất cao đầu tiên mà người ta nhận thấy được khi đi từ
phương Nam lên và nó tạo thành một điểm mốc tuyệt vời cho lối vào con sông
Donnai (Đồng Nai - PV) nằm ở phía bắc mũi đó. Chúng tôi đi theo hướng mũi đất
ấy... vào được trong một cái vịnh nhỏ hình bán nguyệt có phong cảnh rất đẹp ở dưới
chân núi. Xa xa bên trong cái vịnh ấy có làng Vũng Tàu, làng này đã cho vùng biển
này tên gọi là Vũng Tàu...”.
John White đã kể tỉ mỉ mình neo tàu ở vùng nước sâu năm sải và chỉ cách làng Vũng
Tàu một hải lý. Ông khen đây là nơi đậu tàu an toàn đến tuyệt vời. Mục đích của
thuyền trưởng người Mỹ này là vào sâu Sài Gòn qua cửa Cần Giờ để tìm cơ hội buôn
bán. Nhưng ông ta đã mất rất nhiều thời gian để thực hiện thủ tục nhập cảnh phức tạp,
kể cả phải ngược ra Huế xin phép nhà vua. Tuy nhiên, chính thời gian phải neo chờ và
thực hiện hải trình dọc bờ biển ra kinh thành Huế, John White đã được tận mắt chứng
kiến và khen ngợi kỹ thuật đóng tàu cùng khả năng đi biển của người Việt.
Những con tàu bản xứ đáng ngưỡng mộ
Hồi ký John White đã miêu tả chân thực khi chiếc Franklin “chạm trán” với thuyền
Việt: “Những thuyền bè bản xứ với sự hoạt động lẹ làng của chúng đã làm chúng tôi
tràn trề lòng ngưỡng mộ. Chúng đã chở được 5-500 tấn, nhưng những chiếc chở được
15-30 tấn đã thống trị số tàu này. Chúng rất dài, hai đầu thon mảnh và cong lên một
cách mạnh dạn ra khỏi mặt nước... Điều này sẽ khiến người ta nghĩ rằng những chiếc
thuyền ấy chỉ lấy gió một cách khó khăn. Trường hợp này lại không phải như vậy...”.
Miêu tả những chiếc thuyền bản xứ ở vùng biển Vũng Tàu - Cần Giờ, ban đầu viên
thuyền trưởng đến từ cường quốc hàng hải Mỹ đã chỉ ra một loạt những cấu tạo như là
kỹ thuật đóng tàu riêng của người Việt có vẻ bất bình thường. Nhưng sau đó, chính
ông là người đã chứng thực và khen ngợi khả năng vận hành tuyệt vời của chúng.
Đặc biệt, John White cũng không tiếc lời ngợi khen những chiếc thuyền có cấu tạo
độc đáo bằng mê tre rất thông dụng là ghe bầu đi buôn hay giống như hải thuyền của
các hải đội Hoàng Sa sử dụng: “Chúng tôi rất kinh ngạc thấy rằng có một số chiếc
trọng tải quá 50 tấn mà có đáy thuyền làm bằng tấm phên tre... được đan sít sao và
gồm có hai phần, mỗi phần tạo thành một bên đáy thuyền nằm dưới cái đai mạn
thuyền. Những bộ phận của loại thuyền này dài hơn, mập hơn những bộ phận của loại
thuyền khác. Người ta có thể tháo rời ra và ráp chúng lại một cách dễ dàng mà không
có gì nguy hiểm. Mặt khác, vì mỗi năm chúng chỉ đi có một chuyến theo đợt gió mùa
thuận lợi, mỗi lần dỡ hàng xong thì chúng được tháo rời ra và đem cất giữ để tránh
thời tiết xấu. Đáy loại thuyền này cũng như đáy các loại thuyền khác đều có phết loại
nhựa dính dầu và vôi, hỗn hợp rất đều, tạo thành một hợp chất dính rất bền, tuyệt đối
không thấm nước và chống lại sự tấn công của các loài sâu hà một cách hữu hiệu...”.
Khi mô tả khả năng lướt sóng của những chiếc thuyền mê tre độc đáo này, John White
viết: “Những chiếc thuyền ấy rất bền, khi buồm no gió chúng được đẩy nhanh và đi
biển rất tốt. Thuyền có hai hoặc ba cánh buồm được cắt rất sắc sảo và được làm rất
thích đáng... Những cánh buồm ấy đều làm bằng đệm lát, những cánh buồm của
thuyền buôn đều có dây thu buồm xỉn màu đen. Theo nguyên tắc chung ở phương
Đông, những mỏ neo đều làm bằng gỗ và chỉ có một chân neo. Những dây néo buồm
và dây chão phần lớn làm bằng cây mây và thừng chão bằng xơ dừa, những dây dừa
bện rất tốt...”.
Ngược ra miền Trung để gặp gỡ những người thợ đóng thuyền cao niên ở vùng Quảng
Ngãi, Quảng Nam, tôi đã đưa hồi ký của John White cho họ đọc để kiểm chứng tính
xác thực trong các miêu tả của ông. Thật bất ngờ, gần 200 năm sau, những điều mắt
thấy, tay chạm kỹ thuật thuyền bè người Việt của viên thuyền trưởng Mỹ vẫn được
người thợ bản xứ truyền đời duy trì. Người thợ cả Nguyễn Tấn Trà, 76 tuổi, ở làng nổi
danh với nghề đóng tàu biển Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, nhận xét:
“Gần như toàn bộ các miêu tả của thuyền trưởng người Mỹ về kỹ thuật đóng tàu này
đều chính xác. Không chỉ loại thuyền thân cong thuận lướt sóng hay tấm mê tre dễ
nhìn thấy, mà ngay cả những cánh buồm đệm lát, dây chão bằng xơ dừa, mỏ neo bằng
gỗ lim cũng được ông ta phát hiện chính xác”.
Không giấu vẻ tự hào, ông Trà kể thêm mãi đến những năm giữa thế kỷ 20, thợ làng
ông vẫn còn đóng những chiếc ghe đi biển bằng kỹ thuật này. Điều đó chứng tỏ John
White đã rất quan tâm và biết khá chính xác kỹ thuật đóng tàu của người Việt. Hồi ký
của ông cũng kể đã đem vô số vật lạ của quốc gia này về nhà bảo tàng hàng hải của
East - India Martine Society.
Kỳ 5: Thủy quân triều Nguyễn
TT - “Chắc chắn rằng người An Nam phải là những kỹ thuật gia về thủy quân và công
trình của họ có một vẻ đẹp khéo léo. Tôi bị ấn tượng rất mạnh bởi ngành này ...”. Từ
đầu thế kỷ 19, thuyền trưởng người Mỹ John White đã thốt lên khi thăm các xưởng
đóng tàu hải quân nhà Nguyễn.
Một chiến thuyền nhỏ của thủy quân nhà Nguyễn - Ảnh tư liệu
Những xưởng đóng tàu chiến
Từ biển Vũng Tàu, tôi vào Sài Gòn theo hải trình qua cửa biển Cần Giờ mà tàu
Franklin xưa của John White đã đi. Hai trăm năm trôi qua, bến bờ hoang sơ mà viên
thuyền trưởng người Mỹ từng mô tả đã đổi thay nhiều, nhưng cặp mắt hàng hải của
ông vẫn nhìn đến thời nay khi nó vẫn là thủy lộ huyết mạch nối thế giới bên ngoài với
cảng Sài Gòn.
Trong hồi ký Chuyến đi đến “Nam Hà”, John White kể ông đến Sài Gòn vào tháng
10-1819 và rất thích thú các xưởng đóng tàu: “Về phía đông bắc, trên bờ sông sâu,
người ta thấy một công trường xây dựng và một xưởng đóng tàu thủy quân. Tại
xưởng này, thời loạn lạc, người ta đã đóng những chiếc thuyền chiến to lớn có nhiều
buồm ...
Chỗ đóng tàu này đã tạo danh dự cho người An Nam hơn bất cứ cái gì hiện có trong
xứ sở họ. Nó có thể cạnh tranh với những xưởng đóng tàu tốt nhất của châu Âu ...
Xưởng đầy ắp vật liệu có phẩm chất tuyệt vời để đóng nhiều hộ tống hạm. Các thứ gỗ
để đóng tàu và những lớp vỏ lòng tàu đều là những thứ đẹp nhất mà tôi chưa bao giờ
được thấy ...”.
Bị thu hút bởi xưởng đóng tàu thủy quân, John White liệt kê: “Có khoảng 150 chiếc
thuyền chiến được đóng rất tốt nằm dưới các nhà chái... Có một vài chiếc được trang
bị đến 16 khẩu đại bác bắn đạn nặng ba cân Anh. Nhiều chiếc khác được trang bị từ
bốn đến sáu canông bắn đạn nặng từ 4-12 cân Anh. Tất cả đều bằng đồng và đúc rất
đẹp.
Ngoài ra còn có độ 40 thuyền chiến đang neo đậu trên sông, chuẩn bị tham gia một
chuyến tuần thám bất ngờ mà quan tổng trấn sẽ thực hiện ở miền thượng lưu con
sông, ngay lúc ông từ Huế trở về... Chắc chắn người An Nam phải là những kỹ thuật
gia về hải quân và công trình của họ có một vẻ đẹp khéo léo. Tôi bị ấn tượng rất mạnh
bởi ngành này của nền kinh tế chính trị của họ, nên tôi đã đến thăm viếng xưởng đóng
tàu rất nhiều lần ...”.
Thời điểm năm 1819, những gì John White quan sát là kết quả chiến lược phát triển
hải quân hùng mạnh của Nguyễn Ánh để bảo vệ bờ cõi, chủ quyền biển đất nước.
Đến nước Việt sớm hơn John White, nam tước John Barrow, người Anh đi biển lừng
danh đã sáng lập Hội Địa lý hoàng gia, tường thuật tỉ mỉ nỗ lực của Nguyễn Ánh xây
dựng các hạm đội hùng mạnh.
Trong du ký A voyage to Cochinchina in the years 1792 - 1793 (Một chuyến du hành
tới Nam Hà trong các năm 1792 - 1793), John Barrow kể rằng: “Ông (Nguyễn Ánh -
PV) đặc biệt lưu ý về những gì liên quan đến kỹ thuật hàng hải và kỹ nghệ đóng tàu...
Để nắm vững kiến thức về thực hành cũng như lý thuyết của kỹ thuật đóng tàu châu
Âu, ông đã mua một chiếc tàu Bồ Đào Nha với mục đích chỉ để tháo ra từng bộ phận,
từng tấm ván một, rồi tự tay lắp vào một tấm ván mới có hình dáng và kích thước
tương tự cái cũ mà ông đã tháo ra, cho tới khi mọi thanh sàn tàu, xà ngang tàu, thanh
gỗ khớp nối được thay thế bằng những cái mới, và như vậy con tàu hoàn toàn đổi
mới... Nhà vua là người quản đốc các cảng biển và kho quân dụng, thợ cả trong các
xưởng đóng tàu, kỹ sư trưởng trong mọi công trình, không có việc gì dự định thực
hiện mà không có lời khuyên bảo và chỉ dẫn của ông. Trong việc đóng tàu, không có
cái đinh nào được đóng mà không có sự tham vấn ban đầu của ông, không có một
khẩu đại bác nào được đưa lên vị trí mà không có lệnh của ông”.
Phải khẳng định John Barrow viết rất cẩn trọng, tham khảo, đối chiếu nhiều nguồn tư
liệu khác như từ chính ghi chép của Barysi, cố vấn đắc lực cho Nguyễn Ánh. Nhờ đó,
John Barrow chân thực kể về Nguyễn Ánh rằng: “Ông đi đến các xưởng quân dụng
hải quân, xem xét những công việc được thực hiện khi ông vắng mặt, cho thuyền chèo
quanh các hải cảng, kiểm tra những thuyền chiến. Ông đặc biệt chú ý đến các sở quân
cụ, các lò đúc được dựng nên trong các sở binh khí, các cỡ súng đại bác đã được đúc
ra theo đủ loại kích cỡ ... Ông dùng bữa ngay ở xưởng đóng tàu, gồm một ít cơm ăn
với cá khô. Khi đó vua lại trở dậy, hội kiến với các sĩ quan quân đội và hải quân”.
Hơn hai vạn thủy quân
Chiến lược phát triển hải quân của Nguyễn Ánh đã được John Barrow kể lại kết quả
từ chính những gì ông thấy và tư liệu xác thực từ viên thuyền trưởng Barysi, từng là
trợ thủ hải quân của Nguyễn Ánh: trong năm 1800, lực lượng hải quân của Nguyễn
Ánh đã đến 26.800 người. Trong đó chỉ riêng thợ xưởng hải quân đã có 8.000 người,
8.000 lính trên 100 chiến thuyền chèo tay, 1.200 lính trên chiến thuyền đóng kiểu
châu Âu, 1.600 lính phục vụ trên các thuyền mành và 8.000 lính thường trực ở cảng.
Thuyền trưởng Mỹ John White bổ sung số liệu hải quân nhà Nguyễn năm ông ta có
mặt ở nước này: “Ở Huế, nhà vua cũng có một đội thuyền chiến và vào năm 1819,
200 chiến thuyền khác có trang bị 14 khẩu thần công đang được đóng. Trong số 200
chiến thuyền này, có khoảng 50 chiếc được trang bị buồm chão bằng buồm dọc và có
một phần được đóng theo kiểu châu Âu”.
Đến triều Minh Mạng, bộ sử Đại Nam hội điển sự lệ ghi rõ số lượng tàu thuyền lúc ấy
đã phát triển thêm rất nhiều như năm 1828, chỉ riêng ở kinh sư đã có 379 chiếc thuyền
định ngạch, còn các tỉnh thành lớn như Gia Định có 105 chiếc, Nam Định 85 chiếc,
Nghệ An 40 chiếc, Quảng Nam 40 chiếc, Quảng Ngãi 25 chiếc ...
Những nhà hàng hải nước ngoài cho rằng sự phát triển hải quân nhà Nguyễn đã có
bước ngoặt lớn trong thời Nguyễn Ánh. Ngoài tầm nhìn xa trông rộng của vị vua này
còn có sự trợ giúp của một số người Pháp.
Nhưng họ cũng thừa nhận thời tổ tiên Nguyễn Ánh đã có hải quân hùng mạnh lập
nhiều chiến thắng hiển hách. Trong đó lẫy lừng nhất là trận cửa Eo, Thuận An, năm
1644, chúa Nguyễn Phúc Lan với chiến thuyền nhỏ đánh bại đội tàu chiến Hà Lan. Dù
dày dạn kinh nghiệm hải chiến với tàu lớn, pháo hạng nặng, nhưng tàu Hà Lan đã bị
nhà Nguyễn vô hiệu hóa bằng chiến thuật áp sát thần tốc của chiến thuyền nhỏ. Một
chiến hạm Hà Lan bị đắm tại chỗ, một chiếc cùng đường phải cho nổ kho thuốc súng
hủy tàu và chiếc còn lại quay đầu chạy.
Ngoài hải chiến cửa Eo, hải quân nhà Nguyễn cũng nhiều lần gây khiếp vía cho các
tàu cướp phá đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.
Kỳ 6: Người Việt xuất ngoại
TT - Lặng nhìn sông Hương xuôi chảy, nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Hữu Châu Phan
trầm tư: “Chỉ với dân binh đảo Lý Sơn trên thuyền buồm nhỏ mà bao lớp người Việt
đã dũng cảm vượt đại dương ra tiếp nối xác lập chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa,
chứng tỏ người Việt giỏi đi biển và đã đi được rất xa”.
Chân dung vua Minh Mạng trong sách của John Crawfurd
Người Việt hướng biển
Điều thú vị là trong quá trình sưu tầm tài liệu người nước ngoài về hoạt động biển và
bảo vệ chủ quyền biển của người Việt, tôi đã tìm được nghiên cứu của GS Vu Hướng
Đông, giám đốc Sở Nghiên cứu VN, Đại học Trịnh Châu, Trung Quốc. Trong tài liệu
“Ý thức về biển của vua Minh Mạng” in ở kỷ yếu Chúa Nguyễn và vương triều
Nguyễn tại hội thảo năm 2008 ở Thanh Hóa, tác giả Vu Hướng Đông đã rất đề cao
tầm nhìn đại dương của triều Nguyễn.
“Sau vua Gia Long, vua Minh Mạng cũng tiếp tục đề xướng và ủng hộ sự nghiệp hàng
hải ở hải ngoại, hầu như năm nào ông cũng cử đội thuyền triều đình hàng hải đến các
nước Đông Nam Á, hải đảo ở vùng “Hạ Châu”. Ông từng cử người đến Minh Ca (Can
- cốt - đa) ở miền đông Ấn Độ vùng “tiểu tây dương”, hình thành hiện tượng công cán
hải ngoại quy mô lớn liên tục. Theo ghi chép của Đại Nam thực lục, từ năm Minh
Mạng thứ ba (1822) đến năm Minh Mạng thứ 21 (1840), vua Minh Mạng ít nhất đã cử
30 đợt các quan văn võ, đi tổng cộng khoảng 60 con tàu/lượt bọc đồng lớn nhỏ như
các tàu “Phấn Bằng”, “Thụy Long”, “Định Dương”, “Bình Ba”... đến vùng Hạ Châu
và tiểu tây dương”. Chỉ một nghiên cứu ngắn, Vu Hướng Đông khẳng định người
Việt đã vươn đến được các đại dương xa xôi hơn cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Đặc biệt, Vu Hướng Đông cũng cho rằng chương trình đưa người ra hải ngoại của vua
Minh Mạng không nhằm mục đích thương buôn lấy lợi mà để mở mang hiểu biết, đặc
biệt là học kỹ thuật hàng hải và hải chiến. Sâu xa hơn, triều Nguyễn quan tâm đến
tương lai của đất nước trong thế sự nhiều lân quốc như Nhật, Trung Quốc đang biến
động mạnh, phải chịu tác động nặng nề của các cường quốc hàng hải phương Tây.
Minh Mạng ý thức được bất cập của hải quân triều Nguyễn nên yêu cầu đại thần ra
nước ngoài mua tàu hơi nước và chiến pháp của hải quân Anh, Mỹ, với nhận xét sâu
sắc: “Trong các nước phương Tây chỉ có Xích Mao và Ma Li Căn giỏi thủy chiến, tàu
của họ hoặc thuận chiều gió hoặc ngược chiều gió đều rất nhanh nhẹn ... thật đáng để
học tập”.
Nhà nghiên cứu người Trung Quốc này cũng đề cao vua Minh Mạng bằng chính trích
đoạn trong sử Việt khi nhà vua hạ dụ cho quan Võ khố học tập chế tạo máy hơi nước:
“Người làm vua phải học tập cái tốt của thiên hạ, loại xe này do người nước ngoài chế
tạo ra, nó tinh xảo tiện việc sử dụng, học tập nó không sao cả. Nếu nói nó không đáng
để học tập thì là thiển cận”.
(Theo tư liệu của Vũ Hữu San)
Sự thật lịch sử
Tầm nhìn hướng biển của triều Nguyễn cũng được các nhà nghiên cứu người Việt
khẳng định. GS Nguyễn Thế Anh, sử gia có nhiều công trình sâu sắc về nền kinh tế -
xã hội triều Nguyễn, đã nghiên cứu chương trình đưa người đi công vụ nước ngoài thế
kỷ 19. Ông cho rằng triều Nguyễn, đặc biệt là Gia Long và Minh Mạng, không hề bịt
mắt che tai trước thời sự thế giới mà trái lại rất quan tâm vì tin rằng sẽ ảnh hưởng tới
quốc gia. Và mục đích chương trình cử người xuất ngoại là thăm dò dự định của các
cường quốc châu Âu để sửa đổi chính sách ngoại giao.
Theo nghiên cứu của GS Nguyễn Thế Anh, chỉ giai đoạn 1835-1939, nhà Nguyễn đã
cử ít nhất 21 chuyến thuyền vượt đại dương. Những người đã thực hiện nhiều chuyến
đi như Nguyễn Tri Phương trong các năm 1836, 1837, 1838 trên các thuyền Thụy
Long, Phấn Bằng; Đào Trí Phú đi năm 1838, 1839, 1840 trên thuyền Thanh Loan,
Thụy Long; Lê Bá Tú đi năm 1837, 1838, 1839 trên các thuyền Phấn Bằng, An
Dương, Linh Phượng... Ngoài ra, nhiều nhân vật từng xuất ngoại đến Singapore,
Malaysia, Indonesia cũng được nhắc đến như Trần Hưng Hòa, Nguyễn Lương Huy,
Vũ Văn Giải, Trần Danh Bưu, Nguyễn Văn Tố... Sau thăm dò thế sự, họ còn giao
thương đường, ngà voi, thoi đồng và mua về vũ khí, kẽm, chì, diêm, vải vóc. Trong
đó có cả việc trọng đại là mua tàu hơi nước về cho triều đình sử dụng và nghiên cứu
đóng mới.
Đặc biệt, bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của triều Nguyễn còn ghi rõ chế độ
triều đình thưởng, phạt để khuyến khích người đi biển. Minh Mạng năm thứ 19 phái
hai chiếc thuyền Thụy Long, Phấn Bằng đi việc công ở Hạ Châu. Hành trình đi về đều
an toàn. “Vậy phó vệ úy Phan Văn Mẫn ngồi cai quản thuyền Phấn Bằng được thưởng
một lần kỷ lục... Từ nay phàm thuyền phái đi ngoại quốc, đi về đều được yên ổn, nếu
là đường bể tương đối xa như địa phương tiểu tây dương thì viên ngồi cai quản được
thưởng ba lần kỷ lục, như các địa phương Quảng Đông, Lữ Tống, Giang Lưu Ba
(Indonesia) thì viên ngồi cai quản được thưởng hai lần kỷ lục, các địa phương tương
đối gần như Tân Gia Ba (Singapore), đảo Tân Lang thì viên ngồi cai quản thưởng một
lần kỷ lục để tỏ rõ có sự phân biệt việc khen thưởng, để khiến biết có sự khuyến
khích”. Cũng năm này, Minh Mạng đã cảm thương thủy thủ đoàn thuyền Linh
Phượng đi Giang Lưu Ba khó nhọc, xa ngày nên thưởng cho cả người bị mất trên
đường đi, người bị bệnh và người về được.
Nhiều nhân vật vang danh hậu thế như Nguyễn Tri Phương, Bùi Viện, Cao Bá Quát,
Phan Huy Chú đã ghi chép, làm thơ để lại nỗi niềm và điều tai nghe mắt thấy ở hải
ngoại. Có lẽ là người Việt gặp tổng thống Mỹ sớm nhất từ thế kỷ 19, Bùi Viện đã thốt
những lời thơ chí hùng: “... Cương thường thân gánh vác/sóng gió bước chơi vơi/phúc
chúa trời yên ổn/dòng thu thẳng neo bơi”. Cảm khái nghĩa khí Bùi Viện, vua Tự Đức
đã ban rằng: “Trẫm với ngươi tuy chưa có ơn nghĩa gì cả mà đã coi việc nước như
việc nhà, không quản xa xôi, lo lắng. Quỷ thần tất cũng biết vậy”. Một quan chức
không lớn như Bùi Viện mà được nhà vua cảm khái, tiễn đưa ra nước ngoài như vậy
đã cho thấy tầm nhìn hướng biển của một triều đại cùng bao dự cảm, khát vọng cho
dân tộc.
Từ ý thức biển của vua Minh Mạng, Vu Hướng Đông nhận xét: “21 năm trị vì
của vua Minh Mạng cũng có thể được coi là đỉnh cao của nền hàng hải thuyền
buồm và công cuộc xây dựng hải quân thời cổ đại VN. Ông ra sức đẩy mạnh sự
nghiệp hàng hải của Chính phủ VN, khuyến khích đóng các loại tàu thuyền bền
chắc, xây dựng thủy quân vững mạnh, hết sức coi trọng đến nền an ninh cõi
biển và phòng thủ biển. Ông đã ban bố các quy chế như “Tuần dương chương
trình”, “Tuần dương quy thức” và “Tuần dương xử phận lệ”... nhằm mục đích
chống cướp biển, trạm dương và giữ gìn an ninh cho các loại tàu thuyền hoạt
động”.
Kỳ 7: Những người đi biển quả cảm
TT - Thế kỷ 19, nước Việt đã có các hải đội viễn dương thường xuyên vượt biển đến
những quốc gia xa xôi. Mỗi hải trình ròng rã hàng tháng, xuyên qua các vùng biển
nhiều hải tặc và dông bão hiểm nguy... Điều này chứng tỏ người Việt đã làm chủ
được kỹ thuật đóng tàu biển và thông thạo kỹ thuật hàng hải. Nhưng tiếc thay, một
giai đoạn lịch sử đầy biến động đã xóa nhòa dấu vết đội tàu kiêu hãnh của nước Việt.
Tàu viễn dương giống kiểu tàu Phấn Bằng từng chở nhiều người Việt xuất ngoại - Ảnh tư liệu
Phấn Bằng, Linh Phượng...
Những ngày ở Huế, tôi đã cố gắng tìm lại dấu vết các hải đội viễn dương một thời
vang bóng. Nhà sưu tầm cổ vật Hồ Tấn Phan xứ kinh thành xưa tâm sự rằng ông cũng
đã dành nhiều tâm huyết cho mục đích đó. Tiếc là trong khi chính sử lẫn tài liệu nước
ngoài ghi chép khá kỹ thì dấu vết hiện vật lại mờ nhạt như sương khói lịch sử. “Tuổi
đời cổ vật một, hai thế kỷ chỉ là chớp mắt của thời gian. Nhưng tại sao những hải đội
đó lại không được lưu lại bảo tàng chiếc nào? Có lẽ khi đoàn quân lê dương Pháp đổ
bộ lên nước Việt, triều đình nhà Nguyễn suy yếu đã làm đình trệ, tan rã nhiều công
cuộc quốc gia. Trong đó có cả nền công nghiệp hàng hải tự hào một thời” - ông Hồ
Tấn Phan ngậm ngùi.
Giở lại các bộ sử đã ố màu thời gian như Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội
điển sự lệ có thể tìm thấy hàng chục tên thuyền vượt biển của người Việt đã từng
ngang dọc viễn dương như Phấn Bằng, Linh Phượng, An Dương, Vân Bằng, Thụy
Long,Thanh Loan, Tiên Ly, Tường Hạc, Thanh Dương, Tĩnh Dương, Kim Ưng... Đây
là loại thuyền lớn được bọc đồng chắc chắn để đi biển và nhiều chiếc trang bị đầy đủ
vũ khí hải chiến. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép rằng năm Minh Mạng thứ
18 (1837) đã có đội thuyền đồng nhiều dây 21 chiếc và cho đóng thêm chín thuyền
nữa để đủ hạm đội 30 chiếc. Về sau nhiều chiếc được sửa chữa và tiếp tục đóng mới.
Trong đó, những thuyền lớn nhất là Thụy Long, Linh Phượng, Thanh Loan, Phấn
Bằng với chiều dài gần 10 trượng và rộng hơn 2 trượng, sâu gần 2 trượng (nhà
Nguyễn thường tính chiều dài thuyền bằng thước mộc với 1 trượng = 10 thước, 1
thước = 0,425m).
Thời Nguyễn Ánh, các loại thuyền lớn này được kết hợp với kỹ thuật đóng tàu Pháp
tại Sài Gòn. Sang triều Minh Mạng, công xưởng đóng tàu chính ở Huế, nhưng các địa
phương Sài Gòn, Nghệ An, Thanh Hóa... vẫn tiếp tục được giao đóng và trưng dụng
thợ thuyền, gỗ quý. Theo nghiên cứu của GS Nguyễn Thế Anh, ba lần Nguyễn Tri
Phương xuất ngoại đến Indonesia thì hai lần đi bằng thuyền bọc đồng Thụy Long, một
lần thuyền Phấn Bằng. Ngoài ra, những thuyền bọc đồng khác như Linh Phượng,
Thanh Loan, Thanh Dương cũng được triều đình thường xuyên dùng làm phương tiện
đi nước ngoài. Nhân vật lịch sử Cao Bá Quát cũng được nhắc từng xuất ngoại với Đào
Trí Phú và trở về bình an. Lênh đênh hải trình, ông để lại cho hậu thế các bài thơ
Hồng Mao hỏa thuyền ca và Dương phụ hành, kể lại những gì mắt thấy tai nghe về
tàu hơi nước và phụ nữ phương Tây.
Đặc biệt, do hải tặc hoành hành, thuyền viễn dương công phái của nước Việt đều
được trang bị vũ khí từ giáo mác, câu liêm đến các loại súng dài, pháo, ống phun lửa
để sẵn sàng cận chiến và xa chiến. Nhiều chiếc thuyền đã trở thành chiến hạm làm
nhiệm vụ tuần biển chống cướp biển mà chủ yếu là giặc Tàu Ô từ Trung Hoa. Chiếc
thuyền bọc đồng Thanh Loan từng chở Đào Trí Phú đến Indonesia có lần tả xung hữu
đột hải chiến với cùng lúc hơn 20 tàu giặc và đã bắn chìm hai chiếc, làm số còn lại
phải khiếp sợ bỏ chạy. Chiếc Linh Phượng dưới sự điều khiển của quản vệ thủy sư Lê
Tư và võ quan Tôn Thất Chu, Đặng Kim Giám cùng biệt đội lính thủy đã đánh bại cả
đội tàu giặc dám trở lại vùng biển nước Việt. Đại Nam hội điển sự lệ kể rằng thường
giặc biển nhìn thấy thuyền bọc đồng hạng lớn của triều đình đều bỏ chạy. Chính các
trận hải chiến đã giúp triều đình rút kinh nghiệm cho đóng thêm loại thuyền nhỏ, nhẹ
hơn thuyền bọc đồng để có lợi thế tốc độ truy kích giặc.
Khéo léo và dũng cảm
Thuyền trưởng Mỹ John White đến nước Việt năm 1819 nhiều lần miêu tả khả năng
vận hành tuyệt vời của thủy thủ bản xứ: “Nhiều chiếc thuyền có đến chín tay chèo đi
lên Sài Gòn đã vượt qua chúng tôi với một tốc độ đáng kinh ngạc”. Trong chuyến
ngược ra miền Trung, John White cũng rất thú vị với kỹ thuật đi biển của ngư dân.
Ông mô tả họ như nhảy múa trên sóng với những chiếc thuyền nhỏ mà không có giọt
nước nào bắn vào thuyền. Phân tích lợi thế kinh doanh thương mại hàng hải phương
Đông, John White trong nhãn quan thương nhân viễn dương cũng khẳng định miền
Nam nước Việt có thể là nơi tốt nhất, nhờ những chỗ đậu tàu tuyệt vời với một lực
lượng hải quân hùng hậu bảo vệ.
Trong lúc những nhà hàng hải khác như John Barrow không ít lần khen ngợi kỹ thuật
đi biển của người Việt thì Michel Đức Chaigneau, con trai một người Pháp lấy vợ
Việt, từng sống nhiều năm ở Huế dưới triều vua Gia Long và Minh Mạng, đã kể tỉ mỉ:
“... Những người sử dụng mái chèo với sự khéo léo, tài tình đáng kinh ngạc. Ở một
thuyền chiến thường có đến 70 lính thủy chèo thuyền, hiếm khi có người lơi tay chèo
trong toàn thể”.Trong hồi ký, người Pháp lai Việt này dành nhiều nội dung kể hải
quân nước Việt đầu thế kỷ 19 và khẳng định có ít nhất 700-800 thuyền với chiến hạm
đủ cỡ, nhiều chiếc được trang bị đến 22 khẩu đại bác.
Đặc biệt, tài liệu thú vị khác do chính nhà nghiên cứu hàng hải Vũ Hữu San, cựu sĩ
quan hải quân, sưu tầm. Từ nhật ký The eastern seas on voyages and adventures in
Indian archipelago in 1832 của nhà hàng hải Goerge Windsor, Vũ Hữu San trích đoạn
khi ông đang trên đường dẫn một thương thuyền đến Singapore: “Bão táp thật dữ dội
ngoài biển khơi, thiếu chút nữa thì thương thuyền chúng tôi bị gãy đổ cả cột buồm.
Thời tiết tiếp tục xấu như thế trong nhiều ngày. Vậy mà khi đang thận trọng dẫn tàu
vào eo biển, chúng tôi chợt nhận ra sáu chiếc thuyền nhỏ của người Việt đang giương
hết mọi cánh buồm, cứ thản nhiên như không, tiến thẳng tới trước. Mấy người mại
bản Trung Hoa trên tàu chúng tôi đứng sững sờ ngắm các giàn buồm no gió một hồi...
rồi sau khi nhận diện được, họ la lên một cách thán phục: “Lại mấy người Việt đấy,
thật lì quá trời”. Tôi nghĩ (lời thuyền trưởng Goerge Windsor) mấy người Việt đó
đang lèo lái các con thuyền bé nhỏ mà cách thức vận chuyển để vượt sóng lướt gió
thật tài tình”.
Vũ Hữu San trích tiếp: “Tài ba của họ không thua kém bất cứ một thủy thủ đoàn hạng
nhất nào ở châu Âu. Đoàn thuyền bé tí teo đó không một chiếc nào vượt quá 50 tấn,
vậy mà những người đi biển này đè bẹp cả sóng gió biển Đông vào giữa mùa bão tố.
Đã 20 năm rồi, rất ít thương thuyền nào của công ty chúng tôi dám thử hải hành trong
mùa biển động như vậy. Thật thú vị nếu được quen biết những người Việt này”.
Chính sử Việt cũng ghi nhận như Goerge Windsor mô tả khi triều Nguyễn đã cử
nhiều lượt thuyền buồm xuất ngoại thành công. Thậm chí sử Việt khẳng định Tân Gia
Ba (Singapore) là hải ngoại gần, như vậy thuyền Việt đã từng tiến xa hơn nữa trên các
đại dương.
Kỳ cuối: Cổ Lũy vượt sóng biển Tổ quốc
TT - Gần 20 chiếc tàu đánh bắt xa bờ đang được đóng cùng lúc. Chúng nằm thành
hàng thẳng tắp bên bờ sông. Nhiều chiếc đã chuẩn bị hạ thủy. Có chiếc đang được
dựng lên khung sườn nhìn xa như cánh chim hải âu chuẩn bị lao ra biển.
Con tàu này rồi sẽ ra khơi, từ Cổ Lũy - Ảnh: Q.V.
Dẫn tôi đi thăm xưởng đóng tàu Cổ Lũy danh tiếng của quê hương hải đội Hoàng Sa,
truyền nhân làng nghề đóng tàu lịch sử này không giấu vẻ tự hào: “Những chiếc tàu tổ
tiên chúng tôi đóng xa xưa đã chinh phục sóng gió Hoàng Sa, Trường Sa. Và những
chiếc tàu chúng tôi đóng hôm nay tiếp tục thẳng tiến ra đó”.
Danh tiếng làng nghề
Cổ Lũy là một làng cổ ở xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Ra miền
Trung, tôi tìm ngôi làng này không khó bởi hình như bất cứ ngư dân nào cũng biết.
Từ lâu, Cổ Lũy đã nổi danh là làng đóng tàu cá lớn nhất Quảng Ngãi và thuộc hàng
đầu cả nước. Các bậc cao niên kể rằng biến động thời cuộc, chiến tranh, ly loạn đã
làm làng nghề thăng trầm, phải tạm dịch chuyển quanh vùng, nhưng sự truyền nối
nghề nghiệp của tổ tiên trên Cổ Lũy chưa bao giờ đứt mạch. Và hầu như tất cả những
người thợ ở đây đều là hậu duệ của các gia tộc ít nhất đã năm, mười đời nối nghiệp
nghề đóng tàu.
Buổi chiều, tôi ghé nhà người thợ đóng tàu già Nguyễn Tấn Viện cũng là lúc ông vừa
góp ý con cháu chuẩn bị đóng mới chiếc tàu đánh cá xa bờ cho ngư dân từ Vũng Tàu
ra. Đó là chiếc tàu lớn sẽ hoạt động trên ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa với chiều
dài 22m, ngang 6m, cao 3,4m và có công suất máy 650 CV, chịu được sóng gió cấp 6,
cấp 7... Tết này ông Viện 87 tuổi, là anh cả trong gia đình có ba anh em trai đều theo
nghề đóng tàu mà người em út Nguyễn Tấn Trà nay cũng đã sang tuổi 77. Cẩn thận
cho tôi xem những chiếc cưa, chiếc đục đóng tàu được gìn giữ như “gia bảo”, ông
Viện kể mình học nghề cha chú, còn cha chú thì được ông nội, ông cố truyền lại. Nếu
tính đến đời con cháu vẫn đang theo việc tổ tiên thì nhà ông chính xác đã bảy đời
truyền nối giữ nghiệp. Còn nếu theo ký ức được người xưa truyền kể thì gia tộc này
đã trên 10 đời sống chết cùng nghề đóng tàu.
Ông nội Nguyễn Tấn Dương của ông Viện mới gần 30 tuổi đã trở thành thợ cả tài hoa
nhất, nhì Quảng Ngãi. Đến nỗi khi ông Dương mất sớm, bạn nghề ở lại tiếc khóc:
“Tại Dương tài hoa quá nên ông trời khiến bạc mệnh”. Còn ông Nguyễn Tấn Xuân,
cha ông Viện, từng tham gia các thương thuyền ngược xuôi Bắc - Nam. “Ông già tôi
chở gạo, mắm ra Hải Phòng, Hà Nội bán, rồi đem tơ sợi, vải vóc vào xứ Sài Gòn. Mỗi
chuyến ông đi dài hai, ba tháng tùy theo cơn gió thổi buồm và hàng hóa bán được
nhanh hay chậm” - ông Viện hồi tưởng chuyện xưa.
“Tuy nhiên, làng này không chỉ nhà tôi mà nhiều gia tộc khác cũng gắn bó với cái
cưa, cái đục, đóng tàu đi biển. Đời chúng tôi chính là những người đã chuyển giao từ
đóng ghe buồm sang tàu máy đầu tiên ở biển miền Trung. Và con cháu chúng tôi là
thế hệ đang tiếp bước đóng những chiếc tàu đánh bắt xa bờ lớn hiện nay”. Hồi tưởng
quá khứ, ông Viện kể mình 18 tuổi đã thành thợ cả trong thập niên 1940 đầy biến
động. Ông được cha chú dẫn vào nghề, tập tành đóng chính những chiếc ghe buồm
truyền thống mà các hải đội Hoàng Sa đã từng sử dụng. Tuy nhiên, loại ghe thời kỳ
này đã được đóng tăng cỡ để trở thành ghe bầu đi buôn đường dài.
Là một trong những người cuối cùng đã đóng nên chiếc ghe buồm lớn nhất Quảng
Ngãi giữa thế kỷ 20, ông Viện tự hào kể từ xưa làng nghề xứ Quảng này đã nổi danh
với những chiếc tàu bền chắc, vượt bão táp đại dương. Khoảng giữa thập niên 1960,
ông Viện và bạn bè chính là lớp thợ đầu tiên chuyển từ đóng ghe buồm sang đóng tàu
máy. Việc đóng vỏ tàu không khó, họ chỉ bỡ ngỡ ở phần ráp máy. Nhưng sau vài chục
ngày học lại thợ từ Đà Nẵng, Tam Kỳ vào, ông Viện và 25 đồng nghiệp Cổ Lũy đã tự
tách đóng riêng được chiếc tàu máy hoàn chỉnh. Đó là con tàu dài 17m, ngang 4m và
cao hơn 2,5m, gắn máy 40 CV. Từ đây, làng đóng tàu Cổ Lũy rẽ sang bước ngoặt mới
hiện đại hơn...
Trên đầu sóng ngọn gió
Làng đóng tàu Cổ Lũy sau nhiều lần phải dịch chuyển vì chiến tranh đã về thôn Cổ
Lũy vào khoảng thập niên 1970. Đến năm 1977, làng chuyển sang mô hình hợp tác
xã, trở thành một trong những làng nghề đầu tiên cả nước bước vào giai đoạn đóng
tàu lớn đánh bắt xa bờ với tâm huyết rất nhiều của các bậc thợ cả cao niên như ông
Viện, ông Trà, ông Lâm... Đến nay thì chính những người thợ ở đây cũng không thể
nhớ từng đóng được bao nhiêu chiếc tàu vì tổng số đã lên đến hàng ngàn chiếc các
loại. Hiện Cổ Lũy có 47 xã viên chính và 20 đội. Mỗi đội có một thợ cả, nhiều thợ
chính và hơn 200 lao động để có thể đóng cùng lúc nhiều chiếc tàu. Trung bình mỗi
năm hợp tác xã này đóng được 45-50 tàu xa bờ. Và những tên tuổi thợ cả hiện nay
như Vương, Sinh, Bên, Cường, Huy, Sớt, Mạo, Bảo, Thành, Thanh, Nuôi... đã tự hào
nối tiếp cha ông trở thành uy tín của làng nghề.
Hôm tôi ghé thăm đội trưởng thi công Nguyễn Tấn Huy cũng là lúc anh đang chỉ huy
cùng đóng bốn chiếc tàu đánh bắt xa bờ và chuẩn bị hạ thủy hai chiếc cho ngư dân
Bình Định, Quảng Ngãi. Chúng đều được trang bị máy có công suất lớn nhất của ngư
dân miền Trung hiện nay với 450-650 CV, thậm chí có chiếc đã đến gần 1.000 CV.
Là thế hệ con của anh em ông Nguyễn Tấn Viện, năm nay ông Huy 45 tuổi, đã từng
đứng riêng chỉ huy đóng gần 40 chiếc tàu cho ngư dân các tỉnh miền Bắc, miền
Trung, miền Nam đến đặt đóng. Tạm lơi tay việc, người thợ cả có vóc dáng chắc
khỏe, kiên cường của ngư dân nhìn xa xăm ra biển và tâm sự: “Tôi cũng từng đi biển,
từng treo mình trên đầu sóng ngọn gió Hoàng Sa, Trường Sa, nên khi vào nghề đóng
tàu tôi rất thấm thía công việc mình làm. Những con tàu đó chở theo sinh mạng, ý chí
đồng bào mình”.
Lặng nhìn người đàn ông biển cả đậm nét dạn dày sóng gió, tôi nghe lời tâm sự chân
chất lòng ái quốc của anh bằng chính sự cố gắng đóng những con tàu thật tốt để xông
pha sóng gió đại dương. Ông Huy kể mình theo học nghề cha bốn năm thì được lên
làm thợ cả. Đường học khá nhanh vì hình như nghề này đã thấm vào dòng máu gia
tộc. Lần đầu ông được tự tay dựng cây gỗ xỏ mũi tàu, việc quan trọng và ý nghĩa nhất
trong đóng tàu, cha ông đã dặn dò: “Từ hôm nay, con đã chính thức nối nghiệp tổ tiên,
đóng những con tàu xông pha bão táp. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, con cũng phải giữ
lấy tâm nghề, giữ lấy truyền thống của gia tộc, của làng Cổ Lũy và dân tộc để luôn
kiên cường trước sóng gió đại dương”.
Phía trước người thợ cả, những con tàu Cổ Lũy vừa hạ thủy đang tiến thẳng ra biển cả
của Tổ quốc...
- Quốc Việt

Weitere ähnliche Inhalte

Andere mochten auch

(Cđ lt vào đh) bất đẳng thức
(Cđ lt vào đh) bất đẳng thức(Cđ lt vào đh) bất đẳng thức
(Cđ lt vào đh) bất đẳng thứcMinh Thắng Trần
 
64 bài khảo sát hàm số có đáp án
64 bài khảo sát hàm số có đáp án64 bài khảo sát hàm số có đáp án
64 bài khảo sát hàm số có đáp ánMinh Thắng Trần
 
Tiếp tuyến của đồ thị hàm số
Tiếp tuyến của đồ thị hàm sốTiếp tuyến của đồ thị hàm số
Tiếp tuyến của đồ thị hàm sốMinh Thắng Trần
 
[Mathvn.com] tuyen tap de dh 2002-2012 theo chu de
[Mathvn.com] tuyen tap de dh  2002-2012 theo chu de[Mathvn.com] tuyen tap de dh  2002-2012 theo chu de
[Mathvn.com] tuyen tap de dh 2002-2012 theo chu deMinh Thắng Trần
 
Chuyên đề sóng cơ bài tập và đáp án
Chuyên đề sóng cơ bài tập và đáp ánChuyên đề sóng cơ bài tập và đáp án
Chuyên đề sóng cơ bài tập và đáp ánMinh Thắng Trần
 
118 Bài tập hình học phẳng
118 Bài tập hình học phẳng118 Bài tập hình học phẳng
118 Bài tập hình học phẳngMinh Thắng Trần
 
Đường thẳng đường tròn Oxy Mathvn
Đường thẳng đường tròn Oxy MathvnĐường thẳng đường tròn Oxy Mathvn
Đường thẳng đường tròn Oxy MathvnMinh Thắng Trần
 
Kỹ thuật giải nhanh chương điện xoay chiều
Kỹ thuật giải nhanh chương điện xoay chiềuKỹ thuật giải nhanh chương điện xoay chiều
Kỹ thuật giải nhanh chương điện xoay chiềuMinh Thắng Trần
 
Bài toán cực trị trong hình học giải tích
Bài toán cực trị trong hình học giải tíchBài toán cực trị trong hình học giải tích
Bài toán cực trị trong hình học giải tíchMinh Thắng Trần
 
Câu hỏi thường gặp lý thuyết hóa hữu cơ
Câu hỏi thường gặp lý thuyết hóa hữu cơCâu hỏi thường gặp lý thuyết hóa hữu cơ
Câu hỏi thường gặp lý thuyết hóa hữu cơMinh Thắng Trần
 
Tên gọi một số hợp chất cần ghi nhớ
Tên gọi một số hợp chất cần ghi nhớTên gọi một số hợp chất cần ghi nhớ
Tên gọi một số hợp chất cần ghi nhớMinh Thắng Trần
 
Tóm tắt lý thuyết và các bài tập chương sóng điện từ
Tóm tắt lý thuyết và các bài tập chương sóng điện từTóm tắt lý thuyết và các bài tập chương sóng điện từ
Tóm tắt lý thuyết và các bài tập chương sóng điện từMinh Thắng Trần
 

Andere mochten auch (13)

(Cđ lt vào đh) bất đẳng thức
(Cđ lt vào đh) bất đẳng thức(Cđ lt vào đh) bất đẳng thức
(Cđ lt vào đh) bất đẳng thức
 
64 bài khảo sát hàm số có đáp án
64 bài khảo sát hàm số có đáp án64 bài khảo sát hàm số có đáp án
64 bài khảo sát hàm số có đáp án
 
Tiếp tuyến của đồ thị hàm số
Tiếp tuyến của đồ thị hàm sốTiếp tuyến của đồ thị hàm số
Tiếp tuyến của đồ thị hàm số
 
[Mathvn.com] tuyen tap de dh 2002-2012 theo chu de
[Mathvn.com] tuyen tap de dh  2002-2012 theo chu de[Mathvn.com] tuyen tap de dh  2002-2012 theo chu de
[Mathvn.com] tuyen tap de dh 2002-2012 theo chu de
 
Chuyên đề sóng cơ bài tập và đáp án
Chuyên đề sóng cơ bài tập và đáp ánChuyên đề sóng cơ bài tập và đáp án
Chuyên đề sóng cơ bài tập và đáp án
 
118 Bài tập hình học phẳng
118 Bài tập hình học phẳng118 Bài tập hình học phẳng
118 Bài tập hình học phẳng
 
Đường thẳng đường tròn Oxy Mathvn
Đường thẳng đường tròn Oxy MathvnĐường thẳng đường tròn Oxy Mathvn
Đường thẳng đường tròn Oxy Mathvn
 
Kỹ thuật giải nhanh chương điện xoay chiều
Kỹ thuật giải nhanh chương điện xoay chiềuKỹ thuật giải nhanh chương điện xoay chiều
Kỹ thuật giải nhanh chương điện xoay chiều
 
40 Đề hoá GSTT
40 Đề hoá GSTT40 Đề hoá GSTT
40 Đề hoá GSTT
 
Bài toán cực trị trong hình học giải tích
Bài toán cực trị trong hình học giải tíchBài toán cực trị trong hình học giải tích
Bài toán cực trị trong hình học giải tích
 
Câu hỏi thường gặp lý thuyết hóa hữu cơ
Câu hỏi thường gặp lý thuyết hóa hữu cơCâu hỏi thường gặp lý thuyết hóa hữu cơ
Câu hỏi thường gặp lý thuyết hóa hữu cơ
 
Tên gọi một số hợp chất cần ghi nhớ
Tên gọi một số hợp chất cần ghi nhớTên gọi một số hợp chất cần ghi nhớ
Tên gọi một số hợp chất cần ghi nhớ
 
Tóm tắt lý thuyết và các bài tập chương sóng điện từ
Tóm tắt lý thuyết và các bài tập chương sóng điện từTóm tắt lý thuyết và các bài tập chương sóng điện từ
Tóm tắt lý thuyết và các bài tập chương sóng điện từ
 

Ähnlich wie Người Việt chinh phục đại dương

Bài thuyết minh city tour hà nội
Bài thuyết minh city tour hà nộiBài thuyết minh city tour hà nội
Bài thuyết minh city tour hà nộiphamtruongtimeline
 
Những cuộc phát kiến địa lý lớn.pptx
Những cuộc phát kiến địa lý lớn.pptxNhững cuộc phát kiến địa lý lớn.pptx
Những cuộc phát kiến địa lý lớn.pptxLeHoangMinh11
 
Kien giang
Kien giangKien giang
Kien giangAnh Tuan
 
Biển Đông, hiện trạng và hướng giải quyết
Biển Đông, hiện trạng và hướng giải quyếtBiển Đông, hiện trạng và hướng giải quyết
Biển Đông, hiện trạng và hướng giải quyếtTuong Do
 
Một số tư liệu lịch sử, pháp lý về chủ quyền của việt nam đối với hai quần đả...
Một số tư liệu lịch sử, pháp lý về chủ quyền của việt nam đối với hai quần đả...Một số tư liệu lịch sử, pháp lý về chủ quyền của việt nam đối với hai quần đả...
Một số tư liệu lịch sử, pháp lý về chủ quyền của việt nam đối với hai quần đả...jackjohn45
 
Xe cộ ngày xưa
Xe cộ ngày xưaXe cộ ngày xưa
Xe cộ ngày xưaDam Nguyen
 
Tuyến điểm du lịch miền tây sông nước
Tuyến điểm du lịch miền tây sông nướcTuyến điểm du lịch miền tây sông nước
Tuyến điểm du lịch miền tây sông nướcphamtruongtimeline
 
CHUYÊN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VIỆT NAM QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ KHAI CHIẾM_10592612092019
CHUYÊN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VIỆT NAM QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ KHAI CHIẾM_10592612092019CHUYÊN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VIỆT NAM QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ KHAI CHIẾM_10592612092019
CHUYÊN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VIỆT NAM QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ KHAI CHIẾM_10592612092019hieupham236
 
Le dai cang tham luan1
Le dai cang   tham luan1Le dai cang   tham luan1
Le dai cang tham luan1conotos
 
bctntlvn (23).pdf
bctntlvn (23).pdfbctntlvn (23).pdf
bctntlvn (23).pdfLuanvan84
 
Thông tin thuyết minh Sài Gòn - Đà Lạt - Nha Trang - Phan Thiết
Thông tin thuyết minh Sài Gòn - Đà Lạt - Nha Trang - Phan ThiếtThông tin thuyết minh Sài Gòn - Đà Lạt - Nha Trang - Phan Thiết
Thông tin thuyết minh Sài Gòn - Đà Lạt - Nha Trang - Phan ThiếtThanh Hải
 
Bác Hồ những năm tháng ở nước ngoài.pdf
Bác Hồ những năm tháng ở nước ngoài.pdfBác Hồ những năm tháng ở nước ngoài.pdf
Bác Hồ những năm tháng ở nước ngoài.pdfMan_Ebook
 
Bien dong 23 5-2014
Bien dong 23 5-2014Bien dong 23 5-2014
Bien dong 23 5-2014Dung Lee
 
Kinh lương - Vùng đất di sản - vanhien.vn
Kinh lương - Vùng đất di sản - vanhien.vnKinh lương - Vùng đất di sản - vanhien.vn
Kinh lương - Vùng đất di sản - vanhien.vnPham Long
 
Nnt gt lich_sunb_quyen220
Nnt gt lich_sunb_quyen220Nnt gt lich_sunb_quyen220
Nnt gt lich_sunb_quyen220Phi Phi
 
Daiviet commerce
Daiviet commerceDaiviet commerce
Daiviet commerceDO Alex
 
Con đường tơ lụa Tân Cương
Con đường tơ lụa Tân CươngCon đường tơ lụa Tân Cương
Con đường tơ lụa Tân CươngAlolove Nguyễn
 

Ähnlich wie Người Việt chinh phục đại dương (20)

Bài thuyết minh city tour hà nội
Bài thuyết minh city tour hà nộiBài thuyết minh city tour hà nội
Bài thuyết minh city tour hà nội
 
Venice thành phố trên nước 01
Venice thành phố trên nước 01Venice thành phố trên nước 01
Venice thành phố trên nước 01
 
Những cuộc phát kiến địa lý lớn.pptx
Những cuộc phát kiến địa lý lớn.pptxNhững cuộc phát kiến địa lý lớn.pptx
Những cuộc phát kiến địa lý lớn.pptx
 
Kien giang
Kien giangKien giang
Kien giang
 
Biển Đông, hiện trạng và hướng giải quyết
Biển Đông, hiện trạng và hướng giải quyếtBiển Đông, hiện trạng và hướng giải quyết
Biển Đông, hiện trạng và hướng giải quyết
 
Một số tư liệu lịch sử, pháp lý về chủ quyền của việt nam đối với hai quần đả...
Một số tư liệu lịch sử, pháp lý về chủ quyền của việt nam đối với hai quần đả...Một số tư liệu lịch sử, pháp lý về chủ quyền của việt nam đối với hai quần đả...
Một số tư liệu lịch sử, pháp lý về chủ quyền của việt nam đối với hai quần đả...
 
Xe cộ ngày xưa
Xe cộ ngày xưaXe cộ ngày xưa
Xe cộ ngày xưa
 
Tuyến điểm du lịch miền tây sông nước
Tuyến điểm du lịch miền tây sông nướcTuyến điểm du lịch miền tây sông nước
Tuyến điểm du lịch miền tây sông nước
 
CHUYÊN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VIỆT NAM QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ KHAI CHIẾM_10592612092019
CHUYÊN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VIỆT NAM QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ KHAI CHIẾM_10592612092019CHUYÊN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VIỆT NAM QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ KHAI CHIẾM_10592612092019
CHUYÊN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VIỆT NAM QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ KHAI CHIẾM_10592612092019
 
Le dai cang tham luan1
Le dai cang   tham luan1Le dai cang   tham luan1
Le dai cang tham luan1
 
bctntlvn (23).pdf
bctntlvn (23).pdfbctntlvn (23).pdf
bctntlvn (23).pdf
 
Thông tin thuyết minh Sài Gòn - Đà Lạt - Nha Trang - Phan Thiết
Thông tin thuyết minh Sài Gòn - Đà Lạt - Nha Trang - Phan ThiếtThông tin thuyết minh Sài Gòn - Đà Lạt - Nha Trang - Phan Thiết
Thông tin thuyết minh Sài Gòn - Đà Lạt - Nha Trang - Phan Thiết
 
Bác Hồ những năm tháng ở nước ngoài.pdf
Bác Hồ những năm tháng ở nước ngoài.pdfBác Hồ những năm tháng ở nước ngoài.pdf
Bác Hồ những năm tháng ở nước ngoài.pdf
 
Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Trên Tuyến Đà Nẵng Quảng Trị
Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Trên Tuyến Đà Nẵng Quảng TrịTài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Trên Tuyến Đà Nẵng Quảng Trị
Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Trên Tuyến Đà Nẵng Quảng Trị
 
Bien dong 23 5-2014
Bien dong 23 5-2014Bien dong 23 5-2014
Bien dong 23 5-2014
 
Bien dong
Bien dongBien dong
Bien dong
 
Kinh lương - Vùng đất di sản - vanhien.vn
Kinh lương - Vùng đất di sản - vanhien.vnKinh lương - Vùng đất di sản - vanhien.vn
Kinh lương - Vùng đất di sản - vanhien.vn
 
Nnt gt lich_sunb_quyen220
Nnt gt lich_sunb_quyen220Nnt gt lich_sunb_quyen220
Nnt gt lich_sunb_quyen220
 
Daiviet commerce
Daiviet commerceDaiviet commerce
Daiviet commerce
 
Con đường tơ lụa Tân Cương
Con đường tơ lụa Tân CươngCon đường tơ lụa Tân Cương
Con đường tơ lụa Tân Cương
 

Kürzlich hochgeladen

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfxemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfXem Số Mệnh
 
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhbài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhdangdinhkien2k4
 
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận HạnTử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận HạnKabala
 
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfxemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfXem Số Mệnh
 
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnBài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnpmtiendhti14a5hn
 
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfXem Số Mệnh
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Giới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vn
Giới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vnGiới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vn
Giới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vnKabala
 
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdfXem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdfXem Số Mệnh
 
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docxasdnguyendinhdang
 
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiTrắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiNgocNguyen591215
 
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ emcác nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ emTrangNhung96
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Hướng dẫn viết tiểu luận cuối khóa lớp bồi dưỡng chức danh biên tập viên hạng 3
Hướng dẫn viết tiểu luận cuối khóa lớp bồi dưỡng chức danh biên tập viên hạng 3Hướng dẫn viết tiểu luận cuối khóa lớp bồi dưỡng chức danh biên tập viên hạng 3
Hướng dẫn viết tiểu luận cuối khóa lớp bồi dưỡng chức danh biên tập viên hạng 3lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa học
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa họcChương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa học
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa họchelenafalet
 

Kürzlich hochgeladen (20)

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
 
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfxemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
 
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhbài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
 
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận HạnTử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
 
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
 
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
 
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfxemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
 
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
 
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnBài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
 
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Giới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vn
Giới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vnGiới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vn
Giới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vn
 
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdfXem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
 
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
 
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiTrắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
 
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ emcác nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Hướng dẫn viết tiểu luận cuối khóa lớp bồi dưỡng chức danh biên tập viên hạng 3
Hướng dẫn viết tiểu luận cuối khóa lớp bồi dưỡng chức danh biên tập viên hạng 3Hướng dẫn viết tiểu luận cuối khóa lớp bồi dưỡng chức danh biên tập viên hạng 3
Hướng dẫn viết tiểu luận cuối khóa lớp bồi dưỡng chức danh biên tập viên hạng 3
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa học
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa họcChương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa học
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa học
 

Người Việt chinh phục đại dương

  • 1. Người Việt chinh phục đại dương Kỳ 1: Khát vọng tàu hơi nước TT - Từ xa xưa, người Việt đã giỏi thủy chiến với nhiều chiến thắng hiển hách. Đến triều Nguyễn, hải quân được nâng tầm chiến lược. Nhiều hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải được thành lập, các dự án đóng tàu hơi nước, tàu bọc đồng, đặc biệt đưa người ra nước ngoài học hỏi kỹ thuật hàng hải và kỹ nghệ đóng tàu. Loại thuyền quan trọng nhất thời Nguyễn thế kỷ 19 được khắc trong châu bản “Tàu này mua bên Tây cũng được, nhưng muốn khiến cho công tượng nước ta tập quen máy móc cho khéo, vậy nên chẳng kể lao phí gì”. Từ năm 1839, lời phán của vua Minh Mạng đã lưu truyền chính sử, khi ông thân chinh đến dự lễ hạ thủy tàu hơi nước đầu tiên do chính người Việt đóng. Ai đóng tàu hơi nước đầu tiên? Từ nội thành Huế, tôi tìm về quê hương Hoàng Văn Lịch đã lưu danh trong công trình đóng tàu hơi nước đầu tiên ở làng Hiền Lương, huyện Phong Điền. Đây là làng Việt cổ có tên là Hoa Lang, huyện Quảng Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Triều Minh Mạng đổi Thuận Hóa làm phủ Thừa Thiên và đặt lại tên làng Hoa Lang thành Hiền Lương. Trải bao biến động thời cuộc, làng luôn nổi tiếng với nghề rèn. Đặc biệt không chỉ rèn nông cụ, danh tiếng Hiền Lương còn gắn liền việc chế tạo vũ khí. Người làng đỗ đạt cao, làm quan triều đình. Khi vua Minh Mạng thực hiện cách mạng hàng hải, khởi đóng những chiếc tàu hơi nước của nước Việt thì chính Hoàng Văn Lịch, người Hiền Lương, được giao làm giám đốc công trình đặc biệt này. Bao vương triều hưng thịnh rồi suy vong, nhưng Hoàng Văn Lịch vẫn mãi lưu danh trong ký ức nhiều đời người Hiền Lương. Nhà nghiên cứu Huế Dương Phước Thu là người làng này hồi tưởng: “Dân làng tôi truyền đời kính trọng cụ Hoàng Văn Lịch. Đến giờ vẫn còn phần mộ, nhà thờ ghi công đức cụ cho hậu thế không quên...”.
  • 2. Theo nghiên cứu của ông Thu, Hoàng Văn Lịch sinh năm giáp ngọ 1771 ở làng Hiền Lương, hưởng thọ 77 tuổi. Công đức ông rõ nhất có lẽ chính là nội dung bản sắc phong của vua Thiệu Trị được khắc trên bia mộ: “Năm Thiệu Trị thứ sáu. Cáo thọ Minh Nghĩa đô úy Võ khố đốc công sở chánh giám đốc thủy tráng dực Lương Sơn Hầu Hoàng Văn Lịch... Nay ban tờ chiếu này trước là để cho tận lực của người được phấn chấn mà tỏ lòng cường lĩnh, trung kiên, sau là để thưởng cho người nhiều công lao đốc thúc, đảm đang phòng ngự, bảo vệ vương triều...”. Đặc biệt, mặt sau bia mộ còn được con cháu đời sau ông ghi cụ thể: “Hiển cao tổ khảo Hoàng Văn Lịch... trí tuệ thông minh, kỹ nghệ tinh xảo, học thông chữ tốt, võ vẫn kiêm văn. Triều Gia Long bổ vào Thạch Cơ Tượng. Triều Minh Mạng thăng thọ chánh giám đốc ở sở Võ khố kiêm quảng bá công cuộc... đốc suất chế tạo ra mấy chiếc hỏa thuyền...”. Đầu đông 2011, nắng hanh hao đường làng Hiền Lương. Tôi lần lại dấu vết người xưa. Phó giáo sư Hoàng Dũng, hậu duệ họ Hoàng làng Hiền Lương, kể rằng ông đã được nghe các bậc cao niên truyền kể cụ Hoàng Văn Lịch là người đặc biệt, mang lại tiếng thơm cho làng. Học hành đỗ đạt làm quan thì nhiều làng đều có, nhưng từ người làng rèn trở thành “công trình sư trưởng” đóng tàu hơi nước đầu tiên ở Việt Nam như cụ Hoàng Văn Lịch làng Hiền Lương này là rất hiếm để đời sau tôn vinh. Hỏa thuyền Đại Nam Những ngày ở Huế, tôi cố gắng tìm dấu vết còn lại của những chiếc tàu hơi nước đầu tiên. Quốc triều sử toát yếu của Cao Xuân Dục kể rằng triều Minh Mạng năm thứ 19 (1838) đã cho Võ khố đóng tàu hơi nước theo nghiên cứu kiểu cách tàu máy mua của Tây Dương. Năm sau, công trình đặc biệt này hoàn thành. “Tháng 4, ngài (vua Minh Mạng) ngự chơi Bến Ngự, xem thí nghiệm tàu chạy máy hơi. Khi trước khiến sở Võ khố chế tạo tàu ấy, đem xe chở ra sông, giữa đàng vỡ nồi nước, máy không chạy, người đốc công bị xiềng, quan bộ công là Nguyễn Trung Mậu, Ngô Kim Lân vì cớ tâu không thiệt đều bị bỏ ngục. Bấy giờ chế tạo lại, các máy vận động lanh, thả xuống nước chạy mau. Ngài ban thưởng giám đốc là Hoàng Văn Lịch, Võ Huy Trinh mỗi người một cái nhẫn pha lê độ vàng, một đồng tiền vàng Phi Long hạng lớn, đốc công và binh tượng được thưởng chung 1.000 quan tiền. Ngài truyền rằng: Tàu này mua bên Tây cũng được, nhưng muốn khiến cho công tượng nước ta tập quen máy móc cho khéo, vậy nên chẳng kể lao phí gì”... Tác giả Huỳnh Hữu Hiến viết cuốn Hiền Lương chí lược, kể thêm sau cuộc thử nghiệm thất bại, giám đốc Hoàng Văn Lịch cùng cộng sự tại Võ khố nghiên cứu, sửa chữa được hỏng hóc và chạy thử thành công ở sông An Cựu. Sự kiện này đánh dấu mốc lịch sử trong nỗ lực của ngành đóng tàu nước Việt. Sử nhà Nguyễn ghi chép rõ ý chí nắm bắt kỹ thuật đóng tàu máy của nước Việt từ cách đây gần hai thế kỷ: “... Kiểu thuyền ấy nhờ hơi mà chuyển động, không cần gió nước thuận hay nghịch, không bắt sức người chèo chống mà thuyền tự phóng nhanh, máy móc thực là tinh xảo. Phải thu mua bằng giá đắt để phỏng theo cách thức đóng thuyền lớn khác để dùng mãi mãi”. Sau đó, ít nhất hai tàu hơi nước khác được tiếp tục đóng mới. Đặc biệt, Hoàng Văn Lịch còn chỉ huy thợ thuyền chế tạo thành công bộ máy tàu lớn. Ngoài thợ kinh thành và làng Hiền Lương, 90 thợ rèn, đúc ở Hà Tĩnh, Bắc Ninh cũng được trưng dụng. Kỹ thuật đóng tàu được nghiên cứu, cải tiến, kể cả cỡ tàu, mớm nước lẫn động cơ. Để
  • 3. nâng vận tốc và độ linh hoạt, những bộ phận quan trọng như thùng hơi nước, bánh xe quay đều được tăng kích cỡ trong khi ván thuyền sử dụng nhiều loại gỗ nhẹ hơn. Từ đây, ngành đóng tàu hơi nước triều Minh Mạng tiến dần đến quy thức công nghiệp. “Lần này, đóng thuyền cơ khí, vật kiện máy móc làm ra kích thước to nhỏ đã có đồ thức làm bằng cứ, không ví như một lần đầu làm thử... Hạn trong tháng 12 nay hiện đã hoàn chỉnh, quả có linh hoạt, tinh xảo nên công hiệu rõ ràng”. Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, ít nhất triều Minh Mạng đã đóng thành công mấy chiếc tàu hơi nước. Chiếc Yên Phi lớn nhất, dài 8 trượng 5 thước 2 tấc, rộng 2 trượng 6 tấc và sâu 8 thước 6 tấc 1 phân (1 trượng = 10 thước mộc, một thước mộc = 0,425m). Hai chiếc khác là Vân Phi và Vụ Phi. Đặc biệt, tàu hơi nước người Việt đóng đã có cải tiến so với tàu mua. “Chiếc thuyền cơ khí mua của Tây Dương cũ, trước đã có chỉ giao Vệ long thuyền nhận giữ để chạy thử. Hiện nay thuyền cơ khí đã có những chiếc mới đóng, còn chiếc cũ ấy ngắn nhỏ, xét ra không dùng vào việc gì”. Thời vua Thiệu Trị tiếp tục cho đóng mới tàu hơi nước tên Hương Nhi và cải tiến các tàu đã đóng. Ngoài đóng mới, triều đình cũng mua thêm tàu hơi nước và tiếp tục học hỏi kỹ thuật đóng tàu hiện đại bấy giờ. Kỳ 2: Hải thuyền Hoàng Sa TT - Nhiều chiến thuyền, tàu buôn nước ngoài đã bị nạn khi qua vùng biển Paracel (Hoàng Sa) trong khi các hải đội triều Nguyễn vẫn thường xuyên ra vào vùng biển này. Thậm chí họ từng cứu hộ tàu nước ngoài bị đắm. Điều đó không chỉ được sử sách nước Việt ghi nhận mà các nhà hàng hải quốc tế, kể cả người Trung Quốc cũng ghi chép rất kỹ. Người Việt đã chinh phục vùng biển nguy hiểm này bằng loại thuyền gì? Bản vẽ kỹ thuật thuyền buồm và một số vật dụng dùng để đi Hoàng Sa - Ảnh: Kỷ yếu Hoàng Sa
  • 4. Sự thật thuyền Hoàng Sa “Tổ tiên đã truyền đời kể cho chúng tôi nghe về những con thuyền từng vượt biển Đông ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Thời thơ ấu của tôi ở Lý Sơn, loại thuyền ngược xuôi trên biển cũng không khác xưa. Chúng nhỏ gọn nhưng chắc chắn và rất tiện dụng trên vùng biển có nhiều bãi cát, rạn san hô như Hoàng Sa, Trường Sa...”. Ông đồ già Võ Hiển Đạt ở đảo Lý Sơn tự hào hồi tưởng thuở bao lớp tổ tiên can trường tiến ra biển. Mùa ra khơi năm 2011, ông Đạt bước sang tuổi 81, là trưởng nhóm nghiên cứu, đóng lại chiếc thuyền của những đội hùng binh nước Việt năm xưa sử dụng để chinh phục đại dương. Là bậc cao niên hiếm hoi còn thông thạo chữ nho ở Lý Sơn, ông Đạt cũng từng tiếp cận nhiều tài liệu, thư tịch, sắc phong cổ ở Lý Sơn để hiểu rõ về những con thuyền của tổ tiên mình. Những buổi chiều ngồi ngắm biển ở cảng Lý Sơn, ông Võ Hiển Đạt đã kể cho tôi nghe nửa đầu thế kỷ 20 dân đảo vẫn còn nghèo lắm. Người đi biển đều sử dụng những chiếc thuyền buồm như tổ tiên mình đã bao đời cưỡi trên đầu sóng ngọn gió. Người đi buôn dùng ghe bầu. Ngư dân có ghe câu nhỏ hơn. Hai loại thuyền đôi nét khác nhau về kích cỡ, nhưng đều vượt biển giống nhau nhờ sức gió thổi buồm và khả năng xoay xở rất tốt ở những vùng biển nông dễ mắc cạn. Khi phục dựng lại thuyền đi Hoàng Sa thuở xưa, ông Đạt đã cẩn thận gặp thêm nhiều bậc cao niên ở Lý Sơn để cùng bàn bạc chính xác loại thuyền. Thật ra ông và các bạn vẫn nhớ rõ đến nửa đầu thế kỷ 20, ngư dân ở Lý Sơn và dọc bờ biển Quảng Ngãi vẫn truyền đời đi biển bằng loại thuyền này. Họ gọi dân dã là ghe câu. Đây cũng là tên thuyền thông dụng mà tổ tiên họ ngày xưa đã sử dụng để vượt biển ra Hoàng Sa. Ngoài ra, một cơ sở khác để họ có thể phục dựng chính xác loại thuyền này chính là hình mẫu chiếc thuyền cúng trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Ngay thời hải đội Hoàng Sa còn hoạt động, lễ cúng này đã được thực hiện để yên lòng người ra đi vì Tổ quốc và hình mẫu chiếc thuyền buồm trong lễ cúng vẫn được truyền đời thực hiện đến ngày nay. Đặc biệt, các sử gia uy tín xưa cũng khẳng định rõ loại thuyền mà người Việt từng can trường cưỡi trên đầu sóng ngọn gió, xác lập chủ quyền cho Tổ quốc. Với ghi chép tỉ mỉ của Lê Quý Đôn thì không chỉ đội Hoàng Sa mà ngay cả đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản cũng chinh phục đại dương bằng loại thuyền nhỏ này. Khu vực mà hải đội Bắc Hải hoạt động chính là quần đảo Trường Sa và trải dài vào các đảo phía Nam.
  • 5. Thuyền buồm của đội Hoàng Sa vào thế kỷ 17-18 - Ảnh: Kỷ yếu Hoàng Sa Trong một chỉ thị cho đội Hoàng Sa tiếp tục hoạt động, triều đình Tây Sơn năm 1786 ghi rõ: “Sai Hội Đức Hầu, cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, cưỡi bốn thuyền câu vượt biển, thẳng đến Hoàng Sa...”. Còn Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cũng ghi chép chính xác loại thuyền này khi nhắc đến đội Hoàng Sa: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương thực đủ ăn sáu tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy... Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo Hà Tiên...”. Và loại thuyền câu đó chính là thuyền mà ngư dân Lý Sơn đã truyền đời cưỡi trên đầu sóng ngọn gió. Đặc biệt, nhiều nhà du hành, thương nhân nước ngoài khi đến Đàng Trong cũng nhắc đến loại thuyền độc đáo của ngư dân Việt mặc dù họ có một vài cách định danh khác nhau. Nhà sư Thích Đại Sán, người Trung Hoa khi đi thuyền đến xứ Đàng Trong năm 1696 đã có nhiều ghi chép trong tập Hải ngoại ký sự về loại thuyền “điếu xá” rất
  • 6. nhanh của người vương quốc này. Trong khi chiếc thuyền lớn xuất phát từ Quảng Đông của nhà sư Thích Đại Sán bị mắc cạn thì ông ta lại rất ngưỡng mộ loại thuyền “điếu xá” có cánh buồm như hình chiếc rìu lướt gió rất nhanh đã nhìn thấy ở vùng biển Hoàng Sa. Đây chính là loại thuyền mà chúa Nguyễn Phúc Chu đã cử ra đón nhà sư Trung Hoa này ở Cù Lao Chàm (thuở đó còn gọi Tiên Bích Sa). Và chính sử nước Việt lẫn tư liệu hàng hải quốc tế cũng ghi nhận nhà Nguyễn còn nhiều lần cử thuyền đi cứu hộ tàu nước ngoài bị đắm, trong đó có cả tàu của Hà Lan, Anh, Pháp... Bí quyết tốc độ Nhà sư Thích Đại Sán đã ngưỡng mộ loại thuyền nhỏ của người Việt này được cơn gió thuận thì lướt nhanh gấp 10 lần những chiếc thuyền gỗ lớn nặng nề. Đó cũng chính là bí quyết độc đáo của chiếc thuyền câu thuở nào. Thời đại máy móc ngày nay đã “chuyển giao” những chiếc ghe câu một thuở kiêu hãnh ngang dọc biển Đông vào lịch sử, nhưng ở miền Trung mà đặc biệt là Quảng Ngãi vẫn còn nhiều người từng đóng hoặc am hiểu loại thuyền vượt biển độc đáo của người Việt này. Ông Võ Hiển Đạt kể năm 1945, Pháp giải thể các xưởng đóng thuyền ở đảo Lý Sơn. Khi đó ông đã 15 tuổi, hay mày mò vào các xưởng đóng tàu trên đảo để tìm hiểu, học nghề. Ngoài ra, dòng họ ông cũng có nhiều người đi biển, làm nghề cá bằng ghe câu mà mãi đến những năm 1970 mới nâng cấp dần lên được máy móc. Chiếc ghe câu một thời không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn là bạn của nhiều gia đình ở Lý Sơn. Vừa rồi, ông Đạt đóng chiếc ghe câu đi Hoàng Sa là mô hình thu nhỏ cho Bảo tàng Quảng Ngãi. Còn kích cỡ thật của nó dài 12-18m, rộng 2,5-3m và sâu khoảng 1,8 đến hơn 2m. Điểm nhận diện đặc biệt của chiếc ghe câu này là thường đóng bằng cả gỗ và tre. Trong đó, gỗ dùng làm khung sườn và phần trên ghe, còn tre được đan thành mê bao bọc phần dưới ghe để chống nước xâm nhập bên trong. Và tre chính là bí quyết làm chiếc thuyền câu của người Việt trở nên nhẹ nhàng để đạt được tốc độ cao. Theo ông Đạt và các bậc cao niên ở Lý Sơn, nhờ thuyền nhẹ mà các hải đội Hoàng Sa dễ dàng đổ bộ lên các rạn san hô, đảo cát trải dài thoai thoải ở Hoàng Sa mà tàu lớn không vào được. Đặc biệt, khi cần thủy chiến, những ghe câu này cũng nhanh chóng phát huy tốc độ để áp sát tấn công đối phương. Kỳ 3: Câu chuyện của người thợ cả TT - Khi đi tìm lại kỹ thuật đóng những chiếc thuyền buồm một thuở lừng danh của hải đội Hoàng Sa, tôi may mắn gặp được nhiều bậc cao niên vẫn nắm vững kỹ thuật đóng loại thuyền này. Thậm chí có những bác thợ cả còn tự hào kể đời mình đã từng đóng được ít nhất vài chục chiếc mãi đến những năm 1950 của thế kỷ 20...
  • 7. Hải thuyền Hoàng Sa được phục dựng - Ảnh: Q.V. Mê tre, sự sáng tạo Việt độc đáo Lý Sơn, mùa biển này hay nổi dông gió, nhưng các ngư dân quả cảm vẫn đang ra khơi. Họ là thế hệ trẻ trên hòn đảo quê hương hải đội Hoàng Sa đã chuyển sang sử dụng tàu máy, còn trước đó cha ông họ vẫn cưỡi trên đầu sóng ngọn gió bằng loại ghe câu chạy buồm mà tổ tiên họ từ hàng trăm năm trước đã sử dụng. Ông Võ Hiển Đạt kể khi được tỉnh Quảng Ngãi giao phục dựng chiếc ghe câu một thời, ông hào hứng nhận ngay mà không chút băn khoăn. Những người ở tuổi 80 như ông trên đảo đều biết rõ, thậm chí nhiều người từng tự tay đóng hoặc đi biển trên những chiếc ghe đó. “Không sử dụng nhiều gỗ như bây giờ vì phần thân dưới ghe là mê tre, nhưng người thợ đóng loại ghe đó phải biết dựng nên khung sườn gỗ chắc chắn để kết hợp với độ dẻo dai của tre mà chống chịu bão gió trên biển ...” - ông Đạt kể phải mất khoảng 150 ngày công mới hoàn thành chiếc ghe lịch sử này dù chỉ là mô hình thu nhỏ. Tất cả chi tiết đều làm bằng tay, chi tiết càng nhỏ càng đòi hỏi khéo tay hơn. Nhờ chỉ dẫn của các ngư dân lớn tuổi, tôi đi tìm người thợ cả Nguyễn Tấn Trà, 76 tuổi, ở xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi đã từng đóng cả trăm chiếc ghe. 60 năm tuổi nghề, ông là hậu duệ của dòng họ có ít nhất sáu đời đã đóng ghe câu. Tiếp nối nghề này mãi đến năm 1968 ông mới chuyển qua đóng tàu máy. Những ngày ở bến sông Nghĩa Phú, tôi đã mải mê nghe ông Trà ôn lại ký ức gắn liền với loại ghe câu từng ngang dọc Hoàng Sa: “Đời nay có thể nói chiếc ghe câu xưa lạc hậu. Nhưng với những thợ cả đời đóng tàu như chúng tôi thì chiếc ghe đó là cả công trình nghệ thuật, một sự hun đúc kinh nghiệm đi biển bao đời mới có được. Nó như chính con người Việt nhỏ nhắn nhưng không dễ khuất phục, mềm mại nhưng dẻo dai, bền bỉ...”. Ông Trà tâm sự chỉ riêng tấm mê tre chịu nước dưới ghe cũng thể hiện kinh nghiệm độc đáo của người Việt. Thợ làm mê phải có kinh nghiệm lựa tre già, lóng tốt, không thối gốc, cụt ngọn, sau đó mới chọn đoạn dài đẹp nhất giữa thân. Việc chẻ tre thành từng thanh nan cũng đòi hỏi rất khéo tay. Nan tre phải đạt độ dày và lớn đều nhau để
  • 8. mắt đan liên kết chặt chẽ. Nan tre đan mê ghe không cần ngâm nước trước, nhưng phải phơi đủ vài nắng tươi. Thợ đan phải có kinh nghiệm mới được đan mê ghe để đều tay, xít chặt. Mắt mê cũng không không đan song song hay thẳng đứng với mặt nước mà theo chiều xéo góc để có độ dẻo dai, chống chịu được sóng gió. Mê tre sau khi đan xong được quét phân trâu bò để trét kẽ nan, rồi lại tiếp tục phủ lớp dầu rái (cây rái trên rừng). Theo ông Trà, tấm mê tre có vẻ mỏng manh so với gỗ nhưng dẻo dai, khó gãy. Khi gặp sóng gió có thể lún vào rồi lại căng ra bình thường. Mê tre cũng rẻ tiền, dễ thay sau mỗi hải trình xa xôi, nếu được quét dầu rái cẩn thận có thể bền hơn ba năm. Ưu điểm lớn nhất của mê tre chính là sự nhẹ nhàng giúp giảm tải ghe. Thường mê tre chỉ nặng bằng 1/5 so với gỗ. Nhờ đó mà chiếc ghe câu hay ghe bầu vận tải của người Việt xưa đã đạt tốc độ rất cao. Người thợ cả Nguyễn Tấn Trà - Ảnh: Q.V. Vững chãi trong bão tố Tự hào về những ghe câu mình từng đóng, ông Trà kể ngoài nghệ thuật dùng mê tre làm bụng ghe, phần khung sườn và các bộ phận khác cũng được hun đúc từ kinh nghiệm bao đời người Việt đi biển. Gỗ quý xưa không thiếu, nhưng việc chọn đúng loại gỗ phù hợp để đóng ghe đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc kỹ thuật hàng hải. Chiếc ghe tốt phải cứng cáp chịu đựng được bão tố, nhưng cũng không được quá nặng nề, chậm chạp. Là một trong những người thợ từng đóng những chiếc ghe câu cuối cùng ở Quảng Ngãi, ông Trà kể: “Tổ tiên đã truyền cho tôi kinh nghiệm chọn loại gỗ cứng nhưng dẻo dai như sao, chò, kiền kiền để đóng phần ghe dưới nước, đặc biệt là xỏ lái trước mũi và “con lươn” chịu lực chính dọc theo đáy ghe”. Chỉ cách đây già nửa thế kỷ, gần như toàn bộ công việc đóng tàu vẫn được làm bằng tay. Tùy cỡ ghe họ có thể đóng mất 200-300 ngày công, đòi hỏi sự khéo tay và kinh nghiệm của thợ. Thời ông Trà, thợ cả giàu kinh nghiệm chỉ nhìn lượng gỗ có thể tính chính xác mực nước ghe mình đóng. Ghe câu thường gồm khoang đốc phía sau, khoang lòng và khoang mũi. Loại ghe câu nhỏ của đội Hoàng Sa mà về sau vẫn được con cháu họ là ngư dân Lý Sơn sử dụng thì dùng hai hoặc ba cột buồm. Trong đó cột chính (dân đi
  • 9. biển quen gọi là cột lòng) bằng các loại gỗ kiền, lim cao khoảng 9m, cột buồm mũi cao khoảng 7m và cột buồm lái phía sau. Ghe câu thường chỉ dài 11-16m, rộng 2,5- 3m và sâu 1,8-2,5m. Thủy thủ đoàn 8-10 người, phù hợp với các tài liệu cổ ghi chép suất đội đi Hoàng Sa được tìm thấy ở Lý Sơn. Từ đảo này họ đi ba ngày ba đêm thì đến Hoàng Sa. Tốc độ chính nhờ sức gió thổi buồm, nhưng ghe vẫn thường được trang bị thêm bốn chèo ngang và một chèo lái. Để sinh tồn sáu tháng lênh đênh trên biển Hoàng Sa, ghe được trang bị các khạp gỗ đựng gạo, nước, củi để tránh bị vỡ khi gặp sóng gió. Thủy thủ đoàn cũng không thể thiếu khạp dầu rái dự phòng cho trường hợp phải trét sửa ghe dọc đường. Đặc biệt, họ mang theo cả giáo mác cán gỗ để phòng thân. Ngoài gạo, thức ăn thêm của đội Hoàng Sa là cá mú bắt được trên biển và các loại trứng chim, rùa có rất nhiều trên các đảo. Không rõ hải quân triều đình xưa có dùng nhiều thuyền hải vận lớn để theo đội Hoàng Sa là dân binh Lý Sơn hay không. Nhưng chắc chắn chiếc ghe câu nhỏ là phương tiện chủ yếu của hải đội Hoàng Sa đã được ghi chép trong sử sách và ký ức con cháu nhiều đời truyền lưu. Kỳ 4: Trong mắt một thuyền trưởng Mỹ TT - Những ngày ở Huế, tôi tìm lại dấu vết các nhà hàng hải quốc tế đã từng là chứng nhân trên vùng biển thuộc chủ quyền người Việt từ cách đây hàng thế kỷ. Trong khi hiện vật còn lưu lại về họ quá hiếm hoi thì các bộ sử sách lại ghi chép khá tỉ mỉ. Trong đó, đặc biệt là các hồi ký, du ký, bài báo do chính họ viết về những hải trình thám hiểm, giao thương đầy thú vị với người Việt. Và một trong số đó là hồi ức của viên trung úy thuyền trưởng người Mỹ John White trên chiếc tàu Franklin.
  • 10. Một loại thương thuyền linh hoạt do John White vẽ lại - Ảnh tư liệu Đến vùng biển người Việt Trong thư phòng bạc màu thời gian, các nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan, Nguyễn Hữu Châu Phan đã không tiếc thời gian lục tìm cho tôi xem tài liệu ghi chép của những nhà hàng hải quốc tế về con đường và kỹ thuật chinh phục biển của người Việt xưa. Điều rất thú vị là không chỉ người Pháp đến từ các chiến thuyền nặng ân oán cả trăm năm với đất nước này, mà nhiều cường quốc hàng hải như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Mỹ đều đã ngược xuôi trên vùng biển Đông của người Việt từ rất sớm. Quê hương ở tận Massachussetts, trung úy thuyền trưởng John White đã khởi hành từ đầu tháng giêng năm 1819 trên chiếc tàu Franklin qua nhiều vùng biển, hải cảng, kể cả những cuộc chiến đấu với hải tặc Malacca và mãi đến ngày 7-6 mới tới Cap Saint Jacques (Vũng Tàu). Trong hồi ký “Chuyến đi đến Nam Hà” được phát hành năm 1824 ở London, vị thuyền trưởng có cả máu thám hiểm lẫn thương buôn kể rằng: “11 giờ ngày 7 (tháng 6 năm 1819 - PV), chúng tôi đã thấy được Cap Saint Jacques ở phía bắc đông bắc. Mũi này là nơi khởi đầu của một dãy núi chạy dọc theo bờ biển về hướng bắc... Đây chính là vùng đất cao đầu tiên mà người ta nhận thấy được khi đi từ phương Nam lên và nó tạo thành một điểm mốc tuyệt vời cho lối vào con sông Donnai (Đồng Nai - PV) nằm ở phía bắc mũi đó. Chúng tôi đi theo hướng mũi đất ấy... vào được trong một cái vịnh nhỏ hình bán nguyệt có phong cảnh rất đẹp ở dưới chân núi. Xa xa bên trong cái vịnh ấy có làng Vũng Tàu, làng này đã cho vùng biển này tên gọi là Vũng Tàu...”. John White đã kể tỉ mỉ mình neo tàu ở vùng nước sâu năm sải và chỉ cách làng Vũng Tàu một hải lý. Ông khen đây là nơi đậu tàu an toàn đến tuyệt vời. Mục đích của thuyền trưởng người Mỹ này là vào sâu Sài Gòn qua cửa Cần Giờ để tìm cơ hội buôn bán. Nhưng ông ta đã mất rất nhiều thời gian để thực hiện thủ tục nhập cảnh phức tạp, kể cả phải ngược ra Huế xin phép nhà vua. Tuy nhiên, chính thời gian phải neo chờ và
  • 11. thực hiện hải trình dọc bờ biển ra kinh thành Huế, John White đã được tận mắt chứng kiến và khen ngợi kỹ thuật đóng tàu cùng khả năng đi biển của người Việt. Những con tàu bản xứ đáng ngưỡng mộ Hồi ký John White đã miêu tả chân thực khi chiếc Franklin “chạm trán” với thuyền Việt: “Những thuyền bè bản xứ với sự hoạt động lẹ làng của chúng đã làm chúng tôi tràn trề lòng ngưỡng mộ. Chúng đã chở được 5-500 tấn, nhưng những chiếc chở được 15-30 tấn đã thống trị số tàu này. Chúng rất dài, hai đầu thon mảnh và cong lên một cách mạnh dạn ra khỏi mặt nước... Điều này sẽ khiến người ta nghĩ rằng những chiếc thuyền ấy chỉ lấy gió một cách khó khăn. Trường hợp này lại không phải như vậy...”. Miêu tả những chiếc thuyền bản xứ ở vùng biển Vũng Tàu - Cần Giờ, ban đầu viên thuyền trưởng đến từ cường quốc hàng hải Mỹ đã chỉ ra một loạt những cấu tạo như là kỹ thuật đóng tàu riêng của người Việt có vẻ bất bình thường. Nhưng sau đó, chính ông là người đã chứng thực và khen ngợi khả năng vận hành tuyệt vời của chúng. Đặc biệt, John White cũng không tiếc lời ngợi khen những chiếc thuyền có cấu tạo độc đáo bằng mê tre rất thông dụng là ghe bầu đi buôn hay giống như hải thuyền của các hải đội Hoàng Sa sử dụng: “Chúng tôi rất kinh ngạc thấy rằng có một số chiếc trọng tải quá 50 tấn mà có đáy thuyền làm bằng tấm phên tre... được đan sít sao và gồm có hai phần, mỗi phần tạo thành một bên đáy thuyền nằm dưới cái đai mạn thuyền. Những bộ phận của loại thuyền này dài hơn, mập hơn những bộ phận của loại thuyền khác. Người ta có thể tháo rời ra và ráp chúng lại một cách dễ dàng mà không có gì nguy hiểm. Mặt khác, vì mỗi năm chúng chỉ đi có một chuyến theo đợt gió mùa thuận lợi, mỗi lần dỡ hàng xong thì chúng được tháo rời ra và đem cất giữ để tránh thời tiết xấu. Đáy loại thuyền này cũng như đáy các loại thuyền khác đều có phết loại nhựa dính dầu và vôi, hỗn hợp rất đều, tạo thành một hợp chất dính rất bền, tuyệt đối không thấm nước và chống lại sự tấn công của các loài sâu hà một cách hữu hiệu...”. Khi mô tả khả năng lướt sóng của những chiếc thuyền mê tre độc đáo này, John White viết: “Những chiếc thuyền ấy rất bền, khi buồm no gió chúng được đẩy nhanh và đi biển rất tốt. Thuyền có hai hoặc ba cánh buồm được cắt rất sắc sảo và được làm rất thích đáng... Những cánh buồm ấy đều làm bằng đệm lát, những cánh buồm của thuyền buôn đều có dây thu buồm xỉn màu đen. Theo nguyên tắc chung ở phương Đông, những mỏ neo đều làm bằng gỗ và chỉ có một chân neo. Những dây néo buồm và dây chão phần lớn làm bằng cây mây và thừng chão bằng xơ dừa, những dây dừa bện rất tốt...”. Ngược ra miền Trung để gặp gỡ những người thợ đóng thuyền cao niên ở vùng Quảng Ngãi, Quảng Nam, tôi đã đưa hồi ký của John White cho họ đọc để kiểm chứng tính xác thực trong các miêu tả của ông. Thật bất ngờ, gần 200 năm sau, những điều mắt thấy, tay chạm kỹ thuật thuyền bè người Việt của viên thuyền trưởng Mỹ vẫn được người thợ bản xứ truyền đời duy trì. Người thợ cả Nguyễn Tấn Trà, 76 tuổi, ở làng nổi danh với nghề đóng tàu biển Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, nhận xét: “Gần như toàn bộ các miêu tả của thuyền trưởng người Mỹ về kỹ thuật đóng tàu này đều chính xác. Không chỉ loại thuyền thân cong thuận lướt sóng hay tấm mê tre dễ nhìn thấy, mà ngay cả những cánh buồm đệm lát, dây chão bằng xơ dừa, mỏ neo bằng gỗ lim cũng được ông ta phát hiện chính xác”.
  • 12. Không giấu vẻ tự hào, ông Trà kể thêm mãi đến những năm giữa thế kỷ 20, thợ làng ông vẫn còn đóng những chiếc ghe đi biển bằng kỹ thuật này. Điều đó chứng tỏ John White đã rất quan tâm và biết khá chính xác kỹ thuật đóng tàu của người Việt. Hồi ký của ông cũng kể đã đem vô số vật lạ của quốc gia này về nhà bảo tàng hàng hải của East - India Martine Society. Kỳ 5: Thủy quân triều Nguyễn TT - “Chắc chắn rằng người An Nam phải là những kỹ thuật gia về thủy quân và công trình của họ có một vẻ đẹp khéo léo. Tôi bị ấn tượng rất mạnh bởi ngành này ...”. Từ đầu thế kỷ 19, thuyền trưởng người Mỹ John White đã thốt lên khi thăm các xưởng đóng tàu hải quân nhà Nguyễn. Một chiến thuyền nhỏ của thủy quân nhà Nguyễn - Ảnh tư liệu Những xưởng đóng tàu chiến Từ biển Vũng Tàu, tôi vào Sài Gòn theo hải trình qua cửa biển Cần Giờ mà tàu Franklin xưa của John White đã đi. Hai trăm năm trôi qua, bến bờ hoang sơ mà viên thuyền trưởng người Mỹ từng mô tả đã đổi thay nhiều, nhưng cặp mắt hàng hải của ông vẫn nhìn đến thời nay khi nó vẫn là thủy lộ huyết mạch nối thế giới bên ngoài với cảng Sài Gòn. Trong hồi ký Chuyến đi đến “Nam Hà”, John White kể ông đến Sài Gòn vào tháng 10-1819 và rất thích thú các xưởng đóng tàu: “Về phía đông bắc, trên bờ sông sâu, người ta thấy một công trường xây dựng và một xưởng đóng tàu thủy quân. Tại xưởng này, thời loạn lạc, người ta đã đóng những chiếc thuyền chiến to lớn có nhiều buồm ... Chỗ đóng tàu này đã tạo danh dự cho người An Nam hơn bất cứ cái gì hiện có trong xứ sở họ. Nó có thể cạnh tranh với những xưởng đóng tàu tốt nhất của châu Âu ... Xưởng đầy ắp vật liệu có phẩm chất tuyệt vời để đóng nhiều hộ tống hạm. Các thứ gỗ để đóng tàu và những lớp vỏ lòng tàu đều là những thứ đẹp nhất mà tôi chưa bao giờ được thấy ...”.
  • 13. Bị thu hút bởi xưởng đóng tàu thủy quân, John White liệt kê: “Có khoảng 150 chiếc thuyền chiến được đóng rất tốt nằm dưới các nhà chái... Có một vài chiếc được trang bị đến 16 khẩu đại bác bắn đạn nặng ba cân Anh. Nhiều chiếc khác được trang bị từ bốn đến sáu canông bắn đạn nặng từ 4-12 cân Anh. Tất cả đều bằng đồng và đúc rất đẹp. Ngoài ra còn có độ 40 thuyền chiến đang neo đậu trên sông, chuẩn bị tham gia một chuyến tuần thám bất ngờ mà quan tổng trấn sẽ thực hiện ở miền thượng lưu con sông, ngay lúc ông từ Huế trở về... Chắc chắn người An Nam phải là những kỹ thuật gia về hải quân và công trình của họ có một vẻ đẹp khéo léo. Tôi bị ấn tượng rất mạnh bởi ngành này của nền kinh tế chính trị của họ, nên tôi đã đến thăm viếng xưởng đóng tàu rất nhiều lần ...”. Thời điểm năm 1819, những gì John White quan sát là kết quả chiến lược phát triển hải quân hùng mạnh của Nguyễn Ánh để bảo vệ bờ cõi, chủ quyền biển đất nước. Đến nước Việt sớm hơn John White, nam tước John Barrow, người Anh đi biển lừng danh đã sáng lập Hội Địa lý hoàng gia, tường thuật tỉ mỉ nỗ lực của Nguyễn Ánh xây dựng các hạm đội hùng mạnh. Trong du ký A voyage to Cochinchina in the years 1792 - 1793 (Một chuyến du hành tới Nam Hà trong các năm 1792 - 1793), John Barrow kể rằng: “Ông (Nguyễn Ánh - PV) đặc biệt lưu ý về những gì liên quan đến kỹ thuật hàng hải và kỹ nghệ đóng tàu... Để nắm vững kiến thức về thực hành cũng như lý thuyết của kỹ thuật đóng tàu châu Âu, ông đã mua một chiếc tàu Bồ Đào Nha với mục đích chỉ để tháo ra từng bộ phận, từng tấm ván một, rồi tự tay lắp vào một tấm ván mới có hình dáng và kích thước tương tự cái cũ mà ông đã tháo ra, cho tới khi mọi thanh sàn tàu, xà ngang tàu, thanh gỗ khớp nối được thay thế bằng những cái mới, và như vậy con tàu hoàn toàn đổi mới... Nhà vua là người quản đốc các cảng biển và kho quân dụng, thợ cả trong các xưởng đóng tàu, kỹ sư trưởng trong mọi công trình, không có việc gì dự định thực hiện mà không có lời khuyên bảo và chỉ dẫn của ông. Trong việc đóng tàu, không có cái đinh nào được đóng mà không có sự tham vấn ban đầu của ông, không có một khẩu đại bác nào được đưa lên vị trí mà không có lệnh của ông”. Phải khẳng định John Barrow viết rất cẩn trọng, tham khảo, đối chiếu nhiều nguồn tư liệu khác như từ chính ghi chép của Barysi, cố vấn đắc lực cho Nguyễn Ánh. Nhờ đó, John Barrow chân thực kể về Nguyễn Ánh rằng: “Ông đi đến các xưởng quân dụng hải quân, xem xét những công việc được thực hiện khi ông vắng mặt, cho thuyền chèo quanh các hải cảng, kiểm tra những thuyền chiến. Ông đặc biệt chú ý đến các sở quân cụ, các lò đúc được dựng nên trong các sở binh khí, các cỡ súng đại bác đã được đúc ra theo đủ loại kích cỡ ... Ông dùng bữa ngay ở xưởng đóng tàu, gồm một ít cơm ăn với cá khô. Khi đó vua lại trở dậy, hội kiến với các sĩ quan quân đội và hải quân”. Hơn hai vạn thủy quân Chiến lược phát triển hải quân của Nguyễn Ánh đã được John Barrow kể lại kết quả từ chính những gì ông thấy và tư liệu xác thực từ viên thuyền trưởng Barysi, từng là trợ thủ hải quân của Nguyễn Ánh: trong năm 1800, lực lượng hải quân của Nguyễn Ánh đã đến 26.800 người. Trong đó chỉ riêng thợ xưởng hải quân đã có 8.000 người,
  • 14. 8.000 lính trên 100 chiến thuyền chèo tay, 1.200 lính trên chiến thuyền đóng kiểu châu Âu, 1.600 lính phục vụ trên các thuyền mành và 8.000 lính thường trực ở cảng. Thuyền trưởng Mỹ John White bổ sung số liệu hải quân nhà Nguyễn năm ông ta có mặt ở nước này: “Ở Huế, nhà vua cũng có một đội thuyền chiến và vào năm 1819, 200 chiến thuyền khác có trang bị 14 khẩu thần công đang được đóng. Trong số 200 chiến thuyền này, có khoảng 50 chiếc được trang bị buồm chão bằng buồm dọc và có một phần được đóng theo kiểu châu Âu”. Đến triều Minh Mạng, bộ sử Đại Nam hội điển sự lệ ghi rõ số lượng tàu thuyền lúc ấy đã phát triển thêm rất nhiều như năm 1828, chỉ riêng ở kinh sư đã có 379 chiếc thuyền định ngạch, còn các tỉnh thành lớn như Gia Định có 105 chiếc, Nam Định 85 chiếc, Nghệ An 40 chiếc, Quảng Nam 40 chiếc, Quảng Ngãi 25 chiếc ... Những nhà hàng hải nước ngoài cho rằng sự phát triển hải quân nhà Nguyễn đã có bước ngoặt lớn trong thời Nguyễn Ánh. Ngoài tầm nhìn xa trông rộng của vị vua này còn có sự trợ giúp của một số người Pháp. Nhưng họ cũng thừa nhận thời tổ tiên Nguyễn Ánh đã có hải quân hùng mạnh lập nhiều chiến thắng hiển hách. Trong đó lẫy lừng nhất là trận cửa Eo, Thuận An, năm 1644, chúa Nguyễn Phúc Lan với chiến thuyền nhỏ đánh bại đội tàu chiến Hà Lan. Dù dày dạn kinh nghiệm hải chiến với tàu lớn, pháo hạng nặng, nhưng tàu Hà Lan đã bị nhà Nguyễn vô hiệu hóa bằng chiến thuật áp sát thần tốc của chiến thuyền nhỏ. Một chiến hạm Hà Lan bị đắm tại chỗ, một chiếc cùng đường phải cho nổ kho thuốc súng hủy tàu và chiếc còn lại quay đầu chạy. Ngoài hải chiến cửa Eo, hải quân nhà Nguyễn cũng nhiều lần gây khiếp vía cho các tàu cướp phá đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Kỳ 6: Người Việt xuất ngoại TT - Lặng nhìn sông Hương xuôi chảy, nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Hữu Châu Phan trầm tư: “Chỉ với dân binh đảo Lý Sơn trên thuyền buồm nhỏ mà bao lớp người Việt đã dũng cảm vượt đại dương ra tiếp nối xác lập chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, chứng tỏ người Việt giỏi đi biển và đã đi được rất xa”.
  • 15. Chân dung vua Minh Mạng trong sách của John Crawfurd Người Việt hướng biển Điều thú vị là trong quá trình sưu tầm tài liệu người nước ngoài về hoạt động biển và bảo vệ chủ quyền biển của người Việt, tôi đã tìm được nghiên cứu của GS Vu Hướng Đông, giám đốc Sở Nghiên cứu VN, Đại học Trịnh Châu, Trung Quốc. Trong tài liệu “Ý thức về biển của vua Minh Mạng” in ở kỷ yếu Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn tại hội thảo năm 2008 ở Thanh Hóa, tác giả Vu Hướng Đông đã rất đề cao tầm nhìn đại dương của triều Nguyễn. “Sau vua Gia Long, vua Minh Mạng cũng tiếp tục đề xướng và ủng hộ sự nghiệp hàng hải ở hải ngoại, hầu như năm nào ông cũng cử đội thuyền triều đình hàng hải đến các nước Đông Nam Á, hải đảo ở vùng “Hạ Châu”. Ông từng cử người đến Minh Ca (Can - cốt - đa) ở miền đông Ấn Độ vùng “tiểu tây dương”, hình thành hiện tượng công cán hải ngoại quy mô lớn liên tục. Theo ghi chép của Đại Nam thực lục, từ năm Minh Mạng thứ ba (1822) đến năm Minh Mạng thứ 21 (1840), vua Minh Mạng ít nhất đã cử 30 đợt các quan văn võ, đi tổng cộng khoảng 60 con tàu/lượt bọc đồng lớn nhỏ như các tàu “Phấn Bằng”, “Thụy Long”, “Định Dương”, “Bình Ba”... đến vùng Hạ Châu và tiểu tây dương”. Chỉ một nghiên cứu ngắn, Vu Hướng Đông khẳng định người Việt đã vươn đến được các đại dương xa xôi hơn cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
  • 16. Đặc biệt, Vu Hướng Đông cũng cho rằng chương trình đưa người ra hải ngoại của vua Minh Mạng không nhằm mục đích thương buôn lấy lợi mà để mở mang hiểu biết, đặc biệt là học kỹ thuật hàng hải và hải chiến. Sâu xa hơn, triều Nguyễn quan tâm đến tương lai của đất nước trong thế sự nhiều lân quốc như Nhật, Trung Quốc đang biến động mạnh, phải chịu tác động nặng nề của các cường quốc hàng hải phương Tây. Minh Mạng ý thức được bất cập của hải quân triều Nguyễn nên yêu cầu đại thần ra nước ngoài mua tàu hơi nước và chiến pháp của hải quân Anh, Mỹ, với nhận xét sâu sắc: “Trong các nước phương Tây chỉ có Xích Mao và Ma Li Căn giỏi thủy chiến, tàu của họ hoặc thuận chiều gió hoặc ngược chiều gió đều rất nhanh nhẹn ... thật đáng để học tập”. Nhà nghiên cứu người Trung Quốc này cũng đề cao vua Minh Mạng bằng chính trích đoạn trong sử Việt khi nhà vua hạ dụ cho quan Võ khố học tập chế tạo máy hơi nước: “Người làm vua phải học tập cái tốt của thiên hạ, loại xe này do người nước ngoài chế tạo ra, nó tinh xảo tiện việc sử dụng, học tập nó không sao cả. Nếu nói nó không đáng để học tập thì là thiển cận”. (Theo tư liệu của Vũ Hữu San) Sự thật lịch sử
  • 17. Tầm nhìn hướng biển của triều Nguyễn cũng được các nhà nghiên cứu người Việt khẳng định. GS Nguyễn Thế Anh, sử gia có nhiều công trình sâu sắc về nền kinh tế - xã hội triều Nguyễn, đã nghiên cứu chương trình đưa người đi công vụ nước ngoài thế kỷ 19. Ông cho rằng triều Nguyễn, đặc biệt là Gia Long và Minh Mạng, không hề bịt mắt che tai trước thời sự thế giới mà trái lại rất quan tâm vì tin rằng sẽ ảnh hưởng tới quốc gia. Và mục đích chương trình cử người xuất ngoại là thăm dò dự định của các cường quốc châu Âu để sửa đổi chính sách ngoại giao. Theo nghiên cứu của GS Nguyễn Thế Anh, chỉ giai đoạn 1835-1939, nhà Nguyễn đã cử ít nhất 21 chuyến thuyền vượt đại dương. Những người đã thực hiện nhiều chuyến đi như Nguyễn Tri Phương trong các năm 1836, 1837, 1838 trên các thuyền Thụy Long, Phấn Bằng; Đào Trí Phú đi năm 1838, 1839, 1840 trên thuyền Thanh Loan, Thụy Long; Lê Bá Tú đi năm 1837, 1838, 1839 trên các thuyền Phấn Bằng, An Dương, Linh Phượng... Ngoài ra, nhiều nhân vật từng xuất ngoại đến Singapore, Malaysia, Indonesia cũng được nhắc đến như Trần Hưng Hòa, Nguyễn Lương Huy, Vũ Văn Giải, Trần Danh Bưu, Nguyễn Văn Tố... Sau thăm dò thế sự, họ còn giao thương đường, ngà voi, thoi đồng và mua về vũ khí, kẽm, chì, diêm, vải vóc. Trong đó có cả việc trọng đại là mua tàu hơi nước về cho triều đình sử dụng và nghiên cứu đóng mới. Đặc biệt, bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của triều Nguyễn còn ghi rõ chế độ triều đình thưởng, phạt để khuyến khích người đi biển. Minh Mạng năm thứ 19 phái hai chiếc thuyền Thụy Long, Phấn Bằng đi việc công ở Hạ Châu. Hành trình đi về đều an toàn. “Vậy phó vệ úy Phan Văn Mẫn ngồi cai quản thuyền Phấn Bằng được thưởng một lần kỷ lục... Từ nay phàm thuyền phái đi ngoại quốc, đi về đều được yên ổn, nếu là đường bể tương đối xa như địa phương tiểu tây dương thì viên ngồi cai quản được thưởng ba lần kỷ lục, như các địa phương Quảng Đông, Lữ Tống, Giang Lưu Ba (Indonesia) thì viên ngồi cai quản được thưởng hai lần kỷ lục, các địa phương tương đối gần như Tân Gia Ba (Singapore), đảo Tân Lang thì viên ngồi cai quản thưởng một lần kỷ lục để tỏ rõ có sự phân biệt việc khen thưởng, để khiến biết có sự khuyến khích”. Cũng năm này, Minh Mạng đã cảm thương thủy thủ đoàn thuyền Linh Phượng đi Giang Lưu Ba khó nhọc, xa ngày nên thưởng cho cả người bị mất trên đường đi, người bị bệnh và người về được. Nhiều nhân vật vang danh hậu thế như Nguyễn Tri Phương, Bùi Viện, Cao Bá Quát, Phan Huy Chú đã ghi chép, làm thơ để lại nỗi niềm và điều tai nghe mắt thấy ở hải ngoại. Có lẽ là người Việt gặp tổng thống Mỹ sớm nhất từ thế kỷ 19, Bùi Viện đã thốt những lời thơ chí hùng: “... Cương thường thân gánh vác/sóng gió bước chơi vơi/phúc chúa trời yên ổn/dòng thu thẳng neo bơi”. Cảm khái nghĩa khí Bùi Viện, vua Tự Đức đã ban rằng: “Trẫm với ngươi tuy chưa có ơn nghĩa gì cả mà đã coi việc nước như việc nhà, không quản xa xôi, lo lắng. Quỷ thần tất cũng biết vậy”. Một quan chức không lớn như Bùi Viện mà được nhà vua cảm khái, tiễn đưa ra nước ngoài như vậy đã cho thấy tầm nhìn hướng biển của một triều đại cùng bao dự cảm, khát vọng cho dân tộc. Từ ý thức biển của vua Minh Mạng, Vu Hướng Đông nhận xét: “21 năm trị vì của vua Minh Mạng cũng có thể được coi là đỉnh cao của nền hàng hải thuyền buồm và công cuộc xây dựng hải quân thời cổ đại VN. Ông ra sức đẩy mạnh sự nghiệp hàng hải của Chính phủ VN, khuyến khích đóng các loại tàu thuyền bền
  • 18. chắc, xây dựng thủy quân vững mạnh, hết sức coi trọng đến nền an ninh cõi biển và phòng thủ biển. Ông đã ban bố các quy chế như “Tuần dương chương trình”, “Tuần dương quy thức” và “Tuần dương xử phận lệ”... nhằm mục đích chống cướp biển, trạm dương và giữ gìn an ninh cho các loại tàu thuyền hoạt động”. Kỳ 7: Những người đi biển quả cảm TT - Thế kỷ 19, nước Việt đã có các hải đội viễn dương thường xuyên vượt biển đến những quốc gia xa xôi. Mỗi hải trình ròng rã hàng tháng, xuyên qua các vùng biển nhiều hải tặc và dông bão hiểm nguy... Điều này chứng tỏ người Việt đã làm chủ được kỹ thuật đóng tàu biển và thông thạo kỹ thuật hàng hải. Nhưng tiếc thay, một giai đoạn lịch sử đầy biến động đã xóa nhòa dấu vết đội tàu kiêu hãnh của nước Việt. Tàu viễn dương giống kiểu tàu Phấn Bằng từng chở nhiều người Việt xuất ngoại - Ảnh tư liệu Phấn Bằng, Linh Phượng... Những ngày ở Huế, tôi đã cố gắng tìm lại dấu vết các hải đội viễn dương một thời vang bóng. Nhà sưu tầm cổ vật Hồ Tấn Phan xứ kinh thành xưa tâm sự rằng ông cũng đã dành nhiều tâm huyết cho mục đích đó. Tiếc là trong khi chính sử lẫn tài liệu nước
  • 19. ngoài ghi chép khá kỹ thì dấu vết hiện vật lại mờ nhạt như sương khói lịch sử. “Tuổi đời cổ vật một, hai thế kỷ chỉ là chớp mắt của thời gian. Nhưng tại sao những hải đội đó lại không được lưu lại bảo tàng chiếc nào? Có lẽ khi đoàn quân lê dương Pháp đổ bộ lên nước Việt, triều đình nhà Nguyễn suy yếu đã làm đình trệ, tan rã nhiều công cuộc quốc gia. Trong đó có cả nền công nghiệp hàng hải tự hào một thời” - ông Hồ Tấn Phan ngậm ngùi. Giở lại các bộ sử đã ố màu thời gian như Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có thể tìm thấy hàng chục tên thuyền vượt biển của người Việt đã từng ngang dọc viễn dương như Phấn Bằng, Linh Phượng, An Dương, Vân Bằng, Thụy Long,Thanh Loan, Tiên Ly, Tường Hạc, Thanh Dương, Tĩnh Dương, Kim Ưng... Đây là loại thuyền lớn được bọc đồng chắc chắn để đi biển và nhiều chiếc trang bị đầy đủ vũ khí hải chiến. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép rằng năm Minh Mạng thứ 18 (1837) đã có đội thuyền đồng nhiều dây 21 chiếc và cho đóng thêm chín thuyền nữa để đủ hạm đội 30 chiếc. Về sau nhiều chiếc được sửa chữa và tiếp tục đóng mới. Trong đó, những thuyền lớn nhất là Thụy Long, Linh Phượng, Thanh Loan, Phấn Bằng với chiều dài gần 10 trượng và rộng hơn 2 trượng, sâu gần 2 trượng (nhà Nguyễn thường tính chiều dài thuyền bằng thước mộc với 1 trượng = 10 thước, 1 thước = 0,425m). Thời Nguyễn Ánh, các loại thuyền lớn này được kết hợp với kỹ thuật đóng tàu Pháp tại Sài Gòn. Sang triều Minh Mạng, công xưởng đóng tàu chính ở Huế, nhưng các địa phương Sài Gòn, Nghệ An, Thanh Hóa... vẫn tiếp tục được giao đóng và trưng dụng thợ thuyền, gỗ quý. Theo nghiên cứu của GS Nguyễn Thế Anh, ba lần Nguyễn Tri Phương xuất ngoại đến Indonesia thì hai lần đi bằng thuyền bọc đồng Thụy Long, một lần thuyền Phấn Bằng. Ngoài ra, những thuyền bọc đồng khác như Linh Phượng, Thanh Loan, Thanh Dương cũng được triều đình thường xuyên dùng làm phương tiện đi nước ngoài. Nhân vật lịch sử Cao Bá Quát cũng được nhắc từng xuất ngoại với Đào Trí Phú và trở về bình an. Lênh đênh hải trình, ông để lại cho hậu thế các bài thơ Hồng Mao hỏa thuyền ca và Dương phụ hành, kể lại những gì mắt thấy tai nghe về tàu hơi nước và phụ nữ phương Tây. Đặc biệt, do hải tặc hoành hành, thuyền viễn dương công phái của nước Việt đều được trang bị vũ khí từ giáo mác, câu liêm đến các loại súng dài, pháo, ống phun lửa để sẵn sàng cận chiến và xa chiến. Nhiều chiếc thuyền đã trở thành chiến hạm làm nhiệm vụ tuần biển chống cướp biển mà chủ yếu là giặc Tàu Ô từ Trung Hoa. Chiếc thuyền bọc đồng Thanh Loan từng chở Đào Trí Phú đến Indonesia có lần tả xung hữu đột hải chiến với cùng lúc hơn 20 tàu giặc và đã bắn chìm hai chiếc, làm số còn lại phải khiếp sợ bỏ chạy. Chiếc Linh Phượng dưới sự điều khiển của quản vệ thủy sư Lê Tư và võ quan Tôn Thất Chu, Đặng Kim Giám cùng biệt đội lính thủy đã đánh bại cả đội tàu giặc dám trở lại vùng biển nước Việt. Đại Nam hội điển sự lệ kể rằng thường giặc biển nhìn thấy thuyền bọc đồng hạng lớn của triều đình đều bỏ chạy. Chính các trận hải chiến đã giúp triều đình rút kinh nghiệm cho đóng thêm loại thuyền nhỏ, nhẹ hơn thuyền bọc đồng để có lợi thế tốc độ truy kích giặc. Khéo léo và dũng cảm Thuyền trưởng Mỹ John White đến nước Việt năm 1819 nhiều lần miêu tả khả năng vận hành tuyệt vời của thủy thủ bản xứ: “Nhiều chiếc thuyền có đến chín tay chèo đi lên Sài Gòn đã vượt qua chúng tôi với một tốc độ đáng kinh ngạc”. Trong chuyến
  • 20. ngược ra miền Trung, John White cũng rất thú vị với kỹ thuật đi biển của ngư dân. Ông mô tả họ như nhảy múa trên sóng với những chiếc thuyền nhỏ mà không có giọt nước nào bắn vào thuyền. Phân tích lợi thế kinh doanh thương mại hàng hải phương Đông, John White trong nhãn quan thương nhân viễn dương cũng khẳng định miền Nam nước Việt có thể là nơi tốt nhất, nhờ những chỗ đậu tàu tuyệt vời với một lực lượng hải quân hùng hậu bảo vệ. Trong lúc những nhà hàng hải khác như John Barrow không ít lần khen ngợi kỹ thuật đi biển của người Việt thì Michel Đức Chaigneau, con trai một người Pháp lấy vợ Việt, từng sống nhiều năm ở Huế dưới triều vua Gia Long và Minh Mạng, đã kể tỉ mỉ: “... Những người sử dụng mái chèo với sự khéo léo, tài tình đáng kinh ngạc. Ở một thuyền chiến thường có đến 70 lính thủy chèo thuyền, hiếm khi có người lơi tay chèo trong toàn thể”.Trong hồi ký, người Pháp lai Việt này dành nhiều nội dung kể hải quân nước Việt đầu thế kỷ 19 và khẳng định có ít nhất 700-800 thuyền với chiến hạm đủ cỡ, nhiều chiếc được trang bị đến 22 khẩu đại bác. Đặc biệt, tài liệu thú vị khác do chính nhà nghiên cứu hàng hải Vũ Hữu San, cựu sĩ quan hải quân, sưu tầm. Từ nhật ký The eastern seas on voyages and adventures in Indian archipelago in 1832 của nhà hàng hải Goerge Windsor, Vũ Hữu San trích đoạn khi ông đang trên đường dẫn một thương thuyền đến Singapore: “Bão táp thật dữ dội ngoài biển khơi, thiếu chút nữa thì thương thuyền chúng tôi bị gãy đổ cả cột buồm. Thời tiết tiếp tục xấu như thế trong nhiều ngày. Vậy mà khi đang thận trọng dẫn tàu vào eo biển, chúng tôi chợt nhận ra sáu chiếc thuyền nhỏ của người Việt đang giương hết mọi cánh buồm, cứ thản nhiên như không, tiến thẳng tới trước. Mấy người mại bản Trung Hoa trên tàu chúng tôi đứng sững sờ ngắm các giàn buồm no gió một hồi... rồi sau khi nhận diện được, họ la lên một cách thán phục: “Lại mấy người Việt đấy, thật lì quá trời”. Tôi nghĩ (lời thuyền trưởng Goerge Windsor) mấy người Việt đó đang lèo lái các con thuyền bé nhỏ mà cách thức vận chuyển để vượt sóng lướt gió thật tài tình”. Vũ Hữu San trích tiếp: “Tài ba của họ không thua kém bất cứ một thủy thủ đoàn hạng nhất nào ở châu Âu. Đoàn thuyền bé tí teo đó không một chiếc nào vượt quá 50 tấn, vậy mà những người đi biển này đè bẹp cả sóng gió biển Đông vào giữa mùa bão tố. Đã 20 năm rồi, rất ít thương thuyền nào của công ty chúng tôi dám thử hải hành trong mùa biển động như vậy. Thật thú vị nếu được quen biết những người Việt này”. Chính sử Việt cũng ghi nhận như Goerge Windsor mô tả khi triều Nguyễn đã cử nhiều lượt thuyền buồm xuất ngoại thành công. Thậm chí sử Việt khẳng định Tân Gia Ba (Singapore) là hải ngoại gần, như vậy thuyền Việt đã từng tiến xa hơn nữa trên các đại dương. Kỳ cuối: Cổ Lũy vượt sóng biển Tổ quốc TT - Gần 20 chiếc tàu đánh bắt xa bờ đang được đóng cùng lúc. Chúng nằm thành hàng thẳng tắp bên bờ sông. Nhiều chiếc đã chuẩn bị hạ thủy. Có chiếc đang được dựng lên khung sườn nhìn xa như cánh chim hải âu chuẩn bị lao ra biển.
  • 21. Con tàu này rồi sẽ ra khơi, từ Cổ Lũy - Ảnh: Q.V. Dẫn tôi đi thăm xưởng đóng tàu Cổ Lũy danh tiếng của quê hương hải đội Hoàng Sa, truyền nhân làng nghề đóng tàu lịch sử này không giấu vẻ tự hào: “Những chiếc tàu tổ tiên chúng tôi đóng xa xưa đã chinh phục sóng gió Hoàng Sa, Trường Sa. Và những chiếc tàu chúng tôi đóng hôm nay tiếp tục thẳng tiến ra đó”. Danh tiếng làng nghề Cổ Lũy là một làng cổ ở xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Ra miền Trung, tôi tìm ngôi làng này không khó bởi hình như bất cứ ngư dân nào cũng biết. Từ lâu, Cổ Lũy đã nổi danh là làng đóng tàu cá lớn nhất Quảng Ngãi và thuộc hàng đầu cả nước. Các bậc cao niên kể rằng biến động thời cuộc, chiến tranh, ly loạn đã làm làng nghề thăng trầm, phải tạm dịch chuyển quanh vùng, nhưng sự truyền nối nghề nghiệp của tổ tiên trên Cổ Lũy chưa bao giờ đứt mạch. Và hầu như tất cả những người thợ ở đây đều là hậu duệ của các gia tộc ít nhất đã năm, mười đời nối nghiệp nghề đóng tàu. Buổi chiều, tôi ghé nhà người thợ đóng tàu già Nguyễn Tấn Viện cũng là lúc ông vừa góp ý con cháu chuẩn bị đóng mới chiếc tàu đánh cá xa bờ cho ngư dân từ Vũng Tàu ra. Đó là chiếc tàu lớn sẽ hoạt động trên ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa với chiều dài 22m, ngang 6m, cao 3,4m và có công suất máy 650 CV, chịu được sóng gió cấp 6, cấp 7... Tết này ông Viện 87 tuổi, là anh cả trong gia đình có ba anh em trai đều theo nghề đóng tàu mà người em út Nguyễn Tấn Trà nay cũng đã sang tuổi 77. Cẩn thận cho tôi xem những chiếc cưa, chiếc đục đóng tàu được gìn giữ như “gia bảo”, ông Viện kể mình học nghề cha chú, còn cha chú thì được ông nội, ông cố truyền lại. Nếu tính đến đời con cháu vẫn đang theo việc tổ tiên thì nhà ông chính xác đã bảy đời truyền nối giữ nghiệp. Còn nếu theo ký ức được người xưa truyền kể thì gia tộc này đã trên 10 đời sống chết cùng nghề đóng tàu. Ông nội Nguyễn Tấn Dương của ông Viện mới gần 30 tuổi đã trở thành thợ cả tài hoa nhất, nhì Quảng Ngãi. Đến nỗi khi ông Dương mất sớm, bạn nghề ở lại tiếc khóc: “Tại Dương tài hoa quá nên ông trời khiến bạc mệnh”. Còn ông Nguyễn Tấn Xuân, cha ông Viện, từng tham gia các thương thuyền ngược xuôi Bắc - Nam. “Ông già tôi
  • 22. chở gạo, mắm ra Hải Phòng, Hà Nội bán, rồi đem tơ sợi, vải vóc vào xứ Sài Gòn. Mỗi chuyến ông đi dài hai, ba tháng tùy theo cơn gió thổi buồm và hàng hóa bán được nhanh hay chậm” - ông Viện hồi tưởng chuyện xưa. “Tuy nhiên, làng này không chỉ nhà tôi mà nhiều gia tộc khác cũng gắn bó với cái cưa, cái đục, đóng tàu đi biển. Đời chúng tôi chính là những người đã chuyển giao từ đóng ghe buồm sang tàu máy đầu tiên ở biển miền Trung. Và con cháu chúng tôi là thế hệ đang tiếp bước đóng những chiếc tàu đánh bắt xa bờ lớn hiện nay”. Hồi tưởng quá khứ, ông Viện kể mình 18 tuổi đã thành thợ cả trong thập niên 1940 đầy biến động. Ông được cha chú dẫn vào nghề, tập tành đóng chính những chiếc ghe buồm truyền thống mà các hải đội Hoàng Sa đã từng sử dụng. Tuy nhiên, loại ghe thời kỳ này đã được đóng tăng cỡ để trở thành ghe bầu đi buôn đường dài. Là một trong những người cuối cùng đã đóng nên chiếc ghe buồm lớn nhất Quảng Ngãi giữa thế kỷ 20, ông Viện tự hào kể từ xưa làng nghề xứ Quảng này đã nổi danh với những chiếc tàu bền chắc, vượt bão táp đại dương. Khoảng giữa thập niên 1960, ông Viện và bạn bè chính là lớp thợ đầu tiên chuyển từ đóng ghe buồm sang đóng tàu máy. Việc đóng vỏ tàu không khó, họ chỉ bỡ ngỡ ở phần ráp máy. Nhưng sau vài chục ngày học lại thợ từ Đà Nẵng, Tam Kỳ vào, ông Viện và 25 đồng nghiệp Cổ Lũy đã tự tách đóng riêng được chiếc tàu máy hoàn chỉnh. Đó là con tàu dài 17m, ngang 4m và cao hơn 2,5m, gắn máy 40 CV. Từ đây, làng đóng tàu Cổ Lũy rẽ sang bước ngoặt mới hiện đại hơn... Trên đầu sóng ngọn gió Làng đóng tàu Cổ Lũy sau nhiều lần phải dịch chuyển vì chiến tranh đã về thôn Cổ Lũy vào khoảng thập niên 1970. Đến năm 1977, làng chuyển sang mô hình hợp tác xã, trở thành một trong những làng nghề đầu tiên cả nước bước vào giai đoạn đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ với tâm huyết rất nhiều của các bậc thợ cả cao niên như ông Viện, ông Trà, ông Lâm... Đến nay thì chính những người thợ ở đây cũng không thể nhớ từng đóng được bao nhiêu chiếc tàu vì tổng số đã lên đến hàng ngàn chiếc các loại. Hiện Cổ Lũy có 47 xã viên chính và 20 đội. Mỗi đội có một thợ cả, nhiều thợ chính và hơn 200 lao động để có thể đóng cùng lúc nhiều chiếc tàu. Trung bình mỗi năm hợp tác xã này đóng được 45-50 tàu xa bờ. Và những tên tuổi thợ cả hiện nay như Vương, Sinh, Bên, Cường, Huy, Sớt, Mạo, Bảo, Thành, Thanh, Nuôi... đã tự hào nối tiếp cha ông trở thành uy tín của làng nghề. Hôm tôi ghé thăm đội trưởng thi công Nguyễn Tấn Huy cũng là lúc anh đang chỉ huy cùng đóng bốn chiếc tàu đánh bắt xa bờ và chuẩn bị hạ thủy hai chiếc cho ngư dân Bình Định, Quảng Ngãi. Chúng đều được trang bị máy có công suất lớn nhất của ngư dân miền Trung hiện nay với 450-650 CV, thậm chí có chiếc đã đến gần 1.000 CV. Là thế hệ con của anh em ông Nguyễn Tấn Viện, năm nay ông Huy 45 tuổi, đã từng đứng riêng chỉ huy đóng gần 40 chiếc tàu cho ngư dân các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Nam đến đặt đóng. Tạm lơi tay việc, người thợ cả có vóc dáng chắc khỏe, kiên cường của ngư dân nhìn xa xăm ra biển và tâm sự: “Tôi cũng từng đi biển, từng treo mình trên đầu sóng ngọn gió Hoàng Sa, Trường Sa, nên khi vào nghề đóng tàu tôi rất thấm thía công việc mình làm. Những con tàu đó chở theo sinh mạng, ý chí đồng bào mình”.
  • 23. Lặng nhìn người đàn ông biển cả đậm nét dạn dày sóng gió, tôi nghe lời tâm sự chân chất lòng ái quốc của anh bằng chính sự cố gắng đóng những con tàu thật tốt để xông pha sóng gió đại dương. Ông Huy kể mình theo học nghề cha bốn năm thì được lên làm thợ cả. Đường học khá nhanh vì hình như nghề này đã thấm vào dòng máu gia tộc. Lần đầu ông được tự tay dựng cây gỗ xỏ mũi tàu, việc quan trọng và ý nghĩa nhất trong đóng tàu, cha ông đã dặn dò: “Từ hôm nay, con đã chính thức nối nghiệp tổ tiên, đóng những con tàu xông pha bão táp. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, con cũng phải giữ lấy tâm nghề, giữ lấy truyền thống của gia tộc, của làng Cổ Lũy và dân tộc để luôn kiên cường trước sóng gió đại dương”. Phía trước người thợ cả, những con tàu Cổ Lũy vừa hạ thủy đang tiến thẳng ra biển cả của Tổ quốc... - Quốc Việt