SlideShare ist ein Scribd-Unternehmen logo
1 von 235
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
___________________________________________
THỰC TRẠNG
VÀ GIẢI PHÁP
XÂY DỰNG NỀN
VĂN HÓA VIỆT NAM
TRONG THỜI KỲ MỚI
(Kỷ yếu Hội thào
T ch c t i B VHTTDL ngày 15/5/2013)ổ ứ ạ ộ
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM
TRONG THỜI KỲ MỚI
Nhà văn Đỗ Kim Cuông
Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam
Vừa qua, Tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) về Văn hóa, Văn học nghệ
thuật, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị với các hội VHNT
chuyên ngành TW đánh giá thực trạng về tình hình VHNT hiện nay cũng như các giải pháp để
thực hiện. Tại Hội nghị này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến công tác chỉ đạo, quản lí liên quan đến
cơ chế chính sách cho văn nghệ sỹ cùng với các giải pháp và kiến nghị.
1. Về tổ chức hoạt động của các Hội Văn học nghệ thuật hiện nay
Theo số lượng thống kê chưa đầy đủ, biến động theo từng năm, hiện nay, số lượng văn
nghệ sỹ cả nước do các Hội Văn học nghệ thuật Trung ương và các Hội VHNT tỉnh, thành phố
quản lí là gần 40.000 người. Trong đó:
- Hội viên Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương: 18.000 người.
- Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố: xấp xỉ 22.000 người.
Cơ chế chỉ đạo, quản lí chung là: Ở Trung ương, các Hội VHNT do Ban Bí thư và các Ban
đảng quản lí. Ở các địa phương do cấp uỷ đảng trực tiếp chỉ đạo các Hội Văn học nghệ thuật.
Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thường xuyên. Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ quản lí biên chế.
Nhìn chung, tổ chức các Hội Văn học nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương đều được
các cấp uỷ Đảng quan tâm chỉ đạo, Nhà nước hỗ trợ kinh phí để hoạt động phục vụ nhiệm vụ
chính trị của Đảng và Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
2. Đánh giá tổng quan về tình hình Văn học nghệ thuật hiện nay
Trong sáng tạo nghệ thuật, về căn bản, các tác phẩm văn nghệ đi đúng hướng phản ánh
hiện thực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN hôm nay, các tác giả tiếp tục tái hiện hiện thực
cách mạng và kháng chiến hào hùng của dân tộc (1945 – 1975), lịch sử kiên cường bất khuất và
những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Văn nghệ cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp, cái mới
tiến bộ, tạo dựng những tấm gương điển hình của con người thời đại: người lao động sáng tạo
(công nhân, nông dân, trí thức), những người làm giàu chân chính cho đất nước (thương nhân,
nhà doanh nghiệp, nhà kinh doanh), bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn an ninh xã hội (chiến sĩ lực lượng
vũ trang, công an nhân dân).
Văn nghệ phê phán khá mạnh mẽ cái tiêu cực (tình trạng mất dân chủ, tham nhũng, lộng
quyền và lạm quyền, thoái hóa biến chất về lý tưởng, đạo đức, lối sống vị kỉ, không tình nghĩa,
chạy theo đồng tiền và lợi ích vật chất thiển cận...).
Văn nghệ sĩ được đảm bảo tự do sáng tạo, được chú trọng bảo vệ bản quyền về sáng tác,
biểu diễn. Từ năm 2000 nhà nước đảm bảo hỗ trợ cho việc sáng tạo và quảng bá tác phẩm, duy
trì hoạt động của tổ chức Hội VHNT với tư cách là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Song,
đội ngũ văn nghệ sỹ đã có sự phân hoá: một bộ phận lớn văn nghệ sỹ (những người cao tuổi
gắn bó với cách mạng và kháng chiến) là lực lượng nòng cốt trong các Hội Văn học nghệ thuật
vẫn giữ quan điểm sáng tác của Đảng. Còn một bộ phận văn nghệ sỹ trẻ, có tài, có tác phẩm hiện
nay hành nghề tự do, không muốn vào Hội. Tác phẩm của họ tự xuất bản, tổ chức biểu diễn, làm
phim theo đơn đặt hàng của các Háng tư nhân. Nội dung tác phẩm chủ yếu đề cập tới hiện thực
đời sống xãhội đương đại với cách nhìn, cách nghĩ của giới trẻ. Tác phẩm ít có chiều sâu về tư
tưởng, giá trị nhân văn nhưng lại được các cơ quan truyền thông quảng bá rộng rãi có tác động
không nhỏ đến thị hiếu thẩm mĩ cảu công chúng (nhất là tầng lớp bình dân và giới trẻ).
Về nghiên cứu, lý luận, phê bình, đã đẩy lùi khuynh hướng phủ nhận thành tựu của văn
nghệ cách mạng, kháng chiến, kiên trì bảo vệ và phát triển đường lối văn học nghệ thuật mácxit-
leninit và tư tuởng văn nghệ Hồ Chí Minh.
Một số ngành nghệ thuật như ca múa nhạc, điện ảnh bước đầu quan tâm thu hút lực lượng
văn nghệ sĩ Việt Nam yêu nước tiến bộ đang định cư ở nước ngoài về nước tham gia sáng tác,
biểu diễn, phát huy những giá trị truyền thống văn nghệ của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Thực hiện hợp tác giao lưu văn hóa với nước ngoài qua dịch thuật, xuất bản, lưu diễn, tổ
chức trại sáng tác quốc tế ở Việt Nam và dự các liên hoan văn nghệ, các cuộc thi biểu diễn ở
nước ngoài.
Tuy nhiên mặt trận văn nghệ còn bộc lộ những khuyết nhuợc điểm:
- Cá biệt có VNS chưa đề cao trách nhiệm xã hội, công dân, suy giảm lòng tin vào sự
nghiệp cách mạng, phát ngôn, viết hồi ký, sách báo bộc lộ sự dao động hoài nghi về lý tưởng và
niềm tin về sự phát triển của đất nước trong vận hội mới.
- Vẫn tồn tại dai dẳng khuynh hướng thuơng mại hóa, giải trí tầm thường hóa ở một số lĩnh
vực, chi phối một bộ phận công chúng (âm nhạc, điện ảnh, sân khấu).
- Thiếu vắng những tác phẩm có giá trị cao về nội dung, nghệ thuật của những cá tính
sáng tạo độc đáo. Còn có biểu hiện dễ dãi bằng lòng với tình trạng nghiệp dư, “ăn xổi ở thì”,
chiều theo thị hiếu cũ kĩ, hoặc tầm thường, thậm chí lập dị, ngộ nhận dưới danh nghĩa các trào
lưu thời thượng như: hậu hiện đại, giải cấu trúc, đại tự sự...
3. Về tư tưởng của đội ngũ văn nghệ sỹ
Trước tình hình diễn biến phức tạp của xã hội hiện nay, nhìn chung, dưới sự lãnh đạo của các
cấp uỷ Đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương, đại bộ phận anh chị em văn nghệ vẫn tin
tưởng vào sự nghiệp đổi mới và những quyết sách của Đại hội Đảng lần thứ XI vạch ra. Biểu hiện
là: kiên trì, tâm huyết với công việc sáng tạo của người nghệ sỹ, gắn bó với các giá trị truyền thống
yêu nước và cách mạng, khẳng định các giá trị đạo đức, nhân văn của dân tộc. Có thể khẳng định:
Chính tình hình tư tưởng của đội ngũ văn nghệ sỹ hiện nay góp phần quan trọng cho sự ổn định
chính trị của xã hội, của đất nước.
- Việc Chính phủ tiếp tục “Hỗ trợ cho các công trình Văn học nghệ thuật và báo chí giai
đoạn 2011 - 2015” cũng như Thủ tướng và các Bộ ngành hữu quan đặt hàng các tác phẩm văn
học nghệ thuật thực sự là nguồn khích lệ đối với văn nghệ sỹ và báo chí cả nước. Tuy kinh phí
hỗ trợ còn ít nhưng đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho các hoạt động văn nghệ của cả nước, nhất
là đối với các địa phương còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế (các tỉnh, thành phố mức thu nhập
thấp, các tỉnh miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số).
Song tình hình tư tưởng của một số (rất ít) văn nghệ sỹ vẫn còn những biểu hiện sau:
- Một số văn nghệ sỹ chưa thật sự tin tưởng vào các Nghị quyết của Đảng, và Chính sách
của Nhà nước (như việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về củng cố xây dựng Đảng). Bộ
phận này chịu tác động bởi những hiện tượng xấu đang diễn ra trong xã hội như: tham nhũng,
tiêu cực trong kinh tế, đất đai, sự lộng hành của một số cán bộ có chức, có quyền không thực
hiện đúng 19 điều quy định đối với Đảng viên, tác động của các luồng thông tin xấu (qua báo
chí, dư luận xã hội…)
- Một số văn nghệ sỹ còn chịu tác động trực tiếp của những kẻ xấu gây chia rẽ, kích
động, phủ nhận thành quả của cách mạng và kháng chiến, lợi dụng tình hình phức tạp đang diễn
ra ở Biển đông, phê phán sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Số văn nghệ sỹ này không nhiều,
nhưng lợi dụng không khí đổi mới, dân chủ công khai, sự lỏng lẻo trong quản lí báo chí, từng
lúc, từng nơi tìm cách bộc lộ, tạo dư luận chú ý.
Đây cũng là vấn đề rất cần được các cơ quan quản lí Văn học nghệ thuật quan tâm. Kiên
trì và kiên quyết đấu tranh không cho kẻ xấu lợi dụng thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”
trong đội ngũ văn nghệ sỹ.
4. Về công tác chỉ đạo, quản lí, thực hiện cơ chế chính sách đối với văn nghệ
Chủ trương của Đảng và Nhà nước thể hiện qua Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về công
tác Văn học nghệ thuật là: phát triển VHNT trong cơ chế thị trường, định hướng XHCN, vì vậy
hoạt động VHNT cần có sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chỉ đạo, quản lí Văn học nghệ thuật
hiện nay là: khuyến khích, động viên văn nghệ sỹ sáng tạo để có nhiều tác phẩm, công trình Văn
học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh sâu sắc hiện thực và đất nước ta
trong đấu tranh cách mạng, trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo
vệ chủ quyền Tổ quốc; khuyến khích các sáng tác về đề tài truyền thống yêu nước, các giá trị văn
hoá của dân tộc cũng như các đề tài phản ánh sự nghiệp đổi mới của đất nước ta hiện nay;
khuyến khích sự tự do sáng tạo của người nghệ sỹ, hướng các tác phẩm Văn học nghệ thuật tới
các giá trị chân - thiện - mỹ, giàu tính nhân văn, phê phán sâu sắc các thói hư tật xấu, tệ nạn xã
hội làm suy đồi đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Kiên quyết đẩy lùi các khuynh hướng
nghệ thuật phản dân tộc, các biểu hiện của “diễn biến hoà bình” trên mặt trận Văn học nghệ
thuật.
Để thực hiện nhiệm vụ trên đây, trong các chỉ đạo và quản lí cần nắm chắc tổ chức các
Hội Văn học nghệ thuật đồng thời phải thực hiện các giải pháp về cơ chế, chính sách đối với văn
ngh và văn nghệ sỹ như Nghị quyết 23 của Bộ chính trị yêu cầu.
* Về mặt ưu điểm:
Ngay sau khi có các Nghị quyết của Đảng ra đời, cấp ủy và tổ chức Đảng các cấp đã triển
khai, quán triệt sâu rộng đến tận chi bộ, nhất là đối với đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước.
Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã xây dựng chương trình hành động cụ thể, với nhiều đề án
liên quan đến VHNT để tổ chức thực hiện, quan tâm bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, đầu tư kinh
phí, nắm bắt tâm tư, diễn biến tư tưởng của văn nghệ sĩ để có biện pháp lãnh đạo kịp thời, do đó
tạo được không khí đoàn kết, đồng thuận, nhất trí cao trong xã hội.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được công tác chỉ đạo, quản lý, xây dựng cơ chế chính
sách còn bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm.
- Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đúng vai trò của VHNT góp
phần củng cố trận địa tư tưởng của Đảng. Trong chỉ đạo điều hành còn thiếu sự quan tâm đúng
mức đến việc kiện toàn mô hình tổ chức các Hội VHNT ở địa phương, cơ sở vật chất, điều kiện
làm việc của các Hội còn ngèo nàn, kinh phí phục vụ cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật… còn
hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí nhân sự chủ tịch Hội VHNT địa phương
là người không am hiều về văn học nghệ thuật, trái với Quyết dịnh 284 của Ban Bí thư qui định
về người lãnh đạo quản lý hội VHNT địa phương phải là người có chuyên môn, nghiệp vụ phù
hợp. Dẫn đến nội bộ thiếu đoàn kết, làm ảnh hưởng đến tư tưởng của hội viên.
- Quản lý nhà nước về hoạt động VHNT còn buông lỏng nhất là hoạt động xuấtn bản, biểu
diễn. Một số đề án về văn học nghệ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng đến
nay vẫn chưa được Bộ, ngành thể chế hóa cụ thể. Báo, tạp chí, các nhà xuất bản của các Hội còn
gặp nhiều khó khăn trong phát hành, xuất bản mà chưa được tháo gỡ, giải quyết phù hợp trong
tình hình mới. Việc xét tặng giải thưởng hàng năm của các Hội VHNT địa phương còn chưa
thống nhất do còn gặp khó khăn về ngân sách…
- Quy định hệ số lương của nghệ sĩ biểu diễn (xiếc, múa, sân khấu) còn chưa tương xứng
với đặc thù nghề nghiệp nên anh chị em còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, ảnh hưởng đến
niềm say mê sáng tạo, cống hiến trong hoạt động nghề nghiệp…
- Biên chế cũng như ngân sách hoạt động cho các Hội còn thấp so với nhiệm vụ được
giao.
- Các báo, tạp chí văn nghệ từ trung ương đến địa phương, do kinh phí ít, tự bươn chải,
nên chưa quảng bá được đến công chúng.
- Công tác giao lưu văn học nghệ thuật với nước ngoài còn hạn chế.
- Sự phối hợp giữa các Hội Văn học nghệ thuật với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn
lỏng lẻo, thiếu đồng bộ trong việc thẩm định,đánh giá, tham mưu các vấn đề liên quan đến văn
học nghệ thuật.
5. Giải pháp và kiến nghị
- Để công tác văn hoá, Văn học nghệ thuật thực sự đáp ứng với nhiệm vụ tuyên truyền
chính trị của Đảng và Nhà nước, cần nâng cao nhận thức cho các cấp uỷ Đảng và chính quyền
về vai trò, vị trí của văn hóa, văn nghệ; xác định rõ mô hình tổ chức Hội Văn học nghệ thuật là
một mắt xích quan trọng trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng và Nhà nước.
- Trên cơ sở đó, từ Trung ương đến địa phương cần củng cố tổ chức các Hội Văn học
nghệ thuật. Bố trí cán bộ làm công tác Văn học nghệ thuật nắm vững quan điểm, đường lối, các
chính sách về văn hóa, văn nghệ của Đảng và Nhà nước; tập hợp được đội ngũ văn nghệ sỹ,
động viên sáng tác để có được những sản phẩm văn hoá, văn nghệ tốt phục vụ nhân dân.
- Tăng cường biên chế, cơ sở vật chất cho một số Hội Văn học nghệ thuật ở Trung ương
và địa phương đủ mạnh để thực hiện công tác Văn học nghệ thuật. Phải xem công tác văn hoá,
văn nghệ là của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp uỷ Đảng và chính quyền.
- Phối hợp với các bộ, ngành liên quan: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ban của Đảng xây
dựng cơ chế chính sách về mặt tổ chức cho Văn học nghệ thuật.
- Cần có thái độ ứng xử đúng đối với cán bộ làm công tác văn học nghệ thuật là công
chức Nhà nước vì bản thân đội ngũ này đã đi theo Đảng làm cách mạng từ trước cách mạng
tháng Tám.
Một số cán bộ quản lí văn học nghệ thuật do các cơ quan Nhà nước, cơ quan Đảng điều
động sang, có người 02 bằng Đại học, là Gs., Ts, nhà văn… nhưng chế độ đãi ngộ không được
coi là công chức, viên chức Nhà nước.
Trước hết là giải quyết chế độ phụ cấp cho các cán bộ đang công tác ở các Hội Văn học
nghệ thuật (25%) như các cơ quan hành chính khác.
- Đề nghị Bộ Nội vụ có sự chỉ đạo trong ngành giải quyết biên chế đủ cho các Hội Văn
học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương. Cụ thể là:
- Ở các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và Hội Liên hiệp Văn học
nghệ thuật Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh, biên chế tối thiểu là
25 - 30 người.
- Ở các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố: 12-15 biên chế.
Trên đây là một số vấn đề, chúng tôi xin báo cáo tại Hội nghị này để Bộ tổng hợp, báo
cáo Ban chỉ đạo Trung ương.
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM THỜI
KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA-HIỆN ĐẠI HÓA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ
(Bài tham dự Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp
xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”)
TS. Lê Thị Bích Hồng
Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ
Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng
I. MỞ ĐẦU
Ngày 16/7/1998, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết
Hội nghị lần thứ năm về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản
sắc dân tộc”. Nghị quyết ra đời đã nhanh chóng được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp triển
khai; nhân dân đồng tình, hưởng ứng, chung sức thực hiện. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết
đã trở thành nội dung sinh hoạt chính trị sâu rộng với khí thế thi đua sôi nổi của các cấp, các
ngành, các tầng lớp nhân dân trong suốt 15 năm qua.
II. THỰC TRẠNG NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM SAU 15 NĂM TRIỂN KHAI NGHỊ
QUYẾT TRUNG ƯƠNG 5 (KHÓA VIII)
Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), các nhà nghiên cứu,
quản lý văn hóa, văn nghệ đều đánh giá cao tầm vóc, giá trị của Nghị quyết. Nghị quyết ra đời
kịp thời, trúng ý Đảng, hợp lòng dân và sớm đi vào đời sống xã hội. Nghị quyết mang tầm chiến
lược lớn về văn hóa, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, xu thế phát triển của đất
nước. Cho đến nay, Nghị quyết vẫn còn nhiều giá trị, tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Những
nội dung chính của Nghị quyết đã góp phần ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của
xã hội, của đất nước…
Theo nhà báo Hữu Thọ, vị trí, vai trò của văn hóa từng bước được nâng lên đáng kể. Đảng
và Nhà nước đã quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng
định“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa được khẳng định ví trí quan trọng trong
chiến lược phát triển của đất nước và trở thành một nội dung quan trọng trong hoạt động của cấp
ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, từng bước gắn bó chặt chẽ hơn với
các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Từ khi có Nghị quyết, cấp ủy, chính quyền đã quan tâm nhiều hơn
đến văn hóa. Nhận thức về văn hóa có bước tiến bộ so với trước đây. Năm quan điểm chỉ đạo cơ
bản, mười nhiệm vụ cụ thể, bốn giải pháp lớn nêu trong Nghị quyết là rất đúng, rất trúng. Nội
dung văn hóa được đưa vào nghị quyết của các cấp ủy và được kiểm điểm hằng năm, gắn với
từng nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Nghị quyết coi văn hóa là một mặt trận bên cạnh kinh tế và chính
trị tạo thành thế “chân vạc” làm tiền đề cho phát triển xã hội được ổn định, bền vững.
Nhìn ở riêng lĩnh vực văn học, nghệ thuật (VHNT), nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên
hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ghi nhận: “Nghị quyết Trung
ương 5 đã tạo cho VHNT không gian sáng tạo thông thoáng, cởi mở, những tác phẩm cũng được
trân trọng hơn; sáng tác có sự đa dạng về thể loại, đề tài, chủ động cách thể hiện; tiếng nói
phản biện của VHNT với đạo đức xã hội ngày càng mạnh mẽ… Văn nghệ sĩ được đảm bảo tự do
sáng tạo, được chú trọng bảo vệ bản quyền về sáng tác, biểu diễn, phương thức biểu hiện được
tôn trọng; dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo được khẳng định…”. Đồng tình với quan điểm trên,
GS.TS. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng “Nghị quyết Trung
ương 5 đã giúp định danh một cách rõ ràng cho nền văn hóa Việt Nam; đồng thời xác định rõ
ràng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển
xã hội”. Giám đốc Trung tâm tác giả âm nhạc Việt Nam - Nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định
Nghị quyết đã tạo nên sự thúc đẩy đáng kể cho đời sống VHNT 15 năm qua. Chính sự thông
thoáng từ Nghị quyết mang lại đã tạo điều kiện để người dân tham gia tích cực vào việc sáng tạo
nên các giá trị văn hóa.
Nghị quyết đã cụ thể hóa thành nhiều văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết, chỉ thị, nghị
định…Chính phủ ban hành 10 chiến lược lớn, trong đó có chiến lược về văn hóa. Các cấp, các
ngành, các địa phương, đơn vị xây dựng thành Chương trình hành động. Phong trào “Toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được cấp ủy, chính quyền quan tâm đang có sức lan tỏa
trong cộng động. Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
gần đây góp phần đẩy mạnh cuộc vận động trên.…Đó là tín hiệu vui.
Cùng chung suy nghĩ đó, ông Trần Chiến Thắng – nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch, Chủ tịch Hiệp hội ghi âm Việt Nam cho rằng nhờ có Nghị quyết Trung ương 5
mà chúng ta có bước chuyển biến mạnh mẽ về văn hóa, xã hội. Có thể thấy là nhận thức về văn
hóa có nhiều chuyển biến tích cực; hưởng thụ các sản phẩm văn hóa được nâng lên đáng kể; có
đầu tư các thiết chế văn hóa và cùng với đó là các hoạt động văn hóa; giảm đáng kể khoảng cách,
sự cách biệt về văn hóa đối với từng vùng miền, từng dân tộc; huy động được quần chúng nhân
dân hưởng ứng và tham gia vào các chiến lược phát triển văn hóa của Đảng và Chính phủ... Đây
chính là thành quả do Nghị quyết mang lại, rất đáng trân trọng.
Mười nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết rất quan trọng nếu thực hiện tốt. Trong 10 nhiệm
vụ đó, xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam được xác định là nhiệm vụ đầu tiên, hàng
đầu trong 10 nhiệm vụ là rất đúng. Yếu tố con người đóng vai trò quan trọng. Tư tưởng, đạo đức,
lối sống và đời sống văn hoá là những lĩnh vực then chốt đã có những chuyển biến quan trọng.
Vấn đề giáo dục thanh niên, học sinh sinh viên cần phải được quan tâm. Thứ hai là nhiệm vụ xây
dựng môi trường văn hóa, trong đó cần phải tạo ra đời sống văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu
văn hóa đa dạng và không ngừng tăng lên của các tầng lớp nhân dân. Phong trào “Toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” là cuộc vận động quần chúng tham gia xây dựng môi
trường văn hoá lành mạnh đang được mở rộng và đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực
nhưng hiện nay xây dựng gia đình văn hóa gia đình vẫn nặng hình thức…
Những nét mới trong chuẩn mực văn hóa và trong nhân cách con người Việt Nam thời kỳ
công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng bước được hình thành. Kế thừa những đức tính tốt đẹp truyền
thống của dân tộc (cần cù, yêu nước, gắn bó sâu nặng với quê hương, cộng đồng, ham hiểu
biết…) nhưng có sự phát triển cho phù hợp với thời đại công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế. Tiêu
chí về đạo đức bổ sung thêm trình độ học vấn, năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường.
Những tiêu chí đánh giá về đạo đức xã hội thay đổi mạnh theo hướng phù hợp với nền
kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đạo đức xã hội được nhìn nhận, đánh giá trên nhiều bình diện mới: Khát vọng vươn lên
làm giàu chính đáng, tôn trọng pháp luật, quy định của cộng đồng dân cư… Lối sống phù hợp
với thuần phong, mỹ tục nhưng phải đáp ứng với nhịp sống công nghiệp và hội nhập quốc tế.
Nhiều công trình văn hóa được xây dựng từ nhiều nguồn kinh phí (Nhà nước, xã hội hóa
trong dân, tài trợ quốc tế…), nhất là ở những nơi còn gặp khó khăn: vùng sâu, vùng xa, vùng
đồng bào dân tộc. Đời sống văn hoá miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đã có những cải thiện
rõ rệt,có nhiều cố gắng để thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa những
vùng kinh tế phát triển với các vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới, hải đảo, giữa các tầng lớp
nhân dân
Vấn đề về giá trị xã hội được đặt ra nhiều hơn. Hệ giá trị được hiểu là chuẩn mực, biểu
trưng quan trọng trong đời sống tinh thần của con người tạo ra sự liên kết giữa cá nhân với cộng
đồng, với ước vọng mà họ đạt tới, là chỗ dựa để điều chỉnh hành vi, lấy đó làm tiêu chuẩn đánh
giá con người; là nền tảng định hướng cho lối sống xã hội là cốt lõi văn hóa tinh thần. Nhà báo
Hữu Thọ đặt câu hỏi “Bản sắc dân tộc, cốt cách dân tộc theo cách nói của Bác phải chăng là hệ
giá trị truyền thống được sàng lọc và bổ sung phát triển trong tình hình mới?”. Từ đó, xác định
hệ giá trị chung cần xây dựng, rồi có hệ giá trị của từng ngành. Điều này Bác Hồ rất quan tâm.
Đạo đức Hồ Chí Minh gắn với các tiêu chí“Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” thì chủ yếu
mới dành cho đối tượng cán bộ, đảng viên, công chức. Vấn đề quan trọng làm người thì cần phải
rộng hơn, tức là nhân cách, ứng xử của cá nhân trong các mối quan hệ. Nên xây dựng hệ giá trị
theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một lòng vì nước vì dân, vì cộng đồng; tình thương yêu đồng bào,
đồng loại; tính kiên định, sự mềm dẻo và lòng bao dung; sống có nghĩa tình…
Luật Di sản văn hóa và các văn bản liên quan tạo được hành lang pháp lý trên lĩnh vực
này. Nhà nước cho phép hàng năm lấy ngày 23/11 là ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Di sản văn
hoá vật thể và phi vật thể là nền tảng để hun đúc nên bản sắc văn hoá và hệ giá trị của văn hoá
dân tộc, là một nguồn lực cho phát triển. Hàng ngàn di tích được chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo.
Xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ di tích, nhất là việc quy hoạch, bảo tồn…
Nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu văn hoá quốc tế trên quy mô lớn đã được tổ chức ở Việt
Nam và nước ngoài gây được tiếng vang và tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng bè bạn về
truyền thống văn hoá, nghệ thuật Việt Nam.
Hoàn thiện và ban hành nhiều Luật về hoạt động văn hóa (Luật Di sản văn hóa, Luật Điện
ảnh, Luật Quảng cáo…) nhằm đưa các hoạt động văn hóa vào nề nếp; sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật ban hành; tiếp tục xây dựng Luật mới (Pháp lệnh Thư viện đang trong quá trình
xây dựng). Chính sách văn hóa đã bắt nhịp những vấn đề mới đặt ra trong kinh tế thị trường về
văn hóa. Đưa nội dung chỉ đạo, quản lý văn hóa vào chương trình đào tạo trong các trường chính
trị. Xây dựng và ban hành quy chế bổ nhiệm chức danh lãnh đạo các Hội VHNT.
Cùng với sáng tác, công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản VHNT của các dân tộc đạt
được kết quả thiết thực. Dấu hiệu mới đáng trân trọng là sự xuất hiện lực lượng sáng tác trẻ với
những khả năng sáng tạo và sự đa dạng về phong cách. Cùng với các hội chuyên ngành, phong
trào văn nghệ quần chúng phát triển; nhiều câu lạc bộ VHNT ra đời, góp phần cổ vũ, động viên
quần chúng sáng tạo, khai thác, truyền bá các giá trị nghệ thuật truyền thống và thưởng thức
VHNT…
Xác định tài năng VHNT là vốn quý của dân tộc, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm
đặc biệt cho lao động sáng tạo của người nghệ sĩ. Từ năm 2000, Nhà nước đảm bảo hỗ trợ cho
việc sáng tạo và quảng bá tác phẩm, duy trì hoạt động của tổ chức Hội VHNT với tư cách là tổ
chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Nhà nước đã thực hiện thể chế hóa tổ chức của Hội trong văn
bản Pháp lệnh về Hội nghề nghiệp đặc thù trong đó có Hội VHNT. Việc Chính phủ tiếp tục hỗ
trợ sáng tạo, sưu tầm VHNT giai đoạn 1999 – 2015, hỗ trợ cho các công trình VHNT và báo chí
giai đoạn 2011 – 2015…thực sự là nguồn khích lệ đối với văn nghệ sỹ và báo chí cả nước. Tuy
kinh phí hỗ trợ công trình VHNT và báo chí giai đoạn 2011 – 2015 không nhiều nhưng đã tháo
gỡ không ít khó khăn cho các hoạt động văn nghệ của cả nước, nhất là đối với các địa phương
còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế.
Có thể nói, VHNT đã nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn,
gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng
tạo của nhân dân, có nhiều tác phẩm tốt trong tất cả các loại hình nghệ thuật từ văn học, sân
khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật đến nhiếp ảnh, múa, kiến trúc... thể hiện qua những đề tài lịch
sử, chiến tranh cách mạng và những vấn đề thời sự của đất nước. Chủ nghĩa nhân văn, phẩm chất
nhân đạo được phát huy và đề cao. VHNT đã cố gắng phát hiện, khẳng định các nhân tố mới,
tham gia cuộc đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hoá về nhân cách, đời sống và
đạo đức trong một bộ phận xã hội. Văn nghệ đã cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp, cái mới tiến bộ,
tạo dựng những tấm gương điển hình của con người thời đại Hồ Chí Minh (công nhân, nông dân,
trí thức, doanh nhân, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công an nhân dân...).
Thành quả của lao động sáng tạo là con người. GS.TS Tô Ngọc Thanh coi con người là
nhân tố đóng góp tích cực vào sự duy trì, phát triển nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc”. Hiện nay, số lượng văn nghệ sĩ cả nước chịu sự quản lý của Trung ương và địa phương là
gần 40.000 người (18.000 hội viên Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, gần 22.000 hội viên Hội
VHNT tỉnh, thành phố). Cơ chế chỉ đạo, quản lý chung là cấp uỷ Đảng trực tiếp chỉ đạo các Hội
VHNT; Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thường xuyên; Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ quản lý biên chế.
Nhờ đó, văn nghệ sĩ được đảm bảo tự do sáng tạo, được chú trọng bảo vệ bản quyền về sáng tác,
biểu diễn.
Một thành tựu phải kể đến chính là việc hiện thực hóa công tác xã hội hoá các hoạt động
văn hóa. Nhờ có xã hội hóa, văn nghệ sĩ có điều kiện in ấn, xuất bản, triển lãm, biểu diễn… tác
phẩm VHNT ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều hoạt động đã có sự tham gia của
nhiều thành phần kinh tế trong đó có vai trò tích cực của tư nhân. Hầu hết các tác phẩm văn học
hiện nay, tác giả tự lo kinh phí xuất bản và đầu ra. Một số các đoàn kịch, các vũ đoàn múa khu
vực phía Nam vẫn duy trì biểu diễn hàng đêm và được công chúng đón nhận. Các nhà tài trợ
tham gia vào việc làm phim. Hơn 100 hãng phim tư nhân hiện nay đóng góp đến 80% số lượng
phim vào thị trường điện ảnh. Tuy không nhiều, nhưng một số hoạ sĩ đã có Galary tranh và bán
được tranh…
Việc nghiên cứu, lý luận phê bình VHNT đã đẩy lùi được khuynh hướng phủ nhận thành
tựu của văn nghệ cách mạng, kháng chiến, kiên trì bảo vệ và phát triển đường lối VHNT Mác-Lê
Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh…
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các Hội VHNT đã quan tâm thu hút lực lượng văn nghệ sĩ
Việt Nam yêu nước tiến bộ đang định cư ở nước ngoài về nước tham gia sáng tác, biểu diễn, phát
huy những giá trị truyền thống văn nghệ của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Thực hiện hợp tác
giao lưu văn hóa với nước ngoài qua dịch thuật, xuất bản, lưu diễn, tổ chức trại sáng tác quốc tế
ở Việt Nam và dự các liên hoan văn nghệ, các cuộc thi biểu diễn ở nước ngoài. Tuy mới chỉ là
bước đầu, nhưng thực tế những hoạt động đối ngoại đã tăng cường đối ngoại nhân dân trong thời
kỳ mới.
Các cơ quan quản lý VHNT và các Hội đã quan tâm chỉ đạo chống lại xu hướng nghiệp dư
hóa trong VHNT bằng việc xây dựng các quy chế hoạt động biểu diễn nghệ thuật, xét tặng giải
thưởng, các cuộc thi sáng tác, triển lãm khu vực…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, với tinh thần dân chủ, cởi mở, các nhà nghiên
cứu, quản lý văn hóa đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, non kém trên nhiều mặt của lĩnh vực
văn hóa sau 15 năm thực hiện Nghị quyết.
Trước hết, đó là nhận thức về văn hóa ở một số địa phương, đơn vị vẫn còn chưa đúng
tầm, chưa đủ chiều sâu để giải quyết có hiệu quả các vấn đề cốt lõi của văn hóa. Từ nhận thức về
vị trí, vai trò của văn hóa không đồng đều ở mỗi địa phương, đơn vị nên dẫn đến việc triển khai
thực hiện thiếu thống nhất (nơi tốt, nơi chưa tốt). Đầu tư cho phát triển văn hóa chưa tương xứng
với phát triển kinh tế. Văn hoá chưa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội và là mục tiêu, động
lực phát triển kinh tế - xã hội. Có nhiều thời kỳ chúng ta quá tập trung cho phát triển kinh tế mà
chưa quan tâm nhiều đến văn hóa; chưa thực sự gắn kết hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Văn hóa
vẫn bị xếp vào vị trí thứ yếu, đầu tư cho phát triển văn hóa chưa tương xứng; chưa thực sự gắn
kết hữu cơ với các lĩnh vực của đời sống; chưa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội và là mục
tiêu, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nhà báo Hữu Thọ đặt câu hỏi “Phải chăng từ khi đổi
mới, chúng ta chưa quan tâm nhiều đến phát triển văn hóa”. GS. TS. Lê Hồng Lý cho rằng “Văn
hóa vẫn chưa được coi trọng, vẫn chỉ được coi là “cờ đèn kèn trống”, nghĩa là mới nhìn ở hình
thức, chứ chưa nhìn nhận văn hóa ở chiều sâu. Và chúng ta đã quá thiên về kinh tế”. Thực tế,
đời sống xã hội có hai mặt vật chất và tinh thần. Nếu kinh tế là nền tảng vật chất của đời sống xã
hội, thì văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội. Khái quát khoa học đó cho thấy tất cả
tầm rộng lớn và sâu sắc của văn hóa, từ đó dẫn đến nhiều khía cạnh lý luận cùng những kết luận
thực tiễn hết sức quan trọng. Xã hội đứng hai chân trên hai “nền tảng”, nếu chỉ có một nền tảng
thì xã hội không thể đứng vững.
Các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa đều bộc lộ sự lo ngại khi kinh tế và văn hóa phát
triển thiếu hài hòa. Nhà nghiên cứu Việt Phương cho rằng hệ quả của việc không đi bằng cả “hai
chân” kinh tế và văn hóa sẽ kéo theo những hệ lụy về văn hóa lối sống, văn hóa đạo đức, văn hóa
gia đình…
Việc xây dựng môi trường văn hóa chưa thực sự trở thành phong trào tự nguyện của quần
chúng, đôi khi các kết quả đạt được còn mang tính hình thức. Việc công nhận các danh hiệu văn
hóa: làng, thôn, ấp, bản... văn hóa; khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; gia đình văn
hóa chưa mang lại hiệu quả thiết thực, chưa thực chất.
Nhà báo Hữu Thọ đã chỉ ra những nguy cơ về văn hóa sau 15 năm thực hiện Nghị quyết.
Đó là những dấu hiệu “khủng hoảng nhân văn” ở một bộ phận cán bộ, nhân dân. Đó là sự suy
giảm về tư tưởng, đạo đức lối sống…rất đáng lo ngại, mà theo ông đây là vấn đề then chốt của
văn hóa. Gia đình vốn được coi là “tế bào của xã hội” đang lỏng lẻo (ly hôn, bạo lực gia đình, ít
thời gian giáo dục chăm sóc con, con cái mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật…). Văn hóa ứng
xử của con người với thiên nhiên, với môi trường xã hội đang tạo nên nhiều nỗi lo lớn trong dự
luận xã hội. Càng ít đi sự khoan dung, nhường nhịn truyền thống và thậm chí còn tăng thêm sự
vô cảm trong một bộ phận dân chúng, trong khi nhiều hoạt động từ thiện mang tính nhân văn
“Lá lành đùm lá rách”, “Chị ngã em nâng”, “Sẻ chia giọt máu đào, trao niềm hy vọng”…vẫn
luôn được cả xã hội quan tâm hưởng ứng.
Sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, thiếu tính làm gương của một bộ phận xã hội ảnh
hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần, môi trường văn hoá lành mạnh. Biểu hiện suy thoái tư
tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống xuất hiện ở một bộ phận cán bộ cấp cao, ở một số ngành bảo
vệ pháp luật, giáo dục, y tế…đã ảnh hưởng lớn đến giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ học
sinh, sinh viên. Cách ứng xử thiếu văn hoá nơi công cộng; sử dụng ngôn từ thiếu chuẩn mực
trong giao tiếp làm phương hại đến sự trong sáng của tiếng Việt; căn bệnh “vô cảm” đối với nỗi
đau của con người; nạn tham nhũng, hối lộ, sách nhiễu dân, mất đoàn kết của một bộ phận không
nhỏ cán bộ, đảng viên…đang làm nhức nhối dư luận xã hội
Khi con người tham gia vào các hoạt động văn hóa công cộng và sinh hoạt cộng đồng đã
bộc lộ nhiều biểu hiện đáng lo ngại, như: Vi phạm an toàn giao thông (vi phạm pháp luật, phóng
nhanh vượt ẩu, đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ…); văn hóa học đường có nhiều
biểu hiện làm xã hội lo lắng (bạo lực học đường, nói tục, chửi bậy, vô lễ với giáo viên…); văn
minh lễ hội đang biến đổi nhanh chóng; thiếu tôn trọng môi trường tự nhiên xã hội; văn hóa lối
sống đang đặt ra nhiều vấn đề phải suy ngẫm…
Cách ứng xử của một bộ phận nhân dân nơi công cộng (công viên, rạp hát, chùa chiền…)
còn thiếu văn hoá. Ứng xử với di sản văn hóa dân tộc có nhiều biểu hiện đáng lo ngại, nhất là với
giới trẻ, như: Sờ và cưỡi đầu rùa ở Văn Miếu Quốc Tử Giám; ngồi lên bệ tượng đài danh nhân,
ngồi trên mộ rồi tự đưa lên facebook; vẽ bậy ở bất cứ nơi đâu, kể cả nơi linh thiêng ở chùa chiền,
đền thờ…Trước những biểu hiện trên, nhà báo Hữu Thọ cho rằng một bộ phận thanh niên phản
ứng với các di sản văn hóa một cách thiếu nhận thức, có biểu hiện xem thường và không coi đó
có gì thiêng liêng.
Tình trạng xâm hại di tích tại một số di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng chưa được ngăn
chặn kịp thời; Nguồn kinh phí cho công tác tu bổ, chống xuống cấp các di tích chưa đáp ứng nhu
cầu thực tế, một số di sản không còn khả năng khôi phục; Công tác trùng tu, tôn tạo, tu bổ ở một
số công trình di tích còn cẩu thả, sai lệch về giá trị lịch sử, nghệ thuật, làm biến dạng, giảm giá
trị và dẫn đến thất thoát kinh phí; nhiều dự án có xu hướng “làm mới” di tích… dẫn đến vi phạm
Luật Di sản văn hóa. Xuất hiện những biểu hiện tiêu cực khi tham gia lễ hội, nhất là trong mấy
năm gần đây bùng phát một số lễ hội mới. Hoạt động lễ hội đã và đang diễn ra phức tạp. Một số
lễ hội nâng cấp quy mô tổ chức có xu hướng xem nhẹ các giá trị văn hóa, coi trọng các dịch vụ
với mục đích “thương mại hóa”, “thần thánh hóa” lễ hội. Tình trạng an ninh trật tự (tranh cướp
ấn Đền Trần, hoa tre ở lễ hội Thánh Gióng xảy ra xô xát, đánh nhau...). Các hiện tượng tiêu cực:
mê tín dị đoan, lãng phí tiền của trong việc đốt đồ mã, đặt hòm công đức tràn lan, lưu hành sản
phẩm văn hóa trái phép, chơi cờ bạc, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, an ninh trật tự, vệ
sinh môi trường, “hối lộ thần Phật” bằng tiền, bằng lễ...đang gây bức xúc trong dư luận xã hội,
làm sai lệch nội dung vốn có cũng như giá trị văn hoá của nhiều lễ hội.
Một bộ phận nhỏ chức sắc các tôn giáo có những hoạt động đi ngược lại truyền thống văn
hoá dân tộc (xoá lễ hội dân tộc, bỏ các sinh hoạt văn hoá cổ truyền…), truyền đạo trái pháp luật,
lợi dụng tôn giáo tạo dựng các “điểm nóng”, đấu tranh đòi đất đai, đòi nơi thờ tự…Một số người
lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà nước lén lút hoặc công khai hoạt động kinh doanh
văn hóa vụ lợi tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Môi trường văn hóa ở một số cơ sở thờ tự thiếu
lành mạnh; các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng khá sôi động và phức tạp, nảy sinh các hiện tượng
tiêu cực: nạn mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh, ngoại cảm để trục lợi, các hủ tục cũ,
mới tràn lan, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội… có chiều hướng gia tăng
Giao lưu văn hoá còn thiếu chủ động; chưa tạo được nhiều nguồn lực để mở rộng hợp tác,
giao lưu. Chưa chủ động giới thiệu được nhiều tinh hoa văn hoá Việt Nam ra nước ngoài. Việc
tuyên truyền, giới thiệu nền văn hoá Việt Nam và những thành tựu trong công cuộc đổi mới của
đất nước trên lĩnh vực kinh tế - xã hội ra nước ngoài chưa tương ứng với nhu cầu phát triển. Việc
nhập khẩu và đưa lên sóng truyền hình quá nhiều, thiếu chọn lọc phim ảnh, chương trình ca nhạc
nước ngoài làm ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của lớp trẻ.
Các văn bản pháp luật về văn hoá còn thiếu đồng bộ; việc thể chế hoá các nghị quyết,
quan điểm của Đảng chưa quan tâm đúng mức, còn chậm đổi mới; tổ chức thực hiện còn yếu nên
nhiều quy phạm pháp luật về văn hoá chưa thực sự đi vào cuộc sống. Một số lĩnh vực văn hoá,
nghệ thuật chưa có luật để quản lý. Nhiều chính sách đối với văn nghệ sĩ đã lạc hậu nhưng chậm
được sửa đổi. Đội ngũ cán bộ quản lý văn hoá, nhất là ở các địa phương và cơ sở luôn biến động
Lĩnh vực VHNT thiếu vắng những tác phẩm giá trị tâm huyết, để đời, của những cá tính
sáng tạo độc đáo, nghệ sĩ lớn bậc thầy; các tác phẩm VHNT có chất lượng chưa tương xứng với
số lượng; lý tưởng, khát vọng của các tác giả thể hiện qua tác phẩm chưa cao; một số tìm tòi chỉ
nghiêng về hình thức, tiếp thu vội vã những khuynh hướng của nước ngoài; vẫn tồn tại dai dẳng
khuynh hướng “thương mại hóa”, giải trí tầm thường hóa ở một số lĩnh vực, chi phối một bộ phận
công chúng (âm nhạc, điện ảnh, sân khấu…); có biểu hiện dễ dãi bằng lòng với tình trạng nghiệp
dư, “ăn xổi ở thì”, chiều theo thị hiếu cũ kỹ, hoặc tầm thường, thậm chí lập dị, ngộ nhận dưới
danh nghĩa các trào lưu thời thượng (hậu hiện đại, giải cấu trúc, đại tự sự...). Đặc biệt một số
ngành, lĩnh vực nghệ thuật phát triển đan xen với tụt hậu…
Công tác chỉ đạo, quản lý, xây dựng cơ chế chính sách còn bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết
điểm. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đúng vai trò của VHNT; chưa gắn
kết văn hóa trong mối quan hệ với kinh tế; chỉ đạo điều hành còn thiếu sự quan tâm đúng mức
đến việc kiện toàn mô hình tổ chức các Hội VHNT ở địa phương (bố trí nhân sự lãnh đạo Hội
VHNT, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, kinh phí hoạt động sáng tạo nghệ thuật…); quản lý
nhà nước về hoạt động VHNT còn buông lỏng nhất là hoạt động biểu diễn. Một số đề án về
VHNT chưa được thể chế hóa cụ thể. Báo, tạp chí văn nghệ; các nhà xuất bản của các Hội còn
gặp nhiều khó khăn trong phát hành, xuất bản nhưng chưa được tháo gỡ, giải quyết phù hợp
trong tình hình mới. Việc xét tặng giải thưởng hàng năm của các Hội VHNT địa phương còn
chưa thống nhất…
Trước tình hình diễn biến phức tạp của xã hội hiện nay, văn nghệ sĩ đang đối mặt với
nhiều thách thức, khó khăn: Đời sống kinh tế (kể cả người đang hưởng lương và người đã về
hưu) khó khăn; quy định hệ số lương của nghệ sĩ biểu diễn (xiếc, múa, sân khấu) chưa tương
xứng với đặc thù nghề nghiệp… Phần lớn văn nghệ sĩ còn có tâm trạng băn khoăn, ảnh hưởng
đến niềm say mê sáng tạo, cống hiến trong hoạt động nghề nghiệp. Thêm nữa, những tác động
xấu trong xã hội (tệ tham nhũng, cửa quyền, tệ nạn xã hội…); những thông tin kích động của kẻ
xấu trên mạng internet đang tác động mạnh mẽ đến văn nghệ sĩ và đã tạo nên sự phân hoá. Một
bộ phận lớn văn nghệ sĩ vẫn luôn là lực lượng nòng cốt trong các Hội VHNT; vẫn giữ lập trường
tư tưởng chính trị; kiên định quan điểm sáng tác theo định hướng của Đảng. Một bộ phận văn
nghệ sĩ trẻ tài năng, có người đang hành nghề tự do tự xuất bản tác phẩm, tổ chức biểu diễn, làm
phim theo đơn đặt hàng của các Hãng tư nhân… Nội dung tác phẩm chủ yếu đề cập tới hiện thực
đời sống xã hội đương đại với cách nhìn, cách nghĩ của giới trẻ. Vì thế, không ít tác phẩm thiếu
chiều sâu về tư tưởng, giá trị nhân văn, nhưng lại được các cơ quan truyền thông quảng bá rộng
rãi có tác động không nhỏ đến thị hiếu thẩm mỹ của công chúng (nhất là tầng lớp bình dân và
giới trẻ). Đáng lo ngại là cá biệt một số văn nghệ sĩ còn chịu tác động trực tiếp của những kẻ xấu
gây chia rẽ, kích động, phủ nhận thành quả của cách mạng và kháng chiến; chưa đề cao trách
nhiệm xã hội, công dân, suy giảm lòng tin vào sự nghiệp; bộc lộ sự dao động hoài nghi về sự
phát triển của đất nước trong vận hội mới. Số văn nghệ sỹ này không nhiều, nhưng lợi dụng
không khí đổi mới, dân chủ công khai, từng lúc, từng nơi tìm cách bộc lộ, tạo dư luận chú ý. Đây
cũng là vấn đề rất cần được các cơ quan quản lý VHNT quan tâm; kiên trì và kiên quyết đấu
tranh không cho kẻ xấu lợi dụng thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” trên mặt trận văn hóa,
văn nghệ.
NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân Khấu Việt Nam cho rằng đội ngũ văn
nghệ sĩ ít được đào tạo. Nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống không có tác giả sáng
tác, dẫn đến việc vay mượn chuyển thể từ loại hình sân khấu kịch sang Tuồng, Chèo, Cải
lương…Tác phẩm nghệ thuật trong cơ chế thị trường là một loại “hàng hóa đặc biệt”, nhưng lại
không được đầu tư giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nên dẫn đến
không có thông tin, không cập nhật các hoạt động biểu dễn, nghệ thuật sân khấu truyền thống bị
chìm trong quảng cáo các “sô ăn khách” trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Từ xã hội hoá VHNT đang đặt ra cho những nhà quản lý nhiều vấn đề cần giải quyết.
Đi tìm nguyên nhân cho những biểu hiện sa sút trên, các nhà nghiên cứu đều có những
phân tích thỏa đáng từ tầm vĩ mô đến vi mô; từ góc độ đời sống văn hóa cơ sở đến nghiên cứu
khoa học…
III. NGHỊ QUYẾT VẪN CÒN NHIỀU GIÁ TRỊ VÀ TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN
THEO HƯỚNG BỔ SUNG, HOÀN THIỆN ĐỂ THỰC HIỆN CHO NHỮNG NĂM TIẾP
THEO
- Tiếp tục thực hiện 4 giải pháp lớn nêu trong Nghị quyết: Giáo dục chủ nghĩa yêu nước
gắn với thi đua yêu nước và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây
dựng, ban hành luật pháp và chính sách văn hóa; tăng cường nguồn lực và phương tiện cho
hoạt động văn hóa; nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hoá.
- Tăng đầu tư nguồn lực (con người và kinh phí) và cho văn hoá; tổng chi ngân sách của
Nhà nước trên 1,8%; tiếp tục bảo đảm kinh phí cho các chương trình mục tiêu phát triển văn hoá.
- Tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm mà sau 15 năm chưa thực hiện tốt, trong đó
có việc chấn hưng nền điện ảnh nước nhà.
- Cần quan tâm thể chế hoá các nghị quyết, quan điểm của Đảng kịp thời, hiệu quả.
- Cần phải có chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam và đầu tư phát triển
các ngành công nghiệp văn hóa như một ngành công nghiệp trọng điểm, dài hạn, có sức cạnh
tranh cao để vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa trong nước, vừa mở rộng khả năng xuất khẩu, khẳng
định vị thế của sản phẩm văn hóa Việt Nam trong hội nhập quốc tế, chống lại xu hướng du nhập
hỗn loạn các sản phẩm văn hóa vào Việt Nam tràn lan như hiện nay. Nhà nước phải có chính
sách ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế khác nhau tham gia đầu tư vào phát triển
công nghiệp văn hóa theo một chiến lược và quy hoạch dài hạn.
- Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị -
Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng, Nhà nước
nghiên cứu sâu lý luận, tổng kết thực tiễn về những vấn đề liên quan đến văn hoá dân tộc; đề
xuất phương án có tính chiến lược về văn hoá Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại
hoá, làm cơ sở lý luận cho quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới.
- Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) vẫn còn nhiều giá trị, nhưng cần được bổ sung cho
phù hợp với yêu cầu mới. “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về xây dựng và phát
triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên một số vấn đề cốt lõi và cấp
bách”.
IV. KẾT LUẬN
Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hoá là đợt sinh
hoạt chính trị về văn hóa, nhằm đánh giá toàn diện quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị
quyết; chỉ rõ kết quả đạt được, những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện; những non kém,
khuyết điểm; nguyên nhân của thành công và hạn chế; đúc rút bài học kinh nghiệm; đề xuất bổ
sung, hoàn thiện chủ trương, quan điểm, giải pháp chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng cho những năm
tiếp theo, tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
trong tình hình mới.
Thông qua việc tổng kết nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cán bộ,
đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của văn hoá, tầm quan trọng của Nghị quyết;
tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn xã hội tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ văn hoá nêu trong
các nghị quyết về văn hoá của Đảng, xây dựng nền tảng tinh thần lành mạnh trong xã hội.
Từ kết quả các cuộc Tọa đàm, Hội thảo khoa học và tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết
Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà
bản sắc dân tộc”, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hoá
Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Đề án, trình Hội nghị lần
thứ chín Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI).
MẤY SUY NGHĨ VỀ THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG NÊN
VĂN HÓA TIÊN TIẾN ĐẬM ĐÀ BẢN SÁC DÂN TỘC TRONG THỂ CHẾ
KINH TẾ THỊ TRƯỜNG Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
GS. TS Đỗ Huy
Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa
thứ ba dưới sự lãnh đạo của Đảng sau cách mạng tháng Tám năm 1945. Nền văn hóa thứ nhất
dưới sự lãnh đạo của Đảng là nền văn hóa của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, được
xây dựng và phát triển theo mô thức: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa. Nền văn hóa
thứ hai dưới sự lãnh đạo của Đảng là nền văn hóa của thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền
Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, được phát triển theo mô thức: Nội
dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc. Từ năm 1986, đất nước ta xây dựng chủ nghĩa xã hội
thông qua cơ chế thị trường cho nên chúng ta xây dựng nền văn hóa phát triển theo mô thức: tiên
tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nền văn hóa này là nền văn hóa của chủ nghĩa xã hội phát triển
thông qua thể chế kinh tế thị trường. thực chất nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mà
chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa của thể chế kinh tế thị trường trong thời kỳ công nghiệp
hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa đất nước.
Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, do thể chế kinh tế thị trường ở nước ta có
những biến động dữ dội và mau lẹ cho nên đã tác động khác thường đến toàn bộ nền văn hóa.
Trước những biến động khôn lường như vậy, nhiều chuẩn mực tốt đẹp của truyền thống văn hóa
dân tộc bị xô đẩy nghiêng ngả, các điểm nóng văn hóa xuất hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau
của đời sống xã hội từ lãnh vực chính trị đến giáo dục, y tế, công sở, giao thông, gia đình, giới
tính, đất đai, môi trường…. Nhận thức rõ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình xây dựng
và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trước những rủi ro liên tục của thể chế
kinh tế thị trường, từ năm 1986, qua mỗi kỳ đại hội Đảng, Đảng ta lại ra nghị quyết tăng cường
và hoàn thiện thêm một bước những định hướng chính trị quan trọng làm cho các hoạt động văn
hóa ngày càng sát hơn với cơ chế thị trường.
Năm 1998, sau 12 năm đổi mới đất nước, Đảng ta đã ra một nghị quyết quan trọng về văn
hóa được thông qua tại Hội nghị BCHTW 5 khóa VIII nhằm định hướng toàn diện cho sự phát
triển liên tục và lâu dài của quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc
dân tộc. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện nghị quyết Hội nghị BCHTW 5 khóa VIII, đời sống xã
hội ngày càng nóng lên khác thường, cho nên đến Hội nghị Trung ương lần thứ 10 khóa IX, một
mặt Đảng ta khẳng định tiếp tục thực hiện 5 quan điểm chỉ đạo của nghị quyết Hội nghị BCHTW
5 khóa VIII, mặt khác nhấn mạnh việc phát triển đồng bộ về kinh tế, chỉnh đốn Đảng với việc
nâng cao trình độ văn hóa, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa trong toàn bộ đời sống xã
hội và đặc biệt là trong tăng trưởng về kinh tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển
phong trào người tốt, việc tốt, gìn giữ các di sản văn hóa, củng cố các thiết chế văn hóa trong thể
chế kinh tế thị trường.
Sau đại hội Đảng lần thứ IX, chúng ta mới tham gia APEC và cho đến ngày 07- 11 – 2006
chúng ta mới được kết nạp vào tổ chức WTO và từ đó, chúng ta lại hội nhập sâu hơn vào kinh tế
thế giới, vì thế đã có rất nhiều quan hệ văn hóa mới xuất hiện. Từ thực tế đó, Văn kiện Đại hội
Đảng lần thứ X, một mặt khẳng định chúng ta phải tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất
lượng những quan hệ văn hóa trong mọi lãnh vực của cuộc sống, mặt khác đề xuất vấn đề hoàn
thiện giá trị nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước nhằm gìn giữ các phẩm giá dân tộc và phát huy phẩm giá, năng lực và thiên hướng của mọi
cá nhân.
Năm năm sau Đại hội Đảng lần thứ X, cơ chế thị trường ở nước ta phát triển rất đa dạng
và phức tạp. Có thể nói, cho đến đầu thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI, môi trường văn hóa của
chúng ta nóng lên bất thường ở tận vùng sâu, vùng xa, ở các vùng nông thôn, hải đảo, ở nhà máy,
trường học, bệnh viện và cả ở công sở. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, lại tiếp tục định hướng
sâu hơn, cụ thể hơn những mặt phản diện trong đời sống văn hóa cần phải chú ý khắc phục và đề
xuất vấn đề phát triển văn hóa một cách toàn diện, thống nhất trong đa dạng để thống nhất với
nhu cầu văn hóa mới, những điều kiện vật chất và tinh thần mới, những phương thức hoạt động
văn hóa mới.
Nhìn lại gần 30 năm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc
dưới ánh sáng Nghị quyết của 6 kỳ đại hội Đảng, chúng ta nhận thức rằng nền văn hóa mới mà
chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa rất đặc biệt, rất phức tạp chưa từng có tiền lệ trong lịch
sử phát triển hàng ngàn năm của dân tộc ta. Trong gần 30 năm đổi mới, dưới ánh sáng của các
Nghị quyết của 6 kỳ đại hội Đảng, nền văn hóa này từng đã đạt được một số thành tựu ban đầu,
nhưng cấu trúc của nó chưa bền vững và đang vận động rất mạnh khiến chúng ta phải nhận diện
thực trạng của nó, phân tích các nguyên nhân của thực trạng này và tìm những giải pháp tốt hơn
để xây dựng và phát triển nó.
Nhìn lại toàn cảnh gần 30 năm xây dựng và phát triển nần văn hóa tiên tiến đậm đà bản
sắc dân tộc, chúng ta thấy nó đang biểu hiện những hình thái như sau:
Một là, gần 30 năm đổi mới, nền văn hóa này đã phát triển khác hẳn với nền văn hóa xây
dựng theo mô thức nội dung xã hội và tính chất dân tộc của thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở
miền Bắc, đấu tranh thống nhất đất nước. Nền văn hóa này phát triển phong phú hơn, đa dạng
hơn và đã thỏa mãn một số nhu cầu văn hóa thứ yếu của nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, ở
nhiều vùng và miền khác nhau. Với đường lối đổi mới liên tục của Đảng, nền văn hóa này đã tạo
nên một sức sống, một diện mạo mới trong rất nhiều các quan hệ và các hoạt động văn hóa ở cả
nông thôn và thành thị, ở rất nhiều các phương diện khác nhau từ văn hóa chính trị đến văn hóa
giáo dục, văn hóa công sở, văn hóa nghệ thuật và các quan hệ văn hóa quốc tế. Tuy nhiên, hình
thái rõ nhất mà chúng ta nhìn thấy, chúng ta cảm nhận được và hưởng thụ nó là những thay đổi
tích cực về mặt vật chất, nhà cửa sang trọng hơn, phương tiện đi lại hiện đại hơn, phương tiện
thông tin thuận lợi hơn, đồ đạc trong gia đình tiện lợi hơn….Còn về mặt tinh thần và đặc biệt là
những giá trị đạo đức lại phát triển tương đối hỗn loạn nêú chúng ta không nói có một sự xuống
cấp, một sự thụt lùi nghiêm trọng. Hình thái này chứng tỏ thực trạng của nền văn hóa mà chúng
ta đang xây dựng có sự phát triển không đồng đều giữa văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần,
giữa các giá trị vật chất và giá trị tinh thần.
Hai là, nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mà chúng ta đang xây dựng, dưới sự
lãnh đạo của Đảng đang phát huy mạnh mẽ những tiềm năng sáng tạo của những cá nhân.
Những ai đang mang trong mình những khả năng sáng tạo đều có thể thực hiện được những ước
mơ của mình. Và thực tế trong mọi hoạt động văn hóa, đặc biệt là trong các hoạt động văn hóa
gắn với sở thích, với tài năng, rất nhiều cá nhân đã được xã hội cổ vũ và đón nhận. Tuy nhiên,
với cơ chế thị trường trên không ít những khả năng sáng tạo của cá nhân đang biến thành một
chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, tách mình ra khỏi cộng đồng và trở thành một hiện tượng phản văn hóa
trong các quan hệ với cộng đồng. Thực trạng cá nhân tách ra khỏi cộng đồng, chống lại cộng
đồng và ngược lại, cộng đồng chưa tạo những điều kiện tốt nhất để cá nhân phát triển các năng
lực sáng tạo đang là một điểm rất nóng trong nhiều các quan hệ văn hóa ở nước ta hiện nay.
Thứ ba là, trong vòng gần 30 năm đổi mới vừa qua, đất nước ta trải qua một quá trình
phân tầng xã hội quá nhanh và rất sâu. Nhiều người giàu lên không bằng lao động chính đáng
của mình, nhiều người lao động chính đáng lại gặp rất nhiều rủi ro trong cơ chế thị trường. Ở
đây, người ta nhìn thấy sự phân tầng cả về quyền lực và sự tha hóa mạnh mẽ của quyền lực đã
tạo nên những mất công bằng xã hội. Thực trạng này đã tạo nên rất nhiều những phản văn hóa
và đảo lộn hệ thống giá trị. Khi những kẻ giàu có vô liêm sĩ huyênh hoang về những của cải vật
chất, mua bán, đổi chác những giá trị tinh thần vô giá bằng tiền bạc.
Thứ tư là, gần 30 năm xây dựng và phát triền nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc
vừa qua, chúng ta chưa xây dựng được một hệ thống chuẩn mực đủ sức điều chỉnh các hoạt động
văn hóa văn nghệ. Rất nhiều các lãnh vực văn hóa xã hội vô chuẩn. Không ít chuẩn mực rất lạc
hậu còn tồn tại đóng vai trò điều tiết một số các quan hệ văn hóa văn nghệ; nhiều giá trị văn hóa
thấp kém lại được tôn vinh, không ít hoạt động văn hóa văn nghệ có chất lượng lại bị đánh giá
thấp. Người ta nhận thấy có một số đánh giá rất sai lệch về hệ thống giá trị trong nền văn hóa. Có
sự cào bằng giữa lao động giản đơn và lao động phức tạp trong các lãnh vực văn hóa. Thực trạng
này làm cho văn hóa đỉnh cao chưa có điều kiện phát triển trong cấu trúc nền văn hóa văn nghệ
mới.
Thứ năm là, nền văn hóa hiện nay đang trong quá trình hiện đại hóa. Cùng với những làn
sóng xuất khẩu, đầu tư, tin học là quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Các quá trình này lấn
lướt, đang xô đẩy nhiều hệ thống giá trị vốn là những lực cân bằng giữa truyền thống và hiện đại
của nền văn hóa. Các làn sóng, các quá trình hiện đại hóa đó đã làm lỏng lẻo, lay chuyển rất
nhiều thiết chế văn hóa như thiết chế gia đình, thiết chế tín ngưỡng tôn giáo và xô đẩy cả nền văn
hóa tình nghĩa đến bên bờ của những dòng thác tiền tài, thực dụng, có nguy cơ diệt vong của cả
một nền văn hóa biết xấu hổ. Thực trạng mất cân bằng nghiêm trọng giữa những giá trị truyền
thống và những giá trị hiện đại đang tạo ra rất nhiều những phản văn hóa trong quá trình chúng
ta xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong cơ chế thị trường ở
nước ta hiện nay.
Thứ sáu là, chúng ta đang xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân
tộc trong bối cảnh chúng ta đã có mặt tại diễn đàn kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC)
và đã tham gia WTO, nghĩa là chúng ta đã/sẽ/và còn phải hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế
giới. Chúng ta đã chấp nhận các luật chơi của cơ chế thị trường tự do, và chính cơ chế này đã
giằng đứt nhiều giây neo chúng ta với chủ nghĩa xã hội để nó thả nền văn hóa của chúng ta cuốn
vào những cơn sóng của đế quốc văn hóa. Những chuẩn mực, những công nghệ của đế quốc văn
hóa đang thu hút giới trẻ trên mạng thông tin toàn quốc và toàn cầu. Những thước phim tình dục
và bạo lực, những hệ tư tưởng khác lạ, những quan điểm văn hóa thác loạn đang gạ gẫm và rủ rê
những chàng trai, cô gái thích cái mới, cái lạ đến với chúng. Thực trạng hội nhập mau lẹ và cơ
chế kiến tạo những giá trị xã hội chủ nghĩa yếu ớt đã làm cho nền văn hóa theo định hướng xã
hội chủ nghĩa trở nên ngày một xa vời.
Thứ bảy là, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc mà chúng ta đang xây dựng là một bộ
phận hữu cơ của mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam thông qua cơ chế thị trường. Học thuyết, hệ
thống lý luận về cái mô hình này đang được nghiên cứu và chưa hoàn thiện. Vì thế, hệ thống lý
luận về văn hóa để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc có rất nhiều
điểm còn chung chung, chưa rõ ràng. Thực trạng này, khi các nhà quản lý văn hóa triển khai vào
thực tiễn văn hóa rất lúng túng. Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, nhưng hỏi rất
nhiều nhà hoạt động và nghiên cứu văn hóa: Văn hóa nào đang là nền tảng tinh thần xã hội ta?
Câu hỏi này không có lời giải đáp nhất quán! Vậy thế nào là nền tảng tinh thần của xã hội, và vì
sao văn hóa lại là nền tảng tinh thần xã hội? Câu hỏi này đã có nhiều Giáo sư và Viện sĩ phân
tích nhưng nhiều nhà quản lý văn hóa vẫn không quán triệt được nó trong thực tiễn bởi vì câu trả
lời quá phức tạp và không thuyết phục.
Nói nguồn lực cơ bản của nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là công – nông –
trí. Nhưng với cơ chế thị trường thì công nhân như thế nào? Nông dân như thế nào? Tri thức như
thế nào? Tại sao cơ chế thị trường mà doanh nhân không phải là nguồn lực của văn hóa? Trong
cấu trúc của xã hội Việt Nam hôm nay tầng lớp doanh nhân lớn nhanh như thần Phù Đổng, họ đã
tham gia vào các quá trình xóa đói, giảm nghèo, làm từ thiện và xây nhà tình nghĩa. Nếu trong hệ
thống lý luận về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thể chế
kinh tế thị trường mà không phải là tầng lớp doanh nhân đóng vai trò quan trọng thì lý luận đó có
phản ánh đúng thực tiễn xây dựng nền văn hóa này không?
Có thể thấy rằng nhiều quan điểm chỉ đạo trong hệ thống lý luận xây dựng nền văn hóa
Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thể chế kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay
chưa thật cụ thể, chưa thật bám sát vào những biến động văn hóa của đất nước, cho nên khi quán
triệt trong đời sống nó thiếu sức mạnh.
Những nguyên nhân cơ bản của thực trạng này đã từng được rất nhiều nhà nghiên cứu văn
hóa phân tích xung quanh mối quan hệ giữa đường lối của Đảng, sự quản lý của nhà nước và tinh
thần làm chủ của nhân dân. Ở nơi nào quán triệt một cách tốt nhất đường lối văn hóa văn nghệ
của Đảng, nơi nào năng lực của hệ thống quản lý văn hóa vừa có tài, vừa có đức, vừa làm việc
khoa học, địa phương nào dân trí phát triển, quan trí phát triển thì những nơi đó, lãnh vực đó, địa
phương đó có những thành tựu nổi bật trong việc xây dựng nền văn hóa mới. Ngược lại, ở nơi
nào đường lối phát triển văn hóa của Đảng ở trên cây, trên loa, trên đài, còn hệ thống quản lý văn
hoá yếu kém, nhân dân quay mặt với quá trình xây dựng nền văn hóa mới thì ở nơi đó sẽ có rất
nhiều những điểm nóng văn hóa.
Xung quanh mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo văn hóa, nhà nước quản lý sự nghiệp xây
dựng nền văn hóa mới và nhân dân làm chủ quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên
tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều nhà nghiên cứu và giảng dạy lý luận về văn hóa có một số
nhận xét như sau:
Một là, đường lối lãnh đạo văn hóa của Đảng phải cập nhật hơn để định hướng những hoạt
động văn hóa biến động rất mau lẹ và phức tạp trong thể chế kinh tế thị trường. Phần lớn đường
lối lãnh đạo văn hóa của Đảng định hướng về văn hóa chính trị còn những lãnh vực khác của văn
hóa, hầu như đường lối thiếu cụ thể hóa. Đảng ta nói phải quán triệt tư tưởng độc lập dân tộc gắn
liền với chủ nghĩa xã hội trong hoạt động văn hóa văn nghệ; các văn kiện của Đảng định hướng
chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là cốt lõi của mọi hoạt động văn hóa. Nói như
vậy là nói về mặt văn hóa chính trị. Còn văn hóa gia đình, văn hóa làng xã, phố phường, văn hóa
công sở, văn hóa học đường, văn hóa giao thông, văn hóa công nghiệp, văn hóa thương nghiệp,
văn hóa nông nghiệp,….. thì quán triệt tư tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội như thế nào?
Và cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các lãnh vực đó ra sao? Cần
phải hiện thực hóa, cụ thể hóa các tư tưởng của Đảng vào từng lãnh vực văn hóa cụ thể thì các tư
tưởng đó mới có ý nghĩa ý thức hệ, các nhà quản lý văn hóa mới không lúng túng khi triển khai
các tư tưởng của Đảng, nhân dân mới dễ hiểu đường lối của Đảng.
Hai là, về năng lực, trình độ và trách nhiệm của hệ thống quản lý văn hóa. Hiện nay, trong
việc quản lý văn hóa ở rất nhiều lãnh vực, nhà quản lý cần phải chuyên sâu. Văn hóa là một lãnh
vực đa dạng và phức tạp, nếu nhà quản lý văn hóa thiếu năng lực, không có trình độ, vô trách
nhiệm và làm việc thiếu khoa học sẽ gây nên rất nhiều phản văn hóa trong lãnh vực nhạy cảm
này. Một trong những thực trạng nền văn hóa Việt Nam hiện nay phát triển không đồng bộ giữa
văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, giữa truyền thống và hiện đại, giữa sự phát triển đa dạng
và định hướng xã hội chủ nghĩa là do trình độ, năng lực của nhà quản lý văn hóa văn nghệ quá
yếu kém. Người ta phá hoại di sản văn hóa, người ta mang những thứ văn hóa lạ lẫm đến nền văn
hóa này, người ta làm băng hoại những phẩm giá văn hóa dân tộc…. nhiều nhà quản lý văn hóa
cũng không biết. Thậm chí, ngay đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, nhiều người cũng không
biết vận dụng như thế nào vào thực tiễn hoạt động văn hóa cho tốt nhất. Có thể nói, một trong
những nguyên nhân chủ yếu tạo nên các hiện tượng phản văn hóa trong xã hội ta ngày nay là do
hệ thống quản lý văn hóa làm chưa khoa học, trình độ và năng lực quản lý yếu kém và còn rất
nhiều người vô trách nhiệm trong cương vị của mình.
Ba là, nhân dân làm chủ trong việc xây dựng nền văn hóa mới, nền văn hóa tiên tiến đậm
đà bản sắc dân tộc là một nền văn hóa của cơ chế thị trường nên nó khá phuc tạp và đa dạng.
Muốn làm chủ được nó cần phải hiểu bản chất và các quy luật hoạt động của nó. Điều này đặt ra
vấn đề về việc nâng cao dân trí. Muốn xây dựng, phát triển và làm chủ tốt nền văn hóa Việt Nam
tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong cơ chế thị trường giữa những làn sóng đầu tư, xuất khẩu,
tin học, thị trường tài chính, thị trường lao động, thị trường chứng khoán của thời kỳ hội nhập
kinh tế sâu rộng như hôm nay mà nhân dân không được hiểu về bản chất cái thị trường này thì
khó có thể làm chủ tốt những hoạt động văn hóa. Thực trạng những điểm nóng văn hóa trong
quản lý đất đai, những lộn xộn trong lễ hội, trong bảo tồn và trùng tu các di tích, trong văn hóa
du lịch…có liên quan bản chất đến việc nâng cao trình độ dân trí.
Để phát huy những ưu điểm, khắc phục những nhược điểm trong tiến trình xây dựng và
phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ở nước ta hiện nay theo ý
chúng tôi cần phài quan tâm toàn diện đến tất cả các mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần, giữa
thượng tầng kiến trúc với hạ tầng cơ sở, giữa các quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực
lượng sản xuất cùng với các quan hệ giữa dân tộc và quốc tế, cá nhân và xã hội, truyền thống và
hiện đại, con người và tự nhiên, công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, giáo dục, y tế, giao
thông vận tải, các thế hệ người….trong đó nổi bật ba vấn đề cơ bản: một là các nguồn lực để
phát triển văn hóa, hai là, các chuẩn mực của nền văn hóa, ba là các thiết chế văn hóa.
Về các nguồn lực của sự phát triển văn hóa. Ai cũng biết rằng văn hóa là trình độ người
của các quan hệ giữa con người và tự nhiên, con người với con người trong xã hội và sự phát
triển của chính bản thân con người. Dù là văn hóa phương Đông hay văn hóa phương Tây, văn
hóa thời cổ đại hay văn hóa thời kỳ hiện đại, văn hóa thời bao cấp hay văn hóa thời kỳ đổi mới
đều là quá trình đối tượng hóa các năng lực bản chất người trong các quan hệ với tự nhiên, với
cộng đồng xã hội, với chính phẩm giá, năng lực và thiên hướng của mỗi nhân cách. Như vậy, các
nguồn lực của sự phát triển mọi văn hóa gồm có nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên thiên nhiên
và nguồn tài chính. Để phát triển mỗi nền văn hóa ta phải quan tâm phát triển ba nguồn lực này.
Nều phát triển đúng thì nền văn hóa có sức sống và nều phát triển sai lệch thì nền văn hóa thiếu
sức sống, bởi vì không có những hợp lực, nhiều khi lại tạo ra những phân lực của nền văn hóa.
Để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, gần 30
năm qua chúng ta coi nguồn nhân lực cơ bản là khối đoàn kết công – nông – trí, trong đó đội ngũ
tri thức đóng vai trò quan trọng. Trong gần 30 năm qua, đời sống của giai cấp công nhân ở Việt
Nam rất bấp bênh, nếu không muốn nói là nhiều gia đình lâm vào cảnh nhếch nhác. Họ đều đi
làm thuê cho các doanh nghiệp, các nhà tư bản. Nhiều người bị các nhà tư bản trả công rẻ mạt và
lao dộng rất vất vả. Với đội ngũ giai cấp công nhân như vậy, nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản
sắc dân tộc chưa thể phát triển tốt đẹp được.
Về giai cấp nông dân, gần 30 năm đổi mới, quá trình đô thị hóa và các làn sóng xuất khẩu,
đầu tư, tin học đã mang lại cho nhiều gia đình nông dân một cuộc sống khá giả, song nhiều gia
đình cũng mất đất, mất ruộng, không có việc làm. Người nông dân đã sản xuất nhiều sản phẩm
nông nghiệp có tính hàng hóa, nhưng họ đã sử dụng quá nhiều hóa chất độc hại làm hại cho cả
đất đai và nguồn nước. Các quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đã làm cho hàng vạn, hàng
chục vạn gia đình phải di cư khỏi chỗ ở của mình. Có một cuộc đảo lộn rất to lớn trong cấu trúc
xã hội. Nhiều người nông dân phải ra thành phô, ra nước ngoài để bán sức lao động. nguồn nhân
lực để xây dựng văn hóa nông thôn trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay
đang có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt là lối sống tiểu nông.
Về đội ngũ tri thức, gần 30 đổi mới, chỳng ta xây dựng thêm nhiều trường Đại Học,
nhưng chất lượng đào tạo thấp, rất nhiều sinh viên trớ thức ra trường không có việc làm. Nhiều
tri thức với nhiều lý do khác nhau chưa được sử dụng tốt nhất. Nhiều vạn tri thức đi học nước
ngoài chưa hoặc không trở về tổ quốc để xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Lực lượng trớ thức xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc chưa được phân bổ
đều ở các vùng, các miền, các lĩnh vực phát triển văn hóa.
Trong cơ cấu xã hội của Việt Nam gần 30 năm đổi mới, tầng lớp doanh nhân tăng lên rất
nhanh. Họ cống hiến rất nhiều vào toàn bộ đời sống văn hóa. Ở khu vực sản xuất công nghiệp,
nông nghiệp luôn có sự hiện diện của họ trong mô hình 4 nhà: nhà sản xuất, nhà kinh doanh, nhà
khoa học và nhà nước. Đâu đâu cũng thấy tiền tỷ của các doanh nhân làm từ thiện.... Vậy mà cơ
cấu nguồn lực của nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc không có sự hiện diện xứng tầm
của họ. Tại sao một nền văn hóa của cơ chế thị trường mà lại không phải là tầng lớp doanh nhân
đóng vai trò quan trọng.
Ngoài nhân lực, thì nguồn lực của sự phát triển văn hóa Việt nam hôm nay phải gắn liền
với tài nguyên đất đai, sông, suối, rừng, khoáng sản, mặt đất, bầu trời, nguồn nước của quốc
gia. Con người xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam đã làm gì với nguồn tài nguyên này!
Nhiều người đã săn bắt động vật hoang dã, phá hoại rừng nguyên sinh, ngăn sông, chặn suối, bắt
thủy hải sản bằng chất nổ và sung lực điện. Rất nhiều điểm nóng văn hóa sảy ra đối việc quả lý
đất đâi và thái độ vô trách nhiệm của con người cố ý làm ô nhiễm môi trường. Để xây dựng và
phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc cần có một hệ giải pháp cơ bản lâu dài
cho sự phát triển bền vững nguồn tài nguyên này, cần phải có một chính sách quản lý và giảm
quyền lực thao túng tài nguyên quốc gia.
Ngoài các nguồn nhân lực các tài nguyên tự nhiên, vấn đề xây dựng nền văn hoán tiên tiến
đậm đà bản sắc dân tộc trong thể chế kinh tế thị trường không thể không làm chủ nguồn tài
chính. Các điểm nóng văn hóa đã nổi lên cùng với nhứng trận bóo giá, những tiêu cực văn hóa
phần lớn dùng đồng tiên để bôi trơn các mối quan hệ xã hội, những tội phạm, những kẻ tham ô,
đều xoay quanh vấn đề đồng tiền. Sử dụng tốt đồng tiền sẽ có một nền văn hóa tốt. Buông lỏng
quản lý đồng tiền, đồng tiền sẽ biến những phản văn hóa thành những giá trị văn hóa cao quý!
Để xây dựng và phát triển mỗi nền văn hóa, ngoài việc quan tâm đúng và triệt để nuôi
dưỡng, phát huy các nguồn lực, người ta cần thiết phải chú ý đến các chuẩn mực văn hóa. Các
chuẩn mực văn hóa mà nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc phải hướng đến xây dựng là
cái đúng, cái tốt, các đẹp, cái hợp lý. Tất cả những lộn xộn về văn hóa trong thời gian vừa qua
đều liên quan đến hệ thống chuẩn mực mà chúng chưa bám rễ vào đời sống, thậm chí có lãnh
vực còn vô chuẩn.
Một xã hội có văn hóa, một cộng đồng có văn hóa, một cá nhân là nhân cách văn hóa, một
nền văn hóa, một thời đại văn hóa trước hết phải sống và làm việc theo cái đúng. Đó là cái đúng
của hiến pháp và pháp luật. Chuẩn mực pháp luật là chuẩn mực được phép và không được phép
của một cộng đồng văn hóa: Sống bên ngoài vòng pháp luật, sống bên trên pháp luật đều là vô
văn hóa. Sống đúng còn phải sống theo chuẩn mực khoa học. Sống và làm việc theo chuẩn mực
pháp luật và khoa học là sống có văn hóa. Khoa học sẽ tạo cho nền văn hóa được phát triển
khách quan, không thiên vị và có giá trị nhân loại khi nó bảo vệ phẩm giá dân tộc. Sống đúng là
sống theo một lý tưởng tích cực, lý tưởng tiến bộ. Lý tưởng này định hướng cho các quan hệ
giữa cá nhân và cộng đồng vươn tới những nấc thang tiến bộ, bảo đảm quyền lao động, quyền
công dân, quyền sống và cả quyền chết của mỗi con người có văn hóa. Nền văn hóa tiên tiến
đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta nhất định phải xây dựng một hệ chuẩn của cái đúng gắn với
hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gắn với nền khoa học tiên tiến của
thời đại, gắn với lý tưởng tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội.
Ngoài chuẩn mực của cái đúng, nền văn hóa tiền tiến đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta
phát triển trong cơ chế thị trường nhất định phải xây cho được hệ chuẩn mực của cái tốt. Hệ
chuẩn mực này sẽ nối liền các giá trị đạo đức truyền thống với các giá trị đạo đức hiện đại. Hệ
chuẩn mực này phát triển cao độ ý chí của con người làm cho các nhân cách được phát triển các
phẩm giá đạo đức và các quan hệ cộng đồng có sự yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau một
cách vô tư. Những năm tháng vừa qua chúng ta chưa xây dựng được một hệ chuẩn đạo đức phát
triển các nhân cách trong cơ chế thị trường cho nên nhiều lối sống thực dụng, ích kỷ, tàn bạo đến
ghê người đã xuất hiện trong nền văn hóa. Mục tiêu quan trọng của giải pháp xây dựng các
chuẩn mực của cái tốt trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thể chế kinh tế
thị trường là thúc đẩy chủ nghĩa yêu nước chân chính, bảo vệ và cổ vũ những phẩm giá đạo đức,
đấu tranh chống mọi áp bức, bóc lột vì chủ nghĩa nhân văn cao cả và lòng khoan dung vô hạn
giữa con người với con người.
Nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta phải xây dựng hệ chuẩn thẩm
mỹ lấy cái đẹp làm trung tâm. Đó là một hệ chuẩn rất cơ bản của nền văn hóa nhằm phát triển
toàn diện nhân cách con người, phát huy tài năng sáng tạo của con người, tạo dựng mối quan hệ
thống nhất và đa dạng trong phát triển văn hóa, hướng mọi hoạt động văn hóa đặc biệt là hoạt
động văn hóa nghệ thuật gắn với lý tưởng cao đẹp và thị hiếu lành mạnh. Chuẩn mực của cái đẹp
trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc sẽ kích thích mọi sự sáng tạo cá nhân hướng
tới sự phát triển hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và tộc người, giữa quốc gia
và quốc tế, con người và tự nhiên. Chuẩn mực của cái đẹp góp phần rất quan trọng trong sự
nghiệp hình thành những năng lượng thẩm mỹ cho xã hội để nếu ai mang trong mình tố chất của
nhà nghệ sĩ họ sẽ đóng góp những giá trị rất độc đáo cho nền văn hóa.
Nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ở nước ta hiện nay khi xây dựng trong thể
chế thị trường nó phải hình thành cho được những chuẩn mực của cái hợp lý hay không hợp lý
gắn với lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm và lợi ích của cả cộng đồng. Nền văn hóa tiên tiến đậm đà
bản sắc dân tộc ở Việt Nam là nền văn hóa của cơ chế thị trường và tồn tại suốt trong thời kỳ quá
độ. Nó chấp nhận mọi sự cạnh tranh hợp lý và không dung nạp chủ nghĩa bình quân ấu trĩ, tôn
trọng moị hoạt động sáng tạo cá nhân và có cơ chế phát triển những tài năng. Điều này có vẻ rất
mới so với tư duy truyền thống. Trong cơ chế thị trường, chúng ta không duy nhất hóa sư hy sinh
cá nhân cho cộng đồng, không coi sự phát triển hài hòa có tính vật lý mà là sự hợp lý. Những cá
nhân xuất sắc, các tài năng kiệt xuất trong lãnh vực văn hóa phải được cộng đồng chú ý hơn, tôn
vinh tích cực hơn và trao cho họ những lợi ích xứng đáng hơn, bởi vì họ có năng lực phát triển
xã hội tốt hơn.
Vấn đề cuối cùng trong giải pháp xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ở
nước ta hiện nay là phải quan tâm triệt để đến hệ thống thiết chế văn hóa. Các thiết chế văn hóa
hình thành là do sự đòi hỏi bền vững của mọi hoạt động văn hóa. Nền văn hóa tiên tiến đậm đà
bản sắc dân tộc của chúng ta đã kế thừa rất nhiều thiết chế của nền văn hóa truyền thống. đó là
các thiết chế văn hóa lao động, văn hóa thế hệ, văn hóa vui chơi giải trí, văn hóa giáo dục, văn
hóa tín ngường tâm linh, văn hóa nghệ thuật, văn hóa thể chất và rất nhiều những thể chế văn hóa
khác. Để duy trì và phát triển những hoạt động văn hóa trong trong thể chế kinh tế thị trường
giữa một thời đại bùng nổ thông tin, hệ thống truyền thông đại chúng phát triển rất nhanh, chúng
ta cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện thêm những thiết chế văn hóa mới gắn với thời đại mới
và những biến động dữ dội của cơ chế thị trường. Đó là những thiết chế làm cho những cái đã tốt
ngày càng tốt hơn và đồng thời nó trở thành một cơ chế lọc bỏ những nhân tố lạc hậu của nền
văn hóa, hội nhập và tiếp biến những nhân tố tiến bộ của nhiều nền văn hóa trên thế giới đồng
thời với việc gìn giữ phẩm giá dân tộc.
Hệ giải pháp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc gắn với
toàn bộ sự vận động của đời sống xã hội. Văn hóa là cái dính kết, cái lan tỏa trong mọi hoạt động
lao động, giao tiếp, sinh tồn xã hội. Văn hóa là một quá trình nhân hóa, nó liên quan tới mọi
phương diện, mọi ngành trong đời sống xã hội. Vì thế, những giải pháp để phát triển nó phải có ý
nghĩa chiến lược quốc gia. Những giải pháp này riêng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch không thực
hiện được mà phải có mối liên hệ phối hợp với các ngành, các cấp và của toàn xã hội một cách
khoa học và đồng bộ.
Sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc
dũ đã trải qua gần ba thập kỷ, nhưng nó mới là thời đoạn ban đầu. Nó đang biến động dữ dội,
nhưng nếu chúng ta làm chủ được các nguồn lực, xây dựng thành công hệ chuẩn của cái đúng,
cái tốt, cái đẹp, cái hợp lý, hình thành một cách cơ bản và khoa học những thiết chế văn hóa nền
tảng thì chúng ta nhất định xây dựng thành công nền văn hóa này.
THỂ CHẾ, THIẾT CHẾ, CƠ CHẾ PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
Ths.Hồ Việt Hà -Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính
Bộ Văn háo,Thể thao và Du lịch
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII), năm 1998 đã ban
hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc (Nghị quyết trung ương 5 khóa VIII). Đây là Nghị quyết có ý nghĩa chiến lược, chỉ đạo quá
trình xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa ở nước ta đã tạo bước biến chuyển cơ bản nhằm
tiếp thụ tinh hoa vǎn hóa nhân loại, làm cho vǎn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động
xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi
lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước. Qua 15 năm thực hiện, trong
khuôn khổ nghiên cứu khoa học, đề tài này tập trung nghiên cứu về thể chế, thiết chế, cơ chế
phát triển văn hóa thực trạng và giải pháp như sau:
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)
Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)

Weitere ähnliche Inhalte

Was ist angesagt?

Chuong2.ttuong
Chuong2.ttuongChuong2.ttuong
Chuong2.ttuongmai_mai_yb
 
CHƯƠNG IV- Tư tưởng HCM.docx
CHƯƠNG IV- Tư tưởng HCM.docxCHƯƠNG IV- Tư tưởng HCM.docx
CHƯƠNG IV- Tư tưởng HCM.docxHVNhHoa
 
Quá trình đổi mới tư duy về nhận thức Kinh Tế Thị Trường ở Việt nam của Đảng
Quá trình đổi mới tư duy về nhận thức Kinh Tế Thị Trường ở Việt nam của ĐảngQuá trình đổi mới tư duy về nhận thức Kinh Tế Thị Trường ở Việt nam của Đảng
Quá trình đổi mới tư duy về nhận thức Kinh Tế Thị Trường ở Việt nam của ĐảngThanh Hien Vo
 
Tài liệu tìm hiểu chương trình môn ngữ văn
Tài liệu tìm hiểu chương trình môn ngữ vănTài liệu tìm hiểu chương trình môn ngữ văn
Tài liệu tìm hiểu chương trình môn ngữ vănnataliej4
 
Văn hóa việt nam thống nhất trong đa dạng
Văn hóa việt nam thống nhất trong đa dạngVăn hóa việt nam thống nhất trong đa dạng
Văn hóa việt nam thống nhất trong đa dạngPham Van Tam
 
Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...
Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...
Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...Huynh Loc
 
LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...
LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...
LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...PinkHandmade
 
BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...
BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...
BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...PinkHandmade
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc - TẢI ...
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc - TẢI ...Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc - TẢI ...
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc - TẢI ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
6. Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại
6. Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại6. Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại
6. Các mô hình quản lý nhà nước hiện đạiSỨC KHỎE VÀ CUỘC SỐNG
 

Was ist angesagt? (20)

Chuong2.ttuong
Chuong2.ttuongChuong2.ttuong
Chuong2.ttuong
 
CHƯƠNG IV- Tư tưởng HCM.docx
CHƯƠNG IV- Tư tưởng HCM.docxCHƯƠNG IV- Tư tưởng HCM.docx
CHƯƠNG IV- Tư tưởng HCM.docx
 
Luận văn: Pháp gia trong tư tưởng chính trị - xã hội Trung Quốc cổ đại
Luận văn: Pháp gia trong tư tưởng chính trị - xã hội Trung Quốc cổ đạiLuận văn: Pháp gia trong tư tưởng chính trị - xã hội Trung Quốc cổ đại
Luận văn: Pháp gia trong tư tưởng chính trị - xã hội Trung Quốc cổ đại
 
Luận án: Vai trò xã hội của Nho giáo ở Việt Nam từ XV đến XIX
Luận án: Vai trò xã hội của Nho giáo ở Việt Nam từ XV đến XIXLuận án: Vai trò xã hội của Nho giáo ở Việt Nam từ XV đến XIX
Luận án: Vai trò xã hội của Nho giáo ở Việt Nam từ XV đến XIX
 
Quá trình đổi mới tư duy về nhận thức Kinh Tế Thị Trường ở Việt nam của Đảng
Quá trình đổi mới tư duy về nhận thức Kinh Tế Thị Trường ở Việt nam của ĐảngQuá trình đổi mới tư duy về nhận thức Kinh Tế Thị Trường ở Việt nam của Đảng
Quá trình đổi mới tư duy về nhận thức Kinh Tế Thị Trường ở Việt nam của Đảng
 
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày ở Tuyên Quang, HAY
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày ở Tuyên Quang, HAYTín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày ở Tuyên Quang, HAY
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày ở Tuyên Quang, HAY
 
Tài liệu tìm hiểu chương trình môn ngữ văn
Tài liệu tìm hiểu chương trình môn ngữ vănTài liệu tìm hiểu chương trình môn ngữ văn
Tài liệu tìm hiểu chương trình môn ngữ văn
 
Văn hóa việt nam thống nhất trong đa dạng
Văn hóa việt nam thống nhất trong đa dạngVăn hóa việt nam thống nhất trong đa dạng
Văn hóa việt nam thống nhất trong đa dạng
 
Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...
Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...
Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...
 
Luận án: Đời sống văn hóa tinh thần của học sinh THPT Hà Nội
Luận án: Đời sống văn hóa tinh thần của học sinh THPT Hà NộiLuận án: Đời sống văn hóa tinh thần của học sinh THPT Hà Nội
Luận án: Đời sống văn hóa tinh thần của học sinh THPT Hà Nội
 
LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...
LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...
LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...
 
Tiểu luận vấn đề dân tộc và những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa mác lenin t...
Tiểu luận vấn đề dân tộc và những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa mác lenin t...Tiểu luận vấn đề dân tộc và những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa mác lenin t...
Tiểu luận vấn đề dân tộc và những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa mác lenin t...
 
Đề tài: Phát huy giá trị văn hóa nhà dài của người Êđê, HAY, 9đ
Đề tài: Phát huy giá trị văn hóa nhà dài của người Êđê, HAY, 9đĐề tài: Phát huy giá trị văn hóa nhà dài của người Êđê, HAY, 9đ
Đề tài: Phát huy giá trị văn hóa nhà dài của người Êđê, HAY, 9đ
 
BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...
BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...
BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc - TẢI ...
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc - TẢI ...Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc - TẢI ...
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc - TẢI ...
 
6. Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại
6. Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại6. Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại
6. Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại
 
Đề cương ôn thi môn CHÍNH SÁCH CÔNG – KÉM ĐÁP ÁN !
Đề cương ôn thi môn CHÍNH SÁCH CÔNG – KÉM ĐÁP ÁN !Đề cương ôn thi môn CHÍNH SÁCH CÔNG – KÉM ĐÁP ÁN !
Đề cương ôn thi môn CHÍNH SÁCH CÔNG – KÉM ĐÁP ÁN !
 
Luận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường
Luận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc MườngLuận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường
Luận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường
 
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh ChâuLuận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
 
Ảnh hưởng của Nho giáo đến đời sống tinh thần của người Việt Nam
Ảnh hưởng của Nho giáo đến đời sống tinh thần của người Việt NamẢnh hưởng của Nho giáo đến đời sống tinh thần của người Việt Nam
Ảnh hưởng của Nho giáo đến đời sống tinh thần của người Việt Nam
 

Andere mochten auch

Văn hóa việt nam trong bối cảnh toàn cầu hóa
Văn hóa việt nam trong bối cảnh toàn cầu hóaVăn hóa việt nam trong bối cảnh toàn cầu hóa
Văn hóa việt nam trong bối cảnh toàn cầu hóaPham Van Tam
 
giáo trình cơ sở văn hóa việt nam
giáo trình cơ sở văn hóa việt namgiáo trình cơ sở văn hóa việt nam
giáo trình cơ sở văn hóa việt namMChau NTr
 
Ngân hàng câu hỏi môn đường lối cm
Ngân hàng câu hỏi môn đường lối cmNgân hàng câu hỏi môn đường lối cm
Ngân hàng câu hỏi môn đường lối cmngochaitranbk
 
Đề Cương cơ sở văn hóa việt nam
Đề Cương cơ sở văn hóa việt namĐề Cương cơ sở văn hóa việt nam
Đề Cương cơ sở văn hóa việt namlimsea33
 
Các vấn đề xã hội Việt Nam (Đường lối cách mạng)
Các vấn đề xã hội Việt Nam (Đường lối cách mạng)Các vấn đề xã hội Việt Nam (Đường lối cách mạng)
Các vấn đề xã hội Việt Nam (Đường lối cách mạng)Hoàng Ngô Việt
 
[đườNg lối] 20 câu hỏi ôn tập (kèm đáp án) bookbooming
[đườNg lối] 20 câu hỏi ôn tập (kèm đáp án) bookbooming[đườNg lối] 20 câu hỏi ôn tập (kèm đáp án) bookbooming
[đườNg lối] 20 câu hỏi ôn tập (kèm đáp án) bookboomingbookbooming
 
Tư Tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa
Tư Tưởng Hồ Chí Minh về văn hóaTư Tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa
Tư Tưởng Hồ Chí Minh về văn hóaQuyên Nguyễn Tố
 
Luận văn [thuvientructuyen.vn] tác động của toàn cầu hóa đối với văn...
Luận văn [thuvientructuyen.vn] tác động của toàn cầu hóa đối với văn...Luận văn [thuvientructuyen.vn] tác động của toàn cầu hóa đối với văn...
Luận văn [thuvientructuyen.vn] tác động của toàn cầu hóa đối với văn...Royal Scent
 
Tiểu luận tư tưởng hồ chí minh về văn hóa
Tiểu luận tư tưởng hồ chí minh về văn hóaTiểu luận tư tưởng hồ chí minh về văn hóa
Tiểu luận tư tưởng hồ chí minh về văn hóaTrần Đức Anh
 
Cơ sở văn hóa việt nam
Cơ sở văn hóa việt namCơ sở văn hóa việt nam
Cơ sở văn hóa việt namNhi Lùn
 
Đường lối xây dựng phát triển văn hóa từ 1986
Đường lối xây dựng phát triển văn hóa từ 1986Đường lối xây dựng phát triển văn hóa từ 1986
Đường lối xây dựng phát triển văn hóa từ 1986Vũ Ngọc Tú
 
PHÂN TÍCH QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI THỜI KÌ ĐỔI MỚI
PHÂN TÍCH QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI THỜI KÌ ĐỔI MỚIPHÂN TÍCH QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI THỜI KÌ ĐỔI MỚI
PHÂN TÍCH QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI THỜI KÌ ĐỔI MỚIdinhtrongtran39
 
Chương VII tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa
Chương VII  tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóaChương VII  tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa
Chương VII tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóale hue
 
Chương 6 văn hóa trong các hoạt động kinh doanh
Chương 6 văn hóa trong các hoạt động kinh doanhChương 6 văn hóa trong các hoạt động kinh doanh
Chương 6 văn hóa trong các hoạt động kinh doanhNgọc Yến Lê Thị
 
Slide thuyết trình - Tư tưởng Hồ Chí Minh
Slide thuyết trình - Tư tưởng Hồ Chí MinhSlide thuyết trình - Tư tưởng Hồ Chí Minh
Slide thuyết trình - Tư tưởng Hồ Chí MinhNgọc Hưng
 
Bài tập nhóm: Văn hóa nhận thức
Bài tập nhóm: Văn hóa nhận thứcBài tập nhóm: Văn hóa nhận thức
Bài tập nhóm: Văn hóa nhận thứcShizuka Tsukino
 

Andere mochten auch (16)

Văn hóa việt nam trong bối cảnh toàn cầu hóa
Văn hóa việt nam trong bối cảnh toàn cầu hóaVăn hóa việt nam trong bối cảnh toàn cầu hóa
Văn hóa việt nam trong bối cảnh toàn cầu hóa
 
giáo trình cơ sở văn hóa việt nam
giáo trình cơ sở văn hóa việt namgiáo trình cơ sở văn hóa việt nam
giáo trình cơ sở văn hóa việt nam
 
Ngân hàng câu hỏi môn đường lối cm
Ngân hàng câu hỏi môn đường lối cmNgân hàng câu hỏi môn đường lối cm
Ngân hàng câu hỏi môn đường lối cm
 
Đề Cương cơ sở văn hóa việt nam
Đề Cương cơ sở văn hóa việt namĐề Cương cơ sở văn hóa việt nam
Đề Cương cơ sở văn hóa việt nam
 
Các vấn đề xã hội Việt Nam (Đường lối cách mạng)
Các vấn đề xã hội Việt Nam (Đường lối cách mạng)Các vấn đề xã hội Việt Nam (Đường lối cách mạng)
Các vấn đề xã hội Việt Nam (Đường lối cách mạng)
 
[đườNg lối] 20 câu hỏi ôn tập (kèm đáp án) bookbooming
[đườNg lối] 20 câu hỏi ôn tập (kèm đáp án) bookbooming[đườNg lối] 20 câu hỏi ôn tập (kèm đáp án) bookbooming
[đườNg lối] 20 câu hỏi ôn tập (kèm đáp án) bookbooming
 
Tư Tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa
Tư Tưởng Hồ Chí Minh về văn hóaTư Tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa
Tư Tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa
 
Luận văn [thuvientructuyen.vn] tác động của toàn cầu hóa đối với văn...
Luận văn [thuvientructuyen.vn] tác động của toàn cầu hóa đối với văn...Luận văn [thuvientructuyen.vn] tác động của toàn cầu hóa đối với văn...
Luận văn [thuvientructuyen.vn] tác động của toàn cầu hóa đối với văn...
 
Tiểu luận tư tưởng hồ chí minh về văn hóa
Tiểu luận tư tưởng hồ chí minh về văn hóaTiểu luận tư tưởng hồ chí minh về văn hóa
Tiểu luận tư tưởng hồ chí minh về văn hóa
 
Cơ sở văn hóa việt nam
Cơ sở văn hóa việt namCơ sở văn hóa việt nam
Cơ sở văn hóa việt nam
 
Đường lối xây dựng phát triển văn hóa từ 1986
Đường lối xây dựng phát triển văn hóa từ 1986Đường lối xây dựng phát triển văn hóa từ 1986
Đường lối xây dựng phát triển văn hóa từ 1986
 
PHÂN TÍCH QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI THỜI KÌ ĐỔI MỚI
PHÂN TÍCH QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI THỜI KÌ ĐỔI MỚIPHÂN TÍCH QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI THỜI KÌ ĐỔI MỚI
PHÂN TÍCH QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI THỜI KÌ ĐỔI MỚI
 
Chương VII tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa
Chương VII  tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóaChương VII  tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa
Chương VII tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa
 
Chương 6 văn hóa trong các hoạt động kinh doanh
Chương 6 văn hóa trong các hoạt động kinh doanhChương 6 văn hóa trong các hoạt động kinh doanh
Chương 6 văn hóa trong các hoạt động kinh doanh
 
Slide thuyết trình - Tư tưởng Hồ Chí Minh
Slide thuyết trình - Tư tưởng Hồ Chí MinhSlide thuyết trình - Tư tưởng Hồ Chí Minh
Slide thuyết trình - Tư tưởng Hồ Chí Minh
 
Bài tập nhóm: Văn hóa nhận thức
Bài tập nhóm: Văn hóa nhận thứcBài tập nhóm: Văn hóa nhận thức
Bài tập nhóm: Văn hóa nhận thức
 

Ähnlich wie Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)

Tư tưởng HCM
Tư tưởng HCMTư tưởng HCM
Tư tưởng HCMLinh Thuc
 
Văn hóa Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn.pdf
Văn hóa Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn.pdfVăn hóa Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn.pdf
Văn hóa Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn.pdfstyle tshirt
 
Triển khai Nghị quyết số 05.docx
Triển khai Nghị quyết số 05.docxTriển khai Nghị quyết số 05.docx
Triển khai Nghị quyết số 05.docxBnhMinh89
 
Kỷ yếu hội nghị sơ kết 5 năm về văn học nghệ thuật (vanhien.vn)
Kỷ yếu hội nghị sơ kết 5 năm về văn học nghệ thuật (vanhien.vn)Kỷ yếu hội nghị sơ kết 5 năm về văn học nghệ thuật (vanhien.vn)
Kỷ yếu hội nghị sơ kết 5 năm về văn học nghệ thuật (vanhien.vn)longvanhien
 
Đề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhất
Đề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhấtĐề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhất
Đề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhấtMaloda
 
Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...
Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...
Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...Nhận Viết Đề Tài Trọn Gói ZALO 0932091562
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch số 1158 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch số 1158 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch số 1158 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch số 1158 - vanhien.vnPham Long
 
Đường lối CMĐCSVN Chương 7
Đường lối CMĐCSVN Chương 7Đường lối CMĐCSVN Chương 7
Đường lối CMĐCSVN Chương 7Bình Hoàng
 
LUẬN ÁN NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ ĐỀN VUA ĐINH, VUA LÊ TỪ GÓC NHÌN SO SÁNH VỚI ẤN ...
LUẬN ÁN NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ ĐỀN VUA ĐINH, VUA LÊ TỪ GÓC NHÌN SO SÁNH VỚI ẤN ...LUẬN ÁN NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ ĐỀN VUA ĐINH, VUA LÊ TỪ GÓC NHÌN SO SÁNH VỚI ẤN ...
LUẬN ÁN NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ ĐỀN VUA ĐINH, VUA LÊ TỪ GÓC NHÌN SO SÁNH VỚI ẤN ...PinkHandmade
 
Văn Hóa Chính Trị Và Việc Nâng Cao Văn Hóa Chính Trị Ở Nước Ta Hiện Nay
Văn Hóa Chính Trị Và Việc Nâng Cao Văn Hóa Chính Trị Ở Nước Ta Hiện Nay Văn Hóa Chính Trị Và Việc Nâng Cao Văn Hóa Chính Trị Ở Nước Ta Hiện Nay
Văn Hóa Chính Trị Và Việc Nâng Cao Văn Hóa Chính Trị Ở Nước Ta Hiện Nay nataliej4
 
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...NuioKila
 
Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02
Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02
Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02Vũ Thanh
 
Mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển trong việc xây dựng nếp sống văn hoá k...
Mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển trong việc xây dựng nếp sống văn hoá k...Mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển trong việc xây dựng nếp sống văn hoá k...
Mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển trong việc xây dựng nếp sống văn hoá k...Thư viện Tài liệu mẫu
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch - Số 1176 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch - Số 1176 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch - Số 1176 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch - Số 1176 - vanhien.vnPham Long
 

Ähnlich wie Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn) (20)

Tư tưởng HCM
Tư tưởng HCMTư tưởng HCM
Tư tưởng HCM
 
6.pdf
6.pdf6.pdf
6.pdf
 
Múa dân gian đương đại trong xã hội Việt Nam thời kỳ hội nhập, HAY
Múa dân gian đương đại trong xã hội Việt Nam thời kỳ hội nhập, HAYMúa dân gian đương đại trong xã hội Việt Nam thời kỳ hội nhập, HAY
Múa dân gian đương đại trong xã hội Việt Nam thời kỳ hội nhập, HAY
 
Văn hóa Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn.pdf
Văn hóa Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn.pdfVăn hóa Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn.pdf
Văn hóa Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn.pdf
 
Luận văn: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon Tum
Luận văn: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon TumLuận văn: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon Tum
Luận văn: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon Tum
 
Triển khai Nghị quyết số 05.docx
Triển khai Nghị quyết số 05.docxTriển khai Nghị quyết số 05.docx
Triển khai Nghị quyết số 05.docx
 
Kỷ yếu hội nghị sơ kết 5 năm về văn học nghệ thuật (vanhien.vn)
Kỷ yếu hội nghị sơ kết 5 năm về văn học nghệ thuật (vanhien.vn)Kỷ yếu hội nghị sơ kết 5 năm về văn học nghệ thuật (vanhien.vn)
Kỷ yếu hội nghị sơ kết 5 năm về văn học nghệ thuật (vanhien.vn)
 
Đề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhất
Đề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhấtĐề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhất
Đề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhất
 
Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...
Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...
Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch số 1158 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch số 1158 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch số 1158 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch số 1158 - vanhien.vn
 
giáo dục
giáo dụcgiáo dục
giáo dục
 
Đường lối CMĐCSVN Chương 7
Đường lối CMĐCSVN Chương 7Đường lối CMĐCSVN Chương 7
Đường lối CMĐCSVN Chương 7
 
5+6
5+65+6
5+6
 
LUẬN ÁN NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ ĐỀN VUA ĐINH, VUA LÊ TỪ GÓC NHÌN SO SÁNH VỚI ẤN ...
LUẬN ÁN NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ ĐỀN VUA ĐINH, VUA LÊ TỪ GÓC NHÌN SO SÁNH VỚI ẤN ...LUẬN ÁN NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ ĐỀN VUA ĐINH, VUA LÊ TỪ GÓC NHÌN SO SÁNH VỚI ẤN ...
LUẬN ÁN NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ ĐỀN VUA ĐINH, VUA LÊ TỪ GÓC NHÌN SO SÁNH VỚI ẤN ...
 
Văn Hóa Chính Trị Và Việc Nâng Cao Văn Hóa Chính Trị Ở Nước Ta Hiện Nay
Văn Hóa Chính Trị Và Việc Nâng Cao Văn Hóa Chính Trị Ở Nước Ta Hiện Nay Văn Hóa Chính Trị Và Việc Nâng Cao Văn Hóa Chính Trị Ở Nước Ta Hiện Nay
Văn Hóa Chính Trị Và Việc Nâng Cao Văn Hóa Chính Trị Ở Nước Ta Hiện Nay
 
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
 
Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02
Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02
Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02
 
Full
FullFull
Full
 
Mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển trong việc xây dựng nếp sống văn hoá k...
Mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển trong việc xây dựng nếp sống văn hoá k...Mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển trong việc xây dựng nếp sống văn hoá k...
Mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển trong việc xây dựng nếp sống văn hoá k...
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch - Số 1176 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch - Số 1176 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch - Số 1176 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch - Số 1176 - vanhien.vn
 

Mehr von longvanhien

Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vnlongvanhien
 
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vnDiễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vnlongvanhien
 
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.longvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066longvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vnlongvanhien
 
Thực phẩm và sức khỏe
Thực phẩm và sức khỏeThực phẩm và sức khỏe
Thực phẩm và sức khỏelongvanhien
 
Cẩm nang người đi Miếu Bà
Cẩm nang người đi Miếu BàCẩm nang người đi Miếu Bà
Cẩm nang người đi Miếu Bàlongvanhien
 
Cẩm nang đi Núi Cấm
Cẩm nang đi Núi CấmCẩm nang đi Núi Cấm
Cẩm nang đi Núi Cấmlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vnlongvanhien
 
Những đồng tiền Cụ Hồ
Những đồng tiền Cụ HồNhững đồng tiền Cụ Hồ
Những đồng tiền Cụ Hồlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vnlongvanhien
 
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014longvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vnlongvanhien
 

Mehr von longvanhien (20)

Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
 
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vnDiễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
 
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
 
So 12
So 12So 12
So 12
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
 
Thực phẩm và sức khỏe
Thực phẩm và sức khỏeThực phẩm và sức khỏe
Thực phẩm và sức khỏe
 
Cẩm nang người đi Miếu Bà
Cẩm nang người đi Miếu BàCẩm nang người đi Miếu Bà
Cẩm nang người đi Miếu Bà
 
Cẩm nang đi Núi Cấm
Cẩm nang đi Núi CấmCẩm nang đi Núi Cấm
Cẩm nang đi Núi Cấm
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
 
Những đồng tiền Cụ Hồ
Những đồng tiền Cụ HồNhững đồng tiền Cụ Hồ
Những đồng tiền Cụ Hồ
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
 
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
 

Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (vanhien.vn)

  • 1. BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH ___________________________________________ THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ MỚI (Kỷ yếu Hội thào T ch c t i B VHTTDL ngày 15/5/2013)ổ ứ ạ ộ
  • 2. THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ MỚI Nhà văn Đỗ Kim Cuông Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam Vừa qua, Tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) về Văn hóa, Văn học nghệ thuật, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị với các hội VHNT chuyên ngành TW đánh giá thực trạng về tình hình VHNT hiện nay cũng như các giải pháp để thực hiện. Tại Hội nghị này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến công tác chỉ đạo, quản lí liên quan đến cơ chế chính sách cho văn nghệ sỹ cùng với các giải pháp và kiến nghị. 1. Về tổ chức hoạt động của các Hội Văn học nghệ thuật hiện nay Theo số lượng thống kê chưa đầy đủ, biến động theo từng năm, hiện nay, số lượng văn nghệ sỹ cả nước do các Hội Văn học nghệ thuật Trung ương và các Hội VHNT tỉnh, thành phố quản lí là gần 40.000 người. Trong đó: - Hội viên Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương: 18.000 người. - Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố: xấp xỉ 22.000 người. Cơ chế chỉ đạo, quản lí chung là: Ở Trung ương, các Hội VHNT do Ban Bí thư và các Ban đảng quản lí. Ở các địa phương do cấp uỷ đảng trực tiếp chỉ đạo các Hội Văn học nghệ thuật. Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thường xuyên. Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ quản lí biên chế. Nhìn chung, tổ chức các Hội Văn học nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương đều được các cấp uỷ Đảng quan tâm chỉ đạo, Nhà nước hỗ trợ kinh phí để hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương. 2. Đánh giá tổng quan về tình hình Văn học nghệ thuật hiện nay Trong sáng tạo nghệ thuật, về căn bản, các tác phẩm văn nghệ đi đúng hướng phản ánh hiện thực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN hôm nay, các tác giả tiếp tục tái hiện hiện thực cách mạng và kháng chiến hào hùng của dân tộc (1945 – 1975), lịch sử kiên cường bất khuất và những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Văn nghệ cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp, cái mới tiến bộ, tạo dựng những tấm gương điển hình của con người thời đại: người lao động sáng tạo (công nhân, nông dân, trí thức), những người làm giàu chân chính cho đất nước (thương nhân, nhà doanh nghiệp, nhà kinh doanh), bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn an ninh xã hội (chiến sĩ lực lượng vũ trang, công an nhân dân).
  • 3. Văn nghệ phê phán khá mạnh mẽ cái tiêu cực (tình trạng mất dân chủ, tham nhũng, lộng quyền và lạm quyền, thoái hóa biến chất về lý tưởng, đạo đức, lối sống vị kỉ, không tình nghĩa, chạy theo đồng tiền và lợi ích vật chất thiển cận...). Văn nghệ sĩ được đảm bảo tự do sáng tạo, được chú trọng bảo vệ bản quyền về sáng tác, biểu diễn. Từ năm 2000 nhà nước đảm bảo hỗ trợ cho việc sáng tạo và quảng bá tác phẩm, duy trì hoạt động của tổ chức Hội VHNT với tư cách là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Song, đội ngũ văn nghệ sỹ đã có sự phân hoá: một bộ phận lớn văn nghệ sỹ (những người cao tuổi gắn bó với cách mạng và kháng chiến) là lực lượng nòng cốt trong các Hội Văn học nghệ thuật vẫn giữ quan điểm sáng tác của Đảng. Còn một bộ phận văn nghệ sỹ trẻ, có tài, có tác phẩm hiện nay hành nghề tự do, không muốn vào Hội. Tác phẩm của họ tự xuất bản, tổ chức biểu diễn, làm phim theo đơn đặt hàng của các Háng tư nhân. Nội dung tác phẩm chủ yếu đề cập tới hiện thực đời sống xãhội đương đại với cách nhìn, cách nghĩ của giới trẻ. Tác phẩm ít có chiều sâu về tư tưởng, giá trị nhân văn nhưng lại được các cơ quan truyền thông quảng bá rộng rãi có tác động không nhỏ đến thị hiếu thẩm mĩ cảu công chúng (nhất là tầng lớp bình dân và giới trẻ). Về nghiên cứu, lý luận, phê bình, đã đẩy lùi khuynh hướng phủ nhận thành tựu của văn nghệ cách mạng, kháng chiến, kiên trì bảo vệ và phát triển đường lối văn học nghệ thuật mácxit- leninit và tư tuởng văn nghệ Hồ Chí Minh. Một số ngành nghệ thuật như ca múa nhạc, điện ảnh bước đầu quan tâm thu hút lực lượng văn nghệ sĩ Việt Nam yêu nước tiến bộ đang định cư ở nước ngoài về nước tham gia sáng tác, biểu diễn, phát huy những giá trị truyền thống văn nghệ của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Thực hiện hợp tác giao lưu văn hóa với nước ngoài qua dịch thuật, xuất bản, lưu diễn, tổ chức trại sáng tác quốc tế ở Việt Nam và dự các liên hoan văn nghệ, các cuộc thi biểu diễn ở nước ngoài. Tuy nhiên mặt trận văn nghệ còn bộc lộ những khuyết nhuợc điểm: - Cá biệt có VNS chưa đề cao trách nhiệm xã hội, công dân, suy giảm lòng tin vào sự nghiệp cách mạng, phát ngôn, viết hồi ký, sách báo bộc lộ sự dao động hoài nghi về lý tưởng và niềm tin về sự phát triển của đất nước trong vận hội mới. - Vẫn tồn tại dai dẳng khuynh hướng thuơng mại hóa, giải trí tầm thường hóa ở một số lĩnh vực, chi phối một bộ phận công chúng (âm nhạc, điện ảnh, sân khấu). - Thiếu vắng những tác phẩm có giá trị cao về nội dung, nghệ thuật của những cá tính sáng tạo độc đáo. Còn có biểu hiện dễ dãi bằng lòng với tình trạng nghiệp dư, “ăn xổi ở thì”, chiều theo thị hiếu cũ kĩ, hoặc tầm thường, thậm chí lập dị, ngộ nhận dưới danh nghĩa các trào lưu thời thượng như: hậu hiện đại, giải cấu trúc, đại tự sự... 3. Về tư tưởng của đội ngũ văn nghệ sỹ
  • 4. Trước tình hình diễn biến phức tạp của xã hội hiện nay, nhìn chung, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương, đại bộ phận anh chị em văn nghệ vẫn tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới và những quyết sách của Đại hội Đảng lần thứ XI vạch ra. Biểu hiện là: kiên trì, tâm huyết với công việc sáng tạo của người nghệ sỹ, gắn bó với các giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng, khẳng định các giá trị đạo đức, nhân văn của dân tộc. Có thể khẳng định: Chính tình hình tư tưởng của đội ngũ văn nghệ sỹ hiện nay góp phần quan trọng cho sự ổn định chính trị của xã hội, của đất nước. - Việc Chính phủ tiếp tục “Hỗ trợ cho các công trình Văn học nghệ thuật và báo chí giai đoạn 2011 - 2015” cũng như Thủ tướng và các Bộ ngành hữu quan đặt hàng các tác phẩm văn học nghệ thuật thực sự là nguồn khích lệ đối với văn nghệ sỹ và báo chí cả nước. Tuy kinh phí hỗ trợ còn ít nhưng đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho các hoạt động văn nghệ của cả nước, nhất là đối với các địa phương còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế (các tỉnh, thành phố mức thu nhập thấp, các tỉnh miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số). Song tình hình tư tưởng của một số (rất ít) văn nghệ sỹ vẫn còn những biểu hiện sau: - Một số văn nghệ sỹ chưa thật sự tin tưởng vào các Nghị quyết của Đảng, và Chính sách của Nhà nước (như việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về củng cố xây dựng Đảng). Bộ phận này chịu tác động bởi những hiện tượng xấu đang diễn ra trong xã hội như: tham nhũng, tiêu cực trong kinh tế, đất đai, sự lộng hành của một số cán bộ có chức, có quyền không thực hiện đúng 19 điều quy định đối với Đảng viên, tác động của các luồng thông tin xấu (qua báo chí, dư luận xã hội…) - Một số văn nghệ sỹ còn chịu tác động trực tiếp của những kẻ xấu gây chia rẽ, kích động, phủ nhận thành quả của cách mạng và kháng chiến, lợi dụng tình hình phức tạp đang diễn ra ở Biển đông, phê phán sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Số văn nghệ sỹ này không nhiều, nhưng lợi dụng không khí đổi mới, dân chủ công khai, sự lỏng lẻo trong quản lí báo chí, từng lúc, từng nơi tìm cách bộc lộ, tạo dư luận chú ý. Đây cũng là vấn đề rất cần được các cơ quan quản lí Văn học nghệ thuật quan tâm. Kiên trì và kiên quyết đấu tranh không cho kẻ xấu lợi dụng thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” trong đội ngũ văn nghệ sỹ. 4. Về công tác chỉ đạo, quản lí, thực hiện cơ chế chính sách đối với văn nghệ Chủ trương của Đảng và Nhà nước thể hiện qua Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về công tác Văn học nghệ thuật là: phát triển VHNT trong cơ chế thị trường, định hướng XHCN, vì vậy hoạt động VHNT cần có sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chỉ đạo, quản lí Văn học nghệ thuật hiện nay là: khuyến khích, động viên văn nghệ sỹ sáng tạo để có nhiều tác phẩm, công trình Văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh sâu sắc hiện thực và đất nước ta
  • 5. trong đấu tranh cách mạng, trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc; khuyến khích các sáng tác về đề tài truyền thống yêu nước, các giá trị văn hoá của dân tộc cũng như các đề tài phản ánh sự nghiệp đổi mới của đất nước ta hiện nay; khuyến khích sự tự do sáng tạo của người nghệ sỹ, hướng các tác phẩm Văn học nghệ thuật tới các giá trị chân - thiện - mỹ, giàu tính nhân văn, phê phán sâu sắc các thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội làm suy đồi đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Kiên quyết đẩy lùi các khuynh hướng nghệ thuật phản dân tộc, các biểu hiện của “diễn biến hoà bình” trên mặt trận Văn học nghệ thuật. Để thực hiện nhiệm vụ trên đây, trong các chỉ đạo và quản lí cần nắm chắc tổ chức các Hội Văn học nghệ thuật đồng thời phải thực hiện các giải pháp về cơ chế, chính sách đối với văn ngh và văn nghệ sỹ như Nghị quyết 23 của Bộ chính trị yêu cầu. * Về mặt ưu điểm: Ngay sau khi có các Nghị quyết của Đảng ra đời, cấp ủy và tổ chức Đảng các cấp đã triển khai, quán triệt sâu rộng đến tận chi bộ, nhất là đối với đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã xây dựng chương trình hành động cụ thể, với nhiều đề án liên quan đến VHNT để tổ chức thực hiện, quan tâm bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, đầu tư kinh phí, nắm bắt tâm tư, diễn biến tư tưởng của văn nghệ sĩ để có biện pháp lãnh đạo kịp thời, do đó tạo được không khí đoàn kết, đồng thuận, nhất trí cao trong xã hội. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được công tác chỉ đạo, quản lý, xây dựng cơ chế chính sách còn bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm. - Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đúng vai trò của VHNT góp phần củng cố trận địa tư tưởng của Đảng. Trong chỉ đạo điều hành còn thiếu sự quan tâm đúng mức đến việc kiện toàn mô hình tổ chức các Hội VHNT ở địa phương, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các Hội còn ngèo nàn, kinh phí phục vụ cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật… còn hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí nhân sự chủ tịch Hội VHNT địa phương là người không am hiều về văn học nghệ thuật, trái với Quyết dịnh 284 của Ban Bí thư qui định về người lãnh đạo quản lý hội VHNT địa phương phải là người có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp. Dẫn đến nội bộ thiếu đoàn kết, làm ảnh hưởng đến tư tưởng của hội viên. - Quản lý nhà nước về hoạt động VHNT còn buông lỏng nhất là hoạt động xuấtn bản, biểu diễn. Một số đề án về văn học nghệ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa được Bộ, ngành thể chế hóa cụ thể. Báo, tạp chí, các nhà xuất bản của các Hội còn gặp nhiều khó khăn trong phát hành, xuất bản mà chưa được tháo gỡ, giải quyết phù hợp trong tình hình mới. Việc xét tặng giải thưởng hàng năm của các Hội VHNT địa phương còn chưa thống nhất do còn gặp khó khăn về ngân sách…
  • 6. - Quy định hệ số lương của nghệ sĩ biểu diễn (xiếc, múa, sân khấu) còn chưa tương xứng với đặc thù nghề nghiệp nên anh chị em còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, ảnh hưởng đến niềm say mê sáng tạo, cống hiến trong hoạt động nghề nghiệp… - Biên chế cũng như ngân sách hoạt động cho các Hội còn thấp so với nhiệm vụ được giao. - Các báo, tạp chí văn nghệ từ trung ương đến địa phương, do kinh phí ít, tự bươn chải, nên chưa quảng bá được đến công chúng. - Công tác giao lưu văn học nghệ thuật với nước ngoài còn hạn chế. - Sự phối hợp giữa các Hội Văn học nghệ thuật với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn lỏng lẻo, thiếu đồng bộ trong việc thẩm định,đánh giá, tham mưu các vấn đề liên quan đến văn học nghệ thuật. 5. Giải pháp và kiến nghị - Để công tác văn hoá, Văn học nghệ thuật thực sự đáp ứng với nhiệm vụ tuyên truyền chính trị của Đảng và Nhà nước, cần nâng cao nhận thức cho các cấp uỷ Đảng và chính quyền về vai trò, vị trí của văn hóa, văn nghệ; xác định rõ mô hình tổ chức Hội Văn học nghệ thuật là một mắt xích quan trọng trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng và Nhà nước. - Trên cơ sở đó, từ Trung ương đến địa phương cần củng cố tổ chức các Hội Văn học nghệ thuật. Bố trí cán bộ làm công tác Văn học nghệ thuật nắm vững quan điểm, đường lối, các chính sách về văn hóa, văn nghệ của Đảng và Nhà nước; tập hợp được đội ngũ văn nghệ sỹ, động viên sáng tác để có được những sản phẩm văn hoá, văn nghệ tốt phục vụ nhân dân. - Tăng cường biên chế, cơ sở vật chất cho một số Hội Văn học nghệ thuật ở Trung ương và địa phương đủ mạnh để thực hiện công tác Văn học nghệ thuật. Phải xem công tác văn hoá, văn nghệ là của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp uỷ Đảng và chính quyền. - Phối hợp với các bộ, ngành liên quan: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ban của Đảng xây dựng cơ chế chính sách về mặt tổ chức cho Văn học nghệ thuật. - Cần có thái độ ứng xử đúng đối với cán bộ làm công tác văn học nghệ thuật là công chức Nhà nước vì bản thân đội ngũ này đã đi theo Đảng làm cách mạng từ trước cách mạng tháng Tám. Một số cán bộ quản lí văn học nghệ thuật do các cơ quan Nhà nước, cơ quan Đảng điều động sang, có người 02 bằng Đại học, là Gs., Ts, nhà văn… nhưng chế độ đãi ngộ không được coi là công chức, viên chức Nhà nước.
  • 7. Trước hết là giải quyết chế độ phụ cấp cho các cán bộ đang công tác ở các Hội Văn học nghệ thuật (25%) như các cơ quan hành chính khác. - Đề nghị Bộ Nội vụ có sự chỉ đạo trong ngành giải quyết biên chế đủ cho các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương. Cụ thể là: - Ở các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh, biên chế tối thiểu là 25 - 30 người. - Ở các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố: 12-15 biên chế. Trên đây là một số vấn đề, chúng tôi xin báo cáo tại Hội nghị này để Bộ tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương. THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA-HIỆN ĐẠI HÓA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ (Bài tham dự Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”) TS. Lê Thị Bích Hồng Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng I. MỞ ĐẦU Ngày 16/7/1998, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết ra đời đã nhanh chóng được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp triển khai; nhân dân đồng tình, hưởng ứng, chung sức thực hiện. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết đã trở thành nội dung sinh hoạt chính trị sâu rộng với khí thế thi đua sôi nổi của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong suốt 15 năm qua. II. THỰC TRẠNG NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM SAU 15 NĂM TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 5 (KHÓA VIII)
  • 8. Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa, văn nghệ đều đánh giá cao tầm vóc, giá trị của Nghị quyết. Nghị quyết ra đời kịp thời, trúng ý Đảng, hợp lòng dân và sớm đi vào đời sống xã hội. Nghị quyết mang tầm chiến lược lớn về văn hóa, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, xu thế phát triển của đất nước. Cho đến nay, Nghị quyết vẫn còn nhiều giá trị, tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Những nội dung chính của Nghị quyết đã góp phần ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của xã hội, của đất nước… Theo nhà báo Hữu Thọ, vị trí, vai trò của văn hóa từng bước được nâng lên đáng kể. Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa được khẳng định ví trí quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước và trở thành một nội dung quan trọng trong hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, từng bước gắn bó chặt chẽ hơn với các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Từ khi có Nghị quyết, cấp ủy, chính quyền đã quan tâm nhiều hơn đến văn hóa. Nhận thức về văn hóa có bước tiến bộ so với trước đây. Năm quan điểm chỉ đạo cơ bản, mười nhiệm vụ cụ thể, bốn giải pháp lớn nêu trong Nghị quyết là rất đúng, rất trúng. Nội dung văn hóa được đưa vào nghị quyết của các cấp ủy và được kiểm điểm hằng năm, gắn với từng nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Nghị quyết coi văn hóa là một mặt trận bên cạnh kinh tế và chính trị tạo thành thế “chân vạc” làm tiền đề cho phát triển xã hội được ổn định, bền vững. Nhìn ở riêng lĩnh vực văn học, nghệ thuật (VHNT), nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ghi nhận: “Nghị quyết Trung ương 5 đã tạo cho VHNT không gian sáng tạo thông thoáng, cởi mở, những tác phẩm cũng được trân trọng hơn; sáng tác có sự đa dạng về thể loại, đề tài, chủ động cách thể hiện; tiếng nói phản biện của VHNT với đạo đức xã hội ngày càng mạnh mẽ… Văn nghệ sĩ được đảm bảo tự do sáng tạo, được chú trọng bảo vệ bản quyền về sáng tác, biểu diễn, phương thức biểu hiện được tôn trọng; dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo được khẳng định…”. Đồng tình với quan điểm trên, GS.TS. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng “Nghị quyết Trung ương 5 đã giúp định danh một cách rõ ràng cho nền văn hóa Việt Nam; đồng thời xác định rõ ràng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội”. Giám đốc Trung tâm tác giả âm nhạc Việt Nam - Nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định Nghị quyết đã tạo nên sự thúc đẩy đáng kể cho đời sống VHNT 15 năm qua. Chính sự thông thoáng từ Nghị quyết mang lại đã tạo điều kiện để người dân tham gia tích cực vào việc sáng tạo nên các giá trị văn hóa. Nghị quyết đã cụ thể hóa thành nhiều văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết, chỉ thị, nghị định…Chính phủ ban hành 10 chiến lược lớn, trong đó có chiến lược về văn hóa. Các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị xây dựng thành Chương trình hành động. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được cấp ủy, chính quyền quan tâm đang có sức lan tỏa trong cộng động. Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gần đây góp phần đẩy mạnh cuộc vận động trên.…Đó là tín hiệu vui.
  • 9. Cùng chung suy nghĩ đó, ông Trần Chiến Thắng – nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hiệp hội ghi âm Việt Nam cho rằng nhờ có Nghị quyết Trung ương 5 mà chúng ta có bước chuyển biến mạnh mẽ về văn hóa, xã hội. Có thể thấy là nhận thức về văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực; hưởng thụ các sản phẩm văn hóa được nâng lên đáng kể; có đầu tư các thiết chế văn hóa và cùng với đó là các hoạt động văn hóa; giảm đáng kể khoảng cách, sự cách biệt về văn hóa đối với từng vùng miền, từng dân tộc; huy động được quần chúng nhân dân hưởng ứng và tham gia vào các chiến lược phát triển văn hóa của Đảng và Chính phủ... Đây chính là thành quả do Nghị quyết mang lại, rất đáng trân trọng. Mười nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết rất quan trọng nếu thực hiện tốt. Trong 10 nhiệm vụ đó, xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam được xác định là nhiệm vụ đầu tiên, hàng đầu trong 10 nhiệm vụ là rất đúng. Yếu tố con người đóng vai trò quan trọng. Tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hoá là những lĩnh vực then chốt đã có những chuyển biến quan trọng. Vấn đề giáo dục thanh niên, học sinh sinh viên cần phải được quan tâm. Thứ hai là nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa, trong đó cần phải tạo ra đời sống văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng và không ngừng tăng lên của các tầng lớp nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” là cuộc vận động quần chúng tham gia xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh đang được mở rộng và đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực nhưng hiện nay xây dựng gia đình văn hóa gia đình vẫn nặng hình thức… Những nét mới trong chuẩn mực văn hóa và trong nhân cách con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng bước được hình thành. Kế thừa những đức tính tốt đẹp truyền thống của dân tộc (cần cù, yêu nước, gắn bó sâu nặng với quê hương, cộng đồng, ham hiểu biết…) nhưng có sự phát triển cho phù hợp với thời đại công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế. Tiêu chí về đạo đức bổ sung thêm trình độ học vấn, năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường. Những tiêu chí đánh giá về đạo đức xã hội thay đổi mạnh theo hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đạo đức xã hội được nhìn nhận, đánh giá trên nhiều bình diện mới: Khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, tôn trọng pháp luật, quy định của cộng đồng dân cư… Lối sống phù hợp với thuần phong, mỹ tục nhưng phải đáp ứng với nhịp sống công nghiệp và hội nhập quốc tế. Nhiều công trình văn hóa được xây dựng từ nhiều nguồn kinh phí (Nhà nước, xã hội hóa trong dân, tài trợ quốc tế…), nhất là ở những nơi còn gặp khó khăn: vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Đời sống văn hoá miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đã có những cải thiện rõ rệt,có nhiều cố gắng để thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa những vùng kinh tế phát triển với các vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới, hải đảo, giữa các tầng lớp nhân dân Vấn đề về giá trị xã hội được đặt ra nhiều hơn. Hệ giá trị được hiểu là chuẩn mực, biểu trưng quan trọng trong đời sống tinh thần của con người tạo ra sự liên kết giữa cá nhân với cộng đồng, với ước vọng mà họ đạt tới, là chỗ dựa để điều chỉnh hành vi, lấy đó làm tiêu chuẩn đánh
  • 10. giá con người; là nền tảng định hướng cho lối sống xã hội là cốt lõi văn hóa tinh thần. Nhà báo Hữu Thọ đặt câu hỏi “Bản sắc dân tộc, cốt cách dân tộc theo cách nói của Bác phải chăng là hệ giá trị truyền thống được sàng lọc và bổ sung phát triển trong tình hình mới?”. Từ đó, xác định hệ giá trị chung cần xây dựng, rồi có hệ giá trị của từng ngành. Điều này Bác Hồ rất quan tâm. Đạo đức Hồ Chí Minh gắn với các tiêu chí“Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” thì chủ yếu mới dành cho đối tượng cán bộ, đảng viên, công chức. Vấn đề quan trọng làm người thì cần phải rộng hơn, tức là nhân cách, ứng xử của cá nhân trong các mối quan hệ. Nên xây dựng hệ giá trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một lòng vì nước vì dân, vì cộng đồng; tình thương yêu đồng bào, đồng loại; tính kiên định, sự mềm dẻo và lòng bao dung; sống có nghĩa tình… Luật Di sản văn hóa và các văn bản liên quan tạo được hành lang pháp lý trên lĩnh vực này. Nhà nước cho phép hàng năm lấy ngày 23/11 là ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Di sản văn hoá vật thể và phi vật thể là nền tảng để hun đúc nên bản sắc văn hoá và hệ giá trị của văn hoá dân tộc, là một nguồn lực cho phát triển. Hàng ngàn di tích được chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo. Xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ di tích, nhất là việc quy hoạch, bảo tồn… Nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu văn hoá quốc tế trên quy mô lớn đã được tổ chức ở Việt Nam và nước ngoài gây được tiếng vang và tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng bè bạn về truyền thống văn hoá, nghệ thuật Việt Nam. Hoàn thiện và ban hành nhiều Luật về hoạt động văn hóa (Luật Di sản văn hóa, Luật Điện ảnh, Luật Quảng cáo…) nhằm đưa các hoạt động văn hóa vào nề nếp; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành; tiếp tục xây dựng Luật mới (Pháp lệnh Thư viện đang trong quá trình xây dựng). Chính sách văn hóa đã bắt nhịp những vấn đề mới đặt ra trong kinh tế thị trường về văn hóa. Đưa nội dung chỉ đạo, quản lý văn hóa vào chương trình đào tạo trong các trường chính trị. Xây dựng và ban hành quy chế bổ nhiệm chức danh lãnh đạo các Hội VHNT. Cùng với sáng tác, công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản VHNT của các dân tộc đạt được kết quả thiết thực. Dấu hiệu mới đáng trân trọng là sự xuất hiện lực lượng sáng tác trẻ với những khả năng sáng tạo và sự đa dạng về phong cách. Cùng với các hội chuyên ngành, phong trào văn nghệ quần chúng phát triển; nhiều câu lạc bộ VHNT ra đời, góp phần cổ vũ, động viên quần chúng sáng tạo, khai thác, truyền bá các giá trị nghệ thuật truyền thống và thưởng thức VHNT… Xác định tài năng VHNT là vốn quý của dân tộc, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt cho lao động sáng tạo của người nghệ sĩ. Từ năm 2000, Nhà nước đảm bảo hỗ trợ cho việc sáng tạo và quảng bá tác phẩm, duy trì hoạt động của tổ chức Hội VHNT với tư cách là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Nhà nước đã thực hiện thể chế hóa tổ chức của Hội trong văn bản Pháp lệnh về Hội nghề nghiệp đặc thù trong đó có Hội VHNT. Việc Chính phủ tiếp tục hỗ trợ sáng tạo, sưu tầm VHNT giai đoạn 1999 – 2015, hỗ trợ cho các công trình VHNT và báo chí giai đoạn 2011 – 2015…thực sự là nguồn khích lệ đối với văn nghệ sỹ và báo chí cả nước. Tuy kinh phí hỗ trợ công trình VHNT và báo chí giai đoạn 2011 – 2015 không nhiều nhưng đã tháo
  • 11. gỡ không ít khó khăn cho các hoạt động văn nghệ của cả nước, nhất là đối với các địa phương còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Có thể nói, VHNT đã nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân, có nhiều tác phẩm tốt trong tất cả các loại hình nghệ thuật từ văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật đến nhiếp ảnh, múa, kiến trúc... thể hiện qua những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và những vấn đề thời sự của đất nước. Chủ nghĩa nhân văn, phẩm chất nhân đạo được phát huy và đề cao. VHNT đã cố gắng phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, tham gia cuộc đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hoá về nhân cách, đời sống và đạo đức trong một bộ phận xã hội. Văn nghệ đã cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp, cái mới tiến bộ, tạo dựng những tấm gương điển hình của con người thời đại Hồ Chí Minh (công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công an nhân dân...). Thành quả của lao động sáng tạo là con người. GS.TS Tô Ngọc Thanh coi con người là nhân tố đóng góp tích cực vào sự duy trì, phát triển nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Hiện nay, số lượng văn nghệ sĩ cả nước chịu sự quản lý của Trung ương và địa phương là gần 40.000 người (18.000 hội viên Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, gần 22.000 hội viên Hội VHNT tỉnh, thành phố). Cơ chế chỉ đạo, quản lý chung là cấp uỷ Đảng trực tiếp chỉ đạo các Hội VHNT; Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thường xuyên; Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ quản lý biên chế. Nhờ đó, văn nghệ sĩ được đảm bảo tự do sáng tạo, được chú trọng bảo vệ bản quyền về sáng tác, biểu diễn. Một thành tựu phải kể đến chính là việc hiện thực hóa công tác xã hội hoá các hoạt động văn hóa. Nhờ có xã hội hóa, văn nghệ sĩ có điều kiện in ấn, xuất bản, triển lãm, biểu diễn… tác phẩm VHNT ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều hoạt động đã có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế trong đó có vai trò tích cực của tư nhân. Hầu hết các tác phẩm văn học hiện nay, tác giả tự lo kinh phí xuất bản và đầu ra. Một số các đoàn kịch, các vũ đoàn múa khu vực phía Nam vẫn duy trì biểu diễn hàng đêm và được công chúng đón nhận. Các nhà tài trợ tham gia vào việc làm phim. Hơn 100 hãng phim tư nhân hiện nay đóng góp đến 80% số lượng phim vào thị trường điện ảnh. Tuy không nhiều, nhưng một số hoạ sĩ đã có Galary tranh và bán được tranh… Việc nghiên cứu, lý luận phê bình VHNT đã đẩy lùi được khuynh hướng phủ nhận thành tựu của văn nghệ cách mạng, kháng chiến, kiên trì bảo vệ và phát triển đường lối VHNT Mác-Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh… Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các Hội VHNT đã quan tâm thu hút lực lượng văn nghệ sĩ Việt Nam yêu nước tiến bộ đang định cư ở nước ngoài về nước tham gia sáng tác, biểu diễn, phát huy những giá trị truyền thống văn nghệ của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Thực hiện hợp tác giao lưu văn hóa với nước ngoài qua dịch thuật, xuất bản, lưu diễn, tổ chức trại sáng tác quốc tế ở Việt Nam và dự các liên hoan văn nghệ, các cuộc thi biểu diễn ở nước ngoài. Tuy mới chỉ là
  • 12. bước đầu, nhưng thực tế những hoạt động đối ngoại đã tăng cường đối ngoại nhân dân trong thời kỳ mới. Các cơ quan quản lý VHNT và các Hội đã quan tâm chỉ đạo chống lại xu hướng nghiệp dư hóa trong VHNT bằng việc xây dựng các quy chế hoạt động biểu diễn nghệ thuật, xét tặng giải thưởng, các cuộc thi sáng tác, triển lãm khu vực… Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, với tinh thần dân chủ, cởi mở, các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, non kém trên nhiều mặt của lĩnh vực văn hóa sau 15 năm thực hiện Nghị quyết. Trước hết, đó là nhận thức về văn hóa ở một số địa phương, đơn vị vẫn còn chưa đúng tầm, chưa đủ chiều sâu để giải quyết có hiệu quả các vấn đề cốt lõi của văn hóa. Từ nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa không đồng đều ở mỗi địa phương, đơn vị nên dẫn đến việc triển khai thực hiện thiếu thống nhất (nơi tốt, nơi chưa tốt). Đầu tư cho phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế. Văn hoá chưa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội và là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Có nhiều thời kỳ chúng ta quá tập trung cho phát triển kinh tế mà chưa quan tâm nhiều đến văn hóa; chưa thực sự gắn kết hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Văn hóa vẫn bị xếp vào vị trí thứ yếu, đầu tư cho phát triển văn hóa chưa tương xứng; chưa thực sự gắn kết hữu cơ với các lĩnh vực của đời sống; chưa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội và là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nhà báo Hữu Thọ đặt câu hỏi “Phải chăng từ khi đổi mới, chúng ta chưa quan tâm nhiều đến phát triển văn hóa”. GS. TS. Lê Hồng Lý cho rằng “Văn hóa vẫn chưa được coi trọng, vẫn chỉ được coi là “cờ đèn kèn trống”, nghĩa là mới nhìn ở hình thức, chứ chưa nhìn nhận văn hóa ở chiều sâu. Và chúng ta đã quá thiên về kinh tế”. Thực tế, đời sống xã hội có hai mặt vật chất và tinh thần. Nếu kinh tế là nền tảng vật chất của đời sống xã hội, thì văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội. Khái quát khoa học đó cho thấy tất cả tầm rộng lớn và sâu sắc của văn hóa, từ đó dẫn đến nhiều khía cạnh lý luận cùng những kết luận thực tiễn hết sức quan trọng. Xã hội đứng hai chân trên hai “nền tảng”, nếu chỉ có một nền tảng thì xã hội không thể đứng vững. Các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa đều bộc lộ sự lo ngại khi kinh tế và văn hóa phát triển thiếu hài hòa. Nhà nghiên cứu Việt Phương cho rằng hệ quả của việc không đi bằng cả “hai chân” kinh tế và văn hóa sẽ kéo theo những hệ lụy về văn hóa lối sống, văn hóa đạo đức, văn hóa gia đình… Việc xây dựng môi trường văn hóa chưa thực sự trở thành phong trào tự nguyện của quần chúng, đôi khi các kết quả đạt được còn mang tính hình thức. Việc công nhận các danh hiệu văn hóa: làng, thôn, ấp, bản... văn hóa; khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; gia đình văn hóa chưa mang lại hiệu quả thiết thực, chưa thực chất. Nhà báo Hữu Thọ đã chỉ ra những nguy cơ về văn hóa sau 15 năm thực hiện Nghị quyết. Đó là những dấu hiệu “khủng hoảng nhân văn” ở một bộ phận cán bộ, nhân dân. Đó là sự suy giảm về tư tưởng, đạo đức lối sống…rất đáng lo ngại, mà theo ông đây là vấn đề then chốt của
  • 13. văn hóa. Gia đình vốn được coi là “tế bào của xã hội” đang lỏng lẻo (ly hôn, bạo lực gia đình, ít thời gian giáo dục chăm sóc con, con cái mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật…). Văn hóa ứng xử của con người với thiên nhiên, với môi trường xã hội đang tạo nên nhiều nỗi lo lớn trong dự luận xã hội. Càng ít đi sự khoan dung, nhường nhịn truyền thống và thậm chí còn tăng thêm sự vô cảm trong một bộ phận dân chúng, trong khi nhiều hoạt động từ thiện mang tính nhân văn “Lá lành đùm lá rách”, “Chị ngã em nâng”, “Sẻ chia giọt máu đào, trao niềm hy vọng”…vẫn luôn được cả xã hội quan tâm hưởng ứng. Sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, thiếu tính làm gương của một bộ phận xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần, môi trường văn hoá lành mạnh. Biểu hiện suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống xuất hiện ở một bộ phận cán bộ cấp cao, ở một số ngành bảo vệ pháp luật, giáo dục, y tế…đã ảnh hưởng lớn đến giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ học sinh, sinh viên. Cách ứng xử thiếu văn hoá nơi công cộng; sử dụng ngôn từ thiếu chuẩn mực trong giao tiếp làm phương hại đến sự trong sáng của tiếng Việt; căn bệnh “vô cảm” đối với nỗi đau của con người; nạn tham nhũng, hối lộ, sách nhiễu dân, mất đoàn kết của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên…đang làm nhức nhối dư luận xã hội Khi con người tham gia vào các hoạt động văn hóa công cộng và sinh hoạt cộng đồng đã bộc lộ nhiều biểu hiện đáng lo ngại, như: Vi phạm an toàn giao thông (vi phạm pháp luật, phóng nhanh vượt ẩu, đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ…); văn hóa học đường có nhiều biểu hiện làm xã hội lo lắng (bạo lực học đường, nói tục, chửi bậy, vô lễ với giáo viên…); văn minh lễ hội đang biến đổi nhanh chóng; thiếu tôn trọng môi trường tự nhiên xã hội; văn hóa lối sống đang đặt ra nhiều vấn đề phải suy ngẫm… Cách ứng xử của một bộ phận nhân dân nơi công cộng (công viên, rạp hát, chùa chiền…) còn thiếu văn hoá. Ứng xử với di sản văn hóa dân tộc có nhiều biểu hiện đáng lo ngại, nhất là với giới trẻ, như: Sờ và cưỡi đầu rùa ở Văn Miếu Quốc Tử Giám; ngồi lên bệ tượng đài danh nhân, ngồi trên mộ rồi tự đưa lên facebook; vẽ bậy ở bất cứ nơi đâu, kể cả nơi linh thiêng ở chùa chiền, đền thờ…Trước những biểu hiện trên, nhà báo Hữu Thọ cho rằng một bộ phận thanh niên phản ứng với các di sản văn hóa một cách thiếu nhận thức, có biểu hiện xem thường và không coi đó có gì thiêng liêng. Tình trạng xâm hại di tích tại một số di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng chưa được ngăn chặn kịp thời; Nguồn kinh phí cho công tác tu bổ, chống xuống cấp các di tích chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, một số di sản không còn khả năng khôi phục; Công tác trùng tu, tôn tạo, tu bổ ở một số công trình di tích còn cẩu thả, sai lệch về giá trị lịch sử, nghệ thuật, làm biến dạng, giảm giá trị và dẫn đến thất thoát kinh phí; nhiều dự án có xu hướng “làm mới” di tích… dẫn đến vi phạm Luật Di sản văn hóa. Xuất hiện những biểu hiện tiêu cực khi tham gia lễ hội, nhất là trong mấy năm gần đây bùng phát một số lễ hội mới. Hoạt động lễ hội đã và đang diễn ra phức tạp. Một số lễ hội nâng cấp quy mô tổ chức có xu hướng xem nhẹ các giá trị văn hóa, coi trọng các dịch vụ với mục đích “thương mại hóa”, “thần thánh hóa” lễ hội. Tình trạng an ninh trật tự (tranh cướp ấn Đền Trần, hoa tre ở lễ hội Thánh Gióng xảy ra xô xát, đánh nhau...). Các hiện tượng tiêu cực:
  • 14. mê tín dị đoan, lãng phí tiền của trong việc đốt đồ mã, đặt hòm công đức tràn lan, lưu hành sản phẩm văn hóa trái phép, chơi cờ bạc, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, “hối lộ thần Phật” bằng tiền, bằng lễ...đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm sai lệch nội dung vốn có cũng như giá trị văn hoá của nhiều lễ hội. Một bộ phận nhỏ chức sắc các tôn giáo có những hoạt động đi ngược lại truyền thống văn hoá dân tộc (xoá lễ hội dân tộc, bỏ các sinh hoạt văn hoá cổ truyền…), truyền đạo trái pháp luật, lợi dụng tôn giáo tạo dựng các “điểm nóng”, đấu tranh đòi đất đai, đòi nơi thờ tự…Một số người lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà nước lén lút hoặc công khai hoạt động kinh doanh văn hóa vụ lợi tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Môi trường văn hóa ở một số cơ sở thờ tự thiếu lành mạnh; các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng khá sôi động và phức tạp, nảy sinh các hiện tượng tiêu cực: nạn mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh, ngoại cảm để trục lợi, các hủ tục cũ, mới tràn lan, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội… có chiều hướng gia tăng Giao lưu văn hoá còn thiếu chủ động; chưa tạo được nhiều nguồn lực để mở rộng hợp tác, giao lưu. Chưa chủ động giới thiệu được nhiều tinh hoa văn hoá Việt Nam ra nước ngoài. Việc tuyên truyền, giới thiệu nền văn hoá Việt Nam và những thành tựu trong công cuộc đổi mới của đất nước trên lĩnh vực kinh tế - xã hội ra nước ngoài chưa tương ứng với nhu cầu phát triển. Việc nhập khẩu và đưa lên sóng truyền hình quá nhiều, thiếu chọn lọc phim ảnh, chương trình ca nhạc nước ngoài làm ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của lớp trẻ. Các văn bản pháp luật về văn hoá còn thiếu đồng bộ; việc thể chế hoá các nghị quyết, quan điểm của Đảng chưa quan tâm đúng mức, còn chậm đổi mới; tổ chức thực hiện còn yếu nên nhiều quy phạm pháp luật về văn hoá chưa thực sự đi vào cuộc sống. Một số lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật chưa có luật để quản lý. Nhiều chính sách đối với văn nghệ sĩ đã lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi. Đội ngũ cán bộ quản lý văn hoá, nhất là ở các địa phương và cơ sở luôn biến động Lĩnh vực VHNT thiếu vắng những tác phẩm giá trị tâm huyết, để đời, của những cá tính sáng tạo độc đáo, nghệ sĩ lớn bậc thầy; các tác phẩm VHNT có chất lượng chưa tương xứng với số lượng; lý tưởng, khát vọng của các tác giả thể hiện qua tác phẩm chưa cao; một số tìm tòi chỉ nghiêng về hình thức, tiếp thu vội vã những khuynh hướng của nước ngoài; vẫn tồn tại dai dẳng khuynh hướng “thương mại hóa”, giải trí tầm thường hóa ở một số lĩnh vực, chi phối một bộ phận công chúng (âm nhạc, điện ảnh, sân khấu…); có biểu hiện dễ dãi bằng lòng với tình trạng nghiệp dư, “ăn xổi ở thì”, chiều theo thị hiếu cũ kỹ, hoặc tầm thường, thậm chí lập dị, ngộ nhận dưới danh nghĩa các trào lưu thời thượng (hậu hiện đại, giải cấu trúc, đại tự sự...). Đặc biệt một số ngành, lĩnh vực nghệ thuật phát triển đan xen với tụt hậu… Công tác chỉ đạo, quản lý, xây dựng cơ chế chính sách còn bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đúng vai trò của VHNT; chưa gắn kết văn hóa trong mối quan hệ với kinh tế; chỉ đạo điều hành còn thiếu sự quan tâm đúng mức đến việc kiện toàn mô hình tổ chức các Hội VHNT ở địa phương (bố trí nhân sự lãnh đạo Hội VHNT, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, kinh phí hoạt động sáng tạo nghệ thuật…); quản lý
  • 15. nhà nước về hoạt động VHNT còn buông lỏng nhất là hoạt động biểu diễn. Một số đề án về VHNT chưa được thể chế hóa cụ thể. Báo, tạp chí văn nghệ; các nhà xuất bản của các Hội còn gặp nhiều khó khăn trong phát hành, xuất bản nhưng chưa được tháo gỡ, giải quyết phù hợp trong tình hình mới. Việc xét tặng giải thưởng hàng năm của các Hội VHNT địa phương còn chưa thống nhất… Trước tình hình diễn biến phức tạp của xã hội hiện nay, văn nghệ sĩ đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn: Đời sống kinh tế (kể cả người đang hưởng lương và người đã về hưu) khó khăn; quy định hệ số lương của nghệ sĩ biểu diễn (xiếc, múa, sân khấu) chưa tương xứng với đặc thù nghề nghiệp… Phần lớn văn nghệ sĩ còn có tâm trạng băn khoăn, ảnh hưởng đến niềm say mê sáng tạo, cống hiến trong hoạt động nghề nghiệp. Thêm nữa, những tác động xấu trong xã hội (tệ tham nhũng, cửa quyền, tệ nạn xã hội…); những thông tin kích động của kẻ xấu trên mạng internet đang tác động mạnh mẽ đến văn nghệ sĩ và đã tạo nên sự phân hoá. Một bộ phận lớn văn nghệ sĩ vẫn luôn là lực lượng nòng cốt trong các Hội VHNT; vẫn giữ lập trường tư tưởng chính trị; kiên định quan điểm sáng tác theo định hướng của Đảng. Một bộ phận văn nghệ sĩ trẻ tài năng, có người đang hành nghề tự do tự xuất bản tác phẩm, tổ chức biểu diễn, làm phim theo đơn đặt hàng của các Hãng tư nhân… Nội dung tác phẩm chủ yếu đề cập tới hiện thực đời sống xã hội đương đại với cách nhìn, cách nghĩ của giới trẻ. Vì thế, không ít tác phẩm thiếu chiều sâu về tư tưởng, giá trị nhân văn, nhưng lại được các cơ quan truyền thông quảng bá rộng rãi có tác động không nhỏ đến thị hiếu thẩm mỹ của công chúng (nhất là tầng lớp bình dân và giới trẻ). Đáng lo ngại là cá biệt một số văn nghệ sĩ còn chịu tác động trực tiếp của những kẻ xấu gây chia rẽ, kích động, phủ nhận thành quả của cách mạng và kháng chiến; chưa đề cao trách nhiệm xã hội, công dân, suy giảm lòng tin vào sự nghiệp; bộc lộ sự dao động hoài nghi về sự phát triển của đất nước trong vận hội mới. Số văn nghệ sỹ này không nhiều, nhưng lợi dụng không khí đổi mới, dân chủ công khai, từng lúc, từng nơi tìm cách bộc lộ, tạo dư luận chú ý. Đây cũng là vấn đề rất cần được các cơ quan quản lý VHNT quan tâm; kiên trì và kiên quyết đấu tranh không cho kẻ xấu lợi dụng thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” trên mặt trận văn hóa, văn nghệ. NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân Khấu Việt Nam cho rằng đội ngũ văn nghệ sĩ ít được đào tạo. Nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống không có tác giả sáng tác, dẫn đến việc vay mượn chuyển thể từ loại hình sân khấu kịch sang Tuồng, Chèo, Cải lương…Tác phẩm nghệ thuật trong cơ chế thị trường là một loại “hàng hóa đặc biệt”, nhưng lại không được đầu tư giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nên dẫn đến không có thông tin, không cập nhật các hoạt động biểu dễn, nghệ thuật sân khấu truyền thống bị chìm trong quảng cáo các “sô ăn khách” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ xã hội hoá VHNT đang đặt ra cho những nhà quản lý nhiều vấn đề cần giải quyết.
  • 16. Đi tìm nguyên nhân cho những biểu hiện sa sút trên, các nhà nghiên cứu đều có những phân tích thỏa đáng từ tầm vĩ mô đến vi mô; từ góc độ đời sống văn hóa cơ sở đến nghiên cứu khoa học… III. NGHỊ QUYẾT VẪN CÒN NHIỀU GIÁ TRỊ VÀ TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN THEO HƯỚNG BỔ SUNG, HOÀN THIỆN ĐỂ THỰC HIỆN CHO NHỮNG NĂM TIẾP THEO - Tiếp tục thực hiện 4 giải pháp lớn nêu trong Nghị quyết: Giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng, ban hành luật pháp và chính sách văn hóa; tăng cường nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hóa; nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hoá. - Tăng đầu tư nguồn lực (con người và kinh phí) và cho văn hoá; tổng chi ngân sách của Nhà nước trên 1,8%; tiếp tục bảo đảm kinh phí cho các chương trình mục tiêu phát triển văn hoá. - Tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm mà sau 15 năm chưa thực hiện tốt, trong đó có việc chấn hưng nền điện ảnh nước nhà. - Cần quan tâm thể chế hoá các nghị quyết, quan điểm của Đảng kịp thời, hiệu quả. - Cần phải có chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam và đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như một ngành công nghiệp trọng điểm, dài hạn, có sức cạnh tranh cao để vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa trong nước, vừa mở rộng khả năng xuất khẩu, khẳng định vị thế của sản phẩm văn hóa Việt Nam trong hội nhập quốc tế, chống lại xu hướng du nhập hỗn loạn các sản phẩm văn hóa vào Việt Nam tràn lan như hiện nay. Nhà nước phải có chính sách ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế khác nhau tham gia đầu tư vào phát triển công nghiệp văn hóa theo một chiến lược và quy hoạch dài hạn. - Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng, Nhà nước nghiên cứu sâu lý luận, tổng kết thực tiễn về những vấn đề liên quan đến văn hoá dân tộc; đề xuất phương án có tính chiến lược về văn hoá Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cơ sở lý luận cho quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới. - Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) vẫn còn nhiều giá trị, nhưng cần được bổ sung cho phù hợp với yêu cầu mới. “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên một số vấn đề cốt lõi và cấp bách”. IV. KẾT LUẬN Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hoá là đợt sinh hoạt chính trị về văn hóa, nhằm đánh giá toàn diện quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết; chỉ rõ kết quả đạt được, những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện; những non kém, khuyết điểm; nguyên nhân của thành công và hạn chế; đúc rút bài học kinh nghiệm; đề xuất bổ
  • 17. sung, hoàn thiện chủ trương, quan điểm, giải pháp chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng cho những năm tiếp theo, tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong tình hình mới. Thông qua việc tổng kết nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của văn hoá, tầm quan trọng của Nghị quyết; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn xã hội tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ văn hoá nêu trong các nghị quyết về văn hoá của Đảng, xây dựng nền tảng tinh thần lành mạnh trong xã hội. Từ kết quả các cuộc Tọa đàm, Hội thảo khoa học và tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Đề án, trình Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI). MẤY SUY NGHĨ VỀ THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG NÊN VĂN HÓA TIÊN TIẾN ĐẬM ĐÀ BẢN SÁC DÂN TỘC TRONG THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG Ở NƯỚC TA HIỆN NAY GS. TS Đỗ Huy Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa thứ ba dưới sự lãnh đạo của Đảng sau cách mạng tháng Tám năm 1945. Nền văn hóa thứ nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng là nền văn hóa của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, được xây dựng và phát triển theo mô thức: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa. Nền văn hóa thứ hai dưới sự lãnh đạo của Đảng là nền văn hóa của thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, được phát triển theo mô thức: Nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc. Từ năm 1986, đất nước ta xây dựng chủ nghĩa xã hội thông qua cơ chế thị trường cho nên chúng ta xây dựng nền văn hóa phát triển theo mô thức: tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nền văn hóa này là nền văn hóa của chủ nghĩa xã hội phát triển thông qua thể chế kinh tế thị trường. thực chất nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa của thể chế kinh tế thị trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa đất nước. Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, do thể chế kinh tế thị trường ở nước ta có những biến động dữ dội và mau lẹ cho nên đã tác động khác thường đến toàn bộ nền văn hóa.
  • 18. Trước những biến động khôn lường như vậy, nhiều chuẩn mực tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc bị xô đẩy nghiêng ngả, các điểm nóng văn hóa xuất hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội từ lãnh vực chính trị đến giáo dục, y tế, công sở, giao thông, gia đình, giới tính, đất đai, môi trường…. Nhận thức rõ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trước những rủi ro liên tục của thể chế kinh tế thị trường, từ năm 1986, qua mỗi kỳ đại hội Đảng, Đảng ta lại ra nghị quyết tăng cường và hoàn thiện thêm một bước những định hướng chính trị quan trọng làm cho các hoạt động văn hóa ngày càng sát hơn với cơ chế thị trường. Năm 1998, sau 12 năm đổi mới đất nước, Đảng ta đã ra một nghị quyết quan trọng về văn hóa được thông qua tại Hội nghị BCHTW 5 khóa VIII nhằm định hướng toàn diện cho sự phát triển liên tục và lâu dài của quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện nghị quyết Hội nghị BCHTW 5 khóa VIII, đời sống xã hội ngày càng nóng lên khác thường, cho nên đến Hội nghị Trung ương lần thứ 10 khóa IX, một mặt Đảng ta khẳng định tiếp tục thực hiện 5 quan điểm chỉ đạo của nghị quyết Hội nghị BCHTW 5 khóa VIII, mặt khác nhấn mạnh việc phát triển đồng bộ về kinh tế, chỉnh đốn Đảng với việc nâng cao trình độ văn hóa, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa trong toàn bộ đời sống xã hội và đặc biệt là trong tăng trưởng về kinh tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển phong trào người tốt, việc tốt, gìn giữ các di sản văn hóa, củng cố các thiết chế văn hóa trong thể chế kinh tế thị trường. Sau đại hội Đảng lần thứ IX, chúng ta mới tham gia APEC và cho đến ngày 07- 11 – 2006 chúng ta mới được kết nạp vào tổ chức WTO và từ đó, chúng ta lại hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, vì thế đã có rất nhiều quan hệ văn hóa mới xuất hiện. Từ thực tế đó, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X, một mặt khẳng định chúng ta phải tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng những quan hệ văn hóa trong mọi lãnh vực của cuộc sống, mặt khác đề xuất vấn đề hoàn thiện giá trị nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm gìn giữ các phẩm giá dân tộc và phát huy phẩm giá, năng lực và thiên hướng của mọi cá nhân. Năm năm sau Đại hội Đảng lần thứ X, cơ chế thị trường ở nước ta phát triển rất đa dạng và phức tạp. Có thể nói, cho đến đầu thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI, môi trường văn hóa của chúng ta nóng lên bất thường ở tận vùng sâu, vùng xa, ở các vùng nông thôn, hải đảo, ở nhà máy, trường học, bệnh viện và cả ở công sở. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, lại tiếp tục định hướng sâu hơn, cụ thể hơn những mặt phản diện trong đời sống văn hóa cần phải chú ý khắc phục và đề xuất vấn đề phát triển văn hóa một cách toàn diện, thống nhất trong đa dạng để thống nhất với nhu cầu văn hóa mới, những điều kiện vật chất và tinh thần mới, những phương thức hoạt động văn hóa mới. Nhìn lại gần 30 năm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc dưới ánh sáng Nghị quyết của 6 kỳ đại hội Đảng, chúng ta nhận thức rằng nền văn hóa mới mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa rất đặc biệt, rất phức tạp chưa từng có tiền lệ trong lịch
  • 19. sử phát triển hàng ngàn năm của dân tộc ta. Trong gần 30 năm đổi mới, dưới ánh sáng của các Nghị quyết của 6 kỳ đại hội Đảng, nền văn hóa này từng đã đạt được một số thành tựu ban đầu, nhưng cấu trúc của nó chưa bền vững và đang vận động rất mạnh khiến chúng ta phải nhận diện thực trạng của nó, phân tích các nguyên nhân của thực trạng này và tìm những giải pháp tốt hơn để xây dựng và phát triển nó. Nhìn lại toàn cảnh gần 30 năm xây dựng và phát triển nần văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta thấy nó đang biểu hiện những hình thái như sau: Một là, gần 30 năm đổi mới, nền văn hóa này đã phát triển khác hẳn với nền văn hóa xây dựng theo mô thức nội dung xã hội và tính chất dân tộc của thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất đất nước. Nền văn hóa này phát triển phong phú hơn, đa dạng hơn và đã thỏa mãn một số nhu cầu văn hóa thứ yếu của nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, ở nhiều vùng và miền khác nhau. Với đường lối đổi mới liên tục của Đảng, nền văn hóa này đã tạo nên một sức sống, một diện mạo mới trong rất nhiều các quan hệ và các hoạt động văn hóa ở cả nông thôn và thành thị, ở rất nhiều các phương diện khác nhau từ văn hóa chính trị đến văn hóa giáo dục, văn hóa công sở, văn hóa nghệ thuật và các quan hệ văn hóa quốc tế. Tuy nhiên, hình thái rõ nhất mà chúng ta nhìn thấy, chúng ta cảm nhận được và hưởng thụ nó là những thay đổi tích cực về mặt vật chất, nhà cửa sang trọng hơn, phương tiện đi lại hiện đại hơn, phương tiện thông tin thuận lợi hơn, đồ đạc trong gia đình tiện lợi hơn….Còn về mặt tinh thần và đặc biệt là những giá trị đạo đức lại phát triển tương đối hỗn loạn nêú chúng ta không nói có một sự xuống cấp, một sự thụt lùi nghiêm trọng. Hình thái này chứng tỏ thực trạng của nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng có sự phát triển không đồng đều giữa văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, giữa các giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Hai là, nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mà chúng ta đang xây dựng, dưới sự lãnh đạo của Đảng đang phát huy mạnh mẽ những tiềm năng sáng tạo của những cá nhân. Những ai đang mang trong mình những khả năng sáng tạo đều có thể thực hiện được những ước mơ của mình. Và thực tế trong mọi hoạt động văn hóa, đặc biệt là trong các hoạt động văn hóa gắn với sở thích, với tài năng, rất nhiều cá nhân đã được xã hội cổ vũ và đón nhận. Tuy nhiên, với cơ chế thị trường trên không ít những khả năng sáng tạo của cá nhân đang biến thành một chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, tách mình ra khỏi cộng đồng và trở thành một hiện tượng phản văn hóa trong các quan hệ với cộng đồng. Thực trạng cá nhân tách ra khỏi cộng đồng, chống lại cộng đồng và ngược lại, cộng đồng chưa tạo những điều kiện tốt nhất để cá nhân phát triển các năng lực sáng tạo đang là một điểm rất nóng trong nhiều các quan hệ văn hóa ở nước ta hiện nay. Thứ ba là, trong vòng gần 30 năm đổi mới vừa qua, đất nước ta trải qua một quá trình phân tầng xã hội quá nhanh và rất sâu. Nhiều người giàu lên không bằng lao động chính đáng của mình, nhiều người lao động chính đáng lại gặp rất nhiều rủi ro trong cơ chế thị trường. Ở đây, người ta nhìn thấy sự phân tầng cả về quyền lực và sự tha hóa mạnh mẽ của quyền lực đã tạo nên những mất công bằng xã hội. Thực trạng này đã tạo nên rất nhiều những phản văn hóa
  • 20. và đảo lộn hệ thống giá trị. Khi những kẻ giàu có vô liêm sĩ huyênh hoang về những của cải vật chất, mua bán, đổi chác những giá trị tinh thần vô giá bằng tiền bạc. Thứ tư là, gần 30 năm xây dựng và phát triền nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc vừa qua, chúng ta chưa xây dựng được một hệ thống chuẩn mực đủ sức điều chỉnh các hoạt động văn hóa văn nghệ. Rất nhiều các lãnh vực văn hóa xã hội vô chuẩn. Không ít chuẩn mực rất lạc hậu còn tồn tại đóng vai trò điều tiết một số các quan hệ văn hóa văn nghệ; nhiều giá trị văn hóa thấp kém lại được tôn vinh, không ít hoạt động văn hóa văn nghệ có chất lượng lại bị đánh giá thấp. Người ta nhận thấy có một số đánh giá rất sai lệch về hệ thống giá trị trong nền văn hóa. Có sự cào bằng giữa lao động giản đơn và lao động phức tạp trong các lãnh vực văn hóa. Thực trạng này làm cho văn hóa đỉnh cao chưa có điều kiện phát triển trong cấu trúc nền văn hóa văn nghệ mới. Thứ năm là, nền văn hóa hiện nay đang trong quá trình hiện đại hóa. Cùng với những làn sóng xuất khẩu, đầu tư, tin học là quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Các quá trình này lấn lướt, đang xô đẩy nhiều hệ thống giá trị vốn là những lực cân bằng giữa truyền thống và hiện đại của nền văn hóa. Các làn sóng, các quá trình hiện đại hóa đó đã làm lỏng lẻo, lay chuyển rất nhiều thiết chế văn hóa như thiết chế gia đình, thiết chế tín ngưỡng tôn giáo và xô đẩy cả nền văn hóa tình nghĩa đến bên bờ của những dòng thác tiền tài, thực dụng, có nguy cơ diệt vong của cả một nền văn hóa biết xấu hổ. Thực trạng mất cân bằng nghiêm trọng giữa những giá trị truyền thống và những giá trị hiện đại đang tạo ra rất nhiều những phản văn hóa trong quá trình chúng ta xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong cơ chế thị trường ở nước ta hiện nay. Thứ sáu là, chúng ta đang xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh chúng ta đã có mặt tại diễn đàn kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và đã tham gia WTO, nghĩa là chúng ta đã/sẽ/và còn phải hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Chúng ta đã chấp nhận các luật chơi của cơ chế thị trường tự do, và chính cơ chế này đã giằng đứt nhiều giây neo chúng ta với chủ nghĩa xã hội để nó thả nền văn hóa của chúng ta cuốn vào những cơn sóng của đế quốc văn hóa. Những chuẩn mực, những công nghệ của đế quốc văn hóa đang thu hút giới trẻ trên mạng thông tin toàn quốc và toàn cầu. Những thước phim tình dục và bạo lực, những hệ tư tưởng khác lạ, những quan điểm văn hóa thác loạn đang gạ gẫm và rủ rê những chàng trai, cô gái thích cái mới, cái lạ đến với chúng. Thực trạng hội nhập mau lẹ và cơ chế kiến tạo những giá trị xã hội chủ nghĩa yếu ớt đã làm cho nền văn hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa trở nên ngày một xa vời. Thứ bảy là, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc mà chúng ta đang xây dựng là một bộ phận hữu cơ của mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam thông qua cơ chế thị trường. Học thuyết, hệ thống lý luận về cái mô hình này đang được nghiên cứu và chưa hoàn thiện. Vì thế, hệ thống lý luận về văn hóa để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc có rất nhiều điểm còn chung chung, chưa rõ ràng. Thực trạng này, khi các nhà quản lý văn hóa triển khai vào thực tiễn văn hóa rất lúng túng. Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, nhưng hỏi rất
  • 21. nhiều nhà hoạt động và nghiên cứu văn hóa: Văn hóa nào đang là nền tảng tinh thần xã hội ta? Câu hỏi này không có lời giải đáp nhất quán! Vậy thế nào là nền tảng tinh thần của xã hội, và vì sao văn hóa lại là nền tảng tinh thần xã hội? Câu hỏi này đã có nhiều Giáo sư và Viện sĩ phân tích nhưng nhiều nhà quản lý văn hóa vẫn không quán triệt được nó trong thực tiễn bởi vì câu trả lời quá phức tạp và không thuyết phục. Nói nguồn lực cơ bản của nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là công – nông – trí. Nhưng với cơ chế thị trường thì công nhân như thế nào? Nông dân như thế nào? Tri thức như thế nào? Tại sao cơ chế thị trường mà doanh nhân không phải là nguồn lực của văn hóa? Trong cấu trúc của xã hội Việt Nam hôm nay tầng lớp doanh nhân lớn nhanh như thần Phù Đổng, họ đã tham gia vào các quá trình xóa đói, giảm nghèo, làm từ thiện và xây nhà tình nghĩa. Nếu trong hệ thống lý luận về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thể chế kinh tế thị trường mà không phải là tầng lớp doanh nhân đóng vai trò quan trọng thì lý luận đó có phản ánh đúng thực tiễn xây dựng nền văn hóa này không? Có thể thấy rằng nhiều quan điểm chỉ đạo trong hệ thống lý luận xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thể chế kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay chưa thật cụ thể, chưa thật bám sát vào những biến động văn hóa của đất nước, cho nên khi quán triệt trong đời sống nó thiếu sức mạnh. Những nguyên nhân cơ bản của thực trạng này đã từng được rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa phân tích xung quanh mối quan hệ giữa đường lối của Đảng, sự quản lý của nhà nước và tinh thần làm chủ của nhân dân. Ở nơi nào quán triệt một cách tốt nhất đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, nơi nào năng lực của hệ thống quản lý văn hóa vừa có tài, vừa có đức, vừa làm việc khoa học, địa phương nào dân trí phát triển, quan trí phát triển thì những nơi đó, lãnh vực đó, địa phương đó có những thành tựu nổi bật trong việc xây dựng nền văn hóa mới. Ngược lại, ở nơi nào đường lối phát triển văn hóa của Đảng ở trên cây, trên loa, trên đài, còn hệ thống quản lý văn hoá yếu kém, nhân dân quay mặt với quá trình xây dựng nền văn hóa mới thì ở nơi đó sẽ có rất nhiều những điểm nóng văn hóa. Xung quanh mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo văn hóa, nhà nước quản lý sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới và nhân dân làm chủ quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều nhà nghiên cứu và giảng dạy lý luận về văn hóa có một số nhận xét như sau: Một là, đường lối lãnh đạo văn hóa của Đảng phải cập nhật hơn để định hướng những hoạt động văn hóa biến động rất mau lẹ và phức tạp trong thể chế kinh tế thị trường. Phần lớn đường lối lãnh đạo văn hóa của Đảng định hướng về văn hóa chính trị còn những lãnh vực khác của văn hóa, hầu như đường lối thiếu cụ thể hóa. Đảng ta nói phải quán triệt tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong hoạt động văn hóa văn nghệ; các văn kiện của Đảng định hướng chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là cốt lõi của mọi hoạt động văn hóa. Nói như vậy là nói về mặt văn hóa chính trị. Còn văn hóa gia đình, văn hóa làng xã, phố phường, văn hóa
  • 22. công sở, văn hóa học đường, văn hóa giao thông, văn hóa công nghiệp, văn hóa thương nghiệp, văn hóa nông nghiệp,….. thì quán triệt tư tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội như thế nào? Và cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các lãnh vực đó ra sao? Cần phải hiện thực hóa, cụ thể hóa các tư tưởng của Đảng vào từng lãnh vực văn hóa cụ thể thì các tư tưởng đó mới có ý nghĩa ý thức hệ, các nhà quản lý văn hóa mới không lúng túng khi triển khai các tư tưởng của Đảng, nhân dân mới dễ hiểu đường lối của Đảng. Hai là, về năng lực, trình độ và trách nhiệm của hệ thống quản lý văn hóa. Hiện nay, trong việc quản lý văn hóa ở rất nhiều lãnh vực, nhà quản lý cần phải chuyên sâu. Văn hóa là một lãnh vực đa dạng và phức tạp, nếu nhà quản lý văn hóa thiếu năng lực, không có trình độ, vô trách nhiệm và làm việc thiếu khoa học sẽ gây nên rất nhiều phản văn hóa trong lãnh vực nhạy cảm này. Một trong những thực trạng nền văn hóa Việt Nam hiện nay phát triển không đồng bộ giữa văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, giữa truyền thống và hiện đại, giữa sự phát triển đa dạng và định hướng xã hội chủ nghĩa là do trình độ, năng lực của nhà quản lý văn hóa văn nghệ quá yếu kém. Người ta phá hoại di sản văn hóa, người ta mang những thứ văn hóa lạ lẫm đến nền văn hóa này, người ta làm băng hoại những phẩm giá văn hóa dân tộc…. nhiều nhà quản lý văn hóa cũng không biết. Thậm chí, ngay đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, nhiều người cũng không biết vận dụng như thế nào vào thực tiễn hoạt động văn hóa cho tốt nhất. Có thể nói, một trong những nguyên nhân chủ yếu tạo nên các hiện tượng phản văn hóa trong xã hội ta ngày nay là do hệ thống quản lý văn hóa làm chưa khoa học, trình độ và năng lực quản lý yếu kém và còn rất nhiều người vô trách nhiệm trong cương vị của mình. Ba là, nhân dân làm chủ trong việc xây dựng nền văn hóa mới, nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là một nền văn hóa của cơ chế thị trường nên nó khá phuc tạp và đa dạng. Muốn làm chủ được nó cần phải hiểu bản chất và các quy luật hoạt động của nó. Điều này đặt ra vấn đề về việc nâng cao dân trí. Muốn xây dựng, phát triển và làm chủ tốt nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong cơ chế thị trường giữa những làn sóng đầu tư, xuất khẩu, tin học, thị trường tài chính, thị trường lao động, thị trường chứng khoán của thời kỳ hội nhập kinh tế sâu rộng như hôm nay mà nhân dân không được hiểu về bản chất cái thị trường này thì khó có thể làm chủ tốt những hoạt động văn hóa. Thực trạng những điểm nóng văn hóa trong quản lý đất đai, những lộn xộn trong lễ hội, trong bảo tồn và trùng tu các di tích, trong văn hóa du lịch…có liên quan bản chất đến việc nâng cao trình độ dân trí. Để phát huy những ưu điểm, khắc phục những nhược điểm trong tiến trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ở nước ta hiện nay theo ý chúng tôi cần phài quan tâm toàn diện đến tất cả các mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần, giữa thượng tầng kiến trúc với hạ tầng cơ sở, giữa các quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất cùng với các quan hệ giữa dân tộc và quốc tế, cá nhân và xã hội, truyền thống và hiện đại, con người và tự nhiên, công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, giáo dục, y tế, giao thông vận tải, các thế hệ người….trong đó nổi bật ba vấn đề cơ bản: một là các nguồn lực để phát triển văn hóa, hai là, các chuẩn mực của nền văn hóa, ba là các thiết chế văn hóa.
  • 23. Về các nguồn lực của sự phát triển văn hóa. Ai cũng biết rằng văn hóa là trình độ người của các quan hệ giữa con người và tự nhiên, con người với con người trong xã hội và sự phát triển của chính bản thân con người. Dù là văn hóa phương Đông hay văn hóa phương Tây, văn hóa thời cổ đại hay văn hóa thời kỳ hiện đại, văn hóa thời bao cấp hay văn hóa thời kỳ đổi mới đều là quá trình đối tượng hóa các năng lực bản chất người trong các quan hệ với tự nhiên, với cộng đồng xã hội, với chính phẩm giá, năng lực và thiên hướng của mỗi nhân cách. Như vậy, các nguồn lực của sự phát triển mọi văn hóa gồm có nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn tài chính. Để phát triển mỗi nền văn hóa ta phải quan tâm phát triển ba nguồn lực này. Nều phát triển đúng thì nền văn hóa có sức sống và nều phát triển sai lệch thì nền văn hóa thiếu sức sống, bởi vì không có những hợp lực, nhiều khi lại tạo ra những phân lực của nền văn hóa. Để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, gần 30 năm qua chúng ta coi nguồn nhân lực cơ bản là khối đoàn kết công – nông – trí, trong đó đội ngũ tri thức đóng vai trò quan trọng. Trong gần 30 năm qua, đời sống của giai cấp công nhân ở Việt Nam rất bấp bênh, nếu không muốn nói là nhiều gia đình lâm vào cảnh nhếch nhác. Họ đều đi làm thuê cho các doanh nghiệp, các nhà tư bản. Nhiều người bị các nhà tư bản trả công rẻ mạt và lao dộng rất vất vả. Với đội ngũ giai cấp công nhân như vậy, nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc chưa thể phát triển tốt đẹp được. Về giai cấp nông dân, gần 30 năm đổi mới, quá trình đô thị hóa và các làn sóng xuất khẩu, đầu tư, tin học đã mang lại cho nhiều gia đình nông dân một cuộc sống khá giả, song nhiều gia đình cũng mất đất, mất ruộng, không có việc làm. Người nông dân đã sản xuất nhiều sản phẩm nông nghiệp có tính hàng hóa, nhưng họ đã sử dụng quá nhiều hóa chất độc hại làm hại cho cả đất đai và nguồn nước. Các quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đã làm cho hàng vạn, hàng chục vạn gia đình phải di cư khỏi chỗ ở của mình. Có một cuộc đảo lộn rất to lớn trong cấu trúc xã hội. Nhiều người nông dân phải ra thành phô, ra nước ngoài để bán sức lao động. nguồn nhân lực để xây dựng văn hóa nông thôn trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay đang có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt là lối sống tiểu nông. Về đội ngũ tri thức, gần 30 đổi mới, chỳng ta xây dựng thêm nhiều trường Đại Học, nhưng chất lượng đào tạo thấp, rất nhiều sinh viên trớ thức ra trường không có việc làm. Nhiều tri thức với nhiều lý do khác nhau chưa được sử dụng tốt nhất. Nhiều vạn tri thức đi học nước ngoài chưa hoặc không trở về tổ quốc để xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Lực lượng trớ thức xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc chưa được phân bổ đều ở các vùng, các miền, các lĩnh vực phát triển văn hóa. Trong cơ cấu xã hội của Việt Nam gần 30 năm đổi mới, tầng lớp doanh nhân tăng lên rất nhanh. Họ cống hiến rất nhiều vào toàn bộ đời sống văn hóa. Ở khu vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp luôn có sự hiện diện của họ trong mô hình 4 nhà: nhà sản xuất, nhà kinh doanh, nhà khoa học và nhà nước. Đâu đâu cũng thấy tiền tỷ của các doanh nhân làm từ thiện.... Vậy mà cơ cấu nguồn lực của nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc không có sự hiện diện xứng tầm
  • 24. của họ. Tại sao một nền văn hóa của cơ chế thị trường mà lại không phải là tầng lớp doanh nhân đóng vai trò quan trọng. Ngoài nhân lực, thì nguồn lực của sự phát triển văn hóa Việt nam hôm nay phải gắn liền với tài nguyên đất đai, sông, suối, rừng, khoáng sản, mặt đất, bầu trời, nguồn nước của quốc gia. Con người xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam đã làm gì với nguồn tài nguyên này! Nhiều người đã săn bắt động vật hoang dã, phá hoại rừng nguyên sinh, ngăn sông, chặn suối, bắt thủy hải sản bằng chất nổ và sung lực điện. Rất nhiều điểm nóng văn hóa sảy ra đối việc quả lý đất đâi và thái độ vô trách nhiệm của con người cố ý làm ô nhiễm môi trường. Để xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc cần có một hệ giải pháp cơ bản lâu dài cho sự phát triển bền vững nguồn tài nguyên này, cần phải có một chính sách quản lý và giảm quyền lực thao túng tài nguyên quốc gia. Ngoài các nguồn nhân lực các tài nguyên tự nhiên, vấn đề xây dựng nền văn hoán tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thể chế kinh tế thị trường không thể không làm chủ nguồn tài chính. Các điểm nóng văn hóa đã nổi lên cùng với nhứng trận bóo giá, những tiêu cực văn hóa phần lớn dùng đồng tiên để bôi trơn các mối quan hệ xã hội, những tội phạm, những kẻ tham ô, đều xoay quanh vấn đề đồng tiền. Sử dụng tốt đồng tiền sẽ có một nền văn hóa tốt. Buông lỏng quản lý đồng tiền, đồng tiền sẽ biến những phản văn hóa thành những giá trị văn hóa cao quý! Để xây dựng và phát triển mỗi nền văn hóa, ngoài việc quan tâm đúng và triệt để nuôi dưỡng, phát huy các nguồn lực, người ta cần thiết phải chú ý đến các chuẩn mực văn hóa. Các chuẩn mực văn hóa mà nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc phải hướng đến xây dựng là cái đúng, cái tốt, các đẹp, cái hợp lý. Tất cả những lộn xộn về văn hóa trong thời gian vừa qua đều liên quan đến hệ thống chuẩn mực mà chúng chưa bám rễ vào đời sống, thậm chí có lãnh vực còn vô chuẩn. Một xã hội có văn hóa, một cộng đồng có văn hóa, một cá nhân là nhân cách văn hóa, một nền văn hóa, một thời đại văn hóa trước hết phải sống và làm việc theo cái đúng. Đó là cái đúng của hiến pháp và pháp luật. Chuẩn mực pháp luật là chuẩn mực được phép và không được phép của một cộng đồng văn hóa: Sống bên ngoài vòng pháp luật, sống bên trên pháp luật đều là vô văn hóa. Sống đúng còn phải sống theo chuẩn mực khoa học. Sống và làm việc theo chuẩn mực pháp luật và khoa học là sống có văn hóa. Khoa học sẽ tạo cho nền văn hóa được phát triển khách quan, không thiên vị và có giá trị nhân loại khi nó bảo vệ phẩm giá dân tộc. Sống đúng là sống theo một lý tưởng tích cực, lý tưởng tiến bộ. Lý tưởng này định hướng cho các quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng vươn tới những nấc thang tiến bộ, bảo đảm quyền lao động, quyền công dân, quyền sống và cả quyền chết của mỗi con người có văn hóa. Nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta nhất định phải xây dựng một hệ chuẩn của cái đúng gắn với hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gắn với nền khoa học tiên tiến của thời đại, gắn với lý tưởng tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội.
  • 25. Ngoài chuẩn mực của cái đúng, nền văn hóa tiền tiến đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta phát triển trong cơ chế thị trường nhất định phải xây cho được hệ chuẩn mực của cái tốt. Hệ chuẩn mực này sẽ nối liền các giá trị đạo đức truyền thống với các giá trị đạo đức hiện đại. Hệ chuẩn mực này phát triển cao độ ý chí của con người làm cho các nhân cách được phát triển các phẩm giá đạo đức và các quan hệ cộng đồng có sự yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau một cách vô tư. Những năm tháng vừa qua chúng ta chưa xây dựng được một hệ chuẩn đạo đức phát triển các nhân cách trong cơ chế thị trường cho nên nhiều lối sống thực dụng, ích kỷ, tàn bạo đến ghê người đã xuất hiện trong nền văn hóa. Mục tiêu quan trọng của giải pháp xây dựng các chuẩn mực của cái tốt trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thể chế kinh tế thị trường là thúc đẩy chủ nghĩa yêu nước chân chính, bảo vệ và cổ vũ những phẩm giá đạo đức, đấu tranh chống mọi áp bức, bóc lột vì chủ nghĩa nhân văn cao cả và lòng khoan dung vô hạn giữa con người với con người. Nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta phải xây dựng hệ chuẩn thẩm mỹ lấy cái đẹp làm trung tâm. Đó là một hệ chuẩn rất cơ bản của nền văn hóa nhằm phát triển toàn diện nhân cách con người, phát huy tài năng sáng tạo của con người, tạo dựng mối quan hệ thống nhất và đa dạng trong phát triển văn hóa, hướng mọi hoạt động văn hóa đặc biệt là hoạt động văn hóa nghệ thuật gắn với lý tưởng cao đẹp và thị hiếu lành mạnh. Chuẩn mực của cái đẹp trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc sẽ kích thích mọi sự sáng tạo cá nhân hướng tới sự phát triển hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và tộc người, giữa quốc gia và quốc tế, con người và tự nhiên. Chuẩn mực của cái đẹp góp phần rất quan trọng trong sự nghiệp hình thành những năng lượng thẩm mỹ cho xã hội để nếu ai mang trong mình tố chất của nhà nghệ sĩ họ sẽ đóng góp những giá trị rất độc đáo cho nền văn hóa. Nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ở nước ta hiện nay khi xây dựng trong thể chế thị trường nó phải hình thành cho được những chuẩn mực của cái hợp lý hay không hợp lý gắn với lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm và lợi ích của cả cộng đồng. Nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ở Việt Nam là nền văn hóa của cơ chế thị trường và tồn tại suốt trong thời kỳ quá độ. Nó chấp nhận mọi sự cạnh tranh hợp lý và không dung nạp chủ nghĩa bình quân ấu trĩ, tôn trọng moị hoạt động sáng tạo cá nhân và có cơ chế phát triển những tài năng. Điều này có vẻ rất mới so với tư duy truyền thống. Trong cơ chế thị trường, chúng ta không duy nhất hóa sư hy sinh cá nhân cho cộng đồng, không coi sự phát triển hài hòa có tính vật lý mà là sự hợp lý. Những cá nhân xuất sắc, các tài năng kiệt xuất trong lãnh vực văn hóa phải được cộng đồng chú ý hơn, tôn vinh tích cực hơn và trao cho họ những lợi ích xứng đáng hơn, bởi vì họ có năng lực phát triển xã hội tốt hơn. Vấn đề cuối cùng trong giải pháp xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ở nước ta hiện nay là phải quan tâm triệt để đến hệ thống thiết chế văn hóa. Các thiết chế văn hóa hình thành là do sự đòi hỏi bền vững của mọi hoạt động văn hóa. Nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta đã kế thừa rất nhiều thiết chế của nền văn hóa truyền thống. đó là các thiết chế văn hóa lao động, văn hóa thế hệ, văn hóa vui chơi giải trí, văn hóa giáo dục, văn hóa tín ngường tâm linh, văn hóa nghệ thuật, văn hóa thể chất và rất nhiều những thể chế văn hóa
  • 26. khác. Để duy trì và phát triển những hoạt động văn hóa trong trong thể chế kinh tế thị trường giữa một thời đại bùng nổ thông tin, hệ thống truyền thông đại chúng phát triển rất nhanh, chúng ta cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện thêm những thiết chế văn hóa mới gắn với thời đại mới và những biến động dữ dội của cơ chế thị trường. Đó là những thiết chế làm cho những cái đã tốt ngày càng tốt hơn và đồng thời nó trở thành một cơ chế lọc bỏ những nhân tố lạc hậu của nền văn hóa, hội nhập và tiếp biến những nhân tố tiến bộ của nhiều nền văn hóa trên thế giới đồng thời với việc gìn giữ phẩm giá dân tộc. Hệ giải pháp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc gắn với toàn bộ sự vận động của đời sống xã hội. Văn hóa là cái dính kết, cái lan tỏa trong mọi hoạt động lao động, giao tiếp, sinh tồn xã hội. Văn hóa là một quá trình nhân hóa, nó liên quan tới mọi phương diện, mọi ngành trong đời sống xã hội. Vì thế, những giải pháp để phát triển nó phải có ý nghĩa chiến lược quốc gia. Những giải pháp này riêng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch không thực hiện được mà phải có mối liên hệ phối hợp với các ngành, các cấp và của toàn xã hội một cách khoa học và đồng bộ. Sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc dũ đã trải qua gần ba thập kỷ, nhưng nó mới là thời đoạn ban đầu. Nó đang biến động dữ dội, nhưng nếu chúng ta làm chủ được các nguồn lực, xây dựng thành công hệ chuẩn của cái đúng, cái tốt, cái đẹp, cái hợp lý, hình thành một cách cơ bản và khoa học những thiết chế văn hóa nền tảng thì chúng ta nhất định xây dựng thành công nền văn hóa này. THỂ CHẾ, THIẾT CHẾ, CƠ CHẾ PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP Ths.Hồ Việt Hà -Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Bộ Văn háo,Thể thao và Du lịch Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII), năm 1998 đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (Nghị quyết trung ương 5 khóa VIII). Đây là Nghị quyết có ý nghĩa chiến lược, chỉ đạo quá trình xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa ở nước ta đã tạo bước biến chuyển cơ bản nhằm tiếp thụ tinh hoa vǎn hóa nhân loại, làm cho vǎn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước. Qua 15 năm thực hiện, trong khuôn khổ nghiên cứu khoa học, đề tài này tập trung nghiên cứu về thể chế, thiết chế, cơ chế phát triển văn hóa thực trạng và giải pháp như sau: