SlideShare ist ein Scribd-Unternehmen logo
1 von 42
CHẾ ĐỊNH CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH
TRONG PHÁP LUẬT CẠNH TRANH
Vị trí của chế định về cạnh tranh không lành mạnh trong pháp luật cạnh
tranh nói chung và trong Luật Cạnh tranh 2004 của Việt Nam nói riêng là một vấn
đề còn nhiều tranh luận. Một mặt, còn có những điểm chưa thống nhất trong việc
xác định và đánh giá về bản chất hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Mặt khác,
tác động qua lại giữa pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh với người anh em
có nhiều khác biệt của nó là pháp luật về hạn chế cạnh tranh, cũng như với các lĩnh
vực pháp luật khác như pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật về sở hữu
trí tuệ… khiến cho sự khoanh vùng điều chỉnh và lựa chọn cơ chế điều chỉnh đối
với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đưa đến nhiều cân nhắc. Bài viết này
nhằm mục đích làm rõ một số vấn đề mang tính nhận diện về cạnh tranh không
lành mạnh và vị trí của bộ phận pháp luật này trong khuôn khổ pháp luật cạnh
tranh. Do khuôn khổ hạn chế, bài viết sẽ không đi sâu phân tích các hành vi cạnh
tranh không lành mạnh cụ thể mà chỉ đề cập một số vấn đề mang lý luận về bản
chất của hành vi và các cách thức tiếp cận và điều chỉnh pháp lý đối với hành vi
cạnh tranh không lành mạnh nói chung.
1. Khái niệm cạnh tranh không lành mạnh
Cho đến nay, vai trò của cạnh tranh trong việc cân bằng cung cầu trên thị
trường, tạo động lực đổi mới và phát triển cũng như bảo vệ quyền lợi cho người
tiêu dùng. Tuy nhiên, để đem lại những lợi ích như vậy, hoạt động cạnh tranh cần
được duy trì trong một khuôn khổ lành mạnh và tuân theo những nguyên tắc nhất
định.
Có thể hiểu đơn giản cạnh tranh không lành mạnh là một thứ cạnh tranh
quá mức và vì thế gây tác dụng ngược. Nhà nghiên cứu người Pháp Dominique
Brault đã trích dẫn một so sánh mang tính hình tượng: “Cạnh tranh là một thứ
rượu, dùng đúng liều nó là chất kích thích, dùng quá liều nó trở thành thuốc
độc”1
. Nhà nước không chỉ có trách nhiệm không tạo ra lợi thế hay bất lợi cho một
đối thủ cạnh tranh, mà còn cần ngăn chặn việc các đối thủ cạnh tranh tạo ra lợi thế
cho mình bằng bất kỳ thủ đoạn nào họ muốn. Nếu không, trật tự kinh tế sẽ bị rối
loạn và nhiều doanh nghiệp trung thực bị gạt ra khỏi cuộc chơi. Xét một cách khái
quát, pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh ngăn chặn các hành vi của
doanh nghiệp nhằm tạo lợi thế cạnh tranh một cách không chính đáng trước các
đối thủ cạnh tranh khác. Những vụ việc thực tế về cạnh tranh không lành mạnh
đều thể hiện một bản chất chung theo đó doanh nghiệp toan tính đạt được thành
công trên thị trường không dựa trên nỗ lực của bản thân cải thiện chất lượng, giá cả
của sản phẩm, mà bằng cách chiếm đoạt những ưu thế của sản phẩm người khác
hoặc tác động sai trái lên khách hàng.
Tuy nhiên, xét cả về lý luận lẫn thực tiễn, khi cơ chế thị trường khuyến
khích các doanh nghiệp cạnh tranh tự do và sáng tạo, việc đánh giá tính chính đáng
trong hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp và đặt ra các giới hạn cho cạnh tranh
lành mạnh là khó khăn mà các nhà lập pháp có vẻ đã không giải quyết được triệt để
và trong nhiều trường hợp chỉ đề ra các tiêu chí khái quát chung và trao quyền cho
cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh tự đánh giá và quyết định ở những vụ việc cụ
thể.
Sự không rõ ràng trong khái niệm về cạnh tranh không lành mạnh được thể
hiện ngay tại một trong những định nghĩa pháp lý phổ biến nhất và lâu đời nhất của
nó, nằm tại Điều 10 bis Công ước Paris về Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Điều
khoản này được bổ sung được bổ sung vào Công ước năm 1900 và được sửa đổi
lần cuối theo Văn bản Stockholm năm 1967, theo đó bất kỳ hành vi cạnh tranh nào
đi ngược lại các thông lệ trung thực, thiện chí trong công nghiệp hoặc trong
thương mại đều là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tại định nghĩa này, có thể
thấy tiêu chí đánh giá quan trọng nhất về tính lành mạnh/không lành mạnh của một
hành vi cạnh tranh là “các thông lệ trung thực và thiện chí” không rõ ràng và ổn
định, ở mỗi quốc gia có thể có những khác biệt phụ thuộc vào điều kiện kinh tế,
văn hoá, xã hội và lịch sử của quốc gia đó.
Trên thực tế, Điều 10 bis đã có ý bỏ ngỏ khái niệm này cho pháp luật quốc
gia của các nước thành viên Công ước tự định đoạt. Tuy nhiên đến cấp độ pháp
luật quốc gia, tình hình cũng không có gì tiến triển hơn. Sự không rõ ràng trong
việc xác định phạm vi cạnh tranh không lành mạnh tiếp tục được thể hiện trong
pháp luật nhiều nước, tại Bỉ và Luxembourg các tiêu chí này được gọi là “thông lệ
thương mại trung thực”, tại Tây Ban Nha và Thuỵ Sỹ là “nguyên tắc ngay tình”,
tại Italia là “tính chuyên nghiệp đúng đắn”, tại Đức, Hy Lạp và Ba Lan là “đạo
đức kinh doanh”. Còn tại Hoa Kỳ, do thiếu định nghĩa trong các văn bản pháp luật,
các toà án đã xác định từ nguồn án lệ định nghĩa cạnh tranh lành mạnh là “các
nguyên tắc giải quyết trung thực và công bằng” hoặc “đạo đức thị trường”. Pháp
luật đã không đưa ra được chuẩn mực để nhận diện các hành vi cạnh tranh lành
mạnh, được chấp nhận trong kinh doanh. Tiêu chí “công bằng” hay “trung thực”
phản ánh các quan niệm đa chiều về kinh tế, xã hội, văn hoá, đạo đức, triết học …
tồn tại trong một xã hội, do đó sẽ khác nhau giữa các quốc gia hoặc thậm chí trong
cùng một quốc gia. Theo thời gian, các tiêu chí này cũng có thể thay đổi. Hơn nữa,
luôn có những hoạt động cạnh tranh không lành mạnh mới, khi tính sáng tạo trong
kinh doanh không có giới hạn. Mọi nỗ lực nhằm bao quát trong một định nghĩa tất
cả các hoạt động cạnh tranh hiện tại và tương lai, có thể đồng thời xác định mọi
hành vi bị ngăn cấm và linh hoạt đủ để thích nghi với những thông lệ thị trường
mới, cho đến nay vẫn thất bại 2
.
Luật Cạnh tranh Việt Nam đưa ra định nghĩa về cạnh tranh không lành mạnh
tại khoản 4 Điều 3 như sau: “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh
tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông
thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích
của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu
dùng”. Nhìn chung, định nghĩa về cạnh tranh không lành mạnh của Luật Cạnh
tranh 2004 tương tự với định nghĩa của Công ước Paris và pháp luật các nước có
nền kinh tế thị trường phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, tại định nghĩa này, một
lần nữa có thể thấy tiêu chí đánh giá về tính chất không lành mạnh của hành vi
cạnh tranh chỉ được nêu chung chung là “các chuẩn mực thông thường về đạo đức
kinh doanh”. Công ước Paris ít nhất còn đưa ra hai tiêu chí cụ thể là tính trung
thực và tính thiện chí, để dựa vào đó cơ quan công quyền đánh giá một hành vi cụ
thể trên thực tế có tỏ ra trung thực và thiện chí hay không. Đồng thời Công ước
cũng khuyến nghị các nước tham gia cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá trong nội luật
của mình để thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật. Pháp luật cạnh tranh Việt Nam
chẳng những không đưa thêm được các tiêu chí đánh giá mà còn giản lược hơn khi
chỉ đề cập đến khái niệm đạo đức kinh doanh, gây khó khăn cho việc xem xét hành
vi cạnh tranh không lành mạnh trên thực tế:
- Thứ nhất, do nền kinh tế thị trường tại nước ta mới hình thành, các quan hệ
kinh doanh chưa đủ thời gian để trở thành tập quán và được chấp nhận rộng rãi.
Tầng lớp thương nhân của Việt Nam cũng chưa đủ đông và mạnh để có thể thống
nhất đặt ra những tiêu chuẩn chung, những hướng dẫn đóng vai trò quy tắc đạo đức
cho một ngành kinh doanh.
- Thứ hai, do pháp luật Việt Nam không thừa nhận án lệ, các cơ quan tài
phán của nước ta thường có vai trò hạn chế trong việc vận dụng pháp luật, nhất là
trong trường hợp chỉ có những quy định mang tính nguyên tắc như trường hợp về
các chuẩn mực đạo đức kinh doanh này. Các cơ quan công quyền cũng không đủ
hiểu biết thực tế để thay cho thương nhân đặt ra các quy tắc đạo đức trong một
ngành kinh doanh cụ thể. Do đó, quy định thiếu cụ thể đối với một nội dung có vai
trò định vị như vậy sẽ gây trở ngại lớn cho các hoạt động thực thi pháp luật cạnh
tranh tại Việt Nam.
2. Các đặc điểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Xuất phát khái niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh nêu trên, có thể
xác định một số đặc điểm cơ bản của hành vi cạnh tranh không lành mạnh như sau:
2.1 Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trước hết là một hành vi cạnh tranh
do các chủ thể kinh doanh trên thị trường thực hiện. Có thể phân tích vấn đề này
trên hai khía cạnh:
- Thứ nhất, trên thị trường cạnh tranh, mỗi hành vi kinh doanh của một
doanh nghiệp cũng chính là hành vi cạnh tranh trong tương quan với các doanh
nghiệp khác, do đó mọi hoạt động của doanh nghiệp đều có thể bị xem xét về tính
chính đáng, phù hợp với thông lệ hay đạo đức kinh doanh và pháp luật về cạnh
tranh không lành mạnh có thể can thiệp vào nhiều hoạt động khác nhau của đời
sống kinh tế. Đặc điểm này khiến cho pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh tại
một số quốc gia có thể có phạm vi áp dụng rất rộng và điều chỉnh những hành vi đa
dạng. Một ví dụ gần đây được nhiều người biết đến là Điều 18 của Luật Chống
cạnh tranh không lành mạnh Nhật Bản quy định về việc hối lộ cũng bị coi là một
dạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Quy định này được bổ sung năm 1998
và được coi là sự nội luật hoá Công ước của OECD về Chống hối lộ đối với quan
chức nước ngoài trong giao dịch quốc tế.
- Thứ hai, chủ thể thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh là các
doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh trên thị trường. Ở đây, khái niệm
doanh nghiệp được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm mọi tổ chức hay cá nhân tham
gia hoạt động tìm kiếm lợi nhuận một cách thường xuyên và chuyên nghiệp, hay
sử dụng khái niệm của pháp luật thương mại là có tư cách thương nhân trên thị
trường. Trên một phạm vi rộng hơn, các quy định về cạnh tranh không lành mạnh
còn có thể áp dụng đối với hành vi của các nhóm doanh nghiệp hoạt động có tổ
chức (hiệp hội) và các cá nhân hành nghề tự do (bác sỹ, luật sư, kiến trúc sư…).
Và cuối cùng, liên quan đến trách nhiệm cá nhân, theo một truyền thống chung của
pháp luật cạnh tranh, một số quốc gia còn mở rộng phạm vi đối tượng chịu trách
nhiệm pháp lý về vi phạm đến các cá nhân là lãnh đạo doanh nghiệp và không loại
trừ các chế tài mang tính hình sự. Lấy tiếp ví dụ tại Luật Chống cạnh tranh không
lành mạnh của Nhật Bản nêu trên, hình phạt tối đa đối với các cá nhân vi phạm có
thể lên đến 10 năm tù và 10 triệu yên tiền phạt.
2.2 Đặc điểm thứ hai của hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được
nhắc tới tại phần trên, đó là tính chất đối lập, đi ngược lại các thông lệ tốt, các
nguyên tắc đạo đức kinh doanh, có thể hiểu là những quy tắc xử sự chung đã được
chấp nhận rộng rãi và lâu dài trong hoạt động kinh doanh trên thị trường. Đặc điểm
này phần nào thể hiện nguồn gốc tập quán pháp của pháp luật về cạnh tranh không
lành mạnh, các quy định về cạnh tranh không lành mạnh được hình thành và hoàn
thiện qua bề dày thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, không thể một sớm một chiều
mà có được. Mặt khác, đặc điểm này cũng đòi hỏi cơ quan xử lý về hành vi cạnh
tranh không lành mạnh phải có những hiểu biết và đánh giá sâu sắc về thực tiễn thị
trường để phán định một hành vi có đi ngược lại những quy tắc xử sự chung trong
kinh doanh tại một thời điểm nhất định hay không.
Như đã phân tích ở phần trên, với nền kinh tế thị trường mới hình thành,
các thông lệ, tập quán thương mại tại Việt Nam chưa đủ thời gian để tạo thành các
chuẩn mực đạo đức kinh doanh được các tổ chức, cá nhân cùng nhận thức giống
nhau và tự nguyên thực hiện như những quy tắc xử sự có tính chất bắt buộc. Tuy
nhiên, người viết cho rằng vẫn có một số nguyên tắc được khẳng định cả trong
pháp luật và thực tiễn có thể sử dụng để đánh giá tính lành mạnh của hành vi cạnh
tranh, cũng là những nguyên tắc cơ bản của giao dịch dân sự, thương mại được quy
định tại văn bản luật khác như Bộ luật Dân sự hay Luật Doanh nghiệp. Đó là các
nguyên tắc như trung thực, thiện chí, tự nguyện, hợp tác, hợp tác, cẩn trọng và mẫn
cán…. Và những nguyên tắc khác có thể được đề xuất trong tương lai phù hợp với
yêu cầu thực tế của công cuộc phát triển kinh tế xã hội.
Do đặt tiêu chí đánh giá tính lành mạnh của hành vi cạnh tranh dựa trên các
thông lệ kinh doanh trung thực, thiện chí, pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh
luôn có trọng tâm bảo vệ các doanh nghiệp trung thực, các chuẩn mực hành vi của
doanh nghiệp được xem là trọng tâm ban đầu để xây dựng các quy định trong lĩnh
vực này. Một hoạt động kinh doanh nhất định bị đa số trong cộng đồng doanh
nghiệp phản đối thì hiếm khi được coi là là cạnh tranh lành mạnh.
Mặt khác, một số thông lệ kinh doanh được công nhận trong một số ngành,
lĩnh vực nhất định, song lại bị coi là sai trái ở những ngành, lĩnh vực khác. Trong
những trưonừg hợp như vậy, việc đánh giá hành vi phải dựa trên các chuẩn mực
chung hơn về đạo đức kinh doanh, trong đó xem xét khả năng quyền lợi của người
tiêu dùng bị phương hại. Cũng có những trường hợp hành vi thoạt đầu không gây
hại cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp khác, nhưng về lâu dài vẫn có thể ảnh
hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, do đó cần phải có biện pháp ngăn chặn thích hợp.
Do đó, để đánh giá một hành vi cạnh tranh không lành mạnh không thể không xem
xét tác động của hành vi đó đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp khác.
Một khía cạnh khác cần phân tích liên quan đến đặc điểm đi ngược lại
thông lệ, chuẩn mực đạo đức kinh doanh của hành vi cạnh tranh không lành mạnh,
đó là yếu tố chủ quan của bên thực hiện hành vi. Một hành vi cạnh tranh không
lành mạnh điển hình luôn gắn với lỗi cố ý của bên vi phạm, mặc dù biết hoặc buộc
phải biết đến các thông lệ, chuẩn mực đặt ra đối với hoạt động kinh doanh của
mình nhưng vẫn cố tình vi phạm. Tuy nhiên, trong thực tiễn xử lý, việc xem xét
đánh giá yếu tố lỗi được trao cho toà án hoặc cơ quan xử lý vụ việc, và nhiều
trường hợp mang tính chất suy đoán hơn là đòi hỏi các bằng chứng cụ thể về ý
định cạnh tranh không lành mạnh của bên thực hiện hành vi. Và khi vấn đề bảo vệ
người tiêu dùng được nhấn mạnh định hướng thực thi pháp luật về cạnh tranh
không lành mạnh thì việc xem xét yếu tố lỗi càng không mang tính quyết định. Về
nguyên tắc, một hành vi của doanh nghiệp cho dù chỉ là vô ý, bất cẩn nhưng gây
thiệt hại cho người tiêu dùng cũng vẫn phải bị ngăn chặn.
2.3 Một hành vi cạnh tranh bị kết luận là không lành mạnh và cần phải
ngăn chặn khi nó gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại cho các đối tượng
khác. Đặc điểm này mang nhiều ý nghĩa về tố tụng và đặc biệt được chú ý khi việc
xử lý cạnh tranh không lành mạnh được tiến hành trong khuôn khổ kiện dân sự và
gắn liền với yêu cầu bồi thường thiệt hại. Câu hỏi đặt ra là liệu việc chứng minh
thiệt hại thực tế được coi là bắt buộc để bắt đầu tiến trình xử lý hành vi cạnh tranh
không lành mạnh hay không? Tuỳ thuộc vào quy định của từng quốc gia cũng như
quan điểm của cơ quan xử lý, có các cách thức nhìn nhận khác nhau về hậu quả
của hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Trong nhiều trường hợp, cơ quan xử lý
có thể chấp nhận việc “đe doạ gây thiệt hại”, cũng như các thiệt hại không tính
toán được cụ thể về cơ hội kinh doanh là đủ để coi một hành vi cạnh tranh là không
lành mạnh và đáng bị ngăn cấm.
Về đối tượng chịu thiệt hại, dễ thấy hành vi cạnh tranh không lành mạnh có
thể tác động đến nhiều đối tượng khác nhau tham gia thị trường khác nhau, trong
đó hai nhóm cơ bản là các đối thủ cạnh tranh và người tiêu dùng. Điều 3 của Luật
Chống cạnh tranh không lành mạnh Đức cấm “các hành vi cạnh tranh không lành
mạnh có thể gây ảnh hưởng đáng kể về cạnh tranh làm tổn hại đến các đối thủ
cạnh tranh, người tiêu dùng và các chủ thể tham gia thị trường khác”. Luật Cạnh
tranh Việt Nam có đưa thêm một đối tượng có thể bị xâm hại là Nhà nước, tuy
nhiên đối tượng này không mang tính tiêu biểu, không phổ biến trong quy định về
cạnh tranh không lành mạnh của nhiều quốc gia, do chỉ có thể đặt vấn đề bảo vệ lợi
ích của Nhà nước trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh tại những nền kinh tế
mà ở đó Nhà nước tham gia sâu vào hoạt động kinh doanh, và cạnh tranh trực tiếp
với các thành phần kinh tế khác trên thị trường. Trong đa số trường hợp khác, lợi
ích của Nhà nước đã được thể hiện thông qua lợi ích của các nhóm chủ thể tham
gia thị trường là doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trước đây, một số quốc gia có cách tiếp cận cứng khi xác định một hành vi
là cạnh tranh không lành mạnh ngay khi nó gây thiệt hại cho các doanh nghiệp
cạnh tranh trong ngành mà không cần xem xét ảnh hưởng đến các đối tượng khác,
đặc biệt là người tiêu dùng. Điển hình là Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh
trước của Đức (ra đời năm 1909 và được thay thế bằng đạo luật mới năm 2004),
trong đó cấm cả các chương trình khuyến mại giảm giá đặc biệt cho người tiêu
dùng và kéo dài quá 12 ngày 3
. Hiện nay, cách nhìn nhận về hành vi cạnh tranh
không lành mạnh trở nên cân bằng hơn, cơ quan xử lý thường phải đánh giá cả
thiệt hại của người tiêu dùng và các đối tượng khác để kết luận về vi phạm. Cần
thấy rằng trong một phạm vi thị trường hữu hạn, doanh nghiệp thực hiện một hành
vi cạnh tranh bất kỳ cũng đều có khả năng gây thiệt hại cho các đối thủ cạnh tranh
của doanh nghiệp đó, do vậy, nếu chỉ căn cứ vào thiệt hại của các đối thủ cạnh
tranh để xác định một hành vi là không lành mạnh thì sẽ không đầy đủ. Trên thực
tế, các hành vi cạnh tranh gây thiệt hại cho đối thủ cạnh tranh khác nhưng đem lại
lợi ích thực tế cho người tiêu dùng sẽ không bị coi là cạnh tranh không lành mạnh.
Ví dụ điển hình là trường hợp quảng cáo so sánh, trước đây bị coi là một trong
những hành vi cạnh tranh không lành mạnh điển hình, tuy nhiên từ sự cân nhắc lợi
ích nó đem lại cho người tiêu dùng (tiết kiệm thời gian tìm kiếm, lựa chọn sản
phẩm), mà hành vi này đến nay đã được chấp nhận với những điều kiện ràng buộc
về tính chính xác, đầy đủ của thông tin để tránh bị các doanh nghiệp lợi dụng công
kích đối thủ cạnh tranh. Việt Nam hiện còn lại là một trong số rất ít các quốc gia
trên thế giới cấm tuyệt đối các hình thức quảng cáo so sánh trực tiếp, mà không
cần xét đến nội dung quảng cáo.
3. Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh
3.1 Nguồn của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh
Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh ra đời sớm hơn pháp luật về hạn
chế cạnh tranh. Các quy định chống hành vi hạn chế cạnh tranh chỉ ra đời khi thị
trường đã phát triển và đạt được mức độ tập trung hoá nhất định dẫn đến sự hình
thành các doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp mang quyền lực thị trường cần
phải bị kiểm soát. Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh gắn liền với sự ra đời
của thương mại tự do tại Châu Âu thế kỷ 19, mà theo một số nhà nghiên cứu, khởi
đầu từ Cách mạng Pháp 17914
. Hệ thống các phường hội thương mại đã duy trì và
phát triển luật chơi trong ngành một cách mạnh mẽ, trong khi người ta nhận thấy rõ
rằng không thể trông đợi các thương nhân đơn lẻ thực hiện cạnh tranh lành mạnh
một cách tự giác. Xuất phát từ Điều 1382 Bộ luật Dân sự Pháp về trách nhiệm bồi
thường thiệt hại dân sự nói chung, một loạt các án lệ về cạnh tranh không lành
mạnh (concurrence deloyal) đã xuất hiện đem lại sự bảo vệ cho thương nhân trước
các hành vi gây nhầm lẫn, gièm pha, xâm phạm bí mật kinh doanh, cạnh tranh “ăn
bám” ... Trong khi đó, nước Đức từ chối mô hình của Pháp và sau gần một thế kỷ
đã ban hành một đạo luật riêng về cạnh tranh không lành mạnh (1909) trong đó
đưa ra các quy định giới hạn nghiêm ngặt hoạt động kinh doanh của thương nhân,
trong đó có những hành vi ngày nay được coi là rất thông thường trong thực tiễn
thương mại, như là khuyến mại, giảm giá. Còn ở trung tâm công nghiệp và pháp lý
thứ ba của Châu Âu thời kỳ đó là nước Anh, người ta không theo mô hình luật
chung kết hợp với án lệ của Pháp, cũng không theo mô hình luật riêng về cạnh
tranh không lành mạnh của Đức. Cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống
Thông luật của Anh quốc chỉ gói gọn trong việc mô tả các hành vi gây nhầm lẫn về
nhãn hiệu (passing off), gắn liền với pháp luật về sở hữu trí tuệ, và sau đó hệ thống
pháp luật Hoa Kỳ cũng tiếp tục cách tiếp cận này trong việc điều chỉnh cạnh tranh
không lành mạnh.
Như vậy, có thể thấy mguồn của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh
tương đối đa dạng, bao gồm cả án lệ, luật tục, luật thành văn, trong đó luật thành
văn có thể la quy định chung của pháp luật về dân sự, thương mại, cũng có thể là
một đạo luật riêng về cạnh tranh không lành mạnh, hay là rải rác các quy định nằm
trong các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan.
3.2 Cơ chế điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Mặc dù pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh xuất phát từ nhiều nguồn
và thể hiện quan điểm lập pháp khác nhau ở mỗi quốc gia, cơ chế điều chỉnh của
lĩnh vực pháp luật này vẫn có những đặc trưng cơ bản thống nhất, và cũng là
những đặc trưng của cơ chế điều chỉnh pháp luật cạnh tranh nói chung, đó là tính
tiếp cận từ mặt trái và tính không triệt để trong nội dung điều chỉnh đối với các
hoạt động cạnh tranh 5
.
- Tính chất tiếp cận từ mặt trái: Trong khi các văn bản pháp luật về kinh tế
khác tập trung quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ - những việc được làm và
phải làm - của chủ thể tham gia kinh doanh, thì pháp luật cạnh tranh chỉ khoanh
vùng các hành vi bị ngăn cấm trong hoạt động cạnh tranh, chứ không hướng dẫn
các đối tượng điều chỉnh cần làm những gì hoặc phải làm những gì.
- Tính chất không triệt để trong nội dung điều chỉnh: các quy định của pháp
luật cạnh tranh, đặc biệt là về cạnh tranh không lành mạnh, không bao giờ quy
định đầy đủ và triệt để toàn bộ các hành vi phản cạnh tranh tồn tại trong nền kinh
tế xã hội. Quy định của luật thường đặt ra điều khoản mở cho phép cơ quan công
quyền có thể bổ sung các hành vi mới xuất hiện có ảnh hưởng xấu đến cạnh tranh
và xét thấy cần điều chỉnh, ngăn chặn. Mặt khác, đối với các hành vi đã được quy
định trong luật, bên cạnh một số hành vi bị cấm đoán tuyệt đối (per se rule), nhiều
hành vi khác được xem xét theo nguyên tắc hợp lý (rule of reason), cho phép cơ
quan xử lý chiếu theo hoàn cảnh thực tế của vụ việc để cân nhắc xem xét hành vi
có xâm hại đến cạnh tranh và ảnh hưởng xấu cho xã hội hay không. Bên cạnh đó,
các điều khoản miễn trừ dành cho các hành vi dạng này cũng là một đặc điểm nhận
diện của pháp luật cạnh tranh tại mọi quốc gia.
Những đặc trưng trong cơ chế điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh có
nguyên nhân cả về lý luận và thực tiễn. Về mặt lý luận, cho đến nay cho dù đã có
nhiều học thuyết tiếp cận nghiên cứu, nhưng các nhà làm luật không thể đưa ra kết
luận cụ thể về nội hàm khái niệm cạnh tranh lành mạnh, vốn bao trùm lên nhiều
lĩnh vực khác nhau. Về mặt thực tiễn, hoạt động cạnh tranh cũng chính là hoạt
động kinh doanh của doanh nghiệp, thương nhân trên thương trường, hết sức đa
dạng và phong phú. Do đó, không thể đưa vào luật một danh sách những hành vi
được coi là cạnh tranh lành mạnh để hướng dẫn cho những doanh nghiệp, thương
nhân tham gia thị trường. Quy định đóng khung các hành vi cạnh tranh “được
phép” sẽ kìm hãm, ngăn cản sự sáng tạo trong kinh doanh, ảnh hưởng tiêu cực đến
sự phát triển của nền kinh tế. Cách tiếp cận từ mặt trái của cạnh tranh phù hợp với
nguyên tắc chung của tự do trong kinh doanh, theo đó cá nhân, tổ chức kinh doanh
có thể tự do “làm những việc mà pháp luật không cấm”.
Cũng chính vì hoạt động kinh doanh đa dạng, phong phú, có thể ở từng thời
điểm, từng hoàn cảnh khác nhau mà một hành vi sẽ bị xác định là phản cạnh tranh
khi đi ngược lại lợi ích của nhà nước và xã hội, nhưng ở một thời điểm, hoàn cảnh
khác thì hành vi đó lại không xâm hại đến lợi ích công và không đáng bị ngăn cấm.
Vì vậy, pháp luật cạnh tranh đặt ra những điều khoản mở và những quy định miễn
trừ cho phép áp dụng pháp luật một cách linh hoạt. Cần thấy rằng, các lĩnh vực
pháp luật khác cũng có sự mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi các hành vi, quan hệ xã
hội được điều chỉnh, ngay cả lĩnh vực có chế tài nghiêm khắc nhất là hình sự cũng
có quá trình tội phạm hoá và phi tội phạm hoá các hành vi bị coi là nguy hiểm cho
xã hội. Tuy nhiên, do tính linh hoạt trong hoạt động cạnh tranh, trong quan hệ kinh
doanh mạnh hơn trong các quan hệ xã hội khác rất nhiều, cơ chế điều chỉnh của
pháp luật cạnh tranh cũng trở nên tuỳ nghi và khả biến hơn rất nhiều so với cơ chế
điều chỉnh của những ngành luật khác. Chính vì vậy, do dù nằm trong hệ thống
Thông luật hay Dân luật, hầu hết các quốc gia có xây dựng pháp luật cạnh tranh
đều cho phép cơ quan cạnh tranh có một thẩm quyền rộng rãi trong việc vận dụng
và áp dụng pháp luật, cũng như thừa nhận sự tồn tại của hệ thống án lệ trong quá
trình xử lý các vụ việc cạnh tranh.
3.3 Các nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị điều chỉnh
Do tính chất không rõ ràng trong khái niệm cũng như phạm vi điều chỉnh
đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các nhà làm luật sử dụng cách tiếp
cận từ mặt trái trong việc xây dựng quy định điều chỉnh trong lĩnh vực pháp luật
này và luôn cố gắng xây dựng một danh sách các hành vi cạnh tranh không lành
mạnh bị cấm. Nhìn chung, thông qua thực tiễn thương mại, người ta xác định được
một số hành vi luôn luôn bị coi là tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Điều 10
bis Công ước Paris đã đưa ra một danh sách không đầy đủ bao gồm ba hình thức
cạnh tranh không lành mạnh đặc biệt bị cấm như sau:
- Mọi hành vi nhằm gây ra sự nhầm lẫn, bằng bất kỳ phương tiện nào, với
cơ sở, hàng hoá hay hoạt động kinh doanh, thương mại của đối thủ cạnh tranh.
- Những tuyên bố sai trái trong công việc kinh doanh nhằm làm mất uy tín
của cơ sở, hàng hoá hay hoạt động kinh doanh, thương mại của đối thủ cạnh
tranh.
- Những chỉ dẫn hoặc tuyên bố sử dụng trong quá trình kinh doanh nhằm
lừa dối công chúng về bản chất, quy trình sản xuất, đặc điểm, sự phù hợp về mục
đích, hoặc số lượng của hàng hoá.
Nội dung Điều 10 bis cho thấy đây là một danh sách chưa đầy đủ, có thể
coi chỉ là những ví dụ điển hình về cạnh tranh không lành mạnh, và khuyến nghị
các quốc gia thành viên bổ sung các biện pháp bảo hộ hiệu quả chống cạnh tranh
không lành mạnh. Trên thực tế, đã có nhiều hành không được Điều 10 bis nhắc tới
nhưng được pháp luật hoặc toà án các nước công nhận là cạnh tranh không lành
mạnh, chẳng hạn như các quy định về gây rối và cản trở kinh doanh, xâm phạm bí
mật kinh doanh hoặc lợi dụng thành quả đầu tư của doanh nghiệp, thương nhân
khác. Xét một cách khái quát, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh được mô tả
trên đây có cùng một bản chất là việc tạo ra những lợi thế không chính đáng trong
tương quan cạnh tranh trên thị trường, và có thể được chia thành ba nhóm: (1) Các
hành vi mang tính chất lợi dụng; (2) Các hành vi mang tính chất công kích; và (3)
Các hành vi lừa dối, lôi kéo khách hàng
- Các hành vi mang tính chất lợi dụng: Đây là nhóm hành vi cạnh tranh
không lành mạnh điển hình, được biết đến dưới nhiều dạng thức khác nhau như
gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ (misleading), lợi dụng thành quả đầu
tư của người khác (free reading), xâm phạm bí mật kinh doanh… Bản chất của
hành vi này là việc chiếm đoạt hay sử dụng trái phép lợi thế cạnh tranh của doanh
nghiệp khác. Đây cũng là dạng hành vi gần với các hành vi xâm phạm quyền sở
hữu trí tuệ, sự khác biệt chỉ nằm ở đối tượng bị xâm phạm. Trong trường hợp hành
vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp thể hiện ở
số đối tượng nhất định được coi là tài sản trí tuệ sau khi chủ sở hữu xác lập quyền
thông qua việc đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ. Còn trong trường hợp cạnh
tranh không lành mạnh, phạm vi lợi thế cạnh tranh bị xâm phạm có thể rộng hơn
rất nhiều, bao gồm tất cả các giá trị, thành quả mà doanh nghiệp cạnh tranh đạt
được một cách hợp pháp thông qua quá trình kinh doanh, bao gồm cả những yếu tố
công khai như uy tín tên tuổi, chỉ dẫn thương mại hay không công khai như bí
quyết kinh doanh.
Do dạng hành vi này xâm phạm trước hết đến lợi thế cạnh tranh, cũng được
coi là một dạng tài sản của các doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường, các doanh
nghiệp này thường tích cực đưa vụ việc đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu
cầu sự bảo vệ của pháp luật. Do đó, có nhiều vụ việc liên quan đến dạng hành vi
lợi dụng được xử lý và dạng hành vi này được coi là phổ biến, điểm hình của cạnh
tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý vụ việc, ảnh hưởng đến
người tiêu dùng cũng được tính đến khi việc lợi dụng uy tín, thành quả đầu tư của
người khác gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ, uy tín hay khả
năng kinh doanh của bên vi phạm.
Mặt khác, không phải mọi dạng thành quả đầu tư, lợi thế cạnh tranh đều
được bảo vệ, có những đối tượng có được từ kết quả phát triển kinh tế xã hội, khoa
học kỹ thuật chung của ngành, khi đó các doanh nghiệp có quyền tiếp cận và sử
dụng tự do để thúc đẩy hiệu quả kinh doanh. Việc ngăn chặn và bảo hộ thái quá có
thể gây ảnh hưởng tiêu cực cho sự phát triển chung của ngành. Căn cứ vào thực tế
từng vụ việc, cơ quan xử lý sẽ đánh giá tính chính đáng trong yêu cầu của doanh
nghiệp để bảo vệ quyền lợi trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
- Các hành vi mang tính chất công kích: Đây là nhóm hành vi có chung bản
chất là tấn công vào đối thủ cạnh tranh, triệt tiêu hoặc làm suy giảm các lợi thế
cạnh tranh của đối thủ cạnh tranh. Các hành vi cụ thể rất đa dạng, phụ thuộc vào
cách thức, mục tiêu công kích, có thể là những thông tin sai trái làm mất uy tín đối
thủ cạnh tranh, hoặc các hành vi trực tiếp gây cản trở hoạt động kinh doanh của đối
thủ, hoặc lôi kéo, mua chuộc nhân viên hoặc đối tác của đối thủ cạnh tranh. Một số
quốc gia còn xếp những hành vi hạn chế cạnh tranh thuộc dạng nhẹ, như ấn định
giá bán lại, phân biệt đối xử, lạm dụng ưu thế trong giao dịch (bargaining power)
thuộc phạm vi cạnh tranh không lành mạnh do xem xét yếu tố cản trở hoạt động
kinh doanh của doanh nghiệp khác.
Mặc dù dạng hành vi công kích nói trên cũng tác động thẳng đến các đối
thủ cạnh tranh của bên vi phạm, nhưng do tính chất trực diện của hành vi, các bên
liên quan thường có khuynh hướng sử dụng các quy định trực tiếp về gây thiệt hại
và bồi thường thường thiệt hại của pháp luật dân sự, hoặc thậm chí cả hình sự, để
giải quyết tranh chấp một cách triệt để, thay vì áp dụng các quy định riêng của
pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, tính điển hình của nhóm hành vi
này không cao bằng nhóm hành vi thứ nhất.
- Các hành vi lôi kéo bất chính khách hàng: Việc đặt các hành vi thuộc
nhóm này, đặc biệt là các hành vi kinh doanh bất chính đã trở nên phổ biến trên thị
trường như quảng cáo lừa dối, khuyến mại nhử mồi, chào hàng quấy rối hay ép
buộc… vào phạm vi điều chỉnh của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh còn
là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Bản chất của hành vi này là tạo ra một lợi thế
cạnh tranh gian dối để lôi kéo khách hàng, người tiêu dùng. Đối tượng chịu tác
động trực tiếp của các hành vi này là khách hàng/người tiêu dùng, còn các doanh
nghiệp cạnh tranh chỉ chịu ảnh hưởng gián tiếp từ hành vi vi phạm thông qua việc
mất khách hàng. Trong nhiều trường hợp, việc lôi kéo khách hàng tham gia giao
dịch bằng các biện pháp bất chính động chạm đến nguyên tắc căn bản của giao
dịch dân sự là tự do ý chí. Do đó, ở một số quốc gia, nhóm hành vi này có thể
không nằm trong khuôn khổ pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh, mà chịu sự
điều chỉnh của các quy định chung trong pháp luật về dân sự, thương mại, của
pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, và trong nhiều các quy định điều chỉnh ngành,
lĩnh vực kinh tế cụ thể. Lấy ví dụ tại Việt Nam, quy định về hành vi quảng cáo,
thông tin gian dối không chỉ có trong Luật Cạnh tranh mà còn cả ở nhiều văn bản
khác như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật
Dược, Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng…
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng tác động của dạng hành vi nói trên không
giới hạn tại một số khách hàng bị lôi kéo và các đối thủ cạnh tranh bị mất khách
hàng. Quan trọng hơn, dạng hành vi này còn khiến thị trường trở nên không minh
bạch, làm sai lệch giao dịch giữa các chủ thể tham gia thị trường, và qua đó ảnh
hưởng xấu đến môi trường kinh doanh chung. Do đó, các quy định điều chỉnh dạng
hành vi này vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong pháp luật cạnh tranh nói chung
cũng như chế định về cạnh tranh không lành mạnh nói riêng của nhiều quốc gia có
nền kinh tế thị trường phát triển.
Cuối cùng, việc phân nhóm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như
trên mang tính khái quát phục vụ công tác nghiên cứu. Trên thực tế, giữa các nhóm
hành vi nói trên có sự giao thoa và một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh có
thể xếp vào hơn một nhóm nếu xem xét mục đích vi phạm cũng như đối tượng tác
động của chúng. Chẳng hạn như hành vi quảng cáo so sánh vừa có mục đích công
kích đối thủ cạnh tranh, vừa mang tính chất lôi kéo bất chính khách hàng, đặc biệt
nếu sự so sánh dựa trên thông tin sai lệch. Hay hành vi sử dụng trái phép các dấu
hiệu, chỉ dẫn thương mại của đối thủ cạnh tranh trước tiên mang tính chất lợi dụng
uy tín nhưng về lâu dài dẫn đến hậu quả là làm giảm tính chất độc đáo, khả năng
phân biệt của chỉ dẫn thương mại (dillusion), làm triệt tiêu lợi thế cạnh tranh của
đối thủ. Hành vi lôi kéo nhân viên của doanh nghiệp khác trong nhiều trường hợp
cũng phát sinh khả năng xâm phạm bí mật kinh doanh… Nhìn chung, việc đánh
giá hành vi cạnh tranh không lành mạnh phụ thuộc nhiều vào thực tiễn xử lý, dựa
trên quan điểm của cơ quan cạnh tranh, mức độ ảnh hưởng của hành vi cũng như
sự cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp và của người tiêu dùng, giữa yêu cầu
bảo hộ các quyền chính đáng của doanh nghiệp và khuyến khích cạnh tranh tự do,
phát triển kinh tế xã hội.
3.4 Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trong mối quan hệ với các lĩnh
vực pháp luật khác
Do phạm vi điều chỉnh rộng và các tiêu chí đánh giá mở đối với cạnh tranh
không lành mạnh, các quy định về cạnh tranh không lành mạnh trong nhiều trường
hợp được sử dụng với tính chất “quét”, bổ trợ cho các lĩnh vực khác trong hệ thống
pháp luật điều chỉnh hoạt động của nền kinh tế thị trường. Do đó, pháp luật về
cạnh tranh không lành mạnh có quan hệ chặt chẽ với nhiều lĩnh vực pháp luật
khác, và các quan hệ này làm tăng thêm tính chất chồng lấn trong các quy định về
hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Xuất phát từ đặc điểm này, đã hình thành cái
gọi là Nguyên tắc ưu tiên (Pre-emption principle) trong thực tiễn áp dụng pháp
luật về cạnh tranh không lành mạnh của nhiều quốc gia, đặc biệt là tại Châu Âu.
Theo nguyên tắc tại, pháp luật cạnh tranh không lành mạnh chỉ được áp dụng trong
trường hợp hành vi vi phạm chưa chịu sự điều chỉnh theo quy định của các văn bản
pháp luật khác 6
. Mức độ áp dụng nguyên tắc này tại mỗi quốc gia khác nhau, phụ
thuộc vào cách tiếp cận của mỗi hệ thống pháp luật trong việc điều chỉnh cạnh
tranh không lành mạnh.
- Quan hệ với pháp luật dân sự: Pháp luật về dân sự là luật chung điều chỉnh
về các quan hệ giao dịch cũng như giải quyết các tranh chấp trên thị trường. Như
đã phân tích ở trên, một trong những nguồn của pháp luật về cạnh tranh không lành
mạnh là chế định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (tort), theo đó các doanh
nghiệp bị thiệt hại từ hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể sử dụng các quy
định của tố tụng dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Mặt khác các nguyên tắc
chung của pháp luật dân sự về tự do, tự nguyện, trung thực trong giao dịch… cũng
được sử dụng để làm tiêu chí đánh giá tính chất không lành mạnh của một hành vi
vi phạm. Pháp luật dân sự là luật gốc để phát triển các quy định về cạnh tranh
không lành mạnh, cho dù các quy định này trong khuôn khổ một đạo luật riêng,
hay nằm trong các bộ phận khác nhau của pháp luật dân sự như pháp luật thương
mại, pháp luật về sở hữu trí tuệ hay pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh
đó, một số nước vẫn sử dụng các quy định của pháp luật dân sự để điều chỉnh trực
tiếp về cạnh tranh không lành mạnh và toà án đóng vai trò xử lý các hành vi vi
phạm.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, pháp luật về cạnh tranh không lành
mạnh dần tách khỏi khuôn khổ của pháp luật dân sự và mang nhiều yếu tố hành
chính. Cạnh tranh không lành mạnh không còn là vấn đề của luật tư liên quan đến
tranh chấp giữa hai chủ thể kinh doanh trên thị trường và trong nhiều trường hợp,
nhân danh lợi ích công, nhà nước cần phải can thiệp để duy trì trật tự trong kinh
doanh, qua đó tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh. Trật tự trong kinh doanh
đem lại lợi ích cả cho nhà nước lẫn các chủ thể tham gia hoạt động thị trường. Vì
vậy, các biện pháp quản lý và chế tài hành chính dần xuất hiện trong cơ chế điều
chỉnh của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh và cơ quan cạnh tranh được
trao thẩm quyền nhiều hơn trong việc xử lý các hành vi cạnh tranh.
- Quan hệ với pháp luật về sở hữu trí tuệ: mối quan hệ giữa pháp luật chống
cạnh tranh không lành mạnh và pháp luật về sở hữu trí tuệ có từ rất lâu. Như đã
giới thiệu, các quy định mang tính quốc tế đầu tiên về cạnh tranh không lành mạnh
xuất phát từ một công ước về sở hữu trí tuệ (Công ước Paris về Bảo hộ sở hữu
công nghiệp), và cho tới nay nhiều nhà nghiên cứu về pháp luật sở hữu trí tuệ vẫn
khẳng định quyền chống cạnh tranh không lành mạnh là một trong những quyền cơ
bản của chủ sở hữu tài sản trí tuệ. Bảo vệ quyền sở hũu trí tuệ chính là một trong
những xuất phát điểm cơ bản của các quy định cạnh tranh không lành mạnh, vì về
bản chất, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đều được tiến hành với động
cơ cạnh tranh không lành mạnh. Một hành vi chỉ bị coi là xâm phạm quyền sở hữu
trí tuệ khi chủ thể thực hiện nó có ý định hoặc đã đưa tài sản trí tuệ của người khác
vào khai thác thương mại, đồng nghĩa với việc trở thành một đối thủ cạnh tranh
của chính chủ sở hữu tài sản trí tuệ đó.
Hiện nay, sự phân biệt giữa pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh và
pháp luật về sở hữu trí tuệ tập trung ở đối tượng được bảo vệ. Pháp luật về sở hữu
trí tuệ hướng tới việc bảo hộ các đối tượng tài sản trí tuệ mà quyền sở hữu được
xác lập một cách rõ ràng, đầy đủ thông qua các thủ tục đăng ký, cấp văn bằng bảo
hộ hoặc các tiến trình pháp lý khác do nhà nước quy định. Sự bảo vệ pháp luật
dành cho các đối tượng này do đó cũng là đầy đủ và vững chắc nhất. Trong khi đó,
pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh bảo vệ các lợi thế cạnh tranh không được
bảo hộ thông qua văn bằng, chẳng hạn như nhãn hiệu chưa đăng ký hoặc bí mật
kinh doanh. Do việc xác lập quyền đối với các đối tượng này không trải qua thủ
tục chặt chẽ như đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, nên sự bảo hộ mà pháp luật về cạnh
tranh không lành mạnh dành cho chủ sở hữu không thể mạnh mẽ bằng các biện
pháp bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh liên
quan đến quyền sở hữu trí tuệ, bên khiếu nại thường phải chứng minh quyền hợp
pháp đối với đối tượng bị vi phạm, bao gồm việc tạo lập, duy trì, sử dụng phổ biến,
lâu dài và không có tranh chấp... Hay xét trên một khía cạnh khác, nếu như pháp
luật về sở hữu trí tuệ bảo vệ vị thế chung của chủ sở hữu tài sản trí tuệ, thì pháp
luật về cạnh tranh không lành mạnh bảo vệ chủ sở hữu chống lại một số dạng hành
vi nhất định xâm phạm đến tài sản trí tuệ. Do đó, sự bảo hộ của pháp luật về cạnh
tranh không lành mạnh không mang tính liên tục, mà chỉ phát sinh khi xuất hiện
tranh chấp. Vì vậy, pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trong nhiều trường
hợp được coi là là công cụ bổ trợ cho việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ.
- Quan hệ với pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng: Pháp luật về cạnh tranh
không lành mạnh ngày càng có xu hướng tiếp cận gần hơn với pháp luật về bảo vệ
người tiêu dùng khi đặt trọng tâm bảo vệ người tiêu dùng bên cạnh trọng tâm bảo
vệ các đối thủ cạnh tranh và môi trường cạnh tranh nói chung. Các hành vi cạnh
tranh không lành mạnh thuộc nhóm thứ 3 trên đây, đặc biệt là các dạng hành vi
mang tính chất lừa dối, cưỡng ép… có mặt trong nhiều đạo luật về bảo vệ người
tiêu dùng. Đặc biệt, Cộng đồng Châu Âu đã có một văn bản riêng quy định về các
hành vi thương mại không lành mạnh (unfair trade practice) là Chỉ thị số
2005/29/EC ngày 11/5/2005 trên cơ sở sửa đổi, bổ sung các Chỉ thị số
84/450/EEC, 97/7/EC, 98/27/EC và 2002/65/EC quy định riêng về quảng cáo gây
nhầm lẫn.
Trước đây, có một số quan điểm cho rằng sự phân biệt giữa pháp luật về
cạnh tranh không lành mạnh và pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng nằm đối tượng
được bảo vệ, pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh chỉ bảo vệ các doanh
nghiệp cạnh tranh trên thị trường cũng như môi trường cạnh tranh chung, trong khi
vai trò bảo vệ người tiêu dùng đương nhiên thuộc về pháp luật về bảo vệ người tiêu
dùng. Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các quan hệ về cạnh
tranh và bảo vệ người tiêu dùng ngày càng gắn bó và không thể tách rời. Nếu như
cạnh tranh trên thị trường được định nghĩa một cách đơn giản là việc giành giật
khách hàng trong kinh doanh, thì giữa ba bên doanh nghiệp – khách hàng/người
tiêu dùng – các đối thủ cạnh tranh có quan hệ gắn bó khó có thể tách rời. Việc lôi
kéo, thu hút khách hàng bằng các thủ đoạn bất chính chắc chắn sẽ làm thiệt hại cho
các doanh nghiệp cạnh tranh kinh doanh trung thực, lành mạnh, mặt khác, những
thủ đoạn lợi dụng hoặc làm mất uy tín của đối thủ cạnh tranh cũng ảnh hưởng tiêu
cực đến người tiêu dùng, khiến họ nhầm lẫn và trả tiền cho các hàng hoá, dịch vụ
không đúng như mong muốn của mình. Môi trường cạnh tranh lành mạnh chính là
môi trường ở đó quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo ở mức cao nhất.
Một yếu tố khác có thể sử dụng để phân biệt phạm vi áp dụng của pháp luật
về cạnh tranh không lành mạnh là thời điểm tác động. Pháp luật về bảo vệ người
tiêu dùng, đặc biệt thể hiện tại các quy định về giải quyết tranh chấp và bồi thường
thiệt hại, có khuynh hướng quan tâm tới việc bảo vệ người tiêu dùng trong và sau
khi xảy ra giao dịch, trong đó xác định được cụ thể một hay một nhóm người tiêu
dùng chịu tác động từ hành vi vi phạm. Trong khi đó, pháp luật về cạnh tranh
không lành mạnh bảo vệ hướng tới việc bảo vệ đối tượng người tiêu dùng nói
chung, hay có thể gọi một cách khác là một số đông những người tiêu dùng tiềm
năng, trước khi họ tham gia giao dịch. Thông qua việc ngăn chặn những hành vi
lừa dối, gây nhầm lẫn, lôi kéo bất chính… pháp luật về cạnh tranh không lành
mạnh góp phần loại bỏ khả năng phát sinh các vi phạm gây thiệt hại cho người tiêu
dùng. Mặt khác, trong trường hợp xác định một hoặc một số người tiêu dùng cụ thể
do chịu tác động của hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã tham gia giao dịch và
chịu thiệt hại, vụ việc nên được điều chỉnh theo các quy định về bảo vệ người tiêu
dùng, và hành vi lừa dối hay gây nhầm lẫn của thương nhân sẽ được coi là căn cứ
để xác định sự vô hiệu của giao dịch.
- Quan hệ với pháp luật về hạn chế cạnh tranh:
Cuối cùng, pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh cũng có sự gắn bó với
bộ phận thức hai của pháp luật cạnh tranh nói chung, đó là pháp luật về hạn chế
cạnh tranh. Có thể hình dung nếu như hành vi hạn chế cạnh tranh là những hành vi
đẩy lùi cạnh tranh, làm cạnh tranh vận hành dưới mức bình thường, dẫn đến triệt
tiêu cạnh tranh, thì cạnh tranh không lành mạnh là những hành vi đẩy cạnh tranh
lên quá mức, khiến nó vận hành quá nóng, vượt khỏi các giới hạn có thể chấp nhận
được của thị trường và xã hội.
Dù có sự phân chia thành hai lĩnh vực, song cả pháp luật chống cạnh tranh
không lành mạnh và pháp luật chống hạn chế cạnh tranh đều hướng tói mục đích
bảo vệ cơ chế cạnh tranh, bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh và thông qua đó
bảo vệ lợi ích của toàn thể người tiêu dùng xã hội. Pháp luật chống cạnh tranh
không lành mạnh ra đời trước, từ khi cơ chế thị trường mới hình thành với các hoạt
động cạnh tranh sơ khai đã có những hành vi vượt ra ngoài khuôn khổ, cần phải
điều chỉnh. Pháp luật chống hạn chế cạnh tranh ra đời sau, khi thị trường đã phát
triển và tập trung hoá đến một mức độ nhất định để có thể phát sinh những trung
tâm quyền lực thị trường. Tuy nhiên, điều chỉnh hạn chế cạnh tranh lại được xem
là nền tảng của pháp luật cạnh tranh, vì đó là bảo vệ toàn bộ cơ chế cạnh tranh.
Nếu cạnh tranh bị thủ tiêu, toàn bộ các hoạt động cạnh tranh trên thị trường, dù là
lành mạnh hay không lành mạnh, sẽ không còn nữa. Do đó, thái độ của Nhà nước
đối với các hành vi hạn chế cạnh tranh thường quyết liệt và nghiêm khắc hơn rất
nhiều. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại chống cạnh tranh không lành mạnh cũng chính
là chống các động thái có thể đưa đến tình trạng hạn chế cạnh tranh, và các hành vi
hạn chế cạnh tranh có thể nhìn nhận một cách khái quát cũng mang bản chất không
lành mạnh. Như đã trình bày ở phần trên, pháp luật một số quốc gia quy định các
hành vi hạn chế cạnh tranh dạng “nhẹ” vào khuôn khổ điều chỉnh của pháp luật về
cạnh tranh không lành mạnh.
Hai bộ phận pháp luật trên đây bổ sung cho nhau, tạo thành khuôn khổ
pháp luật chung điều chỉnh cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Thiếu một
trong hai bộ phận, cơ cấu thị trường cũng như tương quan lợi ích của các chủ thể
hoạt động trên đó sẽ không thể được bảo vệ một cách đầy đủ và toàn diện.
4. Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh của một số quốc gia trên thế
giới
4.1Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh tại Châu Âu
Châu Âu là nơi khởi đầu của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh, và
cũng là nơi phát sinh các cách tiếp cận khác biệt trong quá trình xây dựng pháp
luật về cạnh tranh không. Như đã trình bày tại phần trên, ba trung tâm kinh tế lớn
của Châu Âu là Pháp, Đức và Anh có những cách điều chỉnh cạnh tranh không
lành mạnh riêng, trong đó đáng ngạc nhiên là hệ thống của Pháp lại có nhiều điểm
gần với Anh hơn là Đức.
- Pháp và Anh đều điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên cơ
sở các nguyên tắc chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (tort
law) và cụ thể hoá thông qua các án lệ. Một số nước khác cũng xây dựng pháp luật
về cạnh tranh không lành mạnh theo hướng này là Hà Lan và Italia. Tại các quốc
gia này, toà án có vai trò rất lớn trong việc đánh giá hành vi cạnh tranh không lành
mạnh và quyết định biện pháp xử lý, với chế tài chủ yếu là bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt giữa hai hệ thống Dân luật và Thông luật
trong cách thức áp dụng pháp luật đối với lĩnh vực này. Trong hệ thống của Pháp,
phạm vi áp dụng tort law đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh tương đối
rộng, Toà án có thẩm quyền xem xét và phán quyết nhiều hành vi cạnh tranh khác
nhau, từ đó hình thành các án lệ đa dạng về các hành vi gây cản trở hoạt động cạnh
tranh (concurrence déloyal) và các hành vi lợi dụng thành quả của đối thủ cạnh
tranh (concurrence parasitaire). Trong các vụ việc tại toà án, bên nguyên đơn cần
chứng minh sự tồn tại của hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thiệt hại xảy ra và
mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại; và bên bị đơn có trách
nhiệm bồi thường thiệt hại mà không cần xét đến yếu tố lỗi (cố ý) đối với hành vi
vi phạm. Hà Lan cũng áp dụng mô hình này, tuy nhiên với nguyên tắc “doanh
nghiệp được thực hiện mọi hoạt động cạnh tranh không bị cấm bởi quy định pháp
luật” kết hợp với nguyên tắc ưu tiên, việc sử dụng các điều khoản chung của pháp
luật dân sự để xử lý vụ việc cạnh tranh bị hạn chế hơn.
Trong khi đó, hệ thống Thông luật của Anh chỉ thừa nhận việc áp dụng tort
law về cạnh tranh không lành mạnh đối với một số dạng hành vi cụ thể như gây
nhầm lẫn, mạo nhận về nhãn hiệu (passing off) và xâm phạm bí mật kinh doanh.
Do đó, để được toà án giải quyết, các vụ việc về cạnh tranh không lành mạnh phải
đáp ứng một số yêu cầu nhất định, và các thẩm phán có thể từ chối thụ lý nếu vụ
việc liên quan đến các hành vi thị trường nằm ngoài phạm vi các hành vi cạnh
tranh không lành mạnh nêu trên..
- Bên cạnh đó, một số nước đã lựa chọn cách tiếp cận sử dụng luật chuyên
ngành (lex specialis) để điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Một số
nước như Đức, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Tây Ban Nha, Thuỵ Sỹ, Luxemburg
đã có một đạo luật riêng về cạnh tranh không lành mạnh, một số nước khác như
Hungary, Bulgary hay Rumani xây dựng các quy định về cạnh tranh không lành
mạnh trong một đạo luật về thương mại hay cạnh tranh. Các quốc gia này đã luật
hoá một số dạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh điển hình, dựa trên cơ sở các
khuyến nghị tại Điều 10bis Công ước Paris về Bảo hộ Sở hữu công nghiệp, và lấy
đó làm cơ sở cho việc thực thi pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh. Tuỳ
thuộc vào quan điểm điều tiết nền kinh tế thị trường của từng quốc gia tại từng thời
kỳ nhất định, danh sách các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm có thể
nhiều hay ít. Cách tiếp cận này một mặt khiến cho các quy định về cạnh tranh
không lành mạnh rõ ràng và dễ áp dụng, nhưng mặt khác khiến cho quá trình thực
thi trở nên cứng nhắc và gây khó khăn cho cơ quan thực thi trong việc điều chỉnh
các hành vi cạnh tranh mới xuất hiện, hay có sự thay đổi về điều kiện kinh tế xã
hội. Ví dụ, nhiều nước tại Châu Âu trong một thời gian dài đã coi việc một doanh
nghiệp tìm kiếm và thu hút các khách hàng đã có quan hệ hợp đồng ổn định với
doanh nghiệp cạnh tranh khác là một dạng thức cạnh tranh không lành mạnh. Tuy
nhiên rõ ràng trong điều kiện nền kinh tế thị trường tự do, quy định như vậy là
không hợp lý, một mặt không đảm bảo quyền tự do lựa chọn cho khách hàng, mặt
khác không tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp có động lực phát triển.
Việc sửa đổi, bổ sung danh sách các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được
luật hoá đòi hỏi phải có những nỗ lực lập pháp với thủ tục không dễ dàng, nhiều
khi không đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng và linh hoạt của cơ chế thị
trường.
- Trong nhiều năm gần đây, đã có những nố lực để thống nhất các quy định
về cạnh tranh không lành mạnh giữa các nước thành viên EU trong khuôn khổ
chương trình hài hoà hoá pháp luật chung (legal harmonisation) của Cộng đồng
Châu Âu. Dựa trên Công ước Paris về Bảo hộ Sở hữu Công nghiệp, các quốc gia
Châu Âu đã phát triển các quy định chung theo nhiều hình thức, cấp độ, từ các
nguyên tắc cơ bản về cạnh tranh tại Hiệp ước Rome 1957 đến những thoả thuận
nhóm như Luật Nhãn hiệu chung của khối Benelux 1971 và những hướng dẫn
chung từ EC đến các nước thành viên như Chỉ thị số 2005/29/EC. Mặc dù vậy, tính
đến sự khác biệt còn tồn tại giữa hệ thống pháp luật của các quốc gia thành viên,
EU vẫn phải bổ sung một số nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật, trong đó đặc
biệt quan trọng là nguyên tắc nước xuất xứ tại Điều 28 của Hiệp ước Châu Âu,
theo đó pháp luật của quốc gia nhập khẩu được ưu tiên áp dụng để đánh giá tính
hợp pháp trong việc kinh doanh một loại hàng hoá nhất định. EC cũng đã ban hành
Quy định số 2006/2004 ngày 27/10/2004 về việc hợp tác giữa các cơ quan chịu
trách nhiệm thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của các quốc gia thành viên.
4.2 Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh tại Hoa Kỳ
Mặc dù đã phát triển hệ thống các quy định về hạn chế cạnh tranh từ rất lâu
(Luật Sherman – 1890), các quy định về cạnh tranh không lành mạnh của Hoa Kỳ
lại tương đối phân tán. Các nhà lập pháp của Hoa Kỳ kết hợp cả hai cách tiếp cận
của Châu Âu trong việc điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng
các các quy định chung về bồi thường thiệt hại dân sự cũng như một số quy định
chuyên ngành, và thậm chí có sự khác biệt giữa pháp luật liên bang và pháp luật
các tiểu bang. Các quy định cạnh tranh quan trọng nhất có thể kể đến là Luật về Uỷ
ban Thương mại liên bang (1914) và Luật Nhãn hiệu liên bang, hay còn gọi là Luật
Lanham (1946).
Luật về Uỷ ban Thương mại liên bang đặt cơ sở cho việc thành lập Uỷ ban
Thương mại liên bang Hoa Kỳ (US FTC), một trong hai cơ quan chịu trách nhiệm
thực thi pháp luật cạnh tranh ở Mỹ. Khác với cơ quan cạnh tranh còn lại là Cục
Chống độc quyền thuộc Bộ Tư pháp chuyên trách về hạn chế cạnh tranh theo Luật
Chống độc quyền, chức năng của Uỷ ban Thương mại Liên bang rộng hơn, bên
cạnh chức năng điều tra và giám sát các vụ việc chống độc quyền, còn bao gồm
việc xử lý “các cách thức cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến thương
mại, và các hành vi không lành mạnh hoặc gian dối ảnh hưởng đến thương
mại”(Điều 5 Luật về Uỷ ban Thương mại liên bang Hoa Kỳ). Khái niệm “cách
thức cạnh tranh không lành mạnh”(unfair methods of competition) đã gây nhiều
tranh luận giữa các nhà lập pháp ở cả hai Viện của Quốc hội Hoa Kỳ, và sau đó
được thay thể bằng khái niệm “cạnh tranh không lành mạnh” (với phạm vi bao
gồm cả các hành vi hạn chế cạnh tranh). Uỷ ban Thương mại liên bang Hoa Kỳ
(USFTC) đã có những giải thích rõ hơn về phạm vi các hành vi “không lành mạnh”
và “gian dối” trong các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền của mình. Trong bản
Tuyên bố chính sách về hành vi không lành mạnh, cơ quan này nêu rõ: “Luật
thành văn chỉ định khung cho các điều khoản chung do Quốc hội nhận thấy rằng
không thể soạn ra một danh sách các hành vi không lành mạnh mà không bị lạc
hậu một cách nhanh chóng hoặc tạo ra những kẽ hở cho vi phạm. Nhiệm vụ xác
định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh thuộc về Uỷ ban, với hy vọng các
tiêu chí đánh giá sẽ được xem xét và phát triển theo thời gian”7
.
Căn cứ trên các án lệ tại toà án, đến năm 1964 Uỷ ban đã hình thành 3 tiêu
chí để đánh giá hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đó là: (i) gây thiệt hại cho
người tiêu dùng, (ii) vi phạm các chính sách xã hội hiện hành; và (iii) vô đạo đức
và không cẩn trọng. Cũng trên cách tiếp cận này, trong Tuyên bố chính sách về
hành vi gian dối, Uỷ ban xác định 3 yếu tố cần xem xét trong một vụ việc gian dối,
đó là:
- Phải có một diễn giải, một thiếu sót hoặc một hành động có thể gây nhầm
lẫn cho người tiêu dùng.
- Người tiêu dùng ứng có nhận thức và ứng xử hợp lý trong hoàn cảnh tiếp
nhận quảng cáo.
- Cuối cùng, diễn giải, thiếu sót hoặc hành động phải có tác động về mặt
vật chất, có nghĩa là có thể dẫn người tiêu dùng đến quyết định hoặc hành động
mua hàng. Khi có tác động vật chất, mới dẫn đến khả năng gây thiệt hại cho người
tiêu dùng, do người tiêu dùng có thể đã có lựa chọn khác nếu không có gian dối 8
.
Khi có vi phạm xảy ra, Luật về Uỷ ban Thương mại liên bang cho phép cơ
quan này nhân danh lợi ích công tổ chức phiên điều trần với sự có mặt của bên vi
phạm để làm rõ hành vi, và dựa trên kết quả phiên điều trần ra quyết định buộc
đình chỉ và chấm dứt đối với hành vi bị xem là không lành mạnh. Trong trường
hợp quyết định có hiệu lực (không có kháng cáo hoặc kháng cáo không được Toà
Phúc thẩm hoặc Toà Tối cao chấp thuận), nếu bên bị đơn tiếp tục vi phạm, Uỷ ban
có thể đưa vụ việc ra Toà án và yêu cầu phạt dân sự mỗi hành vi vi phạm tới
10.000 USD, trong trường hợp vi phạm kéo dài thì mỗi ngày vi phạm bị tính là một
hành vi riêng rẽ (Điều 5 khoản (l)). Riêng đối với quảng cáo gian dối, Uỷ ban có
thể khởi kiện trực tiếp ra toà án địa phương có thẩm quyền, yêu cầu bồi thường
thiệt hại và cải chính công khai. Trong trường hợp quảng cáo gian dối gây ra thiệt
hại về sức khoẻ, bên vi phạm sẽ bị phạt tiền tới 5.000 USD hoặc phạt tù tới 6 tháng
hoặc chịu cả hai hình phạt, vi phạm tới lần thứ hai mức phạt là 10.000 USD và
phạt tù tới 1 năm.
Nếu Luật về Uỷ ban Thương mại liên bang trao thẩm quyền cho US FTC
chủ động thực hiện các biện pháp pháp lý chống quảng cáo nhằm cạnh tranh không
lành mạnh với tư cách đại diện cho lợi ích công và bảo vệ quyền lợi người tiêu
dùng, thì Luật Lanham mở ra một kênh khác cho phép các đối thủ cạnh tranh trực
tiếp khiếu nại, và thủ tục này cũng được US FTC ủng hộ với quan điểm cho rằng
thiệt hại của người tiêu dùng cũng đồng nghĩa với thiệt hại của đối thủ cạnh tranh.
Mặc dù nội dung chủ yếu của đạo luật này quy định về nhãn hiệu hàng hoá, Điều
43(a) quy định: “Bất kỳ ai liên quan đến việc kinh doanh hàng hoá, dịch vụ sử
dụng từ ngữ, khái niệm, tên, biểu tượng, hình vẽ hoặc sự kết hợp của chúng, hay
nguồn gốc xuất xứ giả mạo, mô tả gian dối hoặc gây nhầm lẫn:
- có thể gây bối rối, sai sót hoặc đánh lừa về sự liên hệ, liên kết hoặc hợp
tác giữa người này với một người khác, hoặc về nguồn gốc, khả năng tài trợ hoặc
sự chấp nhận hàng hoá, dịch vụ hoặc hoạt động thương mại của người này từ
người khác đó; hoặc
- trong quảng cáo hay khuyến mại thương mại mà diễn giải sai lệch bản
chất, đặc điểm, số lượng, nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ hay hành động
thương mại của người này hay người khác đó;
sẽ chịu trách nhiệm từ khởi kiện dân sự của bất kỳ ai cho rằng lợi ích của
họ bị thiệt hại hoặc có thể bị thiệt hại do hành vi nêu trên.
Để chứng minh thiệt hại, bên nguyên đơn phải đưa ra được trường hợp
người tiêu dùng thực tế tin vào quảng cáo gian dối và từ đó ảnh hưởng đến hoạt
động kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, trong khi Uỷ ban Thương mại liên bang
khi tiến hành các vụ việc xử lý có quyền yêu cầu bên bị đơn chứng minh tính đúng
đắn trong quảng cáo của mình, thì theo thủ tục này bên nguyên đơn phải chứng
minh về sự gian dối trong quảng cáo của bên bị. Có thể thấy rõ do đặt trong một
đạo luật về nhãn hiệu, thủ tục giải quyết tranh chấp về quảng cáo gian dối của Luật
Lanham cũng mang nhiều màu sắc của thủ tục giải quyết các tranh chấp trong lĩnh
vực sở hữu trí tuệ.
4.3 Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh tại Châu Á
Pháp luật cạnh tranh các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật
Bản, Hàn Quốc và Đài Loan có những nét tương đồng và chịu ảnh hưởng của hệ
thống pháp luật Hoa Kỳ. Điểm đặc biệt trong pháp luật về cạnh tranh không lành
mạnh của các quốc gia, vùng lãnh thổ này là sự tồn tại song song hai hệ thống quy
định về cạnh tranh không lành mạnh, một hệ thống gắn liền với pháp luật về sở
hữu trí tuệ, một hệ thống nằm trong khuôn khổ pháp luật cạnh tranh.
- Tại Nhật Bản, bên cạnh Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh năm
1993 (được sửa đổi, bổ sung lần cuối tháng 6/2005) quy định về các hành vi chỉ
dẫn gây nhầm lẫn, xâm phạm bí mật kinh doanh, quảng cáo gian dối, gièm pha
doanh nghiệp khác, xâm phạm tên miền … căn cứ theo các quy định của Công ước
Paris, TRIPS hay Hiệp ước về Luật Nhãn hiệu (1994), Uỷ ban Thương mại lành
mạnh Nhật Bản từ năm 1982 cũng căn cứ vào các điều 19, 20 của Luật Chống độc
quyền (1946) ban hành Quy định về các hành vi thương mại không lành mạnh
trong đó ngăn cấm một loạt các hành vi mang tính chất hạn chế cạnh tranh ở mức
độ thấp như phân biệt đối xử, từ chối giao dịch, bán kèm hàng hoá, giao dịch loại
trừ, mua hàng với giá thấp bất hợp lý, bán hàng với giá cao bất hợp lý, lạm dụng vị
thế giao dịch và can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp khác.
- Hàn Quốc cũng có Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh và bảo vệ bí
mật thương mại từ năm 1961 (được sửa đổi, bổ sung lần cuối vào tháng 2/2001),
tuy nhiên trong Chương V của Luật Điều chỉnh độc quyền và thương mại lành
mạnh 1980 (được sửa đổi, bổ sung lần cuối năm 2004) có quy định một loạt các
hành vi thương mại không lành mạnh bao gồm từ chố giao dịch, phân biệt đối xử,
loại trừ đối thủ cạnh tranh, dụ dỗ khách hàng của doanh nghiệp khác, lạm dụng vị
thế trong giao dịch, giao dịch với điều khoản hạn chế hoặc cản trở hoạt động kinh
doanh của đối tác, giao dịch với điều khoản ưu đãi bất hợp lý và các hành vi khác
đe doạ đến hoạt động thương mại lành mạnh.
Có thể thấy các nước nêu trên đã có sự tham khảo và kế thừa nhiều hệ
thống pháp luật để xây dựng các quy định về cạnh tranh không lành mạnh, phản
ánh tại nhiều văn bản điều chỉnh khác nhau với những cách tiếp cận khác nhau.
Mặt khác, cũng cần thấy rằng các quốc gia này đã có sự vận dụng quy định nhằm
phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của mình, và có ý thức sử dụng các quy định
về cạnh tranh không lành mạnh như là “điều khoản quét” để khắc phục hoặc hạn
chế sự vận hành sai lệch của thể chế thị trường tại mỗi quốc gia. Có thể lấy ví dụ
các hành vi mua với giá cao bất hợp lý và bán với giá cao bất hợp lý tại Điều 6 và
Điều 7 Quy định về các hành vi thương mại không lành mạnh của Nhật Bản hay
hành vi trợ giúp người khác với lợi ích đặc biệt, hoặc công ty khác bằng các khoản
ứng trước, cho vay, nhân công, bất động sản, cổ phiếu và trái phiếu, tài sản trí
tuệ, hoặc giao dịch với những điều khoản ưu đãi đáng kể … tại khoản 7 Điều 23
Luật Điều chỉnh độc quyền và thương mại lành mạnh Hàn Quốc chính là quy định
nhằm chống lại các biện pháp giao dịch nội bộ, bao cấp và trợ giá chéo giữa các bộ
phận thuộc cùng một tập đoàn kinh tế có thể gây ảnh hưởng đến môi trường cạnh
tranh chung của nền kinh tế.
4.4 Các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi
Đối với các quốc gia chuyển đổi từ hệ thống tập trung bao cấp sang cơ chế
thị trường, quá trình xây dựng pháp luật cạnh tranh có những đặc thù riêng nhằm
đảm bảo các đối tượng liên quan, bao gồm cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý
có điều kiện làm quen và thích ứng với các hoạt động thị trường trong môi trường
mới. Các quy định về cạnh tranh không lành mạnh cũng phản ánh sự vận động lập
pháp chung tại các quốc gia này.
- Tại Nga và Đông Âu, cùng với quá trình thay đổi thể chế kinh tế xã hội
nhanh chóng và triệt để, các đạo luật về cạnh tranh cũng được ban hành với đầy đủ
các bộ phận theo tiêu chuẩn của OECD, trong đó bao gồm các quy định về cạnh
tranh không lành mạnh, và các nhà lập pháp coi pháp luật cạnh tranh là một nhân
tố cơ bản để thúc đẩy tiến trình cải cách kinh tế 9
. Điều 10 Luật về Cạnh tranh và
hạn chế hành vi độc quyền trên thị trường hàng hoá năm 1991 (sửa đổi, bổ sung
lần cuối năm 2005) quy định cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bao
gồm việc thông tin gian dối, sai lệch hoặc bóp méo có thể gây thiệt hại hoặc mất
uy tín cho doanh nghiệp khác, các hành vi gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, các
hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ hoặc bí mật kinh doanh của doanh
nghiệp khác…
- Tại Trung Quốc, với tiến trình cải cách kinh tế từng bước, việc xây dựng
pháp luật cạnh tranh cũng trải qua các giai đoạn. Trong khi các nhà lập pháp tỏ ra
lưỡng lự trong việc xây dựng pháp luật về hạn chế cạnh tranh và chống độc quyền
(Luật Chống độc quyền của CHND Trung Hoa mới được ban hành năm 2007) thì
kể từ năm 1993, Trung Quốc đã có một đạo luật riêng về cạnh tranh không lành
mạnh, quy định khá chi tiết các dạng hành vi gây nhầm lẫn, xâm phạm bí mật kinh
doanh, quảng cáo gian dối… Đáng chú ý là trong đạo luật này, một số hành vi hạn
chế cạnh tranh như bán hàng dưới giá thành, áp đặt điều kiện bất hợp lý, đấu thầu
thông đồng… đã được điều chỉnh với quan điểm coi đó là các hành vi cạnh tranh
không lành mạnh. Điều 6 của Luật quy định cấm các doanh nghiệp hoạt động công
ích và các doanh nghiệp khác có vị trí độc quyền tự nhiên có hành vi cản trở cạnh
tranh trên thị trường, và Điều 7 của Luật cấm các cơ quan nhà nước lạm dụng
quyền lực để buộc các doanh nghiệp giao dịch hoặc ngăn cản hoạt động lưu thông
hàng hoá.
5. Thực thi pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam
5.1Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh
Luật Cạnh tranh quy định cụ thể 9 hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ
Điều 40 đến Điều 49 bao gồm: Chỉ dẫn gây nhầm lẫn; Xâm phạm bí mật kinh
doanh; Ép buộc trong kinh doanh; Gièm pha doanh nghiệp khác; Gây rối hoạt động
kinh doanh của doanh nghiệp khác; Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh;
Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh; Phân biệt đối xử của hiệp hội; và
Bán hàng đa cấp bất chính;
Trong số các hành vi này, một số hành vi thể hiện sự xâm hại trực tiếp đến
đối thủ cạnh tranh như xâm phạm bí mật kinh doanh, gièm pha, quấy rối doanh
nghiệp khác, một số hành vi có thể ảnh hưởng đến đối thủ cạnh tranh, đồng thời lại
vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng như chỉ dẫn gây nhầm lẫn, quảng cáo và
khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh.
Quy định về phân biệt đối xử của hiệp hội hướng đến một đối tượng đặc biệt
là các hiệp hội thương nhân. Ở nhiều quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển,
các hiệp hội mạnh có tầm ảnh hưởng lớn đến hoạt động thị trường và các quyết
định của hiệp hội tác động đáng kể đến tương quan cạnh tranh, có thể tạo lợi thế
cho một hoặc một số thành viên so với những đối thủ hoạt động trong cùng lĩnh
vực và cùng tham gia hiệp hội khác, qua đó làm sai lệch cạnh tranh. Tuy nhiên,
trong điều kiện Việt Nam, khi tầng lớp thương nhân chưa đủ mạnh và các liên kết
còn lỏng lẻo, vai trò của các hiệp hội thương mại, hiệp hội ngành hàng tỏ ra mờ
nhạt, quy định về hiệp hội chủ yếu mang tính chất răn đe, phòng ngừa, không thể
hiện được hiệu quả tức thời.
Ngược lại, bán hàng đa cấp bất chính được đưa vào Luật Cạnh tranh nhằm
đáp ứng yêu cầu cấp thiết phải điều chỉnh một vấn đề gây nhiều bức xúc trong dư
luận xã hội, hơn là do xem xét bản chất cạnh tranh của hành vi này. Vị trí phù hợp
của quy định về bán hàng đa cấp nên là tại Luật Thương mại được ban hành sau
Luật Cạnh tranh nửa năm (được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005 và chính thức
có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2006), bởi đây là một hành vi thương mại đặc thù. Các
quy định chống bán hàng đa cấp bất chính chủ yếu nhằm bảo vệ người tham gia
mạng lưới bán hàng đa cấp khỏi một số dạng lừa đảo của các doanh nghiệp bán
hàng đa cấp. Quan hệ giữa hai chủ thể này hoàn toàn không phải quan hệ cạnh
tranh hay tiêu dùng thông thường (người tham gia mua hàng của doanh nghiệp để
bán lại) mà là một quan hệ hợp đồng vì mục tiêu lợi nhuận (hợp đồng thương mại),
có các đặc điểm tương tự như hợp đồng hợp tác kinh doanh hay hợp đồng đại lý
của Luật Thương mại. Mặc dù có thể tìm thấy quy định về bán hàng đa cấp trong
một số đạo luật cạnh tranh (Đài Loan, Canađa), tuy nhiên đó là những trường hợp
không tiêu biểu. Chẳng hạn như Luật Thương mại lành mạnh Đài Loan có bao
gồm quy định về bán hàng đa cấp tại Điều 23, tuy nhiên sau đó đã ban hành một
văn bản chi tiết điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, mặc dù vẫn do Uỷ ban
Thương mại lành mạnh Đài Loan chịu trách nhiệm quản lý.
Cuối cùng, khoản 10 Điều 39 Luật Cạnh tranh mang tính chất điều khoản
“quét”, quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo tiêu chí xác
định tại khoản 4 Điều 3 của Luật này do Chính phủ quy định. Như vậy, bên cạnh
những hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được định danh, cơ quan cạnh tranh
Việt Nam không có thẩm quyền xem xét và kết luận một hành vi thị trường bất kỳ
có mang tính cạnh tranh không lành mạnh hay không. Có thể hình dung một trình
tự lập pháp theo đó khi phát hiện một dạng hành vi cạnh tranh có biểu hiện không
lành mạnh xuất hiện trên thị trường, cơ quan cạnh tranh, cơ quan quản lý ngành
hay chính các doanh nghiệp, hiệp hội trong ngành có thể đề xuất với Chính phủ
ban hành văn bản điều chỉnh dưới dạng Nghị định. Để làm được điều này, đòi hỏi
phải có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất ý kiến giữa các bên liên quan và thời gian
cho việc xây dựng một văn bản dưới luật cũng phải kéo dài trong khoảng trên dưới
01 năm. Do đó, việc thực hiện tiến trình này sẽ gặp phải nhiều hạn chế và trên thực
tế hiện chưa có văn bản điều chỉnh cạnh tranh không lành mạnh nào theo ra đời
dưới hình thức này.
Tuy nhiên, bên cạnh các quy định của pháp luật cạnh tranh, khái niệm cạnh
tranh không lành mạnh đã xuất hiện trong hệ thống các văn bản về sở hữu trí tuệ.
Trước khi Luật Cạnh tranh được ban hành năm 2004, Chính phủ đã có Nghị định
số 50/2000/NĐ-CP ngày 03/10/2000 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với
bí mật kinh doanh,chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh
tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp. Điều 24 của Nghị định
quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp
bao gồm:
1. Sử dụng các chỉ dẫn thương mại để làm sai lệch nhận thức và thông tin về
chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ,
nhằm mục đích :
a) Lợi dụng uy tín, danh tiếng của người sản xuất kinh doanh khác trong sản
xuất kinh doanh của mình;
b) Làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của người sản xuất kinh doanh khác
trong sản xuất kinh doanh của mình;
c) Gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng
hoặc đặc điểm khác của hàng hoá, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hoá, dịch
vụ... cho người tiêu dùng trong quá trình nhận biết, chọn lựa hàng hoá, dịch vụ
hoặc hoạt động kinh doanh.
2. Chiếm đoạt, sử dụng thành quả đầu tư của người khác mà không được
người đó cho phép.
Tiếp theo, Điều 25 của Nghị định cũng quy định về Quyền chống cạnh tranh
không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp, theo Tổ chức, cá nhân bị thiệt
hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh thuộc lĩnh
vực sở hữu công nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền : buộc
người có hành vi cạnh tranh không lành mạnh phải chấm dứt hành vi đó, yêu cầu
bồi thường thiệt hại; xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với
người có hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Các hội người tiêu dùng, hội nghề
nghiệp của các tổ chức, cá nhân cũng có quyền đại diện cho các hội viên của mình
thực hiện quyền yêu cầu như trên.
Có thể thấy Nghị định 54/2000/NĐ-CP đã tiếp cận được một số khía cạnh
mang tính bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đó là sự chiếm đoạt
thành quả kinh doanh của doanh nghiệp khác vì mục đích cạnh tranh, đồng thời
xác định quyền chống cạnh tranh không lành mạnh thuộc phạm vi bảo hộ quyền sở
hữu trí tuệ đối với các đối tượng nằm ngoài phạm vi bảo hộ theo văn bằng của
pháp luật về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, đáng tiếc là văn bản này đã không được
thực thi có hiệu quả do thiếu các quy định về chế tài đi kèm, và sau đó được thay
thế bằng các quy định về cạnh tranh không lành mạnh tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Điều 130 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định các hành vi bị coi là cạnh tranh không
lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ bao gồm:
- Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt
động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hoá, dịch vụ;
- Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính
năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hoá, dịch vụ; về điều
kiện cung cấp hàng hoá, dịch vụ;
- Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước
quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử
dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên,
nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc
sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do
chính đáng;
- Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc
tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác
hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ
tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên
thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.
Có thể thấy pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh của Việt Nam cũng có
sự tồn tại của hai nhóm quy định về cạnh tranh không lành mạnh trong pháp luật
cạnh tranh và pháp luật về sở hữu trí tuệ. Như đã phân tích tại Mục 4 của bài viết
này, đây là vấn đề tương tự mà nhiều quốc gia đã gặp khi xây dựng thể chế pháp
luật điều chỉnh nền kinh tế thị trường, kể cả các quốc gia đã thành công như Nhật
Bản hay Hàn Quốc xuất phát từ việc áp dụng các mô hình pháp lý khác nhau mà
chưa có một triết lý lập pháp đầy đủ làm nền tảng. Đối với một lĩnh vực có phạm
vi rộng và phức tạp như cạnh tranh không lành mạnh, việc tìm kiến các giải pháp
điều chỉnh mang tính bản chất có thể càng khó khăn hơn.
Các nhà làm luật Việt Nam đã cố gắng tạo sự liên kết giữa hai nhóm quy
định trên, chẳng hạn như tại khoản 3 Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ (được ban
hành sau Luật Cạnh tranh) có sự dẫn chiếu đến pháp luật cạnh tranh khi quy định
tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì
bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. Tuy
nhiên, những cố gắng này còn chưa đầy đủ và đồng bộ. Mặc dù có sự dẫn chiếu trên
các văn bản luật, các quy định của văn bản dưới luật lại không khớp để có thể tổ
chức thực thi. Nghị định số 120/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/9/2005 quy
định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh hoàn toàn không có chế
tài để xử lý hai hành vi sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ của đại diện hoặc đại lý và
đăng ký tên miền nhằm mục đích cạnh tranh, do đó các quy định về hai hành vi
này của Luật Sở hữu trí tuệ một lần nữa lại có nguy cơ trở thành các quy định
“treo” như trường hợp của Nghị định 54/2000/NĐ-CP trước đây.
5.2 Cơ chế thực thi
- Cục Qủan lý cạnh tranh
Theo quy định của Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn, Cục Quản lý
cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương là cơ quan có chức năng tiến hành điều tra,
xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Chức năng, nhiệm vụ của Cục
Quản lý cạnh tranh được quy định tại Nghị định 06/2006/NĐ-CP của Chính phủ
ngày 09/01/2006.
Tổ chức, cá nhân trong trường hợp phát hiện thấy quyền và lợi ích hợp pháp
của mình bị hành vi cạnh tranh không lành mạnh xâm phạm có thể nộp hồ sơ khiếu
nại (bao gồm đơn khiếu nại theo mẫu và các chứng cứ) đến Cục Quản lý cạnh
tranh. Căn cứ vào hồ sơ khiếu nại hợp lệ, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ tiến hành điều
tra qua 2 giai đoạn là điều tra sơ bộ và điều tra chính thức và ra quyết định xử lý
trong trường hợp kết luận vi phạm. Bên cạnh đó, trong trường hợp Cục Quản lý
cạnh tranh tự phát hiện vi phạm dựa trên thông tin, tài liệu thu thập được hoặc do
cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp, Cục cũng có thể tự khởi xướng điều tra
và xử lý vụ việc theo cùng trình tự, thủ tục như trên.
Hình thức xử lý vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại
Nghị định số 120/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/9/2005 quy định về xử lý vi
phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, bao gồm phạt tiền đến 100 triệu đồng và
các hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả:
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm
bao gồm cả tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi
phạm; và
- Buộc cải chính công khai.
- Các cơ quan khác
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 119 Luật Cạnh tranh và các văn bản pháp
luật về sở hữu trí tuệ, bên cạnh Cục Quản lý cạnh tranh, các cơ quan khác có thẩm
quyền xử phạt vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí
tuệ bao gồm: Cơ quan Thanh tra Khoa học và Công nghệ; Cơ quan Quản lý thị
trường; Cơ quan Hải quan; Cơ quan Công an; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp
huyện. Ngoài ra, Luật SHTT cũng quy định việc giải quyết tranh chấp về cạnh tranh
không lành mạnh trong lĩnh vực SHTT theo biện pháp dân sự thông qua khởi kiện
tại Toà án.
5.3 Thực tiễn thực thi
- Các vụ việc do Cục Quản lý cạnh tranh xử lý
Trong năm 2008, Cục QLCT đã tiến hành điều tra và xử lý 15 vụ việc liên
quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Trong số các vụ việc cạnh tranh
không lành mạnh đã được Cục QLCT xử lý, có 09 vụ việc liên quan đến vi phạm
về bán hàng đa cấp bất chính , 02 vụ việc liên quan đến hành vi quảng cáo nhằm
cạnh tranh không lành mạnh, 01 vụ việc liên quan đến hành vi gây rối hoạt động
kinh doanh của doanh nghiệp khác, 01 vụ việc về gièm pha doanh nghiệp khác và
01 vụ việc liên quan đến hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn.
- Trong số các vụ việc nói trên, có 05/15 vụ việc được Cục xem xét xử lý
căn cứ theo khiếu nại của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều 86 Luật
Cạnh tranh, 10 vụ việc được Cục QLCT tự khởi xưởng điều tra căn cứ theo thông
tin thu nhận được/
- Có 12 vụ việc trong đó Cục ban hành quyết định điều tra và xử lý theo thủ
tục tố tụng cạnh tranh. Trong 03 vụ việc còn lại, Ban chuyên môn của Cục đã tiến
hành xem xét hồ sơ và tham vấn tiền tố tụng với bên khiếu nại, tuy nhiên các bên
khiếu nại chưa cung cấp đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu quy định tại Luật Cạnh
tranh và các văn bản hướng dẫn, do đó không tiến hành điều tra vụ việc.
- Trong số 12 vụ việc Cục tiến hành điều tra theo thủ tục tố tụng cạnh tranh,
8 vụ việc đã có kết luận cuối cùng theo Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của
Cục trưởng Cục QLCT, với tổng số tiền phạt là 805 triệu đồng. Bên cạnh đó, 03 vụ
Bai viet toa dam ve ctklm   mr phuoc
Bai viet toa dam ve ctklm   mr phuoc
Bai viet toa dam ve ctklm   mr phuoc
Bai viet toa dam ve ctklm   mr phuoc
Bai viet toa dam ve ctklm   mr phuoc
Bai viet toa dam ve ctklm   mr phuoc
Bai viet toa dam ve ctklm   mr phuoc

Weitere ähnliche Inhalte

Was ist angesagt?

Chuyên đề pháp luật cạnh tranh ở việt nam – thực trạng và giải pháp hoàn thiện
Chuyên đề pháp luật cạnh tranh ở việt nam – thực trạng và giải pháp hoàn thiệnChuyên đề pháp luật cạnh tranh ở việt nam – thực trạng và giải pháp hoàn thiện
Chuyên đề pháp luật cạnh tranh ở việt nam – thực trạng và giải pháp hoàn thiệnnataliej4
 
Thực hiện pháp luật về kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam hiệ...
Thực hiện pháp luật về kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam hiệ...Thực hiện pháp luật về kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam hiệ...
Thực hiện pháp luật về kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam hiệ...nataliej4
 
Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa từ thực tiễn huyện hoài nhơn,...
Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa từ thực tiễn huyện hoài nhơn,...Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa từ thực tiễn huyện hoài nhơn,...
Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa từ thực tiễn huyện hoài nhơn,...nataliej4
 
BÁO CÁO MÔ HÌNH CƠ QUAN CẠNH TRANH -KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT N...
BÁO CÁO MÔ HÌNH CƠ QUAN CẠNH TRANH -KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT N...BÁO CÁO MÔ HÌNH CƠ QUAN CẠNH TRANH -KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT N...
BÁO CÁO MÔ HÌNH CƠ QUAN CẠNH TRANH -KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT N...hanhha12
 
Nhân tố ảnh hưởng đến mức độ tập trung thương mại hàng hóа giữа việt nаm và e...
Nhân tố ảnh hưởng đến mức độ tập trung thương mại hàng hóа giữа việt nаm và e...Nhân tố ảnh hưởng đến mức độ tập trung thương mại hàng hóа giữа việt nаm và e...
Nhân tố ảnh hưởng đến mức độ tập trung thương mại hàng hóа giữа việt nаm và e...nataliej4
 

Was ist angesagt? (8)

Luận án: Pháp luật về kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh
Luận án: Pháp luật về kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranhLuận án: Pháp luật về kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh
Luận án: Pháp luật về kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh
 
Luận văn: Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực về giá
Luận văn: Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực về giáLuận văn: Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực về giá
Luận văn: Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực về giá
 
Đề tài: Chế tài liên quan tới hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam, HOT
Đề tài: Chế tài liên quan tới hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam, HOTĐề tài: Chế tài liên quan tới hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam, HOT
Đề tài: Chế tài liên quan tới hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam, HOT
 
Chuyên đề pháp luật cạnh tranh ở việt nam – thực trạng và giải pháp hoàn thiện
Chuyên đề pháp luật cạnh tranh ở việt nam – thực trạng và giải pháp hoàn thiệnChuyên đề pháp luật cạnh tranh ở việt nam – thực trạng và giải pháp hoàn thiện
Chuyên đề pháp luật cạnh tranh ở việt nam – thực trạng và giải pháp hoàn thiện
 
Thực hiện pháp luật về kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam hiệ...
Thực hiện pháp luật về kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam hiệ...Thực hiện pháp luật về kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam hiệ...
Thực hiện pháp luật về kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam hiệ...
 
Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa từ thực tiễn huyện hoài nhơn,...
Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa từ thực tiễn huyện hoài nhơn,...Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa từ thực tiễn huyện hoài nhơn,...
Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa từ thực tiễn huyện hoài nhơn,...
 
BÁO CÁO MÔ HÌNH CƠ QUAN CẠNH TRANH -KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT N...
BÁO CÁO MÔ HÌNH CƠ QUAN CẠNH TRANH -KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT N...BÁO CÁO MÔ HÌNH CƠ QUAN CẠNH TRANH -KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT N...
BÁO CÁO MÔ HÌNH CƠ QUAN CẠNH TRANH -KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT N...
 
Nhân tố ảnh hưởng đến mức độ tập trung thương mại hàng hóа giữа việt nаm và e...
Nhân tố ảnh hưởng đến mức độ tập trung thương mại hàng hóа giữа việt nаm và e...Nhân tố ảnh hưởng đến mức độ tập trung thương mại hàng hóа giữа việt nаm và e...
Nhân tố ảnh hưởng đến mức độ tập trung thương mại hàng hóа giữа việt nаm và e...
 

Ähnlich wie Bai viet toa dam ve ctklm mr phuoc

Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật cạnh tranh ...
Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật cạnh tranh ...Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật cạnh tranh ...
Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật cạnh tranh ...Thư viện Tài liệu mẫu
 
- slide-bai-giang-luat-canh-tranh-2022.pdf
 - slide-bai-giang-luat-canh-tranh-2022.pdf - slide-bai-giang-luat-canh-tranh-2022.pdf
- slide-bai-giang-luat-canh-tranh-2022.pdfHunhVnHuy1
 
Luận án: Pháp luật về quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp - Gửi miễn phí qu...
Luận án: Pháp luật về quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp - Gửi miễn phí qu...Luận án: Pháp luật về quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp - Gửi miễn phí qu...
Luận án: Pháp luật về quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp - Gửi miễn phí qu...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Pháp luật về kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam - Gửi miễn ph...
Pháp luật về kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam - Gửi miễn ph...Pháp luật về kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam - Gửi miễn ph...
Pháp luật về kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam - Gửi miễn ph...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Cơ Sở Lý Luận Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
Cơ Sở Lý Luận Về Phạt  Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương MạiCơ Sở Lý Luận Về Phạt  Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
Cơ Sở Lý Luận Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương MạiViết Thuê Luận Văn Luanvanpanda.com
 
Luận văn: chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán
Luận văn: chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bánLuận văn: chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán
Luận văn: chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bánViết Thuê Khóa Luận _ ZALO 0917.193.864 default
 
Cơ Sở Lý Luận Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
Cơ Sở Lý Luận Về Phạt  Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương MạiCơ Sở Lý Luận Về Phạt  Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
Cơ Sở Lý Luận Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương MạiHỗ Trợ Viết Đề Tài luanvanpanda.com
 
Cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo thương mại theo pháp luật...
Cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo thương mại theo pháp luật...Cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo thương mại theo pháp luật...
Cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo thương mại theo pháp luật...nataliej4
 

Ähnlich wie Bai viet toa dam ve ctklm mr phuoc (20)

Thực trạng thực thi pháp luật về cạnh trạnh không lành mạnh trong l...
Thực trạng thực thi pháp luật về cạnh trạnh không lành mạnh trong l...Thực trạng thực thi pháp luật về cạnh trạnh không lành mạnh trong l...
Thực trạng thực thi pháp luật về cạnh trạnh không lành mạnh trong l...
 
Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật cạnh tranh ...
Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật cạnh tranh ...Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật cạnh tranh ...
Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật cạnh tranh ...
 
Luận văn: Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, 9đ
Luận văn: Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, 9đLuận văn: Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, 9đ
Luận văn: Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, 9đ
 
Giải Pháp Góp Phần Hoàn Thiện Pháp Luật Hành Vi Cạnh Tranh Không La...
Giải Pháp Góp Phần Hoàn Thiện Pháp Luật Hành Vi Cạnh Tranh Không La...Giải Pháp Góp Phần Hoàn Thiện Pháp Luật Hành Vi Cạnh Tranh Không La...
Giải Pháp Góp Phần Hoàn Thiện Pháp Luật Hành Vi Cạnh Tranh Không La...
 
- slide-bai-giang-luat-canh-tranh-2022.pdf
 - slide-bai-giang-luat-canh-tranh-2022.pdf - slide-bai-giang-luat-canh-tranh-2022.pdf
- slide-bai-giang-luat-canh-tranh-2022.pdf
 
Pháp Luật Hạn Chế Cạnh Tranh Trong Hoạt Động Nhượng Quyền Thương Mại.
Pháp Luật Hạn Chế Cạnh Tranh Trong Hoạt Động Nhượng Quyền Thương Mại.Pháp Luật Hạn Chế Cạnh Tranh Trong Hoạt Động Nhượng Quyền Thương Mại.
Pháp Luật Hạn Chế Cạnh Tranh Trong Hoạt Động Nhượng Quyền Thương Mại.
 
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của luật SHTT năm 2005.doc
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của luật SHTT năm 2005.docHành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của luật SHTT năm 2005.doc
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của luật SHTT năm 2005.doc
 
Hợp đồng nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống
Hợp đồng nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực dịch vụ ăn uốngHợp đồng nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống
Hợp đồng nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống
 
Luận án: Pháp luật về quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp - Gửi miễn phí qu...
Luận án: Pháp luật về quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp - Gửi miễn phí qu...Luận án: Pháp luật về quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp - Gửi miễn phí qu...
Luận án: Pháp luật về quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp - Gửi miễn phí qu...
 
Pháp luật về kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam - Gửi miễn ph...
Pháp luật về kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam - Gửi miễn ph...Pháp luật về kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam - Gửi miễn ph...
Pháp luật về kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam - Gửi miễn ph...
 
Luận văn vi phạm hợp đồng, 9 ĐIỂM
Luận văn vi phạm hợp đồng, 9 ĐIỂMLuận văn vi phạm hợp đồng, 9 ĐIỂM
Luận văn vi phạm hợp đồng, 9 ĐIỂM
 
Cơ sở lý luận về pháp luật hạn chế cạnh tranh nhượng quyền thương mại
Cơ sở lý luận về pháp luật hạn chế cạnh tranh nhượng quyền thương mạiCơ sở lý luận về pháp luật hạn chế cạnh tranh nhượng quyền thương mại
Cơ sở lý luận về pháp luật hạn chế cạnh tranh nhượng quyền thương mại
 
Pháp luật về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hoạt động thương mại.docx
Pháp luật về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hoạt động thương mại.docxPháp luật về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hoạt động thương mại.docx
Pháp luật về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hoạt động thương mại.docx
 
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của luật SHTT năm 2005.doc
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của luật SHTT năm 2005.docHành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của luật SHTT năm 2005.doc
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của luật SHTT năm 2005.doc
 
Luận văn: Hành vi quảng cáo thương mại gây nhầm lẫn theo luật
Luận văn: Hành vi quảng cáo thương mại gây nhầm lẫn theo luậtLuận văn: Hành vi quảng cáo thương mại gây nhầm lẫn theo luật
Luận văn: Hành vi quảng cáo thương mại gây nhầm lẫn theo luật
 
Cơ Sở Lý Luận Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
Cơ Sở Lý Luận Về Phạt  Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương MạiCơ Sở Lý Luận Về Phạt  Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
Cơ Sở Lý Luận Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
 
Luận văn: chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán
Luận văn: chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bánLuận văn: chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán
Luận văn: chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán
 
Cơ Sở Lý Luận Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
Cơ Sở Lý Luận Về Phạt  Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương MạiCơ Sở Lý Luận Về Phạt  Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
Cơ Sở Lý Luận Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
 
Cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo thương mại theo pháp luật...
Cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo thương mại theo pháp luật...Cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo thương mại theo pháp luật...
Cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo thương mại theo pháp luật...
 
Cạnh tranh không lành mạnh trong quảng cáo thương mại theo pháp luật
Cạnh tranh không lành mạnh trong quảng cáo thương mại theo pháp luậtCạnh tranh không lành mạnh trong quảng cáo thương mại theo pháp luật
Cạnh tranh không lành mạnh trong quảng cáo thương mại theo pháp luật
 

Mehr von Quách Đại Dương

Giao dich dam phan va kd dap an de cuong
Giao dich dam phan va kd  dap an de cuongGiao dich dam phan va kd  dap an de cuong
Giao dich dam phan va kd dap an de cuongQuách Đại Dương
 
bài giảng quản trị chiến lược
bài giảng quản trị chiến lượcbài giảng quản trị chiến lược
bài giảng quản trị chiến lượcQuách Đại Dương
 
20110907060902 chiến lược cạnh tranh
20110907060902 chiến lược cạnh tranh20110907060902 chiến lược cạnh tranh
20110907060902 chiến lược cạnh tranhQuách Đại Dương
 
3923 phuong phap_nghien_cuu_kinh_doanh
3923 phuong phap_nghien_cuu_kinh_doanh3923 phuong phap_nghien_cuu_kinh_doanh
3923 phuong phap_nghien_cuu_kinh_doanhQuách Đại Dương
 
Phương pháp nghiên cứu kinh doanh
Phương pháp nghiên cứu kinh doanhPhương pháp nghiên cứu kinh doanh
Phương pháp nghiên cứu kinh doanhQuách Đại Dương
 
Định mức vật tư trong xây dựng 1748
Định mức vật tư trong xây dựng 1748Định mức vật tư trong xây dựng 1748
Định mức vật tư trong xây dựng 1748Quách Đại Dương
 
Phát triển thị trường tiêu thụ tại cty may huy hoàng
Phát triển thị trường tiêu thụ tại cty may huy hoàngPhát triển thị trường tiêu thụ tại cty may huy hoàng
Phát triển thị trường tiêu thụ tại cty may huy hoàngQuách Đại Dương
 
Giáo trình marketing căn bản Ts Nguyễn Thượng Thái Chuong 1 nhung van de co ban
Giáo trình marketing căn bản Ts Nguyễn Thượng Thái Chuong 1 nhung van de co banGiáo trình marketing căn bản Ts Nguyễn Thượng Thái Chuong 1 nhung van de co ban
Giáo trình marketing căn bản Ts Nguyễn Thượng Thái Chuong 1 nhung van de co banQuách Đại Dương
 
Đề cương ôn tập hệ thống thông tin quản lý
Đề cương ôn tập hệ thống thông tin quản lýĐề cương ôn tập hệ thống thông tin quản lý
Đề cương ôn tập hệ thống thông tin quản lýQuách Đại Dương
 
Kế hoạch kinh doanh Mở cửa hàng kinh doanh cơm kẹp “NỤ CƯỜI”
Kế hoạch kinh doanh Mở cửa hàng kinh doanh cơm kẹp “NỤ CƯỜI”Kế hoạch kinh doanh Mở cửa hàng kinh doanh cơm kẹp “NỤ CƯỜI”
Kế hoạch kinh doanh Mở cửa hàng kinh doanh cơm kẹp “NỤ CƯỜI”Quách Đại Dương
 

Mehr von Quách Đại Dương (19)

Thuongmaidientucanban
ThuongmaidientucanbanThuongmaidientucanban
Thuongmaidientucanban
 
qthoc
 qthoc qthoc
qthoc
 
Các mô hình dữ liệu
Các mô hình dữ liệuCác mô hình dữ liệu
Các mô hình dữ liệu
 
Giao dich dam phan va kd dap an de cuong
Giao dich dam phan va kd  dap an de cuongGiao dich dam phan va kd  dap an de cuong
Giao dich dam phan va kd dap an de cuong
 
Bai giang lap va quan tri du an
Bai giang lap va quan tri du an Bai giang lap va quan tri du an
Bai giang lap va quan tri du an
 
De cuong bai giang httt
De cuong bai giang htttDe cuong bai giang httt
De cuong bai giang httt
 
bài giảng quản trị chiến lược
bài giảng quản trị chiến lượcbài giảng quản trị chiến lược
bài giảng quản trị chiến lược
 
20110907060902 chiến lược cạnh tranh
20110907060902 chiến lược cạnh tranh20110907060902 chiến lược cạnh tranh
20110907060902 chiến lược cạnh tranh
 
bai giang qtdadt dttx
bai giang qtdadt dttxbai giang qtdadt dttx
bai giang qtdadt dttx
 
3923 phuong phap_nghien_cuu_kinh_doanh
3923 phuong phap_nghien_cuu_kinh_doanh3923 phuong phap_nghien_cuu_kinh_doanh
3923 phuong phap_nghien_cuu_kinh_doanh
 
Phương pháp nghiên cứu kinh doanh
Phương pháp nghiên cứu kinh doanhPhương pháp nghiên cứu kinh doanh
Phương pháp nghiên cứu kinh doanh
 
Định mức vật tư trong xây dựng 1748
Định mức vật tư trong xây dựng 1748Định mức vật tư trong xây dựng 1748
Định mức vật tư trong xây dựng 1748
 
Phát triển thị trường tiêu thụ tại cty may huy hoàng
Phát triển thị trường tiêu thụ tại cty may huy hoàngPhát triển thị trường tiêu thụ tại cty may huy hoàng
Phát triển thị trường tiêu thụ tại cty may huy hoàng
 
Bài giảng quản trị học
Bài giảng quản trị họcBài giảng quản trị học
Bài giảng quản trị học
 
Bai giang cau truc pc
Bai giang cau truc pcBai giang cau truc pc
Bai giang cau truc pc
 
Giáo trình marketing căn bản Ts Nguyễn Thượng Thái Chuong 1 nhung van de co ban
Giáo trình marketing căn bản Ts Nguyễn Thượng Thái Chuong 1 nhung van de co banGiáo trình marketing căn bản Ts Nguyễn Thượng Thái Chuong 1 nhung van de co ban
Giáo trình marketing căn bản Ts Nguyễn Thượng Thái Chuong 1 nhung van de co ban
 
Đề cương ôn tập hệ thống thông tin quản lý
Đề cương ôn tập hệ thống thông tin quản lýĐề cương ôn tập hệ thống thông tin quản lý
Đề cương ôn tập hệ thống thông tin quản lý
 
Kế hoạch kinh doanh Mở cửa hàng kinh doanh cơm kẹp “NỤ CƯỜI”
Kế hoạch kinh doanh Mở cửa hàng kinh doanh cơm kẹp “NỤ CƯỜI”Kế hoạch kinh doanh Mở cửa hàng kinh doanh cơm kẹp “NỤ CƯỜI”
Kế hoạch kinh doanh Mở cửa hàng kinh doanh cơm kẹp “NỤ CƯỜI”
 
1172 qd bxd1373984361
1172 qd bxd13739843611172 qd bxd1373984361
1172 qd bxd1373984361
 

Kürzlich hochgeladen

BỘ ĐỀ CHÍNH THỨC + TÁCH ĐỀ + ĐỀ LUYỆN THI VÀO LỚP 10 CHUYÊN TOÁN CÁC TỈNH NĂM...
BỘ ĐỀ CHÍNH THỨC + TÁCH ĐỀ + ĐỀ LUYỆN THI VÀO LỚP 10 CHUYÊN TOÁN CÁC TỈNH NĂM...BỘ ĐỀ CHÍNH THỨC + TÁCH ĐỀ + ĐỀ LUYỆN THI VÀO LỚP 10 CHUYÊN TOÁN CÁC TỈNH NĂM...
BỘ ĐỀ CHÍNH THỨC + TÁCH ĐỀ + ĐỀ LUYỆN THI VÀO LỚP 10 CHUYÊN TOÁN CÁC TỈNH NĂM...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN VÀ VẬ...
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN VÀ VẬ...TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN VÀ VẬ...
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN VÀ VẬ...cogiahuy36
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Game-Plants-vs-Zombies để ôn tập môn kinh tế chính trị.pptx
Game-Plants-vs-Zombies để ôn tập môn kinh tế chính trị.pptxGame-Plants-vs-Zombies để ôn tập môn kinh tế chính trị.pptx
Game-Plants-vs-Zombies để ôn tập môn kinh tế chính trị.pptxxaxanhuxaxoi
 
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIẢI-ĐỀ-CƯƠNG-NHẬP-MÔN-KHOA-HỌC-XÃ-HỘI-VÀ-NHÂN-VĂN-KHIÊM-BK69.pdf
GIẢI-ĐỀ-CƯƠNG-NHẬP-MÔN-KHOA-HỌC-XÃ-HỘI-VÀ-NHÂN-VĂN-KHIÊM-BK69.pdfGIẢI-ĐỀ-CƯƠNG-NHẬP-MÔN-KHOA-HỌC-XÃ-HỘI-VÀ-NHÂN-VĂN-KHIÊM-BK69.pdf
GIẢI-ĐỀ-CƯƠNG-NHẬP-MÔN-KHOA-HỌC-XÃ-HỘI-VÀ-NHÂN-VĂN-KHIÊM-BK69.pdfHngNguyn271079
 
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdf
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdfGieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdf
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdfXem Số Mệnh
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
syllabus for the book "Tiếng Anh 6 i-Learn Smart World"
syllabus for the book "Tiếng Anh 6 i-Learn Smart World"syllabus for the book "Tiếng Anh 6 i-Learn Smart World"
syllabus for the book "Tiếng Anh 6 i-Learn Smart World"LaiHoang6
 
đồ án thương mại quốc tế- hutech - KDQTK21
đồ án thương mại quốc tế- hutech - KDQTK21đồ án thương mại quốc tế- hutech - KDQTK21
đồ án thương mại quốc tế- hutech - KDQTK21nguyenthao2003bd
 
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...Xem Số Mệnh
 
chủ nghĩa xã hội khoa học về đề tài cuối kì
chủ nghĩa xã hội khoa học về đề tài cuối kìchủ nghĩa xã hội khoa học về đề tài cuối kì
chủ nghĩa xã hội khoa học về đề tài cuối kìanlqd1402
 
GIÁO TRÌNH BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI THCS VÀ THI VÀO 10 THPT CHUYÊN MÔN TIẾNG A...
GIÁO TRÌNH BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI THCS VÀ THI VÀO 10 THPT CHUYÊN MÔN TIẾNG A...GIÁO TRÌNH BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI THCS VÀ THI VÀO 10 THPT CHUYÊN MÔN TIẾNG A...
GIÁO TRÌNH BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI THCS VÀ THI VÀO 10 THPT CHUYÊN MÔN TIẾNG A...Nguyen Thanh Tu Collection
 
.................KHTN 9....................................Viet Nam.......
.................KHTN 9....................................Viet Nam........................KHTN 9....................................Viet Nam.......
.................KHTN 9....................................Viet Nam.......thoa051989
 
vat li 10 Chuyen de bai 4 Xac dinh phuong huong.pptx
vat li 10  Chuyen de bai 4 Xac dinh phuong huong.pptxvat li 10  Chuyen de bai 4 Xac dinh phuong huong.pptx
vat li 10 Chuyen de bai 4 Xac dinh phuong huong.pptxlephuongvu2019
 
Tổng hợp Ngữ pháp Tiếng Anh 11 cho học sinh.docx
Tổng hợp Ngữ pháp Tiếng Anh 11 cho học sinh.docxTổng hợp Ngữ pháp Tiếng Anh 11 cho học sinh.docx
Tổng hợp Ngữ pháp Tiếng Anh 11 cho học sinh.docxTrangL188166
 
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...Xem Số Mệnh
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Kürzlich hochgeladen (20)

BỘ ĐỀ CHÍNH THỨC + TÁCH ĐỀ + ĐỀ LUYỆN THI VÀO LỚP 10 CHUYÊN TOÁN CÁC TỈNH NĂM...
BỘ ĐỀ CHÍNH THỨC + TÁCH ĐỀ + ĐỀ LUYỆN THI VÀO LỚP 10 CHUYÊN TOÁN CÁC TỈNH NĂM...BỘ ĐỀ CHÍNH THỨC + TÁCH ĐỀ + ĐỀ LUYỆN THI VÀO LỚP 10 CHUYÊN TOÁN CÁC TỈNH NĂM...
BỘ ĐỀ CHÍNH THỨC + TÁCH ĐỀ + ĐỀ LUYỆN THI VÀO LỚP 10 CHUYÊN TOÁN CÁC TỈNH NĂM...
 
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
 
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN VÀ VẬ...
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN VÀ VẬ...TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN VÀ VẬ...
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN VÀ VẬ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Game-Plants-vs-Zombies để ôn tập môn kinh tế chính trị.pptx
Game-Plants-vs-Zombies để ôn tập môn kinh tế chính trị.pptxGame-Plants-vs-Zombies để ôn tập môn kinh tế chính trị.pptx
Game-Plants-vs-Zombies để ôn tập môn kinh tế chính trị.pptx
 
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
 
GIẢI-ĐỀ-CƯƠNG-NHẬP-MÔN-KHOA-HỌC-XÃ-HỘI-VÀ-NHÂN-VĂN-KHIÊM-BK69.pdf
GIẢI-ĐỀ-CƯƠNG-NHẬP-MÔN-KHOA-HỌC-XÃ-HỘI-VÀ-NHÂN-VĂN-KHIÊM-BK69.pdfGIẢI-ĐỀ-CƯƠNG-NHẬP-MÔN-KHOA-HỌC-XÃ-HỘI-VÀ-NHÂN-VĂN-KHIÊM-BK69.pdf
GIẢI-ĐỀ-CƯƠNG-NHẬP-MÔN-KHOA-HỌC-XÃ-HỘI-VÀ-NHÂN-VĂN-KHIÊM-BK69.pdf
 
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdf
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdfGieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdf
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdf
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
 
syllabus for the book "Tiếng Anh 6 i-Learn Smart World"
syllabus for the book "Tiếng Anh 6 i-Learn Smart World"syllabus for the book "Tiếng Anh 6 i-Learn Smart World"
syllabus for the book "Tiếng Anh 6 i-Learn Smart World"
 
đồ án thương mại quốc tế- hutech - KDQTK21
đồ án thương mại quốc tế- hutech - KDQTK21đồ án thương mại quốc tế- hutech - KDQTK21
đồ án thương mại quốc tế- hutech - KDQTK21
 
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
 
chủ nghĩa xã hội khoa học về đề tài cuối kì
chủ nghĩa xã hội khoa học về đề tài cuối kìchủ nghĩa xã hội khoa học về đề tài cuối kì
chủ nghĩa xã hội khoa học về đề tài cuối kì
 
GIÁO TRÌNH BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI THCS VÀ THI VÀO 10 THPT CHUYÊN MÔN TIẾNG A...
GIÁO TRÌNH BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI THCS VÀ THI VÀO 10 THPT CHUYÊN MÔN TIẾNG A...GIÁO TRÌNH BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI THCS VÀ THI VÀO 10 THPT CHUYÊN MÔN TIẾNG A...
GIÁO TRÌNH BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI THCS VÀ THI VÀO 10 THPT CHUYÊN MÔN TIẾNG A...
 
.................KHTN 9....................................Viet Nam.......
.................KHTN 9....................................Viet Nam........................KHTN 9....................................Viet Nam.......
.................KHTN 9....................................Viet Nam.......
 
vat li 10 Chuyen de bai 4 Xac dinh phuong huong.pptx
vat li 10  Chuyen de bai 4 Xac dinh phuong huong.pptxvat li 10  Chuyen de bai 4 Xac dinh phuong huong.pptx
vat li 10 Chuyen de bai 4 Xac dinh phuong huong.pptx
 
Tổng hợp Ngữ pháp Tiếng Anh 11 cho học sinh.docx
Tổng hợp Ngữ pháp Tiếng Anh 11 cho học sinh.docxTổng hợp Ngữ pháp Tiếng Anh 11 cho học sinh.docx
Tổng hợp Ngữ pháp Tiếng Anh 11 cho học sinh.docx
 
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 

Bai viet toa dam ve ctklm mr phuoc

  • 1. CHẾ ĐỊNH CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH TRONG PHÁP LUẬT CẠNH TRANH Vị trí của chế định về cạnh tranh không lành mạnh trong pháp luật cạnh tranh nói chung và trong Luật Cạnh tranh 2004 của Việt Nam nói riêng là một vấn đề còn nhiều tranh luận. Một mặt, còn có những điểm chưa thống nhất trong việc xác định và đánh giá về bản chất hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Mặt khác, tác động qua lại giữa pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh với người anh em có nhiều khác biệt của nó là pháp luật về hạn chế cạnh tranh, cũng như với các lĩnh vực pháp luật khác như pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật về sở hữu trí tuệ… khiến cho sự khoanh vùng điều chỉnh và lựa chọn cơ chế điều chỉnh đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đưa đến nhiều cân nhắc. Bài viết này nhằm mục đích làm rõ một số vấn đề mang tính nhận diện về cạnh tranh không lành mạnh và vị trí của bộ phận pháp luật này trong khuôn khổ pháp luật cạnh tranh. Do khuôn khổ hạn chế, bài viết sẽ không đi sâu phân tích các hành vi cạnh tranh không lành mạnh cụ thể mà chỉ đề cập một số vấn đề mang lý luận về bản chất của hành vi và các cách thức tiếp cận và điều chỉnh pháp lý đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói chung. 1. Khái niệm cạnh tranh không lành mạnh Cho đến nay, vai trò của cạnh tranh trong việc cân bằng cung cầu trên thị trường, tạo động lực đổi mới và phát triển cũng như bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, để đem lại những lợi ích như vậy, hoạt động cạnh tranh cần được duy trì trong một khuôn khổ lành mạnh và tuân theo những nguyên tắc nhất định. Có thể hiểu đơn giản cạnh tranh không lành mạnh là một thứ cạnh tranh quá mức và vì thế gây tác dụng ngược. Nhà nghiên cứu người Pháp Dominique Brault đã trích dẫn một so sánh mang tính hình tượng: “Cạnh tranh là một thứ rượu, dùng đúng liều nó là chất kích thích, dùng quá liều nó trở thành thuốc
  • 2. độc”1 . Nhà nước không chỉ có trách nhiệm không tạo ra lợi thế hay bất lợi cho một đối thủ cạnh tranh, mà còn cần ngăn chặn việc các đối thủ cạnh tranh tạo ra lợi thế cho mình bằng bất kỳ thủ đoạn nào họ muốn. Nếu không, trật tự kinh tế sẽ bị rối loạn và nhiều doanh nghiệp trung thực bị gạt ra khỏi cuộc chơi. Xét một cách khái quát, pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh ngăn chặn các hành vi của doanh nghiệp nhằm tạo lợi thế cạnh tranh một cách không chính đáng trước các đối thủ cạnh tranh khác. Những vụ việc thực tế về cạnh tranh không lành mạnh đều thể hiện một bản chất chung theo đó doanh nghiệp toan tính đạt được thành công trên thị trường không dựa trên nỗ lực của bản thân cải thiện chất lượng, giá cả của sản phẩm, mà bằng cách chiếm đoạt những ưu thế của sản phẩm người khác hoặc tác động sai trái lên khách hàng. Tuy nhiên, xét cả về lý luận lẫn thực tiễn, khi cơ chế thị trường khuyến khích các doanh nghiệp cạnh tranh tự do và sáng tạo, việc đánh giá tính chính đáng trong hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp và đặt ra các giới hạn cho cạnh tranh lành mạnh là khó khăn mà các nhà lập pháp có vẻ đã không giải quyết được triệt để và trong nhiều trường hợp chỉ đề ra các tiêu chí khái quát chung và trao quyền cho cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh tự đánh giá và quyết định ở những vụ việc cụ thể. Sự không rõ ràng trong khái niệm về cạnh tranh không lành mạnh được thể hiện ngay tại một trong những định nghĩa pháp lý phổ biến nhất và lâu đời nhất của nó, nằm tại Điều 10 bis Công ước Paris về Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Điều khoản này được bổ sung được bổ sung vào Công ước năm 1900 và được sửa đổi lần cuối theo Văn bản Stockholm năm 1967, theo đó bất kỳ hành vi cạnh tranh nào đi ngược lại các thông lệ trung thực, thiện chí trong công nghiệp hoặc trong thương mại đều là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tại định nghĩa này, có thể thấy tiêu chí đánh giá quan trọng nhất về tính lành mạnh/không lành mạnh của một hành vi cạnh tranh là “các thông lệ trung thực và thiện chí” không rõ ràng và ổn định, ở mỗi quốc gia có thể có những khác biệt phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội và lịch sử của quốc gia đó.
  • 3. Trên thực tế, Điều 10 bis đã có ý bỏ ngỏ khái niệm này cho pháp luật quốc gia của các nước thành viên Công ước tự định đoạt. Tuy nhiên đến cấp độ pháp luật quốc gia, tình hình cũng không có gì tiến triển hơn. Sự không rõ ràng trong việc xác định phạm vi cạnh tranh không lành mạnh tiếp tục được thể hiện trong pháp luật nhiều nước, tại Bỉ và Luxembourg các tiêu chí này được gọi là “thông lệ thương mại trung thực”, tại Tây Ban Nha và Thuỵ Sỹ là “nguyên tắc ngay tình”, tại Italia là “tính chuyên nghiệp đúng đắn”, tại Đức, Hy Lạp và Ba Lan là “đạo đức kinh doanh”. Còn tại Hoa Kỳ, do thiếu định nghĩa trong các văn bản pháp luật, các toà án đã xác định từ nguồn án lệ định nghĩa cạnh tranh lành mạnh là “các nguyên tắc giải quyết trung thực và công bằng” hoặc “đạo đức thị trường”. Pháp luật đã không đưa ra được chuẩn mực để nhận diện các hành vi cạnh tranh lành mạnh, được chấp nhận trong kinh doanh. Tiêu chí “công bằng” hay “trung thực” phản ánh các quan niệm đa chiều về kinh tế, xã hội, văn hoá, đạo đức, triết học … tồn tại trong một xã hội, do đó sẽ khác nhau giữa các quốc gia hoặc thậm chí trong cùng một quốc gia. Theo thời gian, các tiêu chí này cũng có thể thay đổi. Hơn nữa, luôn có những hoạt động cạnh tranh không lành mạnh mới, khi tính sáng tạo trong kinh doanh không có giới hạn. Mọi nỗ lực nhằm bao quát trong một định nghĩa tất cả các hoạt động cạnh tranh hiện tại và tương lai, có thể đồng thời xác định mọi hành vi bị ngăn cấm và linh hoạt đủ để thích nghi với những thông lệ thị trường mới, cho đến nay vẫn thất bại 2 . Luật Cạnh tranh Việt Nam đưa ra định nghĩa về cạnh tranh không lành mạnh tại khoản 4 Điều 3 như sau: “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng”. Nhìn chung, định nghĩa về cạnh tranh không lành mạnh của Luật Cạnh tranh 2004 tương tự với định nghĩa của Công ước Paris và pháp luật các nước có nền kinh tế thị trường phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, tại định nghĩa này, một lần nữa có thể thấy tiêu chí đánh giá về tính chất không lành mạnh của hành vi cạnh tranh chỉ được nêu chung chung là “các chuẩn mực thông thường về đạo đức
  • 4. kinh doanh”. Công ước Paris ít nhất còn đưa ra hai tiêu chí cụ thể là tính trung thực và tính thiện chí, để dựa vào đó cơ quan công quyền đánh giá một hành vi cụ thể trên thực tế có tỏ ra trung thực và thiện chí hay không. Đồng thời Công ước cũng khuyến nghị các nước tham gia cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá trong nội luật của mình để thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật. Pháp luật cạnh tranh Việt Nam chẳng những không đưa thêm được các tiêu chí đánh giá mà còn giản lược hơn khi chỉ đề cập đến khái niệm đạo đức kinh doanh, gây khó khăn cho việc xem xét hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thực tế: - Thứ nhất, do nền kinh tế thị trường tại nước ta mới hình thành, các quan hệ kinh doanh chưa đủ thời gian để trở thành tập quán và được chấp nhận rộng rãi. Tầng lớp thương nhân của Việt Nam cũng chưa đủ đông và mạnh để có thể thống nhất đặt ra những tiêu chuẩn chung, những hướng dẫn đóng vai trò quy tắc đạo đức cho một ngành kinh doanh. - Thứ hai, do pháp luật Việt Nam không thừa nhận án lệ, các cơ quan tài phán của nước ta thường có vai trò hạn chế trong việc vận dụng pháp luật, nhất là trong trường hợp chỉ có những quy định mang tính nguyên tắc như trường hợp về các chuẩn mực đạo đức kinh doanh này. Các cơ quan công quyền cũng không đủ hiểu biết thực tế để thay cho thương nhân đặt ra các quy tắc đạo đức trong một ngành kinh doanh cụ thể. Do đó, quy định thiếu cụ thể đối với một nội dung có vai trò định vị như vậy sẽ gây trở ngại lớn cho các hoạt động thực thi pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam. 2. Các đặc điểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh Xuất phát khái niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh nêu trên, có thể xác định một số đặc điểm cơ bản của hành vi cạnh tranh không lành mạnh như sau: 2.1 Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trước hết là một hành vi cạnh tranh do các chủ thể kinh doanh trên thị trường thực hiện. Có thể phân tích vấn đề này trên hai khía cạnh: - Thứ nhất, trên thị trường cạnh tranh, mỗi hành vi kinh doanh của một doanh nghiệp cũng chính là hành vi cạnh tranh trong tương quan với các doanh
  • 5. nghiệp khác, do đó mọi hoạt động của doanh nghiệp đều có thể bị xem xét về tính chính đáng, phù hợp với thông lệ hay đạo đức kinh doanh và pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh có thể can thiệp vào nhiều hoạt động khác nhau của đời sống kinh tế. Đặc điểm này khiến cho pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh tại một số quốc gia có thể có phạm vi áp dụng rất rộng và điều chỉnh những hành vi đa dạng. Một ví dụ gần đây được nhiều người biết đến là Điều 18 của Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh Nhật Bản quy định về việc hối lộ cũng bị coi là một dạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Quy định này được bổ sung năm 1998 và được coi là sự nội luật hoá Công ước của OECD về Chống hối lộ đối với quan chức nước ngoài trong giao dịch quốc tế. - Thứ hai, chủ thể thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh là các doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh trên thị trường. Ở đây, khái niệm doanh nghiệp được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm mọi tổ chức hay cá nhân tham gia hoạt động tìm kiếm lợi nhuận một cách thường xuyên và chuyên nghiệp, hay sử dụng khái niệm của pháp luật thương mại là có tư cách thương nhân trên thị trường. Trên một phạm vi rộng hơn, các quy định về cạnh tranh không lành mạnh còn có thể áp dụng đối với hành vi của các nhóm doanh nghiệp hoạt động có tổ chức (hiệp hội) và các cá nhân hành nghề tự do (bác sỹ, luật sư, kiến trúc sư…). Và cuối cùng, liên quan đến trách nhiệm cá nhân, theo một truyền thống chung của pháp luật cạnh tranh, một số quốc gia còn mở rộng phạm vi đối tượng chịu trách nhiệm pháp lý về vi phạm đến các cá nhân là lãnh đạo doanh nghiệp và không loại trừ các chế tài mang tính hình sự. Lấy tiếp ví dụ tại Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản nêu trên, hình phạt tối đa đối với các cá nhân vi phạm có thể lên đến 10 năm tù và 10 triệu yên tiền phạt. 2.2 Đặc điểm thứ hai của hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được nhắc tới tại phần trên, đó là tính chất đối lập, đi ngược lại các thông lệ tốt, các nguyên tắc đạo đức kinh doanh, có thể hiểu là những quy tắc xử sự chung đã được chấp nhận rộng rãi và lâu dài trong hoạt động kinh doanh trên thị trường. Đặc điểm này phần nào thể hiện nguồn gốc tập quán pháp của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh, các quy định về cạnh tranh không lành mạnh được hình thành và hoàn
  • 6. thiện qua bề dày thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, không thể một sớm một chiều mà có được. Mặt khác, đặc điểm này cũng đòi hỏi cơ quan xử lý về hành vi cạnh tranh không lành mạnh phải có những hiểu biết và đánh giá sâu sắc về thực tiễn thị trường để phán định một hành vi có đi ngược lại những quy tắc xử sự chung trong kinh doanh tại một thời điểm nhất định hay không. Như đã phân tích ở phần trên, với nền kinh tế thị trường mới hình thành, các thông lệ, tập quán thương mại tại Việt Nam chưa đủ thời gian để tạo thành các chuẩn mực đạo đức kinh doanh được các tổ chức, cá nhân cùng nhận thức giống nhau và tự nguyên thực hiện như những quy tắc xử sự có tính chất bắt buộc. Tuy nhiên, người viết cho rằng vẫn có một số nguyên tắc được khẳng định cả trong pháp luật và thực tiễn có thể sử dụng để đánh giá tính lành mạnh của hành vi cạnh tranh, cũng là những nguyên tắc cơ bản của giao dịch dân sự, thương mại được quy định tại văn bản luật khác như Bộ luật Dân sự hay Luật Doanh nghiệp. Đó là các nguyên tắc như trung thực, thiện chí, tự nguyện, hợp tác, hợp tác, cẩn trọng và mẫn cán…. Và những nguyên tắc khác có thể được đề xuất trong tương lai phù hợp với yêu cầu thực tế của công cuộc phát triển kinh tế xã hội. Do đặt tiêu chí đánh giá tính lành mạnh của hành vi cạnh tranh dựa trên các thông lệ kinh doanh trung thực, thiện chí, pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh luôn có trọng tâm bảo vệ các doanh nghiệp trung thực, các chuẩn mực hành vi của doanh nghiệp được xem là trọng tâm ban đầu để xây dựng các quy định trong lĩnh vực này. Một hoạt động kinh doanh nhất định bị đa số trong cộng đồng doanh nghiệp phản đối thì hiếm khi được coi là là cạnh tranh lành mạnh. Mặt khác, một số thông lệ kinh doanh được công nhận trong một số ngành, lĩnh vực nhất định, song lại bị coi là sai trái ở những ngành, lĩnh vực khác. Trong những trưonừg hợp như vậy, việc đánh giá hành vi phải dựa trên các chuẩn mực chung hơn về đạo đức kinh doanh, trong đó xem xét khả năng quyền lợi của người tiêu dùng bị phương hại. Cũng có những trường hợp hành vi thoạt đầu không gây hại cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp khác, nhưng về lâu dài vẫn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, do đó cần phải có biện pháp ngăn chặn thích hợp.
  • 7. Do đó, để đánh giá một hành vi cạnh tranh không lành mạnh không thể không xem xét tác động của hành vi đó đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp khác. Một khía cạnh khác cần phân tích liên quan đến đặc điểm đi ngược lại thông lệ, chuẩn mực đạo đức kinh doanh của hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đó là yếu tố chủ quan của bên thực hiện hành vi. Một hành vi cạnh tranh không lành mạnh điển hình luôn gắn với lỗi cố ý của bên vi phạm, mặc dù biết hoặc buộc phải biết đến các thông lệ, chuẩn mực đặt ra đối với hoạt động kinh doanh của mình nhưng vẫn cố tình vi phạm. Tuy nhiên, trong thực tiễn xử lý, việc xem xét đánh giá yếu tố lỗi được trao cho toà án hoặc cơ quan xử lý vụ việc, và nhiều trường hợp mang tính chất suy đoán hơn là đòi hỏi các bằng chứng cụ thể về ý định cạnh tranh không lành mạnh của bên thực hiện hành vi. Và khi vấn đề bảo vệ người tiêu dùng được nhấn mạnh định hướng thực thi pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh thì việc xem xét yếu tố lỗi càng không mang tính quyết định. Về nguyên tắc, một hành vi của doanh nghiệp cho dù chỉ là vô ý, bất cẩn nhưng gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng vẫn phải bị ngăn chặn. 2.3 Một hành vi cạnh tranh bị kết luận là không lành mạnh và cần phải ngăn chặn khi nó gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại cho các đối tượng khác. Đặc điểm này mang nhiều ý nghĩa về tố tụng và đặc biệt được chú ý khi việc xử lý cạnh tranh không lành mạnh được tiến hành trong khuôn khổ kiện dân sự và gắn liền với yêu cầu bồi thường thiệt hại. Câu hỏi đặt ra là liệu việc chứng minh thiệt hại thực tế được coi là bắt buộc để bắt đầu tiến trình xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không? Tuỳ thuộc vào quy định của từng quốc gia cũng như quan điểm của cơ quan xử lý, có các cách thức nhìn nhận khác nhau về hậu quả của hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Trong nhiều trường hợp, cơ quan xử lý có thể chấp nhận việc “đe doạ gây thiệt hại”, cũng như các thiệt hại không tính toán được cụ thể về cơ hội kinh doanh là đủ để coi một hành vi cạnh tranh là không lành mạnh và đáng bị ngăn cấm. Về đối tượng chịu thiệt hại, dễ thấy hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể tác động đến nhiều đối tượng khác nhau tham gia thị trường khác nhau, trong
  • 8. đó hai nhóm cơ bản là các đối thủ cạnh tranh và người tiêu dùng. Điều 3 của Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh Đức cấm “các hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể gây ảnh hưởng đáng kể về cạnh tranh làm tổn hại đến các đối thủ cạnh tranh, người tiêu dùng và các chủ thể tham gia thị trường khác”. Luật Cạnh tranh Việt Nam có đưa thêm một đối tượng có thể bị xâm hại là Nhà nước, tuy nhiên đối tượng này không mang tính tiêu biểu, không phổ biến trong quy định về cạnh tranh không lành mạnh của nhiều quốc gia, do chỉ có thể đặt vấn đề bảo vệ lợi ích của Nhà nước trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh tại những nền kinh tế mà ở đó Nhà nước tham gia sâu vào hoạt động kinh doanh, và cạnh tranh trực tiếp với các thành phần kinh tế khác trên thị trường. Trong đa số trường hợp khác, lợi ích của Nhà nước đã được thể hiện thông qua lợi ích của các nhóm chủ thể tham gia thị trường là doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trước đây, một số quốc gia có cách tiếp cận cứng khi xác định một hành vi là cạnh tranh không lành mạnh ngay khi nó gây thiệt hại cho các doanh nghiệp cạnh tranh trong ngành mà không cần xem xét ảnh hưởng đến các đối tượng khác, đặc biệt là người tiêu dùng. Điển hình là Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh trước của Đức (ra đời năm 1909 và được thay thế bằng đạo luật mới năm 2004), trong đó cấm cả các chương trình khuyến mại giảm giá đặc biệt cho người tiêu dùng và kéo dài quá 12 ngày 3 . Hiện nay, cách nhìn nhận về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trở nên cân bằng hơn, cơ quan xử lý thường phải đánh giá cả thiệt hại của người tiêu dùng và các đối tượng khác để kết luận về vi phạm. Cần thấy rằng trong một phạm vi thị trường hữu hạn, doanh nghiệp thực hiện một hành vi cạnh tranh bất kỳ cũng đều có khả năng gây thiệt hại cho các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp đó, do vậy, nếu chỉ căn cứ vào thiệt hại của các đối thủ cạnh tranh để xác định một hành vi là không lành mạnh thì sẽ không đầy đủ. Trên thực tế, các hành vi cạnh tranh gây thiệt hại cho đối thủ cạnh tranh khác nhưng đem lại lợi ích thực tế cho người tiêu dùng sẽ không bị coi là cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ điển hình là trường hợp quảng cáo so sánh, trước đây bị coi là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh điển hình, tuy nhiên từ sự cân nhắc lợi ích nó đem lại cho người tiêu dùng (tiết kiệm thời gian tìm kiếm, lựa chọn sản
  • 9. phẩm), mà hành vi này đến nay đã được chấp nhận với những điều kiện ràng buộc về tính chính xác, đầy đủ của thông tin để tránh bị các doanh nghiệp lợi dụng công kích đối thủ cạnh tranh. Việt Nam hiện còn lại là một trong số rất ít các quốc gia trên thế giới cấm tuyệt đối các hình thức quảng cáo so sánh trực tiếp, mà không cần xét đến nội dung quảng cáo. 3. Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh 3.1 Nguồn của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh ra đời sớm hơn pháp luật về hạn chế cạnh tranh. Các quy định chống hành vi hạn chế cạnh tranh chỉ ra đời khi thị trường đã phát triển và đạt được mức độ tập trung hoá nhất định dẫn đến sự hình thành các doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp mang quyền lực thị trường cần phải bị kiểm soát. Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh gắn liền với sự ra đời của thương mại tự do tại Châu Âu thế kỷ 19, mà theo một số nhà nghiên cứu, khởi đầu từ Cách mạng Pháp 17914 . Hệ thống các phường hội thương mại đã duy trì và phát triển luật chơi trong ngành một cách mạnh mẽ, trong khi người ta nhận thấy rõ rằng không thể trông đợi các thương nhân đơn lẻ thực hiện cạnh tranh lành mạnh một cách tự giác. Xuất phát từ Điều 1382 Bộ luật Dân sự Pháp về trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự nói chung, một loạt các án lệ về cạnh tranh không lành mạnh (concurrence deloyal) đã xuất hiện đem lại sự bảo vệ cho thương nhân trước các hành vi gây nhầm lẫn, gièm pha, xâm phạm bí mật kinh doanh, cạnh tranh “ăn bám” ... Trong khi đó, nước Đức từ chối mô hình của Pháp và sau gần một thế kỷ đã ban hành một đạo luật riêng về cạnh tranh không lành mạnh (1909) trong đó đưa ra các quy định giới hạn nghiêm ngặt hoạt động kinh doanh của thương nhân, trong đó có những hành vi ngày nay được coi là rất thông thường trong thực tiễn thương mại, như là khuyến mại, giảm giá. Còn ở trung tâm công nghiệp và pháp lý thứ ba của Châu Âu thời kỳ đó là nước Anh, người ta không theo mô hình luật chung kết hợp với án lệ của Pháp, cũng không theo mô hình luật riêng về cạnh tranh không lành mạnh của Đức. Cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống Thông luật của Anh quốc chỉ gói gọn trong việc mô tả các hành vi gây nhầm lẫn về
  • 10. nhãn hiệu (passing off), gắn liền với pháp luật về sở hữu trí tuệ, và sau đó hệ thống pháp luật Hoa Kỳ cũng tiếp tục cách tiếp cận này trong việc điều chỉnh cạnh tranh không lành mạnh. Như vậy, có thể thấy mguồn của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh tương đối đa dạng, bao gồm cả án lệ, luật tục, luật thành văn, trong đó luật thành văn có thể la quy định chung của pháp luật về dân sự, thương mại, cũng có thể là một đạo luật riêng về cạnh tranh không lành mạnh, hay là rải rác các quy định nằm trong các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan. 3.2 Cơ chế điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh Mặc dù pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh xuất phát từ nhiều nguồn và thể hiện quan điểm lập pháp khác nhau ở mỗi quốc gia, cơ chế điều chỉnh của lĩnh vực pháp luật này vẫn có những đặc trưng cơ bản thống nhất, và cũng là những đặc trưng của cơ chế điều chỉnh pháp luật cạnh tranh nói chung, đó là tính tiếp cận từ mặt trái và tính không triệt để trong nội dung điều chỉnh đối với các hoạt động cạnh tranh 5 . - Tính chất tiếp cận từ mặt trái: Trong khi các văn bản pháp luật về kinh tế khác tập trung quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ - những việc được làm và phải làm - của chủ thể tham gia kinh doanh, thì pháp luật cạnh tranh chỉ khoanh vùng các hành vi bị ngăn cấm trong hoạt động cạnh tranh, chứ không hướng dẫn các đối tượng điều chỉnh cần làm những gì hoặc phải làm những gì. - Tính chất không triệt để trong nội dung điều chỉnh: các quy định của pháp luật cạnh tranh, đặc biệt là về cạnh tranh không lành mạnh, không bao giờ quy định đầy đủ và triệt để toàn bộ các hành vi phản cạnh tranh tồn tại trong nền kinh tế xã hội. Quy định của luật thường đặt ra điều khoản mở cho phép cơ quan công quyền có thể bổ sung các hành vi mới xuất hiện có ảnh hưởng xấu đến cạnh tranh và xét thấy cần điều chỉnh, ngăn chặn. Mặt khác, đối với các hành vi đã được quy định trong luật, bên cạnh một số hành vi bị cấm đoán tuyệt đối (per se rule), nhiều hành vi khác được xem xét theo nguyên tắc hợp lý (rule of reason), cho phép cơ quan xử lý chiếu theo hoàn cảnh thực tế của vụ việc để cân nhắc xem xét hành vi
  • 11. có xâm hại đến cạnh tranh và ảnh hưởng xấu cho xã hội hay không. Bên cạnh đó, các điều khoản miễn trừ dành cho các hành vi dạng này cũng là một đặc điểm nhận diện của pháp luật cạnh tranh tại mọi quốc gia. Những đặc trưng trong cơ chế điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh có nguyên nhân cả về lý luận và thực tiễn. Về mặt lý luận, cho đến nay cho dù đã có nhiều học thuyết tiếp cận nghiên cứu, nhưng các nhà làm luật không thể đưa ra kết luận cụ thể về nội hàm khái niệm cạnh tranh lành mạnh, vốn bao trùm lên nhiều lĩnh vực khác nhau. Về mặt thực tiễn, hoạt động cạnh tranh cũng chính là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thương nhân trên thương trường, hết sức đa dạng và phong phú. Do đó, không thể đưa vào luật một danh sách những hành vi được coi là cạnh tranh lành mạnh để hướng dẫn cho những doanh nghiệp, thương nhân tham gia thị trường. Quy định đóng khung các hành vi cạnh tranh “được phép” sẽ kìm hãm, ngăn cản sự sáng tạo trong kinh doanh, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế. Cách tiếp cận từ mặt trái của cạnh tranh phù hợp với nguyên tắc chung của tự do trong kinh doanh, theo đó cá nhân, tổ chức kinh doanh có thể tự do “làm những việc mà pháp luật không cấm”. Cũng chính vì hoạt động kinh doanh đa dạng, phong phú, có thể ở từng thời điểm, từng hoàn cảnh khác nhau mà một hành vi sẽ bị xác định là phản cạnh tranh khi đi ngược lại lợi ích của nhà nước và xã hội, nhưng ở một thời điểm, hoàn cảnh khác thì hành vi đó lại không xâm hại đến lợi ích công và không đáng bị ngăn cấm. Vì vậy, pháp luật cạnh tranh đặt ra những điều khoản mở và những quy định miễn trừ cho phép áp dụng pháp luật một cách linh hoạt. Cần thấy rằng, các lĩnh vực pháp luật khác cũng có sự mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi các hành vi, quan hệ xã hội được điều chỉnh, ngay cả lĩnh vực có chế tài nghiêm khắc nhất là hình sự cũng có quá trình tội phạm hoá và phi tội phạm hoá các hành vi bị coi là nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, do tính linh hoạt trong hoạt động cạnh tranh, trong quan hệ kinh doanh mạnh hơn trong các quan hệ xã hội khác rất nhiều, cơ chế điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh cũng trở nên tuỳ nghi và khả biến hơn rất nhiều so với cơ chế điều chỉnh của những ngành luật khác. Chính vì vậy, do dù nằm trong hệ thống Thông luật hay Dân luật, hầu hết các quốc gia có xây dựng pháp luật cạnh tranh
  • 12. đều cho phép cơ quan cạnh tranh có một thẩm quyền rộng rãi trong việc vận dụng và áp dụng pháp luật, cũng như thừa nhận sự tồn tại của hệ thống án lệ trong quá trình xử lý các vụ việc cạnh tranh. 3.3 Các nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị điều chỉnh Do tính chất không rõ ràng trong khái niệm cũng như phạm vi điều chỉnh đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các nhà làm luật sử dụng cách tiếp cận từ mặt trái trong việc xây dựng quy định điều chỉnh trong lĩnh vực pháp luật này và luôn cố gắng xây dựng một danh sách các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm. Nhìn chung, thông qua thực tiễn thương mại, người ta xác định được một số hành vi luôn luôn bị coi là tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Điều 10 bis Công ước Paris đã đưa ra một danh sách không đầy đủ bao gồm ba hình thức cạnh tranh không lành mạnh đặc biệt bị cấm như sau: - Mọi hành vi nhằm gây ra sự nhầm lẫn, bằng bất kỳ phương tiện nào, với cơ sở, hàng hoá hay hoạt động kinh doanh, thương mại của đối thủ cạnh tranh. - Những tuyên bố sai trái trong công việc kinh doanh nhằm làm mất uy tín của cơ sở, hàng hoá hay hoạt động kinh doanh, thương mại của đối thủ cạnh tranh. - Những chỉ dẫn hoặc tuyên bố sử dụng trong quá trình kinh doanh nhằm lừa dối công chúng về bản chất, quy trình sản xuất, đặc điểm, sự phù hợp về mục đích, hoặc số lượng của hàng hoá. Nội dung Điều 10 bis cho thấy đây là một danh sách chưa đầy đủ, có thể coi chỉ là những ví dụ điển hình về cạnh tranh không lành mạnh, và khuyến nghị các quốc gia thành viên bổ sung các biện pháp bảo hộ hiệu quả chống cạnh tranh không lành mạnh. Trên thực tế, đã có nhiều hành không được Điều 10 bis nhắc tới nhưng được pháp luật hoặc toà án các nước công nhận là cạnh tranh không lành mạnh, chẳng hạn như các quy định về gây rối và cản trở kinh doanh, xâm phạm bí mật kinh doanh hoặc lợi dụng thành quả đầu tư của doanh nghiệp, thương nhân khác. Xét một cách khái quát, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh được mô tả trên đây có cùng một bản chất là việc tạo ra những lợi thế không chính đáng trong
  • 13. tương quan cạnh tranh trên thị trường, và có thể được chia thành ba nhóm: (1) Các hành vi mang tính chất lợi dụng; (2) Các hành vi mang tính chất công kích; và (3) Các hành vi lừa dối, lôi kéo khách hàng - Các hành vi mang tính chất lợi dụng: Đây là nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh điển hình, được biết đến dưới nhiều dạng thức khác nhau như gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ (misleading), lợi dụng thành quả đầu tư của người khác (free reading), xâm phạm bí mật kinh doanh… Bản chất của hành vi này là việc chiếm đoạt hay sử dụng trái phép lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác. Đây cũng là dạng hành vi gần với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sự khác biệt chỉ nằm ở đối tượng bị xâm phạm. Trong trường hợp hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp thể hiện ở số đối tượng nhất định được coi là tài sản trí tuệ sau khi chủ sở hữu xác lập quyền thông qua việc đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ. Còn trong trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, phạm vi lợi thế cạnh tranh bị xâm phạm có thể rộng hơn rất nhiều, bao gồm tất cả các giá trị, thành quả mà doanh nghiệp cạnh tranh đạt được một cách hợp pháp thông qua quá trình kinh doanh, bao gồm cả những yếu tố công khai như uy tín tên tuổi, chỉ dẫn thương mại hay không công khai như bí quyết kinh doanh. Do dạng hành vi này xâm phạm trước hết đến lợi thế cạnh tranh, cũng được coi là một dạng tài sản của các doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp này thường tích cực đưa vụ việc đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu sự bảo vệ của pháp luật. Do đó, có nhiều vụ việc liên quan đến dạng hành vi lợi dụng được xử lý và dạng hành vi này được coi là phổ biến, điểm hình của cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý vụ việc, ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng được tính đến khi việc lợi dụng uy tín, thành quả đầu tư của người khác gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ, uy tín hay khả năng kinh doanh của bên vi phạm. Mặt khác, không phải mọi dạng thành quả đầu tư, lợi thế cạnh tranh đều được bảo vệ, có những đối tượng có được từ kết quả phát triển kinh tế xã hội, khoa
  • 14. học kỹ thuật chung của ngành, khi đó các doanh nghiệp có quyền tiếp cận và sử dụng tự do để thúc đẩy hiệu quả kinh doanh. Việc ngăn chặn và bảo hộ thái quá có thể gây ảnh hưởng tiêu cực cho sự phát triển chung của ngành. Căn cứ vào thực tế từng vụ việc, cơ quan xử lý sẽ đánh giá tính chính đáng trong yêu cầu của doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh. - Các hành vi mang tính chất công kích: Đây là nhóm hành vi có chung bản chất là tấn công vào đối thủ cạnh tranh, triệt tiêu hoặc làm suy giảm các lợi thế cạnh tranh của đối thủ cạnh tranh. Các hành vi cụ thể rất đa dạng, phụ thuộc vào cách thức, mục tiêu công kích, có thể là những thông tin sai trái làm mất uy tín đối thủ cạnh tranh, hoặc các hành vi trực tiếp gây cản trở hoạt động kinh doanh của đối thủ, hoặc lôi kéo, mua chuộc nhân viên hoặc đối tác của đối thủ cạnh tranh. Một số quốc gia còn xếp những hành vi hạn chế cạnh tranh thuộc dạng nhẹ, như ấn định giá bán lại, phân biệt đối xử, lạm dụng ưu thế trong giao dịch (bargaining power) thuộc phạm vi cạnh tranh không lành mạnh do xem xét yếu tố cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác. Mặc dù dạng hành vi công kích nói trên cũng tác động thẳng đến các đối thủ cạnh tranh của bên vi phạm, nhưng do tính chất trực diện của hành vi, các bên liên quan thường có khuynh hướng sử dụng các quy định trực tiếp về gây thiệt hại và bồi thường thường thiệt hại của pháp luật dân sự, hoặc thậm chí cả hình sự, để giải quyết tranh chấp một cách triệt để, thay vì áp dụng các quy định riêng của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, tính điển hình của nhóm hành vi này không cao bằng nhóm hành vi thứ nhất. - Các hành vi lôi kéo bất chính khách hàng: Việc đặt các hành vi thuộc nhóm này, đặc biệt là các hành vi kinh doanh bất chính đã trở nên phổ biến trên thị trường như quảng cáo lừa dối, khuyến mại nhử mồi, chào hàng quấy rối hay ép buộc… vào phạm vi điều chỉnh của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Bản chất của hành vi này là tạo ra một lợi thế cạnh tranh gian dối để lôi kéo khách hàng, người tiêu dùng. Đối tượng chịu tác động trực tiếp của các hành vi này là khách hàng/người tiêu dùng, còn các doanh
  • 15. nghiệp cạnh tranh chỉ chịu ảnh hưởng gián tiếp từ hành vi vi phạm thông qua việc mất khách hàng. Trong nhiều trường hợp, việc lôi kéo khách hàng tham gia giao dịch bằng các biện pháp bất chính động chạm đến nguyên tắc căn bản của giao dịch dân sự là tự do ý chí. Do đó, ở một số quốc gia, nhóm hành vi này có thể không nằm trong khuôn khổ pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh, mà chịu sự điều chỉnh của các quy định chung trong pháp luật về dân sự, thương mại, của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, và trong nhiều các quy định điều chỉnh ngành, lĩnh vực kinh tế cụ thể. Lấy ví dụ tại Việt Nam, quy định về hành vi quảng cáo, thông tin gian dối không chỉ có trong Luật Cạnh tranh mà còn cả ở nhiều văn bản khác như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Dược, Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng… Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng tác động của dạng hành vi nói trên không giới hạn tại một số khách hàng bị lôi kéo và các đối thủ cạnh tranh bị mất khách hàng. Quan trọng hơn, dạng hành vi này còn khiến thị trường trở nên không minh bạch, làm sai lệch giao dịch giữa các chủ thể tham gia thị trường, và qua đó ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh chung. Do đó, các quy định điều chỉnh dạng hành vi này vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong pháp luật cạnh tranh nói chung cũng như chế định về cạnh tranh không lành mạnh nói riêng của nhiều quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển. Cuối cùng, việc phân nhóm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như trên mang tính khái quát phục vụ công tác nghiên cứu. Trên thực tế, giữa các nhóm hành vi nói trên có sự giao thoa và một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể xếp vào hơn một nhóm nếu xem xét mục đích vi phạm cũng như đối tượng tác động của chúng. Chẳng hạn như hành vi quảng cáo so sánh vừa có mục đích công kích đối thủ cạnh tranh, vừa mang tính chất lôi kéo bất chính khách hàng, đặc biệt nếu sự so sánh dựa trên thông tin sai lệch. Hay hành vi sử dụng trái phép các dấu hiệu, chỉ dẫn thương mại của đối thủ cạnh tranh trước tiên mang tính chất lợi dụng uy tín nhưng về lâu dài dẫn đến hậu quả là làm giảm tính chất độc đáo, khả năng phân biệt của chỉ dẫn thương mại (dillusion), làm triệt tiêu lợi thế cạnh tranh của đối thủ. Hành vi lôi kéo nhân viên của doanh nghiệp khác trong nhiều trường hợp
  • 16. cũng phát sinh khả năng xâm phạm bí mật kinh doanh… Nhìn chung, việc đánh giá hành vi cạnh tranh không lành mạnh phụ thuộc nhiều vào thực tiễn xử lý, dựa trên quan điểm của cơ quan cạnh tranh, mức độ ảnh hưởng của hành vi cũng như sự cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp và của người tiêu dùng, giữa yêu cầu bảo hộ các quyền chính đáng của doanh nghiệp và khuyến khích cạnh tranh tự do, phát triển kinh tế xã hội. 3.4 Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trong mối quan hệ với các lĩnh vực pháp luật khác Do phạm vi điều chỉnh rộng và các tiêu chí đánh giá mở đối với cạnh tranh không lành mạnh, các quy định về cạnh tranh không lành mạnh trong nhiều trường hợp được sử dụng với tính chất “quét”, bổ trợ cho các lĩnh vực khác trong hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động của nền kinh tế thị trường. Do đó, pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh có quan hệ chặt chẽ với nhiều lĩnh vực pháp luật khác, và các quan hệ này làm tăng thêm tính chất chồng lấn trong các quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Xuất phát từ đặc điểm này, đã hình thành cái gọi là Nguyên tắc ưu tiên (Pre-emption principle) trong thực tiễn áp dụng pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh của nhiều quốc gia, đặc biệt là tại Châu Âu. Theo nguyên tắc tại, pháp luật cạnh tranh không lành mạnh chỉ được áp dụng trong trường hợp hành vi vi phạm chưa chịu sự điều chỉnh theo quy định của các văn bản pháp luật khác 6 . Mức độ áp dụng nguyên tắc này tại mỗi quốc gia khác nhau, phụ thuộc vào cách tiếp cận của mỗi hệ thống pháp luật trong việc điều chỉnh cạnh tranh không lành mạnh. - Quan hệ với pháp luật dân sự: Pháp luật về dân sự là luật chung điều chỉnh về các quan hệ giao dịch cũng như giải quyết các tranh chấp trên thị trường. Như đã phân tích ở trên, một trong những nguồn của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh là chế định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (tort), theo đó các doanh nghiệp bị thiệt hại từ hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể sử dụng các quy định của tố tụng dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Mặt khác các nguyên tắc chung của pháp luật dân sự về tự do, tự nguyện, trung thực trong giao dịch… cũng
  • 17. được sử dụng để làm tiêu chí đánh giá tính chất không lành mạnh của một hành vi vi phạm. Pháp luật dân sự là luật gốc để phát triển các quy định về cạnh tranh không lành mạnh, cho dù các quy định này trong khuôn khổ một đạo luật riêng, hay nằm trong các bộ phận khác nhau của pháp luật dân sự như pháp luật thương mại, pháp luật về sở hữu trí tuệ hay pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, một số nước vẫn sử dụng các quy định của pháp luật dân sự để điều chỉnh trực tiếp về cạnh tranh không lành mạnh và toà án đóng vai trò xử lý các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh dần tách khỏi khuôn khổ của pháp luật dân sự và mang nhiều yếu tố hành chính. Cạnh tranh không lành mạnh không còn là vấn đề của luật tư liên quan đến tranh chấp giữa hai chủ thể kinh doanh trên thị trường và trong nhiều trường hợp, nhân danh lợi ích công, nhà nước cần phải can thiệp để duy trì trật tự trong kinh doanh, qua đó tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh. Trật tự trong kinh doanh đem lại lợi ích cả cho nhà nước lẫn các chủ thể tham gia hoạt động thị trường. Vì vậy, các biện pháp quản lý và chế tài hành chính dần xuất hiện trong cơ chế điều chỉnh của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh và cơ quan cạnh tranh được trao thẩm quyền nhiều hơn trong việc xử lý các hành vi cạnh tranh. - Quan hệ với pháp luật về sở hữu trí tuệ: mối quan hệ giữa pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh và pháp luật về sở hữu trí tuệ có từ rất lâu. Như đã giới thiệu, các quy định mang tính quốc tế đầu tiên về cạnh tranh không lành mạnh xuất phát từ một công ước về sở hữu trí tuệ (Công ước Paris về Bảo hộ sở hữu công nghiệp), và cho tới nay nhiều nhà nghiên cứu về pháp luật sở hữu trí tuệ vẫn khẳng định quyền chống cạnh tranh không lành mạnh là một trong những quyền cơ bản của chủ sở hữu tài sản trí tuệ. Bảo vệ quyền sở hũu trí tuệ chính là một trong những xuất phát điểm cơ bản của các quy định cạnh tranh không lành mạnh, vì về bản chất, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đều được tiến hành với động cơ cạnh tranh không lành mạnh. Một hành vi chỉ bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi chủ thể thực hiện nó có ý định hoặc đã đưa tài sản trí tuệ của người khác
  • 18. vào khai thác thương mại, đồng nghĩa với việc trở thành một đối thủ cạnh tranh của chính chủ sở hữu tài sản trí tuệ đó. Hiện nay, sự phân biệt giữa pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh và pháp luật về sở hữu trí tuệ tập trung ở đối tượng được bảo vệ. Pháp luật về sở hữu trí tuệ hướng tới việc bảo hộ các đối tượng tài sản trí tuệ mà quyền sở hữu được xác lập một cách rõ ràng, đầy đủ thông qua các thủ tục đăng ký, cấp văn bằng bảo hộ hoặc các tiến trình pháp lý khác do nhà nước quy định. Sự bảo vệ pháp luật dành cho các đối tượng này do đó cũng là đầy đủ và vững chắc nhất. Trong khi đó, pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh bảo vệ các lợi thế cạnh tranh không được bảo hộ thông qua văn bằng, chẳng hạn như nhãn hiệu chưa đăng ký hoặc bí mật kinh doanh. Do việc xác lập quyền đối với các đối tượng này không trải qua thủ tục chặt chẽ như đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, nên sự bảo hộ mà pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh dành cho chủ sở hữu không thể mạnh mẽ bằng các biện pháp bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, bên khiếu nại thường phải chứng minh quyền hợp pháp đối với đối tượng bị vi phạm, bao gồm việc tạo lập, duy trì, sử dụng phổ biến, lâu dài và không có tranh chấp... Hay xét trên một khía cạnh khác, nếu như pháp luật về sở hữu trí tuệ bảo vệ vị thế chung của chủ sở hữu tài sản trí tuệ, thì pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh bảo vệ chủ sở hữu chống lại một số dạng hành vi nhất định xâm phạm đến tài sản trí tuệ. Do đó, sự bảo hộ của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh không mang tính liên tục, mà chỉ phát sinh khi xuất hiện tranh chấp. Vì vậy, pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trong nhiều trường hợp được coi là là công cụ bổ trợ cho việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ. - Quan hệ với pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng: Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh ngày càng có xu hướng tiếp cận gần hơn với pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng khi đặt trọng tâm bảo vệ người tiêu dùng bên cạnh trọng tâm bảo vệ các đối thủ cạnh tranh và môi trường cạnh tranh nói chung. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh thuộc nhóm thứ 3 trên đây, đặc biệt là các dạng hành vi mang tính chất lừa dối, cưỡng ép… có mặt trong nhiều đạo luật về bảo vệ người tiêu dùng. Đặc biệt, Cộng đồng Châu Âu đã có một văn bản riêng quy định về các
  • 19. hành vi thương mại không lành mạnh (unfair trade practice) là Chỉ thị số 2005/29/EC ngày 11/5/2005 trên cơ sở sửa đổi, bổ sung các Chỉ thị số 84/450/EEC, 97/7/EC, 98/27/EC và 2002/65/EC quy định riêng về quảng cáo gây nhầm lẫn. Trước đây, có một số quan điểm cho rằng sự phân biệt giữa pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh và pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng nằm đối tượng được bảo vệ, pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh chỉ bảo vệ các doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường cũng như môi trường cạnh tranh chung, trong khi vai trò bảo vệ người tiêu dùng đương nhiên thuộc về pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các quan hệ về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng ngày càng gắn bó và không thể tách rời. Nếu như cạnh tranh trên thị trường được định nghĩa một cách đơn giản là việc giành giật khách hàng trong kinh doanh, thì giữa ba bên doanh nghiệp – khách hàng/người tiêu dùng – các đối thủ cạnh tranh có quan hệ gắn bó khó có thể tách rời. Việc lôi kéo, thu hút khách hàng bằng các thủ đoạn bất chính chắc chắn sẽ làm thiệt hại cho các doanh nghiệp cạnh tranh kinh doanh trung thực, lành mạnh, mặt khác, những thủ đoạn lợi dụng hoặc làm mất uy tín của đối thủ cạnh tranh cũng ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng, khiến họ nhầm lẫn và trả tiền cho các hàng hoá, dịch vụ không đúng như mong muốn của mình. Môi trường cạnh tranh lành mạnh chính là môi trường ở đó quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo ở mức cao nhất. Một yếu tố khác có thể sử dụng để phân biệt phạm vi áp dụng của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh là thời điểm tác động. Pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt thể hiện tại các quy định về giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại, có khuynh hướng quan tâm tới việc bảo vệ người tiêu dùng trong và sau khi xảy ra giao dịch, trong đó xác định được cụ thể một hay một nhóm người tiêu dùng chịu tác động từ hành vi vi phạm. Trong khi đó, pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh bảo vệ hướng tới việc bảo vệ đối tượng người tiêu dùng nói chung, hay có thể gọi một cách khác là một số đông những người tiêu dùng tiềm năng, trước khi họ tham gia giao dịch. Thông qua việc ngăn chặn những hành vi lừa dối, gây nhầm lẫn, lôi kéo bất chính… pháp luật về cạnh tranh không lành
  • 20. mạnh góp phần loại bỏ khả năng phát sinh các vi phạm gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Mặt khác, trong trường hợp xác định một hoặc một số người tiêu dùng cụ thể do chịu tác động của hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã tham gia giao dịch và chịu thiệt hại, vụ việc nên được điều chỉnh theo các quy định về bảo vệ người tiêu dùng, và hành vi lừa dối hay gây nhầm lẫn của thương nhân sẽ được coi là căn cứ để xác định sự vô hiệu của giao dịch. - Quan hệ với pháp luật về hạn chế cạnh tranh: Cuối cùng, pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh cũng có sự gắn bó với bộ phận thức hai của pháp luật cạnh tranh nói chung, đó là pháp luật về hạn chế cạnh tranh. Có thể hình dung nếu như hành vi hạn chế cạnh tranh là những hành vi đẩy lùi cạnh tranh, làm cạnh tranh vận hành dưới mức bình thường, dẫn đến triệt tiêu cạnh tranh, thì cạnh tranh không lành mạnh là những hành vi đẩy cạnh tranh lên quá mức, khiến nó vận hành quá nóng, vượt khỏi các giới hạn có thể chấp nhận được của thị trường và xã hội. Dù có sự phân chia thành hai lĩnh vực, song cả pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh và pháp luật chống hạn chế cạnh tranh đều hướng tói mục đích bảo vệ cơ chế cạnh tranh, bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh và thông qua đó bảo vệ lợi ích của toàn thể người tiêu dùng xã hội. Pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh ra đời trước, từ khi cơ chế thị trường mới hình thành với các hoạt động cạnh tranh sơ khai đã có những hành vi vượt ra ngoài khuôn khổ, cần phải điều chỉnh. Pháp luật chống hạn chế cạnh tranh ra đời sau, khi thị trường đã phát triển và tập trung hoá đến một mức độ nhất định để có thể phát sinh những trung tâm quyền lực thị trường. Tuy nhiên, điều chỉnh hạn chế cạnh tranh lại được xem là nền tảng của pháp luật cạnh tranh, vì đó là bảo vệ toàn bộ cơ chế cạnh tranh. Nếu cạnh tranh bị thủ tiêu, toàn bộ các hoạt động cạnh tranh trên thị trường, dù là lành mạnh hay không lành mạnh, sẽ không còn nữa. Do đó, thái độ của Nhà nước đối với các hành vi hạn chế cạnh tranh thường quyết liệt và nghiêm khắc hơn rất nhiều. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại chống cạnh tranh không lành mạnh cũng chính là chống các động thái có thể đưa đến tình trạng hạn chế cạnh tranh, và các hành vi
  • 21. hạn chế cạnh tranh có thể nhìn nhận một cách khái quát cũng mang bản chất không lành mạnh. Như đã trình bày ở phần trên, pháp luật một số quốc gia quy định các hành vi hạn chế cạnh tranh dạng “nhẹ” vào khuôn khổ điều chỉnh của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh. Hai bộ phận pháp luật trên đây bổ sung cho nhau, tạo thành khuôn khổ pháp luật chung điều chỉnh cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Thiếu một trong hai bộ phận, cơ cấu thị trường cũng như tương quan lợi ích của các chủ thể hoạt động trên đó sẽ không thể được bảo vệ một cách đầy đủ và toàn diện. 4. Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh của một số quốc gia trên thế giới 4.1Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh tại Châu Âu Châu Âu là nơi khởi đầu của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh, và cũng là nơi phát sinh các cách tiếp cận khác biệt trong quá trình xây dựng pháp luật về cạnh tranh không. Như đã trình bày tại phần trên, ba trung tâm kinh tế lớn của Châu Âu là Pháp, Đức và Anh có những cách điều chỉnh cạnh tranh không lành mạnh riêng, trong đó đáng ngạc nhiên là hệ thống của Pháp lại có nhiều điểm gần với Anh hơn là Đức. - Pháp và Anh đều điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên cơ sở các nguyên tắc chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (tort law) và cụ thể hoá thông qua các án lệ. Một số nước khác cũng xây dựng pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh theo hướng này là Hà Lan và Italia. Tại các quốc gia này, toà án có vai trò rất lớn trong việc đánh giá hành vi cạnh tranh không lành mạnh và quyết định biện pháp xử lý, với chế tài chủ yếu là bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt giữa hai hệ thống Dân luật và Thông luật trong cách thức áp dụng pháp luật đối với lĩnh vực này. Trong hệ thống của Pháp, phạm vi áp dụng tort law đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh tương đối rộng, Toà án có thẩm quyền xem xét và phán quyết nhiều hành vi cạnh tranh khác nhau, từ đó hình thành các án lệ đa dạng về các hành vi gây cản trở hoạt động cạnh tranh (concurrence déloyal) và các hành vi lợi dụng thành quả của đối thủ cạnh
  • 22. tranh (concurrence parasitaire). Trong các vụ việc tại toà án, bên nguyên đơn cần chứng minh sự tồn tại của hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thiệt hại xảy ra và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại; và bên bị đơn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà không cần xét đến yếu tố lỗi (cố ý) đối với hành vi vi phạm. Hà Lan cũng áp dụng mô hình này, tuy nhiên với nguyên tắc “doanh nghiệp được thực hiện mọi hoạt động cạnh tranh không bị cấm bởi quy định pháp luật” kết hợp với nguyên tắc ưu tiên, việc sử dụng các điều khoản chung của pháp luật dân sự để xử lý vụ việc cạnh tranh bị hạn chế hơn. Trong khi đó, hệ thống Thông luật của Anh chỉ thừa nhận việc áp dụng tort law về cạnh tranh không lành mạnh đối với một số dạng hành vi cụ thể như gây nhầm lẫn, mạo nhận về nhãn hiệu (passing off) và xâm phạm bí mật kinh doanh. Do đó, để được toà án giải quyết, các vụ việc về cạnh tranh không lành mạnh phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định, và các thẩm phán có thể từ chối thụ lý nếu vụ việc liên quan đến các hành vi thị trường nằm ngoài phạm vi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nêu trên.. - Bên cạnh đó, một số nước đã lựa chọn cách tiếp cận sử dụng luật chuyên ngành (lex specialis) để điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Một số nước như Đức, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Tây Ban Nha, Thuỵ Sỹ, Luxemburg đã có một đạo luật riêng về cạnh tranh không lành mạnh, một số nước khác như Hungary, Bulgary hay Rumani xây dựng các quy định về cạnh tranh không lành mạnh trong một đạo luật về thương mại hay cạnh tranh. Các quốc gia này đã luật hoá một số dạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh điển hình, dựa trên cơ sở các khuyến nghị tại Điều 10bis Công ước Paris về Bảo hộ Sở hữu công nghiệp, và lấy đó làm cơ sở cho việc thực thi pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh. Tuỳ thuộc vào quan điểm điều tiết nền kinh tế thị trường của từng quốc gia tại từng thời kỳ nhất định, danh sách các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm có thể nhiều hay ít. Cách tiếp cận này một mặt khiến cho các quy định về cạnh tranh không lành mạnh rõ ràng và dễ áp dụng, nhưng mặt khác khiến cho quá trình thực thi trở nên cứng nhắc và gây khó khăn cho cơ quan thực thi trong việc điều chỉnh các hành vi cạnh tranh mới xuất hiện, hay có sự thay đổi về điều kiện kinh tế xã
  • 23. hội. Ví dụ, nhiều nước tại Châu Âu trong một thời gian dài đã coi việc một doanh nghiệp tìm kiếm và thu hút các khách hàng đã có quan hệ hợp đồng ổn định với doanh nghiệp cạnh tranh khác là một dạng thức cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên rõ ràng trong điều kiện nền kinh tế thị trường tự do, quy định như vậy là không hợp lý, một mặt không đảm bảo quyền tự do lựa chọn cho khách hàng, mặt khác không tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp có động lực phát triển. Việc sửa đổi, bổ sung danh sách các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được luật hoá đòi hỏi phải có những nỗ lực lập pháp với thủ tục không dễ dàng, nhiều khi không đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng và linh hoạt của cơ chế thị trường. - Trong nhiều năm gần đây, đã có những nố lực để thống nhất các quy định về cạnh tranh không lành mạnh giữa các nước thành viên EU trong khuôn khổ chương trình hài hoà hoá pháp luật chung (legal harmonisation) của Cộng đồng Châu Âu. Dựa trên Công ước Paris về Bảo hộ Sở hữu Công nghiệp, các quốc gia Châu Âu đã phát triển các quy định chung theo nhiều hình thức, cấp độ, từ các nguyên tắc cơ bản về cạnh tranh tại Hiệp ước Rome 1957 đến những thoả thuận nhóm như Luật Nhãn hiệu chung của khối Benelux 1971 và những hướng dẫn chung từ EC đến các nước thành viên như Chỉ thị số 2005/29/EC. Mặc dù vậy, tính đến sự khác biệt còn tồn tại giữa hệ thống pháp luật của các quốc gia thành viên, EU vẫn phải bổ sung một số nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật, trong đó đặc biệt quan trọng là nguyên tắc nước xuất xứ tại Điều 28 của Hiệp ước Châu Âu, theo đó pháp luật của quốc gia nhập khẩu được ưu tiên áp dụng để đánh giá tính hợp pháp trong việc kinh doanh một loại hàng hoá nhất định. EC cũng đã ban hành Quy định số 2006/2004 ngày 27/10/2004 về việc hợp tác giữa các cơ quan chịu trách nhiệm thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của các quốc gia thành viên. 4.2 Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh tại Hoa Kỳ Mặc dù đã phát triển hệ thống các quy định về hạn chế cạnh tranh từ rất lâu (Luật Sherman – 1890), các quy định về cạnh tranh không lành mạnh của Hoa Kỳ lại tương đối phân tán. Các nhà lập pháp của Hoa Kỳ kết hợp cả hai cách tiếp cận
  • 24. của Châu Âu trong việc điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng các các quy định chung về bồi thường thiệt hại dân sự cũng như một số quy định chuyên ngành, và thậm chí có sự khác biệt giữa pháp luật liên bang và pháp luật các tiểu bang. Các quy định cạnh tranh quan trọng nhất có thể kể đến là Luật về Uỷ ban Thương mại liên bang (1914) và Luật Nhãn hiệu liên bang, hay còn gọi là Luật Lanham (1946). Luật về Uỷ ban Thương mại liên bang đặt cơ sở cho việc thành lập Uỷ ban Thương mại liên bang Hoa Kỳ (US FTC), một trong hai cơ quan chịu trách nhiệm thực thi pháp luật cạnh tranh ở Mỹ. Khác với cơ quan cạnh tranh còn lại là Cục Chống độc quyền thuộc Bộ Tư pháp chuyên trách về hạn chế cạnh tranh theo Luật Chống độc quyền, chức năng của Uỷ ban Thương mại Liên bang rộng hơn, bên cạnh chức năng điều tra và giám sát các vụ việc chống độc quyền, còn bao gồm việc xử lý “các cách thức cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến thương mại, và các hành vi không lành mạnh hoặc gian dối ảnh hưởng đến thương mại”(Điều 5 Luật về Uỷ ban Thương mại liên bang Hoa Kỳ). Khái niệm “cách thức cạnh tranh không lành mạnh”(unfair methods of competition) đã gây nhiều tranh luận giữa các nhà lập pháp ở cả hai Viện của Quốc hội Hoa Kỳ, và sau đó được thay thể bằng khái niệm “cạnh tranh không lành mạnh” (với phạm vi bao gồm cả các hành vi hạn chế cạnh tranh). Uỷ ban Thương mại liên bang Hoa Kỳ (USFTC) đã có những giải thích rõ hơn về phạm vi các hành vi “không lành mạnh” và “gian dối” trong các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền của mình. Trong bản Tuyên bố chính sách về hành vi không lành mạnh, cơ quan này nêu rõ: “Luật thành văn chỉ định khung cho các điều khoản chung do Quốc hội nhận thấy rằng không thể soạn ra một danh sách các hành vi không lành mạnh mà không bị lạc hậu một cách nhanh chóng hoặc tạo ra những kẽ hở cho vi phạm. Nhiệm vụ xác định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh thuộc về Uỷ ban, với hy vọng các tiêu chí đánh giá sẽ được xem xét và phát triển theo thời gian”7 . Căn cứ trên các án lệ tại toà án, đến năm 1964 Uỷ ban đã hình thành 3 tiêu chí để đánh giá hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đó là: (i) gây thiệt hại cho người tiêu dùng, (ii) vi phạm các chính sách xã hội hiện hành; và (iii) vô đạo đức
  • 25. và không cẩn trọng. Cũng trên cách tiếp cận này, trong Tuyên bố chính sách về hành vi gian dối, Uỷ ban xác định 3 yếu tố cần xem xét trong một vụ việc gian dối, đó là: - Phải có một diễn giải, một thiếu sót hoặc một hành động có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. - Người tiêu dùng ứng có nhận thức và ứng xử hợp lý trong hoàn cảnh tiếp nhận quảng cáo. - Cuối cùng, diễn giải, thiếu sót hoặc hành động phải có tác động về mặt vật chất, có nghĩa là có thể dẫn người tiêu dùng đến quyết định hoặc hành động mua hàng. Khi có tác động vật chất, mới dẫn đến khả năng gây thiệt hại cho người tiêu dùng, do người tiêu dùng có thể đã có lựa chọn khác nếu không có gian dối 8 . Khi có vi phạm xảy ra, Luật về Uỷ ban Thương mại liên bang cho phép cơ quan này nhân danh lợi ích công tổ chức phiên điều trần với sự có mặt của bên vi phạm để làm rõ hành vi, và dựa trên kết quả phiên điều trần ra quyết định buộc đình chỉ và chấm dứt đối với hành vi bị xem là không lành mạnh. Trong trường hợp quyết định có hiệu lực (không có kháng cáo hoặc kháng cáo không được Toà Phúc thẩm hoặc Toà Tối cao chấp thuận), nếu bên bị đơn tiếp tục vi phạm, Uỷ ban có thể đưa vụ việc ra Toà án và yêu cầu phạt dân sự mỗi hành vi vi phạm tới 10.000 USD, trong trường hợp vi phạm kéo dài thì mỗi ngày vi phạm bị tính là một hành vi riêng rẽ (Điều 5 khoản (l)). Riêng đối với quảng cáo gian dối, Uỷ ban có thể khởi kiện trực tiếp ra toà án địa phương có thẩm quyền, yêu cầu bồi thường thiệt hại và cải chính công khai. Trong trường hợp quảng cáo gian dối gây ra thiệt hại về sức khoẻ, bên vi phạm sẽ bị phạt tiền tới 5.000 USD hoặc phạt tù tới 6 tháng hoặc chịu cả hai hình phạt, vi phạm tới lần thứ hai mức phạt là 10.000 USD và phạt tù tới 1 năm. Nếu Luật về Uỷ ban Thương mại liên bang trao thẩm quyền cho US FTC chủ động thực hiện các biện pháp pháp lý chống quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh với tư cách đại diện cho lợi ích công và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì Luật Lanham mở ra một kênh khác cho phép các đối thủ cạnh tranh trực
  • 26. tiếp khiếu nại, và thủ tục này cũng được US FTC ủng hộ với quan điểm cho rằng thiệt hại của người tiêu dùng cũng đồng nghĩa với thiệt hại của đối thủ cạnh tranh. Mặc dù nội dung chủ yếu của đạo luật này quy định về nhãn hiệu hàng hoá, Điều 43(a) quy định: “Bất kỳ ai liên quan đến việc kinh doanh hàng hoá, dịch vụ sử dụng từ ngữ, khái niệm, tên, biểu tượng, hình vẽ hoặc sự kết hợp của chúng, hay nguồn gốc xuất xứ giả mạo, mô tả gian dối hoặc gây nhầm lẫn: - có thể gây bối rối, sai sót hoặc đánh lừa về sự liên hệ, liên kết hoặc hợp tác giữa người này với một người khác, hoặc về nguồn gốc, khả năng tài trợ hoặc sự chấp nhận hàng hoá, dịch vụ hoặc hoạt động thương mại của người này từ người khác đó; hoặc - trong quảng cáo hay khuyến mại thương mại mà diễn giải sai lệch bản chất, đặc điểm, số lượng, nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ hay hành động thương mại của người này hay người khác đó; sẽ chịu trách nhiệm từ khởi kiện dân sự của bất kỳ ai cho rằng lợi ích của họ bị thiệt hại hoặc có thể bị thiệt hại do hành vi nêu trên. Để chứng minh thiệt hại, bên nguyên đơn phải đưa ra được trường hợp người tiêu dùng thực tế tin vào quảng cáo gian dối và từ đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, trong khi Uỷ ban Thương mại liên bang khi tiến hành các vụ việc xử lý có quyền yêu cầu bên bị đơn chứng minh tính đúng đắn trong quảng cáo của mình, thì theo thủ tục này bên nguyên đơn phải chứng minh về sự gian dối trong quảng cáo của bên bị. Có thể thấy rõ do đặt trong một đạo luật về nhãn hiệu, thủ tục giải quyết tranh chấp về quảng cáo gian dối của Luật Lanham cũng mang nhiều màu sắc của thủ tục giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. 4.3 Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh tại Châu Á Pháp luật cạnh tranh các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan có những nét tương đồng và chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật Hoa Kỳ. Điểm đặc biệt trong pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh của các quốc gia, vùng lãnh thổ này là sự tồn tại song song hai hệ thống quy
  • 27. định về cạnh tranh không lành mạnh, một hệ thống gắn liền với pháp luật về sở hữu trí tuệ, một hệ thống nằm trong khuôn khổ pháp luật cạnh tranh. - Tại Nhật Bản, bên cạnh Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh năm 1993 (được sửa đổi, bổ sung lần cuối tháng 6/2005) quy định về các hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn, xâm phạm bí mật kinh doanh, quảng cáo gian dối, gièm pha doanh nghiệp khác, xâm phạm tên miền … căn cứ theo các quy định của Công ước Paris, TRIPS hay Hiệp ước về Luật Nhãn hiệu (1994), Uỷ ban Thương mại lành mạnh Nhật Bản từ năm 1982 cũng căn cứ vào các điều 19, 20 của Luật Chống độc quyền (1946) ban hành Quy định về các hành vi thương mại không lành mạnh trong đó ngăn cấm một loạt các hành vi mang tính chất hạn chế cạnh tranh ở mức độ thấp như phân biệt đối xử, từ chối giao dịch, bán kèm hàng hoá, giao dịch loại trừ, mua hàng với giá thấp bất hợp lý, bán hàng với giá cao bất hợp lý, lạm dụng vị thế giao dịch và can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp khác. - Hàn Quốc cũng có Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh và bảo vệ bí mật thương mại từ năm 1961 (được sửa đổi, bổ sung lần cuối vào tháng 2/2001), tuy nhiên trong Chương V của Luật Điều chỉnh độc quyền và thương mại lành mạnh 1980 (được sửa đổi, bổ sung lần cuối năm 2004) có quy định một loạt các hành vi thương mại không lành mạnh bao gồm từ chố giao dịch, phân biệt đối xử, loại trừ đối thủ cạnh tranh, dụ dỗ khách hàng của doanh nghiệp khác, lạm dụng vị thế trong giao dịch, giao dịch với điều khoản hạn chế hoặc cản trở hoạt động kinh doanh của đối tác, giao dịch với điều khoản ưu đãi bất hợp lý và các hành vi khác đe doạ đến hoạt động thương mại lành mạnh. Có thể thấy các nước nêu trên đã có sự tham khảo và kế thừa nhiều hệ thống pháp luật để xây dựng các quy định về cạnh tranh không lành mạnh, phản ánh tại nhiều văn bản điều chỉnh khác nhau với những cách tiếp cận khác nhau. Mặt khác, cũng cần thấy rằng các quốc gia này đã có sự vận dụng quy định nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của mình, và có ý thức sử dụng các quy định về cạnh tranh không lành mạnh như là “điều khoản quét” để khắc phục hoặc hạn chế sự vận hành sai lệch của thể chế thị trường tại mỗi quốc gia. Có thể lấy ví dụ
  • 28. các hành vi mua với giá cao bất hợp lý và bán với giá cao bất hợp lý tại Điều 6 và Điều 7 Quy định về các hành vi thương mại không lành mạnh của Nhật Bản hay hành vi trợ giúp người khác với lợi ích đặc biệt, hoặc công ty khác bằng các khoản ứng trước, cho vay, nhân công, bất động sản, cổ phiếu và trái phiếu, tài sản trí tuệ, hoặc giao dịch với những điều khoản ưu đãi đáng kể … tại khoản 7 Điều 23 Luật Điều chỉnh độc quyền và thương mại lành mạnh Hàn Quốc chính là quy định nhằm chống lại các biện pháp giao dịch nội bộ, bao cấp và trợ giá chéo giữa các bộ phận thuộc cùng một tập đoàn kinh tế có thể gây ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh chung của nền kinh tế. 4.4 Các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi Đối với các quốc gia chuyển đổi từ hệ thống tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường, quá trình xây dựng pháp luật cạnh tranh có những đặc thù riêng nhằm đảm bảo các đối tượng liên quan, bao gồm cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý có điều kiện làm quen và thích ứng với các hoạt động thị trường trong môi trường mới. Các quy định về cạnh tranh không lành mạnh cũng phản ánh sự vận động lập pháp chung tại các quốc gia này. - Tại Nga và Đông Âu, cùng với quá trình thay đổi thể chế kinh tế xã hội nhanh chóng và triệt để, các đạo luật về cạnh tranh cũng được ban hành với đầy đủ các bộ phận theo tiêu chuẩn của OECD, trong đó bao gồm các quy định về cạnh tranh không lành mạnh, và các nhà lập pháp coi pháp luật cạnh tranh là một nhân tố cơ bản để thúc đẩy tiến trình cải cách kinh tế 9 . Điều 10 Luật về Cạnh tranh và hạn chế hành vi độc quyền trên thị trường hàng hoá năm 1991 (sửa đổi, bổ sung lần cuối năm 2005) quy định cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bao gồm việc thông tin gian dối, sai lệch hoặc bóp méo có thể gây thiệt hại hoặc mất uy tín cho doanh nghiệp khác, các hành vi gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, các hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ hoặc bí mật kinh doanh của doanh nghiệp khác… - Tại Trung Quốc, với tiến trình cải cách kinh tế từng bước, việc xây dựng pháp luật cạnh tranh cũng trải qua các giai đoạn. Trong khi các nhà lập pháp tỏ ra
  • 29. lưỡng lự trong việc xây dựng pháp luật về hạn chế cạnh tranh và chống độc quyền (Luật Chống độc quyền của CHND Trung Hoa mới được ban hành năm 2007) thì kể từ năm 1993, Trung Quốc đã có một đạo luật riêng về cạnh tranh không lành mạnh, quy định khá chi tiết các dạng hành vi gây nhầm lẫn, xâm phạm bí mật kinh doanh, quảng cáo gian dối… Đáng chú ý là trong đạo luật này, một số hành vi hạn chế cạnh tranh như bán hàng dưới giá thành, áp đặt điều kiện bất hợp lý, đấu thầu thông đồng… đã được điều chỉnh với quan điểm coi đó là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Điều 6 của Luật quy định cấm các doanh nghiệp hoạt động công ích và các doanh nghiệp khác có vị trí độc quyền tự nhiên có hành vi cản trở cạnh tranh trên thị trường, và Điều 7 của Luật cấm các cơ quan nhà nước lạm dụng quyền lực để buộc các doanh nghiệp giao dịch hoặc ngăn cản hoạt động lưu thông hàng hoá. 5. Thực thi pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam 5.1Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh Luật Cạnh tranh quy định cụ thể 9 hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ Điều 40 đến Điều 49 bao gồm: Chỉ dẫn gây nhầm lẫn; Xâm phạm bí mật kinh doanh; Ép buộc trong kinh doanh; Gièm pha doanh nghiệp khác; Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác; Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh; Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh; Phân biệt đối xử của hiệp hội; và Bán hàng đa cấp bất chính; Trong số các hành vi này, một số hành vi thể hiện sự xâm hại trực tiếp đến đối thủ cạnh tranh như xâm phạm bí mật kinh doanh, gièm pha, quấy rối doanh nghiệp khác, một số hành vi có thể ảnh hưởng đến đối thủ cạnh tranh, đồng thời lại vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng như chỉ dẫn gây nhầm lẫn, quảng cáo và khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Quy định về phân biệt đối xử của hiệp hội hướng đến một đối tượng đặc biệt là các hiệp hội thương nhân. Ở nhiều quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, các hiệp hội mạnh có tầm ảnh hưởng lớn đến hoạt động thị trường và các quyết định của hiệp hội tác động đáng kể đến tương quan cạnh tranh, có thể tạo lợi thế
  • 30. cho một hoặc một số thành viên so với những đối thủ hoạt động trong cùng lĩnh vực và cùng tham gia hiệp hội khác, qua đó làm sai lệch cạnh tranh. Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam, khi tầng lớp thương nhân chưa đủ mạnh và các liên kết còn lỏng lẻo, vai trò của các hiệp hội thương mại, hiệp hội ngành hàng tỏ ra mờ nhạt, quy định về hiệp hội chủ yếu mang tính chất răn đe, phòng ngừa, không thể hiện được hiệu quả tức thời. Ngược lại, bán hàng đa cấp bất chính được đưa vào Luật Cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết phải điều chỉnh một vấn đề gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, hơn là do xem xét bản chất cạnh tranh của hành vi này. Vị trí phù hợp của quy định về bán hàng đa cấp nên là tại Luật Thương mại được ban hành sau Luật Cạnh tranh nửa năm (được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2006), bởi đây là một hành vi thương mại đặc thù. Các quy định chống bán hàng đa cấp bất chính chủ yếu nhằm bảo vệ người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp khỏi một số dạng lừa đảo của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Quan hệ giữa hai chủ thể này hoàn toàn không phải quan hệ cạnh tranh hay tiêu dùng thông thường (người tham gia mua hàng của doanh nghiệp để bán lại) mà là một quan hệ hợp đồng vì mục tiêu lợi nhuận (hợp đồng thương mại), có các đặc điểm tương tự như hợp đồng hợp tác kinh doanh hay hợp đồng đại lý của Luật Thương mại. Mặc dù có thể tìm thấy quy định về bán hàng đa cấp trong một số đạo luật cạnh tranh (Đài Loan, Canađa), tuy nhiên đó là những trường hợp không tiêu biểu. Chẳng hạn như Luật Thương mại lành mạnh Đài Loan có bao gồm quy định về bán hàng đa cấp tại Điều 23, tuy nhiên sau đó đã ban hành một văn bản chi tiết điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, mặc dù vẫn do Uỷ ban Thương mại lành mạnh Đài Loan chịu trách nhiệm quản lý. Cuối cùng, khoản 10 Điều 39 Luật Cạnh tranh mang tính chất điều khoản “quét”, quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo tiêu chí xác định tại khoản 4 Điều 3 của Luật này do Chính phủ quy định. Như vậy, bên cạnh những hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được định danh, cơ quan cạnh tranh Việt Nam không có thẩm quyền xem xét và kết luận một hành vi thị trường bất kỳ có mang tính cạnh tranh không lành mạnh hay không. Có thể hình dung một trình
  • 31. tự lập pháp theo đó khi phát hiện một dạng hành vi cạnh tranh có biểu hiện không lành mạnh xuất hiện trên thị trường, cơ quan cạnh tranh, cơ quan quản lý ngành hay chính các doanh nghiệp, hiệp hội trong ngành có thể đề xuất với Chính phủ ban hành văn bản điều chỉnh dưới dạng Nghị định. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất ý kiến giữa các bên liên quan và thời gian cho việc xây dựng một văn bản dưới luật cũng phải kéo dài trong khoảng trên dưới 01 năm. Do đó, việc thực hiện tiến trình này sẽ gặp phải nhiều hạn chế và trên thực tế hiện chưa có văn bản điều chỉnh cạnh tranh không lành mạnh nào theo ra đời dưới hình thức này. Tuy nhiên, bên cạnh các quy định của pháp luật cạnh tranh, khái niệm cạnh tranh không lành mạnh đã xuất hiện trong hệ thống các văn bản về sở hữu trí tuệ. Trước khi Luật Cạnh tranh được ban hành năm 2004, Chính phủ đã có Nghị định số 50/2000/NĐ-CP ngày 03/10/2000 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh,chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp. Điều 24 của Nghị định quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp bao gồm: 1. Sử dụng các chỉ dẫn thương mại để làm sai lệch nhận thức và thông tin về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ, nhằm mục đích : a) Lợi dụng uy tín, danh tiếng của người sản xuất kinh doanh khác trong sản xuất kinh doanh của mình; b) Làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của người sản xuất kinh doanh khác trong sản xuất kinh doanh của mình; c) Gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hoá, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hoá, dịch vụ... cho người tiêu dùng trong quá trình nhận biết, chọn lựa hàng hoá, dịch vụ hoặc hoạt động kinh doanh.
  • 32. 2. Chiếm đoạt, sử dụng thành quả đầu tư của người khác mà không được người đó cho phép. Tiếp theo, Điều 25 của Nghị định cũng quy định về Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp, theo Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh thuộc lĩnh vực sở hữu công nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền : buộc người có hành vi cạnh tranh không lành mạnh phải chấm dứt hành vi đó, yêu cầu bồi thường thiệt hại; xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Các hội người tiêu dùng, hội nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân cũng có quyền đại diện cho các hội viên của mình thực hiện quyền yêu cầu như trên. Có thể thấy Nghị định 54/2000/NĐ-CP đã tiếp cận được một số khía cạnh mang tính bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đó là sự chiếm đoạt thành quả kinh doanh của doanh nghiệp khác vì mục đích cạnh tranh, đồng thời xác định quyền chống cạnh tranh không lành mạnh thuộc phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng nằm ngoài phạm vi bảo hộ theo văn bằng của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, đáng tiếc là văn bản này đã không được thực thi có hiệu quả do thiếu các quy định về chế tài đi kèm, và sau đó được thay thế bằng các quy định về cạnh tranh không lành mạnh tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Điều 130 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định các hành vi bị coi là cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ bao gồm: - Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hoá, dịch vụ; - Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hoá, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hoá, dịch vụ; - Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên,
  • 33. nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng; - Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng. Có thể thấy pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh của Việt Nam cũng có sự tồn tại của hai nhóm quy định về cạnh tranh không lành mạnh trong pháp luật cạnh tranh và pháp luật về sở hữu trí tuệ. Như đã phân tích tại Mục 4 của bài viết này, đây là vấn đề tương tự mà nhiều quốc gia đã gặp khi xây dựng thể chế pháp luật điều chỉnh nền kinh tế thị trường, kể cả các quốc gia đã thành công như Nhật Bản hay Hàn Quốc xuất phát từ việc áp dụng các mô hình pháp lý khác nhau mà chưa có một triết lý lập pháp đầy đủ làm nền tảng. Đối với một lĩnh vực có phạm vi rộng và phức tạp như cạnh tranh không lành mạnh, việc tìm kiến các giải pháp điều chỉnh mang tính bản chất có thể càng khó khăn hơn. Các nhà làm luật Việt Nam đã cố gắng tạo sự liên kết giữa hai nhóm quy định trên, chẳng hạn như tại khoản 3 Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ (được ban hành sau Luật Cạnh tranh) có sự dẫn chiếu đến pháp luật cạnh tranh khi quy định tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. Tuy nhiên, những cố gắng này còn chưa đầy đủ và đồng bộ. Mặc dù có sự dẫn chiếu trên các văn bản luật, các quy định của văn bản dưới luật lại không khớp để có thể tổ chức thực thi. Nghị định số 120/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/9/2005 quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh hoàn toàn không có chế tài để xử lý hai hành vi sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ của đại diện hoặc đại lý và đăng ký tên miền nhằm mục đích cạnh tranh, do đó các quy định về hai hành vi
  • 34. này của Luật Sở hữu trí tuệ một lần nữa lại có nguy cơ trở thành các quy định “treo” như trường hợp của Nghị định 54/2000/NĐ-CP trước đây. 5.2 Cơ chế thực thi - Cục Qủan lý cạnh tranh Theo quy định của Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn, Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương là cơ quan có chức năng tiến hành điều tra, xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý cạnh tranh được quy định tại Nghị định 06/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09/01/2006. Tổ chức, cá nhân trong trường hợp phát hiện thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị hành vi cạnh tranh không lành mạnh xâm phạm có thể nộp hồ sơ khiếu nại (bao gồm đơn khiếu nại theo mẫu và các chứng cứ) đến Cục Quản lý cạnh tranh. Căn cứ vào hồ sơ khiếu nại hợp lệ, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ tiến hành điều tra qua 2 giai đoạn là điều tra sơ bộ và điều tra chính thức và ra quyết định xử lý trong trường hợp kết luận vi phạm. Bên cạnh đó, trong trường hợp Cục Quản lý cạnh tranh tự phát hiện vi phạm dựa trên thông tin, tài liệu thu thập được hoặc do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp, Cục cũng có thể tự khởi xướng điều tra và xử lý vụ việc theo cùng trình tự, thủ tục như trên. Hình thức xử lý vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại Nghị định số 120/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/9/2005 quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, bao gồm phạt tiền đến 100 triệu đồng và các hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả: - Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm; và - Buộc cải chính công khai. - Các cơ quan khác
  • 35. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 119 Luật Cạnh tranh và các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ, bên cạnh Cục Quản lý cạnh tranh, các cơ quan khác có thẩm quyền xử phạt vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ bao gồm: Cơ quan Thanh tra Khoa học và Công nghệ; Cơ quan Quản lý thị trường; Cơ quan Hải quan; Cơ quan Công an; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện. Ngoài ra, Luật SHTT cũng quy định việc giải quyết tranh chấp về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHTT theo biện pháp dân sự thông qua khởi kiện tại Toà án. 5.3 Thực tiễn thực thi - Các vụ việc do Cục Quản lý cạnh tranh xử lý Trong năm 2008, Cục QLCT đã tiến hành điều tra và xử lý 15 vụ việc liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Trong số các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh đã được Cục QLCT xử lý, có 09 vụ việc liên quan đến vi phạm về bán hàng đa cấp bất chính , 02 vụ việc liên quan đến hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, 01 vụ việc liên quan đến hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác, 01 vụ việc về gièm pha doanh nghiệp khác và 01 vụ việc liên quan đến hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn. - Trong số các vụ việc nói trên, có 05/15 vụ việc được Cục xem xét xử lý căn cứ theo khiếu nại của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều 86 Luật Cạnh tranh, 10 vụ việc được Cục QLCT tự khởi xưởng điều tra căn cứ theo thông tin thu nhận được/ - Có 12 vụ việc trong đó Cục ban hành quyết định điều tra và xử lý theo thủ tục tố tụng cạnh tranh. Trong 03 vụ việc còn lại, Ban chuyên môn của Cục đã tiến hành xem xét hồ sơ và tham vấn tiền tố tụng với bên khiếu nại, tuy nhiên các bên khiếu nại chưa cung cấp đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu quy định tại Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn, do đó không tiến hành điều tra vụ việc. - Trong số 12 vụ việc Cục tiến hành điều tra theo thủ tục tố tụng cạnh tranh, 8 vụ việc đã có kết luận cuối cùng theo Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Cục trưởng Cục QLCT, với tổng số tiền phạt là 805 triệu đồng. Bên cạnh đó, 03 vụ