SlideShare ist ein Scribd-Unternehmen logo
1 von 25
TÀI LIỆU THAM KHẢO CỦA CLB TRĂNG NON TP.HCM
STRESS LÀ GÌ?

BS. NGUYỄN MINH TIẾN (dịch và tổng hợp)
Phần I
Không giống như những thói quen về sức khỏe có thể trực tiếp đưa những tác
nhân gây biến đổi tình trạng sức khỏe vào trong cơ thể, stress chỉ các thay đổi về
tâm sinh lý xảy ra nhằm đáp ứng các với các kích thích được cơ thể nhận biết là
đe dọa hoặc có hại. Những điều mà chúng ta nghĩ đến và cách thức mà chúng ta
cảm thấy đều có ảnh hưởng đến sức khỏe; tâm trí và thân thể liên hệ với nhau một
cách mật thiết. Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét khái niệm về stress và
những tác động của nó đối với sức khỏe và bệnh tật.
ĐỊNH NGHĨA STRESS
Stress là một khái niệm khó nắm bắt. Nó đã được định nghĩa theo nhiều cách: như
một tác nhân môi trường, một đáp ứng sinh lý, và như một quá trình nhận thức hành vi. Các định nghĩa này đều tập trung vào một bình diện cơ cấu
(organizational level) nào đó và loại bỏ một cách tương đối những bình diện khác;
và điều này đã dẫn đến nhiều sự nhầm lẫn. Mỗi một định nghĩa đơn bình diện
(single-level) này sẽ được xem xét một cách vắn tắt để đưa những lý thuyết và
nghiên cứu liên quan đến stress vào những bối cảnh lịch sử cụ thể. Mỗi một trong
số những cách nhìn này đều không đầy đủ. Khái niệm về stress vốn dĩ là một khái
niệm đa bình diện (multilevel), nó bao gồm những đáp ứng thuộc về cảm xúc,
hành vi và sinh lý của cơ thể thông qua sự tương giao với môi trường. Sau khi
những lý thuyết trên từng bình diện được xem xét, một cách nhìn tổng hợp về
stress sẽ được trình bày.
Stress - Một đáp ứng sinh học
Quan niệm về stress liên quan đến sức khỏe thể chất đã bắt nguồn từ các nhà sinh
học. Theo cách nhìn sinh học, stress được định nghĩa là một hội chứng đặc hiệu
bao gồm tất cả những thay đổi được gây ra một cách không đặc hiệu bên trong hệ
thống sinh học (Selye, 1956). Stress là một đáp ứng sinh lý có tính không đặc hiệu,
xét về cả nguyên nhân lẫn kết quả. Bất cứ sự kiện nào đòi hỏi sự thích ứng đều
làm khởi phát các đáp ứng sinh lý đặc trưng cho stress. Những đáp ứng này cũng
có tính không đặc hiệu; các loại sự kiện gây stress khác nhau đều dẫn đến những
biến đổi tương tự nhau. Chúng ta hãy xem xét tóm tắt những đáp ứng sinh lý được
dùng để định nghĩa stress.
Trong khi Selye (1956) lần đầu tiên đưa ra khái niệm về stress, Cannon (1927) là
nhà nghiên cứu đầu tiên mô tả một cách khái quát một phản ứng đối với sự đe dọa
mà ông gọi là phản ứng “chống hoặc chạy” (fight or flight). Cannon cho rằng khi
một sinh vật đương đầu với một sự đe dọa cho sự sống còn của mình, thì các biến
đổi sinh lý sẽ xảy ra theo một mô hình đã được “cài đặt” sẵn. Có sự gia tăng nhịp
tim, huyết áp và hô hấp. Máu được phân bố đến các bắp cơ lớn và các quá trình
tiêu hóa bị ngưng lại. Những thay đổi này nhằm chuẩn bị cho cơ thể sinh vật ấy
thực hiện được những hành động mạnh mẽ nhằm đáp ứng với sự đe dọa: hoặc
chống trả, hoặc “cao chạy xa bay”. Sự khuấy động ấy là một khả năng hoạt hóa đã
được cài đặt sẵn bên trong cơ thể sinh vật, tạo nên cơ may sống còn của nó dưới
những điều kiện đe dọa. Tất cả chúng ta đều từng trải qua sự kích hoạt này. Ngay
sau khi thoát khỏi một tai nạn gần kề, bạn thấy ngay tim đập thình thịch, cảm giác
nôn nao và lòng bàn tay ẩm mồ hôi.
Selye (1956) đã quan sát thấy một hệ thống liên quan của các đáp ứng sinh lý
chung nhất khi những sinh vật tiếp xúc với các kích thích có hại như bị dồn ép
trong đám đông, nhiệt độ lạnh hoặc tiếp xúc các độc tố. Ông gọi các đáp ứng này
là Hội chứng thích nghi tổng quát (GAS - general adaptation syndrome). GAS ngụ
ý chỉ những hoạt động thần kinh và nội tiết cho phép cơ thể sinh vật chống lại
những kích thích sinh lý có hại. GAS được chia làm ba giai đoạn: báo
động (alarm), kháng cự (resistance) và kiệt quệ (exhaustion). Trong giai đoạn báo
động, có sự bài xuất liên tục các hormone từ tuyến thượng thận, mà điều này được
cho là để bảo vệ cơ thể sinh vật chống lại các kích thích có hại. Nếu các kích thích
này vẫn không giảm bớt, những hormone tuyến thượng thận sẽ bắt đầu gây ra
những tác hại cho hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch. Nếu các yếu tố gây
stress tiếp tục đủ lâu, sinh vật sẽ bị chết vì tiềm năng thích ứng của nó sẽ bị kiệt
quệ.
Trong lúc Selye và Cannon mô tả một cách tỉ mỉ những ảnh hưởng sinh lý của
stress, họ đã không nhận ra được tầm quan trọng của những thông số tâm lý và
hành vi trong việc xác lập những đáp ứng sinh lý này. Sự xuất hiện các đáp ứng
“chống hoặc chạy” và GAS tùy thuộc vào sự nhận biết của đương sự về các kích
thích có hại và việc người đó có diễn giải các kích thích này là có tính đe dọa hoặc
có hại cho họ hay không. Khi các kích thích có hại xảy đến mà không có sự nhận
biết của đương sự, các đáp ứng sinh học sẽ không xảy ra (Mason, 1975b). Ví dụ,
những bệnh nhân sắp chết nhưng đang trong tình trạng hôn mê thì không biểu hiện
một bằng chứng sinh học nào của stress; trong khi những người sắp chết nhưng
còn tỉnh thì lại biểu hiện các phản ứng (Syrington, Currie, Curran, Davidson,
1955).
Selye và Cannon sử dụng các kích thích có hại về thể chất làm yếu tố gây stress.
Các phản ứng “chống hoặc chạy” và GAS cũng được gây ra từ những kích thích
có hại về tâm lý, như chán chường, thi cử, hoặc xem một cuốn phim kinh dị
(Frankenhaeuser, 1972, 1978). Sự khuấy động sinh lý xảy ra để đáp ứng với cả
những kích thích về tâm lý lẫn thể chất. Trong các thực nghiệm của Selye và
Cannon, các sinh vật không được điều kiện hóa để đáp ứng bằng hành vi với các
yếu tố gây stress. Trong môi trường tự nhiên, con người lại có thể đáp ứng một
cách điển hình với các tác nhân gây stress. Sự xuất hiện phản ứng “chống hoặc
chạy” hoặc GAS phụ thuộc vào khả năng tiên đoán và kiểm soát các sự kiện có
hại. Một loạt nghiên cứu của Weiss (1968, 1971a, 1971b) đã cho thấy tầm quan
trọng của những khả năng tiên đoán và kiểm soát ấy. Trong một nghiên cứu, hai
nhóm chuột được cho tiếp xúc với một loạt các cú sốc điện. Các con chuột trong
nhóm thứ nhất có thể đạp lên một đòn bẩy để thoát khỏi các cú sốc; những con
trong nhóm thứ hai cũng nhận các cú sốc điện như nhóm thứ nhất, nhưng không
có khả năng né tránh. Chuột trong nhóm thứ nhất được thấy ít bị loét dạ dày hơn
nhóm thứ hai. Trong một thí nghiệm tương tự, những con chuột được nhìn thấy
những tín hiệu báo cho biết sốc điện sắp xảy ra, ngay cả khi không có khả năng né
tránh bằng hành vi, cũng ít bị loét hơn những con chuột chịu những cú sốc điện
tương tự nhưng không được báo trước bằng tín hiệu và không có khả năng né
tránh. Do vậy, tiên đoán được một sự kiện có hại xảy ra vào lúc nào thì tốt hơn là
khi không có thông tin gì về sự kiện này. Trong thí nghiệm sau cùng, Weiss thấy
rằng những con chuột nhận được một tín hiệu mà nhờ đó giúp cho đáp ứng hành
vi của chúng có hiệu quả cắt được cú sốc điện cũng sẽ ít bị loét dạ dày hơn những
con chuột bị sốc điện nhưng không nhận được tín hiệu báo tin. Để tóm tắt những
phát hiện của Weiss, một sự kiện đe dọa sẽ ít gây ra những hậu quả tai hại nếu
chúng ta biết được khi nào nó sẽ xảy ra, nếu chúng ta có thể làm được một việc gì
đó trước sự kiện ấy, và nếu chúng ta nhận được những phản hồi về hiệu quả của
hành động ấy. Tầm quan trọng của khả năng tiên đoán và kiểm soát cũng được
thấy trong các đáp ứng của con người đối với những tác nhân gây stress (Rodin,
1980).
Quan niệm cho rằng đáp ứng sinh lý với stress là có tính không đặc hiệu (giống
nhau trong mọi điều kiện có hại) cũng đã bị thách thức. Các biến đổi sinh lý còn
tùy thuộc vào cách thức phản ứng của đương sự về hành vi và cảm xúc. Nhiều mô
hình sinh lý khác nhau đã được phát hiện khi người ta đáp ứng với yếu tố gây
stress bằng sự sợ hãi hơn là giận dữ (Mason, 1975b), bằng sự cảnh giác hơn là
hành động (Obrist, 1976), bằng phương thức ganh đua, thù địch hơn là bằng
phương thức ôn hòa (Dembroski, 1981). Cách thức mà chúng ta diễn giải hoặc đối
phó với những tình huống đe dọa sẽ ảnh hưởng đến mô hình khuấy động sinh lý
liên quan đến tình huống đó. Cách nhìn về stress dựa trên các đáp ứng sinh học
không phải là không đúng, nhưng nó chưa được hoàn hảo.
Stress - Một sự kiện từ môi trường
Quan niệm về stress như một sự kiện từ môi trường được xuất phát từ các quan sát
lập đi lập lại của tình trạng suy sụp về sinh lý và hành vi ở những người tiếp xúc
với các điều kiện sống khắc nghiệt, như tham chiến trong quân đội (Grinker &
Spiegal, 1945) và bị những mất mát (Lindemann, 1944). Nếu như môi trường khắc
nghiệt dẫn đến những hậu quả tiêu cực, thì sự tích lũy dần những sự kiện ít khắc
nghiệt hơn cũng có thể có những hậu quả tai hại. Từ cách nhìn này, stress được
định nghĩa như một sự kiện từ môi trường đòi hỏi một cá nhân phải thử thách
những tiềm năng và đáp ứng không bình thường (Holroyd, 1979). Stress trú ngụ
trong những “đòi hỏi” của sự kiện hơn là bên trong cá nhân người ấy.
Các nghiên cứu thực hiện theo quan điểm môi trường đều có bản chất dịch tễ học:
số lượng và mức độ của các sự kiện gây stress sẽ có tính tiên lượng cho tình trạng
sức khỏe của đương sự (Dorenwend, 1981). Một cách có phương pháp, các đương
sự được yêu cầu liệt kê những sự kiện gây stress mà họ đã trải qua trong một
khoảng thời gian nhất định (trong 6 tháng chẳng hạn), ví dụ danh sách về các sự
kiện mới nhất (SRE: schedule of recent events) của Holmes và Rahe, 1967. SRE
gồm nhiều tiết mục như ly hôn, cưới hỏi, sinh con, ngồi tù, mắc nợ, lễ giáng
sinh… Mỗi tiết mục được đánh giá dựa trên giả định rằng một số việc (cưới hỏi)
có tính “đòi hỏi” nhiều hơn một số việc khác (lễ giáng sinh). Việc đánh giá các sự
kiện được giả định một cách dứt khoát rằng mỗi một sự kiện nhất định đều có tính
chất gây stress như nhau với tất cả mọi người. Cả những sự kiện tích cực lẫn tiêu
cực đều được xem là có tính gây stress, vì cả hai loại đều đòi hỏi sự thích ứng.
Rất nhiều nghiên cứu đã sử dụng SRE để đánh giá mối liên quan giữa stress và
sức khỏe. Những nghiên cứu nhằm tiên đoán bệnh trong tương lai và giải thích
căn bệnh trong hiện tại đã tìm ra mối liên quan giữa số lượng và mức độ của các
yếu tố gây stress với khả năng mắc các bệnh như đột tử do bệnh tim, các cơn đau
thắt ngực, lao (Rabkin, Struening, 1976) và một số bệnh nhiễm trùng
(Jemmotti, Locke, 1984).
Có vài vấn đề trong phương pháp tiếp cận với stress về khía cạnh môi trường.
Liên quan giữa stress và bệnh tật có mức độ vừa phải; tương quan trung bình
khoảng 0,12; tối đa 0,3 (Tanig, 1982). Các đánh giá về mặt môi trường của stress
có khả năng tiên đoán giới hạn. Trái với quan điểm về môi trường, không hẳn tất
cả những thay đổi đều nhất thiết có tính gây stress. Những thay đổi như mãn kinh
và về hưu không được xem là yếu tố gây stress nếu chúng xảy ra “đúng lúc” và
được dự kiến trước. Trong vài trường hợp, tình trạng ít thay đổi lại có thể gây
stress. Những tình huống chán chường kéo dài hoặc không được thăng tiến lại
thường được xem là có thể gây stress (Lazarus, Folkman, 1984).
Các sự kiện cũng không có tính gây stress như nhau ở tất cả mọi người. Mức độ
stress phụ thuộc vào ý nghĩa của sự kiện và những tiềm năng sẵn có ở mỗi người.
Ví dụ, Lazarus, Homikos và Rankin đã cho những đối tượng nghiên cứu của họ
xem cuốn phim về một tai nạn đáng sợ, trong đó một công nhân bị đứt một ngón
tay và một người khác bị chết do một tấm gỗ lớn đâm xuyên qua ngực. Trước khi
xem, một số đối tượng được cho biết rằng cuốn phim chỉ là một sự dàn cảnh, còn
các đối tượng khác thì không được thông báo gì. Những người được biết trước thì
ít bị khuấy động và lo âu hơn, có lẽ do họ đã nhận định sự việc là “không
thật”. Việc nhận định về sự kiện đóng vai trò trung tâm trong khi xác định mức độ
gây stress của sự kiện.
Mức độ stress cũng tùy thuộc vào những kỹ năng và tiềm năng sẵn có của đương
sự trong việc ứng phó với sự kiện. Nuchol, Cassel và Kaplan (1972) đã đánh giá
những hậu quả của stress và khả năng ứng phó trong thai kỳ đối với các biến
chứng khi sinh đẻ. Tuy nhiên, khi xem xét chung các sự kiện trong đời sống và
khả năng ứng phó, người ta thấy chúng có liên quan chặt chẽ với nhau. 90% phụ
nữ có điểm số thay đổi đời sống (life change score)cao và khả năng ứng phó kém
đều được chứng minh là có ít nhất một biến chứng, trong khi chỉ 33% có điểm số
thay đổi cao và khả năng ứng phó cao bị biến chứng.
Quan niệm về stress như một sự kiện có tính “đòi hỏi” từ môi trường là chưa đầy
đủ. Những cuộc xét lại các sự kiện gây stress gần đây đã sửa chữa một số nhược
điểm này bằng cách yêu cầu đương sự xác định mức độ ảnh hưởng - tích cực hoặc
tiêu cực - của những sự kiện mà họ đã trải qua (Sarason, Johnson, Siegel, 1978).
Thông qua việc chia mức độ như thế, những phương thức đánh giá mới này đã cố
gắng ghi nhận khả năng nhận định và ứng phó của các đương sự. Trái với những
quan niệm cho rằng bất kỳ sự kiện thay đổi nào cũng gây stress, dữ kiện từ các
đánh giá đã cho thấy các sự kiện tích cực có tính tăng cường sức khỏe hơn là hủy
hoại sức khỏe(DeLongis, Coyne, Dakof, Folkman, Lazarus, 1982; Sarason, 1978).
Cách nhìn về stress theo quan điểm sinh học và môi trường cơ bản là những mô
hình kích thích - đáp ứng(Stimulus-Response model). Chúng không cung cấp một
cái nhìn thấu đáo vào những thông số và những quá trình trung gian điều hòa mối
liên quan giữa các sự kiện có hại và các đáp ứng sinh học. Nếu những sự kiện gây
stress dẫn đến hậu quả tiêu cực cho sức khỏe, thì điều đó xảy ra như thế nào?
Stress - Một hiện tượng thuộc về nhận thức - hành vi
Phương pháp tiếp cận về mặt nhận thức - hành vi định nghĩa stress như một quá
trình tương giao giữa con người và môi trường, trong đó đương sự nhận định sự
kiện từ môi trường là có tính chất đe dọa và có hại, và đòi hỏi đương sự phải cố
gắng sử dụng các tiềm năng thích ứng của mình (Lazarus,
1966; Lazarus, Folkman, 1984). Stress không chỉ trú ngụ trong sự kiện hoặc trong
đáp ứng của đương sự, mà tồn tại trong cả hai yếu tố đó, cũng như trong các đáp
ứng nhận thức-hành vi giữ vai trò điều hòa hai yếu tố đó. Cách nhìn này rõ ràng
nhấn mạnh vào khía cạnh nhận thức - hành vi (thuộc về tâm lý) trong việc hiểu
biết về stress, vì thế, nó đã bù đắp vào những thiếu sót của các mô hình stress
“sinh học” và stress “môi trường”.
Hai quá trình trung tâm trong quan điểm tâm lý-hành vi là nhận định (cognitive
appraisal) và ứng phó (coping). Nhận định là quá trình mà qua đó đương sự đánh
giá sự kiện là có tính đe dọa hoặc có hại hay không, nếu có thì ở mức độ nào. Một
sự kiện chỉ gây stress khi đương sự nhận định là “có hại”. Ứng phó là quá trình
xảy ra những đáp ứng về hành vi, nhận thức và tình cảm của đương sự đối với sự
kiện. Một sự kiện chỉ gây stress khi đương sự thiếu các phương tiện để ứng phó.
Bằng cách tích hợp các bình diện nhận thức, cảm xúc, hành vi và môi trường của
stress, quan điểm này do vậy có thể được dùng làm khởi điểm cho việc xây dựng
một phương thức tiếp cận stress một cách có hệ thống. Quan điểm nhận thức hành vi bỏ qua bình diện sinh học của stress cùng những liên quan giữa sinh học
với các bình diện nhận thức, xúc cảm, hành vi.
STRESS - MỘT QUAN ĐIỂM HỆ THỐNG
Stress là một khái niệm mang tính tổ chức, liên hệ đến nhiều thông số và quá trình,
xảy ra trên nhiều bình diện của sự phân tích: sinh lý, nhận thức - cảm xúc, hành vi
và môi trường. Vì thế, stress là một đáp ứng tích hợp sinh học - tâm lý - xã hội với
những sự kiện được xem là có hại và đòi hỏi những kỹ năng ứng phó của đương
sự. Chúng ta sẽ khảo sát từng bình diện một cách chi tiết và mô tả những ảnh
hưởng qua lại của chúng.
Nhận định (cognitive appraisal)
Các kích thích không mong muốn từ môi trường, sinh lý và tinh thần không gợi
lên ngay một đáp ứng stresss. Đương sự không thụ động tiếp nhận kích thích, mà
chủ động nhận định về nó. Nhận định là quá trình trong đó chúng ta gán những ý
nghĩa cho các sự kiện bên trong chung ta hoặc xung quanh chúng
ta (Levine, Weinberg,Ursin, 1978). Chúng ta thường xuyên đánh giá sự thích đáng
đối với bản thân (personal relevance) và ý nghĩa hưởng lạc (hedonic connotation)
của những kích thích mà chúng ta chú tâm đến. Dựa trên kinh nghiệm quá khứ và
hoàn cảnh hiện tại, một kích thích có thể được đánh giá là: (1) không đáng kể (một
tình trạng không có ý nghĩa đặc biệt nào); (2) lành tính (một tình trạng tích cực,
làm gia tăng phúc lợi cá nhân); hoặc (3) tiêu cực (một tình trạng thực sự tiêu cực,
đe dọa đến phúc lợi cá nhân) (Lazarus, Launier, 1978). Stress liên quan đến việc
nhận định một sự kiện là có tính đe dọa, có hại hoặc thách thức. Giả sử bạn lái xe
lên miền núi để thực hiện một kỳ trượt tuyết và gặp phải một trận bão tuyết. Con
đường có thể vượt qua được, nhưng bị đóng băng rất nhiều. Nhiều xe hơi, xe tải
được thấy nằm trong các mương rãnh ở hai bên đường. Bạn thật khó mà điều
khiển được xe. Có lẽ bạn sẽ thấy rất căng thẳng và tức giận. Bạn cũng đang trong
tình trạng nguy hiểm và có thể bị mất một kỳ nghỉ đáng giá mà bạn đã chuẩn bị từ
lâu. Như đã nêu trong phần đầu, một tình huống nhất định có thể gợi lên một số
kiểu nhận định tiêu cực.
Một khi sự kiện được nhận định là “tiêu cực”, một sự lượng giá khác cũng sẽ được
thực hiện nhằm xem xét có thể làm được gì để ứng phó với sự kiện và liệu những
việc ấy sẽ mang lại hiệu quả như thế nào. Quá trình này gọi lànhận định khả năng
ứng phó (coping appraisal) (Lazarus, Folkman, 1984). Nếu quá trình nhận định
kích thích(stimuli appraisal) đặt ra các câu hỏi chính như “Sự kiện này có ý nghĩa
gì đối với ta?”, thì quá trình nhận định khả năng ứng phó sẽ đặt ra câu hỏi “Ta có
thể làm gì để giải quyết vấn đề này?” và “Những việc ấy sẽ có hiệu quả như thế
nào?”. Giai đoạn này bao gồm việc đề ra một chiến lược ứng phó (coping
strategy) đối với tác nhân gây stress và ước tính hiệu quả của những chiến lược
này.
Ví dụ, để tiếp tục lái xe (trong tình huống nêu trên), mối quan tâm của bạn về tình
trạng đường sá và mong muốn thực hiện kỳ trượt tuyết khiến bạn phải xem xét để
lựa chọn một giải pháp. Bạn có thể rời khỏi con đường và chờ đợi một xe ủi tuyết;
bạn có thể lái xe chầm chậm cho đến khi tìm được lối ra và chờ cho qua cơn bão;
hoặc tìm một lối đi khác ít nguy hiểm hơn. Bạn có thể đưa ra bất kỳ sự lựa chọn
nào, nhưng phải liệu xem chúng có giúp ích gì hay không? Ngoại trừ việc dừng xe
lại tại chỗ, còn thì chẳng có cách nào có thể tức thời chấm dứt được mối nguy
hiểm. Nhưng việc này lại dẫn đến một sự đe dọa khác kéo dài và nghiêm trọng
hơn: không có thức ăn và thiếu điều kiện để sưởi ấm. Những giải pháp khác thì tốt
hơn về lâu dài. Tuy nhiên, nếu bạn dừng lại và chờ cho cơn bão đi qua, việc đặt
phòng trọ của bạn sẽ bị hủy bỏ. Còn các lối đi khác, theo đài phát thanh, cũng
chẳng có gì tốt hơn vv…
Cả việc nhận định sự kiện là tiêu cực cũng như việc xem xét các khả năng ứng
phó là không đầy đủ và không hiệu quả đều là những yếu tố cần có để stress xuất
hiện. Hai loại nhận định này được bàn riêng để làm rõ các quá trình, nhưng chúng
lại có thể xảy ra tương đối tự nhiên và đồng thời. Mức độ “tiêu cực” của một sự
kiện và mức độ “không đầy đủ” của tiềm năng ứng phó có thể thay đổi. Việc nhận
định kích thích và nhận định khả năng ứng phó sẽ tương tác với nhau để hình
thành mức độ của stress mà đương sự trải qua. Mức độ stress cao nhất (như trong
ví dụ trên) xảy ra khi kích thích là rất tiêu cực và khi không có biện pháp nào để
giải quyết sự kiện. Khi sự kiện ít trầm trọng hơn và các cố gắng ứng phó có tính
khả thi thì mức độ stress sẽ giảm đi. Tuy nhiên, một số tình huống vẫn xảy ra
stress khi sự kiện kích thích được nhận định là “rất tiêu cực”, ngay cả khi những
phương thức ứng phó có khả năng thực thi được (ví dụ: khi dự các kỳ thi quan
trọng, dù bạn đã được chuẩn bị kỹ) do tính chất nghiêm trọng của sự kiện. Tương
tự, khi sự kiện ít nghiêm trọng, nhưng trong tay không có sẵn những biện pháp
giải quyết (như khi ngồi trên ghế cho nha sĩ nhổ răng, hoặc lái xe qua một vùng
hoang vắng), stress sẽ xảy ra do bị mất khả năng kiểm soát sự kiện.
Như đã mô tả, quá trình nhận định dường như khá tách biệt và có tính phân tích,
và nó không phù hợp với kinh nghiệm chủ quan của chúng ta về sự đe dọa hoặc có
hại. Một phản ứng cảm xúc sẽ xảy ra đồng thời với quá trình nhận định
(Leventhal, Nerenz, 1983). Khi một sự kiện được nhận định là lành tính, những
cảm xúc tích cực như vui vẻ, yêu thương, hạnh phúc, phấn khởi, thanh thản sẽ
diễn ra nơi đương sự. Nếu sự kiện được đánh giá là tiêu cực, những cảm xúc như
sợ hãi, lo âu, tội lỗi, thất vọng hoặc trầm uất sẽ xuất hiện. Quá trình nhận định
hòa nhịp cùng với cảm xúc. Các quá trình nhận định và cảm xúc có ảnh hưởng qua
lại với nhau (Schacter, 1964). Trong thực tế, ngoài việc kiểm soát chính bản thân
sự kiện tiêu cực, đương sự cũng cần kiểm soát các khuấy động cảm xúc. Trong ví
dụ nêu trên, lái xe trên một con đường trơn trợt và việc mất một kỳ nghỉ có thể gây
nên sự tức giận.
Quá trình nhận định có tính chủ quan nhưng không mạo hiểm. Nó chịu ảnh hưởng
bởi bản chất của sự kiện kích thích và bởi những đặc trưng của đương sự thực hiện
việc nhận định. Đây là ý nghĩa thực sự của quan niệm vềtính tương
giao (transaction) của stress (Lazarus, 1966). Nhân cách, kinh nghiệm quá khứ và
các thông số cá nhân khác của đương sự giúp hình thành nên sự nhận định, đặc
biệt khi sự kiện có tính nhập nhằng, nước đôi. Nhưng cách nhận định của đương
sự lại chịu sự thúc ép của sự kiện. Khi một sự kiện tương đối nhập nhằng, việc
nhận định thường phù hợp với bản chất khách quan của sự kiện. Chúng ta hãy
xem xét những yếu tố thuộc về cá nhân đương sự và sự kiện kích thích đã góp
phần vào quá trình nhận định.
Các yếu tố thuộc cá nhân đương sự
Sự nhận định về kích thích và các đáp ứng ứng phó sẵn có nhằm đáp ứng lại kích
thích ấy chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các thông số cá nhân
(Wrubel, Brenner, Lazzarus, 1981). Nhiều thông số cá nhân được nghiên cứu
trong mối liên quan với stress. Theo sau Lazarus và Folkman, chúng ta sẽ khảo sát
riêng về hai thông số cá nhân khác làđối tượng ủy thác (commitment) và niềm
tin (belief).
Đối tượng ủy thác là những gì mà đương sự đánh giá cao và xem là quan trọng,
bao gồm những mục đích và hoạt động mà họ đầu tư năng lực vào, hoặc những
nhóm người và tổ chức mà đương sự gắn bó. Hãy suy nghĩ về những đối tượng ủy
thác của bạn. Những người nào, hoạt động nào và mục đích nào là rất quan trọng
đối với bạn? Bất kỳ sự đe dọa hoặc gây thách thức cho những đối tượng ủy thác
của bạn đều chất chứa một tiềm năng gây stress rất lớn. Nếu bạn yêu một người,
những mối đe dọa cho người ấy hoặc đe dọa mối quan hệ giữa bạn với người ấy
đều sẽ làm bạn khó chịu.
Đối tượng ủy thác tác động lên sự nhận định của bạn thông qua việc ảnh hưởng
lên sự nhạy cảm của bạn đối với những kích thích nhất định. Chúng ta càng đầu tư
nhiều vào một ai đó, một mục đích hoặc một hoạt động nào đó, thì stress xảy ra
càng nặng nề khi người đó, mục đích đó, hoạt động đó bị đe dọa. Các đối tượng ủy
thác càng làm tăng thêm khả năng mẫn cảm của chúng ta đối với stress. Hãy nghĩ
về một người mà bạn yêu tha thiết; và bởi lòng quyến luyến quá mạnh của bạn,
một sự khước từ của người đó có thể khiến bạn bị tổn thương nghiêm trọng.
Nhưng mặt khác, tình yêu của bạn với người đó cũng mang đến cho bạn những
giây phút vui tươi, thỏa mãn và hài lòng. Đối tượng ủy thác chính là “con dao hai
lưỡi” vậy!
Một ví dụ tương thích hơn về sức khỏe là ý chí sống còn (will to live). Sự mất đi
người đồng hôn phối (đối tượng ủy thác quan trọng) thường dẫn đến bệnh tật và
làm tăng tử suất ở những bạn tình còn sống (Jacobs, Ostfeld, 1977; Parks, 1970).
Trái lại, việc tìm thấy những ý nghĩa và có được những đối tượng ủy thác mạnh
mẽ có thể gia tăng những cơ hội sống còn, thậm chí trong những tình huống xấu
nhất. Tất cả những ai còn sống sót từ những trại tập trung của Đức Quốc Xã đều
cho biết rằng họ đã tìm được một lý do nào đó để sống sót: sống để làm nhân
chứng, sống vì lợi ích của bà con thân thuộc, hoặc sống để trả thù (Frankl, 1959).
Đối tượng ủy thác động viên chúng ta tồn tại trong sự đối đầu với nghịch cảnh.
Khi đương đầu với một mối đe dọa cho điều mà chúng ta coi là quan trọng, chúng
ta sẽ cố gắng hết sức để loại bỏ mối đe dọa đó.
Một thông số cá nhân thứ hai ảnh hưởng lên sự nhận định của chúng ta là sự ý
thức về khả năng kiểm soát sự kiện(sense of control over events). Sự ý thức về khả
năng kiểm soát sự kiện sẽ làm giảm stress, và thiếu điều này sẽ làm tăng thêm
stress. Ví dụ, Ferrare (1962) thấy rằng những người già tự mình lựa chọn vào nhà
dưỡng lão (có ý thức kiểm soát) thì sống lâu hơn những người vào nhà dưỡng lão
mà không tự chọn (ít khả năng kiểm soát). Tương tự, Langer và Rodin (1976) đã
nghiên cứu những hiệu quả của việc tăng cường khả năng kiểm soát ở những
người già trong các nhà dưỡng lão. Những ai được giao trách nhiệm và được tự
lựa chọn công việc hằng ngày và sắp xếp đời sống thì sẽ tỉnh táo hơn, tích cực hơn
và vui vẻ hơn so với nhóm người được để cho nhân viên nhà dưỡng lão chăm sóc.
Những người được thúc đẩy khả năng kiểm soát cho thấy tình trạng sức khỏe thể
chất tốt hơn. Trong vòng 18 tháng, số tử vong ở những người được tăng cường
khả năng kiểm soát là 15% so với 30% trong nhóm kia.
Sự thiếu khả năng kiểm soát - thực sự chỉ là cảm nhận như vậy - thường được gọi
là sự “vô dụng” (helplessness) (Seligman, 1975). Sự vô dụng xảy ra khi khi đương
sự cảm thấy hành vi của họ chẳng có hiệu quả gì hoặc các sự kiện là không thể
kiểm soát được. Điều này được đặc trưng bởi tính thụ động trong hành vi, cảm xúc
ức chế và tư tưởng tập trung vào sự thất vọng. Người “vô dụng” sẽ ngưng cố gắng,
thậm chí cả khi được chuyển sang những điều kiện sống mới (Miller, Seligman,
1975). Họ có những kỳ vọng tiêu cực về bản thân, về tương lai và về thế giới
(Beck, 1976). Họ tin rằng “Bản thân ta chẳng tốt gì. Thế gian này chẳng có gì tốt,
và tình thế cũng chẳng thể nào khá hơn”.
Sự nhận thức về khả năng kiểm soát có ảnh hưởng lên sự tác động của stress đối
với đương sự. Stress càng gia tăng khi đương sự cảm thấy hành vi và kết quả
không liên quan với nhau. Việc thiếu khả năng kiểm soát sẽ dẫn đến những hậu
quả tiêu cực đối với hành vi, tình cảm và sinh lý.
Các yếu tố thuộc về tình huống
Các đặc tính của sự kiện kích thích cũng có ảnh hưởng đến sự nhận định. Chúng ta
sẽ tập trung vào hai đặc tính sau: khả năng tiên đoán (predictability) và sự hạn
định thời gian (timing). Khả năng tiên đoán là sự biết trước khi nào sự kiện sẽ xảy
ra. Nói chung, những sự kiện có thể tiên đoán được thì ít gây stress hơn những sự
kiện không tiên đoán được. Sẽ rất có lợi nếu ta biết trước được những sự kiện
ngoài ý muốn có xảy ra hay không, và nếu có thì xảy ra khi nào. Khả năng tiên
đoán làm giảm mức độ đe dọa, nguy hại và thách thức, bằng cách cho phép ta
chuẩn bị ứng phó sự kiện và biết được khi nào chúng ta được an toàn
(Weinberg, Levine, 1980).
Tầm quan trọng của khả năng tiên đoán được chứng minh trong nghiên cứu
của Hunter (1979) trên những người vợ (Mỹ) có chồng bị chết, bị mất tích, bị bắt
hoặc đã trở về từ cuộc chiến tranh Việt Nam. Khả năng tiên đoán của những người
vợ ấy giảm dần theo thứ tự sau: chồng đã trở về, bị giết, bị bắt và bị mất tích khi
đang làm nhiệm vụ.Hunter thấy rằng những người vợ có chồng bị mất tích trong
chiến tranh đã biểu hiện tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần ở mức xấu nhất.
Họ phải đối đầu với một sự không chắc chắn lớn lao nhất liên quan đến tình trạng
hôn nhân, vai trò và trách nhiệm của họ. Họ gần như đã bị cầm tù.
Sự xuất hiện chắc chắn của stress cùng thời gian và tần số của nó cũng ảnh hưởng
lên sự nhận định của đương sự. Khi một sự kiện trở nên chắc chắn sẽ xảy đến,
đương sự sẽ nhận thấy nó càng lúc càng có tính thách thức và đe
dọa. Mechanic (1062) thấy rằng những thí sinh chuẩn bị thi lấy bằng tiến sĩ sẽ
càng bị lo âu hơn khi kỳ thi đến gần. Một khi kỳ thi thực sự bắt đầu, sẽ có sự giảm
nhẹ đáng kể về cảm xúc và các triệu chứng sẽ mất đi. Một thí sinh đã nói “Vào thi
không tệ bằng biết trước về kỳ thi. Bạn không phải lo lắng gì trong khi thi”.
Thời gian hiện diện của các tác nhân gây stress cũng thay đổi từ những sự kiện có
giới hạn về thời gian như thi cử, nhổ răng, đến những sự kiện kéo dài như mâu
thuẫn vợ chồng, tham gia chiến đấu hoặc mắc bệnh ung thư. Thời gian và tần số
xuất hiện các tác nhân gây stress cũng được xem là có vai trò trung tâm trong
việc xác định những hậu quả tiêu cực của stress đối với sức khỏe. Giả định cho
rằng stress mạn tính làm suy mòn đương sự (Selye, 1956), nhưng vẫn còn quá ít
nghiên cứu về tác động của các tác nhân gây stress khác nhau về thời gian và tần
số xuất hiện.
Theo quan điểm hệ thống, Stress bao gồm việc đương sự nhận định một sự kiện là
có hại, đe dọa hoặc thách thức, và tiềm năng ứng phó của đương sự là không đầy
đủ hoặc không hiệu quả. Những nhận định này là kết quả từ sự tương tác giữa các
đặc trưng của đương sự (đối tượng ủy thác, niềm tin, các ký ức và kinh nghiệm) và
những đặc trưng của sự kiện được nhận định (khả năng tiên đoán, sự hạn định thời
gian và tính nhập nhằng). Sự nhận định một kích thích là có tính gây stress cũng
được tạo nên từ sự khuấy động cảm xúc mà đến lượt nó lại tương tác với sự nhận
định của đương sự.
Quá trình ứng phó (coping)
Ứng phó là những hành động thuộc về nhận thức và hành vi nhằm chế ngự những
đòi hỏi của một sự kiện được nhận định là có tính gây stress. Khi đối đầu với một
sự kiện gây stress, đương sự sẽ cố gắng “hóa giải” sự nguy hại và phòng tránh sự
đe dọa. Vẫn còn có ít dữ liệu về việc làm thế nào mà đương sự ứng phó được với
các tác nhân gây stress trong môi trường sống tự nhiên. Sự biến hóa của các chiến
lược ứng phó là vô hạn.
Có hai đích điểm chính của sự ứng phó: tự thay đổi bản thân mình (changing
ourselves) hoặc thay đổi môi trường xung quanh (changing the environment).
Đương sự có thể lựa chọn hoặc thích nghi để phù hợp tốt hơn với môi trường (“gió
chiều nào theo chiều đó”) hoặc thay đổi môi trường để thích hợp với nhu cầu bản
thân của mình (phân hóa và chế ngự) 1. Ví dụ, nhà hàng xóm của bạn tổ chức một
bữa tiệc ồn ào làm phá giấc ngủ của bạn. Bạn có thể chọn cách tham gia vào bữa
tiệc (tự thay đổi) hoặc gọi cảnh sát (thay đổi môi trường). Những cố gắng ứng phó
có thể hoặc định hướng theo cảm xúc (emotion-oriented) hoặc định hướng theo
vấn đề (problem-oriented). Sự ứng phó định hướng cảm xúc nhắm vào việc giảm
bớt sự khuấy động cảm xúc gây nên bởi stress. Sự ứng phó định hướng vấn đề
nhắm vào việc thay đổi sự kiện được xem là có hại. Cả hai hướng ứng phó có thể
được thực hiện đồng thời, hoặc riêng biệt, và cũng có khi là không tương hợp với
nhau. Trong hầu hết các tình huống gây stress, các cố gắng ứng phó đều tập trung
vào cả hai hướng (Folkman, Lazarus, 1980). Hãy hình dung rằng bạn đang rất
căng thẳng về kỳ thi giữa niên khóa được tổ chức vào tuần tới. Việc ứng phó định
hướng vấn đề là làm sao tập trung vào việc học. Ứng phó định hướng cảm xúc có
thể dùng thuốc để giải bớt lo âu. Dường như việc ứng phó định hướng vấn đề
được ưa chuộng hơn vì nó giải quyết được “gốc rễ” của vấn đề; nhưng ứng phó
định hướng cảm xúc cũng rất quan trọng. Cảm xúc thường là khổ sở và lo lắng, và
có hậu quả bắt nguồn từ stress. Sự khuấy động cảm xúc cũng có thể can thiệp vào
các cố gắng về nhận thức và hành vi của đương sự khi ứng phó với vấn đề. Trong
vài trường hợp (như thiên tai hoặc bị thương tật), ít có khả năng để chúng ta làm
được điều gì nhằm giải quyết vấn đề; việc cơ bản là ứng phó với tình trạng khuấy
động cảm xúc được khơi lên từ các sự kiện ấy. Các chiến lược ứng phó có ba hình
thức:
Chiến lược ứng phó về nhận thức (cognitive coping strategy)
Chúng ta có thể ứng phó với những tác nhân gây stress hoặc với cảm xúc của
chính mình bằng cách giải quyết vấn đề, tự nói chuyện (self-talk) và tái nhận
định (reappraisal). Giải quyết vấn đề bao gồm việc phân tích tình huống để đề ra
những hành động khả thi, đánh giá những hành động đó và lựa chọn kế hoạch
hành động hữu hiệu (Janis, Mann, 1977). Ví dụ, với kỳ thi giữa niên khóa, việc
giải quyết vấn đề có thể gồm làm sao để giảm bớt lo âu (định hướng cảm xúc, đích
là bản thân) (emotion-oriented, sefl as target); học thế nào để được điểm cao
(định hướng vấn đề, đích là bản thân) (problem-oriented, sefl as target); vào học
lớp nào để bớt lo (định hướng cảm xúc, đích là môi trường) (emotion-oriented,
environment as target); và làm sao tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè để cùng học
(định hướng vấn đề, đích là môi trường) (problem-oriented, environment as
target).
Tự nói chuyện một mình ngụ ý chỉ những câu nói hoặc ý nghĩ thầm kín được dùng
để hướng dẫn những cố gắng của chúng ta vào việc ứng phó với sự kiện gây stress
cùng những khuấy động cảm xúc kèm theo nó. “Lời nói bên trong” ấy hướng sự
chú tâm đến những kích thích thích đáng, tạo điều kiện cho việc hình thành và
thực hiện các chiến lược ứng phó và cung cấp một sự phản hồi chính xác. Tưởng
tượng bạn đang ngồi trên chiếc ghế của một nha sĩ, chờ làm răng. Bạn có thể tự
nhủ “Vị nha sĩ là người thận trọng; ông sẽ chăm sóc chứ không làm đau mình
đâu” (định hướng cảm xúc, đích là môi trường); hoặc “Mình căng thẳng quá, cần
thở sâu để thư giãn” (định hướng cảm xúc, đích là bản thân); “Nhìn những hình vẽ
trên trần nhà kia có lẽ dễ chịu hơn” (định hướng vấn đề, đích là môi trường); hoặc
“Mình cần phải đương đầu với nó đây” (định hướng vấn đề, đích là bản thân).
Tái nhận định gồm việc giảm bớt tác động của sự kiện bằng cách thay đổi cách
diễn giải sự kiện. Nói cách khác, sự kiện sẽ được gán cho một ý nghĩa khác. Một
thí sinh thi hỏng có thể nghĩ rằng “Bài thi này thật khó quá sức” ( định hướng vấn
đề, đích là môi trường), hoặc “Hôm nay xui thật” (định hướng vấn đề, đích là bản
thân). Sự tức giận này có thể được nhận định lại bằng cách nghĩ rằng “Ông thầy
thật đáng ghét, mình có quyền tức giận được chứ” (định hướng cảm xúc, đích là
môi trường) hoặc “Chẳng đáng gì, khóa học này dù sao cũng không quan trọng”
(định hướng cảm xúc, đích là bản thân).
Chiến lược ứng phó về hành vi (behavioral coping strategy)
Đương sự cũng phải ứng phó với stress bằng hành vi. Nói chung, có bốn loại đáp
ứng với stress bằng hành vi: tìm kiếm thông tin, hành động trực tiếp, kiềm chế
hành động và quay sang người khác.
Tìm kiếm thông tin (seeking information) là thâu thập dữ liệu về bản chất của tác
nhân gây stress và về các chiến lược ứng phó khả thi. Một người khi biết mình bị
ung thư có thể tìm kiếm thông tin về tiên lượng của bệnh này thông qua một nhân
viên y tế (Haan, 1977). Người đó có thể dựa vào sự thay đổi kích thước của khối u
có thể sờ nắn được để đánh giá hiệu quả của điều trị (Norenz, Leventhal, Love,
1982). Thông tin vì thế sẽ giúp ích cho các chiến lược ứng phó và tăng cường cảm
giác về khả năng kiểm soát và tiên đoán sự kiện.
Hành động trực tiếp (direct action) là công khai các đáp ứng bằng lời nói hoặc
hành động nhằm làm thay đổi tác nhân gây stress hoặc các khuấy động cảm xúc
liên quan đến stress. Một người bị bong gân cổ chân có thể nghỉ ngơi, dùng thuốc
giảm đau hoặc đến bác sĩ khám. Một người vừa bị mất đi người mà mình thương
yêu có thể tự “chôn” mình trong công việc, hoặc xem những bức hình cũ của
người quá cố cho vơi bớt nỗi buồn.
Kiềm chế hành động (inhibiting action) là không làm một điều gì đó nhằm làm
giảm bớt stress và các khuấy động cảm xúc. Một người bị ho kinh niên có thể
ngưng hút thuốc lá. Tránh các tình huống tạo nên lo âu cũng thích hợp với loại đáp
ứng này. Ví dụ, đương sự thường hay “quên” các cuộc hẹn với nhân viên y tế vì bị
đau hoặc bị ngượng ngùng khi được khám bệnh. Loại ứng phó sau cùng về hành
vi - quay sang người khác (turning to others) - theo truyền thống thường được gọi
là sự hỗ trợ xã hội (social support).
Hỗ trợ xã hội (Social support)
Cụm từ “quay sang người khác” được dùng ở đây vì nó nhấn mạnh vào bản chất
tích cực và tương hỗ của chiến lược ứng phó này. Mối tương quan giữa bản thân
chúng ta và những người khác tạo nên nguồn lực quan trọng để ứng phó với
stress. Chúng ta có thể nhận được sự hỗ trợ vật chất, tinh thần và thông tin từ
những người khác. Hỗ trợ vật chất gồm tiền bạc, hàng hóa và các dịch vụ sẵn có từ
những người khác (Cohen, McKay, 1984). Hỗ trợ tinh thần là khi cảm thấy mình
được người khác yêu thương, đánh giá cao và có cơ hội để trao đổi những cảm
giác ấy (Cobb, 1976). Hỗ trợ thông tin là khi được người khác cho ý kiến về ý
nghĩa của những sự kiện gây stress, hoặc cho lời khuyên về những chiến lược ứng
phó và cung cấp một phản hồi về tính đúng đắn của các cố gắng ứng phó này
(Cohen, McKay, 1984).
Hỗ trợ xã hội có thể điều chỉnh stress bằng hai cách. Đầu tiên, một sự hỗ trợ như
thế có thể phòng ngừa được stress. Biết được những người khác sẽ chăm sóc và
giúp đỡ mình là một cách để phòng ngừa stress vì các sự kiện khi ấy sẽ được xem
là ít có tính đe dọa (Singer, Lord, 1984). Việc thiếu sự hỗ trợ xã hội có liên quan
đến tình trạng sức khỏe kém. Ví dụ Berkman và Syme (1979) đã thấy rằng hỗ trợ
xã hội là một yếu tố tiên lượng khiêm tốn nhưng rất quan trọng về tình trạng tử
vong, ngay cả khi tình trạng sức khỏe ban đầu, các hành vi gây tổn hại sức khỏe và
tình trạng xã hội đã được kiểm soát. Những ai ít có những mối quan hệ xã hội
thường có tỷ lệ tử vong cao hơn.
Hỗ trợ xã hội cũng có thể làm giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực của stress khi
nó đã xuất hiện. Ví dụ, hỗ trợ xã hội có liên quan đến thời gian sống còn được kéo
dài hơn ở những bệnh nhân ung thư (Weisman, Worden, 1975). Một số lớn vấn đề
được báo cáo ở những bệnh nhân là các vấn đề về giao tiếp. Chúng bao gồm sự
khó giao tiếp với người khác về bệnh ung thư, nói chuyện với những thành viên
trong gia đình về tương lai và việc thu thập thông tin từ những nhân viên y tế
(Wortman, Dunken-Schetter, 1979). Nhân viên y tế, gia đình và bạn bè có thể giúp
bệnh nhân ung thư làm rõ vấn đề và đoan chắc điều gì sẽ xảy đến với họ, biểu hiện
tình yêu thương, sự chăm sóc, và cùng nhau phát triển những chiến lược ứng phó
với các nhu cầu về thể chất và tinh thần của bệnh ung thư cùng việc điều trị bệnh
này. Hỗ trợ xã hội cũng kích thích sự lành bệnh bằng cách thúc đẩy người bệnh
gắn bó hơn với việc điều trị (Suls, 1982).
Những yếu tố xác định nên chiến lược ứng phó
Một số lớn chiến lược ứng phó có thể được áp dụng để đáp ứng với stress. Việc
chọn lựa chiến lược chịu ảnh hưởng bởi các thông số thuộc về bản thân đương sự
cũng như các thông số thuộc về tình huống. Những thông số cá nhân như giá
trị (value) và niềm tin (belief) sẽ làm phát sinh hoặc loại bỏ một số cách thức hành
động và ảnh hưởng đến cách thức của đương sự ứng phó như thế nào với tác nhân
gây stress. Một kiểu cách đáp ứng cũng phải có sẵn trong “vốn sống” của đương
sự trước khi nó có thể được sử dụng để ứng phó với các tác nhân gây stress. Ly
hôn là một giải pháp hợp lý để giải quyết mâu thuẫn vợ chồng (trong những tình
huống không thể hòa giải), nhưng nó lại là điều không thể chấp nhận được ở
những ai có niềm tin rằng ly hôn là có tội. Một đáp ứng quyết đoán dường như là
cách chọn lựa hợp lý để ứng phó với những kẻ không biết điều, nhưng có nhiều
người đã không biết cách biểu lộ những cảm giác và ý kiến của mình một cách
trực tiếp và mạnh mẽ như thế. Tóm lại, các kiểu hành động ứng phó phải “có
sẵn” nơi đương sự và được đương sự chấp nhận.
Tình huống xảy ra tác nhân gây stress cũng có thể ảnh hưởng đến phương thức mà
đương sự áp dụng để ứng phó. Hiển nhiên rằng, tác nhân gây stress tự nó có thể
thúc đẩy tính khả dụng và hiệu quả của các chiến lược ứng phó. Nỗi mất mát từ
cái chết của một người mà mình thương yêu chủ yếu đòi hỏi một hình thức ứng
phó định hướng cảm xúc, bởi không thể nào làm người chết sống lại. Nội dung
của tác nhân gây stress cũng thúc đẩy sự ứng phó. Hậu quả không hay sẽ xảy ra
nếu một người nào đó đánh ông chủ của mình vì những yêu cầu làm việc không
hợp lý. Những cố gắng ứng phó do vậy thường phải làm sao phù hợp với những áp
lực và đòi hỏi của môi trường.
SINH LÝ HỌC CỦA STRESS
Chúng ta biết rằng những xáo trộn trên một bình diện của một hệ thống sẽ dẫn đến
những thay đổi trong các bình diện khác của hệ thống đó. Trong khi stress dẫn đến
sự nhận định rằng sự kiện là có tính đe dọa hoặc có hại, thì việc nhận định này
cũng sẽ sinh ra những đáp ứng sinh lý cũng như những đáp ứng về cảm xúc và
hành vi. Trong phần này, chúng ta sẽ xem xét chi tiết về sinh lý học của stress.
Những con đường sinh học được kích hoạt trong stress
Đáp ứng sinh lý đối với stress được điều hòa thông qua thông qua hệ thần kinh,
nội tiết và hệ miễn dịch. Các đáp ứng thần kinh, nội tiết và miễn dịch xảy ra với sự
khác biệt về khuynh độ thời gian (temporal gradient). Các đáp ứng sinh lý tức thì
được điều hòa bởi hệ thần kinh thực vật (ANS: autonomic nervous system). Các
đáp ứng trung gian được điều hòa bởi tuyến tủy thượng thận, một tuyến nội tiết
nằm dưới sự kiểm soát của ANS. Các đáp ứng dài hạn được điều hòa bởi hệ nội
tiết và hệ miễn dịch. Mỗi một trong số các hệ thống này đều có những ảnh hưởng
rộng rãi trên các mô đích (target tissue) trong cơ thể (Allen, 1983). Những đáp ứng
này lại được kiểm soát bởi vùng hạ đồi (hypothalamus) - một nhóm những neuron
thần kinh nằm ở vùng đáy não. Hạ đồi cùng với hệ limbic (phần não điều hòa cảm
xúc) kiểm soát những chức năng cơ bản của cơ thể như ăn, uống, sinh hoạt tình
dục, cảm xúc, sự vui thích (pleasure) và sự trừng phạt (punishment). Hệ limbic và
hạ đồi lại chịu ảnh hưởng củavỏ não - phần ngoài cùng của não có vai trò điều hòa
các chức năng cao cấp như suy nghĩ, lý luận và ký ức.
Hệ thần kinh thực vật
Hệ thần kinh thực vật (ANS) kiểm soát các quá trình cơ bản của cơ thể như nhịp
tim, hô hấp, huyết áp và tiêu hóa. ANS cũng kiểm soát chức năng các nội tạng mà
chúng ta rất ít nhận biết được. Hệ ANS gồm hai phần: hệ giao cảm (sympathetic)
và đối giao cảm (parasympathetic). Hệ giao cảm chuẩn bị cho cơ thể thực hiện
những hành động; tác dụng chung của nó trên các mô đích là gây “khuấy động”
(arousal). Hệ đối giao cảm liên quan đến việc duy trì những nhu cầu cơ bản của
cơ thể. Tác động của nó nói chung được ví như công việc của một người nội trợ:
thải bỏ chất cặn bã, xây dựng kho dự trữ năng lượng và săn sóc cơ thể khi bị
nhiễm trùng. Hai hệ này có tác dụng đối kháng nhau. Ví dụ, hệ giao cảm làm tăng
nhịp tim, trong khi đối giao cảm làm nhịp tim chậm lại, chúng tác dụng như “tay
ga” và “thắng” khi lái xe. Tác động sau cùng trên một cơ quan nhất định là một
chức năng do sự hoạt hóa tương đối của hai hệ này.
Sự hoạt hóa hệ giao cảm xảy ra thường nhất trong stress và chuẩn bị cho đương sự
thực hiện những hành động mạnh mẽ, “chống hoặc chạy”, nhằm ứng phó với các
tác nhân gây stress. Tăng nhịp tim, tăng sức co bóp của cơ tim và tăng cung lượng
tim sẽ đẩy nhanh việc cung cấp oxy và năng lượng cho hoạt động mạnh của các
khối cơ lớn (cho phản ứng “chống hoặc chạy”). Các mạch máu đến cơ vân giãn ra,
tăng sự cấp máu cần thiết cho hoạt động cơ. Các mạch máu đến ruột co lại, làm
chậm quá trình hấp thu thức ăn. Mạch máu đến da cũng co lại, hạn chế sự mất máu
trong trường hợp bị chấn thương. Khả năng đông máu tăng lên, cũng giúp hạn chế
sự mất máu khi chấn thương. Cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương đều
tăng. Sự gia tăng nhịp thở và giãn phế quản cho phép tăng trao đổi O 2 và CO2, đáp
ứng với nhu cầu khi hoạt động mạnh. Thoát mồ hôi nhằm thải bớt thân nhiệt gia
tăng quá mức. Các chức năng cơ thể không góp phần vào sự sinh tồn trước mắt
đều sẽ bị ngưng lại. Có sự giảm hoạt động tiêu hóa. Nhu động ruột chậm lại; các
cơ vòng đường tiêu hóa và tiết niệu co lại hạn chế sự thải các chất bã.
Đáp ứng giao cảm, hay phản ứng “chống hoặc chạy”, được khơi dậy nhanh chóng
để đáp ứng với stress vì nó được điều hòa qua trung gian các giao nối thần kinh
(neural connection). Đó là những đáp ứng tương đối tự động và đã được “lập
trình” về mặt sinh học để đáp ứng với các tác nhân gây stress cả về thể chất lẫn
tâm lý. Tất cả chúng ta đều trải qua những biến đổi này khi bị ai đó đe dọa, khi
thình lình gặp một con rắn, hoặc khi suýt bị tai nạn xe cộ. Những thay đổi này
cũng xảy ra trong đáp ứng với những mối đe dọa cho sức khỏe tâm lý của chúng ta
như khi dự thi, cảm giác giận một ai đó, hoặc khi phải nói trước đám đông. Nhưng
cơ thể chúng ta phản ứng như nhau trong trong cả hai tình huống, không khác biệt.
Tủy thượng thận (adrenal medulla)
Tác động của hệ thần kinh thực vật chỉ ngắn hạn. Sự khuấy động được duy trì bởi
một cơ chế trung gian: sự phóng thích epinephrine (E) và norepinephrine (NE) từ
tủy thượng thận. Tuyến thượng thận được định vị ở trên đỉnh của hai quả thận và
gồm hai vùng có chức năng độc lập: vùng tủy và vùng vỏ. Do sự kích hoạt thần
kinh giao cảm, E và NE sẽ được phóng thích từ tủy thượng thận. Một khi vào máu,
E và NE sẽ lưu hành và gây ảnh hưởng trên các cơ quan đích. Tác động của chúng
cũng giống như sự kích hoạt giao cảm. Chúng tăng cường và kéo dài sự khuấy
động sinh lý gây ra do sự kích hoạt giao cảm, và vì thế cũng tạo điều kiện cho
phản ứng “chống hoặc chạy”. Hệ quả sau cùng của tác động này là tăng nhịp tim,
huyết áp, hô hấp và tăng đường huyết; giảm hoạt động của hệ tiêu hóa.
Đáp ứng của thượng thận xảy ra chậm hơn nhưng kéo dài hơn đáp ứng giao cảm,
vì nó liên quan đến cả hai con đường thần kinh và hóa học. Nói chung, cần khoảng
20-30 phút để các tác dụng sinh lý của E và NE được thể hiện. Những tác dụng
này kéo dài khoảng một giờ hoặc hơn, vì E và NE được thải chậm khỏi hệ tuần
hoàn. Thời gian tác dụng của E và NE từ thượng thận lâu gấp 10 lần so với đáp
ứng giao cảm.
Hệ nội tiết và hệ miễn dịch
Hệ nội tiết và hệ miễn dịch điều hòa giai đoạn 3 của các biến đổi sinh lý trong đáp
ứng với stress. Bốn tuyến nội tiết cơ bản có liên quan đến đáp ứng với
stress: tuyến yên (pituitary), tuyến giáp (thyroid), vỏ thượng thận(adrenal cortex)
và tuyến tụy (pancreas). Các tuyến này tiết ra những hormone vào hệ tuần hoàn
gây tác dụng trên các cơ quan đích. Trái với sự kích hoạt giao cảm và tác dụng của
E và NE từ tủy thượng thận, sự kích hoạt các hormone trong đáp ứng stress cần
thời gian từ nhiều phút đến nhiều giờ trước khi tác dụng được biểu hiện tại cơ
quan đích. Tác dụng của các hormone cũng kéo dài lâu hơn. Hình 4-4 cho thấy
một tổng quan về hệ nội tiết.Tuyến yên nằm ở phần đáy não và được kiểm soát bởi
vùng hạ đồi. Tuyến yên thường được gọi là tuyến “chủ đạo” (master gland) vì nó
có ảnh hưởng kiểm soát các tuyến nội tiết khác. Tuyến yên được chia thành hai
phần: thùy trước và thùy sau. Thùy trước tiết ra 6 loại hormone; 5 trong số này là
các hormone “định hướng” (trophic hormone) bởi vì chúng ảnh hưởng đến sự tiết
hormone của các tuyến khác. Trong đáp ứng stress, chúng ta chỉ tập trung vào 2
loại hormone “định hướng” là ACTH (Adrenal Cortex Trophic Hormone)
và TSH (Thyroid Stimulating Hormone). Hormone thứ sáu của thùy trước tuyến
yên là GH (Growth Hormone). GH không phải là hormone “định hướng”; nó có
tác dụng trực tiếp lên mô đích một cách độc lập với các hormone khác. Sự phóng
thích các hormone từ thùy trước tuyến yên chịu sự chi phối bởi các tín hiệu hóa
học từ vùng hạ đồi. Vùng hạ đồi phóng thích ra các thông điệp hóa học, mà đến
lượt chúng lại bị kiểm soát bởi lượng hormone lưu hành trong máu (cơ chế
feedback âm), và bởi những sợi thần kinh ly tâm đi từ hệ limbic và vỏ não.
Thùy sau tuyến yên tiết ra hai hormone: ADH (Anti-Diuretic Hormone)
và oxytocin. Cả hai đều có tác dụng trực tiếp trên mô và không phải là hormone
“định hướng”. Chỉ ADH có liên quan đến đáp ứng stress. ADH thực ra được tổng
hợp từ vùng hạ đồi, theo các mạch máu nhỏ vận chuyển đến thùy sau tuyến yên để
dự trữ. Sự phóng thích ADH được kiểm soát bởi các thụ thể thẩm thấu
(osmoreceptor) ở vùng hạ đồi nhạy cảm với các nồng độ trong dịch cơ thể. Vì
ADH ảnh hưởng lên các nồng độ trong dịch cơ thể nên ở đây lại có sự hiện diện
của một cơ chế feedback âm.
Trong stress có sự gia tăng phóng thích GH từ tuyến yên. GH cho phép tăng tiêu
dùng năng lượng trong tế bào và làm tăng đường huyết (Asterita, 1985). Sự gia
tăng năng lượng khả dụng và sử dụng hiệu quả năng lượng ấy sẽ chuẩn bị cho
đương sự thực hiện được những hành động mạnh mẽ trong đáp ứng với stress.
Trong stress, tuyến yên cũng tiết ra ADH, chất này tác động lên thận làm tăng sự
tái hấp thu nước và làm tăng lượng dịch trong cơ thể (Asterita, 1985). Việc này
bảo vệ cơ thể chống lại sự mất máu và sốc do chấn thương. Và do làm tăng thể
tích máu, nó cũng gây tăng huyết áp.
Vỏ thượng thận là phần ngoài của tuyến thượng thận, từ đó có hai nhóm hormone
được phóng thích:glucocorticoid (GC) và mineralocorticoid (MC). Sự phóng thích
GC được kiểm soát bởi ACTH của tuyến yên. Lượng GC tuần hoàn sẽ ảnh hưởng
lên sự tiết ACTH ở trục hạ đồi - tuyến yên. Trong stress, có sự tăng tiết ACTH và
dẫn đến tăng tiết GC ở vỏ thượng thận. GC huy động protein và mỡ từ các mô,
biến đổi protein và mỡ thành glucose tại gan. Điều này làm tăng chất đường và mỡ
trong máu, sẵn sàng cho đương sự có nguồn năng lượng cần thiết cho các đáp ứng
với stress. GC cũng ảnh hưởng trên các đáp ứng của cơ thể với các chấn thương và
nhiễm trùng. Chúng ức chế tình trạng viêm trong chấn thương và nhiễm trùng,
bằng cách ức chế sự thoát huyết tương từ máu và ức chế khả năng di chuyển của
bạch cầu đến vùng bị chấn thương và nhiễm trùng. GC cũng ức chế đáp ứng miễn
dịch bằng cách thu nhỏ tuyến ức (thymus), lách và hạch bạch huyết, đồng thời ức
chế sự phát triển của tế bào lympho và sự tạo kháng thể (Asterita, 1985). Sự gia
tăng phóng thích GC trong stress vì thế không chỉ giữ cho cơ thể có đủ năng
lượng2, mà còn kềm hãm cơ chế bảo vệ đã được “cài đặt” sẵn trong cơ thể chống
lại chấn thương và nhiễm trùng. Điều này có ý nghĩa, nếu chúng ta nhớ rằng
những mục đích trung gian của các đáp ứng sinh lý với stress là nhằm chuẩn bị
cho cơ thể thực hiện những hoạt động thể chất. Việc giảm quá trình viêm sẽ giữ
cho huyết tương ở lại trong dòng máu, ở đó nó có thể vận chuyển năng lượng và
những hoạt chất cần thiết cho phản ứng “chống hoặc chạy”. Việc sản sinh lympho
bào và kháng thể cần sử dụng protein mà GC cần đến để chuyển chúng thành
glucose để tạo năng lượng. Những “công việc nội trợ” giải quyết các chấn thương
và nhiễm trùng được “hy sinh” để giải quyết mối đe dọa trước mắt. Loại hormone
quan trọng thứ hai được phóng thích từ vỏ thượng thận là mineralocorticoid (MC).
MC có tác dụng trên thận giúp giữ nước và muối cho cơ thể. Việc này làm tăng
thể tích máu và tăng huyết áp, vì thế hỗ trợ cho tác dụng của ADH.
Tuyến giáp nằm ở cổ, ngay trước thanh quản. Sự phóng thích thyroxin của tuyến
giáp được kiểm soát bởi TSH của tuyến yên. Thyroxin làm tăng chuyển hóa và
tiêu dùng glucose. Nó cũng làm tăng tiêu dùng oxy trong tế bào. Trong stress,
thyroxin được tăng tiết. Sự huy động các nguồn năng lượng sẵn có và gia tăng tiêu
dùng các năng lượng ấy giúp cơ thể chuẩn bị các hoạt động ứng phó với stress
(Asterita, 1985).
Tuyến tụy nằm kế dạ dày. Nó có chức năng như một tuyến nội tiết và tiết ra hai
hormone là insulin và glucagon. Sự tiết hai hormone này được chi phối bởi đường
huyết. Glucagon kích thích sự phóng thích chất đường dự trữ vào trong máu.
Trong stress, sự tiêu dùng quá nhiều đường do hoạt động thể lực sẽ kích thích tiết
glucagon để giúp bổ sung nồng độ glucose trong máu, giữ cho cơ thể sẵn sàng
hoạt động. Insulin thì có tác dụng ngược lại. Khi đường huyết tăng cao, sự tiết
insulin được kích thích, kết quả là làm tăng dự trữ đường ở gan, cơ vân và mô mỡ.
Đường huyết giảm do hoạt động trong tình trạng stress sẽ ức chế tiết insulin.
Trong khi sự tăng đường huyết do tăng phóng thích E, NE, Thyroxin và GC trong
stress thường sẽ kích thích tiết insulin. Kết quả chung là làm tăng đường huyết để
nhằm chuẩn bị sẵn năng lượng cần thiết cho cơ thể “chống hoặc chạy” (Asterita,
1985).
Nồng độ GC cao cũng ức chế hệ miễn dịch. Trong thực tế, chức năng đích thực
của hệ miễn dịch phụ thuộc vào nồng độ bình thường của những hormone khác.
Những thay đổi nội tiết kèm theo stress sẽ dẫn đến thay đổi chức năng miễn dịch.
Tuyến ức và các mô khác có vai trò trong đáp ứng miễn dịch cũng có thể bị biến
đổi bởi hệ thần kinh thực vật. Tác động của stress trên chức năng miễn dịch là rất
phức tạp. Cả hai tình trạng tăng và giảm miễn dịch đều đi kèm với stress, tùy theo
điều kiện xảy ra stress và tùy theo ta quan sát khía cạnh nào của chức năng miễn
dịch.
Các đáp ứng sinh lý với stress - Tóm tắt
Một hệ thống các đáp ứng phức tạp được quan sát thấy trong stress; kích hoạt giao
cảm trong thời gian ngắn, phản ứng trung gian tiết E và NE từ tủy thượng thận, và
các biến đổi kéo dài của hệ nội tiết và hệ miễn dịch. Những đáp ứng này có tính bổ
sung cho nhau. Chúng chuẩn bị về sinh học giúp đương sự thực hiện những hành
động mạnh mẽ, liên tục để ứng phó với các tác nhân gây stress về cả thể chất lẫn
tâm lý. Hệ quả sinh lý chính của stress là tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng đường
huyết, tăng đông máu, tăng chuyển hóa và tăng hô hấp; giảm các quá trình tiêu
hóa, bài tiết và viêm. Trong những điều kiện nhất định, stress cũng có thể ức chế
miễn dịch. Vì thế, stress có những tác động mạnh mẽ và rộng rãi.
Các đáp ứng sinh lý với stress và những chiến lược ứng phó về nhận thức hành vi
Chúng ta đã xem xét các đáp ứng với stress và các chiến lược ứng phó về nhận
thức - hành vi như những trạng thái độc lập. Thật ra chúng có liên hệ phụ thuộc
lẫn nhau. Đâu là bản chất của mối liên quan này? Có hai lý thuyết để trả lời cho
câu hỏi này: một nhấn mạnh vào tính phổ quát (generality); một nhấn mạnh
vào tính đặc hiệu(specificity) của các đáp ứng sinh lý. Những người theo quan
điểm phổ quát (Selye, 1956; Wolf, 1950) cho rằng tất cả các tác nhân gây stress
đều tương đương nhau trong việc tạo ra sự hoạt hóa phổ quát đã được lập trình sẵn
về sinh học. Các biến đổi sinh lý vì vậy được xem là giống nhau dưới mọi điều
kiện stress và ứng phó với stress. Những người theo quan điểm đặc hiệu cho rằng
mức độ và mô hình của các đáp ứng với stress thay đổi tùy theo sự nhận định, tình
trạng khuấy động cảm xúc và đáp ứng nhận thức - hành vi của đương sự đối với
sự kiện gây stress (Mason, 1975a).
Vẫn còn thiếu dữ liệu hỗ trợ một cách chắc chắn cho cả hai giả thuyết. Dường như
có một sự khác biệt trong mô hình khuấy động sinh lý tùy theo chiến lược được sử
dụng để ứng phó với các tác nhân gây stress. Ví dụ, mô hình đáp ứng khác nhau
về tim mạch có liên quan đến kiểu ứng phó chủ động hay thụ động (Obrist, 1976);
tránh né hoặc cảnh giác (Lacey, 1978). Những mô hình khác nhau về xuất tiết
hormone cũng liên quan đến những cảm giác khước từ hoặc lo lắng (Mason,
1975a); giận dữ hoặc sợ hãi (Ax, 1953). Vì thế, các đáp ứng với stress không có
tính chất phổ quát và đồng nhất. Chỉ một phần các đáp ứng được kể đến trong các
phần trước có thể thấy được trong bất kỳ một mối tương giao gây stress nào đó.
Vài trường hợp, các đáp ứng sinh lý lại được phân chia thành nhiều đáp ứng, cái
này có thể thay đổi không kèm theo cái khác; ví dụ, huyết áp có thể tăng, nhưng
nhịp tim lại không thay đổi.
Các đáp ứng nhận thức - hành vi và đáp ứng sinh lý thường bổ sung cho nhau.
Đáp ứng sinh lý có tính tương xứng với các chiến lược ứng phó về nhận thức hành vi được áp dụng. Tư tưởng, hành động và sinh lý của chúng ta có quan hệ
qua lại với nhau; bình diện này ảnh hưởng đến bình diện kia. Nếu không thì chúng
ta sẽ cố gắng làm một việc này trong lúc cơ thể chúng ta lại được chuẩn bị để làm
một việc khác. Trái với lý thuyết hoạt hóa phổ quát,có lẽ không có một mô hình
khuấy động sinh lý duy nhất nào xảy ra với mọi sự kiện gây stress, mọi chiến lược
ứng phó và mọi đáp ứng cảm xúc, do có một sự linh hoạt giới hạn trong các đáp
ứng sinh lý đối với stress(Holroyd, 1979).
STRESS - MỘT QUÁ TRÌNH
Từ một cách nhìn hệ thống, stress là một đáp ứng tích hợp, đa bình
diện (multilevel) của đương sự đối với các kích thích bên trong và bên ngoài. Các
bình diện đáp ứng khác nhau có tính phụ thuộc lẫn nhau.
Có một khuynh hướng suy nghĩ về stress theo một cách thức “thẳng tắp”: kích
thích - cơ thể sống- đáp ứng: Một sự kiện nào đó xảy ra, đương sự nhận thấy sự
kiện có tính đe dọa, và kế đó sinh đáp ứng về cảm xúc, hành vi và sinh lý. Mối
tương giao khi ấy được hoàn tất. Tuy nhiên, đây không phải là sự thể hiện đúng
đắn về một mối tương giao gây stress khi nó xảy ra trong môi trường tự nhiên
(Lazarus, Folkman, 1984). Stress được khái niệm hóa tốt hơn như là một quá trình
tiếp diễn, hai chiều và lập đi lập lại (Leventhal, Nerenz, 1983). Khi đối đầu với tác
nhân gây stress, các đáp ứng sinh lý và sự ứng phó đầu tiên của chúng ta sẽ làm
biến đổi sự kiện. Kế đó, chúng ta nhận định lại sự kiện đã bị biến đổi ấy, rồi điều
chỉnh lại các đáp ứng sinh lý và ứng phó của chúng ta sao cho phù hợp; rồi đáp
ứng này lại làm biến đổi sự kiện, cứ thế tiếp diễn... Việc ứng phó theo kiểu định
hướng vấn đề sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến kích thích gốc. Ứng phó kiểu định hướng
cảm xúc ảnh hưởng gián tiếp đến “đầu vào” bằng cách thay đổi sự nhận định hoặc
phản ứng cảm xúc của đương sự đối với sự kiện. Vì thế, stress và đáp ứng là
một quá trình xoay vòng (circular process) trong đó những cố gắng ứng phó làm
biến đổi sự kiện theo một vòng cung phản hồi (feedback loop). Để thêm tính phức
tạp, chúng ta lại thường ứng phó với nhiều tác nhân gây stress chồng chéo lên
nhau bằng những cách thức phức tạp.
Tóm lại, stress có thể được xem là một đáp ứng đa bình diện của một con người
đối với các kích thích được nhận định là đe dọa hoặc có hại. Đáp ứng này có thể
ít nhiều cải thiện được kích thích gây stress.
HỆ QUẢ THÍCH NGHI (ADAPTATIONAL OUTCOMES)
Quan niệm về stress như một quá trình liên tục, lòng vòng, dẫn đến việc xem xét
về những hệ quả thích nghi, hoặc những tác dụng lũy tiến theo thời gian của
những cố gắng ứng phó của chúng ta với tác nhân gây stress. Những hệ quả thích
nghi có thể được xem như trạng thái sinh học - tâm lý của một người ở một thời
điểm nào đó; nó giống như một khuôn hình đứng yên của một cuốn băng video.
Hoạt động được ghi trong khuôn hình đó có thể được hiểu dựa trên những gì xảy
ra trong một số khuôn hình trước đó (hệ quả thích nghi ngắn hạn) hoặc nhiều
khuôn hình trước đó (hệ quả thích nghi dài hạn). Chúng ta có thể lượng giá những
hệ quả thích nghi trên các bình diện sinh lý, nhận thức, cảm xúc, hành vi và xã
hội. Nói cách khác, sức khỏe thể chất , cảm xúc, sự thỏa mãn, thái độ, năng lực
hành vi và các mối quan hệ xã hội của con người là một phần trong kết quả chung
của khả năng tương giao giữa họ với môi trường sống.
Trước khi bàn đến những hệ quả thích nghi một cách đầy đủ hơn, có hai điểm
quan trọng cần nhớ.
Thứ nhất, stress không nhất thiết phải có một tác động tiêu cực. Stress còn có thể
được xem như một như một động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển tinh thần
hăng say và các năng lực thuần thục. Điều này được ẩn chứa trong những ý niệm
về sự thử thách (challenge), đối tượng ủy thác (commitment) và sự hỗ trợ xã
hội (social support). Những người được bảo vệ tránh stress quá mức có lẽ có nguy
cơ cao bởi vì họ không thể phát triển được những kỹ năng ứng phó cần thiết trong
đời sống hằng ngày (Murphy, 1979). “Thiếu stress” vì thế cũng có thể gây ảnh
hưởng tiêu cực (Frankenhaeuser, 1978). Stress có thể dẫn đến những hệ quả tích
cực. Giải quyết thành công những đe dọa và thách thức sẽ đưa đến những cảm xúc
tích cực, tạo nên những cảm giác về tính hữu dụng của bản thân và sức khỏe thể
chất. Thứ hai, các hệ quả thích nghi là kết quả của một số yếu tố đi kèm theo tình
trạng stress. Sẽ là sai lầm khi thay thế lý thuyết về mầm mống sinh-y học gây ra
bệnh tật bằng quan niệm cho rằng stress làyếu tố duy nhất và quan trọng nhất giúp
thích nghi về thể chất và tâm lý - xã hội. Để xử lý stress, mà chỉ tạo nên một lý
thuyết về mầm mống tâm lý - xã hội, thì cũng sẽ không hoàn hảo giống như chỉ
dựa vào một lý thuyết về sinh-y học vậy. Chúng ta sẽ xem xét những phương thức
mà stress có thể ảnh hưởng đến sự thích nghi về sinh lý.
Sự thích nghi về sinh lý
Từ stress đến bệnh
Sự khuấy động sinh lý đi kèm theo stress là một đáp ứng thích nghi, ngắn hạn đối
với những kích thích đe dọa hoặc có hại về thể chất. Sự khuấy động sinh lý thúc
đẩy đương sự thực hiện những hành động mạnh mẽ để tránh né, trốn thoát, hoặc
khắc phục mối đe dọa thể chất ấy. Do những phát triển về văn hóa xã hội trong
hàng trăm năm qua, chúng ta đã tương đối ít đương đầu với những mối đe dọa về
thể chất. Ngày nay, phần lớn các tác nhân gây stress đều có bản chất tâm lý-xã hội,
và vì thế không còn tuân theo các giải pháp “chống hoặc chạy” nữa, tuy nhiên sự
hoạt hóa sinh lý (physiological mobilization) vẫn xảy ra. Khi đối đầu với một mối
đe dọa về thể chất, sự hoạt hóa này tương đối ngắn. Chúng ta hoặc sẽ giải quyết
thành công mối đe dọa này hoặc là sẽ bị giết chết. Nhưng đối với những tác nhân
gây stress về tâm lý-xã hội, sự hoạt hóa sẽ xảy ra thường xuyên và trong một thời
gian dài. Cái cơ chế thích nghi về sinh học-hành vi khi ứng phó với những đe dọa
về thể chất dường như ít có tính thích nghi khi giải quyết các đe dọa về tâm lý-xã
hội.
Khi tần số, cường độ và thời gian xảy ra sự hoạt hóa sinh lý đi kèm theo stress trở
nên quá mức, nó có thể gây nên những tác dụng tai hại
(Depue, Monroe, Shachman, 1979). Tần số, cường độ và thời gian diễn ra sự hoạt
hóa tùy thuộc vào sự nhận định của đương sự về môi trường sống và những kỹ
năng ứng phó của họ. Sự hoạt hóa quá mức có thể xảy ra khi đương sự nhận định
sai lầm một sự kiện vô hại thành một sự kiện thật sự đe dọa hoặc có hại, và khi họ
không có đủ những kỹ năng và tiềm năng ứng phó hiệu quả với các tác nhân gây
stress.
Nghiên cứu về tương quan, dịch tễ (Cohen, 1979) và thực nghiệm (Miller, 1980)
thấy rằng có một mối liên quan rõ rệt, tuy vừa phải, giữa tần số, cường độ và có lẽ
cả thời gian xảy ra stress với sức khỏe. Stress không phải là yếu tố duy nhất quyết
định tình trạng sức khỏe. Tương tác của nó với những hành vi liên quan sức khỏe
và với các yếu tố môi trường và sinh học sẽ được bàn đến trong những chương
khác.
Từ bệnh đến stress
Stress không chỉ góp phần tạo nên bệnh, mà bệnh và việc điều trị bệnh cũng có
thể gây stress. Liên quan này có tính hai chiều. Bệnh và việc trị bệnh cũng khiến
đương sự nhận biết mối đe dọa về thể chất, cũng như về tâm lý-xã hội của họ.
Bệnh và việc trị bệnh cũng thể hiện những công việc thích nghi trên nhiều bình
diện. Stress gây nên do bệnh và việc trị bệnh có thể ảnh hưởng trên diễn tiến và
tiên lượng bệnh, và làm cho khả năng lành bệnh thêm phức tạp. Chất lượng của
những kỹ thuật chăm sóc sức khỏe hiện có đối với bệnh nhân đóng vai trò quan
trọng trong việc phục hồi về mặt sinh lý. Tuy nhiên, bệnh và việc trị bệnh thường
có tính gây stress và cần đến sự ứng phó định hướng vấn đề và định hướng cảm
xúc. Nếu một người bệnh thiếu những kỹ năng ứng phó, thì bệnh và việc trị bệnh
có thể sẽ gây nên sự khuấy động sinh lý thường xuyên, nặng nề và kéo dài, mà
điều này có thể can thiệp vào khả năng lành bệnh. Quan hệ thầy thuốc và bệnh
nhân cũng ảnh hưởng đến sự lành bệnh vì nó đóng vai trò quan trọng trong khả
năng của người bệnh ứng phó với stress do bệnh và việc trị bệnh gây ra. Nghiên
cứu về tương quan và thực nghiệm cho thấy bệnh nhân được cung cấp thông tin
chính xác và cung cấp những chiến lược ứng phó hiệu quả sẽ thích nghi tốt hơn về
cảm xúc, hành vi, xã hội và sinh lý (Turk, Meichenbaum, Genest, 1983). Ví dụ,
những nghiên cứu về hiệu quả của những trường hợp sinh con được chuẩn bị tốt
cho thấy việc cung cấp thông tin, khả năng kiểm soát, tiên đoán và các chiến lược
ứng phó cho những bà mẹ tương lai sẽ giúp làm giảm đau, giảm sử dụng các
phương pháp vô cảm, tăng sự hợp tác của thai phụ khi lâm bồn, giảm mất máu,
giảm các can thiệp sản khoa và giảm thời gian chuyển dạ. Sự huấn luyện như vậy
cũng có lợi cho trẻ sơ sinh do tăng cung cấp oxy trong máu thai, chỉ số Apgar cao
hơn, giảm bệnh tật và tử vong (Genest, 1981).
Các mối liên hệ khác giữa stress và bệnh tật
Các đáp ứng dùng để ứng phó với stress cũng có thể được đánh giá dựa trên kết
quả của chúng nhằm làm tổn hại hay tăng cường cho sức khỏe. Các hình thức ứng
phó với stress thường gặp, như hút thuốc và uống rượu, đưa những chất gây bệnh
vào trong cơ thể. Các hình thức khác như thư giãn và tập thể dục lại có tác dụng
có lợi.
Nếu stress thường xuyên, nặng nề, mạn tính góp phần gây bệnh, liệu những sự
kiện và cảm xúc tích cực thường xuyên có thể tăng cường sức khỏe hoặc tạo nên
hiệu quả lành bệnh được không? Trong khi có một số bằng chứng lẻ tẻ cho rằng
chuyện này có thể đúng, nhưng việc kết luận thì vẫn còn thiếu nhiều dữ liệu.
TÓM TẮT
Từ mô hình hệ thống, những rối loạn trên một bình diện của hệ thống có thể ảnh
hưởng đến những bình diện khác. Mối liên quan giữa stress và sức khỏe cho thấy
một hiệu quả như thế. Stress không chỉ gợi lên những ứng phó về cảm xúc và hành
vi, mà còn dẫn đến những biến đổi sinh lý. Khi có một sự mất cân bằng liên tục
giữa những đòi hỏi đặt ra cho đương sự và khả năng ứng phó của đương sự, các
tác động tiêu cực về sinh lý có thể xảy ra.
Stress không nhất thiết là tiêu cực và chắc chắn không phải là yếu tố quyết định
sức khỏe duy nhất (hoặc quan trọng nhất). Stress không thể tránh được. Nó là sản
phẩm của mối tương giao giữa một cá thể với môi trường sống. Nó là phần tàng
ẩn trong một hệ thống mở. Stress thậm chí còn có tính khích lệ và tạo nên sự tăng
trưởng. Tuy nhiên, khi stress vượt quá tiềm năng ứng phó của chúng ta, nó có thể
gây ra những tác động tai hại.
Sức khỏe của con người được xác định một cách phức tạp. Nó bị ảnh hưởng thông
qua các cơ chế tâm sinh lý gián tiếp mà ta gọi là STRESS. Nó cũng chịu ảnh
hưởng bởi các hành vi giúp tăng cường sức khỏe hoặc gây tác hại cho sức khỏe,
bởi các hành động và quyết định nhằm đáp ứng với bệnh tật và việc điều trị bệnh.
Các thông số tâm lý vì thế cũng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe.
Stress

Weitere ähnliche Inhalte

Was ist angesagt?

Một số kỹ năng tham vấn cơ bản của cán bộ tham vấn tâm lý qua điện thoại tại ...
Một số kỹ năng tham vấn cơ bản của cán bộ tham vấn tâm lý qua điện thoại tại ...Một số kỹ năng tham vấn cơ bản của cán bộ tham vấn tâm lý qua điện thoại tại ...
Một số kỹ năng tham vấn cơ bản của cán bộ tham vấn tâm lý qua điện thoại tại ...nataliej4
 
Đề tài: Tác động của mạng xã hội Facebook đối với học sinh trung học cơ sở
Đề tài: Tác động của mạng xã hội Facebook đối với học sinh trung học cơ sởĐề tài: Tác động của mạng xã hội Facebook đối với học sinh trung học cơ sở
Đề tài: Tác động của mạng xã hội Facebook đối với học sinh trung học cơ sởViết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI nataliej4
 
Giáo Trình Phương Pháp Nghiên Cứu Tâm Lý Học
Giáo Trình Phương Pháp Nghiên Cứu Tâm Lý Học Giáo Trình Phương Pháp Nghiên Cứu Tâm Lý Học
Giáo Trình Phương Pháp Nghiên Cứu Tâm Lý Học nataliej4
 
Công tác xã hội với phòng chống bạo lực gia đình
Công tác xã hội với phòng chống bạo lực gia đìnhCông tác xã hội với phòng chống bạo lực gia đình
Công tác xã hội với phòng chống bạo lực gia đìnhTrường Bảo
 
Thuyết phân tâm học trong tham vấn tâm lý
Thuyết phân tâm học trong tham vấn tâm lýThuyết phân tâm học trong tham vấn tâm lý
Thuyết phân tâm học trong tham vấn tâm lýLenam711.tk@gmail.com
 
Thực trạng stress và một số yếu tố liên quan ở học sinh trường trung học phổ ...
Thực trạng stress và một số yếu tố liên quan ở học sinh trường trung học phổ ...Thực trạng stress và một số yếu tố liên quan ở học sinh trường trung học phổ ...
Thực trạng stress và một số yếu tố liên quan ở học sinh trường trung học phổ ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe cộng đồngCông tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe cộng đồngTrường Bảo
 
Vận dụng mô hình phân tích swot khi lập kế hoạch chuyên môn nhằm nâng cao chấ...
Vận dụng mô hình phân tích swot khi lập kế hoạch chuyên môn nhằm nâng cao chấ...Vận dụng mô hình phân tích swot khi lập kế hoạch chuyên môn nhằm nâng cao chấ...
Vận dụng mô hình phân tích swot khi lập kế hoạch chuyên môn nhằm nâng cao chấ...nataliej4
 
Khoa học quản lí giáo dục
Khoa học quản lí giáo dụcKhoa học quản lí giáo dục
Khoa học quản lí giáo dụcnataliej4
 
Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em - Bài trình bày
Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em - Bài trình bàyPhòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em - Bài trình bày
Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em - Bài trình bàyphongnq
 
Luận văn: Nhiệm vụ công tác xã hội trong việc hỗ trợ người bệnh ung thư tại B...
Luận văn: Nhiệm vụ công tác xã hội trong việc hỗ trợ người bệnh ung thư tại B...Luận văn: Nhiệm vụ công tác xã hội trong việc hỗ trợ người bệnh ung thư tại B...
Luận văn: Nhiệm vụ công tác xã hội trong việc hỗ trợ người bệnh ung thư tại B...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852
Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852
Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852KimBumt1
 

Was ist angesagt? (20)

Một số kỹ năng tham vấn cơ bản của cán bộ tham vấn tâm lý qua điện thoại tại ...
Một số kỹ năng tham vấn cơ bản của cán bộ tham vấn tâm lý qua điện thoại tại ...Một số kỹ năng tham vấn cơ bản của cán bộ tham vấn tâm lý qua điện thoại tại ...
Một số kỹ năng tham vấn cơ bản của cán bộ tham vấn tâm lý qua điện thoại tại ...
 
Luận Văn Thạc Sĩ Tâm Lý Học Mức Độ Stress Của Sinh Viên
Luận Văn Thạc Sĩ Tâm Lý Học Mức Độ Stress Của Sinh ViênLuận Văn Thạc Sĩ Tâm Lý Học Mức Độ Stress Của Sinh Viên
Luận Văn Thạc Sĩ Tâm Lý Học Mức Độ Stress Của Sinh Viên
 
Đề tài: Tác động của mạng xã hội Facebook đối với học sinh trung học cơ sở
Đề tài: Tác động của mạng xã hội Facebook đối với học sinh trung học cơ sởĐề tài: Tác động của mạng xã hội Facebook đối với học sinh trung học cơ sở
Đề tài: Tác động của mạng xã hội Facebook đối với học sinh trung học cơ sở
 
Đề Tài: Nhu cầu tham vấn tâm lý Học đường của Học Sinh, 9đ, HAY
Đề Tài: Nhu cầu tham vấn tâm lý Học đường của Học Sinh, 9đ, HAYĐề Tài: Nhu cầu tham vấn tâm lý Học đường của Học Sinh, 9đ, HAY
Đề Tài: Nhu cầu tham vấn tâm lý Học đường của Học Sinh, 9đ, HAY
 
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
 
Giáo Trình Phương Pháp Nghiên Cứu Tâm Lý Học
Giáo Trình Phương Pháp Nghiên Cứu Tâm Lý Học Giáo Trình Phương Pháp Nghiên Cứu Tâm Lý Học
Giáo Trình Phương Pháp Nghiên Cứu Tâm Lý Học
 
Công tác xã hội với phòng chống bạo lực gia đình
Công tác xã hội với phòng chống bạo lực gia đìnhCông tác xã hội với phòng chống bạo lực gia đình
Công tác xã hội với phòng chống bạo lực gia đình
 
Thuyết phân tâm học trong tham vấn tâm lý
Thuyết phân tâm học trong tham vấn tâm lýThuyết phân tâm học trong tham vấn tâm lý
Thuyết phân tâm học trong tham vấn tâm lý
 
Đề tài: Giáo dục hoà nhập cho trẻ tự kỉ lứa tuổi mầm non, HOT
Đề tài: Giáo dục hoà nhập cho trẻ tự kỉ lứa tuổi mầm non, HOTĐề tài: Giáo dục hoà nhập cho trẻ tự kỉ lứa tuổi mầm non, HOT
Đề tài: Giáo dục hoà nhập cho trẻ tự kỉ lứa tuổi mầm non, HOT
 
200 đề tài khóa luận tốt nghiệp ngành tâm lý học
200 đề tài khóa luận tốt nghiệp ngành tâm lý học200 đề tài khóa luận tốt nghiệp ngành tâm lý học
200 đề tài khóa luận tốt nghiệp ngành tâm lý học
 
Thực trạng stress và một số yếu tố liên quan ở học sinh trường trung học phổ ...
Thực trạng stress và một số yếu tố liên quan ở học sinh trường trung học phổ ...Thực trạng stress và một số yếu tố liên quan ở học sinh trường trung học phổ ...
Thực trạng stress và một số yếu tố liên quan ở học sinh trường trung học phổ ...
 
Công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe cộng đồngCông tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng
 
Vận dụng mô hình phân tích swot khi lập kế hoạch chuyên môn nhằm nâng cao chấ...
Vận dụng mô hình phân tích swot khi lập kế hoạch chuyên môn nhằm nâng cao chấ...Vận dụng mô hình phân tích swot khi lập kế hoạch chuyên môn nhằm nâng cao chấ...
Vận dụng mô hình phân tích swot khi lập kế hoạch chuyên môn nhằm nâng cao chấ...
 
Luận văn: Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với trẻ em mồ côi, HAY
Luận văn: Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với trẻ em mồ côi, HAYLuận văn: Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với trẻ em mồ côi, HAY
Luận văn: Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với trẻ em mồ côi, HAY
 
Luận văn: Nhận thức và thái độ về các mạng xã hội của học sinh
Luận văn: Nhận thức và thái độ về các mạng xã hội của học sinhLuận văn: Nhận thức và thái độ về các mạng xã hội của học sinh
Luận văn: Nhận thức và thái độ về các mạng xã hội của học sinh
 
Khoa học quản lí giáo dục
Khoa học quản lí giáo dụcKhoa học quản lí giáo dục
Khoa học quản lí giáo dục
 
Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em - Bài trình bày
Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em - Bài trình bàyPhòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em - Bài trình bày
Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em - Bài trình bày
 
Luận văn: Nhiệm vụ công tác xã hội trong việc hỗ trợ người bệnh ung thư tại B...
Luận văn: Nhiệm vụ công tác xã hội trong việc hỗ trợ người bệnh ung thư tại B...Luận văn: Nhiệm vụ công tác xã hội trong việc hỗ trợ người bệnh ung thư tại B...
Luận văn: Nhiệm vụ công tác xã hội trong việc hỗ trợ người bệnh ung thư tại B...
 
BÀI MẪU Khóa luận ngành công tác xã hội, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU Khóa luận ngành công tác xã hội, HAY, 9 ĐIỂMBÀI MẪU Khóa luận ngành công tác xã hội, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU Khóa luận ngành công tác xã hội, HAY, 9 ĐIỂM
 
Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852
Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852
Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852
 

Andere mochten auch

Liệu pháp nghệ thuật diễn đạt thân chủ trọng tâm
Liệu pháp nghệ thuật diễn đạt thân chủ trọng tâmLiệu pháp nghệ thuật diễn đạt thân chủ trọng tâm
Liệu pháp nghệ thuật diễn đạt thân chủ trọng tâmCâu Lạc Bộ Trăng Non
 
Làm việc với trẻ em trong liệu pháp gia đình
Làm việc với trẻ em trong liệu pháp gia đìnhLàm việc với trẻ em trong liệu pháp gia đình
Làm việc với trẻ em trong liệu pháp gia đìnhCâu Lạc Bộ Trăng Non
 
Những nghi thức của chứng chán ăn tâm căn
Những nghi thức của chứng chán ăn tâm cănNhững nghi thức của chứng chán ăn tâm căn
Những nghi thức của chứng chán ăn tâm cănCâu Lạc Bộ Trăng Non
 
Một số giả thuyết về sự ngập ngừng và các biểu hiện không lời trong thực hành...
Một số giả thuyết về sự ngập ngừng và các biểu hiện không lời trong thực hành...Một số giả thuyết về sự ngập ngừng và các biểu hiện không lời trong thực hành...
Một số giả thuyết về sự ngập ngừng và các biểu hiện không lời trong thực hành...Câu Lạc Bộ Trăng Non
 
Ap dung lieu phap choi va lieu phap nghe thuat trong viec ho tro tam ly tre e...
Ap dung lieu phap choi va lieu phap nghe thuat trong viec ho tro tam ly tre e...Ap dung lieu phap choi va lieu phap nghe thuat trong viec ho tro tam ly tre e...
Ap dung lieu phap choi va lieu phap nghe thuat trong viec ho tro tam ly tre e...Câu Lạc Bộ Trăng Non
 
Tài liệu tham khảo về liệu pháp hệ thống - Trăng non 2016
Tài liệu tham khảo về liệu pháp hệ thống  - Trăng non 2016Tài liệu tham khảo về liệu pháp hệ thống  - Trăng non 2016
Tài liệu tham khảo về liệu pháp hệ thống - Trăng non 2016Câu Lạc Bộ Trăng Non
 
Nghiên cứu theo dõi 11 ca tự kỷ đầu tiên
Nghiên cứu theo dõi 11 ca tự kỷ đầu tiênNghiên cứu theo dõi 11 ca tự kỷ đầu tiên
Nghiên cứu theo dõi 11 ca tự kỷ đầu tiênCâu Lạc Bộ Trăng Non
 
Lý thuyết của bản thân về hành vi con người
Lý thuyết của bản thân về hành vi con ngườiLý thuyết của bản thân về hành vi con người
Lý thuyết của bản thân về hành vi con ngườiCâu Lạc Bộ Trăng Non
 
Cái ngã của nhà trị liệu và cuộc đối thoại bên trong
Cái ngã của nhà trị liệu và cuộc đối thoại bên trongCái ngã của nhà trị liệu và cuộc đối thoại bên trong
Cái ngã của nhà trị liệu và cuộc đối thoại bên trongCâu Lạc Bộ Trăng Non
 
GIÁO TRÌNH ĐẠI CƯƠNG TÂM LÝ TRỊ LIỆU
GIÁO TRÌNH ĐẠI CƯƠNG TÂM LÝ TRỊ LIỆUGIÁO TRÌNH ĐẠI CƯƠNG TÂM LÝ TRỊ LIỆU
GIÁO TRÌNH ĐẠI CƯƠNG TÂM LÝ TRỊ LIỆUCâu Lạc Bộ Trăng Non
 
Vì sao tâm lý trị liệu cần đến nhãn quan hậu hiện đại
Vì sao tâm lý trị liệu cần đến nhãn quan hậu hiện đạiVì sao tâm lý trị liệu cần đến nhãn quan hậu hiện đại
Vì sao tâm lý trị liệu cần đến nhãn quan hậu hiện đạiCâu Lạc Bộ Trăng Non
 

Andere mochten auch (20)

Liệu pháp nghệ thuật diễn đạt thân chủ trọng tâm
Liệu pháp nghệ thuật diễn đạt thân chủ trọng tâmLiệu pháp nghệ thuật diễn đạt thân chủ trọng tâm
Liệu pháp nghệ thuật diễn đạt thân chủ trọng tâm
 
Làm việc với trẻ em trong liệu pháp gia đình
Làm việc với trẻ em trong liệu pháp gia đìnhLàm việc với trẻ em trong liệu pháp gia đình
Làm việc với trẻ em trong liệu pháp gia đình
 
Giáo trình-tltl
Giáo trình-tltlGiáo trình-tltl
Giáo trình-tltl
 
Những nghi thức của chứng chán ăn tâm căn
Những nghi thức của chứng chán ăn tâm cănNhững nghi thức của chứng chán ăn tâm căn
Những nghi thức của chứng chán ăn tâm căn
 
Liệu pháp khay cát
Liệu pháp khay cátLiệu pháp khay cát
Liệu pháp khay cát
 
Mỗi cõi lòng một cảnh đời
Mỗi cõi lòng   một cảnh đờiMỗi cõi lòng   một cảnh đời
Mỗi cõi lòng một cảnh đời
 
Một số giả thuyết về sự ngập ngừng và các biểu hiện không lời trong thực hành...
Một số giả thuyết về sự ngập ngừng và các biểu hiện không lời trong thực hành...Một số giả thuyết về sự ngập ngừng và các biểu hiện không lời trong thực hành...
Một số giả thuyết về sự ngập ngừng và các biểu hiện không lời trong thực hành...
 
Ap dung lieu phap choi va lieu phap nghe thuat trong viec ho tro tam ly tre e...
Ap dung lieu phap choi va lieu phap nghe thuat trong viec ho tro tam ly tre e...Ap dung lieu phap choi va lieu phap nghe thuat trong viec ho tro tam ly tre e...
Ap dung lieu phap choi va lieu phap nghe thuat trong viec ho tro tam ly tre e...
 
Albert Ellis
Albert EllisAlbert Ellis
Albert Ellis
 
Bí mật gia đình
Bí mật gia đìnhBí mật gia đình
Bí mật gia đình
 
Tài liệu tham khảo về liệu pháp hệ thống - Trăng non 2016
Tài liệu tham khảo về liệu pháp hệ thống  - Trăng non 2016Tài liệu tham khảo về liệu pháp hệ thống  - Trăng non 2016
Tài liệu tham khảo về liệu pháp hệ thống - Trăng non 2016
 
Nghiên cứu theo dõi 11 ca tự kỷ đầu tiên
Nghiên cứu theo dõi 11 ca tự kỷ đầu tiênNghiên cứu theo dõi 11 ca tự kỷ đầu tiên
Nghiên cứu theo dõi 11 ca tự kỷ đầu tiên
 
Lý thuyết của bản thân về hành vi con người
Lý thuyết của bản thân về hành vi con ngườiLý thuyết của bản thân về hành vi con người
Lý thuyết của bản thân về hành vi con người
 
Cái ngã của nhà trị liệu và cuộc đối thoại bên trong
Cái ngã của nhà trị liệu và cuộc đối thoại bên trongCái ngã của nhà trị liệu và cuộc đối thoại bên trong
Cái ngã của nhà trị liệu và cuộc đối thoại bên trong
 
Ẩn dụ & Biểu tượng
Ẩn dụ & Biểu tượngẨn dụ & Biểu tượng
Ẩn dụ & Biểu tượng
 
Tiếp cận dựa trên bối cảnh
Tiếp cận dựa trên bối cảnhTiếp cận dựa trên bối cảnh
Tiếp cận dựa trên bối cảnh
 
Chi hội Trăng Non
Chi hội Trăng NonChi hội Trăng Non
Chi hội Trăng Non
 
GIÁO TRÌNH ĐẠI CƯƠNG TÂM LÝ TRỊ LIỆU
GIÁO TRÌNH ĐẠI CƯƠNG TÂM LÝ TRỊ LIỆUGIÁO TRÌNH ĐẠI CƯƠNG TÂM LÝ TRỊ LIỆU
GIÁO TRÌNH ĐẠI CƯƠNG TÂM LÝ TRỊ LIỆU
 
Vì sao tâm lý trị liệu cần đến nhãn quan hậu hiện đại
Vì sao tâm lý trị liệu cần đến nhãn quan hậu hiện đạiVì sao tâm lý trị liệu cần đến nhãn quan hậu hiện đại
Vì sao tâm lý trị liệu cần đến nhãn quan hậu hiện đại
 
Quản trị Stress - Nhóm 4
Quản trị Stress - Nhóm 4Quản trị Stress - Nhóm 4
Quản trị Stress - Nhóm 4
 

Ähnlich wie Stress

Stress&Coping
Stress&CopingStress&Coping
Stress&Copingforeman
 
Bg tlyh 6 stress va benh tat 2012
Bg tlyh 6 stress va benh tat  2012Bg tlyh 6 stress va benh tat  2012
Bg tlyh 6 stress va benh tat 2012Khai Nguyen
 
Bg tlyh 6 stress va benh tat 2012
Bg tlyh 6 stress va benh tat  2012Bg tlyh 6 stress va benh tat  2012
Bg tlyh 6 stress va benh tat 2012Khai Nguyen
 
SLIDE thuyết trình về Stress.pptx
SLIDE thuyết trình về Stress.pptxSLIDE thuyết trình về Stress.pptx
SLIDE thuyết trình về Stress.pptxNguynThMNhi
 
Bai 01 new
Bai 01 newBai 01 new
Bai 01 newdowsing
 
Đại Cương Kinh Lạc Và Huyệt Vị.pdf
Đại Cương Kinh Lạc Và Huyệt Vị.pdfĐại Cương Kinh Lạc Và Huyệt Vị.pdf
Đại Cương Kinh Lạc Và Huyệt Vị.pdfjackjohn45
 
Quan ly stress
Quan ly stressQuan ly stress
Quan ly stressforeman
 
BÀI GIẢNG ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH
BÀI GIẢNG ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNHBÀI GIẢNG ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH
BÀI GIẢNG ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNHSoM
 
Dịch cân kinh - Biến người yếu thành người khoẽ
Dịch cân kinh - Biến người yếu thành người khoẽDịch cân kinh - Biến người yếu thành người khoẽ
Dịch cân kinh - Biến người yếu thành người khoẽphamhphuc
 
Sinh lý học
Sinh lý họcSinh lý học
Sinh lý họcTS DUOC
 
Tài liệu Sinh lý học
Tài liệu Sinh lý họcTài liệu Sinh lý học
Tài liệu Sinh lý họcĐiều Dưỡng
 
Bài soạn tlhtk
Bài soạn tlhtkBài soạn tlhtk
Bài soạn tlhtktamlyvb2k02
 
ĐIỀU TRỊ ĐỘNG KINH
ĐIỀU TRỊ ĐỘNG KINHĐIỀU TRỊ ĐỘNG KINH
ĐIỀU TRỊ ĐỘNG KINHSoM
 
Ung dung dia sinh hoc va mat day chuyen
Ung dung dia sinh hoc va mat day chuyenUng dung dia sinh hoc va mat day chuyen
Ung dung dia sinh hoc va mat day chuyenEnglishOnline.edu.vn
 
Những khái niệm cơ bản trong sinh lý bệnh
Những khái niệm cơ bản trong sinh lý bệnhNhững khái niệm cơ bản trong sinh lý bệnh
Những khái niệm cơ bản trong sinh lý bệnhmtasunpat
 
Liệu pháp hành vi và ứng dụng của liệu pháp hợp lý trong trợ giúp người có kh...
Liệu pháp hành vi và ứng dụng của liệu pháp hợp lý trong trợ giúp người có kh...Liệu pháp hành vi và ứng dụng của liệu pháp hợp lý trong trợ giúp người có kh...
Liệu pháp hành vi và ứng dụng của liệu pháp hợp lý trong trợ giúp người có kh...Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 

Ähnlich wie Stress (20)

Stress&Coping
Stress&CopingStress&Coping
Stress&Coping
 
Cơ sở lý luận về nghiên cứu mức độ stress của sinh viên.docx
Cơ sở lý luận về nghiên cứu mức độ stress của sinh viên.docxCơ sở lý luận về nghiên cứu mức độ stress của sinh viên.docx
Cơ sở lý luận về nghiên cứu mức độ stress của sinh viên.docx
 
Bg tlyh 6 stress va benh tat 2012
Bg tlyh 6 stress va benh tat  2012Bg tlyh 6 stress va benh tat  2012
Bg tlyh 6 stress va benh tat 2012
 
Bg tlyh 6 stress va benh tat 2012
Bg tlyh 6 stress va benh tat  2012Bg tlyh 6 stress va benh tat  2012
Bg tlyh 6 stress va benh tat 2012
 
SLIDE thuyết trình về Stress.pptx
SLIDE thuyết trình về Stress.pptxSLIDE thuyết trình về Stress.pptx
SLIDE thuyết trình về Stress.pptx
 
Bai 01 new
Bai 01 newBai 01 new
Bai 01 new
 
Đại Cương Kinh Lạc Và Huyệt Vị.pdf
Đại Cương Kinh Lạc Và Huyệt Vị.pdfĐại Cương Kinh Lạc Và Huyệt Vị.pdf
Đại Cương Kinh Lạc Và Huyệt Vị.pdf
 
Quan ly stress
Quan ly stressQuan ly stress
Quan ly stress
 
BÀI GIẢNG ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH
BÀI GIẢNG ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNHBÀI GIẢNG ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH
BÀI GIẢNG ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH
 
Model
ModelModel
Model
 
Dịch cân kinh - Biến người yếu thành người khoẽ
Dịch cân kinh - Biến người yếu thành người khoẽDịch cân kinh - Biến người yếu thành người khoẽ
Dịch cân kinh - Biến người yếu thành người khoẽ
 
Sinh lý học
Sinh lý họcSinh lý học
Sinh lý học
 
Tài liệu Sinh lý học
Tài liệu Sinh lý họcTài liệu Sinh lý học
Tài liệu Sinh lý học
 
Bài soạn tlhtk
Bài soạn tlhtkBài soạn tlhtk
Bài soạn tlhtk
 
Suc khoe van va tho
Suc khoe van va thoSuc khoe van va tho
Suc khoe van va tho
 
ĐIỀU TRỊ ĐỘNG KINH
ĐIỀU TRỊ ĐỘNG KINHĐIỀU TRỊ ĐỘNG KINH
ĐIỀU TRỊ ĐỘNG KINH
 
Ung dung dia sinh hoc va mat day chuyen
Ung dung dia sinh hoc va mat day chuyenUng dung dia sinh hoc va mat day chuyen
Ung dung dia sinh hoc va mat day chuyen
 
Hatha yoga
Hatha yogaHatha yoga
Hatha yoga
 
Những khái niệm cơ bản trong sinh lý bệnh
Những khái niệm cơ bản trong sinh lý bệnhNhững khái niệm cơ bản trong sinh lý bệnh
Những khái niệm cơ bản trong sinh lý bệnh
 
Liệu pháp hành vi và ứng dụng của liệu pháp hợp lý trong trợ giúp người có kh...
Liệu pháp hành vi và ứng dụng của liệu pháp hợp lý trong trợ giúp người có kh...Liệu pháp hành vi và ứng dụng của liệu pháp hợp lý trong trợ giúp người có kh...
Liệu pháp hành vi và ứng dụng của liệu pháp hợp lý trong trợ giúp người có kh...
 

Mehr von Câu Lạc Bộ Trăng Non

Eric Berne & Học thuyết Phân tích Tương giao
Eric Berne & Học thuyết Phân tích Tương giaoEric Berne & Học thuyết Phân tích Tương giao
Eric Berne & Học thuyết Phân tích Tương giaoCâu Lạc Bộ Trăng Non
 
Tâm lý trị liệu là gì? Đi tìm một định nghĩa
Tâm lý trị liệu là gì? Đi tìm một định nghĩaTâm lý trị liệu là gì? Đi tìm một định nghĩa
Tâm lý trị liệu là gì? Đi tìm một định nghĩaCâu Lạc Bộ Trăng Non
 
Quan điểm đa chiều về nghiện game online
Quan điểm đa chiều về nghiện game onlineQuan điểm đa chiều về nghiện game online
Quan điểm đa chiều về nghiện game onlineCâu Lạc Bộ Trăng Non
 
TRẺ HỌC NÓI NHƯ THẾ NÀO TRONG BA NĂM ĐẦU ĐỜI
TRẺ HỌC NÓI NHƯ THẾ NÀO TRONG BA NĂM ĐẦU ĐỜITRẺ HỌC NÓI NHƯ THẾ NÀO TRONG BA NĂM ĐẦU ĐỜI
TRẺ HỌC NÓI NHƯ THẾ NÀO TRONG BA NĂM ĐẦU ĐỜICâu Lạc Bộ Trăng Non
 
MỘT SỐ VẤN ĐỀ TÂM LÝ THƯỜNG GẶP Ở TUỔI VỊ THÀNH NIÊN
MỘT SỐ VẤN ĐỀ TÂM LÝ THƯỜNG GẶP Ở TUỔI VỊ THÀNH NIÊNMỘT SỐ VẤN ĐỀ TÂM LÝ THƯỜNG GẶP Ở TUỔI VỊ THÀNH NIÊN
MỘT SỐ VẤN ĐỀ TÂM LÝ THƯỜNG GẶP Ở TUỔI VỊ THÀNH NIÊNCâu Lạc Bộ Trăng Non
 
Đại cương Tâm lý Trị liệu - Một số học thuyết cơ bản
Đại cương Tâm lý Trị liệu - Một số học thuyết cơ bảnĐại cương Tâm lý Trị liệu - Một số học thuyết cơ bản
Đại cương Tâm lý Trị liệu - Một số học thuyết cơ bảnCâu Lạc Bộ Trăng Non
 
Đại cương Tâm lý Trị liệu Gia đình theo Quan điểm hệ thống
Đại cương Tâm lý Trị liệu Gia đình theo Quan điểm hệ thốngĐại cương Tâm lý Trị liệu Gia đình theo Quan điểm hệ thống
Đại cương Tâm lý Trị liệu Gia đình theo Quan điểm hệ thốngCâu Lạc Bộ Trăng Non
 

Mehr von Câu Lạc Bộ Trăng Non (11)

Thiết lập mối liên minh trị liệu
Thiết lập mối liên minh trị liệuThiết lập mối liên minh trị liệu
Thiết lập mối liên minh trị liệu
 
Eric Berne & Học thuyết Phân tích Tương giao
Eric Berne & Học thuyết Phân tích Tương giaoEric Berne & Học thuyết Phân tích Tương giao
Eric Berne & Học thuyết Phân tích Tương giao
 
Meta-Communication
Meta-CommunicationMeta-Communication
Meta-Communication
 
Tâm lý trị liệu là gì? Đi tìm một định nghĩa
Tâm lý trị liệu là gì? Đi tìm một định nghĩaTâm lý trị liệu là gì? Đi tìm một định nghĩa
Tâm lý trị liệu là gì? Đi tìm một định nghĩa
 
Gặp gỡ cuối năm 2015
Gặp gỡ cuối năm 2015Gặp gỡ cuối năm 2015
Gặp gỡ cuối năm 2015
 
Quan điểm đa chiều về nghiện game online
Quan điểm đa chiều về nghiện game onlineQuan điểm đa chiều về nghiện game online
Quan điểm đa chiều về nghiện game online
 
Thay doi hanh vi
Thay doi hanh viThay doi hanh vi
Thay doi hanh vi
 
TRẺ HỌC NÓI NHƯ THẾ NÀO TRONG BA NĂM ĐẦU ĐỜI
TRẺ HỌC NÓI NHƯ THẾ NÀO TRONG BA NĂM ĐẦU ĐỜITRẺ HỌC NÓI NHƯ THẾ NÀO TRONG BA NĂM ĐẦU ĐỜI
TRẺ HỌC NÓI NHƯ THẾ NÀO TRONG BA NĂM ĐẦU ĐỜI
 
MỘT SỐ VẤN ĐỀ TÂM LÝ THƯỜNG GẶP Ở TUỔI VỊ THÀNH NIÊN
MỘT SỐ VẤN ĐỀ TÂM LÝ THƯỜNG GẶP Ở TUỔI VỊ THÀNH NIÊNMỘT SỐ VẤN ĐỀ TÂM LÝ THƯỜNG GẶP Ở TUỔI VỊ THÀNH NIÊN
MỘT SỐ VẤN ĐỀ TÂM LÝ THƯỜNG GẶP Ở TUỔI VỊ THÀNH NIÊN
 
Đại cương Tâm lý Trị liệu - Một số học thuyết cơ bản
Đại cương Tâm lý Trị liệu - Một số học thuyết cơ bảnĐại cương Tâm lý Trị liệu - Một số học thuyết cơ bản
Đại cương Tâm lý Trị liệu - Một số học thuyết cơ bản
 
Đại cương Tâm lý Trị liệu Gia đình theo Quan điểm hệ thống
Đại cương Tâm lý Trị liệu Gia đình theo Quan điểm hệ thốngĐại cương Tâm lý Trị liệu Gia đình theo Quan điểm hệ thống
Đại cương Tâm lý Trị liệu Gia đình theo Quan điểm hệ thống
 

Stress

  • 1. TÀI LIỆU THAM KHẢO CỦA CLB TRĂNG NON TP.HCM STRESS LÀ GÌ? BS. NGUYỄN MINH TIẾN (dịch và tổng hợp) Phần I Không giống như những thói quen về sức khỏe có thể trực tiếp đưa những tác nhân gây biến đổi tình trạng sức khỏe vào trong cơ thể, stress chỉ các thay đổi về tâm sinh lý xảy ra nhằm đáp ứng các với các kích thích được cơ thể nhận biết là đe dọa hoặc có hại. Những điều mà chúng ta nghĩ đến và cách thức mà chúng ta cảm thấy đều có ảnh hưởng đến sức khỏe; tâm trí và thân thể liên hệ với nhau một cách mật thiết. Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét khái niệm về stress và những tác động của nó đối với sức khỏe và bệnh tật. ĐỊNH NGHĨA STRESS Stress là một khái niệm khó nắm bắt. Nó đã được định nghĩa theo nhiều cách: như một tác nhân môi trường, một đáp ứng sinh lý, và như một quá trình nhận thức hành vi. Các định nghĩa này đều tập trung vào một bình diện cơ cấu (organizational level) nào đó và loại bỏ một cách tương đối những bình diện khác; và điều này đã dẫn đến nhiều sự nhầm lẫn. Mỗi một định nghĩa đơn bình diện (single-level) này sẽ được xem xét một cách vắn tắt để đưa những lý thuyết và nghiên cứu liên quan đến stress vào những bối cảnh lịch sử cụ thể. Mỗi một trong số những cách nhìn này đều không đầy đủ. Khái niệm về stress vốn dĩ là một khái niệm đa bình diện (multilevel), nó bao gồm những đáp ứng thuộc về cảm xúc, hành vi và sinh lý của cơ thể thông qua sự tương giao với môi trường. Sau khi những lý thuyết trên từng bình diện được xem xét, một cách nhìn tổng hợp về stress sẽ được trình bày. Stress - Một đáp ứng sinh học Quan niệm về stress liên quan đến sức khỏe thể chất đã bắt nguồn từ các nhà sinh học. Theo cách nhìn sinh học, stress được định nghĩa là một hội chứng đặc hiệu bao gồm tất cả những thay đổi được gây ra một cách không đặc hiệu bên trong hệ thống sinh học (Selye, 1956). Stress là một đáp ứng sinh lý có tính không đặc hiệu, xét về cả nguyên nhân lẫn kết quả. Bất cứ sự kiện nào đòi hỏi sự thích ứng đều làm khởi phát các đáp ứng sinh lý đặc trưng cho stress. Những đáp ứng này cũng có tính không đặc hiệu; các loại sự kiện gây stress khác nhau đều dẫn đến những
  • 2. biến đổi tương tự nhau. Chúng ta hãy xem xét tóm tắt những đáp ứng sinh lý được dùng để định nghĩa stress. Trong khi Selye (1956) lần đầu tiên đưa ra khái niệm về stress, Cannon (1927) là nhà nghiên cứu đầu tiên mô tả một cách khái quát một phản ứng đối với sự đe dọa mà ông gọi là phản ứng “chống hoặc chạy” (fight or flight). Cannon cho rằng khi một sinh vật đương đầu với một sự đe dọa cho sự sống còn của mình, thì các biến đổi sinh lý sẽ xảy ra theo một mô hình đã được “cài đặt” sẵn. Có sự gia tăng nhịp tim, huyết áp và hô hấp. Máu được phân bố đến các bắp cơ lớn và các quá trình tiêu hóa bị ngưng lại. Những thay đổi này nhằm chuẩn bị cho cơ thể sinh vật ấy thực hiện được những hành động mạnh mẽ nhằm đáp ứng với sự đe dọa: hoặc chống trả, hoặc “cao chạy xa bay”. Sự khuấy động ấy là một khả năng hoạt hóa đã được cài đặt sẵn bên trong cơ thể sinh vật, tạo nên cơ may sống còn của nó dưới những điều kiện đe dọa. Tất cả chúng ta đều từng trải qua sự kích hoạt này. Ngay sau khi thoát khỏi một tai nạn gần kề, bạn thấy ngay tim đập thình thịch, cảm giác nôn nao và lòng bàn tay ẩm mồ hôi. Selye (1956) đã quan sát thấy một hệ thống liên quan của các đáp ứng sinh lý chung nhất khi những sinh vật tiếp xúc với các kích thích có hại như bị dồn ép trong đám đông, nhiệt độ lạnh hoặc tiếp xúc các độc tố. Ông gọi các đáp ứng này là Hội chứng thích nghi tổng quát (GAS - general adaptation syndrome). GAS ngụ ý chỉ những hoạt động thần kinh và nội tiết cho phép cơ thể sinh vật chống lại những kích thích sinh lý có hại. GAS được chia làm ba giai đoạn: báo động (alarm), kháng cự (resistance) và kiệt quệ (exhaustion). Trong giai đoạn báo động, có sự bài xuất liên tục các hormone từ tuyến thượng thận, mà điều này được cho là để bảo vệ cơ thể sinh vật chống lại các kích thích có hại. Nếu các kích thích này vẫn không giảm bớt, những hormone tuyến thượng thận sẽ bắt đầu gây ra những tác hại cho hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch. Nếu các yếu tố gây stress tiếp tục đủ lâu, sinh vật sẽ bị chết vì tiềm năng thích ứng của nó sẽ bị kiệt quệ. Trong lúc Selye và Cannon mô tả một cách tỉ mỉ những ảnh hưởng sinh lý của stress, họ đã không nhận ra được tầm quan trọng của những thông số tâm lý và hành vi trong việc xác lập những đáp ứng sinh lý này. Sự xuất hiện các đáp ứng “chống hoặc chạy” và GAS tùy thuộc vào sự nhận biết của đương sự về các kích thích có hại và việc người đó có diễn giải các kích thích này là có tính đe dọa hoặc có hại cho họ hay không. Khi các kích thích có hại xảy đến mà không có sự nhận biết của đương sự, các đáp ứng sinh học sẽ không xảy ra (Mason, 1975b). Ví dụ, những bệnh nhân sắp chết nhưng đang trong tình trạng hôn mê thì không biểu hiện một bằng chứng sinh học nào của stress; trong khi những người sắp chết nhưng
  • 3. còn tỉnh thì lại biểu hiện các phản ứng (Syrington, Currie, Curran, Davidson, 1955). Selye và Cannon sử dụng các kích thích có hại về thể chất làm yếu tố gây stress. Các phản ứng “chống hoặc chạy” và GAS cũng được gây ra từ những kích thích có hại về tâm lý, như chán chường, thi cử, hoặc xem một cuốn phim kinh dị (Frankenhaeuser, 1972, 1978). Sự khuấy động sinh lý xảy ra để đáp ứng với cả những kích thích về tâm lý lẫn thể chất. Trong các thực nghiệm của Selye và Cannon, các sinh vật không được điều kiện hóa để đáp ứng bằng hành vi với các yếu tố gây stress. Trong môi trường tự nhiên, con người lại có thể đáp ứng một cách điển hình với các tác nhân gây stress. Sự xuất hiện phản ứng “chống hoặc chạy” hoặc GAS phụ thuộc vào khả năng tiên đoán và kiểm soát các sự kiện có hại. Một loạt nghiên cứu của Weiss (1968, 1971a, 1971b) đã cho thấy tầm quan trọng của những khả năng tiên đoán và kiểm soát ấy. Trong một nghiên cứu, hai nhóm chuột được cho tiếp xúc với một loạt các cú sốc điện. Các con chuột trong nhóm thứ nhất có thể đạp lên một đòn bẩy để thoát khỏi các cú sốc; những con trong nhóm thứ hai cũng nhận các cú sốc điện như nhóm thứ nhất, nhưng không có khả năng né tránh. Chuột trong nhóm thứ nhất được thấy ít bị loét dạ dày hơn nhóm thứ hai. Trong một thí nghiệm tương tự, những con chuột được nhìn thấy những tín hiệu báo cho biết sốc điện sắp xảy ra, ngay cả khi không có khả năng né tránh bằng hành vi, cũng ít bị loét hơn những con chuột chịu những cú sốc điện tương tự nhưng không được báo trước bằng tín hiệu và không có khả năng né tránh. Do vậy, tiên đoán được một sự kiện có hại xảy ra vào lúc nào thì tốt hơn là khi không có thông tin gì về sự kiện này. Trong thí nghiệm sau cùng, Weiss thấy rằng những con chuột nhận được một tín hiệu mà nhờ đó giúp cho đáp ứng hành vi của chúng có hiệu quả cắt được cú sốc điện cũng sẽ ít bị loét dạ dày hơn những con chuột bị sốc điện nhưng không nhận được tín hiệu báo tin. Để tóm tắt những phát hiện của Weiss, một sự kiện đe dọa sẽ ít gây ra những hậu quả tai hại nếu chúng ta biết được khi nào nó sẽ xảy ra, nếu chúng ta có thể làm được một việc gì đó trước sự kiện ấy, và nếu chúng ta nhận được những phản hồi về hiệu quả của hành động ấy. Tầm quan trọng của khả năng tiên đoán và kiểm soát cũng được thấy trong các đáp ứng của con người đối với những tác nhân gây stress (Rodin, 1980). Quan niệm cho rằng đáp ứng sinh lý với stress là có tính không đặc hiệu (giống nhau trong mọi điều kiện có hại) cũng đã bị thách thức. Các biến đổi sinh lý còn tùy thuộc vào cách thức phản ứng của đương sự về hành vi và cảm xúc. Nhiều mô hình sinh lý khác nhau đã được phát hiện khi người ta đáp ứng với yếu tố gây stress bằng sự sợ hãi hơn là giận dữ (Mason, 1975b), bằng sự cảnh giác hơn là hành động (Obrist, 1976), bằng phương thức ganh đua, thù địch hơn là bằng phương thức ôn hòa (Dembroski, 1981). Cách thức mà chúng ta diễn giải hoặc đối
  • 4. phó với những tình huống đe dọa sẽ ảnh hưởng đến mô hình khuấy động sinh lý liên quan đến tình huống đó. Cách nhìn về stress dựa trên các đáp ứng sinh học không phải là không đúng, nhưng nó chưa được hoàn hảo. Stress - Một sự kiện từ môi trường Quan niệm về stress như một sự kiện từ môi trường được xuất phát từ các quan sát lập đi lập lại của tình trạng suy sụp về sinh lý và hành vi ở những người tiếp xúc với các điều kiện sống khắc nghiệt, như tham chiến trong quân đội (Grinker & Spiegal, 1945) và bị những mất mát (Lindemann, 1944). Nếu như môi trường khắc nghiệt dẫn đến những hậu quả tiêu cực, thì sự tích lũy dần những sự kiện ít khắc nghiệt hơn cũng có thể có những hậu quả tai hại. Từ cách nhìn này, stress được định nghĩa như một sự kiện từ môi trường đòi hỏi một cá nhân phải thử thách những tiềm năng và đáp ứng không bình thường (Holroyd, 1979). Stress trú ngụ trong những “đòi hỏi” của sự kiện hơn là bên trong cá nhân người ấy. Các nghiên cứu thực hiện theo quan điểm môi trường đều có bản chất dịch tễ học: số lượng và mức độ của các sự kiện gây stress sẽ có tính tiên lượng cho tình trạng sức khỏe của đương sự (Dorenwend, 1981). Một cách có phương pháp, các đương sự được yêu cầu liệt kê những sự kiện gây stress mà họ đã trải qua trong một khoảng thời gian nhất định (trong 6 tháng chẳng hạn), ví dụ danh sách về các sự kiện mới nhất (SRE: schedule of recent events) của Holmes và Rahe, 1967. SRE gồm nhiều tiết mục như ly hôn, cưới hỏi, sinh con, ngồi tù, mắc nợ, lễ giáng sinh… Mỗi tiết mục được đánh giá dựa trên giả định rằng một số việc (cưới hỏi) có tính “đòi hỏi” nhiều hơn một số việc khác (lễ giáng sinh). Việc đánh giá các sự kiện được giả định một cách dứt khoát rằng mỗi một sự kiện nhất định đều có tính chất gây stress như nhau với tất cả mọi người. Cả những sự kiện tích cực lẫn tiêu cực đều được xem là có tính gây stress, vì cả hai loại đều đòi hỏi sự thích ứng. Rất nhiều nghiên cứu đã sử dụng SRE để đánh giá mối liên quan giữa stress và sức khỏe. Những nghiên cứu nhằm tiên đoán bệnh trong tương lai và giải thích căn bệnh trong hiện tại đã tìm ra mối liên quan giữa số lượng và mức độ của các yếu tố gây stress với khả năng mắc các bệnh như đột tử do bệnh tim, các cơn đau thắt ngực, lao (Rabkin, Struening, 1976) và một số bệnh nhiễm trùng (Jemmotti, Locke, 1984). Có vài vấn đề trong phương pháp tiếp cận với stress về khía cạnh môi trường. Liên quan giữa stress và bệnh tật có mức độ vừa phải; tương quan trung bình khoảng 0,12; tối đa 0,3 (Tanig, 1982). Các đánh giá về mặt môi trường của stress có khả năng tiên đoán giới hạn. Trái với quan điểm về môi trường, không hẳn tất cả những thay đổi đều nhất thiết có tính gây stress. Những thay đổi như mãn kinh và về hưu không được xem là yếu tố gây stress nếu chúng xảy ra “đúng lúc” và
  • 5. được dự kiến trước. Trong vài trường hợp, tình trạng ít thay đổi lại có thể gây stress. Những tình huống chán chường kéo dài hoặc không được thăng tiến lại thường được xem là có thể gây stress (Lazarus, Folkman, 1984). Các sự kiện cũng không có tính gây stress như nhau ở tất cả mọi người. Mức độ stress phụ thuộc vào ý nghĩa của sự kiện và những tiềm năng sẵn có ở mỗi người. Ví dụ, Lazarus, Homikos và Rankin đã cho những đối tượng nghiên cứu của họ xem cuốn phim về một tai nạn đáng sợ, trong đó một công nhân bị đứt một ngón tay và một người khác bị chết do một tấm gỗ lớn đâm xuyên qua ngực. Trước khi xem, một số đối tượng được cho biết rằng cuốn phim chỉ là một sự dàn cảnh, còn các đối tượng khác thì không được thông báo gì. Những người được biết trước thì ít bị khuấy động và lo âu hơn, có lẽ do họ đã nhận định sự việc là “không thật”. Việc nhận định về sự kiện đóng vai trò trung tâm trong khi xác định mức độ gây stress của sự kiện. Mức độ stress cũng tùy thuộc vào những kỹ năng và tiềm năng sẵn có của đương sự trong việc ứng phó với sự kiện. Nuchol, Cassel và Kaplan (1972) đã đánh giá những hậu quả của stress và khả năng ứng phó trong thai kỳ đối với các biến chứng khi sinh đẻ. Tuy nhiên, khi xem xét chung các sự kiện trong đời sống và khả năng ứng phó, người ta thấy chúng có liên quan chặt chẽ với nhau. 90% phụ nữ có điểm số thay đổi đời sống (life change score)cao và khả năng ứng phó kém đều được chứng minh là có ít nhất một biến chứng, trong khi chỉ 33% có điểm số thay đổi cao và khả năng ứng phó cao bị biến chứng. Quan niệm về stress như một sự kiện có tính “đòi hỏi” từ môi trường là chưa đầy đủ. Những cuộc xét lại các sự kiện gây stress gần đây đã sửa chữa một số nhược điểm này bằng cách yêu cầu đương sự xác định mức độ ảnh hưởng - tích cực hoặc tiêu cực - của những sự kiện mà họ đã trải qua (Sarason, Johnson, Siegel, 1978). Thông qua việc chia mức độ như thế, những phương thức đánh giá mới này đã cố gắng ghi nhận khả năng nhận định và ứng phó của các đương sự. Trái với những quan niệm cho rằng bất kỳ sự kiện thay đổi nào cũng gây stress, dữ kiện từ các đánh giá đã cho thấy các sự kiện tích cực có tính tăng cường sức khỏe hơn là hủy hoại sức khỏe(DeLongis, Coyne, Dakof, Folkman, Lazarus, 1982; Sarason, 1978). Cách nhìn về stress theo quan điểm sinh học và môi trường cơ bản là những mô hình kích thích - đáp ứng(Stimulus-Response model). Chúng không cung cấp một cái nhìn thấu đáo vào những thông số và những quá trình trung gian điều hòa mối liên quan giữa các sự kiện có hại và các đáp ứng sinh học. Nếu những sự kiện gây stress dẫn đến hậu quả tiêu cực cho sức khỏe, thì điều đó xảy ra như thế nào? Stress - Một hiện tượng thuộc về nhận thức - hành vi
  • 6. Phương pháp tiếp cận về mặt nhận thức - hành vi định nghĩa stress như một quá trình tương giao giữa con người và môi trường, trong đó đương sự nhận định sự kiện từ môi trường là có tính chất đe dọa và có hại, và đòi hỏi đương sự phải cố gắng sử dụng các tiềm năng thích ứng của mình (Lazarus, 1966; Lazarus, Folkman, 1984). Stress không chỉ trú ngụ trong sự kiện hoặc trong đáp ứng của đương sự, mà tồn tại trong cả hai yếu tố đó, cũng như trong các đáp ứng nhận thức-hành vi giữ vai trò điều hòa hai yếu tố đó. Cách nhìn này rõ ràng nhấn mạnh vào khía cạnh nhận thức - hành vi (thuộc về tâm lý) trong việc hiểu biết về stress, vì thế, nó đã bù đắp vào những thiếu sót của các mô hình stress “sinh học” và stress “môi trường”. Hai quá trình trung tâm trong quan điểm tâm lý-hành vi là nhận định (cognitive appraisal) và ứng phó (coping). Nhận định là quá trình mà qua đó đương sự đánh giá sự kiện là có tính đe dọa hoặc có hại hay không, nếu có thì ở mức độ nào. Một sự kiện chỉ gây stress khi đương sự nhận định là “có hại”. Ứng phó là quá trình xảy ra những đáp ứng về hành vi, nhận thức và tình cảm của đương sự đối với sự kiện. Một sự kiện chỉ gây stress khi đương sự thiếu các phương tiện để ứng phó. Bằng cách tích hợp các bình diện nhận thức, cảm xúc, hành vi và môi trường của stress, quan điểm này do vậy có thể được dùng làm khởi điểm cho việc xây dựng một phương thức tiếp cận stress một cách có hệ thống. Quan điểm nhận thức hành vi bỏ qua bình diện sinh học của stress cùng những liên quan giữa sinh học với các bình diện nhận thức, xúc cảm, hành vi. STRESS - MỘT QUAN ĐIỂM HỆ THỐNG Stress là một khái niệm mang tính tổ chức, liên hệ đến nhiều thông số và quá trình, xảy ra trên nhiều bình diện của sự phân tích: sinh lý, nhận thức - cảm xúc, hành vi và môi trường. Vì thế, stress là một đáp ứng tích hợp sinh học - tâm lý - xã hội với những sự kiện được xem là có hại và đòi hỏi những kỹ năng ứng phó của đương sự. Chúng ta sẽ khảo sát từng bình diện một cách chi tiết và mô tả những ảnh hưởng qua lại của chúng. Nhận định (cognitive appraisal) Các kích thích không mong muốn từ môi trường, sinh lý và tinh thần không gợi lên ngay một đáp ứng stresss. Đương sự không thụ động tiếp nhận kích thích, mà chủ động nhận định về nó. Nhận định là quá trình trong đó chúng ta gán những ý nghĩa cho các sự kiện bên trong chung ta hoặc xung quanh chúng ta (Levine, Weinberg,Ursin, 1978). Chúng ta thường xuyên đánh giá sự thích đáng đối với bản thân (personal relevance) và ý nghĩa hưởng lạc (hedonic connotation) của những kích thích mà chúng ta chú tâm đến. Dựa trên kinh nghiệm quá khứ và hoàn cảnh hiện tại, một kích thích có thể được đánh giá là: (1) không đáng kể (một
  • 7. tình trạng không có ý nghĩa đặc biệt nào); (2) lành tính (một tình trạng tích cực, làm gia tăng phúc lợi cá nhân); hoặc (3) tiêu cực (một tình trạng thực sự tiêu cực, đe dọa đến phúc lợi cá nhân) (Lazarus, Launier, 1978). Stress liên quan đến việc nhận định một sự kiện là có tính đe dọa, có hại hoặc thách thức. Giả sử bạn lái xe lên miền núi để thực hiện một kỳ trượt tuyết và gặp phải một trận bão tuyết. Con đường có thể vượt qua được, nhưng bị đóng băng rất nhiều. Nhiều xe hơi, xe tải được thấy nằm trong các mương rãnh ở hai bên đường. Bạn thật khó mà điều khiển được xe. Có lẽ bạn sẽ thấy rất căng thẳng và tức giận. Bạn cũng đang trong tình trạng nguy hiểm và có thể bị mất một kỳ nghỉ đáng giá mà bạn đã chuẩn bị từ lâu. Như đã nêu trong phần đầu, một tình huống nhất định có thể gợi lên một số kiểu nhận định tiêu cực. Một khi sự kiện được nhận định là “tiêu cực”, một sự lượng giá khác cũng sẽ được thực hiện nhằm xem xét có thể làm được gì để ứng phó với sự kiện và liệu những việc ấy sẽ mang lại hiệu quả như thế nào. Quá trình này gọi lànhận định khả năng ứng phó (coping appraisal) (Lazarus, Folkman, 1984). Nếu quá trình nhận định kích thích(stimuli appraisal) đặt ra các câu hỏi chính như “Sự kiện này có ý nghĩa gì đối với ta?”, thì quá trình nhận định khả năng ứng phó sẽ đặt ra câu hỏi “Ta có thể làm gì để giải quyết vấn đề này?” và “Những việc ấy sẽ có hiệu quả như thế nào?”. Giai đoạn này bao gồm việc đề ra một chiến lược ứng phó (coping strategy) đối với tác nhân gây stress và ước tính hiệu quả của những chiến lược này. Ví dụ, để tiếp tục lái xe (trong tình huống nêu trên), mối quan tâm của bạn về tình trạng đường sá và mong muốn thực hiện kỳ trượt tuyết khiến bạn phải xem xét để lựa chọn một giải pháp. Bạn có thể rời khỏi con đường và chờ đợi một xe ủi tuyết; bạn có thể lái xe chầm chậm cho đến khi tìm được lối ra và chờ cho qua cơn bão; hoặc tìm một lối đi khác ít nguy hiểm hơn. Bạn có thể đưa ra bất kỳ sự lựa chọn nào, nhưng phải liệu xem chúng có giúp ích gì hay không? Ngoại trừ việc dừng xe lại tại chỗ, còn thì chẳng có cách nào có thể tức thời chấm dứt được mối nguy hiểm. Nhưng việc này lại dẫn đến một sự đe dọa khác kéo dài và nghiêm trọng hơn: không có thức ăn và thiếu điều kiện để sưởi ấm. Những giải pháp khác thì tốt hơn về lâu dài. Tuy nhiên, nếu bạn dừng lại và chờ cho cơn bão đi qua, việc đặt phòng trọ của bạn sẽ bị hủy bỏ. Còn các lối đi khác, theo đài phát thanh, cũng chẳng có gì tốt hơn vv… Cả việc nhận định sự kiện là tiêu cực cũng như việc xem xét các khả năng ứng phó là không đầy đủ và không hiệu quả đều là những yếu tố cần có để stress xuất hiện. Hai loại nhận định này được bàn riêng để làm rõ các quá trình, nhưng chúng lại có thể xảy ra tương đối tự nhiên và đồng thời. Mức độ “tiêu cực” của một sự kiện và mức độ “không đầy đủ” của tiềm năng ứng phó có thể thay đổi. Việc nhận
  • 8. định kích thích và nhận định khả năng ứng phó sẽ tương tác với nhau để hình thành mức độ của stress mà đương sự trải qua. Mức độ stress cao nhất (như trong ví dụ trên) xảy ra khi kích thích là rất tiêu cực và khi không có biện pháp nào để giải quyết sự kiện. Khi sự kiện ít trầm trọng hơn và các cố gắng ứng phó có tính khả thi thì mức độ stress sẽ giảm đi. Tuy nhiên, một số tình huống vẫn xảy ra stress khi sự kiện kích thích được nhận định là “rất tiêu cực”, ngay cả khi những phương thức ứng phó có khả năng thực thi được (ví dụ: khi dự các kỳ thi quan trọng, dù bạn đã được chuẩn bị kỹ) do tính chất nghiêm trọng của sự kiện. Tương tự, khi sự kiện ít nghiêm trọng, nhưng trong tay không có sẵn những biện pháp giải quyết (như khi ngồi trên ghế cho nha sĩ nhổ răng, hoặc lái xe qua một vùng hoang vắng), stress sẽ xảy ra do bị mất khả năng kiểm soát sự kiện. Như đã mô tả, quá trình nhận định dường như khá tách biệt và có tính phân tích, và nó không phù hợp với kinh nghiệm chủ quan của chúng ta về sự đe dọa hoặc có hại. Một phản ứng cảm xúc sẽ xảy ra đồng thời với quá trình nhận định (Leventhal, Nerenz, 1983). Khi một sự kiện được nhận định là lành tính, những cảm xúc tích cực như vui vẻ, yêu thương, hạnh phúc, phấn khởi, thanh thản sẽ diễn ra nơi đương sự. Nếu sự kiện được đánh giá là tiêu cực, những cảm xúc như sợ hãi, lo âu, tội lỗi, thất vọng hoặc trầm uất sẽ xuất hiện. Quá trình nhận định hòa nhịp cùng với cảm xúc. Các quá trình nhận định và cảm xúc có ảnh hưởng qua lại với nhau (Schacter, 1964). Trong thực tế, ngoài việc kiểm soát chính bản thân sự kiện tiêu cực, đương sự cũng cần kiểm soát các khuấy động cảm xúc. Trong ví dụ nêu trên, lái xe trên một con đường trơn trợt và việc mất một kỳ nghỉ có thể gây nên sự tức giận. Quá trình nhận định có tính chủ quan nhưng không mạo hiểm. Nó chịu ảnh hưởng bởi bản chất của sự kiện kích thích và bởi những đặc trưng của đương sự thực hiện việc nhận định. Đây là ý nghĩa thực sự của quan niệm vềtính tương giao (transaction) của stress (Lazarus, 1966). Nhân cách, kinh nghiệm quá khứ và các thông số cá nhân khác của đương sự giúp hình thành nên sự nhận định, đặc biệt khi sự kiện có tính nhập nhằng, nước đôi. Nhưng cách nhận định của đương sự lại chịu sự thúc ép của sự kiện. Khi một sự kiện tương đối nhập nhằng, việc nhận định thường phù hợp với bản chất khách quan của sự kiện. Chúng ta hãy xem xét những yếu tố thuộc về cá nhân đương sự và sự kiện kích thích đã góp phần vào quá trình nhận định. Các yếu tố thuộc cá nhân đương sự Sự nhận định về kích thích và các đáp ứng ứng phó sẵn có nhằm đáp ứng lại kích thích ấy chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các thông số cá nhân (Wrubel, Brenner, Lazzarus, 1981). Nhiều thông số cá nhân được nghiên cứu trong mối liên quan với stress. Theo sau Lazarus và Folkman, chúng ta sẽ khảo sát
  • 9. riêng về hai thông số cá nhân khác làđối tượng ủy thác (commitment) và niềm tin (belief). Đối tượng ủy thác là những gì mà đương sự đánh giá cao và xem là quan trọng, bao gồm những mục đích và hoạt động mà họ đầu tư năng lực vào, hoặc những nhóm người và tổ chức mà đương sự gắn bó. Hãy suy nghĩ về những đối tượng ủy thác của bạn. Những người nào, hoạt động nào và mục đích nào là rất quan trọng đối với bạn? Bất kỳ sự đe dọa hoặc gây thách thức cho những đối tượng ủy thác của bạn đều chất chứa một tiềm năng gây stress rất lớn. Nếu bạn yêu một người, những mối đe dọa cho người ấy hoặc đe dọa mối quan hệ giữa bạn với người ấy đều sẽ làm bạn khó chịu. Đối tượng ủy thác tác động lên sự nhận định của bạn thông qua việc ảnh hưởng lên sự nhạy cảm của bạn đối với những kích thích nhất định. Chúng ta càng đầu tư nhiều vào một ai đó, một mục đích hoặc một hoạt động nào đó, thì stress xảy ra càng nặng nề khi người đó, mục đích đó, hoạt động đó bị đe dọa. Các đối tượng ủy thác càng làm tăng thêm khả năng mẫn cảm của chúng ta đối với stress. Hãy nghĩ về một người mà bạn yêu tha thiết; và bởi lòng quyến luyến quá mạnh của bạn, một sự khước từ của người đó có thể khiến bạn bị tổn thương nghiêm trọng. Nhưng mặt khác, tình yêu của bạn với người đó cũng mang đến cho bạn những giây phút vui tươi, thỏa mãn và hài lòng. Đối tượng ủy thác chính là “con dao hai lưỡi” vậy! Một ví dụ tương thích hơn về sức khỏe là ý chí sống còn (will to live). Sự mất đi người đồng hôn phối (đối tượng ủy thác quan trọng) thường dẫn đến bệnh tật và làm tăng tử suất ở những bạn tình còn sống (Jacobs, Ostfeld, 1977; Parks, 1970). Trái lại, việc tìm thấy những ý nghĩa và có được những đối tượng ủy thác mạnh mẽ có thể gia tăng những cơ hội sống còn, thậm chí trong những tình huống xấu nhất. Tất cả những ai còn sống sót từ những trại tập trung của Đức Quốc Xã đều cho biết rằng họ đã tìm được một lý do nào đó để sống sót: sống để làm nhân chứng, sống vì lợi ích của bà con thân thuộc, hoặc sống để trả thù (Frankl, 1959). Đối tượng ủy thác động viên chúng ta tồn tại trong sự đối đầu với nghịch cảnh. Khi đương đầu với một mối đe dọa cho điều mà chúng ta coi là quan trọng, chúng ta sẽ cố gắng hết sức để loại bỏ mối đe dọa đó. Một thông số cá nhân thứ hai ảnh hưởng lên sự nhận định của chúng ta là sự ý thức về khả năng kiểm soát sự kiện(sense of control over events). Sự ý thức về khả năng kiểm soát sự kiện sẽ làm giảm stress, và thiếu điều này sẽ làm tăng thêm stress. Ví dụ, Ferrare (1962) thấy rằng những người già tự mình lựa chọn vào nhà dưỡng lão (có ý thức kiểm soát) thì sống lâu hơn những người vào nhà dưỡng lão mà không tự chọn (ít khả năng kiểm soát). Tương tự, Langer và Rodin (1976) đã nghiên cứu những hiệu quả của việc tăng cường khả năng kiểm soát ở những
  • 10. người già trong các nhà dưỡng lão. Những ai được giao trách nhiệm và được tự lựa chọn công việc hằng ngày và sắp xếp đời sống thì sẽ tỉnh táo hơn, tích cực hơn và vui vẻ hơn so với nhóm người được để cho nhân viên nhà dưỡng lão chăm sóc. Những người được thúc đẩy khả năng kiểm soát cho thấy tình trạng sức khỏe thể chất tốt hơn. Trong vòng 18 tháng, số tử vong ở những người được tăng cường khả năng kiểm soát là 15% so với 30% trong nhóm kia. Sự thiếu khả năng kiểm soát - thực sự chỉ là cảm nhận như vậy - thường được gọi là sự “vô dụng” (helplessness) (Seligman, 1975). Sự vô dụng xảy ra khi khi đương sự cảm thấy hành vi của họ chẳng có hiệu quả gì hoặc các sự kiện là không thể kiểm soát được. Điều này được đặc trưng bởi tính thụ động trong hành vi, cảm xúc ức chế và tư tưởng tập trung vào sự thất vọng. Người “vô dụng” sẽ ngưng cố gắng, thậm chí cả khi được chuyển sang những điều kiện sống mới (Miller, Seligman, 1975). Họ có những kỳ vọng tiêu cực về bản thân, về tương lai và về thế giới (Beck, 1976). Họ tin rằng “Bản thân ta chẳng tốt gì. Thế gian này chẳng có gì tốt, và tình thế cũng chẳng thể nào khá hơn”. Sự nhận thức về khả năng kiểm soát có ảnh hưởng lên sự tác động của stress đối với đương sự. Stress càng gia tăng khi đương sự cảm thấy hành vi và kết quả không liên quan với nhau. Việc thiếu khả năng kiểm soát sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với hành vi, tình cảm và sinh lý. Các yếu tố thuộc về tình huống Các đặc tính của sự kiện kích thích cũng có ảnh hưởng đến sự nhận định. Chúng ta sẽ tập trung vào hai đặc tính sau: khả năng tiên đoán (predictability) và sự hạn định thời gian (timing). Khả năng tiên đoán là sự biết trước khi nào sự kiện sẽ xảy ra. Nói chung, những sự kiện có thể tiên đoán được thì ít gây stress hơn những sự kiện không tiên đoán được. Sẽ rất có lợi nếu ta biết trước được những sự kiện ngoài ý muốn có xảy ra hay không, và nếu có thì xảy ra khi nào. Khả năng tiên đoán làm giảm mức độ đe dọa, nguy hại và thách thức, bằng cách cho phép ta chuẩn bị ứng phó sự kiện và biết được khi nào chúng ta được an toàn (Weinberg, Levine, 1980). Tầm quan trọng của khả năng tiên đoán được chứng minh trong nghiên cứu của Hunter (1979) trên những người vợ (Mỹ) có chồng bị chết, bị mất tích, bị bắt hoặc đã trở về từ cuộc chiến tranh Việt Nam. Khả năng tiên đoán của những người vợ ấy giảm dần theo thứ tự sau: chồng đã trở về, bị giết, bị bắt và bị mất tích khi đang làm nhiệm vụ.Hunter thấy rằng những người vợ có chồng bị mất tích trong chiến tranh đã biểu hiện tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần ở mức xấu nhất. Họ phải đối đầu với một sự không chắc chắn lớn lao nhất liên quan đến tình trạng hôn nhân, vai trò và trách nhiệm của họ. Họ gần như đã bị cầm tù.
  • 11. Sự xuất hiện chắc chắn của stress cùng thời gian và tần số của nó cũng ảnh hưởng lên sự nhận định của đương sự. Khi một sự kiện trở nên chắc chắn sẽ xảy đến, đương sự sẽ nhận thấy nó càng lúc càng có tính thách thức và đe dọa. Mechanic (1062) thấy rằng những thí sinh chuẩn bị thi lấy bằng tiến sĩ sẽ càng bị lo âu hơn khi kỳ thi đến gần. Một khi kỳ thi thực sự bắt đầu, sẽ có sự giảm nhẹ đáng kể về cảm xúc và các triệu chứng sẽ mất đi. Một thí sinh đã nói “Vào thi không tệ bằng biết trước về kỳ thi. Bạn không phải lo lắng gì trong khi thi”. Thời gian hiện diện của các tác nhân gây stress cũng thay đổi từ những sự kiện có giới hạn về thời gian như thi cử, nhổ răng, đến những sự kiện kéo dài như mâu thuẫn vợ chồng, tham gia chiến đấu hoặc mắc bệnh ung thư. Thời gian và tần số xuất hiện các tác nhân gây stress cũng được xem là có vai trò trung tâm trong việc xác định những hậu quả tiêu cực của stress đối với sức khỏe. Giả định cho rằng stress mạn tính làm suy mòn đương sự (Selye, 1956), nhưng vẫn còn quá ít nghiên cứu về tác động của các tác nhân gây stress khác nhau về thời gian và tần số xuất hiện. Theo quan điểm hệ thống, Stress bao gồm việc đương sự nhận định một sự kiện là có hại, đe dọa hoặc thách thức, và tiềm năng ứng phó của đương sự là không đầy đủ hoặc không hiệu quả. Những nhận định này là kết quả từ sự tương tác giữa các đặc trưng của đương sự (đối tượng ủy thác, niềm tin, các ký ức và kinh nghiệm) và những đặc trưng của sự kiện được nhận định (khả năng tiên đoán, sự hạn định thời gian và tính nhập nhằng). Sự nhận định một kích thích là có tính gây stress cũng được tạo nên từ sự khuấy động cảm xúc mà đến lượt nó lại tương tác với sự nhận định của đương sự. Quá trình ứng phó (coping) Ứng phó là những hành động thuộc về nhận thức và hành vi nhằm chế ngự những đòi hỏi của một sự kiện được nhận định là có tính gây stress. Khi đối đầu với một sự kiện gây stress, đương sự sẽ cố gắng “hóa giải” sự nguy hại và phòng tránh sự đe dọa. Vẫn còn có ít dữ liệu về việc làm thế nào mà đương sự ứng phó được với các tác nhân gây stress trong môi trường sống tự nhiên. Sự biến hóa của các chiến lược ứng phó là vô hạn. Có hai đích điểm chính của sự ứng phó: tự thay đổi bản thân mình (changing ourselves) hoặc thay đổi môi trường xung quanh (changing the environment). Đương sự có thể lựa chọn hoặc thích nghi để phù hợp tốt hơn với môi trường (“gió chiều nào theo chiều đó”) hoặc thay đổi môi trường để thích hợp với nhu cầu bản thân của mình (phân hóa và chế ngự) 1. Ví dụ, nhà hàng xóm của bạn tổ chức một bữa tiệc ồn ào làm phá giấc ngủ của bạn. Bạn có thể chọn cách tham gia vào bữa tiệc (tự thay đổi) hoặc gọi cảnh sát (thay đổi môi trường). Những cố gắng ứng phó
  • 12. có thể hoặc định hướng theo cảm xúc (emotion-oriented) hoặc định hướng theo vấn đề (problem-oriented). Sự ứng phó định hướng cảm xúc nhắm vào việc giảm bớt sự khuấy động cảm xúc gây nên bởi stress. Sự ứng phó định hướng vấn đề nhắm vào việc thay đổi sự kiện được xem là có hại. Cả hai hướng ứng phó có thể được thực hiện đồng thời, hoặc riêng biệt, và cũng có khi là không tương hợp với nhau. Trong hầu hết các tình huống gây stress, các cố gắng ứng phó đều tập trung vào cả hai hướng (Folkman, Lazarus, 1980). Hãy hình dung rằng bạn đang rất căng thẳng về kỳ thi giữa niên khóa được tổ chức vào tuần tới. Việc ứng phó định hướng vấn đề là làm sao tập trung vào việc học. Ứng phó định hướng cảm xúc có thể dùng thuốc để giải bớt lo âu. Dường như việc ứng phó định hướng vấn đề được ưa chuộng hơn vì nó giải quyết được “gốc rễ” của vấn đề; nhưng ứng phó định hướng cảm xúc cũng rất quan trọng. Cảm xúc thường là khổ sở và lo lắng, và có hậu quả bắt nguồn từ stress. Sự khuấy động cảm xúc cũng có thể can thiệp vào các cố gắng về nhận thức và hành vi của đương sự khi ứng phó với vấn đề. Trong vài trường hợp (như thiên tai hoặc bị thương tật), ít có khả năng để chúng ta làm được điều gì nhằm giải quyết vấn đề; việc cơ bản là ứng phó với tình trạng khuấy động cảm xúc được khơi lên từ các sự kiện ấy. Các chiến lược ứng phó có ba hình thức: Chiến lược ứng phó về nhận thức (cognitive coping strategy) Chúng ta có thể ứng phó với những tác nhân gây stress hoặc với cảm xúc của chính mình bằng cách giải quyết vấn đề, tự nói chuyện (self-talk) và tái nhận định (reappraisal). Giải quyết vấn đề bao gồm việc phân tích tình huống để đề ra những hành động khả thi, đánh giá những hành động đó và lựa chọn kế hoạch hành động hữu hiệu (Janis, Mann, 1977). Ví dụ, với kỳ thi giữa niên khóa, việc giải quyết vấn đề có thể gồm làm sao để giảm bớt lo âu (định hướng cảm xúc, đích là bản thân) (emotion-oriented, sefl as target); học thế nào để được điểm cao (định hướng vấn đề, đích là bản thân) (problem-oriented, sefl as target); vào học lớp nào để bớt lo (định hướng cảm xúc, đích là môi trường) (emotion-oriented, environment as target); và làm sao tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè để cùng học (định hướng vấn đề, đích là môi trường) (problem-oriented, environment as target). Tự nói chuyện một mình ngụ ý chỉ những câu nói hoặc ý nghĩ thầm kín được dùng để hướng dẫn những cố gắng của chúng ta vào việc ứng phó với sự kiện gây stress cùng những khuấy động cảm xúc kèm theo nó. “Lời nói bên trong” ấy hướng sự chú tâm đến những kích thích thích đáng, tạo điều kiện cho việc hình thành và thực hiện các chiến lược ứng phó và cung cấp một sự phản hồi chính xác. Tưởng tượng bạn đang ngồi trên chiếc ghế của một nha sĩ, chờ làm răng. Bạn có thể tự nhủ “Vị nha sĩ là người thận trọng; ông sẽ chăm sóc chứ không làm đau mình
  • 13. đâu” (định hướng cảm xúc, đích là môi trường); hoặc “Mình căng thẳng quá, cần thở sâu để thư giãn” (định hướng cảm xúc, đích là bản thân); “Nhìn những hình vẽ trên trần nhà kia có lẽ dễ chịu hơn” (định hướng vấn đề, đích là môi trường); hoặc “Mình cần phải đương đầu với nó đây” (định hướng vấn đề, đích là bản thân). Tái nhận định gồm việc giảm bớt tác động của sự kiện bằng cách thay đổi cách diễn giải sự kiện. Nói cách khác, sự kiện sẽ được gán cho một ý nghĩa khác. Một thí sinh thi hỏng có thể nghĩ rằng “Bài thi này thật khó quá sức” ( định hướng vấn đề, đích là môi trường), hoặc “Hôm nay xui thật” (định hướng vấn đề, đích là bản thân). Sự tức giận này có thể được nhận định lại bằng cách nghĩ rằng “Ông thầy thật đáng ghét, mình có quyền tức giận được chứ” (định hướng cảm xúc, đích là môi trường) hoặc “Chẳng đáng gì, khóa học này dù sao cũng không quan trọng” (định hướng cảm xúc, đích là bản thân). Chiến lược ứng phó về hành vi (behavioral coping strategy) Đương sự cũng phải ứng phó với stress bằng hành vi. Nói chung, có bốn loại đáp ứng với stress bằng hành vi: tìm kiếm thông tin, hành động trực tiếp, kiềm chế hành động và quay sang người khác. Tìm kiếm thông tin (seeking information) là thâu thập dữ liệu về bản chất của tác nhân gây stress và về các chiến lược ứng phó khả thi. Một người khi biết mình bị ung thư có thể tìm kiếm thông tin về tiên lượng của bệnh này thông qua một nhân viên y tế (Haan, 1977). Người đó có thể dựa vào sự thay đổi kích thước của khối u có thể sờ nắn được để đánh giá hiệu quả của điều trị (Norenz, Leventhal, Love, 1982). Thông tin vì thế sẽ giúp ích cho các chiến lược ứng phó và tăng cường cảm giác về khả năng kiểm soát và tiên đoán sự kiện. Hành động trực tiếp (direct action) là công khai các đáp ứng bằng lời nói hoặc hành động nhằm làm thay đổi tác nhân gây stress hoặc các khuấy động cảm xúc liên quan đến stress. Một người bị bong gân cổ chân có thể nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau hoặc đến bác sĩ khám. Một người vừa bị mất đi người mà mình thương yêu có thể tự “chôn” mình trong công việc, hoặc xem những bức hình cũ của người quá cố cho vơi bớt nỗi buồn. Kiềm chế hành động (inhibiting action) là không làm một điều gì đó nhằm làm giảm bớt stress và các khuấy động cảm xúc. Một người bị ho kinh niên có thể ngưng hút thuốc lá. Tránh các tình huống tạo nên lo âu cũng thích hợp với loại đáp ứng này. Ví dụ, đương sự thường hay “quên” các cuộc hẹn với nhân viên y tế vì bị đau hoặc bị ngượng ngùng khi được khám bệnh. Loại ứng phó sau cùng về hành vi - quay sang người khác (turning to others) - theo truyền thống thường được gọi là sự hỗ trợ xã hội (social support).
  • 14. Hỗ trợ xã hội (Social support) Cụm từ “quay sang người khác” được dùng ở đây vì nó nhấn mạnh vào bản chất tích cực và tương hỗ của chiến lược ứng phó này. Mối tương quan giữa bản thân chúng ta và những người khác tạo nên nguồn lực quan trọng để ứng phó với stress. Chúng ta có thể nhận được sự hỗ trợ vật chất, tinh thần và thông tin từ những người khác. Hỗ trợ vật chất gồm tiền bạc, hàng hóa và các dịch vụ sẵn có từ những người khác (Cohen, McKay, 1984). Hỗ trợ tinh thần là khi cảm thấy mình được người khác yêu thương, đánh giá cao và có cơ hội để trao đổi những cảm giác ấy (Cobb, 1976). Hỗ trợ thông tin là khi được người khác cho ý kiến về ý nghĩa của những sự kiện gây stress, hoặc cho lời khuyên về những chiến lược ứng phó và cung cấp một phản hồi về tính đúng đắn của các cố gắng ứng phó này (Cohen, McKay, 1984). Hỗ trợ xã hội có thể điều chỉnh stress bằng hai cách. Đầu tiên, một sự hỗ trợ như thế có thể phòng ngừa được stress. Biết được những người khác sẽ chăm sóc và giúp đỡ mình là một cách để phòng ngừa stress vì các sự kiện khi ấy sẽ được xem là ít có tính đe dọa (Singer, Lord, 1984). Việc thiếu sự hỗ trợ xã hội có liên quan đến tình trạng sức khỏe kém. Ví dụ Berkman và Syme (1979) đã thấy rằng hỗ trợ xã hội là một yếu tố tiên lượng khiêm tốn nhưng rất quan trọng về tình trạng tử vong, ngay cả khi tình trạng sức khỏe ban đầu, các hành vi gây tổn hại sức khỏe và tình trạng xã hội đã được kiểm soát. Những ai ít có những mối quan hệ xã hội thường có tỷ lệ tử vong cao hơn. Hỗ trợ xã hội cũng có thể làm giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực của stress khi nó đã xuất hiện. Ví dụ, hỗ trợ xã hội có liên quan đến thời gian sống còn được kéo dài hơn ở những bệnh nhân ung thư (Weisman, Worden, 1975). Một số lớn vấn đề được báo cáo ở những bệnh nhân là các vấn đề về giao tiếp. Chúng bao gồm sự khó giao tiếp với người khác về bệnh ung thư, nói chuyện với những thành viên trong gia đình về tương lai và việc thu thập thông tin từ những nhân viên y tế (Wortman, Dunken-Schetter, 1979). Nhân viên y tế, gia đình và bạn bè có thể giúp bệnh nhân ung thư làm rõ vấn đề và đoan chắc điều gì sẽ xảy đến với họ, biểu hiện tình yêu thương, sự chăm sóc, và cùng nhau phát triển những chiến lược ứng phó với các nhu cầu về thể chất và tinh thần của bệnh ung thư cùng việc điều trị bệnh này. Hỗ trợ xã hội cũng kích thích sự lành bệnh bằng cách thúc đẩy người bệnh gắn bó hơn với việc điều trị (Suls, 1982). Những yếu tố xác định nên chiến lược ứng phó Một số lớn chiến lược ứng phó có thể được áp dụng để đáp ứng với stress. Việc chọn lựa chiến lược chịu ảnh hưởng bởi các thông số thuộc về bản thân đương sự cũng như các thông số thuộc về tình huống. Những thông số cá nhân như giá
  • 15. trị (value) và niềm tin (belief) sẽ làm phát sinh hoặc loại bỏ một số cách thức hành động và ảnh hưởng đến cách thức của đương sự ứng phó như thế nào với tác nhân gây stress. Một kiểu cách đáp ứng cũng phải có sẵn trong “vốn sống” của đương sự trước khi nó có thể được sử dụng để ứng phó với các tác nhân gây stress. Ly hôn là một giải pháp hợp lý để giải quyết mâu thuẫn vợ chồng (trong những tình huống không thể hòa giải), nhưng nó lại là điều không thể chấp nhận được ở những ai có niềm tin rằng ly hôn là có tội. Một đáp ứng quyết đoán dường như là cách chọn lựa hợp lý để ứng phó với những kẻ không biết điều, nhưng có nhiều người đã không biết cách biểu lộ những cảm giác và ý kiến của mình một cách trực tiếp và mạnh mẽ như thế. Tóm lại, các kiểu hành động ứng phó phải “có sẵn” nơi đương sự và được đương sự chấp nhận. Tình huống xảy ra tác nhân gây stress cũng có thể ảnh hưởng đến phương thức mà đương sự áp dụng để ứng phó. Hiển nhiên rằng, tác nhân gây stress tự nó có thể thúc đẩy tính khả dụng và hiệu quả của các chiến lược ứng phó. Nỗi mất mát từ cái chết của một người mà mình thương yêu chủ yếu đòi hỏi một hình thức ứng phó định hướng cảm xúc, bởi không thể nào làm người chết sống lại. Nội dung của tác nhân gây stress cũng thúc đẩy sự ứng phó. Hậu quả không hay sẽ xảy ra nếu một người nào đó đánh ông chủ của mình vì những yêu cầu làm việc không hợp lý. Những cố gắng ứng phó do vậy thường phải làm sao phù hợp với những áp lực và đòi hỏi của môi trường. SINH LÝ HỌC CỦA STRESS Chúng ta biết rằng những xáo trộn trên một bình diện của một hệ thống sẽ dẫn đến những thay đổi trong các bình diện khác của hệ thống đó. Trong khi stress dẫn đến sự nhận định rằng sự kiện là có tính đe dọa hoặc có hại, thì việc nhận định này cũng sẽ sinh ra những đáp ứng sinh lý cũng như những đáp ứng về cảm xúc và hành vi. Trong phần này, chúng ta sẽ xem xét chi tiết về sinh lý học của stress. Những con đường sinh học được kích hoạt trong stress Đáp ứng sinh lý đối với stress được điều hòa thông qua thông qua hệ thần kinh, nội tiết và hệ miễn dịch. Các đáp ứng thần kinh, nội tiết và miễn dịch xảy ra với sự khác biệt về khuynh độ thời gian (temporal gradient). Các đáp ứng sinh lý tức thì được điều hòa bởi hệ thần kinh thực vật (ANS: autonomic nervous system). Các đáp ứng trung gian được điều hòa bởi tuyến tủy thượng thận, một tuyến nội tiết nằm dưới sự kiểm soát của ANS. Các đáp ứng dài hạn được điều hòa bởi hệ nội tiết và hệ miễn dịch. Mỗi một trong số các hệ thống này đều có những ảnh hưởng rộng rãi trên các mô đích (target tissue) trong cơ thể (Allen, 1983). Những đáp ứng này lại được kiểm soát bởi vùng hạ đồi (hypothalamus) - một nhóm những neuron thần kinh nằm ở vùng đáy não. Hạ đồi cùng với hệ limbic (phần não điều hòa cảm
  • 16. xúc) kiểm soát những chức năng cơ bản của cơ thể như ăn, uống, sinh hoạt tình dục, cảm xúc, sự vui thích (pleasure) và sự trừng phạt (punishment). Hệ limbic và hạ đồi lại chịu ảnh hưởng củavỏ não - phần ngoài cùng của não có vai trò điều hòa các chức năng cao cấp như suy nghĩ, lý luận và ký ức. Hệ thần kinh thực vật Hệ thần kinh thực vật (ANS) kiểm soát các quá trình cơ bản của cơ thể như nhịp tim, hô hấp, huyết áp và tiêu hóa. ANS cũng kiểm soát chức năng các nội tạng mà chúng ta rất ít nhận biết được. Hệ ANS gồm hai phần: hệ giao cảm (sympathetic) và đối giao cảm (parasympathetic). Hệ giao cảm chuẩn bị cho cơ thể thực hiện những hành động; tác dụng chung của nó trên các mô đích là gây “khuấy động” (arousal). Hệ đối giao cảm liên quan đến việc duy trì những nhu cầu cơ bản của cơ thể. Tác động của nó nói chung được ví như công việc của một người nội trợ: thải bỏ chất cặn bã, xây dựng kho dự trữ năng lượng và săn sóc cơ thể khi bị nhiễm trùng. Hai hệ này có tác dụng đối kháng nhau. Ví dụ, hệ giao cảm làm tăng nhịp tim, trong khi đối giao cảm làm nhịp tim chậm lại, chúng tác dụng như “tay ga” và “thắng” khi lái xe. Tác động sau cùng trên một cơ quan nhất định là một chức năng do sự hoạt hóa tương đối của hai hệ này. Sự hoạt hóa hệ giao cảm xảy ra thường nhất trong stress và chuẩn bị cho đương sự thực hiện những hành động mạnh mẽ, “chống hoặc chạy”, nhằm ứng phó với các tác nhân gây stress. Tăng nhịp tim, tăng sức co bóp của cơ tim và tăng cung lượng tim sẽ đẩy nhanh việc cung cấp oxy và năng lượng cho hoạt động mạnh của các khối cơ lớn (cho phản ứng “chống hoặc chạy”). Các mạch máu đến cơ vân giãn ra, tăng sự cấp máu cần thiết cho hoạt động cơ. Các mạch máu đến ruột co lại, làm chậm quá trình hấp thu thức ăn. Mạch máu đến da cũng co lại, hạn chế sự mất máu trong trường hợp bị chấn thương. Khả năng đông máu tăng lên, cũng giúp hạn chế sự mất máu khi chấn thương. Cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương đều tăng. Sự gia tăng nhịp thở và giãn phế quản cho phép tăng trao đổi O 2 và CO2, đáp ứng với nhu cầu khi hoạt động mạnh. Thoát mồ hôi nhằm thải bớt thân nhiệt gia tăng quá mức. Các chức năng cơ thể không góp phần vào sự sinh tồn trước mắt đều sẽ bị ngưng lại. Có sự giảm hoạt động tiêu hóa. Nhu động ruột chậm lại; các cơ vòng đường tiêu hóa và tiết niệu co lại hạn chế sự thải các chất bã. Đáp ứng giao cảm, hay phản ứng “chống hoặc chạy”, được khơi dậy nhanh chóng để đáp ứng với stress vì nó được điều hòa qua trung gian các giao nối thần kinh (neural connection). Đó là những đáp ứng tương đối tự động và đã được “lập trình” về mặt sinh học để đáp ứng với các tác nhân gây stress cả về thể chất lẫn tâm lý. Tất cả chúng ta đều trải qua những biến đổi này khi bị ai đó đe dọa, khi thình lình gặp một con rắn, hoặc khi suýt bị tai nạn xe cộ. Những thay đổi này cũng xảy ra trong đáp ứng với những mối đe dọa cho sức khỏe tâm lý của chúng ta
  • 17. như khi dự thi, cảm giác giận một ai đó, hoặc khi phải nói trước đám đông. Nhưng cơ thể chúng ta phản ứng như nhau trong trong cả hai tình huống, không khác biệt. Tủy thượng thận (adrenal medulla) Tác động của hệ thần kinh thực vật chỉ ngắn hạn. Sự khuấy động được duy trì bởi một cơ chế trung gian: sự phóng thích epinephrine (E) và norepinephrine (NE) từ tủy thượng thận. Tuyến thượng thận được định vị ở trên đỉnh của hai quả thận và gồm hai vùng có chức năng độc lập: vùng tủy và vùng vỏ. Do sự kích hoạt thần kinh giao cảm, E và NE sẽ được phóng thích từ tủy thượng thận. Một khi vào máu, E và NE sẽ lưu hành và gây ảnh hưởng trên các cơ quan đích. Tác động của chúng cũng giống như sự kích hoạt giao cảm. Chúng tăng cường và kéo dài sự khuấy động sinh lý gây ra do sự kích hoạt giao cảm, và vì thế cũng tạo điều kiện cho phản ứng “chống hoặc chạy”. Hệ quả sau cùng của tác động này là tăng nhịp tim, huyết áp, hô hấp và tăng đường huyết; giảm hoạt động của hệ tiêu hóa. Đáp ứng của thượng thận xảy ra chậm hơn nhưng kéo dài hơn đáp ứng giao cảm, vì nó liên quan đến cả hai con đường thần kinh và hóa học. Nói chung, cần khoảng 20-30 phút để các tác dụng sinh lý của E và NE được thể hiện. Những tác dụng này kéo dài khoảng một giờ hoặc hơn, vì E và NE được thải chậm khỏi hệ tuần hoàn. Thời gian tác dụng của E và NE từ thượng thận lâu gấp 10 lần so với đáp ứng giao cảm. Hệ nội tiết và hệ miễn dịch Hệ nội tiết và hệ miễn dịch điều hòa giai đoạn 3 của các biến đổi sinh lý trong đáp ứng với stress. Bốn tuyến nội tiết cơ bản có liên quan đến đáp ứng với stress: tuyến yên (pituitary), tuyến giáp (thyroid), vỏ thượng thận(adrenal cortex) và tuyến tụy (pancreas). Các tuyến này tiết ra những hormone vào hệ tuần hoàn gây tác dụng trên các cơ quan đích. Trái với sự kích hoạt giao cảm và tác dụng của E và NE từ tủy thượng thận, sự kích hoạt các hormone trong đáp ứng stress cần thời gian từ nhiều phút đến nhiều giờ trước khi tác dụng được biểu hiện tại cơ quan đích. Tác dụng của các hormone cũng kéo dài lâu hơn. Hình 4-4 cho thấy một tổng quan về hệ nội tiết.Tuyến yên nằm ở phần đáy não và được kiểm soát bởi vùng hạ đồi. Tuyến yên thường được gọi là tuyến “chủ đạo” (master gland) vì nó có ảnh hưởng kiểm soát các tuyến nội tiết khác. Tuyến yên được chia thành hai phần: thùy trước và thùy sau. Thùy trước tiết ra 6 loại hormone; 5 trong số này là các hormone “định hướng” (trophic hormone) bởi vì chúng ảnh hưởng đến sự tiết hormone của các tuyến khác. Trong đáp ứng stress, chúng ta chỉ tập trung vào 2 loại hormone “định hướng” là ACTH (Adrenal Cortex Trophic Hormone) và TSH (Thyroid Stimulating Hormone). Hormone thứ sáu của thùy trước tuyến yên là GH (Growth Hormone). GH không phải là hormone “định hướng”; nó có
  • 18. tác dụng trực tiếp lên mô đích một cách độc lập với các hormone khác. Sự phóng thích các hormone từ thùy trước tuyến yên chịu sự chi phối bởi các tín hiệu hóa học từ vùng hạ đồi. Vùng hạ đồi phóng thích ra các thông điệp hóa học, mà đến lượt chúng lại bị kiểm soát bởi lượng hormone lưu hành trong máu (cơ chế feedback âm), và bởi những sợi thần kinh ly tâm đi từ hệ limbic và vỏ não. Thùy sau tuyến yên tiết ra hai hormone: ADH (Anti-Diuretic Hormone) và oxytocin. Cả hai đều có tác dụng trực tiếp trên mô và không phải là hormone “định hướng”. Chỉ ADH có liên quan đến đáp ứng stress. ADH thực ra được tổng hợp từ vùng hạ đồi, theo các mạch máu nhỏ vận chuyển đến thùy sau tuyến yên để dự trữ. Sự phóng thích ADH được kiểm soát bởi các thụ thể thẩm thấu (osmoreceptor) ở vùng hạ đồi nhạy cảm với các nồng độ trong dịch cơ thể. Vì ADH ảnh hưởng lên các nồng độ trong dịch cơ thể nên ở đây lại có sự hiện diện của một cơ chế feedback âm. Trong stress có sự gia tăng phóng thích GH từ tuyến yên. GH cho phép tăng tiêu dùng năng lượng trong tế bào và làm tăng đường huyết (Asterita, 1985). Sự gia tăng năng lượng khả dụng và sử dụng hiệu quả năng lượng ấy sẽ chuẩn bị cho đương sự thực hiện được những hành động mạnh mẽ trong đáp ứng với stress. Trong stress, tuyến yên cũng tiết ra ADH, chất này tác động lên thận làm tăng sự tái hấp thu nước và làm tăng lượng dịch trong cơ thể (Asterita, 1985). Việc này bảo vệ cơ thể chống lại sự mất máu và sốc do chấn thương. Và do làm tăng thể tích máu, nó cũng gây tăng huyết áp. Vỏ thượng thận là phần ngoài của tuyến thượng thận, từ đó có hai nhóm hormone được phóng thích:glucocorticoid (GC) và mineralocorticoid (MC). Sự phóng thích GC được kiểm soát bởi ACTH của tuyến yên. Lượng GC tuần hoàn sẽ ảnh hưởng lên sự tiết ACTH ở trục hạ đồi - tuyến yên. Trong stress, có sự tăng tiết ACTH và dẫn đến tăng tiết GC ở vỏ thượng thận. GC huy động protein và mỡ từ các mô, biến đổi protein và mỡ thành glucose tại gan. Điều này làm tăng chất đường và mỡ trong máu, sẵn sàng cho đương sự có nguồn năng lượng cần thiết cho các đáp ứng với stress. GC cũng ảnh hưởng trên các đáp ứng của cơ thể với các chấn thương và nhiễm trùng. Chúng ức chế tình trạng viêm trong chấn thương và nhiễm trùng, bằng cách ức chế sự thoát huyết tương từ máu và ức chế khả năng di chuyển của bạch cầu đến vùng bị chấn thương và nhiễm trùng. GC cũng ức chế đáp ứng miễn dịch bằng cách thu nhỏ tuyến ức (thymus), lách và hạch bạch huyết, đồng thời ức chế sự phát triển của tế bào lympho và sự tạo kháng thể (Asterita, 1985). Sự gia tăng phóng thích GC trong stress vì thế không chỉ giữ cho cơ thể có đủ năng lượng2, mà còn kềm hãm cơ chế bảo vệ đã được “cài đặt” sẵn trong cơ thể chống lại chấn thương và nhiễm trùng. Điều này có ý nghĩa, nếu chúng ta nhớ rằng những mục đích trung gian của các đáp ứng sinh lý với stress là nhằm chuẩn bị
  • 19. cho cơ thể thực hiện những hoạt động thể chất. Việc giảm quá trình viêm sẽ giữ cho huyết tương ở lại trong dòng máu, ở đó nó có thể vận chuyển năng lượng và những hoạt chất cần thiết cho phản ứng “chống hoặc chạy”. Việc sản sinh lympho bào và kháng thể cần sử dụng protein mà GC cần đến để chuyển chúng thành glucose để tạo năng lượng. Những “công việc nội trợ” giải quyết các chấn thương và nhiễm trùng được “hy sinh” để giải quyết mối đe dọa trước mắt. Loại hormone quan trọng thứ hai được phóng thích từ vỏ thượng thận là mineralocorticoid (MC). MC có tác dụng trên thận giúp giữ nước và muối cho cơ thể. Việc này làm tăng thể tích máu và tăng huyết áp, vì thế hỗ trợ cho tác dụng của ADH. Tuyến giáp nằm ở cổ, ngay trước thanh quản. Sự phóng thích thyroxin của tuyến giáp được kiểm soát bởi TSH của tuyến yên. Thyroxin làm tăng chuyển hóa và tiêu dùng glucose. Nó cũng làm tăng tiêu dùng oxy trong tế bào. Trong stress, thyroxin được tăng tiết. Sự huy động các nguồn năng lượng sẵn có và gia tăng tiêu dùng các năng lượng ấy giúp cơ thể chuẩn bị các hoạt động ứng phó với stress (Asterita, 1985). Tuyến tụy nằm kế dạ dày. Nó có chức năng như một tuyến nội tiết và tiết ra hai hormone là insulin và glucagon. Sự tiết hai hormone này được chi phối bởi đường huyết. Glucagon kích thích sự phóng thích chất đường dự trữ vào trong máu. Trong stress, sự tiêu dùng quá nhiều đường do hoạt động thể lực sẽ kích thích tiết glucagon để giúp bổ sung nồng độ glucose trong máu, giữ cho cơ thể sẵn sàng hoạt động. Insulin thì có tác dụng ngược lại. Khi đường huyết tăng cao, sự tiết insulin được kích thích, kết quả là làm tăng dự trữ đường ở gan, cơ vân và mô mỡ. Đường huyết giảm do hoạt động trong tình trạng stress sẽ ức chế tiết insulin. Trong khi sự tăng đường huyết do tăng phóng thích E, NE, Thyroxin và GC trong stress thường sẽ kích thích tiết insulin. Kết quả chung là làm tăng đường huyết để nhằm chuẩn bị sẵn năng lượng cần thiết cho cơ thể “chống hoặc chạy” (Asterita, 1985). Nồng độ GC cao cũng ức chế hệ miễn dịch. Trong thực tế, chức năng đích thực của hệ miễn dịch phụ thuộc vào nồng độ bình thường của những hormone khác. Những thay đổi nội tiết kèm theo stress sẽ dẫn đến thay đổi chức năng miễn dịch. Tuyến ức và các mô khác có vai trò trong đáp ứng miễn dịch cũng có thể bị biến đổi bởi hệ thần kinh thực vật. Tác động của stress trên chức năng miễn dịch là rất phức tạp. Cả hai tình trạng tăng và giảm miễn dịch đều đi kèm với stress, tùy theo điều kiện xảy ra stress và tùy theo ta quan sát khía cạnh nào của chức năng miễn dịch. Các đáp ứng sinh lý với stress - Tóm tắt
  • 20. Một hệ thống các đáp ứng phức tạp được quan sát thấy trong stress; kích hoạt giao cảm trong thời gian ngắn, phản ứng trung gian tiết E và NE từ tủy thượng thận, và các biến đổi kéo dài của hệ nội tiết và hệ miễn dịch. Những đáp ứng này có tính bổ sung cho nhau. Chúng chuẩn bị về sinh học giúp đương sự thực hiện những hành động mạnh mẽ, liên tục để ứng phó với các tác nhân gây stress về cả thể chất lẫn tâm lý. Hệ quả sinh lý chính của stress là tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng đông máu, tăng chuyển hóa và tăng hô hấp; giảm các quá trình tiêu hóa, bài tiết và viêm. Trong những điều kiện nhất định, stress cũng có thể ức chế miễn dịch. Vì thế, stress có những tác động mạnh mẽ và rộng rãi. Các đáp ứng sinh lý với stress và những chiến lược ứng phó về nhận thức hành vi Chúng ta đã xem xét các đáp ứng với stress và các chiến lược ứng phó về nhận thức - hành vi như những trạng thái độc lập. Thật ra chúng có liên hệ phụ thuộc lẫn nhau. Đâu là bản chất của mối liên quan này? Có hai lý thuyết để trả lời cho câu hỏi này: một nhấn mạnh vào tính phổ quát (generality); một nhấn mạnh vào tính đặc hiệu(specificity) của các đáp ứng sinh lý. Những người theo quan điểm phổ quát (Selye, 1956; Wolf, 1950) cho rằng tất cả các tác nhân gây stress đều tương đương nhau trong việc tạo ra sự hoạt hóa phổ quát đã được lập trình sẵn về sinh học. Các biến đổi sinh lý vì vậy được xem là giống nhau dưới mọi điều kiện stress và ứng phó với stress. Những người theo quan điểm đặc hiệu cho rằng mức độ và mô hình của các đáp ứng với stress thay đổi tùy theo sự nhận định, tình trạng khuấy động cảm xúc và đáp ứng nhận thức - hành vi của đương sự đối với sự kiện gây stress (Mason, 1975a). Vẫn còn thiếu dữ liệu hỗ trợ một cách chắc chắn cho cả hai giả thuyết. Dường như có một sự khác biệt trong mô hình khuấy động sinh lý tùy theo chiến lược được sử dụng để ứng phó với các tác nhân gây stress. Ví dụ, mô hình đáp ứng khác nhau về tim mạch có liên quan đến kiểu ứng phó chủ động hay thụ động (Obrist, 1976); tránh né hoặc cảnh giác (Lacey, 1978). Những mô hình khác nhau về xuất tiết hormone cũng liên quan đến những cảm giác khước từ hoặc lo lắng (Mason, 1975a); giận dữ hoặc sợ hãi (Ax, 1953). Vì thế, các đáp ứng với stress không có tính chất phổ quát và đồng nhất. Chỉ một phần các đáp ứng được kể đến trong các phần trước có thể thấy được trong bất kỳ một mối tương giao gây stress nào đó. Vài trường hợp, các đáp ứng sinh lý lại được phân chia thành nhiều đáp ứng, cái này có thể thay đổi không kèm theo cái khác; ví dụ, huyết áp có thể tăng, nhưng nhịp tim lại không thay đổi. Các đáp ứng nhận thức - hành vi và đáp ứng sinh lý thường bổ sung cho nhau. Đáp ứng sinh lý có tính tương xứng với các chiến lược ứng phó về nhận thức hành vi được áp dụng. Tư tưởng, hành động và sinh lý của chúng ta có quan hệ
  • 21. qua lại với nhau; bình diện này ảnh hưởng đến bình diện kia. Nếu không thì chúng ta sẽ cố gắng làm một việc này trong lúc cơ thể chúng ta lại được chuẩn bị để làm một việc khác. Trái với lý thuyết hoạt hóa phổ quát,có lẽ không có một mô hình khuấy động sinh lý duy nhất nào xảy ra với mọi sự kiện gây stress, mọi chiến lược ứng phó và mọi đáp ứng cảm xúc, do có một sự linh hoạt giới hạn trong các đáp ứng sinh lý đối với stress(Holroyd, 1979). STRESS - MỘT QUÁ TRÌNH Từ một cách nhìn hệ thống, stress là một đáp ứng tích hợp, đa bình diện (multilevel) của đương sự đối với các kích thích bên trong và bên ngoài. Các bình diện đáp ứng khác nhau có tính phụ thuộc lẫn nhau. Có một khuynh hướng suy nghĩ về stress theo một cách thức “thẳng tắp”: kích thích - cơ thể sống- đáp ứng: Một sự kiện nào đó xảy ra, đương sự nhận thấy sự kiện có tính đe dọa, và kế đó sinh đáp ứng về cảm xúc, hành vi và sinh lý. Mối tương giao khi ấy được hoàn tất. Tuy nhiên, đây không phải là sự thể hiện đúng đắn về một mối tương giao gây stress khi nó xảy ra trong môi trường tự nhiên (Lazarus, Folkman, 1984). Stress được khái niệm hóa tốt hơn như là một quá trình tiếp diễn, hai chiều và lập đi lập lại (Leventhal, Nerenz, 1983). Khi đối đầu với tác nhân gây stress, các đáp ứng sinh lý và sự ứng phó đầu tiên của chúng ta sẽ làm biến đổi sự kiện. Kế đó, chúng ta nhận định lại sự kiện đã bị biến đổi ấy, rồi điều chỉnh lại các đáp ứng sinh lý và ứng phó của chúng ta sao cho phù hợp; rồi đáp ứng này lại làm biến đổi sự kiện, cứ thế tiếp diễn... Việc ứng phó theo kiểu định hướng vấn đề sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến kích thích gốc. Ứng phó kiểu định hướng cảm xúc ảnh hưởng gián tiếp đến “đầu vào” bằng cách thay đổi sự nhận định hoặc phản ứng cảm xúc của đương sự đối với sự kiện. Vì thế, stress và đáp ứng là một quá trình xoay vòng (circular process) trong đó những cố gắng ứng phó làm biến đổi sự kiện theo một vòng cung phản hồi (feedback loop). Để thêm tính phức tạp, chúng ta lại thường ứng phó với nhiều tác nhân gây stress chồng chéo lên nhau bằng những cách thức phức tạp. Tóm lại, stress có thể được xem là một đáp ứng đa bình diện của một con người đối với các kích thích được nhận định là đe dọa hoặc có hại. Đáp ứng này có thể ít nhiều cải thiện được kích thích gây stress. HỆ QUẢ THÍCH NGHI (ADAPTATIONAL OUTCOMES) Quan niệm về stress như một quá trình liên tục, lòng vòng, dẫn đến việc xem xét về những hệ quả thích nghi, hoặc những tác dụng lũy tiến theo thời gian của những cố gắng ứng phó của chúng ta với tác nhân gây stress. Những hệ quả thích nghi có thể được xem như trạng thái sinh học - tâm lý của một người ở một thời
  • 22. điểm nào đó; nó giống như một khuôn hình đứng yên của một cuốn băng video. Hoạt động được ghi trong khuôn hình đó có thể được hiểu dựa trên những gì xảy ra trong một số khuôn hình trước đó (hệ quả thích nghi ngắn hạn) hoặc nhiều khuôn hình trước đó (hệ quả thích nghi dài hạn). Chúng ta có thể lượng giá những hệ quả thích nghi trên các bình diện sinh lý, nhận thức, cảm xúc, hành vi và xã hội. Nói cách khác, sức khỏe thể chất , cảm xúc, sự thỏa mãn, thái độ, năng lực hành vi và các mối quan hệ xã hội của con người là một phần trong kết quả chung của khả năng tương giao giữa họ với môi trường sống. Trước khi bàn đến những hệ quả thích nghi một cách đầy đủ hơn, có hai điểm quan trọng cần nhớ. Thứ nhất, stress không nhất thiết phải có một tác động tiêu cực. Stress còn có thể được xem như một như một động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển tinh thần hăng say và các năng lực thuần thục. Điều này được ẩn chứa trong những ý niệm về sự thử thách (challenge), đối tượng ủy thác (commitment) và sự hỗ trợ xã hội (social support). Những người được bảo vệ tránh stress quá mức có lẽ có nguy cơ cao bởi vì họ không thể phát triển được những kỹ năng ứng phó cần thiết trong đời sống hằng ngày (Murphy, 1979). “Thiếu stress” vì thế cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực (Frankenhaeuser, 1978). Stress có thể dẫn đến những hệ quả tích cực. Giải quyết thành công những đe dọa và thách thức sẽ đưa đến những cảm xúc tích cực, tạo nên những cảm giác về tính hữu dụng của bản thân và sức khỏe thể chất. Thứ hai, các hệ quả thích nghi là kết quả của một số yếu tố đi kèm theo tình trạng stress. Sẽ là sai lầm khi thay thế lý thuyết về mầm mống sinh-y học gây ra bệnh tật bằng quan niệm cho rằng stress làyếu tố duy nhất và quan trọng nhất giúp thích nghi về thể chất và tâm lý - xã hội. Để xử lý stress, mà chỉ tạo nên một lý thuyết về mầm mống tâm lý - xã hội, thì cũng sẽ không hoàn hảo giống như chỉ dựa vào một lý thuyết về sinh-y học vậy. Chúng ta sẽ xem xét những phương thức mà stress có thể ảnh hưởng đến sự thích nghi về sinh lý. Sự thích nghi về sinh lý Từ stress đến bệnh Sự khuấy động sinh lý đi kèm theo stress là một đáp ứng thích nghi, ngắn hạn đối với những kích thích đe dọa hoặc có hại về thể chất. Sự khuấy động sinh lý thúc đẩy đương sự thực hiện những hành động mạnh mẽ để tránh né, trốn thoát, hoặc khắc phục mối đe dọa thể chất ấy. Do những phát triển về văn hóa xã hội trong hàng trăm năm qua, chúng ta đã tương đối ít đương đầu với những mối đe dọa về thể chất. Ngày nay, phần lớn các tác nhân gây stress đều có bản chất tâm lý-xã hội, và vì thế không còn tuân theo các giải pháp “chống hoặc chạy” nữa, tuy nhiên sự hoạt hóa sinh lý (physiological mobilization) vẫn xảy ra. Khi đối đầu với một mối
  • 23. đe dọa về thể chất, sự hoạt hóa này tương đối ngắn. Chúng ta hoặc sẽ giải quyết thành công mối đe dọa này hoặc là sẽ bị giết chết. Nhưng đối với những tác nhân gây stress về tâm lý-xã hội, sự hoạt hóa sẽ xảy ra thường xuyên và trong một thời gian dài. Cái cơ chế thích nghi về sinh học-hành vi khi ứng phó với những đe dọa về thể chất dường như ít có tính thích nghi khi giải quyết các đe dọa về tâm lý-xã hội. Khi tần số, cường độ và thời gian xảy ra sự hoạt hóa sinh lý đi kèm theo stress trở nên quá mức, nó có thể gây nên những tác dụng tai hại (Depue, Monroe, Shachman, 1979). Tần số, cường độ và thời gian diễn ra sự hoạt hóa tùy thuộc vào sự nhận định của đương sự về môi trường sống và những kỹ năng ứng phó của họ. Sự hoạt hóa quá mức có thể xảy ra khi đương sự nhận định sai lầm một sự kiện vô hại thành một sự kiện thật sự đe dọa hoặc có hại, và khi họ không có đủ những kỹ năng và tiềm năng ứng phó hiệu quả với các tác nhân gây stress. Nghiên cứu về tương quan, dịch tễ (Cohen, 1979) và thực nghiệm (Miller, 1980) thấy rằng có một mối liên quan rõ rệt, tuy vừa phải, giữa tần số, cường độ và có lẽ cả thời gian xảy ra stress với sức khỏe. Stress không phải là yếu tố duy nhất quyết định tình trạng sức khỏe. Tương tác của nó với những hành vi liên quan sức khỏe và với các yếu tố môi trường và sinh học sẽ được bàn đến trong những chương khác. Từ bệnh đến stress Stress không chỉ góp phần tạo nên bệnh, mà bệnh và việc điều trị bệnh cũng có thể gây stress. Liên quan này có tính hai chiều. Bệnh và việc trị bệnh cũng khiến đương sự nhận biết mối đe dọa về thể chất, cũng như về tâm lý-xã hội của họ. Bệnh và việc trị bệnh cũng thể hiện những công việc thích nghi trên nhiều bình diện. Stress gây nên do bệnh và việc trị bệnh có thể ảnh hưởng trên diễn tiến và tiên lượng bệnh, và làm cho khả năng lành bệnh thêm phức tạp. Chất lượng của những kỹ thuật chăm sóc sức khỏe hiện có đối với bệnh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi về mặt sinh lý. Tuy nhiên, bệnh và việc trị bệnh thường có tính gây stress và cần đến sự ứng phó định hướng vấn đề và định hướng cảm xúc. Nếu một người bệnh thiếu những kỹ năng ứng phó, thì bệnh và việc trị bệnh có thể sẽ gây nên sự khuấy động sinh lý thường xuyên, nặng nề và kéo dài, mà điều này có thể can thiệp vào khả năng lành bệnh. Quan hệ thầy thuốc và bệnh nhân cũng ảnh hưởng đến sự lành bệnh vì nó đóng vai trò quan trọng trong khả năng của người bệnh ứng phó với stress do bệnh và việc trị bệnh gây ra. Nghiên cứu về tương quan và thực nghiệm cho thấy bệnh nhân được cung cấp thông tin chính xác và cung cấp những chiến lược ứng phó hiệu quả sẽ thích nghi tốt hơn về cảm xúc, hành vi, xã hội và sinh lý (Turk, Meichenbaum, Genest, 1983). Ví dụ,
  • 24. những nghiên cứu về hiệu quả của những trường hợp sinh con được chuẩn bị tốt cho thấy việc cung cấp thông tin, khả năng kiểm soát, tiên đoán và các chiến lược ứng phó cho những bà mẹ tương lai sẽ giúp làm giảm đau, giảm sử dụng các phương pháp vô cảm, tăng sự hợp tác của thai phụ khi lâm bồn, giảm mất máu, giảm các can thiệp sản khoa và giảm thời gian chuyển dạ. Sự huấn luyện như vậy cũng có lợi cho trẻ sơ sinh do tăng cung cấp oxy trong máu thai, chỉ số Apgar cao hơn, giảm bệnh tật và tử vong (Genest, 1981). Các mối liên hệ khác giữa stress và bệnh tật Các đáp ứng dùng để ứng phó với stress cũng có thể được đánh giá dựa trên kết quả của chúng nhằm làm tổn hại hay tăng cường cho sức khỏe. Các hình thức ứng phó với stress thường gặp, như hút thuốc và uống rượu, đưa những chất gây bệnh vào trong cơ thể. Các hình thức khác như thư giãn và tập thể dục lại có tác dụng có lợi. Nếu stress thường xuyên, nặng nề, mạn tính góp phần gây bệnh, liệu những sự kiện và cảm xúc tích cực thường xuyên có thể tăng cường sức khỏe hoặc tạo nên hiệu quả lành bệnh được không? Trong khi có một số bằng chứng lẻ tẻ cho rằng chuyện này có thể đúng, nhưng việc kết luận thì vẫn còn thiếu nhiều dữ liệu. TÓM TẮT Từ mô hình hệ thống, những rối loạn trên một bình diện của hệ thống có thể ảnh hưởng đến những bình diện khác. Mối liên quan giữa stress và sức khỏe cho thấy một hiệu quả như thế. Stress không chỉ gợi lên những ứng phó về cảm xúc và hành vi, mà còn dẫn đến những biến đổi sinh lý. Khi có một sự mất cân bằng liên tục giữa những đòi hỏi đặt ra cho đương sự và khả năng ứng phó của đương sự, các tác động tiêu cực về sinh lý có thể xảy ra. Stress không nhất thiết là tiêu cực và chắc chắn không phải là yếu tố quyết định sức khỏe duy nhất (hoặc quan trọng nhất). Stress không thể tránh được. Nó là sản phẩm của mối tương giao giữa một cá thể với môi trường sống. Nó là phần tàng ẩn trong một hệ thống mở. Stress thậm chí còn có tính khích lệ và tạo nên sự tăng trưởng. Tuy nhiên, khi stress vượt quá tiềm năng ứng phó của chúng ta, nó có thể gây ra những tác động tai hại. Sức khỏe của con người được xác định một cách phức tạp. Nó bị ảnh hưởng thông qua các cơ chế tâm sinh lý gián tiếp mà ta gọi là STRESS. Nó cũng chịu ảnh hưởng bởi các hành vi giúp tăng cường sức khỏe hoặc gây tác hại cho sức khỏe, bởi các hành động và quyết định nhằm đáp ứng với bệnh tật và việc điều trị bệnh. Các thông số tâm lý vì thế cũng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe.