SlideShare ist ein Scribd-Unternehmen logo
1 von 236
Downloaden Sie, um offline zu lesen
Kinh Thánh Phán Với Bạn
Tác giả: Robert Mc Afee Brown
Lời Mở Đầu
Lời Tri Ân
Vài điều về Quyển Kinh Thánh
1. Tìm Thấy Phương Hướng
2. Những Sự kiện và Những Con số.
Đề tài của Kinh Thánh
3. Đặt Câu Hỏi Thích đáng.
4. Đức Chúa Trời, Sáng Thế Ký và Gia phả.
5. Hai Mặt Của Một Đồng Tiền - Và Một Lời Tóm Tắt.
6. Lời Tuyên Bố Và Những Thách Thức.
7. Tính Chất Bất Ngờ Của Phúc Âm.
8. Một Kẻ Khủng Bố Được Biến Đổi
9. Khi Đức Chúa Trời “Liều Mình.”
10. Chỗ Đồi Sọ.
11. Một Sự Đe Dọa.
12. Đối Đầu Với Những Sự Thật Xấu Xa.
Kinh Thánh Được Viết Cho Ai?
13. Về mặt nầy... Về mặt khác.
14. Một Công Tác Tái Tạo Toàn Diện.
15. “Nhưng Nhất Định Bạn Không Đến Nhà Thờ!”
Những Chân Trời Mới Trong Kinh Thánh
16. Một Thế Giới Mới Kỳ Diệu.
17. Sự Thật Về Sống và Chết.
Lối Suy Nghĩ Theo Kinh Thánh Về Các Nan Đề Ngày Nay
18. Giai Điệu và Các Biến Tấu
19. Khảo Sát Chiều Hướng Xã Hội Hoặc Tập Thể Trong Đạo Đức Luận Của
Kinh Thánh, Cùng Bác Bỏ Đường Lối Duy Luật Pháp Hay “Tinh Thần
Pharisi,” Là Vấn Đề Được Nói Đến Trong Phần Luận Giải Đức Tin Tân
Ước về “Sự Tự do của Cơ Đốc Nhân”
20. Những Sự Dạy Dỗ Không Đơn Giản Của Chúa Jêsus-Cùng Lời Chú
Thích về Phaolô. 21. Trở Nên Hết Sức Cụ Thể
22. Kinh Thánh và Bầu Cử
23. Kinh Thánh Và Súng Đạn.
Phần kết Luận
24. Bí Mật và Ý nghĩa
Lời Mở Đầu
“Một cuốn sách nói về Kinh Thánh” có thể là một cái bẫy và là một sự lừa
dối. Người ta có thể nghĩ rằng nếu đã đọc “một cuốn sách nói về Kinh
Thánh” thì không cần phải đọc Kinh Thánh nữa. Thật ra, quyển sách nầy
cũng giống như giúp bạn đọc về vị tổng thống của Hoa Kỳ (hoặc nhà quán
quân của Liên Đoàn Quốc Gia) để biết về tổng thống trước khi bạn thật sự
gặp ông. Những cuốn sách nói về Kinh Thánh giúp bạn biết Kinh Thánh một
cách gián tiếp. Mục tiêu duy nhất của những quyển sách đó là thúc đẩy bạn
tìm đến với Kinh Thánh, giục bạn cầm Kinh Thánh lên và đọc. Những quyển
sách này cũng giúp bạn những thông tin và hiểu biết cần thiết để khi thật sự
đọc Kinh Thánh, bạn sẽ không bỏ cuộc ngay từ đầu vì cảm thấy chới với
trong các câu “người nầy sanh ra người kia” cứ lập đi lập lại.
Như chúng ta sẽ thấy trong các trang kế tiếp, Kinh Thánh không phải “chỉ là
một cuốn sách như bao nhiêu quyển sách khác” có nhiều thông tin thú vị về
Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chính là quyển sách cho người ta thấy Đức
Chúa Trời “sống động,” bày tỏ đường lối Ngài cho con người và truyền dạy
họ làm những điều liên quan đến Ngài. Ngài không phải là một Đức Chúa
Trời “vô hại” hay “dễ bảo,” ngự trị an toàn sau các chắn song của thiên đàng
xa xôi. Ngài có phương cách tỏ mình gây khó chịu nhất, ít ra là khi chúng ta
cần Ngài; để đối mặt với chúng ta trong những cách lạ lùng nhất. Ngài
thường hóa ra lại rất khác so với loại Thượng Đế mà chúng ta tự nghĩ ra.
Chúng ta phải chuẩn bị cho những điều ngạc nhiên và những tin tức bất ngờ.
Nếu đã được chuẩn bị cho những sự ngạc nhiên, bạn sẽ thấy tin bất ngờ nầy
xuất hiện ở khắp mọi nơi, và khi bạn trở lại với các sách khác uyên thâm hơn
quyển sách nầy để có thêm các thông tin ( sách chú giải và những sách thuộc
loại đó), cuối cùng bạn sẽ phải quay lại với chính Kinh Thánh và để Kinh
Thánh phán với mình, như Kinh Thánh cũng từng phán với nhiều người
trước bạn. Nếu bạn làm như vậy, có thể Đức Chúa Trời không còn chỉ là một
“ý tưởng,” mà Ngài sẽ trở thành một thực hữu đối với bạn. Bởi vì bạn sẽ tìm
gặp Ngài chính ở chỗ Ngài vẫn luôn tìm kiếm bạn từ đầu.
Lời Tri Ân
Rất nhiều người đã giúp tôi thực hiện cuốn sách nầy. Dù có nguy cơ bỏ sót
nhiều người, tôi vẫn phải nhắc đến một số người. Cuốn sách nầy có thể sẽ
không bao giờ được bắt đầu nếu không có sự sẵn lòng của Tiến sĩ Charles J.
Turck, Hiệu trưởng trường Cao Đẳng Macalester, đã làm nhẹ đi gánh nặng
dạy dỗ của tôi tại đó trong một quý để tôi có được nhiều thời gian hơn biên
soạn cuốn sách nầy. Không phải tất cả các hiệu trưởng Cao Đẳng đều có sự
cảm thông hiểu biết như vậy. Ngoài ra tôi cũng đã lấy nhiều ý tưởng từ các
sách vở khác, và mặc dầu tôi không hình dung người nào có thể tránh được
điều đó, một số trong những ý tưởng mà tôi đã sử dụng rõ ràng là lệ thuộc
vào những sáng tạo của người khác mà tôi phải tri ân. Câu chuyện “The man
from Mars” trong Chương VI được chuyển thể từ Campus Gods on Trial của
Chad Walsh (The Macmillan Company), và câu chuyện Hội Thánh Đầu tiên
tại San Francisco trong Chương 15 được chuyển thể từ cuốn The Shape of
the Liturgy của Dix.(The Dacre Press) Những ví sánh về chiếc đĩa hát và ô
kính cửa sổ trong Chương 3 có nguồn gốc từ các tác phẩm của Emil
Brunner. Có nhiều “vay mượn” khác nữa, nhưng phần kể trên là rõ nhất.
Cũng xin ghi nhận rằng tôi đã nhận được sự giúp đỡ không kể xiết từ các
chủ bút của Ban Chấp Hành Hội Trưởng Lão Ngành Giáo Dục Cơ Đốc và
Nhà Xuất Bản Westminster. Nếu vẫn còn có những cụm từ tẻ nhạt và những
câu văn khó hiểu trong các trang tiếp theo đây, điều đó không phải lỗi của
họ, mức độ hoàn thành của họ trên hai bản thảo đầu tiên cũng đã tuyệt vời
một cách lạ lùng rồi.
Điều nầy đúng đối với tôi (nói theo một ẩn dụ mà tôi đã thấy được quy gán
một cách khác nhau cho Coleridge, Newton, Herbert, và Perrault) nếu tôi
thấy được bất cứ khải tượng nào ở chân trời thuộc linh, đó là vì tôi đã được
mang trên vai của những người khổng lồ. Nhưng, điều này cũng đúng nữa,
nếu khải tượng bị che mờ và khó phân biệt, là do tôi đã bị buộc phải xem
cảnh đẹp bằng chính cặp mắt của mình thay vì của họ.
Robert Mc AFee Brown
Chương 1: Tìm Thấy Phương Hướng
(Kinh Thánh Là Gì? )
HỌC VIÊN (càng lúc càng quyết liệt ): Nhưng tại sao tôi lại phải bận tâm
với một quyển sách đã được viết ra hàng ngàn năm trước cơ chứ! Tôi chỉ
quan tâm đến những gì đang xảy ra hiện bây giờ! Việc người ta giải quyết
nan đề của họ vào năm 700 T.C. thì có tạo được khác biệt gì cho tôi cơ chứ!
Tôi đã có những vấn đề phải giải quyết ngay bây giờ rồi. Còn bận tâm đến
việc đọc Kinh Thánh làm gì?
GIÁO VIÊN TRƯỜNG CHÚA NHẬT ( rõ ràng đã không chuẩn bị cho loại
sự việc nầy ): Thôi được...
Đó là một câu hỏi có lý. Đó cũng là một câu hỏi gay go. Không câu trả lời
mang tính lý thuyết suông nào có thể giải đáp được. Và nếu có thì nó phải
xuất phát từ đời sống và tình huống của con người ngày nay. Dưới đây là
một câu trả lời (và là một câu trả lời đúng) có thể cho chúng ta một sự trợ
giúp nào đó. Chúng ta sẽ gọi đó là
Sự Phục Sinh Giữa Thái Bình Dương
Một tàu chiến mang theo 1500 lính thủy đánh bộ, là những người được đưa
từ Nhật Bản trở về Hoa Kỳ để giải ngũ. Vào ngày thứ hai, một nhóm nhỏ
trong số họ đến gặp vị mục sư tuyên úy và trước sự ngạc nhiên hết sức của
ông ta, xin ông hướng dẫn họ học Kinh Thánh mỗi buổi sáng. Nén sự kinh
ngạc của mình, vị mục sư tuyên úy đón lấy cơ hội.
Gần cuối hải trình, nhóm người nầy đang học đến Giăng đoạn 11, là đoạn
thuật chuyện sự sống lại của Laxarơ. Vị tuyên úy gợi ý rằng sự kiện này đã
làm sống động điều Chúa Jêsus phán trong trường hợp đó: “Ta là sự sống lại
và sự sống; kẻ nào tin Ta thì sẽ sống mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống và tin
Ta thì không hề chết.” Điều quan trọng hơn cả sự sống lại của một tử thi vào
năm 30 S.C chính là vấn đề lời tuyên bố của Chúa Jêsus có đúng vào năm
1946 S.C. (hoàn cảnh lúc ấy) hay không.
Ông kể cho họ câu chuyện của Raskolnikov, người đàn ông trong tác phẩm
Crime and Punishment của Dostoevsky, là người tự hủy hoại chính mình
bằng hành động giết một người khác, nhưng ông ta thật sự đã được hồi sinh
khi được nghe những lời này của Chúa Jêsus.
Mọi người thảo luận chút ít. Một vài câu hỏi được đưa ra. Nhưng nói chung
thì không có gì cho vị tuyên úy thấy rằng ông đã trình bày quan điểm của
mình hiệu quả lắm.
Khi cuộc thảo luận kết thúc, một lính thủy mang cấp bậc hạ sĩ theo vị tuyên
úy vào phòng. Sau một vài lời mở đầu lúng túng, anh đi thẳng vào vấn đề.
Anh nói: “Thưa mục sư, tôi cảm thấy như thể mọi sự chúng ta đọc buổi sáng
hôm nay nhằm thẳng vào tôi. Tôi đã sống trong địa ngục trong suốt sáu
tháng qua, và lần đầu tiên tôi cảm thấy được giải phóng.”
Trong khi anh ta kể, câu chuyện trở nên rõ ràng. Vừa xong trung học anh
được gọi vào quân ngũ. Anh đã trải qua thời gian dài trong các lực lượng
đóng quân tại Nhật bản. Anh ngày càng chán chường. Cuối cùng một buổi
tối nọ anh đã đi chơi với một số bạn bè và vướng phải rắc rối. Một rắc rối
nghiêm trọng. May mắn thay (anh nghĩ như vậy) không ai biết chuyện đó.
Nhưng chính anh biết rõ. Anh biết chắc rằng Đức Chúa Trời cũng biết. Anh
cảm thấy mặc cảm tội lỗi, tội lỗi khủng khiếp. Mỗi ngày khi chiếc tàu càng
gần đến San Fransisco, thì cảm nhận ấy lại gia tăng, rằng anh đã hủy hoại
cuộc sống của mình và sẽ không bao giờ có thể đối mặt với gia đình khi trở
về nhà.
Dầu vậy, đó vẫn chưa phải là kết thúc. Anh cứ tiếp tục lập đi lập lại ý tưởng
này nhiều lần: “Mãi cho đến trước ngày hôm nay, thưa mục sư tôi vẫn là một
kẻ chết. Tôi cảm thấy bị chính mình, bị gia đình tôi (nếu họ biết), và bị Đức
Chúa Trời lên án hoàn toàn. Tôi đã chết , nhưng bây giờ, sau khi đọc câu
chuyện của Chúa Jêsus và Laxarơ, tôi biết mình đã được sống lại. Sự tha thứ
của Đức Chúa Trời có thể vươn đến, thậm chí với tôi. Rốt lại, Chúa Jêsus
phục sinh đang nói về một điều thực hữu, ngay lúc nầy.”
Khi viên hạ sĩ rời phòng, rõ ràng là anh vẫn còn rất nhiều nan đề phải trang
trải, và sự việc không tự động trở nên dễ dàng trong “đời sống mới,” nhưng
khi vị tuyên úy dõi mắt nhìn anh ta bước đi, ông ta biết rằng vào ngày hôm
ấy, trên chiếc tàu ấy, ở giữa Thái Bình Dương, phép lạ về sự phục sinh đã
xảy ra. Hoàn toàn rõ ràng, lời của Chúa Jêsus là đúng: “Người nào tin Ta thì
sẽ sống mặc dầu đã chết.”
Điều Gì Đã Xảy Ra?
Bây giờ chúng ta hãy đối diện với điều đó. Xét theo bề ngoài thì đối với một
người lính thủy bị dày vò trong linh hồn đang ngồi trên đống dây thừng trên
chiếc tàu chiến, dường như câu chuyện người chết sống lại vào thế kỷ thứ
nhất hoàn toàn chẳng liên quan gì đến anh. Nhưng vì một lý do lạ lùng nào
đó, câu chuyện không phải không có liên quan. Câu chuyện như thế nào mà
sau khi đọc nó người lính thủy có thể nói rằng anh đã chết mà nay được
sống? Điều xảy ra chính là chân lý sống trong câu chuyện đã trở nên chân lý
sống cho chính anh . Đó không phải là một câu chuyện xưa cổ trong lịch sử,
mà đó chính là câu chuyện của anh . Một lời ký thuật về chính tình trạng của
anh ta . Sứ điệp của sự sống mới đã vượt qua các trang giấy và đến được với
anh, nắm lấy anh, và đã biến đổi anh. Kinh Thánh không chỉ tuyên bố điều
gì đó đã xảy ra vào thế kỷ thứ nhất mà Kinh Thánh còn tuyên bố điều đang
xảy ra trong thế kỷ thứ hai mươi.
Giả sử như, và đây cũng là điều hoàn toàn có khả năng, vị tuyên úy đã bỏ sót
“vấn đề quan trọng” trong câu chuyện của Laxarơ (và tôi biết rõ khả năng
nầy lắm bởi vì tôi đã từng là một mục sư tuyên úy), dầu vậy quyền năng của
sứ điệp Kinh Thánh “đã xuyên thấu” vào người lính thủy nầy, bằng sứ điệp
chữa lành và ban sự sống mới của Kinh Thánh.
Đây không phải là một trường hợp đơn lẻ. Những chuyện như vậy đã xảy ra
cho con người kể từ khi Kinh Thánh được viết ra. Sự thật là khi người ta tự
cởi mở chính mình trước sứ điệp của Thánh Kinh, sự việc bắt đầu xảy ra.
• Con người hành động một cách dạn dĩ.
• Nhiều cuộc đời được biến đổi.
• Những kẻ nhút nhát trở nên can đảm
• Một Hội Thánh chết trở nên sống động trở lại
Chúng ta hãy chọn bừa ba tên tuổi trong lịch sử Hội Thánh: Thánh
Augustine, nhà kiến trúc của tư tưởng Cơ đốc Tây phương; Martin Luther,
người đi đầu trong số những nhà Cải chánh Tin lành vĩ đại; và John Wesley,
nhà sáng lập điều ngày nay chúng ta gọi là Hội Giám lý. Mỗi người trong số
ba nhân vật nầy đều đã đến chỗ trưởng thành trong đức tin Cơ Đốc bằng con
đường khó khăn. Không có sự chuyển tiếp dễ dàng từ “ tôn giáo thời thơ ấu”
hay bất cứ điều gì tương tự như vậy đối với họ, mà đó là một cuộc chiến gay
go, gian khổ. Đối với mỗi người, chính sự tiếp xúc với sứ điệp sống của
Kinh Thánh cuối cùng là nhân tố quyết định khiến họ ủng hộ Kinh Thánh.
Điều tương tự cũng đang xảy ra ngày nay. Không những chỉ khuấy động
những người lính thủy, mà cả đến những người nam người nữ ở khắp mọi
nơi. Thật vậy, điều có ý nghĩa nhất trong hai mươi lăm năm qua về sự sống
của Hội Thánh Tin lành chúng ta là điều có thể được gọi là “việc tái khám
phá Kinh Thánh.” Người ta đang nhận ra rằng Kinh Thánh không phải là
một cuốn sách lỗi thời, nhưng nó thức thời một cách đáng ngạc nhiên, và khi
họ trở lại với Kinh Thánh, Kinh Thánh ngày càng soi rọi ánh sáng tươi mới
trên những hoàn cảnh của chính họ vào các năm 1946, hoặc 1955, hoặc
1964.
Kinh Thánh Là Gì?
Nếu đúng như vậy, thì có một vấn đề xác thực cần phải được nêu lên một lần
nữa: “Như vậy Kinh Thánh là gì? Vì sao Kinh Thánh tiếp tục có được thứ
ảnh hưởng mạnh mẽ như vậy? Vì sao người ta tiếp tục được biến đổi bởi
Kinh Thánh?” Chúng ta hãy tìm hiểu xem.
Nếu bạn được trao cho một cuốn Kinh Thánh lần đầu tiên trong đời, và có
vài giờ để ghi xuống một số những cảm tưởng, thì có thể bạn sẽ kết thúc với
một bảng danh sách như sau:
Một quyển sách QUÁ dài
hai phần chính (Cựu ước và Tân ước - những thuật ngữ ấy có nghĩa gì?)
thật ra, Kinh Thánh không phải chỉ là một quyển sách mà gồm nhiều sách
(66 quyển) một số rất dài, một số khác chưa đến một trang.
• thuộc đủ loại:
• lịch sử.
• chuyện ngắn
• kịch
• thơ ca trữ tình
• triết lý
• các điều luật
• các bức thư chân tình
• một số điều làm tôi bị lúng túng hoàn toàn
• dường như chủ yếu viết về người Do Thái và về sau viết về một người
trong số họ một cách đặc biệt (nhân vật Giêxu).
• Nếu bạn đi thêm một chút xíu nữa vào trong lịch sử của bản thân Kinh
Thánh bạn sẽ kết luận với một vài sự kiện nữa:
• sách đã được viết ra cách đây rất lâu - khoảng 1000 năm
• phần đầu được viết bằng tiếng Hybá, phần thứ hai bằng tiếng Hylạp, một ít
tiếng Aram (là ngôn ngữ gì?)
• kể từ đó nhiều phần trong Kinh Thánh đã được dịch ra trên 1000 THỨ
TIẾNG!!
• Bản dịch mới nhất (sang tiếng Anh) được gọi là “cuộc mạo hiểm xuất bản
lớn nhất trong lịch sử.”
Tất nhiên, những thông tin trên không bắt đầu trả lời cho câu hỏi: Kinh
Thánh là gì? Nhưng nếu bạn cứ tiếp tục xem xét các thông tin đó, cuối cùng
bạn sẽ đưa ra một điều gì đó như một vài đoạn tiếp theo sau đây.
Sẽ là không đủ khi bảo rằng Kinh Thánh là lời ký thuật việc con người tìm
kiếm Đức Chúa Trời , một lời tường thuật về cuộc tìm kiếm khổ sở, chậm
chạp, tiến dần từ những sự bắt đầu sơ khai đến chủ nghĩa độc thần (niềm tin
nơi một Đức Chúa Trời )phát triển cao. Thật vậy, có nhiều ví dụ về sự phát
triển khái niệm về Đức Chúa Trời khi nó trở nên thuần khiết và cao quý
trong quá trình lịch sự của người Do thái. Nhưng là một phương tiện để hiểu
biết Kinh Thánh, thì điều đó chưa đủ. Bảo rằng Kinh Thánh là lời ký thuật
của việc Đức Chúa Trời tìm kiếm loài người thì gần với sự thật hơn. Xuyên
suốt Kinh Thánh, con người dường như lúc nào cũng có khuynh hướng trốn
tránh Đức Chúa Trời. Mặc dầu vậy, Đức Chúa Trời tiếp tục tìm kiếm những
con người đó, không chịu bỏ cuộc, tiếp tục đeo đuổi bất chấp vô số những sự
từ chối và né tránh.
Kinh Thánh có tất cả sự thú vị và hồi hộp của một câu chuyện trinh thám,
trong đó viên thám tử không ngơi ngớt rượt đuổi kẻ tội phạm từ chương nầy
sang chương khác. Cùng một loại đeo đuổi không khoan nhượng ấy chi phối
lời giải thích mà người Do thái đã trình bày với quá khứ lịch sử của họ trong
Cựu ước. Cuộc tìm kiếm kết thúc trong Tân ước, nơi có lời tuyên bố rằng
Đức Chúa Trời, vì quá mong muốn có được mối tương giao với con người
đến đỗi không những đã sai các sứ thần, những vị khâm sai hay các tiên tri
hoặc những người đại diện - mà qua Chúa Cứu Thế Jêsus, chính Ngài đã
đến! Đây chính là lời tuyên bố gây kinh ngạc hơn hết đã từng được phán ra.
Đây chính là tuyên bố lạ lùng nhất từng được công bố. Nếu như có một tin
tức bất ngờ nào, thì đó chính là Tin lành.
Dầu vậy thậm chí còn có nhiều điều lớn lao như thế nữa. Kinh Thánh không
những cho biết Đức Chúa Trời đã tìm kiếm dân Ngài trong quá khứ; mà
Kinh Thánh còn là một phương tiện để Ngài tìm kiếm chúng ta ngày nay .
Kinh Thánh không chỉ là quá khứ tẻ nhạt; mà nó còn là hiện tại sống động.
Ta không thể đọc Kinh Thánh mà không ý thức mình tham dự vào. Bởi vì
những kinh nghiệm của các nhân vật trong Kinh Thánh chính là kinh nghiệm
của chúng ta. Họ đặt những câu hỏi:
• Nếu con người chết đi, liệu có sống lại không? (Giop G 14:4).
• Bạn nghĩ gì về Chúa Cứu Thế? (Mat Mt 22:42).
• Lạy Chúa, Ngài là ai? (Cong Cv 9:5).
• Lạy Chúa, tôi phải làm gì? (22:10).
• Vì sao con đường của kẻ ác được thạnh vượng? (Gie Gr 12:1).
• Hỡi linh hồn ta, cớ sao ngươi sờn ngã? (Thi Tv 42:5).
• Và chúng ta cũng đặt những câu hỏi tương tự, dù cách dùng từ hơi khác:
• Điều gì xảy đến cho tôi khi qua đời?
• Liệu Chúa Jêsus có thật sự vĩ đại hơn những con người vĩ đại không?
• Đức Chúa Trời là ai?
• Niềm tin nơi Đức Chúa Trời sẽ tạo ra điều gì khác biệt?
• Mấu chốt của việc “sống tốt” là gì?
• Vì sao cuộc sống đôi khi dường như phù phiếm khủng khiếp?
Tới mức độ đã thật sự đặt những câu hỏi trên (phải có can đảm để nêu những
câu hỏi ấy một cách thành thật), chúng ta phát hiện mình có liên quan đến
việc đặt và trả lời những điều có trong Kinh Thánh. Hãy nhớ rằng chúng ta
sẽ không tìm thấy những câu trả lời có sẵn trên chiếc đĩa bạc, các câu trả lời
cũng không được ban cho các nhân vật trong Kinh Thánh trên một chiếc đĩa
bạc. Những câu trả lời họ có đã được nhấn mạnh cho họ qua “ máu, sự lao
khổ, nước mắt và mồ hôi” của một lịch sử đau buồn. Những câu trả lời đó đã
không ra từ nghiên cứu của một nhà triết học, hay thậm chí từ một lớp học
Trường Chúa Nhật. Chúng nổi lên từ những gian khổ và mất mát của cuộc
sống, và chính trong những gian khổ và mất mát đó chúng ta khám phá sự
giải đáp của Kinh Thánh xác thực như thế nào.
Nhưng không phải chỉ qua các câu hỏi và trả lời mà chúng ta thấy Đức Chúa
Trời tìm kiếm chúng ta trong Kinh Thánh. Không những các mạng lệnh và
lời hứa của Chúa đã được đem đến gần chúng ta, mà chính mình Đức Chúa
Trời “trở nên sống động,” và phán với chúng ta khi chúng ta đọc Kinh
Thánh nghiêm túc. Chính vì lý do đó mà các Cơ Đốc Nhân gọi Kinh Thánh
là “Lời của Đức Chúa Trời.” Điều nầy không có nghĩa những “lời” của Đức
Chúa Trời được ghi lại trong Kinh Thánh như thể có ai đó đã có một chiếc
máy thâu băng siêu phàm và rồi đã sao chép lại sứ điệp ấy ra trên giấy. Bởi
vì, như chúng ta sẽ thấy Đức Chúa Trời “phán” với con người, không nhiều
qua những lời tuyên bố cho bằng qua hoạt động sáng tạo của Ngài ngay nơi
con người đang ở. Sự mặc khải siêu nhiên của “Lời” Ngài, là quyền phép
sáng tạo của Ngài, chính là “sự kiện” Chúa Cứu Thế Jêsus, qua đời sống, sự
chết, và sự phục sinh của Ngài - “Ngôi lời đã trở nên xác thịt,” như sách
Phúc âm Thứ Tư đã chép. Và rồi, Kinh Thánh cho chúng ta biết những thời
điểm Đức Chúa Trời hành động trên đời sống của con người, khi chúng ta
đọc Kinh Thánh, là tạo khả năng Chúa có thể phán trực tiếp với chúng ta qua
các sự kiện và hành động ấy. “Kinh Thánh là một bức thư đặc biệt được gởi
với tên và địa chỉ của bạn trên đó” là một cách mô tả Kinh Thánh. Vì vậy
Kinh Thánh hơn cả một lời ký thuật; là một tiếng gọi, một lời mời gọi, một
sứ điệp khẩn cấp dành cho chúng ta.
Việc Sử Dụng Kinh Thánh
Nếu đúng như vậy, thì bây giờ có một câu hỏi hàng đầu cần phải được nêu
lên: Tôi có thể sử dụng Kinh Thánh bằng cách nào ngõ hầu Kinh Thánh sẽ
phán với tôi theo cách ấy? Chúng ta hãy xem xét một số phương cách qua đó
các Cơ Đốc Nhân đã thử để trả lời cho câu hỏi nầy.
1. Một phương pháp mà người ta đã sử dụng từ rất sớm, đặc biệt với những
câu Kinh Thánh khó, đó là giải thích Kinh Thánh bằng ngụ ngôn . Ngụ ngôn
là một câu chuyện có những ý nghĩa ẩn tàng không xuất hiện ở bề mặt. Ví dụ
nếu tôi viết: “con gấu trúc mắc một cái dằm trong móng vuốt của nó cho đến
khi đến được bờ sông,” đây có thể là cách nói ngụ ngôn của tôi hàm ý rằng
Cơ Đốc Nhân (gấu trúc) dính líu vào trong tội lỗi (cái dằm) cho đến khi
người ấy được báp tem (bờ sông), và tôi có lẽ đang cố gắng một cách
nghiêm túc để viết về niềm tin Cơ Đốc bằng hình thức chuyện ngụ ngôn về
loài vật.
Nhiều người trong số các Giáo phụ của Hội Thánh Đầu Tiên đã giải thích
các đoạn Kinh Thánh bằng cách nầy. Hãy lấy ví dụ của Chúa Jêsus về câu
chuyện người Samari Nhơn lành, minh họa điều hàm ý một người lân cận tốt
là thế nào ( xem LuLc 10:25-37 nếu bạn đã quên diễn tiến của câu chuyện).
Thánh Augustine đã dựng nên một ngụ ngôn từ câu chuyện nầy, sau khi cho
mỗi chi tiết một ẩn ý. “Có một người” chính là Ađam. Giêrusalem là thành
của thiên đàng. Những kẻ cướp là ma quỷ và các quỷ sứ nó. Người Samari là
Chúa Jêsus. Quán trọ là Hội Thánh. Chủ quán là sứ đồ Phaolô. Và vân vân.
Câu chuyện về người Samari Nhơn lành đã được biến đổi từ một câu chuyện
về lòng tử tế thật thành một chuyện ngụ ngôn của kịch nghệ Cơ Đốc về sự
cứu rỗi.
Bởi vì ngôn ngữ tôn giáo luôn phải tận dụng lối nói hình tượng, phương
pháp giải thích bằng ngụ ngôn đôi khi rất hữu ích. Sự nguy hiểm ở chỗ một
người không phải là học giả và chuyên gia có thể “bóp méo” một câu
chuyện để nói lên điều mình muốn, như vậy không những ý nghĩa thực sự
của câu chuyện có thể bị đánh mất, mà những ý nghĩa sai trật hoàn toàn có
thể bị “hiểu”.
2. Tương phản hoàn toàn với phương pháp ngụ ngôn là quan điểm Kinh
Thánh phải được diễn dịch theo nghĩa đen , kèm thêm tuyên bố từng lời đã
được hà hơi trực tiếp, nên mọi lời đều có lợi ích và giá trị ngang bằng nhau.
Phương pháp giải thích Kinh Thánh này mới hơn phương pháp ngụ ngôn rất
nhiều. Ví dụ, Luther, nhà Cải chánh Tin lành đầu tiên, phân biệt rõ ràng giữa
các sách khác nhau của Kinh Thánh, đã gọi sách Giacơ là một “thơ tín ít giá
trị,” và bảo rằng ông thấy có ít giá trị niềm tin trong sách Khảihuyền. Nhận
định của ông đúng hay không tạm thời không quan trọng cho bằng ông cảm
thấy tự do để đưa ra những nhận xét đó. Nhưng những nhà Cải chánh về sau,
đã tiếp tục cùng với Luther để bác bỏ thẩm quyền tuyệt đối của giáo hoàng
và quay sang đặt niềm tin nơi thẩm quyền tuyệt đối của Thánh Kinh ngày
càng nhiều hơn, giải thích rằng là Cơ Đốc Nhân nghĩa là người tin lời Kinh
Thánh, những lời tuyên bố chứa đựng bên trong hai bìa của sách, đúng theo
nghĩa đen trong mọi chi tiết. Điều nầy nẩy sinh nan đề ra sao?
Vì một điều, thật sự là ngôn ngữ tôn giáo cần phải dùng đến chủ nghĩa biểu
tượng, sự tượng hình, và cách mô tả có chất thơ trong những trường hợp
nhất định, việc sử dụng ngôn ngữ như vậy đánh mất ý nghĩa tôn giáo nếu xét
theo nghĩa đen. Ví dụ khi Chúa Jêsus bảo chúng ta hãy trở nên như con trẻ,
không có nghĩa Ngài hàm ý chúng ta phải mang tã.
Có một khó khăn về đạo lý trong quan niệm mà“những người giải thích theo
nghĩa đen” đôi khi tán thành, cho rằng tất cả các phần trong Kinh Thánh đều
đúng và được thần cảm như nhau. Có - hoặc phải có - một sự khác biệt rõ
ràng giữa thái độ của Thi Tv 127:1-5 đối với kẻ thù: “Phước cho người bắt
con nhỏ ngươi, đem chà nát chúng nó nơi hòn đá!” (câu 9) với thái độ của
Chúa Jêsus với kẻ thù của Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ không biết
điều mình làm” (LuLc 23:34). Hai câu ấy rõ ràng không cùng một mức độ
giá trị thuộc linh như nhau. Đặt mọi câu Kinh Thánh trên cùng một mức
quan trọng như nhau là đưa chính mình vào chỗ khó khăn giống như người
mở Kinh Thánh hú họa để tìm lời khuyên trong lúc gặp khó khăn, và chuốc
lấy họa khi tưởng được soi sáng bằng những lời nầy: “Giuđa đi ra và treo
cổ.” Chưa thỏa mãn với lời an ủi lạnh lùng ấy, anh ta thử lại một lần nữa, lần
nầy anh mở ra trúng chỗ: “Hãy đi và làm y như vậy.”
Kinh Thánh không phải là một bộ sưu tập cố định gồm những câu trả lời có
bằng chứng giáo khoa, được sử dụng theo kiểu đó. Hiểu như vậy, sẽ thấy
thật khó khăn khi tiếp cận Kinh Thánh như một loạt các lời tuyên bố mà mỗi
lời đều đúng theo nghĩa đen và có giá trị bằng nhau. Vấn đề là Đức Chúa
Trời của Kinh Thánh có thực sự chọn cách nầy để mặc khải chính mình Ngài
hay không. Dầu còn đeo đuổi vấn đề nầy trong chương kế tiếp, chúng ta vẫn
lập lại một lần nữa điều đã được nói, đó là qua Kinh Thánh, chúng ta thấy
Đức Chúa Trời không mặc khải chính mình Ngài qua các lời tuyên bố nhiều
cho bằng qua các sự kiện, các nhân vật, và các hành động. Nói cách khác,
Ngài là một Đức Chúa Trời có thân vị, ra sức bước vào mối tương giao cá
nhân với con cái Ngài. Chúng ta không thể bước vào mối tương giao cá nhân
với một cuốn sách phi thân vị nhưng chúng ta có thể bước vào mối tương
giao cá nhân với một con người, với Chúa Cứu Thế Jêsus. Và vì vậy, chính
về nhân vật đó mà sách nầy được viết ra, chứ không phải vì bản thân quyển
sách, Ngài là chủ thể và đối tượng của đức tin chúng ta. Những người Tin
lành tin chắc nơi “thẩm quyền của Kinh Thánh,” bởi vì Kinh Thánh đưa họ
mặt đối mặt với Chúa Cứu Thế Jêsus. Đức Chúa Trời đã đối diện họ bằng
một thân vị sống, không phải chỉ qua những thông tin về những nhân vật đó.
Điều nầy phần nào cũng giống như một bức thư của một người bạn. Bạn
không quý trọng bức thư nhiều vì những cụm từ hoặc văn phong của nó cho
bằng vì nó đưa người ấy đến gần bạn hơn và giúp bạn hiểu rõ người ấy hơn.
Sự hiện diện liên tục của lá thư có lẽ cũng tốt, nhưng đó là một sự thay thế
khá tồi so với sự hiện diện liên tục của người bạn. (Bất cứ ai đã từng yêu thì
sẽ hiểu điều nầy.) Luther đã làm rõ điểm nầy - nếu chúng ta có thể thay đổi ý
tưởng của mình hơi đột ngột - khi ông nói: “Kinh Thánh là chiếc nôi mà
Đấng Christ nằm ở trong.”
3. Một cách sử dụng Kinh Thánh khác nữa đó là giải thích Kinh Thánh trong
tinh thần phê phán , tức là từ quan điểm nghiên cứu văn chương Kinh
Thánh. Suốt một thời gian dài, các học giả đã nghiên cứu các thủ bản Kinh
Thánh đầu tiên, từ cách xác định các sách trong Kinh Thánh được viết ra vào
lúc nào, ai viết và viết cho ai, hoàn cảnh nào các sách ra đời, và v.v..Bởi vì
con người đôi khi chế nhạo cách giải thích Kinh Thánh nầy, nên phải nhấn
mạnh rằng Cơ Đốc Nhân ngày nay mắc nợ lớn đối với các học giả ấy. Nhờ
những nỗ lực của họ, ngày nay chúng ta có những công cụ để hiểu Kinh
Thánh tốt hơn bao giờ hết có thể có được. Để biết được cuốn sách đã được
viết ra lúc nào, do ai, dành cho ai, ý định của tác giả là gì? - tất cả điều nầy
ngày nay đã có được cách rõ ràng.
Vì vậy khó khăn chính với phương pháp nầy không phải là vì nó sai trật
hoặc thiếu sự tôn kính, nhưng bởi bản thân nó chưa đầy đủ. Ví dụ thật thú vị
khi biết rằng có hai câu chuyện sáng tạo trong Sáng Thế Ký, và thật thú vị
để so sánh những tương đồng và những khác biệt của chúng. Nhưng điều
nầy chỉ có giá trị như một công cụ để giúp chúng ta hướng đến các vấn đề
nền tảng hơn: ý định của các câu chuyện sáng tạo này là gì? Chúng cho ta
biết gì về sự quan tâm của Chúa đối với chúng ta? Những hàm ý của ý tưởng
Đức Chúa Trời đã dựng nên trái đất, và đặc biệt là Ngài đã dựng nên chúng
ta, là gì? Bản thân phương pháp phê bình không cho chúng ta những câu giải
đáp dành cho những thắc mắc ấy.
4. Vậy thì những phương cách trên chưa phải là cách đầy đủ hoàn toàn để
hiểu biết và sử dụng Kinh Thánh. Có cách nào có ý nghĩa hơn không?
Phương cách được đề nghị ở đây (và sẽ được bao hàm xuyên suốt phần còn
lại của sách nầy) là chúng ta hãy đọc Kinh Thánh như các diễn viên tham gia
vào vở kịch Kinh Thánh trong công cuộc Đức Chúa Trời tìm kiếm loài
ngươì.
Chúng ta là một phần của vở kịch nầy. Chúng ta không thể tách mình khỏi
vở kịch đó. Chúng ta không thể hiểu Kinh Thánh như một thủ bản cổ chủ
yếu vì lòng quan tâm của một người chuyên sưu tầm đồ cổ hoặc người bảo
quản viện bảo tàng.
Chúng ta phải hiểu Kinh Thánh như một cuốn sách sống được viết cho
chúng ta, trong đó chúng ta làm một với những người ở dưới sự phán xét của
Đức Chúa Trời và những người nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời.
Lỗi lầm chết người đó là đọc Kinh Thánh như một người đứng ngoài xem
xét chứ không phải như một người tham dự, và đưa ra một giả định sai lầm
rằng chúng ta có thể ngồi trong rạp hát theo dõi vở kịch, trong khi thật sự
chúng ta phả ở trên sân khấu dự phần trong vở kịch.
Điều đó có nghĩa khi Amốt lớn tiếng cảnh báo dân chúng thành Bêtên rằng
họ đang phạm những điều sai trái, thì chúng ta cũng đang nghe ông phán
cùng mình. Không những ông chỉ cho chúng ta biết điều gì sai trật ở tại
Bêtên - là ông cũng cho chúng ta biết điều sai trật ở tại Minneapolis,
Houston hay Grover Corner hoặc bất cứ nơi nào chúng ta đang sống.
Khi Chúa Jêsus phán cùng các môn đồ: “Còn người ta nói ta là ai?” đó cũng
chính là câu hỏi đang được nhắm vào chúng ta. Chúng ta nói Ngài là ai?
Chúng ta đang được hỏi để quyết định, cũng như các môn đồ đang được hỏi
để quyết định.
Như vậy, hoặc Chúa Jêsus nói: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng hãy
đến cùng ta,” hay Ngài nói: “Các ngươi bề ngoài ra dáng công bình, nhưng
trong lòng thì chan chứa gian ác và tội lỗi,” là Ngài đang nói với chúng ta
cũng như nói với các thính giả ở thế kỷ đầu tiên.
Như thế, chúng ta đang trở thành những diễn viên hoặc người tham dự
không phải chỉ vì biết đôi điều về tình huống lịch sử mà trong đó có lời được
phán ra hoặc một sự kiện diễn ra, mà chính bởi hiểu rằng lời hoặc sự kiện đó
có liên quan đến hoàn cảnh của mình, ngõ hầu lời ấy trở thành lời phán dành
cho chúng ta, sự kiện ấy là sự kiện có ý nghĩa cho chính chúng ta. Chúng ta
dự phần vào những mạng lịnh và những lời hứa mà Đức Chúa Trời phán
truyền, trong niềm hy vọng và kính sợ của dân sự Ngài khi họ trải qua các
trang sách nầy. Câu chuyện của họ hiện nay là câu chuyện của chúng ta. Bởi
vì họ là “dân sự Ngài,” chúng ta cũng vậy.
Sau đây là một ví dụ về cách Kinh Thánh hoạt động. Không lâu sau khi Đức
Quốc Xã chiếm đóng Hòa Lan trong Thế chiến II, một nhóm những Cơ Đốc
Nhân Hòa Lan bị mật vụ Đức bỏ tù. Vài tháng sau, khi một người trong số
họ được thả, anh sẵn lòng để mang tin đến cho các gia đình của những người
khác. Họ nên nói gì đây? Một người trong số họ cuối cùng đã gởi một lá thư,
lời dịch thô thiển như sau:
Xin hãy cố gắng hiểu rằng điều đã xảy đến cho chúng tôi thật sự đã đem kết
quả đến cho sự tấn tới của đạo Tin lành, bởi vì những người lính gác tù và
tất cả những người còn lại ở đây đều đã đến chỗ nhận biết Chúa Cứu Thế.
Thật vậy, chúng tôi nghe rằng nhiều người trong anh em bên ngoài đã có
được sự can đảm vì cớ việc chúng tôi bị tù và đang nói về lẽ thật dạn dĩ hơn
bao giờ hết.
Chúng tôi hy vọng rằng mình sẽ không cần phải xấu hổ vì lời chứng của
mình nhưng mong cho mình được dạn dĩ đủ hầu cho ảnh hưởng của Chúa
Cứu Thế sẽ được lan truyền bởi chúng tôi, dầu chúng tôi sống hay chết.
Những lời này hẳn phải mang một âm điệu quen thuộc. Bởi vì điều tác giả lá
thư đã làm là dự phần bức thư Phaolô đã viết trong khi ông ở tù 1900 năm
trước đó (Phi Pl 1:12-20), và coi những lời đó là của chính mình. Những Cơ
Đốc Nhân Hòa Lan, khi gởi lá thư nầy, đã làm chứng rằng, kinh nghiệm của
Phaolô chính là kinh nghiệm của họ, sứ điệp của Phaolô cũng là sứ điệp của
họ, Đức Chúa Trời của Phaolô cũng là Đức Chúa Trời của họ.
Họ là những người dự phần trong vở kịch Kinh Thánh
Chương 2: Những Sự Kiện Và Những Con Số
(Kinh Thánh Đến Từ Đâu? )
Như vậy, chúng ta có cuốn Kinh Thánh đầy đủ - đã được in, được đóng
thành tập, sẵn sàng để được đọc. Nhưng hãy hỏi bất cứ ai làm thế nào Kinh
Thánh xuất hiện trong hình thức ngày nay, bạn sẽ thấy rắc rối. Thay vì tìm
được cách giải đáp, bạn rất có thể sẽ tạo nên một mớ các câu hỏi hỗn độn.
Giống như vầy:
• Ai đã viết Kinh Thánh?
• Ngũ kinh là gì?
• Ai quyết định điều phải được viết trong Kinh Thánh?
• Vì sao lại có 66 sách?
• Ngụy kinh là gì?
• Vì sao người ta vẫn tiếp tục dịch Kinh thánh?
• Có phải bản dịch nầy cũng tốt như bản dịch khác không?
• Tại sao tất cả các bản Kinh Thánh đều không đồng ý với nhau?
• Tại sao lại có Kinh Thánh Công giáo và Kinh Thánh Tin lành?
• Bộ “Kinh điển” là gì?
• Tại sao Kinh Thánh được viết bằng tiếng Hybá và Hylạp?
• Những con số nhỏ hàm ý gì?
Chúng ta phải cố gắng sắp xếp mớ hỗn độn nầy cho trật tự. Chỉ khi nào biết
rõ đôi điều làm thế nào quyển sách nầy xuất hiện trong hình thức hiện nay
chúng ta mới có thể hiểu đúng Kinh Thánh được.
Hai Điểm Khởi Đầu
Trước hết chúng ta cần nhớ hai điều.
Điều thứ nhất . Kinh Thánh không phải là một quyển sách “từ trời rơi
xuống” hoàn toàn từ đầu đến cuối. Tin vào một điều như vậy có lẽ là giáo lý
tuyệt vời của Mohamet, bởi vì người Hồi Giáo tin rằng kinh Koran xuất hiện
trong hình thức đã hoàn tất; đó có thể cũng là giáo lý tuyệt vời của Mormon,
bởi vì những người Mormon tin rằng sách Mormon được ban cho như là một
sản phẩm hoàn tất cho Joseph Smith nhưng đó không phải là giáo lý tuyệt
vời của người Cơ Đốc, bởi vì Cơ Đốc Nhân nhận biết rằng Kinh Thánh
không phải đột nhiên xuất hiện, toàn bộ đã được hoàn tất, nhưng đó là một
tác phẩm được“thực hiện trong một thời gian lâu dài” - hơn 900 năm! Hãy
đóng cuốn sách nầy lại và suy nghĩ trong hai phút về sự kiện Chúa Jêsus có
thể đọc cái chúng ta gọi là Cựu ước, và khi Ngài đọc Cựu ước, là cách đây
gần 2000 năm, thì chưa hề có sách nào trong Tân ước được viết ra.
Điểm thứ hai . Kinh Thánh không phải được viết ra bằng tiếng Anh. Kinh
Thánh chúng ta là một bản dịch. Chúa Jêsus không nói tiếng Anh. Môise
cũng không nói chuyện bằng giọng Boston. Luca chưa bao giờ đọc tác phẩm
của Shakespear. Và trừ khi bạn học tiếng Hybá và Hylạp cùng với một chút
tiếng Aram nữa (là điều mà vài độc giả của sách nầy có khả năng thử trong
tương lai gần), bạn sẽ không bao giờ đọc được Kinh Thánh bằng ngôn ngữ
mà các tác giả đã viết nó. Kinh Thánh tiếng Anh của chúng ta chỉ là một nỗ
lực để cho ra đời một bản dịch chính xác các dữ kiện mà khởi đầu đã được
viết bằng những ngôn ngữ khác.
Toàn Bộ Kinh Thánh Bắt Đầu Như Thế Nào
Để tranh luận, giả sử có điều gì đó tuyệt vời vừa xảy đến với bạn.
• Bạn vừa đạt điểm tối đa trong bài thi đại số mà bạn biết chắc mình sẽ hỏng.
• Hoặc bạn vừa tìm được một việc làm tốt cho mùa hè.
• Hoặc bạn đã yêu.
Bạn phải làm gì? Bạn phải chia sẻ tin tức với một người nào đó. Điều nầy
không có nghĩa nhất định bạn phải khoe khoang. Bạn chỉ để cho niềm vui
của mình “tràn sang” người nào đó.
Bây giờ giả sử, để tranh luận, có điều gì đó thậm chí còn tuyệt vời hơn nữa
đã xảy ra.
• Bạn gặp phải nhiều phức tạp rắc rối về ý nghĩa của đời sống mình, và một
kinh nghiệm đã làm sáng tỏ chúng.
• Hoặc bạn cứ từng hồi từng lúc cố gắng cầu nguyện và một ngày nọ phát
hiện ra rằng không phải bạn đang cầu nguyện với một Vị Thần Không Nghe
Không Thấy nhưng đang tương giao với một Đức Chúa Trời Hằng Sống.
• Hoặc bạn trải qua một bi kịch cay đắng và khám phá ra rằng bạn không cô
độc nhưng Đức Chúa Trời đã có ở đó với bạn.
Bạn làm gì đây?
Mặc dù thoạt đầu bạn có lẽ hết sức cả thẹn về điều đó, nhưng sớm hay muộn
bạn sẽ khám phá rằng một lần nữa bạn sẽ phải chia sẻ tin vui với một người
nào đó. Cuộc sống thật có ý nghĩa, rằng Đức Chúa Trời là thật, rằng bạn
không cô độc - đây là những điều quan trọng đáng ghi nhớ đến nỗi bạn
không thể nào giữ yên lặng về chúng một khi bạn biết sự thật.
Bây giờ giả sử, một lần nữa, để tranh luận, đó là Đức Chúa Trời yêu thương
ấy, Đấng mà bây giờ bạn biết, đã tỏ rõ cho bạn rằng Ngài muốn sử dụng bạn
để khiến Ngài và ý muốn của Ngài trở nên thực hữu hơn đối với những
người ở gần bên bạn.
Lần nầy bạn làm gì đây?
Mặc dầu có lẽ thoạt đầu bạn nhút nhát và sợ hãi, nhưng cuối cùng bạn sẽ
phải nói. Và phải chia sẻ tin mừng với tất cả những người chịu lắng nghe.
Bạn thấy chính mình ở vào cùng tình huống như tiên tri Amốt: “Khi Chúa
Giêhôva đã phán dặn, thì ai thì chẳng nói tiên tri” (AmAm 3:8).
Nếu bạn có thể tưởng tượng đặt chính mình vào trong các tình huống ấy, thì
có thể bạn sẽ bắt đầu hiểu vì sao và bằng cách nào mà Kinh Thánh đã được
viết ra. Nếu người ta có những tin vui họ chia sẻ ra. Nếu họ gặp chuyện buồn
họ cũng san sẻ. Và nếu họ ý thức Đức Chúa Trời là thật, và nếu họ hiểu cuộc
đời bằng những mạng lệnh và những lời hứa của Ngài, họ sẽ phải chia sẻ
quan điểm ấy, cùng toàn bộ những gì lời Chúa hàm ý, với những người
khác.
Đây chính là loại sự việc mà chúng ta thấy xảy ra trong Kinh Thánh. Một số
các trước giả Kinh Thánh thấy rằng Đức Chúa Trời đã buộc họ phải lấy danh
Ngài mà công bố. Những người nầy chúng ta thường gọi là “các tiên tri.” Và
những điều họ nói quan trọng đến nỗi chúng phải được viết xuống để cho
người khác đọc. Hoặc một biến cố lớn xảy ra trong lịch sử Do Thái (chiến
thắng kẻ thù chẳng hạn) và một bài hát được soạn ra cho trường hợp đó. Bài
hát giải thích biến cố như là một sự chứng quyết về quyền năng và sự vinh
hiển của Đức Chúa Trời, vì vậy nó trở thành điều quan trọng trong sự hiểu
biết của con người về cách Đức Chúa Trời can thiệp vào đời sống của họ.
Hoặc một sự kiện đau buồn xảy ra ( dân tộc bị buộc phải lưu đày) và ai đó
có được sự hiểu biết Chúa ban để nhìn thấy đây là phương cách tình yêu của
Chúa phải được bày tỏ ra đối với những kẻ chống nghịch Ngài. Sứ điệp nầy
được giữ lại và người ta bắt đầu hiểu rằng toàn bộ lịch sử phải được nhìn
xem như một nhà hát nơi đó Đức Chúa Trời là diễn viên chính. Hoặc các bài
hát được viết ra để việc họ thờ phượng Chúa công khai trở thành một
phương tiện qua đó sự hiện diện của Đức Chúa Trời được nhận biết ngay cả
khi họ không ở trong Đền thờ - vì vậy các bài hát cũng đã được giữ gìn và
được viết lại cùng với những tác phẩm thánh khác.
Vấn đề là tất cả những tác phẩm nầy đều là một sự đáp ứng đối với hành
động và sự quan tâm của Chúa với dân sự Ngài -và qua nhiều thế kỷ một tập
hợp văn phẩm có tầm cỡ đã được hình thành. Tác phẩm nầy mang lấy tầm
quan trọng chính xác là vì nó đã hình thành bằng phương thức dần dần nầy,
bởi vì nó tỏ rõ rằng Đức Chúa Trời liên hệ với loài người tại nơi họ sống,
ngay trong những tranh chiến và những nỗi khổ của lịch sử xương máu thật
sự của họ.
Việc Ghi Chép Lại - Với Diễn Tiến Theo Bảng Mẫu Tự Chữ Cái
Cựu ước của chúng ta là sản phẩm cuối cùng của quá trình hình thành dần
dần nầy. Và sự hiểu biết của chúng ta về các nội dung Kinh thánh có thể
được nâng cao nhờ nhận biết quá trình “ghi chép lại” nầy đã được thực hiện
ra sao để có được hình thức hiện nay của Kinh Thánh. Tất nhiên chúng ta
vẫn có thể nhận được ích lợi khi đọc các sách này mà không có sự hiểu biết
mở rộng về nguồn gốc của chúng, nhưng để biết các lời ký thuật nầy đan
quyện với nhau như thế nào thường bổ ích khi chúng ta đọc qua hai hoặc ba
lời ký thuật khác nhau về cùng một sự kiện. (Bạn không cần nhớ từng chi
tiết của những gì tiếp theo, nhưng nó sẽ giúp ích nếu bạn có thể giữ được
một bức tranh tổng quát trong đầu.) Chúng ta hãy xem sáu sách đầu tiên của
Cựu ước (được gọi là “Hexateuch” theo ý nghĩa Hylạp là “sáu cuộn”) được
hình thành như hình thức hiện nay của chúng bằng cách nào.
Dưới đây là cách chúng được hình thành. Có lẽ từ rất lâu vào năm 900 T.C
(cách đây gần 3000 năm!) Một tác giả đầu tiên đã soạn một loạt những câu
chuyện về các chi phái ở tại miền Nam Palettin, và một thời gian sau đó,
những bổ sung đã được thêm vào lời ký thuật nầy hầu cho các chi phái phía
Bắc không bị bỏ sót trong lịch sử. Trong những lời ký thuật nầy, từ Hybá
được sử dụng cho chữ Đức Chúa Trời là một từ mà chúng ta phải viết là
“Yahweh,” và từ nầy trong tiếng Hy bá là YHWH (hoặc như thỉnh thoảng từ
nầy được viết, là JHVH). Vì lý do đó, tài liệu này được gọi là “J” và nơi
JHVH xuất hiện trong phần đầu của Cựu ước, chúng ta có thể khá chắc chắn
rằng các đoạn Kinh Thánh đang được bàn bạc là từ tài liệu “J.”
Về sau (có lẽ khoảng giữa năm 750 - 700 T.C) một tác giả khác đã viết một
lời ký thuật tương tự về lịch sử, lần nầy với sự nhấn mạnh chính vào các chi
phái phía Bắc. Bởi vì ông không tin rằng “danh” của JHVH đã được biết đến
cho tới thời Môise, nên ông đã sử dụng một từ Hybá khác dành cho Đức
Chúa Trời, là Êlôhim. Tài liệu của ông vì vậy hiện nay được biết là tài liệu
“E.” Về sau những lời ký thuật nầy được đan kết với nhau, để hình thành
điều mà bạn có thể đoán được gọi là tài liệu “JE”.
Các chi phái phía Bắc, nay đã trở thành một vương quốc, gặp phải một thảm
bại lớn về mặt quân sự vào năm 722 T.C và trong những hỗn loạn theo sau
từng trải nầy, một nhóm người đến chỗ nhận biết rằng tai họa nầy chính là
do sự thờ phượng Đức Chúa Trời sai trật. Kết quả là họ đã viết một lịch sử
nữa, đặc biệt nhấn mạnh về cách thờ phượng phải được tiến hành. Khoảng
một trăm năm sau thất bại ấy, năm 621 T.C, tài liệu nầy đã được khám phá
trong Đền thờ. Điều đó dẫn đến những cải cách rộng lớn. Phần lớn của tài
liệu nầy dường như được chứa đựng trong cái mà ta gọi là “Phục truyền luật
lệ ký,” vì vậy mà khá tự nhiên, nó được gọi là tài liệu “D,” trở thành hết sức
quan trọng đến nỗi được kết hợp vào các lời ký thuật mang tính lịch sử khác,
để hình thành tài liệu “JED.”
Còn một bước cuối cùng. Vương quốc phía Nam cũng vậy, đã bị đánh bại về
mặt quân sự, và dân chúng bị đẩy vào tình trạng lưu đày. Một lần nữa, họ đã
viết lịch sử của mình, lần nầy với sự nhấn mạnh đặc biệt về tầm quan trọng
của Giêrusalem như là trung tâm sự thờ phượng, về các thầy tế lễ cùng
những người chỉ đạo đời sống tôn giáo của dân chúng. Bởi vì sự nhấn mạnh
“mang tính tế lễ” của nó mà tài liệu nầy được biết như là tài liệu “P.” Bốn tài
liệu được đan quện với nhau để hình thành tài liệu “JEDP,” và chính từ sự
kết hợp nầy mà sách Sáng Thế Ký qua Giôsuê đã có mặt. Ví dụ trong các
đoạn mở đầu của sách Sáng Thế Ký, lời ký thuật về sự sáng tạo trong SaSt
1:1; 2:4 là từ tài liệu “P,” trong khi lời ký thuật trong đoạn 2:4 trở đi là từ tài
liệu “J.”
Các tác giả khác nhau nầy đôi khi nhấn mạnh những yếu tố khác nhau trong
lịch sử các dân tộc của họ, nhưng chúng thống nhất trong niềm tin của họ,
cho rằng lịch sử dân tộc họ chỉ có thể hiểu được bởi quyền tối cao của Đức
Chúa Trời tể trị trên lịch sử. Lịch sử như là nơi làm việc của Đức Chúa Trời
-đó là chủ đề của họ. Đức Chúa Trời phán với họ qua các biến cố lịch sử, và
họ đến chỗ hiểu biết ý muốn của Ngài khi đọc các sự kiện ấy trong ánh sáng
của niềm tin đó.
Quá trình hình thành ở tại Jamnia .
Trong khi toàn bộ điều nầy cứ tiếp tục, các sách khác đang được viết ra, hầu
cho đến khoảng năm 200 T.C hầu hết các tài liệu Cựu ước đã được tập hợp
lại với nhau. Ngoài bộ sách Hexateuch còn có những lời thuật truyện mang
tính lịch sử khác, các sách của các tiên tri, một sách thơ ca, một truyện ngắn,
một cuốn sách mang lời ai ca, các quy định từ chỗ thờ phượng cho đến cách
giết các sinh vật được chấp nhận, và v.v.. Tính đa dạng được đề cập dưới ba
tiêu đề. Tiêu đề thứ nhất được biết như là Luật pháp , bao gồm năm sách đầu
tiên của Cựu ước. Các tiên tri đã soạn nhóm thứ hai, không những bao gồm
các tiên tri nhỏ và tiên tri lớn, mà còn nhiều sách lịch sử, như là Giôsuê,
Cácquanxét v.v..Các sách còn lại chỉ được biết như là các Tác phẩm .
Bộ sưu tầm nầy, đã hình thành 39 sách tất cả, ngày càng được chấp nhận
rộng rãi hơn, và một hội nghị của các Rabi Do Thái nhóm tại Jamnia,
Palettin, vào khoảng năm 90 hoặc 100 S.C đã quyết định rằng không còn
một sách nào được phép xen vào trong nhóm các tác phẩm thánh nầy.
Bản Dịch Đầu Tiên
Xin nhớ rằng, ngoại trừ một vài câu lác đác bằng tiếng Aram, các sách nầy
đều được viết bằng tiếng Hybá. Lúc bấy giờ bộ chữ cái Hybá không có
nguyên âm và không có hệ thống chấm câu. Hơn nữa, tất cả các chữ cái đều
đi liền nhau. Nếu bạn viết theo kiểu ấy trong tiếng Anh, bạn sẽ được một thứ
giống như vầy: MTHLRDYRGD WHBRGHT ITSTHLNSGIP.
TIFTHHFSBNDGISHLLHVNTHRTDSBFRM
Nếu bạn có thể đoán được vị trí của các nguyên âm, và chúng là gì, làm thế
nào để phân chia các từ đã tìm được, cuối cùng bạn có thể đoán ra câu ấy
được đọc như vầy:
TA LÀ GIÊHÔVA ĐỨC CHÚA TRỜI NGƯƠI, ĐÃ RÚT NGƯƠI KHỎI
XỨ ÊDÍPTÔ, LÀ NHÀ NÔ LỆ. TRƯỚC MẶT TA, NGƯƠI CHỚ CÓ CÁC
THẦN KHÁC. (XuXh 20:2, 3)
Mặc dầu việc bỏ sót những nguyên âm tiết kiệm được chỗ trống, song rõ là
khó khăn khi đọc loại chữ viết như vậy, để gải quyết vấn đề này, “ các giá trị
nguyên âm” bắt đầu được sử dụng trên các thủ bản về sau, các ký hiệu nhỏ
đặt bên dưới hoặc bên trên các nguyên âm để biểu thị nguyên âm nào phải
được lồng vào chỗ nào.
Khi thời gian trôi đi, ngày càng có nhiều người Do Thái học tiếng Hylạp, và
ngày càng ít người đọc được tiếng Hybá một cách chính xác. Vì vậy bắt đầu
khoảng năm 270 TC và trải rộng suốt Kỷ nguyên Cơ Đốc, các học giả Do
Thái đã dịch Cựu ước từ tiếng Hybá sang tiếng Hylạp. Tài liệu nầy chính là
những bản dịch được các Cơ Đốc Nhân đầu tiên sử dụng, là bản Bảy Mươi
(từ chữ septuaginta = bảy mươi) bởi vì theo một lời truyền khẩu, bảy mươi (-
hai) học giả đã xuất bản bản dịch nầy trong bảy mươi (-hai) ngày.
Khoảng mười hai sách trong bản Bảy mươi không được kể vào Kinh Thánh
được chuẩn thuận của người Do Thái bởi Hội nghị ở tại Jamnia. Các sách
nầy được gọi là Ngụy kinh (nghĩa là “ẩn dấu” hoặc “tối nghĩa”). Cựu ước
của chúng ta không gộp chúng vào, bởi vì nó dựa trên các tài liệu của người
Hêbơrơ, chúng được gộp vào Kinh Thánh của Công Giáo La Mã, bởi vì bản
dịch chính thức của Công Giáo La Mã đã tận dụng mở rộng bản Bảy mươi
nầy.
Một Giao ước “Mới”
Phải mất tới 700 năm để ghi chép Cựu ước. Tân ước, trái lại, được hoàn
thành trong khoảng 100 năm. Các sách Tân ước không được viết bằng tiếng
Hybá mà bằng tiếng Hylạp, không phải ngôn ngữ Hylạp tiêu chuẩn trịnh
trọng của Plato mà là ngôn ngữ bình thường nơi chợ búa, được gọi là koine.
Ở đây, các sách Tin lành tượng trưng cho một loại “bản dịch,” bởi vì Chúa
Jêsus và các môn đồ Ngài nói tiếng Aram, chứ không phải tiếng Hylạp, và
ngôn ngữ nói Aram của họ phải được dịch sang ngôn ngữ viết Hylạp. Có thể
tìm thấy một vài thành ngữ Aram trong bốn sách Phúc âm như tiếng kêu của
Chúa Jêsus trên thập tự giá: “Ê-lô-i, Ê-lô-i, lam-ma-sa-bách-ta-ni” (Mac Mc
15:34), và lời Ngài phán cùng một bé gái: “Ta-li-tha cu-mi” (5:41).
Nhiều người không nhận ra rằng các tác phẩm Tân ước sớm sủa nhất không
phải là các sách Phúc âm, mà là các bức thư của Phaolô. Lá thư đầu tiên
trong số nầy, I Têsalônica, có lẽ ra đời rất sớm vào năm 50 S.C. Phaolô
không hề có tư tưởng cho rằng ông đang viết “thơ thánh”; các lá thư của ông
là những “bức thư ngẫu nhiên,” viết ra để giúp các Hội Thánh xử lý những
nan đề cụ thể. Chúng hầu như luôn được lưu hành giữa vòng các Hội Thánh
Cơ Đốc đầu tiên và một bộ sưu tập các lá thư đó dần dần được triển khai.
Chúng hình thành một phần chủ yếu Tân ước của chúng ta.
Phần còn lại của các sách Tân ước (trừ các sách Phúc âm sẽ được thảo luận
trong Chương 9) rơi vào hai loại chính. Một số các sách nầy được viết ra
trong thời kỳ bắt bớ, như lá thư gởi cho người Hêbơrơ, thư I Phierơ, và (mặc
dù bạn có thể không đoán được nếu nhìn sơ qua) sách Khảihuyền. Trong các
sách nầy, chúng ta có được lời chứng rõ ràng về lòng can đảm của các Cơ
Đốc Nhân đầu tiên vì đã đứng vững vàng chống lại thế giới ngoại giáo thù
địch.
Các lá thư khác chiến đấu chống lại tà giáo, là điều phổ biến cuối thế kỷ thứ
I. (“Tà giáo không phải là một niềm tin hoàn toàn sai; mà là niềm tin nhấn
mạnh quá đáng một phần lẽ thật, và vì vậy có thể tự coi chính nó là chân
lý.”) Tà giáo chính trong thời kỳ nầy là quan điểm cho rằng mặc dầu Chúa
Jêsus là Đức Chúa Trời nhập thế, Ngài vẫn không là một con người hoàn
toàn, mà chỉ dường như có một thân thể loài người. Vì vậy mà niềm tin nầy
được gọi là “Docetism,” theo nghĩa Hylạp là “có vẻ như.” Không cần nói,
chúng ta cũng biết rằng nếu niềm tin nầy thắng thế trong thời đó, nó sẽ hủy
diệt đức tin Cơ Đốc, bởi vì toàn bộ giá trị của niềm tin Cơ Đốc chính xác là
lời tuyên bố mà thuyết Docetism đã phủ nhận, đó là trong Chúa Jêsus, Đức
Chúa Trời cư ngụ trọn vẹn đời sống của một con người, và rằng đó là đời
sống con người thật sự, chứ không phải giả tạo. Tình huống nầy giúp chúng
ta hiểu đầy đủ hơn sự nhấn mạnh của sách Phúc âm Thứ Tư về “Ngôi Lời đã
trở nên xác thịt ,” và những lời tuyên bố tương tự trong ba bức thư của
Giăng.
II Phierơ và các phần trong các “Thư Tín Mục Vụ” (I & II Timôthê, Tít)
chống lại tà giáo nầy và những quan điểm sai lệch khác.
Điều nầy không hàm ý rằng các sách Tân ước chỉ là tiêu cực, nhưng chỉ để
chúng ta hiểu được sứ điệp tích cực của Tân ước một cách đầy đủ hơn nếu
chúng ta cũng biết điều mà Tân ước đang tìm cách phủ nhận.
Sự Phát Triển của “Bộ Kinh Điển” (Canon)
Marcion, một người theo tà giáo đầu tiên, đã đi đến một kết luận sai lầm
rằng Cựu ước và Tân ước nói về hai Đức Chúa Trời khác nhau. Ông quyết
định thảo ra một danh sách các tác phẩm thánh đáp ứng được sự tán thành
của ông. Ông bắt đầu bằng cách loại bỏ toàn bộ Cựu ước, và trong Tân ước
của ông chỉ gộp vào sách Phúc âm Luca và mười bức thư của Phaolô mà ông
cảm thấy là “an toàn.”
Vì những trò hề như vậy, và vì sự phổ biến của các tà giáo khác, Hội Thánh
Đầu tiên dần dần bắt đầu triển khai một bảng danh sách tiêu chuẩn các tác
phẩm được chính thức chấp nhận, danh sách bao gồm Cựu ước, tất nhiên,
sau khi thấy trong đó sự chuẩn bị cho các công việc quyền năng của Đức
Chúa Trời được ứng nghiệm trong Tân ước qua Chúa Cứu Thế Jêsus, mà họ
dần dần đạt đến sự thỏa thuận về các sách, trong số nhiều tác phẩm Cơ Đốc
mới, được chuẩn thuận. Cho đến năm 200 S.C. có một sự đồng tình khá phổ
biến về các sách Tin lành, sách Côngvụ, và các thư tín của Phaolô. Các tác
phẩm khác đều “nằm ngoài lề” trong một thời gian, nhưng đến năm 367 S.C.
một danh sách đã được chuẩn thuận bao gồm 27 sách hợp thành Tân ước
hiện nay của chúng ta. Các sách nầy đến chỗ được biết như là “bộ kinh
điển,” (“canon”) đến từ một từ Hylạp có nghĩa là “nguyên tắc,” hay “tiêu
chuẩn,” bởi vì chúng là tiêu chuẩn hoặc nguyên tắc cho đức tin Cơ Đốc và
vẫn là như vậy cho đến nay.
Giao ước = Giao Kèo = Quy Ước
Lúc này, chúng ta đã làm rõ một bí mật nhỏ.
Từ “giao ước” đã bị đưa lén vào cuộc thảo luận nầy một số lần, mà không
làm rõ ý nghĩa của nó. Trên thực tế, chỉ ý nghĩa của nó thôi thì cũng không
dễ giải thích, bởi vì đây là cách dịch kém cỏi một từ Hybá. Từ tiếng Anh đầy
đủ hơn phải là từ “giao ước,” một từ đúng Kinh Thánh, và cực kỳ quan trọng
(như chúng ta sẽ thấy ở Chương 15) là điều hàm ý sự thỏa thuận hoặc mối
quan hệ được thiết lập giữa Đức Chúa Trời và loài người. “Giao ước Cũ”
(cái chúng ta gọi là Cựu ước) là một ký thuật về giao kèo giữa Đức Chúa
Trời và dân sự Ngài. “Giao ước Mới” (cái chúng ta gọi là Tân ước) là một
ký thuật về mối quan hệ mới được thiết lập giữa Đức Chúa Trời và con
người qua thân vị của Chúa Cứu Thế Jêsus. Vì cớ Tân ước làm trọn Cựu ước
chứ không phải xóa bỏ Cựu ước, cho nên cả hai giao ước hoặc cả hai giao
kèo nầy đều được đưa vào trong Kinh Thánh hiện nay của chúng ta.
Jerome Cho Ra Đời Bản Vulgate
Đến thế kỷ thứ 3 S.C. bạn có thể có một bản Kinh Thánh Hylạp (bản Bảy
Mươi) hoặc một bản tiếng Hylạp và Hybá.
Nhưng có lẽ bạn không đọc được tiếng Hylạp, nói chi đến Hybá. Ngôn ngữ
duy nhất mà bạn biết là tiếng Latin. Bởi vì hầu hết những người học thức
đều nằm trong tình huống tương tự, nên giáo hoàng đã ủy nhiệm cho một
học giả tên là Jerome dịch Kinh Thánh sang tiếng Latin. Bản dịch nầy, được
thực hiện giữa năm 385 và 475S.C., được gọi là bản bản Vulgate (từ La-tin
vulgatus có nghĩa là “bình thường” hoặc “phổ biến”) bởi vì đây là ngôn ngữ
phổ thông hoặc “bình thường” của dân chúng. Nó trở thành bản dịch chính
thức của Giáo hội Công Giáo La Mã.
Có một kết quả thú vị mà bản dịch nầy để lại trên lịch sử Hội Thánh về sau,
minh họa nan đề của việc dịch Kinh Thánh. Từ Hylạp được sử dụng trong
Mat Mt 4:17 là mentanoite , là từ mà chúng ta có thể dịch sang tiếng Anh là
“ăn năn, quay trở lại, bắt đầu lại, có một khởi đầu mới.” (Hãy ăn năn và tin
đạo Tin lành.”) Từ Latin mà Jerome đã sử dụng là poenitentiam agite có thể
được dịch là “ăn năn,” nhưng cũng là từ có thể được dịch là “sám hối ăn
năn,” và đó chính là ý nghĩa mà mạng lệnh của Chúa Jêsus đã được hiểu
trong Cơ Đốc Giáo giới thời Trung cổ. Vì vậy mà những lời dạy của Chúa
Jêsus đã trở thành: “Hãy ăn năn sám hối và tin đạo Tin lành,” chúng cũng đã
được dịch như vậy cho đến ngày nay trong bản Tân ước Douay (Công Giáo
La Mã). Chung quanh ý niệm nầy, nghi lễ sám hối đã được triển khai cùng
với niềm tin cho rằng chúng ta phải làm những điều nhất định để giành được
sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Khi các học giả Tin lành quay trở lại với
tiếng Hylạp nguyên gốc thay vì ngừng lại ở tại tiếng Latin, họ phát hiện ra
rằng không có cơ sở rõ ràng cho nghi lễ sám hối trong câu Kinh Thánh này,
và nó đã bị hủy bỏ khỏi các nghi lễ của người Tin lành.
Luther Mang Kinh Thánh Đến Cho Dân Chúng
Đến cuối thời Trung cổ, chỉ các linh mục và những người có học vấn cao
(không nhất thiết là đồng nghĩa) mới có thể đọc và hiểu được tiếng Latin.
Bấy giờ những bản dịch mới trong các ngôn ngữ bình thường mà dân chúng
nói thật cần thiết, đặc biệt từ khi cuộc Cải Chánh Tin lành đã đưa Kinh
Thánh trở lại vị trí trung tâm trong đời sống của người Cơ Đốc.
Khi một nhóm các bạn hữu của Martin Luther gấp rút đưa ông đến chỗ ẩn
núp, vào một thời điểm tính mạng ông gặp nguy hiểm, có lẽ họ không hề có
ý tưởng mối quan tâm của họ dành cho sự an toàn của ông sẽ dẫn đến một
trong những ảnh hưởng lớn nhất của toàn bộ việc dịch Kinh Thánh. Luther,
ẩn náu ở tại Lâu đài Wartburg, đã sử dụng thời gian buộc phải rãnh rỗi của
mình để dịch Tân ước sang tiếng Đức (1522, ) cũng như về sau ông đã tiếp
tục thực hiện cho phần Cựu ước (1534).
Người dân Đức không hề có Kinh Thánh đầy đủ bằng chính ngôn ngữ của
họ trước thời điểm nầy, và Luther đã thực hiện công việc dịch thuật của ông
tuyệt vời đến nỗi Kinh Thánh đã trở thành một cuốn sách sống họ có thể
hiểu được. Thay vì tiến hành việc dịch thuật theo nghĩa đen cứng đơ, ông đã
cố gắng truyền đạt hương vị của các sự kiện, hầu cho người dân có thể hình
dung những sự kiện đó đang xảy ra ngay trong nơi họ sống. Có những tên
cướp trên con đường nằm giữa Giêrusalem và Giêricô - hẳn cũng nguy hiểm
như khi băng qua Khu Rừng Đen vào ban đêm! Khi Luther dịch Thi Tv
46:1-11 (“Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi”) ông
đã truyền đạt ý tưởng nầy bằng cách gợi lên hình ảnh của một lâu đài thời
Trung cổ đồ sộ với những bức tường dày, một đường hào rộng, an toàn và
mạnh mẽ được bảo vệ, và cũng cho Thithiên nầy một tựa đề phụ: “ Chúa vốn
bức thành kiên cố ta.” Người Đức biết rõ điều đó hàm ý gì! Để bảo đảm rằng
họ có thể hiểu được những quy định về của lễ trong Lêviký một cách đúng
đắn, Luther đã kiểm tra tài liệu nầy với người bán thịt.
Những Thoáng Nhìn Ban Đầu về Một Cuốn Kinh Thánh tiếng Anh
Nhưng Kinh Thánh đã được dịch sang tiếng Anh như thế nào?
Truyền thuyết kể rằng vào thế kỷ thứ bảy một con người đáng tin cậy ở tại
Whitby là Caedmon đã hát các phần nói về câu chuyện Sáng tạo và cuộc đời
của Chúa Jêsus bằng tiếng Anh, và vào thế kỷ thứ tám một thành viên vĩ đại
của giáo hội được biết là “Phó giám mục Bede” đã dịch sách Phúc âm Thứ
Tư sang tiếng Anh.
Tuy nhiên bản dịch Anh văn hoàn tất đầu tiên đến từ ngòi bút của John
Wycklife (hoặc Wiclif hay Wyclif hay Wickliffe-vào thời đó người ta không
chú ý chi tiết đến cách đánh vần đúng.) Cùng với một số học giả, ông đã
hoàn tất Tân ước vào năm 1380 và phần còn lại của Kinh Thánh vào năm
1382, sử dụng bản Vulgate của Jerome làm tài liệu gốc. Tất cả các bản sao,
tất nhiên đều có mặt bằng chữ thường viết tay, Wicklife đã sai phái các
nhóm người được gọi là Lollards đọc các bản Kinh Thánh nầy và giải thích
chúng cho người dân trong các nơi chợ. Trên cơ sở những gì phát hiện được
trong Kinh Thánh, Wicklife đã chống lại nhiều nguyên lý trong Cơ Đốc
Giáo thời Trung cổ, và ông cũng là một người đi trước của Phong trào Tin
lành. Kết quả là, các tác phẩm của ông của ông đã bị lên án, và các sách của
ông bị đốt. Bởi vì Wicklife đã vô tình chết trước khi họ thiêu sống ông, giới
cầm quyền đã đào xương ông lên và thiêu chúng. Đó là cái giá mà một
người phải trả khi đưa Kinh Thánh đến cho dân chúng.
Mang Lén Vì Sự Vinh Hiển của Đức Chúa Trời
Dịch giả kế tiếp, William Tyndale, kém may mắn hơn, bởi vì Tyndale vẫn
còn sống khi giới cầm quyền áp đặt sự kiểm soát chặt chẽ hơn trên ông. Ông
đã bị bóp cổ và xử tử bằng hình thức thiêu sống. Nhưng Tyndale có hai lợi
thế trong việc thực hiện các bản dịch của mình mà Wicklife đã không có
được. Johann Gutenberg đã sáng chế máy đánh chữ di chuyển được vì vậy
mà bản dịch của Tyndale có thể được in với số lượng lớn. Và một học giả
người Hà Lan là Erasmus đã xuất bản một ấn bản có tính học thuật của bản
Tân ước Hylạp, vì vậy Tyndale có thể đặt cơ sở bản dịch của mình trên ngôn
ngữ gốc, thay vì bị lệ thuộc vào bản Latin.
Khi sự việc đã trở nên quá nguy hiểm cho Tyndale ở tại Anh Quốc, ông đã
sang Đức và in Kinh Thánh tiếng Anh tại đó. Sau đó các cuốn Kinh Thánh
nầy được đưa lén vào nước Anh trong các kiện vải lớn. Một giám mục tức
giận đã mua rất nhiều Kinh Thánh Tân ước của Tyndale và đốt chúng trước
công chúng. Tyndale đã lấy số lợi nhuận có được từ việc mua Kinh Thánh
của vị giám mục và in một ấn bản mới!
Một Làn Sóng Các Bản Dịch Mới
Mặc dầu Tyndale đối diện với cái chết của người tuận đạo, ảnh hưởng mạnh
mẽ của công việc ông đã được nhận biết, và nó dường như trở nên an toàn
hơn để xuất bản một quyển Kinh Thánh tiếng Anh ở tại Anh quốc. Năm
1535, chỉ mười năm sau khi bản Tân ước của Tyndale xuất hiện, cuốn Kinh
Thánh được in đầy đủ lần đầu tiên bằng tiếng Anh đã có mặt, là công việc
của Miles Coverdale, người đã sử dụng phần lớn bản dịch của Tyndale
nhưng đã hoàn tất phần Cựu ước, là phần màTyndale mới chỉ thực hiện một
ít. Hầu hết các phầnKinh Thánh được sử dụng trong Book of Common
Prayer (Sách Của Lời Cầu Nguyện Chung ) hiện nay của các Giám mục đều
đặt nền tảng trên bản dịch của Coverdale.
Các bản dịch mới xuất hiện dày đặc và nhanh chóng trong những năm kế
tiếp đó. The Great Bible (Quyển Kinh Thánh Lớn năm 1539) có được sự
chuẩn thuận của triều đình, và mang tên gọi này vì tầm cỡ của nó. Các bản
sao được ràng bằng xích trong các nhà thờ. Về sau một nhóm những người
Thanh giáo đã trốn đến GenevaThụy sĩ, để thoát khỏi bách hại trong đời trị
vì của “Mary Khát Máu” (gọi như vậy bởi vì sự bắt bớ của bà đối với những
người Tin lành,” và trong khi ở tại đó, họ đã xuất bản Kinh Thánh Geneva
(1560), là cuốn Kinh Thánh đầu tiên có các câu Kinh Thánh đánh số. Cuốn
Kinh Thánh nầy không được ưa chuộng giữa vòng các giám mục Anh quốc,
bởi vì các dịch giả đưa những lời giải thích theo khuynh hướng của Calvin
vào hai bên lề Kinh thánh. Các Giám mục đã phản đối lại bằng cuốn Kinh
Thánh của các Giám mục (1568, Bishops’ Bible) nhưng cuốn Kinh Thánh
nầy không bao giờ được ưa chuộng trừ ra giữa vòng các giám mục.
Bản dịch nổi tiếng nhất trong số các bản dịch tiếng Anh là cuốn Authorized
Version, thường được gọi là bản King James (1611). Bốn mươi bảy học giả
được chỉ định bởi Vua James I Anh quốc để thực hiện một bản dịch mới dựa
trên các ngôn ngữ gốc của Kinh Thánh và sử dụng tất cả những bản dịch
tiếng Anh hiện có lúc bấy giờ. Mặc dầu có nhiều bản Kinh Thánh đã được
dịch sang tiếng Anh kể từ lúc đó, không bản dịch nào trong số đó thách thức
nghiêm trọng được tính quần chúng của bản King James, mãi cho đến gần
đây.
Nhu cầu Về Một Bản Dịch Mới
Vì sao phải bận tâm với các bản dịch mới nếu chúng ta đã có bản King
James, với lời văn xuôi tiếng Anh tuyệt vời không thể so sánh được của nó?
Dưới đây chỉ là một vài lý do:
1. Việc sử dụng các từ tiếng Anh đã thay đổi rất nhiều kể từ năm 1611. Vào
năm 1611 từ “prevent” (ngăn ngừa) có nghĩa là “precede” (đến trước). Vào
năm 1611, câu Kinh Thánh trong Phi Pl 4:14 được dịch như vầy: “Ấy thế mà
nghĩa cử của anh em càng nổi bật vì anh em đã chia sẻ cùng tôi trong cảnh
hoạn nạn.” Câu ấy có thể rõ ràng trong năm 1611, nhưng không còn rõ lắm
gần đây. Câu ấy chỉ hàm ý rằng: “Nhưng anh em giúp tôi trong cơn hoạn
nạn thì đã làm điều thiện.”
2. Một lý do cơ bản hơn nữa về một bản dịch mới đó là các nguồn phương
tiện sẵn có cho các dịch giả vào năm 1611 thật nghèo nàn đáng thương khi
so sánh với những bản hiện có. Những dịch giả của bản King James có
khoảng hai mươi bốn thủ bản Hylạp chưa hoàn hảo, không bản nào sớm hơn
thế kỷ thứ mười, và nguyên bản Tân ước của họ đã có trên 5000 lỗi của
người sao chép.
3. Những khám phá mới đây của ngành khảo cổ học đã làm sáng tỏ sự hiểu
biết của chúng ta về những phần chủ yếu của các nguyên bản Kinh Thánh.
Ngày nay có hàng ngàn thủ bản đã được đào lên ở tại Palettin và Aicập, và
nhờ việc so sánh với các bản nầy, các dịch giả có thể hiểu được ý nghĩa gốc
của các đoạn Kinh Thánh gây tranh cãi rõ ràng hơn. Ví dụ vào năm 1948,
trong một cái hang ở gần Biển chết, một mớ những thủ bản đã được khám
phá, một số trong đó được viết vào giữa thế kỷ thứ hai và thế kỷ thứ nhất
T.C. Đây là thủ bản xưa cổ không thể so sánh được -1000 năm xưa cổ hơn
các thủ bản hiện có khác - và cuộn da bao gồm Sách Êsai đã làm rõ những
khúc Kinh Thánh mà cho đến lúc ấyvẫn luôn tối nghĩa.
Bản Dịch Mới Nhất
Vì những lý do đó cũng như những lý do khác nữa, một bản dịch tiếng Anh
đáng tin cậy, cập nhật, mới mẻ, mới đây đã được hoàn tất - sản phẩm của 14
năm làm việc cật lực bởi các học giả nổi tiếng. Tân ước đã xuất hiện vào
năm 1946, và Cựu ước vào năm 1952. Nếu bạn đã từng bị bối rối, ví dụ, vì
những câu Kinh Thánh khó hiểu ở đầu Thithiên thứ 8 trong bản King James:
“Nhưng vì các cừu địch Chúa, Chúa do miệng trẻ thơ và các con đương bú,
mà lập nên năng lực Ngài, đặng làm cho người thù nghịch và kẻ báo thù phải
nín lặng” thì bạn sẽ thấy khó khăn nầy được giải quyết trong bản Kinh thánh
Revised Standard Version:
Đến trẻ con miệng còn thơm sữa cũng tung hô ca ngợi thánh danh khiến
quân thù thẹn thùng câm nín.
Dưới đây là những ví dụ khác về sự làm sáng tỏ tương tự:
• Bản Kinh James: Đừng suy nghĩ về đời sống các ngươi (Mat Mt 6:25).
• Bản Kinh Thánh RSV: Đừng lo lắng về đời sống mình
• Bản King James: Chớ có tư tưởng cao quá lẽ (RoRm 11:2)
• Bản Kinh Thánh RSV: Chớ kiêu ngạo
• Bản King James: Hỡi anh em anh em đã tin đến Đức Chúa Jêsus Christ là
Chúa vinh hiển chúng ta thì chớ có tây vị người nào. (Gia Gc 2:1)
• Bản Kinh Thánh RSV: Thưa anh em, anh em tự nhận mình là thuộc về
Chúa Cứu Thế Jêsus là Chúa vinh quang, sao còn thiên vị giàu nghèo.
Việc Dịch Sẽ Còn Tiếp Tục .
Bản Kinh Thánh “RSV” có lẽ sẽ trở thành bản dịch tiêu chuẩn trong đời của
chúng ta, mặc dầu bản King James vẫn tiếp tục được sử dụng cùng với nó,
với sự phong phú rộng lớn. Nhưng các bản dịch mới sẽ được tiến hành, và sẽ
tiếp tục được thực hiện, bao lâu mà con người còn đọc Kinh Thánh. Bởi vì
cách sử dụng sẽ thay đổi, và các thủ bản mới sẽ được khám phá là điều sẽ
làm sáng tỏ thêm ý định của các trước giả ban đầu. Vì vậy sẽ không bao giờ
là đúng khi “làm tê liệt” quá trình dịch và cho rằng, ví dụ, bản King James,
được bọc trong bìa da đen và được in trên loại giấy mỏng mới chính là bản
Kinh Thánh “đích thực.” Cho đến cuối cùng, con người sẽ tham gia vào một
trong những cuộc theo đuổi có giá trị nhất - đó là nỗ lực để trình bày lời Đức
Chúa Trời bằng những lời lẽ thích hợp nhất hầu làm cho Đức Chúa Trời trở
nên sống động trong trái tim và tâm trí của con người.
Chương 3: Đặt Câu Hỏi Thích Đáng
(Đức Chúa Trời Bày Tỏ Chính Mình Ngài Bằng Cách Nào?
H. Công thức hóa học của muối là gì?
Đ. Bạn có thể lấy muối khỏi một bình đựng muối vào một ngày ẩm ướt nếu
như bạn bỏ trước một ít hạt gạo vào bình.
H. Hệ thống tàu ngầm có thể chứng tỏ lợi ích như thế nào?
Đ. Cách tốt nhất để đi từ Grand Central đến Broadway và Phố 110 là hãy
đón một chiếc xe buýt đến công trường Times Square và một chiếc xe tốc
hành về hướng Bắc với hai đèn đỏ.
Hỏi và Đáp thế nào đó đã không ăn khớp với nhau. Một lý do khiến cho
những câu trả lời trở nên vô nghĩa bởi vì chúng là những câu trả lời dành cho
những câu hỏi không được hỏi đến. Chúng có lẽ là những câu trả lời rất tốt
nếu như câu hỏi là “Làm thế nào lấy được muối khỏi một bình đựng muối
vào ngày ẩm ướt?” hoặc “Làm thế nào để đi từ Grand Central đến Broadway
và Phố 110 bằng xe điện ngầm?”
Phần lớn công việc của chúng ta khi tiếp cận Kinh Thánh là hãy học cách đặt
những loại câu hỏi đúng, những câu hỏi mà các câu trả lời của Kinh Thánh
sẽ là những câu trả lời xác thật. Thật vô nghĩa khi hỏi các tác giả Kinh
Thánh như vầy:
H. Làm sao để chứng minh sự hiện diện của Đức Chúa Trời?
Đối với các truớc giả Kinh Thánh, loại câu hỏi nầy hoàn toàn nằm bên ngoài
mục tiêu. Họ không nói về ý tưởng “điều gì đó ở đâu đó” có thể hay không
thể tồn tại, mà đang nói đến một Đấng Thực hữu hằng sống là Đấng đối diện
với họ, đã làm thay đổi đời sống họ, đã bước vào mối quan hệ với họ. Cố
gắng để “chứng minh sự tồn tại của Ngài” chẳng khác nào bạn và Joe thảo
luận câu hỏi: “Fred có thật sự tồn tại không?” ngay trước mặt Fred, Fred có
lẽ thỉnh thoảng đóng góp vào cuộc thảo luận. Bạn phải coi sự hiện diện của
Fred là điều đương nhiên, bởi vì bạn đã biết anh ta rồi. Đó chính là điều các
tác giả Kinh Thánh đã làm với Đức Chúa Trời. Ngài là yếu tố đầu tiên và
cuối cùng của đời sống họ. Họ chẳng mất thì giờ để ra sức “chứng minh”
Ngài; họ đang tìm cách để xem Ngài tự bày tỏ chính mình Ngài như thế nào,
và những gì Ngài truyền bảo họ.
Vì vậy, muốn hiểu câu trả lời của Kinh Thánh chúng ta phải đặt câu hỏi phải
lẽ:
H. Đức Chúa Trời tự bày tỏ chính mình Ngài bằng cách nào?
Như thế chúng ta sẽ đến được chỗ nào đó.
Kinh Thánh Trả Lời Câu Hỏi Này Như Thế Nào
Ngày xưa một nhóm người nô lệ không phải Do Thái đã cố gắng để tìm hiểu
về Đức Chúa Trời của dân Do Thái. Nhưng điều nầy dường như tuyệt vọng.
Họ kêu lên rằng: “Ngài thật là Đức Chúa Trời ẩn mình” (EsIs 40:15). Đức
Chúa Trời là một Đức Chúa Trời ẩn mình! Đối với nhiều người, đó là kết
thúc vấn đề. Tuy nhiên vẫn còn có một ý nghĩa nữa để kêu gào. Bởi vì mặc
dầu những người nô lệ nhận biết rằng Đức Chúa Trời thật là Đấng ẩn mình,
họ biết nơi nào để tìm được Ngài. Ngài phải được tìm thấy trong Ysơraên.
Họ muốn nói rằng nếu bạn muốn biết nơi nào Đức Chúa Trời ẩn mình nầy
được mặc khải, hãy xem xét các biến cố trong đời sống và lịch sử của dân
tộc Do Thái, vì chính tại đó, Đức Chúa Trời đã tỏ mình. Đối với người
Ysơraên: “Thật Đức Chúa Trời ở giữa ngươi; ngoài Ngài chẳng có ai khác,
không có Đức Chúa Trời nào nữa. Hỡi Đức Chúa Trời của Ysơraên, là Cứu
Chúa, Ngài thật là Đức Chúa Trời ẩn mình! ” (45:14, 15).
Thật ra nói như thế là muốn bảo rằng: “Nếu bạn muốn biết Đức Chúa Trời
bày tỏ chính mình Ngài như thế nào, hãy xem xét những biến cố lịch sử của
dân Do Thái, bạn sẽ thấy Ngài hành động tại đó, và bạn sẽ thấy Ngài tỏ mình
ở đó, chứng tỏ cho những người ấy Ngài là Đấng nào, Ngài như thế nào,
Ngài truyền bảo họ điều gì, Ngài hứa với họ điều gì.”Vì vậy mà Kinh Thánh
cho chúng ta lịch sử của dân tộc Ysơraên đó, và cuối cùng (trong Tân ước)
câu chuyện của một nhân vật mà qua Đấng đó, Đức Chúa Trời bày tỏ chính
mình Ngài cách trọn vẹn nhất.
Đây là điều cực kỳ gây ngạc nhiên. Thậm chí gây bàng hoàng. Bởi vì dân
Do Thái nầy không phải là một dân tộc “lớn” như các dân khác. Họ là một
dân nhỏ bé, luôn luôn bị cai trị bởi các dân tộc lớn, bị hoạn nạn, bị đẩy vào
trong tình trạng lưu đày, các thành, làng mạc và dân sự của mình cứ không
ngừng bị nhổ khỏi chỗ và bị hủy diệt từ lúc nầy đến lúc khác. Trên sân khấu
của lịch sử thế giới, họ là một tấm thảm trên nó các đế quốc lớn chùi ủng -
khó mà là một nơi thích hợp để mong được thấy Đức Chúa Trời hành động!
Nếu chúng ta lên kế hoạch thực hiện công việc, nhất định chúng ta sẽ chọn
cách khác. Nhưng không phải chúng ta hoạch định các sự việc, vì vậy chúng
ta phải lắng nghe lời tuyên bố của Kinh Thánh, đó là cách Đức Chúa Trời đã
hoạch định, và hãy xem vì sao Ngài đã làm điều đó theo cách của Ngài chứ
không phải theo cách của chúng ta. Vậy thì đâu là câu trả lời của Kinh
Thánh cho thắc mắc: “Đức Chúa Trời bày tỏ chính mình Ngài như thế
nào?.”
Đức Chúa Trời Bày Tỏ Chính Mình Ngài
Điều đầu tiên phải được nói không rõ ràng như nó có thể xuất hiện. Kinh
Thánh tỏ rõ rằng Đức Chúa Trời bày tỏ chính mình Ngài . Ngài không chỉ
tiết lộ những thông tin về chính mình. Nói một cách khác, những gì chúng ta
tìm được trong Kinh Thánh không phải là một mớ các dữ kiện về Đức Chúa
Trời, mà là một Đức Chúa Trời hằng sống trong mối quan hệ sống động với
những con người sống. Những người nầy không tự sức mình đưa họ vào
trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Họ làm chứng rằng Đức Chúa Trời
đã chủ động tìm kiếm họ. Công việc của họ là đáp ứng lại, nhưng phần chủ
động nằm ở phía Ngài. Ngài bày tỏ cho họ không phải chỉ những ý tưởng
hoặc những thông tin mà là chính mình Ngài. Trên thực tế, đây là phương
cách duy nhất có thể được thực hiện để dẫn đến mối quan hệ giữa Đức Chúa
Trời và con người.
Hãy xem xét điều đó theo cách nầy. Một học sinh trung học mới đang tiến
vào cửa. Một cách độc lập, bạn có thể biết được khá nhiều về cậu ta: mười
lăm tuổi, tóc nâu, cùng học chung một trường với bạn, cởi xe đạp thành
thạo, mang chiếc găng tay sặc sỡ của người chơi bóng chày ở hàng tiền đạo,
khỏang hai lần một tuần, thường nhận những bức thư sực nức mùi thơm nằm
trong những bao thư tô màu, được viết bằng nét chữ viết tay mảnh dẻ của
con gái, Tất cả những yếu tố nầy bạn có thể khám phá bởi một chút điều tra
kiên nhẫn.
Tuy vậy bạn có thật sự biết rõ anh ấy không?
Tất nhiên là không.
Làm thế nào để bạn có thể biết anh ta?
Chỉ bằng một cách, trong sự phân tích vừa rồi, nếu người bấy bằng lòng tỏ
mình cho bạn biết , nếu anh ta sẵn sàng chủ động bước vào mối quan hệ với
bạn để rồi qua mối quan hệ ấy, anh ta tiết lộ chính mình cho bạn. Nếu điều
nầy xảy ra, bạn không những chỉ biết những sự việc về anh ấy, mà bạn còn
sẽ biết chính người ấy . Bạn và anh ta sẽ gặp nhau trong sự gặp gỡ sống
động.
Điều nầy phần nào cũng giống như lời tuyên bố mà Kinh Thánh đã nói về
Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói rằng Đức Chúa Trời được nhận biết bởi
cùng một loại gặp gỡ sống động, qua đó chúng ta hiểu biết một con người
sống. Nếu Ngài không mặc khải chính Ngài thì Ngài vẫn mãi mãi ẩn dấu đối
với chúng ta. Chúng ta không thể biết Ngài thật sự nếu tất cả những gì chúng
ta có chỉ là những thông tin về Ngài. Chúng ta không thể bước vào mối quan
hệ với những thông tin về Đức Chúa Trời; chúng ta chỉ có thể bước vào mối
quan hệ với chính Đức Chúa Trời. Vì vậy Kinh Thánh không phải là một
cuốn sách giáo khoa gồm những lời tuyên bố mang tính giáo lý (mặc dầu
những lời tuyên bố mang tính giáo lý có thể rút ra từ Kinh Thánh) - Kinh
Thánh là một lời ký thuật về một cuộc gặp gỡ giữa Đức Chúa Trời và dân sự
Ngài.
Đức Chúa Trời Bày Tỏ Chính Mình Ngài Qua Các Sự Kiện Lịch Sử
Chúng ta thấy Đức Chúa Trời hành động ở đâu? Tại đây Kinh Thánh nói rất
rõ. Đức Chúa Trời mặc khải chính mình Ngài ngay nơi con người sống -giữa
những hy vọng và những thù ghét của họ, những ưa thích và sợ hãi của họ,
những công việc và tranh chiến của họ, tức là trong các sự kiện lịch sử, và
đặc biệt là trong các sự kiện lịch sử của dân tộc Do Thái. Khi những con
người mà đối với họ, Đức Chúa Trời là thực hữu trong quá khứ, hiện tại và
tương lai, họ tìm thấy niềm tin của mình đặt nơi Ngài được khẳng định,
được làm sáng tỏ, và đôi khi được sửa đúng. Ngài làm các công việc - lịch
sử là nơi làm việc của Ngài. Ngài ban cho bằng chứng ngay nơi con người
đang sống Ngài là Đấng thế nào và điều Ngài sẽ làm. Mặc dầu đây vẫn luôn
là một điều bí ẩn, chỗ mà ý nghĩa nào đó bước vào sự bí ẩn, chỗ mối quan hệ
thật thay thế điều chỉ là thông tin, luôn nằm giữa tình huống thực của con
người.
Lời tuyên bố Đức Chúa Trời đang hành động ngay nơi con người sống là
một tuyên bố có ý nghĩa lớn lao. Có nghĩa là muốn biết Chúa và được Ngài
biết, bạn không cần phải chìm vào một tình trạng hôn mê huyền bí, tự tách
mình khỏi loài người, hay cứ luôn ở trong nơi ẩn dật. Đức Chúa Trời ở ngay
nơi bạn sống, ở trong tình huống của bạn, không phải nơi nào khác. Hãy
xem xét ba ví dụ về việc Chúa gặp gỡ loài người trong những tình huống
lịch sử của chính họ:
VÍ DỤ MỘT: Khi Con cái Ysơraên cuối cùng đã thoát khỏi các đội quân
Pharaôn đuổi theo, và băng qua Biển đỏ, họ đã không tự hào về kế hoạch
khôn khéo của chính mình. Trái lại, họ dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời là
Đấng giải cứu họ khỏi kẻ thù. Sự giải thích biến cố đó tác động đến toàn bộ
lịch sử về sau nầy của họ. Đức Chúa Trời đã giải cứu họ trong giờ phút hiểm
nghèo; Ngài đã hành động ngay nơi họ đang có mặt, ở với họ trong giờ
khủng hoảng.
VÍ DỤ HAI: Nhiều thế kỷ sau đó cũng chính những người Ysơraên nầy đã
bị đánh bại hoàn toàn bởi người Babylôn, bị bắt làm phu tù. Tuy nhiên ngay
cả trong toàn bộ biến cố đau buồn của sự thất bại và lưu đày của mình họ
vẫn có thể thấy Đức Chúa Trời đang bày tỏ chính mình Ngài, tỏ cho họ thấy
hậu quả của việc họ không làm theo ý muốn Ngài. Họ đã khám phá Ngài
đang khi làm việc, không phải bởi họ quay lưng lại với lịch sử, mà ngay giữa
lịch sử.
VÍ DỤ BA: Cuối cùng, khi Đức Chúa Trời mặc khải chính mình Ngài qua
đời sống của một con người, thì điều nầy cũng đã xảy ra ngay nơi con người
đang sống. Những lời ký thuật về sự ra đời của Chúa Jêsus nhắc nhở chúng
ta về điều đó. Cơ hội nhìn thấy con trẻ Cứu Thế không được ban cho những
người chăn chiên đang khi họ thực hiện một chuyến hành hương hoặc thậm
chí khi họ đang ở trong nhà thờ, nhưng đang khi họ đang làm công việc
thích hợp của mình, đó là chăn giữ bầy chiên. Cùng một tin mừng đã đến với
những Nhà Thông thái ngay nơi họ ở, bận rộn với công việc thích hợp của
họ, đó là quan sát bầu trời. Chúa Cứu Thế chính là một phần của lịch sử
chúng ta. Ngài đã ra đời “trong đời vua Hêrốt trị vì.” Ngài đã chịu khổ “dưới
tay Bônxơphilát.” Cuộc đời của Ngài đã được xác định niên đại.
Những cuộc gặp gỡ giữa loài người và Đức Chúa Trời xảy ra ngay nơi con
người sống, trên vũ đài lịch sử loài người.
Lưu Ý Dành Cho Những Độc Giả Thận Trọng : Nhưng ở đây có một vấn đề
rắc rối. Nhiều người bảo rằng: “Đức Chúa Trời mặc khải chính mình qua
thiên nhiên , đó chính là nơi tôi tìm thấy Ngài.” Đúng là thế giới tự nhiên,
công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời, cho chúng ta một số những dấu chỉ
về tâm tánh của Đấng Tạo Hóa. “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của
Đức Chúa Trời; bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm” (Thi Tv 19:1).
Nhưng tác giả Thithiên lẫn các trước giả Thánh Kinh đều không hề dùng
thiên nhiên để tranh luận về Đức Chúa Trời như thể nhờ thiên nhiên bạn có
thể nhận biết Đức Chúa Trời theo đức tin Thánh Kinh là Đấng thế nào. Lấy
thế giới tự nhiên để biện luận rằng “phải có” một Đức Chúa Trời, hoặc thiên
nhiên ấy “chứng minh” sự tồn tại của Đức Chúa Trời, là mang lấy một công
việc đáng nghi ngại. Bởi vì nếu thiên nhiên đem lại ánh hoàng hôn đáng yêu
thì nó cũng mang lại ung thư, những trận bão lốc và những con cọp hung dữ
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban

Weitere ähnliche Inhalte

Was ist angesagt?

Mot linh hon nhieu the xac a5
Mot linh hon nhieu the xac a5Mot linh hon nhieu the xac a5
Mot linh hon nhieu the xac a5The Golden Ages
 
Doi thoai voi thuong de tap 10 - ve nha voi thuong de
Doi thoai voi thuong de   tap 10 - ve nha voi thuong deDoi thoai voi thuong de   tap 10 - ve nha voi thuong de
Doi thoai voi thuong de tap 10 - ve nha voi thuong deMinh Le
 
Thong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copelandThong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copelandco_doc_nhan
 
5 phut loi_chua_042014
5 phut loi_chua_0420145 phut loi_chua_042014
5 phut loi_chua_042014gxduchoa
 
Doi thoai voi thuong de full (tap 1 tap 2 - tap 3)
Doi thoai voi thuong de full (tap 1   tap 2 - tap 3)Doi thoai voi thuong de full (tap 1   tap 2 - tap 3)
Doi thoai voi thuong de full (tap 1 tap 2 - tap 3)Minh Le
 
Đối thoại với Thượng Đế - Tập 1 , 2 , 3.
Đối thoại với Thượng Đế - Tập 1 , 2 , 3.Đối thoại với Thượng Đế - Tập 1 , 2 , 3.
Đối thoại với Thượng Đế - Tập 1 , 2 , 3.Boy Xda
 
Loi ngo tu coi tam linh a5new
Loi ngo tu coi tam linh a5newLoi ngo tu coi tam linh a5new
Loi ngo tu coi tam linh a5newThe Golden Ages
 
Nhung bang chung
Nhung bang chungNhung bang chung
Nhung bang chungco_doc_nhan
 
Sổ Bài Tập Ấu Nhi Cấp 3 3rd Level Seedling Workbook_10290312052019
Sổ Bài Tập Ấu Nhi Cấp 3 3rd Level Seedling Workbook_10290312052019Sổ Bài Tập Ấu Nhi Cấp 3 3rd Level Seedling Workbook_10290312052019
Sổ Bài Tập Ấu Nhi Cấp 3 3rd Level Seedling Workbook_10290312052019phamhieu56
 
Dan tuan thanh tam nhat vuot qua
Dan tuan thanh tam nhat vuot quaDan tuan thanh tam nhat vuot qua
Dan tuan thanh tam nhat vuot quaHa Dat
 

Was ist angesagt? (16)

So 121
So 121So 121
So 121
 
Mot linh hon nhieu the xac a5
Mot linh hon nhieu the xac a5Mot linh hon nhieu the xac a5
Mot linh hon nhieu the xac a5
 
So 117
So 117So 117
So 117
 
Doi thoai voi thuong de tap 10 - ve nha voi thuong de
Doi thoai voi thuong de   tap 10 - ve nha voi thuong deDoi thoai voi thuong de   tap 10 - ve nha voi thuong de
Doi thoai voi thuong de tap 10 - ve nha voi thuong de
 
So 132
So 132So 132
So 132
 
So 143
So 143So 143
So 143
 
Thong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copelandThong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copeland
 
5 phut loi_chua_042014
5 phut loi_chua_0420145 phut loi_chua_042014
5 phut loi_chua_042014
 
Su diep tan uoc
Su diep tan uocSu diep tan uoc
Su diep tan uoc
 
Doi thoai voi thuong de full (tap 1 tap 2 - tap 3)
Doi thoai voi thuong de full (tap 1   tap 2 - tap 3)Doi thoai voi thuong de full (tap 1   tap 2 - tap 3)
Doi thoai voi thuong de full (tap 1 tap 2 - tap 3)
 
Đối thoại với Thượng Đế - Tập 1 , 2 , 3.
Đối thoại với Thượng Đế - Tập 1 , 2 , 3.Đối thoại với Thượng Đế - Tập 1 , 2 , 3.
Đối thoại với Thượng Đế - Tập 1 , 2 , 3.
 
So 123
So 123So 123
So 123
 
Loi ngo tu coi tam linh a5new
Loi ngo tu coi tam linh a5newLoi ngo tu coi tam linh a5new
Loi ngo tu coi tam linh a5new
 
Nhung bang chung
Nhung bang chungNhung bang chung
Nhung bang chung
 
Sổ Bài Tập Ấu Nhi Cấp 3 3rd Level Seedling Workbook_10290312052019
Sổ Bài Tập Ấu Nhi Cấp 3 3rd Level Seedling Workbook_10290312052019Sổ Bài Tập Ấu Nhi Cấp 3 3rd Level Seedling Workbook_10290312052019
Sổ Bài Tập Ấu Nhi Cấp 3 3rd Level Seedling Workbook_10290312052019
 
Dan tuan thanh tam nhat vuot qua
Dan tuan thanh tam nhat vuot quaDan tuan thanh tam nhat vuot qua
Dan tuan thanh tam nhat vuot qua
 

Ähnlich wie Kinh thanh phan voi ban

Ähnlich wie Kinh thanh phan voi ban (20)

Nhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songNhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi song
 
Christ thuyet phuc
Christ thuyet phucChrist thuyet phuc
Christ thuyet phuc
 
Christ thuyet phuc
Christ thuyet phucChrist thuyet phuc
Christ thuyet phuc
 
Biet kinh thanh
Biet kinh thanhBiet kinh thanh
Biet kinh thanh
 
Thong hieu kinh thanh
Thong hieu kinh thanhThong hieu kinh thanh
Thong hieu kinh thanh
 
Nay sa tan hay nghe day
Nay sa tan hay nghe dayNay sa tan hay nghe day
Nay sa tan hay nghe day
 
Nay sa tan hay nghe day
Nay sa tan hay nghe dayNay sa tan hay nghe day
Nay sa tan hay nghe day
 
Nhung dieu kho hieu tronh kinh thanh
Nhung dieu kho hieu tronh kinh thanhNhung dieu kho hieu tronh kinh thanh
Nhung dieu kho hieu tronh kinh thanh
 
Bên kia cửa tử charles leadbeater
Bên kia cửa tử   charles leadbeaterBên kia cửa tử   charles leadbeater
Bên kia cửa tử charles leadbeater
 
TỬ THƯ TÂY TẠNG
TỬ THƯ TÂY TẠNGTỬ THƯ TÂY TẠNG
TỬ THƯ TÂY TẠNG
 
Nhung bang chung
Nhung bang chungNhung bang chung
Nhung bang chung
 
Be banh va chia se okok
Be banh va chia se okokBe banh va chia se okok
Be banh va chia se okok
 
Thu quy
Thu quyThu quy
Thu quy
 
Thu quy
Thu quyThu quy
Thu quy
 
Tan uoc( gian luot)
Tan uoc( gian luot)Tan uoc( gian luot)
Tan uoc( gian luot)
 
Nghe thuat chinh phuc linh hon
Nghe thuat chinh phuc linh honNghe thuat chinh phuc linh hon
Nghe thuat chinh phuc linh hon
 
Nghe thuat chinh phuc linh hon
Nghe thuat chinh phuc linh honNghe thuat chinh phuc linh hon
Nghe thuat chinh phuc linh hon
 
Tan uoc ( luot khao)
Tan uoc ( luot khao)Tan uoc ( luot khao)
Tan uoc ( luot khao)
 
Vong luan hoi
Vong luan hoiVong luan hoi
Vong luan hoi
 
Toi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhanToi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhan
 

Mehr von co_doc_nhan

Vai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tienVai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tienco_doc_nhan
 
Truong dang christ
Truong dang christTruong dang christ
Truong dang christco_doc_nhan
 
Su phuc hung hau den
Su phuc hung hau denSu phuc hung hau den
Su phuc hung hau denco_doc_nhan
 
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanhSu phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanhco_doc_nhan
 
Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2co_doc_nhan
 
Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1co_doc_nhan
 
Phuong phap day dao
Phuong phap day daoPhuong phap day dao
Phuong phap day daoco_doc_nhan
 
Phuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chuaPhuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chuaco_doc_nhan
 
Nhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh daoNhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh daoco_doc_nhan
 
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nhoNhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nhoco_doc_nhan
 
Nhiem vu giao duc
Nhiem vu giao ducNhiem vu giao duc
Nhiem vu giao ducco_doc_nhan
 
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanhNhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanhco_doc_nhan
 

Mehr von co_doc_nhan (20)

Vai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tienVai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tien
 
Truong nhan su
Truong nhan suTruong nhan su
Truong nhan su
 
Truong dang christ
Truong dang christTruong dang christ
Truong dang christ
 
Thuat lanh dao
Thuat lanh daoThuat lanh dao
Thuat lanh dao
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Su phuc hung hau den
Su phuc hung hau denSu phuc hung hau den
Su phuc hung hau den
 
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanhSu phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
 
Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2
 
Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1
 
Phuong phap day dao
Phuong phap day daoPhuong phap day dao
Phuong phap day dao
 
Phuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chuaPhuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chua
 
Phuc vu chua
Phuc vu chuaPhuc vu chua
Phuc vu chua
 
Phuc vu chua
Phuc vu chuaPhuc vu chua
Phuc vu chua
 
Nhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh daoNhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh dao
 
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nhoNhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
 
Nhom thanh cong
Nhom thanh congNhom thanh cong
Nhom thanh cong
 
Nhiem vu giao duc
Nhiem vu giao ducNhiem vu giao duc
Nhiem vu giao duc
 
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanhNhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
 

Kinh thanh phan voi ban

  • 1. Kinh Thánh Phán Với Bạn Tác giả: Robert Mc Afee Brown Lời Mở Đầu Lời Tri Ân Vài điều về Quyển Kinh Thánh 1. Tìm Thấy Phương Hướng 2. Những Sự kiện và Những Con số. Đề tài của Kinh Thánh 3. Đặt Câu Hỏi Thích đáng. 4. Đức Chúa Trời, Sáng Thế Ký và Gia phả. 5. Hai Mặt Của Một Đồng Tiền - Và Một Lời Tóm Tắt. 6. Lời Tuyên Bố Và Những Thách Thức. 7. Tính Chất Bất Ngờ Của Phúc Âm. 8. Một Kẻ Khủng Bố Được Biến Đổi 9. Khi Đức Chúa Trời “Liều Mình.” 10. Chỗ Đồi Sọ. 11. Một Sự Đe Dọa. 12. Đối Đầu Với Những Sự Thật Xấu Xa. Kinh Thánh Được Viết Cho Ai? 13. Về mặt nầy... Về mặt khác. 14. Một Công Tác Tái Tạo Toàn Diện. 15. “Nhưng Nhất Định Bạn Không Đến Nhà Thờ!” Những Chân Trời Mới Trong Kinh Thánh 16. Một Thế Giới Mới Kỳ Diệu. 17. Sự Thật Về Sống và Chết. Lối Suy Nghĩ Theo Kinh Thánh Về Các Nan Đề Ngày Nay 18. Giai Điệu và Các Biến Tấu 19. Khảo Sát Chiều Hướng Xã Hội Hoặc Tập Thể Trong Đạo Đức Luận Của Kinh Thánh, Cùng Bác Bỏ Đường Lối Duy Luật Pháp Hay “Tinh Thần Pharisi,” Là Vấn Đề Được Nói Đến Trong Phần Luận Giải Đức Tin Tân Ước về “Sự Tự do của Cơ Đốc Nhân” 20. Những Sự Dạy Dỗ Không Đơn Giản Của Chúa Jêsus-Cùng Lời Chú Thích về Phaolô. 21. Trở Nên Hết Sức Cụ Thể 22. Kinh Thánh và Bầu Cử 23. Kinh Thánh Và Súng Đạn. Phần kết Luận 24. Bí Mật và Ý nghĩa
  • 2. Lời Mở Đầu “Một cuốn sách nói về Kinh Thánh” có thể là một cái bẫy và là một sự lừa dối. Người ta có thể nghĩ rằng nếu đã đọc “một cuốn sách nói về Kinh Thánh” thì không cần phải đọc Kinh Thánh nữa. Thật ra, quyển sách nầy cũng giống như giúp bạn đọc về vị tổng thống của Hoa Kỳ (hoặc nhà quán quân của Liên Đoàn Quốc Gia) để biết về tổng thống trước khi bạn thật sự gặp ông. Những cuốn sách nói về Kinh Thánh giúp bạn biết Kinh Thánh một cách gián tiếp. Mục tiêu duy nhất của những quyển sách đó là thúc đẩy bạn tìm đến với Kinh Thánh, giục bạn cầm Kinh Thánh lên và đọc. Những quyển sách này cũng giúp bạn những thông tin và hiểu biết cần thiết để khi thật sự đọc Kinh Thánh, bạn sẽ không bỏ cuộc ngay từ đầu vì cảm thấy chới với trong các câu “người nầy sanh ra người kia” cứ lập đi lập lại. Như chúng ta sẽ thấy trong các trang kế tiếp, Kinh Thánh không phải “chỉ là một cuốn sách như bao nhiêu quyển sách khác” có nhiều thông tin thú vị về Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chính là quyển sách cho người ta thấy Đức Chúa Trời “sống động,” bày tỏ đường lối Ngài cho con người và truyền dạy họ làm những điều liên quan đến Ngài. Ngài không phải là một Đức Chúa Trời “vô hại” hay “dễ bảo,” ngự trị an toàn sau các chắn song của thiên đàng xa xôi. Ngài có phương cách tỏ mình gây khó chịu nhất, ít ra là khi chúng ta cần Ngài; để đối mặt với chúng ta trong những cách lạ lùng nhất. Ngài thường hóa ra lại rất khác so với loại Thượng Đế mà chúng ta tự nghĩ ra. Chúng ta phải chuẩn bị cho những điều ngạc nhiên và những tin tức bất ngờ. Nếu đã được chuẩn bị cho những sự ngạc nhiên, bạn sẽ thấy tin bất ngờ nầy xuất hiện ở khắp mọi nơi, và khi bạn trở lại với các sách khác uyên thâm hơn quyển sách nầy để có thêm các thông tin ( sách chú giải và những sách thuộc loại đó), cuối cùng bạn sẽ phải quay lại với chính Kinh Thánh và để Kinh Thánh phán với mình, như Kinh Thánh cũng từng phán với nhiều người trước bạn. Nếu bạn làm như vậy, có thể Đức Chúa Trời không còn chỉ là một “ý tưởng,” mà Ngài sẽ trở thành một thực hữu đối với bạn. Bởi vì bạn sẽ tìm gặp Ngài chính ở chỗ Ngài vẫn luôn tìm kiếm bạn từ đầu. Lời Tri Ân Rất nhiều người đã giúp tôi thực hiện cuốn sách nầy. Dù có nguy cơ bỏ sót nhiều người, tôi vẫn phải nhắc đến một số người. Cuốn sách nầy có thể sẽ không bao giờ được bắt đầu nếu không có sự sẵn lòng của Tiến sĩ Charles J. Turck, Hiệu trưởng trường Cao Đẳng Macalester, đã làm nhẹ đi gánh nặng
  • 3. dạy dỗ của tôi tại đó trong một quý để tôi có được nhiều thời gian hơn biên soạn cuốn sách nầy. Không phải tất cả các hiệu trưởng Cao Đẳng đều có sự cảm thông hiểu biết như vậy. Ngoài ra tôi cũng đã lấy nhiều ý tưởng từ các sách vở khác, và mặc dầu tôi không hình dung người nào có thể tránh được điều đó, một số trong những ý tưởng mà tôi đã sử dụng rõ ràng là lệ thuộc vào những sáng tạo của người khác mà tôi phải tri ân. Câu chuyện “The man from Mars” trong Chương VI được chuyển thể từ Campus Gods on Trial của Chad Walsh (The Macmillan Company), và câu chuyện Hội Thánh Đầu tiên tại San Francisco trong Chương 15 được chuyển thể từ cuốn The Shape of the Liturgy của Dix.(The Dacre Press) Những ví sánh về chiếc đĩa hát và ô kính cửa sổ trong Chương 3 có nguồn gốc từ các tác phẩm của Emil Brunner. Có nhiều “vay mượn” khác nữa, nhưng phần kể trên là rõ nhất. Cũng xin ghi nhận rằng tôi đã nhận được sự giúp đỡ không kể xiết từ các chủ bút của Ban Chấp Hành Hội Trưởng Lão Ngành Giáo Dục Cơ Đốc và Nhà Xuất Bản Westminster. Nếu vẫn còn có những cụm từ tẻ nhạt và những câu văn khó hiểu trong các trang tiếp theo đây, điều đó không phải lỗi của họ, mức độ hoàn thành của họ trên hai bản thảo đầu tiên cũng đã tuyệt vời một cách lạ lùng rồi. Điều nầy đúng đối với tôi (nói theo một ẩn dụ mà tôi đã thấy được quy gán một cách khác nhau cho Coleridge, Newton, Herbert, và Perrault) nếu tôi thấy được bất cứ khải tượng nào ở chân trời thuộc linh, đó là vì tôi đã được mang trên vai của những người khổng lồ. Nhưng, điều này cũng đúng nữa, nếu khải tượng bị che mờ và khó phân biệt, là do tôi đã bị buộc phải xem cảnh đẹp bằng chính cặp mắt của mình thay vì của họ. Robert Mc AFee Brown Chương 1: Tìm Thấy Phương Hướng (Kinh Thánh Là Gì? ) HỌC VIÊN (càng lúc càng quyết liệt ): Nhưng tại sao tôi lại phải bận tâm với một quyển sách đã được viết ra hàng ngàn năm trước cơ chứ! Tôi chỉ quan tâm đến những gì đang xảy ra hiện bây giờ! Việc người ta giải quyết nan đề của họ vào năm 700 T.C. thì có tạo được khác biệt gì cho tôi cơ chứ! Tôi đã có những vấn đề phải giải quyết ngay bây giờ rồi. Còn bận tâm đến việc đọc Kinh Thánh làm gì? GIÁO VIÊN TRƯỜNG CHÚA NHẬT ( rõ ràng đã không chuẩn bị cho loại sự việc nầy ): Thôi được... Đó là một câu hỏi có lý. Đó cũng là một câu hỏi gay go. Không câu trả lời mang tính lý thuyết suông nào có thể giải đáp được. Và nếu có thì nó phải
  • 4. xuất phát từ đời sống và tình huống của con người ngày nay. Dưới đây là một câu trả lời (và là một câu trả lời đúng) có thể cho chúng ta một sự trợ giúp nào đó. Chúng ta sẽ gọi đó là Sự Phục Sinh Giữa Thái Bình Dương Một tàu chiến mang theo 1500 lính thủy đánh bộ, là những người được đưa từ Nhật Bản trở về Hoa Kỳ để giải ngũ. Vào ngày thứ hai, một nhóm nhỏ trong số họ đến gặp vị mục sư tuyên úy và trước sự ngạc nhiên hết sức của ông ta, xin ông hướng dẫn họ học Kinh Thánh mỗi buổi sáng. Nén sự kinh ngạc của mình, vị mục sư tuyên úy đón lấy cơ hội. Gần cuối hải trình, nhóm người nầy đang học đến Giăng đoạn 11, là đoạn thuật chuyện sự sống lại của Laxarơ. Vị tuyên úy gợi ý rằng sự kiện này đã làm sống động điều Chúa Jêsus phán trong trường hợp đó: “Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin Ta thì sẽ sống mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống và tin Ta thì không hề chết.” Điều quan trọng hơn cả sự sống lại của một tử thi vào năm 30 S.C chính là vấn đề lời tuyên bố của Chúa Jêsus có đúng vào năm 1946 S.C. (hoàn cảnh lúc ấy) hay không. Ông kể cho họ câu chuyện của Raskolnikov, người đàn ông trong tác phẩm Crime and Punishment của Dostoevsky, là người tự hủy hoại chính mình bằng hành động giết một người khác, nhưng ông ta thật sự đã được hồi sinh khi được nghe những lời này của Chúa Jêsus. Mọi người thảo luận chút ít. Một vài câu hỏi được đưa ra. Nhưng nói chung thì không có gì cho vị tuyên úy thấy rằng ông đã trình bày quan điểm của mình hiệu quả lắm. Khi cuộc thảo luận kết thúc, một lính thủy mang cấp bậc hạ sĩ theo vị tuyên úy vào phòng. Sau một vài lời mở đầu lúng túng, anh đi thẳng vào vấn đề. Anh nói: “Thưa mục sư, tôi cảm thấy như thể mọi sự chúng ta đọc buổi sáng hôm nay nhằm thẳng vào tôi. Tôi đã sống trong địa ngục trong suốt sáu tháng qua, và lần đầu tiên tôi cảm thấy được giải phóng.” Trong khi anh ta kể, câu chuyện trở nên rõ ràng. Vừa xong trung học anh được gọi vào quân ngũ. Anh đã trải qua thời gian dài trong các lực lượng đóng quân tại Nhật bản. Anh ngày càng chán chường. Cuối cùng một buổi tối nọ anh đã đi chơi với một số bạn bè và vướng phải rắc rối. Một rắc rối nghiêm trọng. May mắn thay (anh nghĩ như vậy) không ai biết chuyện đó. Nhưng chính anh biết rõ. Anh biết chắc rằng Đức Chúa Trời cũng biết. Anh cảm thấy mặc cảm tội lỗi, tội lỗi khủng khiếp. Mỗi ngày khi chiếc tàu càng gần đến San Fransisco, thì cảm nhận ấy lại gia tăng, rằng anh đã hủy hoại cuộc sống của mình và sẽ không bao giờ có thể đối mặt với gia đình khi trở về nhà. Dầu vậy, đó vẫn chưa phải là kết thúc. Anh cứ tiếp tục lập đi lập lại ý tưởng này nhiều lần: “Mãi cho đến trước ngày hôm nay, thưa mục sư tôi vẫn là một
  • 5. kẻ chết. Tôi cảm thấy bị chính mình, bị gia đình tôi (nếu họ biết), và bị Đức Chúa Trời lên án hoàn toàn. Tôi đã chết , nhưng bây giờ, sau khi đọc câu chuyện của Chúa Jêsus và Laxarơ, tôi biết mình đã được sống lại. Sự tha thứ của Đức Chúa Trời có thể vươn đến, thậm chí với tôi. Rốt lại, Chúa Jêsus phục sinh đang nói về một điều thực hữu, ngay lúc nầy.” Khi viên hạ sĩ rời phòng, rõ ràng là anh vẫn còn rất nhiều nan đề phải trang trải, và sự việc không tự động trở nên dễ dàng trong “đời sống mới,” nhưng khi vị tuyên úy dõi mắt nhìn anh ta bước đi, ông ta biết rằng vào ngày hôm ấy, trên chiếc tàu ấy, ở giữa Thái Bình Dương, phép lạ về sự phục sinh đã xảy ra. Hoàn toàn rõ ràng, lời của Chúa Jêsus là đúng: “Người nào tin Ta thì sẽ sống mặc dầu đã chết.” Điều Gì Đã Xảy Ra? Bây giờ chúng ta hãy đối diện với điều đó. Xét theo bề ngoài thì đối với một người lính thủy bị dày vò trong linh hồn đang ngồi trên đống dây thừng trên chiếc tàu chiến, dường như câu chuyện người chết sống lại vào thế kỷ thứ nhất hoàn toàn chẳng liên quan gì đến anh. Nhưng vì một lý do lạ lùng nào đó, câu chuyện không phải không có liên quan. Câu chuyện như thế nào mà sau khi đọc nó người lính thủy có thể nói rằng anh đã chết mà nay được sống? Điều xảy ra chính là chân lý sống trong câu chuyện đã trở nên chân lý sống cho chính anh . Đó không phải là một câu chuyện xưa cổ trong lịch sử, mà đó chính là câu chuyện của anh . Một lời ký thuật về chính tình trạng của anh ta . Sứ điệp của sự sống mới đã vượt qua các trang giấy và đến được với anh, nắm lấy anh, và đã biến đổi anh. Kinh Thánh không chỉ tuyên bố điều gì đó đã xảy ra vào thế kỷ thứ nhất mà Kinh Thánh còn tuyên bố điều đang xảy ra trong thế kỷ thứ hai mươi. Giả sử như, và đây cũng là điều hoàn toàn có khả năng, vị tuyên úy đã bỏ sót “vấn đề quan trọng” trong câu chuyện của Laxarơ (và tôi biết rõ khả năng nầy lắm bởi vì tôi đã từng là một mục sư tuyên úy), dầu vậy quyền năng của sứ điệp Kinh Thánh “đã xuyên thấu” vào người lính thủy nầy, bằng sứ điệp chữa lành và ban sự sống mới của Kinh Thánh. Đây không phải là một trường hợp đơn lẻ. Những chuyện như vậy đã xảy ra cho con người kể từ khi Kinh Thánh được viết ra. Sự thật là khi người ta tự cởi mở chính mình trước sứ điệp của Thánh Kinh, sự việc bắt đầu xảy ra. • Con người hành động một cách dạn dĩ. • Nhiều cuộc đời được biến đổi. • Những kẻ nhút nhát trở nên can đảm • Một Hội Thánh chết trở nên sống động trở lại Chúng ta hãy chọn bừa ba tên tuổi trong lịch sử Hội Thánh: Thánh Augustine, nhà kiến trúc của tư tưởng Cơ đốc Tây phương; Martin Luther,
  • 6. người đi đầu trong số những nhà Cải chánh Tin lành vĩ đại; và John Wesley, nhà sáng lập điều ngày nay chúng ta gọi là Hội Giám lý. Mỗi người trong số ba nhân vật nầy đều đã đến chỗ trưởng thành trong đức tin Cơ Đốc bằng con đường khó khăn. Không có sự chuyển tiếp dễ dàng từ “ tôn giáo thời thơ ấu” hay bất cứ điều gì tương tự như vậy đối với họ, mà đó là một cuộc chiến gay go, gian khổ. Đối với mỗi người, chính sự tiếp xúc với sứ điệp sống của Kinh Thánh cuối cùng là nhân tố quyết định khiến họ ủng hộ Kinh Thánh. Điều tương tự cũng đang xảy ra ngày nay. Không những chỉ khuấy động những người lính thủy, mà cả đến những người nam người nữ ở khắp mọi nơi. Thật vậy, điều có ý nghĩa nhất trong hai mươi lăm năm qua về sự sống của Hội Thánh Tin lành chúng ta là điều có thể được gọi là “việc tái khám phá Kinh Thánh.” Người ta đang nhận ra rằng Kinh Thánh không phải là một cuốn sách lỗi thời, nhưng nó thức thời một cách đáng ngạc nhiên, và khi họ trở lại với Kinh Thánh, Kinh Thánh ngày càng soi rọi ánh sáng tươi mới trên những hoàn cảnh của chính họ vào các năm 1946, hoặc 1955, hoặc 1964. Kinh Thánh Là Gì? Nếu đúng như vậy, thì có một vấn đề xác thực cần phải được nêu lên một lần nữa: “Như vậy Kinh Thánh là gì? Vì sao Kinh Thánh tiếp tục có được thứ ảnh hưởng mạnh mẽ như vậy? Vì sao người ta tiếp tục được biến đổi bởi Kinh Thánh?” Chúng ta hãy tìm hiểu xem. Nếu bạn được trao cho một cuốn Kinh Thánh lần đầu tiên trong đời, và có vài giờ để ghi xuống một số những cảm tưởng, thì có thể bạn sẽ kết thúc với một bảng danh sách như sau: Một quyển sách QUÁ dài hai phần chính (Cựu ước và Tân ước - những thuật ngữ ấy có nghĩa gì?) thật ra, Kinh Thánh không phải chỉ là một quyển sách mà gồm nhiều sách (66 quyển) một số rất dài, một số khác chưa đến một trang. • thuộc đủ loại: • lịch sử. • chuyện ngắn • kịch • thơ ca trữ tình • triết lý • các điều luật • các bức thư chân tình • một số điều làm tôi bị lúng túng hoàn toàn • dường như chủ yếu viết về người Do Thái và về sau viết về một người trong số họ một cách đặc biệt (nhân vật Giêxu). • Nếu bạn đi thêm một chút xíu nữa vào trong lịch sử của bản thân Kinh
  • 7. Thánh bạn sẽ kết luận với một vài sự kiện nữa: • sách đã được viết ra cách đây rất lâu - khoảng 1000 năm • phần đầu được viết bằng tiếng Hybá, phần thứ hai bằng tiếng Hylạp, một ít tiếng Aram (là ngôn ngữ gì?) • kể từ đó nhiều phần trong Kinh Thánh đã được dịch ra trên 1000 THỨ TIẾNG!! • Bản dịch mới nhất (sang tiếng Anh) được gọi là “cuộc mạo hiểm xuất bản lớn nhất trong lịch sử.” Tất nhiên, những thông tin trên không bắt đầu trả lời cho câu hỏi: Kinh Thánh là gì? Nhưng nếu bạn cứ tiếp tục xem xét các thông tin đó, cuối cùng bạn sẽ đưa ra một điều gì đó như một vài đoạn tiếp theo sau đây. Sẽ là không đủ khi bảo rằng Kinh Thánh là lời ký thuật việc con người tìm kiếm Đức Chúa Trời , một lời tường thuật về cuộc tìm kiếm khổ sở, chậm chạp, tiến dần từ những sự bắt đầu sơ khai đến chủ nghĩa độc thần (niềm tin nơi một Đức Chúa Trời )phát triển cao. Thật vậy, có nhiều ví dụ về sự phát triển khái niệm về Đức Chúa Trời khi nó trở nên thuần khiết và cao quý trong quá trình lịch sự của người Do thái. Nhưng là một phương tiện để hiểu biết Kinh Thánh, thì điều đó chưa đủ. Bảo rằng Kinh Thánh là lời ký thuật của việc Đức Chúa Trời tìm kiếm loài người thì gần với sự thật hơn. Xuyên suốt Kinh Thánh, con người dường như lúc nào cũng có khuynh hướng trốn tránh Đức Chúa Trời. Mặc dầu vậy, Đức Chúa Trời tiếp tục tìm kiếm những con người đó, không chịu bỏ cuộc, tiếp tục đeo đuổi bất chấp vô số những sự từ chối và né tránh. Kinh Thánh có tất cả sự thú vị và hồi hộp của một câu chuyện trinh thám, trong đó viên thám tử không ngơi ngớt rượt đuổi kẻ tội phạm từ chương nầy sang chương khác. Cùng một loại đeo đuổi không khoan nhượng ấy chi phối lời giải thích mà người Do thái đã trình bày với quá khứ lịch sử của họ trong Cựu ước. Cuộc tìm kiếm kết thúc trong Tân ước, nơi có lời tuyên bố rằng Đức Chúa Trời, vì quá mong muốn có được mối tương giao với con người đến đỗi không những đã sai các sứ thần, những vị khâm sai hay các tiên tri hoặc những người đại diện - mà qua Chúa Cứu Thế Jêsus, chính Ngài đã đến! Đây chính là lời tuyên bố gây kinh ngạc hơn hết đã từng được phán ra. Đây chính là tuyên bố lạ lùng nhất từng được công bố. Nếu như có một tin tức bất ngờ nào, thì đó chính là Tin lành. Dầu vậy thậm chí còn có nhiều điều lớn lao như thế nữa. Kinh Thánh không những cho biết Đức Chúa Trời đã tìm kiếm dân Ngài trong quá khứ; mà Kinh Thánh còn là một phương tiện để Ngài tìm kiếm chúng ta ngày nay . Kinh Thánh không chỉ là quá khứ tẻ nhạt; mà nó còn là hiện tại sống động. Ta không thể đọc Kinh Thánh mà không ý thức mình tham dự vào. Bởi vì những kinh nghiệm của các nhân vật trong Kinh Thánh chính là kinh nghiệm
  • 8. của chúng ta. Họ đặt những câu hỏi: • Nếu con người chết đi, liệu có sống lại không? (Giop G 14:4). • Bạn nghĩ gì về Chúa Cứu Thế? (Mat Mt 22:42). • Lạy Chúa, Ngài là ai? (Cong Cv 9:5). • Lạy Chúa, tôi phải làm gì? (22:10). • Vì sao con đường của kẻ ác được thạnh vượng? (Gie Gr 12:1). • Hỡi linh hồn ta, cớ sao ngươi sờn ngã? (Thi Tv 42:5). • Và chúng ta cũng đặt những câu hỏi tương tự, dù cách dùng từ hơi khác: • Điều gì xảy đến cho tôi khi qua đời? • Liệu Chúa Jêsus có thật sự vĩ đại hơn những con người vĩ đại không? • Đức Chúa Trời là ai? • Niềm tin nơi Đức Chúa Trời sẽ tạo ra điều gì khác biệt? • Mấu chốt của việc “sống tốt” là gì? • Vì sao cuộc sống đôi khi dường như phù phiếm khủng khiếp? Tới mức độ đã thật sự đặt những câu hỏi trên (phải có can đảm để nêu những câu hỏi ấy một cách thành thật), chúng ta phát hiện mình có liên quan đến việc đặt và trả lời những điều có trong Kinh Thánh. Hãy nhớ rằng chúng ta sẽ không tìm thấy những câu trả lời có sẵn trên chiếc đĩa bạc, các câu trả lời cũng không được ban cho các nhân vật trong Kinh Thánh trên một chiếc đĩa bạc. Những câu trả lời họ có đã được nhấn mạnh cho họ qua “ máu, sự lao khổ, nước mắt và mồ hôi” của một lịch sử đau buồn. Những câu trả lời đó đã không ra từ nghiên cứu của một nhà triết học, hay thậm chí từ một lớp học Trường Chúa Nhật. Chúng nổi lên từ những gian khổ và mất mát của cuộc sống, và chính trong những gian khổ và mất mát đó chúng ta khám phá sự giải đáp của Kinh Thánh xác thực như thế nào. Nhưng không phải chỉ qua các câu hỏi và trả lời mà chúng ta thấy Đức Chúa Trời tìm kiếm chúng ta trong Kinh Thánh. Không những các mạng lệnh và lời hứa của Chúa đã được đem đến gần chúng ta, mà chính mình Đức Chúa Trời “trở nên sống động,” và phán với chúng ta khi chúng ta đọc Kinh Thánh nghiêm túc. Chính vì lý do đó mà các Cơ Đốc Nhân gọi Kinh Thánh là “Lời của Đức Chúa Trời.” Điều nầy không có nghĩa những “lời” của Đức Chúa Trời được ghi lại trong Kinh Thánh như thể có ai đó đã có một chiếc máy thâu băng siêu phàm và rồi đã sao chép lại sứ điệp ấy ra trên giấy. Bởi vì, như chúng ta sẽ thấy Đức Chúa Trời “phán” với con người, không nhiều qua những lời tuyên bố cho bằng qua hoạt động sáng tạo của Ngài ngay nơi con người đang ở. Sự mặc khải siêu nhiên của “Lời” Ngài, là quyền phép sáng tạo của Ngài, chính là “sự kiện” Chúa Cứu Thế Jêsus, qua đời sống, sự chết, và sự phục sinh của Ngài - “Ngôi lời đã trở nên xác thịt,” như sách Phúc âm Thứ Tư đã chép. Và rồi, Kinh Thánh cho chúng ta biết những thời điểm Đức Chúa Trời hành động trên đời sống của con người, khi chúng ta
  • 9. đọc Kinh Thánh, là tạo khả năng Chúa có thể phán trực tiếp với chúng ta qua các sự kiện và hành động ấy. “Kinh Thánh là một bức thư đặc biệt được gởi với tên và địa chỉ của bạn trên đó” là một cách mô tả Kinh Thánh. Vì vậy Kinh Thánh hơn cả một lời ký thuật; là một tiếng gọi, một lời mời gọi, một sứ điệp khẩn cấp dành cho chúng ta. Việc Sử Dụng Kinh Thánh Nếu đúng như vậy, thì bây giờ có một câu hỏi hàng đầu cần phải được nêu lên: Tôi có thể sử dụng Kinh Thánh bằng cách nào ngõ hầu Kinh Thánh sẽ phán với tôi theo cách ấy? Chúng ta hãy xem xét một số phương cách qua đó các Cơ Đốc Nhân đã thử để trả lời cho câu hỏi nầy. 1. Một phương pháp mà người ta đã sử dụng từ rất sớm, đặc biệt với những câu Kinh Thánh khó, đó là giải thích Kinh Thánh bằng ngụ ngôn . Ngụ ngôn là một câu chuyện có những ý nghĩa ẩn tàng không xuất hiện ở bề mặt. Ví dụ nếu tôi viết: “con gấu trúc mắc một cái dằm trong móng vuốt của nó cho đến khi đến được bờ sông,” đây có thể là cách nói ngụ ngôn của tôi hàm ý rằng Cơ Đốc Nhân (gấu trúc) dính líu vào trong tội lỗi (cái dằm) cho đến khi người ấy được báp tem (bờ sông), và tôi có lẽ đang cố gắng một cách nghiêm túc để viết về niềm tin Cơ Đốc bằng hình thức chuyện ngụ ngôn về loài vật. Nhiều người trong số các Giáo phụ của Hội Thánh Đầu Tiên đã giải thích các đoạn Kinh Thánh bằng cách nầy. Hãy lấy ví dụ của Chúa Jêsus về câu chuyện người Samari Nhơn lành, minh họa điều hàm ý một người lân cận tốt là thế nào ( xem LuLc 10:25-37 nếu bạn đã quên diễn tiến của câu chuyện). Thánh Augustine đã dựng nên một ngụ ngôn từ câu chuyện nầy, sau khi cho mỗi chi tiết một ẩn ý. “Có một người” chính là Ađam. Giêrusalem là thành của thiên đàng. Những kẻ cướp là ma quỷ và các quỷ sứ nó. Người Samari là Chúa Jêsus. Quán trọ là Hội Thánh. Chủ quán là sứ đồ Phaolô. Và vân vân. Câu chuyện về người Samari Nhơn lành đã được biến đổi từ một câu chuyện về lòng tử tế thật thành một chuyện ngụ ngôn của kịch nghệ Cơ Đốc về sự cứu rỗi. Bởi vì ngôn ngữ tôn giáo luôn phải tận dụng lối nói hình tượng, phương pháp giải thích bằng ngụ ngôn đôi khi rất hữu ích. Sự nguy hiểm ở chỗ một người không phải là học giả và chuyên gia có thể “bóp méo” một câu chuyện để nói lên điều mình muốn, như vậy không những ý nghĩa thực sự của câu chuyện có thể bị đánh mất, mà những ý nghĩa sai trật hoàn toàn có thể bị “hiểu”. 2. Tương phản hoàn toàn với phương pháp ngụ ngôn là quan điểm Kinh Thánh phải được diễn dịch theo nghĩa đen , kèm thêm tuyên bố từng lời đã được hà hơi trực tiếp, nên mọi lời đều có lợi ích và giá trị ngang bằng nhau. Phương pháp giải thích Kinh Thánh này mới hơn phương pháp ngụ ngôn rất
  • 10. nhiều. Ví dụ, Luther, nhà Cải chánh Tin lành đầu tiên, phân biệt rõ ràng giữa các sách khác nhau của Kinh Thánh, đã gọi sách Giacơ là một “thơ tín ít giá trị,” và bảo rằng ông thấy có ít giá trị niềm tin trong sách Khảihuyền. Nhận định của ông đúng hay không tạm thời không quan trọng cho bằng ông cảm thấy tự do để đưa ra những nhận xét đó. Nhưng những nhà Cải chánh về sau, đã tiếp tục cùng với Luther để bác bỏ thẩm quyền tuyệt đối của giáo hoàng và quay sang đặt niềm tin nơi thẩm quyền tuyệt đối của Thánh Kinh ngày càng nhiều hơn, giải thích rằng là Cơ Đốc Nhân nghĩa là người tin lời Kinh Thánh, những lời tuyên bố chứa đựng bên trong hai bìa của sách, đúng theo nghĩa đen trong mọi chi tiết. Điều nầy nẩy sinh nan đề ra sao? Vì một điều, thật sự là ngôn ngữ tôn giáo cần phải dùng đến chủ nghĩa biểu tượng, sự tượng hình, và cách mô tả có chất thơ trong những trường hợp nhất định, việc sử dụng ngôn ngữ như vậy đánh mất ý nghĩa tôn giáo nếu xét theo nghĩa đen. Ví dụ khi Chúa Jêsus bảo chúng ta hãy trở nên như con trẻ, không có nghĩa Ngài hàm ý chúng ta phải mang tã. Có một khó khăn về đạo lý trong quan niệm mà“những người giải thích theo nghĩa đen” đôi khi tán thành, cho rằng tất cả các phần trong Kinh Thánh đều đúng và được thần cảm như nhau. Có - hoặc phải có - một sự khác biệt rõ ràng giữa thái độ của Thi Tv 127:1-5 đối với kẻ thù: “Phước cho người bắt con nhỏ ngươi, đem chà nát chúng nó nơi hòn đá!” (câu 9) với thái độ của Chúa Jêsus với kẻ thù của Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ không biết điều mình làm” (LuLc 23:34). Hai câu ấy rõ ràng không cùng một mức độ giá trị thuộc linh như nhau. Đặt mọi câu Kinh Thánh trên cùng một mức quan trọng như nhau là đưa chính mình vào chỗ khó khăn giống như người mở Kinh Thánh hú họa để tìm lời khuyên trong lúc gặp khó khăn, và chuốc lấy họa khi tưởng được soi sáng bằng những lời nầy: “Giuđa đi ra và treo cổ.” Chưa thỏa mãn với lời an ủi lạnh lùng ấy, anh ta thử lại một lần nữa, lần nầy anh mở ra trúng chỗ: “Hãy đi và làm y như vậy.” Kinh Thánh không phải là một bộ sưu tập cố định gồm những câu trả lời có bằng chứng giáo khoa, được sử dụng theo kiểu đó. Hiểu như vậy, sẽ thấy thật khó khăn khi tiếp cận Kinh Thánh như một loạt các lời tuyên bố mà mỗi lời đều đúng theo nghĩa đen và có giá trị bằng nhau. Vấn đề là Đức Chúa Trời của Kinh Thánh có thực sự chọn cách nầy để mặc khải chính mình Ngài hay không. Dầu còn đeo đuổi vấn đề nầy trong chương kế tiếp, chúng ta vẫn lập lại một lần nữa điều đã được nói, đó là qua Kinh Thánh, chúng ta thấy Đức Chúa Trời không mặc khải chính mình Ngài qua các lời tuyên bố nhiều cho bằng qua các sự kiện, các nhân vật, và các hành động. Nói cách khác, Ngài là một Đức Chúa Trời có thân vị, ra sức bước vào mối tương giao cá nhân với con cái Ngài. Chúng ta không thể bước vào mối tương giao cá nhân với một cuốn sách phi thân vị nhưng chúng ta có thể bước vào mối tương
  • 11. giao cá nhân với một con người, với Chúa Cứu Thế Jêsus. Và vì vậy, chính về nhân vật đó mà sách nầy được viết ra, chứ không phải vì bản thân quyển sách, Ngài là chủ thể và đối tượng của đức tin chúng ta. Những người Tin lành tin chắc nơi “thẩm quyền của Kinh Thánh,” bởi vì Kinh Thánh đưa họ mặt đối mặt với Chúa Cứu Thế Jêsus. Đức Chúa Trời đã đối diện họ bằng một thân vị sống, không phải chỉ qua những thông tin về những nhân vật đó. Điều nầy phần nào cũng giống như một bức thư của một người bạn. Bạn không quý trọng bức thư nhiều vì những cụm từ hoặc văn phong của nó cho bằng vì nó đưa người ấy đến gần bạn hơn và giúp bạn hiểu rõ người ấy hơn. Sự hiện diện liên tục của lá thư có lẽ cũng tốt, nhưng đó là một sự thay thế khá tồi so với sự hiện diện liên tục của người bạn. (Bất cứ ai đã từng yêu thì sẽ hiểu điều nầy.) Luther đã làm rõ điểm nầy - nếu chúng ta có thể thay đổi ý tưởng của mình hơi đột ngột - khi ông nói: “Kinh Thánh là chiếc nôi mà Đấng Christ nằm ở trong.” 3. Một cách sử dụng Kinh Thánh khác nữa đó là giải thích Kinh Thánh trong tinh thần phê phán , tức là từ quan điểm nghiên cứu văn chương Kinh Thánh. Suốt một thời gian dài, các học giả đã nghiên cứu các thủ bản Kinh Thánh đầu tiên, từ cách xác định các sách trong Kinh Thánh được viết ra vào lúc nào, ai viết và viết cho ai, hoàn cảnh nào các sách ra đời, và v.v..Bởi vì con người đôi khi chế nhạo cách giải thích Kinh Thánh nầy, nên phải nhấn mạnh rằng Cơ Đốc Nhân ngày nay mắc nợ lớn đối với các học giả ấy. Nhờ những nỗ lực của họ, ngày nay chúng ta có những công cụ để hiểu Kinh Thánh tốt hơn bao giờ hết có thể có được. Để biết được cuốn sách đã được viết ra lúc nào, do ai, dành cho ai, ý định của tác giả là gì? - tất cả điều nầy ngày nay đã có được cách rõ ràng. Vì vậy khó khăn chính với phương pháp nầy không phải là vì nó sai trật hoặc thiếu sự tôn kính, nhưng bởi bản thân nó chưa đầy đủ. Ví dụ thật thú vị khi biết rằng có hai câu chuyện sáng tạo trong Sáng Thế Ký, và thật thú vị để so sánh những tương đồng và những khác biệt của chúng. Nhưng điều nầy chỉ có giá trị như một công cụ để giúp chúng ta hướng đến các vấn đề nền tảng hơn: ý định của các câu chuyện sáng tạo này là gì? Chúng cho ta biết gì về sự quan tâm của Chúa đối với chúng ta? Những hàm ý của ý tưởng Đức Chúa Trời đã dựng nên trái đất, và đặc biệt là Ngài đã dựng nên chúng ta, là gì? Bản thân phương pháp phê bình không cho chúng ta những câu giải đáp dành cho những thắc mắc ấy. 4. Vậy thì những phương cách trên chưa phải là cách đầy đủ hoàn toàn để hiểu biết và sử dụng Kinh Thánh. Có cách nào có ý nghĩa hơn không? Phương cách được đề nghị ở đây (và sẽ được bao hàm xuyên suốt phần còn lại của sách nầy) là chúng ta hãy đọc Kinh Thánh như các diễn viên tham gia vào vở kịch Kinh Thánh trong công cuộc Đức Chúa Trời tìm kiếm loài
  • 12. ngươì. Chúng ta là một phần của vở kịch nầy. Chúng ta không thể tách mình khỏi vở kịch đó. Chúng ta không thể hiểu Kinh Thánh như một thủ bản cổ chủ yếu vì lòng quan tâm của một người chuyên sưu tầm đồ cổ hoặc người bảo quản viện bảo tàng. Chúng ta phải hiểu Kinh Thánh như một cuốn sách sống được viết cho chúng ta, trong đó chúng ta làm một với những người ở dưới sự phán xét của Đức Chúa Trời và những người nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Lỗi lầm chết người đó là đọc Kinh Thánh như một người đứng ngoài xem xét chứ không phải như một người tham dự, và đưa ra một giả định sai lầm rằng chúng ta có thể ngồi trong rạp hát theo dõi vở kịch, trong khi thật sự chúng ta phả ở trên sân khấu dự phần trong vở kịch. Điều đó có nghĩa khi Amốt lớn tiếng cảnh báo dân chúng thành Bêtên rằng họ đang phạm những điều sai trái, thì chúng ta cũng đang nghe ông phán cùng mình. Không những ông chỉ cho chúng ta biết điều gì sai trật ở tại Bêtên - là ông cũng cho chúng ta biết điều sai trật ở tại Minneapolis, Houston hay Grover Corner hoặc bất cứ nơi nào chúng ta đang sống. Khi Chúa Jêsus phán cùng các môn đồ: “Còn người ta nói ta là ai?” đó cũng chính là câu hỏi đang được nhắm vào chúng ta. Chúng ta nói Ngài là ai? Chúng ta đang được hỏi để quyết định, cũng như các môn đồ đang được hỏi để quyết định. Như vậy, hoặc Chúa Jêsus nói: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng hãy đến cùng ta,” hay Ngài nói: “Các ngươi bề ngoài ra dáng công bình, nhưng trong lòng thì chan chứa gian ác và tội lỗi,” là Ngài đang nói với chúng ta cũng như nói với các thính giả ở thế kỷ đầu tiên. Như thế, chúng ta đang trở thành những diễn viên hoặc người tham dự không phải chỉ vì biết đôi điều về tình huống lịch sử mà trong đó có lời được phán ra hoặc một sự kiện diễn ra, mà chính bởi hiểu rằng lời hoặc sự kiện đó có liên quan đến hoàn cảnh của mình, ngõ hầu lời ấy trở thành lời phán dành cho chúng ta, sự kiện ấy là sự kiện có ý nghĩa cho chính chúng ta. Chúng ta dự phần vào những mạng lịnh và những lời hứa mà Đức Chúa Trời phán truyền, trong niềm hy vọng và kính sợ của dân sự Ngài khi họ trải qua các trang sách nầy. Câu chuyện của họ hiện nay là câu chuyện của chúng ta. Bởi vì họ là “dân sự Ngài,” chúng ta cũng vậy. Sau đây là một ví dụ về cách Kinh Thánh hoạt động. Không lâu sau khi Đức Quốc Xã chiếm đóng Hòa Lan trong Thế chiến II, một nhóm những Cơ Đốc Nhân Hòa Lan bị mật vụ Đức bỏ tù. Vài tháng sau, khi một người trong số họ được thả, anh sẵn lòng để mang tin đến cho các gia đình của những người khác. Họ nên nói gì đây? Một người trong số họ cuối cùng đã gởi một lá thư, lời dịch thô thiển như sau:
  • 13. Xin hãy cố gắng hiểu rằng điều đã xảy đến cho chúng tôi thật sự đã đem kết quả đến cho sự tấn tới của đạo Tin lành, bởi vì những người lính gác tù và tất cả những người còn lại ở đây đều đã đến chỗ nhận biết Chúa Cứu Thế. Thật vậy, chúng tôi nghe rằng nhiều người trong anh em bên ngoài đã có được sự can đảm vì cớ việc chúng tôi bị tù và đang nói về lẽ thật dạn dĩ hơn bao giờ hết. Chúng tôi hy vọng rằng mình sẽ không cần phải xấu hổ vì lời chứng của mình nhưng mong cho mình được dạn dĩ đủ hầu cho ảnh hưởng của Chúa Cứu Thế sẽ được lan truyền bởi chúng tôi, dầu chúng tôi sống hay chết. Những lời này hẳn phải mang một âm điệu quen thuộc. Bởi vì điều tác giả lá thư đã làm là dự phần bức thư Phaolô đã viết trong khi ông ở tù 1900 năm trước đó (Phi Pl 1:12-20), và coi những lời đó là của chính mình. Những Cơ Đốc Nhân Hòa Lan, khi gởi lá thư nầy, đã làm chứng rằng, kinh nghiệm của Phaolô chính là kinh nghiệm của họ, sứ điệp của Phaolô cũng là sứ điệp của họ, Đức Chúa Trời của Phaolô cũng là Đức Chúa Trời của họ. Họ là những người dự phần trong vở kịch Kinh Thánh Chương 2: Những Sự Kiện Và Những Con Số (Kinh Thánh Đến Từ Đâu? ) Như vậy, chúng ta có cuốn Kinh Thánh đầy đủ - đã được in, được đóng thành tập, sẵn sàng để được đọc. Nhưng hãy hỏi bất cứ ai làm thế nào Kinh Thánh xuất hiện trong hình thức ngày nay, bạn sẽ thấy rắc rối. Thay vì tìm được cách giải đáp, bạn rất có thể sẽ tạo nên một mớ các câu hỏi hỗn độn. Giống như vầy: • Ai đã viết Kinh Thánh? • Ngũ kinh là gì? • Ai quyết định điều phải được viết trong Kinh Thánh? • Vì sao lại có 66 sách? • Ngụy kinh là gì? • Vì sao người ta vẫn tiếp tục dịch Kinh thánh? • Có phải bản dịch nầy cũng tốt như bản dịch khác không? • Tại sao tất cả các bản Kinh Thánh đều không đồng ý với nhau? • Tại sao lại có Kinh Thánh Công giáo và Kinh Thánh Tin lành? • Bộ “Kinh điển” là gì? • Tại sao Kinh Thánh được viết bằng tiếng Hybá và Hylạp? • Những con số nhỏ hàm ý gì? Chúng ta phải cố gắng sắp xếp mớ hỗn độn nầy cho trật tự. Chỉ khi nào biết rõ đôi điều làm thế nào quyển sách nầy xuất hiện trong hình thức hiện nay chúng ta mới có thể hiểu đúng Kinh Thánh được.
  • 14. Hai Điểm Khởi Đầu Trước hết chúng ta cần nhớ hai điều. Điều thứ nhất . Kinh Thánh không phải là một quyển sách “từ trời rơi xuống” hoàn toàn từ đầu đến cuối. Tin vào một điều như vậy có lẽ là giáo lý tuyệt vời của Mohamet, bởi vì người Hồi Giáo tin rằng kinh Koran xuất hiện trong hình thức đã hoàn tất; đó có thể cũng là giáo lý tuyệt vời của Mormon, bởi vì những người Mormon tin rằng sách Mormon được ban cho như là một sản phẩm hoàn tất cho Joseph Smith nhưng đó không phải là giáo lý tuyệt vời của người Cơ Đốc, bởi vì Cơ Đốc Nhân nhận biết rằng Kinh Thánh không phải đột nhiên xuất hiện, toàn bộ đã được hoàn tất, nhưng đó là một tác phẩm được“thực hiện trong một thời gian lâu dài” - hơn 900 năm! Hãy đóng cuốn sách nầy lại và suy nghĩ trong hai phút về sự kiện Chúa Jêsus có thể đọc cái chúng ta gọi là Cựu ước, và khi Ngài đọc Cựu ước, là cách đây gần 2000 năm, thì chưa hề có sách nào trong Tân ước được viết ra. Điểm thứ hai . Kinh Thánh không phải được viết ra bằng tiếng Anh. Kinh Thánh chúng ta là một bản dịch. Chúa Jêsus không nói tiếng Anh. Môise cũng không nói chuyện bằng giọng Boston. Luca chưa bao giờ đọc tác phẩm của Shakespear. Và trừ khi bạn học tiếng Hybá và Hylạp cùng với một chút tiếng Aram nữa (là điều mà vài độc giả của sách nầy có khả năng thử trong tương lai gần), bạn sẽ không bao giờ đọc được Kinh Thánh bằng ngôn ngữ mà các tác giả đã viết nó. Kinh Thánh tiếng Anh của chúng ta chỉ là một nỗ lực để cho ra đời một bản dịch chính xác các dữ kiện mà khởi đầu đã được viết bằng những ngôn ngữ khác. Toàn Bộ Kinh Thánh Bắt Đầu Như Thế Nào Để tranh luận, giả sử có điều gì đó tuyệt vời vừa xảy đến với bạn. • Bạn vừa đạt điểm tối đa trong bài thi đại số mà bạn biết chắc mình sẽ hỏng. • Hoặc bạn vừa tìm được một việc làm tốt cho mùa hè. • Hoặc bạn đã yêu. Bạn phải làm gì? Bạn phải chia sẻ tin tức với một người nào đó. Điều nầy không có nghĩa nhất định bạn phải khoe khoang. Bạn chỉ để cho niềm vui của mình “tràn sang” người nào đó. Bây giờ giả sử, để tranh luận, có điều gì đó thậm chí còn tuyệt vời hơn nữa đã xảy ra. • Bạn gặp phải nhiều phức tạp rắc rối về ý nghĩa của đời sống mình, và một kinh nghiệm đã làm sáng tỏ chúng. • Hoặc bạn cứ từng hồi từng lúc cố gắng cầu nguyện và một ngày nọ phát hiện ra rằng không phải bạn đang cầu nguyện với một Vị Thần Không Nghe Không Thấy nhưng đang tương giao với một Đức Chúa Trời Hằng Sống.
  • 15. • Hoặc bạn trải qua một bi kịch cay đắng và khám phá ra rằng bạn không cô độc nhưng Đức Chúa Trời đã có ở đó với bạn. Bạn làm gì đây? Mặc dù thoạt đầu bạn có lẽ hết sức cả thẹn về điều đó, nhưng sớm hay muộn bạn sẽ khám phá rằng một lần nữa bạn sẽ phải chia sẻ tin vui với một người nào đó. Cuộc sống thật có ý nghĩa, rằng Đức Chúa Trời là thật, rằng bạn không cô độc - đây là những điều quan trọng đáng ghi nhớ đến nỗi bạn không thể nào giữ yên lặng về chúng một khi bạn biết sự thật. Bây giờ giả sử, một lần nữa, để tranh luận, đó là Đức Chúa Trời yêu thương ấy, Đấng mà bây giờ bạn biết, đã tỏ rõ cho bạn rằng Ngài muốn sử dụng bạn để khiến Ngài và ý muốn của Ngài trở nên thực hữu hơn đối với những người ở gần bên bạn. Lần nầy bạn làm gì đây? Mặc dầu có lẽ thoạt đầu bạn nhút nhát và sợ hãi, nhưng cuối cùng bạn sẽ phải nói. Và phải chia sẻ tin mừng với tất cả những người chịu lắng nghe. Bạn thấy chính mình ở vào cùng tình huống như tiên tri Amốt: “Khi Chúa Giêhôva đã phán dặn, thì ai thì chẳng nói tiên tri” (AmAm 3:8). Nếu bạn có thể tưởng tượng đặt chính mình vào trong các tình huống ấy, thì có thể bạn sẽ bắt đầu hiểu vì sao và bằng cách nào mà Kinh Thánh đã được viết ra. Nếu người ta có những tin vui họ chia sẻ ra. Nếu họ gặp chuyện buồn họ cũng san sẻ. Và nếu họ ý thức Đức Chúa Trời là thật, và nếu họ hiểu cuộc đời bằng những mạng lệnh và những lời hứa của Ngài, họ sẽ phải chia sẻ quan điểm ấy, cùng toàn bộ những gì lời Chúa hàm ý, với những người khác. Đây chính là loại sự việc mà chúng ta thấy xảy ra trong Kinh Thánh. Một số các trước giả Kinh Thánh thấy rằng Đức Chúa Trời đã buộc họ phải lấy danh Ngài mà công bố. Những người nầy chúng ta thường gọi là “các tiên tri.” Và những điều họ nói quan trọng đến nỗi chúng phải được viết xuống để cho người khác đọc. Hoặc một biến cố lớn xảy ra trong lịch sử Do Thái (chiến thắng kẻ thù chẳng hạn) và một bài hát được soạn ra cho trường hợp đó. Bài hát giải thích biến cố như là một sự chứng quyết về quyền năng và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, vì vậy nó trở thành điều quan trọng trong sự hiểu biết của con người về cách Đức Chúa Trời can thiệp vào đời sống của họ. Hoặc một sự kiện đau buồn xảy ra ( dân tộc bị buộc phải lưu đày) và ai đó có được sự hiểu biết Chúa ban để nhìn thấy đây là phương cách tình yêu của Chúa phải được bày tỏ ra đối với những kẻ chống nghịch Ngài. Sứ điệp nầy được giữ lại và người ta bắt đầu hiểu rằng toàn bộ lịch sử phải được nhìn xem như một nhà hát nơi đó Đức Chúa Trời là diễn viên chính. Hoặc các bài hát được viết ra để việc họ thờ phượng Chúa công khai trở thành một
  • 16. phương tiện qua đó sự hiện diện của Đức Chúa Trời được nhận biết ngay cả khi họ không ở trong Đền thờ - vì vậy các bài hát cũng đã được giữ gìn và được viết lại cùng với những tác phẩm thánh khác. Vấn đề là tất cả những tác phẩm nầy đều là một sự đáp ứng đối với hành động và sự quan tâm của Chúa với dân sự Ngài -và qua nhiều thế kỷ một tập hợp văn phẩm có tầm cỡ đã được hình thành. Tác phẩm nầy mang lấy tầm quan trọng chính xác là vì nó đã hình thành bằng phương thức dần dần nầy, bởi vì nó tỏ rõ rằng Đức Chúa Trời liên hệ với loài người tại nơi họ sống, ngay trong những tranh chiến và những nỗi khổ của lịch sử xương máu thật sự của họ. Việc Ghi Chép Lại - Với Diễn Tiến Theo Bảng Mẫu Tự Chữ Cái Cựu ước của chúng ta là sản phẩm cuối cùng của quá trình hình thành dần dần nầy. Và sự hiểu biết của chúng ta về các nội dung Kinh thánh có thể được nâng cao nhờ nhận biết quá trình “ghi chép lại” nầy đã được thực hiện ra sao để có được hình thức hiện nay của Kinh Thánh. Tất nhiên chúng ta vẫn có thể nhận được ích lợi khi đọc các sách này mà không có sự hiểu biết mở rộng về nguồn gốc của chúng, nhưng để biết các lời ký thuật nầy đan quyện với nhau như thế nào thường bổ ích khi chúng ta đọc qua hai hoặc ba lời ký thuật khác nhau về cùng một sự kiện. (Bạn không cần nhớ từng chi tiết của những gì tiếp theo, nhưng nó sẽ giúp ích nếu bạn có thể giữ được một bức tranh tổng quát trong đầu.) Chúng ta hãy xem sáu sách đầu tiên của Cựu ước (được gọi là “Hexateuch” theo ý nghĩa Hylạp là “sáu cuộn”) được hình thành như hình thức hiện nay của chúng bằng cách nào. Dưới đây là cách chúng được hình thành. Có lẽ từ rất lâu vào năm 900 T.C (cách đây gần 3000 năm!) Một tác giả đầu tiên đã soạn một loạt những câu chuyện về các chi phái ở tại miền Nam Palettin, và một thời gian sau đó, những bổ sung đã được thêm vào lời ký thuật nầy hầu cho các chi phái phía Bắc không bị bỏ sót trong lịch sử. Trong những lời ký thuật nầy, từ Hybá được sử dụng cho chữ Đức Chúa Trời là một từ mà chúng ta phải viết là “Yahweh,” và từ nầy trong tiếng Hy bá là YHWH (hoặc như thỉnh thoảng từ nầy được viết, là JHVH). Vì lý do đó, tài liệu này được gọi là “J” và nơi JHVH xuất hiện trong phần đầu của Cựu ước, chúng ta có thể khá chắc chắn rằng các đoạn Kinh Thánh đang được bàn bạc là từ tài liệu “J.” Về sau (có lẽ khoảng giữa năm 750 - 700 T.C) một tác giả khác đã viết một lời ký thuật tương tự về lịch sử, lần nầy với sự nhấn mạnh chính vào các chi phái phía Bắc. Bởi vì ông không tin rằng “danh” của JHVH đã được biết đến cho tới thời Môise, nên ông đã sử dụng một từ Hybá khác dành cho Đức Chúa Trời, là Êlôhim. Tài liệu của ông vì vậy hiện nay được biết là tài liệu “E.” Về sau những lời ký thuật nầy được đan kết với nhau, để hình thành điều mà bạn có thể đoán được gọi là tài liệu “JE”.
  • 17. Các chi phái phía Bắc, nay đã trở thành một vương quốc, gặp phải một thảm bại lớn về mặt quân sự vào năm 722 T.C và trong những hỗn loạn theo sau từng trải nầy, một nhóm người đến chỗ nhận biết rằng tai họa nầy chính là do sự thờ phượng Đức Chúa Trời sai trật. Kết quả là họ đã viết một lịch sử nữa, đặc biệt nhấn mạnh về cách thờ phượng phải được tiến hành. Khoảng một trăm năm sau thất bại ấy, năm 621 T.C, tài liệu nầy đã được khám phá trong Đền thờ. Điều đó dẫn đến những cải cách rộng lớn. Phần lớn của tài liệu nầy dường như được chứa đựng trong cái mà ta gọi là “Phục truyền luật lệ ký,” vì vậy mà khá tự nhiên, nó được gọi là tài liệu “D,” trở thành hết sức quan trọng đến nỗi được kết hợp vào các lời ký thuật mang tính lịch sử khác, để hình thành tài liệu “JED.” Còn một bước cuối cùng. Vương quốc phía Nam cũng vậy, đã bị đánh bại về mặt quân sự, và dân chúng bị đẩy vào tình trạng lưu đày. Một lần nữa, họ đã viết lịch sử của mình, lần nầy với sự nhấn mạnh đặc biệt về tầm quan trọng của Giêrusalem như là trung tâm sự thờ phượng, về các thầy tế lễ cùng những người chỉ đạo đời sống tôn giáo của dân chúng. Bởi vì sự nhấn mạnh “mang tính tế lễ” của nó mà tài liệu nầy được biết như là tài liệu “P.” Bốn tài liệu được đan quện với nhau để hình thành tài liệu “JEDP,” và chính từ sự kết hợp nầy mà sách Sáng Thế Ký qua Giôsuê đã có mặt. Ví dụ trong các đoạn mở đầu của sách Sáng Thế Ký, lời ký thuật về sự sáng tạo trong SaSt 1:1; 2:4 là từ tài liệu “P,” trong khi lời ký thuật trong đoạn 2:4 trở đi là từ tài liệu “J.” Các tác giả khác nhau nầy đôi khi nhấn mạnh những yếu tố khác nhau trong lịch sử các dân tộc của họ, nhưng chúng thống nhất trong niềm tin của họ, cho rằng lịch sử dân tộc họ chỉ có thể hiểu được bởi quyền tối cao của Đức Chúa Trời tể trị trên lịch sử. Lịch sử như là nơi làm việc của Đức Chúa Trời -đó là chủ đề của họ. Đức Chúa Trời phán với họ qua các biến cố lịch sử, và họ đến chỗ hiểu biết ý muốn của Ngài khi đọc các sự kiện ấy trong ánh sáng của niềm tin đó. Quá trình hình thành ở tại Jamnia . Trong khi toàn bộ điều nầy cứ tiếp tục, các sách khác đang được viết ra, hầu cho đến khoảng năm 200 T.C hầu hết các tài liệu Cựu ước đã được tập hợp lại với nhau. Ngoài bộ sách Hexateuch còn có những lời thuật truyện mang tính lịch sử khác, các sách của các tiên tri, một sách thơ ca, một truyện ngắn, một cuốn sách mang lời ai ca, các quy định từ chỗ thờ phượng cho đến cách giết các sinh vật được chấp nhận, và v.v.. Tính đa dạng được đề cập dưới ba tiêu đề. Tiêu đề thứ nhất được biết như là Luật pháp , bao gồm năm sách đầu tiên của Cựu ước. Các tiên tri đã soạn nhóm thứ hai, không những bao gồm các tiên tri nhỏ và tiên tri lớn, mà còn nhiều sách lịch sử, như là Giôsuê, Cácquanxét v.v..Các sách còn lại chỉ được biết như là các Tác phẩm .
  • 18. Bộ sưu tầm nầy, đã hình thành 39 sách tất cả, ngày càng được chấp nhận rộng rãi hơn, và một hội nghị của các Rabi Do Thái nhóm tại Jamnia, Palettin, vào khoảng năm 90 hoặc 100 S.C đã quyết định rằng không còn một sách nào được phép xen vào trong nhóm các tác phẩm thánh nầy. Bản Dịch Đầu Tiên Xin nhớ rằng, ngoại trừ một vài câu lác đác bằng tiếng Aram, các sách nầy đều được viết bằng tiếng Hybá. Lúc bấy giờ bộ chữ cái Hybá không có nguyên âm và không có hệ thống chấm câu. Hơn nữa, tất cả các chữ cái đều đi liền nhau. Nếu bạn viết theo kiểu ấy trong tiếng Anh, bạn sẽ được một thứ giống như vầy: MTHLRDYRGD WHBRGHT ITSTHLNSGIP. TIFTHHFSBNDGISHLLHVNTHRTDSBFRM Nếu bạn có thể đoán được vị trí của các nguyên âm, và chúng là gì, làm thế nào để phân chia các từ đã tìm được, cuối cùng bạn có thể đoán ra câu ấy được đọc như vầy: TA LÀ GIÊHÔVA ĐỨC CHÚA TRỜI NGƯƠI, ĐÃ RÚT NGƯƠI KHỎI XỨ ÊDÍPTÔ, LÀ NHÀ NÔ LỆ. TRƯỚC MẶT TA, NGƯƠI CHỚ CÓ CÁC THẦN KHÁC. (XuXh 20:2, 3) Mặc dầu việc bỏ sót những nguyên âm tiết kiệm được chỗ trống, song rõ là khó khăn khi đọc loại chữ viết như vậy, để gải quyết vấn đề này, “ các giá trị nguyên âm” bắt đầu được sử dụng trên các thủ bản về sau, các ký hiệu nhỏ đặt bên dưới hoặc bên trên các nguyên âm để biểu thị nguyên âm nào phải được lồng vào chỗ nào. Khi thời gian trôi đi, ngày càng có nhiều người Do Thái học tiếng Hylạp, và ngày càng ít người đọc được tiếng Hybá một cách chính xác. Vì vậy bắt đầu khoảng năm 270 TC và trải rộng suốt Kỷ nguyên Cơ Đốc, các học giả Do Thái đã dịch Cựu ước từ tiếng Hybá sang tiếng Hylạp. Tài liệu nầy chính là những bản dịch được các Cơ Đốc Nhân đầu tiên sử dụng, là bản Bảy Mươi (từ chữ septuaginta = bảy mươi) bởi vì theo một lời truyền khẩu, bảy mươi (- hai) học giả đã xuất bản bản dịch nầy trong bảy mươi (-hai) ngày. Khoảng mười hai sách trong bản Bảy mươi không được kể vào Kinh Thánh được chuẩn thuận của người Do Thái bởi Hội nghị ở tại Jamnia. Các sách nầy được gọi là Ngụy kinh (nghĩa là “ẩn dấu” hoặc “tối nghĩa”). Cựu ước của chúng ta không gộp chúng vào, bởi vì nó dựa trên các tài liệu của người Hêbơrơ, chúng được gộp vào Kinh Thánh của Công Giáo La Mã, bởi vì bản dịch chính thức của Công Giáo La Mã đã tận dụng mở rộng bản Bảy mươi nầy. Một Giao ước “Mới” Phải mất tới 700 năm để ghi chép Cựu ước. Tân ước, trái lại, được hoàn thành trong khoảng 100 năm. Các sách Tân ước không được viết bằng tiếng Hybá mà bằng tiếng Hylạp, không phải ngôn ngữ Hylạp tiêu chuẩn trịnh
  • 19. trọng của Plato mà là ngôn ngữ bình thường nơi chợ búa, được gọi là koine. Ở đây, các sách Tin lành tượng trưng cho một loại “bản dịch,” bởi vì Chúa Jêsus và các môn đồ Ngài nói tiếng Aram, chứ không phải tiếng Hylạp, và ngôn ngữ nói Aram của họ phải được dịch sang ngôn ngữ viết Hylạp. Có thể tìm thấy một vài thành ngữ Aram trong bốn sách Phúc âm như tiếng kêu của Chúa Jêsus trên thập tự giá: “Ê-lô-i, Ê-lô-i, lam-ma-sa-bách-ta-ni” (Mac Mc 15:34), và lời Ngài phán cùng một bé gái: “Ta-li-tha cu-mi” (5:41). Nhiều người không nhận ra rằng các tác phẩm Tân ước sớm sủa nhất không phải là các sách Phúc âm, mà là các bức thư của Phaolô. Lá thư đầu tiên trong số nầy, I Têsalônica, có lẽ ra đời rất sớm vào năm 50 S.C. Phaolô không hề có tư tưởng cho rằng ông đang viết “thơ thánh”; các lá thư của ông là những “bức thư ngẫu nhiên,” viết ra để giúp các Hội Thánh xử lý những nan đề cụ thể. Chúng hầu như luôn được lưu hành giữa vòng các Hội Thánh Cơ Đốc đầu tiên và một bộ sưu tập các lá thư đó dần dần được triển khai. Chúng hình thành một phần chủ yếu Tân ước của chúng ta. Phần còn lại của các sách Tân ước (trừ các sách Phúc âm sẽ được thảo luận trong Chương 9) rơi vào hai loại chính. Một số các sách nầy được viết ra trong thời kỳ bắt bớ, như lá thư gởi cho người Hêbơrơ, thư I Phierơ, và (mặc dù bạn có thể không đoán được nếu nhìn sơ qua) sách Khảihuyền. Trong các sách nầy, chúng ta có được lời chứng rõ ràng về lòng can đảm của các Cơ Đốc Nhân đầu tiên vì đã đứng vững vàng chống lại thế giới ngoại giáo thù địch. Các lá thư khác chiến đấu chống lại tà giáo, là điều phổ biến cuối thế kỷ thứ I. (“Tà giáo không phải là một niềm tin hoàn toàn sai; mà là niềm tin nhấn mạnh quá đáng một phần lẽ thật, và vì vậy có thể tự coi chính nó là chân lý.”) Tà giáo chính trong thời kỳ nầy là quan điểm cho rằng mặc dầu Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời nhập thế, Ngài vẫn không là một con người hoàn toàn, mà chỉ dường như có một thân thể loài người. Vì vậy mà niềm tin nầy được gọi là “Docetism,” theo nghĩa Hylạp là “có vẻ như.” Không cần nói, chúng ta cũng biết rằng nếu niềm tin nầy thắng thế trong thời đó, nó sẽ hủy diệt đức tin Cơ Đốc, bởi vì toàn bộ giá trị của niềm tin Cơ Đốc chính xác là lời tuyên bố mà thuyết Docetism đã phủ nhận, đó là trong Chúa Jêsus, Đức Chúa Trời cư ngụ trọn vẹn đời sống của một con người, và rằng đó là đời sống con người thật sự, chứ không phải giả tạo. Tình huống nầy giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn sự nhấn mạnh của sách Phúc âm Thứ Tư về “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt ,” và những lời tuyên bố tương tự trong ba bức thư của Giăng. II Phierơ và các phần trong các “Thư Tín Mục Vụ” (I & II Timôthê, Tít) chống lại tà giáo nầy và những quan điểm sai lệch khác. Điều nầy không hàm ý rằng các sách Tân ước chỉ là tiêu cực, nhưng chỉ để
  • 20. chúng ta hiểu được sứ điệp tích cực của Tân ước một cách đầy đủ hơn nếu chúng ta cũng biết điều mà Tân ước đang tìm cách phủ nhận. Sự Phát Triển của “Bộ Kinh Điển” (Canon) Marcion, một người theo tà giáo đầu tiên, đã đi đến một kết luận sai lầm rằng Cựu ước và Tân ước nói về hai Đức Chúa Trời khác nhau. Ông quyết định thảo ra một danh sách các tác phẩm thánh đáp ứng được sự tán thành của ông. Ông bắt đầu bằng cách loại bỏ toàn bộ Cựu ước, và trong Tân ước của ông chỉ gộp vào sách Phúc âm Luca và mười bức thư của Phaolô mà ông cảm thấy là “an toàn.” Vì những trò hề như vậy, và vì sự phổ biến của các tà giáo khác, Hội Thánh Đầu tiên dần dần bắt đầu triển khai một bảng danh sách tiêu chuẩn các tác phẩm được chính thức chấp nhận, danh sách bao gồm Cựu ước, tất nhiên, sau khi thấy trong đó sự chuẩn bị cho các công việc quyền năng của Đức Chúa Trời được ứng nghiệm trong Tân ước qua Chúa Cứu Thế Jêsus, mà họ dần dần đạt đến sự thỏa thuận về các sách, trong số nhiều tác phẩm Cơ Đốc mới, được chuẩn thuận. Cho đến năm 200 S.C. có một sự đồng tình khá phổ biến về các sách Tin lành, sách Côngvụ, và các thư tín của Phaolô. Các tác phẩm khác đều “nằm ngoài lề” trong một thời gian, nhưng đến năm 367 S.C. một danh sách đã được chuẩn thuận bao gồm 27 sách hợp thành Tân ước hiện nay của chúng ta. Các sách nầy đến chỗ được biết như là “bộ kinh điển,” (“canon”) đến từ một từ Hylạp có nghĩa là “nguyên tắc,” hay “tiêu chuẩn,” bởi vì chúng là tiêu chuẩn hoặc nguyên tắc cho đức tin Cơ Đốc và vẫn là như vậy cho đến nay. Giao ước = Giao Kèo = Quy Ước Lúc này, chúng ta đã làm rõ một bí mật nhỏ. Từ “giao ước” đã bị đưa lén vào cuộc thảo luận nầy một số lần, mà không làm rõ ý nghĩa của nó. Trên thực tế, chỉ ý nghĩa của nó thôi thì cũng không dễ giải thích, bởi vì đây là cách dịch kém cỏi một từ Hybá. Từ tiếng Anh đầy đủ hơn phải là từ “giao ước,” một từ đúng Kinh Thánh, và cực kỳ quan trọng (như chúng ta sẽ thấy ở Chương 15) là điều hàm ý sự thỏa thuận hoặc mối quan hệ được thiết lập giữa Đức Chúa Trời và loài người. “Giao ước Cũ” (cái chúng ta gọi là Cựu ước) là một ký thuật về giao kèo giữa Đức Chúa Trời và dân sự Ngài. “Giao ước Mới” (cái chúng ta gọi là Tân ước) là một ký thuật về mối quan hệ mới được thiết lập giữa Đức Chúa Trời và con người qua thân vị của Chúa Cứu Thế Jêsus. Vì cớ Tân ước làm trọn Cựu ước chứ không phải xóa bỏ Cựu ước, cho nên cả hai giao ước hoặc cả hai giao kèo nầy đều được đưa vào trong Kinh Thánh hiện nay của chúng ta. Jerome Cho Ra Đời Bản Vulgate Đến thế kỷ thứ 3 S.C. bạn có thể có một bản Kinh Thánh Hylạp (bản Bảy Mươi) hoặc một bản tiếng Hylạp và Hybá.
  • 21. Nhưng có lẽ bạn không đọc được tiếng Hylạp, nói chi đến Hybá. Ngôn ngữ duy nhất mà bạn biết là tiếng Latin. Bởi vì hầu hết những người học thức đều nằm trong tình huống tương tự, nên giáo hoàng đã ủy nhiệm cho một học giả tên là Jerome dịch Kinh Thánh sang tiếng Latin. Bản dịch nầy, được thực hiện giữa năm 385 và 475S.C., được gọi là bản bản Vulgate (từ La-tin vulgatus có nghĩa là “bình thường” hoặc “phổ biến”) bởi vì đây là ngôn ngữ phổ thông hoặc “bình thường” của dân chúng. Nó trở thành bản dịch chính thức của Giáo hội Công Giáo La Mã. Có một kết quả thú vị mà bản dịch nầy để lại trên lịch sử Hội Thánh về sau, minh họa nan đề của việc dịch Kinh Thánh. Từ Hylạp được sử dụng trong Mat Mt 4:17 là mentanoite , là từ mà chúng ta có thể dịch sang tiếng Anh là “ăn năn, quay trở lại, bắt đầu lại, có một khởi đầu mới.” (Hãy ăn năn và tin đạo Tin lành.”) Từ Latin mà Jerome đã sử dụng là poenitentiam agite có thể được dịch là “ăn năn,” nhưng cũng là từ có thể được dịch là “sám hối ăn năn,” và đó chính là ý nghĩa mà mạng lệnh của Chúa Jêsus đã được hiểu trong Cơ Đốc Giáo giới thời Trung cổ. Vì vậy mà những lời dạy của Chúa Jêsus đã trở thành: “Hãy ăn năn sám hối và tin đạo Tin lành,” chúng cũng đã được dịch như vậy cho đến ngày nay trong bản Tân ước Douay (Công Giáo La Mã). Chung quanh ý niệm nầy, nghi lễ sám hối đã được triển khai cùng với niềm tin cho rằng chúng ta phải làm những điều nhất định để giành được sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Khi các học giả Tin lành quay trở lại với tiếng Hylạp nguyên gốc thay vì ngừng lại ở tại tiếng Latin, họ phát hiện ra rằng không có cơ sở rõ ràng cho nghi lễ sám hối trong câu Kinh Thánh này, và nó đã bị hủy bỏ khỏi các nghi lễ của người Tin lành. Luther Mang Kinh Thánh Đến Cho Dân Chúng Đến cuối thời Trung cổ, chỉ các linh mục và những người có học vấn cao (không nhất thiết là đồng nghĩa) mới có thể đọc và hiểu được tiếng Latin. Bấy giờ những bản dịch mới trong các ngôn ngữ bình thường mà dân chúng nói thật cần thiết, đặc biệt từ khi cuộc Cải Chánh Tin lành đã đưa Kinh Thánh trở lại vị trí trung tâm trong đời sống của người Cơ Đốc. Khi một nhóm các bạn hữu của Martin Luther gấp rút đưa ông đến chỗ ẩn núp, vào một thời điểm tính mạng ông gặp nguy hiểm, có lẽ họ không hề có ý tưởng mối quan tâm của họ dành cho sự an toàn của ông sẽ dẫn đến một trong những ảnh hưởng lớn nhất của toàn bộ việc dịch Kinh Thánh. Luther, ẩn náu ở tại Lâu đài Wartburg, đã sử dụng thời gian buộc phải rãnh rỗi của mình để dịch Tân ước sang tiếng Đức (1522, ) cũng như về sau ông đã tiếp tục thực hiện cho phần Cựu ước (1534). Người dân Đức không hề có Kinh Thánh đầy đủ bằng chính ngôn ngữ của họ trước thời điểm nầy, và Luther đã thực hiện công việc dịch thuật của ông tuyệt vời đến nỗi Kinh Thánh đã trở thành một cuốn sách sống họ có thể
  • 22. hiểu được. Thay vì tiến hành việc dịch thuật theo nghĩa đen cứng đơ, ông đã cố gắng truyền đạt hương vị của các sự kiện, hầu cho người dân có thể hình dung những sự kiện đó đang xảy ra ngay trong nơi họ sống. Có những tên cướp trên con đường nằm giữa Giêrusalem và Giêricô - hẳn cũng nguy hiểm như khi băng qua Khu Rừng Đen vào ban đêm! Khi Luther dịch Thi Tv 46:1-11 (“Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi”) ông đã truyền đạt ý tưởng nầy bằng cách gợi lên hình ảnh của một lâu đài thời Trung cổ đồ sộ với những bức tường dày, một đường hào rộng, an toàn và mạnh mẽ được bảo vệ, và cũng cho Thithiên nầy một tựa đề phụ: “ Chúa vốn bức thành kiên cố ta.” Người Đức biết rõ điều đó hàm ý gì! Để bảo đảm rằng họ có thể hiểu được những quy định về của lễ trong Lêviký một cách đúng đắn, Luther đã kiểm tra tài liệu nầy với người bán thịt. Những Thoáng Nhìn Ban Đầu về Một Cuốn Kinh Thánh tiếng Anh Nhưng Kinh Thánh đã được dịch sang tiếng Anh như thế nào? Truyền thuyết kể rằng vào thế kỷ thứ bảy một con người đáng tin cậy ở tại Whitby là Caedmon đã hát các phần nói về câu chuyện Sáng tạo và cuộc đời của Chúa Jêsus bằng tiếng Anh, và vào thế kỷ thứ tám một thành viên vĩ đại của giáo hội được biết là “Phó giám mục Bede” đã dịch sách Phúc âm Thứ Tư sang tiếng Anh. Tuy nhiên bản dịch Anh văn hoàn tất đầu tiên đến từ ngòi bút của John Wycklife (hoặc Wiclif hay Wyclif hay Wickliffe-vào thời đó người ta không chú ý chi tiết đến cách đánh vần đúng.) Cùng với một số học giả, ông đã hoàn tất Tân ước vào năm 1380 và phần còn lại của Kinh Thánh vào năm 1382, sử dụng bản Vulgate của Jerome làm tài liệu gốc. Tất cả các bản sao, tất nhiên đều có mặt bằng chữ thường viết tay, Wicklife đã sai phái các nhóm người được gọi là Lollards đọc các bản Kinh Thánh nầy và giải thích chúng cho người dân trong các nơi chợ. Trên cơ sở những gì phát hiện được trong Kinh Thánh, Wicklife đã chống lại nhiều nguyên lý trong Cơ Đốc Giáo thời Trung cổ, và ông cũng là một người đi trước của Phong trào Tin lành. Kết quả là, các tác phẩm của ông của ông đã bị lên án, và các sách của ông bị đốt. Bởi vì Wicklife đã vô tình chết trước khi họ thiêu sống ông, giới cầm quyền đã đào xương ông lên và thiêu chúng. Đó là cái giá mà một người phải trả khi đưa Kinh Thánh đến cho dân chúng. Mang Lén Vì Sự Vinh Hiển của Đức Chúa Trời Dịch giả kế tiếp, William Tyndale, kém may mắn hơn, bởi vì Tyndale vẫn còn sống khi giới cầm quyền áp đặt sự kiểm soát chặt chẽ hơn trên ông. Ông đã bị bóp cổ và xử tử bằng hình thức thiêu sống. Nhưng Tyndale có hai lợi thế trong việc thực hiện các bản dịch của mình mà Wicklife đã không có được. Johann Gutenberg đã sáng chế máy đánh chữ di chuyển được vì vậy mà bản dịch của Tyndale có thể được in với số lượng lớn. Và một học giả
  • 23. người Hà Lan là Erasmus đã xuất bản một ấn bản có tính học thuật của bản Tân ước Hylạp, vì vậy Tyndale có thể đặt cơ sở bản dịch của mình trên ngôn ngữ gốc, thay vì bị lệ thuộc vào bản Latin. Khi sự việc đã trở nên quá nguy hiểm cho Tyndale ở tại Anh Quốc, ông đã sang Đức và in Kinh Thánh tiếng Anh tại đó. Sau đó các cuốn Kinh Thánh nầy được đưa lén vào nước Anh trong các kiện vải lớn. Một giám mục tức giận đã mua rất nhiều Kinh Thánh Tân ước của Tyndale và đốt chúng trước công chúng. Tyndale đã lấy số lợi nhuận có được từ việc mua Kinh Thánh của vị giám mục và in một ấn bản mới! Một Làn Sóng Các Bản Dịch Mới Mặc dầu Tyndale đối diện với cái chết của người tuận đạo, ảnh hưởng mạnh mẽ của công việc ông đã được nhận biết, và nó dường như trở nên an toàn hơn để xuất bản một quyển Kinh Thánh tiếng Anh ở tại Anh quốc. Năm 1535, chỉ mười năm sau khi bản Tân ước của Tyndale xuất hiện, cuốn Kinh Thánh được in đầy đủ lần đầu tiên bằng tiếng Anh đã có mặt, là công việc của Miles Coverdale, người đã sử dụng phần lớn bản dịch của Tyndale nhưng đã hoàn tất phần Cựu ước, là phần màTyndale mới chỉ thực hiện một ít. Hầu hết các phầnKinh Thánh được sử dụng trong Book of Common Prayer (Sách Của Lời Cầu Nguyện Chung ) hiện nay của các Giám mục đều đặt nền tảng trên bản dịch của Coverdale. Các bản dịch mới xuất hiện dày đặc và nhanh chóng trong những năm kế tiếp đó. The Great Bible (Quyển Kinh Thánh Lớn năm 1539) có được sự chuẩn thuận của triều đình, và mang tên gọi này vì tầm cỡ của nó. Các bản sao được ràng bằng xích trong các nhà thờ. Về sau một nhóm những người Thanh giáo đã trốn đến GenevaThụy sĩ, để thoát khỏi bách hại trong đời trị vì của “Mary Khát Máu” (gọi như vậy bởi vì sự bắt bớ của bà đối với những người Tin lành,” và trong khi ở tại đó, họ đã xuất bản Kinh Thánh Geneva (1560), là cuốn Kinh Thánh đầu tiên có các câu Kinh Thánh đánh số. Cuốn Kinh Thánh nầy không được ưa chuộng giữa vòng các giám mục Anh quốc, bởi vì các dịch giả đưa những lời giải thích theo khuynh hướng của Calvin vào hai bên lề Kinh thánh. Các Giám mục đã phản đối lại bằng cuốn Kinh Thánh của các Giám mục (1568, Bishops’ Bible) nhưng cuốn Kinh Thánh nầy không bao giờ được ưa chuộng trừ ra giữa vòng các giám mục. Bản dịch nổi tiếng nhất trong số các bản dịch tiếng Anh là cuốn Authorized Version, thường được gọi là bản King James (1611). Bốn mươi bảy học giả được chỉ định bởi Vua James I Anh quốc để thực hiện một bản dịch mới dựa trên các ngôn ngữ gốc của Kinh Thánh và sử dụng tất cả những bản dịch tiếng Anh hiện có lúc bấy giờ. Mặc dầu có nhiều bản Kinh Thánh đã được dịch sang tiếng Anh kể từ lúc đó, không bản dịch nào trong số đó thách thức nghiêm trọng được tính quần chúng của bản King James, mãi cho đến gần
  • 24. đây. Nhu cầu Về Một Bản Dịch Mới Vì sao phải bận tâm với các bản dịch mới nếu chúng ta đã có bản King James, với lời văn xuôi tiếng Anh tuyệt vời không thể so sánh được của nó? Dưới đây chỉ là một vài lý do: 1. Việc sử dụng các từ tiếng Anh đã thay đổi rất nhiều kể từ năm 1611. Vào năm 1611 từ “prevent” (ngăn ngừa) có nghĩa là “precede” (đến trước). Vào năm 1611, câu Kinh Thánh trong Phi Pl 4:14 được dịch như vầy: “Ấy thế mà nghĩa cử của anh em càng nổi bật vì anh em đã chia sẻ cùng tôi trong cảnh hoạn nạn.” Câu ấy có thể rõ ràng trong năm 1611, nhưng không còn rõ lắm gần đây. Câu ấy chỉ hàm ý rằng: “Nhưng anh em giúp tôi trong cơn hoạn nạn thì đã làm điều thiện.” 2. Một lý do cơ bản hơn nữa về một bản dịch mới đó là các nguồn phương tiện sẵn có cho các dịch giả vào năm 1611 thật nghèo nàn đáng thương khi so sánh với những bản hiện có. Những dịch giả của bản King James có khoảng hai mươi bốn thủ bản Hylạp chưa hoàn hảo, không bản nào sớm hơn thế kỷ thứ mười, và nguyên bản Tân ước của họ đã có trên 5000 lỗi của người sao chép. 3. Những khám phá mới đây của ngành khảo cổ học đã làm sáng tỏ sự hiểu biết của chúng ta về những phần chủ yếu của các nguyên bản Kinh Thánh. Ngày nay có hàng ngàn thủ bản đã được đào lên ở tại Palettin và Aicập, và nhờ việc so sánh với các bản nầy, các dịch giả có thể hiểu được ý nghĩa gốc của các đoạn Kinh Thánh gây tranh cãi rõ ràng hơn. Ví dụ vào năm 1948, trong một cái hang ở gần Biển chết, một mớ những thủ bản đã được khám phá, một số trong đó được viết vào giữa thế kỷ thứ hai và thế kỷ thứ nhất T.C. Đây là thủ bản xưa cổ không thể so sánh được -1000 năm xưa cổ hơn các thủ bản hiện có khác - và cuộn da bao gồm Sách Êsai đã làm rõ những khúc Kinh Thánh mà cho đến lúc ấyvẫn luôn tối nghĩa. Bản Dịch Mới Nhất Vì những lý do đó cũng như những lý do khác nữa, một bản dịch tiếng Anh đáng tin cậy, cập nhật, mới mẻ, mới đây đã được hoàn tất - sản phẩm của 14 năm làm việc cật lực bởi các học giả nổi tiếng. Tân ước đã xuất hiện vào năm 1946, và Cựu ước vào năm 1952. Nếu bạn đã từng bị bối rối, ví dụ, vì những câu Kinh Thánh khó hiểu ở đầu Thithiên thứ 8 trong bản King James: “Nhưng vì các cừu địch Chúa, Chúa do miệng trẻ thơ và các con đương bú, mà lập nên năng lực Ngài, đặng làm cho người thù nghịch và kẻ báo thù phải nín lặng” thì bạn sẽ thấy khó khăn nầy được giải quyết trong bản Kinh thánh Revised Standard Version: Đến trẻ con miệng còn thơm sữa cũng tung hô ca ngợi thánh danh khiến quân thù thẹn thùng câm nín.
  • 25. Dưới đây là những ví dụ khác về sự làm sáng tỏ tương tự: • Bản Kinh James: Đừng suy nghĩ về đời sống các ngươi (Mat Mt 6:25). • Bản Kinh Thánh RSV: Đừng lo lắng về đời sống mình • Bản King James: Chớ có tư tưởng cao quá lẽ (RoRm 11:2) • Bản Kinh Thánh RSV: Chớ kiêu ngạo • Bản King James: Hỡi anh em anh em đã tin đến Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa vinh hiển chúng ta thì chớ có tây vị người nào. (Gia Gc 2:1) • Bản Kinh Thánh RSV: Thưa anh em, anh em tự nhận mình là thuộc về Chúa Cứu Thế Jêsus là Chúa vinh quang, sao còn thiên vị giàu nghèo. Việc Dịch Sẽ Còn Tiếp Tục . Bản Kinh Thánh “RSV” có lẽ sẽ trở thành bản dịch tiêu chuẩn trong đời của chúng ta, mặc dầu bản King James vẫn tiếp tục được sử dụng cùng với nó, với sự phong phú rộng lớn. Nhưng các bản dịch mới sẽ được tiến hành, và sẽ tiếp tục được thực hiện, bao lâu mà con người còn đọc Kinh Thánh. Bởi vì cách sử dụng sẽ thay đổi, và các thủ bản mới sẽ được khám phá là điều sẽ làm sáng tỏ thêm ý định của các trước giả ban đầu. Vì vậy sẽ không bao giờ là đúng khi “làm tê liệt” quá trình dịch và cho rằng, ví dụ, bản King James, được bọc trong bìa da đen và được in trên loại giấy mỏng mới chính là bản Kinh Thánh “đích thực.” Cho đến cuối cùng, con người sẽ tham gia vào một trong những cuộc theo đuổi có giá trị nhất - đó là nỗ lực để trình bày lời Đức Chúa Trời bằng những lời lẽ thích hợp nhất hầu làm cho Đức Chúa Trời trở nên sống động trong trái tim và tâm trí của con người. Chương 3: Đặt Câu Hỏi Thích Đáng (Đức Chúa Trời Bày Tỏ Chính Mình Ngài Bằng Cách Nào? H. Công thức hóa học của muối là gì? Đ. Bạn có thể lấy muối khỏi một bình đựng muối vào một ngày ẩm ướt nếu như bạn bỏ trước một ít hạt gạo vào bình. H. Hệ thống tàu ngầm có thể chứng tỏ lợi ích như thế nào? Đ. Cách tốt nhất để đi từ Grand Central đến Broadway và Phố 110 là hãy đón một chiếc xe buýt đến công trường Times Square và một chiếc xe tốc hành về hướng Bắc với hai đèn đỏ. Hỏi và Đáp thế nào đó đã không ăn khớp với nhau. Một lý do khiến cho những câu trả lời trở nên vô nghĩa bởi vì chúng là những câu trả lời dành cho những câu hỏi không được hỏi đến. Chúng có lẽ là những câu trả lời rất tốt nếu như câu hỏi là “Làm thế nào lấy được muối khỏi một bình đựng muối vào ngày ẩm ướt?” hoặc “Làm thế nào để đi từ Grand Central đến Broadway và Phố 110 bằng xe điện ngầm?”
  • 26. Phần lớn công việc của chúng ta khi tiếp cận Kinh Thánh là hãy học cách đặt những loại câu hỏi đúng, những câu hỏi mà các câu trả lời của Kinh Thánh sẽ là những câu trả lời xác thật. Thật vô nghĩa khi hỏi các tác giả Kinh Thánh như vầy: H. Làm sao để chứng minh sự hiện diện của Đức Chúa Trời? Đối với các truớc giả Kinh Thánh, loại câu hỏi nầy hoàn toàn nằm bên ngoài mục tiêu. Họ không nói về ý tưởng “điều gì đó ở đâu đó” có thể hay không thể tồn tại, mà đang nói đến một Đấng Thực hữu hằng sống là Đấng đối diện với họ, đã làm thay đổi đời sống họ, đã bước vào mối quan hệ với họ. Cố gắng để “chứng minh sự tồn tại của Ngài” chẳng khác nào bạn và Joe thảo luận câu hỏi: “Fred có thật sự tồn tại không?” ngay trước mặt Fred, Fred có lẽ thỉnh thoảng đóng góp vào cuộc thảo luận. Bạn phải coi sự hiện diện của Fred là điều đương nhiên, bởi vì bạn đã biết anh ta rồi. Đó chính là điều các tác giả Kinh Thánh đã làm với Đức Chúa Trời. Ngài là yếu tố đầu tiên và cuối cùng của đời sống họ. Họ chẳng mất thì giờ để ra sức “chứng minh” Ngài; họ đang tìm cách để xem Ngài tự bày tỏ chính mình Ngài như thế nào, và những gì Ngài truyền bảo họ. Vì vậy, muốn hiểu câu trả lời của Kinh Thánh chúng ta phải đặt câu hỏi phải lẽ: H. Đức Chúa Trời tự bày tỏ chính mình Ngài bằng cách nào? Như thế chúng ta sẽ đến được chỗ nào đó. Kinh Thánh Trả Lời Câu Hỏi Này Như Thế Nào Ngày xưa một nhóm người nô lệ không phải Do Thái đã cố gắng để tìm hiểu về Đức Chúa Trời của dân Do Thái. Nhưng điều nầy dường như tuyệt vọng. Họ kêu lên rằng: “Ngài thật là Đức Chúa Trời ẩn mình” (EsIs 40:15). Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời ẩn mình! Đối với nhiều người, đó là kết thúc vấn đề. Tuy nhiên vẫn còn có một ý nghĩa nữa để kêu gào. Bởi vì mặc dầu những người nô lệ nhận biết rằng Đức Chúa Trời thật là Đấng ẩn mình, họ biết nơi nào để tìm được Ngài. Ngài phải được tìm thấy trong Ysơraên. Họ muốn nói rằng nếu bạn muốn biết nơi nào Đức Chúa Trời ẩn mình nầy được mặc khải, hãy xem xét các biến cố trong đời sống và lịch sử của dân tộc Do Thái, vì chính tại đó, Đức Chúa Trời đã tỏ mình. Đối với người Ysơraên: “Thật Đức Chúa Trời ở giữa ngươi; ngoài Ngài chẳng có ai khác, không có Đức Chúa Trời nào nữa. Hỡi Đức Chúa Trời của Ysơraên, là Cứu Chúa, Ngài thật là Đức Chúa Trời ẩn mình! ” (45:14, 15). Thật ra nói như thế là muốn bảo rằng: “Nếu bạn muốn biết Đức Chúa Trời bày tỏ chính mình Ngài như thế nào, hãy xem xét những biến cố lịch sử của dân Do Thái, bạn sẽ thấy Ngài hành động tại đó, và bạn sẽ thấy Ngài tỏ mình ở đó, chứng tỏ cho những người ấy Ngài là Đấng nào, Ngài như thế nào, Ngài truyền bảo họ điều gì, Ngài hứa với họ điều gì.”Vì vậy mà Kinh Thánh
  • 27. cho chúng ta lịch sử của dân tộc Ysơraên đó, và cuối cùng (trong Tân ước) câu chuyện của một nhân vật mà qua Đấng đó, Đức Chúa Trời bày tỏ chính mình Ngài cách trọn vẹn nhất. Đây là điều cực kỳ gây ngạc nhiên. Thậm chí gây bàng hoàng. Bởi vì dân Do Thái nầy không phải là một dân tộc “lớn” như các dân khác. Họ là một dân nhỏ bé, luôn luôn bị cai trị bởi các dân tộc lớn, bị hoạn nạn, bị đẩy vào trong tình trạng lưu đày, các thành, làng mạc và dân sự của mình cứ không ngừng bị nhổ khỏi chỗ và bị hủy diệt từ lúc nầy đến lúc khác. Trên sân khấu của lịch sử thế giới, họ là một tấm thảm trên nó các đế quốc lớn chùi ủng - khó mà là một nơi thích hợp để mong được thấy Đức Chúa Trời hành động! Nếu chúng ta lên kế hoạch thực hiện công việc, nhất định chúng ta sẽ chọn cách khác. Nhưng không phải chúng ta hoạch định các sự việc, vì vậy chúng ta phải lắng nghe lời tuyên bố của Kinh Thánh, đó là cách Đức Chúa Trời đã hoạch định, và hãy xem vì sao Ngài đã làm điều đó theo cách của Ngài chứ không phải theo cách của chúng ta. Vậy thì đâu là câu trả lời của Kinh Thánh cho thắc mắc: “Đức Chúa Trời bày tỏ chính mình Ngài như thế nào?.” Đức Chúa Trời Bày Tỏ Chính Mình Ngài Điều đầu tiên phải được nói không rõ ràng như nó có thể xuất hiện. Kinh Thánh tỏ rõ rằng Đức Chúa Trời bày tỏ chính mình Ngài . Ngài không chỉ tiết lộ những thông tin về chính mình. Nói một cách khác, những gì chúng ta tìm được trong Kinh Thánh không phải là một mớ các dữ kiện về Đức Chúa Trời, mà là một Đức Chúa Trời hằng sống trong mối quan hệ sống động với những con người sống. Những người nầy không tự sức mình đưa họ vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Họ làm chứng rằng Đức Chúa Trời đã chủ động tìm kiếm họ. Công việc của họ là đáp ứng lại, nhưng phần chủ động nằm ở phía Ngài. Ngài bày tỏ cho họ không phải chỉ những ý tưởng hoặc những thông tin mà là chính mình Ngài. Trên thực tế, đây là phương cách duy nhất có thể được thực hiện để dẫn đến mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và con người. Hãy xem xét điều đó theo cách nầy. Một học sinh trung học mới đang tiến vào cửa. Một cách độc lập, bạn có thể biết được khá nhiều về cậu ta: mười lăm tuổi, tóc nâu, cùng học chung một trường với bạn, cởi xe đạp thành thạo, mang chiếc găng tay sặc sỡ của người chơi bóng chày ở hàng tiền đạo, khỏang hai lần một tuần, thường nhận những bức thư sực nức mùi thơm nằm trong những bao thư tô màu, được viết bằng nét chữ viết tay mảnh dẻ của con gái, Tất cả những yếu tố nầy bạn có thể khám phá bởi một chút điều tra kiên nhẫn. Tuy vậy bạn có thật sự biết rõ anh ấy không? Tất nhiên là không.
  • 28. Làm thế nào để bạn có thể biết anh ta? Chỉ bằng một cách, trong sự phân tích vừa rồi, nếu người bấy bằng lòng tỏ mình cho bạn biết , nếu anh ta sẵn sàng chủ động bước vào mối quan hệ với bạn để rồi qua mối quan hệ ấy, anh ta tiết lộ chính mình cho bạn. Nếu điều nầy xảy ra, bạn không những chỉ biết những sự việc về anh ấy, mà bạn còn sẽ biết chính người ấy . Bạn và anh ta sẽ gặp nhau trong sự gặp gỡ sống động. Điều nầy phần nào cũng giống như lời tuyên bố mà Kinh Thánh đã nói về Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói rằng Đức Chúa Trời được nhận biết bởi cùng một loại gặp gỡ sống động, qua đó chúng ta hiểu biết một con người sống. Nếu Ngài không mặc khải chính Ngài thì Ngài vẫn mãi mãi ẩn dấu đối với chúng ta. Chúng ta không thể biết Ngài thật sự nếu tất cả những gì chúng ta có chỉ là những thông tin về Ngài. Chúng ta không thể bước vào mối quan hệ với những thông tin về Đức Chúa Trời; chúng ta chỉ có thể bước vào mối quan hệ với chính Đức Chúa Trời. Vì vậy Kinh Thánh không phải là một cuốn sách giáo khoa gồm những lời tuyên bố mang tính giáo lý (mặc dầu những lời tuyên bố mang tính giáo lý có thể rút ra từ Kinh Thánh) - Kinh Thánh là một lời ký thuật về một cuộc gặp gỡ giữa Đức Chúa Trời và dân sự Ngài. Đức Chúa Trời Bày Tỏ Chính Mình Ngài Qua Các Sự Kiện Lịch Sử Chúng ta thấy Đức Chúa Trời hành động ở đâu? Tại đây Kinh Thánh nói rất rõ. Đức Chúa Trời mặc khải chính mình Ngài ngay nơi con người sống -giữa những hy vọng và những thù ghét của họ, những ưa thích và sợ hãi của họ, những công việc và tranh chiến của họ, tức là trong các sự kiện lịch sử, và đặc biệt là trong các sự kiện lịch sử của dân tộc Do Thái. Khi những con người mà đối với họ, Đức Chúa Trời là thực hữu trong quá khứ, hiện tại và tương lai, họ tìm thấy niềm tin của mình đặt nơi Ngài được khẳng định, được làm sáng tỏ, và đôi khi được sửa đúng. Ngài làm các công việc - lịch sử là nơi làm việc của Ngài. Ngài ban cho bằng chứng ngay nơi con người đang sống Ngài là Đấng thế nào và điều Ngài sẽ làm. Mặc dầu đây vẫn luôn là một điều bí ẩn, chỗ mà ý nghĩa nào đó bước vào sự bí ẩn, chỗ mối quan hệ thật thay thế điều chỉ là thông tin, luôn nằm giữa tình huống thực của con người. Lời tuyên bố Đức Chúa Trời đang hành động ngay nơi con người sống là một tuyên bố có ý nghĩa lớn lao. Có nghĩa là muốn biết Chúa và được Ngài biết, bạn không cần phải chìm vào một tình trạng hôn mê huyền bí, tự tách mình khỏi loài người, hay cứ luôn ở trong nơi ẩn dật. Đức Chúa Trời ở ngay nơi bạn sống, ở trong tình huống của bạn, không phải nơi nào khác. Hãy xem xét ba ví dụ về việc Chúa gặp gỡ loài người trong những tình huống lịch sử của chính họ:
  • 29. VÍ DỤ MỘT: Khi Con cái Ysơraên cuối cùng đã thoát khỏi các đội quân Pharaôn đuổi theo, và băng qua Biển đỏ, họ đã không tự hào về kế hoạch khôn khéo của chính mình. Trái lại, họ dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời là Đấng giải cứu họ khỏi kẻ thù. Sự giải thích biến cố đó tác động đến toàn bộ lịch sử về sau nầy của họ. Đức Chúa Trời đã giải cứu họ trong giờ phút hiểm nghèo; Ngài đã hành động ngay nơi họ đang có mặt, ở với họ trong giờ khủng hoảng. VÍ DỤ HAI: Nhiều thế kỷ sau đó cũng chính những người Ysơraên nầy đã bị đánh bại hoàn toàn bởi người Babylôn, bị bắt làm phu tù. Tuy nhiên ngay cả trong toàn bộ biến cố đau buồn của sự thất bại và lưu đày của mình họ vẫn có thể thấy Đức Chúa Trời đang bày tỏ chính mình Ngài, tỏ cho họ thấy hậu quả của việc họ không làm theo ý muốn Ngài. Họ đã khám phá Ngài đang khi làm việc, không phải bởi họ quay lưng lại với lịch sử, mà ngay giữa lịch sử. VÍ DỤ BA: Cuối cùng, khi Đức Chúa Trời mặc khải chính mình Ngài qua đời sống của một con người, thì điều nầy cũng đã xảy ra ngay nơi con người đang sống. Những lời ký thuật về sự ra đời của Chúa Jêsus nhắc nhở chúng ta về điều đó. Cơ hội nhìn thấy con trẻ Cứu Thế không được ban cho những người chăn chiên đang khi họ thực hiện một chuyến hành hương hoặc thậm chí khi họ đang ở trong nhà thờ, nhưng đang khi họ đang làm công việc thích hợp của mình, đó là chăn giữ bầy chiên. Cùng một tin mừng đã đến với những Nhà Thông thái ngay nơi họ ở, bận rộn với công việc thích hợp của họ, đó là quan sát bầu trời. Chúa Cứu Thế chính là một phần của lịch sử chúng ta. Ngài đã ra đời “trong đời vua Hêrốt trị vì.” Ngài đã chịu khổ “dưới tay Bônxơphilát.” Cuộc đời của Ngài đã được xác định niên đại. Những cuộc gặp gỡ giữa loài người và Đức Chúa Trời xảy ra ngay nơi con người sống, trên vũ đài lịch sử loài người. Lưu Ý Dành Cho Những Độc Giả Thận Trọng : Nhưng ở đây có một vấn đề rắc rối. Nhiều người bảo rằng: “Đức Chúa Trời mặc khải chính mình qua thiên nhiên , đó chính là nơi tôi tìm thấy Ngài.” Đúng là thế giới tự nhiên, công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời, cho chúng ta một số những dấu chỉ về tâm tánh của Đấng Tạo Hóa. “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời; bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm” (Thi Tv 19:1). Nhưng tác giả Thithiên lẫn các trước giả Thánh Kinh đều không hề dùng thiên nhiên để tranh luận về Đức Chúa Trời như thể nhờ thiên nhiên bạn có thể nhận biết Đức Chúa Trời theo đức tin Thánh Kinh là Đấng thế nào. Lấy thế giới tự nhiên để biện luận rằng “phải có” một Đức Chúa Trời, hoặc thiên nhiên ấy “chứng minh” sự tồn tại của Đức Chúa Trời, là mang lấy một công việc đáng nghi ngại. Bởi vì nếu thiên nhiên đem lại ánh hoàng hôn đáng yêu thì nó cũng mang lại ung thư, những trận bão lốc và những con cọp hung dữ