SlideShare a Scribd company logo
1 of 178
HOÀNG ANH
MỘT SỐ VẤN ĐỀ
VỀ SỬ DỤNG NGÔN TỪ TRÊN BÁO CHÍ
HÀ NỘI – 2003
1
MỤC LỤC
..................................................................................................................................7
VI C S D NG CH T LI U VĂN H C TRONG TÁC PH M BÁO CHÍỆ Ử Ụ Ấ Ệ Ọ Ẩ .......................31
.....................................................................................................................................48
TH PHÂN LO I TIÊU Đ CÁC VĂN B N BÁO CHÍỬ Ạ Ề Ả ....................................................63
NGÔN NG TÁC GI VÀ NGÔN NG NHÂN V T TRONG TÁC PH M BÁO CHÍỮ Ả Ữ Ậ Ẩ ...100
2
LỜI TÁC GIẢ
Cuốn sách này là tập hợp các bài viết của tác giả đã công bố trên các tạp
chí và các hội thảo khoa học chuyên ngành. Nó đề cập một số vấn đề khá bức
xúc nhưng chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm đúng mức trong địa hạt
ngôn ngữ báo chí - một địa hạt vẫn còn hết sức mới mẻ ở Việt Nam. Đó là các
vấn đề như: đặc điểm của ngôn ngữ báo chí, sự kết hợp khuôn mẫu và biểu cảm
trong ngôn ngữ báo chí, cách thức tạo giá trị biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí,
sự khác biệt giữa ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ báo chí, ngôn ngữ nhân vật và
ngôn ngữ tác giả trong tác phẩm báo chí, phân loại tiêu đề các văn bản báo
chí, ... Vì đây mới chỉ là kết quả của những khảo sát bước đầu cho nên cuốn
sách không tránh khỏi có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, tác giả vẫn hy
vọng là nó sẽ mang lại những điều bổ ích, dù chỉ nhỏ bé, cho các nhà báo, các
nhà nghiên cứu và giảng dạy về báo chí, cũng như tất cả những ai có liên quan.
Hà Nội, tháng 5 năm 2003
Tác giả
3
TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ BÁO TRONG VIỆC GIỮ GÌN SỰ TRONG
SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT
Các phương tiện thông tin đại chúng luôn có rất nhiều người sử dụng; thêm
vào đó, chúng vẫn thường được coi là mẫu mực trong việc dùng ngôn từ. Chính vì
thế các sai sót về mặt này của các phương tiện thông tin đại chúng rất nhanh
chóng trở thành sai sót chung của toàn xã hội. Và từ đây, nảy sinh một vấn đề khá
quan trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức: vấn đề trách nhiệm của nhà báo
trong việc nói đúng và viết đúng, nhằm góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng
Việt, và cũng có nghĩa là góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan lẫn chủ quan, mà
không ít nhà báo mới chỉ chú trọng phần nội dung chứ chưa để ý nhiều tới hình
thức diễn đạt thông tin. Bởi vậy, họ bỏ qua khá nhiều lỗi về ngôn từ ở mọi cấp độ:
từ, câu, đoạn văn, thậm chí ở cả bố cục toàn văn bản. Nếu điểm qua một vài tờ
báo, kể cả những tờ báo lớn, chắc hẳn chúng ta sẽ tháy rõ điều này. Không nói đâu
xa, ngay cả báo Văn nghệ, - cơ quan trung ương của Hội Nhà văn Việt Nam, diễn
đàn của các bậc thầy về sử dụng ngôn từ - cũng tương đối thường xuyên mắc phải
các lỗi như: chính tả thiếu chuẩn xác, câu thiếu thành phần nòng cốt, từ dùng
không đúng nghĩa...1
Có lẽ, chẳng cần phải luận bàn, chúng ta cũng biết là những
sai sót như vậy sẽ gây ra những tác hại nghiêm trọng tới mức nào. Ít nhất, chúng
cũng làm cho hiệu quả tiếp nhận thông tin của người đọc bị giảm sút. Còn cao
hơn, chúng có thể làm cho người đọc không hiểu hoặc hiểu sai vấn đề. Song, vượt
lên trên tất cả là điều như chúng tôi đã nói ở trên: những sai sót này không bị phát
hiện ( nghĩa là được xem như đúng ) và chúng lan truyền trong cộng đồng như
một thứ dịch bệnh.
Vậy nhà báo phải làm gì đây để có thể hoàn thành được trách nhiệm nặng nề
của mình trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt? Về vấn đề này, chúng
tôi có vài ý kiến nhỏ như sau:
4
1. Nhà báo cần nắm chắc các tri thức cơ bản liên quan tới việc sử dụng
tiếng Việt thuộc 4 phương diện chính là ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và phong
cách.
Để làm được điều đó, chắc chắn chúng ta phải học một cách bài bản, nghiêm
túc. Có thể học ở trường, lớp mà cũng có thể tự học. Song dù hình thức học có thế
nào đi chăng nữa thì kết quả cuối cùng đạt được phải đáp ứng yêu cầu: nói đúng,
viết đúng. Chưa nói đúng, viết đúng thì chưa thể kỳ vọng nói hay, viết hay được.
Có những điều tưởng như rất đơn giản, nhưng nếu chúng ta không học, chúng ta
vẫn có thể bị mắc lỗi. Chẳng hạn, quan hệ ngữ đoạn trong ngôn ngữ là một vấn đề
hoàn toàn không khó, nhưng do không được trang bị kiến thức cần thiết, nhiều
nhà báo thường xuyên ngắt đoạn sai khi nói, khi đọc. Ấy là còn chưa kể đến
những mảng đầy " gai góc " thuộc phần ngữ pháp mà nếu không đầu tư thời gian
và công sức để nghiên cứu và rèn luyện, chúng ta khó có thể làm chủ được hoạt
động ngôn từ của mình.
Tuy nhiên, việc sử dụng tiếng Việt đúng với chuẩn mực không đồng nghĩa
với sự phủ nhận hoàn toàn những sáng tạo riêng của cá nhân. Có điều, những sáng
tạo ấy phải tuân thủ những quy luật nhất định, nghĩa là có cơ sở khoa học. Chẳng
hạn, khi tạo ra từ mới, người ta phải dựa vào những từ đã có sẵn nào đó mà có
quan hệ trực tiếp với nó về phương diện âm thanh hay ý nghĩa.
2. Nhà báo nên hạn chế tối đa việc vay mượn từ ngữ nước ngoài
Có thể nói, chưa bao giờ các từ ngữ vay mượn từ tiếng nước ngoài lại xuát
hiện trên báo chí tiếng Việt với mật độ dày như hiện nay. Người ta sử dụng chúng
khá tuỳ tiện, bất chấp người đọc, người nghe có hiểu được hay không. Thật phi lý
khi nhà báo là người Việt Nam, mà để hiểu được ngôn từ của họ, nhiều lúc chúng
ta phải mở từ điển song ngữ ra tra cứu. Phải chăng tiếng Việt của chúng ta nghèo
nàn tới mức phải vay mượn tràn lan như vậy? Hoàn toàn ngược lại! Tiếng Việt
của chúng ta vô cùng phong phú, và trong tuyệt đại đa số các trường hợp, có thể
tìm thấy các từ tương đương với các từ vay mượn từ tiếng nước ngoài ( thậm chí
nhiều từ tiếng Việt còn có khả năng diễn đạt khái niệm tinh tế hơn, rõ ràng hơn ).
Sở dĩ một số nhà báo không dùng từ tiếng Việt vì có lẽ họ muốn làm phong phú
5
thêm ngôn từ của mình hoặc muốn tăng cường tính biểu cảm. Đây là dự định tốt
nhưng cách làm chưa hợp lý. Sự phong phú của một chỉnh thể không thể được tạo
bởi các thành tố mới lạ nhưng lại phá vỡ tính thống nhất của nó. Tương tự, tính
biểu cảm không thể được tạo bởi các phương tiện cản trở quá trình nhận thức.
Các từ ngữ vay mượn từ tiếng nước ngoài càng trở nên khó chấp nhận hơn
khi bị dùng sai, do người dùng chưa hiểu thấu đáo ý nghĩa cũng như cách đọc,
cách viết chúng. Vì lúc này chúng không chỉ gây nên những hậu quả như: làm
giảm sút hiệu quả tiếp nhận tác phẩm, tuyên truyền cho cái sai; mà còn hạ thấp uy
tín của tác giả ( người đọc, người nghe khó tránh khỏi có ấn tượng rằng anh ta là
người " sính chữ ngoại " )và bằng việc đó, hạ thấp uy tín của chính cơ quan báo
chí là nơi tác giả làm việc.
Vậy nên chỉ còn cách là hạn chế tối đa việc vay mượn từ ngữ nước ngoài.
Không phải tình cờ mà Bác Hồ của chúng ta đã dặn: " Những từ không dịch được
thì phải mượn tiếng của các nước. Nhưng chỉ mượn khi thật cần thiết, và đã mượn
thì phải mượn cho đúng "2
.
3. Nhà báo cần có một trình độ ngoại ngữ nhất định
Trình độ ngoại ngữ của nhà báo càng cao càng tốt. Nó mang đến cho nhà
báo rất nhiều lợi ích, nhất là trong thời kỳ đa phương hoá, toàn cầu hoá như hiện
nay. Tuy nhiên ở đây chúng tôi chỉ bàn đến một lợi ích trong số đó, ấy là ngoại
ngữ giúp nhà báo hiểu rõ hơn tiếng mẹ đẻ của mình, để rồi trên cơ sở ấy, có cách
ứng xử thích hợp đối với nó.
Trong thực tế, sau khi học xong một ngoại ngữ nào đó, dù muốn hay không,
chúng ta thường có sự liên hệ nhất định với tiếng Việt. Và dựa vào sự đối chiếu
,so sánh, nhà báo có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng tiếng Việt của chúng
ta giàu đẹp chẳng kém bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới. Và từ đây, anh ta sẽ có
tình cảm yêu quý và thái độ trân trọng hơn đối với tiếng mẹ để của mình. Những
tình cảm và thái độ ấy, nếu được vun đắp thường xuyên, dần dần sẽ trở thành
những phẩm chất văn hoá, thành những giá trị đạo đức của nhà báo, giúp họ trở
thành những nhân tố tích cực trong cuộc đấu tranh chống những biểu hiện xem
thường, coi khinh tiếng nói và chữ viết của dân tộc.
6
Song, bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể phủ nhận các giá trị của ngôn
ngữ nước ngoài, mà ngược lại, phải biết tiếp thu chúng để hoàn thiện thêm cho
tiếng mẹ đẻ. Chẳng hạn, tính khoa học và tính chính xác cao của các ngôn ngữ Ấn
- Âu ( như Anh, Pháp, Nga,...) sẽ giúp cho nhà báo sử dụng tiếng Việt một cách
khúc chiết, mạch lạc, gãy gọn, tránh được sự dài dòng, cầu kỳ không cần thiết.
Như vậy, rõ ràng là hiểu biết về tiếng nước ngoài cũng góp phần quan trọng
vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Từ xưa đến nay, người ta vẫn luôn quan niệm rằng trong việc sử dụng ngôn
ngữ của một dân tộc bao giờ cũng bộc lộ tầm vóc văn hoá của nó. Mà báo chí lại
là môi trường rộng lớn nhất và được xem là mẫu mực nhất để ngôn ngữ dân tộc
hành chức. Vì thế, khẳng định trách nhiệm của nhà báo chúng ta trong công cuộc
bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của tiéng Việt, đồng thời đề xuất những giải pháp
để họ hoàn thành trách nhiệm ấy, là việc làm cần thiết. Hy vọng, với bài viết này,
chúng tôi sẽ nhận được nhiều ý kiến quý báu liên quan tới vấn đề trên.
Chú thích
1. Nguyễn Văn Nở, Đôi điều mong muốn về tiếng Việt trên báo Văn Nghệ,
Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 10 / 1998, tr. 11 - 14.
2. Một số ý kiến của Hồ Chủ tịch về chữ quốc ngữ và tiếng Việt, Tạp chí
Ngôn ngữ, 1970, số 3, tr.38.
( Bài in trong: Báo chí- những điểm nhìn từ thực tiễn, NXB. Văn hoá -
Thông tin, H., 2000, tập 1 ).
7
CÁC TÍNH CHẤT CỦA NGÔN NGỮ BÁO CHÍ
Hiện nay, ngôn ngữ báo chí đang có xu thế được xem là một phong cách chức
năng trong ngôn ngữ. Trên cơ sở nhận thức rằng " phong cách là những khuôn mẫu
trong hoạt động lời nói, được hình thành từ những thói quen sử dụng ngôn ngữ có
tính chất truyền thống và chuẩn mực trong việc xây dựng các lớp văn bản tiêu biểu
" 1
, người ta đã tìm ra những luận cứ, với các mức độ thuyết phục khác nhau, để
khẳng định là ngôn ngữ báo chí có những nét đặc thù, cho phép nó có vị thế ngang
hàng với các phong cách chức năng khác trong ngôn ngữ như phong cách khoa
học, phong cách hành chính - công vụ, phong cách sinh hoạt hàng ngày, phong
cách chính luận.
Vậy đâu là các nét đặc thù của phong cách báo chí? Các nhà nghiên cứu đã có ý
kiến không thống nhất khi trả lời câu hỏi này.
Đinh Trọng Lạc, sau khi nêu rõ các đặc trưng của phong cách báo chí ( như tính
chiến đấu, tính thời sự, tính hấp dẫn ), đã chỉ ra các đặc điểm của ngôn ngữ báo chí
thuộc các phương diện như từ vựng, cú pháp, kết cấu2
. Theo chúng tôi, đây phần
lớn mới chỉ là các đặc điểm của một vài thể loại báo chí cụ thể, vì thế chúng chưa
đủ tầm khái quát để có thể khắc hoạ diện mạo của cả một phong cách ngôn ngữ
trong sự đối sánh với các phong cách ngôn ngữ khác.
Còn tác giả Hữu Đạt cho rằng các đặc điểm về ngôn ngữ của phong cách báo chí
bao gồm: 1. Chức năng thông báo, 2. Chức năng hướng dẫn dư luận, 3.Chức
năng tập hợp và tổ chức quần chúng, 4. Tính chiến đấu mạnh mẽ, 5. Tính thẩm mỹ
và giáo dục, 6. Tính hấp dẫn và thuyết phục, 7. Tính ngắn gọn và biểu cảm, 8. đặc
điểm về cách dùng từ ngữ ( gồm cách dùng từ ngữ và cách dùng các khuôn biểu
cảm )3
. Dễ dàng nhận thấy là Hữu đạt không có sự phân định rõ ràng giữa các đặc
điểm về chức năng của thông tin báo chí và các đặc điểm về ngôn ngữ như là
phương tiện chuyển tải thông tin ấy. Chính vì thế, 8 đặc điểm mà ông đưa ra không
đồng loại, chỉ có các đặc điểm thứ sáu và thứ bảy là có vẻ xác đáng hơn cả.
Tuy nhiên, các quan niệm nêu trên của Đinh Trọng Lạc cũng như Hữu Đạt4
cho
thấy, khi khảo sát các đặc điểm của ngôn ngữ báo chí, họ đều xuất phát từ góc độ
8
chức năng của nó. Đây là hướng đi hợp lý, vì chính chức năng chứ không phải bất
cứ yếu tố nào khác, quy định các phương thức biểu đạt có tính đặc thù của từng
loại hình sáng tạo.
Như chúng ta đều biết, chức năng cơ bản, có vai trò quan trọng hàng đầu của
báo chí là thông tin. Báo chí phản ánh hiện thực thông qua việc đề cập các sự kiện.
Không có sự kiện thì không thể có tin tức báo chí. Do vậy, theo chúng tôi, nét đặc
trưng bao trùm của ngôn ngữ báo chí là có tính sự kiện.
Chính tính sự kiện đã tạo nên cho ngôn ngữ báo chí một loạt các tính chất cụ thể
như:
1. Tính chính xác
Ngôn ngữ của bất kỳ phong cách nào cũng phải bảo đảm tính chính xác. Nhưng
với ngôn ngữ báo chí, tính chất này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì báo chí có
chức năng định hướng dư luận xã hội. Chỉ cần một sơ suất dù nhỏ nhất về ngôn từ
cũng có thể làm cho độc giả khó hiểu hoặc hiểu sai thông tin, nghĩa là có thể gây ra
những gây hậu quả xã hội nghiêm trọng không lường trước được. Chẳng hạn, sau
chuyến tháp tùng một quan chức cao cấp sang thăm trung quốc, một nhà báo đã
viết một bài phóng sự, trong đó có câu: " Chúng tôi đã chia tay với tình hữu nghị
dạt dào của hai nước Việt - Trung ". Rõ ràng, từ " với " ở đây là không thể chấp
nhận được (vì cụm từ " chia tay với..." biểu đạt ý nghĩa " từ bỏ, từ giã "), cần phải
thay nó bằng từ "trong" .
Muốn sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác, nhà báo phải tuân thủ ít nhất 2 yêu
cầu. Thứ nhất, nhà báo phải giỏi tiếng mẹ đẻ, nói cụ thể là: nắm vững ngữ pháp; có
vốn từ vựng rộng, chắc, và không ngừng được trau dồi; thành thạo về ngữ âm; hiểu
biết về phong cách. Thứ hai, phải bám sát các sự kiện có thực và nguyên dạng để
phản ánh, không tưởng tượng, thêm bớt. Hai yêu cầu này có quan hệ qua lại hết
sức mật thiết. Giỏi ngôn ngữ mà xa rời hiện thực thì ngôn ngữ có thể " kêu " những
rỗng tuếch, thiếu hơi thở ấm nóng của cuộc sống vốn là thứ có sức chinh phục
mạnh mẽ đối với độc giả. Ngược lại, biết rõ hiện thực nhưng kém về ngôn từ thì
cũng không thể chuyển tải thông tin một cách hiệu quả như mong muốn, thậm chí
đôi khi còn mắc lỗi tới mức gây hại cho người khác hoặc xã hội.
9
Sử dụng ngôn từ trong tác phẩm một cách chính xác, nhà báo không chỉ đạt hiệu
quả giao tiếp cao, mà còn góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn sự trong sáng của
tiếng Việt. Vì số lượng người tiếp nhận các sản phẩm của báo chi đông tới mức
không xác định được và họ ( nhất là trẻ em ) lại luôn xem các cơ quan báo chí là "
ngọn đèn chỉ dẫn " trong việc dùng ngôn từ, cho nên ngôn ngữ báo chí càng hoàn
thiện thì tiếng Việt càng có điều kiện phát triển.
2. Tính cụ thể
Tính cụ thể của ngôn ngữ báo chí trước hết thể hiện ở chỗ cái mảng hiện thực
được nhà báo miêu tả, tường thuật phải cụ thể, phải cặn kẽ tới từng chi tiết nhỏ. Có
như vậy, người đọc, người nghe mới có cảm giác mình là người trong cuộc, đang
trực tiếp được chứng kiến những gì nhà báo nói tới trong tác phẩm của mình. Đoạn
trích sau đây trong phóng sự " Hai giờ dưới lòng đất " của nhà báo Huỳnh Dũng
Nhân là một minh chứng:
"...Tôi cố nén sự tự ái, ưỡn ngực tiến tới. Xì, lò thế này mà ngán gì. Đi như hầm
địa đạo Củ Chi là cùng. Nhưng... sâu dần, đen dần. Rồi tất cả biến mất. Tôi lọ mọ
đi. Hai tay sờ soạng tứ tung. Cốp! Lùn tịt như tôi mà cũng còn va đàu vào đá. Tôi
nghĩ bụng và bắt đầu đi lom khom. Mẹ ơi, chỉ còn mình tôi thôi sao? Tống, Lực
đâu rồi. Đã hết lom khom được. Phải nằm xuống, bò. Có tiếng nước róc rách.
Đường lò ướt nhẹp. Tôi vớ phải một sợi dây cáp ở đầu một cái dốc. " Bám vào -
ngửa người ra, tụt xuống! ". Một mênh lệnh vang lên. A! Tống, Lực đây rồi. Thì ra
hai anh vẫn đi sát tôi, như có vẻ cố tình thử thách nhau một tý " cho nhà báo có
thêm thực tế ". Thấy tôi thở phì phò, thợ lò bảo: " Đây là lò ngắn nhất và dễ nhất
mỏ Mông Dương đấy! Dễ nhất! Tôi suýt la lên. Cả tiếng đồng hồ mới lấy được vài
xe goòng than đá. Dễ nhất mà thợ lò phải bò như những con rắn mối trong hang".
Một bức tranh chân thực và sinh động đã được tạo dựng nhờ sự miêu tả một loạt
các hành động, các cảm giác cụ thể của tác giả. Khi đọc đoạn văn trên, độc giả
thấy mình như cũng đang trải qua một cuộc hành trình đầy gian nan, vất vả dưới
lòng đất. Và đây chính là khởi nguồn của niềm cảm thông sâu sắc với nỗi cực nhọc
trong côngviệc của những người thợ lò.
10
Bên cạnh đó, tính cụ thể của ngôn ngữ báo chí còn nằm ở việc tạo ra sự xác định
cho đối tượng được phản ánh. Như thực tế cho thấy, mỗi sự kiện được đề cập trong
tác phẩm báo chí đều phải gắn liền với một không gian, thời gian xác định; với
những con người cũng xác định ( có tên tuổi, nghề nghiệp, chức vụ, giới tính... cụ
thể ). Đây là cội nguồn của sự thuyết phục, vì nhờ những yếu tố đó người đọc có
thể kiểm chứng thông tin một cách dễ dàng. Do đó, trong ngôn ngữ báo chí nên
hạn chế tối đa việc dùng các từ ngữ, cấu trúc không xác định hay có ý nghĩa mơ hồ
kiểu như " một người nào đó ", " ở một nơi nào đó ", " vào khoảng ", " hình như ",
v. v...
3. Tính đại chúng
Báo chí là phương tiện thông tin đại chúng. Tất cả mọi người trong xã hội,
không phụ thuộc vào nghề nghiệp, trình độ nhận thức, địa vị xã hội, lứa tuổi, giới
tính..., đều là đối tượng phục vụ của báo chí: đây vừa là nơi họ tiếp nhận thông tin,
vừa là nơi họ có thể bày tỏ ý kiến của mình. Chính vì thế, ngôn ngữ báo chí phải là
thứ ngôn ngữ dành cho tất cả và của tất cả, tức là có tính phổ cập rộng rãi. Tuy
nhiên, phổ cập rộng rãi không có nghĩa là dễ dãi, thấp kém. Vì, nói như nhà nghiên
cứu ngôn ngữ báo chí nổi tiếng người Nga V. G. Kostomarov: " Ngôn ngữ báo chí
phải thích ứng với mọi tầng lớp công chúng sao cho một nhà bác học với kiến thức
uyên thâm nhất cũng không cảm thấy chán và một em bé có trình độ còn non nớt
cũng không thấy khó hiểu "5
.
Với ngôn ngữ không có tính đại chúng, tức là chỉ dành cho một đối tượng hạn
hẹp nào đó, báo chí khó có thể thực hiện được chức năng tác động vào mọi tầng
lớp quần chúng và định hướng dư luận xã hội. Và đây chính là lý do khiến cho
trong tác phẩm báo chí người ta ít dùng các thuật ngữ chuyên ngành hẹp, các từ
ngữ địa phương, tiếng lóng cũng như các từ ngữ vay mượn từ tiếng nước ngoài.
4. Tính ngắn gọn
Ngôn ngữ báo chí cần ngắn gọn, súc tích. Sự dài dòng có thể làm loãng thông
tin, ảnh hưởng đến hiệu quả tiếp nhận của người đọc, người nghe. Thêm vào đó, nó
còn làm tốn thời gian vô ích cho cả hai bên: cho người viết, vì anh ta sẽ không đáp
ứng được yêu cầu truyền tin nhanh chóng, kịp thời; cho người đọc ( người nghe ),
11
vì trong thời đại bùng nổ thông tin, người ta luôn cố gắng thu được càng nhiều
thông tin trong một đơn vị thời gian càng tốt. Đấy là còn chưa kể đến việc viết dài
dễ mắc nhiều dạng lỗi khác nhau, nhất là các lỗi về sử dụng ngôn từ ( thực tế khảo
sát của chúng tôi cho thấy một tỉ lệ khá lớn các câu sai về ngữ pháp trong các tác
phẩm báo chí có liên quan tới việc nhà báo quá ham mở rộng các thành phần phụ
mà quên mất các thành phần chính của câu ).
Câu nói nổi tiếng của đại văn hào Nga A. P. Chekhov có lẽ chính xác hơn cả với
phong cách ngôn ngữ báo chí: " Ngắn gọn là chị của thành công "6
.
5. Tính định lượng
Các tác phẩm báo chí có tính định lượng về ngôn từ vì chúng thường bị giới hạn
trong một khoảng thời gian hay một diện tích nhất định. Vì thế, việc lựa chọn và
sắp xếp các thành tố ngôn ngữ cần kỹ lưỡng, hợp lý để phản ánh được đầy đủ
lượng sự kiện mà không vượt quá khung cho phép vè không gian và thời gian.
Hiện tại, không ít báo yêu cầu phóng viên, cộng tác viên khi viết bài không được
phép vượt quá một lượng chữ nhất định. Đối với những bài " không đặt trước "
biên tập viên buộc phải chỉnh lý, cắt xén cho thích ứng với việc công bố. Rồi ngay
trong số các cơ sở đào tạo nhà báo cũng có không ít nơi, khi tuyển sinh, đòi hỏi đối
tượng dự thi phải thử nghiệm khả năng định lượng của mình thông qua việc viết
một hay một số văn bản với độ dài cho sẵn.
Tính định lượng của ngôn ngữ báo chí giúp cho nhà báo rèn luyện được thói
quen chủ động trong việc sáng tạo tác phẩm. Nhờ đó, họ có thể dễ dàng thích nghi
với mọi điều kiện thời gian cũng như không gian được dành cho việc công bố
chúng.
6. Tính bình giá
Các tác phẩm báo chí không chỉ đưa thông tin về các sự kiện, mà còn phải thể
hiện công khai thái độ của tác giả đối với sự kiện thông qua sự bình giá ( có lẽ
trong các thể loại báo chí chỉ có tin vắn, tin ngắn là không có tính bình giá, tức là
tác giả thể hiên sắc thái biểu cảm trung tính ). Sự bình giá này có thể là tích cực mà
cũng có thể là tiêu cực, song trong bất kỳ tình huống nào nó cũng được biểu đạt
trực tiếp qua ngôn từ.
12
Chẳng hạn, có nhiều bài báo đã bộc lộ rõ thái độ, cảm xúc của tác giả ngay từ
tiêu đề như: " Góc tối ở thành phố cảng ", " Bông hoa Thủ đô giữa núi rừng Tây
Bắc ", " Lặng lẽ quá ... liên hoan phim ", " Giai điệu buồn của một đêm nhạc trẻ ",
" Đó cũng là một cách sống đẹp "...Còn trong các phần khác ( cả mở đầu, triển khai
lẫn kết thúc ) những câu văn mang sắc thái đánh giá của người viết còn gặp thường
xuyên hơn, nhất là ở các thể loại như bình luận, xã luận, phóng sự, ghi chép, ký...
7. Tính biểu cảm
Tính biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí gắn liền với việc sử dụng các từ ngữ, lối
nói mới lạ, giàu hình ảnh, in đậm dấu ấn cá nhân, và do đó sinh động hấp dẫn hay
ít nhất cũng gây được ấn tượng đối với độc giả. Ví dụ:
" Ở những " cua " cấp tốc, chuyện thầy viết lia lịa lời giải ở trên, trò cắm cổ
chép như chép chính tả ở dưới vì không có thời gian giảng là " chuyện thường
ngày ở huyện ". ( Hà Nội mới cuối tuần, 18 / 4 / 1998 );
" Sông Tô mà không lịch ". ( Văn hoá, 17 / 5 /1999 ).
Nguồn gốc của sự biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí là vô cùng phong phú và đa
dạng. Đó có thể là việc dùng các thành ngữ, tục ngữ, ca dao..., là sự vay mượn các
hình ảnh, từ ngữ, cách diễn đạt từ các tác phẩm văn học nghệ thuật, là lối chơi chữ,
nói lái, dùng ẩn dụ, v. v...hay chỉ đơn giản là việc thể hiện sự bình giá có tính chất
cá nhân7
.
Nếu ngôn ngữ báo chí không có tính biểu cảm, những thông tin khô khan mà nó
chuyển tải khó có thể được công chúng tiếp nhận như mong muốn, vì chúng mới
chỉ tác động vào lý trí của họ. Chính tính biểu cảm vốn là hiện thân của cái hay, cái
hấp dẫn mới là nhân tố tác động mạnh mẽ tới tâm hồn của người nghe, người đọc,
làm cho họ đạt tới một trạng thái tâm lý cảm xúc nhất định, để rồi từ đó thực hiện
những hành động mà người viết vẫn chờ đợi.
8. Tính khuôn mẫu
Trước hết, cần phải làm rõ khái niệm " khuôn mẫu ". Đó là những công thức
ngôn từ có sẵn, được sử dụng lặp đi lặp lại nhằm tự động hoá quy trình thông tin,
làm cho nó trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn. Khuôn mẫu bao giờ cũng đơn
nghĩa và mang sắc thái biểu cảm trung tính. Chúng bao gồm nhiều loại và có mặt
13
trong nhiều phong cách chức năng của ngôn ngữ. Chẳng hạn trong văn phong báo
chí, khi viết các mẩu tin, người ta thường dùng các khuôn mẫu như:
- Theo AFP, ngày...tại...trong cuộc gặp gỡ...Tổng Bí thư...đã kêu gọi...
- TTXVN, ngày...người phát ngôn Bộ Ngoại giao... cho biết...
Giao tiếp báo chí không thể thiếu khuôn mẫu vì nó tiết kiệm thời gian và công
sức cho chủ thể sáng tạo, thích ứng với việc đưa tin cập nhật, tức thời.
Song, khác với khuôn mẫu trong văn bản hành chính và văn bản khoa học,
khuôn mẫu báo chí không cứng nhắc, bất di bất dịch mà rất linh hoạt, uyển chuyển.
Chẳng hạn, một thông tin trên báo về nguyên tắc phải thoả mãn 6 câu hỏi: Ai? Cái
gì? Ở đâu? Bao giờ? Như thế nào? Tại sao? nhưng thứ tự trả lời cho các câu hỏi đó
có thể được sắp xếp khác nhau tuỳ thuộc vào từng hoàn cảnh giao tiếp cụ thể.
Bên cạnh đó, các thành tố khuôn mẫu trong ngôn ngữ báo chí lại luôn kết hợp
hài hoà với các thành tố biểu cảm cho nên ngôn ngữ báo chí thường rất mềm mại,
hấp dẫn chứ không khô khan như ngôn ngữ trong văn bản khoa học và văn bản
hành chính, là nơi người ta chỉ sử dụng thuần nhất các thành tố khuôn mẫu mà
thôi.
Trên đây là một số tính chất cơ bản của ngôn ngữ báo chí. Với những tính chất
đặc thù như vậy, ngôn ngữ báo chí hoàn toàn có đủ tư cách để được xem là một
phong cách chức năng trong ngôn ngữ.
Chú thích
1. Đinh Trọng Lạc, Phong cách học tiếng Việt, NXB. Giáo dục, H., 1997, tr.19.
2. Đinh Trọng Lạc, Sđd., tr. 98 - 111.
3. Hữu Đạt, Phong cách học và các phong cách chức năng tiếng Việt, NXB.
Văn hoá - Thông tin, H., 2000, tr. 224 - 248.
4. Khi bài viết này được công bố, cuốn " Ngôn ngữ báo chí " của nhà nghiên cứu
Vũ Quang Hào còn chưa được xuất bản. Tác giả cuốn sách đó cho rằng đặc điểm
nổi bật nhất của ngôn ngữ báo chí có khả năng chế định phong cách của nhà báo là
sự " chệch chuẩn ". Không xem ngôn ngữ báo chí là một phong cách chức năng
14
riêng, ông đi sâu vào khảo sát 3 phong cách chức năng, mà theo ông, báo chí
thường sử dụng là: phong cách chính luận, phong cách khoa học và phong cách
hành chính.
Xem: Vũ Quang Hào, Ngôn ngữ báo chí, NXB. Đại học quốc gia, H., 2001.
5. Kostomarov V. G., Tiếng Nga trên trang báo, M., 1978, tr. 62 ( bằng tiếng
Nga ).
6. Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX, M., 1984, tr. 287 ( bằng tiếng Nga).
7. Vấn đề này chúng tôi trình bày khá cụ thể trong bài " Những thủ pháp nhằm
tăng cường tính biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí ".
( Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền, số 3 / 2001 )
15
SỰ ĐAN XEN KHUÔN MẪU VÀ BIỂU CẢM TRONG NGÔN NGỮ BÁO CHÍ
Việc trình bày hay lập mã thông tin được thực hiện khác nhau trong các lĩnh
vực giao tiếp khác nhau. Chẳng hạn, trong lĩnh vực sản xuất - công nghệ người ta
thường dùng lối miêu tả kê khai: Tên gọi ... Đặc điểm... Trọng lượng .... Chức năng
... Người sản xuất...
Dưới đây là những dòng chữ được ghi trong một giấy chứng nhận sáng chế:
" Chiếc đèn nháy điện tử có tên gọi là " Electron " do nhà máy điện quang
Washington sản xuất là một dụng cụ có trọng lượng 250 g, có khả năng phát sáng
với công suất 20 j và làm việc nhờ hệ thống ắc qui ".
Song, vẫn thông tin nói trên, khi được đưa trên một tờ báo, lại có dạng thức như
sau:
" Một trong những nhà máy điện quang của Washington đã tạo nên một sự bất
ngờ thú vị cho những người yêu thích chụp ảnh. Ngọn đèn nháy điện tử " Electron
" nặng chỉ vẻn vẹn có 250 g. Tia chớp xinh xắn này làm việc nhờ hệ thống ắc qui
có thể nạp được điện từ những ổ cắm thông thường ".
Dễ dàng nhận thấy là thông tin trên báo sinh động và hấp dẫn hơn nhiều so với
những gì được ghi trên giấy chứng nhận sáng chế.
Nguyên nhân thật đơn giản: Trong ngôn ngữ báo chí, người ta đã đan xen một
cách hài hoà các thành tố khuôn mẫu với các thành tố biểu cảm; còn trong ngôn
ngữ có tính chất kê khai của một giấy chứng nhận sáng chế, người ta chỉ dùng
thuần nhất các thành tố khuôn mẫu mà thôi.
Nếu so sánh các phong cách chức năng trong ngôn ngữ về phương diện quan hệ
giữa khuôn mẫu và biểu cảm, chúng ta nhận thấy: Trong phong cách hành chính -
công vụ và phong cách khoa học, tính khuôn mẫu của cách thức diễn đạt đạt tới
mức tối đa, nghĩa là không còn chỗ cho các thành tố biểu cảm. Trong phong cách
văn học nghệ thuật, tính biểu cảm chiếm ưu thế so với tính khuôn mẫu; đặc biệt,
trong một số tác phẩm thơ, tính biểu cảm có thể đạt tới mức tối đa. Riêng trong
phong cách báo chí - chính luận, tính khuôn mẫu và tính biểu cảm của ngôn từ nằm
trong quan hệ tương đối hài hoà, cân bằng.
16
Các trường hợp đan xen khuôn mẫu và biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí, nhìn
chung, có thể chia thành 3 kiểu chính như sau:
1. Đan xen trong phạm vi câu
Đây là sự đan xen ( chủ yếu là giữa các từ ) trong nội tại câu. Ví dụ:
"Không giống như nhiều tập đoàn khác bỏ hàng núi tiền để giành một suất
quảng cáo trên truyền hình hay các phương tiện thông tin đại chúng, Piaggio chơi
kiểu khác " độc " hơn và " cao tay " hơn: Đổ tiền vào sản xuất các bộ phim hay và
khéo léo lồng thương hiẹu của mình vào. Sau khi bộ phim " Kỳ nghỉ thành Rôma "
được trình chiếu ( 1954 ) với hai ngôi sao Gregorg và Herburrn luồn lách ngang
dọc trên các đường phố Rôma cùng con ong xinh xắn ( Vespa - tiếng ý có nghĩa là
con ong ), thì Vespa trở thành biểu tượng của nước ý ". ( Tuổi trẻ Thành phố Hồ
Chí Minh, 10 / 7 /2001 );
" Nhưng “chảo dầu sôi " trên sân Vinh với gần 3 vạn khán giả cuối cùng cũng
"nấu chín " đội Công an Hà Nội ". ( Lao động, 31 / 3 /2000 );
" Công - coóc từ trước đến nay vẫn được coi là phi cơ quý tộc vì những tiện
nghi và các ưu thế kỹ thuật " độc nhất vô nhị " của nó. ( Quân đội nhân dân, 3 / 9 /
2000 );
" Faustino asprila, " mũi tên đen " hay gây tranh cãi của Clombia mới đây thổ lộ
rằng... anh sẵn sàng từ chối một bản hợp đồng hàng triệu đô la tại một vương quốc
dầu lửa và muốn kết thúc sự nghiệp của mình tại đội " thường thường bậc trung "
Tutu của thành phố quê hương ". ( Thể thao và Văn hoá, 12 / 9 / 2000 );
" Lành mạnh " nhất trong các chiêu lôi kéo khách của những quán cà phê kiểu "
tục " là cho tiếp viên ... khoe " của ". ( Người lao động, 16 / 8 /2000 ).
2. Đan xen trong phạm vi đoạn văn
Đay là sự đan xen giữa các câu với nhau. Ví dụ:
" Trước hết, nợ của Chính phủ Nhật Bản rất cao, khoảng 9,3 % GDP hàng năm.
Đây là một quả bom nổ chậm đang ẩn trong nền kinh tế Nhật ". ( Hà Nội mới cuối
tuần, 21 / 12 / 1998 );
" Đảo đèn Long Châu đã dược phong danh hiệu anh hùng năm 1972. Người ta
gọi nó là " con mắt ngọc " của biển Đông ". ( Lao động, 11 / 4 /1998 );
17
" Hầu hết các thành viên Hội đồng quản trị, Tổng và các Phó Giám đốc, Trưởng
và các Phó ban đều làm việc chính tại Hà Nội. Đầu tuần, tất cả đều xuống Quảng
Ninh họp giao ban với một xe tuyến và gần hai chục xe con dành riêng cho các "
sếp ". ( Văn nghệ trẻ, 20 / 8 /2000 );
" Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, mọi sự nói vậy mà không hẳn đã là vậy.
Trong chương trình làm việc mới được đưa ra kèm theo khoản viện trợ cả gói cho
kế hoạch " Cô - lum - bi - a ", Oa - sinh -tơn thực chất đã thay đổi một cách căn
bản nguyên tắc phối thuộc cùng Bô - gô - ta trong cuộc đấu tranh chống lại nạn
buôn bán ma tuý. Từ nay trở đi, người Mỹ không chỉ đứng đằng sau quân đội Cô -
lum - bi -a, mà với vai trò cố vấn huấn luyện, sẽ thực sự và trực tiếp nhúng tay vào
công việc nội bộ của Cô - lum - bi -a ". ( Quân đội nhân dân , 10 / 9 /2000 )...
3. Đan xen trong phạm vi kết cấu toàn văn bản
Ở đây, các thành tố biểu cảm được sử dụng để xây dựng những mảng màu đối
lập ở bậc kiến trúc của toàn bài. Đó có thể là:
a, Đối lập giữa tiêu đề với nội dung, ví dụ:
Nắm người có tóc
Trong vòng vài ngày qua, Đà Nẵng gần như chấm dứt hẳn nạn ùn tắc giao
thông vào các giờ tan học, tan tầm. Hiệu lực chỉ thị nghiêm cấm học sinh không
được đi học bằng xe gắn máy, mô tô của chính quyền, nhằm vãn hồi trật tự giao
thông trên đường phố có tác dụng thấy rõ. Gần chục ngàn học sinh của 7 trường
phổ thông trung học đã tự giác đến trường bằng xe đạp thay vì xe máy như trước
đây. Có thể nói đây là hiện tượng tích cực mà mà Đà Nẵng là một trong số rất ít
đô thị trong cả nước hiện nay làm được nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đang
có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ trên khắp các địa phương trong cả nước... ( Lao
động, 13 / 1 / 2003 ).
Khôn ngoan chẳng lọ thật thà
Hai vợ chồng giàu có vào bậc nhất phố tôi, dạo này buồn rười rượi, rất năng
đi chùa lễ Phật. Hàng xóm thạo tin kháo nhau: Nhà ấy phất nhờ đánh hàng lậu
biên giới, vừa bại quả lớn, may mà không phải vào tù. Trời có mắt cả, được cái
18
này mất cái kia, lắm tiền " đen ' nên thằng con đầu đi xe máy ngã, cưa mất một
chân, thằng thứ hai, nghiện hút đang đi cai... ( Hà Nội ngày nay, số 8 / 1999 ).
b, Đối lập giữa phần mở đầu và phần triển khai, ví dụ:
" Lại nói Tôn Sách là con Tôn Kiên muốn nối chí cha xưng hùng xưng bá ở
Giang Đông, nhưng hiềm một nỗi là không có binh mã. Thủ hạ của Sách hiến kế
rằng: " Tướng quan nên đem ngọc tỷ của Tôn Phụ để lại, thế chấp cho Viên Thuật,
lấy quân mà thu phục Giang Đông ". Sách nghe theo. Viên Thuật giao cho Sách
3000 quân và 500 ngựa chiến để đổi lấy ngọc tỷ truyền quốc. Có quân mã trong
tay, lại được Chu Du giúp mẹo mực, chẳng bao lâu Tôn Sách đã làm chủ cả một
vùng Giang Đông rộng lớn ".
Nay trở lại quy chế lên bán chuyên nghiệp do LĐBĐVN đề ra cho các đội bóng
muốn tham dự.." ( Lao động, 21 / 7 /2000 ).
c, Đối lập giữa phần triển khai và phần kết thúc, ví dụ:
" Thiết nghĩ, Kodak là một công ty lớn, việc kinh doanh đã có uy tín, thương
hiệu sản phẩm nổi tiếng trên toàn thế giới, nhưng qua kiểu làm ăn " đánh trống
rồi... cất luôn dùi với VAFACO như vừa nêu gây thiệt hại cho đối tác hàng chục tỷ
đồng, đã tự hạ uy tín của mình và chứng tỏ " ông chủ lớn " đôi khi chỉ vì muốn thu
lợi cho nhiều mà tính toán rất " nhỏ "...
Rõ là:
" kinh doanh có ba, bảy đường
Anh chơi kiểu ấy khó lường về sau
Nên lấy chữ tín làm đầu
Giữa đường phản phé thì mau... sụp hầm ". ( Công an Thành phố Hồ
Chí Minh, 26 / 8 / 2000 ).
Thực tế khảo sát cho thấy, hầu hết các tác phẩm báo chí ( cho dù chúng có
thuộc về bất cứ thể loại nào ) đều sử dụng sự đan xen khuôn mẫu và biểu cảm như
là nguyên tắc cấu tạo về ngôn ngữ, song, tất nhiên là với mức độ và cách thức
không giống nhau. Chỉ trong một số dạng tin thời sự phản ánh các sự kiện chính trị
- xã hội quan trọng ( hoạt động của các nhà lãnh đạo, các cơ quan quyền lực cao
cấp của đất nước ) là có vẻ thiếu vắng các thành tố biểu cảm. Tuy nhiên, theo
19
chúng tôi thì ở ngay các tin kiểu này cũng không nên phủ nhận hoàn toàn vai trò
của việc đan xen khuôn mẫu và biểu cảm, mà ngược lại, phải biết hướng tới nó,
biết vận dụng nó một cách mềm mại, sao cho vừa không làm phương hại đến tính
khách quan của thông tin, vừa giúp cho độc giả phần nào bớt được cảm giác là
mình đang phải đọc một thông báo khô khan. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó khi
đọc các tờ báo lớn, thu hút được một lượng độc giả đông đảo, của nước ngoài.
Vậy phải làm thế nào để cho ngôn ngữ báo chí có tính biểu cảm? Hay nói cụ
thể hơn, là làm thế nào để tăng cường giá trị biểu cảm cho các thành tố ngôn ngữ
được dùng trong tác phẩm của anh? Bài viết tiếp sau của chúng tôi sẽ phần nào giải
đáp cho câu hỏi không dễ dàng này.
( Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền, số 6 / 2000 )
20
MỘT SỐ THỦ PHÁP NHẰM TĂNG CƯỜNG TÍNH BIỂU CẢM
TRONG NGÔN NGỮ BÁO CHÍ
Như chúng ta đều biết, chức năng quan trọng hàng đầu của báo chí là thông tin.
Nhưng nếu trong ngôn ngữ báo chí người viết chỉ dùng các từ ngữ, cách diễn đạt
có tính chất khuôn mẫu để phản ánh các sự việc, hiện tượng, vấn đề,... thì thông tin
khó tránh khỏi khô cứng, đơn điệu, thậm chí tẻ nhạt. Để khắc phục các nhược điểm
này, các tác giả đã sử dụng khá nhiều những thủ pháp nhằm tăng cường tính biểu
cảm khác nhau; và nhờ đó, thông tin của họ trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ đọc và
dễ tiếp thu hơn đối với độc giả. Qua khảo sát sơ bộ, các thủ pháp nhằm tăng cường
tính biểu cảm cho ngôn ngữ báo chí có thể chia thành một số loại chính như sau:
1. Dùng từ ngữ hội thoại
Từ " hội thoại " ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, tức là nó không chỉ bao hàm
các từ thuộc vốn từ vựng của ngôn ngữ văn hoá được dùng đặc biệt trong lời nói
miệng, trong sinh hoạt hàng ngày, mà còn gồm cả một số từ thông tục và từ lóng,
vì những từ thuộc hai loại sau này cũng chỉ được chuyên dùng trong khẩu ngữ. Ví
dụ:
" Bằng cấp đầy người, anh vẫn chỉ là một nhân viên quèn ". ( Hà Nội mới chủ
nhật, 22 / 11 /1998 );
" Đã qua ngày rằm mà nhiều công sở vẫn còn vắng hoe. Điện thoại réo mệt
nghỉ vẫn không có ai trả lời ". ( Nhà báo và Công luận, số 10 / 1998 );
" Vòng đấu thứ 17 là vòng đấu " bốc mùi " nhất kể từ đầu giải. Những quan sát
viên khẳng định rằng cách mà Thừa Thiên - Huế " chết " trên sân Hà Nội còn " thô
" hơn so với cách mà Công an Hà Nội đã " nằm " trên sân Tự Do - trận đấu mà
BTC giải đã lôi hai đội ra " chém ", và bị dư luận phản ứng về cách " chém " nửa
vời ". ( Lao động, 25 / 5 /2001 );
" Thực tế thì Tú chẳng có xu gỉ nào để góp vốn ". ( An ninh thế giới, 6 / 3 /
1998 );
" Tôi... vội nháy anh bạn đồng nghiệp uống một hơi hết cốc cà phê đen, hấp tấp
nổ xe máy, dông thẳng ". ( lao động, 4 / 3 /1998 )...
21
Hiện nay, xu hướng chung trên thế giới là hội thoại hoá ngôn ngữ báo chí để nó
đơn giản hơn, gần gũi hơn với cuộc sống thường ngày. Chính vì thế, từ ngữ ( và
thậm chí cả cú pháp ) của ngôn ngữ hội thoại được dùng để tăng cường tính biểu
cảm trong các bài viết ngày càng phong phú và đa dạng.
Tuy nhiên, hội thoại hoá ngôn ngữ báo chí không có nghĩa là chúng ta được
phép bê nguyên xi ngôn ngữ đời thường với tất cả cái dáng vẻ thô ráp, xù xì, gai
góc của nó vào trong tác phẩm báo chí. Vì dù thế nào đi chăng nữa, ngôn ngữ trên
trang báo phải là một thứ ngôn ngữ đã được gọt giũa, được trải qua sự nhào nặn
của tác giả và phải đạt tới một sự chuẩn mực nhất định về văn hoá. Vì thế, tình
trạng lạm dụng quá mức các từ ngữ thuộc tiếng lóng hay các từ ngữ thô tục đang
diễn ra ở một số nhà báo và ở một số tờ báo ( nhất là các tờ báo dành cho thiếu
niên nhi đồng ) là rất đáng lo ngại, cần được quan tâm đúng mức và không chậm
trễ1
.
2. Dùng từ ngữ vay mượn từ tiếng nước ngoài
Những từ ngữ dược vay mượn từ các ngôn ngữ Ấn - Âu có thể được giữ nguyên
dạng hay phiên âm. Ví dụ:
" Hơn một chút... họ sẽ là " Speaker " ( văn hoá, 18 / 1 /1998 );
" Tôi thấy không ít người giản dị mang những bộ đồ rát đẹp nhưng quả thực dó
không phải là cái đẹp modern hiện đại mà một nét đẹp rất riêng, cái đẹp của một
phong cách giản dị ... " ( Văn hoá- Tết 1999 );
" ... Ông ta không làm cho một tờ báo cụ thể nào mà chỉ hợp tác làm những
chuyên san về đời tư nghệ sỹ, thậm chí còn bới móc hay lăng xê vô tội vạ cho một
ai đó với mục đích chỉ là để ... có tiền " ( Tiền Phong, 21 / 5 / 2002 );
" Tôi vốn không thích táo nhưng thấy táo ngon mua vài quả dùng làm đét xe
cho bữa cơm chiều " ( Lao động, Xuân Mậu Dần, 1998 )...
Trong số các từ được vay mượn từ các ngôn ngữ Ấn - Âu, có khá nhiều từ đã
phần nào thích nghi với chuẩn mực của tiếng Việt cho nên được sử dụng khá rộng
rãi. Tuy nhiên, người ta vẫn dẽ dàng nhận thấy cái nguồn gốc ngoại loại của
chúng, chẳng hạn như: apphe, xêmina, makettinh, kiôt...
22
Còn các từ Hán - Việt thì được dùng quá phổ cập và đã trở thành một bộ phận
không thể thiếu của tiếng Việt. Song, không vì thế mà người ta không nhận thấy
khả năng tăng cường tính biểu cảm của chúng. Ví dụ:
" Quý hồ tinh bất quý hồ đa " ( Văn hoá, 25 / 2 /1998 );
" Về phía chủ quan, cũng nên thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, bất cập của
ta trong lĩnh vực này ..." ( Tuổi trẻ Thủ đô, số 6 / 1998 )...
Việc sử dụng các từ ngữ vay mượn từ tiếng nước ngoài cần có chừng mực để
tránh gây phản cảm cho người đọc, vì sự xuất hiện quá nhiều các từ không thuần
Việt trong một văn bản báo chí không chỉ làm cho ngôn ngữ của nó có vẻ không
trong sáng mà còn tạo ấn tượng rằng người viết muốn " khoe chữ ". Bên cạnh đó,
những từ ngữ được lựa chọn phải có những ưu thế thật sự nổi trội so với các từ
hoặc những cách diễn đạt tương đương trong tiếng Việt ( Chẳng hạn như diễn đạt
khái niệm rõ ràng, đầy đủ, chính xác hơn; hoặc có vỏ âm thanh nghe gợi cảm
hơn ) và đồng thời phải tương đối quen thuộc đối với công chúng ( tức được dùng
thường xuyên trong giao tiếp ) để không gây cản trở gì đáng kể cho quá trình nhận
thức của độc giả.
3. Dùng thuật ngữ
Các thuật ngữ, xét theo tự thân, là những từ trung tính, tức không mang sắc thái
biểu cảm. Thế nhưng, khi được kết hợp hài hoà với các từ khuôn mẫu, chúng lại
có khả năng tăng cường tính biểu cảm rất đáng kể. Ví dụ:
" Với biểu tượng về sức mạnh vô song, hổ là hình ảnh để nói sự đứng đầu xuất
chúng: chúa sơn lâm. Bằng tư duy, bằng hành động thực tiễn, con người luôn văn
hoá hoá thế giới xung quanh" ( Ngôn ngữ và Đời sống, số 2 / 1998 );
" Sự thành công của những hạng mục đầu tiên sẽ tạo nên sự hấp dẫn, thu hút các
nhà đầu tư vào liên doanh, liên kết để có thể triển khai dự án " ( Nhân dân hằng
tháng, số 5 / 1998 );
" Ít thích lý luận trừu tượng, tự biện, kinh viện, giàu óc thực tế, nắm bắt nhanh
kỹ thuật, gắn lý luận với tình cảm, về gần cái chân chất, bình dị...đó cũng là nét
khu biệt của văn hoá Nam Bộ " ( Thể thao và Văn hoá, Xuân Mậu Dần / 1998 );
23
" Đây là một bước ngoặt vì từ trước đến nay đảng LDP cầm quyền vẫn chủ
trương cắt giảm thâm thủng ngân sách bằng mọi giá " ( Hà Nội mới cuối tuần, 21 /
2 /1998 )...
Hiện nay, do khoa học kỹthuật phát triển mạnh, nhiều lĩnh vực nghiên cứu mới
ra đời, cho nên số lượng thuật ngữ gia tăng nhanh chóng và chúng xuất hiện với
mật độ ngày càng dày trên các báo.
4. Dùng từ ngữ địa phương
Các từ ngữ địa phương luôn mang đậm dấu ấn riêng về lời ăn tiếng nói của một
cộng đồng người gắn liền với một vùng đất, vì thế chúng làm cho câu văn có sắc
thái mới lạ, đôi khi khá giàu sức gợi.
Các từ ngữ địa phương có thể gặp trong ngôn ngữ của tác giả cũng như trong
ngôn ngữ nhân vật. Ví dụ:
"Ước mong sao đến đâu ta cũng gặp những cái chạnh ( xóm, tiếng Nghệ An -
H A.) như ở Liên Trì, bắt gặp những con người từ chạnh ra đi " ( Lao động, 4 / 4 /
2002 );
" Huế ơi, biết về mô bây chừ? " ( Gia đình, số 5 / 2000 );
" Bà Ngô Thị Của ( 67 tuổi ) - Hội trưởng Hội Phụ nữ làng cố giấu sự xấu hổ":
" Đúng là có chuyện đó thiệt, cũng là do đời sống mà ra cả. Nói mô xa, chỉ nhìn
sang mấy làng bên tê núi là đêm nằm tủi thân muốn khóc hết nước mắt. Nhưng nói
gì thì nói, mấy chục năm giải phóng lên, làng Cổ Dù đã thay đổi nhiều lắm rồi.
Trước phần vì đói, phải ăn độn, phần vì uống nước đục, gái trai, già trẻ làng ni đều
bụng phình to như bụng chửa, mặt bủng, da chì " ( Lao động, 20 / 3 / 2003 );...
Dễ dàng nhận thấy là trong ngôn ngữ nhân vật, từ ngữ địa phương xuất hiện
một cách tự nhiên như là sự phản ánh chân xác lời ăn tiếng nói của họ, vì thế tính
biểu cảm của chúng có vẻ như không được cao bằng so với các từ ngữ địa phương
được chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi phương diện trong ngôn ngữ tác giả.
5. Sử dụng chất liệu văn học
Các chất liệu văn học có mặt rộng rãi trong hầu hết các thể loại báo chí, theo
nhiều cách thức khác nhau. Nhưng những cách thức thường gặp nhất là vay mượn
cốt truyện, hình ảnh hay từ ngữ, cách diễn đạt từ các tác phẩm văn học2
. Ví dụ:
24
" Trong tiểu thuyết " Đất vỡ hoang " của nhà văn Xô Viết Sôlôkhôp có miêu tả
một ông chủ tịch nông trang Nagunôp không chịu được tiếng gáy của con gà nhà
một mụ hàng xóm. Cứ đúng lúc ông ngủ say thì phải bừng thức vì con gà nhà nọ
cất tiếng gáy. Nó gáy mới oai vệ, mới thách thức, mới trêu ngươi. Không chịu nổi
tiếng con gà, ông chủ tịch mới dùng quyền hành tìm đến nhà nọ bóp chết con gà.
Với ông bạn tôi thì lại khác, ông lại mang con gà nhà mình đến gáy ở thiên hạ.
Thói đời vẫn vậy, con gà tức nhau tiếng gáy tất sinh lắm chuyện, trước hết là
chuyện sĩ diện, sau đến hao tiền tốn của. Ông bạn tôi là chủ một công ty nhỏ.
Người ta tán ông nên đưa hàng đi triển lãm quốc gia, hàng của ông phải nổi tiếng
cả nước. Nổi tiếng trong nhà coi như vứt, như áo gấm đi đêm..." ( Nông nghiệp
Việt Nam, 10 / 4 / 2002 );
" Cảng Sài Gòn: Đâu là gót chân A-sin? ( Tuổi trẻ TP HCM 27 / 5 /2001 );
" Bản quyền âm nhạc: - cuộc chiến của chàng Đôn kihôtê chống lại cối xay gió (
Gia đình và Xã hội, số 34 / 2002 );
" Ngày 15 / 5 Leverkusen sẽ chơi trận chung kết tranh cúp Đức với Schaltre 04
trước khi gặp Real Madrid trong trận tranh cúp C1. Không biết câu lạc bộ này thi
đấu ra sao. Cầu chúc cho ước mơ ban đầu của học không trở thành " miếng da lừa
" ( Tiền phong, 12 / 5 /2002 );
" Buồn vui cũng một hội này chùa Hương "; " Lời vui có một khúc này " ( Hà
Nội mới cuối tuần, 21 / 2 /1998 );
" Nghề chơi cũng lắm công phu " ( Đầu tư, 9/ 3 /1998 );
" Điều lệ bảo hiểm có những quy định theo kiểu " sống chết mặc bay " ( Gia
đình và Xã hội , số 68 / 2001 );
...Với đội bóng Liverpool : Không có nơi nào đẹp như Rôma " ( Thể thao và
văn hoá, 20 / 2 /2001 )...
6. Sử dụng thành ngữ, tục ngữ, danh ngôn... cùng các biến thể của chúng
Các phương tiện ngôn ngữ này thường có ý nghĩa rõ ràng, dễ hiểu, lại xuất hiện
với tần số cao trong hoạt động giao tiếp thường ngày ( nhất là thành ngữ, tục ngữ )
3
, cho nên việc sử dụng chúng rất thuận lợi đối với cả người viết lẫn người đọc.Ví
dụ:
25
" Giận cá chém thớt " ( Lao động, 14 /5 /2001 );
" Nhất cận thị, nhị cận giang " ( Nhân dân hằng tháng, tháng 5 / 1998 );
"Cái nết đánh chết không chừa " ( Thanh niên, 15 / 3 /1998 );
" Làm vua chơi lan, làm quan chơi trà " ( Tuổi trẻ TP HCM, 22 / 1 / 2001 );
" Đầu xuôi, đuôi chưa lọt " ( Nhà báo và Công luận, số 10 /1998 );
" Tên cướp Nguyễn Văn Thi đã từng hai lần vào tù vì tội " cưỡng đoạt tài sản
công dân " nay vừa ra tù được vài tháng, mặc dù có sức khoẻ nhưng vẫn không
chịu lao động kiếm sống một cách lương thiện mà vẫn mắc chứng " ngựa quen
đường cũ " ( Tiền phong, 21 / 5 /2001 );
" Xung quanh vấn đề nhà đất này, cả cán bộ nhà nước và nhân dân đều kêu khổ,
kêu cực vì còn những kẻ cơ hội " đục nước béo cò ", lợi dụng các kẽ hở mà làm ăn
bất chính " ( Tuổi trẻ TP HCM, 20 / 1 /2002 );
" Thế đấy, mua danh ba vạn nhưng bán danh chỉ cần năm bảy năm tổ chức lễ hội
không ra gì " ( Thể thao và Văn hoá, số 18 / 2001 );
" Hãy nói cho tôi biết, bạn yêu như thế nào, tôi sẽ nói bạn là người ra sao " ( Thế
giới trẻ, số 34 /1997 );
" Có một danh nhân đã nói, đại ý rằng: " Hạnh phúc là một thứ nước hoa mà khi
ban phát cho người khác vẫn con vương lại vài giọt " ( Thanh niên, 16 / 10 /
2000 );...
Khảo sát cho thấy, việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ đang là thủ pháp tăng cường
giá trị biểu cảm được ưa dùng nhất hiện nay trên nhiều tờ báo.
7. Chơi chữ
Các trường hợp chơi chữ gặp không nhiều trong các tác phẩm báo chí. Vì so với
các thủ pháp tạo giá trị biểu cảm khác, việc chơi chữ khó khăn hơn, đòi hỏi người
viết nhiều phải có sự tìm tòi, khám phá công phu hơn. Ví dụ:
" Pháp Mỹ hợp tác hay hợp tát ? ( Nhân dân, số 73 / 1972 );
" Ẩn hoạ văn hoá " ( Hà Nội mới, Tết Nhâm Ngọ, 2002 );
" Gặp nhau đuối ... dần " ( Đầu tư, 12 / 1 /2002 );
" Nhiều người ngại đấu tranh vì họ biết rằng hậu quả họ sẽ phải gánh chịu là "
tránh đâu "... " ( Lao động, 15 / 3 /1998 );
26
" ... Cậu phải chịu ít nhất một lần tiếng chửi thề vì cán phải chân đứa đi bên
cạnh khi dừng đèn đỏ để đến cái lớp Anh văn đàm thoại; nhưng " thoại hoài mà
vẫn cứ bị loại " ( Áo trắng, số 7 / 2000 )...
Thực tế khảo sát cho thấy, trong báo chí cách mạng Việt Nam, người chơi chữ
thường xuyên, hiệu quả và tạo nên hẳn một phong cách riêng, là Chủ tịch Hồ Chí
Minh.4
Còn ở các tác giả khác, việc chơi chữ thường được dùng rất hạn chế, mang
nặng tính ngẫu hứng.
8. Dùng dấu câu
Các dấu câu cũng là những phương tiện đắc dụng trong việc tạo nên giá trị biểu
cảm cho ngôn ngữ báo chí. Song ở đây, chúng tôi chỉ bàn đến dấu ngoặc kép và
dấu chấm lửng ( dấu ba chấm ) như là hai loại dấu câu nổi bật hơn cả về phương
diện này.
Dấu ngoặc kép: Có giá trị biểu cảm cao khi báo hiệu rằng những từ ngữ nào đó
được dùng không phải với ý nghĩa hay phong cách thông dụng của chúng. Nó
mang đến cho câu văn sắc thái dí dỏm, hài hước hoặc mỉa mai, châm biếm. Ví dụ:
" Khán giả đã quá " no " với những gì được thưởng thức và đang tìm một "
món ăn " khác hợp khẩu vị hơn " ( Gia đình và Xã hội, số 100 / 2001 );
" Trong đêm xứ Lạng giá rét, chúng tôi tình cờ gặp tốp 4, 5 cô gái " tóc xù mỳ "
kiểu Hàn Quốc đứng trước quán Karaoke trên đường Đông Kinh " phát ngôn " với
những lời lẽ, thô tục..." ( Tiền phong, 9 / 1 /2002 );
" ... Tuy vậy, không phải cứ sắm máy rồi muốn bơm lúc nào thì bơm, mà còn
phải theo sự phân phối của " trưởng dãy " . Bắt đầu vào hè năm nay, ông Thắng,
trưởng khu nhà, đã " lên lịch " phân phối như sau [...]. Còn một hộ không được
bơm nhưng ngày nào cũng được " đặc quyền " dùng xô múc nước đủ dùng trong
ngày. Phân phối như thế hoá ra anh ta lại " bở " nhất. Cái bể công cộng suốt ngày
khô như rắn ráo " ( Nông nghiệp Việt Nam, 19 / 3 /2002 );
" Cũng có nghĩa rằng, dù đã rất cố gắng nhưng một lần nữa, Công an và Viện
Kiểm sát quận Kiến An lại " ôm nhầm " một văn bản không có giá trị pháp lý ( Lao
động, 24 /5 /2001 );
27
" 61% lưu học sinh Việt Nam " bốc hơi " sau khi tốt nghiệp. Họ đi đâu ? " ( Thể
thao và Văn hoá, số 12 /2001 )...
Dấu chấm lửng: tăng cường đáng kể tính biểu cảm cho ngôn ngữ báo chí khi
nó thực hiện chức năng làm giãn nhịp câu văn, báo hiệu sự bất ngờ hoặc gợi mở
các định hướng suy nghĩ khác nhau cho người đọc. Ví dụ:
" Các nam ca sỹ ngày càng ... đẹp gái " ( Thể thao và Văn hoá, 17 / 6 / 2001);
" Về thành phố mua ... cỏ " ( Lao động, 24 /5 / 2002 );
" Lời hứa cũng ... ô nhiễm " ( Lao động, 21 / 5 / 2001 );
" Tôi đi mua ... vợ " ( Gia đình và Xã hội, số 4 / 2001 );
" Nhưng đến một nơi như Kalona, làng truyền thống ở Iowa, một thành phố
miền Trung nước Mỹ mà còn dùng hàng Trung Quốc thì... " ( Tiền phong, 15 / 4 /
2002 );
" Tôi rời làng, đứng trên đồi cao nhìn xuống thấy Cam nghĩa và Cam Chính có
thân hình còng ngoặt như một dấu hỏi lớn. Dấu hỏi gieo vào giữa trời, đất, vào biết
bao nhiêu thân phận ở làng và khóc nghẹn không có câu trả lời... " ( Lao động, 29 /
3 /2001 )...
9. Dùng ẩn dụ
Ẩn dụ trong ngôn ngữ báo chí thường mang tính chất văn cảnh. Nó là sáng tạo
riêng của người viết và in đậm dấu ấn cá nhân. Ví dụ:
" Các tân binh với nỗi lo muôn thuở: trụ hạng " ( nhà báo và Công luận, số 11 /
1998 );
" Bóng đá Đức tăng quân trong cuộc chiến vùng vịnh " ( Hà Nội mới chủ nhật,
22 /2 /1998 );
" Những sáng kiến này có thể giúp Việt Nam loại bỏ những ổ gà trên con đường
trở thành " điểm đến của thiên niên kỷ mới " ( Gia đình và Xã hội, số 37 / 2002 );
'" Ở Trường sa, tình yêu của một lính đảo lặng sóng là anh em cả phòng đều vui
" ( Tiền phong, 7 / 3/ 2002 );
" Vàng trắng lên ngôi " ( Lao động, 19 / 2 / 2002 )...
Có thể nói, không theo đuổi mục đích khám phá và phản ánh thế giới một cách
hình ảnh như trong văn học nghệ thuật, nhà báo sử dụng ẩn dụ như một phương
28
tiện đối lập với khuôn mẫu, một phương tiện nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của
độc giả nhưng lại gây được ấn tượng lớn.
10. Nói dựa, trích dẫn
Ở đây, tác giả chỉ ra nguồn gốc, xuất xứ của những cách diễn đạt gợi cảm nào đó
mà anh ta vay mượn nhằm thông báo cho độc giả biết rằng: anh ta chỉ đồng tình
với những kiểu nói ấy chứ không phải chịu trách nhiệm về chất lượng của sự gợi
cảm trong chúng. Và chính cái thủ pháp nói dựa, trích dẫn như vậy đã làm cho
giọng điệu câu văn bớt đi cái sắc thái chủ quan, trở nên mềm mại, nhẹ nhàng, và
thông tin hàm chứa trong nó cũng có độ xác thực cao hơn. Ví dụ:
" Giai tầng như tôi, mua cái xe làm phương tiện bươn chải ( nói như ông Gorki,
về vai trò của văn học dân gian ) là để " cho lao động được nhẹ nhàng hơn " thì... "
( Lao động, 4/ 3 /1998 );
" Nói theo cách của nhà thơ Evgheni Evtushenko, không nên hạ thấp phụ nữ
xuống bằng ... đàn ông! " ( Văn hoá, 8 / 3 /1998 );
" Dân chúng gọi hồ là biển, lâu ngày thành quen nên gọi là Biển Hồ " ( Nhà báo
và Công luận, số 13 /1998 );
" Người đàn bà ấy tuy còn chút nhan sắc, nhưng nói theo ngôn ngữ của giới trẻ,
cũng thuộc loại quá " đát " rồi " (Tuổi trẻ Thủ đô, 12 / 3 / 2000 )...
" Tôi đi tìm mua cho con gái một chiếc đàn Organ Yamaha " made in Japan "
chính hiệu, tại một Duty Free Shop ( cửa hàng miễn thuế ) trên phố " điện tử " (
theo cách gọi của những người Việt ở đây " ( Lao động, 24 / 6 1998 )...
Khi sử dụng bất kỳ thủ pháp nào nhằm tăng cường tính biểu cảm cho ngôn ngữ
báo chí ( mà những cái kể trên chỉ là một số tiêu biểu ), người viết phải lưu ý tới
một loạt các yêu cầu như: đúng lúc, đúng chỗ, đúng liều lượng ( không phải với thể
loại báo chí nào cũng có thể vận dụng chúng; và với các thể loại có thể vận dụng
thì mức độ vận dụng cũng khác nhau )...nhưng có lẽ yêu cầu đang được đặt ra bức
thiết hơn cả là phải thể hiện sự độc lập, sáng tạo. Chính sự tìm tòi, sáng tạo sẽ sản
29
sinh ra sự mới mẻ vốn là cội nguồn của sự hấp dẫn.Thực tế cho thấy, nếu người
viết chỉ biết lặp lại người khác một cách máy móc thì các hình thức biểu cảm mà
anh ta đưa ra không chỉ mất đi dấu ấn cá nhân mà còn mất đi cả tính hiệu quả.
Chức năng biểu cảm của chúng bị vô hiệu hoá và chúng dần dần trở thành khuôn
mẫu. Trong thực tế chúng ta đã gặp không ít trường hợp như vậy. Chẳng hạn, từ
câu hát " Em ơi ,Hà Nội phố " người ta đã " tái bản " thành tiêu đề của một loạt các
bài báo khác nhau: nào là " Em ơi, Hà Nội ... mũ ", nào là " Em ơi, Hà Nội ... shop
", rồi thì " Em ơi , Hà ... lội nước ", v . v.; rồi từ tiêu đề truyện ngắn " Có một đêm
như thế " của Nguyễn Thị Minh Thư người ta đã cải biên thành " Có một tập thể
như thế ", " Có một lò võ như thế ", " Có một kiểu đào tạo cán bộ như thế "...Đối
với các trường hợp kiểu này, chỉ có vay mượn lần đầu tiên là được người đọc
hưởng ứng, vì nó độc đáo và mới lạ. Còn sự lặp lại lần thứ hai, lần thứ ba...rất dễ
gây cảm giác nhàm chán.
Chú thích
1. Nguyễn Thị Thanh Hương, Một vài suy nghĩ về " tiếng Hà Nội " ngày nay
trong báo chí viết cho thanh thiếu niên, trong: Kỷ yếu Hội thảo khoa học: " Tiếng
Hà Nội trong mối quan hệ với tiếng Việt và văn hoá Việt Nam ", H., 2002.
2. Xem bài " Việc sử dụng chất liệu văn học trong tác phẩm báo chí ".
3. Xem bài " Việc sử dụng thành ngữ - tục ngữ trong tác phẩm báo chí ".
4. Viện Ngôn ngữ học, Học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh,
NXB Khoa học xã hội, H., 1980.
( Bài đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống , số 7 / 1998 )
30
VIỆC SỬ DỤNG CHẤT LIỆU VĂN HỌC TRONG TÁC PHẨM
BÁO CHÍ
Khi nói về mối quan hệ qua lại hết sức mật thiết giữa văn học và báo chí, không
thể bỏ qua một khía cạnh rằng: văn học chính là nguồn chất liệu dồi dào và quí giá
cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí.
Thực vậy, trong các tác phẩm báo chí thuộc nhiều thể loại khác nhau, chúng ta
thường xuyên bắt gặp vô số các chất liệu văn học. Các chất liệu này, nếu được
dùng đúng chỗ và đúng liều lượng, luôn mang lại giá trị to lớn: đó là làm cho bài
báo trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ lĩnh hội, hay nói một cách ngắn gọn là đạt hiệu
quả giao tiếp cao hơn.
Khảo sát sơ bộ cho thấy, việc sử dụng chất liệu văn học trong báo chí thường
được thực hiện theo một số kiểu cơ bản sau đây:
1. Mượn cốt truyện hoặc tình tiết từ tác phẩm văn học.
Ở đây, xảy ra hai khuynh hướng:
a, Kể lại ( thường là ở dạng tóm tắt ) toàn bộ cốt truyện hay chỉ là một tình
tiết của tác phẩm văn học, để tạo cơ sở liên hệ, so sánh. Rồi từ đó, nói về một
vấn đề, một sự kiện hiện tại có những nét tương tự. Ví dụ:
" Lại nói Quan Công trên đường trở về với Lưu Bị, qua 4 cửa ải đã giết 5 tướng
Tào. Bây giờ đang đi đến cửa sông Hoàng Hà, Tân Kỳ ra chặn đường .Quan Công
bảo:" Ta đã giết những đứa ngăn trở ta giữa đường, mi có biết không? ". Kỳ đáp:
" Mi chỉ giết được các tướng hèn, vô danh, chứ mi dám đụng đến ta à? ". Quan
Công hỏi: "Mày đã bằng Nhan Lương, Văn Sú chưa? ". Tân Kỳ cả giận, tế ngựa
lại đánh. Chưa được một hiệp, đao Quan Công vừa giơ lên, đầu Tân Kỳ đã rơi
xuống lăn long lóc dưới mặt đất. .....
Nay trở lại với VCK U. 16 Châu Á vừa kết thúc tại Đà Nẵng. Tuyển U. 16 Việt
Nam đã vượt qua các cửa ải của bảng A để lọt vào vòng bán kết gặp Iran. Nhưng
hỡi ôi!..."
( Lao động , 22 / 9 / 2000 )
31
Trong các bài viết thuộc loại này, chính sự chuyển đổi bất ngờ từ quá khứ sang
hiện tại và sắc màu tương phản giữa cổ và kim đã tạo nên sự thú vị cho độc giả. Họ
vừa được "gợi nhắc " về tích cũ, vừa được tiếp nhận thông tin mới liên quan tới
một vấn đề bức xúc nào đó trong xã hội.
b, Đưa vào cốt truyện ( chủ yếu là của các tác phẩm văn học cổ ) những tình
tiết, dữ liệu hiện đại.
Nói cách khác, trên cái khung của cốt truyện cổ người ta đã đắp vào những
mảng hiện thực thời nay. Ví dụ:
" Roãn Tháu lúc nhỏ học ông Trịnh Duân, cốt là theo nghề khoa cử. Khoa
thi nọ, đến bộ môn văn đầu bài ra câu luận " Chu Nguyên Hựu chư thần ", tức là
luận về sự giết bầy tôi đời Nguyên Hựu, ý sâu xa là muốn nâng cao vai trò của ông
vua lúc đó là Tịnh Khang lên, dìm đời vua trước đã lâu là Triết Tôn xuống.
Roãn Tháu đỗ điểm cao, loanh quanh được bổ về làm giám đốc một nông
trường.
Tự dưng có mấy gia đình nghèo từ xa đến khai phá đất hoang ở cạnh nông
trường của Roãn Tháu, loanh quanh chỉ mấy năm mà vùng đất hoang vu, khô cằn
nọ trở nên xanh tốt. Thấy vậy, Roãn Tháu nổi tà tâm, mang bản đồ đến doạ những
người ít chữ, bảo là họ đã chiếm đất của nông trường, mấy người dân cày không
biết hư thật đành dọn đến vùng hoang vu gần đó. Roãn Tháu chiếm vườn tược của
họ làm đất riêng của mình.
Như cái kim trong bọc, đến ngày nọ nó phải lòi ra..."
( Lao động, 29 / 9 / 2000 )
Ở bài viết kiểu trên, sự đan xen giữa tích cũ và chuyện mới không chỉ làm gia
tăng sức biểu cảm của ngôn từ, mà còn làm cho sự phê phán hay mỉa mai, châm
biếm trở nên thâm thuý mà vẫn nhẹ nhàng, dễ tiếp nhận hơn...
Nhìn chung, việc mượn cốt truyện hay tình tiết từ tác phẩm văn học thường
được dùng trong các dạng bài như bình luận, phóng sự, ghi chép, bút ký và tiểu
phẩm.
2, Mượn hình ảnh các nhân vật văn học
32
Đây là hình ảnh của các nhân vật văn học vốn từ lâu đã trở nên quen thuộc,
gần gũi với quảng đại quần chúng, tới mức người viết báo có thể viện dẫn chúng
như là biểu tượng của những đặc điểm, tính chất nào đó mà không cần chú giải.
Chẳng hạn: Sở Khanh là hiện thân của sự lừa lọc, xảo trá trong tình yêu; Chí Phèo
tiêu biểu cho những kẻ lưu manh, côn đồ, luôn sẵn sàng "gào làng ăn vạ "; Tú Bà
là tên gọi chung cho những kẻ buôn bán thân xác phụ nữ....
Ví dụ:
- " Người đàn ông ấy,nổi tiếng là một Don Juan (Đông Gioăng), đã cưới vợ
tới lần thứ ba, và cũng như tổ tiên ông ta, có một hậu cung chứa toàn gái đẹp
trong lâu đài của mình ở Bom bay ".
( An ninh thế giới, 7/ 9/ 2000)
" Nhưng cứ sống như cô bé 22 tuổi đầu người Sơn La, bị mụ Hoạn Thư
người Nam Định thuê người tạt axit đến mù một mắt, rúm ró khuôn mặt cũng cầm
bằng như đã chết ".
(Văn nghệ trẻ, 8 / 6 / 2000)
" Làng tôi thay đổi nhanh quá. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn Kiến An như con cá vàng người làng tôi vừa bắt được ".
(Văn nghệ, 16 / 9 / 2000)
...Keegan cũng có thể gọi trở lại Lesaux, tiền vệ trái đang hồi phục phong
độ của Chelsea, để quán xuyến hành lang bên trái vốn là "gót chân A sin " của đội
tuyển Anh.
(Gia đình và Xã hội, số 89 / 2000)
- " Má già " mafia.
(Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh, 11 / 1 / 2001)
-Cái chết của " con nai vàng "17 tuổi.
(An ninh Thủ đô, 6 / 6 / 1999)
Những trường hợp vay mượn kiểu này không chỉ gặp trong các bài viết
thuộc thể ký và bình luận, mà còn có mặt ở cả thể loại tin. Chúng giúp tác giả kiệm
lời tới mức tối đa mà vẫn khắc hoạ được chân xác và đầy gợi cảm một con ngươì
hay một sự việc nào đó.
33
3. Mượn từ ngữ, lối nói từ các tác phẩm văn học
Các chất liệu văn học thuộc loại này được sử dụng hết sức rộng rãi và linh
hoạt. Chúng có thể đứng ở bất kỳ chỗ nào trong kết cấu của bài viết, từ tiêu đề cho
đến các câu trong đoạn văn.
Ở tiêu đề, ví dụ: " Hôm qua em đi tỉnh về..."( Công an Thành phố HCM. , 26
/1 2 / 2000) ; " Quê hương nếu ai không nhớ..."(Hà Nội mới, Tết Mậu Dần ); "
Tình trong như đã.. " (Gia đình, số 5 / 2001); " Hai nửa vầng trăng " ( Lao động, 5
/ 12 / 2000 ); " Càng ngắm càng say " (Nhân dân hàng tháng, số11 / 1998)...Ở các
vị trí khác, ví dụ: " Mải miết đi hoài, ngoảnh trông lại, bất giác đoạn " Đà Giang
độc bắc lưu " vụt hiện ra ngang tầm mắt, ấy là lúc chúng tôi gặp bản người Dao
lấp ló trên các sườn đồi " (Quân đội Nhân dân, 5/ 3 / 2000); " Về Đông Hồ bây giờ
thấy Phà Hồ nhộn nhạo, những " cát trắng phẳng lì " của thi sĩ Hoàng Cầm xưa
đã bị đào bới bởi đội quân gánh cát thuê " (Văn nghệ trẻ, 6 / 1 / 2000); "...vườn
tược là một khái niệm xa xỉ ở "mảnh đất lắm người nhiều xe " này..." ( Sinh viên,
số17/ 2000); "Bên cạnh đó, căn bệnh "thương nhớ đồng quê "của người xa xứ
cũng đã len lỏi vào bảng hiệu, hàng loạt nhà hàng, quán bar có những cái tên
như: Miền quê, Mái lá, Làng tôi, Tao ngộ..." (Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh, số90/
2000); "...Thuê nhà có nghĩa là chỉ ăn tạm ở nhờ một thời gian nhất định nào đó,
làm gì cần tình làng nghĩa xóm dài lâu, vì thế quân " đạo chích " nhiều khi ở ngay
sát vách nhưng người thuê cũng không biết mặt và dù " liền dậu mùng tơi " thì
chúng cũng chẳng kiêng nể gì..." ( Phóng sự Thái Minh Châu, NXB Lao động, Hà
Nội, 1999)...
Các từ ngữ, lối nói được vay mượn từ các tác phẩm văn học, như đã thấy, có
thể là thơ mà cũng có thể là văn xuôi ( và tuỳ từng tình huống cụ thể mà chúng
được giữ nguyên dạng hoặc cải biên chút ít ). Tuy nhiên, thơ có vẻ chiếm ưu thế, vì
giữa những dòng chữ khô khan bề bộn thông tin, sự xuất hiện của những vần thơ
làm cho giọng văn trở nên mềm mại, nhẹ nhàng và có sức truyền cảm lớn hơn so
với văn xuôi.
Giá trị của thơ còn được bộc lộ rõ nét và đầy đủ hơn, khi trong một số tác
phẩm ( đặc biệt là phóng sự , ghi chép ) có những tác giả đã trích dẫn không phải
34
chỉ một câu thơ ( hay từ ngữ nằm trong phạm vi một câu thơ ), mà hẳn cả một đoạn
thơ. Ví dụ:
" Hàng ngày trên các tuyến đường sắt nước ta, có bao nhiêu " thương gia tí
hon ", những thương gia chân chính đang làm ăn bằng đạo lý nghề nghiệp như
thằng Nam?...Nghĩ về các em, lại thấy những câu thơ xưa của Tế Hanh chưa cũ:
Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu
Nghìn đời không đủ sức đi mau
Có chi vương vấn trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau..."
(Thương mại, số 1, 2 / 1992)
" Côn Sơn ngút ngàn trong sương khói mưa bay và trùng điệp núi non đầy
chất thơ, cái chất thơ đầy ngọt ngào sâu lắng lãng mạn của Côn Sơn đã làm một
Nguyễn Trãi mê đắm:
Côn Sơn có suối nước trong
Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm
Côn Sơn có đá tần vần
Mưa tuôn đá sạch ta nằm ta chơi
Côn Sơn thông tốt ngất trời
Ngả nghiêng dưới bóng ta thời tự do..."
( Phóng sự Thái Minh Châu, Hà Nội, 1999)
Những đoạn thơ trên nhờ khả năng biểu cảm của mình, đã minh hoạ một
cách sống động và hình ảnh các ý tưởng của tác giả. Thêm vào đó, chúng lại chiếm
những vị trí độc lập trong bố cục của bài viết, cho nên đã tạo điều kiện cho độc giả
được nghỉ ngơi thư giãn, giải toả bớt căng thẳng trong quá trình đọc, và điều này
có nghĩa là hiệu quả tiếp nhận thông tin sẽ cao hơn.
Như vậy là chúng ta đã điểm qua đôi nét về việc sử dụng chất liệu văn học
trên báo chí. Ở đây, tất nhiên, còn có thể bàn đến cả những hiện tượng dùng bút
pháp văn học khi viết báo. Nhưng do khuôn khổ bài viết có hạn, mà vấn đề này lại
quá lớn, nên chúng tôi tạm thời gác lại. Hy vọng, nó sẽ là chủ đề của một bài viết
riêng sau này. ( Bài đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 7 / 2001 )
35
VỀ CÁCH SỬ DỤNG THÀNH NGỮ - TỤC NGỮ TRÊN BÁO CHÍ
Hiện nay, trong số các thủ pháp nhằm tạo giá trị biểu cảm cho ngôn ngữ báo chí,
việc sử dụng thành ngữ tục ngữ đang được xem là thủ pháp phổ cập nhất và cũng
hiệu quả nhất. Nguyên do là bởi thành ngữ - tục ngữ có những ưu thế nổi trội như:
phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức; giàu hình ảnh, dễ sử dụng; và đặc
biệt là có một số lượng lớn tới hàng ngàn đơn vị ( con số 12.000 thành ngữ - tục
ngữ trong cuốn " Từ điển thành ngữ - tục ngữ Việt Nam " của Vũ Thuý Anh, Vũ
Quang Hào- công trình sưu tập được xem là lớn nhất từ trước tới nay, chưa hẳn đã
là con số cuối cùng )1
...
Nhìn chung, thành ngữ - tục ngữ trong các tác phẩm báo chí được dùng dưới hai
hình thức cơ bản sau đây:
I. GIỮ NGUYÊN DẠNG
Ở đây các thành ngữ - tục ngữ được dùng nguyên vẹn cả cấu trúc như chúng vốn
có, không bị thêm hoặc bớt các thành tố nào đó, ví dụ:
" Nguyên tắc " buôn có bạn, bán có phường " được tôn trọng sẽ là nền tảng cho
sự phát triển bền vững và cùng có lợi trong thế giới cạnh tranh sôi động này "
( Sinh viên Việt Nam, 14 / 8 / 2001 );
" Nói tóm lại, chuyện đội mũ bảo hiểm hoá ra không đơn giản chút nào. Cả nước
xôn xao bàn chuyện mũ... Vì sao các nước họ cũng quy định đội mũ bảo hiểm mà
chẳng gây ra dư luận gì mạnh lắm nhỉ ? Thì ra " mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi
cảnh ". Nước người đi mô tô chỉ loáng thoáng... Còn ở ta, xe máy như ốc bươu
vàng " ( Lao động, 15 / 5 / 2001 );
" Chính vì vậy mà hàng loạt ca sĩ Hà Nội đã khăn gói quả mướp vào Nam lập
nghiệp với lý do " đất lành chim đậu " để mong kiếm danh lợi ". ( Hà Nội mới, Tết
2002 );
" Nghĩ con trai như cái nơm, bạ đâu úp đó, chỉ tội con gái mình, lỡ duyên hết
phận. Mặc dù hết sức buồn và nhục, nhưng máu chảy ruột mềm, không thể đẩy con
ra đường" ( Nông nghiệp Việt Nam, 25 / 4 / 2002 );
36
" Thế là tình trạng " trống đánh xuôi, kèn thổi ngược " diễn ra, khiến nhiều cặp
vợ chồng ẩu đả liên tục " ( Thế giới phụ nữ ", 21 / 7 /2001 );
" Với một bản di chúc lằng nhằng như của ông Thiệp thì giải quyết giỏi đến thế
nào cũng chỉ là cách... " giật gấu vá vai " mà thôi ( Tiếp thị và Gia đình , 4 / 4 /
2002 );
" Chỉ những kẻ bẻ cong chân lý mới " cố đấm ăn xôi " dựng nên những trò bịp
bợm ( Nhân dân, 6 / 2 / 2002 );
" Chi gần như là nữ tài xế " độc nhất vô nhị " khi có hai bằng đại học ( An ninh
thế giới, 3 / 2002 ).
Thực tế khảo sát cho thấy, những thành ngữ được giữ nguyên dạng chủ yếu là
thành ngữ 4 hoặc 6 yếu tố.
II. KHÔNG GIỮ NGUYÊN DẠNG
Việc không giữ nguyên dạng thành ngữ - tục ngữ thường diễn ra theo một số
kiểu sau đây:
1. Hoán đổi vị trí các yếu tố
Đây là những trường hợp mà số lượng các yếu tố trong thành ngữ vẫn được giữ
nguyên, chỉ có vị trí của chúng trong cấu trúc bị sắp xếp lại. Ví dụ:
" Do ngày càng " của khó người khôn " nên Minh đã không tìm ra được công
việc như chị muốn " ( An ninh thế giới cuối tháng, 3 / 2 /2002 );
( Nguyên dạng là " người khôn của khó " ).
" Những lời dặn dò như vậy, chắc chắn anh ta phải " khắc cốt ghi xương " chú
làm sao quên được ( Hà Nội ngày nay, số 5 / 2000 );
( Nguyên dạng là " ghi xương khắc cốt " ).
" Vùng quê nghèo xơ xác xưa kia giờ đã " thay thịt đổi da " khiến chúng tôi ngỡ
mình bị lạc ( Gia đình, số 4 / 2002 ).
( Nguyên dạng là " thay da đổi thịt " ).
Sự hoán đổi vị trí các yếu tố thường chỉ gặp trong các thành ngữ 4 yếu tố có cấu
trúc đối ngẫu cặp đôi ( tức là có hai vế tương ứng ). Đó có thể sự hoán đổi vị trí
của các cặp yếu tố ( người khôn / của khó > của khó / người khôn; ghi xương /
khắc cốt > khắc cốt ghi xương ), mà cũng có thể là sự hoán đổi vị trí của từng yếu
37
tố đơn lẻ như thay da / đổi thịt > thay thịt / đổi da, tuy nhiên, trường hợp đầu hay
gặp hơn trong thực tế.
2. Cải biên các yếu tố
Người ta thường cải biên các yếu tố trong thành ngữ - tục ngữ theo hai cách
chính như sau:
a. Mở rộng cấu trúc
Tức là trên cơ sở giữ lại tất cả các yếu tố gốc, tác giả cho thêm vào cấu trúc
thành ngữ - tục ngữ các yếu tố mới nhằm nêu rõ chủ đề tác phẩm hoặc hoặc các ý
tưởng mình định thể hiện. Ví dụ:
" Thuốc đắng liệu có dã tật? " ( Quốc tế, số 29 / 2002 );
" Mang con bỏ giữa chợ đời " ( Nhân dân, 15 / 1 / 1998 );
" Cái khó không bó cái khôn " ( Hà Nội mới, 12 / 5 / 2000 );
" Con hát mẹ đừng vội khen hay " ( Hà Nội mới, 3 / 4 / 2001 );
" Trước sau... không như một " ( Lao động, 23 / 5 /2001 ).
Các yếu tố mới có thể nằm ở các vị trí khác nhau xét theo quan hệ với thành ngữ
gốc, nhưng chủ yếu là trong nội tại cấu trúc của nó với vai trò chêm xen.
b. Thay yếu tố cũ bằng yếu tố mới
Đây là những trường hợp mà trong thành ngữ - tục ngữ nguyên gốc sẽ có một
hoặc một số yếu tố nào đó bị thay bằng các yếu tố mới do tác giả tự nghĩ ra. Ví dụ:
" Bình mới, rượu quá đát! ( Pháp luật, 17 / 5 /2002 );
" Phép nước thua... lệ trường " ( An ninh thế giới, 12 / 9 / 2001 );
" Để mọi người được vui xuân với tinh thần " lá rách ít đùm lá rách nhiều..."
( Công an nhân dân, 15 / 3 / 2002 );
" Cháy nhà mới ra mặt... tham nhũng " ( lao động, 19 / 2 / 2001 );
" Vừa đốt nhà vừa la hàng xóm " ( Nhân dân, 17 / 8 /2 2001 );
" Con sâu làm rầu... rừng thông " ( Lao động, 12 / 9 / 2002 );
" Tay ông run run rót cốc nước mời tôi và ông nói trong mỏi mệt: " Chú ơi, tre
già, măng gãy " ( Nông nghiệp Việt Nam, 25 / 4 / 2002 );
" Nói có... tài liệu, mách lại có... hình ảnh " ( Tiền phong, 12 / 4 / 2002 ).
38
Các ví dụ trên cho thấy, việc thay thế không nhất thiết phải theo quan hệ 1 - 1,
mà nó có thể được thực hiện đồng thời với sự mở rộng, tức là các yếu tố mới được
đưa vào nhiều hơn các yếu tố cũ bị cắt đi.
c. Tách các yếu tố ra khỏi cấu trúc
Nếu trong hai cách cải biên nói trên, bất chấp mọi sự thay đổi, thêm bớt, cấu trúc
nguyên gốc của thành ngữ - tục ngữ vẫn giữ vai trò hạt nhân, thì ở trong trường
hợp thứ ba này cấu trúc ấy đã bị phá vỡ: các yếu tố ( hay các vế ) của nó trở thành
những bộ phận riêng rẽ, chỉ đóng vai trò phụ trợ trong câu văn. Ví dụ:
" Người ta cứ thấy " của rẻ " là ham mà không biết rằng nhiều khi đó còn là "
của ôi " nữa ( Lao động, 1 / 2 / 2001 );
" Sau một thời gian dài " lên voi ", hắn không thể nghĩ là có lúc mình lại phải "
xuống chó " như thế này ( An ninh Thủ đô, 17 / 3 /1999 );
" Sở dĩ có tình trạng " béo cò " hết sức phi lý như trên là bởi thời gian qua, trong
lĩnh vực sử dụng nhà đất, các cơ quan chức năng đã thường xuyên làm " đục nước
" bằng việc buông lỏng quản lý hay phối hợp với nhau không đồng bộ " ( Gia đình,
số 6 / 2001 )...
Dễ dàng nhận thấy, các thành ngữ - tục ngữ bị cải biên hầu như bao giờ cũng
mang sắc thái đánh giá tiêu cực. Thông qua chúng, tác giả thể hiện thái độ phê
phán hay của mình ( đôi khi núp dưới cái vỏ hài hước, châm biếm ) trước các sự
việc hiện tượng nào đó trong xã hội.
1. Lược bớt các yếu tố
Có lẽ, đây cũng là một dạng của cải biên. Chỉ có điều, tác giả không đưa thêm
bất kỳ yếu tố mới nào vào trong cấu trúc gốc, mà ngược lại, còn bớt đi một bộ
phận ( thường là một vế ) của nó. Ví dụ:
" Vẫn biết là " thương cho roi cho vọt " nhưng khi tình thương này đến mức tổn
hại cả về thể chất và tinh thần thì nó trở thành mối quan tâm của toàn xã hội "
( Lao động, 7 / 3 /2002 );
" Nhưng " hoạ vô đơn chí ", bên cạnh những lời cáo buộc ấy còn có những lời
chỉ trích không kém phần gay gắt " ( Tuổi trẻ, 6 / 3 / 2001 );
39
" Đâu rồi dáng thầy cần cù sớm hôm, đâu rồi bảng đen phấn trắng, và bạn bè -
đứa nhút nhát, đứa tinh nghịch với những trò " nhất quỷ nhì ma ..." ( Áo trắng, 15 /
11 / 2001 );
" Bán tự vi sư... " ( Văn hoá, 7/ 3/ 2000 );
" Nước sạch - không thể cha chung " ( Hà Nội mới, 5 / 9 /2001 );
" Miệng nam mô... " ( Nhân dân, 29 / 5 /2001 )...
Hiện tượng lược bớt các yếu tố chủ yếu xảy ra đối với tục ngữ. Nguyên do là tục
ngữ thường gồm hai vế, mỗi vế là một cấu trúc khá trọn vẹn về cú pháp và diễn đạt
tương đối hoàn chỉnh một ý nghĩa nào đó, cho nên việc đưa ra một vế của tục ngữ
vào câu văn không cản trở quá trình nhận thức của người đọc, mà ngược lại, còn
giúp cho họ hiểu rõ hơn định hướng thông tin của người viết trong khi vẫn có
những liên tưởng nhất định về câu tục ngữ nguyên gốc. Còn với thành ngữ, nếu ta
lược bớt một bộ phận hay một vế nào đó, thì chỉnh thể của nó thường sẽ bị phá vỡ
cả về hình thức lẫn nội dung, và do vậy, cả giá trị thông tin, cả giá trị biểu cảm của
phần cònlại đều giảm sút đáng kể ( thậm chí không còn tính hình ảnh, hàm súc ) so
với nguyên gốc.
Nhân đây, cần phải nói rằng các thủ pháp cải biên hay lược bớt các yếu tố của
thành ngữ - tục ngữ nêu trên không phải lúc nào cũng được sử dụng riêng rẽ và
thuần nhất; có những tình huống chúng được kết hợp với nhau, chẳng hạn:
" Gần nhà đèn mà vẫn tối " ( Nhân dân, 30 / 3 /2001 ).
( Vừa lược bớt một vế " gần mực thì đen ", vừa cải biên vế còn lại bằng cách
thay các yếu tố cũ bằng các yếu tố mới: " đèn " thành " nhà đèn ", " thì sáng "
thành " mà vẫn tối " ).
" Nghĩ về thực trạng nền bóng đá Việt Nam hiện nay, chúng ta không khỏi
chạnh lòng: Tre thì đã già mà măng dường như lại đang chết yểu vì bệnh ngôi sao
" ( Thể thao và Văn hoá, 17 / 8 /2000 ).
( Vừa cải biên yếu tố " mọc " thành " chết yểu ", vùa thêm các yếu tố mới " thì
đã ", " dường như lại đang... " ).
Nư vậy, trong các tác phẩm báo chí, thành ngữ - tục ngữ được sử dụng dưới rất
nhiều các dạng thức khác nhau. Đây là kết quả sáng tạo của nhà báo trong các ngữ
40
cảnh cụ thể và ứng với các mục đích cụ thể. Tuy nhiên, để có sự sáng tạo ấy, nhà
báo cần phải phải hiểu biết sâu rộng về thành ngữ - tục ngữ. Và điều này cũng có
nghĩa là họ không được phép xem nhẹ việc thường xuyên nghiên cứu học hỏi
nhằm mở rộng thêm kiến thức về di sản văn hoá dân gian vô giá này.
Chú thích
1. Vũ Thuý Anh, Vũ Quang Hào, Từ điển thành ngữ - tục ngữ Việt Nam, NXB.
Văn hoá - Thông tin, H., 2000.
2. Vũ Quang Hào, Về biến thể của thành ngữ, tục ngữ, Tạp chí " Văn hoá dân
gian ", H., 1992, số 1.
3. Nguyễn Văn Hằng, Thành ngữ bốn yếu tố trong tiếng Việt hiện đại, NXB.
Khoa học xã hội, H., 1999.
4. Nguyễn Thị Thanh Hương, Khai thác chất liệu văn học dân gian trong việc
đặt tên bài báo, Tạp chí " Nghề báo ", TP. HCM., 2003, số 1.
( Bài đăng trên Tạp chí Nghề báo, số 4 / 2002 )
41
CHƠI CHỮ TRÊN BÁO CHÍ
Chơi chữ, theo Từ điển tiếng Việt là "Dùng các hiện tượng đồng âm, đa nghĩa,
v. v. trong ngôn ngữ nhằm gây một tác dụng nhất định (như bóng gió, châm biếm ,
hài hước...) trong lời nói".1
Đây là một thủ pháp tạo giá trị biểu cảm cho ngôn từ
khá hiệu quả; nhờ nó, lời nói của chủ thể phát ngôn trở nên sinh động, hấp dẫn và
sâu sắc hơn, để lại dấu ấn nhất định trong lòng người nghe, người đọc.
Trong báo chí, việc chơi chữ diễn ra dưới nhiều dạng thức khác nhau. Song,
nhìn chung, có thể khái quát chúng thành một số kiểu cơ bản như sau:
1. Bóc tách các thành tố của từ nguyên khối (thường là từ 2 âm tiết) thành
những từ độc lập. Ví dụ:
"Những kẻ chỉ đào mà không tạo" (Văn nghệ trẻ, 13 / 5 / 2001);
"Sông Tô mà chẳng lịch" (Phụ nữ Thủ đô, 17 / 6 / 1999);
"Hội ít mà thảo nhiều" (Văn hoá, 1/ 3 / 1998);
"... Thời " oanh" đã qua, nay tới thời "liệ " (Thế giới, 25 / 3 / 2002);
"Tín vượt... ngưỡng" (Hà Nội mới, Tết, 2202);
"Có "toà" mà chưa có "án" (Gia đình và Xã hội, số 47 / 2000);..
Thực tế khảo sát cho thấy, trong đa số các trường hợp, quan hệ về mặt ý nghĩa
giữa các thành tố bị bóc tách là quan hệ tương phản. Vì thế, giữa chúng thường có
sự hiện diện của những quan hệ từ như mà, nhưng. Còn kiểu bóc tách "không
tương phản" như sau rất hiếm khi gặp: "Những năm ở đưòng 7, sáng có quen biết
một tài xế người Bắc rồi hai người bén duyên nhau. đúng là anh "tài" đã "xế " vào
cuộc đời Sáng..." ( Tiền phong, 17 / 2 /2002 ).
Việc chơi chữ theo kiểu bóc tách có thể được khái quát hoá thành mô hình như
sau:
AB -> A cx B
Trong đó: A và B là hai âm tiết của từ nguyên khối, cx là bộ phận chêm xen.
Có lẽ ở đây cũng cần phải nói thêm rằng bộ phận chêm xen không nhất thiết lúc
nào cũng phải là từ ngữ; có khi nó được thể hiện bằng dấu câu, ví dụ:
"Những chuyến xe "hành"... khách" (Hà Nội mới cuối tuần, 28 / 5 / 1995).
42
2. Dùng các cấu trúc đối nhau về ý nghĩa. Ví dụ:
" Trường thọ đang ... giảm thọ" (Lao động, 14 / 5 /2001);
"Sinh nhật - sinh chuyện..." (Hà Nội mới chủ nhật, 22 / 2 /1998);
"Hoá đơn đỏ trên thị trường đen" (Thanh niên, 19/ 4 /1999);
"Sông Bé đã trở thành "sông lớn" ?(Thanh niên, 11 / 4 / 2000);
"Sầu riêng với nỗi buồn chung"... (Phụ nữ Việt Nam, 25 / 6 /1999);...
Để xây dựng các cấu trúc như vậy, người ta thường sử dụng các cặp từ trái
nghĩa (đỏ - đen, bé - lớn, riêng - chung,...). Trong mỗi ví dụ trên, cả hai thành tố
của cặp từ trái nghĩa đều có mặt; song cũng có những trường hợp chỉ có một thành
tố xuất hiện, chẳng hạn:
"Công ty vô trách nhiệm vô hạn" (Gia đình và Xã hội, số 33 / 2002).
"Công ty trách nhiệm hữu hạn" là cụm từ có tính phổ cập rất cao, vì thế khi
người đọc gặp cụm từ "Công ty vô trách nhiệm vô hạn" họ hiểu ngay rằng đây
chính là sản phẩm thu được nhờ sự cải biên cụm từ đầu.
Mô hình khái quát:
A ----- (- A)
Trong đó: (- A) là từ trái nghĩa với A.
Tuy nhiên ở đây cũng cần phải nói thêm là A và (- A) có thể là những từ trái
nghĩa hoàn toàn, mà cũng có thể là những từ chỉ trái nghĩa trong những ngữ cảnh
nhất định nào đó (Sinh nhật - sinh chuyện).
3. Sử dụng phép đồng âm giữa các từ
Đây là kiểu chơi chữ hết sức phổ cập. Có thể chia nó thành một số dạng chính
như sau:
a, Dùng các thành tố đồng âm hoàn toàn
Các thành tố này có thể biểu thị các từ khác nhau (đây là những từ đồng âm
khác nghĩa), ví dụ:
"Tiếng than từ vùng than" (Lao động, 12 / 3 / 2002);
"Từ màn bạc đến két bạc" (Tiền phong, 12 / 8 / 1998);
43
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media

More Related Content

What's hot

LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...
LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...
LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...OnTimeVitThu
 
Vùng văn hóa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ
Vùng văn hóa đồng bằng châu thổ Bắc BộVùng văn hóa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ
Vùng văn hóa đồng bằng châu thổ Bắc BộHoàng Mai
 
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nayLuận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nayViết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
[Quản trị thương hiệu] Phân tích thương hiệu Biti's
[Quản trị thương hiệu] Phân tích thương hiệu Biti's[Quản trị thương hiệu] Phân tích thương hiệu Biti's
[Quản trị thương hiệu] Phân tích thương hiệu Biti'sVu Huy
 
Bài tiểu luận tư tưởng hồ chí minh
Bài tiểu luận tư tưởng hồ chí minhBài tiểu luận tư tưởng hồ chí minh
Bài tiểu luận tư tưởng hồ chí minhHuynh Loc
 
Bai 2 mo hinh nghien cuu va kiem dinh su tin cay thang do
Bai 2 mo hinh nghien cuu va kiem dinh su tin cay thang doBai 2 mo hinh nghien cuu va kiem dinh su tin cay thang do
Bai 2 mo hinh nghien cuu va kiem dinh su tin cay thang doNghiên Cứu Định Lượng
 
Chương 2: PR (Hoạch định chiến lược PR)
Chương 2: PR (Hoạch định chiến lược PR)Chương 2: PR (Hoạch định chiến lược PR)
Chương 2: PR (Hoạch định chiến lược PR)Zelda NGUYEN
 
Kế hoạch truyền thông mẫu
Kế hoạch truyền thông mẫuKế hoạch truyền thông mẫu
Kế hoạch truyền thông mẫuThanh Vân Trần
 
Chương 4: PR (Quan hệ Báo chí)
Chương 4: PR (Quan hệ Báo chí)Chương 4: PR (Quan hệ Báo chí)
Chương 4: PR (Quan hệ Báo chí)Zelda NGUYEN
 
Mẫu quyết định (kỹ thuật soạn thảo văn bản)
Mẫu quyết định (kỹ thuật soạn thảo văn bản)Mẫu quyết định (kỹ thuật soạn thảo văn bản)
Mẫu quyết định (kỹ thuật soạn thảo văn bản)Học Huỳnh Bá
 
bản kế hoạch PR sản phẩm nước tinh khiết nhãn hiệu Dasani - nhóm hello
bản kế hoạch PR sản phẩm nước tinh khiết nhãn hiệu Dasani - nhóm hellobản kế hoạch PR sản phẩm nước tinh khiết nhãn hiệu Dasani - nhóm hello
bản kế hoạch PR sản phẩm nước tinh khiết nhãn hiệu Dasani - nhóm helloNgọc Bích
 
giáo trình cơ sở văn hóa việt nam
giáo trình cơ sở văn hóa việt namgiáo trình cơ sở văn hóa việt nam
giáo trình cơ sở văn hóa việt namMChau NTr
 
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdfGiao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdfMan_Ebook
 

What's hot (20)

LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...
LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...
LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...
 
Vùng văn hóa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ
Vùng văn hóa đồng bằng châu thổ Bắc BộVùng văn hóa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ
Vùng văn hóa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ
 
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nayLuận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay
 
[Quản trị thương hiệu] Phân tích thương hiệu Biti's
[Quản trị thương hiệu] Phân tích thương hiệu Biti's[Quản trị thương hiệu] Phân tích thương hiệu Biti's
[Quản trị thương hiệu] Phân tích thương hiệu Biti's
 
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong văn học hiện đại hàn quốc
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong văn học hiện đại hàn quốcLuận văn: Hình tượng người phụ nữ trong văn học hiện đại hàn quốc
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong văn học hiện đại hàn quốc
 
Bài tiểu luận tư tưởng hồ chí minh
Bài tiểu luận tư tưởng hồ chí minhBài tiểu luận tư tưởng hồ chí minh
Bài tiểu luận tư tưởng hồ chí minh
 
Bai 2 mo hinh nghien cuu va kiem dinh su tin cay thang do
Bai 2 mo hinh nghien cuu va kiem dinh su tin cay thang doBai 2 mo hinh nghien cuu va kiem dinh su tin cay thang do
Bai 2 mo hinh nghien cuu va kiem dinh su tin cay thang do
 
Đề tài: Tiểu luận Chính sách tài khóa- giải pháp và thực trạng, HAY
Đề tài: Tiểu luận Chính sách tài khóa- giải pháp và thực trạng, HAYĐề tài: Tiểu luận Chính sách tài khóa- giải pháp và thực trạng, HAY
Đề tài: Tiểu luận Chính sách tài khóa- giải pháp và thực trạng, HAY
 
200 đề tài luận văn về ngành báo chí, HAY
200 đề tài luận văn về ngành báo chí, HAY200 đề tài luận văn về ngành báo chí, HAY
200 đề tài luận văn về ngành báo chí, HAY
 
Biên bản họp nhóm
Biên bản họp nhómBiên bản họp nhóm
Biên bản họp nhóm
 
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đLuận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
 
Chương 2: PR (Hoạch định chiến lược PR)
Chương 2: PR (Hoạch định chiến lược PR)Chương 2: PR (Hoạch định chiến lược PR)
Chương 2: PR (Hoạch định chiến lược PR)
 
Kế hoạch truyền thông mẫu
Kế hoạch truyền thông mẫuKế hoạch truyền thông mẫu
Kế hoạch truyền thông mẫu
 
Ý nghĩa sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam
Ý nghĩa sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam Ý nghĩa sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam
Ý nghĩa sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam
 
Chương 4: PR (Quan hệ Báo chí)
Chương 4: PR (Quan hệ Báo chí)Chương 4: PR (Quan hệ Báo chí)
Chương 4: PR (Quan hệ Báo chí)
 
Luận văn: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay, HAY, 9đ
Luận văn: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay, HAY, 9đLuận văn: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay, HAY, 9đ
Luận văn: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay, HAY, 9đ
 
Mẫu quyết định (kỹ thuật soạn thảo văn bản)
Mẫu quyết định (kỹ thuật soạn thảo văn bản)Mẫu quyết định (kỹ thuật soạn thảo văn bản)
Mẫu quyết định (kỹ thuật soạn thảo văn bản)
 
bản kế hoạch PR sản phẩm nước tinh khiết nhãn hiệu Dasani - nhóm hello
bản kế hoạch PR sản phẩm nước tinh khiết nhãn hiệu Dasani - nhóm hellobản kế hoạch PR sản phẩm nước tinh khiết nhãn hiệu Dasani - nhóm hello
bản kế hoạch PR sản phẩm nước tinh khiết nhãn hiệu Dasani - nhóm hello
 
giáo trình cơ sở văn hóa việt nam
giáo trình cơ sở văn hóa việt namgiáo trình cơ sở văn hóa việt nam
giáo trình cơ sở văn hóa việt nam
 
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdfGiao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
 

Viewers also liked

Tâm lý báo chí trong hoạt động của nhà báo
Tâm lý báo chí trong hoạt động của nhà báoTâm lý báo chí trong hoạt động của nhà báo
Tâm lý báo chí trong hoạt động của nhà báoHồng Nhung (Ỉn con)
 
Phong cách ngôn ngữ báo chí
Phong cách ngôn ngữ báo chíPhong cách ngôn ngữ báo chí
Phong cách ngôn ngữ báo chíchuheomapmap83
 
Kĩ năng viết và tổng hợp tin bài
Kĩ năng viết và tổng hợp tin bàiKĩ năng viết và tổng hợp tin bài
Kĩ năng viết và tổng hợp tin bàiTiểu Nữ
 
Nghệ thuật đỉnh cao viết bài PR
Nghệ thuật đỉnh cao viết bài PR Nghệ thuật đỉnh cao viết bài PR
Nghệ thuật đỉnh cao viết bài PR Phạm Đình Tuấn
 
Концепция контрольно-надзорной деятельности
Концепция контрольно-надзорной деятельностиКонцепция контрольно-надзорной деятельности
Концепция контрольно-надзорной деятельностиOporaRussiaMoscow
 
Plain Language & Writing for the Web
Plain Language & Writing for the WebPlain Language & Writing for the Web
Plain Language & Writing for the WebKate Bladow
 
Chinese proverb (tieng viet) 2.ppt
Chinese proverb (tieng viet) 2.pptChinese proverb (tieng viet) 2.ppt
Chinese proverb (tieng viet) 2.pptngocthepk
 
On tap | kinh doanh báo chí |
On tap | kinh doanh báo chí |On tap | kinh doanh báo chí |
On tap | kinh doanh báo chí |Nick Lee
 
Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình (Phạm Việt Long - vanhien.vn)
Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình (Phạm Việt Long - vanhien.vn)Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình (Phạm Việt Long - vanhien.vn)
Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình (Phạm Việt Long - vanhien.vn)longvanhien
 
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vnGương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vnlongvanhien
 
Phong cách ngôn ngữ tiếng việt
Phong cách ngôn ngữ tiếng việtPhong cách ngôn ngữ tiếng việt
Phong cách ngôn ngữ tiếng việtHọc Huỳnh Bá
 
Tinh yeu trong ca dao tuc ngu dan ca
Tinh yeu trong ca dao tuc ngu dan caTinh yeu trong ca dao tuc ngu dan ca
Tinh yeu trong ca dao tuc ngu dan canhatthai1969
 
Marketing trong con mắt của nhiều doanh nghiệp việt nam
Marketing trong con mắt của nhiều doanh nghiệp việt namMarketing trong con mắt của nhiều doanh nghiệp việt nam
Marketing trong con mắt của nhiều doanh nghiệp việt namNham Ngo
 
CHỈ VỚI 1 CHIẾC MÁY TÍNH VÀ MỘT ÍT TIỀN BẠN SẼ TRỞ THÀNH TRIỆU PHÚ NHỜ INTERNET
CHỈ VỚI 1 CHIẾC MÁY TÍNH VÀ MỘT ÍT TIỀN BẠN SẼ TRỞ THÀNH TRIỆU PHÚ NHỜ INTERNETCHỈ VỚI 1 CHIẾC MÁY TÍNH VÀ MỘT ÍT TIỀN BẠN SẼ TRỞ THÀNH TRIỆU PHÚ NHỜ INTERNET
CHỈ VỚI 1 CHIẾC MÁY TÍNH VÀ MỘT ÍT TIỀN BẠN SẼ TRỞ THÀNH TRIỆU PHÚ NHỜ INTERNETPhạm Đình Tuấn
 
Thương mại điện tử - Nhiều điều sẽ làm bạn ngạc nhiên
Thương mại điện tử - Nhiều điều sẽ làm bạn ngạc nhiênThương mại điện tử - Nhiều điều sẽ làm bạn ngạc nhiên
Thương mại điện tử - Nhiều điều sẽ làm bạn ngạc nhiênPhạm Đình Tuấn
 
24 bài học thần kì nhất thế giới bài 1
24 bài học thần kì nhất thế giới bài 124 bài học thần kì nhất thế giới bài 1
24 bài học thần kì nhất thế giới bài 1Linh Hoàng
 

Viewers also liked (20)

Tâm lý báo chí trong hoạt động của nhà báo
Tâm lý báo chí trong hoạt động của nhà báoTâm lý báo chí trong hoạt động của nhà báo
Tâm lý báo chí trong hoạt động của nhà báo
 
Phong cách ngôn ngữ báo chí
Phong cách ngôn ngữ báo chíPhong cách ngôn ngữ báo chí
Phong cách ngôn ngữ báo chí
 
Kĩ năng viết và tổng hợp tin bài
Kĩ năng viết và tổng hợp tin bàiKĩ năng viết và tổng hợp tin bài
Kĩ năng viết và tổng hợp tin bài
 
Tac pham bao chi
Tac pham bao chiTac pham bao chi
Tac pham bao chi
 
Kỹ Năng Viết Bài
Kỹ Năng Viết BàiKỹ Năng Viết Bài
Kỹ Năng Viết Bài
 
Nghệ thuật đỉnh cao viết bài PR
Nghệ thuật đỉnh cao viết bài PR Nghệ thuật đỉnh cao viết bài PR
Nghệ thuật đỉnh cao viết bài PR
 
Концепция контрольно-надзорной деятельности
Концепция контрольно-надзорной деятельностиКонцепция контрольно-надзорной деятельности
Концепция контрольно-надзорной деятельности
 
Plain Language & Writing for the Web
Plain Language & Writing for the WebPlain Language & Writing for the Web
Plain Language & Writing for the Web
 
Chinese proverb (tieng viet) 2.ppt
Chinese proverb (tieng viet) 2.pptChinese proverb (tieng viet) 2.ppt
Chinese proverb (tieng viet) 2.ppt
 
Adam
AdamAdam
Adam
 
On tap | kinh doanh báo chí |
On tap | kinh doanh báo chí |On tap | kinh doanh báo chí |
On tap | kinh doanh báo chí |
 
Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình (Phạm Việt Long - vanhien.vn)
Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình (Phạm Việt Long - vanhien.vn)Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình (Phạm Việt Long - vanhien.vn)
Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình (Phạm Việt Long - vanhien.vn)
 
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vnGương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
 
Phong cách ngôn ngữ tiếng việt
Phong cách ngôn ngữ tiếng việtPhong cách ngôn ngữ tiếng việt
Phong cách ngôn ngữ tiếng việt
 
Tinh yeu trong ca dao tuc ngu dan ca
Tinh yeu trong ca dao tuc ngu dan caTinh yeu trong ca dao tuc ngu dan ca
Tinh yeu trong ca dao tuc ngu dan ca
 
Cadao tucnguf
Cadao   tucngufCadao   tucnguf
Cadao tucnguf
 
Marketing trong con mắt của nhiều doanh nghiệp việt nam
Marketing trong con mắt của nhiều doanh nghiệp việt namMarketing trong con mắt của nhiều doanh nghiệp việt nam
Marketing trong con mắt của nhiều doanh nghiệp việt nam
 
CHỈ VỚI 1 CHIẾC MÁY TÍNH VÀ MỘT ÍT TIỀN BẠN SẼ TRỞ THÀNH TRIỆU PHÚ NHỜ INTERNET
CHỈ VỚI 1 CHIẾC MÁY TÍNH VÀ MỘT ÍT TIỀN BẠN SẼ TRỞ THÀNH TRIỆU PHÚ NHỜ INTERNETCHỈ VỚI 1 CHIẾC MÁY TÍNH VÀ MỘT ÍT TIỀN BẠN SẼ TRỞ THÀNH TRIỆU PHÚ NHỜ INTERNET
CHỈ VỚI 1 CHIẾC MÁY TÍNH VÀ MỘT ÍT TIỀN BẠN SẼ TRỞ THÀNH TRIỆU PHÚ NHỜ INTERNET
 
Thương mại điện tử - Nhiều điều sẽ làm bạn ngạc nhiên
Thương mại điện tử - Nhiều điều sẽ làm bạn ngạc nhiênThương mại điện tử - Nhiều điều sẽ làm bạn ngạc nhiên
Thương mại điện tử - Nhiều điều sẽ làm bạn ngạc nhiên
 
24 bài học thần kì nhất thế giới bài 1
24 bài học thần kì nhất thế giới bài 124 bài học thần kì nhất thế giới bài 1
24 bài học thần kì nhất thế giới bài 1
 

Similar to Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media

Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...nataliej4
 
Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt thức trạng, đặc...
Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt   thức trạng, đặc...Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt   thức trạng, đặc...
Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt thức trạng, đặc...nataliej4
 
Ngôn Ngữ “Thời @” Trên Mạng Và Trên Điện Thoại Di Động Của Học Sinh, Sinh Viên
Ngôn Ngữ “Thời @” Trên Mạng Và Trên Điện Thoại Di Động Của Học Sinh, Sinh ViênNgôn Ngữ “Thời @” Trên Mạng Và Trên Điện Thoại Di Động Của Học Sinh, Sinh Viên
Ngôn Ngữ “Thời @” Trên Mạng Và Trên Điện Thoại Di Động Của Học Sinh, Sinh Viênluanvantrust
 
De cuong-on-tap-thptqg-nam-2015-mon-van
De cuong-on-tap-thptqg-nam-2015-mon-vanDe cuong-on-tap-thptqg-nam-2015-mon-van
De cuong-on-tap-thptqg-nam-2015-mon-vanMây Bay
 
Vài suy nghĩ về giữ gìn di sản Hán Nôm
Vài suy nghĩ về giữ gìn di sản Hán NômVài suy nghĩ về giữ gìn di sản Hán Nôm
Vài suy nghĩ về giữ gìn di sản Hán NômLoc Nguyen
 
Văn hoá đọc trong đời sống sinh viên Khoa PR,Trường đại học Văn Lang
Văn hoá đọc trong đời sống sinh viên Khoa PR,Trường đại học Văn LangVăn hoá đọc trong đời sống sinh viên Khoa PR,Trường đại học Văn Lang
Văn hoá đọc trong đời sống sinh viên Khoa PR,Trường đại học Văn Langluanvantrust
 
Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...
Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...
Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...nataliej4
 
chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-mon-ngu-van.pdf
chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-mon-ngu-van.pdfchuong-trinh-giao-duc-pho-thong-mon-ngu-van.pdf
chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-mon-ngu-van.pdfLuckyStar21
 
đề Tài từ láy trong tiếng việt
đề Tài từ láy trong tiếng việtđề Tài từ láy trong tiếng việt
đề Tài từ láy trong tiếng việtnataliej4
 
Nghiên cứu từ láy trong tiếng việt
Nghiên cứu từ láy trong tiếng việtNghiên cứu từ láy trong tiếng việt
Nghiên cứu từ láy trong tiếng việtnataliej4
 
so tay tu vung tieng han a
 so tay tu vung tieng han a so tay tu vung tieng han a
so tay tu vung tieng han anguyen cong vu
 
Giáo trình kỹ năng giao tiếp, Đinh Văn Đáng.pdf
Giáo trình kỹ năng giao tiếp, Đinh Văn Đáng.pdfGiáo trình kỹ năng giao tiếp, Đinh Văn Đáng.pdf
Giáo trình kỹ năng giao tiếp, Đinh Văn Đáng.pdfMan_Ebook
 
Kinanggiaottephoithoaicoban
KinanggiaottephoithoaicobanKinanggiaottephoithoaicoban
Kinanggiaottephoithoaicobansmallgaint
 

Similar to Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media (20)

Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
 
BÀI MẪU luận văn thạc sĩ ngành ngôn ngữ Nhật, HAY
BÀI MẪU luận văn thạc sĩ ngành ngôn ngữ Nhật, HAYBÀI MẪU luận văn thạc sĩ ngành ngôn ngữ Nhật, HAY
BÀI MẪU luận văn thạc sĩ ngành ngôn ngữ Nhật, HAY
 
Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt thức trạng, đặc...
Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt   thức trạng, đặc...Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt   thức trạng, đặc...
Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt thức trạng, đặc...
 
Đề tài sự tương đồng và khác biệt trong cách nói tôn kính, HAY
Đề tài  sự tương đồng và khác biệt trong cách nói tôn kính, HAYĐề tài  sự tương đồng và khác biệt trong cách nói tôn kính, HAY
Đề tài sự tương đồng và khác biệt trong cách nói tôn kính, HAY
 
Ngôn Ngữ “Thời @” Trên Mạng Và Trên Điện Thoại Di Động Của Học Sinh, Sinh Viên
Ngôn Ngữ “Thời @” Trên Mạng Và Trên Điện Thoại Di Động Của Học Sinh, Sinh ViênNgôn Ngữ “Thời @” Trên Mạng Và Trên Điện Thoại Di Động Của Học Sinh, Sinh Viên
Ngôn Ngữ “Thời @” Trên Mạng Và Trên Điện Thoại Di Động Của Học Sinh, Sinh Viên
 
Luận văn: Đặc trưng ngôn ngữ của nhật báo Cần Thơ, HAY
Luận văn: Đặc trưng ngôn ngữ của nhật báo Cần Thơ, HAYLuận văn: Đặc trưng ngôn ngữ của nhật báo Cần Thơ, HAY
Luận văn: Đặc trưng ngôn ngữ của nhật báo Cần Thơ, HAY
 
De cuong-on-tap-thptqg-nam-2015-mon-van
De cuong-on-tap-thptqg-nam-2015-mon-vanDe cuong-on-tap-thptqg-nam-2015-mon-van
De cuong-on-tap-thptqg-nam-2015-mon-van
 
On thi thptqg
On thi thptqgOn thi thptqg
On thi thptqg
 
Luận văn: Đặc điểm của ngôn ngữ văn bản luật tiếng Việt, HAY
Luận văn: Đặc điểm của ngôn ngữ văn bản luật tiếng Việt, HAYLuận văn: Đặc điểm của ngôn ngữ văn bản luật tiếng Việt, HAY
Luận văn: Đặc điểm của ngôn ngữ văn bản luật tiếng Việt, HAY
 
Luận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc
Luận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên LộcLuận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc
Luận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc
 
Vài suy nghĩ về giữ gìn di sản Hán Nôm
Vài suy nghĩ về giữ gìn di sản Hán NômVài suy nghĩ về giữ gìn di sản Hán Nôm
Vài suy nghĩ về giữ gìn di sản Hán Nôm
 
Văn hoá đọc trong đời sống sinh viên Khoa PR,Trường đại học Văn Lang
Văn hoá đọc trong đời sống sinh viên Khoa PR,Trường đại học Văn LangVăn hoá đọc trong đời sống sinh viên Khoa PR,Trường đại học Văn Lang
Văn hoá đọc trong đời sống sinh viên Khoa PR,Trường đại học Văn Lang
 
Thành ngữ, quán ngữ trong hoạt động giao tiếp của giới trẻ, HAY
Thành ngữ, quán ngữ trong hoạt động giao tiếp của giới trẻ, HAYThành ngữ, quán ngữ trong hoạt động giao tiếp của giới trẻ, HAY
Thành ngữ, quán ngữ trong hoạt động giao tiếp của giới trẻ, HAY
 
Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...
Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...
Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...
 
chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-mon-ngu-van.pdf
chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-mon-ngu-van.pdfchuong-trinh-giao-duc-pho-thong-mon-ngu-van.pdf
chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-mon-ngu-van.pdf
 
đề Tài từ láy trong tiếng việt
đề Tài từ láy trong tiếng việtđề Tài từ láy trong tiếng việt
đề Tài từ láy trong tiếng việt
 
Nghiên cứu từ láy trong tiếng việt
Nghiên cứu từ láy trong tiếng việtNghiên cứu từ láy trong tiếng việt
Nghiên cứu từ láy trong tiếng việt
 
so tay tu vung tieng han a
 so tay tu vung tieng han a so tay tu vung tieng han a
so tay tu vung tieng han a
 
Giáo trình kỹ năng giao tiếp, Đinh Văn Đáng.pdf
Giáo trình kỹ năng giao tiếp, Đinh Văn Đáng.pdfGiáo trình kỹ năng giao tiếp, Đinh Văn Đáng.pdf
Giáo trình kỹ năng giao tiếp, Đinh Văn Đáng.pdf
 
Kinanggiaottephoithoaicoban
KinanggiaottephoithoaicobanKinanggiaottephoithoaicoban
Kinanggiaottephoithoaicoban
 

More from tranbinhkb

Thuyet minh Quy hoach chung xa Quynh Phu - Gia Binh - Bac Ninh
Thuyet minh Quy hoach chung xa Quynh Phu - Gia Binh - Bac NinhThuyet minh Quy hoach chung xa Quynh Phu - Gia Binh - Bac Ninh
Thuyet minh Quy hoach chung xa Quynh Phu - Gia Binh - Bac Ninhtranbinhkb
 
Quy hoach chung xay dung xa Binh Dinh - Luong Tai - Bac Ninh
Quy hoach chung xay dung xa Binh Dinh - Luong Tai - Bac NinhQuy hoach chung xay dung xa Binh Dinh - Luong Tai - Bac Ninh
Quy hoach chung xay dung xa Binh Dinh - Luong Tai - Bac Ninhtranbinhkb
 
Khu TDC KDT Thien Thai - Dong Cuu - Gia Binh - Bac Ninh
Khu TDC KDT Thien Thai - Dong Cuu - Gia Binh - Bac NinhKhu TDC KDT Thien Thai - Dong Cuu - Gia Binh - Bac Ninh
Khu TDC KDT Thien Thai - Dong Cuu - Gia Binh - Bac Ninhtranbinhkb
 
Khu nha o thon My Thon - Xuan Lai - Gia Binh - Bac Ninh
Khu nha o thon My Thon - Xuan Lai - Gia Binh - Bac NinhKhu nha o thon My Thon - Xuan Lai - Gia Binh - Bac Ninh
Khu nha o thon My Thon - Xuan Lai - Gia Binh - Bac Ninhtranbinhkb
 
Khu nha o thon Ngam Luong Lang Ngam Gia Binh Bac Ninh_Thuyet minh
Khu nha o thon Ngam Luong Lang Ngam Gia Binh Bac Ninh_Thuyet minhKhu nha o thon Ngam Luong Lang Ngam Gia Binh Bac Ninh_Thuyet minh
Khu nha o thon Ngam Luong Lang Ngam Gia Binh Bac Ninh_Thuyet minhtranbinhkb
 
Thuyet Minh QHCT Khu do thi phia Tay duong DT 280 Luong Tai Bac Ninh
Thuyet Minh QHCT Khu do thi phia Tay duong DT 280 Luong Tai Bac NinhThuyet Minh QHCT Khu do thi phia Tay duong DT 280 Luong Tai Bac Ninh
Thuyet Minh QHCT Khu do thi phia Tay duong DT 280 Luong Tai Bac Ninhtranbinhkb
 
68 qd- ubnd huyen gia binh.pdf
68 qd- ubnd huyen gia binh.pdf68 qd- ubnd huyen gia binh.pdf
68 qd- ubnd huyen gia binh.pdftranbinhkb
 
Thuyet minh Do an khu nha o Cau Dao Nhan Thang Gia Binh Bac Ninh
Thuyet minh Do an khu nha o Cau Dao Nhan Thang Gia Binh Bac NinhThuyet minh Do an khu nha o Cau Dao Nhan Thang Gia Binh Bac Ninh
Thuyet minh Do an khu nha o Cau Dao Nhan Thang Gia Binh Bac Ninhtranbinhkb
 
Thuyet minh khu TDC & CTCC xa Nhan Thang Gia Binh Bac Ninh
Thuyet minh khu TDC & CTCC xa Nhan Thang Gia Binh Bac NinhThuyet minh khu TDC & CTCC xa Nhan Thang Gia Binh Bac Ninh
Thuyet minh khu TDC & CTCC xa Nhan Thang Gia Binh Bac Ninhtranbinhkb
 
Thuyet Minh QHCT My Huong Luong Tai Bac Ninh
Thuyet Minh QHCT My Huong Luong Tai Bac NinhThuyet Minh QHCT My Huong Luong Tai Bac Ninh
Thuyet Minh QHCT My Huong Luong Tai Bac Ninhtranbinhkb
 
Thuyet minh QHCT cac diem dan cu xa Trung Kenh Luong Tai Bac Ninh
Thuyet minh QHCT cac diem dan cu xa Trung Kenh Luong Tai Bac NinhThuyet minh QHCT cac diem dan cu xa Trung Kenh Luong Tai Bac Ninh
Thuyet minh QHCT cac diem dan cu xa Trung Kenh Luong Tai Bac Ninhtranbinhkb
 
Thuyet Minh QHCT Diem dan cu thon An Tru - An Thinh - Luong Tai
Thuyet Minh QHCT Diem dan cu thon An Tru - An Thinh - Luong TaiThuyet Minh QHCT Diem dan cu thon An Tru - An Thinh - Luong Tai
Thuyet Minh QHCT Diem dan cu thon An Tru - An Thinh - Luong Taitranbinhkb
 
Thuyet minh do an Khu nha o xa An Thinh - Trung Kenh
Thuyet minh do an Khu nha o xa An Thinh - Trung KenhThuyet minh do an Khu nha o xa An Thinh - Trung Kenh
Thuyet minh do an Khu nha o xa An Thinh - Trung Kenhtranbinhkb
 
Thuyết minh Khu Đô thị Bắc Sông Thứa - Lương Tài
Thuyết minh Khu Đô thị Bắc Sông Thứa - Lương TàiThuyết minh Khu Đô thị Bắc Sông Thứa - Lương Tài
Thuyết minh Khu Đô thị Bắc Sông Thứa - Lương Tàitranbinhkb
 
259-QĐ-UBND.signed.pdf
259-QĐ-UBND.signed.pdf259-QĐ-UBND.signed.pdf
259-QĐ-UBND.signed.pdftranbinhkb
 
399-QĐ-SXD.signed.pdf
399-QĐ-SXD.signed.pdf399-QĐ-SXD.signed.pdf
399-QĐ-SXD.signed.pdftranbinhkb
 
87-QĐ-UBND.signed.pdf
87-QĐ-UBND.signed.pdf87-QĐ-UBND.signed.pdf
87-QĐ-UBND.signed.pdftranbinhkb
 
400-QĐ-UBND.signed.pdf
400-QĐ-UBND.signed.pdf400-QĐ-UBND.signed.pdf
400-QĐ-UBND.signed.pdftranbinhkb
 
THÔNG BÁO Tìm chủ đầu tư cho Cụm công nghiệp làng nghề Quảng Bố, huyện Lương ...
THÔNG BÁO Tìm chủ đầu tư cho Cụm công nghiệp làng nghề Quảng Bố, huyện Lương ...THÔNG BÁO Tìm chủ đầu tư cho Cụm công nghiệp làng nghề Quảng Bố, huyện Lương ...
THÔNG BÁO Tìm chủ đầu tư cho Cụm công nghiệp làng nghề Quảng Bố, huyện Lương ...tranbinhkb
 
Văn bản UBND tỉnh Bắc Ninh trả lời về Dự án đấu giá quyền sử dụng đất ở thôn ...
Văn bản UBND tỉnh Bắc Ninh trả lời về Dự án đấu giá quyền sử dụng đất ở thôn ...Văn bản UBND tỉnh Bắc Ninh trả lời về Dự án đấu giá quyền sử dụng đất ở thôn ...
Văn bản UBND tỉnh Bắc Ninh trả lời về Dự án đấu giá quyền sử dụng đất ở thôn ...tranbinhkb
 

More from tranbinhkb (20)

Thuyet minh Quy hoach chung xa Quynh Phu - Gia Binh - Bac Ninh
Thuyet minh Quy hoach chung xa Quynh Phu - Gia Binh - Bac NinhThuyet minh Quy hoach chung xa Quynh Phu - Gia Binh - Bac Ninh
Thuyet minh Quy hoach chung xa Quynh Phu - Gia Binh - Bac Ninh
 
Quy hoach chung xay dung xa Binh Dinh - Luong Tai - Bac Ninh
Quy hoach chung xay dung xa Binh Dinh - Luong Tai - Bac NinhQuy hoach chung xay dung xa Binh Dinh - Luong Tai - Bac Ninh
Quy hoach chung xay dung xa Binh Dinh - Luong Tai - Bac Ninh
 
Khu TDC KDT Thien Thai - Dong Cuu - Gia Binh - Bac Ninh
Khu TDC KDT Thien Thai - Dong Cuu - Gia Binh - Bac NinhKhu TDC KDT Thien Thai - Dong Cuu - Gia Binh - Bac Ninh
Khu TDC KDT Thien Thai - Dong Cuu - Gia Binh - Bac Ninh
 
Khu nha o thon My Thon - Xuan Lai - Gia Binh - Bac Ninh
Khu nha o thon My Thon - Xuan Lai - Gia Binh - Bac NinhKhu nha o thon My Thon - Xuan Lai - Gia Binh - Bac Ninh
Khu nha o thon My Thon - Xuan Lai - Gia Binh - Bac Ninh
 
Khu nha o thon Ngam Luong Lang Ngam Gia Binh Bac Ninh_Thuyet minh
Khu nha o thon Ngam Luong Lang Ngam Gia Binh Bac Ninh_Thuyet minhKhu nha o thon Ngam Luong Lang Ngam Gia Binh Bac Ninh_Thuyet minh
Khu nha o thon Ngam Luong Lang Ngam Gia Binh Bac Ninh_Thuyet minh
 
Thuyet Minh QHCT Khu do thi phia Tay duong DT 280 Luong Tai Bac Ninh
Thuyet Minh QHCT Khu do thi phia Tay duong DT 280 Luong Tai Bac NinhThuyet Minh QHCT Khu do thi phia Tay duong DT 280 Luong Tai Bac Ninh
Thuyet Minh QHCT Khu do thi phia Tay duong DT 280 Luong Tai Bac Ninh
 
68 qd- ubnd huyen gia binh.pdf
68 qd- ubnd huyen gia binh.pdf68 qd- ubnd huyen gia binh.pdf
68 qd- ubnd huyen gia binh.pdf
 
Thuyet minh Do an khu nha o Cau Dao Nhan Thang Gia Binh Bac Ninh
Thuyet minh Do an khu nha o Cau Dao Nhan Thang Gia Binh Bac NinhThuyet minh Do an khu nha o Cau Dao Nhan Thang Gia Binh Bac Ninh
Thuyet minh Do an khu nha o Cau Dao Nhan Thang Gia Binh Bac Ninh
 
Thuyet minh khu TDC & CTCC xa Nhan Thang Gia Binh Bac Ninh
Thuyet minh khu TDC & CTCC xa Nhan Thang Gia Binh Bac NinhThuyet minh khu TDC & CTCC xa Nhan Thang Gia Binh Bac Ninh
Thuyet minh khu TDC & CTCC xa Nhan Thang Gia Binh Bac Ninh
 
Thuyet Minh QHCT My Huong Luong Tai Bac Ninh
Thuyet Minh QHCT My Huong Luong Tai Bac NinhThuyet Minh QHCT My Huong Luong Tai Bac Ninh
Thuyet Minh QHCT My Huong Luong Tai Bac Ninh
 
Thuyet minh QHCT cac diem dan cu xa Trung Kenh Luong Tai Bac Ninh
Thuyet minh QHCT cac diem dan cu xa Trung Kenh Luong Tai Bac NinhThuyet minh QHCT cac diem dan cu xa Trung Kenh Luong Tai Bac Ninh
Thuyet minh QHCT cac diem dan cu xa Trung Kenh Luong Tai Bac Ninh
 
Thuyet Minh QHCT Diem dan cu thon An Tru - An Thinh - Luong Tai
Thuyet Minh QHCT Diem dan cu thon An Tru - An Thinh - Luong TaiThuyet Minh QHCT Diem dan cu thon An Tru - An Thinh - Luong Tai
Thuyet Minh QHCT Diem dan cu thon An Tru - An Thinh - Luong Tai
 
Thuyet minh do an Khu nha o xa An Thinh - Trung Kenh
Thuyet minh do an Khu nha o xa An Thinh - Trung KenhThuyet minh do an Khu nha o xa An Thinh - Trung Kenh
Thuyet minh do an Khu nha o xa An Thinh - Trung Kenh
 
Thuyết minh Khu Đô thị Bắc Sông Thứa - Lương Tài
Thuyết minh Khu Đô thị Bắc Sông Thứa - Lương TàiThuyết minh Khu Đô thị Bắc Sông Thứa - Lương Tài
Thuyết minh Khu Đô thị Bắc Sông Thứa - Lương Tài
 
259-QĐ-UBND.signed.pdf
259-QĐ-UBND.signed.pdf259-QĐ-UBND.signed.pdf
259-QĐ-UBND.signed.pdf
 
399-QĐ-SXD.signed.pdf
399-QĐ-SXD.signed.pdf399-QĐ-SXD.signed.pdf
399-QĐ-SXD.signed.pdf
 
87-QĐ-UBND.signed.pdf
87-QĐ-UBND.signed.pdf87-QĐ-UBND.signed.pdf
87-QĐ-UBND.signed.pdf
 
400-QĐ-UBND.signed.pdf
400-QĐ-UBND.signed.pdf400-QĐ-UBND.signed.pdf
400-QĐ-UBND.signed.pdf
 
THÔNG BÁO Tìm chủ đầu tư cho Cụm công nghiệp làng nghề Quảng Bố, huyện Lương ...
THÔNG BÁO Tìm chủ đầu tư cho Cụm công nghiệp làng nghề Quảng Bố, huyện Lương ...THÔNG BÁO Tìm chủ đầu tư cho Cụm công nghiệp làng nghề Quảng Bố, huyện Lương ...
THÔNG BÁO Tìm chủ đầu tư cho Cụm công nghiệp làng nghề Quảng Bố, huyện Lương ...
 
Văn bản UBND tỉnh Bắc Ninh trả lời về Dự án đấu giá quyền sử dụng đất ở thôn ...
Văn bản UBND tỉnh Bắc Ninh trả lời về Dự án đấu giá quyền sử dụng đất ở thôn ...Văn bản UBND tỉnh Bắc Ninh trả lời về Dự án đấu giá quyền sử dụng đất ở thôn ...
Văn bản UBND tỉnh Bắc Ninh trả lời về Dự án đấu giá quyền sử dụng đất ở thôn ...
 

Recently uploaded

Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdftohoanggiabao81
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếMa trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếngTonH1
 
Mạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdf
Mạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdfMạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdf
Mạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdfXem Số Mệnh
 
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mại
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mạiNhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mại
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mạiTruongThiDiemQuynhQP
 
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông - Sử 11
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông -  Sử 11cuộc cải cách của Lê Thánh Tông -  Sử 11
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông - Sử 11zedgaming208
 
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...Xem Số Mệnh
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdf
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdfLinh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdf
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdfXem Số Mệnh
 
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào môBryan Williams
 
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocBai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocVnPhan58
 
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdfXem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdfXem Số Mệnh
 
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Học viện Kstudy
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...Xem Số Mệnh
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...PhcTrn274398
 

Recently uploaded (20)

Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
 
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếMa trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
 
Mạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdf
Mạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdfMạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdf
Mạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdf
 
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mại
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mạiNhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mại
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mại
 
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông - Sử 11
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông -  Sử 11cuộc cải cách của Lê Thánh Tông -  Sử 11
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông - Sử 11
 
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
 
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdf
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdfLinh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdf
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdf
 
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
 
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
 
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...
 
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocBai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
 
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdfXem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
 
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...
 

Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media

  • 1. HOÀNG ANH MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ SỬ DỤNG NGÔN TỪ TRÊN BÁO CHÍ HÀ NỘI – 2003 1
  • 2. MỤC LỤC ..................................................................................................................................7 VI C S D NG CH T LI U VĂN H C TRONG TÁC PH M BÁO CHÍỆ Ử Ụ Ấ Ệ Ọ Ẩ .......................31 .....................................................................................................................................48 TH PHÂN LO I TIÊU Đ CÁC VĂN B N BÁO CHÍỬ Ạ Ề Ả ....................................................63 NGÔN NG TÁC GI VÀ NGÔN NG NHÂN V T TRONG TÁC PH M BÁO CHÍỮ Ả Ữ Ậ Ẩ ...100 2
  • 3. LỜI TÁC GIẢ Cuốn sách này là tập hợp các bài viết của tác giả đã công bố trên các tạp chí và các hội thảo khoa học chuyên ngành. Nó đề cập một số vấn đề khá bức xúc nhưng chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm đúng mức trong địa hạt ngôn ngữ báo chí - một địa hạt vẫn còn hết sức mới mẻ ở Việt Nam. Đó là các vấn đề như: đặc điểm của ngôn ngữ báo chí, sự kết hợp khuôn mẫu và biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí, cách thức tạo giá trị biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí, sự khác biệt giữa ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ báo chí, ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả trong tác phẩm báo chí, phân loại tiêu đề các văn bản báo chí, ... Vì đây mới chỉ là kết quả của những khảo sát bước đầu cho nên cuốn sách không tránh khỏi có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, tác giả vẫn hy vọng là nó sẽ mang lại những điều bổ ích, dù chỉ nhỏ bé, cho các nhà báo, các nhà nghiên cứu và giảng dạy về báo chí, cũng như tất cả những ai có liên quan. Hà Nội, tháng 5 năm 2003 Tác giả 3
  • 4. TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ BÁO TRONG VIỆC GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT Các phương tiện thông tin đại chúng luôn có rất nhiều người sử dụng; thêm vào đó, chúng vẫn thường được coi là mẫu mực trong việc dùng ngôn từ. Chính vì thế các sai sót về mặt này của các phương tiện thông tin đại chúng rất nhanh chóng trở thành sai sót chung của toàn xã hội. Và từ đây, nảy sinh một vấn đề khá quan trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức: vấn đề trách nhiệm của nhà báo trong việc nói đúng và viết đúng, nhằm góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, và cũng có nghĩa là góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan lẫn chủ quan, mà không ít nhà báo mới chỉ chú trọng phần nội dung chứ chưa để ý nhiều tới hình thức diễn đạt thông tin. Bởi vậy, họ bỏ qua khá nhiều lỗi về ngôn từ ở mọi cấp độ: từ, câu, đoạn văn, thậm chí ở cả bố cục toàn văn bản. Nếu điểm qua một vài tờ báo, kể cả những tờ báo lớn, chắc hẳn chúng ta sẽ tháy rõ điều này. Không nói đâu xa, ngay cả báo Văn nghệ, - cơ quan trung ương của Hội Nhà văn Việt Nam, diễn đàn của các bậc thầy về sử dụng ngôn từ - cũng tương đối thường xuyên mắc phải các lỗi như: chính tả thiếu chuẩn xác, câu thiếu thành phần nòng cốt, từ dùng không đúng nghĩa...1 Có lẽ, chẳng cần phải luận bàn, chúng ta cũng biết là những sai sót như vậy sẽ gây ra những tác hại nghiêm trọng tới mức nào. Ít nhất, chúng cũng làm cho hiệu quả tiếp nhận thông tin của người đọc bị giảm sút. Còn cao hơn, chúng có thể làm cho người đọc không hiểu hoặc hiểu sai vấn đề. Song, vượt lên trên tất cả là điều như chúng tôi đã nói ở trên: những sai sót này không bị phát hiện ( nghĩa là được xem như đúng ) và chúng lan truyền trong cộng đồng như một thứ dịch bệnh. Vậy nhà báo phải làm gì đây để có thể hoàn thành được trách nhiệm nặng nề của mình trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt? Về vấn đề này, chúng tôi có vài ý kiến nhỏ như sau: 4
  • 5. 1. Nhà báo cần nắm chắc các tri thức cơ bản liên quan tới việc sử dụng tiếng Việt thuộc 4 phương diện chính là ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và phong cách. Để làm được điều đó, chắc chắn chúng ta phải học một cách bài bản, nghiêm túc. Có thể học ở trường, lớp mà cũng có thể tự học. Song dù hình thức học có thế nào đi chăng nữa thì kết quả cuối cùng đạt được phải đáp ứng yêu cầu: nói đúng, viết đúng. Chưa nói đúng, viết đúng thì chưa thể kỳ vọng nói hay, viết hay được. Có những điều tưởng như rất đơn giản, nhưng nếu chúng ta không học, chúng ta vẫn có thể bị mắc lỗi. Chẳng hạn, quan hệ ngữ đoạn trong ngôn ngữ là một vấn đề hoàn toàn không khó, nhưng do không được trang bị kiến thức cần thiết, nhiều nhà báo thường xuyên ngắt đoạn sai khi nói, khi đọc. Ấy là còn chưa kể đến những mảng đầy " gai góc " thuộc phần ngữ pháp mà nếu không đầu tư thời gian và công sức để nghiên cứu và rèn luyện, chúng ta khó có thể làm chủ được hoạt động ngôn từ của mình. Tuy nhiên, việc sử dụng tiếng Việt đúng với chuẩn mực không đồng nghĩa với sự phủ nhận hoàn toàn những sáng tạo riêng của cá nhân. Có điều, những sáng tạo ấy phải tuân thủ những quy luật nhất định, nghĩa là có cơ sở khoa học. Chẳng hạn, khi tạo ra từ mới, người ta phải dựa vào những từ đã có sẵn nào đó mà có quan hệ trực tiếp với nó về phương diện âm thanh hay ý nghĩa. 2. Nhà báo nên hạn chế tối đa việc vay mượn từ ngữ nước ngoài Có thể nói, chưa bao giờ các từ ngữ vay mượn từ tiếng nước ngoài lại xuát hiện trên báo chí tiếng Việt với mật độ dày như hiện nay. Người ta sử dụng chúng khá tuỳ tiện, bất chấp người đọc, người nghe có hiểu được hay không. Thật phi lý khi nhà báo là người Việt Nam, mà để hiểu được ngôn từ của họ, nhiều lúc chúng ta phải mở từ điển song ngữ ra tra cứu. Phải chăng tiếng Việt của chúng ta nghèo nàn tới mức phải vay mượn tràn lan như vậy? Hoàn toàn ngược lại! Tiếng Việt của chúng ta vô cùng phong phú, và trong tuyệt đại đa số các trường hợp, có thể tìm thấy các từ tương đương với các từ vay mượn từ tiếng nước ngoài ( thậm chí nhiều từ tiếng Việt còn có khả năng diễn đạt khái niệm tinh tế hơn, rõ ràng hơn ). Sở dĩ một số nhà báo không dùng từ tiếng Việt vì có lẽ họ muốn làm phong phú 5
  • 6. thêm ngôn từ của mình hoặc muốn tăng cường tính biểu cảm. Đây là dự định tốt nhưng cách làm chưa hợp lý. Sự phong phú của một chỉnh thể không thể được tạo bởi các thành tố mới lạ nhưng lại phá vỡ tính thống nhất của nó. Tương tự, tính biểu cảm không thể được tạo bởi các phương tiện cản trở quá trình nhận thức. Các từ ngữ vay mượn từ tiếng nước ngoài càng trở nên khó chấp nhận hơn khi bị dùng sai, do người dùng chưa hiểu thấu đáo ý nghĩa cũng như cách đọc, cách viết chúng. Vì lúc này chúng không chỉ gây nên những hậu quả như: làm giảm sút hiệu quả tiếp nhận tác phẩm, tuyên truyền cho cái sai; mà còn hạ thấp uy tín của tác giả ( người đọc, người nghe khó tránh khỏi có ấn tượng rằng anh ta là người " sính chữ ngoại " )và bằng việc đó, hạ thấp uy tín của chính cơ quan báo chí là nơi tác giả làm việc. Vậy nên chỉ còn cách là hạn chế tối đa việc vay mượn từ ngữ nước ngoài. Không phải tình cờ mà Bác Hồ của chúng ta đã dặn: " Những từ không dịch được thì phải mượn tiếng của các nước. Nhưng chỉ mượn khi thật cần thiết, và đã mượn thì phải mượn cho đúng "2 . 3. Nhà báo cần có một trình độ ngoại ngữ nhất định Trình độ ngoại ngữ của nhà báo càng cao càng tốt. Nó mang đến cho nhà báo rất nhiều lợi ích, nhất là trong thời kỳ đa phương hoá, toàn cầu hoá như hiện nay. Tuy nhiên ở đây chúng tôi chỉ bàn đến một lợi ích trong số đó, ấy là ngoại ngữ giúp nhà báo hiểu rõ hơn tiếng mẹ đẻ của mình, để rồi trên cơ sở ấy, có cách ứng xử thích hợp đối với nó. Trong thực tế, sau khi học xong một ngoại ngữ nào đó, dù muốn hay không, chúng ta thường có sự liên hệ nhất định với tiếng Việt. Và dựa vào sự đối chiếu ,so sánh, nhà báo có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng tiếng Việt của chúng ta giàu đẹp chẳng kém bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới. Và từ đây, anh ta sẽ có tình cảm yêu quý và thái độ trân trọng hơn đối với tiếng mẹ để của mình. Những tình cảm và thái độ ấy, nếu được vun đắp thường xuyên, dần dần sẽ trở thành những phẩm chất văn hoá, thành những giá trị đạo đức của nhà báo, giúp họ trở thành những nhân tố tích cực trong cuộc đấu tranh chống những biểu hiện xem thường, coi khinh tiếng nói và chữ viết của dân tộc. 6
  • 7. Song, bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể phủ nhận các giá trị của ngôn ngữ nước ngoài, mà ngược lại, phải biết tiếp thu chúng để hoàn thiện thêm cho tiếng mẹ đẻ. Chẳng hạn, tính khoa học và tính chính xác cao của các ngôn ngữ Ấn - Âu ( như Anh, Pháp, Nga,...) sẽ giúp cho nhà báo sử dụng tiếng Việt một cách khúc chiết, mạch lạc, gãy gọn, tránh được sự dài dòng, cầu kỳ không cần thiết. Như vậy, rõ ràng là hiểu biết về tiếng nước ngoài cũng góp phần quan trọng vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Từ xưa đến nay, người ta vẫn luôn quan niệm rằng trong việc sử dụng ngôn ngữ của một dân tộc bao giờ cũng bộc lộ tầm vóc văn hoá của nó. Mà báo chí lại là môi trường rộng lớn nhất và được xem là mẫu mực nhất để ngôn ngữ dân tộc hành chức. Vì thế, khẳng định trách nhiệm của nhà báo chúng ta trong công cuộc bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của tiéng Việt, đồng thời đề xuất những giải pháp để họ hoàn thành trách nhiệm ấy, là việc làm cần thiết. Hy vọng, với bài viết này, chúng tôi sẽ nhận được nhiều ý kiến quý báu liên quan tới vấn đề trên. Chú thích 1. Nguyễn Văn Nở, Đôi điều mong muốn về tiếng Việt trên báo Văn Nghệ, Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 10 / 1998, tr. 11 - 14. 2. Một số ý kiến của Hồ Chủ tịch về chữ quốc ngữ và tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, 1970, số 3, tr.38. ( Bài in trong: Báo chí- những điểm nhìn từ thực tiễn, NXB. Văn hoá - Thông tin, H., 2000, tập 1 ). 7
  • 8. CÁC TÍNH CHẤT CỦA NGÔN NGỮ BÁO CHÍ Hiện nay, ngôn ngữ báo chí đang có xu thế được xem là một phong cách chức năng trong ngôn ngữ. Trên cơ sở nhận thức rằng " phong cách là những khuôn mẫu trong hoạt động lời nói, được hình thành từ những thói quen sử dụng ngôn ngữ có tính chất truyền thống và chuẩn mực trong việc xây dựng các lớp văn bản tiêu biểu " 1 , người ta đã tìm ra những luận cứ, với các mức độ thuyết phục khác nhau, để khẳng định là ngôn ngữ báo chí có những nét đặc thù, cho phép nó có vị thế ngang hàng với các phong cách chức năng khác trong ngôn ngữ như phong cách khoa học, phong cách hành chính - công vụ, phong cách sinh hoạt hàng ngày, phong cách chính luận. Vậy đâu là các nét đặc thù của phong cách báo chí? Các nhà nghiên cứu đã có ý kiến không thống nhất khi trả lời câu hỏi này. Đinh Trọng Lạc, sau khi nêu rõ các đặc trưng của phong cách báo chí ( như tính chiến đấu, tính thời sự, tính hấp dẫn ), đã chỉ ra các đặc điểm của ngôn ngữ báo chí thuộc các phương diện như từ vựng, cú pháp, kết cấu2 . Theo chúng tôi, đây phần lớn mới chỉ là các đặc điểm của một vài thể loại báo chí cụ thể, vì thế chúng chưa đủ tầm khái quát để có thể khắc hoạ diện mạo của cả một phong cách ngôn ngữ trong sự đối sánh với các phong cách ngôn ngữ khác. Còn tác giả Hữu Đạt cho rằng các đặc điểm về ngôn ngữ của phong cách báo chí bao gồm: 1. Chức năng thông báo, 2. Chức năng hướng dẫn dư luận, 3.Chức năng tập hợp và tổ chức quần chúng, 4. Tính chiến đấu mạnh mẽ, 5. Tính thẩm mỹ và giáo dục, 6. Tính hấp dẫn và thuyết phục, 7. Tính ngắn gọn và biểu cảm, 8. đặc điểm về cách dùng từ ngữ ( gồm cách dùng từ ngữ và cách dùng các khuôn biểu cảm )3 . Dễ dàng nhận thấy là Hữu đạt không có sự phân định rõ ràng giữa các đặc điểm về chức năng của thông tin báo chí và các đặc điểm về ngôn ngữ như là phương tiện chuyển tải thông tin ấy. Chính vì thế, 8 đặc điểm mà ông đưa ra không đồng loại, chỉ có các đặc điểm thứ sáu và thứ bảy là có vẻ xác đáng hơn cả. Tuy nhiên, các quan niệm nêu trên của Đinh Trọng Lạc cũng như Hữu Đạt4 cho thấy, khi khảo sát các đặc điểm của ngôn ngữ báo chí, họ đều xuất phát từ góc độ 8
  • 9. chức năng của nó. Đây là hướng đi hợp lý, vì chính chức năng chứ không phải bất cứ yếu tố nào khác, quy định các phương thức biểu đạt có tính đặc thù của từng loại hình sáng tạo. Như chúng ta đều biết, chức năng cơ bản, có vai trò quan trọng hàng đầu của báo chí là thông tin. Báo chí phản ánh hiện thực thông qua việc đề cập các sự kiện. Không có sự kiện thì không thể có tin tức báo chí. Do vậy, theo chúng tôi, nét đặc trưng bao trùm của ngôn ngữ báo chí là có tính sự kiện. Chính tính sự kiện đã tạo nên cho ngôn ngữ báo chí một loạt các tính chất cụ thể như: 1. Tính chính xác Ngôn ngữ của bất kỳ phong cách nào cũng phải bảo đảm tính chính xác. Nhưng với ngôn ngữ báo chí, tính chất này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì báo chí có chức năng định hướng dư luận xã hội. Chỉ cần một sơ suất dù nhỏ nhất về ngôn từ cũng có thể làm cho độc giả khó hiểu hoặc hiểu sai thông tin, nghĩa là có thể gây ra những gây hậu quả xã hội nghiêm trọng không lường trước được. Chẳng hạn, sau chuyến tháp tùng một quan chức cao cấp sang thăm trung quốc, một nhà báo đã viết một bài phóng sự, trong đó có câu: " Chúng tôi đã chia tay với tình hữu nghị dạt dào của hai nước Việt - Trung ". Rõ ràng, từ " với " ở đây là không thể chấp nhận được (vì cụm từ " chia tay với..." biểu đạt ý nghĩa " từ bỏ, từ giã "), cần phải thay nó bằng từ "trong" . Muốn sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác, nhà báo phải tuân thủ ít nhất 2 yêu cầu. Thứ nhất, nhà báo phải giỏi tiếng mẹ đẻ, nói cụ thể là: nắm vững ngữ pháp; có vốn từ vựng rộng, chắc, và không ngừng được trau dồi; thành thạo về ngữ âm; hiểu biết về phong cách. Thứ hai, phải bám sát các sự kiện có thực và nguyên dạng để phản ánh, không tưởng tượng, thêm bớt. Hai yêu cầu này có quan hệ qua lại hết sức mật thiết. Giỏi ngôn ngữ mà xa rời hiện thực thì ngôn ngữ có thể " kêu " những rỗng tuếch, thiếu hơi thở ấm nóng của cuộc sống vốn là thứ có sức chinh phục mạnh mẽ đối với độc giả. Ngược lại, biết rõ hiện thực nhưng kém về ngôn từ thì cũng không thể chuyển tải thông tin một cách hiệu quả như mong muốn, thậm chí đôi khi còn mắc lỗi tới mức gây hại cho người khác hoặc xã hội. 9
  • 10. Sử dụng ngôn từ trong tác phẩm một cách chính xác, nhà báo không chỉ đạt hiệu quả giao tiếp cao, mà còn góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Vì số lượng người tiếp nhận các sản phẩm của báo chi đông tới mức không xác định được và họ ( nhất là trẻ em ) lại luôn xem các cơ quan báo chí là " ngọn đèn chỉ dẫn " trong việc dùng ngôn từ, cho nên ngôn ngữ báo chí càng hoàn thiện thì tiếng Việt càng có điều kiện phát triển. 2. Tính cụ thể Tính cụ thể của ngôn ngữ báo chí trước hết thể hiện ở chỗ cái mảng hiện thực được nhà báo miêu tả, tường thuật phải cụ thể, phải cặn kẽ tới từng chi tiết nhỏ. Có như vậy, người đọc, người nghe mới có cảm giác mình là người trong cuộc, đang trực tiếp được chứng kiến những gì nhà báo nói tới trong tác phẩm của mình. Đoạn trích sau đây trong phóng sự " Hai giờ dưới lòng đất " của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là một minh chứng: "...Tôi cố nén sự tự ái, ưỡn ngực tiến tới. Xì, lò thế này mà ngán gì. Đi như hầm địa đạo Củ Chi là cùng. Nhưng... sâu dần, đen dần. Rồi tất cả biến mất. Tôi lọ mọ đi. Hai tay sờ soạng tứ tung. Cốp! Lùn tịt như tôi mà cũng còn va đàu vào đá. Tôi nghĩ bụng và bắt đầu đi lom khom. Mẹ ơi, chỉ còn mình tôi thôi sao? Tống, Lực đâu rồi. Đã hết lom khom được. Phải nằm xuống, bò. Có tiếng nước róc rách. Đường lò ướt nhẹp. Tôi vớ phải một sợi dây cáp ở đầu một cái dốc. " Bám vào - ngửa người ra, tụt xuống! ". Một mênh lệnh vang lên. A! Tống, Lực đây rồi. Thì ra hai anh vẫn đi sát tôi, như có vẻ cố tình thử thách nhau một tý " cho nhà báo có thêm thực tế ". Thấy tôi thở phì phò, thợ lò bảo: " Đây là lò ngắn nhất và dễ nhất mỏ Mông Dương đấy! Dễ nhất! Tôi suýt la lên. Cả tiếng đồng hồ mới lấy được vài xe goòng than đá. Dễ nhất mà thợ lò phải bò như những con rắn mối trong hang". Một bức tranh chân thực và sinh động đã được tạo dựng nhờ sự miêu tả một loạt các hành động, các cảm giác cụ thể của tác giả. Khi đọc đoạn văn trên, độc giả thấy mình như cũng đang trải qua một cuộc hành trình đầy gian nan, vất vả dưới lòng đất. Và đây chính là khởi nguồn của niềm cảm thông sâu sắc với nỗi cực nhọc trong côngviệc của những người thợ lò. 10
  • 11. Bên cạnh đó, tính cụ thể của ngôn ngữ báo chí còn nằm ở việc tạo ra sự xác định cho đối tượng được phản ánh. Như thực tế cho thấy, mỗi sự kiện được đề cập trong tác phẩm báo chí đều phải gắn liền với một không gian, thời gian xác định; với những con người cũng xác định ( có tên tuổi, nghề nghiệp, chức vụ, giới tính... cụ thể ). Đây là cội nguồn của sự thuyết phục, vì nhờ những yếu tố đó người đọc có thể kiểm chứng thông tin một cách dễ dàng. Do đó, trong ngôn ngữ báo chí nên hạn chế tối đa việc dùng các từ ngữ, cấu trúc không xác định hay có ý nghĩa mơ hồ kiểu như " một người nào đó ", " ở một nơi nào đó ", " vào khoảng ", " hình như ", v. v... 3. Tính đại chúng Báo chí là phương tiện thông tin đại chúng. Tất cả mọi người trong xã hội, không phụ thuộc vào nghề nghiệp, trình độ nhận thức, địa vị xã hội, lứa tuổi, giới tính..., đều là đối tượng phục vụ của báo chí: đây vừa là nơi họ tiếp nhận thông tin, vừa là nơi họ có thể bày tỏ ý kiến của mình. Chính vì thế, ngôn ngữ báo chí phải là thứ ngôn ngữ dành cho tất cả và của tất cả, tức là có tính phổ cập rộng rãi. Tuy nhiên, phổ cập rộng rãi không có nghĩa là dễ dãi, thấp kém. Vì, nói như nhà nghiên cứu ngôn ngữ báo chí nổi tiếng người Nga V. G. Kostomarov: " Ngôn ngữ báo chí phải thích ứng với mọi tầng lớp công chúng sao cho một nhà bác học với kiến thức uyên thâm nhất cũng không cảm thấy chán và một em bé có trình độ còn non nớt cũng không thấy khó hiểu "5 . Với ngôn ngữ không có tính đại chúng, tức là chỉ dành cho một đối tượng hạn hẹp nào đó, báo chí khó có thể thực hiện được chức năng tác động vào mọi tầng lớp quần chúng và định hướng dư luận xã hội. Và đây chính là lý do khiến cho trong tác phẩm báo chí người ta ít dùng các thuật ngữ chuyên ngành hẹp, các từ ngữ địa phương, tiếng lóng cũng như các từ ngữ vay mượn từ tiếng nước ngoài. 4. Tính ngắn gọn Ngôn ngữ báo chí cần ngắn gọn, súc tích. Sự dài dòng có thể làm loãng thông tin, ảnh hưởng đến hiệu quả tiếp nhận của người đọc, người nghe. Thêm vào đó, nó còn làm tốn thời gian vô ích cho cả hai bên: cho người viết, vì anh ta sẽ không đáp ứng được yêu cầu truyền tin nhanh chóng, kịp thời; cho người đọc ( người nghe ), 11
  • 12. vì trong thời đại bùng nổ thông tin, người ta luôn cố gắng thu được càng nhiều thông tin trong một đơn vị thời gian càng tốt. Đấy là còn chưa kể đến việc viết dài dễ mắc nhiều dạng lỗi khác nhau, nhất là các lỗi về sử dụng ngôn từ ( thực tế khảo sát của chúng tôi cho thấy một tỉ lệ khá lớn các câu sai về ngữ pháp trong các tác phẩm báo chí có liên quan tới việc nhà báo quá ham mở rộng các thành phần phụ mà quên mất các thành phần chính của câu ). Câu nói nổi tiếng của đại văn hào Nga A. P. Chekhov có lẽ chính xác hơn cả với phong cách ngôn ngữ báo chí: " Ngắn gọn là chị của thành công "6 . 5. Tính định lượng Các tác phẩm báo chí có tính định lượng về ngôn từ vì chúng thường bị giới hạn trong một khoảng thời gian hay một diện tích nhất định. Vì thế, việc lựa chọn và sắp xếp các thành tố ngôn ngữ cần kỹ lưỡng, hợp lý để phản ánh được đầy đủ lượng sự kiện mà không vượt quá khung cho phép vè không gian và thời gian. Hiện tại, không ít báo yêu cầu phóng viên, cộng tác viên khi viết bài không được phép vượt quá một lượng chữ nhất định. Đối với những bài " không đặt trước " biên tập viên buộc phải chỉnh lý, cắt xén cho thích ứng với việc công bố. Rồi ngay trong số các cơ sở đào tạo nhà báo cũng có không ít nơi, khi tuyển sinh, đòi hỏi đối tượng dự thi phải thử nghiệm khả năng định lượng của mình thông qua việc viết một hay một số văn bản với độ dài cho sẵn. Tính định lượng của ngôn ngữ báo chí giúp cho nhà báo rèn luyện được thói quen chủ động trong việc sáng tạo tác phẩm. Nhờ đó, họ có thể dễ dàng thích nghi với mọi điều kiện thời gian cũng như không gian được dành cho việc công bố chúng. 6. Tính bình giá Các tác phẩm báo chí không chỉ đưa thông tin về các sự kiện, mà còn phải thể hiện công khai thái độ của tác giả đối với sự kiện thông qua sự bình giá ( có lẽ trong các thể loại báo chí chỉ có tin vắn, tin ngắn là không có tính bình giá, tức là tác giả thể hiên sắc thái biểu cảm trung tính ). Sự bình giá này có thể là tích cực mà cũng có thể là tiêu cực, song trong bất kỳ tình huống nào nó cũng được biểu đạt trực tiếp qua ngôn từ. 12
  • 13. Chẳng hạn, có nhiều bài báo đã bộc lộ rõ thái độ, cảm xúc của tác giả ngay từ tiêu đề như: " Góc tối ở thành phố cảng ", " Bông hoa Thủ đô giữa núi rừng Tây Bắc ", " Lặng lẽ quá ... liên hoan phim ", " Giai điệu buồn của một đêm nhạc trẻ ", " Đó cũng là một cách sống đẹp "...Còn trong các phần khác ( cả mở đầu, triển khai lẫn kết thúc ) những câu văn mang sắc thái đánh giá của người viết còn gặp thường xuyên hơn, nhất là ở các thể loại như bình luận, xã luận, phóng sự, ghi chép, ký... 7. Tính biểu cảm Tính biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí gắn liền với việc sử dụng các từ ngữ, lối nói mới lạ, giàu hình ảnh, in đậm dấu ấn cá nhân, và do đó sinh động hấp dẫn hay ít nhất cũng gây được ấn tượng đối với độc giả. Ví dụ: " Ở những " cua " cấp tốc, chuyện thầy viết lia lịa lời giải ở trên, trò cắm cổ chép như chép chính tả ở dưới vì không có thời gian giảng là " chuyện thường ngày ở huyện ". ( Hà Nội mới cuối tuần, 18 / 4 / 1998 ); " Sông Tô mà không lịch ". ( Văn hoá, 17 / 5 /1999 ). Nguồn gốc của sự biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí là vô cùng phong phú và đa dạng. Đó có thể là việc dùng các thành ngữ, tục ngữ, ca dao..., là sự vay mượn các hình ảnh, từ ngữ, cách diễn đạt từ các tác phẩm văn học nghệ thuật, là lối chơi chữ, nói lái, dùng ẩn dụ, v. v...hay chỉ đơn giản là việc thể hiện sự bình giá có tính chất cá nhân7 . Nếu ngôn ngữ báo chí không có tính biểu cảm, những thông tin khô khan mà nó chuyển tải khó có thể được công chúng tiếp nhận như mong muốn, vì chúng mới chỉ tác động vào lý trí của họ. Chính tính biểu cảm vốn là hiện thân của cái hay, cái hấp dẫn mới là nhân tố tác động mạnh mẽ tới tâm hồn của người nghe, người đọc, làm cho họ đạt tới một trạng thái tâm lý cảm xúc nhất định, để rồi từ đó thực hiện những hành động mà người viết vẫn chờ đợi. 8. Tính khuôn mẫu Trước hết, cần phải làm rõ khái niệm " khuôn mẫu ". Đó là những công thức ngôn từ có sẵn, được sử dụng lặp đi lặp lại nhằm tự động hoá quy trình thông tin, làm cho nó trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn. Khuôn mẫu bao giờ cũng đơn nghĩa và mang sắc thái biểu cảm trung tính. Chúng bao gồm nhiều loại và có mặt 13
  • 14. trong nhiều phong cách chức năng của ngôn ngữ. Chẳng hạn trong văn phong báo chí, khi viết các mẩu tin, người ta thường dùng các khuôn mẫu như: - Theo AFP, ngày...tại...trong cuộc gặp gỡ...Tổng Bí thư...đã kêu gọi... - TTXVN, ngày...người phát ngôn Bộ Ngoại giao... cho biết... Giao tiếp báo chí không thể thiếu khuôn mẫu vì nó tiết kiệm thời gian và công sức cho chủ thể sáng tạo, thích ứng với việc đưa tin cập nhật, tức thời. Song, khác với khuôn mẫu trong văn bản hành chính và văn bản khoa học, khuôn mẫu báo chí không cứng nhắc, bất di bất dịch mà rất linh hoạt, uyển chuyển. Chẳng hạn, một thông tin trên báo về nguyên tắc phải thoả mãn 6 câu hỏi: Ai? Cái gì? Ở đâu? Bao giờ? Như thế nào? Tại sao? nhưng thứ tự trả lời cho các câu hỏi đó có thể được sắp xếp khác nhau tuỳ thuộc vào từng hoàn cảnh giao tiếp cụ thể. Bên cạnh đó, các thành tố khuôn mẫu trong ngôn ngữ báo chí lại luôn kết hợp hài hoà với các thành tố biểu cảm cho nên ngôn ngữ báo chí thường rất mềm mại, hấp dẫn chứ không khô khan như ngôn ngữ trong văn bản khoa học và văn bản hành chính, là nơi người ta chỉ sử dụng thuần nhất các thành tố khuôn mẫu mà thôi. Trên đây là một số tính chất cơ bản của ngôn ngữ báo chí. Với những tính chất đặc thù như vậy, ngôn ngữ báo chí hoàn toàn có đủ tư cách để được xem là một phong cách chức năng trong ngôn ngữ. Chú thích 1. Đinh Trọng Lạc, Phong cách học tiếng Việt, NXB. Giáo dục, H., 1997, tr.19. 2. Đinh Trọng Lạc, Sđd., tr. 98 - 111. 3. Hữu Đạt, Phong cách học và các phong cách chức năng tiếng Việt, NXB. Văn hoá - Thông tin, H., 2000, tr. 224 - 248. 4. Khi bài viết này được công bố, cuốn " Ngôn ngữ báo chí " của nhà nghiên cứu Vũ Quang Hào còn chưa được xuất bản. Tác giả cuốn sách đó cho rằng đặc điểm nổi bật nhất của ngôn ngữ báo chí có khả năng chế định phong cách của nhà báo là sự " chệch chuẩn ". Không xem ngôn ngữ báo chí là một phong cách chức năng 14
  • 15. riêng, ông đi sâu vào khảo sát 3 phong cách chức năng, mà theo ông, báo chí thường sử dụng là: phong cách chính luận, phong cách khoa học và phong cách hành chính. Xem: Vũ Quang Hào, Ngôn ngữ báo chí, NXB. Đại học quốc gia, H., 2001. 5. Kostomarov V. G., Tiếng Nga trên trang báo, M., 1978, tr. 62 ( bằng tiếng Nga ). 6. Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX, M., 1984, tr. 287 ( bằng tiếng Nga). 7. Vấn đề này chúng tôi trình bày khá cụ thể trong bài " Những thủ pháp nhằm tăng cường tính biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí ". ( Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền, số 3 / 2001 ) 15
  • 16. SỰ ĐAN XEN KHUÔN MẪU VÀ BIỂU CẢM TRONG NGÔN NGỮ BÁO CHÍ Việc trình bày hay lập mã thông tin được thực hiện khác nhau trong các lĩnh vực giao tiếp khác nhau. Chẳng hạn, trong lĩnh vực sản xuất - công nghệ người ta thường dùng lối miêu tả kê khai: Tên gọi ... Đặc điểm... Trọng lượng .... Chức năng ... Người sản xuất... Dưới đây là những dòng chữ được ghi trong một giấy chứng nhận sáng chế: " Chiếc đèn nháy điện tử có tên gọi là " Electron " do nhà máy điện quang Washington sản xuất là một dụng cụ có trọng lượng 250 g, có khả năng phát sáng với công suất 20 j và làm việc nhờ hệ thống ắc qui ". Song, vẫn thông tin nói trên, khi được đưa trên một tờ báo, lại có dạng thức như sau: " Một trong những nhà máy điện quang của Washington đã tạo nên một sự bất ngờ thú vị cho những người yêu thích chụp ảnh. Ngọn đèn nháy điện tử " Electron " nặng chỉ vẻn vẹn có 250 g. Tia chớp xinh xắn này làm việc nhờ hệ thống ắc qui có thể nạp được điện từ những ổ cắm thông thường ". Dễ dàng nhận thấy là thông tin trên báo sinh động và hấp dẫn hơn nhiều so với những gì được ghi trên giấy chứng nhận sáng chế. Nguyên nhân thật đơn giản: Trong ngôn ngữ báo chí, người ta đã đan xen một cách hài hoà các thành tố khuôn mẫu với các thành tố biểu cảm; còn trong ngôn ngữ có tính chất kê khai của một giấy chứng nhận sáng chế, người ta chỉ dùng thuần nhất các thành tố khuôn mẫu mà thôi. Nếu so sánh các phong cách chức năng trong ngôn ngữ về phương diện quan hệ giữa khuôn mẫu và biểu cảm, chúng ta nhận thấy: Trong phong cách hành chính - công vụ và phong cách khoa học, tính khuôn mẫu của cách thức diễn đạt đạt tới mức tối đa, nghĩa là không còn chỗ cho các thành tố biểu cảm. Trong phong cách văn học nghệ thuật, tính biểu cảm chiếm ưu thế so với tính khuôn mẫu; đặc biệt, trong một số tác phẩm thơ, tính biểu cảm có thể đạt tới mức tối đa. Riêng trong phong cách báo chí - chính luận, tính khuôn mẫu và tính biểu cảm của ngôn từ nằm trong quan hệ tương đối hài hoà, cân bằng. 16
  • 17. Các trường hợp đan xen khuôn mẫu và biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí, nhìn chung, có thể chia thành 3 kiểu chính như sau: 1. Đan xen trong phạm vi câu Đây là sự đan xen ( chủ yếu là giữa các từ ) trong nội tại câu. Ví dụ: "Không giống như nhiều tập đoàn khác bỏ hàng núi tiền để giành một suất quảng cáo trên truyền hình hay các phương tiện thông tin đại chúng, Piaggio chơi kiểu khác " độc " hơn và " cao tay " hơn: Đổ tiền vào sản xuất các bộ phim hay và khéo léo lồng thương hiẹu của mình vào. Sau khi bộ phim " Kỳ nghỉ thành Rôma " được trình chiếu ( 1954 ) với hai ngôi sao Gregorg và Herburrn luồn lách ngang dọc trên các đường phố Rôma cùng con ong xinh xắn ( Vespa - tiếng ý có nghĩa là con ong ), thì Vespa trở thành biểu tượng của nước ý ". ( Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, 10 / 7 /2001 ); " Nhưng “chảo dầu sôi " trên sân Vinh với gần 3 vạn khán giả cuối cùng cũng "nấu chín " đội Công an Hà Nội ". ( Lao động, 31 / 3 /2000 ); " Công - coóc từ trước đến nay vẫn được coi là phi cơ quý tộc vì những tiện nghi và các ưu thế kỹ thuật " độc nhất vô nhị " của nó. ( Quân đội nhân dân, 3 / 9 / 2000 ); " Faustino asprila, " mũi tên đen " hay gây tranh cãi của Clombia mới đây thổ lộ rằng... anh sẵn sàng từ chối một bản hợp đồng hàng triệu đô la tại một vương quốc dầu lửa và muốn kết thúc sự nghiệp của mình tại đội " thường thường bậc trung " Tutu của thành phố quê hương ". ( Thể thao và Văn hoá, 12 / 9 / 2000 ); " Lành mạnh " nhất trong các chiêu lôi kéo khách của những quán cà phê kiểu " tục " là cho tiếp viên ... khoe " của ". ( Người lao động, 16 / 8 /2000 ). 2. Đan xen trong phạm vi đoạn văn Đay là sự đan xen giữa các câu với nhau. Ví dụ: " Trước hết, nợ của Chính phủ Nhật Bản rất cao, khoảng 9,3 % GDP hàng năm. Đây là một quả bom nổ chậm đang ẩn trong nền kinh tế Nhật ". ( Hà Nội mới cuối tuần, 21 / 12 / 1998 ); " Đảo đèn Long Châu đã dược phong danh hiệu anh hùng năm 1972. Người ta gọi nó là " con mắt ngọc " của biển Đông ". ( Lao động, 11 / 4 /1998 ); 17
  • 18. " Hầu hết các thành viên Hội đồng quản trị, Tổng và các Phó Giám đốc, Trưởng và các Phó ban đều làm việc chính tại Hà Nội. Đầu tuần, tất cả đều xuống Quảng Ninh họp giao ban với một xe tuyến và gần hai chục xe con dành riêng cho các " sếp ". ( Văn nghệ trẻ, 20 / 8 /2000 ); " Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, mọi sự nói vậy mà không hẳn đã là vậy. Trong chương trình làm việc mới được đưa ra kèm theo khoản viện trợ cả gói cho kế hoạch " Cô - lum - bi - a ", Oa - sinh -tơn thực chất đã thay đổi một cách căn bản nguyên tắc phối thuộc cùng Bô - gô - ta trong cuộc đấu tranh chống lại nạn buôn bán ma tuý. Từ nay trở đi, người Mỹ không chỉ đứng đằng sau quân đội Cô - lum - bi -a, mà với vai trò cố vấn huấn luyện, sẽ thực sự và trực tiếp nhúng tay vào công việc nội bộ của Cô - lum - bi -a ". ( Quân đội nhân dân , 10 / 9 /2000 )... 3. Đan xen trong phạm vi kết cấu toàn văn bản Ở đây, các thành tố biểu cảm được sử dụng để xây dựng những mảng màu đối lập ở bậc kiến trúc của toàn bài. Đó có thể là: a, Đối lập giữa tiêu đề với nội dung, ví dụ: Nắm người có tóc Trong vòng vài ngày qua, Đà Nẵng gần như chấm dứt hẳn nạn ùn tắc giao thông vào các giờ tan học, tan tầm. Hiệu lực chỉ thị nghiêm cấm học sinh không được đi học bằng xe gắn máy, mô tô của chính quyền, nhằm vãn hồi trật tự giao thông trên đường phố có tác dụng thấy rõ. Gần chục ngàn học sinh của 7 trường phổ thông trung học đã tự giác đến trường bằng xe đạp thay vì xe máy như trước đây. Có thể nói đây là hiện tượng tích cực mà mà Đà Nẵng là một trong số rất ít đô thị trong cả nước hiện nay làm được nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đang có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ trên khắp các địa phương trong cả nước... ( Lao động, 13 / 1 / 2003 ). Khôn ngoan chẳng lọ thật thà Hai vợ chồng giàu có vào bậc nhất phố tôi, dạo này buồn rười rượi, rất năng đi chùa lễ Phật. Hàng xóm thạo tin kháo nhau: Nhà ấy phất nhờ đánh hàng lậu biên giới, vừa bại quả lớn, may mà không phải vào tù. Trời có mắt cả, được cái 18
  • 19. này mất cái kia, lắm tiền " đen ' nên thằng con đầu đi xe máy ngã, cưa mất một chân, thằng thứ hai, nghiện hút đang đi cai... ( Hà Nội ngày nay, số 8 / 1999 ). b, Đối lập giữa phần mở đầu và phần triển khai, ví dụ: " Lại nói Tôn Sách là con Tôn Kiên muốn nối chí cha xưng hùng xưng bá ở Giang Đông, nhưng hiềm một nỗi là không có binh mã. Thủ hạ của Sách hiến kế rằng: " Tướng quan nên đem ngọc tỷ của Tôn Phụ để lại, thế chấp cho Viên Thuật, lấy quân mà thu phục Giang Đông ". Sách nghe theo. Viên Thuật giao cho Sách 3000 quân và 500 ngựa chiến để đổi lấy ngọc tỷ truyền quốc. Có quân mã trong tay, lại được Chu Du giúp mẹo mực, chẳng bao lâu Tôn Sách đã làm chủ cả một vùng Giang Đông rộng lớn ". Nay trở lại quy chế lên bán chuyên nghiệp do LĐBĐVN đề ra cho các đội bóng muốn tham dự.." ( Lao động, 21 / 7 /2000 ). c, Đối lập giữa phần triển khai và phần kết thúc, ví dụ: " Thiết nghĩ, Kodak là một công ty lớn, việc kinh doanh đã có uy tín, thương hiệu sản phẩm nổi tiếng trên toàn thế giới, nhưng qua kiểu làm ăn " đánh trống rồi... cất luôn dùi với VAFACO như vừa nêu gây thiệt hại cho đối tác hàng chục tỷ đồng, đã tự hạ uy tín của mình và chứng tỏ " ông chủ lớn " đôi khi chỉ vì muốn thu lợi cho nhiều mà tính toán rất " nhỏ "... Rõ là: " kinh doanh có ba, bảy đường Anh chơi kiểu ấy khó lường về sau Nên lấy chữ tín làm đầu Giữa đường phản phé thì mau... sụp hầm ". ( Công an Thành phố Hồ Chí Minh, 26 / 8 / 2000 ). Thực tế khảo sát cho thấy, hầu hết các tác phẩm báo chí ( cho dù chúng có thuộc về bất cứ thể loại nào ) đều sử dụng sự đan xen khuôn mẫu và biểu cảm như là nguyên tắc cấu tạo về ngôn ngữ, song, tất nhiên là với mức độ và cách thức không giống nhau. Chỉ trong một số dạng tin thời sự phản ánh các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng ( hoạt động của các nhà lãnh đạo, các cơ quan quyền lực cao cấp của đất nước ) là có vẻ thiếu vắng các thành tố biểu cảm. Tuy nhiên, theo 19
  • 20. chúng tôi thì ở ngay các tin kiểu này cũng không nên phủ nhận hoàn toàn vai trò của việc đan xen khuôn mẫu và biểu cảm, mà ngược lại, phải biết hướng tới nó, biết vận dụng nó một cách mềm mại, sao cho vừa không làm phương hại đến tính khách quan của thông tin, vừa giúp cho độc giả phần nào bớt được cảm giác là mình đang phải đọc một thông báo khô khan. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó khi đọc các tờ báo lớn, thu hút được một lượng độc giả đông đảo, của nước ngoài. Vậy phải làm thế nào để cho ngôn ngữ báo chí có tính biểu cảm? Hay nói cụ thể hơn, là làm thế nào để tăng cường giá trị biểu cảm cho các thành tố ngôn ngữ được dùng trong tác phẩm của anh? Bài viết tiếp sau của chúng tôi sẽ phần nào giải đáp cho câu hỏi không dễ dàng này. ( Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền, số 6 / 2000 ) 20
  • 21. MỘT SỐ THỦ PHÁP NHẰM TĂNG CƯỜNG TÍNH BIỂU CẢM TRONG NGÔN NGỮ BÁO CHÍ Như chúng ta đều biết, chức năng quan trọng hàng đầu của báo chí là thông tin. Nhưng nếu trong ngôn ngữ báo chí người viết chỉ dùng các từ ngữ, cách diễn đạt có tính chất khuôn mẫu để phản ánh các sự việc, hiện tượng, vấn đề,... thì thông tin khó tránh khỏi khô cứng, đơn điệu, thậm chí tẻ nhạt. Để khắc phục các nhược điểm này, các tác giả đã sử dụng khá nhiều những thủ pháp nhằm tăng cường tính biểu cảm khác nhau; và nhờ đó, thông tin của họ trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ đọc và dễ tiếp thu hơn đối với độc giả. Qua khảo sát sơ bộ, các thủ pháp nhằm tăng cường tính biểu cảm cho ngôn ngữ báo chí có thể chia thành một số loại chính như sau: 1. Dùng từ ngữ hội thoại Từ " hội thoại " ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, tức là nó không chỉ bao hàm các từ thuộc vốn từ vựng của ngôn ngữ văn hoá được dùng đặc biệt trong lời nói miệng, trong sinh hoạt hàng ngày, mà còn gồm cả một số từ thông tục và từ lóng, vì những từ thuộc hai loại sau này cũng chỉ được chuyên dùng trong khẩu ngữ. Ví dụ: " Bằng cấp đầy người, anh vẫn chỉ là một nhân viên quèn ". ( Hà Nội mới chủ nhật, 22 / 11 /1998 ); " Đã qua ngày rằm mà nhiều công sở vẫn còn vắng hoe. Điện thoại réo mệt nghỉ vẫn không có ai trả lời ". ( Nhà báo và Công luận, số 10 / 1998 ); " Vòng đấu thứ 17 là vòng đấu " bốc mùi " nhất kể từ đầu giải. Những quan sát viên khẳng định rằng cách mà Thừa Thiên - Huế " chết " trên sân Hà Nội còn " thô " hơn so với cách mà Công an Hà Nội đã " nằm " trên sân Tự Do - trận đấu mà BTC giải đã lôi hai đội ra " chém ", và bị dư luận phản ứng về cách " chém " nửa vời ". ( Lao động, 25 / 5 /2001 ); " Thực tế thì Tú chẳng có xu gỉ nào để góp vốn ". ( An ninh thế giới, 6 / 3 / 1998 ); " Tôi... vội nháy anh bạn đồng nghiệp uống một hơi hết cốc cà phê đen, hấp tấp nổ xe máy, dông thẳng ". ( lao động, 4 / 3 /1998 )... 21
  • 22. Hiện nay, xu hướng chung trên thế giới là hội thoại hoá ngôn ngữ báo chí để nó đơn giản hơn, gần gũi hơn với cuộc sống thường ngày. Chính vì thế, từ ngữ ( và thậm chí cả cú pháp ) của ngôn ngữ hội thoại được dùng để tăng cường tính biểu cảm trong các bài viết ngày càng phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, hội thoại hoá ngôn ngữ báo chí không có nghĩa là chúng ta được phép bê nguyên xi ngôn ngữ đời thường với tất cả cái dáng vẻ thô ráp, xù xì, gai góc của nó vào trong tác phẩm báo chí. Vì dù thế nào đi chăng nữa, ngôn ngữ trên trang báo phải là một thứ ngôn ngữ đã được gọt giũa, được trải qua sự nhào nặn của tác giả và phải đạt tới một sự chuẩn mực nhất định về văn hoá. Vì thế, tình trạng lạm dụng quá mức các từ ngữ thuộc tiếng lóng hay các từ ngữ thô tục đang diễn ra ở một số nhà báo và ở một số tờ báo ( nhất là các tờ báo dành cho thiếu niên nhi đồng ) là rất đáng lo ngại, cần được quan tâm đúng mức và không chậm trễ1 . 2. Dùng từ ngữ vay mượn từ tiếng nước ngoài Những từ ngữ dược vay mượn từ các ngôn ngữ Ấn - Âu có thể được giữ nguyên dạng hay phiên âm. Ví dụ: " Hơn một chút... họ sẽ là " Speaker " ( văn hoá, 18 / 1 /1998 ); " Tôi thấy không ít người giản dị mang những bộ đồ rát đẹp nhưng quả thực dó không phải là cái đẹp modern hiện đại mà một nét đẹp rất riêng, cái đẹp của một phong cách giản dị ... " ( Văn hoá- Tết 1999 ); " ... Ông ta không làm cho một tờ báo cụ thể nào mà chỉ hợp tác làm những chuyên san về đời tư nghệ sỹ, thậm chí còn bới móc hay lăng xê vô tội vạ cho một ai đó với mục đích chỉ là để ... có tiền " ( Tiền Phong, 21 / 5 / 2002 ); " Tôi vốn không thích táo nhưng thấy táo ngon mua vài quả dùng làm đét xe cho bữa cơm chiều " ( Lao động, Xuân Mậu Dần, 1998 )... Trong số các từ được vay mượn từ các ngôn ngữ Ấn - Âu, có khá nhiều từ đã phần nào thích nghi với chuẩn mực của tiếng Việt cho nên được sử dụng khá rộng rãi. Tuy nhiên, người ta vẫn dẽ dàng nhận thấy cái nguồn gốc ngoại loại của chúng, chẳng hạn như: apphe, xêmina, makettinh, kiôt... 22
  • 23. Còn các từ Hán - Việt thì được dùng quá phổ cập và đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của tiếng Việt. Song, không vì thế mà người ta không nhận thấy khả năng tăng cường tính biểu cảm của chúng. Ví dụ: " Quý hồ tinh bất quý hồ đa " ( Văn hoá, 25 / 2 /1998 ); " Về phía chủ quan, cũng nên thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, bất cập của ta trong lĩnh vực này ..." ( Tuổi trẻ Thủ đô, số 6 / 1998 )... Việc sử dụng các từ ngữ vay mượn từ tiếng nước ngoài cần có chừng mực để tránh gây phản cảm cho người đọc, vì sự xuất hiện quá nhiều các từ không thuần Việt trong một văn bản báo chí không chỉ làm cho ngôn ngữ của nó có vẻ không trong sáng mà còn tạo ấn tượng rằng người viết muốn " khoe chữ ". Bên cạnh đó, những từ ngữ được lựa chọn phải có những ưu thế thật sự nổi trội so với các từ hoặc những cách diễn đạt tương đương trong tiếng Việt ( Chẳng hạn như diễn đạt khái niệm rõ ràng, đầy đủ, chính xác hơn; hoặc có vỏ âm thanh nghe gợi cảm hơn ) và đồng thời phải tương đối quen thuộc đối với công chúng ( tức được dùng thường xuyên trong giao tiếp ) để không gây cản trở gì đáng kể cho quá trình nhận thức của độc giả. 3. Dùng thuật ngữ Các thuật ngữ, xét theo tự thân, là những từ trung tính, tức không mang sắc thái biểu cảm. Thế nhưng, khi được kết hợp hài hoà với các từ khuôn mẫu, chúng lại có khả năng tăng cường tính biểu cảm rất đáng kể. Ví dụ: " Với biểu tượng về sức mạnh vô song, hổ là hình ảnh để nói sự đứng đầu xuất chúng: chúa sơn lâm. Bằng tư duy, bằng hành động thực tiễn, con người luôn văn hoá hoá thế giới xung quanh" ( Ngôn ngữ và Đời sống, số 2 / 1998 ); " Sự thành công của những hạng mục đầu tiên sẽ tạo nên sự hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư vào liên doanh, liên kết để có thể triển khai dự án " ( Nhân dân hằng tháng, số 5 / 1998 ); " Ít thích lý luận trừu tượng, tự biện, kinh viện, giàu óc thực tế, nắm bắt nhanh kỹ thuật, gắn lý luận với tình cảm, về gần cái chân chất, bình dị...đó cũng là nét khu biệt của văn hoá Nam Bộ " ( Thể thao và Văn hoá, Xuân Mậu Dần / 1998 ); 23
  • 24. " Đây là một bước ngoặt vì từ trước đến nay đảng LDP cầm quyền vẫn chủ trương cắt giảm thâm thủng ngân sách bằng mọi giá " ( Hà Nội mới cuối tuần, 21 / 2 /1998 )... Hiện nay, do khoa học kỹthuật phát triển mạnh, nhiều lĩnh vực nghiên cứu mới ra đời, cho nên số lượng thuật ngữ gia tăng nhanh chóng và chúng xuất hiện với mật độ ngày càng dày trên các báo. 4. Dùng từ ngữ địa phương Các từ ngữ địa phương luôn mang đậm dấu ấn riêng về lời ăn tiếng nói của một cộng đồng người gắn liền với một vùng đất, vì thế chúng làm cho câu văn có sắc thái mới lạ, đôi khi khá giàu sức gợi. Các từ ngữ địa phương có thể gặp trong ngôn ngữ của tác giả cũng như trong ngôn ngữ nhân vật. Ví dụ: "Ước mong sao đến đâu ta cũng gặp những cái chạnh ( xóm, tiếng Nghệ An - H A.) như ở Liên Trì, bắt gặp những con người từ chạnh ra đi " ( Lao động, 4 / 4 / 2002 ); " Huế ơi, biết về mô bây chừ? " ( Gia đình, số 5 / 2000 ); " Bà Ngô Thị Của ( 67 tuổi ) - Hội trưởng Hội Phụ nữ làng cố giấu sự xấu hổ": " Đúng là có chuyện đó thiệt, cũng là do đời sống mà ra cả. Nói mô xa, chỉ nhìn sang mấy làng bên tê núi là đêm nằm tủi thân muốn khóc hết nước mắt. Nhưng nói gì thì nói, mấy chục năm giải phóng lên, làng Cổ Dù đã thay đổi nhiều lắm rồi. Trước phần vì đói, phải ăn độn, phần vì uống nước đục, gái trai, già trẻ làng ni đều bụng phình to như bụng chửa, mặt bủng, da chì " ( Lao động, 20 / 3 / 2003 );... Dễ dàng nhận thấy là trong ngôn ngữ nhân vật, từ ngữ địa phương xuất hiện một cách tự nhiên như là sự phản ánh chân xác lời ăn tiếng nói của họ, vì thế tính biểu cảm của chúng có vẻ như không được cao bằng so với các từ ngữ địa phương được chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi phương diện trong ngôn ngữ tác giả. 5. Sử dụng chất liệu văn học Các chất liệu văn học có mặt rộng rãi trong hầu hết các thể loại báo chí, theo nhiều cách thức khác nhau. Nhưng những cách thức thường gặp nhất là vay mượn cốt truyện, hình ảnh hay từ ngữ, cách diễn đạt từ các tác phẩm văn học2 . Ví dụ: 24
  • 25. " Trong tiểu thuyết " Đất vỡ hoang " của nhà văn Xô Viết Sôlôkhôp có miêu tả một ông chủ tịch nông trang Nagunôp không chịu được tiếng gáy của con gà nhà một mụ hàng xóm. Cứ đúng lúc ông ngủ say thì phải bừng thức vì con gà nhà nọ cất tiếng gáy. Nó gáy mới oai vệ, mới thách thức, mới trêu ngươi. Không chịu nổi tiếng con gà, ông chủ tịch mới dùng quyền hành tìm đến nhà nọ bóp chết con gà. Với ông bạn tôi thì lại khác, ông lại mang con gà nhà mình đến gáy ở thiên hạ. Thói đời vẫn vậy, con gà tức nhau tiếng gáy tất sinh lắm chuyện, trước hết là chuyện sĩ diện, sau đến hao tiền tốn của. Ông bạn tôi là chủ một công ty nhỏ. Người ta tán ông nên đưa hàng đi triển lãm quốc gia, hàng của ông phải nổi tiếng cả nước. Nổi tiếng trong nhà coi như vứt, như áo gấm đi đêm..." ( Nông nghiệp Việt Nam, 10 / 4 / 2002 ); " Cảng Sài Gòn: Đâu là gót chân A-sin? ( Tuổi trẻ TP HCM 27 / 5 /2001 ); " Bản quyền âm nhạc: - cuộc chiến của chàng Đôn kihôtê chống lại cối xay gió ( Gia đình và Xã hội, số 34 / 2002 ); " Ngày 15 / 5 Leverkusen sẽ chơi trận chung kết tranh cúp Đức với Schaltre 04 trước khi gặp Real Madrid trong trận tranh cúp C1. Không biết câu lạc bộ này thi đấu ra sao. Cầu chúc cho ước mơ ban đầu của học không trở thành " miếng da lừa " ( Tiền phong, 12 / 5 /2002 ); " Buồn vui cũng một hội này chùa Hương "; " Lời vui có một khúc này " ( Hà Nội mới cuối tuần, 21 / 2 /1998 ); " Nghề chơi cũng lắm công phu " ( Đầu tư, 9/ 3 /1998 ); " Điều lệ bảo hiểm có những quy định theo kiểu " sống chết mặc bay " ( Gia đình và Xã hội , số 68 / 2001 ); ...Với đội bóng Liverpool : Không có nơi nào đẹp như Rôma " ( Thể thao và văn hoá, 20 / 2 /2001 )... 6. Sử dụng thành ngữ, tục ngữ, danh ngôn... cùng các biến thể của chúng Các phương tiện ngôn ngữ này thường có ý nghĩa rõ ràng, dễ hiểu, lại xuất hiện với tần số cao trong hoạt động giao tiếp thường ngày ( nhất là thành ngữ, tục ngữ ) 3 , cho nên việc sử dụng chúng rất thuận lợi đối với cả người viết lẫn người đọc.Ví dụ: 25
  • 26. " Giận cá chém thớt " ( Lao động, 14 /5 /2001 ); " Nhất cận thị, nhị cận giang " ( Nhân dân hằng tháng, tháng 5 / 1998 ); "Cái nết đánh chết không chừa " ( Thanh niên, 15 / 3 /1998 ); " Làm vua chơi lan, làm quan chơi trà " ( Tuổi trẻ TP HCM, 22 / 1 / 2001 ); " Đầu xuôi, đuôi chưa lọt " ( Nhà báo và Công luận, số 10 /1998 ); " Tên cướp Nguyễn Văn Thi đã từng hai lần vào tù vì tội " cưỡng đoạt tài sản công dân " nay vừa ra tù được vài tháng, mặc dù có sức khoẻ nhưng vẫn không chịu lao động kiếm sống một cách lương thiện mà vẫn mắc chứng " ngựa quen đường cũ " ( Tiền phong, 21 / 5 /2001 ); " Xung quanh vấn đề nhà đất này, cả cán bộ nhà nước và nhân dân đều kêu khổ, kêu cực vì còn những kẻ cơ hội " đục nước béo cò ", lợi dụng các kẽ hở mà làm ăn bất chính " ( Tuổi trẻ TP HCM, 20 / 1 /2002 ); " Thế đấy, mua danh ba vạn nhưng bán danh chỉ cần năm bảy năm tổ chức lễ hội không ra gì " ( Thể thao và Văn hoá, số 18 / 2001 ); " Hãy nói cho tôi biết, bạn yêu như thế nào, tôi sẽ nói bạn là người ra sao " ( Thế giới trẻ, số 34 /1997 ); " Có một danh nhân đã nói, đại ý rằng: " Hạnh phúc là một thứ nước hoa mà khi ban phát cho người khác vẫn con vương lại vài giọt " ( Thanh niên, 16 / 10 / 2000 );... Khảo sát cho thấy, việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ đang là thủ pháp tăng cường giá trị biểu cảm được ưa dùng nhất hiện nay trên nhiều tờ báo. 7. Chơi chữ Các trường hợp chơi chữ gặp không nhiều trong các tác phẩm báo chí. Vì so với các thủ pháp tạo giá trị biểu cảm khác, việc chơi chữ khó khăn hơn, đòi hỏi người viết nhiều phải có sự tìm tòi, khám phá công phu hơn. Ví dụ: " Pháp Mỹ hợp tác hay hợp tát ? ( Nhân dân, số 73 / 1972 ); " Ẩn hoạ văn hoá " ( Hà Nội mới, Tết Nhâm Ngọ, 2002 ); " Gặp nhau đuối ... dần " ( Đầu tư, 12 / 1 /2002 ); " Nhiều người ngại đấu tranh vì họ biết rằng hậu quả họ sẽ phải gánh chịu là " tránh đâu "... " ( Lao động, 15 / 3 /1998 ); 26
  • 27. " ... Cậu phải chịu ít nhất một lần tiếng chửi thề vì cán phải chân đứa đi bên cạnh khi dừng đèn đỏ để đến cái lớp Anh văn đàm thoại; nhưng " thoại hoài mà vẫn cứ bị loại " ( Áo trắng, số 7 / 2000 )... Thực tế khảo sát cho thấy, trong báo chí cách mạng Việt Nam, người chơi chữ thường xuyên, hiệu quả và tạo nên hẳn một phong cách riêng, là Chủ tịch Hồ Chí Minh.4 Còn ở các tác giả khác, việc chơi chữ thường được dùng rất hạn chế, mang nặng tính ngẫu hứng. 8. Dùng dấu câu Các dấu câu cũng là những phương tiện đắc dụng trong việc tạo nên giá trị biểu cảm cho ngôn ngữ báo chí. Song ở đây, chúng tôi chỉ bàn đến dấu ngoặc kép và dấu chấm lửng ( dấu ba chấm ) như là hai loại dấu câu nổi bật hơn cả về phương diện này. Dấu ngoặc kép: Có giá trị biểu cảm cao khi báo hiệu rằng những từ ngữ nào đó được dùng không phải với ý nghĩa hay phong cách thông dụng của chúng. Nó mang đến cho câu văn sắc thái dí dỏm, hài hước hoặc mỉa mai, châm biếm. Ví dụ: " Khán giả đã quá " no " với những gì được thưởng thức và đang tìm một " món ăn " khác hợp khẩu vị hơn " ( Gia đình và Xã hội, số 100 / 2001 ); " Trong đêm xứ Lạng giá rét, chúng tôi tình cờ gặp tốp 4, 5 cô gái " tóc xù mỳ " kiểu Hàn Quốc đứng trước quán Karaoke trên đường Đông Kinh " phát ngôn " với những lời lẽ, thô tục..." ( Tiền phong, 9 / 1 /2002 ); " ... Tuy vậy, không phải cứ sắm máy rồi muốn bơm lúc nào thì bơm, mà còn phải theo sự phân phối của " trưởng dãy " . Bắt đầu vào hè năm nay, ông Thắng, trưởng khu nhà, đã " lên lịch " phân phối như sau [...]. Còn một hộ không được bơm nhưng ngày nào cũng được " đặc quyền " dùng xô múc nước đủ dùng trong ngày. Phân phối như thế hoá ra anh ta lại " bở " nhất. Cái bể công cộng suốt ngày khô như rắn ráo " ( Nông nghiệp Việt Nam, 19 / 3 /2002 ); " Cũng có nghĩa rằng, dù đã rất cố gắng nhưng một lần nữa, Công an và Viện Kiểm sát quận Kiến An lại " ôm nhầm " một văn bản không có giá trị pháp lý ( Lao động, 24 /5 /2001 ); 27
  • 28. " 61% lưu học sinh Việt Nam " bốc hơi " sau khi tốt nghiệp. Họ đi đâu ? " ( Thể thao và Văn hoá, số 12 /2001 )... Dấu chấm lửng: tăng cường đáng kể tính biểu cảm cho ngôn ngữ báo chí khi nó thực hiện chức năng làm giãn nhịp câu văn, báo hiệu sự bất ngờ hoặc gợi mở các định hướng suy nghĩ khác nhau cho người đọc. Ví dụ: " Các nam ca sỹ ngày càng ... đẹp gái " ( Thể thao và Văn hoá, 17 / 6 / 2001); " Về thành phố mua ... cỏ " ( Lao động, 24 /5 / 2002 ); " Lời hứa cũng ... ô nhiễm " ( Lao động, 21 / 5 / 2001 ); " Tôi đi mua ... vợ " ( Gia đình và Xã hội, số 4 / 2001 ); " Nhưng đến một nơi như Kalona, làng truyền thống ở Iowa, một thành phố miền Trung nước Mỹ mà còn dùng hàng Trung Quốc thì... " ( Tiền phong, 15 / 4 / 2002 ); " Tôi rời làng, đứng trên đồi cao nhìn xuống thấy Cam nghĩa và Cam Chính có thân hình còng ngoặt như một dấu hỏi lớn. Dấu hỏi gieo vào giữa trời, đất, vào biết bao nhiêu thân phận ở làng và khóc nghẹn không có câu trả lời... " ( Lao động, 29 / 3 /2001 )... 9. Dùng ẩn dụ Ẩn dụ trong ngôn ngữ báo chí thường mang tính chất văn cảnh. Nó là sáng tạo riêng của người viết và in đậm dấu ấn cá nhân. Ví dụ: " Các tân binh với nỗi lo muôn thuở: trụ hạng " ( nhà báo và Công luận, số 11 / 1998 ); " Bóng đá Đức tăng quân trong cuộc chiến vùng vịnh " ( Hà Nội mới chủ nhật, 22 /2 /1998 ); " Những sáng kiến này có thể giúp Việt Nam loại bỏ những ổ gà trên con đường trở thành " điểm đến của thiên niên kỷ mới " ( Gia đình và Xã hội, số 37 / 2002 ); '" Ở Trường sa, tình yêu của một lính đảo lặng sóng là anh em cả phòng đều vui " ( Tiền phong, 7 / 3/ 2002 ); " Vàng trắng lên ngôi " ( Lao động, 19 / 2 / 2002 )... Có thể nói, không theo đuổi mục đích khám phá và phản ánh thế giới một cách hình ảnh như trong văn học nghệ thuật, nhà báo sử dụng ẩn dụ như một phương 28
  • 29. tiện đối lập với khuôn mẫu, một phương tiện nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của độc giả nhưng lại gây được ấn tượng lớn. 10. Nói dựa, trích dẫn Ở đây, tác giả chỉ ra nguồn gốc, xuất xứ của những cách diễn đạt gợi cảm nào đó mà anh ta vay mượn nhằm thông báo cho độc giả biết rằng: anh ta chỉ đồng tình với những kiểu nói ấy chứ không phải chịu trách nhiệm về chất lượng của sự gợi cảm trong chúng. Và chính cái thủ pháp nói dựa, trích dẫn như vậy đã làm cho giọng điệu câu văn bớt đi cái sắc thái chủ quan, trở nên mềm mại, nhẹ nhàng, và thông tin hàm chứa trong nó cũng có độ xác thực cao hơn. Ví dụ: " Giai tầng như tôi, mua cái xe làm phương tiện bươn chải ( nói như ông Gorki, về vai trò của văn học dân gian ) là để " cho lao động được nhẹ nhàng hơn " thì... " ( Lao động, 4/ 3 /1998 ); " Nói theo cách của nhà thơ Evgheni Evtushenko, không nên hạ thấp phụ nữ xuống bằng ... đàn ông! " ( Văn hoá, 8 / 3 /1998 ); " Dân chúng gọi hồ là biển, lâu ngày thành quen nên gọi là Biển Hồ " ( Nhà báo và Công luận, số 13 /1998 ); " Người đàn bà ấy tuy còn chút nhan sắc, nhưng nói theo ngôn ngữ của giới trẻ, cũng thuộc loại quá " đát " rồi " (Tuổi trẻ Thủ đô, 12 / 3 / 2000 )... " Tôi đi tìm mua cho con gái một chiếc đàn Organ Yamaha " made in Japan " chính hiệu, tại một Duty Free Shop ( cửa hàng miễn thuế ) trên phố " điện tử " ( theo cách gọi của những người Việt ở đây " ( Lao động, 24 / 6 1998 )... Khi sử dụng bất kỳ thủ pháp nào nhằm tăng cường tính biểu cảm cho ngôn ngữ báo chí ( mà những cái kể trên chỉ là một số tiêu biểu ), người viết phải lưu ý tới một loạt các yêu cầu như: đúng lúc, đúng chỗ, đúng liều lượng ( không phải với thể loại báo chí nào cũng có thể vận dụng chúng; và với các thể loại có thể vận dụng thì mức độ vận dụng cũng khác nhau )...nhưng có lẽ yêu cầu đang được đặt ra bức thiết hơn cả là phải thể hiện sự độc lập, sáng tạo. Chính sự tìm tòi, sáng tạo sẽ sản 29
  • 30. sinh ra sự mới mẻ vốn là cội nguồn của sự hấp dẫn.Thực tế cho thấy, nếu người viết chỉ biết lặp lại người khác một cách máy móc thì các hình thức biểu cảm mà anh ta đưa ra không chỉ mất đi dấu ấn cá nhân mà còn mất đi cả tính hiệu quả. Chức năng biểu cảm của chúng bị vô hiệu hoá và chúng dần dần trở thành khuôn mẫu. Trong thực tế chúng ta đã gặp không ít trường hợp như vậy. Chẳng hạn, từ câu hát " Em ơi ,Hà Nội phố " người ta đã " tái bản " thành tiêu đề của một loạt các bài báo khác nhau: nào là " Em ơi, Hà Nội ... mũ ", nào là " Em ơi, Hà Nội ... shop ", rồi thì " Em ơi , Hà ... lội nước ", v . v.; rồi từ tiêu đề truyện ngắn " Có một đêm như thế " của Nguyễn Thị Minh Thư người ta đã cải biên thành " Có một tập thể như thế ", " Có một lò võ như thế ", " Có một kiểu đào tạo cán bộ như thế "...Đối với các trường hợp kiểu này, chỉ có vay mượn lần đầu tiên là được người đọc hưởng ứng, vì nó độc đáo và mới lạ. Còn sự lặp lại lần thứ hai, lần thứ ba...rất dễ gây cảm giác nhàm chán. Chú thích 1. Nguyễn Thị Thanh Hương, Một vài suy nghĩ về " tiếng Hà Nội " ngày nay trong báo chí viết cho thanh thiếu niên, trong: Kỷ yếu Hội thảo khoa học: " Tiếng Hà Nội trong mối quan hệ với tiếng Việt và văn hoá Việt Nam ", H., 2002. 2. Xem bài " Việc sử dụng chất liệu văn học trong tác phẩm báo chí ". 3. Xem bài " Việc sử dụng thành ngữ - tục ngữ trong tác phẩm báo chí ". 4. Viện Ngôn ngữ học, Học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Khoa học xã hội, H., 1980. ( Bài đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống , số 7 / 1998 ) 30
  • 31. VIỆC SỬ DỤNG CHẤT LIỆU VĂN HỌC TRONG TÁC PHẨM BÁO CHÍ Khi nói về mối quan hệ qua lại hết sức mật thiết giữa văn học và báo chí, không thể bỏ qua một khía cạnh rằng: văn học chính là nguồn chất liệu dồi dào và quí giá cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí. Thực vậy, trong các tác phẩm báo chí thuộc nhiều thể loại khác nhau, chúng ta thường xuyên bắt gặp vô số các chất liệu văn học. Các chất liệu này, nếu được dùng đúng chỗ và đúng liều lượng, luôn mang lại giá trị to lớn: đó là làm cho bài báo trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ lĩnh hội, hay nói một cách ngắn gọn là đạt hiệu quả giao tiếp cao hơn. Khảo sát sơ bộ cho thấy, việc sử dụng chất liệu văn học trong báo chí thường được thực hiện theo một số kiểu cơ bản sau đây: 1. Mượn cốt truyện hoặc tình tiết từ tác phẩm văn học. Ở đây, xảy ra hai khuynh hướng: a, Kể lại ( thường là ở dạng tóm tắt ) toàn bộ cốt truyện hay chỉ là một tình tiết của tác phẩm văn học, để tạo cơ sở liên hệ, so sánh. Rồi từ đó, nói về một vấn đề, một sự kiện hiện tại có những nét tương tự. Ví dụ: " Lại nói Quan Công trên đường trở về với Lưu Bị, qua 4 cửa ải đã giết 5 tướng Tào. Bây giờ đang đi đến cửa sông Hoàng Hà, Tân Kỳ ra chặn đường .Quan Công bảo:" Ta đã giết những đứa ngăn trở ta giữa đường, mi có biết không? ". Kỳ đáp: " Mi chỉ giết được các tướng hèn, vô danh, chứ mi dám đụng đến ta à? ". Quan Công hỏi: "Mày đã bằng Nhan Lương, Văn Sú chưa? ". Tân Kỳ cả giận, tế ngựa lại đánh. Chưa được một hiệp, đao Quan Công vừa giơ lên, đầu Tân Kỳ đã rơi xuống lăn long lóc dưới mặt đất. ..... Nay trở lại với VCK U. 16 Châu Á vừa kết thúc tại Đà Nẵng. Tuyển U. 16 Việt Nam đã vượt qua các cửa ải của bảng A để lọt vào vòng bán kết gặp Iran. Nhưng hỡi ôi!..." ( Lao động , 22 / 9 / 2000 ) 31
  • 32. Trong các bài viết thuộc loại này, chính sự chuyển đổi bất ngờ từ quá khứ sang hiện tại và sắc màu tương phản giữa cổ và kim đã tạo nên sự thú vị cho độc giả. Họ vừa được "gợi nhắc " về tích cũ, vừa được tiếp nhận thông tin mới liên quan tới một vấn đề bức xúc nào đó trong xã hội. b, Đưa vào cốt truyện ( chủ yếu là của các tác phẩm văn học cổ ) những tình tiết, dữ liệu hiện đại. Nói cách khác, trên cái khung của cốt truyện cổ người ta đã đắp vào những mảng hiện thực thời nay. Ví dụ: " Roãn Tháu lúc nhỏ học ông Trịnh Duân, cốt là theo nghề khoa cử. Khoa thi nọ, đến bộ môn văn đầu bài ra câu luận " Chu Nguyên Hựu chư thần ", tức là luận về sự giết bầy tôi đời Nguyên Hựu, ý sâu xa là muốn nâng cao vai trò của ông vua lúc đó là Tịnh Khang lên, dìm đời vua trước đã lâu là Triết Tôn xuống. Roãn Tháu đỗ điểm cao, loanh quanh được bổ về làm giám đốc một nông trường. Tự dưng có mấy gia đình nghèo từ xa đến khai phá đất hoang ở cạnh nông trường của Roãn Tháu, loanh quanh chỉ mấy năm mà vùng đất hoang vu, khô cằn nọ trở nên xanh tốt. Thấy vậy, Roãn Tháu nổi tà tâm, mang bản đồ đến doạ những người ít chữ, bảo là họ đã chiếm đất của nông trường, mấy người dân cày không biết hư thật đành dọn đến vùng hoang vu gần đó. Roãn Tháu chiếm vườn tược của họ làm đất riêng của mình. Như cái kim trong bọc, đến ngày nọ nó phải lòi ra..." ( Lao động, 29 / 9 / 2000 ) Ở bài viết kiểu trên, sự đan xen giữa tích cũ và chuyện mới không chỉ làm gia tăng sức biểu cảm của ngôn từ, mà còn làm cho sự phê phán hay mỉa mai, châm biếm trở nên thâm thuý mà vẫn nhẹ nhàng, dễ tiếp nhận hơn... Nhìn chung, việc mượn cốt truyện hay tình tiết từ tác phẩm văn học thường được dùng trong các dạng bài như bình luận, phóng sự, ghi chép, bút ký và tiểu phẩm. 2, Mượn hình ảnh các nhân vật văn học 32
  • 33. Đây là hình ảnh của các nhân vật văn học vốn từ lâu đã trở nên quen thuộc, gần gũi với quảng đại quần chúng, tới mức người viết báo có thể viện dẫn chúng như là biểu tượng của những đặc điểm, tính chất nào đó mà không cần chú giải. Chẳng hạn: Sở Khanh là hiện thân của sự lừa lọc, xảo trá trong tình yêu; Chí Phèo tiêu biểu cho những kẻ lưu manh, côn đồ, luôn sẵn sàng "gào làng ăn vạ "; Tú Bà là tên gọi chung cho những kẻ buôn bán thân xác phụ nữ.... Ví dụ: - " Người đàn ông ấy,nổi tiếng là một Don Juan (Đông Gioăng), đã cưới vợ tới lần thứ ba, và cũng như tổ tiên ông ta, có một hậu cung chứa toàn gái đẹp trong lâu đài của mình ở Bom bay ". ( An ninh thế giới, 7/ 9/ 2000) " Nhưng cứ sống như cô bé 22 tuổi đầu người Sơn La, bị mụ Hoạn Thư người Nam Định thuê người tạt axit đến mù một mắt, rúm ró khuôn mặt cũng cầm bằng như đã chết ". (Văn nghệ trẻ, 8 / 6 / 2000) " Làng tôi thay đổi nhanh quá. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiến An như con cá vàng người làng tôi vừa bắt được ". (Văn nghệ, 16 / 9 / 2000) ...Keegan cũng có thể gọi trở lại Lesaux, tiền vệ trái đang hồi phục phong độ của Chelsea, để quán xuyến hành lang bên trái vốn là "gót chân A sin " của đội tuyển Anh. (Gia đình và Xã hội, số 89 / 2000) - " Má già " mafia. (Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh, 11 / 1 / 2001) -Cái chết của " con nai vàng "17 tuổi. (An ninh Thủ đô, 6 / 6 / 1999) Những trường hợp vay mượn kiểu này không chỉ gặp trong các bài viết thuộc thể ký và bình luận, mà còn có mặt ở cả thể loại tin. Chúng giúp tác giả kiệm lời tới mức tối đa mà vẫn khắc hoạ được chân xác và đầy gợi cảm một con ngươì hay một sự việc nào đó. 33
  • 34. 3. Mượn từ ngữ, lối nói từ các tác phẩm văn học Các chất liệu văn học thuộc loại này được sử dụng hết sức rộng rãi và linh hoạt. Chúng có thể đứng ở bất kỳ chỗ nào trong kết cấu của bài viết, từ tiêu đề cho đến các câu trong đoạn văn. Ở tiêu đề, ví dụ: " Hôm qua em đi tỉnh về..."( Công an Thành phố HCM. , 26 /1 2 / 2000) ; " Quê hương nếu ai không nhớ..."(Hà Nội mới, Tết Mậu Dần ); " Tình trong như đã.. " (Gia đình, số 5 / 2001); " Hai nửa vầng trăng " ( Lao động, 5 / 12 / 2000 ); " Càng ngắm càng say " (Nhân dân hàng tháng, số11 / 1998)...Ở các vị trí khác, ví dụ: " Mải miết đi hoài, ngoảnh trông lại, bất giác đoạn " Đà Giang độc bắc lưu " vụt hiện ra ngang tầm mắt, ấy là lúc chúng tôi gặp bản người Dao lấp ló trên các sườn đồi " (Quân đội Nhân dân, 5/ 3 / 2000); " Về Đông Hồ bây giờ thấy Phà Hồ nhộn nhạo, những " cát trắng phẳng lì " của thi sĩ Hoàng Cầm xưa đã bị đào bới bởi đội quân gánh cát thuê " (Văn nghệ trẻ, 6 / 1 / 2000); "...vườn tược là một khái niệm xa xỉ ở "mảnh đất lắm người nhiều xe " này..." ( Sinh viên, số17/ 2000); "Bên cạnh đó, căn bệnh "thương nhớ đồng quê "của người xa xứ cũng đã len lỏi vào bảng hiệu, hàng loạt nhà hàng, quán bar có những cái tên như: Miền quê, Mái lá, Làng tôi, Tao ngộ..." (Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh, số90/ 2000); "...Thuê nhà có nghĩa là chỉ ăn tạm ở nhờ một thời gian nhất định nào đó, làm gì cần tình làng nghĩa xóm dài lâu, vì thế quân " đạo chích " nhiều khi ở ngay sát vách nhưng người thuê cũng không biết mặt và dù " liền dậu mùng tơi " thì chúng cũng chẳng kiêng nể gì..." ( Phóng sự Thái Minh Châu, NXB Lao động, Hà Nội, 1999)... Các từ ngữ, lối nói được vay mượn từ các tác phẩm văn học, như đã thấy, có thể là thơ mà cũng có thể là văn xuôi ( và tuỳ từng tình huống cụ thể mà chúng được giữ nguyên dạng hoặc cải biên chút ít ). Tuy nhiên, thơ có vẻ chiếm ưu thế, vì giữa những dòng chữ khô khan bề bộn thông tin, sự xuất hiện của những vần thơ làm cho giọng văn trở nên mềm mại, nhẹ nhàng và có sức truyền cảm lớn hơn so với văn xuôi. Giá trị của thơ còn được bộc lộ rõ nét và đầy đủ hơn, khi trong một số tác phẩm ( đặc biệt là phóng sự , ghi chép ) có những tác giả đã trích dẫn không phải 34
  • 35. chỉ một câu thơ ( hay từ ngữ nằm trong phạm vi một câu thơ ), mà hẳn cả một đoạn thơ. Ví dụ: " Hàng ngày trên các tuyến đường sắt nước ta, có bao nhiêu " thương gia tí hon ", những thương gia chân chính đang làm ăn bằng đạo lý nghề nghiệp như thằng Nam?...Nghĩ về các em, lại thấy những câu thơ xưa của Tế Hanh chưa cũ: Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu Nghìn đời không đủ sức đi mau Có chi vương vấn trong hơi máy Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau..." (Thương mại, số 1, 2 / 1992) " Côn Sơn ngút ngàn trong sương khói mưa bay và trùng điệp núi non đầy chất thơ, cái chất thơ đầy ngọt ngào sâu lắng lãng mạn của Côn Sơn đã làm một Nguyễn Trãi mê đắm: Côn Sơn có suối nước trong Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm Côn Sơn có đá tần vần Mưa tuôn đá sạch ta nằm ta chơi Côn Sơn thông tốt ngất trời Ngả nghiêng dưới bóng ta thời tự do..." ( Phóng sự Thái Minh Châu, Hà Nội, 1999) Những đoạn thơ trên nhờ khả năng biểu cảm của mình, đã minh hoạ một cách sống động và hình ảnh các ý tưởng của tác giả. Thêm vào đó, chúng lại chiếm những vị trí độc lập trong bố cục của bài viết, cho nên đã tạo điều kiện cho độc giả được nghỉ ngơi thư giãn, giải toả bớt căng thẳng trong quá trình đọc, và điều này có nghĩa là hiệu quả tiếp nhận thông tin sẽ cao hơn. Như vậy là chúng ta đã điểm qua đôi nét về việc sử dụng chất liệu văn học trên báo chí. Ở đây, tất nhiên, còn có thể bàn đến cả những hiện tượng dùng bút pháp văn học khi viết báo. Nhưng do khuôn khổ bài viết có hạn, mà vấn đề này lại quá lớn, nên chúng tôi tạm thời gác lại. Hy vọng, nó sẽ là chủ đề của một bài viết riêng sau này. ( Bài đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 7 / 2001 ) 35
  • 36. VỀ CÁCH SỬ DỤNG THÀNH NGỮ - TỤC NGỮ TRÊN BÁO CHÍ Hiện nay, trong số các thủ pháp nhằm tạo giá trị biểu cảm cho ngôn ngữ báo chí, việc sử dụng thành ngữ tục ngữ đang được xem là thủ pháp phổ cập nhất và cũng hiệu quả nhất. Nguyên do là bởi thành ngữ - tục ngữ có những ưu thế nổi trội như: phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức; giàu hình ảnh, dễ sử dụng; và đặc biệt là có một số lượng lớn tới hàng ngàn đơn vị ( con số 12.000 thành ngữ - tục ngữ trong cuốn " Từ điển thành ngữ - tục ngữ Việt Nam " của Vũ Thuý Anh, Vũ Quang Hào- công trình sưu tập được xem là lớn nhất từ trước tới nay, chưa hẳn đã là con số cuối cùng )1 ... Nhìn chung, thành ngữ - tục ngữ trong các tác phẩm báo chí được dùng dưới hai hình thức cơ bản sau đây: I. GIỮ NGUYÊN DẠNG Ở đây các thành ngữ - tục ngữ được dùng nguyên vẹn cả cấu trúc như chúng vốn có, không bị thêm hoặc bớt các thành tố nào đó, ví dụ: " Nguyên tắc " buôn có bạn, bán có phường " được tôn trọng sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững và cùng có lợi trong thế giới cạnh tranh sôi động này " ( Sinh viên Việt Nam, 14 / 8 / 2001 ); " Nói tóm lại, chuyện đội mũ bảo hiểm hoá ra không đơn giản chút nào. Cả nước xôn xao bàn chuyện mũ... Vì sao các nước họ cũng quy định đội mũ bảo hiểm mà chẳng gây ra dư luận gì mạnh lắm nhỉ ? Thì ra " mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh ". Nước người đi mô tô chỉ loáng thoáng... Còn ở ta, xe máy như ốc bươu vàng " ( Lao động, 15 / 5 / 2001 ); " Chính vì vậy mà hàng loạt ca sĩ Hà Nội đã khăn gói quả mướp vào Nam lập nghiệp với lý do " đất lành chim đậu " để mong kiếm danh lợi ". ( Hà Nội mới, Tết 2002 ); " Nghĩ con trai như cái nơm, bạ đâu úp đó, chỉ tội con gái mình, lỡ duyên hết phận. Mặc dù hết sức buồn và nhục, nhưng máu chảy ruột mềm, không thể đẩy con ra đường" ( Nông nghiệp Việt Nam, 25 / 4 / 2002 ); 36
  • 37. " Thế là tình trạng " trống đánh xuôi, kèn thổi ngược " diễn ra, khiến nhiều cặp vợ chồng ẩu đả liên tục " ( Thế giới phụ nữ ", 21 / 7 /2001 ); " Với một bản di chúc lằng nhằng như của ông Thiệp thì giải quyết giỏi đến thế nào cũng chỉ là cách... " giật gấu vá vai " mà thôi ( Tiếp thị và Gia đình , 4 / 4 / 2002 ); " Chỉ những kẻ bẻ cong chân lý mới " cố đấm ăn xôi " dựng nên những trò bịp bợm ( Nhân dân, 6 / 2 / 2002 ); " Chi gần như là nữ tài xế " độc nhất vô nhị " khi có hai bằng đại học ( An ninh thế giới, 3 / 2002 ). Thực tế khảo sát cho thấy, những thành ngữ được giữ nguyên dạng chủ yếu là thành ngữ 4 hoặc 6 yếu tố. II. KHÔNG GIỮ NGUYÊN DẠNG Việc không giữ nguyên dạng thành ngữ - tục ngữ thường diễn ra theo một số kiểu sau đây: 1. Hoán đổi vị trí các yếu tố Đây là những trường hợp mà số lượng các yếu tố trong thành ngữ vẫn được giữ nguyên, chỉ có vị trí của chúng trong cấu trúc bị sắp xếp lại. Ví dụ: " Do ngày càng " của khó người khôn " nên Minh đã không tìm ra được công việc như chị muốn " ( An ninh thế giới cuối tháng, 3 / 2 /2002 ); ( Nguyên dạng là " người khôn của khó " ). " Những lời dặn dò như vậy, chắc chắn anh ta phải " khắc cốt ghi xương " chú làm sao quên được ( Hà Nội ngày nay, số 5 / 2000 ); ( Nguyên dạng là " ghi xương khắc cốt " ). " Vùng quê nghèo xơ xác xưa kia giờ đã " thay thịt đổi da " khiến chúng tôi ngỡ mình bị lạc ( Gia đình, số 4 / 2002 ). ( Nguyên dạng là " thay da đổi thịt " ). Sự hoán đổi vị trí các yếu tố thường chỉ gặp trong các thành ngữ 4 yếu tố có cấu trúc đối ngẫu cặp đôi ( tức là có hai vế tương ứng ). Đó có thể sự hoán đổi vị trí của các cặp yếu tố ( người khôn / của khó > của khó / người khôn; ghi xương / khắc cốt > khắc cốt ghi xương ), mà cũng có thể là sự hoán đổi vị trí của từng yếu 37
  • 38. tố đơn lẻ như thay da / đổi thịt > thay thịt / đổi da, tuy nhiên, trường hợp đầu hay gặp hơn trong thực tế. 2. Cải biên các yếu tố Người ta thường cải biên các yếu tố trong thành ngữ - tục ngữ theo hai cách chính như sau: a. Mở rộng cấu trúc Tức là trên cơ sở giữ lại tất cả các yếu tố gốc, tác giả cho thêm vào cấu trúc thành ngữ - tục ngữ các yếu tố mới nhằm nêu rõ chủ đề tác phẩm hoặc hoặc các ý tưởng mình định thể hiện. Ví dụ: " Thuốc đắng liệu có dã tật? " ( Quốc tế, số 29 / 2002 ); " Mang con bỏ giữa chợ đời " ( Nhân dân, 15 / 1 / 1998 ); " Cái khó không bó cái khôn " ( Hà Nội mới, 12 / 5 / 2000 ); " Con hát mẹ đừng vội khen hay " ( Hà Nội mới, 3 / 4 / 2001 ); " Trước sau... không như một " ( Lao động, 23 / 5 /2001 ). Các yếu tố mới có thể nằm ở các vị trí khác nhau xét theo quan hệ với thành ngữ gốc, nhưng chủ yếu là trong nội tại cấu trúc của nó với vai trò chêm xen. b. Thay yếu tố cũ bằng yếu tố mới Đây là những trường hợp mà trong thành ngữ - tục ngữ nguyên gốc sẽ có một hoặc một số yếu tố nào đó bị thay bằng các yếu tố mới do tác giả tự nghĩ ra. Ví dụ: " Bình mới, rượu quá đát! ( Pháp luật, 17 / 5 /2002 ); " Phép nước thua... lệ trường " ( An ninh thế giới, 12 / 9 / 2001 ); " Để mọi người được vui xuân với tinh thần " lá rách ít đùm lá rách nhiều..." ( Công an nhân dân, 15 / 3 / 2002 ); " Cháy nhà mới ra mặt... tham nhũng " ( lao động, 19 / 2 / 2001 ); " Vừa đốt nhà vừa la hàng xóm " ( Nhân dân, 17 / 8 /2 2001 ); " Con sâu làm rầu... rừng thông " ( Lao động, 12 / 9 / 2002 ); " Tay ông run run rót cốc nước mời tôi và ông nói trong mỏi mệt: " Chú ơi, tre già, măng gãy " ( Nông nghiệp Việt Nam, 25 / 4 / 2002 ); " Nói có... tài liệu, mách lại có... hình ảnh " ( Tiền phong, 12 / 4 / 2002 ). 38
  • 39. Các ví dụ trên cho thấy, việc thay thế không nhất thiết phải theo quan hệ 1 - 1, mà nó có thể được thực hiện đồng thời với sự mở rộng, tức là các yếu tố mới được đưa vào nhiều hơn các yếu tố cũ bị cắt đi. c. Tách các yếu tố ra khỏi cấu trúc Nếu trong hai cách cải biên nói trên, bất chấp mọi sự thay đổi, thêm bớt, cấu trúc nguyên gốc của thành ngữ - tục ngữ vẫn giữ vai trò hạt nhân, thì ở trong trường hợp thứ ba này cấu trúc ấy đã bị phá vỡ: các yếu tố ( hay các vế ) của nó trở thành những bộ phận riêng rẽ, chỉ đóng vai trò phụ trợ trong câu văn. Ví dụ: " Người ta cứ thấy " của rẻ " là ham mà không biết rằng nhiều khi đó còn là " của ôi " nữa ( Lao động, 1 / 2 / 2001 ); " Sau một thời gian dài " lên voi ", hắn không thể nghĩ là có lúc mình lại phải " xuống chó " như thế này ( An ninh Thủ đô, 17 / 3 /1999 ); " Sở dĩ có tình trạng " béo cò " hết sức phi lý như trên là bởi thời gian qua, trong lĩnh vực sử dụng nhà đất, các cơ quan chức năng đã thường xuyên làm " đục nước " bằng việc buông lỏng quản lý hay phối hợp với nhau không đồng bộ " ( Gia đình, số 6 / 2001 )... Dễ dàng nhận thấy, các thành ngữ - tục ngữ bị cải biên hầu như bao giờ cũng mang sắc thái đánh giá tiêu cực. Thông qua chúng, tác giả thể hiện thái độ phê phán hay của mình ( đôi khi núp dưới cái vỏ hài hước, châm biếm ) trước các sự việc hiện tượng nào đó trong xã hội. 1. Lược bớt các yếu tố Có lẽ, đây cũng là một dạng của cải biên. Chỉ có điều, tác giả không đưa thêm bất kỳ yếu tố mới nào vào trong cấu trúc gốc, mà ngược lại, còn bớt đi một bộ phận ( thường là một vế ) của nó. Ví dụ: " Vẫn biết là " thương cho roi cho vọt " nhưng khi tình thương này đến mức tổn hại cả về thể chất và tinh thần thì nó trở thành mối quan tâm của toàn xã hội " ( Lao động, 7 / 3 /2002 ); " Nhưng " hoạ vô đơn chí ", bên cạnh những lời cáo buộc ấy còn có những lời chỉ trích không kém phần gay gắt " ( Tuổi trẻ, 6 / 3 / 2001 ); 39
  • 40. " Đâu rồi dáng thầy cần cù sớm hôm, đâu rồi bảng đen phấn trắng, và bạn bè - đứa nhút nhát, đứa tinh nghịch với những trò " nhất quỷ nhì ma ..." ( Áo trắng, 15 / 11 / 2001 ); " Bán tự vi sư... " ( Văn hoá, 7/ 3/ 2000 ); " Nước sạch - không thể cha chung " ( Hà Nội mới, 5 / 9 /2001 ); " Miệng nam mô... " ( Nhân dân, 29 / 5 /2001 )... Hiện tượng lược bớt các yếu tố chủ yếu xảy ra đối với tục ngữ. Nguyên do là tục ngữ thường gồm hai vế, mỗi vế là một cấu trúc khá trọn vẹn về cú pháp và diễn đạt tương đối hoàn chỉnh một ý nghĩa nào đó, cho nên việc đưa ra một vế của tục ngữ vào câu văn không cản trở quá trình nhận thức của người đọc, mà ngược lại, còn giúp cho họ hiểu rõ hơn định hướng thông tin của người viết trong khi vẫn có những liên tưởng nhất định về câu tục ngữ nguyên gốc. Còn với thành ngữ, nếu ta lược bớt một bộ phận hay một vế nào đó, thì chỉnh thể của nó thường sẽ bị phá vỡ cả về hình thức lẫn nội dung, và do vậy, cả giá trị thông tin, cả giá trị biểu cảm của phần cònlại đều giảm sút đáng kể ( thậm chí không còn tính hình ảnh, hàm súc ) so với nguyên gốc. Nhân đây, cần phải nói rằng các thủ pháp cải biên hay lược bớt các yếu tố của thành ngữ - tục ngữ nêu trên không phải lúc nào cũng được sử dụng riêng rẽ và thuần nhất; có những tình huống chúng được kết hợp với nhau, chẳng hạn: " Gần nhà đèn mà vẫn tối " ( Nhân dân, 30 / 3 /2001 ). ( Vừa lược bớt một vế " gần mực thì đen ", vừa cải biên vế còn lại bằng cách thay các yếu tố cũ bằng các yếu tố mới: " đèn " thành " nhà đèn ", " thì sáng " thành " mà vẫn tối " ). " Nghĩ về thực trạng nền bóng đá Việt Nam hiện nay, chúng ta không khỏi chạnh lòng: Tre thì đã già mà măng dường như lại đang chết yểu vì bệnh ngôi sao " ( Thể thao và Văn hoá, 17 / 8 /2000 ). ( Vừa cải biên yếu tố " mọc " thành " chết yểu ", vùa thêm các yếu tố mới " thì đã ", " dường như lại đang... " ). Nư vậy, trong các tác phẩm báo chí, thành ngữ - tục ngữ được sử dụng dưới rất nhiều các dạng thức khác nhau. Đây là kết quả sáng tạo của nhà báo trong các ngữ 40
  • 41. cảnh cụ thể và ứng với các mục đích cụ thể. Tuy nhiên, để có sự sáng tạo ấy, nhà báo cần phải phải hiểu biết sâu rộng về thành ngữ - tục ngữ. Và điều này cũng có nghĩa là họ không được phép xem nhẹ việc thường xuyên nghiên cứu học hỏi nhằm mở rộng thêm kiến thức về di sản văn hoá dân gian vô giá này. Chú thích 1. Vũ Thuý Anh, Vũ Quang Hào, Từ điển thành ngữ - tục ngữ Việt Nam, NXB. Văn hoá - Thông tin, H., 2000. 2. Vũ Quang Hào, Về biến thể của thành ngữ, tục ngữ, Tạp chí " Văn hoá dân gian ", H., 1992, số 1. 3. Nguyễn Văn Hằng, Thành ngữ bốn yếu tố trong tiếng Việt hiện đại, NXB. Khoa học xã hội, H., 1999. 4. Nguyễn Thị Thanh Hương, Khai thác chất liệu văn học dân gian trong việc đặt tên bài báo, Tạp chí " Nghề báo ", TP. HCM., 2003, số 1. ( Bài đăng trên Tạp chí Nghề báo, số 4 / 2002 ) 41
  • 42. CHƠI CHỮ TRÊN BÁO CHÍ Chơi chữ, theo Từ điển tiếng Việt là "Dùng các hiện tượng đồng âm, đa nghĩa, v. v. trong ngôn ngữ nhằm gây một tác dụng nhất định (như bóng gió, châm biếm , hài hước...) trong lời nói".1 Đây là một thủ pháp tạo giá trị biểu cảm cho ngôn từ khá hiệu quả; nhờ nó, lời nói của chủ thể phát ngôn trở nên sinh động, hấp dẫn và sâu sắc hơn, để lại dấu ấn nhất định trong lòng người nghe, người đọc. Trong báo chí, việc chơi chữ diễn ra dưới nhiều dạng thức khác nhau. Song, nhìn chung, có thể khái quát chúng thành một số kiểu cơ bản như sau: 1. Bóc tách các thành tố của từ nguyên khối (thường là từ 2 âm tiết) thành những từ độc lập. Ví dụ: "Những kẻ chỉ đào mà không tạo" (Văn nghệ trẻ, 13 / 5 / 2001); "Sông Tô mà chẳng lịch" (Phụ nữ Thủ đô, 17 / 6 / 1999); "Hội ít mà thảo nhiều" (Văn hoá, 1/ 3 / 1998); "... Thời " oanh" đã qua, nay tới thời "liệ " (Thế giới, 25 / 3 / 2002); "Tín vượt... ngưỡng" (Hà Nội mới, Tết, 2202); "Có "toà" mà chưa có "án" (Gia đình và Xã hội, số 47 / 2000);.. Thực tế khảo sát cho thấy, trong đa số các trường hợp, quan hệ về mặt ý nghĩa giữa các thành tố bị bóc tách là quan hệ tương phản. Vì thế, giữa chúng thường có sự hiện diện của những quan hệ từ như mà, nhưng. Còn kiểu bóc tách "không tương phản" như sau rất hiếm khi gặp: "Những năm ở đưòng 7, sáng có quen biết một tài xế người Bắc rồi hai người bén duyên nhau. đúng là anh "tài" đã "xế " vào cuộc đời Sáng..." ( Tiền phong, 17 / 2 /2002 ). Việc chơi chữ theo kiểu bóc tách có thể được khái quát hoá thành mô hình như sau: AB -> A cx B Trong đó: A và B là hai âm tiết của từ nguyên khối, cx là bộ phận chêm xen. Có lẽ ở đây cũng cần phải nói thêm rằng bộ phận chêm xen không nhất thiết lúc nào cũng phải là từ ngữ; có khi nó được thể hiện bằng dấu câu, ví dụ: "Những chuyến xe "hành"... khách" (Hà Nội mới cuối tuần, 28 / 5 / 1995). 42
  • 43. 2. Dùng các cấu trúc đối nhau về ý nghĩa. Ví dụ: " Trường thọ đang ... giảm thọ" (Lao động, 14 / 5 /2001); "Sinh nhật - sinh chuyện..." (Hà Nội mới chủ nhật, 22 / 2 /1998); "Hoá đơn đỏ trên thị trường đen" (Thanh niên, 19/ 4 /1999); "Sông Bé đã trở thành "sông lớn" ?(Thanh niên, 11 / 4 / 2000); "Sầu riêng với nỗi buồn chung"... (Phụ nữ Việt Nam, 25 / 6 /1999);... Để xây dựng các cấu trúc như vậy, người ta thường sử dụng các cặp từ trái nghĩa (đỏ - đen, bé - lớn, riêng - chung,...). Trong mỗi ví dụ trên, cả hai thành tố của cặp từ trái nghĩa đều có mặt; song cũng có những trường hợp chỉ có một thành tố xuất hiện, chẳng hạn: "Công ty vô trách nhiệm vô hạn" (Gia đình và Xã hội, số 33 / 2002). "Công ty trách nhiệm hữu hạn" là cụm từ có tính phổ cập rất cao, vì thế khi người đọc gặp cụm từ "Công ty vô trách nhiệm vô hạn" họ hiểu ngay rằng đây chính là sản phẩm thu được nhờ sự cải biên cụm từ đầu. Mô hình khái quát: A ----- (- A) Trong đó: (- A) là từ trái nghĩa với A. Tuy nhiên ở đây cũng cần phải nói thêm là A và (- A) có thể là những từ trái nghĩa hoàn toàn, mà cũng có thể là những từ chỉ trái nghĩa trong những ngữ cảnh nhất định nào đó (Sinh nhật - sinh chuyện). 3. Sử dụng phép đồng âm giữa các từ Đây là kiểu chơi chữ hết sức phổ cập. Có thể chia nó thành một số dạng chính như sau: a, Dùng các thành tố đồng âm hoàn toàn Các thành tố này có thể biểu thị các từ khác nhau (đây là những từ đồng âm khác nghĩa), ví dụ: "Tiếng than từ vùng than" (Lao động, 12 / 3 / 2002); "Từ màn bạc đến két bạc" (Tiền phong, 12 / 8 / 1998); 43